You are on page 1of 6

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Nếu như trước đây, trong nền kinh tế bao cấp, quan hệ lao động thường được
xác lập bởi các mệnh lệnh hành chính thì ngày nay, với chủ trương phát triển nền
kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam,
việc xác lập quan hệ lao động thông qua hợp đồng lao động (HĐLĐ) được xem là
biểu tượng của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, hợp đồng lao động là sợi dây pháp
lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ lao động. Vì vậy, pháp
luật về hợp đồng lao động luôn được xem là trung tâm của Bộ luật Lao động (BLLĐ).
Trong đó, giao kết hợp đồng lao động là giai đoạn đầu tiên của quan hệ pháp luật hợp
đồng lao động có vai trò vô cùng quan trọng đối với các bên tham gia. Giao kết hợp
đồng lao động vừa là tiền đề để các bên thực hiện, chấm dứt HĐLĐ trong tương lai
vừa là cơ sở để quan hệ lao động được hình thành và phát triển hài hòa, bền vững.
Bên cạnh đó, giao kết HĐLĐ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo giá trị
pháp lý của hợp đồng lao động.
Mặc dù giai đoạn giao kết hợp đồng có vai trò quan trọng như vậy nhưng trên
thực tế, các bên trong quan hệ lao động vẫn không thực sự tuân thủ các quy định của
pháp luật về giao kết hợp đồng lao động. Theo Báo cáo Tổng kết thi hành Bộ luật
Lao động 2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào năm 2018 thì các bên
giao kết sai loại hợp đồng còn diễn ra phổ biến; các bên không thực sự tuân thủ quy
định về hình thức của HĐLĐ; nội dung giao kết hợp đồng lao động còn sơ sài, thiếu
nhiều nội dung quan trọng; v.v…
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế như hiện
nay và quy định của Bộ luật Lao động 2012 mặc dù đã tương đối rõ ràng nhưng áp
dụng trên thực tiễn còn nhiều bất cập thì yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về
giao kết hợp đồng là thực tế khách quan. Đồng thời, với sự ra đời của Hiến pháp 2013,
Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), Luật Doanh nghiệp 2014, v.v…và việc Chính
phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 7 xem xét Dự thảo Lần 5 Bộ luật Lao
động 2012 (Sửa đổi, bổ sung 2019) đã cho thấy ý nghĩa ở góc độ lý luận, thực tiễn
của việc tiếp tục nghiên cứu pháp luật về giao kết hợp đồng lao động.

1
Vì các lý lẽ trên, tác giả chọn đề tài: “Pháp luật về giao kết hợp đồng lao
động” làm đề tài Khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trong thời gian gần đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu có liên quan đến
đề tài pháp luật về giao kết hợp đồng lao động, cụ thể như sau:
Lê Thị Nga (2014), “Thực tiễn áp dụng pháp luật hợp đồng tại các doanh
nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”, Luận văn Thạc sĩ Luật
học Đại học Quốc gia Hà Nội. Luận văn tập trung nghiên cứu bao quát các quy định
pháp luật và thực tiễn quá trình giao kết, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp
đồng lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên. Từ đó,
tác giả Lê Thị Nga đề xuất các giải pháp mới nhằm hoàn thiện và đảm bảo thực hiện
pháp luật lao động.
Nguyễn Văn Minh (2015), “Pháp luật về giao kết hợp đồng và thực tiễn thực
hiện trong các doanh nghiệp ở Đà Nẵng”, Luận văn Thạc sĩ Luật học Đại học Quốc
gia Hà Nội. Luận văn tập trung phân tích, đánh giá các quy định pháp luật và thực
tiễn giao kết hợp đồng của các doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Từ đó đề xuất một số giải
pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về giao kết hợp đồng lao động.
Hồ Thị Hồng Lam (2015), “Pháp luật về giao kết hợp đồng lao động – Thực
trạng và một số kiến nghị”, Luận văn Thạc sĩ Luật học Viện Đại học Mở Hà Nội.
Luận văn chủ yếu đề cập đến khái niệm, ý nghĩa của giao kết hợp đồng lao động;
phân loại giao kết hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động theo pháp luật một
số nước; thực trạng pháp luật về chủ thể, nguyên tắc, hình thức, nội dung, loại hợp
đồng lao động giao kết và các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về giao kết hợp
đồng.
Đỗ Thị Thu Hiền (2018), “Pháp luật về giao kết hợp đồng lao động và thực
tiễn thực hiện trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Giang”, Luận văn Thạc sĩ Luật học
Viện Đại học Mở Hà Nội. Luận văn tập trung phân tích, đánh giá những quy định
pháp luật về giao kết hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp ở Bắc Giang. Trên cơ
sở đó, luận văn đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về giao kết hợp đồng lao động
ở địa bàn tỉnh Bắc Giang và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện từ kinh
nghiệm ở tỉnh Bắc Giang.

2
Lê Thị Hoài Thu (2015), “Pháp luật về hợp đồng lao động – từ quy định đến
thực tiễn”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Bài viết có một số nội dung liên quan đến
pháp luật về giao kết hợp đồng: phân tích các quy định về thử việc, hình thức giao
kết, loại hợp đồng lao động giao kết, nội dung giao kết hợp đồng lao động và đề xuất
các giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện Bộ luật Lao động 2012.
Nguyễn Thị Hồng Nhung (2017), “Luận bàn vài vấn đề trong dự thảo luật sửa
đổi, bổ sung một số điều luật của Bộ luật Lao động 2017”, Tạp chí Nghiên cứu lập
pháp số 17. Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung bày tỏ quan điểm về
hình thức hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình, hợp đồng thử việc,
quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động nhằm đóng góp
cái nhìn đa chiều phục vụ cho việc hoàn thiện quy định pháp luật về hợp đồng lao
động.
Nguyễn Hữu Chí (1999), “Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động”, Tạp chí
Luật học. Bài viết này tập trung nghiên cứu về các nguyên tắc giao kết hợp đồng lao
động theo Bộ luật Lao động 1994 (Sửa đổi, bổ sung 2002, 2006, 2007). Bài viết được
viết cách đây đã lâu tuy nhiên vẫn còn giá trị tham khảo về góc độ lý luận khi tác giả
nghiên cứu về nội dung nguyên tắc giao kết hợp đồng theo Bộ luật Lao động hiện
hành.
Nguyễn Hữu Phước (2013), “Giao kết hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao
động năm 2012 – Từ quy định đến nhận thức và thực tiễn”, Tạp chí Luật học số
3/2013. Bài viết được thực hiện khi Bộ luật Lao động 2012 vừa có hiệu lực thi hành.
Bài viết này đã đề cập một cách khái quát các nội dung mới về giao kết hợp đồng lao
động trong Bộ luật Lao động 2012. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra các ý kiến về khả
năng thực hiện các quy định mới trên thực tế.
Lưu Bình Nhưỡng (1995), “Giao kết hợp đồng lao động”, Tạp chí Luật học.
Trong bài viết này, tác giả Lưu Bình Nhưỡng đã trình bày về các nguyên tắc và trình
tự giao kết hợp đồng lao động . Mặc dù bài viết này đã được thực hiện cách đây khá
lâu nhưng vẫn còn giá trị tham khảo về mặt lý luận cũng như phục vụ cho việc nghiên
cứu trong phần sự hình thành và phát triển pháp luật về giao kết hợp đồng lao động
qua các giai đoạn của tác giả.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong thời gian qua, nhiều công trình nghiên cứu đã
được thực hiện có liên quan đến đề tài mà tác giả đang thực hiện. Đây là các tài liệu

3
tham khảo hết sức quý giá mà tác giả có thể kế thừa và phát triển tiếp tục các vấn đề
lý luận và thực trạng pháp luật về giao kết hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, tác giả
nhận thấy chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu với góc nhìn bao quát trên
phạm vi cả nước và đề cập đến các quy định trong Dự thảo Lần 5 Bộ luật Lao động
2012 (Sửa đổi, bổ sung 2019) có liên quan đến pháp luật về giao kết hợp đồng lao
động nên trong Khóa luận cử nhân này, tác giả sẽ trình bày quan điểm của mình. Vì
vậy, tác giả nhận thấy việc tiếp tục nghiên cứu đề tài trên của tác giả là cần thiết.
3. Mục đích nghiên cứu đề tài
Thứ nhất, xác định những vấn đề lý luận cơ bản về hợp đồng lao động, giao
kết hợp đồng lao động và pháp luật về giao kết hợp đồng lao động.
Thứ hai, làm rõ thực trạng quy định pháp luật về giao kết HĐLĐ.
Thứ ba, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về giao kết hợp
đồng lao động.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
4.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu của đề tài bao gồm các nội dung cụ thể như sau:
Một là, các quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng lao động bao gồm các
vấn đề trọng tâm là: chủ thể; nguyên tắc; trình tự, thủ tục giao kết; hình thức; nội
dung; loại hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) và người sử dụng
lao động (NSDLĐ) khi giao kết hợp đồng lao động.
Hai là, thực trạng thực hiện pháp luật về giao kết hợp đồng lao động theo Bộ
luật Lao động 2012 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, các quy định pháp
luật có liên quan như: Hiến pháp 2013; Bộ luật Dân sự 2015; v.v… và Dự thảo Lần
5 Bộ luật Lao động 2012 (Sửa đổi 2019). Trong đó, tác giả tập trung nghiên cứu kĩ
về thực trạng thực hiện pháp luật về hình thức, loại HĐLĐ, nội dung chủ yếu khi
NLĐ và NSDLĐ giao kết HĐLĐ.
4.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
Pháp luật về hợp đồng lao động là một đề tài khá rộng và phức tạp. Do đó,
Khóa luận của tác giả chỉ tập trung nghiên cứu lý luận và thực trạng về giai đoạn giao
kết hợp đồng lao động đối với quan hệ lao động cá nhân theo pháp luật Việt Nam kể
từ khi Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực đến nay. Các vấn đề về thực hiện và chấm
dứt hợp đồng lao động không thuộc phạm vi nghiên cứu của Khóa luận này.

4
5. Phương pháp tiến hành nghiên cứu đề tài
Để hoàn thành đề tài này, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp lịch sử: Tác giả sử dụng phương pháp lịch sử chủ yếu trong
Chương 1 để phân tích và đánh giá lịch sử hình thành và phát triển của quy định pháp
luật về giao kết hợp đồng lao động từ năm 1986 đến nay.
Phương pháp luật học so sánh: Phương pháp này được tác giả sử dụng xuyên
suốt trong Khóa luận. Tại chương 1, tác giả sử dụng phương pháp này khi nghiên cứu
các khái niệm, đặc điểm của hợp đồng lao động, giao kết hợp đồng lao động, pháp
luật về giao kết hợp đồng lao động. Tại chương 2, tác giả sử dụng phương pháp so
sánh để so sánh các quy định pháp luật của Bộ luật Lao động đang có hiệu lực, đã hết
hiệu lực thi hành, Dự thảo Lần 5 Bộ luật Lao động 2012 (Sửa đổi, bổ sung 2019) và
các văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, tác giả sử dụng phương pháp này để
so sánh quy định pháp luật với thực trạng thực hiện pháp luật hiện nay nhằm tìm ra
những bất cập trong quy định pháp luật.
Phương pháp phân tích, tổng hợp: phương pháp phân tích, tổng hợp được tác
giả sử dụng ở tất cả các chương để phân tích và bình luận các khái niệm, ý kiến, quan
điểm về các quy định pháp luật liên quan đến pháp luật về giao kết hợp đồng lao động
nhằm rút ra những luận điểm, luận cứ của Khóa luận. Ngoài ra, phương pháp này còn
được sử dụng tập trung ở phần mở đầu, phần kết luận nhằm khái quát và tổng kết
những vấn đề cơ bản của Khóa luận cũng như tổng hợp các đề xuất hoàn thiện pháp
luật về giao kết hợp đồng lao động.
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: tác giả sử dụng phương pháp này ở các
chương của Khóa luận để nghiên cứu các giáo trình, tạp chí, báo cáo, sách, báo chí,
luận văn khác, v.v… nhằm tham khảo các quan điểm của các tác giả khác đối với các
nội dung liên quan đến pháp luật về giao kết hợp đồng lao động.
Phương pháp bình luận án: phương pháp này được tác giả sử dụng chủ yếu ở
Chương 2 để dẫn chứng cho các luận điểm, luận cứ của Khóa luận.
6. Bố cục tổng quát của Khóa luận
Bố cục tổng quát của Khóa luận bao gồm các nội dung như sau:
Chương 1. Những vấn đề lý luận chung về hợp đồng lao động và pháp luật về
giao kết hợp đồng lao động.

5
Chương 2. Thực trạng thực hiện pháp luật về giao kết hợp đồng lao động và
những giải pháp hoàn thiện.

You might also like