You are on page 1of 10

NHỮNG NGÀY LẶNG IM

Thành phố sáng nay thật kỳ lạ. Con sông nằm duỗi dài uể oải soi bóng bầu trời xanh trong không
một gợn mây. Những hàng cây đã vào mùa khép tán, lá xanh đậm đà như không thể xanh hơn.
Ngay cả ngọn gió cũng khác mọi lần, không còn quẩn quanh oi nực mà lang thang lúc khoan lúc
nhặt, mơn man xoa dịu mỗi nơi nó thổi qua. Đất đai, không khí, cây cuối, được nghỉ ngơi, được
“buông thả” trong suốt hơn một năm mọi thứ ngưng lại, chia cắt vì đại dịch. Có thể thành phố
này cũng cần dành thời gian để gọi tên chính mình trở lại. Ngay cả Trái Đất cũng cần được bấm
nút tạm dừng để hồi sinh, để ngôi nghỉ, để thải độc. Mọi thứ đôi khi cần có khoảng lặng để định
hình trở lại, sau cuồn cuộn những năm tháng biển động, cuốn đi.

Những ngày này có giống tuổi mười lăm, mười sáu, của đời người? Sớm hay trễ có chút khác
nhau, nhưng dường như ai nói cũng cần một khoảng lặng trong đời để định hình chính minh. Đó
là một thời điểm vào năm mười bốn tuổi ta bỗng nhiên trở nên ít nói. Hay đôi ngày của tuổi
mười bảy, sự thinh lặng kiệm lợi của ta thậm chí trở thành nỗi lo âu của bố mẹ. Ta quay về xây
dựng, định hình thế giới bên trong. Ta đối thoại trong thinh lặng với chính mình. Ta tranh luận,
ta suy tư ta cãi lộn trong lặng im. Ta dựng xây nên lâu đài thành quách rồi ta đập bỏ mà không hề
gây tiếng động. Ta tập đối diện và vượt qua. Sau những tháng năm học nói là những ngày đêm ta
học cách im lặng.

"Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ” câu nói nổi tiếng của nhà bác học
Pascal nhắc ta không ngừng dành thời gian cho việc xây dựng thế giới biến trong chính mình.
Nếu không đủ thời gian và công khó cho việc xây dựng thế giới nội tâm, con người dễ lầm
đường lạc lối, dễ huỷ hoại chính minh, dễ chông chênh đổ vỡ trước giông gió cuộc đời. Chỉ một
cơn gió chợt đến mọi thứ đã có thể ngã rạp bên triền sông, mục mát nhanh chóng dưới cơn mưa
đầu mùa. Thế giới bên trong càng vững chắc con người càng trở nên can đảm, càng sống lâu con
người càng tự tin đối diện để vượt qua những gian nan bất trắc.

Đôi ngày của tuổi lớn, đừng sợ hãi khi bất ngờ một cơ chế bí ẩn nào đó bật nút “pause” khiến ta
trở nên tịnh khẩu. Đó là khi thế giới bên trong ta kích hoạt một công trường xây dựng. Giàn giáo
tinh thần được dựng lên, vôi vữa cắt đá trí tuệ và tâm hồn được tập kết, được nhào trộn trong
dòng nước suy tư để ta xây dựng một thế giới nội tâm riêng mình.

Công trình nội tâm hình thành trong thinh lặng nhưng vô cùng hối hả. Càng dành thời gian, càng
tĩnh tâm sáng trí để chăm lo cho công trình ấy, ta sẽ càng trở nên cường tráng can đảm hơn chính
ta của hôm qua.
NHỚ NHỮNG CÁNH HOA TRÀ Ở VỊNH OFUNATO

Trên khu đồi cao gần vịnh Ofunato, một nhà kính thật vững chãi được dựng lên để trồng những
cây hoa trà mi. Chiều nhạt nắng, vài người già đến đây để ngắm hoa, nhẹ nhàng và lặng lẽ. Thảm
họa động đất sóng thần vừa cuốn đi hàng ngàn người, những cánh hoa trà hôm nay nở để an ủi
và động viên người còn sống.

Giữa ngàn năm triệu năm, đời người cũng chỉ ngắn ngủi như đời một bông hoa. Bung nụ, nở
bừng, rồi rụng rơi, nhẹ nhàng theo gió bay đi. Người Nhật có hẳn một triết lý về hoa anh đào và
hằng năm đều tận hưởng lễ hội ngắm hoa (Hanami), có lẽ để nhắc nhau rằng nếu biết cuộc đời
là ngắn ngủi, hãy gắng sống thật đẹp như đời một bông hoa đã sống.

Thực ra, đời người còn sống như đời hoa ở chỗ không phải lúc nào cũng trọn vẹn. Đôi khi người
như cánh hoa chưa bung nụ đã lìa cành. Một người Nhật khi đứng trước bãi biển mênh mông,
nơi vốn là một thị trấn trước khi bị sóng thần xóa sổ đã ngậm ngùi: “Cứ nghĩ hàng trăm, hàng
ngàn con người, đang sống như vậy, bỗng chốc biến mất như chưa từng có mặt trên đời này. Sự
thật đó thật khó để chấp nhận.”

Tuần trước vừa xảy ra tai nạn lật phà ở biển tây nam Hàn Quốc, khiến nhiều học sinh mất
tích. Tháng trước là một chuyến bay mất tăm tích cùng hàng trăm con người. Những dòng tin
mới cuốn đi dòng tin cũ. Một lúc nhìn lại, dường như không nhớ chuyện gì đã xảy ra, những ai
đã ra đi, những ai đã vô cùng đau đớn.

“Mẹ, con sợ rằng sau này sẽ không thể nói với mẹ, nên con gửi tin nhắn này. Con yêu mẹ”. Tuần
trước, có ai dừng lại trước dòng tin trên báo kể về tin nhắn cuối cùng của một cậu học trò Hàn
Quốc đi chuyến phà Sewol bị lật. Dòng tin nhắn như một tờ “di chúc trẻ” gửi ngược khiến người
ta phải trào nước mắt.

Vì cuộc sống quá mong manh, ta càng nên phải biết quý thời khắc hiện tại. Khi em có mẹ có cha.
Khi em có gia đình tổ ấm. Khi em còn có tuổi trẻ. Khi em còn đầy ước mơ và khát vọng. Biết giữ
năng lượng để lan tỏa yêu thương, cho đi mỗi ngày để biến đời mình thành một bông hoa trong
vô tận thời gian mà hữu hạn kiếp người. Còn gì hơn khi được rực rỡ mỗi ngày, tỏa hương mỗi
ngày. Và đẹp ngay cả khi lìa cành theo gió cuốn đi, cho dù trong một sớm sương giăng hay một
chiều nắng nhạt.

Chiều hôm ấy, tôi ngồi ghé trên một góc băng ghế gỗ, chụp một kiểu ảnh giữa vườn hoa trà. Rồi
bất giác cúi xuống nhặt lấy hia bông hoa to vừa rụng. Sau chuyến xe dài, khi đến nhà trọ thì trời
đã tối mịt. Bữa cơm chiều đôi vợ chồng nông dân già đã dọn sẵn. Xin một bát nước trắng, tôi thả
hai bông hoa trà vào và bày lên bàn ăn. Hoa soi bóng nước và hắt lên ánh đèn vàng trong căn nhà
cũ. Bữa cơm chiều như ngưng đọng mãi trong trí nhớ. Và những cánh hoa trà hôm ấy như người
thầy hiền hậu, thỉnh thoảng lại hiện về nhắc tôi một bài học gì đó để thêm vào đời mình một
ngày thật sự sống.
CAO HƠN SỰ THẬT

Tuần trước, Nhật Bản tưởng niệm tròn 3 năm thảm họa kép động đất-sóng thần tàn phá vùng
Đông Bắc của quốc gia này. Tôi giở lại tập sách ảnh, băng đĩa, tài liệu mà những đồng nghiệp
Nhật chuyển cho, định trích một đoạn đề đăng trên trang mạng cá nhân. Lật giở từng trang, tay
chợt ngập ngừng và lòng chùng lại khi nhớ lời dặn của người phóng viên truyền hình ở Morioka,
tỉnh Iwate. “Hầu hết hình ảnh trong này đều chưa từng công bố. Anh hãy hứa rằng chỉ dùng làm
tư liệu, cho riêng anh. Xin anh đừng đăng lại, đừng phát tán chúng trên các phương tiện truyền
thông, hay chỗ đông người.”

Nhớ cách đây 3 năm, nhiều người thực sự ngạc nhiên khi xem cách báo chí, đặc biệt là các kênh
truyền hình Nhật Bản đưa tin diễn biến thảm họa động đất sóng thần. Có rất ít hình ảnh than
khóc, bi thương được truyền đi. Thay vào đó là rất nhiều thông tin hướng dẫn tìm kiếm, những
câu chuyện tình người. Người ta biết về thị trấn vùng vịnh Ofunato, Rikuzentakata có hàng ngàn
người mất tích. Nhưng người ta còn biết về cây tùng ở Rikuzentakata kiên cường sống sót sau
khi một vạt rừng ước chừng bảy vạn cây tùng cổ thụ bị sóng cuốn bật gốc. Biết về một cô gái
làm công việc theo dõi và nhận tin về mực nước, sau đó đọc lại trên loa phóng thanh vẫn bám trụ
trên một ngôi nhà cho đến phút cuối của đời mình để báo tin giúp mọi người sơ tán chứ không bỏ
chạy. Khi đến trước ngôi nhà bị sóng thần cuốn chỉ còn lại khung bê tông, chúng tôi đã không
thể cầm được nước mắt khi nghe mọi người kể câu chuyện về cô.

Sự thật là điều mà con người luôn kiếm tìm. Nhưng dường như cuộc sống này còn có ít nhất một
điều còn cao hơn sự thật là tình đồng loại. Ta là người, ta yêu đồng loại nên ta biết đồng cảm
thay vì hiếu kỳ trước thảm họa. Ta là một phần của thế giới văn minh, vì ta biết cầu nguyện và
tìm mọi cách sẻ chia, giúp đỡ, thay vì để lòng nghi kỵ, để thù hận che mờ cả khối óc lẫn trái tim.
Một cá nhân đã nên thế, mà một quốc gia có trách nhiệm lại càng nên như vậy.
Những ngày đầu tháng Ba có nhiều tin tức buồn về thảm họa hàng không trong khu vực Đông
Nam Á. Chuyến bay từ thủ đô Malaysia đến thủ đô Trung Quốc bị mất tích một cách bí ẩn cùng
với hơn hai trăm con người. Tin tức vô vọng thật buồn. Sự thật còn chưa được khám phá thật
đáng thất vọng. Đã có quá nhiều thông tin đáp ứng sự hiếu kỳ, và thật hiếm hoi những thông tin
cho sự đồng cảm, những câu chuyện về thân phận con người, về những người mẹ mất con, người
vợ mất chồng, những đôi lứa chia lìa vì thảm họa, những người cần an ủi và giúp đỡ. Đó không
là sự thật đáng để ta “hiếu kỳ” sao?

Thế giới mạng toàn cầu cuốn ta đi nhanh. Đôi khi bạn và tôi “hãy nghỉ tay một chút”. Dừng lại,
để cầu nguyện cho đồng loại, thay vì tiếp tục cuốn đi và kêu gào thất vọng khi sự hiếu kỳ chưa
được thỏa mãn.
HÃY MANG DIÊM CHO NHỮNG CHUYẾN ĐI

Đã cuối tháng Mười Một. Những ngày gió mùa Đông bắt đầu thổi về, mưa dài lê thê, cụ già hàng
xóm lại hay than: Mới đó một năm đã trôi qua. Chưa kịp làm gì đã thấy hết năm hết tháng. Còn
chúng tôi còn trẻ, chúng tôi háo hức nói: Một năm mới đang đến rồi. Sớm hưng hửng nắng, lũ
chúng tôi cứ thế đầu trần bắt đầu một chuyến dã ngoại. Để rồi kết thúc một ngày bằng trận rét
run người. Hầu hết đều ốm sốt li bì vào hôm sau.

Năm tháng với con người còn trẻ là con tàu chở đầy hy vọng. Phía trước là tất cả những gì ta có,
mỗi ngày mới đến là mỗi ngày ta háo hức chờ đợi. Ta đâu có gì phải vội?

Có thật đúng vậy không? Khi thế giới đi rất nhanh. Cho dù có thờ ơ, thì vòng quay vội vã đó
cũng ùa đến với ta qua những tiện ích công nghệ ngày mai đã khác một trời một vực với hôm
qua. Ngày mới đến chỉ làm ta thêm lóng ngóng.

Có đúng là ta chẳng việc gì phải vội, khi chỉ một ngày ta ngừng kết nối, có cảm giác như đã bị bỏ
rơi hoàn toàn, đứng hẳn ra bên lề cuộc dịch chuyển vĩ đại và cuồn cuộn của nhân loại về phía
trước.

Có đúng phía trước là năm rộng tháng dài, khi thiên nhiên ngày càng bất trắc, thế giới ngày càng
bất ổn. Trong một khoảnh khắc, tất cả những thành tựu chưa kịp rõ hình hài có thể bị nhấn chìm
bởi một trận cuồng phong, bị xóa sạch bởi một toan tính nông nổi sai lầm.

Có đúng là phía trước có đủ thời gian cho tất cả, khi ta đi tới tay không, hoặc thứ mang theo chỉ
là săm ba điều vụn vặt. Như lũ chúng tôi mùa Đông năm ấy. Đí dã ngoại ở thượng nguồn sông
mà thậm chí chẳng đứa nào mang theo diêm để nhóm lửa. Để kết quả nhận được là trận ốm sốt li
bì.

Những ngư dân giỏi chài lưới dạy chúng tôi. Đôi khi chẳng cần phải vẫy vùng, chỉ cần nhảy
xuống đúng luồn nước là nước tự đẩy ta đi. Vài đứa trong chúng tôi đã làm thế, quên mất điều đó
chỉ đúng với điều kiện trước hết phải biết bơi.

Đi về phía trước mà thiếu kỹ năng, kiến thức và sự chuẩn bị tâm lý, khác nào lũ trẻ nít chúng tôi
đã quên mang diêm mà cũng chẳng hề biết nổi trong nước. Năm tháng rộng dài cũng chẳng ích
gì, khi ta cứ tay không đi đến mọi nơi chốn trên cõi đời này.

Đôi lần ú ớ đứng nơi đường xa xứ lạ, tội lại nhớ những chuyến dã ngoại “khám phá thế giới
quanh ta” với tay không đầu rỗng thuở bé của mình. Chợt nhận ra, nếu mình vẫn cứ tay không
như thế mà đi, thì năm tháng dài rộng cuối cùng chỉ để ta thêm nếp nhăn và tâm thế chép miệng
thở than khi năm cùng tháng tận. Rằng chưa làm chi đã thấy hết năm hết tháng. Lại một năm đã
trôi qua rồi.
CUỘC SỐNG NHƯ NGỰA ĐANG PHI

Năm học lớp 10, tôi được theo mấy anh chị lớp trên đến văn phòng hội văn nghệ để nghe một
nhà phê bình văn học nghệ thuật nói chuyện. Cuộc nói chuyện diễn ra trong một phòng rộng
thường dùng để triển lãm tranh. Nhà phê bình, cũng là một giáo sư nổi tiếng, nói say sưa về chủ
nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. Không khí hào hứng cho đến khi một người đứng lên,
chỉ vào một bức tranh vẽ những con ngựa đang phi và hỏi diễn giả: theo giáo sư thì bức tranh
này là hiện thực hay là lãng mạn?

Đó là khoảnh khắc im lặng gần như tuyệt đối. Nhà phê bình ngắc ngứ im lặng và có chút ngượng
ngùng vì thực sự không thể có câu trả lời. Nếu không tiếp tục đọc và tìm hiểu thêm, chắc tôi sẽ
giữ mãi ấn tượng thất vọng, rồi dần có thành kiến về sự kém cỏi của vị giáo sư ấy. Nghĩa là
khoảnh khắc năm lớp 10 ấy sẽ ngưng đọng mãi trong tôi, trở thành vết hằn thành kiến, không dễ
gì cởi bỏ.

Một khoảnh khắc lố bịch có nói lên toàn bộ bản chất của một con người hay không? Thậm chí
một hành vi có đủ để đánh giá toàn bộ phẩm cách của một con người hay không? Một hình ảnh
có đủ để đánh giá toàn bộ sự kiện hay không? Những câu hỏi này thật không dễ trả lời, nhất là
câu trả lời mà không gắn vào một câu chuyện cụ thể nào.

Bài học giáo khoa luôn có lối dẫn dắt. Cho nên ta có thể dễ dàng phân định đúng sai, hay dở theo
một chuẩn mực nào đó, “hiện thực hay lãng mạn” chẳng hạn. Nhưng cuộc sống thì luôn như con
ngựa đang phi, nào dễ cắt khúc ra từng đoạn để đánh giá. Càng không dễ để tạo lối dẫn dắt.
Trong thời đại thông tin cuồn cuộn đa chiều, càng khó phân định đúng sai, càng không dễ để tạo
lối dẫn dắt, cho dù chỉ cho chính mình. Bởi cuộc đua tranh thông tin quá nhanh nên ta dễ mất
bình tĩnh. Bởi đám đông kết tập quá vội dễ khiến ta bị cuốn theo và đến lượt mình góp vào
những cuộn xoáy lầm lạc. Khi được cộng hưởng bởi đám đông và thiết bị siêu công nghệ, thì
một bức ảnh chụp bên cảnh tuyết rơi ở Sa Pa có thể bỗng nhiên biến thành cái bia để hứng đá chỉ
trích. Hay một bức ảnh chụp lại cảnh những người săn tin đang chụp ảnh bỗng tạo nên sóng xoáy
trên mạng truyền thông. Những cuộn xoáy để dẫn ta tới đường hầm tối tăm không có lối ra. Ta
mắc kẹt trong tổ thành kiến kết quá vội. Ta để tiểu khí lấn át lý trí, rồi có thể chẳng bao giờ tìm
ra chính khí nữa. Ta hòa lẫn vào đám đông rủa xả. Ta chặn hết lối về của ai đó và của chính ta.

Khi đứng trước một bức ảnh, tôi muốn nhắc mình hãy nhớ đấy chỉ là một khoảnh khắc ghi lại
cuộc sống. Khi đứng trước một câu chuyện, hãy nhớ đấy chỉ là một lát cắt cuộc đời. Hãy biết nán
đợi khoảnh khắc tiếp theo, câu chuyện tiếp diễn. Và khi muốn gọi tên hay dẫn dắt điều gì, hãy
luôn nhớ cuộc sống này như con ngựa đang phi.
ĐỦ NGÂY THƠ ĐỂ TẬN HƯỞNG

Tôi nhớ khi còn đi học, có đọc tự truyện du học Pháp của một giáo sư nổi tiếng. Ông kể, trước
khi lên đường thật háo hức, nhưng khi đứng bên bờ sông Seine, trong lòng chàng trai trẻ chẳng
có chút mảy may xúc động. Là bởi con sông này, ông đã thuộc lòng vận tốc dòng chảy, mực
nước lên xuống theo mùa, dài bao nhiêu cây số, chỗ rộng nhất hẹp nhất là bao nhiêu… Chuyên
ngành ruột của chàng mà!

Lần khác tôi nghe lỏm câu chuyện của anh sinh viên Y khoa trọ sau trường rằng cầm tay người
yêu lần đầu, anh phát hiện ra người yêu…bị sốt. Đã quen với những buổi thực tập nội trú trong
bệnh viện, bắt mạch cho bệnh nhân, phản xạ đầu tiên khi cầm tay ai đó với anh là “kiểm tra thân
nhiệt”.

Một anh khác khôi hài tự trào rằng con gái ngại yêu anh, chắc vì anh học Toán xác suất. Chỉ cần
nhìn thẳng vào mắt nhau, hỏi đôi câu là anh biết cô gái đối diện đã từng say nắng bao nhiêu
chàng rồi.

Đôi khi tự ngẫm, tôi thấy bản thân cũng mắc chứng này. Khi đọc một cuốn sách mà tay kia chực
kéo ngăn bàn lấy bút để biên tập những câu cú thấy ngứa mắt. Khổ nỗi lúc đó lại đang ngồi trên
máy bay, nên người ngồi cạnh quay sang nhìn sửng sốt. Người ta bảo đấy là “bệnh nghề nghiệp”.

Đâu phải chỉ là lý do nghề nghiệp.

Bởi trong cuộc đời, nhiều lần ta đánh mất cơ hội được trải nghiệm khác đi, được tận hưởng một
cảm xúc mới, chỉ vì ta đã tỏ ra quá khôn ngoan. Càng trưởng thành thì con người càng khôn
ngoan. Nhưng con người cũng vì thế hay buồn khổ, thấy ngày qua chỉ có vui nho nhỏ mà lắm
buồn mênh mông.

Tôi nhớ một cậu bé con. Thời tiết giông tố, chớp rạch ngang trời, ai cũng chết khiếp, chỉ có cậu
đứng vỗ tay hoan hô: A, trời chụp ảnh! Cái ánh chớp giống tố với cậu đơn giản là ánh đèn
flash khi chụp ảnh. Thật hạnh phúc làm sao! Tất nhiên, sau đó, nếu sét đánh vang rền thì cậu
mới giật mình khóc òa.

Cũng có khi sét không rền, chỉ là sấm nổ xa xăm. Cuộc đời có lẽ cũng thế. Nhưng ta hay mặc
định ánh chớp báo hiệu cho sấm sét nên chẳng còn được tận hưởng một cú “flash vui đời”. Một
cú chớp sáng ghi lại trong ta một khoảnh khắc thơ ngây, tưởng tượng và cảm hứng. Ta lớn lên và
đánh mất dần tài sản thơ ngây vốn ít ỏi, cho dù ta khôn ngoan hơn, nhưng dường như ta cũng
mất đi nhiều cơ hội tận hưởng hạnh phúc.

Cho dù bạn bao nhiêu tuổi, hãy gắng giữ lấy chú bé con trong tâm hồn mình. Đó có thể là lò
phản ứng hạt nhân vĩnh cửu, sản sinh năng lượng để bạn có thể đi thật xa trên con đường kiếm
tìm hạnh phúc trong cuộc đời này.

Và trên đường đi luôn nhớ, khôn ngoan để sống với người. Nhưng phải đủ ngây thơ thì mới tận
hưởng phần nào hạnh phúc ở đời.
ĐƯỢC ĐI HỌC

Câu thơ này là chút ngẫu hứng của một người, nhưng rồi được lan truyền nhiều đến độ người ta
nghĩ đó là một dạng dân gian cải biên: “Đồng trên ông lão đi bừa. Là con ông lão ngày xưa đi
cày.” Có bao kiếp người Việt luẩn quẩn hiện ra với hai câu thơ như lời đùa giỡn ấy.

Cho nên, dù ở thời nào, khát vọng của người Việt là làm sao thay đổi số phận. Trước hết là thay
đổi số phận bản thân, sau rồi đến rộng lớn hơn là thay đổi số phận dân tộc mình. Làm sao để
thoát khỏi kiếp con trâu đi trước cái cày theo sau. Làm sao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đi bừa
rồi lại đi cày trên một mảnh ruộng hẹp không thể sinh sôi. Đó là câu hỏi trở đi trở lại trong mỗi
người, ngay cả khi thế giới đã trở nên phẳng, thành tựu công nghệ đã mang trí thức nhân loại
chắt lọc đến tận từng gia đình Việt qua mạng toàn cầu.

Câu trả lời có từ rất lâu nhưng vẫn đúng đến mai sau là phải học và được đi học. Có cơ hội và
điều kiện để tiếp cận với giáo dục chính là chìa khóa đưa nhiều cá nhân vượt lên đổi thay số
phận. Điều đó cũng đưa nhiều dân tộc thoát nghèo nàn lạc hậu u tối để đặt chân vào thế giới văn
minh chỉ trong vòng vài mươi năm. Thế nhưng thế giới hiện đại luôn đặt ra trước mỗi người, mỗi
dân tộc sự thách thức. Hàn Quốc mất chừng ba mươi năm để trở thành một quốc gia phát triển.
Nhưng sau đó, hai cuộc khủng hoảng (năm 1998 và năm 2007) đã suýt xóa sạch gần như tất cả
thành tựu. Quốc gia này vượt qua được hai trận “ốm” thập tử nhất sinh là nhờ nỗ lực đầu tư cho
giáo dục và tiếp tục vượt lên xây dựng một nền kinh tế sang tạo.

Hai từ “phải học” chúng ta nghe nhiều đến độ nhàm chán. Nhưng “được đi học” lại là một cụm
từ cần được hiểu thấu đáo. “Được đi học” nghĩa là cha mẹ phải bán trâu bán bò. “Được đi học”
nghĩa là cha phải còng lưng trên đám ruộng cằn, mẹ xa nhà đi làm osin mỗi năm chỉ được về đôi
lần. “Được đi học” không chỉ là cơ hội đến từ một khoản đầu tư. Đó là thành tựu của một sự hy
sinh không lời văn nào tả xiết.

Tuần trước Hoa Học Trò có được gặp và nói chuyện với Giáo sư Ki Won Shin ở trường Đại học
Shinsung, Hàn Quốc. Ông kể thế hệ cha mẹ của ông ở đây khi về già hầu hết còng lưng rất sớm
vì phải vất vả làm việc để nuôi con đi học. Đến lượt ông, bản thân ông cũng vẹo hai đốt sống vì
nuôi con đi học. Bố mẹ già vẫn chăm sóc con cái. Nhưng con cái lớn lên lại có xu hướng thấy
phiền toái khi phải phụng dưỡng cha mẹ.

Đến trường là thực hiện một khoản đầu tư cho an sinh. Đến trường là thực hiện một khoản đầu tư
cho khát vọng về phẩm giá mà thế hệ trước còn chưa đạt được. Đến trường là kết quả của một
khoản đầu tư tình yêu thương và sự hy sinh. Lẽ nào chúng ta có thể tiêu xài phung phí, để rồi
trắng tay đi tới tương lai ?
SỐNG NHƯ CÂY RỪNG

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn lại cái giá gỗ nhỏ bằng gỗ thông cổ thụ. Ván gỗ được xẻ từ những cây
thông bật gốc sau một trận lũ dữ. Không ai nghĩ những cây thông này có thể đầu hàng trước
nước lũ, bởi nó đã sừng sững đứng ở đó cả trăm năm. Về sau, người ta mới hiểu ra, hàng thông
cổ thụ bật gốc đổ nhào xuống bờ nước, là vì trước đó ít lâu, ai đó đã có sang kiến phát quang
thảm thực vật chằng chịt dưới những gốc thông. Mưa nặng hạt làm xói lở đất, và những cây
thông đã phải đầu hàng.

Khi đi học, được những chuyên gia Bắc Âu huấn luyện về cách xây dựng và quản trị một mô
hình tổ chức theo dạng sinh thái (ecosystem), tôi lại nhớ về cánh rừng thông năm nào. Rồi nhớ cả
những ngọn đồi qua mỗi năm lại xác xơ, lở loét. Đất đỏ theo nước đổ về, nhuộm đục ngầu từ
thượng nguồn song Hương cho đến tận phá Tam Giang. Sông không còn trong xanh, mà rừng
cũng điêu tàn xơ xác như kẻ mất hồn. Những cây rừng to cao, tán lá xòe rộng lần lượt bị đốn hạ,
đớn đau hóa kiếp thành những món đồ gỗ kệch cỡm, thỏa mãn thói khoe khoang hợm hĩnh của
không ít người. Không còn những cổ thụ tỏa bóng, cây non không chống chọi nổi với mưa rừng,
lở đất và mùa nắng gắt. Núi đồi lại điêu tàn, lại như kẻ mất hồn.

Tự nhiên dạy cho ta nhiều bài học. Sống sinh thái không phải chỉ là ăn rau nhiều hơn, đạp xe mỗi
ngày gần hai chục cây số quanh Hồ Tây thơ mộng. Sống sinh thái còn là biết tổ chức cuộc đời
mình đi tới khoan hòa, nhẫn nhịn. Là biết làm tròn bổn phận như cỏ cây che phủ bờ đất, vừa
chống xói lở vừa giữ được nước để rừng lên xanh tốt. Là biết che chắn những cơn gió độc,
những ngày chói nắng dữ dội để những tang cây bên dưới đi qua thời khắc gian nan. Là nhẫn nại
và vui vẻ dựa vào nhau, tỏa bóng mát mà cũng soi chiếu lẫn nhau mỗi khi bình minh lên hay
hoàng hôn xuống, làm nên vẻ đẹp của Trái Đất này. Là hít thở mỗi ngày để lớn cao lên đồng thời
lại tiếp tục tạo ra dưỡng khí cho muôn loài cùng chung sống. Cho chim hát ca mỗi sớm. Cho chú
vượn con reo hò mỗi độ chiều về.

Đôi khi nhìn lên chiếc giá gỗ, trong tôi như có gì đó quặn thắt. Nhớ những bộn bề đổ vỡ ngoài
kia, chẳng khác nào hàng thông cổ thụ quỵ ngã trước giông bão cuộc đời. Nhớ những nhộn nhạo
nhao lên tranh sống, xe cộ tranh lối người đi bộ, người lớn chen ngang lối đi trẻ em. Nhớ những
khi ta nói “sống sinh thái” mà thực ra chỉ còn là cái vỏ trống rỗng, vô cảm. Nhớ những khi ta đạp
xe nhưng cũng muốn tạt đầu ôtô, chèn ngang lối đi của những người già đi dạo.

Tầng tầng những loài cây, lớp lớp những loài vật làm nên những cánh rừng. Những cộng đồng
mạnh mẽ, hạnh phúc cũng chỉ thực sự hình thành, khi con người học được cách sống của những
loài cây.
MẮT THỰC TRONG THẾ GIỚI THỰC

Khi là trẻ con, bé tí xíu, thế giới của ta là khoảng không gian gần gũi mà thực ra rất ngắn. Ta
nhìn lên trần nhà, thứ ấn tượng nhất là bóng đèn sáng. Rồi khuôn mặt ba, khuôn mặt mẹ, khuôn
mặt ông bà. Ba tháng tuổi, biết lẫy, ta thật ngạc nhiên thích thú khi dường như phát hiện ra một
thế giới khác nữa. Một thế giới xung quanh, bên cạnh, khiến ta ngọ nguậy đầu khoái chí không
thôi. Rồi ta biết ngồi, biết chập chững những bước đầu tiên.Không gian bấy giờ dường như đã đủ
đầy những chiều kích vật lí. Có dài, có rộng, có cao, có đằng sau đằng trước, có trên có dưới, có
xa có gần, có đường cong đường thẳng…

Thời gian dần giúp con người nhận biết được không gian quanh mình. Ta biết nhìn và quan sát.
Ta biết thấy và nhìn thấy. Ta biết nhìn và tầm nhìn. Ta thấy rồi ta gặp. Biết cúi đầu thì tầm nhìn
chỉ từ mắt ta đến mũi giày mình. Biết ngẩn cao đầu thì rộng dài trước mặt. Biết bước chân đi thì
chân trời như nới rộng. Bước ra thung lũng, đồng nội là bao la bãi bồi, đầm phá. Bơi khỏi lộng
thì đến biển khơi. Cưỡi sóng lướt ra xa hơn ta biết đại dương, biết đường chân trời chỉ là một
giới hạn tương đối.

Biết xa xôi thúc gục ta xây dựng tầm nhìn. Sách vở là giới hạn, nhưng có cánh để từ đó ta xây
dựng cho mình một tầm nhìn vượt thoát mọi giới hạn. Đi ra khỏi thung lũng u tối luẩn quẩn ta có
thêm không gian để phóng đi tầm mắt, mà trí tuệ cũng có cơ hội được mở mang, vượt ra ngoài
những hẻm núi định kiến. Vượt thoát được định kiến là khi ta có thể vượt cả giới hạn không gian
vật lý. ta có tuệ nhãn để nhìn xuyên ba ngàn thế giới.

Tôi nhớ lắm khi mình biết bơi, rồi lần đầu tiên tập được chiêu giữ mình nổi trên mặt nước.
Những buổi sớm mặt trời lên, tôi nằm ngửa trên mặt nước ngắm những ráng mây thắm dần khi
bình minh ló rạng. Những chiều giông, tôi nằm ngửa trên mặt nước sông Hương, quan sát mải
mê những đám mây sũng nước như võng xuống tận nhãn cầu, và mưa giọt trên sông như chơi
đàn vậy. Rồi lớn lên, lần đầu đi đò vượt phá Tam Giang, cảm nhận sự rợn ngợp trước bao la sóng
nước. Rồi lớn lên nữa, được cưỡi sóng ra tận núi Le của Trường Sa, biết ngoài biển còn có đại
dương.

Biết rộng dài để ta ước ao được đi, được du hành. Biết rộng dài cũng là để ta định vị chính mình.
Rằng mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi giữa không gian này. Có mắt người mà còn có thiên nhãn. nên
hãy thực với mình mà cũng phải biết thực với trời đất. Dù mỗi quãng đời, ta nhìn thấy không
gian xung quanh ta mỗi khác, thì cũng hãy thực với cái nhìn của mình, nói thực những điều mình
nhìn thấy, mình nhận thấy từng thời điểm. Cái thực định vị ta giữa bao la này đấy. Thực với
không gian vật lý mà mình đang tồn tại. Và thực với không gian trí tuệ rộng lớn mà ta biết mình
chỉ có cách phải học hỏi mỗi ngày.
NHỚ GIỮ ẤM…

Hà Nội những ngày cuối tuần vừa rồi tầm tã mưa và lạnh. Người ta nói đang đợt rét nàng Bân.
“Nàng Bân xưa may áo ấm cho chồng/ Áo may xong không còn mùa lạnh nữa/ Nàng Bân khóc
đất trời thương lệ ứa/ Cho rét về đáp lại nỗi nhớ mong” (Thơ Tế Hanh)

Mưa rào rạt lúc sáng sớm, lúc đêm khuya và gió lùa hun hút. Đôi lần nhìn ra con đường mịt mờ
mưa, tôi nhớ những ngày còn đi học xa nhà.

Khi lấy áo ấm trước đợt gió mùa về. Khi mở túi lấy chiếc bánh bột sắn. Khi xếp lại cuốn sách
đọc dở. Mỗi lần tôi lại nhặt được tờ giấy nhỏ, thường là một tờ lịch ngày, mặt sau viết dòng chữ:
“Nhớ giữ ấm”. Có khi mùa Hạ đã sang, nắng ươm vàng trên mặt sông, sương sớm đã có vị mặn
của mùa khô hạn, mà lấy chiếc mũ vải, tôi lại thấy trong đó có tờ lịch. Mặt sau vẫn là dòng chữ:
“Nhớ giữ ấm”. Lời dặn dò của ba tôi.

Người đã xa khuất nhiều năm. Nhiều lần giở cuốn sách tôi không còn nhặt thêm được mảnh giấy
nào nữa. Nhưng trên đường đời, tôi lại được nhận những lời nhắc nhở theo những cách khác. Đó
là khi ghé qua nhà một người quen biết, thấy trên bàn mẩu giấy nhắn: “Cơm ủ trong chăn, cứ lấy
mà ăn kẻo đói”. Đó là khi đi về sau một ngày miệt mài, nhận được một cái quàng vai cảm thông.
Đó là khi, giữa một hành lang dài hun hút, với vô số gương mặt lạ, có một người cầm cốc nước
nóng dừng lại và hỏi han.

Và cũng nhiều lần tôi cảm nhận được điều đó theo một cách trái ngược. Đó là khi tai lùng bùng
với những lời đãi bôi trơn tuột. Ngôn ngữ không qua tim mà chỉ là hời hợt điệu nhảy từ bộ máy
cấu âm cuống họng, chót lưỡi, đầu môi… Là khi một ánh mắt trẻ thơ bị ung thư thăm thẳm trên
bản tin thời sự, mà những cái đầu vẫn cắm cúi với bữa cơm ngon dở. Là khi cảm hứng về một ý
tưởng đơn giản vì điều hay lẽ phải cho cuộc đời trôi qua trước hờ hững của bao người. Là khi
cảm giác như lạnh lẽo bao trùm không gian giữa ngày nóng nực. Cái hơi lạnh do con người tỏa
ra. Chợt khắc khoải nhớ mẩu giấy “Nhớ giữ ấm” biết bao nhiêu.

Không ai sinh ra đời với trái tim lạnh. Nhưng để giữ ấm nó mãi mãi là điều không dễ chút nào.
Có người vì hời hợt mà quên rằng mọi thứ trên mặt đất này không tự nhiên mà có. Có kẻ vì sân
hận mà để lửa ham muốn thiêu đốt khiến tâm hồn trở nên hoang lạnh. Có người vì lấy việc săn
tìm cơ hội cá nhân làm lẽ sống mà ấm lạnh bất thường. Mỗi ngày sống của họ là tập hợp hỗn độn
những phức cảm khó lường. Có người vì mê lú. Có người vì phó thác cho nước chảy mây trôi.

“Nhớ giữ ấm” cho trái tim mình. Để giữ ấm cho những người quanh mình. Chiếc áo “may ba
tháng ròng mới trọn cổ tay” cũng chỉ là chiếc áo. Chỉ hơi ấm từ trái tim nàng Bân mới có thể
khiến rung động đất trời.

You might also like