You are on page 1of 9

ĐÂY THÔN VĨ DẠ

- HÀN MẶC TỬ-


I. TÌM HIỂU CHUNG:
1. Tác giả:
- Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 mất 1940.
- Cuộc đời: Có nhiều bất hạnh vì sớm bị mắc phong – căn bệnh này không chỉ mang
lại đau về thể xác mà còn tạo ra những đau khổ về tinh thần bởi phải sống cách li với
cộng đồng.
- Phong cách thơ ca:
+ Thơ hướng nội: thể hiện trực tiếp những trạng thái tâm hồn của nhà thơ. Nhà thơ
thường khắc hoạ những trạng thái tĩnh của tự nhiên như một hoạ điệu của ông. Vì thế
khi vẽ cảnh cũng là khi ông tan biến vào cảnh, từ đó ta có thể thấy cảnh của ông là
tâm cảnh.
+ Thơ Hàn Mặc Tử thuộc trường phái thơ điên – không phải là trạng bệnh lí mà là
dạng thức của sự sáng tạo:
++ Cảm xúc chủ đạo là cảm xúc đau thương.
++ Chủ thể trong thơ điên có sự phân thân.
++ Mạch liên kết là mạch liên kết siêu logic, không bằng dấu hiệu bên ngoài
mà bằng mạch cảm xúc bên trong.
++ Hình ảnh trong thơ điên có 2 dạng là kì dị - lạ lùng, kinh dị - sợ hãi.
++ Ngôn ngữ trong thơ điên có xu hướng miêu tả, biểu cảm ở mức độ cao.
-> Thơ là sự phản ánh tâm hồn nhà thơ. HMT là nhà thơ chan chứa tình yêu đời, yêu
cuộc sống nhưng số phận lại quá bất hạnh và nghiệt ngã. Vì thế trong thơ ông luôn
đồng thời tốn tại cả tình yêu đời mãnh liệt cùng nỗi đau đớn quằn quại chính vì tình
yêu tuyệt vọng ấy khi phỉa chia lìa, xa cách cuộc đời.
2. Tác phẩm:
- Nằm trong tập “ Thơ điên” – xuất bản năm 1938.
- Nguyên cớ:
+ Hàn Mặc Tử thời kì còn làm ở Sở đạc điền có quen với cô con gái ông chủ sở là cô
Hoàng Thị Kim Cúc và có nảy sinh những tình cảm mến mộ thầm kín. Khi Hàn Mặc
Tử bị bệnh phải về ở trại phong Quy Hoà thì một người bạn của ông nhưng cũng là
em họ của Hoàng Cúc đã nói với Hoàng Cúc về tình cảnh của Hàn Mặc Tử. Biết
được tin đó Hoàng Cúc đã gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh cảnh Vĩ Dạ có dòng
sông, con thuyền kèm theo với vài lời nhắn gửi.
+ Một thời gian sau Hoàng Cúc nhận được bức thư phúc đáp của HMT cùng bài thơ
“ Đây thôn Vĩ Dạ”. Vì thế mà có thông tin cho rằng bài thơ viết về mối tình đơn
phương của HMT với Hoàng Cúc.
+ Tuy nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật – đặc biệt là thơ ca thì một sự kiện nào đó của
đời sống chỉ mạng ý nghĩa là một yếu tố tác động để đánh thức những cảm xúc nỗi
niềm, những tâm sự vốn ẩn kín nơi đáy sâu tâm hồn của nhà thơ.
- Điểm đặc biệt của bài thơ:
+ Mỗi khổ thơ trong bài thơ gợi ra một đối tượng khác nhau, giữa các đối tượng này
có mối liên hệ rất lỏng lẻo.
++ Khổ 1: hình ảnh của thôn Vĩ trong buổi bình minh
++ Khổ 2: hình ảnh dòng sông với con thuyền chở đầy trăng
++ Khổ 3: hình ảnh em hiện lên trong giấc mộng
+ Hình ảnh trong ba khổ thơ có sự suy giảm dần về yếu tố thực, tăng dần về yếu tố
ảo.
++ Khổ 1: xác định địa điểm thôn Vĩ, có những hình ảnh cụ thể, chân thực.
++ Khổ 2: không xác định về địa danh, hình ảnh giảm đi về tính chất thực,
tăng dần về yếu tố ảo.
++ Khổ 3: ngay từ đầu khổ thơ, từ “mơ” đã gợi ra tính chất ảo.
+ Sự suy giảm về ánh sáng.
++ Khổ 1: có ánh nắng đem lại hơi ấm và sức sống
++ Khổ 2: ánh trăng mơ hồ, huyền ảo
++ Khổ 3: không còn ánh sáng, chỉ còn một màu sương khói mông lung
+ Mỗi khổ thơ đều chứa đựng một câu hỏi. Những câu hỏi không có lời giải đáp đem
đến cho khổ thơ, bài thơ âm hưởng đầy khắc khoải, vừa tha thiết, vừa ngậm ngùi.
++ Khổ 1: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
++ Khổ 2: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?”
++ Khổ 3: “Ai biết tình ai có đậm đà?”
- Hình ảnh thôn Vĩ, hình ảnh con thuyền chở trăng về kịp tối nay, là những hình ảnh
hiện thân của cuộc đời mà nhà thơ khát khao hướng tới. Nỗi khao khát càng lớn thì
hình ảnh ấy lại càng xa vời vượt ra ngoài tầm với của nhà thơ.
=> Bài thơ khẳng định tình yêu với cuộc đời – là tình yêu vừa tha thiết lại vừa khắc
khoải.
II. PHÂN TÍCH
1. Khổ 1: Thôn Vĩ đẹp trong kí ức của nhà thơ:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
a. Khơ bắt đầu bằng một câu hỏi:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
- Đây như là một sự băn khoăn, vừa có ý nghĩa như một lời trách móc.
- Chủ thể của câu hỏi:
+ Nếu căn cứ vào đại từ được sử dụng thì chủ thể câu hỏi là em, người thôn Vĩ. Như
vậy câu hỏi như một lời mời, trách móc nhẹ nhàng. Vì một người gắn bó với thôn Vĩ
mà lại “không về” thôn Vĩ. Và câu hỏi còn gợi một sự an ủi cho nhà thơ rằng vẫn có
một người nào đó ở thôn Vĩ, ở cuộc đời ngoài kia, vẫn nhớ tới và mong chờ Hàn Mạc
Tử.
+ Nếu căn cứ vào thơ của Hàn Mặc Tử, thơ hướng nội, chủ thể có sự phân thân, thì
câu hỏi này là biểu hiện của nỗi day dứt, nuối tiếc: cảnh đẹp như thế sao không thể
trở về?
- Sắc thái âm điệu:
+ Từ “không” khác từ “chẳng” hoặc từ “chưa”. Từ “chẳng” mang tính khẩu ngữ và
thanh trắc của nó sẽ phá vỡ cấu trúc thanh điệu của câu thơ. Từ “chưa” có thể đảm
bảo thanh điệu nhưng nó lại hé mở một tia hi vọng vì “chưa về” có thể sẽ về. Và từ
“chưa” không phù hợp với cảnh ngộ hiện tại của nhà thơ.
+ Từ “không” là phủ định từ có ý nghĩa phủ nhận tuyệt đối, thể hiện trọn vẹn được
cảm xúc day dứt, nuối tiếc khi muốn về mà không thể về.
- Thanh điệu của câu thơ: câu thơ có bảy chữ thì sáu chữ thanh bằng, vì thế mà hơi
thơ êm nhẹ, chỉ có một thanh trắc ở cuối câu nâng âm hưởng của câu thơ lên cao.Và
khi kết hợp với hàm ý băn khoăn của hình thức câu hỏi, thanh trắc đó đã giúp nhà thơ
biểu hiện được nỗi xót xa thầm kín của mình khi lòng rất tha thiết với thôn Vĩ mà
thực tại là thôn Vĩ đã rời xa.
-> Tóm lại: Câu thơ là biểu hiện đầu tiên cho cảm xúc đau thương của HMT khi yêu,
gắn bó với thôn Vĩ, với cuộc đời mà không thể về. Vì thế có thể thấy bức tranh thôn
Vĩ mà nhà thơ dựng lên ở ba câu thơ sau không phải là hình ảnh khách quan được
chiếm lĩnh bằng cái nhìn thị giác mà là những ấn tượng về thôn Vĩ trong tâm hồn của
một con người đang thiết tha, khắc khoải với những gì đã nằm ngoài tầm với của
chính mình.
b. Ba câu thơ sau:
“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
là vẻ đẹp thôn Vĩ hiện lên trong ấn tượng, trong tình yêu của HMT.
- Ấn tượng đầu tiên là ấn tượng về nắng đặc trưng của thôn Vĩ: “Nhìn nắng hàng
cau, nắng mới lên”.
+ Hình ảnh những hàng cau lấp lóa trong nắng sớm là một hình ảnh bình dị ở nhiều
miền quê Việt Nam và cũng là một vẻ đẹp rất đặc trưng, quen thuộc của bức tranh
nhà vườn xứ Huế.
+ Để gợi ra ấn tượng về một Vĩ Dạ, nhà thơ đã sử dụng hai cụm từ “nắng hàng cau”
và “nắng mới lên”.
++ Cụm từ “nắng hàng cau” là cách sử dụng từ độc đáo bởi “nắng hàng cau”
vốn là một danh từ nhưng được sử dụng như một tính từ để đặc tả cái nắng của vùng
Vĩ Dạ. Sử dụng cụm từ “nắng hàng cau”, HMT buộc người đọc phải sử dụng trí
tưởng tượng để hình dung. Ta có thể hình dung hình ảnh những cau thẳng, cao vút, ở
tận trên cao tàu lá lòe xanh. Ánh nắng khi lọc qua màu xanh của nhưng tán cau trở
nên vừa dịu mát vừa tươi tắn, tràn đầy sức sống.
++ Cụm từ “nắng mới lên” gợi ra hình ảnh ánh nắng của buổi sáng sớm tinh
khôi, trong trẻo, nó đem tới ấn tượng về vẻ đẹp tinh khiết của bức tranh thôn Vĩ buổi
bình minh. Câu thơ ngắt theo nhịp: 1/3/3 chậm rãi, từ “nắng” điệp lại 2 lần, dường
như gợi ra cả nhịp dâng lên, lan tỏa của nắng trong vườn. Câu thơ thể hiện được một
nguồn sinh khí ấm áp, rạo rực khắp cõi trần gian.
-> Thôn Vĩ, trong ấn tượng đầu tiên đã là một miền đời tươi đẹp.
- Ấn tượng thứ hai là ấn tượng về khu vườn thôn Vĩ: vừa kì lạ, diễm lệ vừa tràn đầy
sức sống: “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
+ Cấu trúc câu nghi vấn mang sắc thái cảm thán: “Vườn ai mướt quá, xanh như
ngọc” như một tiếng reo vui, ngỡ ngàng, sung sướng.
++ Câu thơ ngắt nhịp 3/4 với vế thứ nhất là một nhận xét “vườn ai mướt quá”
và vế thứ hai là một so sánh “xanh như ngọc”.
++ Cụm từ “vườn ai” vừa mang nghĩa miêu tả để chỉ một đối tượng mà mình
chưa biết rõ, lại vừa có chức năng biểu hiện cảm xúc ngỡ ngàng khi đối diện với một
vẻ đẹp lạ lùng.
++ Từ “mướt” vừa gọi cái mượt mà lại vừa gợi độ tươi thắm căng tràn sức
sống, cho ta thấy độ óng ả của cây lá buổi bình minh còn ướt đẫm sương sớm.
++ Còn “mướt quá” thì không chỉ gợi ra tính chất của hình ảnh mà còn cho
thấy những lời trầm trồ, ngưỡng mộ, biểu hiện cảm xúc ngỡ ngàng, say đắm trước
một vẻ đẹp lạ lùng.
++ Ở đây, HMT đã có một cách so sánh độc đáo: “xanh như ngọc”. Nếu xanh
chỉ là màu thì “ngọc” lại gợi ra thứ ánh sáng lung linh, huyền diệu tạo ra từ màu xanh
lá cây. Đặt trong mạch liên kết của toàn bộ câu thơ, nó khiến ta hình dung, cây lá
buổi sáng sóm còn ướt đẫm sương đêm, những giọt sương dưới ánh nắng mặt trời
ánh lên như ngọc. Thậm chí ta có thể có liên tưởng rộng hơn: cả khu vườn thôn Vĩ
tươi tốt xanh ngời lên như một viên ngọc khổng lồ. Vườn thôn Vĩ vừa đẹp vừa quý
giá.
-> Có thể thấy vẻ đẹp ấy không phải là kết quả của cái nhìn thị giác mà đây là
vẻ đẹp vốn có của thôn Vĩ nhưng đã được bao phủ bởi vầng sáng của tình yêu, của
niềm nuối tiếc, của nỗi khát khao đến khắc khoải được hòa mình giao cảm để tìm
thấy những bình yên, thanh thản trong tâm hồn.
Liên hệ với câu thơ của Xuân Diệu: “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá” (Thơ duyên),
cái riêng của HMT: so sánh làm nổi bật khong chỉ màu xanh mà còn cả vẻ quý giá
của khu vườn.
+ Khổ thơ kết lại bằng nét vẽ thi vị về sự hài hòa giữa cảnh và người: “Lá trúc che
ngang mặt chữ điền”.
++ “Mặt chữ điền” đem đến nhiều cách hiểu khác nhau. Có người cho rằng
đây là khuôn mặt của một người đàn ông, có người cho rằng đây là khuôn mặt của
một cô gái, có người hình dung ra một ô của sổ, có người lại nghĩ tới chữ điền trong
Hán tự cổ ở cổng những nhà điền chủ ở Vĩ Dạ. Tuy nhiên trong những cách hiểu ấy,
hiểu “mặt chữ điền” là gương mặt con người sẽ phù hợp hơn cả. Bởi như thế, câu thơ
sẽ tạo nên sự hài hòa giữa cảnh đẹp và người tốt, giữa nét thanh sơ mảnh mai của lá
trúc với vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu của gương mặt chữ điền.
++ Sự hài hòa giữa cảnh và người khiến không gian thôn Vĩ thêm êm đềm
bình yên và dễ trở thành một điểm tựa tâm hồn.
=> Kí ức về cuộc đời tươi đẹp đã xa ngoài tầm với của nhà thơ.

*So sánh với nhà thơ Thanh Hải khi viết “Mùa xuân nho nhỏ”.
- Điểm chung: cả hai bài thơ đều được các nhà thơ viết khi đang nằm trên giường
bệnh, đều thể hiện tình yêu, niềm thiết tha hướng về cuộc sống.
- Điểm khác:
+ Nhà thơ Thanh Hải được sống giữa mọi người để cảm nhận trực tiếp, cụ thể về
những vẻ đẹp cuộc sống.
+ Nhà thơ HMT sống cách li với mọi người nên chỉ có thể ngóng vọng hướng về phía
cuộc đời bằng một tình yêu tuyệt vọng.

2. Khổ 2:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
a. Hai câu thơ đầu: mở ra với một bức tranh phong cảnh có đủ cả gió, mây, sông
nước.
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
a1. Câu thơ đầu: “Gió theo lối gió, mây đường mây” đưa lại một cảm giác buồn bã
và hiu hắt trong cả hình ảnh và giọng điệu. Thông thường “gió” và “mây” có sự gắn
kết bởi gió thổi, mây bay – sự vận động cùng chiều, cùng hướng, sóng đôi. Nhưng
trong cách nhìn của HMT nó lại trở nên rất lạ lùng vì nó vận động ngược chiều, chia
lìa, xa cách: gió một đường, mây một nẻo. Nhịp ngắt 4/3 với những chữ “gió”, “mây”
riêng rẽ ở từng vế câu đã tạo ra cảm giác có một sự ngăn cách, chia lìa thật quyết liệt.
Từ sự phi lí về hiện tượng tự nhiên HMT thể hiện sự hợp lí của tâm trạng con người.
Cảnh thiên nhiên, vì thế, trở thành tâm cảnh, hình ảnh thiên nhiên là sự phản chiếu
cảu tâm trạng. Đặt trong mối quan hệ với nhà thơ, ta thấy, chính mặc cảm chia lìa, xa
cách khiến HMT nhìn thấy sự chia lìa trong những mối quan hệ vốn là gắn bó. Nói
cách khác, thiên nhiên là những hình ảnh được nhà thơ nhắc đến để gửi gắm tâm
trạng trong cảnh ngộ của bản thân.
a2. Câu thơ thứ hai gợi ra một không gian bờ bãi sông nước: “Dòng nước buồn thiu,
hoa bắp lay”
- Phép nhân hóa trong hình ảnh “dòng nước buồn thiu” và cách tác giả dùng từ “dòng
nước” chứ không phải “dòng sông” gợi lên một dòng chảy phẳng lặng như không trôi
chảy. Vì dòng sông gợi cảm nhận về một sinh thể có sự sống, có vận động. Còn dòng
nước chỉ là sự tồn tại hững hờ - cũng có thể là dấu hiệu của sụ sống mờ nhạt.
- Từ “buồn thiu” là nỗi buồn tiêu hao sự sống, nó khiến cá thể trở nên lặng lẽ. Chữ
“buồn thiu” khi đặt cạnh hình ảnh dòng nước gợi hình dung về một dòng chảy lững
lờ, chầm chậm, và gợi liên tưởng tới một dòng tâm trạng trĩu nặng trong tâm hồn con
người.
- Động từ “lay” cho thấy gió thật nhẹ, thật buồn trong cái lay động khẽ khàng của hoa
bắp. Lấy động tả tĩnh là thủ pháp quan thuộc trong thơ ca xưa. Ở đây HMT đã sử
dụng hiệu quả khi chỉ miêu tả chút lay động hoa bắp mà làm nổi bật cái buồn bã, tĩnh
lặng, hiu hắt của thiên nhiên xứ Huế.
-> Trong hai câu thơ có nhiều những vận động được gợi ra: vận động của gió, mây,
dòng nước, hoa bắp nhưng tất cả những vận động ấy không đem đến cảm nhận về
một thế giới sống động mà ngược lại, đem đến cảm nhận về một thế giới lặng lẽ với
những tồn tại mơ hồ. Bức tranh phong cảnh trở thành bức tranh tâm cảnh. Thiên
nhiên trở thành phương tiện để bộc lộ cõi lòng u ám, buồn bã.
b. Hai câu thơ sau gợi ra một thế giới đầy mờ ảo với dòng sông trăng, bến trăng và
con thuyền chở đầy ánh trăng:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
- Hình ảnh thuyền xưa nay vẫn là hình ảnh tượng trưng cho mối liên hệ, có thể là mối
liên hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa vùng không gian này với vùng không
gian khác.
- “thuyền ai” vừa gợi ra con thuyền của ai đó, mơ hồ không xác định, không thuộc về
mình lại vừa biểu hiện một nỗi băn khoăn về mối liên hệ mà con thuyền ấy tạo ra.
- Hình ảnh con thuyền đậu bến sông trăng, nhìn bề ngoài là hình ảnh đầy thi vị.
Nhưng trong cấu trúc thời gian mà HMT xây dựng ở bài thơ này, hình ảnh con
thuyền chở trăng ấy cũng tương tự như hình ảnh thôn Vĩ, là hiện thân của một vẻ đẹp
thuộc về cuộc đời nhưng nằm ngoài tầm tay với của tác giả.
- Con thuyền chở trăng là chở ánh sáng, cũng là chở theo một niềm hi vọng để xoa
dịu nỗi buồn đau của một con người đang phải sống tách biệt với cuộc đời.
+ Câu thơ “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” với cách diễn đạt phiếm chỉ gợi cảm
nhận về hoàn cảnh của nhà thơ: dường như đang bị vây bọc trong một thế giới cô đơn
và hỏi vọng ra bên ngoài. Câu hỏi da diết bởi khát khao và đau đớn đến vô vọng.
LH tâm trạng Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích: “Thuyền ai thấp thoáng
cánh buồm xa xa” (Truyền Kiều).
Giống: cô đơn, trông chờ một niềm hi vọng
Khác: hoàn cảnh cụ thể: bệnh tật, bị giam lỏng

+ Câu thơ sau “Có chở trăng về kịp tối nay?”là một câu hỏi không thuần nhất bởi
chất chứa nhiều cảm xúc phức tạp:
++ “có chở trăng” là biểu hiện của một niềm hi vọng phấp phỏng
++ “có chở trăng về” là một nỗi ngóng trông da diết
++ “có chở trăng về kịp” thể hiện một tâm trạng khắc khoải, âu lo vì sợ muộn
màng.
++ “có chở trăng về kịp tối nay?” – tối nay là một thời điểm, thời gian xác
định, cụ thể, cũng là giới hạn cuối cùng của thời gian, mà vượt qua giới hạn ấy, con
thuyền dù có mặt cũng không có ý nghĩa gì nữa.
++ Bên cạnh thời điểm “tối nay”, từ “kịp” còn chứa đựng cả một tâm trạng bi
kịch của nhà thơ. Trạng thái của con thuyền: “đậu” – dừng lại, nếu là con thuyền “từ
bến sông trăng” tức là con thuyền đang bắt đầu cuộc hành trình của nó thì hi vọng
đến kịp còn có khả năng trở thành hiện thực nhưng ở đây lại là con thuyền “đậu bến
sông trăng”, con thuyền chưa bắt đầu cuộc hành trình. Đặt chữ “đậu” cạnh chữ “kịp”
câu thơ mang một âm hưởng ngậm ngùi bởi khi hi vọng được khơi lên thì cùng theo
đó là nỗi ngậm ngùi, thất vọng.
-> Khổ thơ cho thấy thế giới thực trong hiện tại của nhà thơ với những chia lìa,
xa cách. Bên cạnh đó là niềm khao khát tuyệt vọng được trở về cuộc đời mà nhà thơ
nhớ và yêu da diết.
=> Bức tranh tâm cảnh trong thế giới thực tại của nhà thơ.
3. Khổ 3:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
- Khổ 1: ánh nắng ấm áp trong quá khứ, khổ 2: ánh trăng mộng ảo cùng những tiếc
nuối khát khao, khổ 3: là một cõi xa xăm, mờ nhòa sương khói.
- Câu thơ đầu: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”
+ “mơ” có thể hiểu theo hai cách: niềm ước mơ cháy bỏng của thi nhân muốn được
cảm nhận và gần gũi với hình bóng con người; giấc mộng, trong đó hình bóng con
người xa dần. Dù hiểu theo cách nào thì đối thể của nó cũng chỉ là một ảo ảnh.
+ Điệp ngữ “khách đường xa” nhấn mạnh đến hình ảnh “khách” đang mờ dần, xa
dần.
LH với câu thơ của Nguyễn Bính: “Anh đi đó, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh
buồm nâu, cánh buồm”. Cách điệp ngữ tạo ấn tượng về cánh buồm xa dần, khuất dần
theo tầm mắt.
+ Trong quan hệ với câu thơ sau, có thể hiểu “khách đường xa” là để chỉ “em” người
trong giấc mộng. Nếu dùng từ “em” câu thơ sẽ đem đến một cảm giác thân thiết, một
sự gần gũi thì cách dùng cụm từ “khách đường xa” mang tính trang trọng nhưng xa
cách. Chính vì vậy mà hình bóng con người ở ngoài tầm tay với.
-> Câu thơ gợi ra niềm ngóng đợi, nuối tiếc của nhà thơ.
- Nếu câu thơ thứ nhất gợi ra một ảo ảnh thì câu thơ thứ 2 lại gợi ra một ảo giác: “Áo
em trắng quá, nhìn không ra”.
+ Xét theo nghĩa sự việc, câu thơ chỉ gợi ra màu áo trắng của em – khách đường xa.
Xét trên nghĩa biểu cảm, câu thơ gọi ấn tượng lạ lùng khi sắc trắng trở thành một ám
ảnh.
+ cụm từ “trắng quá” gợi ra giới hạn tột cùng của sắc trắng. Nhưng “trắng quá nhìn
không ra” thì sắc trắng đã vượt ra tầm kiểm soát của thị giác để trở thành một ảo
giác.
+ cụm từ “nhìn không ra” còn thể hiện sự bất lực của nhà thơ khi thấy cuộc đời mỗi
lúc một xa dần, thậm chí là không còn cảm nhận được nữa.
- Câu thơ thứ 3 là một sự lí giải cho việc “nhìn không ra” ở câu thơ trên: “Ở đây
sương khói mờ nhân ảnh” – màu trắng hòa lẫn trong màu sương khói.
+ Cụm từ “ở đây” vốn là từ chỉ không gian xác định, nhưng trong câu thơ này lại rất
khó xác định “ở đây” là ở đâu. Cỏ thể là xứ Huế đầy sương khói, có thể là cuộc đời
này.
+ Hình ảnh “sương khói” cũng là một hình ảnh đa nghĩa. Nghĩa thực là sương khói
trong cuộc sống tạo nên độ mờ về thị giác. Nghĩa ẩn dụ là sương khói thời gian của
cuộc đời tạo nên sự mờ đậm của tình người. Từ sự mờ đậm của thị giác mà liên
tưởng tới độ mờ đậm của tình người là cách liên tưởng vừa tự nhiên lại vừa tất nhiên.
Nó cho thấy mặc cảm chia li của một con người đang phải sống cách li với cuộc
sống, rất dễ bị lãng quên. Và càng khao khát một sự giao cảm gần gũi lại càng dễ rơi
vào sự thất vọng.
- Trong mạch cảm xúc ấy, câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?” bật lên như một điều
tất yếu.
+ Đại từ phiếm chỉ “ai” có mặt trong cả ba khổ thơ, khi thì chỉ chủ thể, khi thì chỉ
khách thể.
+ Trong câu thơ này, từ “ai” xuất hiện hai lần, nó vừa để chỉ chủ thể, nó vừa để chỉ
khách thể. Ai có thể là anh, có thể là em, là HMT, là Hoàng Cúc, và “ai” ở đây cũng
có thể hiểu là con người trong cuộc đời này.
+ Chính sự đa nghĩa của đại từ phiếm chỉ “ai” khiến câu thơ trở nên đa nghĩa:
++ có thể là niềm tha thiết bày tỏ tình cảm sâu đậm trong lòng ai đó
++ có thể là nỗi băn khoăn về tình cảm của ai đó dành cho mình
++ có thể là niềm day dứt rằng con người trong cuộc đời này sống vói nhau
tình cảm có đậm đà hay không, hay chỉ nhạt nhẽo và hờ hững.
-> Sự hợp nghĩa ở câu thơ này đã nâng tầm vóc ý nghĩa của bài thơ, khiến nó vượt ra
khỏi phạm vi lời tâm tình riêng tư để thể hiện một khao khát rất nhân văn đó là khao
khát về tình người, tình đời trong cuộc đời.
LH với Thanh Hải khi sáng tác “Mùa xuân nho nhỏ”.
III. TỔNG KẾT
1. Về nội dung:
- tình yêu say đắm của nhà thơ với cuộc đời
- nỗi bất hạnh bởi bi kịch đau đớn tuyệt vọng của ông khi phải chia lìa, cách biệt với
cuộc đời.
2. Về nghệ thuật:
- mạch liên tưởng từ quá khứ tinh khôi, trong trẻo đến hiện tại hiu hắt, buồn bã
- các hình ảnh, từ ngữ giàu sức gợi và mang ý nghĩa biểu tượng
- các biện tu từ.

You might also like