You are on page 1of 5

ĐỀ 1

Câu 1: Nội dung thuyết minh trên xe khi di chuyển từ Núi Bà Đen sang
Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh
Câu 2: Thuyết minh Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh.
Dạ. Xe ta vừa di chuyển từ Núi Bà Đen theo đường DT784 sau đó đến
ĐT781 và rẽ vào con đường mang tên Phạm Hộ Pháp. Đối với người dân
TP.HCM thì chắc hẵn đây là một cái tên còn khá xa lạ, bởi vì ta hầu như không
thấy bất kì con đường nào mang tên này ở khu vực HCM. Tuy nhiên đối với
người dân Tây Ninh thì cái tên này rất đỗi quen thuộc với những tín đồ của Đạo
Cao Đài. Vâng, hiện xe ta vừa có mặt tại Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh – một
địa điểm nổi tiếng không nên bỏ lỡ khi du khách đến với địa phận tỉnh Tây
Ninh.
Là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài tọa lạc tại đường Phạm Hộ
Pháp, thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 5km
về phía Đông Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km về phía Tây.
Đây là một ngôi Đền đồ sộ, nguy nga, đặc sắc, để thờ phượng Đấng Chí Tôn
Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Giáo chủ Tam Giáo cùng các Đấng Thần,
Thánh, Tiên, Phật
Tổng diện tích của khu thánh địa lên đến 12km 2 có hàng rào bao bọc xung
quanh và bao gồm nhiều công trình lớn nhỏ: Tòa thánh, đền thờ Phật mẫu, bửu
tháp,... Đây cũng là tổ chức hội thánh lớn nhất của đạo Cao Đài với 2,5 triệu tín
đồ ngay cả trên thế giới cũng hiếm có thánh điện nào rộng đến cả cây số vuông
như thánh địa Tây Ninh.
Theo giáo lý của đạo Cao Đài, tòa thánh mang kiểu vở của thiên đình
được gọi là Bạch Ngọc Kinh tại thế (tức: nơi Thượng đế ngự tại thế gian). Từ
việc chọn mua đất đến việc xây cất tạo tác tòa thánh về kích thước lẫn hình dáng
đều được Đức Lý Giáo Tông và Đức chí tôn chỉ dạy tỉ mỉ. Điều đặc biệt là trong
khoảng thời gian thi công, những người làm công quả góp sức xây dựng nên toà
thánh phải trường trai, tuyệt dục trong suốt thời gian thi công. Tức họ chỉ dùng
toàn thức ăn chay: cháo, rau, dưa muối đạm bạc, hoàn toàn không dùng thức ăn
từ động vật.
Về lịch sử xây dựng: Đạo Cao Đài làm Lễ Khai Đạo vào năm 1926 tại
Thánh Thất tạm đặt tại Chùa Từ Lâm Tự (tục gọi là Chùa Gò Kén, Tây Ninh).
Tức nơi khai đạo ban đầu nằm ở chùa Gò Kén. Vào năm 1927 tiến hành mua đất
từ tay Pháp. Hiện thời chỉ có thể cất Tòa Thánh tạm bằng mái tranh vách ván, để
có ngay nơi thờ cúng Đức Chí Tôn. Mãi đến tháng 10 năm 1931 mới bắt đầu
đào móng, tuy nhiên đây là thời kì Pháp đô hộ rất khó khăn, vậy nên đến năm
1933 mới khởi xây dựng dần. Năm 1941, Pháp chiếm toà thánh và ủi bằng để
cho xây dựng làm nhà xe, và chỗ ở cho lính Pháp, đuổi các công thợ và Chức
sắc ra khỏi Tòa Thánh. Quân đội Pháp còn lén chôn dưới nền Tòa Thánh một
trái mìn rất lớn, chứa 1000 kg chất nổ, ý đồ giựt cho nổ sập Tòa Thánh trước khi
chúng rút đi và đầu hàng quân đội Nhật. Tuy nhiên ý đồ của chúng không thành
công. Năm 1945 sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ở
miền Bắc lúc bấy giờ, quân Pháp trả ông Phạm Công Tắc về. Sau khi trở về,
ngài mới tiếp tục công việc xây dựng toà thánh. Đến năm 1955, công trình mới
hoàn thiện và khánh thành.
Tòa thánh được xây dựng bằng bê tông cốt tre dài khoảng 100m, chiều
rộng 22m, với 12 cửa trong đó cửa Chánh Môn là cửa lớn nhất. Kiến trúc của
tòa thánh chia làm 3 phần: phần trước là Hiệp Thiên Đài (tượng trưng chơn
thần), phần giữa là Cửu Trùng Đài (tượng trưng hình thể), và phần cuối là Bát
Quái Đài (tượng trưng linh hồn). Ba đài hiệp một thành hình thể mới có sự khôn
ngoan và sáng suốt được. Con người nếu thiếu linh hồn thì phải chết, thiếu chơn
thần phải điên, thiếu hình thể thì không thành người, như vậy vật bất ly tâm.
Khi đứng ở khoảng sân lớn trước toà thánh, thấy nổi bật 2 tháp vuông lớn
cao vút song song nhau (cao 36m). Bên phải là Bạch Ngọc Chung Đài (hay còn
gọi là lầu chuông), bên trên có đắp tượng Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung
mặc Đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay mặt cầm quyển Thiên thơ. Bên trái Lôi
Âm cổ Đài (hay còn gọi là lầu trống) thì có đắp tượng Bà Nữ Đầu Sư Lâm
Hương Thanh, mặc Đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay mặt cầm một nhánh
bông, tay trái xách giỏ Hoa lam. Bên trong 2 lầu lần lượt được đặt 1 cái chuông
lớn và 1 cái trống lớn, khi đánh chuông hay đánh trống, âm thanh vang rền
truyền đi rất xa để thức tỉnh những người đang còn chìm đắm trong giấc mộng
trần.
Nằm giữa lầu chuông và lầu trống là tòa nhà lầu với 2 tầng 1 trệt gọi
chung là Hiệp Thiên Đài, khi đặt cạnh 2 tháp hai bên như 2 cặp sừng nhọn nên
có thể gọi đây là kiến trúc long mã bái sư. Tầng trệt được gọi là Tịnh Tâm Điện,
là nơi để các tín đồ giữ lòng trong sạch, loại bỏ các tư tưởng không tốt trước khi
vào chánh điện bái lễ Đức Chí Tôn. Bên trên là Lầu Hiệp Thiên Đài, có lập Bàn
thờ 15 vị Chức sắc và thông ra một bao lơn hình bán nguyệt. Tầng lầu bên trên
hết được gọi là Phi Tưởng Đài (Thông Thiên Đài), mặt tiền phía trước có đắp
hình Thiên Nhãn rất lớn.
Hai bên hông tòa Thánh là một dãy hành lang rộng đi từ trước bọc ra sau.
Hành lang có nhiều bậc, thấp ở phía trước dần lên cao ở phía sau. Chống đỡ mái
hiên hành lang là một hàng khoảng 112 cây cột tròn. Trên đường viền giữa các
cây cột, có trang trí hình dây nho, lá và trái nho. Bên trên có một khuông tròn vẽ
hình 2 con hạt bay lúc mặt trời mới mọc. Phía trong hành lang là vách Tòa
Thánh, giữa mỗi căn có một khuôn bông sen rất lớn gồm những bông sen, lá sen
và cọng sen, đỡ một khung có hình Thiên Nhãn ở chính giữa một tam giác đều,
có làm những tia hào quang. Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 23 khuông bông
sen có hình Thiên Nhãn, hiệp với Thiên Nhãn trên Phi Tưởng Đài phía trước
Tòa Thánh, tổng cộng là 24 Thiên Nhãn. Thiên Nhãn là trung tâm điểm, là con
mắt trời. Trời cao có mắt, tức là Đấng Thượng Đế, nhìn thấy rõ tất cả những
hành vi thiện ác của khắp chúng sanh, dầu bộc lộ ra ngoài hay giấu giếm kín đáo
bên trong, Mắt Trời đều thấy rõ hết thảy, để khen thưởng hay xử phạt một cách
công bình. Việc Thiên Nhãn tượng trưng Đấng Thượng Đế, không phải hoàn
toàn mới lạ đối với nhân loại, nếu để ý ta có thể thấy dân Ai Cập, dân Do Thái
cũng dùng biểu tượng Thiên Nhãn để vẽ lên trên Kim Tự Tháp để thờ Đấng
Thượng Đế. Vì sao là 1 mà không phải 2 con mắt? là bởi vì 1 là số khởi thủy của
Càn khôn Vũ trụ:1 sanh 2, 2 sanh 3, 3 sanh vạn vật. Vậy vì sao lại là con mắt
Trái? Vẽ con mắt trái vì bên trái thuộc Dương. Trời Dương, Đất Âm. Dương là
chỉ ánh sáng tuyệt đối, là lương tri của con người.
Phần mái được chia ra 3 tầng, được làm bằng bê tông giả ngói sơn màu
đỏ, riêng với phần Bát Quái Đài, phần mái giả ngói sơn màu vàng. Bên trên nóc
nhô lên 2 cái tháp cao: một cái có hình vuông bên dưới hình tròn nằm ngay giữa
phần nóc của toàn bộ toà thánh gọi là Nghinh Phong Đài và một cái hình tám
cạnh nằm ở phía cuối phần nóc của toà thánh gọi là Bát Quái Đài. Phần dưới
Ninh Phong Đài hình vuông, tượng trưng Đất, phần giửa hình ống tròn, tượng
trưng Trời. Nóc của Nghinh Phong Đài là một khối bán cầu nằm úp có vẽ họa
đồ Ngũ Châu và Ngũ Đại dương - tượng trưng Địa cầu của nhơn loại chúng ta
đang sống và bên trên có đắp hình một con Long mã phụ Hà đồ, đang bỏ vó
chạy về hướng Tây, nhưng ngoái đầu lại nhìn về hướng Đông.
Dạ, sau đây chúng ta sẽ bắt đầu tiến vào Toà thánh từ khu vực sân rộng
theo lối cửa chánh, đầu tiên ta sẽ bước lên bậc thềm 5 cấp bằng đá màu nâu.
Năm cấp thềm nầy tượng trưng 5 cấp tiến hóa của người tu phải trải qua khi đạt
đến Phật vị. Đó là: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Hai
bên cửa chánh có 2 pho tượng lớn là Ông Thiện và Ông Ác. Bên trong cửa
chánh là một khoảng rộng, gọi là Tịnh Tâm Điện. Một bức vách chắn ngang
ngăn cách Tịnh Tâm Điện và phần Chánh điện bên trong, trên đó có một bức
họa thật lớn, gọi là bức họa TAM THÁNH KÝ HÒA ƯỚC. Trên bức họa nầy có
họa hình 3 vị: Đức Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm, đang cầm bút lông viết câu
chữ Nho; Đức Victor Hugo, đại văn hào của nước Pháp, cầm bút lông viết câu
chữ Pháp; Đức Tôn Dật Tiên, nhà Đại Cách Mạng của nước Trung Hoa, cầm
nghiên mực đỏ, để cho 2 vị kia chấm bút lông vào đó mà viết.
Quay mặt nhìn vào gian giữa, chúng ta thấy 3 pho tượng to lớn đứng trên
3 tòa sen: ở giữa là Đức hộ pháp Phạm Công Tắc, hai bên là Đức thượng phẩm
Cao Quỳnh Cư và Đức thượng sanh Cao Hoài Sang. Ba tòa sen đặt trên 3 cái
đôn, một con rắn lớn, da màu nâu sậm, có 7 đầu gọi, mình rất dài, quấn vào cả 3
cái đôn nầy. Con rắn này tượng trưng cho thất tình của con người: hỉ, nộ, ái, ố,
ai, lạc, dục. Tuy nhiên chỉ có 3 đầu hỉ, lạc, ái được đưa thẳng lên cao, còn những
đầu còn lại bị đưa xuống thấp. Ngụ ý rằng: những tình xấu nên được đè xuống.
Đứng tại đây nhìn vào tổng thể Cửu Trùng Đài, chúng ta thấy 2 hàng cột
rồng xanh thẳng tắp cao lớn, với nhiều bực từ thấp lên cao. Mỗi hàng có 9 cây
cột rồng xanh, hai hàng gồm 18 cây cột, tương ứng với 9 cấp cao dần lên tới đại
điện. Lên đến bực thứ 9 của Cửu Trùng Đài, chúng ta thấy nơi gian giữa có đặt 7
cái ngai sơn son thép vàng dành cho 7 vị Chức sắc cao cấp nhất: 1 cái ngai lớn
nhất và đẹp nhất được chạm hình rồng, đặt sau cùng dành cho Đức Giáo Tông. 3
ngai ở giữa chạm hình phụng là cho 3 vị Chưởng Pháp: Phật, Tiên, Thánh. 3
ngai dưới được chạm hình lân cho 3 vị Đầu Sư.
Qua khỏi 7 cái ngai là đến cấp thứ 10 làm trung gian giữa Cửu Trùng Đài
và Bát Quái Đài, nơi đây có khoảng rộng gọi là Cung Đạo. Tại Cung Đạo, tiếp
giáp với Bát Quái, chúng ta thấy có 2 cây cột quấn rồng vàng.
Kể từ chỗ 2 cây cột có quấn rồng vàng này là Bát Quái Đài, là nơi thờ
Đức Chí Tôn. Phần nền có tổng 12 bậc hay còn gọi là 12 cấp. Tuy nhiên chúng
ta sẽ không thấy hình của Đức Chí Tôn đâu hết, mà sẽ thấy ngay trung tâm có
đúc Quả Càn Khôn, sơn màu xanh da trời, trên đó có vẽ rất nhiều ngôi sao,
(tổng cộng 3072 ngôi sao), phía trước Quả Càn Khôn là Thiên Nhãn lớn tỏa hào
quang, hiện ra giữa đám mây. Phía dưới Quả Càn Khôn là bàn thờ đóng bằng gỗ
theo hình Bát Quái. Trên bàn nầy, theo 8 đường ly tâm ra 8 góc Bát Quái, có đặt
8 con rồng màu trắng bạc (Bạch long) đầu hướng ra ngoài, trong tư thế như đang
gìn giữ và bảo vệ nơi thờ phượng tôn nghiêm trong Bát Quái Đài. Cũng trên bàn
thờ này, có đặt nhiều Long vị viết bằng chữ Nho, sơn son thếp vàng. Ngoài ra
còn có các dĩa chưng trái cây, bình hoa, lư hương, chân đèn,...Các Đấng có Long
vị đều có tạc tượng trên tấm diềm chính giữa, phía trên Cung Đạo. Nơi hàng
giữa, trên hết là tượng Đức Phật Thích Ca mặc áo cà sa vàng, ngồi trên tòa sen,
kế dưới là tượng Đức Lý Thái Bạch, Đức Chúa Jésus Christ, và Đức Khương
Thượng Tử Nha. Phía tay trái của Đức Phật Thích Ca là tượng của Đức Khổng
Tử và Đức Quan Thánh. Phía tay phải Đức Phật Thích Ca là tượng của Đức Lão
Tử và Đức Quan Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen. Tấm diềm trên mang ý nghĩa
tượng trưng cho Phật Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Thần Đạo. Bên dưới Bát
Quái Đài là hầm Bát Quái, để cất giữ tro cốt của chức sắc và tín đồ để hưởng
linh khí của Đức Chí Tôn.
Đây là công trình có kiến trúc độc đáo, với sự pha trộn hài hoà giữa đất
trời và con người. Đây không chỉ là công trình mang ý nghĩa nghệ thuật, mà còn
là địa điểm mang tính tâm linh linh thiêng đối với người dân đạo Cao Đài. Nơi
đây là nơi thu hút du khách từ khắp nơi đến để chiêm ngưỡng vẽ đẹp công trình
cũng như để chiêm bái tâm linh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:


1.https://www.youtube.com/watch?v=2cH0HZuxwkA
2.https://www.youtube.com/watch?v=6qPDB8T8ORE
3.https://www.daotam.info/booksv/pdf/pdf2/GT-ToaThanhTayNinh.pdf
4.http://www.daocaodai.info/booksv/pdf/pdf2/GiaiThichNoiTam-
NgoaiTamDTCDTN.pdf
ĐỀ 2:
Câu 1: Anh/chị hãy trình bày nội dung khái quát thuyết minh về tỉnh Bến
Tre:

Câu 2: Anh/chị hãy thuyết minh về đờn ca tài tử nam bộ:

You might also like