You are on page 1of 8

TỔNG HỢP CHỌN LỌC CÁC CÂU HỎI PHỤ MỞ RỘNG

PHẦN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC TRONG ĐỀ THI THPT QUỐC GIA
(Phần 1 - Thơ)
--------------------
Bài 1: “Tây Tiến” – Quang Dũng
1. Nhận xét về cảm hứng lãng mạn trong bài thơ “Tây Tiến”
- Cảm hứng lãng mạn thể hiện đậm nét trước hết ở cái tôi của Quang Dũng.
- Cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến còn thể hiện đậm nét trong bút pháp lãng mạn.
- Qua thiên nhiên Tây Bắc
- Qua hình ảnh người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hòa hoa, lãng mạn, hào hùng, bi tráng
2. Bút pháp tài hoa - lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng
- Là biện pháp sáng tạo nghệ thuật trong đó nhấn mạnh những nét đẹp tinh tế, siêu việt,
thăng hoa của cuộc sống hiện thực, ít thấy trong thực tế…
- Khai thác vẻ đẹp phi thường, tô đậm cái phi thường, gây ấn tượng mạnh mẽ về cái hung
vĩ, dữ dội, thơ mộng và tuyệt mĩ. Phát huy cao độ trí tưởng tượng.
- Thường sử dụng rộng rãi thủ pháp đối lập, cường điệu, tượng trưng ước lệ…
- Thể hiện cái “tôi’’ mãnh liệt.
- Hoàn cảnh của người lính Tây Tiến, những chặng đường hành quân có nét đẹp dữ dội, phi
thường.
- Trong hoàn cảnh đó nổi bật chân dung người lính và hình ảnh đoàn quân cũng gian khổ, hi
sinh một cách phi thường; đực biệt, các chiến sĩ còn mang vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa, lãng
mạn cũng rất phi thường…
- Tinh thần bi tráng (bi thương mà hung tráng): cái chết của người lính Tây Tiến cũng rất
lẫm liệt, hào hung.
- Cái “tôi’’ thể hiện trong tâm hồn thanh lịch, tài hoa và rất cá tính của nhà thơ.
Bài 2: “Việt Bắc” – Tố Hữu
1. Nhận xét sự vận động của cảm xúc thơ Tố Hữu.
- Qua hai đoạn thơ, cảm xúc thơ có sự vận động rõ nét: từ trữ tình sâu lắng đến hân hoan
hào hùng, từ cảm nhận sự gian khổ đến niềm vui chiến thắng ngập tràn.
- Từ đó, độc giả hình dung được về sự vận động phát triển của cách mạng Việt Nam, về các
giai đoạn của cuộc kháng chiến, trân trọng sự đóng góp hi sinh của đồng bào Việt Bắc cho
kháng chiến
- Từ sự vận động cảm xúc thơ Tố Hữu, độc giả nhận ra đặc điểm thơ Tố Hữu: lối thơ trữ
tình – chính trị. Mọi cung bậc cảm xúc tâm trạng đều xuất phát từ những vấn đề chính trị,
cách mạng của dân tộc của thời đại.
2. Nhận xét về tính dân tộc trong đoạn trích “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu.
- Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc là thể thơ, kết cấu, ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu
quen thuộc với người Việt.
- Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc là hai đặc
điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Nó được thể hiện rất rõ trong 8 câu
đầu bài thơ Việt Bắc.
- Bài thơ nói chung, đoạn thơ nói riêng, nói đến nghĩa tình cách mạng nhưng thi sĩ lại dùng
giọng, lời của người yêu để trò chuyện, giãi bày tâm sự, cảm xúc. Nó tạo nên âm hưởng trữ
tình sâu đậm cùa khúc hát ân tình.
- Bài thơ với thể thơ lục bát được sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo; Kết cấu: theo lối đốì đáp
giao duyên của nam nữ trong ca dao dân ca; Ngôn ngữ; dung dị, sử dụng cặp đại từ nhân
xưng “mình - ta” linh hoạt; Hình ảnh: gần gũi, quen thuộc, tự nhiên: Nhìn cây nhớ núi, nhìn
sông nhớ nguồn; áo chàm đưa buổi phân li, cầm tay nhau; Nhạc điệu: ngọt ngào, lắng sâu,
da diết, được tạo bởi thể thơ lục bát với cách gieo vần, ngắt nhịp, hài thanh rất nhịp nhàng,
hài hoà.
Bài 3: “Sóng” – Xuân Quỳnh
1. Nhận xét về nét hiện đại của Xuân Quỳnh trong việc thể hiện tình yêu người phụ nữ qua
hình tượng sóng.
- Đó là một tình yêu với nhiều cung bậc phong phú, đa dạng: dữ dội, ồn ào, dịu êm, lặng lẽ.
- Đó là sự mạnh bạo, chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và rung động
rạo rực trong lòng mình “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”. So sánh: không
còn sự thụ động, chờ đợi tình yêu mà chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt.
- Người con gái dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu
rộng lớn của cuộc đời.
2. Chỉ ra nét độc đáo của Xuân Quỳnh trong việc thể hiện tình yêu của người phụ nữ qua
hình tượng sóng.
- Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã làm nổi bật được vẻ đẹp và sức sống của tâm hồn
người phụ nữ trong tình yêu-một tình yêu giàu nữ tính, rất truyền thống mà cũng rất hiện
đại.
- Đó là sự giãi bày kín đáo ý nhị cùng với lòng thuỷ chung, son sắt nhưng cũng không giấu
nổi những lo âu trăn trở về tình yêu và đời người
- Vẻ đẹp hiện đại là sự chủ động táo bạo của người con gái đang yêu với khát khao được
sống, được yêu một cách tha thiết. Đó là những rung động rạo rực cùng một trái tim yêu
luôn luôn có niềm tin vào sức mạnh của tình yêu.
Bài 4: “Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm
1. Nhận xét về tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn trích.
- Tư tưởng của Khoa Điềm về Đất nước đó là: Đất nước của Nhân dân, của ca dao thần
thoại, của đời thường. Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu, niềm tự hào về Đất Nước, Nhân
dân, thức tỉnh mọi người ý thức trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Đất Nước.
- Thành công nghệ thuật của đoạn thơ này chính là là sự vận dụng những yếu tố dân gian
kết hợp với cách diễn đạt và tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc lại vừa
mới mẻ.
- Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng tối đa đã tạo nên không khí, giọng điệu,
không gian nghệ thuật riêng: vừa có sự bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa bay bổng, mơ
mộng của ca dao, truyền thuyết nhưng lại mới mẻ qua cách cảm nhận và cách diễn đạt bằng
hình thức thơ tự do. Chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên
đặc điểm nghệ thuật độc đáo của thơ Nguyễn Khoa Điềm.
2. Nhận xét về nét riêng của Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn trích.
- Thành công nghệ thuật của đoạn thơ này chính là là sự vận dụng những yếu tố dân gian
kết hợp với cách diễn đạt và tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc lại vừa
mới mẻ.
- Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng tối đa đã tạo nên không khí, giọng điệu,
không gian nghệ thuật riêng: vừa có sự bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa bay bổng, mơ
mộng của ca dao, truyền thuyết nhưng lại mới mẻ qua cách cảm nhận và cách diễn đạt bằng
hình thức thơ tự do. Chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên
đặc điểm nghệ thuật độc đáo của thơ Nguyễn Khoa Điềm.
TỔNG HỢP CHỌN LỌC CÁC CÂU LỆNH (CÂU HỎI PHỤ) MỞ RỘNG 1 ĐIỂM
PHẦN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC ĐỀ THI THPT QUỐC GIA
(Phần 2- Văn xuôi)
----------
Bài 5 :“Người lái đò Sông Đà” – Nguyễn Tuân
1. Nhận xét về cái tôi tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.
- Tài hoa: Ở lối viết uyển chuyển, linh hoạt; cách so sánh, liên tưởng nhiều tầng bậc, bất
ngờ, độc đáo. Ông nhìn sự vật bằng con mắt của người họa sĩ, dưới góc độ thẩm mĩ; tài hoa
thể hiện ở những rung động, say mê của nhà văn trước vẻ đẹp mĩ lệ của thiên nhiên đất
nước.
- Uyên bác: Thể hiện ở cách nhìn và khám phá hiện thực theo chiều sâu, ở sự vận dụng kiến
thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú; ở sự giàu có về chữ
nghĩa. Hình ảnh dòng sông Đà được nhà văn miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ nhiều
góc nhìn, với những chi tiết điển hình, tiêu biểu; những liên tưởng, so sánh bất ngờ, thú vị.
Tất cả đều cho thấy khả năng quan sát và sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện của Nguyễn
Tuân.
2. Cái tôi tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân.
- Mỗi trang viết của Nguyễn Tuân cho thấy sự độc đáo, tài hoa, uyên bác trên nhiều lĩnh
vực khác nhau: Âm nhạc, hội họa, điện ảnh, võ thuật, quân sự...
- Để miêu tả vẻ đẹp của Sông Đà, Nguyễn Tuân đã quan sát từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ
trên cao xuống; từ rừng ra sông; giữa lòng sông ra hai bờ.
- Sử dụng nhiều biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, phép điệp, liệt kê, so sánh... kết
hợp với liên tưởng, tưởng tượng khiến Sông Đà như một sinh thể gợi hình, gợi cảm, cá tính.
- Nhà văn kết hợp tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau: âm nhạc, hội họa, điện ảnh, quân
sự, võ thuật...qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên vùng Tây Bắc và quê hương đất nước.
3. Nhận xét về hình nhân vật ông lái đò là “thứ vàng mười đã qua thử lửa”.
- “Thứ vàng mười đã qua thử lửa” - từ dùng của Nguyễn Tuân - để chỉ vẻ đẹp tâm hồn của
những con người lao động và chiến đấu trên vùng sông núi hùng vĩ và thơ mộng.
- Ý kiến khẳng định thành công của Nguyễn Tuân trong việc khám phá và xây dựng vẻ đẹp
hình tượng ông lái đò trong cuộc sống lao động bình dị.
Bài 6: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” - Hoàng Phủ Ngọc Tường
1. Nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích trước hết là nhờ xúc cảm sâu lắng của tác giả in hằn
trong từng câu chữ.
- Tính trữ tình được tổng hợp từ vốn hiểu biết sâu rộng về lịch sử, địa lý, văn hóa, văn
chương của Huế cùng với đó là tình yêu tha thiết với thành phố Huế thân yêu.
- Tính trữ tình thể hiện thông qua văn phòng súc tích, hướng nội, tinh tế, tài hoa.
- Biện pháp nghệ thuật sử dụng rất dày đặc như so sánh, nhân hóa...gắn với liên tưởng bất
ngờ, sáng tạo, mang đến sự thích thú đặc biệt cho người đọc.
2. Nhận xét về những phát hiện độc đáo của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Tác giả đã cảm nhận dòng sông Hương một cách rất độc đáo. Với cách tiếp cận nhiều góc
độ nghệ thuật như hội họa, âm nhạc; nghệ thuật nhân hóa, so sánh đầy mới lạ, bất ngờ cùng
một vốn ngôn từ phong phú, óc quan sát tinh tế và đầy sáng tạo…, tác giả đã mang đến cho
sông Hương, xứ Huế một linh hồn, sự sống mới.
- Đó là tâm hồn là tình yêu của người con gái si tình - sông Hương - đang say đắm, chung
thuỷ với mảnh đất, con người xứ Huế.
3. Nhận xét về cái tôi tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích.
- Cái tôi mê đắm và tài hoa
- Cái tôi uyên bác và giàu vốn hiểu biết
- Cái tôi yêu tha thiết quê hương, xứ sở, Huế và sông Hương
Bài 7: “Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài
1. Giá trị nhân đạo.
- Tô Hoài bày tỏ lòng cảm thông đối với những số phận bất hạnh, lao khổ, bị đày đọa, bị
tước mất quyền sống đó là Mị và A Phủ.
- Tố cáo bọn chúa đất vùng cao đã chà đạp lên quyền sống của con người, biến họ thành kẻ
nộ lệ không hơn không kém.
- Phát hiện, trân trọng, nâng niu với những về vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất cao đẹp của người
lao động vùng cao.
- Chỉ ra con đường giải thoát cho nhân vật từ tự phát đến tự giác, giúp họ vươn lên từ nơi
tăm tối đến ánh sáng của tự do, công lí.
2. Nhận xét giá trị hiện thực trong tác phẩm.
- Tác phẩm tố cáo chế độ phong kiến, chúa đất đã bóc lột con người dưới hình thức cho vay
nặng lãi, buộc người lao động nghèo khổ vào vòng nô lệ; tố cáo sự chà đạp lên tình yêu,
hạnh phúc và phẩm giá con người, gắn con người vào vòng mê tín thần quyền làm cho họ
phải bất lực, cam chịu.
- Không chỉ dừng ở chỗ tố cáo sự áp bức, bóc lột mà sâu hơn, Tô Hoài còn nói lên sự thực
có tính quy luật: con người bị áp bức cứ nhẫn nhục chịu đựng kéo dài đến lúc nào đó thì
dường như bị tê liệt tinh thần phản kháng và mặt khác, đến lúc nào đó, khi sự ý thức về
quyền sống trỗi dậy, thì sức sống tiềm tàng cũng mạnh mẽ, kỳ diệu.
- Tác phẩm còn miêu tả một cách cô đọng nhưng sinh động quá trình trưởng thành, vấn đề
khát vọng tự do, hạnh phúc của nhân dân miền núi và con đường giải phóng của họ. Bức
tranh thiên nhiên và những phong tục, tập quán được nhà văn tái hiện chân thật; ngôn ngữ
giàu chất tạo hình…
3. Nhận xét về sự am hiểu Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài.
- Tục cho vay nặng lãi
- Tục cướp vợ trình ma
- Tục xử kiện, phạt vạ, trình ma người vay nợ
- Những ngày tết vùng cao, đêm tình mùa xuân
Bài 8: “Vợ nhặt” - Kim Lân
1. Nêu giá trị nhân đạo.
- Kim Lân có cái nhìn sâu sắc và tấm lòng nhân hậu trước khát vọng của con người: Tràng,
bà cụ Tứ, thị.
- Tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khiến dân ta
rơi vào tình cảnh khốn cùng.
- Niềm tin tình yêu cuộc sống sẽ thắng được chết chóc sẽ thay đổi được cuộc sống.
- Kết thúc mở hướng dẫn đường cho con người tìm thấy cái đích của hạnh phúc và thôi thúc
họ hành động.
2. Nhận xét tình huống truyện.
- Tác phẩm Vợ nhặt đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo có những nét khác
thường, bộc lộ được nhiều vấn đề khiến độc giả phải chú ý tìm hiểu và suy nghĩ. Tình
huống truyện được thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm: vợ được nhặt như người ta nhặt một
cái rơm cái rác bên đường. Tiếp đến là Tràng: Nghèo, xấu xí, thô kệch lại là dân xóm ngụ
cư có vợ trong nạn đói khiến cho xóm ngụ cư và cả bà cụ Tứ, mẹ Tràng ngạc nhiên và ngay
cả Tràng cũng không tin đó là sự thật.
- Tình huống này đã làm cho tác phẩm có nhiều mặt giá trị: Giá trị hiện thực của tác phẩm
là tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít và tay sai gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945
với trên hai triệu đồng bào bị chết đói. Trong hoàn cảnh ấy, giá trị của con người thật rẻ
rúng. Giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm: Tình người và lòng ham sống, bản chất lạc
quan của người lao động trong hoàn cảnh khốn cùng.
3. Nêu giá trị hiện thực.
- Phản ánh chân thực, sắc nét và cảm động tình cảnh khốn cùng của nhân dân ta trong nạn
đói năm 1945.
- Tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến đã đẩy nhân dân ta vào bước đường cùng.
- Con đường đi đến với cách mạng là con đường tất yếu của người dân lao động nghèo.
4. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân.
- Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo để phát hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
- Với năng lực phân tích tâm lí tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc và lựa chọn những chi tiết đặc
sắc, Kim Lân đã diễn tả đúng tâm lí một bà cụ nông dân nghèo khổ, tội nghiệp nhưng rất
hiểu đời và có tấm lòng nhân ái cảm động.
5. Nêu nhận xét về tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.
- Tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân được thể hiện ở tình thương, nỗi
xót xa và đồng cảm với số phận của một người mẹ nghèo khổ trong nạn đói khủng khiếp
năm Ất Dậu 1945. Tác giả gửi gắm tình cảm trân trọng, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp
của người mẹ: tuy nghèo nhưng rất thương con, nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha, đặc
biệt bà là người rất lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng. Tấm lòng đó
còn thể hiện qua nghệ thuật diễn tả tâm trạng của nhân vật với chiều sâu bên trong tâm hồn
vừa phức tạp, vừa sâu sắc, hiểu và cảm được tận cùng nỗi niềm của người mẹ nghèo;
- Tấm lòng của nhà văn Kim Lân đã làm cho truyện ngắn Vợ nhặt có giá trị phản ánh chân
thực hiện thực xã hội Việt Nam, thấm đẫm tinh thần nhân đạo, đem lại niềm tin vào sự đổi
đời của người nông dân và sự hướng về cách mạng của họ.
Bài 9: “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu
1. Cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn.
- Nhìn con người, cuộc sống một cách toàn diện, trên nhiều phương diện.
- Sau chiến tranh, cuộc sống con người vẫn còn nhiều những khó khăn, gian khổ: cái nghèo,
cái đói chi phối cuộc sống của con người. Từ đó đề ra một vấn đề trong xã hội: Giải quyết
triệt để, mang tính chất toàn xã hội với các bi kịch của cuộc sống con người.
2. Bài học nhân sinh mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm.
- Qua quá trình chuyển biến nhận thức của nhân vật Phùng, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã
mang đến bài học đúng đắn, sâu sắc, toàn diện, mới mẻ về nhân sinh:
+ Cuộc sống, con người vốn dĩ phong phú, kì diệu song phức tạp và đầy nghịch lí. Vì vậy,
hãy có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của
hiện tượng; không thể nhìn đơn giản, sơ lược, một chiều mang tính lí tưởng hoá.
+ Nghệ thuật và người nghệ sĩ hãy đến gần với cuộc đời, với con người; người nghệ sĩ
không chỉ cần có tài năng mà còn cần có tấm lòng yêu thương, dũng cảm đấu tranh chống
lại sự bất công, sẵn sàng bảo vệ những con người bất hạnh và đem lại giá trị tốt đẹp cho
cuộc sống…Đó chính là nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật chân chính, cái tạo nên giá trị
đích thực của một tác phẩm, và khẳng định tầm vóc của một tác giả.
- Bài học về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn đã tạo nên một truyện
ngắn xuất sắc, có chiều sâu nhận thức, có giá trị phát hiện bằng những nghịch lí, có quan
niệm mới mẻ. Với triết lí nhân sinh đó, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là người mở đường
tài năng, tinh anh cho văn học Việt Nam thời kì đổi mới; xứng đáng là cây bút bản lĩnh, tài
hoa.
3. Nhận xết về nét mới trong cách nhìn của Nguyễn Minh Châu.
- Ông đã thu nhỏ ống kính quay của mình trong phạm vi cuộc sống gia đình, một nội diện
hẹp hơn nhưng lại mở ra nhiều điều lớn lao, sâu sắc.
- Trong bức tranh nhỏ, chứa đựng tất cả các vấn đề xã hội. So sánh với Mảnh trăng cuối
rừng – truyện ngắn viết trong thời kì đấu tranh chống Mĩ ở miền Bắc 1970, lúc này con
người cuộc sống mang vẻ đẹp lí tưởng vì yêu cầu của thời đại.
- Nhà văn cần khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện, cái cao cả với cái sâu xa,
thấp hèn…Trước sau, Nguyễn Minh Châu vẫn là một con người suốt đời đi săn tìm cái đẹp,
tìm cái “hạt ngọc” ẩn sâu trong tâm hồn con người đó là “mảnh trăng cuối rừng”, là “chiếc
thuyền ở ngoài xa”, song đã có sự đổi thay trong cách nhìn về hiện thực vì cuộc sống và
tâm thế sáng tạo.
4. Nêu giá trị nhân đạo của tác phẩm.
- Biểu hiện ở sự đồng cảm của nhà văn đối với cuộc đời người lao động sau chiến tranh.
Nhà văn đã nhìn thấu và miêu tả chân thực cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực, khốn khổ của
những con người lao động thông qua hình tượng người đàn bà hàng chài. Nguyễn Minh
Châu đã dành biết bao yêu thương cho số phận bất hạnh của chị (phân tích nỗi khổ của
người đàn bà: xấu xí, nghèo khổ, nạn nhân của bạo hành gia đình).
- Không chỉ dừng lại ở đó, nhà văn còn lí giải những nguyên nhân gây nên đau khổ cho con
người. Từ đó, ông phê phán, lên án hành động vũ phu thô bạo của người chồng trong đối xử
với vợ, con (các em miêu tả cảnh người chồng đánh vợ). Đồng thời, thể hiện nỗi lo âu, khắc
khoải về tình trạng nghèo cực, tối tăm của con người (cảnh đói nghèo, cơ cực, tình trạng bất
ổn, bất trắc trong cuộc sống…là nguyên nhân sâu xa của sự bạo hành và sự nhịn nhục chịu
đựng); bày tỏ niềm trắc trở trước cuộc sống của thế hệ tương lai (qua cách nhìn của nhà văn
đối với cậu bé Phác).
- Tác giả đã khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động mà tiêu biểu là người đàn
bà hàng chài và đặt niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của họ: Đó là vẻ đẹp của lòng vị tha, sự
thấu hiểu lẽ đời và tình mẫu tử sâu nặng (các em phân tích câu chuyện của người đàn bà ở
tòa án huyện). Trong hoàn cảnh đau khổ, nghèo khó, tăm tối vẫn ngời lên vẻ đẹp của tình
yêu thương, của đức hi sinh thầm lặng.
- Tư tưởng nhân đạo mang tính triết lí của tác phẩm, còn được thể hiện ở việc nhà văn đặt ra
vấn đề: làm thế nào để giải phóng con người khỏi những bi kịch gia đình, bi kịch cuộc sống
con người muốn thoát khỏi đau khổ, tăm tối, man rợ cần những giải pháp thiết thực chứ
không phải chỉ là thiện chí hoặc các lí thuyết đẹp đẽ nhưng xa rời thực tiễn, cần rút ngắn
khoảng cách giữa văn chương và hiện thực đời sống. (các em đưa thông điệp của nhà văn
vào)
Bài 10: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Lưu Quang Vũ
1. Nhận xét về triết lý nhân sinh của nhà văn gửi gắm thông qua vở kịch.
- Khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng
bản thân trước những thói hư, tật xấu, những điều tầm thường trong cuộc sống.
- Khi con người phải sống trong môi trường dung tục thì cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ dần dần
thắng thế, lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý vốn có.
- Cuộc sống là đáng quý, được sống là một điều đáng trân trọng nhưng sống là chính mình
là điều hạnh phúc nhất. Muốn vậy, ta phải sống hài hóa giữa thể xác và tâm hồn, giữa bên
trong và bên ngoài, giữa hành động và suy nghĩ.
2. Nhận xét quan niệm nghệ thuật về con người mà nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.
- Cuộc đối thoại giữa hồn và xác chính là xung đột diễn ra trong bản thân nhân vật, hai phần
trong một con người. Giữa xác hàng thịt và hồn Trương Ba có sự đối lập giữa nhiều yếu tố
như tốt - xấu, thanh cao - phàm tục, bản năng - lí trí... Qua đây, Lưu Quang Vũ muốn khẳng
định: không gì hạnh phúc bằng khi được sống đúng là mình, sống với những gì mình đã có.
Như thế cuộc đời sẽ thanh thản, nhẹ nhàng và ý nghĩa biết bao. Cuộc sống thật đáng quý
nhưng không phải sống thế nào cũng được. Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người được trở
về đúng bản chất của mình, được sống trong một cơ thể thống nhất.
- Lưu Quang Vũ đã đưa ra cái nhìn mang tính chất biện chứng về hai phần hồn và xác của
người, cả hai phần đều có ý nghĩa quan trọng và không thể tách rời nhau ra. Bởi vậy, điều
quan trọng là làm sao để thể xác và linh hồn của một người được hài hòa, cân đối và hỗ trợ
nhau phát triên, cố tình nghiêng về bất cứ bên nào cũng sẽ đem đến hậu quả nghiêm trọng.
- Tác giả còn đặt lại một vấn đề đã quen thuộc nhưng chưa bao giờ thôi nhức nhối, đó là
mối quan hệ giữa tính cách con người với hoàn cảnh sống. Dù muốn hay không, tính cách
của con người trong quá trình va đập, tiếp xúc với thực tế cuộc sống với hoàn cảnh sống sẽ
ít nhiều bị hoàn cảnh đó tác động. Bởi vậy để nhân cách người trở nên tốt đẹp, điều quan
trọng là phải cải tạo làm cho môi trường sống của người trở nên trong lành, nhân văn và tốt
đẹp hơn.
- Để sống cho ra một con người theo đúng nghĩa là không hề dễ dàng, con người sẽ không
những phải đấu tranh với những đối thủ cạnh tranh ở bên ngoài để sinh tồn mà khó khăn
hơn con người sẽ phải không ngừng đấu tranh với những ham muốn bản năng do phần con
chi phối để giữ lấy phần ngựời. Hơn nữa, còn phải cố gắng cân bằng giữa cả hai phần hồn
và xác bởi nếu nghiêng quá về thể xác, người sẽ trở nên thấp kém, trơ trẽn, tầm thường.
Nhưng nếu ngược lại thì lại có nguy cơ trở thành kẻ đạo đức giả. Quá trình đấu tranh cũng
như cân bằng giữa hai mặt này đòi hỏi mỗi một người phải trung thực, vừa phải nghiêm
khắc với bản thân, thậm chí còn cần đến cả bản lĩnh và lòng dũng cảm.

You might also like