You are on page 1of 19

YẾU TỐ THỂ HIỆN RÕ NÉT NHẤT

NGUYÊN LÝ TẢNG BĂNG TRÔI TRONG TÁC PHẨM


ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ CỦA ERNEST HEMINGWAY

(NHÓM 8)

I. MỞ ĐẦU
1. Tác giả Ernest Hemingway
1.1. Tiểu sử
Ernest Hemingway (1899 – 1961), sinh ra trong một gia đình tri thức tại
Mỹ có bố là bác sĩ, mẹ là giáo viên dạy nhạc. Hemingway luôn được mẹ mong
mỏi sẽ trở thành người có niềm say mê với âm nhạc như mẹ nhưng ông lại thừa
hưởng những sở thích từ cha của mình. Thời niên thiếu, ông thường theo cha đi
săn bắn, câu cá, đấu bò tót,... Điều đáng quý ở ông là một cuộc đời quả cảm và
một trái tim nồng nhiệt. Những trải nghiệm khoẻ khoắn nơi thiên nhiên khoáng
đạt, hoang dã này đã để lại dấu ấn đậm nét trong sáng tác của ông.
Năm 18 tuổi, khi vừa rời khỏi ghế nhà trường, ông đã xung phong tham
gia Thế chiến thứ nhất nhưng không được ra trận vì thị lực kém. Song ông nhận
nhiệm vụ lái xe cứu thương cho Hội chữ thập đỏ. Khi làm công việc này,
Hemingway đã bị thương nặng ở chân và phải phẫu thuật nhiều lần. Nhờ vậy
mà ông đã gặp và yêu cô y tá đã chăm sóc mình – Agnes von Kurowsky nhưng
bị cô từ chối. Từ đó, ông rơi vào căn bệnh trầm cảm trong thời gian dài và nó
cũng đeo bám ông suốt đời. Khi chiến tranh kết thúc, ông bắt đầu làm phóng
viên tự do, làm chủ bút cho tờ Kansas City Star. Ở cương vị là một phóng viên,
ông đã phải tuân theo các nguyên tắc của tờ báo đặt ra: “Sử dụng những câu
văn ngắn. Sử dụng những đoạn mở đầu ngắn. Sử dụng thứ tiếng Anh hùng hồn.
Phải khẳng định, không phủ nhận”. Từ đó vô hình trung đã hình thành nên
phong cách viết tối giản, ngắn gọn của Hemingway.
Ông là người điển hình nhất cho cái gọi là Chủ nghĩa Xê dịch, và là nhà
văn Mĩ ủng hộ Cuba, ủng hộ Fidel Castro mạnh mẽ nhất. Cuộc đời hào khí ngút
trời đó đã phả vào những trang viết của ông bầu không khí sống động của thời
đại. Từ những khung cảnh chứa chan tình yêu thương đến chiến trường máu
lửa, bom đạn, cái chết, chứng mất ngủ và tâm trạng trống trải trước dòng
đời...đã đưa ngòi bút của ông lên hàng những tác giả kiệt xuất của thời đại.
Cuối cùng, ông đã chọn kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự sát vào năm
1961 tại Ketchum, Idaho.
Hemingway là một đại diện tiêu biểu của lớp nhà văn thuộc Thế hệ Lạc
Lõng ở Hoa Kì. Không dừng lại ở đó, ông là một trong những đỉnh cao của văn
chương Mỹ thế kỉ XX, và là một tên tuổi lớn của nền văn chương hiện đại thế
giới. Ông được đánh giá là bậc thầy văn xuôi tự sự, đặc biệt, ở thể loại truyện
ngắn. Quan niệm nghệ thuật, văn phong của Hemingway đã góp phần tạo nên
cuộc cách mạng trong văn xuôi hiện đại thế giới.
1.2. Sự nghiệp sáng tác
Hemingway là nhà văn, tiểu thuyết gia, nhà báo nổi tiếng Hoa Kì. Ông đã
để lại cho nền văn học nước nhà một số lượng tác phẩm đồ sộ, phong phú, có ý
nghĩa đối với mỗi con người và thời đại. Các tác phẩm của ông được viết trên
rất nhiều thể loại.
Về truyện ngắn, tập Trong thời đại của chúng ta xuất bản năm 1925, Mặt
trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929), Có và không (1937)… Về tiểu
thuyết, Chuông nguyện hồn ai (1930), Qua sông vào rừng (1950), Ông già và
biển cả (1952)… Ngoài ra ông còn sáng tác tập thơ 88 bài và các tác phẩm hồi
kí, ghi chép thuộc thể loại không hư cấu: Những thác nước mùa xuân (1926),
Chết trong chiều tà (1932), Những ngọn đồi xanh Châu Phi (1935), Lễ hội
không ngừng (1964) và Mùa hè nguy hiểm (1985).
Năm 1953, Hemingway được nhận giải Pulitzer, giải thưởng nghệ thuật
cao quý nhất Hoa Kỳ. Năm 1954 ông nhận giải Nobel văn chương.
1.3. Phong cách sáng tác
Hemingway là đại diện tiêu biểu cho trường phái Chủ nghĩa cực hạn.
Trong thời đầu của nền văn học Mỹ, xu thế văn chương đại ngôn tráng ngữ, lời
lẽ bóng bẩy đang khá thịnh hành. Từ đại chiến thứ nhất, Hemingway có những
phản ứng với kiểu văn chương giả dối, ồn ào, vô bổ, sáo rỗng chỉ để khích lệ
tinh thần của những người lính. Với phương châm sáng tạo tinh giản văn
chương đến mức tối đa, lối viết kiệm lời, kiệm cảm xúc… ông đã đề ra nguyên
lý sáng tác tảng băng trôi để xây dựng nên các hình tượng cho người đọc tự
mình khám phá ra phần chìm của tảng băng để thấy hết được những vẻ đẹp, giá
trị của nó thay vì trực tiếp phát ngôn ý tưởng của mình. Tác phẩm của ông dù
viết về đề tài gì thì tất cả đều nhằm mục đích “viết một áng văn xuôi đơn giản
và trung thực về con người”.
Với tư duy nghệ thuật khác biệt, độc đáo thông qua nguyên lý tảng băng
trôi, Hemingway rất coi trọng không gian sáng tạo nghệ thuật. Quán cafe là
không gian lí tưởng mà ông chọn lựa để thoải mái đọc sách, quan sát và thăng
hoa cùng chữ nghĩa. Ông từng chia sẻ: “Tất cả tác phẩm lớn của tôi đều xuất
phát từ quán cà phê”. Không gian này đã đi vào các tác phẩm của Hemingway
như một lẽ thường tình, Ông già và biển cả cũng không ngoại lệ. Trong tác
phẩm, nhà văn đã để cho nhân vật ông lão Santiago ra khơi để chinh phục khát
vọng của mình chỉ bằng một ly cà phê.
2. Tác phẩm Ông già và biển cả
2.1. Hoàn cảnh sáng tác
Năm 1952, sau gần 10 năm sống ở Cuba, Hemingway cho ra đời tác phẩm
Ông già và biển cả. Tác phẩm này ông chỉ viết trong vài ngày nhưng cốt truyện
đã được ông ấp ủ suốt 13 năm.
Bối cảnh của tác phẩm là ngôi làng chài yên ả bên cảng La Habana. Một
thuỷ thủ trên con tàu của ông được xem là nguyên mẫu của Santiago.
Trước khi được in thành sách, tác phẩm đã được đăng trên tạp chí Đời
sống. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách viết tảng băng trôi của ông.
2.2. Tóm tắt tác phẩm
Câu chuyện kể về nhân vật Santiago, một ông già đánh cá người Cuba đã
ngoài 70 tuổi. Suốt 84 ngày lênh đênh trên biển, ông lão không bắt được một
con cá nào, người dân chài cho rằng lão đã “đi đứt” vì vận rủi. Cậu bé Manolin
là người bạn đồng hành cùng ông trong suốt bốn mươi ngày đầu nhưng sau đó
vì ông lão không đánh được cá nên bố mẹ cậu cũng không cho cậu ra khơi cùng
ông nữa. Vào ngày thứ 85, ông đã quyết định ra khơi trước khi trời sáng. Lần
này, ông đã đi rất xa, ra tận Giếng Lớn, những mong câu được một con cá thật
to. Khoảng trưa ngày thứ nhất, một con cá lớn cắn câu, kéo thuyền về hướng
Tây Bắc. Sang ngày thứ hai, con cá nhảy lên trên mặt nước, đó là con cá kiếm,
to lớn đến nỗi ông lão chưa từng nhìn thấy bao giờ. Sang ngày thứ ba, con cá
kiếm bắt đầu lượn vòng. Sau 3 ngày vật lộn với nó, dù đã kiệt sức nhưng lão
vẫn kiên trì và quyết định đâm chết nó rồi lão buộc nó vào mạn thuyền để đưa
vào bờ. Nhưng chẳng được bao lâu thì đàn cá mập lại xuất hiện và cản đường
đưa cá kiếm trở về đất liền của lão. Cuộc chiến đấu không cân sức nên cuối
cùng lão chỉ mang được bộ xương của con cá kiếm vào bờ. Sau đó lão trở về
lều và nằm vật ra giường. Chú bé Manolin gọi mọi người đến chăm sóc cho ông
lão. Ông lão ngủ thiếp đi và mơ về những con sư tử của mình.
3. Nguyên lý tảng băng trôi
3.1. Mô hình tảng băng trôi
Mô hình tảng băng trôi luôn có một phần nổi và nhiều phần chìm được vận
dụng để miêu tả các tầng bậc trừu tượng khác nhau của một tình huống hoặc
một sự kiện. Tảng băng trôi là hình ảnh ẩn dụ cho một tác phẩm văn học mà
những gì được biểu hiện trên trang giấy chỉ là một phần nổi và rất nhiều phần
chìm. Còn lại là những tình cảm, tư tưởng sâu kín mà người đọc phải dùng
chính vốn văn hoá và trải nghiệm cá nhân của mình để tìm ra.
Việc diễn giải phần nổi lên của tảng băng là muốn thể hiện rằng người ta
chỉ có thể nhìn thấy một phần rất nhỏ của toàn bộ tình huống. Tuy nhiên, trên
thực tế, còn rất nhiều điều nữa nằm bên dưới bề mặt đó và chính những điều đó
có thể khiến chúng ta phải ngạc nhiên.
3.2. Nguyên lý tảng băng trôi theo quan điểm của Hemingway
Nguyên lý tảng băng trôi được Hemingway đưa ra lần đầu tiên trong tác
phẩm Ông già và biển cả vào năm 1952. Dựa trên mô hình tảng băng trôi,
Hemingway đã vận dụng thành công vào việc thể hiện nguyên tắc sáng tác của
mình. Nguyên lý này được bộc lộ trong văn chương rất tinh giản, chỉ bộc lộ một
cách tối thiểu nhất nhưng lại thể hiện được tối đa dụng ý của tác giả muốn
truyền tải, thậm chí còn nhiều hơn thế. E. Hemingway đã từng chia sẻ: “Tôi
luôn cố gắng viết theo nguyên tắc tảng băng trôi. Cứ bảy phần tám của nó chìm
cho một phần nổi. Bất cứ điều gì bạn biết mà bạn có thể loại bỏ thì nó chỉ làm
tăng thêm sức mạnh cho tảng băng của bạn. Đó là những phần không được
viết. Nhưng nếu nhà văn bỏ qua điều gì đó bởi vì anh ta không biết, vậy thì sẽ
có một lỗ hổng trong truyện”. Theo đó, nhà văn đã “Kể rất ít những sự kiện
xung quanh câu chuyện, cốt để lại nhiều khoảng trống. Người đọc sau đó sẽ lấp
đầy các chỗ trống đó. Nguyên tắc này tạo ra tính chất mở cho văn bản trên
nhiều cấp độ. Tương ứng với các trình độ khác nhau, người đọc sẽ có các văn
bản khác nhau. Đây là cách các nhà hậu hiện đại thường xuyên thực hiện trong
tác phẩm”. Như vậy, điều kiện để hình thành và xác định nguyên lý tảng băng
trôi trong sáng tác của Hemingway cũng như trong một tác phẩm văn học là:
Thứ nhất, nhà văn phải nắm rõ những gì liên quan đến nội dung của điều
cần viết.
Thứ hai, nhà văn lược bỏ tối đa những phần cần lược bỏ trong tầm hiểu
biết của mình.
Thứ ba, nhà văn phải tính toán khả năng nhận thức của người đọc nhằm
phát huy khả năng đồng sáng tạo từ phía bạn đọc, để khi tiếp xúc với văn bản,
người đọc có thể tự hình dung hoặc sáng tạo nội dung của chỗ bị lược bỏ đó
(nhà văn chỉ bỏ những phần không cần thiết, không viết ra mà người đọc vẫn có
thể hình dung được).
II. YẾU TỐ THỂ HIỆN RÕ NÉT NHẤT NGUYÊN LÝ TẢNG BĂNG
TRÔI TRONG TÁC PHẨM ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ
1. Lược bỏ
Trong văn bản, Phạm Văn Tình, nhà ngôn ngữ học đã đưa ra khái niệm
tỉnh lược: “Tỉnh lược là một hiện tượng lược bỏ các ngữ đoạn ở cấp độ phát
ngôn trong giao tiếp. Nó có thể xảy ra ngay trong nội bộ bản thân mỗi phát
ngôn hoặc giữa các phát ngôn với nhau”. Còn về khái niệm phép tỉnh lược
trong văn bản, ông định nghĩa: “Phép tỉnh lược trong văn bản là dạng tỉnh lược
xảy ra giữa các phát ngôn, là sự lược bỏ các yếu tố mà người đọc có thể hiểu
được nhờ mối liên hệ giữa các phát ngôn trong phạm vi một ngữ cảnh xác
định.”
1.1. Lược bỏ ngôn ngữ
1.1.1. Ngôn ngữ trần thuật
Sau nhiều năm làm việc và tôi luyện với tư cách một nhà báo, Hemingway
đã rèn cho mình một lối trần thuật đơn giản, ngắn gọn, khách quan và cô đọng.
Phong cách ngôn ngữ ấy được thể hiện rõ nét qua tiểu thuyết Ông già và biển
cả.
Các nhà phê bình đã gọi tên lối viết của Hemingway là “trưng ra”
(showing) thay vì “kể lại” (telling) như cách những nhà văn trước đó thường
làm. Nói vậy có nghĩa là người kể chuyện không diễn giải dông dài về suy nghĩ,
cảm xúc hay động cơ hành động của nhân vật; đồng thời, anh ta cũng hạn chế
đưa ra những bình luận chủ quan. Hemingway đã tẩy trắng ngôn từ trần thuật
theo nhiều cấp độ, từ những tính từ, trạng từ, cho đến những câu văn, đoạn văn
giải thích, bàn luận. Kết quả thu được là một tiểu thuyết với những sự kiện và
hình ảnh hết sức đơn giản, cô đọng cùng giọng văn khách quan đến mức lạnh
lùng, dửng dưng. Nhiệm vụ của người đọc là phải dựa vào những chi tiết, tình
huống được “trưng ra” ấy tìm kiếm những suy tư, tình cảm và triết lý ẩn tàng
sau trang viết.
Nổi bật cho kỹ thuật ngôn từ của Hemingway còn là sự lặp lại từ ngữ và
hình ảnh. Trong câu chuyện thường nhắc đi nhắc lại một nỗi ám ảnh, một mối
quan tâm. Chẳng hạn việc cậu bé Manolin lặp lại hai lần câu nói: “Từ nay, hai
ông cháu ta lại đi câu với nhau”, độ dư thừa lời ở đây không phải ngẫu nhiên,
vô tình mà chính là sự “tiết kiệm”. Không chỉ cho thấy sự phát triển trong hành
động của cậu bé dù cho bị bố mẹ cản trở nhưng vẫn quyết định đi câu cùng ông
lão, mà còn thể hiện yếu tố nhất quán xuyên suốt tác phẩm - sự tiếp nối giữa hai
thế hệ, sự bổ sung giữa quá khứ và tương lai.
Bên cạnh việc cắt bỏ câu từ hay lặp lại từ ngữ và hình ảnh, cách lựa chọn
ngôi kể và điểm nhìn trần thuật cũng góp phần đáng kể trong việc tạo ra những
khoảng trống ngôn từ. Trong tác phẩm Ông già và biển cả, ngôn ngữ trần thuật
chiếm một tỉ lệ không nhiều bởi tác giả đã hạn chế tối đa vai trò của người kể
chuyện. Người kể chuyện trong tác phẩm này đã mất đi quyền năng “biết tuốt”
và sẵn sàng nhảy ra giao lưu với độc giả như thời trước. Trong Ông già và biển
cả, Hemingway đã sử dụng người kể chuyện ngôi thứ 3, đồng thời để mạch
truyện được triển khai, dẫn dắt bởi chính những cuộc đối thoại và những phiên
độc thoại của nhân vật. Nhờ vậy, tác giả đã đạt được mục đích là hạn chế tối đa
sự phân tích, bình luận dài dòng của người kể chuyện, khiến tác phẩm đạt đến
một sự tối giản đáng kinh ngạc.
Miêu tả ngoại hình ông lão Santiago, Hemingway viết:“Ông lão gầy gò,
giơ cả xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn. Những vệt nám vô hại trên làn da
má của lão do bị ung thư bởi ánh mặt trời phản hồi trên mặt biển nhiệt đới.
Những vệt ấy kéo dài xuống cả hai bên má, tay lão hằn những vệt sẹo sâu bởi
kéo những con cá lớn. Nhưng chẳng có vết nào trong số sẹo ấy còn mới cả.
Chúng cũ kỹ như mấy vệt xói mòn trên sa mạc không cá. Mọi thứ trên cơ thể
lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt; chúng có cùng màu với nước biển, vui
vẻ và không hề thất bại.”
Trong đoạn trích trên, Hemingway đã đưa ra một loạt những chi tiết về
ngoại hình của ông lão đánh cá; đó toàn là những hình ảnh hết sức khách quan,
không kèm theo nhiều lời phân tích, bình luận dài dòng. Tuy nhiên, những hình
ảnh tưởng chừng đơn giản ấy lại đặt ra cho người đọc không ít câu hỏi và gợi ra
trong ta biết bao liên tưởng. Tại sao ông lão lại gầy gò đến mức giơ cả xương?
Điều đó phải chăng phản ánh hoàn cảnh khó khăn của lão hiện tại? Tại sao
không có vết sẹo nào trên tay ông lão còn mới? Điều đó phải chăng có nghĩa là
ông lão đã rất lâu không câu được những con cá lớn? Tại sao đôi mắt lão không
hề già nua? Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, vì vậy hẳn ông lão vẫn không thôi tin
tưởng và mơ ước về những chuyến ra khơi thành công. Cứ vậy, những chi tiết
đầy khách quan Hemingway đưa ra đủ khiến người đọc mải mê với những suy
tưởng không hồi kết về nhân vật.
Ở một đoạn khác, Hemingway viết:“Lão không còn mơ về bão, không còn
mơ về đàn bà, về những sự kiện trọng đại, những con cá lớn, những trận đánh,
những cuộc đấu sức hay vợ lão. Bây giờ lão chỉ mơ về các vùng đất, về những
con sư tử trên bờ biển. Chúng nô đùa như những chú mèo con trong hoàng
hôn; lão yêu chúng như yêu thằng bé. Lão không bao giờ mơ về thằng bé.”
Đọc đoạn trích trên, ta khó lòng hiểu nổi tại sao ông lão không còn mơ về
bão, về đàn bà, về những sự kiện trọng đại… mà chỉ mơ về những vùng đất và
những con sư tử trên bờ biển. Sự thắc mắc ấy dẫn ta đến việc tìm hiểu tính biểu
tượng của những sự vật được nhắc tới. Bão là nỗi sợ; đàn bà, những con cá lớn
là dục vọng; những trận đánh và những cuộc đấu sức là sự hiếu thắng bồng bột;
người vợ là tình yêu. Đó là những suy nghĩ và xúc cảm đầy mãnh liệt của một
thời tuổi trẻ. Trong khi đó, những con sư tử là biểu tượng của quá khứ huy
hoàng, là niềm tự hào mà một Santiago thời trai trẻ từng mang trong mình. Mơ
về những con sư tử, có lẽ ông lão đang lo sợ thấy lòng tự tôn của mình bị đe
dọa, đồng thời khát khao khôi phục những vinh quang mình đã từng có được.
Ngoài ra, ta cũng không khỏi thắc mắc tại sao Hemingway viết: “...lão yêu
chúng như yêu thằng bé”, và “lão không bao giờ mơ về thằng bé”. Có lẽ, thằng
bé là biểu tượng của tương lai, là người sẽ tiếp nối những thành tựu của
Santiago; ông lão tin yêu thằng bé như yêu chính bản thân mình trong quá khứ.
Không mơ thấy thằng bé phải chăng nghĩa là lão Santiago không bao giờ muốn
dựa dẫm vào nó mà muốn chinh phục biển cả bằng chính sức lực của mình?
1.1.2. Ngôn ngữ nhân vật
Không giống những tác phẩm khác như Rặng đồi tựa đàn voi trắng hay
Một nơi sạch sẽ và sáng sủa, Ông già và biển cả không chứa nhiều ngôn ngữ
đối thoại; dẫu vậy, thông qua những cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa ông lão
Santiago và cậu bé Manolin ta đã đủ hiểu lí do vì sao Hemingway được xem là
bậc thầy về loại ngôn ngữ này. Đối thoại trong Ông già và biển cả vô cùng tối
giản, ngắn gọn và súc tích, song lại gợi mở được chiều sâu khôn cùng của tâm lí
nhân vật.
Hemingway đã tạo ra nhiều khoảng trắng giữa lời trong đối thoại của nhân
vật bằng nhiều cách khác nhau, trong đó rõ nét nhất là sự tinh giản tối đa các lời
dẫn thoại. Để dẫn vào lời thoại của nhân vật, thông thường Hemingway chỉ viết
ngắn gọn: “thằng bé nói”, “lão nói”, “thằng bé đáp”..., tuyệt nhiên không có
những tính từ, trạng từ chỉ điểm cảm xúc của người nói hay dụng ý sâu xa của
phát ngôn. Khi miêu tả cuộc đối thoại giữa Manolin và ông lão ở đầu tác phẩm,
Hemingway viết:
“ - Ông Santiago! - Thằng bé nói khi hai người leo lên bờ nơi con thuyền
được kéo lên – Cháu có thể lại đi cùng ông. Chúng ta đã có ít tiền rồi.
Ông lão dạy thằng bé câu cá và nó quý lão.
- Đừng! - Lão nói - Cháu đang đi với con thuyền may mắn. Hãy ở lại với
họ!”
Một ngòi bút cổ điển trong trường hợp này có thể sẽ thêm rất nhiều tính từ,
trạng từ biểu lộ sắc thái vào lời dẫn thoại (VD: Thằng bé hồ hởi nói khi hai
người leo lên bờ nơi con thuyền được kéo lên, hoặc: Lão nói với giọng chua
chát). Tuy nhiên dưới ngòi bút của Hemingway, những câu thoại cứ trơ trọi
vang lên không khác gì băng ghi âm những lời nói rời rạc. Người đọc - giờ đây
không được “mách nước” bởi những tính từ và trạng từ đi kèm lời dẫn thoại -
chỉ khi chủ động đồng sáng tạo thì mới có thể hiểu được logic tâm lí của nhân
vật.
Bên cạnh giản lược lời dẫn thoại, Hemingway còn tạo ra những khoảng
lặng im trong đối thoại. Như ta đã biết, một cuộc giao tiếp thông thường bao giờ
cũng cần phải có hai yếu tố sau: logic nhân quả và tính liên tục. Tuy nhiên,
chính những khoảng lặng im được Hemingway tạo ra đã khiến cho logic thông
thường của đối thoại đôi khi bị bẻ gãy. Ta có thể nhận ra điều này thông qua ví
dụ sau đây:
“ - Ông Santiago! - Thằng bé nói khi hai người leo lên bờ nơi con thuyền
được kéo lên - Cháu có thể lại đi cùng ông. Chúng ta đã có ít tiền rồi.
- Đừng! - lão nói - Cháu đang đi với con thuyền may mắn. Hãy ở lại với
họ!
- Nhưng ông còn nhớ có hồi suốt tám mươi bảy ngày ta không bắt được cá
nhưng sau đó trong ba tuần lễ ngày nào ta cũng vớ được cá lớn!
- Ông nhớ! - Ông lão nói - Ông biết cháu đã không rời bỏ ông vì thiếu
lòng tin!
- Tại cha cháu bắt làm như thế. Cháu còn nhỏ, cháu phải nghe lời cha!
- Ông hiểu! - Ông lão nói - Đấy là chuyện thường!
- Cha cháu chẳng tin đâu!
- Phải - Ông lão nói - Nhưng chúng ta tin, đúng không!”
Trong cuộc đối thoại trên, mục đích giao tiếp bị mờ nhòe và logic giao tiếp
thông thường bị đứt gãy. Ban đầu, Manolin nói chuyện với ông lão nhằm xin
cùng đi câu, thế nhưng khi cuộc hội thoại kết thúc, mục tiêu ban đầu ấy lại chưa
thực hiện được. Thay vào đó, hai nhân vật kết thúc cuộc đối thoại bằng việc nói
về niềm tin vào sức mạnh của ông lão. Bên cạnh đó, ta cũng thấy rất rõ hiện
tượng “ông nói gà bà nói vịt” trong đoạn trích trên. Khi cậu bé Manolin gợi nhớ
lại một kỉ niệm cũ, lão Santiago lại đáp bằng một câu nói không liên quan rằng:
“Ông biết cháu đã không rời bỏ ông vì thiếu lòng tin!”. Đó là hiện tượng đứt
gãy logic thông thường gây nên bởi sự đan xen của những khoảng lặng trong
giao tiếp.
Nhìn chung, đối thoại trong Ông già và biển cả thường rời rạc, ngắt quãng,
khó hiểu. Tuy nhiên, Hemingway không cố hủy diệt đối thoại, ông không cố
tình tạo ra những cuộc trò chuyện vô nghĩa; đằng sau những mẩu đối thoại
tưởng như rời rạc bao giờ cũng là những câu chuyện dông dài và những tâm sự
ngổn ngang. Nếu như người đọc đủ tinh ý, phục dựng được những câu thoại
không lời, ta sẽ thấy thao tác giản lược của nhà văn, ngược lại, diễn tả rất chính
xác logic tâm lý của nhân vật.
Trong Ông già và biển cả, đối thoại chiếm dung lượng không lớn; thay
vào đó, Hemingway sử dụng rất nhiều lời độc thoại nội tâm. Thông thường, độc
thoại nội tâm thường dàn trải, do đó kéo dãn dung lượng chung của toàn tác
phẩm. Tuy nhiên, độc thoại nội tâm trong Ông già và biển cả có đặc điểm là
ngắn, lại bị chia cắt bởi sự đan xen lời người kể chuyện, do vậy lời độc thoại
nội tâm cũng mang tính tối giản như những kiểu ngôn ngữ khác trong truyện.
Nhìn chung, Hemingway đã tận dụng tối đa phép tỉnh lược ngôn ngữ, từ
ngôn ngữ trần thuật đến ngôn ngữ nhân vật để góp phần tạo nên hiệu ứng tảng
băng trôi cho tiểu thuyết Ông già và biển cả.
1.2. Lược bỏ cấu trúc
1.2.1. Cốt truyện
Trong bài phỏng vấn tác giả Hemingway do G. Plimpton thực hiện,
Hemingway có nói rằng: ““Ông già và biển cả” có thể dài hơn cả ngàn trang,
có thể có rất nhiều nhân vật ở làng đó cũng như hoàn cảnh sống, sự ra đời,
giáo dục và các thế hệ con cháu của họ. Điều này đã được các nhà văn khác tái
hiện một cách tuyệt vời. Trong sáng tác, bạn sẽ bị giới hạn bởi những gì đã
hoàn thiện. Do đó, tôi cố gắng tìm cách viết mới. Truyền đạt ý tưởng, thoạt tiên
tôi loại bỏ những gì không cần thiết để khi tiếp xúc với nó độc giả cảm nhận
như là một phần trong những kinh nghiệm của mình. Và như thế với họ, điều đó
dường như đã thực sự xảy ra”. Ông áp dụng nguyên tắc ấy triệt để trong những
tác phẩm của mình: Một trong những đặc trưng của nó truyện ngắn Hemingway
là hầu như không có cốt truyện. Cốt truyện ở đây được hiểu với một nội hàm
mới mẻ hơn khái niệm truyền thống thường gắn liền với một yếu tố thiết thân là
việc tạo và giải quyết xung đột. Trong tác phẩm này, sự kiện và hành động
không đứng ra làm trung tâm của câu chuyện. Thay vào đó, mạch truyện được
phát triển chủ yếu thông qua cảm xúc của nhân vật. Giá trị của tác phẩm không
phải là ở cuộc chiến giữa ông lão và cá lớn, mà là ở quá trình trải nghiệm, suy
tư và trăn trở của con người trong bối cảnh khó khăn. Trong điều kiện đó,
những chi tiết ẩn sau tảng băng trôi được tiết lộ, mỗi người đọc có cơ hội tìm
hiểu và diễn giải theo cách riêng của mình.
Hemingway đã chọn lọc và loại bỏ nhiều sự kiện và chi tiết, tạo nên những
khoảng trống trong nghệ thuật tự sự. Thay vào đó, Hemingway lựa chọn sử
dụng rất nhiều lời độc thoại nội tâm. Điều này cho ta nhìn thấy ngay độ chênh
khá lớn giữa dung lượng tác phẩm và thời gian sự kiện: 144 trang trong 3 ngày.
Thời gian trong câu chuyện được thu hẹp lại, nhưng điều này lại mở ra cuộc
phiêu lưu đối thoại bất tận trong tâm hồn của nhân vật.
Xuyên suốt cả câu chuyện, ta thấy chỉ có một hành động chính bao trùm
lên cốt truyện: đó là hành động câu cá. Mà ngay cả hành động đánh cá nhiều lúc
cũng được miêu tả lặp đi lặp lại. Tính chất lặp lại ấy khiến nhân vật và tác phẩm
đều mang tính biểu tượng. Vì thế cốt truyện cũng mang trong mình mạch ngầm
của “cốt truyện kép”, ý nghĩa song song.
Có vẻ như câu chuyện của cuốn sách Ông già và biển cả rất đơn giản, chỉ
là câu chuyện về ông lão câu được một con cá khổng lồ. Tuy nhiên, nếu ta
nghiên cứu sâu hơn, sẽ thấy rằng cốt truyện này chứa đựng nhiều ý nghĩa và
tầng sâu tinh tế hơn. Để chứng minh cho điều trên, ta có thể nhìn vào đoạn cuối
của câu chuyện khi ông lão trở về sau khi câu được cá. Ở bề ngoài, ông lão có
vẻ như đã chiến thắng khi câu được con cá khổng lồ, nhưng giữa hành trình từ
biển cả về bờ, ông lão phải đối mặt với sự đánh bại không lường trước được.
Lúc này, con cá lớn đã trở thành một bộ xương, mất đi giá trị vật chất mà ông
lão đã hy sinh nhiều công sức để đạt được. Hơn nữa, sự xuất hiện đột ngột của
lũ cá mập đại dương tấn công con cá lớn và ông lão tạo ra một bức tranh của sự
khắc nghiệt và khả năng kiểm soát của con người trước mặt tự nhiên hoang dã.
Điều này thể hiện sự yếu đuối và vô thức của con người trước sức mạnh của
thiên nhiên. Do đó, mặc dù có vẻ đơn giản, câu chuyện không chỉ là về sự chiến
thắng của ông lão mà còn là về sự phức tạp và khó khăn của cuộc sống, cũng
như sức mạnh và yếu đuối của con người trước cuộc đối đầu với thiên nhiên.
Nhờ việc tỉnh lược và loại bỏ nhiều sự kiện, chi tiết, hình thành nên những
khoảng trống trong nghệ thuật tự sự mà bạn đọc có cơ hội liên tưởng, trải
nghiệm để lấp đầy những khoảng trống đó, góp phần phát huy khả năng đồng
sáng tạo từ phía bạn đọc.
1.2.2. Nhân vật
Sự lược bỏ về ngôn ngữ chính là vấn đề về lời ít, ý nhiều trong tác phẩm
của ông. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt ra một câu hỏi rằng: Làm thế nào để có
thể thực hiện được việc rút ngắn ngôn từ? Làm thế nào để như người xưa nói “ý
tại ngôn ngoại hay như con người hiện tại đòi hỏi là thực hiện được lượng thông
tin tối đa, khiến trên trang giấy không phải chỉ có những dòng chữ mà cả “mạch
ngầm văn bản? Sự lược bỏ trong ngôn ngữ đã đến đến nhiều sự lược bỏ khác
bao gồm cả kết cấu, cốt truyện và nhân vật. Với nhân vật, nếu theo dõi hình
tượng nghệ thuật trong lối viết của Hemingway, ta có thể thấy nhà văn thực
hiện mục đích, nguyên lý tảng băng trôi bằng những phương thức xây dựng
nhân vật đặc biệt mới.
Đầu tiên, về mặt xây dựng hình tượng nhân vật. Nhớ lại lúc mới bước vào
nghề văn chương ở Paris với những bạn bè nổi tiếng như Fitzgerald;
Hemingway đã viết trong cuốn Hội hè miên man rằng: Khi bắt đầu cảm thấy
cần “trốn chạy khỏi mọi sự dễ dãi”, ông thấy phải “khiến cho nhân vật hành
động thay vì miêu tả họ”. So sánh nhân vật của Hemingway với tiểu thuyết
Pháp đương thời, người ta cho rằng nhân vật trong tiểu thuyết Pháp nói năng
biên giải quá nhiều, bởi vậy họ có vẻ những nhà trí thức, hoặc là các nhà rao
giảng đạo đức (lấy dẫn chứng nhân vật cha Magrit trong Những người khốn
khổ). Nhân vật của Hemingway ít khi tự phân tích, “ít lời” ngay cả khi họ đang
nói. Và chăng khi cho nhân vật nói, chính là một cách để Hemingway cho họ
“hành động” theo nghĩa rộng. Vấn đề ở đây là lời lẽ của nhân vật Hemingway
cũng là những “tảng băng trôi”, cũng đầy ẩn ý, chứa đựng một “mạch ngầm văn
bản”.
Trong tác phẩm Ông già và biển cả, chúng ta cũng chỉ thấy những đoạn
đối thoại rời rạc giữa các nhân vật, các câu chuyện được đề cập đến hay những
lần hỏi đáp cũng rất ngắn gọn. Và trong đó, ông già chỉ đối thoại với một người
duy nhất, đó là chú bé Manolin (nếu ta coi như những đoạn ông lão nói chuyện
với biển, chim, cá chỉ là độc thoại). Dưới đây là một vài mảnh đối thoại hiếm
hoi trong phần cuối của tác phẩm, khi ông lão đã tỉnh dậy, chú bé mang củi và
cà phê tới, tác giả sử dụng chủ yếu là những đối thoại rời rạc, song xoay quanh
chuyện đánh cá. Một lúc, chú bé nói:
“- Từ nay, hai ông cháu ta lại đi câu với nhau.
- Thôi, cháu ạ. Ông rủi lắm. Ông chẳng bao giờ còn gặp vận may nữa
đâu.
Thằng bé:
- Cháu cóc cần may rủi gì cả. Ông rủi nhưng sẽ có cháu may.
- Rồi bố mẹ cháu sẽ nói thế nào.
- Muốn nói thế nào thì nói. Hôm qua cháu đã câu được hai con. Nhưng
còn bao nhiêu thứ phải cần học thêm ở ông. Từ nay, hai ông cháu ta lại đi câu
với nhau.
- Ta phải thửa lấy một cây giáo thật tốt, lúc nào cũng phải mang theo trên
thuyền. Mũi giáo ta sẽ làm bằng một mảnh thép lò xo lấy ở chiếc xe Pho cũ, rồi
đem đến Ganabacoi mà mài. Phải thật nhọn nhưng không được già lửa quá.
Tôi già nó sẽ giòn và dễ gãy. Lưỡi dao của ông gãy mất rồi.
- Cháu sẽ kiếm cho ông một con dao khác và cháu sẽ mang mảnh thép lò
xo đi mài. Không biết cái trận gió này nó sẽ kéo dài mất mấy hôm ông nhỉ?
- Quãng ba ngày, hoặc hơn một chút.
- Được, cháu sẽ lo liệu mọi thứ đâu vào đấy. Còn về phần ông thì ông phải
liệu chăm cho hai bàn tay nó lành lặn đi đã.
- Ối dào! Hai bàn tay thì ông đã có cách. Hồi đêm, ông đã khạc ra một
thứ gì lợm kinh cả người và thấy như có một cái gì toạc rách ở trong ngực…”.
Đoạn văn trên rất tiêu biểu cho lối xây dựng nhân vật ít thoại. Lời thoại
của hai nhân vật trong chuyện rất ít, chỉ xuất hiện chủ yếu ở phần đầu và phần
cuối của tác phẩm. Thậm chí trong đoạn thoại trên, hai nhân vật cũng chỉ nói
những câu chuyện bâng quơ, từ việc đi câu, đến việc “thửa lấy một cây giáo
thật tốt”, rồi chuyện hai bàn tay bị thương của ông lão. Cuộc đối thoại của nhân
vật tuy ít, nhưng qua đó, ta cảm nhận được tình cảm giữa hai nhân vật của
chúng ta. Đó là thứ tình cảm thân thương mang hơi ấm của gia đình, thứ tình
cảm gắn bó như hai cha con ruột thịt. Đó là một ông lão hiền hậu, thương
Manolin như con của mình, áy náy với cậu bé khi lúc đầu đi săn không được
con cá nào. Đó là một Manolin kính trọng và yêu thương người thầy, người cha
của mình. Tuy được miêu tả rất ít nhưng thông qua đối thoại, chúng ta thấy hiện
lên đúng tính cách, tâm lý hai nhân vật. Họ là những người bạn lớn của nhau,
dù khoảng cách tuổi tác - bởi thế họ không cần kể lể nỗi lòng mà chỉ nói đến
mối quan tâm chung đã gắn bó hai người: biển và cá. Tình cảm của họ thể hiện
qua nhu cầu truyền nghề và học nghề, và lúc này, sau chuyến đi “thất bại” của
ông già, đứa bé lại quyết tâm không chịu tuân thủ theo mệnh lệnh vô lý của cha
mẹ nữa.
Thứ hai, trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, việc loại bỏ chất liệu
thu thập được cũng là một trong những biểu hiện của nguyên lý tảng băng trôi
của Hemingway với công thức của nguyên lý này là: Chất liệu + Loại bỏ + Hư
cấu. Điều quan trọng là đưa điểm nhìn của tác phẩm vào bên trong, tập trung
vào tâm hồn và nội tâm của nhân vật. Trong khi hành động bên ngoài có vẻ đơn
giản, nhưng chúng chỉ là bề ngoài, và toàn bộ diễn biến chủ yếu xảy ra ở bên
trong nhân vật. Thay vì tập trung vào sự kiện và hành động bề ngoài, tác giả
chú trọng vào sâu sắc tâm hồn và cảm xúc của nhân vật, tạo ra một cấu trúc
nghệ thuật phong phú và sâu sắc hơn. Bản thân ông là một trong những nhà văn
đi đầu trong trường phái tối giản (minimalism) trong văn chương hiện đại Mỹ,
một trong phong cách “ưu tiên những thứ đơn giản để biểu hiện những suy nghĩ
phức tạp”.
Thứ ba, nếu như văn chương truyền thống muốn dựng lại cuộc đời của cả
nhân vật thì nhân vật chính là ông lão của Hemingway bước vào và kết thúc câu
chuyện ở quãng giữa cuộc đời, tiểu thuyết chỉ như một lát cắt cắt ngang đời
ông. Nhưng qua lát cắt ấy, ta có thể nhìn thấy cả đời sống thảo mộc, thấy những
phẩm chất chăm chỉ, không khuất phục đáng quý trong tấm lòng đôn hậu của
người ngư dân.
Thứ tư, việc tối giản số lượng nhân vật cũng là một sự "lược bỏ" của
Hemingway. Một câu chuyện dài như thế mà có thể nói, chỉ có một nhân vật
chính là ông lão đánh cá cùng nhân vật phụ là Manolin. Tuy nhiên nhân vật
Manolin và một số các nhân vật phụ khác chỉ xuất hiện ở mấy phần đầu và cuối
câu chuyện. Ngoài ra, chỉ có trời, nước, chim, cá... Cuộc sống của con người
nếu có xuất hiện chỉ là trong ký ức của ông lão. Việc chỉ lựa chọn một nhân vật
và tỉ lệ lớn của độc thoại nội tâm đã ảnh hưởng tới cốt truyện hay nói rộng ra là
ảnh hưởng tới kết cấu của tác phẩm. Tuy đó là một ông lão cụ thể (người Cuba
tên Santiago) nhưng cách thể hiện của tác giả khiến ông giống như biểu tượng
về Người đánh cá. Ông lão là biểu tượng về hình ảnh con người lao động với
khát vọng đẹp đẽ quá lớn lao, khiến họ phải đơn độc, thất bại.
2. Tính đa nghĩa của biểu tượng
Nguyên lý tảng băng trôi trong tác phẩm Ông già và biển cả còn được
Hemingway thể hiện rất rõ nét thông qua tính đa nghĩa của biểu tượng. Với
phương châm sáng tạo tinh giản văn chương đến mức tối đa, cùng với lối viết
kiệm lời, kiệm cảm xúc, Hemingway đã xây dựng nên hệ thống các biểu tượng
giàu sức gợi, sức hấp dẫn để tạo nên tính đa nghĩa cho biểu tượng đồng thời là
con đường mà nhà văn gợi mở để độc giả đồng sáng tạo cùng mình. Trong tác
phẩm, Hemingway đã sáng tạo nên hình tượng nhân vật ông lão Santiago cùng
với các mối quan hệ xung quanh như hình tượng cá kiếm, cậu bé Manolin, biển
cả, bầy cá mập hay đàn sư tử trên bờ biển để tạo dựng nên những biểu tượng
giàu ý nghĩa.
Trước hết, hình tượng ông lão Santiago là biểu tượng cho tình yêu lao
động và sức mạnh chiến đấu của con người. Người đánh cá già nua cả đời bám
biển với “khối tài sản” là túp lều rách nát làm nơi trú ngụ khi về già cùng với
kho tàng kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú lại là hiện thân của nét đẹp lao
động và lòng yêu nghề vô hạn. Cuộc đời lênh đênh dặm trường biển khơi khổ
nhọc, gian khó đã in hằn lên thân hình ông lão với dáng vẻ “gầy gò, giơ cả
xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn. Những vệt nám vô hại trên làn da má của
lão do bị ung thư bởi ánh mặt trời phản hồi trên mặt biển nhiệt đới. Những vệt
ấy kéo dài xuống cả hai bên má, tay lão hằn những vết sẹo sâu bởi kéo những
con cá lớn … trừ đôi mắt, chúng có cùng màu với nước biển, vui vẻ và không
hề thất bại”. Mặc dù đã ngoài bảy mươi tuổi, thế nhưng đôi mắt của lão vẫn
tinh anh và sáng khỏe bởi đằng sau đôi mắt màu xanh nước biển ấy ẩn chứa một
niềm tin, niềm hi vọng vào sức mạnh nội tại bên trong con người lão mỗi khi ra
khơi, đồng thời thể hiện sự gắn kết của ông lão với biển khơi. Chính nhờ tình
yêu với lao động, tình yêu với biển khơi đã giúp ông lão hành nghề bằng tất cả
niềm say mê và gắn bó để rồi ông đã trở thành người đánh cá khéo léo và điêu
luyện, như lời chú bé Manolin nói: “Có nhiều người đánh cá giỏi và vài người
vĩ đại nhưng ông là người duy nhất”. Vậy là gần hết cả cuộc đời gắn bó với cái
nghề bám biển này, cuối cùng những nỗ lực của ông lão đã được công nhận.
Ông lão đã hành nghề bằng tất cả sự say mê và lòng kiêu hãnh. Santiago
đã không hề nghĩ đến sự đói khát, nhọc nhằn cùng với những hiểm nguy đang
chờ mình mà chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là bắt cho bằng được con cá lớn
mà lão chưa từng thấy bao giờ. Trong cuộc chiến không cân sức giữa ông lão và
cá kiếm, có lúc ông lão “rã rời đến tận xương tủy”, đau đớn toàn thân nhưng
ông vẫn kiên cường chiến đấu và chiến thắng cá kiếm. Mặc dù có khi ông lão
thương xót cho con cá nhưng ông cũng hiểu được rằng đó là sự phân công của
tự nhiên: cá kiếm là con mồi còn ông chính là kẻ săn mồi. Sự chiến thắng đó đã
khẳng định được chân lý: “Con người sinh ra không phải để bị đánh bại. Con
người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị khuất phục”. Không chỉ vậy, nếu ông
lão là biểu tượng cho vẻ đẹp và sức mạnh của con người thì cá kiếm lại là biểu
tượng cho vẻ đẹp và sức mạnh của thiên nhiên. Đuổi bắt cho kì được con cá
kiếm chính là cách ông lão thực hiện ước mơ của đời mình, muốn chứng tỏ cho
mọi người thấy dù lão có già nhưng lão chưa “đi đứt”, lão không vô dụng. Hình
tượng con cá kiếm một lần nữa là hình ảnh biểu tượng của ước mơ, lí tưởng mà
mỗi con người muốn theo đuổi trong cuộc đời; biểu tượng cho những ước mơ,
sáng tạo không ngừng nghỉ của con người. Hình ảnh bộ xương của cá kiếm
được ông lão đem vào bờ tuy không phải là ước mơ trọn vẹn của lão ngư dân
già nhưng đó là một biểu tượng cho thành quả lao động của một đời người.
Trên hành trình đi tìm kiếm thành quả lao động, Santiago còn là biểu
tượng cho sự cô đơn. Cô đơn trong những ngày tháng lao động khi phải một
mình ra khơi khi màn đêm còn đang chìm sâu trong giấc ngủ. Không có
Manolin đồng hành, ông lão phải rất vất vả khi vật lộn với con cá kiếm to
khổng lồ khiến ông phải thốt lên: “Ước gì mình có thằng bé ở đây” tới tận bảy
lần. Nhưng rồi ông lão đã một mình chống cự lại với sự cô đơn một cách đầy
bản lĩnh và mạnh mẽ giữa biển khơi. Điều đặc biệt hơn cả, trên đại dương mênh
mông đó, ông lão tuy có vất vả, khó nhọc nhưng ông vẫn tìm thấy niềm vui, tìm
thấy sự sảng khoái tự do như những chú chim đang tung cánh trên khoảng
không bao la.
Trong tác phẩm, biển cả là hiện thân của cái đẹp “Mặt nước xanh thẫm,
thẫm đến nỗi như ngả sang màu tím. Khi nhìn xuống, lão thấy những vệt rêu đỏ
trong làn nước tối sẫm và bây giờ mặt trời lấp lánh những tia sáng kì lạ”. Tuy
vậy, đó lại là không gian đối nghịch với con người, nếu đại dương rộng lớn bao
nhiêu thì con người lại nhỏ bé bấy nhiêu. Giữa mênh mông sóng nước đó, con
người phải tự tìm cho mình một lối đi riêng, tự do chèo lái con thuyền đến bất
cứ nơi đâu mà mình muốn. Bởi hơn hết biển cũng chính là người bạn của con
người, “rất tử tế và rất đẹp”. Và ông lão cũng coi thiên nhiên là một người bạn
để trút bầu tâm sự mỗi chuyến ra khơi. Chính điều đó đã cưu mang, nâng đỡ
ông lão cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bên cạnh đó, ông lão còn có một điểm tựa tinh thần vô cùng vững chãi, đó
chính là chú bé Manolin. Người bạn nhỏ tuổi này luôn chăm sóc, động viên và
an ủi ông lão trong hành trình từ biển cả thất bại trở về, cậu đã kề bên chăm sóc,
động viên và an ủi ông lão. Hình tượng cậu bé – hiện thân của ông lão trong
quá khứ chính là biểu tượng cho hình ảnh của tương lai tươi sáng, của thế hệ
nối tiếp. Những con người của thế hệ mới như Manolin sẽ tạo nên một thế giới
tốt đẹp hơn, trong sáng hơn như chính tâm hồn của cậu vậy.
Nếu như ông lão Santiago là biểu tượng cho cái đẹp, cho tình yêu lao
động, cho sức mạnh của con người thì đàn cá mập lại là biểu tượng cho cái xấu
và lòng tham. Ở đâu có dấu vết của máu dù là của bất cứ ai, bất cứ con vật gì thì
ở đó có sự xuất hiện của cá mập. “Chúng là những con cá mập đáng ghét, có
mùi hôi, ăn xác thối và cũng là sát thủ. Khi đói chúng sẽ cắn xé mái chèo hoặc
bánh lái của thuyền. Những con cá mập này sẽ cắn chân rùa khi chúng đang
ngủ trên mặt nước, và nếu đói chúng sẽ tấn công con người dưới nước ngay cả
khi anh ta không hề có mùi máu cá”. Cứ ngỡ con cá kiếm khổng lồ mà ông lão
đã vất vả để thu phục sẽ không ai xứng đáng được ăn thế nhưng bầy cá mập
tham lam kia đàn đàn lũ lũ kéo đến rỉa hết những thớ thịt thơm ngon, tươi mới
bên mạn thuyền của ông lão. Sự xuất hiện liên tiếp của bầy cá mập chính là
biểu tượng cho những khó khăn luôn dồn dập trong hành trình của ông lão nói
riêng và trong cuộc sống của con người nói chung. Hay nói cách khác, sự xuất
hiện của bầy cá mập trong sự đối lập hoàn toàn với ông lão là ẩn ý sâu sắc về
con người và xã hội: bầy cá mập biểu tượng cho những thế lực hung hãn, phá
hoại những thành quả lao động của con người đồng thời là hình ảnh ẩn dụ cho
bọn tư sản chuyên bóc lột sức lao động của những con người lương thiện.
Cuối cùng, tính đa nghĩa của biểu tượng còn được thể hiện qua mối quan
hệ của ông lão và đàn sư tử trên bờ biển. Lần đầu lão gặp đàn sư tử là vào một
buổi tối ở châu Phi trước cột buồm của một con tàu lúc lão đương tuổi cậu bé
Manolin. Đàn sư tử xuất hiện trở đi trở lại trong giấc mơ của lão là hình ảnh
tượng trưng cho sức mạnh, cho chứng tích của một thời kiêu hùng, thời lão
được gọi là nhà vô địch. Trước những khó khăn, thất bại ở hiện tại, lão Santiago
đã nuôi dưỡng sức mạnh, ý chí của mình bằng những vinh quang rực rỡ của quá
khứ trong giấc mơ về đàn sư tử thay vì những giấc mơ về phụ nữ, về người vợ
quá cố của lão, về những cơn bão hay những con cá lớn. Có thể nói rằng, đàn sư
tử là một điểm tựa tinh thần to lớn của lão, là nguồn năng lượng tích cực cho
lão trên hành trình chinh phục biển cả.
Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định rằng, tính đa nghĩa của biểu tượng
không chỉ là một đặc trưng nổi bật thể hiện nguyên lý tảng băng trôi của
Hemingway mà còn là tạo ra sự mê hoặc đầy hấp dẫn cho tiểu thuyết Ông già
và biển cả. Thông qua hình tượng nhân vật ông lão Santiago trong các mối quan
hệ với các hình tượng xung quanh: cá kiếm, cậu bé, biển cả, bầy cá mập và đàn
sư tử trên biển đã giúp người đọc hình dung, liên tưởng tới mối quan hệ của con
người với thiên nhiên, với cuộc sống. Từ đó mở ra nhiều tầng bậc ý nghĩa về
cuộc sống, về những giá trị tốt đẹp thông qua hệ thống các hình tượng, tạo nên
sự gợi mở bất tận cho sức sáng tạo khôn cùng của bạn đọc.
3. Ý nghĩa nguyên lý tảng băng trôi trong tác phẩm
Lối viết theo kiểu tảng băng trôi của Hemingway được coi là sự cách tân
trong quan niệm về sáng tạo nghệ thuật. Việc vận dụng nguyên lý tảng băng trôi
vào trong văn học, đặt ra yêu cầu cho nhà văn phải biết quan sát, nắm vững kiến
thức và kinh nghiệm,… Đặc biệt là làm chủ mối quan hệ giữa phần nổi và phần
chìm “Cái gì anh có thể bỏ được là anh biết rõ anh vẫn đưa được vào tác phẩm
và chất của nó sẽ lộ ra. Khi nhà văn bỏ qua những thứ mà mình không biết thì
chúng sẽ bài ra những lỗ hổng trong tác phẩm”. Việc áp dụng nguyên lý tảng
băng trôi trong tác phẩm Ông già và biển cả khiến tác giả đóng vai là người
“loại bỏ”, còn người đọc sẽ đóng vai trò là người “giải mã”. Trong nguyên lý
này, Hemingway đã sáng tạo ra những phương thức xây dựng nhân vật đặc
biệt mới, bằng cách tạo cho từ ngữ một độ dư thừa, âm vang về ngữ ngữ cũng
như những ấn tượng cảm xúc.
Tác phẩm kể về chuyến đi câu lần thứ 85 của ông lão Santiago. Nhưng qua
ngòi bút của Hemingway thì đây không đơn giản là một câu chuyện đi câu bình
thường hay một câu chuyện về ông lão, mà là cả một câu chuyện của xã hội đầy
thống khổ, bất công. Trong xã hội loài người, trong chính cái đất liền mà ông
già đang sống luôn đầy rẫy những đàn cá mập hung hãn, tàn bạo, cướp trắng
trợn mồ hôi nước mắt của người dân lao động. Những lão Santiago đó dù ở
trong thế yếu nhưng luôn giữ trong mình được ý chí dũng cảm, khao khát giải
phóng bản thân, sẵn sàng vật lộn để bảo vệ thành quả lao động của mình làm ra.
Dù chiến thắng của ông già dù chỉ là chiến thắng tinh thần nhưng đó chính là
niềm tin, sự hé mở những chiến thắng mới trong tương lai.
Trên những trang viết đầu tiên, hoàn cảnh sống cô đơn nghèo khổ của ông
già phản ánh không khí của xã hội đầy rẫy sự phân biệt giai cấp, giàu nghèo, địa
vị. Con người mang nặng tâm trạng u uất, đau khổ. Cái thời khắc ông lão ra
khơi cũng chính là thời khắc ông được sống, được tung hoành, cách ly khỏi
những thống khổ của cuộc đời. Lênh đênh trên biển là lúc ông được nói lên tất
cả những suy nghĩ giàu nhân ái của một con người lương thiện đang say mê với
vẻ đẹp của thiên nhiên, điều mà ở trên đất liền không cho phép ông làm thế.
Hemingway đã hóa thân tích cực vào nhân vật để qua đó trực tiếp nói lên tâm
trạng, suy nghĩ, triết lý của mình về cuộc đời. Đặt trong mối quan hệ với các
hình tượng trong truyện, ông lão hiện lên với vẻ đẹp của một người anh hùng
sẵn sàng vượt mọi rào cản để rượt theo con cá kiếm, vật lộn với một đàn cá
mập, với toàn bộ sức mạnh thể xác và tinh thần. Cuối thiên truyện, ông lão
trwor về với một thất bại thảm hại, nhưng đó chỉ là bên ngoài. Cái Hemingway
đề cao là sự chiến thắng bên trong - con người đã vượt lên sức chịu đựng của
chính mình, không nản chí, đi được đến hết hành trình. Sự vận dụng nguyên lý
tảng băng trôi vào tác phẩm chính là cách thức để nhà văn ca ngợi, đặt niềm tin
vào con người, từ đó thể hiện tinh thần của chủ nghĩa nhân đạo.
4. Liên hệ
Bàn về chủ nghĩa tối giản hay nguyên lý tảng băng trôi, giữa văn học
phương Tây – hay cụ thể là Hemingway cùng Ông già và biển cả và văn học
Nhật Bản cùng với những bài thơ Haiku - nơi có những điều bất khả ngôn
thuyết đã có sự gặp gỡ. Nó không chỉ nằm ở sự giản lược về ngôn từ, mà còn là
dồn nén về nội dung. Những bài thơ Haiku có khả năng vẽ ra cả bức tranh rộng
lớn từ vài nét bút “sơ sài”, để lại những khoảng trống trong từ ngữ. Sự tối giản
trong linh hồn Đông phương thuần khiết cô đọng ở những nét vẽ thủy mặc. Các
chú ếch bé nhỏ trong ao cũ tịch mịch:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.
(Con ếch – Matsuo Basho)
Trong sự đơn giản có tính cô đọng thuần khiết, ta nhìn thấy một thế giới
khác được ngăn cách bởi tấm màng ngôn ngữ mỏng manh, buộc lòng thôi thúc
ta phải mở cửa khám phá. Cái trống trải, giản dị của cả hai phong cách thuộc
hai nền văn hóa khiến người ta phải tập trung vào những cái hiện có, tạo ra một
cách chiêm ngưỡng cuộc sống mới mẻ trong sự yên tĩnh, không ồn ào ngôn
ngữ.
Ở nền văn học phương Tây, một trong những nhà văn có thể liên hệ với
Hemingway trong nguyên lý tảng băng trôi là Raymond Carver. Truyện ngắn
của hai nhà văn đều rất nhỏ gọn, giản dị, không có những kịch tính, thường chỉ
khai thác một khoảng thời gian ngắn trong không gian nhỏ lẻ của nhân vật chứ
không xây dựng một bức tranh rộng lớn về cả một thời đại. Những từ ngữ trong
tác phẩm của họ cũng đều rất nhỏ lẻ, vụn vặt, ngắn gọn và đơn giản. Sự khác
biệt quan trọng giữa văn phong tối giản của Hemingway và cách viết của
Raymond Carver là: Hemingway thường thiếu vắng vai trò người dẫn chuyện,
chú trọng vào đối thoại để tạo ra cốt truyện, trong khi Carver lại sử dụng các
mô tả chính xác, hình ảnh cụ thể, và ngôn từ chắt lọc để mời gọi độc giả vượt
lên trên từ ngữ. Văn phong tối giản của Hemingway thường tập trung vào cái
thiếu vắng, để lại những khoảnh trống cho độc giả để tự điền vào và tưởng
tượng. Ngược lại, Carver dường như thúc đẩy độc giả đọc vượt lên trên mô tả
và hình ảnh cụ thể để phát hiện sự ý nghĩa sâu sắc hơn về cuộc sống và con
người. Trong khi Hemingway thường đưa ra những câu chuyện về cuộc sống,
Carver hướng đến cách vượt qua thế giới hậu hiện đại, nơi vật chất thậm phồn
và sự thiếu vắng ngày càng trở nên đặc trưng. Tác phẩm của Carver thường
xuyên đặt ra những thách thức và câu hỏi về tính xác thực, sự dẫn dắt, và quy
tắc hành xử trong xã hội hiện đại. Tổng cộng, mặc dù cả hai đều có xu hướng
tối giản, nhưng họ sử dụng nó để đạt được mục tiêu văn hóa và nghệ thuật khác
nhau.
Những truyện ngắn của Carver mang ý nghĩa thời thời đại mạnh mẽ: Thế
giới nghệ thuật đó đầy rẫy sự bất an, con người sống và tồn tại trong nỗ lực
chống trả lại mọi nỗi bất an rình rập và đe dọa. Raymond Carver mang cái nhìn
từ lỗ khóa với phong cách tối giản. Nếu như đọc truyện Hemingway, người đọc
hoang mang với khoảng trống trong ngôn ngữ và cốt truyện không lý giải được,
và mọi mâu thuẫn cao trào không giải quyết triệt để thì đến với truyện
Raymond Carver, người đọc càng “ức chế” trước những “mảnh” truyện tủn
mủn, tỏ ra bất thường nhưng cuối cùng chẳng có gì. Ở Raymond Carver, “kịch
tính” – phẩm chất quan trọng của một truyện ngắn, đã thật sự biến mất. Dịch
giả Dương Tường nhận xét: “Hầu như chẳng có gì xảy ra trong những cốt
truyện kể của Carver. [...] Nhưng đằng sau cái “chẳng có gì” ấy là sự nghèo
nàn tinh thần, sự bất lực không tìm ra lối thoát khỏi vũng lầy nhàn cư, bệnh
hoạn, đơn giản là: bất hạnh” (Dương Tường, Raymond Carver – một Chekhov
của nước Mỹ hậu hiện đại, lời giới thiệu nằm cuối tập Mình nói chuyện gì khi
mình nói chuyện tình, NXB Văn hóa Sài gòn và Nhã Nam, 2009).
Các câu chuyện của Raymond Carver được miêu tả thành những bức tranh
tĩnh lặng với những chi tiết đơn giản và vụn vặt, nhưng lại chứa đựng sức nặng,
tính tượng trưng và tính dự báo đáng kể. Ông tận dụng việc mô tả các tình tiết
nhỏ lẻ trong căn nhà, gian phòng, và cuộc sống hàng ngày, như một cái nhìn
tinh tế từ lỗ khóa. Với sự tiết chế tối đa, Carver tránh việc rơi vào việc tìm kiếm
những khoảnh khắc then chốt, thay vào đó, ông tập trung vào diễn biến khách
quan nhất có thể. Khác biệt với Hemingway, Carver không xây dựng những
hình tượng sâu sắc mang ý nghĩa biểu tượng, mà thay vào đó, ông tạo ra một hệ
thống nhân vật mờ nhạt, chỉ xuất hiện trong môi trường nhất định để làm nổi
bật tình huống. Những nhân vật của Carver thường không rõ ràng về tiểu sử,
nghề nghiệp, hay tính cách. Họ chỉ xuất hiện trong bối cảnh, qua đó Carver làm
cho họ tự nhiên được biểu lộ. Những nhân vật này trở thành bản thân tình
huống tồn tại, được kết nối chặt chẽ với hành vi, tạo nên sự chân xác, nhưng
đồng thời lại làm mờ nhòa họ, khiến cho độc giả không thể nhớ rõ gương mặt
của họ.
Carver mô tả những con người này như những thực thể lặng lẽ, dửng dưng,
và đầy bất an trước những thách thức của thời đại hiện đại. Họ bị cuốn trôi bởi
sức mạnh của truyền hình và những thứ vụn vặt phù du, mang theo những khao
khát vô hình nhưng chẳng bao giờ đạt được.
Những liên kết này giúp ta nhìn thấy sự giao thoa của tư tưởng trong sáng
tác của các nhà văn và đồng thời nhấn mạnh sự cuốn hút đặc biệt đến từ phong
cách độc đáo riêng, dấu vân chữ hiện diện của các nhà văn từ những tác phẩm
này.
III. KẾT LUẬN
Tóm lại, có thể thấy rằng, nguyên lý tảng băng trôi đã được Hemingway
vận dụng rất tài tình và thành công thông qua tác phẩm Ông già và biển cả. Với
phong cách viết độc đáo với những khoảng trống, những biểu tượng đa nghĩa,
sự dịch chuyển linh hoạt giữa ngôn ngữ độc thoại và đối thoại mà tác giả kì
công tạo dựng trong tác phẩm đã đã đem đến những nét mới lạ cho “đứa con
tinh thần” của mình đồng thời thu hút được sức sáng tạo bất tận của độc giả
cùng khám phá những tầng bậc ý nghĩa ẩn sâu bên trong của tác phẩm. Tác
phẩm Ông già và biển cả thực sự là tảng băng trôi của văn học thế giới bởi càng
đi sâu tìm hiểu ta càng thấy được sự vĩ đại của nó. Hơn hết, Ông già và biển cả
không chỉ đơn thuần là câu chuyện về hành trình ra khơi chiến đấu của ông lão
mà qua đó còn gửi gắm những thông điệp mà Hemingway cất giấu dưới phần
chìm của tảng băng trôi. Như các nhà phê bình Xô-viết từng ca ngợi: Tác phẩm
là một “bản hùng ca ca ngợi con người và sức lao động”, con người tuy nhỏ bé
trước thiên nhiên, vũ trụ nhưng sức chiến đấu và ý chí lại vô cùng kiên cường.
Dẫu có phải trải qua bao nhiêu khó khăn, thử thách, thậm chí đối diện với bàn
tay tử thần thì con người vẫn sẽ không thôi khát vọng, cố gắng để đạt được ước
mơ của đời mình. Có lẽ vì thế mà tác phẩm đã vượt qua sự băng hoại của thời
gian để trường tồn trong trái tim bạn đọc đến tận ngày hôm nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Hoàng Nhân, Ba nhà văn hiện đại (Louis Aragon, Bertolt Brecht, Ernest
Hemingway, NXB Trẻ, năm 1989.
2. Huy Liên, “Ông già và biển cả” và sự cách tân của Hemingway đối với thể
loại văn xuôi thế kỷ XX.
3. Lê Huy Bắc dịch và giới thiệu với sự cộng tác của Đặng Anh Đào, Lê
Nguyên Cẩn, Lê Đình Cúc, Bùi Thị Kim Hạnh, Phong Lê, Huy Liên, Huy
Phương, Phùng Văn Tửu, Tủ sách tác phẩm văn học giảng bình, Ernest
Hemingway “Ông già và biển cả”, NXB Đại học Quốc gia, năm 2001.
4. Lê Huy Bắc, Hemingway những phương trời nghệ thuật, NXB Giáo dục,
năm 2001.
5. Lê Huy Bắc, Ernest Hemingway Núi băng và Hiệp sĩ, NXB Giáo dục.
6. Lê Huy Bắc, Nguyên lý “Tảng băng trôi” và “Ông già và biển cả”.
7. Lê Đình Cúc, “Ông già và biển cả” – tiểu thuyết hiện thực xuất sắc thế kỷ
XX.
8. Phạm Văn Tình, Về khái niệm tỉnh lược, Ngôn ngữ (9), tr 56 – 68, năm
1999.
9. Trần Thị Thuận, Nghệ thuật xây dựng truyện ngắn Hemingway và nguyên
tắc tảng băng trôi.
10.Vũ Tiến Quỳnh, Jack London, O. Henry, Mark Twain, Hemingway, NXB
Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1999.
11.Vũ Tiến Quỳnh, Franz Kafka, Miguel de Cervantes, Ernest Hemingway:
Tuyển chọn và trích dẫn những bài phê bình, bình luận văn học của các nhà
văn nghiên cứu Việt Nam và thế giới, NXB Tổng hợp Khánh Hòa, năm
1991.

You might also like