You are on page 1of 3

Ôn Tập Văn 9- Học Kì 2

1. Viết đoạn văn nghị luận liên quan đến lòng yêu nước.
Đất nước ta đã trải qua biết bao sóng gió để có được hòa bình và độc lập ngày nay. Điều đó là nhờ vào nỗ lực cống hiến và tinh thần đoàn kết cùng tình
yêu nước sâu sắc của mỗi thế hệ. Lòng yêu nước vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng cần được trân trọng và phát triển hơn nữa. Yêu nước là nỗ lực không
ngừng để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng mạnh mẽ. Đó là tình cảm cao cả, thiêng liêng dành cho quê hương và đất nước. Yêu sông, yêu núi,
yêu làng, yêu xóm, yêu người dân sống trên mảnh đất hình chữ S là biểu hiện đơn giản, gần gũi nằm ngay trong lời nói hằng ngày của mỗi người. Lòng
yêu nước không chỉ hiện hữu ở thời kỳ kháng chiến, đó chính là đứng lên, cầm súng ra chiến đấu vì độc lập. Mọi khó khăn, gian khổ đều không ngần
ngại, xông lên phía trước dành lại độc lập tự do cho nhân dân. Lòng yêu nước lúc đó mạnh mẽ và quyết liệt, là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân
tương ái, cùng nhau chống lại kẻ thù. Lòng yêu nước chính là cố gắng không ngừng nghỉ, cố gắng ngày và đêm để giữ lấy độc lập của đất nước. Quân thù
hung ác nhưng ý chí chiến đấu của nhân dân càng phải quyết tâm. Tình yêu nước nồng nàn và tha thiết đó là vũ khí để chiến thắng kẻ thù. Trong thời
bình, lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân và sự vững bền cho đất nước. Mỗi
người từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn khôn đều cần yêu thương gia đình là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ. Tình yêu này còn phải được san sẻ với tất cả mọi
người xung quanh, tạo nên một tình yêu lớn lao và cao cả hơn. Thế hệ trẻ cần cống hiến và xây dựng đất nước phát triển. Lòng yêu nước của mỗi công
dân sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hãy giúp đỡ những người khó khăn xung quanh để tình yêu nước lan tỏa và phát triển
mạnh mẽ hơn. Nhưng đồng thời cũng cần xử lý nghiêm túc những người chống lại đất nước, chống lại chính quyền, để đảm bảo sự yên bình và ổn định
trong xã hội. Lòng yêu nước là cần thiết đối với mỗi con người trong xã hội này. Rèn luyện tinh thần này thường xuyên để đất nước ngày càng phát triển
và vững mạnh.

2. Viết đoạn văn nghị luận liên quan đến lý tưởng sống của thế hệ trẻ.

Con người trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội thì trước hết cần sống có lí tưởng. Lí tưởng sống là những suy nghĩ, hành động tích cực của con
người, hướng đến những điều tốt đẹp và cao cả. Lí tưởng sống ảnh hưởng quan trọng đến suy nghĩ và hành động của giới trẻ đặc biệt là các bạn thanh
niên hiện nay. Người sống có lí tưởng là những người biết phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống của mình, nỗ lực hết sức để mong muốn đạt được những
thành tựu cho riêng mình. Khi vấp ngã họ không chán nản, buông xuôi mà tìm cách đứng dậy sau vấp ngã để đi tiếp con đường mình đã chọn. Bên cạnh
đó, họ cũng là những người biết yêu thương những người xung quanh, luôn muốn lan tỏa những thông điệp tích cực ra xã hội, làm cho xã hội này tốt
đẹp hơn. Việc sống có lí tưởng và biết vươn lên trong cuộc sống mang đến cho con người những thành quả tốt đẹp sau bao nỗ lực, cố gắng. Ngoài ra, nó
còn giúp chúng ta tôi luyện những phẩm chất quý giá khác như: chăm chỉ, cần cù, lạc quan… Đặc biệt, sống có lí tưởng sẽ khiến chúng ta được người
khác yêu thương, tin tưởng và học tập theo. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm hoặc có ước mơ
nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn,… những người này sẽ khó có được thành công và sớm bị xã
hội đào thải. Mỗi chúng ta được lựa chọn cho mình mục tiêu và ước mơ, hãy trở thành một công dân có ích cho đất nước, sống có lí tưởng và luôn cố
gắng vươn lên phía trước.

3. Viết bài văn nghị luận văn học về thơ “Sang Thu”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (1942), tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, là một nhà thơ nổi tiếng của nhà thơ Việt Nam. Ông là hội viên hội nhà văn Việt Nam và là Chủ
tịch hội Nhà văn Việt Nam, kiêm nhiệm tổng biên tập báo Văn Nghệ. Ông có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như Âm vang chiến hào, Đường tới thành phố,
Thư mùa đông… Trong đó, bài thơ Sang Thu đem đến cho chúng ta một sự bất ngờ, một ấn tượng sâu sắc về tác giả khi ông làm toát lên được hồn của
mùa thu êm đềm, mênh mang.

Sang thu được tác giả viết theo thể ngũ ngôn, gồm ba khổ thơ, mỗi câu thơ đều diễn tả một nét thu êm đềm, hình ảnh của mùa thu trong buổi đầu thu,
thu mới về, thu chợt đến. Bài thơ là bút pháp nghệ thuật tinh tế, tài hoa của tác giả khi thể hiện cảnh sắc mùa thu ở đồng quê miền Bắc. Và mùa thu
được cảm nhận qua “hương ổi” được phả vào làn gió thu se lạnh, một mùi hương nồng nàn, khó quên:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió dịu.

Ở đây, nhà thơ không tả mà chỉ gợi cho người đọc liên tưởng về những trái ổi vàng ươm, thơm lừng tỏa ra từ những vườn ổi quê vào những ngày giao
mùa cuối hạ, đầu thu. Gió thu nhè nhẹ, se lạnh, đưa hương ổi nồng nàn phả vào không gian. Hương ổi trong thơ Hữu Thỉnh thật dân dã và gần gũi.

Sau hương ổi và gió thu se, tác giả miêu tả đến sương thu. Những giọt sương chứa đầy tâm trạng chùng chình, như cố ý để kéo dài thêm thời gian:

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa. Hai chữ “chùng chình” diễn tả bước đi chầm chậm của mùa thu đang về. Từ ngữ “hình như” thể hiện sự phỏng
đoán nét thu mơ hồ, như vừa chợt phát hiện và cảm nhận.

Ở khổ thơ tiếp theo, không gian của bức tranh sang thu được mở rộng cả về chiều cao, độ rộng của bầu trời với cánh chim bay và đám mây trôi, ở chiều
dài của dòng sông mênh mang:
Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Dòng sông mùa thu nước xanh trong vắt, nhẹ nhàng êm đềm trôi. Sông nước “dềnh dàng” như cố tình chậm chạp, thiếu khẩn trương. Thì những đàn
chim lại bay vội vã, có lẽ chúng đang bay về phương Nam để tránh cái rét sắp tới. Trong cả đoạn thơ, dòng sông, những đàn chim hay đám mây đều
được tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa. Bức tranh thu trở nên thật hữu tình và thi vị.

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Nhà thơ không dùng những từ ngữ nào khác, mà lại dùng từ vắt để miêu tả về đám mây. Đám mây như được kéo dài ra, vắt lên đặt ngang với bầu trời
rồi thả mình xuống mùa thu. Câu thơ này thật sự rất hay và độc đáo, sáng tạo.

Đến khổ thơ cuối, những cảm nhận, suy ngẫm của tác giả về mùa thu được Hữu Thỉnh gửi gắm qua những câu thơ:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Những hiện tượng thiên nhiên của mùa thu vào thời điểm giao mùa như nắng, mưa, sấm được tác giả cảm nhận rất tinh tế. Những từ ngữ được dùng
như vẫn còn, đã vơi dần, cũng bớt bất ngờ…gợi cho ta cảm nghĩ về thời lượng và sự hiện hữu của sự vật, của thiên nhiên, đó là nắng mùa thu, mưa mùa
thu, và cả tiếng sấm ngày đầu thu. Thời điểm này, mùa hạ có lẽ vẫn còn muốn níu giữ lại chút gì đó, nên những nắng, mưa mùa hạ vẫn còn vương vấn
đất trời.

Từ cảnh vật và không gian này, tác giả bỗng có những suy ngẫm về cuộc đời. Sấm và hàng cây đứng tuổi chính là những biến động của thiên nhiên, và ở
đây tác giả muốn nói đến những biến cố của cuộc đời. Hàng cây đứng tuổi chính là bản thân chúng ta, những ai đã từng trải, được rèn luyện qua thử
thách, khó khăn nhưng vẫn đứng vững.

Hai câu kết của bài thơ có lẽ tác giả dùng để khẳng định thêm về bản lĩnh, cùng những phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam ta trong thời kỳ đất
nước đổi mới, còn nhiều khó khăn thử thách. Dù vậy nhưng mọi người vẫn đứng vững để cùng nhau vượt qua.

Có thể nói, bằng những biện pháp nghệ thuật như nhân hóa và ẩn dụ, cùng những từ ngữ tinh tế, Hữu Thỉnh đã làm nên thành công của Sang thu. Bài
thơ như tiếng lòng của tác giả gửi gắm đến bao người về mùa thu tươi đẹp, tương lai tương sáng của đất nước đang đợi chờ chúng ta ở phía trước.

4. Viết bài văn nghị luận văn học về thơ “Viếng Lăng Bác”.

Bác Hồ là người có công rất lớn đối với đất nước và con người Việt Nam. Sự ra đi của Bác để lại niềm tiếc thương chung cho toàn nhân loại. Bao năm trời
kể từ lúc Bác ra đi, đồng bào ta vẫn luôn nhớ về Bác với những tình cảm chân thành nhất. Để bày tỏ tình yêu thương với người, nhà thơ Viễn Phương đã
sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác nhân chuyến ra Hà Nội thăm lăng của Người.

Mở đầu bài thơ là quang cảnh của lăng:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng."

Không gian quanh lăng gợi cảm giác trang trọng nhưng cũng vô cùng thơ mộng. Đó là hàng tre xanh xanh ẩn hiện mập mờ trong làn sương sớm. Hàng
tre đã bao năm đứng đó bao bọc, che chở, bảo vệ cho lăng Bác được bình yên. Hàng tre - biểu tượng của con người Việt Nam hàng nghìn đời nay với
những đức tính, phẩm chất quý báu. Tuy mạnh mẽ, kiên cường, trung bành, bất khuất nhưng cũng vô cùng giản dị, mộc mạc, đoàn kết với nhau. Chẳng
tự nhiên mà người ta trồng tre quanh lăng Bác, cũng chẳng tự nhiên mà nhà thơ mang hình ảnh cây tre vào trong thơ văn của mình. Dù cho sóng gió,
bão táp, mưa sa, thời tiết có khắc nghiệt đến đâu thì cây tre vẫn hiên ngang đứng thẳng hàng, vươn lên để bảo vệ cho giấc ngủ bình yên của Người. Cả
khổ thơ bao trọn là những xúc cảm đầu tiên của tác giả khi lần đầu được tới thăm lăng Bác với những cung bậc, cảm xúc khác nhau nhưng thấm đượm
tình yêu thương sâu sắc.
Khổ thơ thứ hai nói lên tâm trạng của tác giả khi nhìn thấy hình hài của Bác:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày mặt trời đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"

Cả khổ thơ là sự ca ngợi công ơn của Bác, đó cũng là niềm cảm kích, niềm biết ơn vô bờ của tất cả mọi người dân Việt Nam dành cho Bác. Hai câu thơ
đầu là hình ảnh ẩn dụ đầy độc đáo. Mặt trời của tự nhiên trong câu thơ đầu là mặt trời của tự nhiên, là nguồn sống cho muôn loài và hàng ngày mọc rồi
lặn như một quy luật, một sự tuần hoàn của cuộc sống. Mặt trời ấy quan trọng, quý giá và chỉ có một mà thôi. Ấy nhưng mặt trời tự nhiên lại bắt gặp
một mặt trời nữa cũng đẹp, cũng sáng. Ấy là “mặt trời trong lăng”- ẩn dụ chỉ Bác Hồ với những hi sinh lớn lao dành cho dân tộc. Điệp từ thời gian “ngày
ngày” lần nữa được sử dụng với dụng ý khẳng định tính chất thường xuyên liên tục. Đoàn người vào lăng viếng Bác nối nhau thành “dòng”. Và tất cả
“dòng người” đều chung một nỗi niềm, cảm xúc là thương yêu Bác. Thông qua nghệ thuật ẩn dụ, dòng người nối tiếp nhau kết thành “tràng hoa” dâng
Bác hiện lên thật đẹp. Viễn Phương mượn ẩn dụ “bảy mươi chín mùa xuân” để nói về tuổi của Bác. Bác ra đi nhưng luôn sống mãi ở độ tuổi bảy mươi
chín với sức xuân tràn ngập. Viễn Phương đã cô đọng, kết tinh tình cảm để cảm ơn người cha đem đến mùa xuân cho đất nước, con người Việt Nam.

Trong khổ thơ tiếp theo, nhà thơ Viễn Phương đã miêu tả hình hài của Bác cũng như nói lên tình cảm của mình:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Hai câu thơ đầu nói lên sự bình yên, thanh thản của Bác Hồ. Dù đã về cõi vĩnh hằng, mãi không trở về nhưng đối với tác giả và những con người nơi trần
thế, Bác vẫn chỉ “ngủ” mà thôi, Bác vẫn còn sống mãi cùng chúng ta. Bác đang nằm ở đó, nhẹ nhàng và thanh thản. Cả cuộc đời Người chỉ có một niềm
mong ước, đó là đất nước được hòa bình. Vậy nên khi đất nước được hòa bình, độc lập Người đã được nghỉ ngơi trong giấc ngủ yên bình. Người như
vầng trăng tỏa ra ánh sáng dịu dàng. Ánh sáng nhẹ nhàng của một tấm lòng cao đẹp, cả đời hi sinh vì nước vì dân; vầng trăng của một đất nước, một dân
tộc đã giành được độc lập, tự do.

Bầu trời bao năm tháng vẫn xanh một màu trường tồn vĩnh cửu. Con người ai cũng vậy đều phải theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử nghĩa; ai cũng được
sinh ra, lớn lên và già đi, rồi đến lúc mất, đi vào thiên thu, cõi vĩnh hằng, Bác cũng không ngoại lệ. Chúng ta ai cũng biết rằng Bác đã mất những hình ảnh
của Bác vẫn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam, Bác vẫn luôn luôn song hành và dõi theo từng bước đi của dân tộc. Thế nhưng nhận thức là như
vậy nhưng trái tim vẫn có lí lẽ riêng của nó, trái tim của nhà thơ vẫn nhói đau, nỗi đau xót đến xé lòng. Dù đã tự an ủi bản thân rằng đó là quy luật của tự
nhiên nhưng trong lòng lại đau đớn đến tột cùng. Nỗi đau ấy bất chấp cả nhận thức của lí trí, của con tim.

Khép lại bài thơ là những cảm xúc được nhà thơ nhắn nhủ trước khi trở về miền Nam:

“ Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”

Bao nhiêu nỗi đau xót, nghẹn ngào cứ thế tuôn theo dòng lệ trào theo lời giã biệt của người con khi phải xa cha lần nữa. Lời nói giản dị diễn tả tình cảm
của nhà thơ dành cho Bác cũng như của tất cả mọi người khi phải rời lăng. Từ “trào” diễn tả cảm xúc mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn rời xa nơi
Bác nghỉ. Điệp từ “muốn” lặp lại ba lần như khẳng định lại ước muốn của nhà thơ. Những ước nguyện đó thật đáng quý biết bao! Nhà thơ muốn làm con
chim hót để mang âm thanh của thiên nhiên, đẹp đẽ, trong lành đến với nơi Bác nghỉ; muốn làm một đóa hoa tỏa hương thơm thanh cao; muốn làm
một cây tre trung hiếu giữ mãi giấc ngủ bình yên cho Người. Hình ảnh cây tre quả thật là một hình ảnh đẹp và được khép lại rất khéo ở cuối bài thơ tạo
nên kết cấu đầu cuối tương ứng. Ở đầu bài thơ, nhà thơ cũng mở đầu bằng hình ảnh hàng tre, đó là hình ảnh khi tác giả nhìn thấy khi vào lăng. Đó cũng
là hình ảnh biểu tượng cho con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nhưng kết thúc bài thơ là hình ảnh cây tre trung hiếu canh giữ cho giấc ngủ bình yên
của Bác. Cả khổ thơ đã thể hiện niềm mong ước cháy bỏng của tác giả, cũng chính là mong ước của mỗi người dân Việt Nam. Đó là luôn luôn được ở
cạnh Người, ở cạnh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.

Viếng lăng Bác là bài thơ ngắn mà ý thơ, hình tượng thơ, cảm xúc thơ sâu lắng. Bài thơ như một bài ca ngân vang ca ngợi về Bác Hồ và thể hiện được
một nỗi niềm, tình cảm của chính nhà thơ Viễn Phương với Bác. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị tốt đẹp ban đầu của
nó và để lại ấn tượng trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

You might also like