You are on page 1of 8

Bài 6

PHÁP LUẬT DÂN SỰ VÀ PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ


I. Pháp luật dân sự
1. Một số vấn đề chung của Luật dân sự
1.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự
Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự là nhóm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.
Quan hệ tài sản: Quan hệ tài sản là quan hệ giữa người với người thông qua một tài sản
dưới dạng tư liệu sản xuất hoặc tư liệu tiêu dùng hoặc dịch vụ chuyển, sửa chữa tài sản
đó trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng. Tài sản trong Luật dân sự bao gồm vật
có thực, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản như nhà ở, cổ phiếu, trái phiếu, tiền,,...
Quan hệ nhân thân: Quan hệ nhân thân là những quan hệ giữa người với người về
những lợi ích phi vật chất, không có giá trị kinh tế, không tính ra được thành tiền và
không thể chuyển giao và nó gắn liền với cá nhân, tổ chức nhất định. Quan hệ này ghi
nhận đặc tính riêng biệt và sự đánh giá của xã hội đối với cá nhân hay tổ chức.
Quan hệ nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự bao gồm quan hệ nhân
thân liên quan đến tài sản và quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản.
Quan hệ nhân thân liên quan đến tài sản nghĩa là các quan hệ nhân thân làm tiền đề
phát sinh quan hệ tài sản nó chỉ phát sinh trên cơ sở xác định được các quan hệ nhân
thân như: quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật,...
Quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản là những quan hệ giữa người với người
về những lợi ích tinh thần tồn tại một cách độc lập không liên quan gì đến tài sản như
quan hệ về tên gọi, quan hệ về danh dự của cá nhân.
1.2. Phương pháp điều chỉnh của Luật dân sự
Phương pháp điều chỉnh là những cách thức biện pháp mà nhà nước tác động đến các
các quan hệ tài sản, các quan hệ nhân thân làm cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi
hay chấm dứt theo ý chí của nhà nước.
Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, tất cả các đơn vị kinh tế
không phân biệt hình thức sở hữu đều hoạt động theo cơ chế tự chủ kinh doanh, cạnh
tranh và hợp tác với nhau, bình đẳng trước pháp luật, các chủ thể tham gia quan hệ tài
sản có địa vị pháp lý như nhau, độc lập với nhau về tổ chức và tài sản. Vì vậy, phương
pháp điều chỉnh của Luật dân sự là bình đẳng, thoả thuận và quyền tự định đoạt của các
chủ thể.
1.3. Định nghĩa Luật dân sự
Luật dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, là tổng hợp các
quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá - tiền tệ và
các quan hệ nhân thân trên cơ sở bình đẳng, độc lập, quyền tự định đoạt của các chủ thể
tham gia vào quan hệ đó.
2. Những chế định cụ thể của pháp luật dân sự
2.1. Chế định về quyền sở hữu
- Khái niệm quyền sở hữu: Quyền sở hữu là chỉ tổng hợp các qui phạm pháp luật do Nhà nước
ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định
đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.
Theo nghĩa khách quan, đó là toàn bộ các qui định của Nhà nước về vấn đề sở hữu. Quy định
về quyền sở hữu trong các ngành luật khác nhau.
Theo nghĩa chủ quan, đó là toàn bộ những hành vi mà chủ sở hữu được pháp luật cho phép
thực hiện trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản theo ý chí của mình. Quyền sở
hữu bao giờ cũng gắn liền với chủ thể nên được coi là loại quyền tuyệt đối.
Quyền sở hữu còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự bao gồm ba yếu tố: chủ thể,
khách thể và nội dung.
- Nội dung quyền sở hữu
+ Quyền chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp
như chủ thể có quyền đối với tài sản.
Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ
sở hữu. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài
sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Người được chủ sở hữu ủy
quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời
hạn do chủ sở hữu xác định.
Quyền chiếm hữu bao gồm hai loại: Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm
hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu; Chiếm hữu không
ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền
đối với tài sản đang chiếm hữu.
+ Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, nghĩa là chủ
sở hữu có quyền khai thác giá trị tài sản theo ý chí của mình bằng những cách thức khác nhau
nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất tinh thần của bản thân miễn là không gây thiệt hại và làm ảnh
hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Ngoài ra, pháp luật còn qui định người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay
tình cũng có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo qui định pháp
luật. Bởi lẽ, những người này họ hoàn toàn không biết mình đang chiếm hữu tài sản mà không
có căn cứ luật định.
+ Quyền định đoạt : Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền
sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy
định của pháp luật. Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ
quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với
quy định của pháp luật đối với tài sản. Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền
định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

2
Quyền định đoạt của chủ sở hữu bị hạn chế trong một số trường hợp sau: Khi tài sản đem
bán là di tích lịch sử, văn hoá thì Nhà nước Việt Nam có quyền ưu tiên mua.Trong trường hợp
pháp luật qui định quyền ưu tiên mua cho cá nhân, pháp nhân hay chủ thể khác đối với một tài
sản nhất định thì khi bán tài sản đó chủ sở hữu phải giành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể
đó (bán nhà đang cho thuê, bán tài sản chung của nhiều người).
Từng quyền năng trong nội dung quyền sở hữu có thể do chủ sở hữu hoặc người không phải
chủ sở hữu thực hiện, nhưng việc thực hiện không mang tính độc lập mà phụ thuộc vào ý chí
của chủ sở hữu, chỉ có chủ sở hữu mới có quyền thực hiện một cách độc lập không phụ thuộc
vào người khác. Cả ba quyền trên tạo thành một thể thống nhất trong nội dung quyền sở hữu,
có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng mỗi quyền năng lại mang một ý nghĩa khác nhau.
2.2. Chế định về quyền thừa kế
- Những quy định chung về thừa kế
Quyền thừa kế được hiểu là một chế định pháp luật dân sự (chế định thừa kế) bao gồm tổng
hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành quy định về thừa kế, về việc bảo vệ và điều
chỉnh, chuyển tài sản của người đã chết cho những người còn sống.
Quyền thừa kế của cá nhân là quyền dân sự được pháp luật ghi nhận bao gồm quyền hưởng
thừa kế và quyền để lại thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Chính vì vậy khái niệm quyền
thừa kế của cá nhân như sau: Quyền thừa kế của cá nhân là quyền để lại tài sản của mình theo
di chúc hoặc cho những người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo
pháp luật.
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và
còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa
kế. (Đ 613 BLDS).
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung
với người khác.
- Các phương thức thừa kế:
* Thừa kế theo di chúc
+ Khái niệm di chúc: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình
cho người khác sau khi chết.
+ Người lập di chúc có các quyền sau đây: Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản
của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần trong di sản
để di tặng, thờ cúng; Dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho
người thừa kế.; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. (Đ
626 BLDS).
+ Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 BLDS): Bộ luật dân sự quy
định những người sau đây vẫn hưởng di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo
pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập
di chúc cho hưởng hoặc chỉ cho hưởng ít hơn hai phần ba suất đó, bao gồm: Con chưa thành
niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên không có khả năng lao động.

3
+ Hình thức và nội dung của di chúc:
Hình thức của di chúc: Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc
bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc
bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
Di chúc bằng văn bản bao gồm: (Đ 628 BLDS) Di chúc bằng văn bản không có người làm
chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di
chúc bằng văn bản có chứng thực.
Di chúc miệng (Điều 629 BLDS): Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và
không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm
di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc
nhiên bị hủy bỏ. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí
cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng
thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời
hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải
được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm
chỉ của người làm chứng.
Di chúc bằng văn bản phải thể hiện các nội dung sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ tên
và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ tên cơ quan, tổ chức, người hưởng di sản; Di sản để
lại và nơi có di sản; Việc chỉ định thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Di chúc không được viết tắt hoặc bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang
phải đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc để tránh trường hợp tự
ý thay đổi nội dung di chúc bằng việc đánh tráo các trang không có chữ ký hoặc điểm chỉ trái
với ý chí của người lập di chúc.
* Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp
luật quy định.
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật (Đ 650): Không có di chúc; Di chúc không hợp
pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di
chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở
thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng
di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: Phần di sản
không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có
hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ
không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với
người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không
còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Diện thừa kế là pham vi những người có quyền hưởng di sản được xác định trên ba cơ sở
quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng giữa người để lại thừa kế và
người thừa kế.

4
Hàng thừa kế được pháp luật phân chia thành ba hàng như sau: (Đ 651 BLDS) Hàng thừa kế
thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng
thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, các cháu nội ngoại, anh chị em ruột của
người chết; Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; chắt nội ngoại của người
chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là
chú, bác, cô, dì, cậu (ruột).
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau. Những người ở hàng
thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu hàng thừa kế trước đó không còn ai do đã chết, do
không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản. Nếu cả
ba hnàg thừa kế đều không còn sống hoặc còn sống nhưng không đủ điều kiện hưởng thì di
sản thừa kế thuộc về nhà nước.
- Thừa kế thế vị (Đ 652 BLDS)
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người
để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn
sống; nếu cháu cũng chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha
hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trong trường hợp di sản được chia theo pháp luật. Nếu người
thừa kế theo di chúc mà chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc thì di chúc
không phát sinh hiệu lực và di sản chia theo pháp luật, lúc đó mới áp dụng quy định thừa kế
thế vị.
Cháu phải còn sống vào thời điểm ông bà chết, chắt phải còn sống vào thời điểm cụ chết
hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm ông bà (hoặc cụ chết) nhưng đã thành thai trước thời
điểm đó cũng được thừa kế thế vị.
Nếu có nhiều người thừa kế thế vị nhưng chỉ được hưởng phần di sản mà cha mẹ được hưởng
nếu còn sống.

II. Pháp luật tố tụng dân sự


1. Những quy định chung của pháp luật tố tụng dân sự
1.1. Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự
Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, khi giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự theo
thủ tục mà Luật tố tụng dân sự quy định thì sẽ xuất hiện những quan hệ giữa tòa án, viện kiểm
sát, cơ quan thi hành án với nhau, với các đương sự, với những người tham gia tố tụng khác.
Các quan hệ này được các chủ thể thực hiện trong khuôn khổ mà Luật tố tụng dân sự xác định
nhằm giải quyết các vụ việc dân sự. Hành vi của mỗi một chủ thể tham gia vào các quan hệ đó
đã được những quy phạm pháp luật tố tụng dân sự điều chỉnh, buộc các chủ thể này thực hiện
các quyền và nghĩa vụ nhất định. Các quan hệ phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án dân
sự và thi hành án dân sự chính là đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự.
Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự là các quan hệ xã hội phát sinh giữa tòa án
nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, đương sự và những người tham gia tố
tụng khác trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự.

5
1.2. Phương pháp điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự
Với các quy phạm pháp luật, Luật tố tụng dân sự đã tác động tới đối tượng điều chỉnh bằng
các phương pháp điều chỉnh sau đây:
Phương pháp quyền uy mệnh lệnh. Luật tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ phát sinh
trong tố tụng bằng phương pháp quyền uy mệnh lệnh thể hiện ở chỗ quy định địa vị pháp lý
của Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án và các chủ thể khác trong tố tụng không giống
nhau; các chủ thể khác đều phải phục tùng Tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án. Các
quyết định của Tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án có giá trị bắt buộc các chủ thể
khác phải thực hiện, nếu không sẽ bị cưỡng chế thực hiện. Quy định này xuất phát từ chức
năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan trên phải có những quyền lực pháp lý nhất định đối với
các chủ thể khác. Do đó, ở các quan hệ do Luật tố tụng dân sự điều chỉnh không có sự bình
đẳng giữa Tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án với các chủ thể khác.
Phương pháp "mềm dẻo - linh hoạt" dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng và tự
định đoạt của các đương sự. Phương pháp điều chỉnh này xuất phát từ các quan hệ pháp luật
nội dung mà Tòa án có nhiệm vu giải quyết trong các vụ việc dân sự là các quan hệ dân sự,
kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình. Các chủ thể của các quan hệ này có
quyền tự quyết định quyền lợi của mình khi tham gia vào các quan hệ đó. Trong vụ việc dân
sự, các chủ thể đó là đương sự. Do vậy, để bảo đảm quyền tự quyết định quyền lợi của các
đương sự trong tố tụng, Luật tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ giữa Tòa án với các đương
sự phát sinh trong quá trình tố tụng bằng phương pháp điều chỉnh này. Theo đó, các đương sự
được tự quyết định việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án. Khi có quyền, lợi
ích hợp pháp bị xâm hại hay tranh chấp các đương sự tự quyết định việc khởi kiện, yêu cầu
Tòa án giải quyết giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án
dân sự, các đương sự vẫn có thể thương lượng, dàn xếp, thỏa thuận giải quyết những vấn đê
tranh chấp, rút yêu cầu, rút đơn khởi kiện, tự thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án nữa.
Luật tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tố tụng bằng hai
phương pháp quyền uy mệnh lệnh và "mềm dẻo, linh hoạt", trong đó phương pháp điều chỉnh
chủ yếu là phương pháp quyền uy mệnh lệnh.
1.3. Định nghĩa Luật tố tụng dân sự.
Luật tố tụng dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm hệ thống
các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự.
2. Các thủ tục tố tụng
2.1. Thủ tục giải quyết vụ án dân sự
Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự: Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự là giai đoạn đầu tiên
của tố tụng dân sự, thông qua việc khởi kiện và thụ lý phát sinh vụ án dân sự tại Tòa án.
Quyền khởi kiện vụ án dân sự thuộc về cá nhân, tổ chức có quyền lợi bị xâm hại hoặc tranh
chấp. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì một số tổ chức xã hội cũng có quyền khởi kiện
vụ án dân sự tại Tòa án để bảo vệ lợi ích chung. Người khởi kiện phải làm đơn ghi rõ: họ tên,
địa chỉ của mình và của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nội dung của sự việc;
yêu cầu của mình và những lý lẽ chứng minh cho yêu cầu đó.

6
Sau khi Tòa án xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu nhận thấy đủ điều kiện
thụ lý thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí và tiến hành thụ lý vụ án bằng
việc ghi vào sổ thụ lý của Tòa án, từ đó phát sinh vụ án dân sự tại Tòa án. Hòa giải và chuẩn
bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là giai đoạn tố tụng, theo đó Tòa án lập hồ sơ vụ án trên cơ sở
các chứng cứ do các đương sự cung cấp, Tòa án chỉ thu thập các chứng cứ trong thời hạn luật
định. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, hôn nhân gia đình là bốn tháng kể từ khi
thụ lý (nếu gia hạn không quá hai tháng); đối với vụ án lao động, kinh doanh, thương mại là
hai tháng (nếu gia hạn không quá một tháng).
Hoà giải vụ án dân sự : Qua quá trình xem xét, đánh giá nội dung của vụ án, Tòa án phải
tiến hành hoà giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Đây là một
thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử, trừ những vụ án mà
theo quy định của pháp luật là không được hoà giải hoặc không hòa giải được. Nếu qua hoà
giải mà các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án lập biên
bản hoà giải thành và sau đó ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết
định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành, ngược lại Tòa án sẽ đưa vụ án ra
xét xử.
Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: Sau khi tiến hành hoà giải mà các đương sự không thỏa thuận
được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Phiên toà được tiến
hành với sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người
làm chứng, người phiên dịch, người giám định, trừ các trường hợp theo quy định của pháp luật.
Phiên toà sơ thẩm dân sự được tiến hành qua các thủ tục: thủ tục bắt đầu phiên toà, thủ tục
hỏi tại phiên toà, thủ tục tranh luận tại phiên toà và sau đó tiến hành nghị án và tuyên án. Hội
đồng xét xử nghị án trong phòng riêng, các thành viên của Hội đồng xét xử thảo luận và quyết
định giải quyết vụ án theo đa số. Khi tuyên án, Chủ toạ phiên toà giải thích thêm cho các đương
sự quyền kháng cáo của họ.
Xét xử phúc thẩm vụ án dân sự: Phúc thẩm dân sự là một giai đoạn tố tụng mà thực chất là
Tòa án cấp trên xét lại bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị
kháng cáo, kháng nghị. Trình tự tiến hành phiên toà phúc thẩm về cơ bản cũng như phiên toà
sơ thẩm. Khi phúc thẩm các bản án, quyết định, Tòa án phúc thẩm có quyền: giữ nguyên bản
án, sửa bản án sơ thẩm, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm
giải quyêtư vụ án hoặc hủy bản án và đình chỉ giải quyết vụ án. Bản án, quyết định phúc thẩm
có hiệu lực thi hành ngay sau khi tuyên.
Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm: Giám đốc thẩm, tái thẩm là một giai đoạn tố tụng đặc
biệt, trong đó Tòa án có thẩm quyền xét xử lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật
bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hoặc vì phát
hiện được những tình tiết mới quan trọng làm thay đổi nội dung vụ án.
Thi hành án dân sự: Thi hành án dân sự là giai đoạn kết thúc của quá trình tố tụng, trong
đó các bản án, quyết định của Tòa án phải được thi hành. Thi hành án đảm bảo hiệu lực của
bản án, quyết định dân sự của Tòa án, bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo hộ các quyền, lợi ích
hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

7
2.2. Thủ tục giải quyết việc dân sự
Việc dân sự là những yêu cầu của các chủ thể (không có tranh chấp) như yêu cầu Tòa
án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, tuyên bố mất tích,… nên tiến hành theo thủ tục
tố tụng riêng (không tiến hành hòa giải, việc giải quyết do một Thẩm phán thực hiện, Thẩm
phán mở phiên họp giải quyết chứ không phải mở phiên tòa xét xử,…)

You might also like