You are on page 1of 8

ĐỀ TÀI: TÁC ĐỘNG CỦA FDI THEO NHÓM NGÀNH ĐẾN TĂNG

TRƯỞNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với các nước
đang phát triển. Các nghiên cứu chỉ ra rằng FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn bằng
việc đóng góp vào nguồn vốn của nước chủ nhà, hỗ trợ đầu tư nguồn nhân lực, chuyển giao
công nghệ và đẩy mạnh hội nhập thương mại quốc tế.

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế thông qua tăng cường trao đổi
thương mại quốc tế cũng như đón nhận những nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Kể từ đó, nên
kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, mức sống người dân được cải thiện rõ
rệt và Việt Nam từ một quốc gia kém phát triển được xếp vào nhóm các quốc gia có thu
nhập trung bình. Kết quả này đạt được một phần nhờ vào nguồn vốn FDI với những đóng
góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu
tư (2018), kể từ khi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào năm 1987,
khu vực FDI đã đóng góp 27,7% vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp
FDI cũng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khi 58,2% vốn đầu tư nước ngoài tập trung
vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp,
giúp hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí,
điện tử, công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nhất định đã đạt được, nhiều ý kiến cho rằng
Việt Nam vẫn chưa tận dụng tối đa được những cơ hội và lợi ích mà đầu tư trực tiếp nước
ngoài có thể mang lại. Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam còn nhiều biến động, tỷ lệ FDI
thực hiện so với vốn đăng ký còn thấp, hiệu ứng lan tỏa công nghệ chưa thực sự rõ rêt.
Trước tình trạng trên, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách tăng hiệu quả sử dụng nguồn
vốn FDI, đặc biệt ngay từ đầu cần có chiến lược thu hút đầu tư vào những ngành thực sự
mang lại tác động rõ rệt để có thể thu lợi từ FDI (Nguyễn Đình Cung, 2017).

1
Từ thực tế nói trên cũng như trong bối cảnh cơ cấu FDI theo ngành tại Việt Nam
đang dần dịch chuyển theo thời gian, tác giả nhận thấy việc tìm hiểu tác động thực tế của
từng nhóm ngành đến nền kinh tế Việt Nam là vô cùng cần thiết. Đề tài khóa luận “Tác
động của FDI theo nhóm ngành đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam” nghiên cứu sâu
về tác động của FDI trong 3 nhóm ngành chính tại Việt Nam (nông-lâm-ngư nghiệp, công
nghiệp và dịch vụ) đến nền kinh tế, từ đó đánh giá chính xác vai trò của FDI và đề xuất
những chiến lược phù hợp nhằm thu hút nguồn vốn FDI một cách hiệu quả, mang lại những
lợi ích cho kinh tế Việt Nam.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

2.1 Tổng quan các lý thuyết về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế

Trên thế giới đã có khá nhiều nghiên cứu sử dụng mô hình định lượng để đánh giá
tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nhiều nghiên cứu tìm ra mối quan hệ
tích cực và rõ ràng giữa FDI và sự tăng trưởng kinh tế dựa trên hai mô hình lý thuyết chính:
lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh và lý thuyết tăng trưởng nội sinh.

Theo lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh hoặc lý thuyết tân cổ điển được phát triển bởi
Solow (1956 và 1957), tăng trưởng kinh tế là kết quả của sự tích tụ các yếu tố sản xuất
ngoại sinh như vốn và lao động. Mô hình ngoại sinh thường áp dụng hàm sản xuất của
Cobb-Douglas (Cobb và Douglas, 1928) với các yếu tố đầu vào là vốn trong nước và nước
ngoài, lao động và tiến bộ công nghệ theo thời gian. Mô hình này cho thấy yếu tố vốn góp
phần trực tiếp vào sự tăng trưởng kinh tế một mức tương ứng với tỷ trọng vốn của quốc
gia. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng cũng phụ thuộc vào lực lượng công nghệ và trình độ phát
triển công nghệ. Dựa theo lý thuyết này, De Jager (2004) cho rằng FDI sẽ mang tới những
công nghệ mới, giúp gia tăng lực lượng lao động và hiệu quả vốn. Herzer và cộng sự (2008)
đưa ra kết luận FDI tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bằng cách gián tiếp thúc đẩy đầu tư trong
nước. Nhìn chung, các nghiên cứu theo mô hình tân cổ điển chỉ ra rằng FDI tác động trực
tiếp đến tăng trưởng kinh tế thông qua sự tích lũy vốn, sự ra đời của hàng hóa mới và công
nghệ nước ngoài.

2
Khác với lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh cho rằng những tiến bộ công nghệ là ngoại
sinh, lý thuyết tăng trưởng nội sinh hoặc lý thuyết tăng trưởng mới cho rằng tăng trưởng
kinh tế là kết quả của hai yếu tố: vốn lao động và tiến bộ công nghệ, trong đó yếu tố công
nghệ là nội sinh (Romer, 1986, 1990 and 1994). Lý thuyết này giả định rằng tiến bộ công
nghệ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra những ngoại ứng bù đắp cho quy
luật hiệu suất giảm dần (Romer, 1990). FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua quá
trình chuyển giao công nghệ và kỹ năng mà nó mang lại.

Một trong những nghiên cứu áp dụng lý thuyết tăng trưởng nội sinh là nghiên cứu
của Balasubramanyam và cộng sự (1996) về tác động của FDI đến sự tăng trưởng kinh tế
tại các nước đang phát triển giai đoạn 1985 – 1970 dựa theo lý thuyết tăng trưởng mới. Kết
quả hồi quy dữ liệu chéo cho thấy FDI có tác động tích cực đến những nước chủ nhà áp
dụng chính sách thúc đẩy xuất khẩu thay vì những nước áp dụng chính sách thay thế nhập
khẩu. Mô hình trong nghiên cứu này được rút ra từ hàm sản xuất trong đó FDI là một đầu
vào cùng với lao động, vốn và xuất khẩu: Y = g(L,K,F,X,t). FDI là động lực phát triển vốn
con người và công nghệ mới cho các nước phát triển, vì vậy biến FDI được đưa vào hàm
sản xuất, thể hiện cho các yếu tố ngoại ứng và tác động lan tỏa mà nó mang lại.

Có thể thấy có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng FDI có tác động tích cực đến tăng
trưởng kinh tế, tuy nhiên mức độ lan tỏa còn phụ thuộc vào những điều kiện của nước chủ
nhà như mức thu nhập của người dân (Blomstrom và cộng sự, 1994), nguồn nhân lực
(Borensztein và cộng sự, 1998) hay chính sách thương mại và sự ổn định về mặt vĩ mô
(Zhang, 2001). Cụ thể, nghiên cứu của Blomstrom và cộng sự (1994) cho thấy FDI tác
động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế tại một số nước có thu nhập trên một ngưỡng nhất
định. Nhóm tác giả đã giải thích rằng chỉ những quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập
nhất định mới có thể tiếp nhận công nghệ mới và thu được những lợi ích kinh tế mà nó
mang lại. Borensztein và cộng sự (1998) cũng cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao
giúp thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ mà FDI mang lại, tạo động lực để phát triển
kinh tế.

3
Cho kết quả trái ngược với những nghiên cứu nêu trên, nghiên cứu của Changwen
Zhao và Jiang Du (2007) về mối quan hệ giữa FDI với sự phát triển kinh tế tại Trung Quốc
chỉ ra rằng FDI không có tác động đến phát triển kinh tế mà ngược lại, sự phát triển kinh
tế lại có tác động tích cực trong việc thu hút FDI. Một nghiên cứu khác của Mencinger
(2003) về vai trò của FDI tới tăng trưởng của 8 nước có nền kinh tế chuyển đổi ở Đông Âu
giai đoạn 1994-2001 cũng cho thấy FDI làm giảm khả năng bắt kịp về tăng trưởng của các
nước này với EU. Nguyên nhân có thể là do quy mô nhỏ của các nền kinh tế này và FDI
quá tập trung vào thương mại và tài chính nên đã làm giảm tác động lan tỏa về năng suất
trong các ngành kinh tế nói chung. Nghiên cứu của Bende - Nabende và cộng sự (2003)
phát hiện FDI có tác động đáng kể đối với các nước kém phát triển ở châu Á như
Philippines và Thái Lan, nhưng đóng một vai trò tiêu cực trong các quốc gia phát triển như
Nhật và Đài Loan. Như vậy, có thể thấy FDI vẫn có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh
tế tùy vào điều kiện tại từng quốc gia được nghiên cứu.

Bên cạnh lượng vốn FDI mà nước chủ nhà tiếp nhận, việc tiếp nhận vào ngành hay
khu vực kinh tế nào để có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao nhất cũng vô cùng
quan trọng. Trong đó, các nghiên cứu vận dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas hoặc lý thuyết
nội sinh để xây dựng mô hình hồi quy và thêm vào các biến riêng cho FDI trong từng lĩnh
vực. Nhìn chung, các nghiên cứu về khía cạnh này của Wang (2002) và Alfaro (2003) đều
thống nhất rằng dòng vốn FDI vào các ngành thuộc khu vực I mang lại tác động tiêu cực,
khu vực II mang lại tác động tiêu cực, khu vực III mang lại tác động tiêu cực hoặc chưa rõ
ràng đối với nền kinh tế. Giải thích cho kết luận trên, Dilek Aykut cho rằng những ngành
thuộc khu vực II thường có liên kết chặt chẽ với nền kinh tế thông qua việc tạo việc làm,
sử dụng các sản phẩm trung gian nội địa hay gia tăng xuất khẩu nên đem lại tác động đáng
kể. Ngược lại, các FDI vào khu vực I thường đổ vào những dự án lớn và những dự án này
ít khi sử dụng đến các sản phẩm trung gian nội địa. FDI vào khu vực III tạo ra những tác
động tích cực đến các lĩnh vực khác, tuy nhiên chúng lại có thể tạo ra hiệu ứng lấn át và
làm giảm các nguồn vốn trong nước do cấu trúc thị trường cạnh tranh.

4
Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu đưa ra kết quả khác. Miteski (2017) cho rằng FDI
vào ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi những
ngành dịch vụ như tài chính bảo hiểm, bất động sản, bán lẻ hay vận tải đều đóng góp đáng
kể vào nền kinh tế của những nước được nghiên cứu.

2.1 Tổng quan các nghiên cứu về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế tại Việt
Nam

Nguyễn Thị Phương Hoa (2004) đã khảo sát tác động của FDI đến tăng trưởng về
năng suất của nền kinh tế trong khuôn khổ của phân tích về quan hệ giữa FDI và đói nghèo
và đi đến kết luận FDI có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của các địa phương
thông qua hình thành và tích lũy tài sản vốn và có sự tương tác tích cực giữa FDI và nguồn
vốn nhân lực.

Nguyễn Thị Tuệ Anh và cộng sự (2006) đã nghiên cứu về tác động của FDI đến nền
kinh tế Việt Nam giai đoạn 1988 – 2003 ở cả tầm vĩ mô về tác động của FDI tới tăng trưởng
kinh tế qua kênh hình thành tài sản vốn cũng như tầm vi mô thông qua tác động tràn của
FDI tới doanh nghiệp, sử dụng mô hình lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Kết quả cho thấy
FDI đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng ở Việt Nam, đặc biệt sau khi nước ta
bắt đầu hội nhập kinh tế thế giới thông qua việc gia nhập ASEAN năm 1995. Thông qua
FDI, nhiều hàng hoá vốn mới được tạo ra làm tăng tài sản vốn vật chất của nền kinh tế và
cùng lúc đó chi phí để sản xuất ra chúng cũng giảm đi, qua đó tác động tích cực tới tăng
trưởng kinh tế.

Một nghiên cứu khác của Thu Thi Hoang và cộng sự (2014) áp dụng lý thuyết tân
cổ điển, lý thuyết nội sinh cũng như một số mô hình thực nghiệm khác đã phát triển mô
hình nghiên cứu với hàm sản xuất trong đó các yếu tố đầu vào bao gồm lao động, vốn nhân
lực, vốn trong nước và FDI. Nghiên cứu chỉ ra rằng trong giai đoạn 1995 – 2006, FDI đóng
vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế tại Việt Nam, tuy nhiên vai trò của FDI mới
chỉ thông qua kênh vốn chứ chưa có các tác động lan tỏa công nghệ và kiến thức.

5
Sajid Anwar & Lan Phi Nguyen (2010) cũng đã tiến hành nghiên cứu tác động FDI
đến tăng trưởng kinh tế ở VN với dữ liệu từ 61 tỉnh thành trong giai đoạn 1996- 2005 bằng
phương pháp ước lượng GMM. Kết quả cho thấy mối liên kết hai chiều giữa FDI và tăng
trưởng kinh tế vùng. Tương tự, bằng phương pháp ước lượng FE và sử dụng dữ liệu của
63 tỉnh thành VN trong giai đoạn 2000-2010, Chien và cộng sự (2012) chỉ ra FDI tác động
dương lên tăng trưởng kinh tế của VN, trong đó tác động sẽ mạnh hơn ở những tỉnh thành
có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Chien và Linh
(2013) đánh giá mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở VN với dữ liệu bảng của
63 tỉnh thành giai đoạn 2000-2010 và áp dụng phương pháp ước lượng FE lại đưa ra kết
quả khác với các thực nghiệm trước khi chỉ có 5 trong 6 vùng tại Việt Nam có mối quan
hệ nhân quả, mối quan hệ này trở nên tích cực hơn ở các vùng hẻo lánh có điều kiện kinh
tế xã hội còn khó khăn.

Tựu chúng lại, đã có tương đối nhiều tài liệu tham khảo liên quan đến mô hình đánh
giá tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ nghiên
cứu một cách tổng thể về FDI, số lượng các nghiên cứu tập trung vào tác động theo ngành
còn hạn chế. Tại Việt Nam, hầu hết các nghiên cứu về FDI ở Việt Nam sử dụng phương
pháp phân tích định tính, tổng kết tình hình FDI vào Việt Nam dựa vào số liệu thống kê.
Các nghiên cứu định lượng hầu như còn rất ít và thiếu tính cập nhật. Do đó, nghiên cứu
này sẽ kế thừa các nghiên cứu trước đây, tiếp tục vận dụng một cách có hệ thống các lý
thuyết và mô hình nhằm góp phần tạo dựng mô hình hồi quy tuyết tính đánh giá tác động
của FDI theo ngành đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

a. Mục tiêu chung

Mục tiêu của đề tài là phân tích tác động của FDI theo ngành đến tăng trưởng kinh
tế tại Việt Nam, từ đó đưa đề xuất chính sách nhằm tăng hiệu quả thu hút cũng như quản
lý hoạt động đầu tư nước ngoài.

b. Mục tiêu cụ thể

6
• Xây dựng khung phân tích tác động của FDI vào từng nhóm ngành nông-lâm-
ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam

• Phân tích thực trạng nguồn vốn FDI tại Việt Nam

• Dựa trên khung phân tích xây dựng, đánh giá tác động của FDI nói chung cũng
như FDI theo nhóm ngành đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam

• Đề xuất các khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy thu hút
FDI

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

• Đối tượng nghiên cứu: Tác động của FDI theo ngành đến sự phát triển kinh tế
Việt Nam

• Phạm vi nghiên cứu

o Phạm vi Không gian: Việt Nam

o Phạm vi thời gian: từ năm 2001 – 2019

5. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng đồng thời phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định
lượng.

Nghiên cứu định tính gồm thu nhập tài liệu nghiên cứu, tạp chí khoa học trong và
ngoài nước về FDI, tăng trưởng kinh tế và tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế, trên
cơ sở đó xây dựng và phát triển khung phân tích tác động của FDI theo nhóm ngành đến
tăng trưởng kinh tế.

Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng nhằm phân tích tác động của
FDI theo nhóm ngành đến tăng trưởng kinh tế. Mô hình thực nghiệm được tiến hành trên
cơ sở dữ liệu chéo, số liệu được lấy từ Niên giám thống kê hàng năm của Tổng cục Thống
kê. Phần mềm được sử dụng để kiểm định mô hình là phần mềm Eviews 10.0.

7
6. Cấu trúc dự kiến

Ngoài phần Mở đầu, bài nghiên cứu gồm 4 chương với cấu trúc như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến tác động của FDI đến tăng
trưởng kinh tế

1.1 Cơ sở lý thuyết về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế

1.2 Tổng quan tình hình thu hút và thực hiện FDI tại Việt Nam

Chương 2: Phương pháp nghiên cứu và số liệu

2.1 Mô hình nghiên cứu

2.2 Số liệu

Chương 3: Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1 Kết quả mô hình

3.2 Thảo luận về kết quả mô hình

Chương 4: Kết luận và kiến nghị

You might also like