You are on page 1of 5

SỞ GD VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
MÔN NGỮ VĂN LỚP 11
Năm học 2015-2016
Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian giao đề

Câu 1 (8 điểm):
Có ý kiến cho rằng: “Mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau
buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.”
(Theo Hạt giống tâm hồn, tập 4, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh,
2004)
Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.

Câu 2 (12 điểm):


Nhà văn Phạm Thị Hoài cho rằng: “Những truyện ngắn hay - theo cảm
nhận của tôi- thường gắn với thơ (…). Truyện ngắn dường như là đứa con
tất yếu của người mẹ thơ và người cha văn xuôi. Nó là thơ viết bằng văn
xuôi, bề ngoài mang tính cha mà bên trong mang tính mẹ”.
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Làm sáng tỏ ý kiến trên qua
một truyện ngắn tự chọn thuộc chương trình Ngữ văn lớp 11.

----------------------------------------------Hết------------------------------------------
(Thí sinh không được phép sử dụng tài liệu.
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
HƯỚNG DẪN CHẤM THI
Câu 1
* Yêu cầu về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài NLXH về một vấn đề tư tưởng đạo lý, sử
dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: GT, CM, BL. Diễn đạt lưu loát,
lập luận chặt chẽ, giàu chất văn.
* Yêu cầu về kiến thức:
Bài viết cần đáp ứng các ý cơ bản sau:
1, GT:
-“Viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát”: Cách nói hình ảnh để chỉ
thái độ khoan dung với những lỗi lầm, biết buông bỏ những điều buồn đau,
thù hận.
- “Khắc ghi những ân nghĩa lên đá”: cách nói hình ảnh để chỉ thái độ
sống biết ơn với những gì ta được trao tặng trong cuộc sống.
=> Câu nói đề nghị chúng ta hướng tới một thái độ sống, một lối sống
tích cực: khoan dung và tri ân.

- Tại sao con người cần biết sống khoan dung (Viết những nỗi đau buồn,
thù hận lên cát )?
+ Vì khoan dung đem lại niềm hạnh phúc, sự thanh thản, nhẹ nhõm
cho tâm hồn chính chúng ta (VD: câu chuyện “Cậu bé và bao khoai”…)
+ “Nhân vô thập toàn” => Khoan dung đem lại cơ hội sửa chữa lỗi
lầm cho người mắc lỗi, hướng họ tới những điều tốt đẹp. Nhiều người nhờ
được khoan dung mà trở thành người có ích. “Sự khoan dung là vị thuốc duy
nhất để chữa những lỗi lầm đang làm bại hoại con người khắp vũ trụ” (Vôn-
te)
(D/c: trong VH: “Lỗi lầm và sự biết ơn”, nhân vật Giăng Van-giăng;
trong đời sống: những tù nhân được hoàn lương…)

- Tại sao con người cần biết sống tri ân (Khắc ghi những ân nghĩa lên
đá)?
+ Vì “cây có cội, nước có nguồn”; mỗi con người được sinh ra, được
khôn lớn trưởng thành đều do cha mẹ, gia đình, nhà trường, xã hội… nuôi
dưỡng, dạy dỗ, vun trồng, tạo điều kiện để họ phát triển. Do đó, phải biết ơn
những người, những gì mà cuộc đời đã ban tặng cho ta.
+ Biết “Khắc ghi những ân nghĩa lên đá” không chỉ là một truyền thống
tốt đẹp của dân tộc mà còn là một lối sống cần có, phải có ở mỗi người. Bởi
nếu không có lòng biết ơn, chúng ta sẽ trở thành những kẻ vô tâm, chỉ biết
thụ hưởng thành quả mà không biết đến cội nguồn.
+ Biết tri ân, chúng ta không chỉ trân trọng hơn những giá trị đời sống mà
còn có những hành động tích cực, làm đẹp hơn cho cuộc sống.
2. CM:
Nêu các biểu hiện của lối sống khoan dung và tri ân, dẫn chứng trong
VH, thực tế, từ bản thân trải nghiệm của mỗi người.
3. BL:
- Khẳng định ý kiến đúng đắn.
- Mở rộng vấn đề: Khoan dung cũng phải đúng lúc, đúng chỗ; tri ân
không chỉ trong suy nghĩ mà phải qua hành động cụ thể…
- Liên hệ thực tế: Còn có những người sống ích kỉ, cố chấp, vô ơn, bội
bạc…
- Rút ra bài học cho bản thân.
* Biểu điểm:
- Điểm 7- 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn mạch lạc, kiến
thức xã hội sâu rộng, văn giàu cảm xúc, ý tưởng sâu sắc.
- Điểm 5-6: Đáp ứng khá tốt yêu cầu của đề, có kiến thức thực tế,
diễn đạt lưu loát, lập luận chặt chẽ, có thể có một vài sơ sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Nắm được yêu cầu của đề nhưng lập luận chưa sắc sảo,
vốn sống còn hạn chế, bài viết còn mắc lỗi diễn đạt.
- Điểm 1-2: Nội dung bài viết quá sơ sài, không làm nổi rõ vấn đề,
diễn đạt lan man, vốn kiến thức xã hội nghèo nàn.
- Điểm 0: không làm bài, lạc đề.

Câu 2:
* Yêu cầu về kĩ năng:
Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, biết phối hợp nhiều thao
tác lập luận: GT, CM, BL, phân tích, so sánh. Diễn đạt lưu loát, giàu cảm
xúc, bố cục chặt chẽ. Biết chọn một truyện ngắn đạt các tiêu chí: hay, giàu
chất thơ. Biết phối hợp nhuần nhuyễn kiến thức lý luận và thực tế tác phẩm.
* Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh cần có kiến thức lý luận về đặc trưng truyện ngắn, đặc trưng
thơ. Biết so sánh đặc điểm của hai thể loại. Biết vận dụng phân tích một
truyện ngắn cụ thể để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
Nhìn chung, bài viết cần đáp ứng một số ý cơ bản sau:

1, GT:
- Truyện ngắn: Là một thể loại thuộc phương thức tự sự, phản ánh đời
sống thông qua các chi tiết, sự kiện, nhân vật, tình huống nào đó, được kể lại
bởi một người kể chuyện nhất định, qua đó bộc lộ tư tưởng, quan điểm của
tác giả về đời sống nhân sinh.
- Truyện ngắn hay: là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, có sự kết hợp hài hòa
giữa “một khám phá về mặt hình thức và một sáng tạo về mặt nội dung”.
- Thơ: là một thể loại thuộc phương thức trữ tình, lấy việc bộc lộ thế
giới tình cảm, cảm xúc của con người làm nội dung chủ đạo. Thơ phản ánh
“cái nhụy của đời sống” thông qua trí tưởng tượng phong phú và một ngôn
ngữ đẹp đẽ, giàu sức biểu cảm.
- “Truyện ngắn dường như là đứa con tất yếu của người mẹ thơ và
người cha văn xuôi. Nó là thơ viết bằng văn xuôi, bề ngoài mang tính cha
mà bên trong mang tính mẹ”:
Nhận định của Phạm Thị Hoài đề cập đến tính chất giao thoa đặc biệt
của truyện ngắn và thơ. Ở một số truyện ngắn hay, theo Phạm Thị Hoài, có
sự giao thoa đặc biệt này. Bề ngoài truyện ngắn tất yếu “mang tính cha”, tức
là những đặc điểm thông thường của một truyện ngắn, như: dung lượng
ngắn, thường ít nhân vật, ít sự kiện, cốt truyện thường chỉ xoay quanh một
tình huống nhất định, một “lát cắt của cuộc sống”, ở đó, bản chất con người,
cuộc đời hiện lên rõ nét nhất. Truyện ngắn có thể xem “là một bàn tay siết
chặt lại thành nắm đấm” (Hemingway).
Tuy nhiên, xét về bề sâu, những truyện ngắn hay lại là những đứa con
“mang tính mẹ”, tức là chất thơ vời vợi trong tác phẩm. Chất thơ thường bộc
lộ ở nội dung (giàu tình cảm, cảm xúc, chú trọng chiều sâu tâm trạng, tâm lí
nhân vật) và nghệ thuật (ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, kết cấu theo
dòng tâm trạng…).
 Ý kiến đúng, thể hiện sự suy ngẫm, cảm nhận, trải nghiệm của
Phạm Thị Hoài với tư cách một người đọc- một nhà văn. Cách nói hình ảnh
(đứa con tất yếu, người mẹ thơ, người cha văn xuôi, bề ngoài mang tính cha,
bên trong mang tính mẹ) đã bộc lộ rõ tính chất giao thoa giữa hai thể loại
truyện ngắn và thơ.
Thực chất, sự giao thoa của truyện ngắn với các thể loại khác đã
được người đọc chú ý đến từ lâu. Người ta đã nói đến những truyện ngắn- sử
thi, truyện ngắn mang sức nén của tiểu thuyết trường thiên, truyện ngắn -
kịch tính cao, và không thể không nhắc đến truyện ngắn giàu chất thơ.
Vì sao lại có sự giao thoa ấy? Do đặc trưng của xã hội hiện đại, các
thể loại có sự thâm nhập lẫn nhau (VD: thơ văn xuôi, kịch thơ…), do đòi hỏi
của nhịp sống hiện đại, con người càng sống hối hả gấp gáp càng mong mỏi
tìm về một cái gì đó bình yên sâu lắng cho tâm hồn. Vậy nên những truyện
ngắn hay thường là dấu gạch nối hòa giải cả hai thái cực, hiện thực và lãng
mạn, văn xuôi và thơ. Nó là “đứa con tất yếu của người mẹ thơ và người cha
văn xuôi” là vì thế. Vậy nên cũng sinh ra những nhà văn mà “cả đời như bị
đóng đinh trên cây thập giá văn xuôi” mà người đọc khi thưởng thức những
trang văn của họ luôn cảm thấy cái nhã thú được tìm về với những gì “nhẹ
nhõm, thơm lành và mát dịu”. VD: Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh,
Pautôpxki, Aimatôp…
2, CM:
Thí sinh có thể lựa chọn những truyện ngắn hay giàu chất thơ, VD:
“Dưới bóng hoàng lan”, “Hai đứa trẻ”- Thạch Lam…
Hướng phân tích: Cần chỉ ra:
- Truyện ngắn đó “bề ngoài mang tính cha” như thế nào?
+ Cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình huống?
+ Giọng kể, người kể, điểm nhìn trần thuật?
- Truyện ngắn đó “bên trong mang tính mẹ” ra sao?
+ Nội dung: Giàu chất thơ (tác phẩm đã khai thác, diễn tả sâu sắc
những cung bậc tình cảm, cảm xúc, tâm trạng, “những rung động khẽ như
một cánh bướm non” của tâm hồn nhân vật như thế nào…)
+ Nghệ thuật: ngôn ngữ (hình ảnh, nhịp điệu, nhạc điệu…), giọng điệu,
kết cấu… giàu chất thơ đã được bộc lộ như thế nào trong tác phẩm?
3, BL:
- Khẳng định vấn đề đúng.
- Ý nghĩa của vấn đề: Sự giao thoa của truyện ngắn với thơ tạo nên sức
hấp dẫn cho tác phẩm, tạo nên vẻ đẹp riêng cho văn phong tác giả.
- Bài học cho người sáng tác và tiếp nhận?
*Biểu điểm:
- Điểm 11-12: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Bố cục rõ ràng, lập
luận chặt chẽ, văn viết giàu cảm xúc. Kiến thức lý luận kết hợp nhuần
nhuyễn với kiến thức tác phẩm.
- Điểm 9-10: Đáp ứng khá đầy đủ những yêu cầu nêu trên, bố cục rõ
ràng, văn có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 7-8: Đáp ứng được một số ý cơ bản nhưng chưa có chiều sâu,
kiến thức lý luận chưa nhuần nhuyễn với kiến thức tác phẩm. Còn mắc một
số lỗi diến đạt.
- Điểm 5-6: Chỉ đáp ứng được một nửa yêu cầu.
- Điểm 3-4: Bài làm sơ sài, chưa nắm được yêu cầu của đề, diễn đạt lan
man, kiến thức lý luận còn non.
- Điểm 1-2: Không hiểu đề, diễn đạt mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc bị lạc đề.

You might also like