You are on page 1of 6

QUAN ĐIỂM CỦA V.I.

LÊNIN VỀ VAI TRÒ CỦA


THỰC TIỄN ĐỐI VỚI NHẬN THỨC
http://www.nxbctqg.org.vn/quan-diem-cua-v-i-lenin-ve-vai-tro-cua-thuc-tien-doi-voi nhan-thuc.html

Vladimir llyich Lenin (V.I. Lênin) là một trong những nhân vật quan trọng và có ảnh
hưởng nhất của thế kỷ XX. Ông là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh
tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Những tư tưởng
của ông có giá trị trường tồn và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng
thế giới và sự phát triển của lịch sử loài người, trong đó có quan điểm về vai trò của thực
tiễn đối với nhận thức. Theo ông, quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm
thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức. Việc quán triệt quan điểm đó của Lênin đóng
vai trò quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
V.I. Lênin (22/4/1870 - 21/01/1924) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản
Nga, đã lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười, thành lập Nhà nước
công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ông là người phát
triển học thuyết của C. Mác và Ph. Ăngghen thành công, trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin.
Là một nhà lý luận chính trị lỗi lạc, ông đã để lại nhiều tác phẩm triết học có giá trị, trong
đó có: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán; Bút ký triết học; Lại bàn về
công đoàn, về tình hình trước mắt và những sai lầm của các đồng chí Trotsky và
Bukharin... Vấn đề được đặt ra trong bài viết chủ yếu dựa trên sự phân tích ba tác phẩm
đó.
Để bảo vệ quan điểm duy vật biện chứng trước sự tấn công mạnh mẽ của chủ nghĩa
cơ hội, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa duy tâm chủ quan “núp” dưới hình thức chủ nghĩa
Mach11, triết học Lênin chủ yếu xoay quanh vấn đề nhận thức luận, đặc biệt đề cao vai trò
của thực tiễn đối với nhận thức, lý giải nguồn gốc hình thành, vận động, phát triển và
chuyển hóa của các khái niệm, phạm trù, quy luật. Bởi đây là vấn đề có ý nghĩa phương
pháp luận trong việc giải quyết những vấn đề khác của khoa học và đời sống, nhất là đời
sống kinh tế - chính trị - xã hội đương thời của nước Nga và quốc tế.
Dựa trên luận đề: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ
bản của lý luận về nhận thức”2, Lênin một mặt phê phán quan điểm duy tâm đã tuyệt đối
hóa vai trò của tư duy, tách khái niệm, phạm trù, quy luật ra khỏi cơ sở tồn tại hiện thực

1
Ernst Mach (1838-1916), nhà vật lý học, triết học người Áo, theo chủ nghĩa duy tâm chủ
quan, cùng với R. Avenarius, sáng lập chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Xuất phát từ triết
học duy tâm của G. Berkeley và D. Hume, Mach phủ nhận sự tồn tại khách quan của thế
giới bên ngoài và độc lập với ý thức; bác bỏ nội dung khách quan của các khái niệm khoa
học, các quy luật và tính nhân quả, cho rằng chúng là sản phẩm của trí tuệ, tâm lý con
người.
của nó; mặt khác, ông cho rằng “Những khái niệm của con người là chủ quan trong tính
trừu tượng của chúng, trong sự tách rời của chúng, nhưng là khách quan trong chỉnh thể,
trong quá trình, trong kết cuộc, trong khuynh hướng, trong nguồn gốc”3. Thực tế chứng
minh rằng, “tự nhiên được phản ánh một cách độc đáo trong những khái niệm của con
người… Những khái niệm nhất trí với “sự tổng hợp”, với tổng số, với tổng kết của kinh
nghiệm, của những cảm giác, của những giác quan, đó là điều không còn gì phải tranh
cãi nữa đối với các nhà triết học thuộc tất cả mọi khuynh hướng”4.
Theo quan điểm của Lênin, các khái niệm, phạm trù có nội dung khách quan vì
chúng phản ánh thế giới với những mối liên hệ nội tại của nó. Tư tưởng, ý nghĩ của con
người về sự vật, về những đặc tính và những quan hệ trong thế giới chỉ là sự phản ánh và
khái quát những hoạt động thực tiễn nhằm cải tạo giới tự nhiên dựa trên mối quan hệ giữa
tự do và tất yếu hay sự tác động biện chứng giữa chủ thể và khách thể. Nói cách khác, giới
tự nhiên trước hết phải trải qua bàn tay “nhào nặn” của con người thông qua công cụ lao
động, sau đó nó mới trở thành đối tượng của nhận thức, tư duy. Đến lượt mình, tư duy tác
động trở lại thực tiễn, giúp các hoạt động (săn bắt, hái lượm, lao động sản xuất) của con
người có hiệu quả hơn. Trong sự tác động hai chiều giữa thực tiễn và tư duy thì thực tiễn
đóng vai trò quan trọng, nó là cơ sở, động lực, mục đích và tiêu chuẩn của nhận thức. Với
nghĩa như vậy, Lênin cho rằng hoạt động thực tiễn của con người phải làm cho ý thức của
con người lặp đi lặp lại hàng nghìn triệu lần những hình tượng logic khác nhau 5. Những
hình tượng logic này chính là cơ sở, là những tư liệu phong phú mà từ đó con người có thể
khái quát thành những khái niệm, những phạm trù, quy luật.
Trong Bút ký triết học, khi bàn về bản chất của nhận thức và cơ chế hình thành khái
niệm, phạm trù, quy luật, Lênin viết: “Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con
người. Nhưng đó không phải là một phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn chỉnh, mà là một
quá trình cả một chuỗi những sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình thành ra các khái niệm,
quy luật etc. - và chính các khái niệm, quy luật này etc. (tư duy, khoa học = “ý niệm
logic”) bao quát một cách có điều kiện, gần đúng tính quy luật phổ biến của giới tự nhiên
vĩnh viễn vận động và phát triển. Ở đây, thật sự và về khách quan có ba vế: 1) giới tự
nhiên; 2) nhận thức của con người, = bộ óc con người (với tư cách là sản phẩm cao nhất
của giới tự nhiên đó) và 3) hình thức của sự phản ánh giới tự nhiên vào trong nhận thức
của con người, hình thức này chính là những khái niệm, những quy luật, những phạm trù
etc. Con người không thể nắm được bằng phản ánh bằng miêu tả toàn bộ giới tự nhiên một
cách đầy đủ, “tính chỉnh thể trực tiếp” của nó, con người chỉ có thể đi gần mãi đến đó, bằng
cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những quy luật, một bức tranh khoa học
về thế giới v.v. và v.v..”6.
Theo luận điểm trên, các khái niệm, phạm trù chính là sản phẩm của bộ óc con người,
đồng thời là hình thức phản ánh giới tự nhiên một cách khái quát, trừu tượng. Chính sự
hình thành các khái niệm, phạm trù là những thời điểm phức tạp, khó khăn của nhận thức
con người, khó khăn ở chỗ: 1) Tư duy con người dù bằng cách nào cũng không thể bao
quát được toàn bộ bản chất của đối tượng, không thể theo sát một cách đầy đủ toàn bộ quá
trình phát sinh, phát triển, mà chỉ có thể phản ánh một cách cục bộ, đứt đoạn, chỉ tiếp cận
được một số đặc điểm nào đó của đối tượng, sau đó bằng khả năng của tư duy trừu tượng
liên kết chúng lại thành hệ thống. Vì vậy, nếu không hiểu được tính chất (dường như phiến
diện, siêu hình) này của nhận thức thì rất dễ rơi vào quan điểm siêu hình hoặc bất khả tri
luận. 2) Nếu không hiểu đúng tính chất biện chứng của quá trình nhận thức thì rất dễ sa
vào quan điểm duy tâm, tuyệt đối hóa vai trò của khái niệm, phạm trù - coi chúng là sản
phẩm sáng tạo thuần túy của tư duy trừu tượng, quy định sự vận động, phát triển của thế
giới khách quan.
Sự khái quát thực tiễn để tạo nên các khái niệm, phạm trù phải trải qua một quá trình
lâu dài, phức tạp, dựa trên nguyên tắc thống nhất giữa logic và lịch sử. Nói cách khác, thứ
tự xuất hiện các phạm trù trong hệ thống phạm trù mà hiện nay triết học và các khoa học
đang có là thứ tự có tính logic, tính quy luật phát triển nội tại của sự phát triển tư duy nhân
loại. Vậy bản chất của quy luật đó là gì? Chúng ta có thể tiếp cận vấn đề này dựa trên luận
điểm của Lênin: “Trước con người, có màng lưới những hiện tượng tự nhiên. Con người
bản năng, người man rợ, không tự tách khỏi giới tự nhiên. Người có ý thức tự tách khỏi
giới tự nhiên, những phạm trù là những giai đoạn của sự tách khỏi đó, tức là của sự nhận
thức thế giới, chúng là những điểm nút của màng lưới, giúp ta nhận thức và nắm vững được
màng lưới”7. Theo quan điểm này, khái niệm, phạm trù và quy luật không phải là kết quả
sáng tạo của tư duy thuần túy, chúng là kết quả hoạt động thực tiễn của con người trong
quá trình cải tạo giới tự nhiên để phục vụ mục đích mưu sinh của mình. Những điểm nút
mà Lênin đề cập tới vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa lý luận.
Ý nghĩa thực tiễn thể hiện ở chỗ, nếu thực tiễn của con người càng phong phú, đa
dạng, sâu sắc và hoàn thiện thì con người càng có khả năng phát hiện, vạch rõ mối liên hệ
bản chất của các sự vật, hiện tượng, do đó càng có khả năng thiết lập những khái niệm,
phạm trù mới có ngoại diên rộng hơn, nội hàm sâu hơn so với những khái niệm, phạm trù
mà con người đã có trước đó.
Ý nghĩa lý luận thể hiện ở chỗ, các phạm trù là chỗ dựa, là công cụ và phương tiện
để nhận thức. Nhờ có chúng mà con người có thể tiếp cận và nhận thức thế giới một cách
gián tiếp, bao quát được các sự vật, hiện tượng trong thế giới một cách thống nhất, nắm
được bản chất của đối tượng trong sự vận động, biến đổi không ngừng. Với nghĩa đó, Lênin
cho rằng, muốn nhận thức được sự vật thì phải làm “chết cứng cái đang sống” hoặc “bóp
chết” tạm thời sự vật, sự xuất hiện các khái niệm, phạm trù là thời điểm con người làm
“chết cứng cái đang sống”, hay “bóp chết” tạm thời sự vật đó.
Nhìn nhận vấn đề từ thực tế, khi người nguyên thủy bước những bước đi đầu tiên
trên con đường chinh phục tự nhiên, họ nhận thức thế giới bằng tri giác cảm tính nhiều hơn
là bằng tư duy trừu tượng. Con người trong các thế hệ sau đã dần tách khỏi giới tự nhiên,
không lệ thuộc và phục tùng tự nhiên một cách mù quáng, không thích ứng với nó một
cách bản năng - tất yếu, mà con người tích cực chủ động nhận thức và cải tạo giới tự nhiên,
nhằm phục vụ các mục đích mưu sinh của mình. Song, để nắm bắt được quy luật vận động
và bản chất của giới tự nhiên, con người cần phải được trang bị một hệ thống các khái
niệm, phạm trù. Theo nghĩa đó, Lênin cho rằng, phạm trù là những trình độ tách rời hay là
trình độ nhận thức thế giới, chúng là những điểm nút trong “màng lưới trừu tượng” mà con
người bao phủ lên thế giới để nhận thức “màng lưới hiện thực” của thế giới, nghĩa là việc
nhận thức các sự vật, hiện tượng đang diễn ra một cách sinh động trong thực tế. Ví dụ, nhờ
nắm bắt được quy luật sinh thành (lấy hai hòn đá ghè vào nhau) và bản chất (cung cấp
nhiệt) của “lửa” mà con người có thể sử dụng vào việc nấu chín thức ăn, sưởi ấm, đốt
nương làm rẫy và đúc rèn kim loại để chế tạo ra các công cụ lao động. Từ đó, lửa mất đi
tính huyền thoại (huyền thoại Thần Prometheus đánh cắp lửa trên thượng giới đem xuống
trần gian cho loài người) và vai trò bái vật giáo (Totemism, Fetishism) để trở thành một
trong những yếu tố quan trọng và vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Hay khi con người đã
biết đắp đập, đào mương thì Sơn tinh, Thủy tinh cũng trở thành huyền thoại, thay vào đó là
các nhà máy thủy điện, các hồ chứa nước nhân tạo. Như vậy, khi tư duy trừu tượng của con
người phát triển đến điểm cao, cùng với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật, con
người đi sâu khám phá bản chất của vật chất, phát hiện ra cấu trúc dưới nguyên tử của nó,
tạo nên các khoa học như: cơ học lượng tử, sinh học phân tử, công nghệ Nano.
Những ví dụ trên chứng minh rằng, con người có thể khám phá được mọi “bí mật” của giới
tự nhiên nếu con người được trang bị tư duy trừu tượng mà cụ thể là các khái niệm, phạm
trù. Theo nguyên tắc “chân lý là một quá trình”, con người sẽ “gỡ” dần những mắt lưới của
màng lưới giới tự nhiên để đi sâu khám phá nó, từ đó đề xuất những phương án và thái độ
ứng xử phù hợp với giới tự nhiên.
Không chỉ dừng lại ở việc vạch ra nguồn gốc của các khái niệm, phạm trù, để chống
lại quan niệm siêu hình về tính chất tĩnh tại của chúng, Lênin đã đưa ra luận điểm về tính
năng động mềm dẻo và sự chuyển hóa lẫn nhau của các phạm trù. Những phát minh vĩ đại
trong vật lý học cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã tạo nên cuộc khủng hoảng trong vật lý
học mà hệ quả là đã làm phát sinh chủ nghĩa duy tâm vật lý với quan điểm vật chất biến
mất, vật chất tiêu tan. Vận dụng tài tình phép biện chứng khái niệm, Lênin đã phê phán
những tư tưởng sai lầm và luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa duy vật mácxít của trường phái
triết học đó. Theo Lênin, nhận thức con người là một quá trình đi sâu vô hạn vào việc khám
phá cấu trúc vật chất, làm cho những giới hạn hiểu biết cũ của con người về vật chất bị
vượt qua để đạt tới những hiểu biết mới. “Vật chất đang tiêu tan”, điều đó có nghĩa là giới
hạn hiểu biết vật chất cho đến nay của chúng ta đang tiêu tan, tri thức của chúng ta trở nên
sâu sắc hơn; những đặc tính của vật chất, trước đây được coi là tuyệt đối, bất biến, đầu tiên
(tính không thể thâm nhập được, quán tính, khối lượng, v.v.) đang tiêu tan và bây giờ đây
tỏ ra là tương đối và chỉ là đặc tính vốn có của một số trạng thái nào đó của vật chất” 8. Như
vậy, theo Lênin, cuộc khủng hoảng trong vật lý học hiện đại không phải là khủng hoảng
trên phương diện thực tiễn, mà là trên phương diện nhận thức của những nhà khoa học giỏi
chuyên môn (vật lý) nhưng lại không hiểu phép biện chứng khái niệm. Ông cho rằng, trên
thực tế, vật lý học hiện đại đã “đẻ” ra chủ nghĩa duy vật biện chứng - một “sinh vật sống”
và kèm theo nó là một vài “sản phẩm chết”, một vài thứ “cặn bã” - một trong những “cặn
bã” đó là chủ nghĩa duy tâm vật lý, mà điển hình là chủ nghĩa Mach.
Trong cuộc bút chiến với các phần tử chiết trung, ngụy biện (Tơrốtxki, Bukharin,
Dinôviép, v.v.) về vấn đề công đoàn, Lênin đã lấy tính năng động, mềm dẻo của khái niệm
“cái cốc” làm ví dụ9. Cũng như muôn vàn sự vật khác, cái cốc nằm trong màng lưới phức
tạp những mối liên hệ với thế giới xung quanh. Trong hoàn cảnh này, cái cốc có thể là một
vật dùng để uống nước, nhưng khi hoàn cảnh thay đổi, nó có thể dùng để nhốt con bướm
hay để chặn giấy, lúc đó khái niệm về cái cốc cũng phải thay đổi cho phù hợp với hoàn
cảnh. Nói cách khác, nếu vận dụng những khái niệm, phạm trù không thay đổi vào trong
những hoàn cảnh thay đổi thì dễ rơi vào chủ nghĩa chiết trung, thuật ngụy biện, tư duy theo
lối logic hình thức (A chỉ là A, mà không thể là một cái gì khác nó).
Về sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các khái niệm, phạm trù, Lênin viết: “Mỗi một khái niệm
nằm trong một mối quan hệ nào đó… với tất cả các khái niệm khác… sự phụ thuộc lẫn
nhau của tất thảy mọi khái niệm không trừ khái niệm nào, sự chuyển hóa của những khái
niệm từ cái này sang cái kia… Tính tương đối của sự đối lập giữa các khái niệm”10. Sở dĩ
có điều này là bởi theo phép biện chứng khái niệm, mỗi khái niệm, phạm trù cũng như tất
cả các khái niệm, phạm trù tựu trung lại đều phản ánh sự liên hệ phụ thuộc lẫn nhau của
các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Nhờ đó, con người mới nhận thức được
thế giới khách quan nói chung và đối tượng nói riêng như một chỉnh thể, đồng thời nắm
bắt quy luật vận động và bản chất của chúng. Lênin cho rằng “Những khái niệm, coi là bản
tổng kê những mặt riêng biệt của vận động”11. Song, mỗi khái niệm, phạm trù riêng biệt
cũng chỉ thực hiện chức năng ghi nhận, phản ánh một phương diện, một mối quan hệ nào
đó của thế giới, vì vậy, khi muốn tìm hiểu hay định nghĩa một khái niệm, phạm trù, chúng
ta không thể không cần đến những khái niệm, phạm trù khác (có thể đồng nghĩa hoặc trái
nghĩa, có thể có ngoại diên rộng hơn hay hẹp hơn) như một phương tiện bổ trợ. Vận dụng
phương pháp luận này, Lênin đã nêu lên định nghĩa mang tính kinh điển về vật chất, góp
phần đánh đổ những quan niệm duy tâm, siêu hình về vật chất của các nhà khoa học theo
chủ nghĩa duy tâm vật lý.
Lý luận của Lênin về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, về quá trình hình thành
và phát triển của các khái niệm, phạm trù, quy luật cũng như tính mềm dẻo và sự chuyển
hóa lẫn nhau giữa chúng đã cung cấp phương pháp luận khoa học trong việc nhận thức và
cải tạo thế giới. Do chưa hiểu sâu sắc về nguồn gốc và bản chất của các khái niệm, phạm
trù, chưa nắm bắt thấu đáo phép biện chứng khái niệm, nên một thời gian dài trước thời kỳ
“Cải tổ” (Liên Xô), “Mở cửa” (Trung Quốc), “Đổi mới”(Việt Nam), trong giới lý luận xã
hội chủ nghĩa nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã phát sinh chủ nghĩa giáo điều, chủ
nghĩa chủ quan duy ý chí, tuyệt đối hóa nội dung và vai trò của các phạm trù trong triết học
Mác - Lênin, xem chúng như những “khuôn vàng thước ngọc” để thẩm định mọi vấn đề
thực tiễn, là những “phương thuốc vạn năng” có thể “chữa trị” mọi “căn bệnh” của chủ
nghĩa xã hội: tụt hậu về kinh tế, khủng hoảng về giá trị, niềm tin. Các nhà lý luận mácxít
hậu Lênin coi các phạm trù triết học mácxít như những “cái gì đã xong xuôi hẳn” mà không
cần có sự bổ sung, chỉnh lý. Hơn nữa, việc vận dụng các khái niệm, phạm trù một cách rập
khuôn, cứng nhắc, không tính đến hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, không quan tâm đến tính
năng động mềm dẻo của các khái niệm, phạm trù đã dẫn đến tình trạng ngộ nhận, không
nhận thức đúng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cũng như bản chất của thời đại, bản
chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Từ đó, làm phát sinh chủ nghĩa chủ quan duy ý chí,
bệnh hình thức chủ nghĩa, v.v..
Ở Việt Nam, nhận thức rõ vấn đề này, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam
(tháng 12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới, yêu cầu phải đổi mới tư duy, trước hết là tư
duy kinh tế, tư duy lý luận. Nhờ đổi mới tư duy, giới lý luận Việt Nam đã nhận thức lại và
nhận thức đúng đắn một số vấn đề về thời đại, chủ nghĩa xã hội hiện thực, chủ nghĩa tư bản
hiện đại, nguy cơ và thời cơ, cơ chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân
sự và hệ thống chính trị hiện đại12.
Những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong hơn 30 năm đổi mới
có sự đóng góp không nhỏ của việc nhận thức đúng và vận dụng năng động, linh hoạt các
phạm trù triết học duy vật biện chứng vào thực tiễn đời sống, nhất là trong việc nhận thức
lại chủ nghĩa xã hội13, chủ nghĩa tư bản cũng như các mâu thuẫn cơ bản của thời đại, từ đó
xác định đúng đối tác đối ngoại và làm tốt công tác tổ chức cán bộ.
Thực tiễn cho thấy, nếu không nắm vững cơ sở lý luận và phương pháp luận triết học duy
vật biện chứng Mác - Lênin sẽ không thể cắt nghĩa những biến động chính trị - xã hội mang
tính bước ngoặt, bởi vì bản thân cuộc sống đã là một quá trình biện chứng, luôn vận động
và biến đổi theo quy luật tất yếu khách quan của lịch sử.

2, 8. V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t. 18, tr. 167, 321.
3, 4, 5, 6, 7, 10, 11. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 29, tr.
223-224, 305, 202-203, 192-193, 102, 210, 156.
9. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t. 42, tr. 363.
12. Nguyễn Thị Thọ, Lê Công Sự: “Đổi mới tư duy lý luận trong quá trình xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam - Nhìn từ góc độ triết học Mác - Lênin”, in trong Kỷ yếu kỷ niệm
100 năm Cách mạng Tháng Mười, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tháng 10/2017.
13. Dương Phú Hiệp: "Chủ nghĩa xã hội cần được nhận thức lại", Tạp chí Triết học, số 1,
1988, tr. 16.
Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức
PGS.TS. Lê Công Sự
Đại học Hà Nội

You might also like