You are on page 1of 8

BÀI CHỮA BUỔI 10

ĐỀ 1

Câu 1: Phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên là phương thức biểu cảm và miêu tả

Câu 2: Từ “xuân” trong câu “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân” được hiểu theo nghĩa chuyển.
So với chữ “xuân” trong câu “Ngày xuân con én đưa thoi” thì từ “xuân” này mang nét nghĩa
khác biệt. Vì “xuân” này có thể hiểu là tuổi xuân, là thanh xuân của Kiều bị khóa chặt lại trong
lầu Ngưng Bích; còn “xuân” trong “Cảnh ngày xuân” là từ được dùng theo nghĩa gốc, được hiểu
trực tiếp là mùa xuân.

Câu 3: Bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong đoạn thơ trên

1. Luận điểm: Nguyễn Du đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích qua cái
nhìn đầy tâm trạng của Thúy Kiều

2. Phân tích:

- Bức tranh thiên nhiên phản chiếu tâm trạng, suy nghĩ của Thúy Kiều khi bị Tú Bà giam lỏng ở
lầu Ngưng Bích, cảnh vật hiện ra bao la, hoang vắng, xa lạ và cách biệt.

- “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân”: Khóa xuân để chỉ người con gái đẹp bị cấm cung. Kiều ra
lầu Ngưng Bích sau khi đã bị Mã Giám Sinh phá đời thiếu nữ, định tự tử mà không chết được.
Thực chất là nàng đang bị giam lỏng. Vì vậy, khóa xuân ở đây có ý nghĩa mỉa mai, nói lên cảnh
ngộ trơ trẽn, bất bình thường cùa nàng Kiều. Vừa bị lừa vừa bị mắng, vừa tự tử không thành, lại
vừa bị giam lỏng. Kiều cảm thấy rất cô đơn, buồn tủi.

- Cảnh thiên nhiên quanh lầu Ngưng Bích là cảnh núi xa, cảnh trăng sáng, cồn cát vàng, bụi đỏ
bốc lên hàng dặm. Cảnh vật được miêu tả rất rộng lớn, bát ngát, và đã góp phần bộc lộ tâm trạng
cô đơn, buồn tủi, ngổn ngang của Thúy Kiều.

- Nàng thấy cảnh vừa bát ngát vừa ngổn ngang cồn nọ, dặm kia như lòng nàng đã ngổn ngang về
quá khứ hiện tại và tương lai. Rồi nàng còn bẽ bàng, buồn tủi vì chỉ có mây làm bạn buổi sáng và
ngọn đèn làm bạn đêm khuya. Cảnh ngộ nàng, tình cảm của nàng làm tấm lòng nàng như bị cắt
ra đau đớn.

- Sáng và khuya, ngày và đêm Kiều thui thủi một mình nơi đất khách quê người, nàng rơi vào
cảnh cô đơn tuyệt đối khiến nàng cảm thấy bẽ bàng: “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya / Nửa tình
nửa cảnh như chia tấm lòng”. Nhà thơ dùng từ bẽ bàng để diễn nỗi xấu hổ tủi thẹn của Kiều,
buồn vì cảnh hoang vắng, buồn vì mối tình đầu dang dở khiến lòng như bị xé…

3. Mở rộng: Nghệ thuật miêu tả bức tranh thiên nhiên – Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân
vật được thể hiện qua ngôn ngữ độc thoại và tả cảnh ngụ tình đặc sắc, lựa chọn từ ngữ, sử dụng
các biện pháp tu từ.

Câu 4: Văn bản cững sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình là “Cảnh ngày xuân” của tác giả Nguyễn
Du.

ĐỀ 2

Câu 1:

- Chép tiếp 7 câu thơ:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

- Vị trí đoạn trích: Đoạn trích là 8 câu thơ cuối trong trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc
tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Câu 2:

- Các từ láy trong đoạn thơ trên là: man mác, thấp thoáng, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm.

+ “thấp thoáng”: gợi tả sự nhỏ nhoi, đơn độc giữa biển nước mênh mông trong ánh sáng le lói
cuối cùng của ánh mặt trời sắp tắt.
+ “man mác”: sự chia ly, cách biệt, tan tác khi Kiều càng ngày càng thấy bản thân lênh đênh, vô
định, ba chìm bảy nổi ba chìm sóng nước.

+ “rầu rầu”: chỉ nỗi buồn sầu miên man, lặp đi lặp lại không dứt của Kiều lan tỏa vào không gian

+ “xanh xanh”: chỉ màu xanh của cỏ cây quanh lầu Ngưng Bích nhưng nó không phải màu xanh
của hi vọng, màu xanh của sức sống mà là màu xanh xanh nhợt nhạt như có thể tắt bất cứ lúc nào

+ “ầm ầm”: chính là âm thanh dữ dội của cuộc đời phong ba bão táp đang đổ dồn tới đè nặng lấy
tâm trạng và kiếp người nhỏ bé của Kiều.

Câu 3: Tác giả đã sử dụng phép đảo ngữ “ầm ầm” trong câu thơ “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh
ghế ngồi”. Đặt từ láy “ầm ầm” lên đầu câu vừa nhấn mạnh, vừa diễn tả một khung cảnh khủng
khiếp vừa diễn tả tâm trạng buồn lo, hoảng loạn của Thúy Kiều. Nàng đang dự cảm những giông
bão của số phận, rồi đây sẽ nổi lên và nhấn chìm cuộc đời mình.

Câu 4: Tâm trạng của Kiều trong đoạn thơ

a. Hai câu đầu: Nỗi nhớ quê hương, khao khát được đoàn tụ gia đình:

– Mở ra bằng khung cảnh chiều tà, khung cảnh mà con người ta thường hay nghĩ về gia đình.

– Hình ảnh con thuyền với cánh buồm “thấp thoáng” phía xa gợi lên trong lòng Kiều sự cô đơn,
lạc lõng.

– Cánh buồm ở xa kia cũng giống như Kiều, lênh đênh, vô định giữa dòng đời rộng lớn.

→ Thúy Kiều càng cảm thấy nhớ quê hương, khao khát được trở về gia đình mình.

b. Hai câu tiếp: Số phận nổi trôi, lênh đênh:

– Kiều nhìn lại gần con nước bên cạnh, mong muốn tìm được sự đồng cảm, sẻ chia, nhưng lại chỉ
thấy những cánh hoa đang rơi và trôi vô định trên mặt nước.

– Hình ảnh “hoa trôi”: gợi lên số phận hồng nhan của nàng.

– Những cánh hoa trôi đi trong vô định, cũng như Kiều đang ở trong một số kiếp nổi trôi, vô
định như thế.

c. Hai câu tiếp: Nỗi buồn chán, vô vọng:

– “Nội cỏ rầu rầu” ngọn cỏ mang vẻ úa tàn, héo lụi, không có chút sức sống.
– Hoà cùng đó là màu “xanh xanh” nối liền chân trời và mặt đất: tạo nên một khung cảnh nhạt
nhoà, đơn điệu.

– Đó cũng chính là tâm trạng của Kiều hiện tại: mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng.

d. Hai câu cuối: Dự cảm không lành về tương lai:

– Kiểu tưởng như mình đang ở giữa mênh mông biển khơi, chỉ có những con sóng đang “ầm ầm”
gào thét xung quanh.

– Từ láy “ầm ầm”: diễn tả sự dữ dội, khủng khiếp của thiên nhiên, đồng thời diễn tả cảm giác lo
lắng. bất an, sợ hãi đang trào dâng trong lòng Kiều.

→ Đó là sự dự cảm cho một tương lai đầy giông bão sẽ vây lấy, nhấn chìm kiếp hồng nhan của
Kiều.

*Mở rộng: Nghệ thuật thể hiện tâm trạng của Kiều trong đoạn thơ – nghệ thuật miêu tả, khắc
họa thế giới nội tâm nhân vật và nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình"

ĐỀ 3

Câu 1: Không thể thay thế từ “xót” bằng từ “tưởng” bởi vì trong đoạn thơ trên, “xót” và “tưởng”
hướng đến hai đối tượng diễn tả tình cảm khác nhau. "Xót" là từ ngữ để diễn tả sự xót thương, lo
lắng cho cha mẹ già ở quê đang ngày ngày mong ngóng tin tức của con gái. Nàng thương cha mẹ
tuổi đã cao, sức đã yếu lỡ mai kia trái gió trở trời sẽ không có ai "quạt nồng ấp lạnh". Còn
"tưởng" là từ ngữ gợi lên hình ảnh Thúy Kiều và Kim Trọng cùng uống chén rượu thề trăm năm
chung thủy dưới ánh trăng sáng. Bên cạnh đó còn là sự thương cảm cho sự mong chờ vô ích của
chàng Kim đang ngày đêm mong chờ nàng quay về mà không hay biết rằng nàng đang ở chốn
nguy hiểm thương xót (chưa biết nàng phải bán thân cứu cha)

Câu 2: “Tấm son” mang ý nghĩa là tấm lòng trong trắng, son sắt, một lòng, thủy chung ân nghĩa.
Đây là từ ngữ dùng để chỉ tấm lòng của Thúy Kiều. Từ đó cho thấy ở Kiều phẩm chất tốt đẹp với
tấm lòng son sắt, thủy chung, khôn nguôi nhớ về Kim Trọng, đó cũng có thể là lòng tự trọng của
nàng vì Kiều đang cảm thấy tủi hờn, nhục nhã khi tấm lòng son bị vùi dập, hoen ố, không biết
gột rửa thế nào cho hết.
Câu 3: Hình ảnh "nắng mưa" trong cụm "Sân Lai cách mấy nắng mưa'' là hình ảnh mang nghĩa
chuyển. Bởi vì theo nghĩa gốc, nắng mưa là từ dùng để chỉ trạng thái thời tiết, còn “nắng mưa” ở
đây được Nguyễn Du sử dụng như từ ngữ để chỉ sự chảy trôi của thời gian. Thúy Kiều lưu lạc
bên ngoài, nhớ đến mình đã xa cha mẹ không biết bao nhiêu tháng năm.

Câu 4: Tấm lòng hiếu thảo trong cuộc sống ngày nay

1. Giải thích

- Hiếu thảo là tình cảm yêu thương, kính trọng của con cái đối với ông bà, cha mẹ, những người
thân trong gia đình; đối xử tốt với các thành viên và có hành động đền ơn đáp nghĩa, thờ cúng tổ
tiên, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà lúc về già. Đây là một đức tính tốt đẹp trở thành truyền thống
của con người Việt Nam ta mà ai cũng cần có.

2. Biểu hiện

- Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính ông bà, cha mẹ; biết vâng lời và làm cho
cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn. Họ luôn biết sống đúng chuẩn mực, thực hiện lễ nghi
hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành.

- Trong cuộc sống, lòng hiếu thảo là hành vi cư xử tốt không chỉ đối với cha mẹ mà còn ở bên
ngoài nhà để mang lại danh tiếng tốt cho cha mẹ và tổ tiên.

3. Ý nghĩa

- Hiếu thảo là một lối sống tốt đẹp đã trở thành chuẩn mực trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

- Sống có lòng hiếu thảo là lối sống cao đẹp, biết quý trọng công ơn dưỡng dục của ông bà cha
mẹ, thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo thể hiện sự bao dung,
sống có trách nhiệm.

- Giá trị của một người con được nhìn nhận không phải ở sự giàu sang, quyền quý, mà nó thể
hiện qua chữ Hiếu. Ðối với công đức sinh thành thì bổn phận làm con phải ghi lòng, tạc dạ: Hiếu
nghĩa với cha mẹ không chỉ là cách trả ơn những bậc sinh thành mà bản thân con cái cũng được
góp phần rất lớn trong hình thành những phẩm chất đạo đức và trí tuệ của một bậc thánh nhân.

- Lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình, sống trong môi trường tràn ngập lòng
yêu thương, sự kính trọng lòng biết ơn. Lòng hiếu thảo xóa bỏ sự đố kị, ích kỷ cá nhân và lối
sống thờ ơ, vô cảm.

4. Phản đề

- Phê phán những người sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Họ
thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi. những người như thế thật đáng chê trách.
5. Liên hệ bản thân

- Sống phải có lòng hiếu thảo.

- Phải thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ ngay từ hôm nay.

Câu 5: Đoạn thơ trên sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm.

ĐỀ 4

PHẦN I

Câu 1: Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm “Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Du, vị trí của đoạn
trích trong tác phẩm là đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

Câu 2: Trong đoạn thơ trên, Kiều nhớ đến Kim Trọng trước khi nhớ đến cha mẹ vì trong mắt cha
mẹ, Kiều là một người con có hiếu đã bán mình chuộc cha và em. Nhưng trong mắt Kim Trọng
thì nàng là người bạc bẽo, phi nghĩa, nên Kiều đã nhớ về Kim Trọng trước như là để chuộc lỗi và
bồi đắp cho Kim. Qua điều này, ta có thể thấy Thúy Kiều là một con người vừa thủy chung với
tình yêu, vừa hiếu thảo.

Câu 3:

- Thành ngữ trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là: “Tựa cửa hôm mai”, “Quạt nồng ấp
lạnh”. “Người tựa cửa hôm mai” được nói tới trong đoạn thơ trên chính là cha mẹ Kiều. Kiều
cảm thấy đau đớn, xót xa khi tưởng tượng ở quê nhà, cha mẹ và nàng vẫn tựa cửa ngóng đợi tin
tức về nàng. Nàng xót thương, cảm thấy day dứt khi không thể “quạt nồng ấp lạnh” phụng dưỡng
song thân. Nội dung chính thể hiện rất rõ tình cảm nhớ nhung sâu nặng cũng như những băn
khoăn trăn trở của Thúy Kiều khi nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến bổn phận làm con của mình.

- Điển tích trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là: “sân Lai” – sân nhà lão Lai Tử (minh
chứng của lòng hiếu thảo) ở đây ý chỉ sân nhà cha mẹ Kiều; điển tích “gốc tử” – gốc cây tử (cây
thị), chỉ cha mẹ. Cả câu ý nói cha mẹ đã già rồi (theo điển cũ nói cây dâu và cây tử là những cây
do cha mẹ trồng quanh nhà). Sử dụng điển tích ấy có hiệu quả bộc lộ được lòng hiếu thảo của
Kiều với cha mẹ, ngầm so sánh Kiều với những tấm gương chí hiếu xưa. Đồng thời khiến lời thơ
trở nên trang trọng, thiêng liêng hơn, phù hợp với việc ca ngợi tình cảm hiếu thảo hiếm có của
Kiều.
Câu 4: Vẻ đẹp phẩm chất của Kiều trong đoạn thơ trên

LĐ1 – Vẻ đẹp của tấm lòng thủy chung

- Kiều nhớ về những kỉ niệm hạnh phúc của mình và Kim Trọng.

+ Chữ "tưởng" đặt ở đầu câu thơ: cho thấy sự hồi tưởng lại những kí ức của Kiều.

+ Ánh trăng vằng vặc trên đầu nhắc nàng nhớ về lời thề nguyền cùng chén rượu thề dưới trăng:
"Vầng trăng vằng vặc trên trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song".

+ Nàng càng đau đớn hơn khi nghĩ về Kim Trọng ở Liêu Dương đang mong ngóng tin của nàng
trong vô vọng "Tin sương luống những rày trông mai chờ".

- Càng nhớ tình lang, nàng càng xót xa cho thân phận mình "Bên trời góc bể bơ vơ/Tấm son gột
rửa bao giờ cho phai".

+ "Tấm son": tấm lòng thuỷ chung của Kiều với Kim Trọng sẽ không bao giờ phai.

+ Giữa lúc cô đơn, lạc lõng nhất, Kiều vẫn hướng về Kim Trọng với một lòng thuỷ chung.

LĐ2 – Vẻ đẹp của tấm lòng hiếu thảo

+ Chữ "xót" đặt ở đầu câu thơ: cho thấy sự xót xa khi nghĩ tới cha mẹ ở quê nhà. Nàng thương
xót cha mẹ già yếu ngày ngày "tựa cửa" mong tin con. Thành ngữ "quạt nồng ấp lạnh", điển tích
"sân Lai gốc tử": chỉ sự xót xa của Kiều khi không được kề bên chăm sóc cha mẹ già.

+ Cụm từ "cách mấy nắng mưa": chỉ thời gian qua nhanh, cảnh vật biến đổi, Kiều đau đáu nỗi
nhớ mẹ cha, day dứt khi phụ công sinh thành.

* Nỗi nhớ người yêu đặt trước nỗi nhớ cha mẹ vì:

+ Kiều đã bán mình cứu cha và em: coi như đã báo đáp một phần ơn nghĩa sinh thành với cha
mẹ.

+ Đối với Kim Trọng: Chàng chưa hề biết tin Kiều gặp gia biến, vẫn đang mong ngóng tin của
nàng. Nàng đã phụ tình với chàng nên nỗi nhớ chàng trước cha mẹ cũng là hợp tình hợp lý.

* Mở rộng: Nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp của Kiều trong đoạn thơ – Nghệ thuật miêu tả nội tâm
nhân vật xuất sắc, sử dụng các thành ngữ, điển tích điển cố chính xác và tinh tế.

PHẦN II

Câu 1: Phương thức biểu đặt chính của đoạn thơ trên là tự sự
Câu 2: Câu nghi vấn trong đoạn trích trên là: "Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát còn
bây giờ anh lại khắc lên đá?"

Câu 3: Suy nghĩ về lòng biết ơn trong cuộc sống

1. Giải thích

- Biết ơn là thái độ cảm kích, trân trọng trước những hành động, những việc tốt đẹp mà người
khác làm cho mình. Bên cạnh đó, biết ơn còn là sự đền đáp trước sự giúp đỡ của người khác
dành cho mình. Biết ơn là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa đến nay, chúng ta phải
có ý thức học tập, giữ gìn và noi theo truyền thống này.

2. Biểu hiện

- Lòng biết ơn được biểu hiện bằng hành động thiết thực của con người. Chúng ta biết nói “cảm
ơn” khi được người khác giúp đỡ, trân trọng những việc làm của người khác đối với mình khiến
bản thân mình tốt hơn.

- Giúp đỡ lại người khác ngay khi có thể, sống chan hòa với mọi người, không so đo, đố kị với
bất kì ai cũng là một cách lan tỏa thông điệp lòng biết ơn.

3. Ý nghĩa

- Lòng biết ơn thể hiện thái độ trân trọng của người được giúp đỡ với người đã giúp đỡ mình.
Trong một xã hội, con người thường xuyên giúp đỡ nhau và biết ơn người đã giúp đỡ mình là
một xã hội tràn ngập tình yêu thương, vô cùng đáng sống.

- Lòng biết ơn mang đến cho con người nhiều thông điệp tốt đẹp: khi chúng ta biết nói cảm ơn
với người đã giúp đỡ mình, bản thân chúng ta đã tốt lên rất nhiều.

- Lòng biết ơn giúp con người có những định hướng và hành động đúng đắn giúp chúng ta rèn
luyện những đức tính tốt đẹp khác như: sống có ích, yêu thương,… truyền tải những thông điệp
tích cực ra xã hội.

4. Phản đề

- Phê phán những người sống không có lòng biết ơn, ích kỷ, vô ơn, lạnh lùng với người khác

5. Liên hệ bản thân

- Lòng biết ơn là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của mỗi con người. Mỗi công việc chúng
ta thành công không phải tự nhiên mà có, dù lớn hay nhỏ cũng có sự giúp đỡ của ai đó, vậy nên
ta cần phải có lòng biết ơn.

You might also like