You are on page 1of 5

“Có mối tình nào hơn Tổ quốc?


(Trần Mai Ninh)
Bằng tất cả tình cảm yêu thương sâu nặng và cảm hứng nồng
nàn của mình về Tổ Quốc – các nhà thơ, nhà văn – các chiến sĩ đã
để lại cho núi sông này biết bao vần thơ đẹp về con người, về đất
nước Việt Nam. Nếu các nhà thơ khác cùng thời thường dùng
những hình ảnh kì vĩ, lớn lao, mĩ lệ mang tính biểu tượng, tạo ra
một khoảng cách để cảm nhận, chiêm ngưỡng về sự thiêng liêng
của đất nước thì với Nguyễn Khoa Điềm lại ngược lại. Ông cảm
nhận về đất nước qua những điều hết sức gần gũi, đơn sơ, bình dị,
mộc mạc thân thuộc và gắn liền với mỗi con người như máu thịt,
như hơi thở. Đất nước ấy được tắm đẫm trong hương liệu văn hóa
dân gian, trong tư tưởng lớn của thời đại – tư tưởng “Đất nước của
nhân dân”.
Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành
trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phong cách thơ của
Nguyễn Khoa Điềm được đánh giá là sự kết hợp tinh tế giữa cảm
xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của một người tri thức về đất nước
và con người Việt Nam. Ông đã tạo ra những tác phẩm thơ mang
tính chất tình cảm và tư duy sâu sắc, đồng thời thể hiện tình yêu và
quan tâm đặc biệt đến quê hương và nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm
từng viết: "Với các nhà thơ khác, đất nước là mảnh đất của những
huyền thoại anh hùng, còn với tôi, đất nước là của những cá nhân
vô danh, của nhân dân". Ông có nhiều tác phẩm chính như: Đất
ngoại ô, ngôi nhà có ngọn lửa ấm, Mặt đường khát vọng, … Đặc
biệt là trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở
chiến khu Trị – Thiên. Viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng
tạm chiến miền Nam. Đoạn trích Đất Nước là phần đầu chương V
của trường ca , là một rong những đoạn thơ hay về đề tài Đất nước
trong thơ Việt Nam hiện đại. Tác giả này không chỉ là một nhà thơ
tài ba mà còn là một tri thức yêu nước và có lòng đam mê cách
mạng. Tác phẩm "Đất nước" được viết bằng những dòng thơ nồng
nàn, đậm chất dân tộc, mang đến cho độc giả những trải nghiệm
tinh thần sâu sắc về tình yêu và tư tưởng đất nước. Tiêu biểu trong
Đất Nước có đoạn thơ mà tác giả đã khẳng định vai trò của nhân
dân trong việc làm nên lịch sử và truyền thống dựng nước và giữ
nước:
“Em ơi em…
Có nội thù thì vùng lên đánh bại.”
Mở đầu đoạn trích là 3 câu, nhà thơ đã sử dụng tâm tư “Em
ơi em” để tìm sự đồng cảm của tất cả mọi người:
“Em ơi em…
Vào bốn nghìn năm đất nước
“Em” là nhân vật trữ tình không xác định, nhưng cũng có thể là sự
phân thân của tác giả để độc thoại với chính mình. Lời tỏ tình mang
giọng điệu tâm tình mà trĩu nặng suy tư. Với lối tâm tình, trò chuyện,
nhà thơ đưa ta trở về quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc, bốn
nghìn năm dựng nước và giữ nước, bốn nghìn năm hầu như không
bao giờ nguội tắt ngọn lửa đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Tiếp theo là 15 câu khi nghĩ về bốn ngàn năm của Đất Nước,
nhà thơ đã rút ra một sự thật đó là: Người làm nên lịch sử không
chỉ là những anh hùng nổi tiếng mà là những người dân bình dị:
“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp…
Nhưng họ đã làm ra đất nước”
Hình ảnh “người người lớp lớp”, “bốn nghìn lớp người” chính là biểu
tượng cho đông đảo tầng lớp nhân dân kế tiếp nhau. Họ đều mang
những đức tính chung của con người lao động như sự cần cù, chất
phác và khi có giặc ngoại xâm thì sẵn sàng tự nguyện đứng lên
chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người con trai ra trận, người con gái ở
hậu phương cũng góp sức lực, đảm đang nuôi con để người chồng
yên lòng đánh giặc, nhưng khi cần thì giặc đến nhà đàn bà cũng
đánh, đó là hành động tất yếu để bảo vệ mái nhà và bảo vệ quê
hương. Những con người anh hùng vô danh ấy có một cuộc sống
thật giản dị, chết bình tâm, cống hiến và hy sinh một cách tự nguyện,
vô tư, thầm lặng cho Đất Nước. Cấu trúc sóng đôi giữa “sống” và
“chết”, giữa “giản dị” và “bình tâm” gợi lên sự thanh thản và nhẹ
nhàng của người nằm xuống, thế nhưng người ra đi càng “bình tâm”
thì người ở lại càng cảm thấy xót xa và thương cảm. Những chiến
sĩ ấy đã ngã xuống âm thầm và lặng lẽ, thậm chí có những người
đã ngã xuống với độc một chiếc áo nâu sòng của đồng đội trước
khi gửi anh về với đất. Và chắc chắn một điều rằng, họ hy sinh
không phải để người sau tưởng nhớ, hy sinh không phải vì muốn
được ngợi ca mà họ hy sinh vì tiếng gọi của tổ quốc. Mặc dù không
ai nhớ mặt đặt tên những công lao của họ thật to lớn và đầy ý nghĩa,
chính họ đã “làm ra Đất Nước”. Ý thơ đã bất tử hoá những con
người lặng thầm hiến dâng tuổi trẻ, máu xương và sinh mệnh của
mình để non sông được tươi đẹp, vẹn tròn.
Tư tưởng Đất nước của nhân dân đã đem lại cho Nguyễn Khoa
Điềm cái nhìn mới mẻ về dòng chảy lịch sử dân tộc, để từ đó thấy
được vai trò quan trọng của những người dân bình thường trong
quá trình đấu tranh, gìn giữ đất nước. Nhân dân đã bảo lưu, nuôi
dưỡng giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc. Những con người giản
dị của đất nước đã gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau mọi giá
trị văn hóa vật chất và tinh thần để tạo ra sự sống cho đất nước
trong quá trình lao động nhọc nhằn:
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”
Từ “họ” đứng ở đầu dòng thơ được điệp đi điệp lại liên tục có tác
dụng ca ngợi vai trò to lớn của “họ” trong việc “giữ và truyền” cho
con cháu muôn đời những giá trị vật chất và tinh thần. “Họ” mang
một tên chung đó là “nhân dân”. Những từ “giữ”, “truyền” xuất hiện
với mật độ dày đặc thể hiện sự tiến hóa của lịch sử giống như một
cuộc lao động lớn, một cuộc chạy tiếp sức của nhân dân, nhờ có
họ “giữ” và “truyền” mà con cháu được thừa hưởng giá trị vật chất
và tinh thần.“Hạt lúa” biểu tượng cho giá trị vật chất, cho nền văn
minh lúa nước,“ngọn lửa” không chỉ biểu tượng giá trị vật chất mà
nó còn biểu tượng cho ngọn lửa của truyền thống cách mạng, ngọn
lửa của văn minh, ngọn lửa của sự ấm áp, tin yêu. Lửa và lúa là hai
yếu tố quan trọng nhất, “gìn giữ ngọn lửa và giống lúa chính là gìn
giữ sự sống còn của cộng đồng”. (Nguyễn Khoa Điềm). Từ quan
điểm đó, nhà thơ đã liệt kê để khẳng định chính nhân dân đã tạo
dựng, giữ gìn, lưu truyền mọi giá trị văn hóa vật chất, từ những cái
nhỏ bé, giản đơn nhưng vô cùng quan trọng. Hình ảnh “truyền giọng
điệu mình cho con mình tập nói”, “gánh theo tên xã, tên làng trong
mỗi chuyến di dân” nói lên vai trò của những người bình dân trong
quá trình bảo lưu các giá trị văn hóa tinh thần của đất nước. Đó
cũng là khát vọng giữ gìn bản sắc dân tộc của cha ông. Các động
từ “giữ, chuyền, truyền, gánh” dựng lên hình ảnh các thế hệ người
dân nối tiếp nhau duy trì cuộc sống, lưu truyền các giá trị truyền
thống của dân tộc. Họ không quản khó nhọc, bỏ bao công sức “đắp
đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”. Câu thơ nhắc nhở như
lời tri ân chân thành của thế hệ hôm nay khi thừa hưởng những
thành quả do các thế hệ đi trước tạo nên.
Không chỉ vậy, nhân dân còn tạo dựng chủ quyền và truyền cho
thế hệ sau truyền thống yêu nước và đánh giặc. Nhân dân là những
người không tiếc máu xương, sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước
trước những biến động lịch sử và hiểm họa xâm lăng:
“Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại.”
Câu điều kiện “có… thì…” được điệp hai lần cùng với phép đối
“ngoại xâm”, “nội thù” và liệt kê các động từ “chống, vùng lên, đánh
bại” đã khẳng định tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước
của nhân dân.. Dân ta có truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ bao
đời nay, hết giặc Tàu 1000 năm lại đến giặc Tây 100 năm. Ta lại lật
đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi phát xít Nhật để đưa nước Việt
Nam đi đến độc lập thống nhất. Và hôm nay đây, trong chính thời
khắc bản trường ca này ra đời, ta đang chống lại đế quốc Mỹ xâm
lược, lời thơ lại càng giục giã và khí thế hơn. Và sức mạnh nhân
dân sẽ là cơn sóng lớn để nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước
ấy. 2 câu thơ chính là niềm tự hào của tác giả về truyền thống đánh
giặc của nhân dân ta.
Quan niệm của nhà thơ về người anh hùng góp phần làm nên
Đất Nước có nét mới mẻ, có sự hoà quyện cảm xúc nồng nàn và
suy tư sâu lắng. Tác giả hướng đến anh hùng là những người trẻ
tuổi, bằng tuổi chúng ta để ca ngợi và nhắc nhở thế hệ trẻ kế thừa
truyền thống của thế hệ trẻ đi trước, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong
kháng chiến chống Mĩ và xây dựng đất nước trong tương lai. Đặc
biệt, nhà thơ ca ngợi anh hùng vô danh. Họ không tên tuổi nhưng
họ đã âm thầm cống hiến máu xương cho Đất Nước. Vì họ vô danh
nên người đời dễ quên. Cho nên, thế hệ hôm nay càng phải nhớ
công ơn của họ. Họ từ nhân dân mà sinh ra. Như vậy, quan niêm
về người anh hùng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần
sáng tỏ tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” trong tiến trình lịch sử
dân tộc, đồng thời đóng góp cho thơ kháng chiến chống Mĩ về việc
ca ngợi vai trò to lớn của nhân dân.
Bằng những câu thơ tuy ngắn ngủi nhưng nhà thơ đã cho ta
thấy một sự khẳng định chắc chắn và chặt chẽ về tư tưởng “Đất
Nước” của nhân dân. Với tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”, tác
giả đã khẳng định tất cả những gì do nhân dân làm ra, những gì
thuộc về nhân dân như “hạt lúa, ngọn lửa, giọng nói, tên xã tên
làng”...cũng như chính những con người vô danh bình dị đó đã góp
phần giữ và truyền lại cho thế hệ sau mọi giá trị văn hóa, văn minh
tinh thần và vật chất của đất nước. Chính họ đã tạo dựng nền móng
sự sống cho đất nước, cho nhân dân.Không những vậy, họ còn luôn
sẵn sàng vùng lên chống ngoại xâm, đánh nội thù để giữ gìn sự
sống đó và bảo vệ đất nước thân yêu của mình. Với hình ảnh thơ
giản dị, mộc mạc, giọng thơ vừa tự sự vừa trữ tình...đoạn thơ vừa
là lời tâm tình, vừa là lời nhắn nhủ của nhà thơ với tất cả mọi người
phải nhận thức đúng vai trò to lớn của nhân dân trong việc làm nên
truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước bằng chính lòng biết ơn
của mình.
Đất nước đã thể hiện những suy ngẫm vô cùng sâu sắc, những
tình cảm tha thiết của ông dành cho đất nước. Đồng thời tư tưởng
đất nước của nhân dân bao trùm toàn bộ tác phẩm, cho thấy nhận
thức đúng đắn và lòng biết ơn sâu sắc của ông đối với thế hệ đi
trước. Trong đoạn thơ trên, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ngoài việc
muốn bộc lộ tấm lòng yêu nước thiết tha, lòng tự hào dân tộc cao
độ của mình, nhà thơ còn muốn truyền lại cảm xúc trào dâng ấy đến
với thế hệ hôm nay với mong ước những thế hệ hôm nay đừng bao
giờ quên đi truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc, phải biết kế thừa,
gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp ấy, để đưa đất nước
đi xa hơn "đến những tháng ngày mơ mộng" trong tương lai.

You might also like