You are on page 1of 4

NHỮNG CÁNH BUỒM (HOÀNG TRUNG THÔNG)

-Chủ đề: Bài thơ nói về tình cảm giữa hai cha con và mơ ước của hai cha con.
LĐ1: Tình cảm giữa hai cha con
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
- Hình ảnh “Hai cha con... rực rỡ biển xanh”: Nói đến vẻ đẹp của biển vào buổi
sớm bình minh, mặt trời lên cao tỏa bóng xuống biển, dường như soi rọi đến tận
nơi sâu nhất khiến biển rực rỡ hẳn lên, đem theo những con sóng như dát bạc đuổi
theo bước chân của hai cha con.
- Điệp cấu trúc, đối, từ láy: “Bóng cha dài lênh khênh/ Bóng con tròn chắc nịch”
→ Miêu tả hình ảnh hai cha con sóng đôi, độc đáo. Đây cũng là một cách khác
miêu tả ánh nắng vì có nắng thì mới có bóng. Người cha cao gầy bóng lênh khênh,
còn người con trai bụ bẫm, lon ton bước bên cha làm nên một cái bóng tròn chắc
nịch.
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
-Điệp cấu trúc tăng tiến: “Cát càng mịn, biển càng trong” → Bờ biển sau trận mưa
dai dẳng trở về với sự bình yên với màu sắc tươi sáng không chỉ từ ánh mặt trời,
màu vàng lan tỏa từ cả bãi cát, kết hợp với màu xanh trong của biển.
-Hình ảnh “Cha dắt con đi... lòng vui phơi phới”: Thể hiện tình yêu thương gắn bó,
nâng niu đầy cưng chiều và sự bảo vệ hết mực cha dành cho con. Chỉ cần nghe
tiếng chân con bước, cha cũng thấy vui lòng. Có lẽ đó là một loại cảm xúc rất khó
tả mà chỉ những người làm cha mẹ khi theo dõi đứa con của mình lớn dần theo thời
gian, từ phút còn nằm nôi tới hôm nay đã đặt những bước chân vững chãi lên bãi
cát mịn, cùng mình ngắm biển đón bình minh mới hiểu hết.
LĐ2: Ước mơ của của con gợi lại ước mơ của cha ngày trước
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
-Lời nói trực tiếp: tiếng con gọi cha đầy thân thương, trìu mến.
Điệp ngữ, sử dụng từ ngữ phủ định: Không thấy…., không thấy…
→ Thể hiện sự tò mò rất dễ thương và ngây ngô của một đứa trẻ khi thấy điều gì lạ
lẫm. Đó là nét tính cách rất chung của mọi đứa trẻ tuổi lên ba lên năm và còn là
khát vọng muốn tìm tòi, khám phá cuộc sống muôn hình vạn trạng, muốn nhìn thấy
những điều mới lạ, muốn biết thêm về thế giới xung quanh của người con.
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”
-Lời nói trực tiếp: giải thích cho con những điều con chưa biết.
-Tâm trạng: “mỉm cười” → Niềm vui vì cùng con đi dạo, thể hiện tình cha con.
-Điệp ngữ: sẽ… đặt ở trước: cây, cửa, nhà.
→ Giải thích một cách nhẹ nhàng cho con rằng ở nơi xa xa khuất tầm mắt, cái nơi
mà chỉ có thể nhìn thấy khi xuôi theo cánh buồm vẫn sẽ có điều mà con nói, và đó
vẫn là đất nước, là “nhà” chung của cả cha và con, của cả dân tộc Việt Nam. Bài
thơ sáng tác năm 1964, trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt,
vậy nên câu thơ “Vẫn là đất nước của ta” có thể hiểu là một sự ngầm bày tỏ tình
yêu và sự trung thành của chính tác giả với Tổ quốc.
“Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.” → Người cha chưa hề được đi và nhìn thấy những
điều ấy, giống như đứa con của mình. Câu thơ này còn thể hiện sự ám chỉ đầy tinh
tế của tác giả về mong muốn được khám phá “nơi xa” ấy của người cha, mở ra
mạch cảm xúc đầy sâu sắc của nhân vật trữ tình ở hai khổ thơ cuối.
Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
- “Cha lại dắt con...” điệp với “cha dắt con...” ở khổ thơ trên, vẫn thể hiện hình ảnh
song hành lồng với tình cảm cha con gắn bó thân mật.
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “ánh nắng chảy đầy vai” → Hình ảnh ánh mặt trời
rực rỡ lan tỏa khắp không gian, chảy trên cả vai của hai cha con.
- “Cha trầm ngâm...” thể hiện tâm trạng của người cha. Nhìn về phía chân trời nơi
chỉ có nước có trời, cha như đang nhớ về điều gì đó rồi trầm ngâm bất chợt, điều gì
tưởng như đã trôi theo dòng ký ức đi về miền miên viễn nhưng không, nó vẫn le lói
ở đáy lòng người cha, không sao quên được.
– Dùng hành động kết hợp với lời nói trực tiếp nhưng vẫn giữ thái độ “nói khẽ”
như sợ phá đi sự yên bình của buổi bình minh trên biển. Động từ “nói khẽ” giữ cho
không gian thơ một vẻ thư giãn, chan chứa những tâm sự, tạo nên nét bình yên,
phẳng lặng trong mạch cảm xúc của bài thơ, khiến người đọc được xoa dịu và như
đắm chìm vào cảnh buổi sớm đẹp miên man, đẹp nao lòng.
– Lời đề nghị ngây thơ: mượn cánh buồm trắng.- Mục đích: Để con đi… → Câu
nói bỏ lửng, dấu ba chấm tạo nhiều liên tưởng.
→ Có thể là do nhân vật trữ tình (người cha cũng là người thuật lại cuộc trò
chuyện) không nghe rõ lời con nói. Hoặc đó là sự tò mò với thế giới của người con.
Đi nhưng chưa biết đi tới đâu, đi về đâu, đến nơi nào; chỉ là muốn đi thật xa, ngắm
nhìn những điều mới lạ, tuyệt đẹp của thế gian. Dù chỉ là một mong ước ngây ngô
nhưng cũng thể hiện khát vọng khám phá, hơn hết là ước mơ của một đứa trẻ với
thế giới bên ngoài, nơi mà tầm mắt nó chẳng thể phóng tới. Khi nó lớn và thực sự
phải bước đi trên đôi chân của mình, ước mơ cũng sẽ lớn theo nó, tiếp thêm ngọn
lửa và là động lực để đứa trẻ ấy có thể mạnh mẽ mà trưởng thành để ngắm nhìn
những thứ ngày nhỏ nó tò mò muốn được thấy, muốn được đi.

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì


Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.
– Lời nói gián tiếp.
– Câu hỏi tu từ “Lời của con... từ một thời xanh thẳm”
→ Câu hỏi được đặt ra nhưng không cần ai trả lời. Vì có lẽ câu trả lời đã nằm ngay
trong câu hỏi. Đúng, đó đúng là tiếng lòng của người cha. “...từ một thời xa thẳm”
là cách diễn đạt khác của tuổi thơ, của những năm tháng khi cha vẫn còn là con, là
một đứa trẻ với đầy những câu hỏi và ước mơ được đi về phía chân trời để khám
phá mọi thứ cho thỏa thuê nỗi tò mò. Là câu hỏi, nhưng cũng chính là câu trả lời
cho nỗi trầm ngâm của cha ở khổ thơ trước. Điều cha nhớ về chính là bản thân của
những ngày thơ ấu với ước mơ muốn thả mình theo cánh buồm, đi đến những nơi
xa.
→ “Lần đầu tiên... tiếng ước mơ con”: Cha nhớ lại rồi, cha như tìm được mình
trong quá khứ qua lời con. Ở trước biển khơi vô tận hay chính là ở trước giấc mơ,
hoài bão của cha ngày nhỏ. Tới đây, ước mơ chẳng còn là của riêng con nhỏ mà nó
là của cả cha và con. Hai câu thơ cũng thể hiện cảm xúc tự hào của người cha khi
thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ đẹp như ước mơ của mình thời thơ ấu.
Đánh giá tác phẩm: Tác giả sử dụng các biện pháp tu từ một cách tinh tế, góp phần
tăng sức biểu đạt và thể hiện chủ đề tác phẩm. Nghệ thuật tự sự là một trong những
điểm sáng của tác phẩm. Nó được thể hiện qua những lời trực tiếp và gián tiếp của
các nhân vật trữ tình trong thơ. Tác giả đặt vào những lời nói một cách mềm mại,
hợp lý, không bị sượng hay ngắt mạch cảm xúc của thơ hay mạch liên tưởng của
người đọc, qua đó làm tăng tính biểu cảm cùng gợi hình cho lời thơ. Đáng nói hơn
cả là hình tượng cánh buồm. Hoàng Trung Thông đưa cánh buồm từ hình ảnh thơ
thông thường thành hình tượng thơ có tính biểu tượng, thể hiện chủ đề tác phẩm.
Cụ thể, hình tượng cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ, khát vọng, hoài bão
của bao thế hệ - chủ đề chính của tác phẩm. Đồng thời, nó còn mang trong mình
giá trị tư tưởng, bài học nhân sinh mà nhà thơ kí gửi một cách thầm kín qua cuộc
giao thoa tâm hồn giữa tác giả và bạn đọc, đó là tinh thần, ý chí sẵn sàng đương
đầu với thử thách vươn tới thành công.

You might also like