You are on page 1of 9

1.1.

Khái niệm “Phủ định”, “Phủ định biện chứng” và tính chất của phủ định biện
chứng
1.1.1. Khái niệm “Phủ định”, “Phủ định biện chứng”

Quy luật phủ định của phủ định là một trong ba quy luật cơ bản của phép
biện chứng duy vật, nó đã vạch ra khuynh hướng của sự phát triển của sự vật, hiện
tượng là sự tiến lên trên cơ sở nắm bắt những cái mới, hiện đại và tiên tiến hơn sự
vật, hiện tượng cũ. Sự vật, hiện tượng mới sẽ tiến lên thông qua một chu kì phủ
định biện chứng thì sự vật, hiện tượng mới sẽ ra đời thay thế cho sự vật hiện tượng
cũ nhưng ở trên cơ sở cao hơn so với cái cũ. Bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng có
quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và cuối cùng là diệt vong. Sự vật cũ mất đi thì
sẽ có sự vật mới thay thế và sự thay thế đó được gọi là sự phủ định. Hay nói cách
khác, sự phủ định chính là thay thế một sự vật, hiện tượng này bằng một sự vật,
hiện tượng khác. Trước khi đi vào làm rõ nội hàm về khái niệm “phủ định biện
chứng” thì đầu tiên ta cùng tìm hiểu khái niệm “phủ định” qua vài nguồn tài liệu
khác nhau từ đó sẽ hiểu khái quát hơn về khái niệm “phủ định”.

Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng thì “phủ định” là “bác bỏ, không công
nhận”1. Tức là nếu một sự vật, hiện tượng đã được cho là đúng thì phủ định lại sự
vật, hiện tượng đó sẽ là sai và ngược lại nếu sự vật, hiện tượng đó là sai mà phủ
định lại điều đó thì nó sẽ trở thành đúng. Điều đó có nghĩa là sự vật, hiện tượng
mới sẽ phản bác, phản đối hay không đồng ý với sự vật, hiện tượng mới. Ví dụ:
Trong logic học, phủ định của một mệnh đề A thường được biểu thị bằng cách sử
dụng toán tử "không" hoặc "not" và được ký hiệu là ¬A. Ví dụ, phủ định của mệnh
đề "đây là một quả táo cam" sẽ là "đây không phải là một quả táo cam". Trong
ngôn ngữ học, phủ định thường được sử dụng để diễn đạt sự phản đối hoặc chối bỏ
một câu chuyện hoặc một bình luận. Ví dụ, nếu ai đó nói "Tôi đã ăn cơm", một
câu phủ định có thể là "Không, bạn chưa ăn cơm". Tuy nhiên, đối với sự vật hiện
tượng được phân tích mà không có tính Triết học thì muốn biết sự vật hiện tượng
đó có phủ định hay không cần có một cách cụ thể về thông tin về ngữ cảnh và
ngôn ngữ hoàn cảnh cần được cung cấp.

1
Nguyễn Thị Nhung – Trần Sĩ Thái. (2012). Từ điển Tiếng Việt thông dụng (Dành cho học sinh), Hà Nội: Nhà xuất
bản Văn hóa Thông tin, tr.415.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì “ Phủ định” là khái niệm chỉ “sự xóa
bỏ hoặc thay thế một sự vật, hiện tượng này bằng một sự vật hiện tượng khác”2
trong quá trình vận động và phát triển. Vậy mọi sự vật, hiện tượng đều có quá
trình sinh ra, tồn tại, mất đi và được thay thế bằng sự vật, hiện tượng khác. Điều
đó ta thấy được “ Phủ định” là sự thay thế hình thái tồn tại này bằng hình thái tồn
tại khác của sự vật, hiện tượng trong quá trình phát triển. Ví dụ: xe máy là sự phủ
định đối với xe đạp, còn xe ô tô là sự phủ định đối với xe máy. Giải thích: Khi xã
hội con người dần dần phát triển và tiến bộ hơn thì nhu cầu về phương tiện đi lại
ngày càng được nâng cao. Khi con người biết di chuyển bằng xe đạp nhưng vì
nhận thấy nó khá chậm nên đã dần dần phát minh ra xe máy để việc đi lại trở nên
nhanh hơn, như vậy xe máy chính là sự phủ định đối với xe đạp. Nhưng khi xã hội
phát triển hơn nữa, con người lại nhận thấy xe máy tuy nhanh nhưng không thể
tránh mưa, tránh nắng thì xe hơi từ đấy được ra đời, cải thiện được những khuyết
điểm mà xe máy mắc phải, như vậy xe hơi chính là phủ định của xe máy. Hay ví
dụ về sự phát triển trong gia đình, người con giỏi hơn người cha về nhiều mặt thì
người con đã phủ định người cha, ông bà ta cũng có câu ca dao tục ngữ về việc
này “Con hơn cha là nhà có phúc”.

Qua hai khái niệm về “phủ định” ở trên thì ta cũng hiểu được phần nào về
khái niệm đó, đây sẽ là tiền đề để ta tìm hiểu sâu hơn về khái niệm “phủ định biện
chứng”. Theo Giáo trình Triết học Mác-Lênin, “Phủ định biện chứng” trước hết là
sự phủ định nhưng không phải tất cả mọi sự phủ định mà chúng ta bắt gặp thường
ngày. Theo đó “Phủ định biện chứng” là khái niệm dùng để chỉ sự phủ định làm
tiền đề, tạo điều kiện cho sự phát triển. Phủ định biện chứng làm cho sự vật, hiện
tượng mới ra đời thay thế sự vật, hiện tượng cũ và là yếu tố liên hệ giữa sự vật,
hiện tượng cũ với sự vật, hiện tượng mới. Phủ định biện chứng là tự phủ định, tự
phát triển của sự vật, hiện tượng; là “mắt xích” trong “sợi dây chuyền” dẫn đến sự
ra đời của sự vật, hiện tượng mới, tiến bộ hơn so với sự vật, hiện tượng cũ3. Phủ
định biện chứng là một phạm trù trong triết học dùng để chỉ phủ định tự thân, là
mắt khâu của quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng cũ từ đó dẫn đến sự ra đời
của sự vật, hiện tượng mới. Ví dụ: Chủ nghĩa xã hội ra đời đã thay thế cho Chủ
2
Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam. (2003). Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 3. Hà
Nội: Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, tr.501.
3
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Giáo trình Triết học Mác- Lênin (Dành cho sinh viên đại học khối không chuyên
ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.114.
nghĩa tư bản, một chủ nghĩa công bằng, bình đẳng, tiến bộ, có mối quan hệ tốt đẹp
giữa người và người đã thay thế cho một chủ nghĩa tư bản chỉ vì lợi ích của tư
nhân đối với tư liệu sản xuất.

Quy luật phủ định trong phép biện chứng của Triết học Mác-Lênin có thể
hiểu là sự phủ định của phủ định, là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện
chứng duy vật và nó đã chỉ rõ ra được khuynh hướng của sự phát triển của sự vật
hiện tượng là tiến lên nhưng sự phát triển này sẽ có quá trình quanh co và phức tạp
chứ không đơn giản là một đường thẳng trơn tru. Như vậy, phủ định trong phép
biện chứng không đơn giản là nói “không” như trong logic học hay đơn giản là sự
bác bỏ chống đối như trong ngôn ngữ học mà đó là sự phủ định có căn cứ vào quá
trình phát triển của sự vật, hiện tượng. Vậy từ đó ta thấy được sự vật, hiện tượng
trải qua hai bước phủ định thì mới là “Phủ định biện chứng”, bước một là phủ định
và bước hai là phủ định lại cái vừa được phủ định.

Ví dụ: Sự vật, hiện tượng A khi phủ định lần thứ nhất sẽ được sự vật, hiện
tượng B khác với A, khi sự vật hiện tượng B phủ định lần nữa thì sẽ được sự vật,
hiện tượng A’. Sự vật, hiện tượng A’ sẽ không hoàn toàn khác sự vật hiện tượng A
mà nó sẽ mang những đặc tính tiêu biểu của A. Đó chính là sự phủ định của phủ
định. Ví dụ: Hồi trước đất nước khó khăn, lương thực thiếu thốn thì con người ăn
ít, ngày nay đỡ khó khăn hơn thì con người vẫn ăn ít nhưng sự ăn ít này lại được
nâng lên tầm cao hơn so với trước. Giải thích: Ngày xưa khi đất nước khó khăn,
đói khổ thì chúng ta phải ăn cơm độn khoai vào ăn vì thiếu lương thực và của cải;
nhưng mà khi kinh tế phát triển, lương thực đầy đủ hơn thì chúng ta sẽ ăn được no
hơn, ăn được những món ăn ngon hơn; nhưng khi kinh tế phát triển hơn nữa,
chúng ta không có nhu cầu ăn no nữa mà chúng ta sẽ hướng tới việc ăn tốt cho sức
khỏe, ăn ít lại, cắt bớt khẩu phần ăn thịt cá mà thay vào đó là ăn rau hữu cơ, ăn
những thức ăn có nguồn dinh dưỡng phù hợp để giữ được vóc dáng và làn da chứ
không còn hướng tới việc ăn no, ăn đủ như khi thiếu thốn, đói nghèo. Như vậy ta
thấy ăn ít phủ định lần đầu sẽ thành ăn no, ăn no phủ định lần tiếp theo sẽ trở
thành ăn kiêng mà ăn ít với ăn kiêng thì đều là ăn ít nhưng ăn kiêng sẽ ở tầm phát
triển hơn rất nhiều so với ăn ít vì ăn kiêng là do chúng ta muốn hướng tới dinh
dưỡng, tới sức khỏe và vóc dáng, ăn theo một cách khoa học chứ không phải là
không có thức ăn để ăn.
Có hai loại phủ định đó là phủ định biện chứng và phủ định siêu hình. Mỗi
cái đều mang trong mình những đặc điểm khác nhau nhưng tiêu biểu hơn cả là
phép phủ định biện chứng. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cả hai phép phủ định
để từ đó rõ hơn về nội dung cũng như là tính chất của cả hai phép phủ định này.
Trong quan điển duy vật siêu hình thì coi sự phủ định là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ,
xóa bỏ hoàn toàn nguồn gốc, sự tồn tại và phát triển của sự vật hiện tượng cũ, sự
xóa bỏ này sẽ bao gồm cả việc xóa đi cả những cái tốt và những cái xấu của sự vật
hiện tượng cũ. Còn trong Triết học Mác-Lênin coi phủ định là sự phủ định biện
chứng, tức là sự phủ định này sẽ có sự kế thừa, phát huy những cái tốt đẹp của sự
vật hiện tượng cũ và tạo điều kiện cho sự phát triển trên cơ sở là sự tiến bộ. Ví dụ
về phủ định siêu hình là khi ta trồng một cái cây mà ta không muốn trồng nữa, ta
nhổ nó lên thì tức là rễ của cây đã không còn nằm trong đất thì cây sẽ chết nhanh
chóng, mọi sự phát triển của cây sẽ chấm dứt tại đây và sẽ không còn gì liên quan
đến cây đó còn tồn tại. Cũng là ví dụ về cái cây nhưng đứng dưới sự phủ định biện
chứng thì khi ta trồng cái cây đó, ta chăm sóc vung bón cho cây thì cây sẽ cho ra
quả ngọt và cây con được ươm mầm từ cây mẹ, những tinh hoa của cây đều được
thể hiện ở quả và cây con và hai cái đó chính là sự phủ định của cây mẹ.

Phương pháp tư duy siêu hình mặc dù có những giá trị, sự cần thiết và ý
nghĩa nhất định của nó nhưng bên cạnh đó cũng có những mặt hạn chế, và
Ph.Ăngghen đã chỉ ra trong khuôn khổ giới hạn chật hẹp của nó “Phương pháp
nhận thức siêu hình, dù được coi là chính đáng và thậm chí là cần thiết trong
những lĩnh vực nhất định ít nhiều rộng lớn tùy theo tính chất của đối tượng nghiên
cứu, nhanh chóng hay trầy nó cũng sẽ gặp phải một ranh giới mà nếu nó vượt quá
thì nó trở thành phiến diện, hạn chế, trù tượng và sa vào những mâu thuẫn không
thể nào giải quyết được”4. Đó đó phương pháp tư duy biện chứng đã ra đời thay
thế cho phương pháp siêu hình là một trong sự phát triển của khoa học cũng như là
một yêu cầu tất yếu của đời sống. Sự khác biệt căn bản được thể hiện rõ ở chỗ là
phép biện chứng thì “không có gì là tối hậu, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả. Nó chỉ
ra – trên mọi sự vật và trong mọi sự vật – dấu ấn của sự suy tàn tất yếu, và đối với
nó, không có gì tồn tại ngoài quá trình không ngừng của sự hình thành và sự tiêu
vong, của sự tiến triển vô cùng tận từ thấp đến cao”5. Hơn nữa phương pháp biện
4
C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 20. (1994), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.37.
5
C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 21. (1994), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.395.
chứng khác với phương pháp siêu hình không chỉ trong nghiên cứu giới tự nhiên
mà còn trong quan điểm về lịch sử xã hội và về tư duy duy con người ở chỗ phép
biện chứng nhìn những điều đó với cái nhìn như đó là một quá trình luôn vận động
và biến đổi không ngừng. Phủ định siêu hình và phủ định biện chứng đều là sự
phủ định nói chung nhưng phủ định siêu hình tìm nguyên do bên ngoài và xóa bỏ
toàn bộ cái cũ và không có sự phát triển của sự vật còn phủ định biện tìm nguyên
do bên trong chính sự vật và tự thân phát triển hoàn thiện và toàn diện hơn trên cơ
sở sự vật, hiện tượng cũ.

Tóm lại, phủ định biện chứng không bao hàm mọi sự phủ định nói chung
mà nó chỉ bao hàm những sự phủ định là kết quả của sự vận động và phát triển bên
trong sự vật, là tiền đề của sự tiến bộ và phát triển, cái mới ra đời thay thế cho cái
cũ, sự phủ định biện chứng mang tính tự thân vận động.

1.1.2. Tính chất của phủ định biện chứng

Những người theo chủ nghĩa duy vật siêu hình xem sự phủ định là sự phủ
định sạch trơn, xóa sạch cái cũ, chấm dứt hoàn toàn những sự vật, hiện tượng cũ
thì những người theo chỉ nghĩa duy vật biện chứng xem sự phủ định là sự phát
triển tự thân vận động, tiếp nối những cái tiến bộ của sự vật cũ và mang tính khách
quan, tính phổ biến, tính kế thừa và tính đa dạng phong phú.

Thứ nhất, tính khách quan của phủ định biện chứng:

Tính khách quan có nghĩa là sự vật, hiện tượng tự phủ định mình do mâu thuẫn
bên trong nó gây ra6. Tức là nguyên nhân của phủ định nằm ngay trong bản thân
sự vật, không phụ thuộc vào ý thức của con người. Đó là kết quả của việc giải
quyết mâu thuẫn bên trong của sự vật và của quá trình từ những tích lũy về lượng
dẫn đến sự thay đổi về chất. Phủ định biện chứng không phụ thuộc vào ý chí của
con người, điều đó có nghĩa là con người chỉ có thể tác đông cho quá trình phủ
định diễn ra nhanh hoặc chậm dựa trên quy luật phát triển của sự vật. Ví dụ: Con
cá trong ao vẫn có thể sống dù con người không cho nó ăn, nó vẫn có thể tự kiếm
thức ăn bằng việc ăn rong rêu và các động vật phù sa. Tuy tốc độ phát triển của cá

6
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Giáo trình Triết học Mác- Lênin (Dành cho sinh viên đại học khối không chuyên
ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.114.
chậm hơn nhiều so với việc con người cho cá ăn thức ăn nhưng nó vẫn từ cá con
thành cá trưởng thành. Ví dụ: Văn hóa mới phủ định văn hóa cũ là do mâu thuẫn
bên trong của chính văn hóa mới chứ không phải là do sự tác động của con người.
Tương tự như vậy, chủ nghĩa Mác ra đời thay thế cho hệ tư tưởng của chủ nghĩa tư
bản, đó không phải là mong muốn của Mác, của các nhà tư tưởng mà đó là mâu
thuẫn bên trong của hệ tư tưởng tư sản.

Thứ hai, tính kế thừa của phủ định biện chứng :

Tính kế thừa tức là loại bỏ các yếu tố không phù hợp và cải tạo các yếu tố của sự
vật, hiện tượng cũ còn phù hợp để đưa vào sự vật, hiện tượng mới7. Có nghĩa là cái
mới ra đời trên cơ sở của cái cũ, loại bỏ những yếu tố đã lỗi thời, lạc hậu. Đồng
thời cũng chọn lọc, giữ lại những yếu tố tích cực và cải biến cho phù hợp với cái
mới. Phủ định biện chứng là kết quả của sự phát triển tự thân sự vật nên không
phải là sự thủ tiêu hoàn toàn cái cũ hay phá hủy nó mà cái mới sẽ được hình thành
từ cái cũ nhưng có sự chọn lọc và gạt bỏ những cái lạc hậu, cản trở sự phát triển.
Tính kế thừa là đặc tính cơ bản nhất của “phủ định biện chứng”. Ví dụ: Người
nhân viên được thăng lên chức trưởng phòng thì chức trưởng phòng chính là sự
phủ định của nhân viên. Nhưng không phải khi lên chức trưởng phòng thì những
kiến thức và kinh nghiệm khi còn là nhân viên sẽ biến mất hết mà sẽ được giữ lại
một cách có chọn lọc và được phát triển thêm, cái biến mất là những vấn đề lạc
hậu, lỗi thời.

Tính khách quan và tính kế thừa là hai tính chất nổi trội của phủ định biện
chứng, bên canh hai tính chất ấy là tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú.

Thứ ba, tính phổ biến của phủ định biện chứng:

Tính phổ biến tức là tính chất này sẽ “diễn ra trong mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội
và tư duy”8. Tức là tính phổ biến xuất hiện trong cả mọi lĩnh vực trong đời sống, là
7
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Giáo trình Triết học Mác- Lênin (Dành cho sinh viên đại học khối không chuyên
ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.114.

8
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Giáo trình Triết học Mác- Lênin (Dành cho sinh viên đại học khối không chuyên
ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.114.
một phần hiển nhiên không thể chối bỏ. Ví dụ: Khi làm bài kiểm tra không được
điểm như mong đợi thì bản thân người bị điểm kém sẽ cố gắng học thật nhiều để
không bị điểm kém đó nữa. Cây xương rồng vì sống ở điều kiện khô cằn, sa mạc ít
mưa nên nó phải tự phát triển, tiến hóa bản thân nó bằng cách rụn lá biến thành gai
để tiết kiệm lượng hơi nước thất thoát trong quá trình quang hợp. Như vậy qua
tính phổ biến thì ta thấy được ở mọi sự vật, hiện tượng trong mọi lĩnh vực đều có
tính phổ biến.

Thứ tư, tính đa dạng phong phú của phủ định biện chứng:

Tính chất này được “thể hiện ở nội dung và hình thức của nó”9. Tùy vào điều kiện
và nhu cầu khác nhau thì sự vật tuy là cũng một hình thái nhưng qua nhiều lận phủ
định sẽ khác nhau. Ví dụ: Khi một em bé nếu được cha mẹ dạy dỗ tốt thì em bé đó
sẽ được phát triển theo hình thức tích cực, em bé sẽ ngoan và hiểu chuyện. Nhưng
nếu vẫn là em bé đó nhưng khi sinh ra gia đình lại bỏ mặc, không quan tâm và dạy
dỗ em thì em sẽ trở nên hư hỏng và khó bảo.

Sự vật, hiện tượng sẽ vận động và phát triển thông qua quá trình biện chứng
vô tận. Sự phát triển diễn ra qua nhiều lần phủ định, tạo ra một khuynh hướng đi
từ thấp đến cao theo chu kỳ. Cái mới xuất hiện dường như sẽ lặp lại cái cũ nhưng
trên cơ sở phát triển cao hơn. Ví dụ: Hạt lúa khi gieo trồng sẽ trở thành cây lúa,
đây là sự phủ định lần thứ nhất, tức là cây lúa đã phủ định hạt lúa. Sau này cây lúa
sẽ trổ ra nhiều hạt lúa, như vậy hạt lúa là phủ định của cây lúa, đây là phủ định lần
thứ hai. Dường như sự vật này đã trở lại trạng thái ban đầu nhưng trên cơ sở cao
hơn, tức là cây lúa đã có nhiều hạt lúa hơn so với một hạt giống ban đầu. Qua ví
dụ về hạt lúa và xe máy ở trên thì ta thấy được rằng ở sự vật đơn giản, ít nhất phải
qua hai lần phủ định thì mới có được sự phát triển. Còn ở sự vật phức tạp hơn thì
số lần phủ định có thể nhiều hơn.

“Đường xoắn ốc” trong Giáo trình Triết học Mác-Lênin là “khái niệm dùng
để chỉ sự vận động của những nội dung mang tính kế thừa có trong sự vật, hiện
tượng mới nên không thể đi theo đường thẳng, mà diễn ra theo đường tròn không

9
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Giáo trình Triết học Mác- Lênin (Dành cho sinh viên đại học khối không chuyên
ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.114.
nằm trên một mặt phẳng tựa như đường xoắn ốc. Đường xoắn ốc là hình thức diễn
dạt rõ nhất đặc trưng của quá trình phát triển biện chứng ở tính kế thừa qua khâu
trung gian, tính lặp lại, nhưng không quay lại và tính tiến lên của sự phát triển”10.
Sự phát triển sẽ có quá trình quanh co theo hình xoắn ốc, tức là phủ định của phủ
định là sự kết thúc của một chu kỳ phát triển, đồng thời là điểm xuất phát của một
chu kỳ mới. Cứ thế tiếp tục mãi mãi tạo nên hình thái xoắn ốc của sự phát triển.
Như V.I. Lênin đã khẳng định: “Sự phát triển hình như diễn lại những giai đoạn đã
qua, nhưng dưới một hình thức khác, ở một trình cao hơn (“phủ định của phủ
định”); sự phát triển có thể nói là theo đường trôn ốc chứ không theo đường
thẳng”11.

Quy luật phủ định của phủ định coi sự phát triển của sự vật, hiện tượng là
do mâu thuẫn bên trong của chính nó quy định. Mỗi lần phủ định lại là một sự đấu
tranh và chuyển hóa của chính những mặt đối lập có bên trong sự vật, hiện tượng.
Qua hai lần phủ định thì sự vật hiện tượng mới đã được tiến hóa trên cơ sở cao
hơn và mang nhiều đặc tính tích cực hơn sơ với sự vật, hiện tượng cũ chưa được
phủ định lần nào nhưng về nội dung thì hoàn toàn tiến bộ. Sự vật, hiện tượng đơn
giản muốn phát triển thì ít nhất phải qua hai lần phủ định, nếu sự vật, hiện tượng
phức tạp thì cần nhiều lần phủ định hơn thế.

Tóm lại, những tính chất của phủ định biện chứng đã cho thấy được rõ hơn
về đặc tính của phủ định biện chứng, quy luật phủ định của phủ định đã phản ảnh mối
liên hệ giữa cái mới và cái cũ, sự kế thừa được thể hiện rõ qua những lần phủ định.
Không đơn giản là phủ định sạch trơn hết những cái cũ mà nó là sự phát huy và mang
tính kế thừa những nội dung tích cực của cái cũ, phát triển và hoàn thiện hơn những đặc
điểm tích cực ấy trên cơ sở mới cao hơn. Như vậy sự phát triển có tính tiến lên nhưng
không theo đường thẳng mà theo đường xoắn ốc đi lên.

10
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2021). Giáo trình Triết học Mác- Lênin (Dành cho sinh viên đại học khối không chuyên
ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tr.115.

11
V.I. Lênin: Toàn tập, Sách đã dẫn, tập 26, tr.65.

You might also like