You are on page 1of 37

1.

Trường phái Phần Lan[1]:

Người Phần Lan may mắn được sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú
với nhiều thể loại đa dạng. Họ cũng đồng thời rất coi trọng vốn văn hóa truyền thống này nên
ngay đã tiến hành ghi chép rộng rãi và xuất bản từ khá sớm. Ngay giữa thế kỷ 19, người Phần
Lan đã có những chuyên gia thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian, những người này không chỉ
quan tâm đến văn hóa dân gian trong nước mà còn hướng sự quan tâm của mình xa rộng hơn
đến vốn văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 1831 Hội Văn học Phần Lan ra đời và hoạt động trên nhiều khía cạnh khác nhau
thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học như nghiên cứu, dịch thuật văn học trong và ngoài nước…
Tuy nhiên gây được tiếng vang nhất vẫn là những hoạt động của họ trong việc sưu tầm và
xuất bản các ấn phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian. Ngay từ 1836 hội đã tiến hành sưu tập
các tài liệu văn hóa dân gian bằng cách yêu cầu sự giúp đỡ từ những người dân ở nông thôn
và tài trợ cho các nhóm sinh viên đi sưu tầm điền dã, những nổ lực này đã thu được những
thành quả có giá trị, đặc biệt là trong những năm từ 1836 đến 1839, hội liên tục nhận được sự
trợ giúp từ các nhóm sinh viên và các nhà dân tộc học người Phần Lan. Hội trở thành trung
tâm cho những khát vọng về một nền văn hóa dân tộc truyền thống đặc sắc của người phần
Lan. Tất cả các tác phẩm quan trọng thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học, ngôn ngữ Phần lan
trong thời gian này đều được xuất bản dưới sự hướng dẫn của hội.

Bước đi có ý nghĩa nhất của hội là việc xuất bản bộ sử thi dân tộc – Kalevala – do Lonnrot
tập hợp và xuất bản vào năm 1835, sau đó được bổ sung thêm và tái bản năm 1846, tác phẩm
này đã gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của văn hóa Phần Lan. Liên tiếp sau đó các
tuyển tập văn hóa dân gian lần lượt ra đời từ những nguồn tư liệu được cung cấp bởi rất nhiều
thanh phần nhân dân trong cả nước như các học giả, sinh viên, nông dân, thợ thủ công,
những công chức ăn lương… vì thế mà các tuyển tập này được ví như là minh chứng cho tình
cảm dân tộc của người Phần Lan. Những tài liệu thu về luôn được sao chép rất cẩn thận và
được phân chia theo từng chủ đề cụ thể. Đến năm 1847 hội đã tập hợp được khoảng 270000
văn bản văn hóa dân gian. Trong đó có 75.000 văn bản thần thoại, 20.000 văn bản về phong
tục địa phương và lịch sử truyền thống, 10.000 văn bản thần thoại khởi nguyên, 20.000 bài
hát dân gian, 100.000 câu tục ngữ về phong tục và kinh nghiệm mùa màng….

(Tác giả: Elias Lönnrot)


Cuối thế kỷ 19, Phần Lan trở thành trung tâm lôi kéo sự chú ý của các nhà nghiên cứu
folklore khắp nơi trên thế giới, năm 1901 hiệp hội quốc tế các nhà foklore học được thành lập
ở Helsinki nhằm mục đích tập hợp và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu foklore trên thế
giới gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, đồng thời hội cũng bắt đầu khởi xướng những quan niệm
và phương pháp nghiên cứu của riêng mình. Chính trong thời gian này, tại Phần Lan một
phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian được thế giới biết đến với tên gọi là phương pháp
Phần Lan hay còn gọi là phương pháp địa lý - lịch sử bắt đầu với sự khởi xướng của giáo sư
văn học Phần Lan Julius Leopold Fredrik Krohn (1835 – 1888) ở trường đại học Helsinki.
Tiếng tăm của ông gắn liền với sự ra đời và phát triển của phương pháp này trong nghiên cứu
văn hóa dân gian. Giáo sư Julius phát biểu về quan hệ của các luận điểm chính trong phương
pháp mới của mình rằng “

Sau này con trai ông là Kaarle Krohn (1863 – 1933) giáo sư ngành folklore so sánh của
trường đại học tổng hợp Helsinki và cũng là chỉ tịch hội văn học Phần Lan đã tiếp tục phát
triển phương pháp này. Kaarle cho rằng sự thật việc điều tra nghiên cứu văn hóa dân gian
bằng phương pháp địa lý – lịch sử xuất hiện ở Phần Lan là kết quả của sự tìm thấy nguồn tài
liệu dân ca phong phú lạ thường của người Phần Lan. Nguồn tài liệu đồ sộ này đã khiến các
điều tra viên phải nghĩ đến một phương pháp nghiên cứu hiệu quả nhất để có thể phân biệt
được đâu là bản đầu tiên giữa hàng vô số những dị bản tương tự. Là một trong những học giả
đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu về anh hùng ca và truyện kể, Kaarle Krohn xứng đáng có
một vị trí dẫn đầu trong khoa học.Tuy nhiên những đóng góp to lớn nhất của ông trong lĩnh
vực folkore lại ở vai trò là người tổ chức và điều phối một chương trình nghiên cứu văn hóa
dân gian có tính chất quốc tế, kêu gọi được sự nổ lực điều tra tư liệu của các học giả trong
nước và sự cộng tác của các học giả ngoài nước trong việc nghiên cứu các đề tài có liên quan
đến văn hóa dân gian.

Năm 1910, với công trình đầu tiên Danh mục các thể loại truyện cổ tích, học trò của 2
ông là Annti Aarne đã công bố một bảng tra cứu là tập hợp các dị bản truyện kể dân gian
Phần Lan và Châu Âu. Năm 1913 Antti Aarne công bố một nguyên tắc lý thuyết dưới sự tác
động của phương pháp này trong công trình Hướng dẫn nghiên cứu so sánh truyện cổ tích.
Để hoàn thành công trình này ông đã thực hiện những chuyến đi sưu tập ở khắp nơi và viếng
thăm hầu hết các thư viện – nơi lưu trữ những nguồn tư liệu quan trọng nhất về văn hóa dân
gian. Chính vì vậy mà số lượng tài liệu mà ông thu thập được trong công trình này là một con
số đáng kinh ngạc. Theo Aarne sẽ không tìm ra được giá trị của truyện cổ tích nếu hướng
việc nghiên cứu ra bên ngoài lịch sử của nó và bằng việc nghiên cứu so sánh mới có thể xác
định được nguồn gốc phát sinh của từng đơn vị truyện kể. Sau đó ông liên tục cho xuất bản
17 công trình là kết quả của việc nghiên cứu truyện kể dân gian theo hướng lịch sử - địa lý.
Nhận xét về những nghiên cứu có tính chuyên khảo về truyện cổ tích của Aarne, Kaarle
Krohn đáng giá Aarne đã đúng khi chứng tỏ được rằng mỗi câu chuyện đơn lẽ đều có cốt
truyện riêng và kết cấu thống nhất của riêng nó. Aarne là nhà nghiên cứu folklore Phần Lan
đã phát triển xa nhất phương pháp địa lý – lịch sử trong nghiên cứu văn học dân gian.

2. Phương pháp địa lý – lịch sử:

Phương pháp địa lý – lịch sử tiến hành nghiên cứu truyện kể dân gian với mục đích nhằm
tái tạo, định vị và xác định niên đại cho hình thức nguyên thủy của một truyện kể thông qua
việc so sánh có hệ thống tất cả các dị bản thành văn và truyền miệng tìm được của nó. Trong
quá trình phân tích người ta phát hiện ra được con đường truyền bá của truyện đó và thiết lập
nên những phân dạng của nó. Hai khái niệm cơ bản của phương pháp địa lý – lịch sử là kiểu
và nguyên mẫu. Theo Stith Thompson – nhà folklore học người Mỹ thì “kiểu là một truyện
theo lối cổ có sự tồn tại độc lập. Nhưng trên thực tế một kiểu truyện không phải là một câu
truyện đang tồn tại mà là một kết cấu được định hình trong quá trình phân loại các đề tài và
đoạn. Sự tương ứng của nó với các truyện thực sự đang được kể trên thế giới là một cái biến
đổi, tùy theo cái truyền thống mà hệ thống loại hình dựa trên đó. Một kiểu truyện được xây
dựng theo kiểu quy nạp trên cơ sở mọi dị bản đã biết và các biến thể của chúng. Về phương
diện đó, kiểu là cái lõi chủ đề của một truyện kể xuất hiện ở mọi dị bản của nó trong các nền
văn hóa và thời kỳ lịch sử khác nhau” [2].

Trường phái địa lý – lịch sử đã ảnh hưởng sâu rộng đến các nhà nghiên cứu folklore
trên thế giới, khi tiến hành phương pháp này các nhà nghiên cứu đã sưu tầm càng nhiều càng
tốt các dị bản của một cốt truyện để rồi sau đó lập bảng tra và tiến hành so sánh, khi tìm ra
được bản kể mà họ cho là ra đời sớm nhất, họ sẽ dựa vào đó để xác định niên đại và vùng địa
lý mà từ đó bản kể này phát tán đi khắp nơi. Tính đơn nguồn trong truyền thống truyện kể là
giả thuyết cơ bản của trường phái này. Một truyện hình thành tại một thời điểm và một địa
điểm cụ thể, sau đó thông qua khuyếch tán truyền bá khắp các châu lục nằm kề nhau, tại đây
sẽ hình thành nên các biến thể. Các điều tra viên sẽ tiến hành thu gom các biến thể của từng
thể loại theo từng khu vực và thời kỳ để tìm ra được nguồn gốc đặc điểm và thời gian của bản
gốc qua việc so sánh tỉ mỉ các motif hợp thành cốt truyện. Để thực hiện được tất cả những
yêu cầu của một sự nghiên cứu thích đáng về nguồn gốc của bản kể, các nhà nghiên cứu phải
có được số lượng đầy đủ các biến thể của văn bản trong các công trình của họ, lưu ý đến thời
gian và địa điểm sưu tập mỗi văn bản và tất cả các thông tin sẵn có trên nền các yếu tố truyền
thống. Điều này đã được chứng minh căn cứ vào sự thừa nhận rằng sự phân bố về địa lý hay
phân loại học của các văn bản được bảo tồn tiết lộ tiền sử của văn bản và rằng một số văn bản
có thể hoạt động như một bản gốc nhất và duy nhất, có tầm quan trọng quyết định.

Từ hướng nghiên cứu này bắt nguồn với thể loại dân ca, Julius Krohn đã phân tích các bài
ca thành các yếu tố bộ phận và nghiên cứu sự sắp xếp, phân bổ của các yếu tố này. Sau này
con trai ông - Kaarle Kronh chính là người đầu tiên sử dụng có hệ thống phương pháp này
trong nghiên cứu truyện kể. Kể từ những nghiên cứu có tính mở đường và các công thức, lý
thuyết mà ông đưa ra trong những năm 1880, các chuyên gia nghiên cứu folklore thường
xuyên nhắc đến kiểu nghiên cứu phân tích này như là một phương pháp Phần Lan mặc dù sự
thật là những ứng dụng thành công thường được lấy làm ví dụ minh họa cho khuynh hướng
nghiên cứu này lại xuất phát từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Phương pháp này bắt
đầu được ứng dụng trong nghiên cứu nhiều thể loại folklore khác nhau như thần thoại, ballad,
trò chơi, câu đố… nhưng nhiều nhất vẫn là ứng dụng trong lĩnh vực truyện kể.

Giả định nền tảng của phương pháp này là mỗi truyện kể hay mỗi đơn vị văn học dân gian
khác đều có lịch sử riêng của nó và phải được nghiên cứu một cách độc lập. Kết luận chung
nhất mà họ đưa ra là để tìm được nguồn gốc và con đường truyền bá của tất cả truyện kể hay
từng nhóm truyện kể thì phải dựa vào sự tích lũy các dị bản và dựa vào cách xử lý có tính
chuyên khảo của từng kiểu truyện khác nhau. Theo họ gần như suốt thế kỷ 19, các nhà
nghiên cứu folklore đã thể nghiệm nhiều vấn đề lý thuyết mà không nghiên cứu kỹ lưỡng
chính bản thân truyện kể để trả lời câu hỏi “những câu truyện mà chúng ta đang có đã bắt
nguồn từ đâu” và “truyện cổ nghĩa là gì?”. Đối với các truyện kể riêng lẽ, các nhà điều tra
quan tâm đến việc thiết lập một cái gì gần gũi đối với hình thức nguyên thủy sẽ giải thích đầy
đủ cho những biến thể có sẵn, đồng thời xác định niên đại và vùng địa lý của truyện kể và
cuối cùng là lần theo dấu vết biến đổi của các truyện kể theo không gian và thời gian, diễn
biến của những lần di chuyển đó và những biến đổi mà nó đã trải qua.
Để sử dụng phương pháp này cần nhất là phải có sẵn một số lượng tương đối lớn các dị
bản của một kiểu truyện và thậm chí kiểu truyện này còn có thể được phân chia ra thành một
loạt các chi tiết nhỏ hơn. Thông qua việc so sánh các dị bản truyền miệng theo trình tự địa lý
và các bản thành văn theo trình tự lịch sử, nhà nghiên cứu có thể tái tạo, định vị và xác định
niên đại cho hình thức nguyên thủy của một truyện kể nào đó. Từ lâu các nhà nghiên cứu văn
học dân gian đã tin rằng kiểu truyện có sự tồn tại độc lập trong truyền thống, và do đó các
hình thức nguyên thủy của chúng có thể mô tả được và phục hồi được từ những phiên bản
mới tìm ra hiện nay. Tuy nhiên nội dung của một truyện kể thường là bao gồm nhiều hành
động phức tạp, do đó họ thường chia cốt truyện ra thành nhiều motif đơn giản, sau đó mới
khảo sát riêng từng motif. Và để tìm được hình thức nguyên thủy của một motif, trước hết
phải tập hợp tất cả các biến thể, tức là tất cả các motif có cùng kiểu tập hợp và cởi nút như
nhau.

Nhưng không phải với bất kỳ biến thể nào tìm được họ cũng tiến hành so sánh với nhau
mà không tính đến trình tự xuất hiện giữa chúng. Vì suy cho cùng dù 2 biến thể nào đó có
cùng hình thức nguyên thủy nhưng chúng lại xuất hiện cách xa nhau về thời gian hoặc không
gian mà không có những hình thức trung gian trong quá trình triển khai so sánh thì e rằng khó
có thể đạt được giá trị cao trong kết luận quy chúng về cùng một hình thức của bản gốc. Do
vậy mà việc làm của phương pháp Phần Lan là “xếp chúng theo trật tự lịch sử trong chừng
mực mà các nguồn văn học cổ cho phép; nếu không thì xếp theo trật tự địa lý tất cả những
biến thể thu thập gần đây từ miệng nhân dân, vì nguồn gốc chung của các dân tộc chỉ có chút
ít quan hệ với sự giống nhau giữa các chuyện kể, còn sự gần gũi về địa lý và những mối quan
hệ lẫn nhau thì lại liên quan đến chuyện đó nhiều hơn, mặc dù các ngôn ngữ khác nhau nhiều
hơn. Chuyện kể không có liên hệ gì đến ngôn ngữ mà chỉ liên hệ đến văn hóa, tức là đến văn
minh” [3]. Từ những lý do đó, theo họ chỉ có thể làm tốt việc so sánh nếu thu thập được biến
thể của từng nước, từng tỉnh và thậm chí là từng khu vực làng xã nhỏ nhất. Và để tìm được
hình thức nguyên thủy của một motif cần phải theo những biểu hiện của motif đó trong tất cả
những biến thể tìm được theo một trật tự địa lý và lịch sử. Cần quan tâm không chỉ đến số
lượng các biến thể tìm được mà còn là con đường lưu truyền các biến thể đó, đặc biệt là bằng
những con đường tự nhiên nhất. Và chỉ khi nào xác định được hình thức nguyên thủy trong
mỗi yếu tố tách biệt của hành động, người ta mới thấy được hình thức ban đầu của một motif.
Từ đó mới có thể kết luận được về nơi khởi phát, nguồn gốc dân tộc và thời đại của các motif
này cũng như sự gặp gỡ và kết hợp của nó với các motif khác trong quá trình lưu truyền. Việc
tìm được hình thức ban đầu của các motif còn giúp chúng ta nghiên cứu được những đổi thay
mà một motif đã trải qua từ hình thức ban đầu cho đến biến thể mới nhất tìm được. Từ đấy có
thể thấy được rằng phần lớn các thay đổi hoặc biến chất của một motif là do ảnh hưởng của
một motif khác mà người ta kết hợp với nó để đặt vào trong một cốt truyện nào đó.

Nhìn chung các nhà nghiên cứu folklore khi sử dụng phương pháp địa lý – lịch sử trong
nghiên cứu truyện kể dân gian đã dựa trên ba giả thuyết mà đôi khi còn được gọi là “định
luật” của động lực học truyện kể trong xã hội. “Thứ nhất, truyện kể được truyền bá theo kiểu
ly tâm, “giống như các gợn sóng trên mặt ao”, không phụ thuộc vào sự di trú của con người,
các tiếp xúc thương mại và những quan hệ họ hàng ngôn ngữ học. Thứ hai, truyện kể duy trì
những sự tương đồng của chúng thông qua nguyên tắc tự chỉnh lý, hướng người kể về những
dị bản trung dung: mỗi người kể biết được câu chuyện đó từ nhiều nguồn khác nhau, và sự
tổng hợp lại đôi khi sẽ đóng vai trò một trong nhiều nguồn cho những người kể tiếp. Thứ ba,
những sáng tạo (hầu hết là do sai sót và nhớ nhầm) mà gây nên phản ứng tích cực thì có thể
trở nên định hình trong một cộng đồng và sinh ra một phân kiểu của một truyện kể” [4].
Lý thuyết và phương pháp của trường phái địa lý – lịch sử Phần Lan đã tạo ra được những
hiệu ứng tích cực trong nghiên cứu truyện kể dân gian và đã cho ra đời nhiều công trình
nghiên cứu có giá trị. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu đã phát sinh hàng loạt những vấn
đề bất cập về cơ sở và tiền đề phương pháp luận. Trung thành với phương pháp nghiên cứu
của mình họ đã cố gắng thu gom rất nhiều các dị bản của một cốt truyện và nghiên cứu tách
rời cốt truyện ấy so với những cốt truyện khác mà không tính đến quy luật di chuyển của
motif từ truyện kể này sang truyện kể khác, mỗi motif chỉ được gán cho một vị trí tồn tại ở
một cốt truyện độc lập nào đó mà không được xem xét trong mối quan hệ di chuyển và biến
đổi với vị trí của nó trong rất nhiều những cốt truyện khác nhau. Một bất cập thứ hai dẫn đến
những kết luận có khi không chính xác của trường phái này là xác định quê hương của cốt
truyện dựa vào hình thức hay gặp nhất của nó là được tìm ra ở đâu trong khi số lượng và chất
lượng của các biến thể tìm được lại phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình sưu tầm.

Về sau này, khi nhà folklore Macxít V.M.Girmunxki phát hiện ra những thiếu sót về
phương pháp và nguyên tắc của trường phái Phần Lan trong ngành nghiên cứu truyện cổ tích,
ông đã “đặt vấn đề về sự cần thiết phải thoát ra khỏi sự gò bó của giới hạn lịch sử - địa lý để
giải quyết một cách có hiệu quả vấn đề nguồn gốc và lịch sử thể loại truyện cổ tích. Ông đề
nghị các chuyên gia về cổ tích nghiên cứu một cách nghiêm túc những hiện tượng có tích quy
luật về cấu trúc trong vô vàn tư liệu về thể loại cổ tích này. Chỉ có trên cở sở đó mới mong
xác định bản chất đặc trưng của nó, tìm ra nguồn tư liệu của một số vùng mà giới nghiên cứu
còn ít để tâm đến. Nói một cách khác, trong khoa học dân gian của thời đại chúng ta cần phải
nghiên cứu cả quá trình lâu dài và phức tạp, tính đa dạng của các biến thể các tộc người, các
giai đoạn lịch sử, các vùng cư dân khác nhau. Chỉ có như vậy việc nghiên cứu mới dẫn đến
sự khám phá ra những quy luật chung của nó” [5].

3. Phương pháp địa lý - lịch sử từ trường phái Phần Lan đến Stith Thompson:

Từ sau công trình Danh mục các thể loại truyện cổ tích (1910 - 1920) của Antti Aarne,
chỉ 8 năm sau Stith Thompson đã công bố sự kế thừa và phát triển lý thuyết của Aarne trong
cuốn The type of foktale – A classification and Bibliography. Stith Thompson (1885 – 1976)
là giáo sư tiếng Anh của đại học Indiana và là người có công thành lập Viện foklore đầu tiên
của nước Mỹ thuộc trường đại học Indiana vào năm 1942. Không lâu sau đó công trình này
với tên gọi tắt là Từ điển A – T đã được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới và được các nhà
foklore học sử dụng như là một công cụ ứng dụng tra cứu cơ bản cho việc nghiên cứu truyện
kể dân gian của nước mình. Stith Thompson cho rằng “bảng tra cứu này thuần thúy là bảng
liệt kê thực tế truyện của từng vùng nhất định, từ đó các nhà sưu tầm, các nhà nghiên cứu đều
có cơ sở chung để tham khảo. Từ quan điểm lý thuyết thuần túy, rõ ràng có thể thấy những
nhược điểm của hệ thống này, nhưng xét trên thực tế, 50 kinh nghiệm làm việc đã chỉ ra
rằng, những vùng mà bảng tra cứu này “phủ sóng” được thì đều có thể tiến hành nghiên cứu
rất hiệu quả” [6].

Khi mở rộng bảng mục lục tra cứu type truyện kể dân gian, Aarne và Thompson đã tiến
hành khảo sát hàng loạt những bản kể khác nhau, với những truyện có nhiều tình tiết giống
nhau rõ rệt thì được họ xếp vào thành một loại gọi là type truyện. Với bảng tra cứu này, các
nhà nghiên cứu sẽ làm công việc phục nguyên lịch sử, so sánh để tìm ra bản cổ nhất, trên cơ
sở đó xác định nơi phát tích một truyện, con đường địa lý của sự lưu truyền. Tuy nhiên, do
bảng tra cứu type này chủ yếu chỉ bao gồm những truyện kể Châu Âu nên nó khó có thể ứng
dụng rộng rãi ở các khu vực khác trên thế giới. Từ những hạn chế đó, Thompson đã đặt ra
vấn đề lập một bảng tra cứu motif bởi theo ông “sự tương đồng ở cấp độ cả một câu chuyện
phức hợp, hoàn chỉnh không thường xuyên bằng sự tương đồng ở cấp độ motif ”. Mặt khác ở
rất nhiều cốt truyện đơn giản chỉ có một motif thì lúc này type và motif là tương đồng với
nhau. Với mong muốn lập nên bảng nghiên cứu motif truyện kể dân gian, Thompson tiếp tục
nghiên cứu theo phương pháp này và công bố thêm một công trình nghiên cứu đồ sộ gồm 6
tập sách là Motif – index of Fok – Literature. Trong tác phẩm này Thompson đã sắp xếp
những yếu tố làm nên văn học tự sự truyền thống trong một bảng phân loại logic những motif
đơn nhất. Những motif này đã tạo nên từng phần của truyện kể truyền thống, dù là văn học
viết hay văn học truyền miệng thì đều tìm thấy vị trí trong bảng phân loại này.

Bộ sách 6 cuốn Motif-index of folk-literature (1932-1937) của ông được công nhận là
chiếc chìa khóa quốc tế cho việc giải mã các tài liệu truyền thống và người ta cho rằng chính
Stith Thompson là người khởi xướng cho việc đặt một nền móng học thuật vững chắc đối với
công việc nghiên cứu folklore ở Mỹ. Việc sắp xếp danh mục truyện kể trong bảng mục lục
của Stith Thompson không dựa theo nguồn gốc quốc gia của các truyện kể mà sẽ dựa vào
những motif xuất hiện trong nội dung mỗi truyện. Stith Thompson không phân biệt giữa
huyền thoại (myths) và truyện kể dân gian (folktales), đối với ông tất cả những chuyện kể
truyền thống đều sẽ được đưa vào trong bảng mục lục này.

Tác phẩm Motif-index of folk-literature của Sthith Thompson là kết quả của một quá trình
tích luỹ lâu dài và tiến triển từng bước một. Ban đầu, ông nỗ lực sắp xếp một cách có hệ
thống rất nhiều những ghi chép của ông về những vấn đề khác nhau trong truyện kể. Nhiều
nhóm motif sau khi được ghi chép đã tiếp tục liên kết với các nhóm khác có cùng chủ đề, bên
cạnh đó thì cũng có nhiều nhóm thì được tách ra thành hai hay nhiều đề mục nhỏ hơn. Theo
thời gian, sau khi kết hợp, chia và nhập, Thompson giữ lại 23 nhóm motif và đưa chúng vào
tác phẩm Index-motif of folk-literature. Mỗi nhóm được gọi tên bằng các chữ cái từ A đến Z.

Theo Thompson, ông thực hiện tác phẩm này với mục đích sắp xếp một cách hệ thống tất
cả những chi tiết tạo nên các thể loại truyện kể truyền thống vào một bảng phân loại. Đó là
những câu chuyện đã hình thành nên một phần của truyền thống cho dù đó là truyện kể
truyền miệng hay đã được đưa vào văn học thành văn, bao gồm các truyện kể dân gian, huyền
thoại, balát, truyện ngụ ngôn, truyện hiệp sĩ thời trung cổ, truyện trào phúng, truyện bông
đùa… và cả những truyền thuyết địa phương, dù một vài sự phân chia trong bảng phân loại
này theo ông còn chưa thực sự thỏa đáng. Nói chung bất kỳ những câu chuyện nào đã có từ
lâu trong truyền thống và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đều được Thompson đưa vào trong
bảng phân loại của mình.

Đầu thế kỷ XX, cùng với Thompson, những người trung thành với phương pháp địa lý –
lịch sử luôn cố sức tái tạo những siêu văn bản (metatexts), nguyên mẫu (archetypes) hay cái
bất biến (invatiants). Vì vậy, chẳn hạn, sự phân loại truyện cổ tích mà Antti Aarne và Stith
Thompson đưa ra đầu tiên dựa trên sự thừa nhận rằng mỗi loại có một tiền sử và nguyên mẫu.
Tuy nhiên cần phải nhận thấy rằng các biến thể được liệt vào cùng một phạm trù phân loại
không nhất thiết phải phụ thuộc nhau về nguồn gốc. Hơn nữa một sự phân loại như thế không
thể điều tiết được sự biến đổi thường xuyên của một truyện đang tồn tại. Trên thực tế cần
đồng thời có nhiều bộ mã để phân loại phần lớn các văn bản văn hóa dân gian, và người ta
luôn luôn phát hiện ra những bộ mới mà không một bộ mã nào đang tồn tại áp dụng được nó
[7].

LMTG
La Mai Thi Gia*

* ThS., Khoa Văn học và Ngôn ngữ – Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TPHCM.

Chú thích

[1] Lược dịch và tổng hợp từ Maria Leach, Jerome Fried (1950); Standard dictionary of
folklore, mythology and legend; Funk and wagnalls company; New York; Cuốn 2 (F – O),
mục từ “Finish folklore” – tr.380.

[2] Viện nghiên cứu văn hóa; Folklore thế giới – một số thuật ngữ đương đại; NXB KHXH,
HN, 2005; tr.336

[3] Viện nghiên cứu văn hóa; Folklore thế giới –một số công trình nghiên cứu cơ bản, NXB
KHXH; HN; 2005; tr.25

[4] Viện nghiên cứu văn hóa; Folklore thế giới – một số thuật ngữ đương đại; NXB KHXH,
HN, 2005; tr.337

[5] Lê Chí Quế; “Phương pháp loại hình học trong khoa văn học dân gian” (trong Văn hóa
dân gian – những phương pháp nghiên cứu).

[6] Trần Thị An (2008); “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – những khả
thủ và bất cập”; Tạp chí Văn học, số tháng 7.

[7] Viện nghiên cứu văn hóa; Folklore thế giới – một số thuật ngữ đương đại; NXB KHXH,
HN, 2005; tr.351

Tài liệu tham khảo

1. Maria Leach, Jerome Fried (1950); Standard dictionary of folklore, mythology and
legend; Funk and wagnalls company; New york; Cuốn 2 (F – O), mục từ “Finish
folklore” – tr.380 và “Historic – geographic method” – tr.498.
2. Stith Thompson (1958); Motif – index of folk-literature volume one (A – C), volume
two (D – E), volume three (F – H), volume four (– C), volume five (L – Z), volume six;
Indiana university press; Blomington and Indianapolis;
3. Antti Aarne, Stith Thompson (1973); The Types of the Folklore – A classification and
Bibliography; Suomalainen Tiedeakatemia Academia Scientiarum Fennica; Helsinki; .
4. Viện văn hóa dân gian (1989); Văn hóa dân gian – những lĩnh vực nghiên cứu, NXB
KHXH, HN.
5. Viện văn hóa dân gian (1990); Văn hóa dân gian – những phương pháp nghiên cứu,
NXB KHXH, HN.

6. Viện nghiên cứu văn hóa (2005); Folklore thế giới – những công trình nghiên cứu cơ
bản; NXB KHXH, HN.

7. Viện nghiên cứu văn hóa (2005); Folklore thế giới – Một số thuật ngữ đương đại;
NXB KHXH, HN.

8. Chu Xuân Diên (2008); Nghiên cứu văn hóa dân gian – Phương pháp, lịch sử, thể
loại; NXB GD, HCM.

9. Trần Thị An (2008); “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – Những
khả thủ và bất cập”; Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số tháng 7.
Phương pháp Địa lý-Lịch sử và Cấu trúc luận trong Nghiên cứu
Văn hóa Dân gian: Thách đố Thư dây chuyền

Elo-Hanna Seljamaa

Người dịch: Hà Hữu Nga

Bài viết này kết nối loại hình thư dây chuyền và lịch sử của nghiên cứu văn hóa dân gian - một sự
kết hợp có cái gì đó bất thường, tuy nhiên dường như lại đem đến một số vấn đề rất đáng thảo
luận. Hầu hết độc giả có lẽ đều đã từng trải qua trò chơi thư dây chuyền từ thời thơ ấu, hoặc trong
những năm gần đây, bằng việc sử dụng e-mail. Mặc dù vậy, việc xem xét loại hình thư dây
chuyền, về nhiều phương diện, có lẽ vẫn rất hữu ích. Một thư dây chuyền bảo cho người nhận bản
sao thư đó phải nhân lên một số lượng nhất định để chuyển tiếp các bản sao đó cho cùng một số
lượng người nhận tiếp theo; sự tiếp tục của chuỗi thư dây chuyền theo cách đó, như đã được ấn
định bởi bức thư, yêu cầu phải có được một kết quả tích cực, ngược lại, việc làm đứt dây chuyền
bị buộc cho là gây ra rắc rối. Để thuyết phục người đọc, thư dây chuyền thường bao gồm những
câu chuyện được cho là đúng vận may khiến cho người ta ngoan ngoãn tuân thủ việc tiếp nối dây
chuyền, cũng như việc viện dẫn những bất hạnh khiến cho những người không tuân thủ các chỉ
dẫn của bức thư phải lo lắng. Ngoài ra, một số thư dây chuyền có thể kết thúc với một danh sách
người gửi trước đó của nó mà người ta kỳ vọng là người nhận mới ​sẽ bổ sung với cái tên và nơi
cư trú của mình.

Bằng một sự trùng hợp thú vị mặc dù có lẽ ngẫu nhiên, thư dây chuyền đã thu hút sự chú ý của
hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian quan trọng của thế kỷ 20 - Walter Anderson (1885- 1962) và
Alan Dundes (1932-2005). Trong khi Anderson là một thành viên tận tâm và trung thành của
phương pháp lịch sử-địa lý, "luật sư bảo vệ cuối cùng" của nó (Kuusi 1980: 25), thì mặt khác,
Dundes, từ những năm 1960 trở đi đã lập chương trình giới thiệu cấu trúc luận và phân tâm học
vào nghiên cứu văn hóa dân gian. Anderson đã bắt đầu quan tâm đến loại hình thư dây chuyền
trong những năm 1930 với tư cách là một giáo sư về văn hóa dân gian và văn hóa dân gian so
sánh tại Đại học Tartu, Estonia. Năm 1937, ông đã trình bày một bài viết về thư dây chuyền tại
Đại hội lần thứ 3 của Hiệp hội Quốc tế về Dân tộc học và Văn hóa Dân gian châu Âu được tổ
chức tại Edinburgh (Tuneld 1978: 68) và trong cùng năm đó, ông đã công bố một bài viết giới
thiệu các loại hình thư dây chuyền mà ông đã tìm thấy ở Estonia ( Anderson 1937). Alan Dundes
lần đầu tiên bàn về thư dây chuyền vào năm 1966 trong một bài viết có tựa đề "Thư dây chuyền:
Một cấp số nhân Dân gian" và sau đó ông đã quay trở lại với vấn đề liên quan đến văn hóa dân
gian văn phòng và sao chép (Dundes, Pagter 1975; Dundes 1983).

Cách xử lý lịch sử-địa lý của Anderson và cấu trúc luận của Dundes về thư dây chuyền đã tạo
thành một cặp thú vị cho phép theo dõi và thảo luận về những thay đổi phương pháp luận trong
nghiên cứu văn hóa dân gian từ những năm 1930 đến những năm 1970. Dựa vào Thomas Kuhn
(1970), phương pháp lịch sử-địa lý và cấu trúc luận có thể được coi là các hệ mẫu [paradigm]
nghiên cứu liên tục thể hiện một cách "nhìn" cụ thể vào văn hóa dân gian và công việc nghiên
cứu lĩnh vực này. Kuhn khởi xướng khái niệm hệ mẫu trong cuốn sách Cấu trúc các cuộc cách
mạng khoa học của ông năm 1962, trong đó ông lập luận chống lại định nghĩa thực chứng về
khoa học có cội rễ sâu xa với tư cách là một quá trình tích lũy các sự kiện, lý thuyết, phương pháp
và tiến tới một chân lý khách quan và xác định. Dựa vào các ví dụ chủ yếu rút ra từ lịch sử vật lý
học, để thay thế, Kuhn đã khái niệm hóa khoa học bằng khuôn khổ cấu trúc hồi quy của mô thức
phát triển của nó: các quá trình chuyển tiếp liên tục từ một hệ mẫu này đến một hệ mẫu khác
thông qua khủng hoảng và cách mạng khoa học. Các cuộc cách mạng khoa học với tư cách là các
gián đoạn và thay đổi triệt để về các cách thức nghiên cứu luôn giới thiệu các lý thuyết, khái
niệm, và các câu hỏi mới, trong khi đó lại đồng thời đặt các lý thuyết, khái niệm, và các câu hỏi
cũ vào một bối cảnh mới. Bằng các thuật ngữ của Kuhn, các kết quả này trong tính vô ước của
các hệ mẫu kế tiếp nhau, trong sự truyền đạt sai lệch giữa các môn đệ của các hệ mẫu khác nhau,
và ở chính tình thế cách mạng - các học giả làm việc bang các hệ mẫu khác nhau "nhận thấy
những sự vật khác nhau khi họ có cùng một điểm nhìn, theo cùng một hướng" (ibid .: 150), vì họ
nhìn những sự vật ấy "bằng các mối quan hệ khác nhau" (ibid).

Cấu trúc luận theo cách truyền bá của Dundes lại có nghĩa là một cách nhìn nhận và nghiên cứu
khác nhau về văn hóa dân gian, như một phản ứng quyết định đối với các phương pháp trước đó
và đặc biệt là phương pháp lịch sử-địa lý. Sau đây, tôi sẽ phân tích cách xử lý lịch sử-địa lý của
Anderson và cấu trúc luận của Dundes về loại hình thư dây chuyền để so sánh quan niệm của họ
về văn hóa dân gian và nghiên cứu văn hóa dân gian. Mặc dù Kuhn nhằm vào việc phê phán sự
cách nhận thức thực chứng về sự phát triển của khoa học, nhưng tôi lại cho rằng khái niệm hệ
mẫu của ông vẫn tiếp tục hữu ích để suy tư về những phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian
đã được mô hình hóa theo những lý tưởng khoa học về tính khách quan, tính có thể kiểm chứng,
và tính có thể nghiên cứu đến thấu triệt được. Ngoài ra, điều mà các hệ mẫu với tư cách là "các
cách nhìn nhận thế giới" có thể được tách ra khỏi các giai đoạn đặc biệt trong lịch sử nghiên cứu
và được sử dụng để thảo luận về các tiền đề cơ sở được chia sẻ bằng các cách tiếp cận khác nhau,
mà trong trường hợp này là phương pháp lịch sử-địa lý và cấu trúc luận. Việc đánh giá lại đối với
trường hợp cấu trúc luận mới được Perti Antonen - người kêu gọi coi các hệ mẫu không phải là
"các xu hướng nghiên cứu hoặc phát triển của họ, mà là các tiền đề cơ bản trong quá trình lý
thuyết hóa và trong phương pháp luận - đề xuất gần đây" (Antonen 2007: 17-18).

Lịch sử và địa lý học của thư dây chuyền

Nghiên cứu Văn hóa Dân gian như một khoa học gốc

Phương pháp lịch sử-địa lý được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Bắc Âu vào những thập niên
1870-80 của thế kỷ 19, với vai trò hàng đầu của hai cha con học giả Phần Lan, Julius và đặc biệt
là Kaarle Krohn. Vì vậy phương pháp này còn được gọi là phương pháp Phần Lan cũng có thể
gọi cách khác, phương pháp địa lý - lịch sử hoặc, nói bằng một khuôn khổ khái quát hơn, là
phương pháp so sánh. Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 nó đã được hưởng thụ một thành
công gần như chưa từng có, như Bengt Holbek đã xác định (Holbek 1992: 4), có thể giải thích
được, trong số những sự vật khác, bằng cách nhất quán nội tại của mình và một sự kết hợp hiệu
quả của cả những ý tưởng và các lĩnh vực đã thành hay còn mới mẻ. Theo Mati Kuusi (1980: 25),
phương pháp tổng hợp các tiền đề và các thực hành phê phán văn bản ngữ văn và ngôn ngữ học
so sánh với các xung lượng rút ra từ lý thuyết tiến hóa và với những quan sát về sự phân bố địa lý
của văn hóa dân gian. Do các thành phần này, phương pháp lịch sử-địa lý đã thành công trong
việc thực hiện các tiêu chí thực chứng phổ biến trong khoa học hiện đại (Hautala 1954: 174),
trong khi đồng thời còn cung cấp sự trợ giúp cho việc thiết lập các nền văn hóa quốc gia riêng
biệt, một dự án mà quá nhiều khu vực ở châu Âu đã cùng tham gia.

Như đã được chỉ định bằng tên gọi của nó, phương pháp lịch sử- địa lý tiếp cận văn hóa dân gian
từ quan điểm lịch sử và phân bố địa lý của nó, tức là nguồn gốc không gian và thời gian của văn
hóa dân gian. Phù hợp với quan điểm lịch sử của thế kỷ thứ 19, trọng tâm của phương pháp lịch
sử-địa lý là trong quá khứ. Văn hóa dân gian đã được gắn liền với truyền thống, với một nền văn
hóa truyền khẩu được coi là tĩnh tại và đang biến mất, và do đó tương phản với nền văn minh và
văn học, với nền văn hóa đô thị hiện đại. Việc sáng tạo ra văn hóa dân gian đã được giải thích bởi
duy nhất một căn nguyên và sự phân bố của nó bằng phương pháp truyền bá. Điều đó có nghĩa là
mỗi câu chuyện thần kỳ hay bài hát dân gian đã được tuyên bố là được tạo ra tại một thời điểm
nhất định và ở một địa điểm nhất định với tư cách là một tổng thể nghệ thuật độc đáo mà trong
diễn trình thời gian đã lan rộng ra bằng phương tiện vay mượn, bằng cách là tại mỗi điểm khớp
nối địa lý liên tiếp đều có một biến thể mới của hình thái nguyên gốc được tạo ra trên cơ sở của
các biến thể trước đây. Vì vậy tất cả các biến thể của cùng một bài hát gốc hay câu chuyện thần
kỳ đều được xem là có liên quan và đại diện cho cùng một loại đã được thể hiện trong nội dung
phổ biến của chúng (xem ví dụ Aarne 1913; Krohn 1926; Kuusi 1980; Holbek 1992; Antonen
1997; Virtanen 1997).

Xuất phát từ các tiền đề này, nhiệm vụ và mục tiêu của nghiên cứu văn hóa dân gian là theo dõi
nguồn gốc của mỗi hạng mục văn hóa dân gian nhất định - bằng cách so sánh chi tiết các biến thể
để lập bản đồ quỹ đạo của nó, xác định thời gian và địa điểm tạo ra cũng như hình thái ban đầu
gần đúng hoặc nguyên mẫu, Urform, của nó. Chất lượng của các kết luận được rút ra, tính chính
xác, khách quan và khả năng kiểm nghiệm của chúng, đều liên quan tương ứng đến số lượng dữ
liệu thực nghiệm, đến lượng văn bản văn học dân gian được nhà nghiên cứu sử dụng. Theo những
lý tưởng thực chứng của thời đại, "tính khoa học" phụ thuộc vào tính khách quan và tính không
ổn định trong kiểm soát, bằng việc phân tích tiến hành chặt chẽ từ việc xem xét các dữ liệu thực
nghiệm. Bằng cách thực hiện các tiêu chí này, phương pháp lịch sử-địa lý cung cấp một khuôn
khổ để xử lý với văn hóa dân gian và với các vấn đề chuyên đề về nguồn gốc và tính độc đáo của
các văn hóa trong khuôn khổ khoa học thuần túy. Niềm tin của những những người theo phương
pháp về tính đúng đắn của nó được thể hiện một cách sinh động trong tuyên bố táo bạo sau của
Walter Anderson vào năm 1923: "Ở những nơi mà ảnh hưởng của “trường phái” phương pháp
Phần Lan chưa được thâm nhập, thì việc nghiên cứu về văn hóa dân gian vẫn quay theo vòng tròn
luẩn quẩn và không sản sinh được bất cứ điều gì ngoài các giả thuyết nông nổi và kỳ quái"
(Anderson 1923b: 197).

Cách tiếp cận của Anderson đối với thư dây chuyền Estonia là theo đúng với các tiền đề và quy
định bắt buộc của phương pháp lịch sử-địa lý. Tuy nhiên, ông áp dụng phương pháp này với một
sự hiển nhiên im lặng cứ như thể là không cần thiết phải giới thiệu về các nguyên tắc của nó. Với
những động cơ ẩn dấu, bài viết đã để lại sự tiềm ẩn, độc giả "tự nhiên" khám phá ra bản thân
mình trong số các loại hình, các biến thể, và các khái niệm quan trọng khác của phương pháp lịch
sử-địa lý. Việc phân tích dựa trên các văn bản thư dây chuyền được chính Anderson thu thập và
các văn bản được tìm thấy trong các bộ sưu tập của các hồ sơ lưu trữ Văn hóa Dân gian Estonia,
nhưng ông còn dựa trên nguồn tư liệu đã được công bố bằng cả báo chí và các ấn phẩm văn hóa
dân gian Estonia và quốc tế. Phấn đấu để có được một bộ sưu tập dữ liệu được khai thác triệt để,
Anderson đã đưa vào đó cả các văn bản bằng tiếng Estonia và tiếng Đức cũng như bằng cả tiếng
Anh, tiếng Nga và tiếng Pháp. Trong khi dữ liệu đa ngôn ngữ này thể hiện rất rõ sự tinh thông các
ngôn ngữ khác nhau của Anderson, nó còn là một ví dụ rất ấn tượng về tầm quốc tế của phương
pháp lịch sử-địa lý: các ranh giới không gian phân tích đã được xác định bởi chính các nguồn dữ
liệu thực nghiệm.

Anderson có thừa độc giả của mình từ giai đoạn phân loại loại hình học nguồn tư liệu của mình,
và đi thẳng vào "các loại hình thư dây chuyền đã được biết đến tại Estonia cho đến nay"
(Anderson 1937: 23). Cách trình bày đó làm cho các loại hình thư dây chuyền có vẻ là những
hiện tượng tự nhiên, là những thực thể tự độc lập, một điều kiện tiên quyết tiềm ẩn để phát hiện
mục tiêu của chúng. Nếu có thể, Anderson cố gắng chọn ra những bản khởi thảo, tức là những độ
lệch khỏi hình thức ban đầu mà trong một lãnh thổ hoặc khoảng thời gian nhất định đã phát triển
thành những tiêu chuẩn mới. Xem xét từng loại hình một, Anderson so sánh các biến thể với
nhau, các dấu vết quan hệ di truyền của chúng và xây dựng bản đồ truyền bá để đưa ra kết luận và
gợi ý về thời gian và địa điểm của sự sáng tạo và hình thức ban đầu ước tính của các thư đó. Vì
mỗi bức thư tạo thành một sự vật cụ thể, thậm chí hữu hình, nên dường như có thể thu thập và
phân tích chúng với "sự can thiệp của con người" một cách tối thiểu, chí ít là khi so sánh với các
văn bản văn hóa dân gian được viết ra từ loại hình truyền miệng. Hơn nữa, vì độ chính xác trong
việc sao chép các lá thư dây chuyền ấy là một trong những điều kiện tiên quyết của sức mạnh ma
thuật của loại hình thư này, nên các bức thư, từ trong bản chất của chúng, đều đóng góp cho công
việc học thuật nhằm tái dựng hình thức nguyên gốc của chúng. Tương tự như vậy, danh sách
người gửi trước đó đôi khi được thêm vào ở cuối thư dường như đã đưa lại bằng chứng thành văn
của các tuyến lịch sử và địa lý của mối bức thư. Mặc dù Anderson nghi ngờ về sự tham gia của
Bernard Shaw, Walter Scot và Henry Ford vào loại hình thư dây chuyền này (1937: 16), tuy
nhiên, ông vẫn dựa trên tên tuổi của các nhân vật và những vị trí địa lý được dẫn ra trong các
danh mục này.

Nhìn từ viễn cảnh này, loại hình thư dây chuyền ở đây dường như phù hợp hoàn toàn về các tiền
đề và các thực tiễn của phương pháp lịch sử-địa lý, và theo các đặc trưng của chúng để khiến cho
các thực hành ấy chính là sự biện minh mang tính thực nghiệm. Mặc dù các thảo luận và kết luận
của Anderson đã được cẩn thận đúc rút từ các dữ liệu thực nghiệm tùy ý sử dụng của mình,
nhưng đôi khi ông vẫn chuyển sang một mức độ trừu tượng vượt ra ngoài các đặc trưng về thời
gian, ngôn ngữ và địa điểm. Vượt qua ngôn ngữ và các biên giới quốc gia, thư dây chuyền, đối
với Anderson đã đại diện cho một hiện tượng thực sự mang tính quốc tế: các loại hình thư dây
chuyền được tìm thấy ở Estonia thuộc về nguồn vốn chung của loại hình thư dây chuyền quốc tế,
do đó thể hiện các quan hệ quốc tế của người Estonia, sự tham gia của họ vào việc trao đổi văn
hóa dân gian quốc tế.

Tính liên tục về thể loại

Anderson xử lý thư dây chuyền như là một lớp con hoặc một hiện tượng sót của Himmelsbriefe.
Himmelsbrief hoặc "thư từ thiên đường" - đó là một loại thư được cho cho là do Thiên Chúa hay
Chúa Giêsu viết ra và vì vậy mà có đủ quyền năng che chở cho chủ nhân của nó tránh được lửa,
đạn, bệnh tật, cái chết, và các bất hạnh khác (Stube 1931 / 1932b). Mặc dù Himmelsbriefe đã
được đề niên đại sớm đến thế kỷ thứ 6, ở vùng Baltic chẳng hạn, sự phổ biến của loại hình thư
này đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 19, đặc biệt liên quan đến Giáo hội Moravian (Poldmäe 1938:
530). Bao gồm cả việc khai trí và những điều răn Kitô giáo, Himmelsbriefe thường nhấn mạnh
đến bổn phận tuân thủ ngày nghỉ lễ Sa-bát; cam kết cứu rỗi vì lòng mộ đạo và rang đe những kẻ
sống trong tội lỗi. Theo định nghĩa của Anderson, thư dây chuyền khác với "Himmelsbriefe thông
thường trước hết là ở tính súc tích và thứ hai là ở mức độ hấp dẫn trong việc phát tán thư và việc
viết lại đã được biến đổi thành một chỉ dẫn nghiêm ngặt trong việc sao chép các bức thư đến chín
lần (ba lần, bốn lần) trong một khoảng thời gian ngắn và phải gửi nó đến cùng một số người quen
biết; nếu người nhận thư làm như vậy, thì vận may sẽ đến với họ, nếu không - bất hạnh sẽ theo
về" (Anderson 1937: 1).

Cách mô tả của Anderson về các thư dây chuyền thông qua những bức thư từ thiên đường đã chỉ
ra rằng vào thời điểm ông viết bài nghiên cứu của mình, trong những năm 1930, các học giả
nghiên cứu văn học dân gian có thể được cho là quen thuộc với thể loại Himmelsbriefe đến nỗi
không cần phải giải thích thêm: Himmelsbriefe là một tiêu chuẩn và các bức thư dây chuyền là
một ngoại lệ mới đối với nó. Phương pháp xác định thư dây chuyền của Anderson có thể được
cho là phù hợp và có thể lý giải bởi quan điểm lịch sử của cách tiếp cận lịch sử-địa lý: trong khi
phương pháp đó hướng đến xây dựng lại lịch sử văn bản và phát hiện nguồn gốc của văn hóa dân
gian, thì Anderson lại khái niệm hóa loại hình thư dây chuyền như là hậu duệ trực tiếp của
Himmelsbriefe, do đó đề cập đến nguồn gốc của chúng. Việc mô tả một thể loại có nghĩa là định
vị nó trong lĩnh vực các thể loại đã tồn tại thông qua việc cuộc thảo luận về sự phát triển lịch sử
nội thể loại. Từ thể loại này, một thể loại khác có thể được khơi nguồn và nó sẽ được xác định
thông qua các đặc tính phân biệt nó với hiện tượng nguyên gốc. Tuy nhiên Anderson đã không
truy tìm nguyên do dẫn đến sự phát triển của thư dây chuyền, và ông cũng không quan tâm đến
những biến đổi mà thư dây chuyền có thể gây ra trong truyền thống Himmelsbrief. Đối với ông,
cái có vẻ có tầm quan trọng quyết định chính là thực tế của tự thân tính liên tục, mức độ liên quan
của thể loại thư dây chuyền với thể loại thư thiên đường. Đó là, nếu như các thể loại và các phụ
loại hình thành một hệ thống trật tự niên đại của các mối quan hệ di truyền, thì một loại cây phả
hệ của những thể loại phát triển một cách độc lập của các thực hành thực tế của các vật mang
truyền thống.
Động cơ ẩn sau mối quan tâm đến loại hình thư dây chuyền

Anderson hy vọng độc giả của mình phải quen thuộc với "bản chất và tính cách" (Anderson 1937:
1) của Himmelsbriefe. Tuy nhiên, còn đáng ngờ hơn nữa là mối liên quan giữa Himmelsbriefe và
thư dây chuyền có ý nghĩa quan trọng hơn hết đối với người gửi và người nhận của chính những
bức thư mà ông phân tích. Động lực cho việc phát tán thư dây chuyền vẫn nằm ngoài phạm vi
quan tâm của Anderson và dường như ông đã tránh việc phán xét những người tham gia vào quá
trình chuyển tiếp thư dây chuyền. Tuy nhiên người ta vẫn có thể tìm thấy một ghi chú đáng chú ý
trong bài viết của ông, trong đó ông khẳng định tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng trong danh
sách người gửi thư dây chuyền có thể được thêm vào mà không cần kiến ​thức của họ. Theo
Anderson, vì vậy mà các nhân vật nổi tiếng này "là hiện thân cực kỳ ngây thơ của những người
tham gia vào chuỗi thư dây chuyền đó. Tuy nhiên những người nhận “lừng danh” khác cũng có
thể thực sự chơi cùng, mặc dù không hề mê tín, mà chỉ để cho vui! "(Ibid .: 6). Nhận xét của
Anderson phản ánh một thái độ kẻ cả đối với việc phát tán thư dây chuyền. Về cơ bản ông loại trừ
khả năng là các chính trị gia, nhà văn, diễn viên nổi tiếng và những người nổi tiếng khác - thành
viên của tầng lớp công chúng tinh hoa - có thể tha thiết truyền đi các bức thư dây chuyền đó hoặc
hành động một cách thực sự mê tín. Liên quan đến một ghi chú, các phán đoán này hầu như
không mang bất kỳ ý nghĩa phân tích nào, mà chỉ phản ánh một cách sinh động mối quan hệ được
chấp nhận giữa các tầng lớp, học vấn và tính duy lý.

Phác thảo cùng bài viết của mình, Anderson đề cập đến khả năng các loại hình thư dây chuyền
khác lưu hành ở Estonia và yêu cầu độc giả của mình gửi các tư liệu bổ sung cho Cục lưu trữ Văn
hóa Dân gian Estonia. Những kêu gọi hỗ trợ tương tự có thể được tìm thấy trong những nhận xét
kết luận của các nghiên cứu khác của Anderson (ví dụ như Anderson 1925-1926), nhấn mạnh tính
chất luôn luôn có thể điều chỉnh của chân lý khoa học và vì sự tiến bộ không ngững của công
cuộc nghiên cứu (ví dụ như Anderson 1935: 10-11; Kuusi 1980 : 66). Vì các dữ liệu kinh nghiệm
mới có thể chứng minh các kết luận trước đó là sai, nên kết quả của chính các nghiên cứu chi tiết
nhất cũng vẫn cần phải duy trì ở tình trạng có thể điều chỉnh. Lý tưởng của việc ngày càng đi sâu
hơn vào các câu hỏi luôn hẹp hơn là theo quan điểm điển hình của Kuhn về khoa học chuẩn
thường, cho phép tăng mức độ chính xác của nó và làm cho các dữ liệu thực nghiệm phù hợp hơn
với các tiền đề lý thuyết. Những thách đố dựa trên hệ mẫu [paradigm] đều hướng tới củng cố vị
trí của chính hệ mẫu đó, trong khi đó đồng thời kiểm nghiệm các ranh giới và khả năng của nó.
Trong phạm vi và thực chất khác nhau, những thách đố này đặt ra các mục đích khác nhau: mục
đích của Kaiser und Abt - Hoàng đế và Cha xứ của Anderson, chẳng hạn, cũng như các chuyên
khảo khác của ông xử lý những mảng văn bản khổng lồ, có thể được cho là để bất tử hóa phương
pháp lịch sử-địa lý và cung cấp cho bằng chứng cơ bản độ tin cậy của nó, trong khi các bài viết
ngắn về các chủ đề khác nhau, mặt khác, lại góp phần vào việc mở rộng lãnh thổ của chính cái hệ
mẫu [paradigm] đó và do đó cũng chính là ngành học này. Bài viết về thư dây chuyền ấy có thể
được chính xác xem như một nỗ lực quy mô nhỏ, nhằm mở rộng phạm vi của cả hai phương pháp
lịch sử-địa lý và ngành nghiên cứu văn hóa dân gian.

Các ranh giới cứng và mềm của văn hóa dân gian

Như đã đề cập ở trên, một trong những cấu phần của phương pháp lịch sử-địa lý là ý tưởng tiến
hóa-văn hóa của tất cả các nền văn hóa đều đi tới trải nghiệm cùng một quá trình phổ quát. Tính
truyền khẩu và mức độ biết chữ được coi là hai giai đoạn phát triển khác nhau và loại trừ lẫn
nhau; truyền thống, cùng với văn hóa dân gian, đã được gắn liền với văn hóa truyền khẩu, và đi
đến biến mất với sự tiến bộ của nền văn minh (ví dụ như Antonen 2005: 48-51). Cùng với những
ý tưởng này, Anderson khẳng định, chẳng hạn, các tuyến truyền bá văn hóa dân gian trùng với
"các tuyến đường chung của văn hóa" (Anderson 1923a: 408), có nghĩa là các tuyến thuộc địa:
văn học dân gian, giống như toàn bộ nền văn hóa, chỉ có thể lan truyền từ các nền văn hóa phát
triển cao đến các văn hóa vẫn còn ở mức độ phát triển thấp hơn, từ những người thực dân đến
những kẻ thuộc địa (ibid .: 408-410).

Đồng thời Anderson tự coi mình là một trong số ít các thành viên của cộng đồng lịch sử-địa lý
nhấn mạnh tính tương đối của các ranh giới giữa viết và truyền khẩu. Khi thu hút sự quan tâm
đến thực tế là những câu chuyện văn chương tác động ảnh hưởng đến những câu chuyện truyền
khẩu, và ngược lại, Anderson đã yêu cầu mỗi trường hợp phải được xử lý riêng và theo đúng với
nguồn dữ liệu thực nghiệm (Anderson 1923a: 4, 11; 1930/1933; 1935: 45-46) . Ông biết quan
điểm của mình về phương diện này là một một ngoại lệ, và thậm chí còn tự coi mình là nhà văn
hóa dân gian đầu tiên đã thu hút sự chú ý đến ranh giới mềm này (Anderson 1923a: 411). Đánh
giá từ các tuyên bố này, người ta có thể kết luận rằng đối với Anderson, tính truyền khẩu và mức
độ phát triển của văn bản viết thực sự tồn tại bên cạnh nhau trong một mối quan hệ hằng xuyên,
chứ không phải là đánh dấu các giai đoạn riêng biệt của sự tiến hóa văn hóa. Đến lượt mình, điều
này cho phép gợi ý thêm rằng Anderson đã không nhất thiết đánh đồng tính truyền khẩu với tình
trạng mù chữ và trình độ phát triển văn hóa thấp hơn. Hơn nữa, mối quan tâm của ông đối với
loại hình thư dây chuyền cũng như đối với tin đồn (Anderson 1925-1926) dường như chỉ ra rằng
ông không coi truyền thống cũng như văn hóa dân gian là độc quyền liên quan với quá khứ, với
tất cả mọi thứ phải đi đến biến mất trong sự tiến bộ của nền văn minh. Khi xử lý các hiện tượng
văn hóa dân gian được tìm thấy ở các thành phố và trong giới biết chữ và có giáo dục trong môi
trường đô thị hiện đại, Anderson quy về sự hiện diện sống động và sự thực hiện chức năng của
văn hóa dân gian trong cuộc sống hiện đại hàng ngày (xem thêm Seljamaa 2005, esp. 162-163).
Trong khi sẽ được phóng đại để đọc ý định đề xuất một khái niệm văn hóa dân gian rộng lớn hơn
theo các quy chiếu này, nó vẫn cho thấy cách tiếp cận sáng tạo của Anderson đối với văn học dân
gian, cũng như tính khả thi của việc nghiên cứu các hiện tượng như vậy trong khuôn khổ của
phương pháp lịch sử-địa lý.
__________________________________

Nguồn: Elo-Hanna Seljamaa 2008. Remarks on the Historic - Geographic Method and
Structuralism in Folklore Studies: the Puzzle of Chain Letters. Estonian Literary Museum,
Estonian National Museum, University of Tartu, Vol. 1(2): 83–98.

Tác giả: Elo-Hanna Seljamaa, Khoa Văn học Dân gian Estonia và So sánh Văn học Dân gian,
Đại học Tartu. Trọng tâm nghiên cứu hiện tại của cô là về chủ nghĩa dân tộc và bản sắc dân tộc
trong thời hậu Xô Viết Estonia. Luận án tiến sĩ của cô tại Đại học bang Ohio tập trung khảo sát
các mối tương tác giữa các tộc thuộc láng giềng và trang trí đô thị ở Tallinn, bằng cách tiếp cận
kết hợp các phương pháp dân tộc học và nghiên cứu văn học dân gian với khoa học chính trị và
xã hội học. Trong những năm gần đây, cô cũng đã nghiên cứu những bản ballad giết trẻ sơ sinh
thu thập được ở Estonia trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và các tác phẩm nghệ thuật, cũng như
các công trình của Kristjan Raud, một trong những nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của Estonia.
Trong cả hai trường hợp, cô đều quan tâm đến mối tương quan giữa việc nghiên cứu văn hóa dân
gian và hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Lĩnh vực quan trọng khác mà cô theo đuổi là lịch sử nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là
phân tích phê phán phương pháp lịch sử-địa lý và tác động của nó đến sự hình thành của ngành
nghiên cứu văn hóa dân gian - Folkloristics với tư cách là một bộ môn nghiên cứu ở Estonia. Cô
đã công bố nhiều bài viết về Walter Anderson, một trong những nhà phương pháp lịch sử-địa lý
ưu việt và giáo sư đầu tiên về Văn hóa Dân gian So sánh Estonia tại Đại học Tartu. Quan tâm của
cô về lịch sử của ngành học khởi đầu từ nghiên cứu lịch sử thể loại thư dây chuyền và tác động
của Internet và thông tin điện tử đối với loại hình thư dây chuyền. Hoạt động gần đây: Vào mùa
hè năm 2009, cô bắt đầu nghiên cứu thực địa tại Tallinn, cô còn là đồng biên tập viên của mạng
thảo luận H-Folk quốc tế. Trong khoảng thời gian 2005-2009, cô là thư ký của Hiệp hội Quốc tế
Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Tự sự.
REFERENCES

Aarne, Anti 1913. Leitfaden der vergleichenden Märchenforschung. FF Communications 13.


Hamina: Suomalaisen Tiedeakatemian kustantama.
Anderson, Walter 1923a. Kaiser und Abt. Die Geschichte eines Schwanks. FF Communications
42. Helsinki: Academia Scientiarium Fennica.
Anderson, Walter 1923b. Prof. Kaarle Krohn ja tema uurimismeetod. – Eesti Kirjandus, 5–6,
193–197.
Anderson, Walter 1925–1926. Die Marspanik in Estland 1921. – Zeitschrift des Vereins für
Volkskunde (Berlin) 35/36, 229–252.
Anderson, Walter 1930/1933. Buchvariante. – Lutz Mackensen (Hrsg.). Handwörterbuch des
Deutschen Märchens. I Band. Berlin und Lepzig: Walter de Gruyter & Co, 347–349.
Anderson, Walter 1935. Zu Albert Wesselski’s Angriffen auf die finnische folkloristische
Arbeitsmethode. – Acta et commentationes Universitatis Tartuensis (Dorpatensis). B. Humaniora.
XXXVIII: 3.
Anderson, Walter 1937. Kettenbriefe in Estland. Eesti Rahvaluule Arhiivi toimetused 7. Tartu: K.
Mattieseni trükikoda.
Antonen, Perti 1997. Philological Approach. – Thomas A. Green (ed.). Folklore. An Encylopedia
of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art. Volume II. Santa Barbara, California; Denver,
Colorado; Oxford, England: ABC-Clio, 641–647.
Antonen, Perti 2005. Tradition through Modernity: Postmodernism and the Nation-State in
Folklore Scholarship. Studia Fennica Folkloristica 15. Helsinki: Finnish Literature Society.
Antonen, Perti 2007. Notes on Lauri Honko’s Discussion on Paradigms in the History of Folklore
Studies. – FF Network for the Folklore Fellows. No. 33, December 2007, 12–13, 16–20.
Dégh, Linda 2001. Legend and Belief. Dialectica of a Folklore Genre. Bloomington and
Indianapolis: Indiana University Press.
Dundes, Alan 1964. The Morphology of North American Indian Folktales. FF Communications
195. Helsinki: Academia Scientiarum Fennica.
Dundes, Alan 1975a (1966) The American Concept of Folklore. – Analytic Essays in Folklore.
The Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 3–16.
Dundes, Alan 1975b (1963). Toward a Structural Study of the Riddle. – Analytic Essays in
Folklore. The Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 95–102.
Dundes, Alan 1975c (1970). On the Structure of the Proverb. – Analytic Essays in Folklore. The
Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 103–118
Dundes, Alan 1975d (1964). On Game Morphology: A Study of the Structure of Non-Verbal
Folklore. – Analytic Essays in Folklore. The Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 80–87.
Dundes, Alan 1975e (1961). The Structure of Superstition. – Analytic Essays in Folklore. The
Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 88–94.
Dundes, Alan 1976. Structuralism and Folklore. – Juha Pentikäinen, Tuula Juurikka (eds.). Folk
Narrative Research: Some Papers Presented at the VI Congress of the International Society for
Folk Narrative Research. Studia Fennica 20. Helsinki: Suomalaisen Kirjallisuuden Seura, 75–93.
Dundes, Alan 1980 (1964). Texture, Text, and Context. – Interpreting Folklore. Indiana
Univeristy Press, 20–32.
Dundes, Alan 1983. Offi ce Folklore. – Richard M. Dorson (ed.). Handbook of American
Folklore. Bloomington: Indiana University Press, 115–120.
Dundes, Alan, Carl R. Pagter 1975. Work Hard and You Shall Be Rewarded. Urban Folklore from
the Paperwork Empire. Bloomington, London: Indiana University Press.
Dundes, Alan, Carl R. Pagter 1987. When You’re Up To Your Ass in Alligators: More Urban
Folklore from the Paperwork Empire. Detroit: Wayne State University Press.
Dundes, Alan, Carl R. Pagter 1991. Never Try to Teach A Pig To Sing: Still More Urban Folklore
from the Paperwork Empire. Detroit: Wayne State University Press.
Hautala, Jouko 1954. Suomalainen kansanrunoudentutkimus. Suomalaisen Kirjallisuuden Seuran
Toimituksia 244. Helsinki: Suomalaisen Kirjallisuuden Seura.
Holbek, Bengt 1992. On the Comparative Method in Folklore Research. With contributions from
Hermann Bausinger, Lauri Honko, and Roger D. Abrahams. – NIF Papers No. 3. Turku: Nordic
Institute of Folklore.
Hoppál, Mihály 1986. Chain Leter: Contemporary Folklore and the Chain of Tradition. –
Irma-Riita Järvinen (ed.). Contemporary Folklore and Culture Change. Finnish Literature Society
Editions 431. Helsinki: Suomalaisen Kirjallisuuden Seura, 62–80.
Krohn, Kaarle 1926. Die folkloristische Arbeitsmethode begründet von Julius Krohn und
weitergeführt von nordischen Forschern. Insitutet for sammenlignende kulturforskning. Ser.B.
Skrifter 5. Oslo:Aschehoug.
Kuhn, Thomas S. 1970. The Structure of Scientific Revolutions. Second Edition, Enlarged.
International Encyclopedia of Unified Science. The University of Chicago Press.
Kuusi, Mati 1980. Suomalainen tutkimusmenetelmä. – Mati Kuusi, Lauri Honko, Leea Virtanen,
Juha Pentikäinen. Perinteentutkimuksen perusteita. Porvoo-Helsinki-Juva: Werner
Söderströmosakeyhtiö, 21–73.
Preston, Michael J. 1976. Chain Leters. – Tennessee Folklore Society Bulletin Volume XLII,
Number 1, March, 1–11.
Propp, Vladimir 1968. Morphology of the Folktale. Austin: University of Texas Press.
Põldmäe, Rudolf 1938. Üks haruldane tüüp eestikeelseist taevakirjadest. Äratrükk Õpetatud Eesti
Seltsi Toimetustest XXX. Tartu: [K. Matieseni trükikoda].
Seljamaa, Elo-Hanna 2005. Walter Anderson: A Scientist beyond Historic and Geographic
Borders. – Kristin Kuutma, Tiiu Jaago (eds.). Studies in Estonian Folkloristics and Ethnology. A
Reader and Reflexive History. Tartu: Tartu University Press, 153–168.
Seljamaa, Elo-Hanna 2007. Täiustatud tõde ehk Walter Andersoni rahvajutude enesekontrolli
seadus. – Keel ja Kirjandus, 11, 888–906.
Stübe, Rudolf 1931/1932a. Himmelsbrief. – Hanns Bächtold-Stäubli, Eduard Hoffmann-Krayer
(Hrsg.). Handwörterbuch des deutschen Aberglaubens. Band IV. Berlin und Leipzig, 21–27.
Stübe, Rudolf 1931/1932b. Ketenbrief, -gebet. – Hanns Bächtold-Stäubli, Eduard
Hoffmann-Krayer (Hrsg.). Handwörterbuch des deutschen Aberglaubens. Band IV. Berlin und
Leipzig, 1286–1287.
Tuneld, John 1978. Walter Anderson. – Kungl. Gustav Adolfs Akademiens MINNESBOK
1957–1972 I. Uppsala : Gustav Adolfs akad., 57–79.
Virtanen, Leea 1997. Historic-geographic Method. – Thomas A. Green (ed.). Folklore. An
Encylopedia of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art. Volume II. Santa Barbara, California;
Denver, Colorado; Oxford, England: ABC-Clio, 442–447.
Ứng dụng lý thuyết motif và phương pháp
từ điển A-T vào biên soạn bảng tra motif
thần thoại Việt Nam
ThS. Nguyễn Thị Thanh Trâm

A. Lý thuyết type, motif và phương pháp biên soạn tư liệu truyện dân gian theo
type và motif

a) Lý thuyết type, motif trong nghiên cứu folklore được khởi xướng bởi những nhà sáng
lập nên trường phái địa lí - lịch sử (Historic-geographic Method), còn gọi là Trường phái Phần
Lan (Finnish Method) vào cuối thế kỉ XIX, nửa đầu thế kỉ XX là J.L. Fredrik Krohn (1835
-1888) và Kaarle Krohn (1863 - 1933). Nhưng người thực sự có công lao trong việc xây dựng,
phát triển lý thuyết này cũng như ứng dụng nó vào nghiên cứu truyện kể dân gian thì phải kể
đến hai đại diện khác của trường phái Phần Lan là Antti Aarne (1867-1925) và Stith Thompson
(1885-1976) và nhà Ngữ văn học người Nga A.N.Vexelovxki (1838 - 1906), đại diện tiêu biểu
của trường phái văn học lịch sử so sánh hình thành ở Nga vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Nhìn chung, việc nghiên cứu motif trong văn học dân gian được triển khai chủ yếu trên hai bình
diện: thứ nhất, nghiên cứu motif từ bình diện cấu trúc văn bản và mối quan hệ giữa nó và cốt
truyện; thứ hai, tiếp cận nguồn gốc lịch sử - xã hội của motif. Ở bình diện thứ nhất, motif được
xem là một chi tiết/ thành tố cấu thành nên cốt truyện, lặp lại nhiều lần và là hạt nhân quan
trọng có khả năng tự sản sinh cốt truyện. Ở bình diện thứ hai, motif không chỉ được xem như là
một thành tố cấu thành cốt truyện hay một hình thức tự sự mà về góc độ ngữ nghĩa, nó còn là
một hình thức phản ánh nội dung hiện thực xã hội, ghi nhận những nội hàm văn hoá và tâm lý,
tư tưởng của con người ở thời đại lịch sử mà motif ra đời. Từ điểm nhìn này, nhiều nhà nghiên
cứu đã truy tìm nguồn gốc dân tộc học của việc hình thành motif, từ đó chỉ ra những ý nghĩa xã
hội, văn hoá cụ thể được ẩn dấu trong motif như là một cách tiếp cận nhân học bổ sung cho
những giới hạn của phương pháp tiếp cận văn bản – cấu trúc của trường phái Phần Lan. A.N.
Vexelovski, người khởi xướng phương pháp tiếp cận nguồn gốc lịch sử trong nghiên cứu văn
học đã chú ý đến khía cạnh nội dung ngữ nghĩa của motif khi ông nhấn mạnh: “tôi hiểu motif
như một công thức, vào thuở ban đầu của xã hội loài người, trả lời cho những câu hỏi mà giới
tự nhiên ở mọi nơi đặt ra đối với con người, hoặc ghi nhận những ấn tượng về thực tại đặc biệt
mạnh mẽ, quan trọng và lặp lại nhiều lần”, “Tôi hiểu motif như một đơn vị trần thuật đơn giản
nhất, giải đáp những vấn đề khác nhau mà tâm trí nguyên thuỷ hoặc những sự quan sát trong
đời sống nguyên thuỷ đặt ra” [2; tr.13]. Ông không chỉ chủ trương tìm hiểu môi trường văn hoá,
lịch sử tác động lên sự hình thành motif cũng như lịch sử chuyển biến của nó mà còn lý giải
tính thuần nhất và giống nhau của các motif trong các môi trường bộ lạc khác nhau là do sự
đồng nhất về điều kiện sống và các quá trình tâm lý tích tụ trong họ. Ở đây, motif được xem là
“con đường ngắn nhất” để tìm ra mối liên hệ đồng tương đồng về mặt văn hoá, lịch sử và những
quy luật tâm lý chung của các dân tộc trên thế giới. Quan điểm này gần gũi với lý thuyết nhân
học ở Anh vào thế kỉ XIX của các nhà dân tộc học so sánh như E.Tylor, A.Lang, J.Frazer khi
những người này cho rằng sự tương đồng trong truyện kể dân gian của các dân tộc trên thế giới
là do sự tương đồng về văn hoá và quy luật phát triển chung của nhân tư duy loài người theo
từng giai đoạn lịch sử.

b) Từ điển A-T hay là phương pháp biên soạn tư liệu về truyện kể dân gian theo type và
motif là hướng nghiên cứu chính của trường phái Phần Lan. Dựa vào vai trò cấu thành cốt
truyện dân gian, tính phổ biến và tính lặp lại của type và motif, Antti Aarne và Stith Thompson
đã tiến hành lập bảng tra cứu truyện cổ dân gian theo type, từ đó tiến hành so sánh các văn bản
truyện kể để tìm ra con đường di chuyển địa lý của chúng cũng như tính tương đồng giữa các
truyện cổ tích trên thế giới. Công trình The Type of the Folktale – A Classification and
Bibliography, do Antti Aarne biên soạn và Stith Thompson mở rộng được xuất bản lần đầu vào
năm 1928 tại Helsinki, được biết đến với tên gọi tắt là từ điển A-T (do việc viết tắt họ của hai
nhà khoa học Aarne và Thompson). Tuy nhiên, sau đó, S.Thompson đã đặt vấn đề cần phải biên
soạn một bộ từ điển truyện dân gian không phải ở cấp độ cốt truyện (type) mà là ở cấp độ chi
tiết (motif), bởi theo ông “sự tương đồng ở cấp độ cả một câu chuyện phức hợp hoàn chỉnh
không thường xuyên bằng sự tương đồng ở cấp độ motif” [5; tr.1]. Ở công trình thứ hai mang
tên Motif index of Folk-Literature, A Classification of narrative elements in folk-tale, ballads,
myths, fables, medieval, romances, exempla, local legends, bằng việc lập nên bảng phân loại với
số lượng lớn các motif đơn nhất, S.Thompson đã coi motif chính là đơn vị hạt nhân hình thành
nên truyền thống tự sự trong văn học dân gian và từ đó làm nên kinh nghiệm nền tảng cho nghệ
thuật tự sự trong văn học viết [5; tr.1].

Với những đóng góp của Antti Aarne và Stith Thompson, phương pháp biên soạn từ
điển của trường phái Phần Lan đã nhanh chóng gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong ngành folklore
thế giới trong suốt thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, làm dấy lên phong trào biên soạn các bảng tra
cứu truyện cổ và nghiên cứu văn học dân gian từ type và motif. Những bảng tra cứu công phu
truyện cổ dân gian ngày nay đã xuất hiện phổ biến ở Hoa Kỳ, Canada, Nga, Tây Ban Nha,
Aixơlen, Latvia, Thụy Điển, Đức, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Tiệp Khắc, Hunggary, Rumany, Ả
Rập, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, các vùng Tây Phi, Nam Phi và
châu Mỹ Latinh. Ở Việt Nam, phương pháp này được giới thiệu và ứng dụng nghiên cứu tương
đối muộn, bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu đi trước đã đóng góp nhiều
công sức trong việc giới thiệu cũng như ứng dụng lý thuyết này vào nghiên cứu văn học dân
gian Việt Nam như nhà nghiên cứu Lê Chí Quế (với bài giới thiệu Trường phái văn học Phần
Lan - những nguyên tắc ứng dụng và khả năng lý luận, Tạp chí Văn học, số 5/1994, tr.37-44),
Nguyễn Thị Hiền (Nghiên cứu truyện cổ dân gian Việt Nam theo bảng mục lục tra cứu típ và
mô típ truyện cổ dân gian của Antti Aarne và Stith Thompson, Tạp chí Văn hoá dân gian, số
2/1996, tr.13-24), Nguyễn Tấn Đắc (Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, Nxb KHXH,
2001), Kiều Thu Hoạch (Sơ bộ tìm hiểu kiểu truyện Tấm Cám ở Trung Quốc, Tạp chí Văn hoá
dân gian, số 4/1996, tr.17-23, và So sánh típ truyện Trầu cau ở Trung Quốc và típ truyện cùng
loại ở Việt Nam và Cămpuchia, bàn về tục ăn trầu và văn hoá quyển trầu cau ở Đông Nam Á,
Tạp chí Văn học, số 4/2001, tr.33-40), Vũ Anh Tuấn (Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa một số típ
truyện kể dân gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam, Luận án PTS Ngữ văn, 1991), Nguyễn Bích
Hà (Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á, Nxb Giáo
dục, H.1998), Nguyễn Thị Huế (Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt Nam, Nxb
KHXH, H.1999), Trần Thị An (Motif đứa trẻ bị bỏ rơi và kết cấu cổ tích trong Không gia đình
và Oliver Twist, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5/2007, tr.137-155 và Nghiên cứu văn học dân
gian từ góc độ type và motif – những khả thủ và bất cập, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số
7/2008, tr.86-104). Tuy nhiên, mãi đến năm 2012, phương pháp từ điển A-T mới được ứng
dụng để lập bảng tra cứu type truyện dân gian Việt Nam, với công trình Từ điển type truyện dân
gian Việt Nam (do Nguyễn Thị Huế chủ biên, Nxb Lao động, H.2012). Trong công trình này,
các nhà nghiên cứu đã tiến hành biên soạn công phu các type truyện dân gian của 5 thể loại
(thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười và giai thoại), trên một phạm vi tư liệu
rộng gồm truyện kể dân gian của các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng
tôi, nếu như việc ứng dụng lý thuyết về type là khả dụng đối với thể loại truyện cổ tích, vì
truyện cổ tích có tính ổn định cao về mặt loại hình, cốt truyện thì với tính chất linh hoạt, tự do
"không đầu không cuối" (Trần Đình Sử) về kết cấu của thể loại “nghệ thuật không tự giác” là
thần thoại, việc phân tích và tra cứu từ cấp độ motif tỏ ra thích hợp hơn. (Thần thoại hướng tới
thể hiện những ý niệm của người xưa về các hiện tượng tồn tại trong tự nhiên và vũ trụ, có xu
hướng quy bản chất của các sự vật về nguồn gốc của chúng. Vì thế, thần thoại thiên về thể hiện
những nhận thức, lý giải về nguồn gốc ban đầu của các sự vật hiện tượng hơn là phản ánh các
xung đột mang tính xã hội như truyện cổ tích. Trong thần thoại vì vậy hầu như chưa có cốt
truyện theo đúng nghĩa là diễn biến các sự kiện theo một trình tự được triển khai xoay quanh
việc giải quyết một xung đột nào đó). Hơn nữa, thần thoại Việt Nam phần nhiều đã bị tản mát,
chỉ còn lại những mảnh vỡ hoặc đã bị lịch sử hoá, cổ tích hoá, nhiều yếu tố thần thoại của các
dân tộc thiểu số tồn tại trong các hình thức nghi lễ, vì thế, sự tương đồng ở cấp độ là cả cốt
truyện hoàn chỉnh không thường gặp bằng sự tương đồng ở cấp độ motif. Motif có tính chất ổn
định cao, “là yếu tố nhỏ nhất và không thể phân chia được nữa” (A.N.Vexelovski), vì thế, chúng
là những yếu tố thần thoại được bảo lưu và có sức sống mãnh liệt trong quá trình chuyển hoá và
kế thừa thể loại từ thần thoại sang sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích. Với những lý do trên,
trong bài viết này, chúng tôi đặt ra vấn đề ứng dụng phương pháp từ điển A-T để khảo sát và lập
bảng tra cứu thần thoại Việt Nam từ cấp độ motif. Việc lập bảng tra cứu thần thoại Việt Nam
được tiến hành dựa trên bảng tra cứu motif truyện kể dân gian của S.Thompson trong công trình
thứ hai Motif index of Folk-Literature, A Classification of narrative elements in folk-tale,
ballads, myths, fables, medieval, romances, exempla, local legends. Những motif đã có mặt
trong bảng tra cứu trên được chúng tôi sử dụng để bổ sung thêm những trường hợp xuất hiện
trong thần thoại Việt Nam. Còn những motif chưa có mặt trong bảng tra cứu của S.Thompson
được đặt tên và đưa vào bảng tra cứu như là những phát hiện mới bổ sung vào hệ thống motif
của S.Thompson. Do hạn chế về dung lượng của bài viết, ở đây, chúng tôi chỉ xin trích dẫn một
phần bảng tra cứu motif thần thoại Việt Nam, trong phạm vi thần thoại về mặt trời.

B. Bảng tra cứu motif thần thoại Việt Nam (trường hợp thần thoại về mặt trời)

I. Bóng tối khởi thủy (Hoặc: Khởi nguồn không có mặt trời) (A. 605.1)([1])

Thuở trời đất mới khai sinh, chưa có ngày đêm, chưa có mặt trời (mặt trăng). Trời đất
tối om, lạnh lẽo, mặt đất bùn nhão, chưa có sự sống. Con người và muôn vật xuất hiện nhưng
khổ sở vì thiếu ánh sáng. Đó là lí do mặt trời, (mặt trăng) xuất hiện.

Các bản kể:


1. Tạo lập vũ trụ (H`mông) [TTVHDGVN,I];

2. Câu chuyện mở đầu (H`mông)[TTVN] hay: Vườn Địa đàng (khảo dị) [TTVHDGVN]

3. Dư Nhung [Tuyển tập VHDG VN, I]/ (H'mông)

4. Vì sao người ăn ớt cay (H`mong) [TTVHDGCDTTS,III];

5. Sự tích người Mèo ở núi cao (H`mông)[TCDTM – DT,tr.38-39];

6. Sự hình thành trái đất và muôn loài (Hà Nhì) [TTVHDGTS- tập III]

7. Xa nhà ca (Hà Nhì) [TT VHDG CDTTS VN]

8. K'dạ K'du (Mạ) [TT VHDG CDTTS VN]

9. Kei Kamao (Rag-lai) [TTVHDGDTTSVN]

10. Pô-Kuk (Chăm) [TTVHDGVN,I]

11. Thần Lửa (Bana [TTVN; TCBN]).

II. Sự sáng tạo mặt trời (A. 710)

II.1. Mặt trời khởi thủy được tạo ra bởi thần sáng tạo

(1) Thần Cuông Minh Vàng Rậm, nàng Ả Sấm Trời khai mỏ vàng đúc 9 mặt trời, (khai mỏ
đồng đúc 12 mặt trăng). (2, 3,4, 5, 6, 7, 8) Trời/Then/ Chử Làu/ Dư Nhung thả nhiều mặt trời,
(mặt trăng) trên bầu trời. (9) Che pé A Lòng nặn ra ba mặt trời, (3 mặt trăng). (10) Thượng đế
sai người thợ đan lát Lọ dự U pú thả mặt trời (mặt trăng). (11) Cha mẹ người sáng tạo Kei
Kamao gọi 7 mặt trời, 7 mặt trăng chiếu sáng trái đất. (12) Bà Át-mê-hư-cắt sau khi làm ra vũ
trụ nhưng trái đất còn bập bềnh nước nên bà tạo ra 12 mặt trời, 12 mặt trăng.

Các bản kể:

1. Đẻ đất đẻ nước (Mường) [ĐĐĐN]


2. Gà đẻ gà cục tác (Thái) [TCDTIN, IV]
3. Gà gọi mặt trời (Thái) [TCT; VHDTTSNA])
4. Ẳm Ệt luông (Thái) TTVHDGCDTTS,III[]
5. Tạo lập vũ trụ (H`mông) [TTVHDGVN,I]
6. Câu chuyện mở đầu (Hmông) [TTVN]
7. Sự tích người mèo ở núi cao (H`mông) [TCDTM-DT]
8. Dư Nhung (H`mông) [TTVHDGVN,I]
9. Sự hình thành trái đất và muôn loài (Hà nhì)[TTVHDGVN,I]
10. Xa nhà ca (Hà nhì) [TTVHDGCDTTSVN,III]
11. Kei Kamao (Raglai) [TTVHDGVN,I]
12. Pô-Kuk (Chăm) [TTVHDGVN,I]

II.2. Mặt trời (mặt trăng) là mắt của thần sáng tạo (A 714.7)

(1) Bà Pô-na-ga sắp xếp vũ trụ theo hình thân thể: mặt trời, mặt trăng là hai mắt của bà.

(2) Nhiêu Vương có ba trăm sáu mươi con mắt, mắt trái sinh ra mặt trời, mắt phải sinh ra
mặt trăng.

Các bản kể:

1. Nữ thần Pô-na-ga (Chăm)


2. Truyện Bàn Hồ (Dao) [TTVHDGVN,I]

II.3. Mặt trời là người đàn ông đến từ trái đất. Người đàn ông bay lên bầu trời và trở thành
mặt trời (A 711)

(1) Hoàng tử cưỡi chim công bay lên trời tìm vợ thành mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ mỗi
sáng ở phương Đông. (2) Người anh chèo thuyền lên mặt trời xin lửa nướng tôm, ở lại làm
thần mặt trời.

Các bản kể:

1. Nàng bàn tay (Chăm)


2. Nguồn gốc loài người (Bru- Vân Kiều)[TCVK; TT VHDG VN I]

II. 4. Những người anh em (hoặc chị em) bị biến thành mặt trời, mặt trăng (và các hiện
tượng tự nhiên khác)

(1) Người chị và em biến thành mặt trời và mặt trăng. Mặt em xấu xí nên làm mặt trời, tung nghìn
tia sáng để không ai nhìn thấy khuôn mặt. (2) Người con bất hiếu bị biến thành mặt trời, bên cạnh lợi
ích gây lắm tai họa như nắng hạn nên ai cũng ghét. (3) Ba anh em hóa thành mặt trời, mặt trăng và
Rìa-hu (thần gió).

Các bản kể:

1. Sự tích mặt trăng, mặt trời (Hà Nhì)

2. Sự tích mưa, gió, mặt trời, mặt trăng (Khơ-me)

3. Sự tích nhật thực, nguyệt thực (Khơ-me)

II.5. Mặt trời từ các đối tượng ném vào bầu trời (A 714 )

(1) Ông chày, bà Chày nặn 9 cái bánh pa tung lên trời biến thành mặt trời. (2) Bà Pô-na-ga
lấy cái cân tạo ra vũ trụ: bầ

(2) u trời là đĩa cân, đất là quả cân, mặt trời, mặt trăng là dây xách trên cân. (3) Vị thần sáng
tạo đầu tiên đào hai tảng đá lớn dưới đất vo tròn như trái bí rồi ném lên bầu trời thành mặt
trời, mặt trăng.

Các bản kể:

1. Vì sao người ăn ớt cay (H`mông) [TTVHDGTS, III]

2. Nữ thần Pô-na-ga (Chăm) [NTPNG]

3. Hạt dẻ thần kỳ (Ê-đê) [TCED]

II.6. Mặt trời (mặt trăng và các ngôi sao) được rèn bởi người thợ rèn (A700. 5)

Ông K`đạ lấy đất và sắt rèn thành ông mặt trời chiếu sáng ban ngày. Ông K`đu lấy sừng trâu
rèn thành mặt trăng, xương trâu rèn thành các ngôi sao.

Các bản kể:

1. K`đạ K`đu (Mạ) [TTVHDGTS,III]

III. Mặt trời là thần sáng tạo (A.1.1)

(1) Vị thần sáng tạo ra trời đất, muôn loài, làm ra mưa bão, ông đi sinh ra nóng, ngủ sinh ra
lạnh. Dân La chí theo hoạt động của thần để làm ăn, tháng giêng thần ngủ trồng gì cũng
không nên, tháng hai, thần thức dậy, đất đai ấm hơn, cây cối mọc, tháng 3 thần đi đây đó
trồng gì cũng nên.Thần cho dân giống lúa ngô, sinh ra chim muông, gia súc, gia cẩm, sinh ta
mọi phong tục tập quán… của người La Chí.

(2) Thần dạy dân làm ra rìu rựa, phát rẫy, tra hạt trồng lúa, dạy dân làm bẫy săn bắt, bày cách
dùng lửa, cách làm nhà sàn... Từ đó nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Các bản kể:

2. Pư Lô Tô (La Chí) [TCHG]

3. Thần Lửa (Ba-na) [TTVN]

IV. Mặt trời là nữ thần (A 220.1)

Mặt trời là nữ thần (giống cái) trong khi mặt trăng là nam thần (giống đực).

Các bản kể:


1. Nữ thần mặt trời và mặt trăng (Việt) [TTVHDG VN,I]
2. Tạo lập vũ trụ [TTVHDG VN,I]
3. Diông lấy mặt trời (Gia-rai) [TTVHDG VN,I]
4. Cây Tông Lông (Gia-rai) [TCDTINVN]
5. Ông Xơrơđen (Cơ-ho) [TTVHDGVN, I, TCCH]
6. Mặt trời, mặt trăng (Co-ho)[TTVHDGVN, I]

VI. 1. Mặt trời có nguồn gốc từ lửa (A 712.1)

Các bản kể:

1. Thần Lửa (Ba-na) [TTVN]

VI.2. Ăn trộm lửa từ mặt trời - kẻ canh giữ ban đầu

(1) Người lên trời xin lửa, Then sai lấy lửa ở mặt trời cho. (2) Ông Tiên bày cho loài
người lấy lửa của mặt trời để nướng thịt ăn. Từ đó, loài người biết dùng lửa. (3) Mơ Sao ăn
trộm lửa của thần mặt trời Dang Dai mang xuống cho trần gian. (4) Người anh chèo thuyền
lên mặt trời xin lửa. (5) Bợ chèo thuyền ra biển lấy lửa từ mặt trời.

Các bản kể:

2. Xin lửa của mặt trời [TTVHDGCDTTSVN, III]


3. Vì sao người ăn ớt cay [TT VHDG CDTTS VN]
4. Mơ sao [KTTTVN]
5. Nguồn gốc loài người [TCVK; TT VHDG VN, I]
6. Cố Bợ [KTTKDGNT]

VII. Nhiều mặt trời xuất hiện trên bầu trời (F961.1.3)

VII.1.Ban đầu là 9 mặt trời, 8 (hoặc 12) mặt trăng trên bầu trời.

Các bản kể:

1. Đẻ đất đẻ nước (Mường) [ĐĐĐN]

2. Sự tích chín ông mặt trời, tám bà mặt trăng (Thái) [TT VHDG CDTTS VN, III].

3. Gà đẻ gà cục tác (Thái) [TTVHDG CDTTS VN, XIV]

4. Gà gọi mặt trời (Thái) (trích Xuống mường [TCT; VHDTTSNA])

5. Ẳm Ệt luông (Thái) [TT VHDG CDTTS VN, III]

6. Dư Nhung (H`mông) [TTVHDGVN, I] / Kể chuyện trời đất [TCDTMHG- LTV]/ Câu


chuyện mở đầu [TCDTM(LTV)]/ Sự tích mào gà [CSN]

7. Vì sao người ăn ớt cay (H`mông) [TT VHDG CDTTS VN, III]

8. Kruôz cê (H`mông) [TT VHDG CDTTS, III]

VII. 2. 12 mặt trời (12 mặt trăng) đua nhau thè lưỡi lửa khổng lồ đốt cháy gây hạn hán, người
vật chết dần chết mòn (A 739.3)

Các bản kể:

1. Chó sói ăn mặt trời, ếch ăn trăng (Thái) [TTVHDG CDTTS,III]

2. Truyện Gà gọi mặt trời (Tày) [KTTTVN]; [TT VHDG VN, II]

3. Tại sao ngày nay vịt lại không ấp trứng nuôi con (Tày) [TCBK, I]

4. Truyện Chang Lôcô – Phu Hay (Dao) [TT VHDG VN I]

5. Vì sao ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng (La-chí) [TCHG]

6. Mười hai ông mặt trời (Cờ-lao)[TCDTIN, III]

7. Mười hai ông Mặt trời (Mảng) [TTVHDGVN, I]

8. Pô Kuk (Chăm)[TTVHDGVN, I] /Sự tích gà gáy sáng [TCC]

9. Nữ thần Pônagar (Chăm)[NTPNG]

VII. 3. 10 mặt trời, (9 mặt trăng) chiếu sáng trái đất 7 năm liền

Các bản kể:

1. Câu chuyện mở đầu (H`mông) [TTVN]

2. Tạo lập vũ trụ (H`mông) [TTVHDGVN, I]

3. Sự tích người Mèo ở núi cao (H`mông) [TCDTM]

VII. 4. Ngày có 7 mặt trời, đêm có 7 mặt trăng (A 720.1)

Các bản kể:

1. Mặt trời và mặt trăng [TTVHDG VN, I/ KTTTVN]/ Mặt trăng và mặt trời (H`mong)
[CSN].
2. Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài [TTVHDGVN,I]

3. Kei Kamao [TTVHDG CDTTS, III]

VII. 5. 3 mặt trời, (3 mặt trăng) (F961.1.3.2)

Các bản kể:

1. Sự hình thành trái đất và muôn loài [TTVHDGTS, III]/Che Pé A lòng


[TTVHDGVN, I]

VII. 6. Xưa kia, giữa vũ trụ bao la có hai mặt trời: Mặt trời to là mẹ, mặt trời bé là con. Hai
mặt trời sà xuống trần gian nên nóng quá (F961.1.3.1/ A 227. Hai mặt trời)

Các bản kể:

1. Gà trống cất tiếng gáy [TCRT]/ Săng Sần [KTTTVN]

VIII. Nhiệt và ánh sáng của mặt trời (A.733)

VIII. 1. Mặt trời làm khô trái đất bằng nhiệt của nó (A 733.5)

(1,2,3,4,5) Trời đất mới tạo ra còn ẩm ướt, bùn nhão, (6,7,8) sau trận lụt lớn, mặt trời chiếu
sáng làm khô trái đất.

Các bản kể:

1. Tạo lập vũ trụ (H`mông) [TTVHDG VN, I]

2. Câu chuyện mở đầu) (H`mông) [TTVN ] / Vườn địa đàng [TTVHDGVN,I]

3. Vì sao người ăn ớt cay (H`mông) [TT VHDG CDTTS VN]

4. Sự tích người Mèo ở núi cao (H`mông) [TCDTM – DT]

5. Pô Kuk (Chăm) [TTVHDGVN, I] hay: Sự tích gà gáy sáng (Chăm) [TCC]

6. Gà đẻ gà cục tác (Thái) [TTVHDG CDTTS VN, XIV]

7. Ẳm Ệt luông (Thái) [TT VHDG CDTTS, III]

8. Truyện Chang Lôcô – Phu Hay (Dao) [TT VHDG VN, I]

VIII. 2. Ánh sáng và nhiệt của mặt trời tạo lập sự sống
Khi vũ trụ mới khai sinh, chưa có mặt trời (mặt trăng) (hoặc sau trận lụt lớn), trái đất ẩm
ướt, tối tăm, bùn nhão chưa có sự sống. Mặt trời, mặt trăng xuất hiện toả ánh sáng và hơi ấm,
sự sống mới được tạo lập và sinh sôi nảy nở.

Các bản kể:

1. Câu chuyện mở đầu (H`mông) [TTVN] / Vườn địa đàng [TTVHDGVN,I]

2. Gà đẻ gà cục tác (Thái) [TTVHDG CDTTS VN, XIV] – truyện cổ tích

3. Sự tích người Mèo ở núi cao (H`mông) [TCDTM – DT,tr.38-39]

4. Vì sao người ăn ớt cay (H`mông) [TT VHDG CDTTS, III]

5. Sự hình thành trái đất và muôn loài (Hà-nhì) [TTVHDGTS- tập III]/ Hay truyện Che
pé A lòng [TTVHDGVN, I]

6. Pư Lô Tô (La-chí) [TCHG]

7. K'dạ K'du (Mạ) [TT VHDG CDTTS, III]

8. Xa nhà ca (Hà Nhì) [TT VHDG CDTTS, III]

9. Mặt trăng và mặt trời (Mạ)[TT VHDG CDTTS, III]

10. Kei Kamao (Ra-glai) [TT VHDG CDTTS, III]

VIII. 3.Trước đây, nhiệt độ quá lớn của mặt trời khiến nhân loại khốn khổ (A720.2)

(1, 2, 3…, 25) Nhiều mặt trời, mặt trăng đua nhau chiếu sáng khiến trái đất nóng như thiêu,
hạn hán, người vật khổ sở chết dần chết mòn. (26, 27) Nhiệt độ quá lớn của mặt trời gây ra
hạn hán kéo dài, cây cối bị thiêu đốt, muôn loài không sống nổi.

Các bản kể:

1. Đẻ đất đẻ nước (Mường) [ĐĐĐN]

2. Chó sói ăn mặt trời, ếch ăn trăng (Thái) [Mục 8, TT VHDG CDTTS VN]

3. Sự tích chín ông mặt trời, tám bà mặt trăng (Thái) [TT VHDG CDTTS VN]

4. Gà đẻ gà cục tác (Thái) [TTVHDG CDTTS VN, XIV]

5. Gà gọi mặt trời (Thái) (trích Xuống mường [TCT; VHDTTSNA])

6. Ẳm Ệt luông (Thái) [TT VHDG CDTTS VN]


7. Truyện Gà gọi mặt trời (Tày) [Kho tàng TTVN- VNK]; [TT VHDG VN, II]

8. Tại sao ngày nay vịt lại không ấp trứng nuôi con (Tày) (TCBK, I, tr.117-118)

9. Truyện Chang Lôcô – Phu Hay (Dao) [TT VHDG VN, I]

10. Tạo lập vũ trụ (H`mông) [TTVHDG VN, I]

11. Câu chuyện mở đầu (H`mông) [TTVN]; /Vườn địa đàng [TTVHDGVN, I]

12. Sự tích người Mèo ở núi cao (H`mông) [TCDTM – DT]

13. Dư Nhung (H`mông) [TTVHDGVN, I] / Kể chuyện trời đất [TCDTMHG - LTV]/


Câu chuyện mở đầu [TCDTM(LTV)]/ Sự tích mào gà [CSN]

14. Vì sao người ăn ớt cay (H`mông) [TT VHDG CDTTS VN, III]

15. Kruôz cê (H`mông) [TT VHDG CDTTS VN, III]

16. Mặt trời và mặt trăng (Lô-lô) [TTVHDGVN, I/ KTTTVN]/ Mặt trăng và mặt trời
(H`mong) [CSN]

17. Vì sao ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng (La-chí) [TCHG]

18. Mười hai ông mặt trời (Cơ-lao) [TCDTINVN, III]

19. Sự hình thành trái đất và muôn loài (Hà-nhì) [TTVHDGTSVN, III]/ Hay truyện Che
pé A lòng [TTVHDGVN, I]

20. Mười hai ông Mặt trời (Mảng)[TTVHDGVN, I]

21. Gà trống cất tiếng gáy (Pu-péo) [TCRT]/ Săng Sần (KTTTVN – VNK)

22. Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (Khơ-me) [TTVHDGVN, I].

23. Kei Kamao (Ra-glai) [TTVHDG CDTTS VN, III]

24. Pô Kuk (Chăm) [TTVHDGVN, I] hay: Sự tích gà gáy sáng (Chăm) [TCC]

25. Nữ thần Pônagar (Chăm) [NTPNG]

26. Vì sao trời vừa mưa, vừa nắng (Lô-lô) [TCHG]

27. Sự tích mưa, gió, mặt trời, mặt trăng (Khơ-me) [TTVHDGVN, II].

IX. Bắn mặt trời


IX.1. Nhiều mặt trời gây ra nhiệt độ quá lớn đe doạ sự sống là lí do bắn mặt trời

Các bản kể:

1. Đẻ đất đẻ nước (Mường) [ĐĐĐN]

2. Chó sói ăn mặt trời, ếch ăn trăng (Thái) [T VHDG CDTTS VN, III]

3. Sự tích chín ông mặt trời, tám bà mặt trăng (Thái) [TTVHDGCDTTS VN, III].

4. Gà đẻ gà cục tác (Thái) [TTVHDG CDTTS VN, XIV]

5. Gà gọi mặt trời (Thái) (trích Xuống mường [Truyện cổ Thái; VHDTTSNA])

6. Ẳm Ệt luông (Thái) [TT VHDG CDTTS VN, III]

7. Truyện Gà gọi mặt trời (Tày) [KTTTVN]; [TT VHDG VN, II]

8. Tại sao ngày nay vịt không ấp trứng nuôi con (Tày) [TCBK]

9. Truyện Chang Lôcô – Phu Hay (Dao) [TT VHDG VN, I]

10. Tạo lập vũ trụ (H`mông) [TTVHDGVN, I]

11. Sự tích người Mèo ở núi cao (H`mông) [TCDTM – DT]

12. Dư Nhung (H`mông) [TTVHDGVN, I] / Kể chuyện trời đất [TCDTMHG- LTV]/


Câu chuyện mở đầu [TCDTM(LTV)]/ Sự tích mào gà [CSN]

13. Vì sao người ăn ớt cay (H`mông) [TTVHDG CDTTS VN, III]

14. Kruôz cê (H`mông) [TT VHDG CDTTS VN]

15. Mặt trời và mặt trăng (Lô-lô) [TTVHDGVN, I]/ Mặt trăng và mặt trời (H`mong)
[CSN]

16. Vì sao ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng (La-chí) [TCHG]

17. Mười hai ông mặt trời (Cơ-lao)[TCDTIN, III]

18. Sự hình thành trái đất và muôn loài (Hà-nhì) [TTVHDGTSVN, III]/ Hay truyện Che
pé Alòng [TTVHDGVN,I]

19. Mười hai ông Mặt trời (Mảng)[TTVHDGVN,I]

20. Gà trống cất tiếng gáy (Pu-péo) [TCRT]/ Săng Sần [KTTTVN ]
21. Kei Kamao (Ra-glai) [TTVHDGTSVN, III]

22. Pô Kuk (Chăm) [TTVHDGVN,I] hay: Sự tích gà gáy sáng (Chăm) [TCC]

23. Nữ thần Pônagar (Chăm) [NTPNG]

24. Câu chuyện mở đầu (H`mông) [TTVN]; (Vườn địa đàng Khảo dị [TTVHDGVN,I])

IX.2. Bắn mặt trời vì lí do khác

Mồ côi bắn mặt trời để được quan trên trời cho làm vua

Các bản kể:

1. Người em tài giỏi (H`mông) [TT VHDG VN, II]; [CSN]

X. Mặt trời ẩn nấp (A 734)

X.1. Mặt trời ẩn nấp trong hang (A734.1)

Các bản kể:

1. Mặt trời và mặt trăng (Lô-lô) [TTVHDGVN, I]/ Mặt trăng và mặt trời [H`mông –
CSN]

X.2. Mặt trời, mặt trăng bị đe dọa và chạy trốn khiến trời đất tối tăm, đe dọa sự sống của
muôn loài.

Các bản kể:

1. Ẳm Ệt luông (Thái)[TT VHDG CDTTS VN]

2. Gà đẻ gà cục tác (Thái) [TTVHDG CDTTS VN, XIV]

3. Gà gọi mặt trời (Thái) [TCT; VHDTTSNA])

4. Truyện Gà gọi mặt trời (Tày) [KTTTVN]; [TT VHDG VN, II]

5. Tại sao ngày nay vịt lại không ấp trứng nuôi con (Tày)(TCBK, I]

6. Tạo lập vũ trụ (H`mông) [TTVHDGVN, I]

7. Dư Nhung (H`mong)[TTVHDGVN, I] / “Kể chuyện trời đất” [TCDT MHG- LTV]”/


Câu chuyện mở đầu [TCDTM(LTV)]]/ Sự tích mào gà [CSN]

8. Câu chuyện mở đầu (H`mông) [TTVN]


9. Kruôz cê (H`mông)[TT VHDG CDTTS VN, III]

10. Mười hai ông mặt trời (Cờ-lao) [TCDTIN, III]

11. Mười hai ông Mặt trời (Mảng) [TTVHDGVN, I]

12. Pô Kuk (Chăm) [TTVHDGVN, I] hay: Sự tích gà gáy sáng – chàm [TCC]

13. Vì sao ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng (La-chí) [TCHG]

14. Gà trống cất tiếng gáy (Pu-péo) [TCRT]

X.3. Bỗng nhiên mặt trời (mặt trăng) biến mất gây ra thảm hoạ thế giới

Các bản kể:

1. Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (Khơ-me)[TTVHDGVN, I].

2. Đen tối (Cơ-ho) [TT VHDG CDTTS VN]

3. Mặt trời, mặt trăng (Cơ-ho) [TTVHDGVN, I]

4. Thần Lửa (Ba-na) [TTVN, TC BN]

XI. Che lấp mặt trời. Cây vũ trụ che lấp mặt trời

(1) Cây vả phủ kín mặt trời, cây háy bò lan khắp mặt đất. Trái đất lạnh lẽo tối mịt mù.

(2) Cây si, cây đa khổng lồ (cây vũ trụ) mọc lên che lấp mặt trời làm cho trời đất tối tăm,
người vật khổ sở: “Cây si to làm tối mặt đất, Cây đa lớn che kín mặt trời”

(3) Cây thần khổng lồ mọc lên che hết ánh sáng làm người, vật khốn khổ “Buổi sáng mặt trời
bị che rồi, Cả đất trời mù mịt tối…”

Các bản kể:

1. Chặt cây vả cây háy (Thái)[HTMT; TT VHDG TS VN, III]

2. Ẳm Ệt luông (Thái) [TT VHDG CDTTS VN]

3. Xa nhà ca (Hà Nhì) [TT VHDG CDTTS VN,III]

XII. Gọi mặt trời

XII.1. Hành trình chặt cây thần cứu ánh sáng


(1) Hai vợ chồng chặt liền ba tháng không nghỉ, ba năm không ngơi. Chặt đến đâu, máu cây
chảy đến đó. Cây than khóc vang trời xin tha nhưng họ không tha. Năm tháng, năm năm cây
đổ đè chết luôn hai vợ chồng kia. Từ đấy trái đất tràn ngập ánh sáng.

(2) Ba anh em Ẳm – Ý chặt cây thần “Ba mươi chiếc rìu Thái chặt phía trước, năm mười
chiếc rìu Xá chặt phía sau”, chặt 3 năm cây mới đổ và đè chết họ.

(3) Sáu nghìn người Cống, tám nghìn người Hà Nhì đi tìm người đoán cây, tìm “70 đôi tên
đồng, 70 đôi tên sắt, 70 đôi tên tre, 70 đôi tên bạc”, cầu thần Nỏ, cầu may, chuẩn bị rìu chặt
mãi chặt mãi cây thần mới đổ.

Các bản kể:

1. Chặt cây vả cây háy (Thái)[HTMT; TT VHDG TS VN, III]

2. Ẳm Ệt luông (Thái) [TT VHDG CDTTS VN]

3. Xa nhà ca (Hà-nhì) [TT VHDG CDTTS VN]

XII.2: Gà gọi mặt trời (hay các motif: Vì sao gà trống gáy chào đón mặt trời mọc; Vì sao
gà có mào đỏ; Vì sao vịt không ấp trứng nuôi con) (A2489.1.1.)

Vịt cõng gà bơi ra biển (vực sâu/mường Cuối), gà trống cất tiếng gáy (7 lần/9 lần/ 3 lần) gọi
mặt trời lên cao dần toả ánh sáng thức tỉnh muôn loài. Từ đó, mỗi sáng nghe tiếng gà gáy thì
mặt trời lại nhô lên, làm ra ngày và đêm. Vì có công gọi mặt trời, gà được Ngọc Hoàng (Dư
Nhung/ Chử Làu) thưởng chiếc mào đỏ và từ đó, gà ấp trứng nuôi con cho vịt.

Các bản kể:

1. Đẻ đất đẻ nước (Mường) (ĐĐĐN)

2. Gà đẻ gà cục tác (Thái) [TTVHDG CDTTS VN, XIV]

3. Gà gọi mặt trời (Thái) (trích Xuống mường [TCT; VHDTTSNA])

4. Ẳm Ệt luông (Thái) [TT VHDG CDTTS VN, III]

5. Truyện Gà gọi mặt trời (Tày) [KTTTVN]; [TTVHDG VN, II]

6. Tại sao ngày nay vịt lại không ấp trứng nuôi con (Tày) [TCBK, I]

7. Tạo lập vũ trụ (H`mông)[TTVHDGVN,I]/ Vườn địa đàng [TTVHDGVN, I]

8. Dư Nhung (H`mông)[ [TTVHDGVN,I] / “Kể chuyện trời đất” [TCDTM-LTV]”/ Câu


chuyện mở đầu [TCDTM(LTV)]]/ Sự tích mào gà [CSN]
9. Câu chuyện mở đầu (H`mông)[TTVN]/ Vườn địa đàng (khảo dị) [TTVHDGVN,I]

10. Kruôz cê (H`mông) [ [TTVHDGCDTTS, III]

11. Mười hai ông mặt trời (Cơ-lao)[TCDTIN, III]

12. Mười hai ông Mặt trời (Mảng) [TTVHDGVN,I]

13. Gà trống cất tiếng gáy (pu-péo) [TCRT]

14. Pô Kuk (Chăm) [TTVHDGVN, I]

XII.3. Gọi mặt trời (nhóm hỗn hợp)

(1) Người cử chàng trai khỏe mạnh đi tìm mặt trời, đi mãi hỏi nhiều con vật, cuối cùng Bìm
bịp bày chàng trai cái hang sâu nơi mặt trời rơi và cúng hồn gọi mặt trời. Người bày lễ vật,
hát bài cúng họi hồn mặt trời (mặt trăng) lên. (2) Người nhờ con măn mắt tìm mặt trời. Măn
mắt tới chỗ mặt trời ngủ, gặm ăn 11 mặt trời, 11 mặt trăng, còn 1 mặt trời và 1 mặt trăng mới
chỉ bị cắn ở gốc giật mình sợ quá phải nhô lên. (3) Loài người hoảng hốt gọi to: Xô ri đa! Xô
ri đa! Mặt trời dần xuất hiện chiếu sáng muôn loài. (4) Sau thảm hoạ đen tối, mặt trời mới
hiện ra với một cõi đời mới hòa bình và sung sướng.

Các bản kể:

1. Mặt trời và mặt trăng (Lô-lô) [TTVHDGVN, I] Mặt trăng và mặt trời [H`mong –
CSN]

2. Vì sao ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng (La-chí) [TCHG]

3. Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (Khơ-me) [TTVHDGVN, I].

4. Mặt trời, mặt trăng (Cơ-ho) [TTVHDGVN, I]

XIII. Nguồn gốc nhật thực, nguyệt thực (A 737)

XIII.1. Con quái vật ăn, nuốt mặt trời, mặt trăng (A737.1)

(1) “ma chó đứng ăn trời, ma chó đứng ăn trăng”

(2) Ba anh em hoá thành mặt trời (Pờ rặc Atít), mặt trăng (Pờ rặc chanh), Rìuhu.

Rìu hu trả thù hai người anh nên đuổi bắt nuốt vô bụng sinh ra nhật thực, nguyệt thực.

(3) Chó đen ngoạm mặt trời sinh ra nhật thực.

(4) “Bơ linh, Bơ lang nuốt mặt trời”


(5) Chó lên trời đòi nợ thuế cắn mặt trời sinh ra nhật thực.

(6) Thỏ ăn mặt trời, cá trầu ăn trăng.

(7) Nguyệt thực là lúc ếch đánh nhau và ăn mặt trăng.

Các bản kể:

1. Kruôz cê (H`mông) [TT VHDG CDTTS, III]/Câu chuyện mở đầu (H`mông) [TTVN]

2. Sự tích nhật thực, nguyệt thực (Khơ-me) [TTVHDGVN, I]

3. Viên ngọc của mặt trời (Cơ-ho) [TCCH]

4. Mặt trăng và mặt trời (Mạ) [TT VHDGCDTTS, III]

5. Ống thuốc thần (Ba-na) [TTVN]

6. Nhật thực, nguyệt thực (Xê-đăng) [TTVHDG VN, I]

7. Ếch ăn trăng (Thái) [TCDTIN, III]

XIII.2. Nhật thực, nguyệt thực được tạo bởi hành vi tính dục

(1) Gấu là chồng của mặt trời, (mặt trăng) ăn nằm với một trong hai cô. (2) Đôi trai gái ngủ
với nhau trên mặt trời, (mặt trăng) kéo mền che lấp mặt trời, (mặt trăng). (3) Hai vợ chồng
mặt trời, mặt trăng lo làm ăn nên chẳng mấy khi gặp nhau. Khi gặp, mặt trời “phủ” mặt trăng
gây ra nhật thực, nguyệt thực mà người Tày gọi là Cắp Càng “ăn” nàng trăng (Cắp càng kín
nàng Hai). (4) Giàng Li Dua, Giàng Li Dử thay quần áo. (5) H`Cung và Ydu là anh em ruột
yêu nhau nên bị thần Y Da đuổi vào rừng. H`Cung bỏ chạy vào rừng mặt trời, Y Du đuổi mãi
lạc vào rừng mặt trăng. Nguyệt thực, nhật thực là lúc hai anh em “gặp” nhau.

Các bản kể:

1. Nữ thần mặt trời và mặt trăng (Việt) [TTVHDGVN, I]

2. Nhật thực, nguyệt thực (Xê-đăng)[TT VHDG VN, I]

3. Mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú (Tày) (TCBK, I]

4. Kruôz cê (H`mông)[TT VHDG CDTTS, III]/Câu chuyện mở đầu (H`mông) [TTVN].

5. H`Cung và Y Du (Ê-đê) [TCEĐ].


BẢNG VIẾT TẮT VÀ DANH MỤC SÁCH

BIÊN SOẠN VỀ THẦN THOẠI VIỆT NAM

STT TÊN VIẾT TẮT TÊN SÁCH

AEL Ẳm ẹt luông, Khà Văn Tiến, Ty văn hóa Hòa Bình xuất
bản, 1979.

1. CKCVT Chuyện kể về các vị thần, Lục Minh Thư sưu tầm và


biên soạn, Nxb Lao động, H. 2009.

2. CSN Chiếc sừng nai, Phù Ninh, Đức Hùng tuyển soạn, Sở
VHTT Hà Tuyên xuất bản, 1987.

3. ĐĐĐN Đẻ đất đẻ nước: sử thi dân tộc Mường / Vương Anh,


Hoàng Anh Nhân sưu tầm, biên dịch, chú thích, Ty văn
hoá Thanh hoá, Tiểu ban Văn nghệ dân gian, 1975.

4. HTMT Huyền thoại Mường Thanh, Đặng Thị Oanh chủ biên,
Hội VHNT Điện Biên, Nxb Văn hóa dân tộc, H. 2010.

5. KCSP Tang ca Kruôz cê của người Mông Sa Pa, Giàng Seo


Gà, Nxb Văn hóa dân tộc, H. 2004.

6. KTTKXN Kho tàng truyện kể dân gian Xứ Nghệ, tập I, Ninh Viết
Giao sưu tầm, biên soạn, Nxb Nghệ An, 1993.

7. KTTTVN Kho tàng thần thoại Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh, Phạm
Minh Thảo, Nguyễn Thị Huế, Nxb Văn hoá Thông tin,
H. 2006.

8. NBT Nàng bàn tay, Hồ Phú Diên, Đỗ Kim Ngư sưu tầm, Hội
VHNT Thuận Hải xuất bản, 1987.

9. NTPNG Nữ thần Pô Na Ga, Trần Việt Kỉnh (sưu tầm, biên


soạn), Nxb Văn hóa dân tộc, H. 1989.

10. TCBK Truyện cổ Bắc Kạn, 3 tập, Vũ Anh Tuấn, Lâm Xuân
Đình, Bàn Tuấn Năng sưu tầm và biên soạn, Sở VHTT
Bắc Kạn, 2000.

11. TCBN Truyện cổ Ba Na, Ngọc Anh, Phan Hòa (sưu tầm), Nxb
Văn học, H. 1965.
12. TCC Truyện cổ Chăm, Trương Hiến Mai, Nguyễn Thị Bạch
Cúc, Sử Mai Ngọc, Trương Tôn sưu tầm, biên dịch,
Nxb Văn hóa dân tộc, H. 2012.

13. TCC (PVT) Truyện cổ Chàm, Phạm Văn Thông, Thiên Sanh Cảnh,
Nông Quốc Thắng, Lục Ngự sưu tầm, Nxb. Văn hóa,
H. 1982.

14. TCCH Truyện cổ Cơ-ho, Tạ Văn Thông, Võ Quang Nhơn,


Nxb. Văn hóa, H. 1984.

15. TCDTIN Truyện cổ các dân tộc ít người Việt Nam, 4 tập, Đặng
Nghiêm Vạn, Đặng Văn Lung, Tăng Kim Ngân, Nxb
Văn học, H.1994.

16. TCDTINVN Truyện cổ các dân tộc ít người Việt Nam, tập III,
Truyện cổ Tày – Thái - Dòng Nam Á, Nhiều tác giả.
Nxb Văn học, H. 1987.

17. TCDTM Truyện cổ dân tộc Mèo, Lê Trung Vũ biên soạn, Nxb
Văn hoá, H. 1975.

18. TCDTMHG Truyện cổ dân tộc Mèo Hà Giang, Lê Trung Vũ biên


soạn, Ty thông tin văn hoá Hà Giang xuất bản năm
1975.

19. TCDTM-DT Truyện cổ dân tộc Mèo, Doãn Thanh, Thương Nguyễn,
Hoàng Thao biên soạn, Nxb Văn học, H. 1963.

20. TCDTTS Truyện cổ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nhiều tác giả,
Nxb Văn hóa dân tộc, H. 1977.

21. TCE Truyện cổ Ê-đê, Y Điêng, Hoàng Thao biên soạn, Nxb
Văn hóa dân tộc, H. 1987

22. TCHG Truyện cổ Hà Giang, tập I, Hoàng Tuấn Cư biên soạn,


NXb Văn hoá dân tộc, Hội VHNT Hà Giang, H. 1995.

23. TCLL Truyện cổ Lô Lô, Lò Giàng Páo, Hoàng Nam sưu tầm,
biên soạn, Nxb Văn hóa, H. 1983.

24. TCM Truyện cổ Mạ, Tạ Văn Thông sưu tầm và biên soạn,
Nxb Văn hóa, H. 1986.

25. TCPP Truyện cổ PuPéo, Lê Trung Vũ tuyển chọn và biên


soạn, Nxb Văn hóa dân tộc, H.1988.
26. TCRT Tướng cóc ra trận, Lục Minh Thư sưu tầm và biên
soạn, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2003.

27. TCT Truyện cổ Thái, Ninh Viết Giao biên soạn, Nxb Nghệ
Tĩnh, 1991.

28. TCVK Truyện cổ Vân Kiều, Mai Văn Tấn, Nxb Văn hóa, H.
1985.

29. TTVHDGVN, I Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập I, Nguyễn
Thị Huế, Trần Thị An biên soạn và tuyển chọn, Nxb
Giáo dục, H. 2001.

30. TT VHDG VN, II, Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam, tập II, quyển 1,
quyển 1 Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ biên soạn và tuyển
chọn, Nxb Giáo dục, H. 2001.

31. TT VHDG TSVN, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt
III] Nam, tập III, Nguyễn Thị Huế (chủ biên), Nxb

Khoa học xã hội, H. 2009.

32. TT VHDG TSVN, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt
XIV Nam, tập 14, Nhiều tác giả, Nxb Khoa học xã hội, H.
2009.

33. TTVN Thần thoại Việt Nam, Trương Sĩ Hùng biên soạn và
tuyển chọn, Nxb Văn học, 1995.

34. VHDTTSNA Văn học dân tộc thiểu số Nghệ An, Phan Đăng Nhật
(chủ biên), Nxb Nghệ An, 2001, tr. 574 – 578.

35. VNVHTT Việt Nam văn học toàn thư (Quyển I; Văn chương
truyền khẩu), Hoàng Trọng Miên, Quốc hoa xuất bản,
Sài Gòn, 1959.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Thị An (2008), “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif –
những khả thủ và bất cập”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7/2008, tr. 86-104.

[2] I.K.Gorki (1989), Bàn về thi pháp lịch sử của Aleksander Veselovski trong Thi
pháp học lịch sử của Veselovski, (Phạm Xuân Trường dịch, Chu Xuân Diên hiệu
đính), Nxb Đại học, H.
[3] Nguyễn Thị Huế (chủ biên - 2012), Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, Nxb
Lao động, H.

[4] Stith Thompson (1961), The Type of the Folktale – A Classification and
Bibliography, Antti Aarne`s Verzeichnis der Marchentypen (FF communications Vol.
LXXV, No. 184). Second revision translated and enlarged by Stith Thompson.
Helsinki: Academia Scientiarum, Fennica.

[5] Stith Thompson, Motif index of Folk-Literature, A Classification of narrative


elements in folk-tale, ballads, myths, fables, medieval, romances, exempla, local
legends, Bloomington, Indiana, USA, (xuất bản từ 1932 đến 1936).

(Bài đã in trong sách Văn học và ngôn ngữ - những góc nhìn mới, Nhiều tác giả, Nxb Đại học
Vinh, tháng 10/2014, tr.127-150)

(
[1]) Các motif được đánh thứ tự theo c

You might also like