You are on page 1of 6

ĐỀ BÀI : Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật

Mị trong đoạn văn trên sau :


“Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn… A Phủ cho tôi đi”
Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo mới mẻ của Tô Hoài trong
đoạn trích.

Bài làm :
Sứ mệnh cao cả của nhà văn là phản ánh về cuộc sống và ca ngợi
vẻ đẹp vĩnh cửu của sức sống, của tình yêu thương con người. Tô Hoài
trong hành trình “nói ra sự thật” cũng đã khẳng định được sứ mệnh cao cả
ấy khi viết về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của những con người lao động
miền Tây Bắc. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm tiêu biểu và
thành công xuất sắc nhất của Tô Hoài khi viết về cuộc sống của những
con người vùng cao. Đặc biệt ở đó, nhà văn đã khắc họa và ca ngợi nổi
bật về diễn biến tâm trạng, hành động và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt
của nhân vật Mị qua đoạn trích : “Những đêm mùa đông … A Phủ cho tôi
đi”. Từ đó, nhà văn đã khẳng định bút lực dồi dào, văn phong tài hoa và
tư tưởng nhân đạo mới mẻ, sâu sắc của tác phẩm. 
Suốt cuộc đời cầm bút, Tô Hoài luôn chứng tỏ là nhà văn có sức
viết dồi dào và rất có duyên để viết về đề tài miền Tây Bắc hoa vàng. Và
trong mỗi tác phẩm của mình, nhà văn luôn thể hiện vốn hiểu biết phong
phú về đời sống xã hội, văn hóa và phong tục của người dân vùng cao.
Năm 1952, Tô Hoài có chuyến đi thực tế 8 tháng cùng bộ đội vào giải
phóng Tây Bắc. Chuyến đi này đã giúp tác giả có thêm vốn hiểu biết về
cuộc sống và con người miền núi nơi đây. Chính tình cảm sâu nặng ấy đã
trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhà văn sáng tác nên thiên truyện
ngắn “Vợ chồng A Phủ”, được in trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953).
Truyện ngắn là thành công mang tính “khai phá” của Tô Hoài khi viết về
đề tài miền núi trong văn học cách mạng. Thông qua đó, nhà văn đã phản
ánh chân thực cuộc sống, số phận của những con người vùng cao trong sự
áp bức, bóc lột cùng cực của chế độ phong kiến miền núi Tây Bắc. Đồng
thời, Tô Hoài cũng khẳng định tấm lòng yêu thương, sự trân trọng, ngợi
ca về vẻ đẹp tâm hồn cùng sức sống và khát vọng vùng dậy cao đẹp để đi
theo con đường cách mạng của họ. 
Hình tượng nhân vật là linh hồn trong tác phẩm tự sự, gắn liền với
sự sáng tạo, tìm tòi của nhà văn khi cầm bút. Thông qua nhân vật, nhà
văn thể hiện tư tưởng và phong cách nghệ thuật độc đáo của mình. Nhân
vật trở thành cầu nối để nhà văn đối thoại với bạn đọc. Trong truyện ngắn
“Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài cũng đã khắc họa thành công hình tượng
nhân vật Mị với số phận đau khổ, bất hạnh điển hình cho số phận của
người phụ nữ, của những con người lao động Tây Bắc. Ngày trước, Mị
từng là một cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, thổi lá giỏi và đặc biệt hiếu
thảo. Tuy nhiên, cha Mị nợ thống lí Pá Tra món nợ “truyền kiếp”. Thống
lí muốn bắt Mị về làm con dâu gạt nợ cho nhà hắn. Rồi Mị bị A Sử bắt về
“trình ma” nhà nó. Dù Mị có tiếp tục phản kháng quyết liệt bằng cách bỏ
trốn về nhà để gặp cha lần cuối và định ăn lá ngón tự tử, nhưng vì thương
cha, Mị không thể chết, chấp nhận làm con dâu và chịu đựng tủi nhục ở
nhà thống lí… Sau số phận đau khổ, bất hạnh, Mị thể hiện sức sống tiềm
tàng mãnh liệt trong đêm đông khi cắt dây trói cho A Phủ. Tô Hoài đã
dành trọn những trang viết đặc sắc để ca ngợi sức sống của Mị, xứng
đáng là một tuyệt bút trên trang văn của tác giả. 
Những đêm mùa đông giá lạnh trên đỉnh núi cao, Mị thường dậy
thổi lửa và hơ tay, hơ lưng như một thói quen, và đó cũng là lúc Mị sống
trong sự thờ ơ, héo mòn, đau khổ, tủi nhục khi cái áp bức, cái bóc lột của
cường quyền gặm nhấm tâm hồn. Tâm hồn Mị giờ đây cũng giống như
biết bao phận phụ nữ khác nơi vùng cao Tây Bắc. Họ đang quằn quại,
đang phải cắn răng sống trong kiếp đời đầy bi kịch, bất hạnh vô thủy vô
chung. Nhưng mãi cho đến khi Mị chứng kiến “một dòng nước mắt lấp
lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ, Mị mới thực sự
hồi sinh trong tâm hồn cùng sự trỗi dậy tình thương người và thức tỉnh để
nhận ra sự độc ác, bất công của cha con thống lí. Chính dòng nước mắt ấy
đã lay thức cái tình cảm yêu thương con người, tình cảm nhân đạo tưởng
chừng như đã biến mất trong tâm hồn người “con dâu gạt nợ” chẳng bằng
con trâu con ngựa nhà thống lí Pá Tra. Dường như đối với Tô Hoài, cũng
như biết bao người lao động nghệ thuật theo đuổi cái gọi là nhân đạo
trong văn học, dòng nước mắt có ý nghĩa đặc biệt lớn lao. Nó góp phần
thức tỉnh, thanh lọc và cảm hóa tâm hồn con người. Nó giúp con người ta
hướng thiện và sống trong niềm đồng cảm, thương yêu con người. Sự
xuất hiện của chi tiết dòng nước mắt lặng lẽ của A Phủ như một chất xúc
tác trên trang văn của Tô Hoài để không chỉ tạo sức thuyết phục cho
người đọc về sự hồi sinh tâm hồn lẫn tình người, về tiền đề cho hành
động cắt dây trói cho A Phủ sau này của Mị, mà còn thể hiện chiều sâu và
triết lý nhân đạo trong nghệ thuật truyện ngắn của Tô Hoài. Đối với một
người đàn ông vốn mạnh mẽ, kiên cường và mang màu tự do của núi
rừng Tây Bắc như A Phủ, dòng nước mắt đầy bất lực, đau khổ trong đêm
đông ấy đã gián tiếp tố cáo sự bất công, áp bức bóc lột một cách vô lý,
tàn bạo của cường quyền, của thần quyền và phong kiến miền núi. Để rồi
khi Mị cảm nhận được nỗi đau ấy từ con người có chung số phận với
mình, Mị khẳng định sự đồng cảm và trỗi dậy tình thương người - thứ
tình cảm tưởng chừng như khuất lấp trong tâm hồn của người con dâu gạt
nợ nhà thống lý… Như vậy, Tô Hoài đã lấy tình thương người để ca ngợi
và lí giải sự thay đổi trong tâm trạng và hành động của Mị. 
     Khi có tình thương người, Mị biết thương mình, rồi “chợt nhớ
lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều
lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi
được”. Những ngày tháng bị A Sử trói đứng, đánh đập dã man và hành hạ
về cả thể xác lẫn tâm hồn hiện về vẹn nguyên trong tâm trí Mị. Nỗi đau
ấy dần trở nên nhức nhối, thao thức, cay đắng và chân thật đến độ những
tưởng Mị đang sống lại những ngày tháng tủi nhục. Sự ý thức về nỗi đau
đớn, bất hạnh và tâm trạng này là minh chứng khẳng định Mị không còn
sống một cách vô cảm với chính bản thân mình, với cuộc đời mình. Đây
cũng là sự báo hiệu cho sự thức tỉnh, cho sự trỗi dậy mãnh liệt trong tâm
hồn Mị. Và rồi có tình thương để xót thương cho mình, Mị đã biết đồng
cảm, quan tâm đến những người đàn bà cùng cảnh ngộ. Trong tâm trí Mị
giờ đây đã thôi nghĩ về những đau khổ, bất hạnh của mình mà thay vào
đó là hình ảnh “người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này” bị “bắt trói
đến chết”. Rõ ràng, Mị đã có một sự thay đổi mang tính tất yếu trong
nhận thức : từ biết ý thức, yêu thương bản thân đến sự đồng cảm, yêu
thương những người xung quanh mình. Mị thấu hiểu được nỗi bất hạnh
tột cùng của phận đàn bà bị trói đứng đến chết ở nhà thống lí. Đến đây,
nhà văn đã tuân thủ chặt chẽ quy luật tình thương và chứng tỏ sự am hiểu
sâu sắc về tâm lý và tính cách nhân vật. Bởi lẽ Mị phải biết thương cảm
cho những người đàn bà đến những người gần gũi với mình, thì mới biết
thương cảm đến người khác. Sức sống mãnh liệt trong tâm hồn Mị cứ
như vậy được Tô Hoài ca ngợi một cách tự nhiên, thuyết phục nhất.
Chính sự thức tỉnh tình thương trong tâm hồn Mị mang một ý nghĩa rất to
lớn giúp cho Mị sống trong niềm khát vọng sống mãnh liệt, đồng thời còn
tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để giúp cho Mị hướng tới những hành
động sau này. 
     Từ tình thương, nỗi niềm đồng cảm với số phận bất hạnh, đau
khổ của chính mình và cả những “người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà
này”, Mị đã thể hiện sự căm giận đến tột cùng để tố cáo tội ác dã man của
cha con thống lí Pá Tra : “Chúng nó thật độc ác”. Ngày trước, mỗi khi bị
cha con thống lí đày đọa, hành hạ dã man, tàn bạo, Mị chỉ biết nghĩ đến
cái chết như một con đường duy nhất để giải thoát cho chính mình, cho
cái số phận nghiệt ngã đến đớn đau kia. Nhưng hiện tại, Mị đã dám lên án
tội ác của cha con chúng. Không chỉ vậy, Mị còn nhận ra sự vô lý, bất
công mà những người như Mị, như A Phủ phải chịu đựng : “Người kia
việc gì mà phải chết thế”. Càng nghĩ, Mị càng ý thức được một cách rõ
nét hơn tội ác dã man, vô lý của bọn phong kiến miền núi Tây Bắc. Tất cả
đã chứng tỏ một sự thay đổi to lớn trong tình cảm, nhận thức sâu sắc của
Mị trong đêm đông dài trên đỉnh núi lạnh lẽo. Đây cũng là một bước
chuẩn bị quan trọng cho sự vùng dậy mang tính tất yếu của Mị sau này. 
     Từ những chuyển biến trong tâm trạng, tình cảm và nhận thức,
Mị khẳng định khát vọng vùng dậy, khát vọng sống mãnh liệt trong tâm
hồn đề giải thoát cho A Phủ, cho chính mình và đi theo con đường cách
mạng. Khi đã chẳng còn e ngại và sợ hãi trước tội ác tàn bạo, dã man của
cha con thống lí Pá Tra, Mị cũng chẳng còn sợ cái chết. Mị bắt đầu nghĩ
đến viễn cảnh rằng nếu cắt dây trói cho A Phủ, cha con thống lí sẽ trói Mị
thay vào đó cho đến chết : “Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong
tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ”… Tô Hoài như đã hóa
thân vào nhân vật trên trang văn của mình để dần đi sâu vào thế giới nội
tâm tinh vi của con người, để khắc họa và ca ngợi một cách chân thực,
sâu sắc những diễn biến tâm lý và xúc cảm chân thật của nhân vật nghệ
thuật trên trang văn của mình. Những dòng suy nghĩ cùng ý thức của Mị
là minh chứng thuyết phục cho một sự thay đổi. Mị không sợ cái chết
cũng là để khẳng định rằng mình không còn sợ tội ác của cha con thống
lí, rằng Mị trong giây phút này đã dám phản kháng một cách quyết liệt
trước sự tàn độc của chúng. Rõ ràng cái chết và tội ác dã man, đọa đày
của nhà thống lí Pá Tra, của bọn phong kiến miền núi đã chẳng thể áp
bức, trói buộc được tâm hồn khao khát hướng thiện và hướng tự do cũng
như những suy nghĩ lẫn tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn Mị. Nhà văn Tô
Hoài đã thực sự có một sự lí giải thuyết phục, biện chứng khi khắc họa
đời sống nội tâm và hành động của Mị để từ đây, Mị đã cắt dây trói cho A
Phủ : “Mị rón rén bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây
mây”. Mị cắt dây trói cho A Phủ, giải thoát cho A Phủ cũng là tự giải
thoát cho chính mình. Mị đã không còn chấp nhận thân phận nô lệ bị đày
đọa, áp bức, chà đạp ở nhà thống lí. Từ đồng cảm với số phận đau khổ bất
hạnh, yêu thương với chính mình, với những người xung quanh đã tạo
thành nguồn sức mạnh cho hành động cắt dây trói cho A Phủ của Mị. Mị
đã trực tiếp khẳng định một quy luật tất yếu của những người nông dân
lao động bị áp bức, bóc lột : Có áp bức phải có đấu tranh, tức nước thì vỡ
bờ... Giây phút Mị cắt dây trói và giải thoát cho A Phủ là đỉnh cao của
sức sống mãnh liệt, của khát vọng tự giải thoát để được sống tự do, tốt
đẹp ở phía trước. Nếu trong đêm tình mùa xuân, sức sống mãnh liệt của
Mị chỉ là những biểu hiện trong nhận thức thì giờ đây, nó đã được thể
hiện một cách tự nhiên, thuyết phục bằng hành động. Tô Hoài đã ca ngợi
về sức sống và khát vọng sống cao đẹp của Mị bằng tất cả tình cảm yêu
thương và tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Nhà văn muốn chứng tỏ cho người
đọc về vẻ đẹp tâm hồn, về sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam
trên mọi miền đất nước, lấp lánh giá trị nhân văn cao đẹp. 
     Khi thấy A Phủ vùng dậy bỏ chạy, Mị lại sợ chết và mong muốn
chạy theo A Phủ : “A Phủ cho tôi đi... Ở đây thì chết mất”. Câu nói ấy và
những mong muốn này của Mị không hề mâu thuẫn trong tâm lý, tính
cách nhân vật mà chỉ là biểu hiện tự nhiên, chân thực nhất của lòng ham
sống, khát khao được sống tốt đẹp. Đã từng có người cho rằng : “Số phận
là hòn đá bay từ phía trước, còn số mệnh lại là hòn đá bay từ đằng sau”.
Rõ ràng số mệnh là điều con người ta không thể tránh khỏi, nhưng số
phận lại là một điều mà con người ta phải vùng dậy đấu tranh như một lẽ
tất yếu của quy luật cuộc sống. Đã đến lúc Mị hiểu rằng cần phải thoát
khỏi sự trói buộc, áp bức của cha con thống lí để hướng tới một cuộc
sống tốt đẹp, tự do. Mị giờ đây đã ý thức được sâu sắc hơn bất cứ lúc nào
hết những khát khao được sống trong tâm hồn mình. 
     Trong dòng chảy của văn học Việt Nam, ta nhận thấy rằng trước
Cách mạng tháng Tám, Nam Cao cũng từng rất thành công khi viết về bi
kịch và sự thức tỉnh tốt đẹp của người nông dân trong kiệt tác “Chí
Phèo”. Có thể nhận ra, Nam Cao và Tô Hoài đều xót thương và đồng cảm
cho nhân vật của mình. Hai nhà văn đều ca ngợi sự hồi sinh về nhân tính
cũng như khát vọng sống mãnh liệt của con người. Từ đó, nhà văn cất lên
tiếng nói phê phán gay gắt xã hội phong kiến thối nát. Mỗi nhà văn đều
có cách sáng tạo riêng, nhưng khi viết về người lao động, họ luôn tập
trung bút lực của mình vào vẻ đẹp tiềm tàng của nhân vật. 
     Qua đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung, nhà văn đã
khẳng định được bút lực dồi dào, văn phong tài hoa và phong cách nghệ
thuật viết truyện ngắn đặc sắc, độc đáo của mình với nổi bật là ngòi bút
miêu tả tâm lý và đời sống nội tâm  nhân vật bậc thầy, sắc sảo, tinh tế và
hết sức thuyết phục. Không chỉ vậy, Tô Hoài còn sử dụng nghệ thuật xây
dựng nhân vật riêng sống động, có cá tính, tiêu biểu cho những con người
lao động giản dị đời thường nơi vùng cao Tây Bắc. Truyện ngắn “Vợ
chồng A Phủ” xứng đáng là một kiệt tác trong nền văn xuôi của dân tộc
khi đã đặt ra một vấn đề mang tính định hướng sâu sắc cho thời đại, cho
sự tự do hạnh phúc vĩnh cửu của những con người lao động ngày ngày
phải chịu sự áp bức, bóc lột và hành hạ đến kiệt quệ, đến đánh mất những
giá trị tốt đẹp của bản thân. Dường như sau Cách mạng, sau cái thời buổi
mà đất nước đã giành được độc lập dân chủ, ở đâu đó vẫn tồn tại những
số phận bị trói buộc, chà đạp. Nhà văn đã hướng tâm hồn cảm thụ văn
chương nghệ thuật đến sự thấu cảm những nỗi đau của họ, đồng thời
khẳng định tấm lòng yêu thương, niềm trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp tâm
hồn, sức sống và khát vọng vùng dậy cao đẹp hướng tới con đường Cách
mạng của họ. Thông qua đó, ngòi bút hiện thực cách mạng và giá trị nhân
đạo sâu sắc từ tác phẩm đã nâng cái đẹp của cuộc sống và con người vượt
lên trên cái tăm tối, đau khổ, đem đến những rung cảm cao đẹp cho người
đọc...
Những năm sau Cách mạng tháng Tám, truyện ngắn “Vợ chồng A
Phủ” xuất hiện trong nền văn học Việt Nam như một bản đồng dao của
núi rừng Tây Bắc với những “nốt nhạc” mang giá trị tư tưởng gắn liền
với thời đại, với cuộc sống của những con người lao động, nổi bật nhất là
giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Trong thế giới cảm quan văn chương,
giá trị nhân đạo là tình cảm yêu thương giữa con người với con người, là
tình cảm tốt đẹp trong văn học và trong xã hội... Đối với một cây bút dồi
dào và luôn khát khao đổi mới như Tô Hoài, khi bắt gặp đời sống của
những con người lao động miền cao Tây Bắc, nhà văn chọn cách tiếp cận
và đào sâu hơn vào cuộc đời số phận, vào đời sống nội tâm của họ dưới
sự áp bức của phong kiến miền núi và sức ép của xã hội sau những
chuyển biến mang tính thời đại. Cái nhân đạo tưởng chừng quen thuộc
trong nền văn xuôi dân tộc lại được đưa vào ngòi bút của Tô Hoài như
một “loại mực” mới mẻ. Qua hình tượng nhân vật Mị, nhà văn thể hiện
niềm đồng cảm, xót thương cho những người phụ nữ, cũng như người
dân lao động gặp nhiều đau khổ, bất hạnh khi không được sống một cuộc
đời tự do, hạnh phúc. Đồng thời tố cáo, lên án đanh thép chế độ phong
kiến miền núi lạc hậu đã mặc sức áp bức, chà đạp quyền được sống của
con người bằng cả cường quyền và thần quyền. Từ nỗi niềm thấu cảm
cho số phận đau khổ của người dân vùng cao, Tô Hoài khẳng định sự trân
trọng, ngợi ca sức sống tiềm tàng, mãnh liệt và khát vọng vùng dậy cao
đẹp để đi theo con đường du kích, đi theo cách mạng của những con
người lao động miền Tây Bắc. Đó chính là tư tưởng nhân đạo đầy sâu
sắc, mới mẻ xuyên suốt tác phẩm, xuyên suốt thời đại của nhà văn.
Sự hồi sinh trong tâm hồn của Mị qua diễn biến tâm trạng và hành
động trong đêm đông đã góp phần khiến cho Tô Hoài, một nhà văn chân
chính, trở thành “kẻ nâng giấc mơ”, nâng đôi cánh của bản chất thuần
lương, đôi cánh của khát vọng bay cao. Và nhà văn, cũng như truyện
ngắn “Vợ chồng A Phủ” đã nâng bước cho cả những đôi chân đang mệt
mỏi, tuyệt vọng ngoài kia, truyền cho người đọc sức mạnh tinh thần để
tiếp tục sống, tiếp tục ngắm nhìn và cảm nhận cuộc đời dù là trong gian
khó, đúng như Nguyễn Khải đã từng viết : “Sự sống nảy sinh từ trong cái
chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có
con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh
để bước qua những ranh giới ấy”.

You might also like