You are on page 1of 5

1.

Tiểu sử Nguyễn Ái Quốc


Nguyễn Ái Quốc (19/5/1890 - 2/9/1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, là một nhà cách
mạng, lãnh tụ của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Người sinh ra trong một gia đình
nhà nho yêu nước, lớn lên ở một địa phương có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm.
Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và
thanh niên của mình, Nguyễn Ái Quốc đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những
phong trào đấu tranh chống thực dân, từ đó Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập
cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Với ý chí quyết tâm mãnh liệt đó,
Nguyễn Ái Quốc đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc.

2. Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, và tìm ra được con đường cứu nước đúng
đắn
- Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng ra đi tìm
đường cứu nước. Hành trang mà Người mang theo là lòng yêu nước nhiệt thành và quyết tâm
“làm bất cứ việc gì để sống và để đi” nhằm thực hiện hoài bão tìm ra con đường cứu nước,
cứu dân. Song đi đâu và đến nước nào, bản thân Nguyễn Tất Thành cũng không biết trước.
Điều này thể hiện rõ khi Người trả lời nhà văn Mỹ, Anxa Lu-y Xtơrông: “Nhân dân Việt Nam
trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi
ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra
nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
-Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được "Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa"
của Lênin. Từ đó, Người tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn - con đường cách
mạng vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con
đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cách
mạng giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), bởi theo
Người: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến
nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”. Việc lựa chọn con
đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, thể hiện tầm nhìn chiến lược
và phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân lao
động. Đến thời điểm này, cách mạng vô sản là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để
nhất. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân
tộc, giải phóng xã hội. Vào tháng 12/1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp , Nguyễn Ái Quốc
bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập
Đảng cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là sự kiện trọng đại
đánh dấu bước chuyển quan trọng của Nguyễn Ái Quốc đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý
luận cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác Lênin, đồng thời vạch ra quan điểm: muốn cứu
nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô
sản. Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn
Ái Quốc xúc tiến truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin, vạch ra phương hướng chiến lược cách
mạng Việt Nam, chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.
3. Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị điều kiện thành
lập đảng.
-Bằng nhiều hoạt động, trong giai đoạn 1921-1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực
truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho
sự ra đời của Đảng:

+Về chính trị: Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước; phác thảo
những vấn đề cơ bản về đường lối cứu nước đúng đắn của cách mạng Việt Nam, thể hiện tập
trung trong những bài giảng của Người cho những cán bộ cốt cán của Hội Việt Nam cách
mạng thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đầu năm 1927, tập Đề cương bài giảng do
Nguyễn Ái Quốc biên soạn làm tài liệu huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (1925-1927) được
Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông do Người sáng lập, được
xuất bản thành sách với nhan đề Đường Kách mệnh. Tác phẩm Đường Kách mệnh được bí
mật đưa về trong nước và sớm trở thành tài liệu căn bản để tuyên truyền giác ngộ chính trị
theo chủ nghĩa Mác - Lênin và hướng dẫn các mặt hoạt động của Hội Thanh niên. Trên thực
tế, Đường Kách mệnh đã có ý nghĩa lịch sử rất to lớn đối với phong trào cách mạng trong cả
nước, đặc biệt tại Thành phố Sài Gòn và ở Nam Kỳ, đã chuẩn bị các nhân tố đảm bảo cho sự
ra đời của một Đảng Cộng sản để gánh vác nhiệm vụ lịch sử trọng đại là lãnh đạo cách mạng
Việt Nam. Tác phẩm chỉ ra vấn đề then chốt có tác dụng lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà
còn đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa Phương Đông,
đó là: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông, vì vậy phải tổ chức
quần chúng lại; cách mạng muốn thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo; phải có
đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt
chẽ với cách mạng vô sản thế giới…

+Về tư tưởng: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt
Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm
cho hệ tư tưởng Mác - Lênin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến
mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân. Nội dung
truyền bá là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được cụ thể hóa cho phù hợp
với trình độ của các giai tầng trong xã hội. Những bài viết, bài giảng với lời văn giản dị, nội
dung thiết thực đã nhanh chóng được truyền thụ đến quần chúng. Đồng thời, Người đã vạch
trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa, Nhân dân Việt
Nam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người tố cáo thực dân Pháp đã bắt dân bản xứ phải
đóng “thuế máu” cho chính quốc... để “phơi thây trên chiến trường châu Âu”; “đày đọa” phụ
nữ, trẻ em thuộc địa; các thống sứ, quan lại thực dân “độc ác như một bầy thú dữ”... Tác
phẩm đã “hướng các dân tộc bị áp bức” đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tiêu
diệt “hai cái vòi của con đỉa đế quốc” - một “vòi” bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc, một
“vòi” bám vào nhân dân thuộc địa và đề ra cho Nhân dân Việt Nam con đường cách mạng vô
sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

+Về tổ chức: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của
chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các
lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa
truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách
mạng thanh niên, ra báo Thanh niên, mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng cho 75 đồng chí. Hội
Việt Nam cách mạng thanh niên đã giúp cho những người Việt Nam yêu nước dễ tiếp thu tư
tưởng cách mạng của Người, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Người trong
chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đảng ra đời.

Trong những năm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta tiếp tục phát
triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác - Lênin được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào “vô sản hóa” làm
chuyển biến phong trào công nhân, giác ngộ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự
giác. Thông qua phong trào “vô sản hóa”, lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong
thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu
nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo
điều kiện chín muồi và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng.

4. Công lao của Nguyễn Ái Quốc trong việc chủ trì hợp nhất các tổ chức cộng sản thành
lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

* Nguyễn Ái Quốc triệu tập thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản

- Nửa cuối năm 1929, đầu năm 1930, ở Việt Nam xuất hiện 3 tổ chức cộng sản là Đông
Dương Cộng sản Đảng (thành lập tháng 6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (thành lập tháng
10/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (thành lập tháng 1/1930). Sự ra đời của 3 tổ
chức cộng sản đã chứng minh sự thắng thế của xu hướng cộng sản trong phong trào cách
mạng Việt Nam.

- Tuy nhiên, 3 tổ chức cộng sản lại hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, không
có lợi cho cách mạng. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An
Nam, ngày 5/3/1930, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Khoảng tháng 5/1929, Hội Việt Nam Cách
mạng Thanh niên họp hội nghị toàn quốc. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức ngay một Đảng
Cộng sản. Các đại biểu khác đề nghị sau này hãy tổ chức. Nhóm Bắc Kỳ bỏ hội nghị ra về và
tổ chức một đảng (Đông Dương). Một số khác, sau đó đã tổ chức một đảng khác (An Nam).
Đó là mối bất hoà đầu tiên. Nhóm Bắc Kỳ tìm hết cách để phá hoại Hội Việt Nam Cách mạng
Thanh niên vì họ cho rằng: hội đó quá đông và cơ hội chủ nghĩa nên nó có thể làm lu mờ ảnh
hưởng và công tác của Đảng Cộng sản trong quần chúng. Nhóm An Nam ra sức giữ cho Hội
Việt Nam Cách mạng Thanh niên tiếp tục hoạt động vì họ cho rằng: Hội có thể lợi dụng để
tập họp tầng lớp trí thức và giai cấp tiểu tư sản. Đó là mối bất hoà thứ hai. Cả hai đều cố
thống nhất nhau lại, nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì càng hiểu lầm nhau bấy nhiêu và hố
sâu ngăn cách ngày cũng rộng ra bấy nhiêu” ( trích trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện
Đảng toàn tập ( tập 2) )

- Sự chia rẽ, mất đoàn kết đã làm phân tán sức mạnh chung của phong trào, điều này nếu để
lâu sẽ không có lợi cho cách mạng. Yêu cầu của cách mạng Việt Nam lúc này phải thành lập
ngay một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên.

- Nắm được tình hình của cách mạng Đông Dương, với vai trò là một tổ chức lãnh đạo
phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Quốc tế Cộng sản đã chỉ thị cho những người
cộng sản ở Đông Dương về việc phải thành lập ngay một Đảng Cộng sản. Thư gửi những
người cộng sản Đông Dương ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản nêu rõ: “Nhiệm vụ quan
trọng nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một Đảng cách mạng có
tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là Đảng Cộng sản có tính chất quần chúng ở
Đông Dương. Đảng đó chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương” (trích
trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập (tập 1).

- Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động tại Xiêm. Người vẫn thường xuyên theo
dõi tình hình của cách mạng Việt Nam. Sau khi nhận được tin tức về sự chia rẽ của cách
mạng Việt Nam, mặc dù chưa nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, song Nguyễn Ái
Quốc đã chủ động lên đường đi Trung Quốc, viết thư gửi các tổ chức cộng sản để bàn về vấn
đề hợp nhất. Trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản ngày 18/2/1930, Nguyễn Ái Quốc viết: “tôi
đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23/12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm Đông
Dương và An Nam, chúng tôi họp vào ngày 6/1… Các đại biểu trở về An Nam ngày 8/2”
( trích trong Hồ Chí Minh: toàn tập (tập 3)). Nhận được thư triệu tập của Nguyễn Ái Quốc,
các đại biểu của 2 tổ chức lập tức lên đường. Các đại biểu đều rất vui mừng vì nghĩ sẽ được
gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người mà tất cả đã “biết từ lâu nhưng chưa từng gặp mặt…
Từ lâu, chúng tôi vẫn ao ước có một người mà ai cũng phải thừa nhận là vô tư, là hiểu biết
sâu rộng về cách mạng hơn hẳn chúng tôi, để nhận xét và giúp chúng tôi giải quyết mọi vấn
đề phức tạp.

- Như vậy, mặc dù chưa nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, song Nguyễn Ái Quốc
bằng nhãn quan chính trị nhạy bén của mình đã chủ động triệu tập thành công Hội nghị hợp
nhất các tổ chức cộng sản. Sự thành công này không phải chỉ xuất phát từ cái danh là đại diện
của Quốc tế Cộng sản, có quyền quyết định mọi vấn đề của cách mạng Đông Dương mà còn
xuất phát từ chính uy tín của bản thân đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Triệu tập thành công hội
nghị là thắng lợi bước đầu để Hội nghị hợp nhất được diễn ra tốt đẹp.

* Nguyễn Ái Quốc chủ trì thành công Hội nghị hợp nhất

- Về vấn đề hợp nhất như thế nào, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn chỉ ra những sai
lầm, khuyết điểm của cả hai bên. Đồng chí cho rằng: “Thực ra nhóm nào cũng có cái đúng,
cũng có cái sai, nhưng mục đích của cuộc họp này không phải là để chỉ trích lẫn nhau… mà
mục đích duy nhất của cuộc họp này là hợp nhất…. Muốn thu hút hết thảy những người,
những nhóm người tình nguyện chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản vào một tổ chức cộng sản
thống nhất thì bây giờ phải thành lập một Đảng Cộng sản mới, theo đúng đường lối, chủ
trương của Quốc tế Cộng sản, có chính cương mới, điều lệ mới, sách lược mới” (trích trong
Bác Hồ với Đại hội Đảng)

- Về vấn đề tên Đảng, trước sự tranh luận gay gắt giữa hai bên, đồng chí Nguyễn Ái Quốc lại
từ tốn phân tích: “Đông Dương là cái tên chỉ những nước ở trên bán đảo giữa Ấn Độ và Trung
Quốc, như thế gồm có Miến Điện, Xiêm La, Mã Lai, Miên, Lào và ba kỳ của nước chúng ta;
cho nên thường người ta muốn chỉ Miên, Lào và nước chúng ta thì dùng cái tên “Đông Dương
thuộc Pháp” ; nhưng không ai dại gì mà dùng cái tên “Đảng Cộng sản Đông Dương thuộc
Pháp”. An Nam là cái tên người Trung Quốc vẫn quen dùng từ lâu để gọi nước ta; nhưng hiện
tại đối với người Pháp và thế giới, trên bản đồ, An Nam chỉ là Trung Kỳ. Rốt lại chỉ có cái tên
Việt Nam là đúng hơn hết và thích hợp nhất. Đối với người Trung Quốc, cái tên Việt Nam
cũng quen chẳng kém gì cái tên An Nam; đối với thế giới thì dần dần người ta cũng quen.
Nước ta đang bị bọn đế quốc chiếm cứ, nhân dân ta phải có nhiều hành động quật khởi thì rồi
người ta mới biết đến tên tuổi. Cái tên “Đảng Cộng sản Việt Nam” không còn lẫn vào đâu
được, mọi người sẽ không còn nghĩ đến một tổ chức cũ nào cả.” (trích trong Bác Hồ với Đại
hội Đảng)

- Đồng chí còn phân tích thêm: Dầu sao cái tên Đảng vẫn không phải quan trọng hàng đầu,
mà quan trọng hàng đầu chính là đường lối, chính sách, chủ trương và thành phần của Đảng.
Nhưng vì rằng, mọi người dự cuộc họp đều tha thiết tìm cho Đảng một cái tên thật thích hợp,
nên sau ý kiến đưa ra của các đại biểu quốc tế, các đại biểu hãy suy nghĩ thêm xem có tìm ra
một cái tên nào tốt hơn không, và hôm sau sẽ tiếp tục bàn bạc.

- Có thể nói rằng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc không chỉ đúng đắn khi đặt tên Đảng mà ngay cả
cách chủ trì Hội nghị của Người cũng rất tinh tế, rất dân chủ. Người không lấy cái danh cấp
trên là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, cũng không lấy uy tín của người bề trên, tức là người
thầy sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để quyết định các vấn đề. Người chỉ
phân tích, gợi ý, để cho các bên cùng thảo luận. Chính cách điều hành hội nghị của đồng chí
Nguyễn Ái Quốc đã góp phần tạo nên sự thành công của Hội nghị hợp nhất. Sau ý kiến của
đồng chí Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu không ai còn ý kiến gì khác nữa. Tất cả đều nhất trí
với đề xuất của Người.

5. Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng

- Thống nhất về tên Đảng là một vấn đề quan trọng song cũng chưa quan trọng bằng việc
thống nhất về đường lối chính trị của Đảng. Trong bối cảnh cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ,
sự thống nhất về đường lối chính trị cấp thiết hơn sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức. Hội
nghị hợp nhất đã thống nhất thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình
tóm tắt, Điều lệ vắt tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt,
nội dung của Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo
được Hội nghị thông qua đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt
Nam.

- Nội dung cơ bản của Cương lĩnh đầu tiên đã bao quát được những vấn đề chiến lược và sách
lược đối với cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xác định: phương hướng chiến lược của cách
mạng Việt Nam là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội
cộng sản. Nhiệm vụ cơ bản của tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng là đánh đổ
đế quốc, phong kiến giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày, sớm hình thành tư tưởng
phân hóa giai cấp địa chủ phong kiến, tập trung đánh đế quốc và Việt gian tay sai, giải phóng
dân tộc. Về lực lượng cách mạng, trên cơ sở lấy giai cấp công nhân và nông dân là lực lượng
chính do giai cấp công nhân lãnh đạo, mở rộng đoàn kết với các giai cấp, các tầng lớp và toàn
thể dân tộc. Về phương pháp cách mạng đó là sử dụng sức mạnh tổng hợp của quần chúng
nhân dân để lật đổ ách thống trị của đế quốc, tay sai, lập nên chính phủ cộng hòa. Về mối
quan hệ với cách mạng thế giới, Cương lĩnh xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận
khăng khít của cách mạng thế giới. Về vai trò của Đảng lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam
là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

- Cương lĩnh đầu tiên của Đảng tuy vắn tắt nhưng đã xác định đúng đắn những vấn đề cơ bản
về đường lối cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh đã giải quyết nhuần nhuyễn vấn đề dân tộc và
giai cấp trên lập trường của giai cấp công nhân. Độc lập dân tộc và tự do là tư tưởng cốt lõi
của Cương lĩnh này.

- Như vậy có thể thấy rằng, vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị hợp nhất các tổ
chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (6/1 đến 7/2/1930) là hết sức to lớn. Hơn
90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được rất nhiều
những thành công to lớn. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tổng Phú Trọng đã khẳng
định “Chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Chứng kiến sự phát triển của đất nước, chúng ta lại càng thấy được vai trò to lớn của Đảng,
tầm quan trọng của sự kiện Đảng ra đời và công lao to lớn của của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh tại Hội nghị hợp nhất này.

You might also like