You are on page 1of 1

Kiến nghị

Nhìn chung, dịch vụ logistics đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng của
mình trong sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế Việt Nam. Có thể
thấy người tham gia mua sắm trực tuyến ngày càng tăng thì nhu cầu giao hàng của
ngành thương mại điện tử luôn luôn là cần thiết và điều đó đã chứng minh rằng
dịch vụ logistics trong thương mại điện tử là rất quan trọng và không thể thiếu. Và
để có thể đáp ứng được các nhu cầu đó cũng như có thể tạo điều kiện cho dịch vụ
logistics ở Việt Nam phát triển thì cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn
chỉnh, đầy đủ và phù hợp. Qua nghiên cứu về các hạn chế của pháp luật Việt Nam
về dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại điện tử thì chúng em có một số
kiến nghị như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các khái niệm có liên quan đến dịch vụ E-logistics. Khái niệm
E-logistics có thể định nghĩa “E-logistics là toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ
việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng thông qua các giao dịch
điện tử”. Vì E-logistics là một loại dịch vụ hậu cần được thực hiện thông qua môi
trường Internet, có độ phủ rộng hơn, mặt hàng đa dạng, thường yêu cầu thời gian
giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi, có những khác biệt rất lớn với
logistics truyền thống.
Thứ hai, đề nghị sớm tiến hành điều chỉnh bổ sung Luật Thương mại 2005 để có
các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics. Cần đưa
thêm các nội dung liên quan như thương mại điện tử, logistics điện tử.
Thứ ba, hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics. Cần phải rà
soát và sửa đổi các văn bản pháp luật để quy định cho thống nhất và có hệ thống.
Đồng thời cần phân loại rõ ràng các hoạt động logistics thành hai loại: hoạt động
logistics truyền thống và E-logistics.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về thẩm quyền quản lý dịch vụ logistics nhằm bảo
đảm sự kiểm soát hoạt động này từ phía cơ quan nhà nước, đồng thời tránh tình
trạng chồng chéo giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý. Việc này sẽ giúp cho
hoạt động quản lý đạt hiệu quả cao hơn góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam.

You might also like