You are on page 1of 9

[ĐỀ SỐ 3

.....Trong anh và em hôm nay


Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..
(Trích Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét quan niệm mới mẻ về đất nước
của Nguyễn Khoa Điềm.
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT
1. MỞ BÀI
* Mở bài trực tiếp
Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thờ kì kháng chiến chống Mỹ
như Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh….Thế hệ nhà thơ ấy đã để lại cho
nền văn học dân tộc bao vần thơ đẹp về Đất Nước, Tổ Quốc. Nổi bật hơn hết trong
các tác phẩm của ông đó là bản “Trường ca Mặt đường khát vọng”, tác phẩm được
ông sáng tác ở chiến khu Trị-Thiên năm 1971. Đoạn trích “Đất nước” mà chúng ta
học nằm ở phần đầu chương V của bản trường ca, đây được coi là đoạn thơ hay nhất
trong bản trường ca, và là đoạn thơ hay nhất viết về đề tài đất nước. Đoạn trích viết về
nguồn gốc của Đất nước, cho ta cái nhìn trọn vẹn hơn từ nhiều khía cạnh và đồng thời
còn viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiến miền Nam về trách nhiệm,
sứ mệnh của thế hệ trẻ với non sông đất nước. Trong đoạn trích Đất nước, mười ba
câu giữa đoạn trích đã bàn về mối quan hệ giữa Tổ quốc và cá nhân, qua đó cho thấy
quan niệm mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.

Trong anh và em hôm nay


.....................
Làm nên đất nước muôn đời
(Trích Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1)
* Mở bài gián tiếp
Đất nước là linh hồn, đất nước là da thịt, máu mủ và đất nước từ thuở nào đã làm
say đắm bao hồn thơ của người thi sĩ, là mạch ngầm không bao giờ vơi cạn trong suối
nguồn thi ca dân tộc. Hơn bao giờ hết thời kỳ kháng chiến cũng chính là lúc những lời
thơ về quê hương đất nước lại càng cần vang ca tự hào. Những tên tuổi như Nguyễn
Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận - những nhà thơ thành công với đề tài đất nước với
những vần thơ đầy xúc động. Nguyễn Khoa Điểm một nhà thơ trẻ thời kháng chiến
chống Mỹ ,với giọng văn tâm tình ngọt ngào rất đặc trưng của xứ Huế hòa quyện với
tính chính luận sâu sắc, thơ ông là tiếng nói của người trí thức luôn trăn trở với vận
mệnh đất nước, ông đã viết về đất nước từ cách cảm nhận rất mới lạ nhưng cũng vừa
gần gũi. Trong đoạn trích Đất nước, mười ba câu giữa đoạn trích đã bàn về mối quan
hệ giữa Tổ quốc và cá nhân, qua đó cho thấy quan niệm mới mẻ về đất nước của
Nguyễn Khoa Điềm.
“Trong anh và em hôm nay
...........................
Làm nên đất nước muôn đời”
(Trích Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1)

2. THÂN BÀI
a. Luận điểm 1. Khái quát chung
Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các
nhà thơ trẻ trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Thơ ông có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi sự kết hợp hài hòa, độc đáo giữa xúc cảm nồng nàn
và suy tư sâu lắng, thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước đối với vai trò,
trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, thể
hiện những nhận thức sâu sắc về nhân dân, đất nước qua những trải nghiệm của chính
mình. Trong các tác phẩm của ông tiêu biểu nhất là bản “Trường ca Mặt đường khát
vọng”, tác phẩm được ông hoàn thành ở chiến khu Trị-Thiên năm 1971, in lần đầu
năm 1974, tác phẩm gồm 9 chương viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ vùng địch tạm
chiếm miền Nam, xuống đường đấu tranh, hòa hợp với cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đoạn trích “Đất Nước” trích chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” được
xem là đoạn thơ hay về đề tài quê hương, đất nước trong thơ ca hiện đại Việt Nam.
Tác giả đã sứ dụng một cách sáng tạo các chất liệu – thi liệu tục ngữ, ca dao, dân ca,
từ truyền thuyết cổ tích đến phong tục, ngôn ngữ… của văn học dân tộc để khơi
nguồn cảm hứng về Đất nước, một Đất nước có nguồn gốc lâu đời, một Đất nước của
nhân dân vĩnh hằng muôn thuở. Cũng chính tác phẩm này đã làm lên tên tuổi của
Nguyễn Khoa Điềm, đưa ông bước lên đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác thơ văn. Ở
đoạn thơ này tác giả tiếp cận ý thức con người trong hiện thực đời sống, trong mối
quan hệ cá nhân - cộng đồng. Nguyễn Khoa Điềm dẫn dắt độc giả trở về với hiện thực
trực tiếp của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói lên tiếng nói đầy trách nhiệm của cả
một thế hệ chống Mỹ thật sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm.
b. Luận điểm 2. Cảm nhận nội dung đoạn thơ
Đất nước là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ đều có
những cảm nhận rất riêng về đất nước nên hình ảnh đất nước, tổ quốc hiện lên trong
văn học thật muôn màu muôn vẻ. Các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm
thường thể hiện vẻ đẹp của đất nước bằng những hình ảnh hoành tráng, kỳ vĩ, mĩ lệ
hay gắn đất nước với một thời điểm lịch sử cụ thể. Như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã
viết về đất nước bằng những hình ảnh
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
( Việt Nam quê hương ta).
Hay nhà thơ Hoàng Cầm đã gắn hình ảnh đất nước với cuộc kháng chiến chống
Pháp:
Sông Đuống trôi đi.
Một dòng lấp lánh.
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
( Bên kia Sông Đuống).
Nhưng đến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi viết về đất nước đã thể hiện những
cảm nhận rất mới mẻ và sâu sắc. Nhà thơ đã chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc,
giọng điệu thủ thỉ tâm tình như lối trò chuyện thân mật, hình ảnh và ngôn từ giản dị
mang đậm màu sắc dân gian và viết về đất nước trong một không gian và thời gian
rộng. Từ chỗ cảm nhận đất nước ở ba chiều là chiều dài lịch sử, chiều rộng về địa lý
và chiều sâu về văn hóa phong tục tập quán nhà thơ đã đi đến khẳng định tư tưởng có
tính then chốt đó là: tư tưởng đất nước của nhân dân.
Đoạn thơ vẫn nằm trong mạch cảm xúc, đất nước, nhân dân và để thể hiện tư
tưởng đất nước của nhân dân. Nếu ở các đoạn thơ trước nhà thơ đi tìm câu trả lời cho
các câu hỏi Đất Nước có từ bao giờ? Đất Nước tồn tại ở đâu? Đất Nước lớn lên như
thế nào? Và cảm nhận đất nước một cách đa chiều trong chiều dài lịch sử, chiều rộng
về địa lý, chiều sâu về văn hóa phong tục thì đoạn thơ này lại cho chúng ta thấy đất
nước có trong mỗi con người, hài hòa giữa cái chung và cái riêng, cái cá nhân và cái
tập thể, là sự nối tiếp của các thế hệ. Từ đó nhà thơ đã nêu rõ trách nhiệm của mỗi
người đối với đất nước. Trong suốt đoạn trích và đoạn thơ này nhà thơ viết hoa hai
chữ đất nước khiến nó trở thành mĩ từ gợi sự thiêng liêng cao cả, bộc lộ sự tự hào, yêu
mến, đất nước. Hình thức đoạn thơ là lời tâm tình của anh và em với 13 câu thơ sử
dụng cấu trúc tổng phân hợp, chất trữ tình hòa quyện với chất chính luận khiến đoạn
thơ viết về đất nước mà như lời thổ lộ tâm tình của đôi lứa yêu nhau :
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..
* Luận điểm 2.1. Hai câu thơ đầu : Đất Nước có trong mỗi chúng ta
Hai câu thơ mở đầu cho đoạn thơ có sự dồn nén những ý tưởng lớn lao thi vị về sự
thật, quan hệ giữa cá nhân với đất nước. Không có một cá nhân nào lại không mang
trong mình những kỷ niệm thiêng liêng những di sản vô giá về quê hương đất nước
của mình
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Với Nguyễn Khoa Điềm đất nước không cao siêu kỳ bí mà hiện hình cụ thể, được
xác lập bằng sự gắn kết máu thịt giữa cá nhân với cộng đồng giữa cái tôi với cái ta
giữa cái nhỏ bé với cái lớn lao. Cảm nhận này của Nguyễn Khoa Điềm có cội nguồn
từ thực tế lịch sử. Cả dân tộc ta đang đứng trước yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa vận
mệnh chung của cộng đồng với số phận riêng của mỗi cá nhân Nhằm tạo ra sức mạnh
chung để chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Vì vậy đất nước là chủ
quyền lãnh thổ, núi sông bờ cõi do biết bao con người dựng nên. Đất nước là hơi thở
của ta, là máu thịt thiêng liêng của ta, không ai sống trong một đất nước của mình mà
lại không được thừa hưởng những giá trị vật chất và tinh thần, một miếng ăn thôn giã
cũng là máu thịt: “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.
Một tiếng nói, một hơi thở ta cũng là đất nước
Mỗi sớm dạy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối cgung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời
(Lưu Quang Vũ)
Vậy nên, trong ta luôn có một phần Đất Nước là như vậy. Đất nước là một
phần không thể thiếu trong hai chúng ta. Đây là cách nói cho thấy niềm tự hào của
tuổi trẻ về Đất Nước. Đất Nước trở thành màu thịt thiêng liêng trong mỗi con người.
Chỉ một phần đất nước nhỏ bé trong mỗi con người ấy thôi nhưng cũng đủ làm ta xúc
động, tự hào vì nhận ra mình đã góp phần làm nên đất nước
* Luận điểm 2.2. Bốn câu thơ tiếp : Đất Nước là sự hài hòa giữa cái chung và cái
riêng, cái cá nhân và cái tập thể
Nhà thơ tiếp tục nói về mối quan hệ gắn bó sâu sắc của con người với đất nước :
Khi hai đứa cầm tay
Đất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Trong câu thơ “Khi hai đứa cầm tay ”thì hai đứa ở đây là anh và em. Cầm tay là
một hành động thể hiện tình cảm thắm thiết yêu thương và tin cậy, là giao Duyên, là
tình yêu đôi lứa. Trong anh và em đều có một phần là đất nước nên khi hai đứa cầm
tay nhau thì phần đất nước trong cả hai hòa nhập là một tạo nên sự hài hòa, nồng
thắm. Trong cái cầm tay ấy hóa ra không chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn có tình yêu
quê hương đất nước. Hai chữ cầm tay còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, trong
mỗi gia đình đến cộng đồng, xã hội, sự hòa quyện giữa cái chung và cái riêng,nói vè
mối quan hệ này nhiều nhà thơ đã từng viết :
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả gian lao tươi thắm vô ngần
( Nguyễn Đình Thi)
Ôi ! Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông
( Chế Lan Viên)
Từ tình yêu lứa đôi, nhà thơ hướng vào tình yêu cộng đồng, về mối quan hệ giữa
cá nhân và tập thể :
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước trong ta vẹn tròn to lớn
Từ “ hai đứa cầm tay” cho đến “ chúng ta cầm tay mọi người ” là một sự vươn
xa, sự lớn dậy của cái tôi cá nhân. Nếu như tình yêu chỉ hướng về cái cá nhân không
thôi thì thật là vị kỉ. Họ đã mở rộng tình yêu đến mọi người. Từ cái thế giới của anh
và em họ vượt qua cái tôi bé nhỏ đến cái ta chung “từ chân trời của một người đến với
chân trời của mọi người ”, (P.Ê luya). Nên vòng tay của họ rộng mở để “cầm tay mọi
người”, rộng mở tình đoàn kết, hữu ái. Tình yêu chỉ thực sự đẹp khi tình yêu ấy hoà
vào tình yêu cộng đồng. Nhất là những tháng năm này Nam Bắc đang bị chia cắt thì
cái cầm tay ấy thật ý nghĩa biết bao nhiêu. Vì vậy, mỗi người hãy chung tay lại, hãy :
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
(Tố Hữu)
Đất Nước vì vậy mới trở nên “vẹn tròn, to lớn”! Chính vì ý thức cộng đồng như
vậy nên trường ca “Mặt đường khát vọng” đã thức tỉnh tuổi trẻ đô thị miền Nam
xuống đường tranh đấu và “ vòng tay lớn mãi để nối sơn hà ” cứ thế mà liền một dải
Bắc -Trung - Nam. Nói như nhà văn Chu Lai: “ Tuổi trẻ của chúng tôi đã xuống
đường chiếm lĩnh tầm cao của mái nhà, của rừng cầu, của quả đồi...đem cả lương
tâm và nhân phẩm bắn toả lên bầu trời đầy giặc giã ”
Với những cảm nhận tinh tế mới mẻ, cách sử dụng các tính từ đi liền nhau “hài
hòa, nồng thắm”, “vẹn tròn, to lớn”, đặc biệt là biện pháp lập cấu trúc Khi... Đất nước
tạo sự cân xứng, liền mạch làm cho ngôn từ trở nên uyển chuyển linh hoạt và có ý
nghĩa thẩm mỹ sâu sắc từ đó đoạn thơ muốn gửi đến người đọc bức thông điệp: tình
yêu quê hương đất nước và tinh thần đoàn kết dân tộc là những yếu tố quan trọng tạo
nên sức mạnh Việt Nam.
* Luận điểm 2.3. Ba câu thơ tiếp theo, nhà thơ hướng về tương lai phía trước
với ước mơ giản dị
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nuóc đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Trước hết ba câu thơ thể hiện những cảm nhận về đất nước trong mối quan hệ giữa
các thế hệ. Ở đoạn thơ trước khi nhắc về chiều dài lịch sử của đất nước nhà thơ đã
nhắc đến bao nhiêu thế hệ đi trước trong quá khứ (những ai đã khuất), nhắc đến
những thế hệ của hôm nay (những ai bây giờ), thế hệ tương lai (con cháu mai sau) và
đến đoạn thơ này nhà thơ lại nhắc lại đến ta của hôm nay và mai này của con ta. Tức
là nhắc đến một tương lai gần, nhà thơ tin rằng sẽ không phải đợi lâu mà chỉ cần đến
thế hệ con ta khi chúng lớn lên chúng sẽ đưa đất nước đi xa, đến những tháng ngày
tươi đẹp và mơ mộng nhất. Từ mơ mộng chỉ cái đẹp trong trí tưởng tượng, sản phẩm
của cảm xúc lãng mạn, được đặt trong ba câu thơ gợi liên tưởng thế hệ con cháu sẽ
tiếp bước cha ông để xây dựng đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” ( Hồ Chí
Minh).
Khi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sáng tác trường ca mặt đường khát vọng vào năm
1971, đất nước ta đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go thử thách gian
khổ, hy sinh và chưa biết bao giờ sẽ chiến thắng. Vậy mà ông đã tin rằng trong một
tương lai rất gần, đất nước sẽ đến những tháng ngày tươi đẹp nhất. Điều đó rất đáng
quý và đó chính là cảm hứng lãng mạn mà chúng ta thường thấy trong các tác phẩm
văn học giai đoạn 1945 - 1975. Chính niềm tin và cảm hứng lãng mạn ấy đã nâng đỡ
con người Việt Nam trong khó khăn thử thách để chúng ta có đủ sức mạnh đi đến
chiến thắng. Đó không chỉ là ước mơ của riêng Nguyễn Khoa Điềm mà còn là niềm
mong mỏi của hàng chục triệu người Việt Nam mong một ngày được sống trong hoà
bình, tự do. Chứng tỏ mưa bom bão đạn của kẻ thù có thẻ vùi lấp được “ngôi nhà,
ngọn núi, con sông” nhưng không dập tắt được khát vọng và niềm tin của con người
Việt Nam.
* Luận điểm 2.4. Bốn câu thơ cuối : Đất Nước là máu, là xương nên mỗi con
người phải có ý thức trách nhiệm đối với đất nước.
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời
Theo Eptusenco “Thơ ca đồng thời phải mang chức năng thức tỉnh lương tri đang
ngủ, phải khiến con người biết căm giận và biết ước mơ. Có những lúc thơ ca biến
thành vũ khí độc đáo giúp con người đấu tranh với cái ác để bảo vệ chính nghĩa và
cái đẹp của cuộc đời”. Ý thức được sứ mệnh ấy của thơ ca, với đoạn thơ này nhà thơ
Nguyễn Khoa Điềm đã thức tỉnh thế hệ trẻ vùng đô thị tạm chiếm miền Nam, giúp họ
thấy được trách nhiệm của thế hệ mình trước non sông đất nước.
Cách xưng hô “Em ơi em” như một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao
nỗi niềm đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và phát hiện ra nhiều điều
mới lạ với đất nước. Cụm từ này khiến đoạn thơ như một lời thủ thỉ, tâm tình của anh
với em, của đôi lứa yêu nhau. Nghệ thuật tăng cấp thể hiện trong suốt đoạn trích đất
nước, từ chỗ khẳng định đất nước là những gì gần gũi thân thiết xung quanh cuộc
sống con người đến chỗ ở trong mỗi con người, rồi đến đoạn thơ này thì không chỉ ở
trong mà quan trọng hơn là máu, là xương, là phần không thể thiếu của cơ thể sống.
Đất nước là huyết lệ, là thân thể ruột thịt của mình, Là mồ hôi, nước mắt của cha ông
qua bao thế hệ. Đất nước gắn bó thân thiết và quan trọng với mỗi người như vậy nên
mỗi con người đều phải có ý thức trách nhiệm đối với đất nước.
Điệp từ “phải biết” được lập lại hai lần và được đặt ở đầu các câu thơ như các
mệnh lệnh phát ra từ con tim làm giọng thơ trở nên mạnh mẽ, chân thành thể hiện ý
thức trách nhiệm sâu sắc với non sông đất nước. Trách nhiệm của mỗi người là phải
biết gắn bó, san sẻ và hóa thân cho đất nước. Với Nguyễn Khoa Điềm gắn bó, san sẻ,
hóa thân là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức về nghĩa vụ cao cả thiêng
liêng. “Gắn bó, san sẻ” là phải biết yêu mến, sẻ chia, cống hiến, thậm chí phải biết hy
sinh vì đất nước như nhà thơ Chế Lan Viên từng nói một cách cảm động:
Ôi ! Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông
“Hóa thân” vốn là quan niệm của nhà Phật, có nghĩa là nhập vào hay biến thành.
Hóa thân như cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám hóa thành chim vàng anh, cây
xoan đào, khung cửi và quả thị. Hóa thân như anh em trong nhà họ cao hóa thành cây
cau và tảng đá, còn người vợ hóa thành cây trầu leo quanh cây cau trong truyện cổ
tích Trầu cau. Nhưng hóa thân thành đất nước thì phải như anh giải phóng quân trong
bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên
Tì súng trên sát trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn.
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng
Hóa thân thành đất nước chính là sự nhập thân hãy biến mình vào đất nước. Tư thế
hy sinh trong thì tấn công của anh giải phóng quân ấy đã hóa thành tư thế, dáng hình
đất nước anh hùng quật khởi. Cũng giống như như thế là sự hóa thân của người con
gái trong bài thơ Núi Đôi của nhà thơ Vũ Cao:
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm
Nguyễn Khoa Điềm viết nên những câu thơ này bằng tất cả sự trải nghiệm của một
người lăn lộn trong phong trào đấu tranh của thanh niên đô thị miền Nam. Nhà thơ đã
thay mặt thế hệ mình để phát biểu tâm tư vói tinh thần công dân, với nhiệt tình tươi
trẻ. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi mang tính chính luận về sự trường tồn của Đất
Nước. Đất Nước bất tử chính nhờ ở tinh thần của những con người sẵn sàng dâng bầu
máu của tuổi thanh xuân, biết sống có trách nhiệm với thời đại đầy khát vọng về tương
lai trường tồn của đất nước :
Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đoá hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Là người, tôi sẽ chết cho quê hương
(Tự nguyện- Trương Quốc Khánh)
c. Luận điểm 3. Đánh giá thành công về nghệ thuật
Thể thơ tự do, câu thơ dài ngắn không đều, nhịp thơ linh hoạt, không bó buộc,
chính luận kết hợp với trữ tình, cảm xúc kết hợp với suy tưởng cùng các biện pháp
điệp từ, điệp cấu trúc, nghệ thuật tăng tiến, giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào
cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng
định một thi pháp độc đáo, có nhiều mới mẻ, tìm tòi tác động trực tiếp đến cả nhận
thức và gợi nhiều xúc cảm cho người đọc.
d. Luận điểm 4. Bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Quan niệm về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm vừa sâu sắc, vừa mới mẻ, gợi
nhắc đến niềm tự hào về Đất Nước và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc
xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh lúc bấy
giờ. Quan niệm gắn liền với tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, được thể hiện bằng
hình thức biểu đạt giàu suy tư. Giọng thơ trữ tình chính luận thiết tha và các chất liệu
văn hóa dân gian được sử dụng nhuần nhị, sáng tạo.
3. KẾT BÀI
Đoạn trích đã thể hiện những suy tư cùng những cảm xúc mãnh liệt của tác giả
về quê hương, đất nước. Qua đó, Nguyễn Khoa Điềm đã nói lên trách nhiệm của mỗi
cá nhân đối với tổ quốc. Pautopxki từng nói: “Niềm vui của nhà thơ chân chính là
niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp.” Và phải chăng Nguyễn Khoa Điềm
đã tìm thấy riêng con đường của mình khi tiến đến đất nước, để rồi Đất nước hiện ra
thật bình dị, gần gũi và đẹp đẽ biết bao. Đọc đoạn trích Đất nước ta được khám phá
một vẻ đẹp mới của đất nước mà qua đó ta nâng cao thêm tinh thần yêu đất nước, yêu
tổ quốc và trách nhiệm của ta bây giờ không chỉ là học tập mà còn là gìn giữ truyền
thống, gìn giữ đất nước, góp phần làm cho đất nước giàu đẹp hơn.

You might also like