You are on page 1of 4

KINH NGHIỆM THI LUẬT SƯ

Vậy là còn khoảng hơn tháng nữa đến kì thi luật sư, tuy không có gì nhiều nhưng cũng
chia sẻ một ít kinh nghiệm đi thi với các bạn:
I. Một số lời khuyên trước khi đi thi
- Nhớ kĩ “học 1 kiểu, thi 1 kiểu, đi làm 1 kiểu.” Có rất nhiều người có năng lực và kinh
nghiệm lâu năm trong ngành tư pháp nhưng thi mãi không đỗ nổi là vì họ không hiểu
nguyên tắc trên. Khi làm bài thi thì chỉ đơn giản là theo công thức tính điểm, nhưng lại
cứ thích viết kinh nghiệm cá nhân trong trường đời của mình vào thế là trượt. Có người
còn rảnh đến mức cãi nhau cả với các luật sư ra đề và chấm bài. Tránh tuyệt đối tâm lý
như vậy và nhớ kĩ làm bài thi là làm theo công thức.
- Tuy là một kì thi khó vì tỉ lệ trượt khoảng 40 - 50% nhưng kì thi luật sư lại tổ chức liên
tục 2 lần/năm - nghĩa là còn nhiều hơn cả thi hội khoẻ Phù Đổng. So với kì thi bác sĩ nội
trú (chỉ được thi duy nhất 1 lần trong đời) thì việc trở thành luật sư chỉ là vấn đề của sự
kiên trì và ví dày.
- Không chơi ăn gian, mang tài liệu hay mang phao vi phạm nội quy. Như đã nói ở trên
thì thi luật sư nhiều hơn thi thể thao nên không đáng để mạo hiểm rủi ro cái việc gian
lận thi cử này.
- Lưu ý là đánh dấu bài sẽ bị trừ điểm. Không viết tên riêng vào bài thi, không viết những
kí tự kì quặc đáng nghi, không sử dụng bất kì hình thức đánh dấu nào cả. Đã có một số
bạn do không để ý đã viết tên riêng vào phần bài thi hoặc vô tình đánh dấu mà không
biết và đã bị đánh trượt không cần biết lý do.
- Học tất cả những gì mình có thể từ sớm: đọc luật, đọc bản án, và quan trọng nhất là
đọc các đề thi cũ. Vì thực ra đề thi toàn là theo mẫu số chung, lặp đi lặp lại từ năm này
qua năm khác, chỉ thay đổi nội dung tiểu tiết. Cứ làm nhiều thì trăm hay không bằng tay
quen, thằng ngốc thi cũng đỗ.
- Khi thi phải đến sớm để biết rõ số phòng cũng như những người mà mình thi cùng là
ai. Bạn phải làm công tác ngoại giao, làm quen, kết thân với những người sẽ ngồi gần
mình từ sớm. Dù bạn tin hay không thì khi vào phòng thi việc những người ngồi gần có
thể tương trợ lẫn nhau thành một nhóm là rất quan trọng, ví dụ như việc mượn bút hay
mượn văn bản pháp luật.
- Trượt thì thôi, 6 tháng sau thi lại. Tuyệt đối không để bị tâm lý chán nản, xấu hổ. Thành
hay bại 90% là do tâm lý, chỉ 10% là do kiến thức. Cuộc đời ăn nhau về sau các bạn ạ.
II. Các văn bản pháp luật nên mang vào phòng thi
- Bắt buộc phải mang: Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật
Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với Bộ luật Hình sự và Dân sự thì có thể
mang cả bộ luật cũ nếu bạn muốn, riêng về Bộ luật Tố tụng thì chỉ cần mang hiện hành.
- Đối với các bạn muốn làm câu hình sự: Luật Thi hành tạm giữ tạm giam, Luật Đặc xá,
Luật Thi hành án hình sự, các Nghị Quyết hướng dẫn các tội danh trong BLHS của Hội
đồng Thẩm phán.
- Đối với các bạn muốn làm câu doanh nghiệp thì phải mang tương đối nhiều vì phần tư
vấn rất rộng: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật SHTT, Luật
Trọng tài thương mại, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật
Kinh doanh bảo hiểm, Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh…. mang đến đâu phụ thuộc vào
khả năng của bạn.
- Các văn bản khác: các bạn có thể mua quyển tổng hợp Nghị quyết của TANDTC từ
1990 đến nay để mang vào, án lệ được ban hành dưới dạng Nghị quyết nên cũng có thể
mang vào, Nghị quyết của UBTVQH cũng có một số văn bản liên quan đến áp dụng
luật.
- Các Thông tư, Nghị định thì bạn chỉ nên mang vào nếu như đã đọc hiểu từ trước vì
không có thời gian để tra cứu kĩ. Các văn bản ở trên cũng vậy, các bạn sẽ không có thời
gian tra cứu nếu như chưa từng đọc qua trước, do đó có mang nhiều mà không nắm được
nội dung trong tài liệu thì cũng chỉ phí công. Cố gắng dành thời gian đọc qua các văn
bản pháp luật quan trọng.
III. Cách làm bài thi kĩ năng
- Phần bắt buộc thì hầu như luôn luôn rơi vào một vụ việc dân sự: hôn nhân gia đình,
chia thừa kế, chia tài sản. Các câu hỏi sẽ xoay quanh: xác định quan hệ pháp luật tranh
chấp, xác định tư cách đương sự, tính thời hiệu, phương án giải quyết vụ án. Chú ý: tính
thời hiệu phải xem kĩ các Nghị quyết vì một số trường hợp khá phức tạp.
- Phần tự chọn câu hình sự thì thường là các tội danh xâm phạm sức khỏe, tính mạng,
sở hữu (cướp, hiếp, giết). Cá biệt thì có năm thì rơi vào tội phạm xâm phạm tư pháp.
Quan trọng nhất là phải xác định đúng tội danh, đúng thẩm quyền khởi tố.
- Phần tự chọn câu tư vấn thì nội dung rất rộng, liên quan rất nhiều đến doanh nghiệp,
đầu tư và các ngành nghề kinh doanh, tư vấn hợp đồng, tư vấn giải quyết tranh chấp.
- Đa phần mọi người chọn hình sự vì cho rằng dễ. Thực tế không hoàn toàn đúng, vì câu
hình sự gần như không cho phép bạn sai vì nếu bạn trả lời sai tội danh hay thẩm quyền
thì sẽ mất gần hết điểm, bạn không có khả năng sử dụng kĩ năng biện luận nhiều trong
câu hình sự. Còn câu tư vấn thì tuy rất rộng nhưng chủ yếu là câu hỏi mở, bạn hoàn toàn
có thể sử dụng kinh nghiệm cá nhân để viết các phương án tư vấn, rất đa dạng mà vẫn
được điểm chứ không nhất thiết phải quá chuẩn quy định pháp luật. Do đó bạn phải có
tư duy linh động, nếu cảm thấy một câu hơi phức tạp thì chuyển ngay sang câu dễ hơn
để làm, đừng cố chấp trước khi đi thi xác định chỉ làm hình sự hay làm tư vấn. Hãy học
cách thích nghi với cả hai loại câu hỏi.
- Nhớ kĩ là hỏi cái gì thì trả lời cái đấy, đừng lan man dông dài luyên thuyên như viết
văn tế vì có viết hay như Trạng Nguyên mà không khớp baren điểm thì cũng chẳng được
thêm gì cả mà chỉ phí thời gian và làm người chấm ức chế thôi.
- Khi trả lời bạn phải viết rõ điều khoản, nội dung quy định pháp luật vào thì mới được
nguyên điểm. Đừng nghĩ là mình đang viết cho các luật sư chấm điểm đọc, bạn phải suy
nghĩ mình đang viết cho một người không biết gì về pháp luật đọc thì mới đúng.
- Nên nhớ thiếu thì bị trừ điểm nhưng thừa thì không bị trừ. Một số câu hỏi như xác định
quan hệ pháp luật thì bạn có thể spam tất cả những quan hệ tranh chấp mà bạn cho rằng
là đúng vào (kể cả có cảm giác nó không đúng lắm), vì dạng câu hỏi này có viết thừa
cũng không sao cả.
- Thời gian thi sẽ ngắn hơn bạn tưởng nhiều. Đừng phí thời gian vào việc nắn nót, cân
nhắc đúng sai hay tra cứu văn bản pháp luật quá kĩ. Rất nhiều người trượt chỉ vì không
đủ thời gian làm hết. Hãy làm bài một cách quyết đoán, đã chốt làm xong một câu thì
không đắn đo nữa và nhảy sang câu tiếp theo ngay. Thà làm sai còn hơn làm không hết
bài.
IV. Cách làm bài thi đạo đức hành nghề luật sư:
- Bạn cần phải đọc kĩ Luật Luật sư và văn bản hướng dẫn, hiểu được là làm được chứ
không cần thuộc lòng vì sẽ thi dưới dạng trắc nghiệm.
- Quy tắc đạo đức hành nghề Luật sư bắt buộc phải thuộc lòng. Tuy nhiên có thể học tủ
vì 90% sẽ rơi vào phần quan hệ với khách hàng (quy tắc 5 – 9). Các quy tắc quan hệ với
đồng nghiệp và cơ quan tố tụng vẫn phải học nhưng không cần thuộc quá kĩ. Các quy
tắc chung chung như quy tắc số 1 thì có thể bỏ qua.
V. Cách thi vấn đáp:
- Bài vấn đáp bạn đã phải chuẩn bị hồ sơ từ trước. Tốt nhất là sử dụng vụ việc đích thân
bạn làm hoặc bạn có tham gia tích cực. Tuyệt đối không lấy hồ sơ của người khác vì rất
nhiều trường hợp đi lấy hồ sơ vụ án mà chính luật sư giám khảo tham gia vụ án đó, họ
sẽ phát hiện bạn giả dối và gần như chắc chắn đánh trượt (mình đã tận mắt chứng kiến).
Không cần phải kiếm một hồ sơ vụ án nổi tiếng hay phức tạp để thể hiện làm gì, chỉ tổ
tự làm khó mình thêm thôi. Cứ lấy những vụ việc tranh chấp đơn giản, thông thường
nhưng chú trọng nhiều về quá trình mình tham gia vụ án đó là được. Tuyệt đối không
làm những vụ việc thủ tục hành chính đơn giản vì sẽ vi phạm quy định.
- Bạn phải ăn mặc đẹp, lịch sự và có thái độ tự tin, thân thiện. Thi vấn đáp là tương tác
giữa người với người là chủ yếu, đa phần tâm lý vô thức của các luật sư giám khảo sẽ
đưa ra quyết định dựa theo việc họ có thích bạn hay không. Nội dung vụ án hay trình độ
của bạn không phải là yếu tố tiên quyết cho việc họ có cho qua hay không, quan trọng
nhất ở đây là thái độ.
- Không tranh luận nhiều. Khi được hỏi cái gì biết thì trả lời, cái gì không biết thì cứ nói
thẳng là không biết và đang băn khoăn. Cái gì mà các luật sư giám khảo họ chỉnh thì cứ
cười tươi mà gật đầu đồng ý hoặc thậm chí nhận sai (kể cả thâm tâm bạn không đồng
ý). Quan trọng ở đây là thi đỗ chứ không phải cãi nhau xem ai đúng ai sai.
Kết: nói chung là các bạn chuẩn bị hết mọi thứ bao gồm kiến thức, sách vở, tâm lý đi
thi trước tầm một tháng là được. Sát ngày thi cứ việc đi chơi, học dồn chỉ thêm stress
mà cũng không hiệu quả. Chúc các bạn thi tốt.

You might also like