You are on page 1of 17

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-----🙞🙜🕮🙞🙜-----

TIỂU LUẬN CUỐI KỲ


HỌC PHẦN: LỊCH SỬ ĐÔNG NAM Á

Giảng viên: TS. Hồ Thị Thành


Học phần: Lịch sử Đông Nam Á
Họ và tên: Nguyễn Trà Mi
Mã sinh viên: 22030214
Khóa: QH-2022-X-ĐNA

Hà Nội – 2023
LỜI CẢM ƠN
Đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
vì đã cho em cơ hội học tập và nghiên cứu học phần “Lịch sử Đông Nam Á”. Sau thời
gian học tập lý thuyết tại trường cùng với sự hướng dẫn, giảng dạy của đội ngũ giảng
viên chuyên nghiệp đầy tâm huyết, em đã hoàn thành bài tiểu luận cuối kỳ học phần
“Lịch sử Đông Nam Á”.

Đặc biệt, em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến TS. Hồ Thị Thành, cô đã định
hướng cho chủ đề của bài tiểu luận, đồng thời đã giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho
chúng em trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu. Từ đó chúng em được tiếp xúc một
cách toàn diện và khoa học với các chủ đề quan trọng trong lĩnh vực, trau dồi thêm bài
học, kinh nghiệm nghiên cứu cũng như tích lũy được kinh nghiệm sống cho bản thân.

Xuyên suốt quá trình học tập, em đã cố gắng trau dồi kĩ năng và kiến thức về môn học
để có thể hoàn thành bài tiểu luận này. Tuy nhiên, quá trình làm bài vẫn không thể tránh khỏi
thiếu sót, kính mong được cô góp ý, giúp đỡ để bài tiểu luận cuối kỳ của em được hoàn thiện
hơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 6 tháng 6 năm 2023


Sinh viên
Nguyễn Trà Mi
ĐỀ TÀI

Chính sách phát triển của Singapore và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam.

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
2. Mục tiêu nghiên cứu
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu
5. Bố cục đề tài

NỘI DUNG

1. Tổng quan tài liệu


2. Vài nét về Singapore
3. Tổng quan về chính sách phát triển của Singapore
3.1. Chính sách phát triển kinh tế – chính trị
3.2. Chính sách phát triển văn hóa – xã hội
4. Kinh nghiệm thao khảo cho Việt Nam

KẾT LUẬN

TÀI LIỆU THAM KHẢO


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Phân tích chính sách phát triển là đề tài đã được nhiều học giả dành thời gian thực
hiện để nghiên cứu ở nhiều quốc gia nhằm rút ra kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đó các nhà nghiên cứu lý giải tính hiệu quả, điểm yếu, điểm mạnh của chính sách
nhằm tiến gần hơn đến mục đích xây dựng chính sách phát triển phù hợp với từng xã hội
riêng biệt, trong đó có Việt Nam.

Việc phân tích chính sách phát triển của các quốc gia nhằm rút ra kinh nghiệm
phát triển cho Việt Nam dường như là một phương pháp hiệu quả. Trong số các quốc gia
đó, Singapore là một cái tên sáng giá bởi sự phát triển toàn diện mọi mặt đáng học hỏi.
Đề tài tiểu luận sẽ đi phân tích chính sách phát triển của Singapore và rút ra kinh nghiệm
cho Việt Nam.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Tiểu luận tìm hiểu và phân tích điểm mạnh, điểm yếu trong chính sách phát triển
của Singapore, qua đó đưa ra những kinh nghiệm tham khảo hiệu quả cho Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu chính sách phát triển của Singapore, tập trung vào mặt đối nội
và đối ngoại về kinh tế chính trị, văn hóa giáo dục và ngoại giao. Từ đó nêu lên những
kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi không gian: Nghiên cứu tập trung vào khu vực được xác định là lãnh thổ
Singapore. Chính sách phát triển được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia
Singapore.

4. Phương pháp nghiên cứu


Tiểu luận sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu để xây dựng khái niệm và hệ
khái niệm về chính sách phát triển, thu thập dữ liệu về chính sách phát triển và hiệu quả
của chính sách phát triển đó đối với Singapore. Các loại tài liệu phục vụ cho bài tiểu luận
gồm có các tài liệu là kết quả nghiên cứu cơ bản; kết quả nghiên cứu ứng dụng từ các bài
báo khoa học, đề tài nghiên cứu; tài liệu do các cơ quan quản lý do tổng cục thống kê
công bố để thu thập thông tin về thực trạng xã hội Singapore và hiệu quả của chính sách
phát triển đem lại.

5. Cấu trúc của tiểu luận

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, bài tiểu luận được cấu trúc thành 4 phần:

Phần 1: Tổng quan tài liệu

Phần 2: Vài nét về quốc gia Singapore

Phần 3: Phân tích chính sách phát triển của Singapore trong từng mặt kinh tế - chính
trị, văn hóa – xã hội

Phần 4: Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam


NỘI DUNG

1. Tổng quan tài liệu

Các tài liệu nghiên cứu chủ yếu tập trung vào phân tích lợi ích chính sách phát
triển mang lại cho người dân Singapore về mặt an sinh xã hội, bảo đảm quyền được
sống, được hoạt động phát triển của công dân. Các chính sách đã góp phần tạo điều
kiện cho người dân có được không gian thuận lợi phát triển trong mọi mặt đời sống.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra những điểm mạnh mà nhà nước Singapore sớm nhận thức
được để áp dụng vào xây dựng nên chính sách phát triển toàn diện, thúc đẩy nền kinh
tế, chính trị và quan hệ ngoại giao đối với các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, các tài liệu nghiên cứu cũng chỉ ra những thuận lợi và khó khăn mà
Singapore gặp phải, từ đó nêu bật lên hiệu quả vượt trội mà chính sách phát triển quốc
gia này đem lại trong quá trình áp dụng, đưa Singapore trở thành một trong những
quốc gia tiên tiến bậc nhất khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên toàn thế giới nói
chung.

2. Vài nét về Singapore

Singapore với tên chính thức là nước Cộng hòa Singapore – một thành bang và
quốc đảo ở Đông Nam Á, nằm ngoài khơi mũi phía nam bán đảo Mã Lai, cách xích
đạo 137 km phía bắc. Lãnh thổ Singapore gồm một đảo chính hình thoi và khoảng 60
đảo nhỏ khác. Singapore có dân số chỉ hơn 5 triệu người (năm 2013) và nền văn hóa
đa sắc tộc [1].

Về văn hóa, Singapore dựa vào vị trí địa lý thuận lợi và cơ cấu dân số đa dạng
chủng tộc đã có những thành tựu thương mại riêng. Năm 1819, Singapore được ngài
Thomas Stamford Raffles thành lập như một đầu mối giao thương buôn bán, nhanh
chóng thu hút người dân nhập cư từ các tiểu lục địa khác như Ấn Độ, Indonesia,
Malaysia và vùng Trung Đông. Nhân dân nhập cư chungsoongs hòa hợp đã tạo nên
một nền văn hóa đa dạng phong phú. Cho đến cuối thế kỷ 19, Singapore trở thành một
trong những thành phố đa chủng tộc – đa văn hóa nhất khu vực châu Á [1].
Tôn giáo phổ biến nhất tại quốc gia này là Phật giáo với 33% số dân cứ tuyên bố
là tín đồ đạo Phật trong cuộc điều tra dân số gần nhất [1]. Tôn giáo phổ biến thứ nhì là
Ki-tô giáo và theo sau là Hồi giáo, Đạo giáo và Ấn Độ giáo.

Về chính trị, Singapore là một nước cộng hòa nghị viện, có chính phủ nghị viện
nhất viện theo hệ thống Westminster đại diện cho các khu vực bầu cử. Hiến pháp của
quốc gia thiết lập hệ thống chính trị dân chủ đại diện. Hiện tại, Singapore vẫn duy trì
diện mạo của một nền dân chủ nhưng Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền đã thống
trị nền kinh tế chính trị kể từ khi nước này giành độc lập.

Với diện tích lãnh thổ nhỏ bé, Singapore hầu như không có tài nhuyên, nhiên liệu
đều nhập khẩu từ nước ngoài, không có nước ngọt, đất canh tác hẹp nên nông nghiệp
không phát triển, lương thực thực phẩm cũng là hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu
trong nước. Tuy nhiên Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát
triển cao hàng đầu châu Á và thế gới như cảng biển, công nghiệp đóng tàu, lọc dầu và
chế tạo lắp ráp máy móc. Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán dịch vụ.
Từ cuối những năm 1980 đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới: 1994 đạt
10%, 1995 là 8,9%. Tuy nhiên, từ cuối 1997, do ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ,
đồng đô la Singapore đã bị mất giá 20% và tăng trưởng kinh tế năm 1998 giảm mạnh
chỉ còn 1,3%. Từ 1999, Singapore bắt đầu phục hồi nhanh: Năm 1999, tăng trưởng
5,5%, và năm 2000 đạt hơn 9%. Do ảnh hưởng của sự kiện 11 tháng 9, suy giảm của
kinh tế thế giới và sau đó là dịch SARS, kinh tế Singapore bị ảnh hưởng nặng nề:
Năm 2001, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt -2,2%, 2002, đạt 3% và 2003 chỉ đạt 1,1%. Từ
2004, tăng trưởng mạnh: năm 2004 đạt 8,4%; 2005 đạt 5,7%; năm 2006 đạt 7,7% và
năm 2007 đạt 7,5%. Năm 2009, GDP chỉ tăng 1,2% do tác động của khủng hoảng
kinh tế [1]. Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền
kinh tế tri thức. Hiện nay, kinh tế Singapore là nền kinh tế thị trường tự do với mức
độ phát triển cao và được xếp hạng là nền kinh tế mở nhất trên thế giới [2].
Chính sách đối ngoại của Singapore được thiết kế đảm bảo sự cân bằng trong khu
vực. Kể từ khi trở thành một thành viên sáng lập của ASEAN vào năm 1967 đến nay,
Singapore vẫn luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước khác trong khu vực.

3. Chính sách phát triển của Singapore


3.1. Chính sách phát triển của Singapore trong kinh tế - chính trị

Là một nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao và thành công, với môi trường
kinh tế mở cửa và không tham nhũng, đồng thời áp dụng chính sách phát triển kinh tế
phù hợp của chính phủ đã khiến thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này cao
hơn so với hầu hết các nước đang phát triển khác.

Chính sách phát triển kinh tế của Singapore giai đoạn 2010 – 2015 chủ yếu mở
cửa cho thương mại và đầu tư. Singapore duy trì hệ thống thương mại đa phương mại
tự do và một nền kinh tế mở, sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào vì lợi ích
chung, coi trọng việc thúc đẩy và cân bằng quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và
các nước phương Tây.

Chính phủ Singapore áp dụng linh hoạt và hợp lý các chính sách kinh tế trong
quản lý nền kinh tế và phát triển đất nước. Có thể khái quát một số chính sách kinh tế
chủ yếu như sau:

Về chính sách tài khóa, mục tiêu của chính sách tài khóa là hướng tới thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế dài hạn, theo đó Chính phủ áp dụng hai nguyên tắc chủ yếu là tạo
môi trường ổn định, thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển; chính sách thuế
và chi tiêu công tập trung vào các lĩnh vực như khuyến khích tiết kiệm, đầu tư và
doanh nghiệp... [3]. Chính phủ chi mạnh cho các lĩnh vực giáo dục, nhà công vụ,
chăm sóc sức khỏe và an ninh quốc gia, sử dụng chính sách tài khóa mở rộng, cụ thể
là tăng chi tiêu chính phủ, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, chú
trong phúc lợi xã hội giúp cho tổng cầu tăng, lãi suất tăng khiến dòng vốn đầu tư nước
ngoài chảy vào trong nước [3]. Điều này góp phần làm tăng trưởng kinh tế, tạo thêm
nhiều công ăn việc làm.
Với chính sách tiền tệ, Chính phủ tập trung vào quản lý tỷ giá hối đoái với mục
tiêu chính là ổn định giá cả trung hạn như một nền tảng vững chắc cho quá trình phát
triển nền kinh tế bền vững. Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore đã tiến hành nới lỏng
chính sách tiền tệ vào tháng 1, tháng 4 và tháng 10 hàng năm, cho phép mức tăng 0%
đối với đồng đô la Singapore. Như thế, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore đã gia nhập
làn sóng các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm chống thiếu phát
và thúc đẩy tăng trưởng [3, tr.41]. Chính sách trên nhằm khống chế sức ép về lạm
phát, giữ tỷ lệ lạm phát không thay đổi nhiều và hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế. Lượng
tiền trong nền kinh tế Singapore luôn ổn định, tăng đều qua các năm những mức tăng
này không đáng kể.

Về thương mại, Singapore là thị trường hoàn toàn tự do kinh doanh sản xuất, tự do
kinh doanh xuất nhập khẩu, tự do đầu tư lưu thông vốn và lưu chuyển ngoại hối. Đất
nước này không chỉ khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn, đầu tư vốn và
kỹ thuật tiên tiến vào các ngành sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại giá trị gia tăng
cao, mà còn dành ưu đãi đối với mức thuế doanh thu 10% trong 10 năm cho các
doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư từ 200 triệu đồng đô la Singapore trở lên,
tham gia vào thương mại quốc tế hoặc hoạt động trong lĩnh vực vận rải đường biển
quốc tế... [3, tr.41]

Về các hiệp định thương mại tự do, ngoài việc là thành viên của Tổ chức Thương
mại thế giới (WTO), ASEAN, APEC... Singapore còn thực hiện nhiều cam kết song
phương khác nhằm tự do hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu
của hàng hóa, dịch vụ và nền kinh tế quốc dân. Việc áp dụng các thủ tục hải quan
minh bạch và hiệu quả giúp hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp,
thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời giúp các doanh
nghiệp tiết kiệm thời gian và kinh phí.

Singapore chấp nhận Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại, ủng hộ hệ thống
thương mại đa phương, thúc đẩy tự do hóa thương mại dựa trên nguyên tắc của WTO
và tham gia vào những sáng kiến đa phương như mở rộng Hiệp định công nghệ thông
tin. Đồng thời triển khai thuận lợi hóa thương mại cho doanh nghiệp, tích cực hội
nhập khu vực với các quốc gia thành viên ASEAN với cấp độ và hình thức đa dạng.
Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2015, Singapore và các nước
thành viên ASEAN tiến tới mục tiêu tạo ra thị trường chung cho tự do lưu chuyển
hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong 10 nước thành viên ASEAN.

Singapore điều chỉnh chính sách thuế quan, thuế suất rnafg buộc đối với các sản
phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm khoáng sản, giày dép, đá quý, máy móc giao thông,
vũ khí, đạn dược, tác phẩm nghệ thuật thì ít hoặc không có hoặc rất ít các cam kết
ràng buộc thuế quan. Hầu hết hàng hóa được miễn thuế theo cơ chế áp dụng thuế tối
huệ quốc, trừ 6 dòng thuế phải chịu mức thuế cụ thể. Trong giai đoạn 2013 – 2015,
thuế tiêu thụ đặc biệt tăng đối với sản phẩm thuốc lá, xăng dầu, đồ cồn, mức thuế đối
với phương tiện đi lại không thay đổi. Chính phủ miễn thuế hàng nhập khẩu với một
số lý do và mục đích đặc biệt. Singapore luôn duy trì cơ chế quản lý đối với hàng hóa
bị cấm nhập khẩu và giấy phép tự động hoặc không tự động [3, tr.43].

Chính phủ tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước
ngoài, đồng thời công khai khẳng định không quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước
ngoài, đặc biệt chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Chính phủ đồng thời tiến hành các biện pháp thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

Có thể thấy, trong suốt quá trình phát triển kinh tế xã hội, chính sách kinh tế của
Singapore tạo ra môi trường ổn định và thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư phát
triển cũng như sử dụng chính sách thuế và chi tiêu công tập trung vào các lĩnh vực
như khuyến khích tiết kiệm, đầu tư và doanh nghiệp. Đồng thời Chính phủ cũng ban
hành chính sách thuế linh hoạt, bình đẳng tọa điều kiện thuận lợi nhất dành cho doanh
nghiệp. Nhớ áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, nền kinh tế Singapore duy trì tốc
độ phát triển ở mức độ ổn định trong suốt những năm qua. Chính sách thương mại của
Singapore hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, được xem là động lực phát triển
kinh tế đất nước. Nhờ việc ban hành chính sách đầu tư một cách hợp lý và linh hoạt
theo từng thời kỳ, Singapore trở thành thị trường đầy tiềm năng trong lĩnh vực thu hút
vốn đầu tư nước ngoài.

Trong thời kỳ khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Sars-CoVi2, Singapore đề ra ba
trọng tâm trong chiến lược kinh tế mới nhằm đưa đất nước này vượt qua khủng hoảng
đồng thời tạo đà mở đường cho vòng tăng trưởng tiếp theo. Thứ nhất, Singapore
Singapore có vị trí tốt để kết nối đất nước với các kênh và dòng chảy mới, đồng thời
tạo ra các doanh nghiệp và việc làm mới để thay thế những công việc đã mất. Thứ hai,
Đất nước này sẽ khởi động lại nền kinh tế của mình một cách có hệ thống, xây dựng
lại các liên kết giao thông và thương mại, linh hoạt chuỗi cung ứng hơn, nỗ lực để giữ
chân và thu hút nhân tài cũng như các khoản đầu tư để góp phần vào sự phục hồi của
đất nước. Thứ ba, chính phủ Singapore có các chương trình và kế hoạch để đương đầu
với những thách thức trước mắt. Ưu tiên lớn nhất của chính phủ Singapore là hỗ trợ
người dân duy trì công việc của họ hoặc tìm kiếm những công việc mới, củng cố tổ
chức xã hội và cải thiện mạng lưới an toàn xã hội với sự đoàn kết và kiên cường của
người dân [4].

Theo nghiên cứu của Microsoft và IDC Châu Á Thái Bình Dương công bố tháng
9/2020, có tới 73% doanh nghiệp cả quy mô vừa và lớn tại Singapore đã đẩy nhanh
tốc độ số hóa theo nhiều cách khác nhau để ứng phó với đại dịch, từ việc đưa ra các
sản phẩm kỹ thuật số, thanh toán kỹ thuật số đến thương mại điện tử và tự động hóa.
Singapore cũng đẩy mạnh đưa vào hoạt động các ngân hàng điện tử để nhanh chóng
khai thác đối tượng khách hàng mới là các doanh nghiệp thương mại điện tử vừa và
nhỏ của các nước trong ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương [4]. Có thể
nói, Singapore đã biến cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra thành cơ hội để phát
triển những lĩnh vực tăng trưởng mới và làm sâu sắc các mối liên kết với nền kinh tế
toàn cầu.
3.2. Chính sách phát triển trong văn hóa – xã hội

Chính sách xã hội là một trong số những bộ phận chính sách quan trọng của Chính
phủ đưa ra để quản lý xã hội, ngăn chặn và giải quyết vấn đề xã hội còn tồn tại nhằm
ổn định và phát triển bền vững. Không ngoại lệ, với mục đích xây dựng xã hội tốt
đẹp, lành mạnh, an toàn, công dân được tự do và hạnh phúc, Singapore có những
chính sách về văn hóa xã hội như sau:

Thứ nhất là chính sách an sinh xã hội và giảm thất nghiệp. Singapore xây dựng
chiến lược an sinh xã hội phù hợp, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và định
hướng sử dụng chiến lược an sinh xã hội vào phát triển kinh tế. Singapore chủ trương
xây dựng và phát triển Quỹ tiết kiệm an sinh xã hội để tất cả công dân tự chủ về
nguồn thu nhập, y tế, giáo dục... nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội và các mục tiêu
kinh tế khác. Thông qua xây dựng hệ thống Quỹ tiết kiệm an sinh xã hội để giúp giảm
thiểu gánh nặng tài chính cho ngân sách Singapore trong thực hiện các mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội. Thông qua xây dựng hệ thống Quỹ tiết kiệm an sinh xã hội để
giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho ngân sách Singapore trong thực hiện các mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Singapore chủ trương cứu trợ cho những người không
thể duy trì mức sống tối thiểu như: Trợ cấp nhà ở và y tế, giảm giá và các hình thức
khác của cứu trợ cho các gia đình, cá nhân thu nhập thấp [5].

Trong thời kỳ Sar-CoVi2, Singapore đã khởi động Chương trình Hỗ trợ việc làm,
Gói Kỹ năng và Việc làm SGUnited cùng một số chính sách tiền tệ, nhờ vậy góp phần
giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Singapore giữ ở mức thấp, giúp khoảng 378.000 lao động đảm
bảo cơ hội việc làm trong thời kỳ đại dịch. Năm 2021, Chương trình Hỗ trợ việc làm
đã tạo được 165.000 việc làm trong nước với hơn 166.300 cơ hội việc làm và kỹ năng
trong gói Kỹ năng và Việc làm [5].

Thứ hai là chính sách bảo hiểm hưu trí. Trong hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm
hưu trí có vị trí đặc biệt quan trọng. Singapore là một trong những quốc gia điển hình
thực hiện thành công mô hình bảo hiểm hưu trí và sử dụng bảo hiểm hưu trí như một
công cụ để xây dựng xã hội phát triển. Quỹ Dự phòng Trung ương cung cấp sự bảo
đảm về tài chính cho người lao động Singapore khi họ nghỉ hưu hoặc không thể tiếp
tục làm việc. Chính sách bảo hiểm hưu trí của Singapore đã được sửa đổi, bổ sung
nhiều lần, thay đổi chủ yếu đều liên quan đến mức đóng góp và quyền lợi hưởng theo
chiều hướng có lợi hơn cho người lao động [5]. Từ năm 2016, Chính phủ Singapore
đã triển khai kế hoạch đổi mới hệ thống, bao gồm: cung cấp lượng tiền tối thiểu từ
Quỹ Dự phòng Trung ương cho những cá nhân nghèo nhất; linh hoạt hơn trong việc
rút tiền hưu trí; tăng mức đóng góp nhất định và đảm bảo lãi suất hằng năm. Hệ thống
an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm hưu trí nói riêng của Singapore đang đứng đầu ở
châu Á và thứ đứng 7 thế giới dựa trên sự đầy đủ, tính toàn vẹn và tính bền vững [6].

Thứ ba là chính sách chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế. Singapore có một hệ
thống chăm sóc sức khỏe được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng nhất ở châu Á,
đứng thứ 6/100 hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất trên thế giới. Hiện Singapore có
22 bệnh viện và cơ sở y tế đạt chứng nhận của JCI (Joint Commission International).
Chính phủ Singapore chỉ chi cho lĩnh vực y tế bằng 4,3% GDP so với Mỹ (16,9%
GDP); Pháp (11% GDP); Anh (9,9% GDP): Nhật Bản (10,9% GDP) và Hàn Quốc
(7,1% GDP) nhưng đạt được kết quả sức khỏe người dân bằng hoặc tốt hơn, tỷ lệ tử
vong ở trẻ sơ sinh thấp và kỳ vọng sống cao. Có thể thấy, Singapore luôn quan tâm
vấn đề chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao
sức khỏe cho cộng đồng.

Thứ tư là chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người dân có chỗ ở.
Singapore luôn giữ vững ổn định vấn đề nhà ở, an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển
kinh tế nhanh trong thời gian ngắn. Năm 1960, Uỷ ban Phát triển nhà ở của Singapore
được thành lập nhằm giải quyết nhanh vấn đề nhà ở xã hội để ổn định an sinh, phân
bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả bảo đảm nguyên liệu, quỹ đất và nguồn nhân lực
cho các công trình xây dựng quy mô lớn, đồng hời góp phần tiết kiệm chi phí. Nhờ sự
định hướng, hỗ trợ mạnh của Chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý, chương trình
nhà ở xã hội của Singapore đã đi đúng lộ trình, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo
người dân trong cộng đồng. Chính sách hỗ trợ nhà ở của Singapore thường kết hợp trợ
cấp cho cả hai bên cung và cầu. Trợ cấp về bên cung được thực hiện thông qua việc
hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp nhà thu nhập thấp dưới nhiều hình thức: miễn giảm
thuế cho các nhà cung cấp nhà ở thu nhập thấp; hỗ trợ tín dụng; cung cấp một số cơ
chế bảo lãnh, cung cấp đất, cơ sở hạ tầng. Trợ cấp về bên cầu được thực hiện thông
qua việc hỗ trợ cho các hộ gia đình dưới nhiều hình thức như: Ưu đãi thuế; trợ cấp
mua/thuê nhà; hỗ trợ mua nhà; cung cấp các khoản vay ưu đãi để mua nhà.

4. Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế của Singapore, Việt Nam có
thể rút ra được một vài kinh nghiệm trong việc gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và hạn
ngạch, hình thành hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại
cũng như đảm bảo sản xuất trong nước theo các cam kết khi tham gia các tổ chức
thương mại song phương và đa phương trên thế giới và khu vực. Từ thực tế tình hình
đất nước, Việt Nam cần xem xét thực hiện chính sashc tự do hóa thương mại thông
qua cắt giảm thuế quan.

Cần có chính sách tài khóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước, đẩy
mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, chú trọng phúc lợi xã hội đồng thời
kết hợp với việc cải thiện môi trường đầu tư, tiến hành đổi mới cơ chế, cải cách thủ
rục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả, hoàn thiện hệ thống luật pháp phù hợp
với thông lệ quốc tế. Điều này góp phần giúp thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư
nước ngoài. Việt Nam cũng từ đây có thể học hỏi áp dụng chính sách tiền tệ một cách
linh hoạt, nhất là việc điều hành tỷ giá hối đoái, ổn định đồng nội tệ, đồng thời tiến
hành cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn song
song với phát triển tài chính.

Chính sách xã hội của Việt Nam luôn hướng đến mục tiêu vì con người và đặt con
người vào trung tâm của quá trình phát triển. Con người là mục tiêu, động lực của
phát triển và là trung tâm của chính sách xã hội. Nghiên cứu về chính sách phát triển
xã hội của Singapore mang lại cho bài học một số kinh nghiệm. Thứ nhất, nhà nước
có vai trò quan trọng trong phát triển chính sách an sinh xã hội. Nhà nước có thể can
thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đều phải hoạch định chiến lược, xây dựng hệ
thống luật pháp. Quan trọng hơn, nhà nước cần sát sao phối hợp và kiểm tra, giám sát
việc thực hiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước giúp tổ chức
một hệ thống bảo hiểm xã hội toàn diện nhằm hạn chế những rủi ro phổ biến trong
cuộc sống mà ít người có thể cung cấp đầy đủ. Nhà nước cần khuyến khích sự tham
gia của khu vực tư nhân vào cung ứng an sinh xã hội, sử dụng các chính sách kinh tế
phối hợp với chính sách xã hội nhằm giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà
nước. Thứ hai, nhấn mạnh tầm quan trọng vào tính tự lực của mỗi cá nhân. Phúc lợi
xã hội hiệu quả phải được thực hiện mà không khuyến khích sự phụ thuộc hoặc phá
hủy động cơ làm việc của người nghèo. Thư ba, lựa chọn mô hình bảo hiểm hưu trí
phù hợp. Việc lựa chọn mô hình bảo hiểm hưu trí của mỗi quốc gia nhất thiết phải gắn
liền với điều kiện kinh tế - xã hội, lịch sử, chính trị của quốc gia đó.

Có thể thấy, sự kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế và chính sách xã hội là nền
tảng vững chắc để phát triển xã hội.

KẾT LUẬN
Có thể thấy, việc phân tích chính sách phát triển của Singapore là một đề tài quan
trọng và cần thiết đối với không chỉ Việt Nam mà còn với các quốc gia khác trong
khu vực nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Phân tích để thấy được điểm mạnh
điểm yếu của quốc gia đó và vai trò của chính sách trong việc phát huy điểm mạnh,
khắc phục điểm yếu. Từ đó ta có cái nhìn tổng quát, khách quan về một quốc gia,
đồng thời có thể tích lũy thêm kinh nghiệm nhằm rút ra bài học, áp dụng vào cuộc
sống cũng như những đề tài nghiên cứu sau này. Đề tài nghiên cứu góp phần xây
dựng chính sách phát triển, còn giúp người nghiên cứu định hướng được hướng
nghiên cứu trong tương lai, tiếp nhận tri thức làm nền tảng cho những đề tài nghiên
cứu sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trang thông tin điện tử EduWin. Tổng quan đất nước và con người Singapore. Link:
http://eduwin.edu.vn/bvct/duc-hoc-eduwin/162/tong-quan-dat-nuoc-va-con-nguoi-
singapore.html . Truy cập ngày 6/6/2023.
[2] World economic forum. 2010. “Global enabling trade report”.
[3] Nguyễn Xuân Tùng. Những vấn đề KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI Số 7 (267)
2018. Trang 41, 42, 43.
[4] Nhóm tác giả báo Nhân dân. “Chiến lược tạo đà, mở đường tăng trưởng của
Singapore”. Link: https://special.nhandan.vn/singapore_recovery/index.html . Truy cập
ngày 7/6/2023.
[5] PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình. Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung
ương. ”Phát triển chính sách xã hội ở Singapore và kinh nghiệm cho Việt Nam”.
27/12/2022. Link: https://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan---thuc-tien/phat-trien-chinh-sach-
xa-hoi-o-singapore-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam.html . Truy cập ngày 7/6/2023.
[6] Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 2021. “Singapore: Chính phủ hỗ trợ đóng góp vào tài
khoản hưu trí cho người cao tuổi”. Link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/linh-
vuc-bao-hiem-xa-hoi.aspx?CateID=0&ItemID=16506&OtItem=date . Truy cập ngày
7/6/2023.

You might also like