You are on page 1of 22

CHỦ ĐỀ 11

Câu 1.
a. Trong văn bản 1, tình sư đệ được thể hiện đặc biệt trong những ngày tết xưa. Tình
cảm ấy biểu hiện rõ nét qua mỹ tục tết thầy vào ngày mùng ba tết. Vào thời điểm này,
người ta thấy từng tốp học trò lũ lượt kéo nhau đi đến nhà thầy, từ những cậu bé tóc
còn để chỏm đến những chàng trai đã đến tuổi lập gia đình (cách đây hàng trăm năm,
nhiều chàng trai 16 - 17 tuổi đã có vợ).
b. Lời dẫn trực tiếp trong văn bản 2:
“Vất vả, gian khổ lắm cô chú phóng viên ạ! Nhưng tình đồng đội là thứ tồn tại và
giúp chúng tôi duy trì sức chiến đấu mạnh mẽ”
c.
Điểm giống nhau : đều nói về những vấn đề liên quan đến những hoài niệm, suy
ngẫm về quá khứ.
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: Văn bản đã bàn về nét đẹp của truyền thống biết ơn, “tôn sư
trọng đạo” trong những ngày tết xưa.
-Văn bản 2: Văn bản là sự hồi tưởng những kí ức, về thời thanh xuân cống
hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của thương binh Đỗ Văn Bẩm
d. HS tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục; lưu ý đảm bảo
số câu theo yêu cầu.
Có thể theo gợi ý sau:
- Ý kiến đã định hướng thái độ sống đúng đắn: được sống trong hòa bình, tự
do như hiện tại, chúng ta càng cần phải trân trọng quá khứ gian khó hào hùng.
- Quá khứ dân tộc Việt Nam đầy vất vả gian lao nhưng thật đầy anh dũng.
Trải qua bao thăng trầm, có được nền độc lập là sự đánh đổi bằng mồ hôi, nước
mắt, xương máu của những con người anh hùng. Chính vì vậy, thế hệ sau cần
phải biết ơn và trân trọng quá khứ - đó là khoảng không gian kí ức kì diệu và giá
trị mà thế hệ trước đã dành cho thế hệ mai sau.
- Mỗi chúng ta cần ý thức sâu sắc về quá khứ nghĩa tình để biết yêu quý,
nâng niu phút giây thực tại vô cùng quý giá.

Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Giải thích:
- Quá khứ là thời gian đã qua, những điều chỉ còn trong kí ức. Nhớ về quá khứ
chính là sự hồi tưởng, nhìn về những gì đã trải qua.
- Ý kiến trên đã đặt ra vấn đề sâu sắc: khi nhìn lại những điều xảy ra trong quá
khứ sẽ giúp cho chúng ta thay đổi, sẽ sống tốt hơn, tích cực hơn
3. Bàn luận:
- Quá khứ của mỗi người đều đan xen những kỉ niệm đẹp và những kí ức buồn,
thậm chí là tồi tệ. Dù đó là gì đi chăng nữa, ở một góc độ nào đó, nó cũng có thể giúp
ta thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chúng ta cần nhớ về quá khứ không phải là để
nuối tiếc mà là để rút kinh nghiệm, để trân trọng hiện tại và đưa ra mục đích của mình
trong tương lai.
- Quá khứ đẹp đẽ yên bình giúp ta giữ tinh thần lạc quan, không lo lắng và sợ hãi
về những điều bất định. Nói như vậy, quá khứ cũng là điểm tựa tinh thần của mỗi
người. Nghĩ về những điều tốt đẹp đã xảy ra luôn làm ta cảm thấy nhẹ nhõm và thoải
mái, yêu đời hơn. Từ đó, sẽ hình thành những suy nghĩ, những nguồn năng lượng tích
cực cho cuộc sống hiện tại.
- Quá khứ với những nỗi buồn và thương đau cho ta bài học đắt giá ở đời và
những kinh nghiệm sống quý báu. Ngay cả những điều tồi tệ, những vấp ngã trong
quá khứ luôn buộc ta phải thức tỉnh, thay đổi bản thân. Từ đó, chúng ta trưởng thành,
vững vàng hơn. Nhớ về quá khứ để suy ngẫm, chiêm nghiệm cũng chính là một cách
để mỗi chúng ta thay đổi bản thân mình tốt hơn, trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của
chính bản thân mình.
- Tuy nhiên cũng cần phê phán những người trốn chạy hiện tại, mãi sống trong
bức tường kiên cố của dĩ vãng cũng như tư tưởng ăn mày quá khứ hay ngủ quên trong
quá khứ.
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Cần có suy nghĩ đúng đắn, chín chắn để những điều ta đang hoài niệm, đó cũng
lài là liều thuốc giúp tinh thần ta lạc quan, thoải mái, và hi vọng vào một tương lai tốt
đẹp.
- Đừng quên trân trọng từng giây phút hiện tại, vì đó thực sự là giây phút chúng
ta đang trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống.
- Cần nhìn nhận đúng vị trí của mình ở thời điểm hiện tại để so sánh với quá khứ.
Từ đó chúng ta sẽ có một cái nhìn rõ nét để định hướng tương lai, thay đổi bản thân
theo chiều hướng tích cực.
Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Nguyễn Duy quê ở Thanh Hóa, thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc
kháng chiến chống Mĩ; thơ ông có sự kết hợp hài hoà giữa sự duyên dáng trữ tình và
chất thế sự, ngang tàng mà vẫn trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm.
- Bài thơ được in trong tập thơ cùng tên (được giải A của Hội nhà văn Việt Nam
năm 1984), được viết năm 1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Vai trò khơi gợi bao suy tư, cảm xúc của kí ức thể
hiện trong bài thơ.
2. Cảm nhận bài thơ được chọn:
a. Nội dung:
 Kí ức về một thời gắn bó thiết tha:
- Tác giả đã mở đầu bài thơ với hình ảnh trăng trong kí ức tuổi thơ và những
ngày kháng chiến. Hình ảnh vầng trăng hiện ra trong không gian của ruộng đồng,
sông biển, núi rừng. Đó là vầng trăng của “đồng, sông, bể” và sau này là “chiến
tranh ở rừng”. Lúc ấy, con người và vầng trăng gắn bó cùng nhau.
- Khi lớn lên, vầng trăng đã theo tác giả vào chiến trường để “chờ giặc tới”.
Trăng luôn sát cánh bên người lính, cùng họ trải nghiệm sương gió, vượt qua những
đau thương và khốc liệt của bom đạn kẻ thù. Trăng đã thật sự trở thành “tri kỉ” của
người lính trong những năm tháng máu lửa. Với nghệ thuật nhân hóa “vầng trăng
thành tri kỉ”, trăng thật sự đã là người bạn thân thiết, tri âm tri kỉ, là đồng chí cùng
chia sẻ những vui buồn trong chiến trận với người lính – thi sĩ.
- Trăng có vẻ đẹp bình dị vô cùng, một vẻ đẹp gắn với quá khứ trong sáng,
thiên nhiên vô tư. Trăng hòa vào thiên nhiên, vào cây cỏ, trăng ngọt ngào ấm áp kí
ức “ngỡ không bao giờ quên”. Chính hình ảnh so sánh độc đáo “hồn nhiên như cây
cỏ” đã tô đậm lên vẻ đẹp gần gũi, mộc mạc, hồn nhiên của vầng trăng và cũng là
của người lính trong những năm tháng ở rừng.
 Kí ức bị lãng quên nhanh chóng trong hiện tại đủ đầy:
- Đến khi về thành phố, sống giữa những tiện nghi hiện đại “quen ánh điện cửa
gương”, con người không nhớ đến vầng trăng “ngỡ không bao giờ quên” kia, bỗng
vô tình với “ cái vầng trăng tình nghĩa” kia. Thời gian trôi qua cuốn theo mọi thứ
như một cơn lốc, con người không thể kháng cự lại sự thay đổi vốn thường là tất
yếu. Người lính năm xưa nay cũng làm quen dần với những thứ hiện đại như “ánh
điện, cửa gương” và rồi đã quên đi người bạn tri kỉ của mình, người bạn mà tưởng
chừng chẳng thể quên được.
- “Người tri kỉ ấy” đi qua ngõ nhà mình, vầng trăng vẫn thế nhưng con người
đã quên trăng, hờ hững, lạnh nhạt, dửng dưng đến vô tình, xem như “người dưng”
như không quen không biết. Vầng trăng giờ đây bỗng trở thành người xa lạ, chẳng
còn ai nhớ, chẳng còn ai quan tâm.
 Kí ức gợi nhắc bài học đạo lí:
- Và tình huống gặp gỡ chợt đến, vầng trăng thường “đi qua ngõ” đột nhiên
chạm mặt người bạn vội quên mình trong một phút giây bất ngờ. Ba động từ “vội,
bật, tung” đi liền nhau diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương, hối hả của
tác giả để đi tìm nguồn sáng. Trong cái “thình lình”, “đột ngột” ấy, người lính bất
ngờ đối diện với “vầng trăng tròn” – tự nhiên hiện ra vằng vặc giữa trời, chiếu vào
căn phòng tối om kia, chiếu lên khuôn mặt đang ngửa nhìn lên trời.
- Trăng trở nên quý giá biết bao vào những khi mất điện. Và riêng tác giả, cái
vầng trăng đột ngột hiện trên khoảng trời kia đâu phải chỉ để thay thế trong khoảnh
khắc cho sự cố vừa rồi, mà nó còn làm xáo trộn tâm hồn thi sĩ. “Ngửa mặt lên nhìn
mặt”, hai từ “mặt” trong cùng một dòng thơ: mặt trăng và mặt người đang đối diện.
Người lính cảm thấy có cái gì “rưng rưng” xúc động từ tận đáy lòng. Đối mặt với
vầng trăng, người lính bỗng cảm thấy như đang xem một thước phim quay chậm về
quá khứ ngày nào, nơi có “đồng” và có “bể”, có “sông” và có “bể” . Khoảnh khắc
bất ngờ gặp lại vầng trăng – cố nhân khiến hồn người rưng rưng cảm xúc. Cuộc đời
mỗi con người không ai có thể đoán biết trước được. Không ai mãi sống trong một
cuộc sống yên bình mà không có khó khăn, thử thách. Cũng như một dòng sông,
đời người là một chuỗi dài với những quanh co, uốn khúc. Và chính trong những
khúc quanh ấy, những biến cố ấy, con người mới thật sự hiểu được cái gì là quan
trọng, cái gì sẽ gắn bó với họ trong suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời.
- Trăng “tròn vành vạnh” – vẻ đẹp vẫn tròn đầy và không hề bị thay đổi dù cho
trải qua biết bao thăng trầm. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên, nhưng
thiên nhiên và nghĩa tình quá khứ thì vẫn vẹn nguyên vĩnh hằng và bất diệt. Trăng
chỉ im lặng phăng phắc, không nói gì cả, chỉ nhìn, nhưng cái nhìn đó đủ khiến cho
con người giật mình. Cái giật mình là cảm giác và phản xạ tâm lí có thật của một
người biết suy nghĩ, chợt nhận ra sự vô tình, nông nổi trong cách sống của mình.
Cái giật mình của sự ăn năn, tự trách, tự nhắc nhở bản thân không bao giờ làm
người chối bỏ ân tình, lãng quên quá khứ. Con người “giật mình” trước ánh trăng
là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là
lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp tâm hồn con người.
b. Nghệ thuật: Với sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình, tự sự làm cho
trữ tình tự nhiên mà cũng rất sâu nặng, hình ảnh thơ giàu tính sáng tạo với nhiều
tầng ý nghĩa (trăng vừa là thiên nhiên tươi đẹp vĩnh hằng, là người bạn gắn bó đã
lâu và cũng tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình), nhịp thơ thay đổi linh hoạt theo
dòng cảm xúc.
3. Nêu ra những tác động của bài thơ đối với bản thân:
- Câu chuyện trong bài thơ là chuyện không phải của riêng ai. Đó là của tác giả,
nhưng cũng có thể là của bất cứ ai chúng ta. Mỗi người đều từng có quá khứ của mình,
ứng xử với quá khứ như thế nào sẽ góp phần định hình nên nhân cách của chúng ta.
Lãng quên quá khứ là câu chuyện của muôn đời, của nhiều người nên càng phải trân
quý những lời cảnh tỉnh mà Nguyễn Duy đã viết, tuy ngắn gọn nhưng vẫn hàm chứa
bao nhiêu ý nghĩa, khá quen thuộc vẫn tạo được sự thấm thía sâu xa.
- Cuộc đời mỗi con người không ai có thể đoán biết trước được. Không ai mãi
sống trong một cuộc sống yên bình mà không có khó khăn, thử thách. Cũng như một
dòng sông, đời người là một chuỗi dài với những quanh co, uốn khúc. Và chính trong
những khúc quanh ấy, những biến cố ấy, con người mới thật sự hiểu được cái gì là
quan trọng, cái gì sẽ gắn bó với họ trong suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Đó
chính là quá khứ sâu nặng nghĩa tình - điểm tựa tinh thần vững chắc, cội nguồn phát
triển trong hiện tại và tương lai.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh: Bếp lửa (Bằng Việt), Nói với con (Y
Phương),…

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Thuật xử thế
của người xưa (Nguyễn Duy Cần), Nhật kí Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi
(Nguyễn Văn Thạc),…
CHỦ ĐỀ 12

Câu 1.
a. Phép liên kết về hình thức được sử dụng trong các câu văn trên là phép thế, từ “nó”
trong câu sau được dùng để thay thế cho “chú chim nhỏ” trong câu trước.
b. Theo văn bản 2, thành tựu to lớn nhất mà 3000 y bác sĩ của “Mô hình chăm sóc F0
dựa vào cộng đồng” đạt được là sự bình phục của hàng chục ngàn bệnh nhân, là sự
hồi sinh của TP.HCM.
c.
Điểm giống nhau: đều nói về những vấn đề liên quan đến chủ đề sự nỗ lực sống
tích cực và làm việc hết mình để vượt qua đại dịch Covid-19.
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: Văn bản khẳng định lối sống tích cực, chan hoà với tự nhiên đã giúp
con người vượt qua bệnh tật.
-Văn bản 2: Văn bản bàn về sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đầy trân quý của đội
ngũ y, bác sĩ để giúp bệnh nhân vượt qua nguy kịch khi đại dịch Covid-19 ập tới.
d. HS tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục; lưu ý đảm bảo
số câu theo yêu cầu.
Có thể theo gợi ý sau:
- Nên suy nghĩ và hành động tích cực để tìm thấy ánh sáng, hi vọng và lối đi
trong những hoàn cảnh cùng cực, bế tắc.
- Cần trân quý và tôn vinh sự lao động và cống hiến miệt mài của “các
thiên thần áo trắng” vì họ đã cứu chữa cho các bệnh nhân bằng bàn tay, khối óc,
con tim.

Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Giải thích:
- Đi xuyên qua thử thách được hiểu là chọn cách đương đầu trực diện với khó
khăn trong cuộc sống.
- Ý kiến trên đã gợi ra vai trò của việc dámđối mặt với những tình huống khó
khăn, sóng gió trong cuộc sống. Chúng ta có nhiều lựa chọn trước mỗi tình huống, đi
xuyên qua nó, không phải là điều dễ dàng, nhưng là cách tốt nhất để vượt qua những
biến động tất yếu của cuộc đời.
3. Bàn luận:
- Đi xuyên qua thử thách giúp mỗi người hun đúc bản lĩnh. Mỗi lần quyết định
đối mặt, vượt qua và giải quyết các vấn đề trong thử thách, là mỗi lần trở nên vững
vàng hơn trước giông bão của cuộc sống.
- Đi xuyên qua thử thách cũng là cách để mỗi người trưởng thành hơn về nhận
thức, suy nghĩ, hành động. Bởi lẽ, chỉ có bản thân mới là người có thể giải quyết trực
tiếp và rút ra bài học sau mỗi lần trải nghiệm. Hơn nữa, ta cũng cần học cách sống có
trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Dám chịu trách nhiệm, là biểu hiện đầu
tiên của sự trưởng thành.
- Cuộc sống có muôn vàn khó khăn, yếu đuối và dựa dẫm vào người khác, sẽ
khiến ta trượt dài trên thất vọng. Vì vậy, rắn rỏi đứng lên và đi xuyên qua thử thách,
sẽ là cách để con người đón nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhất.
- Phê phán những người hay trốn tránh, hay đổ lỗi hoặc có thói quen dựa dẫm
vào người khác khi gặp khó khăn, thử thách.
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Nên rèn luyện thái độ mạnh mẽ, dứt khoát, dám xuyên qua thử thách từ những
điều đơn giản đến phức tạp, để tôi luyện bản thân mỗi ngày.
- Đi xuyên qua thử thách cũng cần một cái đầu lạnh và tâm trong sáng, để tỉnh táo
và đủ dũng khí đi xuyên qua tận cùng của mọi khó khăn. Ánh sáng luôn chờ ta ở cuối
con đường, vì ta xứng đáng với mọi nỗ lực đã bỏ ra.
Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Kim Lân quê ở Bắc Ninh, là cây bút chuyên viết truyện ngắn và có sáng tác từ
trước Cách mạng tháng Tám. Những cảnh ngộ của người nông dân và sinh hoạt làng
quê là đề tài sáng tác chủ yếu của ông.
- Truyện ngắn Làng được viết năm 1948, in trên tạp chí Văn nghệ (số 1), là một
tác phẩm thành công của văn học Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp
xâm lược.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Thử thách bất ngờ (nghe tin làng đã theo giặc) đối
với tình yêu làng của nhân vật ông Hai.
2. Cảm nhận tác phẩm được chọn:
a. Nội dung:
 Thử thách:
- Tác phẩm xoay quanh một sự việc là tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc cùng
những phản ứng của ông Hai về sự việc đó. Trước khi nghe tin, ông Hai là một
người nông dân với những suy nghĩ khá hồn nhiên. Ông yêu làng nên đi đâu cũng
khoe về cái làng của mình, ông tự hào và yêu tất cả mọi thứ của làng Chợ Dầu,
luôn theo dõi tin tức kháng chiến và hỏi thăm tình hình những người ở nơi khác
đến. Ông Hai bị tổn thương tinh thần sâu sắc trước tin làng Chợ Dầu theo Tây;
chính ông cũng không ngờ điều đó lại xảy ra với ngôi làng yêu mến của mình.
- Nhà văn đặc biệt thành công trong nghệ thuật xây dựng tình huống truyện;
đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình thế đấu tranh gay gắt giữa tình yêu làng và
lòng trung thành với Cụ Hồ, với sự nghiệp cách mạng. Đây là môt tình huống bất
ngờ mà hợp lí, tạo được nút thắt đầy hấp dẫn cho truyện cũng như bộc lộ rõ tính
cách chân chất, mộc mạc và lòng yêu nước, ủng hộ kháng chiến sôi nổi của nhân
vật.
 Bước đầu đối diện với thử thách:
- Tin làng theo giặc khiến cho “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân
rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được. Một lúc lâu, ông mới rặn è è,
nuốt một cái gì vướng ở cổ,…”. Ông già vui tính, hay chuyện, mong ngóng tin
tức của làng mình mà lúc này phải “vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác” rồi cúi gằm
mặt đi thẳng.
- Vừa về đến nhà, ông Hai “nằm vật ra giường”; trong đau khổ, nhục nhã,
ông nhìn đàn con chơi đùa thật đáng thương ở sau nhà. Bất giác ông nghĩ đến sự
hắt hủi của mọi người dành cho các con của mình - những đứa trẻ của cái làng
Việt gian. Có lúc, ông cảm thấy chuyện tày đình này thật khó tin vì có biết bao
tấm gương đã từng sống mái với kẻ thù, liều chết để hoàn thành sứ mệnh chung
của cả dân tộc. Ông Hai không ngừng dày vò tâm trí: “ Chao ôi! Cực nhục chưa,
cả làng Việt gian!”. Ông nghĩ tới sự xua đuổi, tẩy chay của tất cả mọi người, nghĩ
đến tương lai chưa biết phải làm ăn, sinh sống như thế nào và phải đối diện ra sao
trước miệng lưỡi cạnh khoé, nanh nọc của mụ chủ nhà.
- Ba bốn hôm sau đó, ông Hai cố chịu đựng, trốn tránh như một tội phạm vì
sợ người ta phát hiện mình là người làng Việt gian, sợ người ta xa lánh, xua đuổi,
mắng nhiếc. Đến khi mụ chủ nhà nanh nọc, khó tính, có ý định đuổi cả nhà ông,
tâm trạng ông Hai càng u ám, bế tắc. Những câu hỏi cứ liên tiếp cuộn trào trong
tâm trí một ông già khốn khổ đáng thương: “Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết
đâu người ta chứa bố con ông mà đi bây giờ?”. “Thật là tuyệt đường sinh
sống!”.
 Vượt qua thử thách:
- Trong giây phút tuyệt vọng ấy, ông đã chớm nở ý định quay về làng cũ:
“Hay là quay về làng?...” nhưng ý nghĩ ấy được gạt phăng ngay sau đó: “Không
thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, “Về là
tức là từ bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”; về làng là chịu đầu hàng thằng Tây, là lại
cam chịu kiếp sống nô lệ, tôi đòi,…về là chịu mất hết. Đến đây, tình yêu làng,
yêu nước, ủng hộ cách mạng đã thực sự hoà quyện trong lòng ông lão nông dân
tản cư. Trong đau khổ, dằn vặt, ông Hai đã đưa ra quyết định dứt khoát: phải thù
cái làng theo giặc ấy dù trước đây cả đời ông đã gắn bó máu thịt với nó, đã vô
cùng thương yêu, tự hào về nó. Cái làng bây giờ không phải chỉ là đường thôn
ngõ xóm, những hào, những ụ giao thông, những ao làng giếng làng đá ong,
đường gạch đi không chút lấm chân… những cái hơn người mà ông từng khoe
nữa. Làng bây giờ là một cái gì lớn lao hơn, là danh dự, là chỗ đứng, là cái lẽ để
làm người. Làng bây giờ phải gắn liền với đất nước, với kháng chiến.
- Những lời thủ thỉ, tâm tình với đứa con thơ ấy chính là tiếng lòng sâu thẳm
của ông, vang lên thành những lời quyết tâm với kháng chiến, với vị lãnh tụ của
toàn dân. Đó là sự giãi bày lòng mình và cũng chính là sự minh oan cho chính
mình. Đó là tình yêu sâu nặng với ngôi làng đang tạm phải xa, phải thù. Đó cũng
là tấm lòng thuỷ chung với cách mạng, với kháng chiến, tấm lòng biết ơn chân
thành, bền vững và thiêng liêng trọn đời.
- Lời tâm sự: “Anh em đồng chí biết bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét
soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai.
Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai” là những suy nghĩ, lời lẽ chân thành rất
mực, mộc mạc rất mực của người nông dân nghèo Bắc bộ. Ông Hai một lòng
trung thành với cách mạng; và với ông, điều này to lớn hơn tất cả. Dù yêu làng da
diết nhưng ông không thể phản bội Tổ quốc.
b. Nghệ thuật: Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, gây cấn, miêu tả
tâm lí nhân vật rất sinh động và chân thực qua suy nghĩ, hành động, lời nói (đối
thoại và độc thoại), ngôn ngữ trần thuật giản dị, gần gũi.
3. Nêu ra những tác động của tác phẩm đối với bản thân:
- Nhận thức được tầm quan trọng của hai tiếng “quê hương”: Trong trái tim mỗi
người Việt Nam, tình yêu quê hương à tình cảm trong sáng nhất, cao cả và góp phần
làm thanh lọc tâm hồn con người. Mỗi người sinh ra đều có cội nguồn gốc gác, đó là
nơi khi nghĩ về ta lại thấy nao lòng, là niềm tự hào, là nỗi khắc khoải, là nơi để ta thể
hiện tình cảm của mình với nguồn cội.
- Sự gắn bó tha thiết với quê hương, tình yêu quê hương chính là cội nguồn của
lòng yêu nước - tình cảm giúp con người trong một nước gắn kết lại với nhau nhiều
hơn, tinh thần đồng bào từ đó được nâng cao hơn, là nền tảng để mỗi cá nhân có ý
thức, có khát khao xây dựng một đất nước vững mạnh. Có lòng yêu nước, chúng ta sẽ
cố gắng tìm hiểu, trân trọng và có ý thức lan tỏa những nét bản sắc văn hóa dân tộc,
lịch sử, địa lí của nước nhà; chúng ta sẽ đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ
chia với mọi người xung quanh và với người có hoàn cảnh khó khăn; chúng ta sẽ nỗ
lực học tập, làm việc, rèn luyện bản thân thật tốt, sống có ước mơ, hoài bão, sống có
trách nhiệm.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh: Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long),
Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe
không kính (Phạm Tiến Duật),…

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Robinson Crusoe (Daniel Defoe), Thép đã tôi thế đấy! (N. A.
Ostrovsky),…
CHỦ ĐỀ 13

Câu 1.
a. Trong văn bản 1, tác giả đã quan niệm về thiên tai là: Thiên tai cũng là sự đáp
trả gay gắt của tự nhiên trước cách hành xử vô tâm lẫn vô cảm của con người.
b. Phép liên kết về hình thức trong các câu văn sau: “Bạn có thể ngồi một mình
giữa cỏ cây hoặc đi cùng một người bạn. Bạn có thể tập thể dục giữa thiên nhiên…”
- Phép lặp: Bạn có thể
- Phép liên tưởng: Cỏ cây - thiên nhiên
c.
Điểm giống nhau: Cả hai văn bản đều cho thấy sự ảnh hưởng lớn lao của thiên
nhiên tới đời sống và sức khoẻ con người cũng như khuyên chúng ta phải biết sống
gần gũi, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên.
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: Sự tàn phá khủng khiếp của con người là nguyên nhân khiến cho
thiên nhiên giận dữ.
- Văn bản 2: Tác dụng tuyệt vời của thiên nhiên ở một góc nhìn khác cho sức
khoẻ của con người.
d. Học sinh tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục:
Có thể theo gợi ý sau:
- Chúng ta cần điều chỉnh hành vi, ý thức cá nhân của chính mình để bảo vệ thiên
nhiên một cách hữu hiệu nhất. Bảo vệ thiên nhiên phải được xuất phát từ những hành
động nhỏ của từng người. Văn minh nơi công cộng, không xả rác bừa bãi, phân loại
rác tại nguồn,...
- Chúng ta cần lan truyền nhiều bài viết, bài nghiên cứu về những ít lợi của thiên
nhiên và tác hại nếu tàn phá và đối xử không đúng với thiên nhiên. Cần ủng hộ những
chính sách của nhà nước trong việc bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên. Ủng hộ những hình
thức phạt thật nặng cho những kẻ cố tình phá hoại tự nhiên để mang tính giáo dục cho
xã hội.
- Song song với khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, con
người cũng cần phải phục hồi, bảo tồn và phát triển sự đa dạng của hệ sinh thái tự
nhiên như trồng rừng, sử dụng nguồn năng lượng sạch,...
Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Giải thích
- Liều thuốc là một biện pháp, giải pháp đưa ra để có thể điều trị và chữa lành
những căn bệnh, những vết thương đang hiện hữu trên cơ thể con người.
- Xanh được hiểu ẩn dụ là môi trường tự nhiên, sự trong lành, tươi mát của thiên
nhiên.
- Vậy, liều thuốc xanh được hiểu như là một sự công nhận về sự diệu kì của thiên
nhiên giống như một vị thuốc có khả năng chữa bệnh cho con người.
3. Bàn luận
a. Giá trị của thiên nhiên đối với cuộc sống con người hiện nay
- Thiên nhiên không đơn giản là giúp cho cuộc sống của con người được hình
thành, duy trì và phát triển mà nó còn góp phần giúp cho cuộc sống trở nên bình yên và
giàu có. Thiên nhiên đem đến nguồn lợi to lớn từ việc khai thác các khoáng sản và các
nguồn năng lượng tự nhiên. Thiên nhiên là dấu gạch nối giữa cuộc sống và sự văn
minh của con người.
- Thiên nhiên bên cạnh là mỏ vàng quý báu, nó còn là một liều thuốc bình an cho
tâm hồn con người. Lá phổi con người có được hít thở bầu không khí xanh và sạch
cũng là nhờ hoa cỏ, lá cây, rừng rậm. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là địa điểm du
lịch giúp con người thư giãn và sản sinh năng lượng tích cực. Một không gian xanh,
một mùi hương từ hoa cỏ, biển khơi còn giúp cho con người thư giãn, giảm stress và
tái tạo năng lượng. Hoà hợp, hoà mình với thiên nhiên mang lại một cuộc sống ý nghĩa,
vui tươi và đẩy lùi bệnh tật.
b. Tàn phá thiên nhiên con người sẽ phải nhận lấy “liều thuốc độc”
- Thiên tai sẽ phá huỷ cuộc sống yên bình của con người và nguy hại hơn có thể
dẫn đến sự diệt vong của Trái đất.
- Thiên nhiên bị xâm lấn, bị thu hẹp sẽ làm con người bị ức chế về tinh thần, mất
đi sự giao cảm bình yên mà thiên nhiên mang lại.
- Thiên nhiên bị ô nhiễm khiến cho sức khoẻ con người bị tàn phá và sinh ra
nhiều bệnh tật truyền nhiễm nguy hại.
4. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận ra tầm quan trọng của thiên nhiên trong mỗi tế bào con người để có những
hành vi đối xử với thiên nhiên một cách tích cực.
- Cần có những biện pháp thiết thực, hữu hiệu từ đơn giản đến quy mô để bảo vệ
thiên nhiên. Xuất phát cơ bản nhất mà chúng ta cần phải hiểu là đi từ bảo vệ rừng đến
bảo vệ môi trường nước và môi trường đất.
- Hành động nhỏ từ những việc làm nhỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học
sinh cần có ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác, không hút thuốc, không lãng phí
giấy, nước sạch,...
Lưu ý: Học sinh cần phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Nguyễn Thành Long quê ở Quảng Nam, có nhiều đóng góp cho văn học Việt
Nam hiện đại ở thể loại truyện ngắn và bút kí. Các tác phẩm của ông thường tập
trung vào hai chủ đề lớn: cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân và công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 60 -70 của thế kỷ trước. Phong cách
văn xuôi của ông nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ và ánh lên vẻ đẹp con người,
khiến chúng ta yêu mến cuộc sống và những người xung quanh.
- Ra đời năm 1970, trích từ tập Giữa trong xanh, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là
kết quả sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai của tác giả. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu
cho đề tài viết về cuộc sống mới, con người mới.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của thiên nhiên trong truyện.
2. Cảm nhận tác phẩm được chọn:
a. Nội dung:
 Thiên nhiên hiển hiện tươi đẹp:
- Hình ảnh Sa Pa ở đầu tác phẩm hiện lên với những rặng đào tươi tắn “Sa
Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở
các đồng cỏ trong lũng hai bên đường.”; với cái đầu màu hoa cà của hoa tử kinh
nổi bật trên màu xanh của rừng, nắng đốt cháy rừng cây, mạ bạc con đèo được
miêu tả trong đoạn “Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những
cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới
cái nhìn bao che của cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên
màu xanh của rừng” và “Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các
vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”;…
- Bằng vài nét chấm phá điểm xuyết, nghệ thuật nhân hóa, so sánh, tác giả đã
khắc họa bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, thơ mộng, hữu
tình. Nhà văn đã miêu tả bức tranh thiên nhiên bằng ngôn ngữ trong sáng, mỗi
chữ, mỗi câu như có đường nét, hình khối, sắc màu. Có thể nói, vẻ đẹp của thiên
nhiên Sa Pa hoàn toàn tương xứng và hài hòa với vẻ đẹp giàu chất lí tưởng của
những con người đang làm việc, cống hiến ở nơi này.
 Thiên nhiên khơi gợi nhiệt huyết:
- Cuối tác phẩm, sau khi anh thanh niên tiễn mọi người về, khung cảnh rừng
núi Sa Pa hiện lên với hình ảnh “Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt
cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng
thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo.”. Có lẽ ánh nắng ấy
không chỉ tả thực buổi chiều rực rỡ ở Sa Pa mà còn tượng trưng cho nhiệt huyết
đang cháy dần lên trong ông họa sĩ và cô kĩ sư sau cuộc gặp gỡ thú vị vừa qua.
- Có thể thấy tác phẩm không chỉ mang đến nhiệt huyết cho những con
người đang sống trong không khí cả miền Bắc hồ hởi đi lên xây dựng chủ nghĩa
xã hội mà nó còn truyền lửa cho người đọc của các thế hệ khi gieo vào lòng
người đọc những cảm xúc tích cực, những suy nghĩ đúng đắn về ý nghĩa cuộc đời
khi sống và làm việc có lí tưởng, có khát vọng.
a. Nghệ thuật: kết hợp hài hòa tự sự với miêu tả và nghị luận, khắc họa nhân vật
từ nhiều điểm nhìn cùng những đoạn đối thoại, độc thoại tinh tế, chất thơ đậm đà
từ khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đến những lời văn nhẹ nhàng, trong sáng
3. Nêu ra những tác động của tác phẩm đối với bản thân:
- Cuộc sống bình yêu của Sa Pa, nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, có không
gian yên tĩnh, thiên nhiên thơ mộng đầy lý tưởng cho việc nghỉ ngơi. Dẫu vậy đằng
sau bức tranh thiên nhiên êm đềm, tươi đẹp lại âm vang nhịp sống sôi động của những
con người thầm lặng cống hiến, đầy trách nhiệm đối với công việc, đối với đất nước,
với mọi người mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên
đỉnh núi cao.
- Bác từng nói: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các
thanh niên”. Tiếp nối truyền thống dân tộc và các thế hệ cha anh, thanh niên Việt
Nam hôm nay cần tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Khát vọng và nỗ lực của thanh niên trong học tập, lao động chính
là những cống hiến, góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh, hùng cường.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh: Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều,
Nguyễn Du), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Sang thu (Hữu Thỉnh),…

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Chuyện rừng xanh (Rudyard Kipling), Câu chuyện môi trường
(Larry Gonick, Alice Outwater), Tìm Hiểu Môi Trường (Bradley F. Smith, Eldon D.
Enger),…
CHỦ ĐỀ 14

Câu 1.
a. Thành phần biệt lập trong câu: Thành phần phụ chú (Bộ LĐ-TB&XH)
b. Đối tượng được phục vụ ở quán cơm Nụ cười Bình Dương là: đa phần là sinh viên,
người có thu nhập thấp, cụ già neo đơn, người bán vé số, lao động khó khăn.
c.
Điểm giống nhau: cùng ca ngợi những tấm lòng nhân ái, chia sẻ, giúp đỡ những
hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống.
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: nêu lên tình trạng trẻ em mồ côi gặp khó khăn sau dịch bệnh
Covid-19 và những phương án (chính sách) mà Nhà nước cùng các địa phương đang
thực hiện để hỗ trợ cho các em.
- Văn bản 2: Thể hiện câu chuyện về quán cơm Nụ cười Bình Dương (TP.Thủ
Dầu Một), quán cơm 2.000 đồng dành cho những số phận khó khăn trên địa bàn.
d. HS tự do trình bày những hành động của cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục; lưu ý
đảm bảo số dòng (câu) theo yêu cầu.
Có thể theo gợi ý sau:
- Tham gia ủng hộ, quyên góp hiện kim hoặc hiện vật cho các phong trào hỗ
trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn của chính quyền địa phương, nhà
trường, các tổ chức Đoàn, Đội.
- Tham gia làm tình nguyện viên trong các hoạt động phát quà từ thiện do địa
phương, nhà trường, các tổ chức Đoàn, Đội thực hiện.

Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Giải thích:
- Sự giúp đỡ đúng cách và có lý trí có thể được hiểu là: những hành động giúp
đỡ, hỗ trợ người khác một cách phù hợp và đúng đắn với từng đối tượng được trợ
giúp.
- Ý kiến trên đã khẳng định: chúng ta có lòng nhân ái giúp đỡ những người bất
hạnh, khó khăn là việc làm cần thiết. Nhưng cần phải giúp đỡ họ bằng những hành
động phù hợp, đừng để họ trở nên ỷ lại/dựa dẫm vào sự giúp đỡ ấy.
3. Bàn luận:
- Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, khó khăn riêng, không ai giống ai. Nên
mọi sự giúp đỡ cần phù hợp hoàn cảnh và đối tượng. Giúp đỡ không đúng đối
tượng chỉ càng làm cho các hiện tượng “nghèo khổ ảo”, lừa đảo xuất hiện nhiều
hơn.
- Chúng ta không chỉ giúp đỡ về vật chất khiến những người ấy ỷ lại các tổ
chức từ thiện về kinh phí, tiền bạc; khiến họ chỉ biết dựa dẫm, chờ đợi sự giúp đỡ
của xã hội mà không tự mưu sinh, tự lao động kiếm sống.
- Chúng ta nên giúp đỡ, chia sẻ về tinh thần, động viên/an ủi; hướng dẫn cho
họ cách đối mặt, vượt qua khó khăn của bản thân một cách đúng đắn.
- Phê phán những người lười lao động, chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ
người nghèo, khó khăn của Nhà nước hoặc các tổ chức từ thiện; phê phán những
kẻ lừa đảo, lợi dụng người già, trẻ em để trục lợi.
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Trao tặng tấm lòng nhân ái đúng đối tượng; thông báo với các Trung tâm
bảo trợ xã hội về các trường hợp cần nhận sự giúp đỡ.
- Tìm hiểu kỹ về các đối tượng có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn; hỗ trợ hiện
kim, hiện vật cho đúng đối tượng, phù hợp hoàn cảnh sống của họ.
- Tham gia các tổ chức từ thiện có uy tín như: chính quyền địa phương, nhà
trường, Đoàn, Đội …
Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.
Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Nam Bộ sống và sáng tác ở thời kì đau thương
mà anh dũng của dân tộc ta vào thế kỉ XIX. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng ngời
về nghị lực và đạo đức, đặc biệt là thái độ suốt đời gắn bó và chiến đấu không mệt
mỏi cho lẽ phải cho quyền lợi của nhân dân đất nước.
- Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của truyện Lục
Vân Tiên (truyện thơ Nôm gồm 2082 dòng thơ lục bát, ra đời khoảng đầu những năm
50 của thế kỉ XIX, có diễn biến theo kiểu kết cấu của các truyện truyền thống thể hiện
rõ lí tưởng đạo đức mà tác giả muốn gửi gắm).
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của tình người trong đoạn trích.
2. Cảm nhận tác phẩm được chọn:
a. Nội dung:
 Dũng cảm cứu người gặp nạn:
- Gặp bọn cướp hãm hại dân lành là một thử thách, một cơ hội hành động cho
Lục Vân Tiên. Không chịu nổi cảnh bất bình, chàng đã “nổi giận lôi đình”, quyết
“ra sức anh hào” để “cứu người cho khỏi lao đao buổi này”.
- Chỉ một mình, không vũ khí trong khi bọn cướp đông lại gươm giáo đủ đầy,
thanh thế lẫy lừng. Lục Vân Tiên vẫn dũng cảm ra tay “Bẻ cây làm gậy nhằm
làng xông vô” xông vào đánh cướp. Hành động mạnh mẽ của Lục Vân Tiên thể
hiện cái đức của con người vì việc nghĩa quên mình, cái tài của bậc anh hùng và
sức mạnh của lòng nhân luôn bênh vực kẻ yếu.
- Với hình ảnh so sánh rất đẹp “Khác nào Triệu Tử giữa vòng Đương Dang”,
tác giả đã khắc họa “Vân Tiên tả đột hữu xung” tuy không tỉ mỉ nhưng đã nêu bật
tính cách anh hùng, tài năng của Lục Vân Tiên. Hình ảnh Vân Tiên trong trận
đánh cướp cứu người thật dũng mãnh, bất chấp địch “bốn phía phủ vây bịt bùng”
với tên tướng cướp “mặt đỏ phừng phừng”, dữ tợn hơn một con ác thú và bản
thân chàng chỉ có một mình nhưng chàng vẫn dũng cảm xông xáo tung hoành
đánh tan bọn cướp và diệt tên đầu đảng. Hành động của chàng còn tỏ rõ đức độ
của người nghĩa hiệp: “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”.
 Lòng nhân không cần đền đáp:
- Đánh xong bọn cướp thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên đã ân
cần hỏi han, an ủi họ “Ta đã trừ dòng lâu la”. Hành động của chàng thật đàng
hoàng, chững chạc. Tuy có phần câu nệ nhưng vẫn là phong độ giữ lễ của một con
người có văn hoá trong khi ứng xử với hai người con gái thật nho nhã: “Khoan
khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái ta là phận trai”.
- Kiều Nguyệt Nga thoát nạn, cảm tạ chàng và xin được đền ơn, chàng từ chối
lời mời về thăm nhà của Nguyệt Nga để cha nàng đền đáp. Vân Tiên cũng đã từ
chối cái lạy trả ơn, từ chối lời mời đền đáp, không nhận trâm vàng trao tặng mà chỉ
nhận lời cùng Nguyệt Nga làm thơ xướng họa. Đó là biểu hiện của lòng khiêm
nhường, bao dung. Chàng cười và trả lời: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” và
đặc biệt nêu rõ quan niệm sống của mình: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người
thế ấy cũng phi anh hùng”.
b. Nghệ thuật: Sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, gắn với lời nói thông thường,
mang màu sắc Nam Bộ rõ nét, phù hợp với diễn biến tình tiết truyện, khắc họa hình
tượng nhân vật qua cử chỉ, hành động, lời nói.
3. Nêu ra những tác động của tác phẩm đối với bản thân:
- Sự chiến thắng tất yếu của cái thiện, của lòng nhân: Tác giả dùng nghệ thuật
tương phản: giữa lực lượng chiến đấu (Lục Vân Tiên và bọn cướp); giữa vũ khí hai
bên (cây - gậy và gươm giáo); giữa hành động và kết quả (hung hăng và thất bại)
nhằm thể hiện trong cuộc chiến thiện ác, chiến thắng luôn thuộc về người có lòng
nhân, biết làm việc thiện. Không sợ nguy hiểm, Vân Tiên sẵn sàng vì nghĩa trừ hại
cho dân. Lục Vân Tiên chiến đấu vì người dân gặp nạn, cứu dân, diệt ác, xuất phát từ
lòng nhân. Kết quả chiến đấu của chàng có được nhờ sức mạnh được kết tinh từ đạo lí
của nhân dân, từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, từ vẻ đẹp của cái thiện.
- Ý nghĩa của hai nhân vật chính: Nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga
chính là hai mặt của một cách sống. Một là, mình làm ơn không cần người khác đền
ơn. Hai là, mình đã chịu ơn thì phải nhớ ơn. Đó cũng là tính cách sống có tính truyền
thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta. Do đó, tác phẩm nói chung và đoạn trích
nói riêng có giá trị truyền dạy đạo lí làm người, đề cao tư tưởng nhân nghĩa, xem
trọng tình nghĩa giữa con người với nhau trong xã hội. Chính vì vậy, đoạn trích thể
hiện khát vọng của nhân dân, hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong
cuộc đời.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh: Chiếc lá cuối cùng (O. Henry), Đồng chí
(Chính Hữu), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê),…

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Những tấm lòng cao cả (Edmondo De Amicis), Những câu
chuyện về lòng nhân ái (Bích Nga), Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương (Sara
Imas),…
CHỦ ĐỀ 15

Câu 1.
a. Phép thế (lòng biết ơn = nó). Hoặc phép liên tưởng: lạc quan, ganh ghét, ích
kỷ
b. Mỗi thầy cô không chỉ dừng lại ở người truyền dạy kiến thức mà còn là người
đồng hành, thấu hiểu trên mỗi hành trình của học trò.
c. Cho biết điểm giống và khác nhau về nội dung giữa hai văn bản trên?
Điểm giống nhau: Tôn vinh giá trị của sự biết ơn trong cuộc sống
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: Điều kỳ diệu của lòng biết ơn
- Văn bản 2: Thông tin về chương trình Thay lời tri ân 2022: “Cây đời trăm năm”
d. HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến.
Có thể theo gợi ý sau:
- Lòng biết ơn từ muôn đời luôn là một nghĩa cử đáng trân trọng. Bởi vì nó thể
hiện phần cao quý trong phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta. Nó khiến ta trở
nên tốt đẹp hơn trong mắt mọi người và chính mình từng ngày. Đồng thời là cơ sở để
phát sinh những nghĩa cử tốt đẹp khác..
- Sự biết ơn khiến chúng ta thu hút những năng lượng tích cực từ mọi người, nâng
cao uy tín, giá trị của bản thân từ đó tạo sự gắn kết giữa ta và những người có cùng
phẩm chất đáng trân trọng ấy.

Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Giải thích:
- Lòng biết ơn là sự ghi nhớ tình cảm, sự giúp đỡ mà người khác mang lại cho
mình, là sự cảm kích, trân trọng và có hành động đáp đền
- Biểu hiện của lòng biết ơn rất đa dạng: đôi khi là hành động cụ thể, có thể là lời
nói, nụ cười, một cái cúi đầu cũng xem như sự tri ân. Sự tri ân không chỉ là sự báo
đáp trực tiếp người giúp đỡ mà ta có thể giúp những người có hoàn cảnh từng giống ta,
đó cũng là sự mở rộng lòng biết ơn.
3. Bàn luận
- Đỉnh cao của sự biết ơn chính là khiêm tốn, để ta biết nhìn lại những gì đã qua,
nhìn lại chính mình để đánh giá và trau dồi, rèn luyện hoàn thiện chính ta từng ngày
- Lòng biết ơn khiến ta hài lòng và cảm thấy vui vẻ về những thứ ta đang có, giúp
ta xóa bỏ thói tị nạnh, ganh đua, luôn biết trân trọng những gì đang hiện hữu bên ta.
- Lòng biết ơn khiến cho đời sống tinh thần của ta mỗi ngày ý nghĩa, viên mãn
trong quá khứ và bình yên cho hiện tại và tạo ra một hướng đi cho tương lai.
- Cần phê phán những người xem biết ơn là một bổn phận ép buộc hoặc thể hiện
sự biết ơn được thể hiện một cách hình thức, dễ dãi và thiếu chân thành. Đặc biệt, giới
trẻ ngày nay do lối sống hưởng thụ chỉ thích nhận lại chứ không muốn cho đi và báo
đáp.
4. Bài học nhận thức và hành động
- Hãy sống có ích hơn, biết sống vươn lên, cống hiến, tiếp nối những truyền thống
vẻ vang của thế hệ cha ông đi trước cũng là một hình thức của sự tri ân.
- Luôn sống biết trân trọng những gì tốt đẹp mà ta thụ hưởng để làm tấm gương
của mọi người.
Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Bằng Việt quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội), thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng
thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, thường viết về những kỉ niệm, ước mơ
gần gũi với cảm xúc tinh tế, giọng điệu trầm tĩnh sâu lắng, giàu chất suy tư, triết
luận.
- Tác phẩm in chung với Lưu Quang Vũ trong tập Hương cây – Bếp lửa, được
sáng tác năm 1963, khi tác giả đang học ngành Luật ở nước ngoài.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Lòng biết ơn sâu sắc của người cháu dành cho
bà.
2. Cảm nhận tác phẩm được chọn:
a. Nội dung:
 Biết ơn bà vì có bà ở bên trong những ngày gian khó
- Tám năm “mẹ cùng cha bận công tác không về”, cháu ở cùng bà, cháu lớn
lên trong tình thương và sự chăm sóc nuôi dưỡng của bà. Hai câu thơ: ““Cháu ở
cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học” có 16 chữ mà
chữ bà, chữ cháu đã chiếm đúng một nửa. Ngôn từ đã hội tụ tất cả tình thương
của bà dành cho cháu, gợi tả tình bà cháu quấn quýt yêu thương, một tình thương
ấp ủ, chở che. Hay nhất, hàm súc nhất là từ ngữ “cháu ở cùng bà”, “bà bảo”,
“bà dạy”, “bà chăm” đã diễn tả một cách sâu sắc tấm lòng đôn hậu, tình thương
bao la, sự chăm chút của bà đối với cháu nhỏ.
- Nghĩ về ngọn lửa hồng của bếp lửa, nghĩ về tiếng chim tu hú gọi bầy, đứa
cháu gọi nhắn thiết tha chim tu hú “kêu chi hoài”. Câu thơ cảm thán và câu hỏi tu
từ diễn tả tình cảm tha thiết dành cho bà. Câu thơ thật tự nhiên, cảm động, chân
thành, năm chữ “nghĩ thương bà khó nhọc” nói lên lòng biết ơn bà của đứa cháu
đã và mang nặng trong trái tim mình tình thương của bà dành cho cháu.
 Biết ơn bà vì “bếp lửa” của bà đã giúp cháu nhận thức được nhiều điều quan
trọng
- Điệp ngữ “một ngọn lửa” và kết cấu song hành đã làm cho giọng thơ vang
lên mạnh mẽ, đầy xúc động tự hào. Cuộc đời bà nhiều “lận đận”, trải qua nhiều
“nắng mưa” vất vả. Bà cần mẫn lo toan, chịu thương chịu khó, thức khuya dậy
sớm vì bát cơm, manh áo của con cháu trong gia đình. Vần thơ chứa đựng bao
nghĩa nặng tình sâu. Cháu vô cùng cảm phục và biết ơn bà vì bà không chỉ là
người giữ bếp giữ lửa mà còn là người nhóm bếp, thắp lửa.
- Điệp từ “nhóm” có điểm chung là cùng gắn với hành động nhóm bếp,
nhóm lửa của bà nhưng lại khác nhau ở những ý nghĩa cụ thể: khi thì nhóm bếp
lửa ấp iu, nồng đượm để sưởi ấm cho bà cháu qua cái lạnh của sương sớm, nhóm
bếp luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng mà như còn đem đến cho đứa
cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình thương vô hạn của bà. Đến câu tiếp
theo thì lòng bà còn mở rộng hơn cùng với nồi xôi gạo mới là tình cảm xóm làng
đoàn kết, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi và đến câu thứ tư thì hoàn toàn mang nghĩa
trừu tượng (từ “nhóm” mang nghĩa chuyển): “Nhóm dậy... tâm tình tuổi nhỏ”.
Tâm hồn, tình cảm, lòng biết ơn của cháu đã sáng bừng lên từ ngọn lửa do bà
“nhóm” suốt mất chục năm trời.
- Chính từ đó mà, theo mạch suy ngẫm, nhà thơ đi lên khái quát rất tự nhiên
và hợp lý: “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa”. Đúng vậy, vì bếp lửa thật giản dị ,
bình thường và phổ biến trong mọi gia đình Việt Nam, nhưng bếp lửa cũng thật
cao quý, thiêng liêng. Bếp lửa của bà kì lạ vì không gì có thể dập tắt được, cháy
lên trong mọi cảnh ngộ. Bếp lửa của bà thiêng liêng vì nơi ấy ấp ủ và sáng lên
mãi tình cảm bà cháu, khiến cháu yêu gia đình, gắn bó với quê hương.
 Lòng biết ơn còn theo mãi cháu:
- Bốn câu kết bài thơ thể hiện một cách đằm thắm tình thương nhớ, lòng kính
yêu và biết ơn của đứa cháu nay đã đi xa. Cuộc đời mới của cháu thật vui, thật
đẹp, đã “có ngọn khói trăm tàu” đã “có ngọn lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả”,
nhưng cháu vẫn không nguôi nhớ bà, nhớ bếp lửa gia đình thương yêu. Không
gian và thời gian xa cách, và dù cuộc đời có đổi thay, nhưng tình thương nhớ bà
vẫn thiết tha mãnh liệt.
- Trở về thời hiện tại, nhà thơ lại muốn hỏi bà, nhắc bà việc nhóm bếp để nói
cái ý không bao giờ quên quá khứ, không bao giờ quên được hình ảnh bà với bếp
lửa của một thời thơ ấu nghèo khổ, gian nan mà ấm áp nghĩa tình.
b. Nghệ thuật: Bài thơ nói chung viết theo thể thơ tự do phù hợp với giọng điệu
tha thiết, tình cảm xúc động bồi hồi, suy tưởng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu
cảm với miêu tả, tự sự và nghị luận, sáng tạo hình ảnh bếp lửa vừa cụ thể vừa gần
gũi, vừa giàu cảm xúc vừa mang ý nghĩa biểu tượng.
3. Nêu ra những tác động của bài thơ đối với bản thân:
- Lòng biết ơn là một trong những giá trị phổ quát của đạo đức nhân loại. Cách
nay hơn 2.000 năm, Marcus Tullius Cicero, một trong những triết gia và nhà hùng
biện trứ danh thời La Mã cổ đại từng khẳng định: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính
vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác của con người”. Lòng
biết ơn còn là một giá trị sống, đồng thời là một phương châm ứng xử nhân văn, tinh
tế để góp phần làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người. Nhờ có lòng biết ơn của thế
hệ sau đối với thế hệ trước, của hậu duệ đối với tiền nhân, của con cháu đối với ông
bà, cha mẹ mà các thế hệ người Việt Nam đã bồi đắp nên truyền thống văn hóa tri ân
“Ăn quả nhớ người trồng cây”.
- Lòng biết ơn, tình yêu thương, sự kính trọng, hiếu thảo dành cho ông bà bổn
phận là trách nhiệm của chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có ý thức chăm sóc
ông bà, luôn luôn đối xử chân thành, kính trọng hết mực và tình cảm yêu thương kính
trọng ấy phải xuất phát từ tận đáy lòng để ông bà thấy sự quan tâm của con cháu với
người cao tuổi để họ vui vẻ, yêu đời, sống lâu dài với chúng bên cháu con.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Trích
Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu), Thúy Kiều báo ân báo oán (trích Truyện Kiều,
Nguyễn Du), …

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Biết ơn nhiều hơn sẽ hạnh phúc hơn (Tuệ Tâm), Lòng biết ơn
(Dani DiPirro), Tôi biết ơn và tôi giàu có (Pam Grout),…
CHỦ ĐỀ 16

Câu 1.
a. Trong văn bản 1, tác giả đã so sánh cái ôm tựa như lời nhắn nhủ vỗ về, dù bản thân
không thể chịu đau khổ thay cho người khác, nhưng sẽ đứng về phía họ, luôn bên
cạnh họ, trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng không rời bỏ họ.
b. Thành phần biệt lập: Thành phần tình thái (Chắc hẳn).
3.
Điểm giống nhau: đều đề cập đến biểu hiện cụ thể của tình yêu thương dành cho
nhau - những cái ôm ấm áp.
Điểm khác nhau:
- Văn bản 1: Tác giả đưa ra lời khuyên với mọi người rằng hãy dành cho
nhau nhiều hơn tình yêu thương với những hành động cụ thể.
- Văn bản 2: Tác giả nhấn mạnh con người cần quan tâm, cần yêu thương
nhau nhiều hơn trong những tình huống thử thách của số phận.
4. HS tự do trình bày quan điểm cá nhân, miễn hợp lí và thuyết phục; lưu ý đảm bảo
số câu theo yêu cầu.
Có thể theo gợi ý sau:
Đồng ý với quan điểm của tác giả.
Nguyên nhân:
- Những thích lý luận dài dòng và giảng giải khi bạn gặp khó khăn chỉ càng
làm tăng thêm những suy nghĩ, mệt mỏi, khiến tâm trạng chuyển biến tiêu cực hơn.
- Cái ôm yêu thương giúp chúng ta nhận ra luôn có ai đó ở bên cạnh, trao cho
ta vòng tay yêu thương, giúp chúng ta có được điểm tựa, chỗ dựa tinh thần vững chắc.
- Mọi sự quan tâm, yêu thương phải được chứng minh bằng hành động thiết
thực, cụ thể.

Câu 2.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Giải thích:
- Yêu thương là sự quan tâm, giúp đỡ và làm những điều tốt đẹp cho người khác,
nhất là những lúc gặp hoạn nạn, khó khăn. Vòng tay yêu thương là hành động thể hiện
sự quan tâm, sẻ chia, thấu hiểu giữa con người với con người trong cuộc sống.
- Ý kiến trên đã khẳng định: Yêu thương là vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Hãy
dang rộng vòng tay yêu thương để sẻ chia với tất cả mọi người xung quanh mình.
3. Bàn luận:
- Cuộc đời này còn gì hạnh phúc hơn khi ta được sống trong vòng tay yêu thương
của ba mẹ, người thân và những người thân yêu. Đó là tài sản quý giá nhất trong cuộc
đời của mỗi người.
- Mỗi người trong số chúng ta luôn bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ, cho nên
gắn bó cuộc đời của mình với mọi người bằng vòng tay yêu thương sẽ giúp bạn luôn
cảm thấy thoải mái trong các mối quan hệ và ngập tràn những yêu thương.
- Khi ta biết chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương và mang lại hạnh phúc cho người khác,
nghĩa là ta đang tạo cho mình bến bờ yêu thương, hạnh phúc bởi cho đi là nhận lại.
Cho đi yêu thương để nhận lại yêu thương.
- Cuộc sống vẫn còn không ít người đang phải sống cuộc đời cơ cực, khó khăn, rất
cần những vòng tay biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ.
- Phê phán những kẻ dửng dưng, thờ ơ, vô cảm, chỉ biết sống cho bản thân mình,
ích kỉ, hẹp hòi.
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Yêu thương phải xuất phát từ tấm lòng bởi điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến
trái tim. Tình yêu thương không chỉ là lời nói suông, giả dối mà phải gắn với hành
động và sự chân thành.
- Chúng ta hãy nâng niu hạnh phúc gia đình, nới rộng vòng tay yêu thương với tất
cả mọi người. Hãy sống yêu thương, biết sẻ chia, đồng cảm với những cảnh ngộ trong
cuộc đời.
- Yêu thương mọi người xung quanh mình từ những hành động, việc làm nhỏ bé
nhất. Bởi những điều bé nhỏ, giản dị nhưng ngập tràn tấm lòng, vòng tay yêu thương
cũng như sự tử tế của con người trong đó thì đều đáng quý biết nhường nào.
Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 3.
Đề 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận:
- Y Phương quê ở Cao Bằng, người dân tộc Tày, thơ ông thể hiện tâm hồn chân
thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.
- Bài thơ Nói với con được viết năm 1980, in trong tập Thơ Việt Nam 1945 –
1985, là lời tâm sự của tác giả với đứa con gái đầu lòng và với chính bản thân.
- Dẫn vào vấn đề nghị luận: Tình cảm người cha dành cho con thể hiện trong bài
thơ.
2. Cảm nhận bài thơ được chọn:
a. Nội dung:
 Tình thương thể hiện trong niềm hạnh phúc khi con ra đời
- Bốn câu thơ đầu gợi lên không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt và hạnh
phúc với hình ảnh đứa con, cha mẹ, tiếng nói, tiếng cười. Từng bước đi, từng tiếng
nói cười của người con đều được cha mẹ chăm chút và vui mừng đón nhận. Và cứ
thế, con lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, trong sự nâng đỡ, trong vòng tay
chăm chút, che chở của cha mẹ.
- Người cha nhắc đến kỉ niệm ngày cưới của cha mẹ với con để mong con
luôn nhớ con đã được sinh thành trong cội nguồn của hạnh phúc. Đó là điểm xuất
phát mọi tình yêu thương trong con: Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới/ Ngày đầu tiên
đẹp nhất trên đời”. Từ “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời” ấy, tác giả sẽ có được
hạnh phúc của người làm cha, sẽ được nâng đỡ, dìu dắt con khôn lớn... Không khí
gia đình nhỏ bé này thật ấm áp, êm đềm, quấn quýt. Chăm chút từng bước đi, từng
nụ cười, tiếng nói của con. Gia đình chính là cái nôi êm, cái tổ ấm để con sống, lớn
lên và trường thành trong bình yên và tình yêu, niềm mơ ước của cha mẹ.
 Tình thương gửi gắm trong những lời dặn dò:
- Lời cha nói với con về người đồng mình (sống vất vả mà mạnh mẽ, khoáng
đạt, bền bỉ, gắn bó với quê hương, thủy chung với nơi chôn nhau cắt rốn cho dù quê
hương còn cực nhọc, đói nghèo, không bao giờ lùi bước trước mọi thử thách, khó
khăn, tâm càng sáng, chí càng cao, tầm nhìn càng xa rộng, tràn đầy niềm vui và
lòng lạc quan) cũng là những phẩm chất mà cha mong con có được. Hơn thế, người
cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thủy với quê hương, biết chấp nhận
và vượt qua khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình. Người
cha muốn con hiểu và giữ được bản sắc của người đồng mình dù trong bất cứ hoàn
cảnh nào.
- Kết thúc bài thơ là lời nhắn nhủ, dặn dò của người cha mong muốn con mình
phải tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, hãy lấy những tình cảm đó làm
hành trang để “lên đường” – vững bước trên đường đời. Nếu phần một của bài thơ
là một khúc hát nhẹ nhàng, tươi vui với hoa ngan ngát, với những tiếng ríu rít tiếng
nói cười, với bao nghĩa tình thơm thảo, thì phần hai là một bản hành khúc vừa tha
thiết, vừa mạnh mẽ, mang âm hưởng của thác ghềnh, sông suối, mang theo cả hơi
thở, cả chí khí, niềm tin, sức mạnh của con người quê hương. Qua đó, người cha
muốn trao gửi cho con niềm tin yêu, khát vọng. Hình ảnh “thô sơ da thịt” như
muốn con khắc ghi rằng người đồng mình tuy mộc mạc, chân chất nhưng có lẽ sống
cao đẹp. Trên đường đời, con phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng với họ.
Con “không bao giờ nhỏ bé được” dù con đường phía trước còn nhiều chông gai.
Con hãy tự tin bước đi, bởi sau lưng con có gia đình, quê hương, bởi trong tim con
luôn ẩn chứa những phẩm chất quý báu của người đồng mình.
b. Nghệ thuật: Bài thơ có bố cục chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên, xây dựng những hình
ảnh vừa cụ thể, vừa mang tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ, giọng điệu
thủ thỉ, tâm tình tha thiết, trìu mến.
3. Nêu ra những tác động của bài thơ đối với bản thân:
- Hiểu thêm về giá trị của hạnh phúc gia đình: Gia đình chính là nôi êm, là tổ ấm
để con lớn lên và trưởng thành trong bình yên và tình yêu, niềm mơ ước của cha mẹ.
Bên cha, bên mẹ, hạnh phúc gia đình thật giản dị nhưng thiêng liêng biết bao. Gia
đình là nơi ta thực sự tìm thấy tình yêu thương, được sẻ chia, được bao bọc và bảo vệ
vô điều kiện, là bến đỗ bình yên cho mỗi thành viên, là nơi mà ngọn lửa yêu thương
luôn ngự trị và sưởi ấm cho mỗi người.
- Lời dặn dò của tác giả với con cũng là mong muốn chung của nhiều bậc cha mẹ,
là lời tự nguyện của những đứa con: hãy tự hào về quê hương, hãy sống có ý chí và
khát vọng, hãy tự tin vững bước trên đường đời dài rộng bằng chí khí mạnh mẽ và
tâm hồn lớn lao, hãy luôn ngẩng cao đầu và bước đi bằng niềm tin, nghị lực của chính
mình. Đó là cách để chúng ta sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương.
4. Gợi ý tác phẩm có thể liên hệ so sánh: Đồng chí (Chính Hữu), Bếp lửa (Bằng
Việt), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê),…

Đề 2. Gợi ý tác phẩm: Còn sống còn yêu thương (thuộc bộ sách Hạt giống tâm hồn),
Cái ôm diệu kì (Nick Vujicic), Cây táo yêu thương (Shel Silverstein),…

You might also like