You are on page 1of 5

Ngày soạn 19/12/2023

Buổi 6:
Ôn luyện Văn bản: Ánh trăng
(Nguyễn Duy)
A. Mục tiêu cần đạt.
1. Kiến thức: HS:
- Ôn tập, củng cố kiến thức về tác giả, tác phẩm.
- Hiểu sâu sắc về chủ đề của bài thơ. Từ đó hiểu được đạo lí, lẽ sống của dân tộc
Việt Nam ta.
- Hiểu các tầng ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng trong bài thơ.
2. Kĩ năng: Rèn luyện kĩ năng phân tích, cảm thụ hình ảnh thơ, bài thơ.
3. Phẩm chất:
Giáo dục cho HS đạo lý uống nước, nhớ nguồn;
Chăm chỉ, tích cực, tự giác và có ý thức hợp tác trong học tập.
1. Năng lực:
Phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực hợp tác, năng lực thuyết trình.
Năng lực xây dựng dàn ý và xây dựng đoạn văn.
B. Chuẩn bị:
GV: Nghiên cứu tài liệu, soạn bài.
HS: Ôn lại bài thơ.
C. Tiến trình bài dạy.
C.1: Ổn định lớp.
C.2: Kiểm tra bài tập buổi 5.
C.3: Bài mới:
I. Ôn tập kiến thức:
1. Tác giả:
?Trình bày những hiểu biết của em về nhà thơ Nguyễn Duy bằng sơ đồ tư duy?
- Nguyễn Duy: Nguyễn Duy Nhuệ sinh năm 1948; Quê ở Thành phố Thanh Hoá.
- Gia nhập quân đội vào binh chủng thông tin từ năm 1966, tham gia chiến đấu ở
nhiều chiến trường.
- Năm 1972 - 1973 Nguyễn Duy được tặng giải nhất cuộc thi thơ báo văn nghệ với
chùm thơ 4 bài: "Tre Việt Nam", "Hơi ấm ổ rơm", "Giọt nước mắt và nụ cười", "Bầu trời
vuông"
-> Từ giải thưởng này Nguyễn Duy trở thành gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà
thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ và sau khi nmieenf Nam giải phóng ông tiếp tục
bền bỉ sáng tác.
- Sau năm 1975, ông chuyển về làm báo văn nghệ giải phóng. Từ năm 1977,
Nguyễn Duy là đại diện thường trú báo Văn nghệ của các tỉnh phía Nam tại thành phố
Hồ Chí Minh.
- Là một nhà thơ chiến sĩ. Thơ của Nguyễn Duy dung dị, hồn nhiên và trong sáng.
Ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ sáng tạo, gợi cảm và rất đẹp, một vẻ đẹp chân quê. Sau này
cảm xúc trữ tình trong thơ Nguyễn Duy ít nhiều pha màu sắc triết lí khá thâm trầm, sâu
sắc (Ánh trăng: Giàu chất triết lí, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt
suy tư)
2. Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh ra đời.
? Bài thơ "Ánh trăng" ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?
Bài thơ "Ánh trăng'' được viết 1978, ba năm sau ngày miền Nam giải phóng, đất
nước thống nhất, lúc ấy tác giả sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, in trong tập
"Ánh trăng'' - tập thơ của Nguyễn Duy được tặng giải A của Hội nhà văn Việt Nam năm
1984.
b. Mạch cảm xúc:
- Bài thơ như một câu chuyện nhỏ kể theo trình tự thời gian:
+ Hồi nhỏ: sống với đồng
+ Hồi chiến tranh: ở rừng
+ Hoà bình: về thành phố.
=> cảm xúc của tác giả cũng men theo dòng trữ tình này: hồi nhỏ, hồi chiến tranh
sống gần gủi với thiên nhiên cho nên vầng trăng trở thành vầng trăng tri kỉ - vầng trăng
tình nghĩa. Đến khi về thành phố, sống giữa tiện nghi hiện đại, vầng trăng đi qua như
người dưng qua đường.
Trong diễn biến của câu chuyện có một sự việc bất thường tạo ra bước ngoặt để từ
đó nhà thơ bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề của tác phẩm.
?Từ sự việc bất thường đó em hãy nêu chủ đề và ý nghĩa khái quát của bài thơ?
c. Chủ đề:
=> Nguyễn Duy viết bài thơ này vào lúc cuộc kháng chiến đã khép lại được ba
năm. Ba năm sống trong hoà bình, không phải ai cũng còn nhớ những gian khổ và
kỉ niệm nghĩa tình trong quá khứ. Nguyễn Duy viết "Ánh trăng" trước hết là tiếng
lòng, là suy ngẫm riêng của nhà thơ. Nhưng ý nghĩa bài thơ không chỉ có thế. Nhà
thơ đứng giữa hôm nay mà nhìn ngẫm lại thời đã qua và từ tâm trạng riêng, tiếng
thơ ông như một lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở, như một lời tâm sự, một lời nhắn nhủ
chân tình với chính mình, với mọi người về lẽ sống chung thuỷ, nghĩa tình, giữ trọn
đạo lí tốt đẹp.
4. ý nghĩa:
- Bài thơ không chỉ là chuyện riêng của nhà thơ, chuyện của một người mà nó còn
có ý nghĩa của cả một thế hệ - thế hệ từng trải qua những năm tháng dài gian khổ của
chiến tranh, từng gắn bó với thiên nhiên, sống với nhân dân tình nghĩa, giờ được sống
trong hoà bình, được tiếp xuác với những tiện nghi hiện đại .
- Bài thơ còn có ý nghĩa với nhiều người, nhiều thời bởi nó đặt ra vấn đề, thái độ
đối với quá khứ, cội nguồn, những người đã khuất và cả đối với chính mình - đó là lẽ
sống ân nghĩa thuỷ chung "uống nước nhớ nguồn" -> Đó là truyền thống tốt đẹp của dân
tộc ta.
II. Luyện đề:
Đề 1: Cảm nhận vể vẻ đẹp của bài thơ "Ánh trăng" - Nguyễn Duy.
1. Tìm hiểu đề:
- Kiểu bài : Nghị luận về một bài thơ.
- Yêu cầu: Phân tích bài thơ để thấy được tâm sự sâu kín của nhà thơ.
- Phạm vi dẫn chứng: Bài thơ "Ánh tăng"
2. Tìm ý và lập dàn ý:
a. Mở bài:
- Giới thiệu đôi nét về nhà thơ Nguyễn Duy.
- Giới thiệu tác phẩm: Ánh trăng là một trong những bài thơ hay, tiêu biểu cho
phong cách thơ của nhà thơ Nguyễn Duy. Bài thơ như một lời tâm sự sâu kín, một lời
nhắn nhủ chân tình với chính mình, với mọi người về lẽ sống chung thuỷ, nghĩa tình.
b. Thân bài:
* Kq:
Nguyễn Duy viết bài thơ này vào lúc cuộc kháng chiến chống mĩ cứu nước đã
khép lại được ba năm (1978). Ba năm sống trong hoà bình, không phải ai cũng còn nhớ
những gian khổ và kỉ niệm nghĩa tình trong quá khứ. Nguyễn Duy viết "Ánh trăng"
trước hết là tiếng lòng, là suy ngẫm riêng của nhà thơ. Nhưng ý nghĩa bài thơ không chỉ
có thế. Nhà thơ đứng giữa hôm nay mà nhìn, ngẫm lại thời đã qua và từ tâm trạng riêng,
tiếng thơ ông như một lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở, như một lời tâm sự, một lời nhắn nhủ
chân tình với chính mình, với mọi người về lẽ sống chung thuỷ, nghĩa tình, giữ trọn đạo
lí tốt đẹp. Lời nhắc nhắc nhở ấy được Nguyễn Duy thể hiện qua từng câu chữ trong bài
thơ.
Trăng là đề tài muôn thuở của thi ca từ xưa đến nay. Trăng là bạn tri kỉ, bạn tâm
tình, chia sẻ mọi cảm xúc của thi nhân. Trăng là biểu tượng cho không gian thanh bình,
hiền hoà. Là niềm thương, nỗi nhớ của thi nhân, là vẻ đẹp của quê hương đất nước.
Không chỉ có thế trăng còn gắn bó với những kỉ nệm của tuổi thơ, của những ngày kháng
chiến gian khổ. Vầng trăng đối với mỗi chúng ta không bao giờ có thể quên và đừng vô
tình lãng quên. Lời nhắc nhắc nhở ấy được Nguyễn Duy thể hiện qua từng câu chữ trong
bài “Ánh trăng”
* Phân tích, cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ:
+ Mở đầu bài thơ là kỉ niệm về vầng trăng trong quá khứ (2 khổ thơ đầu).
- Vầng trăng tuổi thơ trải rộng trên một không gian bao la:
"Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể".
Hai câu thơ 10 tiếng gieo vần lưng (đồng - sông); từ với được điệp lại ba lần nhằm
diễn tả một tuổi thơ đi nhiều, hạnh phúc khi được cảm nhận những vẻ đẹp kì diệu của
thiên nhiên, được ngắm trăng trên đồng quê, ngắm trăng trên dòng sông và ngắm trăng
trên bãi bể.
- Hai câu thơ tiếp theo nói về một thời khói lửa của chiến tranh, những năm tháng
gian lao ấy, trăng gắn bó thân thiết với người lính, trăng với người đã thành đôi tri kỉ:
"Hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ"
Tri kỉ -> Trăng với người lính trong những năm ở rừng thời chiến tranh đã thành
đôi tri kỉ. Trăng luôn sát cánh bên người lính, cùng họ vượt sương gió, những đau thương
khốc liệt của bom đạn kẻ thù. Trăng đồng hành cùng người lính trên mọi nẽo đường hành
quân, trăng là người bạn để người lính gửi gắm những tâm sự về nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
=> Tuổi thơ và năm tháng chiến tranh, cả một quảng thời gian dài gian khổ được
sống trong tình yêu, gắn bó với thiên, đất nước bình dị, hiền hậu với những miền quê ấy
vầng trăng thành tri kỉ. Trăng như mái nhà, như người bạn thân thiết của con người. Ở đó
tâm hồn, tình cảm con người cũng nguyên sơ, thuần phác như chính thiên nhiên. Trăng
và người đã tạo nên mối giao hoà thuỷ chung:
"Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ"
Vầng trăng là biểu tượng đẹp của những năm tháng ấy, đã trở thành "vầng trăng tri
kỉ - vầng trăng tình nghĩa". Từ sự gắn bó mật thiết đó ta tự nhủ với lòng mình dù có đi
đâu về đâu dù muôn sự đổi thay cũng không bao giờ quên hình ảnh bình dị, hiền hậu này
ngỡ như không bao giờ có thể quên: cái vầng trăng tình nghĩa
+ Vầng trăng trong hiện tại: (Khổ thơ 3,4)
- Thời gian trôi qua, hoàn cảnh sống thay đổi, con người cũng dễ đổi thay. Ý nghĩ
về sự gắn bó ân tình giữa trăng và người không còn nguyên vẹn. Từ núi rừng, sau chiến
tranh - giờ đây trong không gian sống của thành phố với phòng buynh đinh, trong những
tòa cao ốc, quen ánh điện, cửa gương (- ẩn dụ: cuộc sống đầy đủ tiện nghi, với những thứ
sang trọng)... ta đã dần lãng quên ánh trăng xưa, quên cuộc sống giản dị đầy gian khổ
trong quá khứ:
"Từ hồi về thành phố
....như người dưng qua đường"
Quan hệ tri kỉ, tình nghĩa xưa đã được thay thế bằng quan hệ người dưng. Trăng
được nhân hoá - vẫn thường qua ngõ ngắm nhà thơ và lặng lẽ đi qua đường, trăng như
người dưng đi qua chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay. Sự vô tình đến mức tàn nhẫn. Sự
ồn ã của phố phường, những nỗi lo cơm áo gạo tiền đã đẩy con người ra xa những giá trị
tinh thần, lãng quên quá khứ nghĩa tình. Con người khi có đầy đủ về vật chất thường hay
quên đi những giá trị tinh thần, quên đi thứ gọi là tình cảm. Trong hoàn cảnh đó, một tình
huống bất ngờ xảy đến buộc người lính phải đối mặt:
"Thình lình đèn điện tắt
.....
đột ngột vầng trăng tròn"
Khi đèn điện tắt cũng chính là lúc không còn được sống trong cái xa hoa lộng lẫy,
người lính đối mặt với cái hiện thực tối tăm. Trong cái "thình lình", "đột ngột" (không
báo trước, không có sự chuẩn bị) ấy, người lính vội bật tung cửa sổ để tìm ánh sáng và
trong khoảnh khắc ấy bất chợt nhận ra. Chẳng phải cái gì xa lạ, đó chính là người bạn
năm xưa. "Người bạn ấy" luôn chờ đợi con người mặc dù con người đã quên lãng. Vầng
trăng ấy vị tha, khoan dung, không trách móc, sẵn sàng đón nhận tấm lòng của con
người.
+ Suy ngẫm của nhà thơ (2 khổ thơ cuối):
- Khi ánh sáng nhân tạo vụt tắt, bóng tối bao phủ khắp không gian thì ánh trăng
xuất hiện. Sự xuất hiện một cách đột ngột, bất ngờ đã làm thức dậy trong tâm trí con
người bao cảm xúc:
"Ngửa mặt lên nhìn mặt
...như là sông là rừng"
"Ngửa mặt lên nhìn mặt", mặt người và mặt trăng đối diện nhau (cuộc đối diện
đàm tâm). Đó là lúc người lính gặp lại "cố nhân". Khoảnh khắc gặp gỡ đó khiến hồn
người "rưng rưng" cảm xúc. Vầng trăng làm ùa dậy trong tâm trí những hình ảnh của
thiên nhiên, của quê hương đất nước. Không chỉ có thế vầng trăng còn đánh thức trong
tâm trí con người bao kỉ niệm hồn nhiên của tuổi thơ, bao kỉ niệm nghĩa tình của một thời
gian lao chiến đấu. Gặp lại ánh trăng nhớ về đồng, sông, bể, rừng con người như tìm lại
được chính mình một thời dù khổ đau, gian khó nhưng sống vô cùng ân nghĩa thuỷ
chung.
- Trăng xưa đến với người vẫn tròn, vẫn đẹp viên mãn, vẫn thuỷ chung, vẫn mộc
mạc và bình dị. Trăng vẫn cứ lặng lẽ, trong sáng vô tư, mặc cho thời gian trôi, mặc cho
không gian thay đổi, mặc cho bạn bầu xưa ai đó quay lưng:
" trăng cứ tròn vành vạnh
... đủ cho ta giật mình"
Mặc cho con người vô tình, "trăng cứ tròn vành vạnh". Đó là hình ảnh tượng trưng
cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên chẳng phai mờ, „ánh trăng im phăng phắc", phép nhân
hoá khiến hình ảnh vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một
nhân chứng, rất nghĩa tình nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc đang nhắc nhở con người
đừng quên quá khứ. "ánh trăng im phăng phắc" mặc dù không một lời trách cứ nhưng
cũng đủ để làm cho con người giật mình – cái giật mình thức tỉnh, nhận ra sự vô tình
không nên có, sự lãng quên đáng trách của mình. -> Ánh trăng là một lời nhắc nhở chúng
ta vế lối sống ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả
nhớ kẻ trồng cây.
Như vậy, khổ thơ cuối đạt tới chiều sâu tư tưởng và triết lý. Trăng vẫn đẹp, vẫn
tròn như vậy dù trải qua biết bao thăng trầm. Trăng không nói gì cả khiến cho con người
ta giật mình. Ánh trăng như tấm gương để con người soi mình qua đó, để con người nhận
ra mình để thức tỉnh lương tri.
* Đánh giá, nâng cao:
Thể thơ năm chữ được vận dụng sáng tạo, các chữ đầu dòng thơ không viết hoa
thể hiện những cảm xúc liền mạch của nhà thơ. Ngôn ngữ hàm súc cô đọng, giàu giá trị
biểu cảm. Nhịp thơ nhanh, giọng thơ tâm tình gây ấn tượng mạnh cho người đọc.
Ánh trăng đã đi vào lòng người đọc qua bao thế hệ, như là lời nhắc nhở bao
người. Nếu ai đã đánh mất những giá trị tinh thần quý giá thì hãy thức tỉnh và tìm lại
những giá trị đó. -> nhắc nhở con người thái độ sống ân nghĩa thuỷ chung với quá khứ.
Đó là đạo lí "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.
- Liên hệ đến một số bài thơ khác cùng đề tài để thấy được đóng góp của nhà thơ
trong đề tài này.
c. Kết bài:
Khẳng định giá trị, sức sống của bài thơ, ấn tượng của bản thân và sự bồi đắp của
tác phẩm trong tâm hồn người đọc.
Đề 2: ( Lớp 9.2)
Phân tích giá trị của biện pháp tu từ trong đoạn thơ:
“...Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”
GV hướng dẫn học sinh phân tích tác dụng của việc sử dụng từ láy “vành vạnh”,
“phăng phắc” và biện pháp tu từ nhân hóa: Trăng im phăng phắc.
C.4. Hướng dẫn học ở nhà:
- Hoàn thành bài viết theo dàn ý trên
- Xem lại nội dung và đọc thuộc lòng bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá"

You might also like