You are on page 1of 7

ÁNH TRĂNG

I. Tìm hiểu chung.


1. Tác giả.
- Nguyễn Duy sinh năm 1948 tại Thanh Hóa.
- Ông là một nhà thơ quân đội, trưởng thành trong những năm tháng chống Mĩ cứu nước gian
khổ ác liệt của dân tộc.
- Thơ Nguyễn Duy giàu chất triết lí, thiên về chiều sâu nội tâm cùng với những suy tư trăn trở.
- Tác phẩm chính: tạp thơ Ánh trăng; Hơi ấm ổ rơm…
2. Tác phẩm.
a. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Ánh trăng được viết năm 1978, ba năm sau khi cuộc chiến
tranh kết thúc. Lúc này, tác giả đang sống và làm việc tại Hồ Chí Minh.
- In trong tập thơ cùng tên năm 1978.
b. Chủ đề:
Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, “Ánh trăng” của Nguyễn Duy
như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó
với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc
thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
c. Nhan đề.
Hình tượng xuyên suốt bài thơ là vầng trăng, nhưng tác giả lại đặt nhan đề cho bài thơ là
“Ánh trăng”. Đây là một nhan đề rẩt hay, giàu sức gợi, giàu tính biểu tượng.
- Trước hết, vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên – là cảm hứng muôn đời của thi sĩ – mang
vẻ đẹp gần gũi, tươi mát, hồn nhiên mà mơ mộng, trữ tình.
Trong bài thơ, vầng trăng ấy là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình – một kí ức gắn với tuổi ấu
thơ hồn nhiên, với cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước cam go.
- Ánh trăng là ánh sáng đẹp đẽ, dịu hiền của vầng trăng. Ánh trăng len lỏi vào góc khuất lấp,
tăm tối của thiên nhiên để soi tỏ vạn vật.
- Ánh sáng bình dị, đẹp đẽ ấy còn len lỏi vào góc khuất lấp trong tâm hồn con người, làm thức
tỉnh con người, giúp ta nhận ra những điều tốt đẹp trong quá khứ mà con người đã vô tình
quên lãng, để hướng tới những điều tốt đẹp nhất.
d. Bố cục:
Cách 1:
K1,2: vầng trăng trong quá khứ.
K3,4,5: vầng trăng trong hiện tại.
K6: Cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ.
Cách 2:
Khổ 1 – 5: câu chuyện về mối quan hệ của nhân vật trữ tình với vầng trăng.
Khổ 6: Cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ.
e. Mạch cảm xúc:
Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại, gắn với các
mốc sự kiện quan trọng của cuộc đời con người. Mạch cảm xúc từ quá khứ đến hiện tại và lắng
kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ.
g. Thể thơ:
- Thể thơ 5 chữ, phù hợp với PTBĐ kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình.
h. Chất tự sự trong bài thơ

1
- Cả bài thơ là một câu chuyện nhỏ, các sự việc được kể theo trình tự thời gian.Mạch
cảm xúc bộc lộ men theo dòng tự sự ấy.
- Trong bài thơ xuất hiện một tình huống đặc biệt, khiến nhân vật bộc lộ đến cùng những
cảm xúc, suy ngẫm của mình: đèn điện tắt.

- Tác giả chỉ viết hoa chữ cái đầu khổ thơ, chỉ dùng 1 dấu chấm câu ở cuối cùng bài thơ
 thể hiện sự liền mạch, miên man trong cả dòng tự sự và dòng cảm xúc.

II. Gợi ý phân tích.


Khổ 1, 2 : Vầng trăng trong quá khứ (những kỉ niệm đẹp đẽ, tình cảm gắn bó giữa nhân
vật trữ tình với vầng trăng trong quá khứ)
-CCĐ: Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Ánh trăng, tác giả Nguyễn Duy đã gợi lại những kỉ
niệm đẹp đẽ, tình cảm gắn bó giữa nhân vật trữ tình với vầng trăng trong quá khứ
- Bằng giọng kể thủ thỉ, tâm tình, nhà thơ đã gợi lại các mốc thời gian quan trọng: “hồi nhỏ” ,
“hồi chiến tranh”. Đó là quãng thời gian niên thiếu đến lúc trưởng thành
- Điệp từ “với” cùng phép liệt kê mở ra không gian rộng lớn “với đồng” , “với sông”, “với
bể” cùng với kỉ niệm “ở rừng” gợi nhớ về một quá khứ gian lao vất vả nhưng gần gũi với
thiên nhiên
- Trong những tháng ngày đó, vầng trăng luôn là người bạn đồng hành, chia sẻ buồn vui:
“vầng trăng thành tri kỉ” . Đó là vầng trăng tri kỉ, vầng trăng tình nghĩa.
-Trăng mang vẻ đẹp trong trẻo, “hồn nhiên” , “trần trụi” , không màu mè, tô vẽ. Vầng trăng
thật sự là biểu tượng kết tinh của vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo bình dị, trọn vẹn.
- Bằng tất cả sự gắn bó tri kỉ, nhân vật trữ tình đã “ngỡ không bao giờ quên”. Phải chăng, từ
“ngỡ” là sự báo hiệu trước những chuyển biến bất ngờ trong câu chuyện của nhà thơ?

Khổ 3,4,5: Vầng trăng trong hiện tại


Khổ 3:... đưa người đọc trở về hiện tại với những đổi thay trong mối quan hệ của nhân
vật trữ tình với vầng trăng
- “Từ hồi về thành phố” chính là mốc thời gian khiến nhân vật trữ tình có sự đổi thay trong
tình cảm.
- Nguyễn Duy đã rất khéo léo khi tạo ra sự đối lập về hoàn cảnh sống của con người trong
hiện tại và quá khứ.
+ “Ánh điện cửa gương” là cách nói hoán dụ tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ, tiện nghi,
khép kín trong những căn phòng hiện đại, xa rời với thiên nhiên.
+ Từ sự thay đổi trong không gian, hoàn cảnh sống dẫn đến tình cảm của nhân vật trữ tình
đổi thay. Vầng trăng tình nghĩa tri kỉ một thời gian đã “như người dưng qua đường”. Sự so
sánh ấy mới đáng buồn làm sao!
- Vẫn với giọng tâm tình mộc mạc cùng nhịp thơ chậm, tác giả Nguyễn Duy đã kéo người
đọc vào dòng suy nghĩ miên man của mình để chứng kiến sự đổi thay đến vô tâm, vô tình của
nhân vật trữ tình. Nhịp thơ chậm, chỉ câu thơ đầu khổ viết hoa diễn tả dòng suy nghĩ miên man
của nhà thơ.

2
Khổ 4: …đã diễn tả tình huống bất ngờ xảy ra từ đó tạo nên bước ngoặt trong mạch cảm
xúc của nhân vật trữ tình.
- Tình huống bất ngờ chính là sự kiện “thình lình đèn điện tắt”, tắt điện vào đêm có trăng và
nhân vật trữ tình bất ngờ nhận ra ánh trăng.
+ Hai chữ “thình lình” và “đột ngột” được đảo lên đầu cùng với cách ngắt nhịp đã nhấn
mạnh tính chất bất thường của tình huống.
+ Chữ “vội” đã diễn tả rất rõ tâm thế, hành động của nhân vật trữ tình trong khoảnh khắc đèn
điện tắt. Việc “bật tung cửa sổ” chỉ là một việc làm theo thói quen; nhưng khi người và trăng
“mặt nhìn mặt” thì tình xưa nghĩa cũ chợt ào ạt hiện về - một sư tình cờ mà như được sắp đặt.
- Tác giả Nguyễn Duy đã rất khéo léo khi tạo ra sự đối lập “đèn điện tắt”, “phòng tối om” đối
lập với “vầng trăng tròn”. Vâng, trong sự đối lập tối và sáng ấy ta thấy vầng trăng tròn mới
tỏa rạng mới đẹp đẽ biết bao!
Trăng thiên nhiên không phải chờ đến khi điện tắt mới “đột ngột” xuất hiện. “Đột ngột” diễn tả
trạng thái cảm xúc thảng thốt, bất ngờ của nhà thơ khi nhận ra vầng trăng tròn vẫn tỏa sáng,
vẫn tròn đầy.
- Đây là khổ thơ quan trọng trong cấu tứ toàn bài. Trong cái khoảnh khắc đối diện với vầng
trăng, ân tình kỉ niệm xưa được sống dậy, làm thổn thức lòng người.

Khổ 5: …đã diễn tả sâu sắc cảm xúc của nhân vật trữ tình khi đối diện với vầng trăng
- Cái khoảnh khắc “Ngửa mặt lên nhìn mặt” mới thực sự xúc động xiết bao! Từ “mặt” cuối
câu thơ là từ nhiều nghĩa tạo nên sự đa nghĩa cho ý thơ.
+ Nhà thơ đối diện với vầng trăng như đối diện với người bạn tri kỉ, tình nghĩa mà bấy lâu nay
mình vô tình quên lãng – hiện tại đối diện với quá khứ, bạc bẽo vô tình đối diện với thủy
chung, tình nghĩa.
+ Đối diện với vầng trăng còn là đối diện với chính mình để tự vấn lương tâm, để ân hận hổ
thẹn về sự thay đổi của mình. Đó là cuộc đối diện đàm tâm.
- Khoảnh khắc bất ngờ ấy đã làm nhà thơ “rưng rưng” xúc động, muốn khóc mà dường như
nghẹn lại. Những câu thơ nối tiếp nhau như dòng cảm xúc tuôn trào: “có cái gì rưng rưng /
như là đồng là bể / như là sông là rừng.”
- Phép liệt kê, so sánh, điệp ngữ, điệp âm “rừng” - “như”, “rưng rưng” được vận dụng
vô cùng khéo léo tạo nhịp thơ dồn dập. Tất cả quá khứ gian lao, vất vả nhưng gắn bó gần gũi
với thiên nhiên dường như ùa về cùng lúc.
- Chằng phải gặp lại hình ảnh “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng” là gặp lại quá khứ ân nghĩa thủy
chung, tri âm tri kỉ đó sao? Cuộc hội ngộ bất ngờ mà vô cùng xúc động.

Khổ 6: Suy ngẫm của nhà thơ trước vầng trăng


- Khổ thơ cuối trong “Ánh trăng” ( Nguyễn Duy ) đã thể hiện những suy ngẫm sâu sắc và triết
lí nhân sinh của nhà thơ qua hình tượng vầng trăng.
- Trong khoảnh khắc đối diện với bạn năm xưa, nhân vật trữ tình đã nhận ra điều vô cùng quí
giá: “Trăng cứ tròn vành vạnh/ kể chi người vô tình”
+ Từ “cứ” như càng nhấn mạnh sự thủy chung, vẹn nguyên, tròn đầy của vầng trăng, của thiên
nhiên. + Điều này đối lập với sự “vô tình”, lãng quên đổi thay của con người.

3
- Phép nhân hóa: “Ánh trăng im phăng phắc” gợi liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc mà bao
dung độ lượng của người bạn thủy chung tình nghĩa.
- Tình cảm của trăng, tấm lòng của trưng chính là tình cảm của những người đồng chí đồng đội
ngày xưa. Sự im lặng làm nhà thơ “giật mình” thức tỉnh, nó thể hiện những suy nghĩ, trăn trở,
tự đấu tranh với chính mình để sống tốt hơn.
Giật mình để không chìm vào quên lãng. Giật mình để không đánh mất quá khứ. Đó là cái giật
mình đáng trân trọng, đưa con người trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp.
- Dòng thơ cuối cùng dồn nén bao tâm sự, lời sám hối ăn năn dù không cất lên thành lời nhưng
vẫn hết sức ám ảnh.
- Câu chuyện xúc động về mối quan hệ người-trăng được kể bằng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị
và gửi gắm qua đó là triết lí sâu sắc. Phải chăng nhà thơ Nguyển Duy muốn gửi đến mọi người
lời nhắc nhở về lẽ sống, đạo lí: hãy biết trân trọng quá khứ ân nghĩa thủy chung? Lời nhắn
nhủ ấy không chỉ dành riêng cho thế hệ cha anh một thời “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”
mà nó còn ý nghĩa với tất cả mọi người – mọi thời trong đó có chúng ta.

III. Luyện tập.


Câu 1. Yếu tố tự sự được thể hiện như thế nào trong bài thơ?
- Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại, gắn với
các mốc sự kiện quan trọng của cuộc đời con người ( hồi nhỏ, hồi chiến tranh, từ hồi về thành
phố…). Trong câu chuyện ấy có tình huống để nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm.
Đấy chính là tình huống “thình lình đèn điện tắt”, nhân vật trữ tình gặp lại vầng trăng - người
bạn tri kỉ năm nào. Mạch cảm xúc từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình”
cuối bài thơ.
- Để nối liền mạch cảm xúc và các hình ảnh thơ, tác giả đã chọn cách trình bày độc đáo, chỉ
viết hoa đầu mỗi khổ thơ.
- Thông qua câu chuyện, ND muốn gửi gắm suy tư, triết lí trong cuộc sống: chúng ta phải
biết trân trọng quá khứ ân tình thủy chung, nhờ có những năm tháng ấy ta mới có ngày hôm
nay. Đó cũng chính là đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Câu 2. Các tác phẩm thơ cùng chủ đề, thể loại.
- Đề tài trăng: Ngắm trăng ( Giống: trăng là tri kỉ . Khác: Trong Ánh trăng, trăng vừa là tri
kỉ, vừa mang nghĩa biểu tượng).
- Câu thơ cũng xuất hiện hình ảnh vầng trăng: “Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
- Bài thơ kết hợp phương thức tự sự: Bếp lửa, Nói với con.
Câu 3.
1. Trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, cuộc hội ngộ giữa người và trăng được thể
hiện trong những khổ thơ nào? Em hãy chép chính xác các khổ thơ đó.
2. “Ánh trăng” có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình. Yếu tố tự sự được thể hiện như thế nào
trong bài thơ.
3. Qua bài thơ Ánh trăng, tác giả Nguyễn Duy muốn gửi gắm đến bạn đọc đạo lí tốt đẹp của
dân tộc ta. Đó là đạo lí gì? Đạo lí đó được thể hiện như thế nào qua sự kiện Đại tướng Võ
Nguyên Giáp qua đời vào tháng 10 năm 2013? Hãy viết bài văn ngắn bày tỏ suy nghĩ của em
( khỏang 1 trang giấy thi)
Câu 4. Trong bài thơ Ánh trăng, Nguyễn Duy có viết
“Hồi nhỏ sống với đồng”

4
1. Hãy chép ba câu thơ tiếp theo để hoàn chỉnh khổ thơ. Cho biết hoàn cảnh sáng tác của bài
thơ.
2. Hãy chỉ ra phép liệt kể trong khổ thơ em vừa chép và nêu tác dụng.
3. Từ bài thơ Ánh trăng và những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ ( tối đa một
trang giấy thi) về lẽ sống thủy chung cùng quá khứ của dân tộc ta.

Câu 5. Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy có cách kết thúc rất giàu ý nghĩa:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
1 .Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Hoàn cảnh ấy có ảnh hưởng như thế nào đến chủ đề của
tác phẩm? Theo em, chủ đề ấy có liên quan gì đến đạo lí, lẽ sống của dân tộc Việt Nam?
2. Trong bài thơ, có hai lần xuất hiện hình ảnh “đồng”, “sông”, “rừng”, “bể”. Theo em, sự
lặp lại ấy có ý nghĩa như thế nào?
3. Bằng một đoan văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận qui nạp, trong đó có sử
dụng phép nối và một câu phủ định, em hãy phân tích đoạn văn để chứng minh rằng: khổ
thơ là nơi tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng
mang tính triết lí của tác phẩm. ( Gạch chân dưới từ ngữ thể hiện phép nối và câu phủ
định)

Câu 6 . Mở đầu bài thơ “Ánh trăng”, Nguyễn Duy có viết:


Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
1, Trong bài thơ, các hình ảnh đồng, sông, bể, rừng được nhắc lại ở một khổ thơ khác. Em hãy
chép chính xác khổ thơ đó.
2. Theo em, các hình ảnh đồng, sông, bể, rừng ở hai khổ thơ khác nhau như thế nào?
3. Bài thơ “Ánh trăng” gợi nhắc và củng cố thái độ sống nào của người đọc? Hãy tìm hai câu
tục ngữ có ý nghĩa tương tự với chủ đề của bài thơ.
4. Từ cảm nhận về truyền thống đạo lí đó, em hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về
tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông từ trần ( tháng
10 / 2013)

Câu 7
“…Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng?
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng cuối rừng”
( Việt Bắc - Tố Hữu)
1. Những câu thơ trên khiến em liên tưởng tới tác phẩm nào trong chương trình Ngữ văn 9
cũng nhắc nhở người đọc về đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” ?

5
2. Chép thuộc lòng hai khổ thơ cuối của bài thơ vừa xác định.
3. Tìm trong đoạn thơ vừa chép một từ nhiều nghĩa? Giải thích nghĩa gốc và nghĩa chuyển của
từ nhiều nghĩa đó.

Câu 8: Có ý kiến cho rằng:


Trong bài thơ “Ánh trăng”, sau niềm xúc động “rưng rưng” trào dâng mạnh mẽ khi
được hội ngộ với “vầng trăng tình nghĩa”, Nguyễn Duy đã thể hiện phút lắng lòng đầy trầm tư
để suy ngẫm về bài học mang tính triết lí sâu sắc: lẽ sống, tình đời của con người.
1. Chép chính xác khổ thơ thể hiện rõ nhận xét trên.
2. Vì sao ở phần đầu của bài thơ, để miêu tả trăng, tác giả sử dụng từ “vầng trăng” mà
cuối bài lại sử dụng từ “ánh trăng”.
3. Dựa vào khổ thơ trên, em hãy một viết đoạn văn từ 12 đến 15 câu trình bày theo phép
lập luận tổng phân hợp để làm rõ những suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ khi gặp lại vầng
trăng, trong đoạn có sử dụng một câu phủ định và một lời dẫn trực tiếp (gạch chân và
chỉ rõ).
4. “Ánh trăng” là bài thơ có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Kể tên một bài thơ Việt
Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cũng có sự kết hợp giữa tự sự và trữ
tình như bài “ Ánh trăng” và ghi rõ tên tác giả.
Câu 9: 7 điểm
“Với Nguyễn Duy, hình tượng vầng trăng quen thuộc đã gợi cho nhà thơ những cảm xúc
mới mẻ và những suy nghĩ sâu sắc”
1/Theo em, nhận xét trên nói đến bài thơ nào mà em đã học? Chép lại chính xác những
khổ thơ có nội dung thể hiện rõ nhất ý nhận xét đó.
2/ Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ, hoàn cảnh ấy có mối quan hệ như thế nào tới
những điều tác giả gửi gắm trong tác phẩm?
3/ Chỉ ra phép tu từ được tác giả sử dụng trong câu thơ đầu của đoạn thơ vùa chép và
nêu ý nghĩa tác dụng.
4/ Viết đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng - phân-hợp nêu cảm nhận của
em về hình tượng trăng trong đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có dùng một lời dẫn trực
tiếp và một câu có thành phần khởi ngữ.(Gạch chân dưới lời dẫn trực tiếp và từ ngữ làm
khởi ngữ)
5/Kể tên một tác phẩm đã học trong chương trình ngữ văn lớp 9 cùng thể loại với văn
bản trên.

Câu 10. Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ kể về mối
quan hệ giữa con người với vầng trăng.
a/ Chép chính xác khổ thơ thể hiện tình huống của câu chuyện. Theo em, đó là tình huống
nào? Tình huống này có tác dụng gì trong việc diễn tả mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình?
b/ Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh của “vầng trăng”, “trăng”, nhưng kết thúc bài thơ tác giả
lại viết là “ánh trăng”. Em lí giải như thế nào về sự thay đổi này?
c/ Cuộc gặp gỡ giữa người và trăng trong bài thơ đã đem đến nhiều cảm xúc sâu sắc cho người
đọc. Trong chương trình Ngữ văn THCS mà em đã học cũng có một bài thơ viết về cuộc gặp
6
gỡ giữa người và trăng thật ấn tượng. Theo em, đó là bài thơ nào? Nêu rõ tên tác giả.

You might also like