You are on page 1of 70

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC


ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU: TỘI ÁC VÀ HÌNH PHẠT CỦA
DOSTOEVSKY QUA GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC TỘI
PHẠM

Các thành viên thực hiện: Hoàng Thị Hương Thùy – DK68 Ngữ văn
Vũ Thị Hương Giang – CLCK68 Ngữ văn
Lương Thủy Tiên – DK68 Ngữ văn

Giảng viên hướng dẫn: PGS.TS Thành Đức Hồng Hà

Hà Nội, tháng 4 năm 2021


MỤC LỤC
Danh mục Trang
A. MỞ ĐẦU………………………………………………………… 1
1. Lý do chọn đề tài……………………………………………… 1
2. Lịch sử vấn đề…………………………………………………. 3
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu……………………………….. 5
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu………………………………… 7
5. Phương pháp nghiên cứu….......................................................... 7
6. Ý nghĩa đề tài ………………………………………………….. 8
7. Bố cục………………………………………………………….. 9
B. NỘI DUNG………………………………………………………. 9
Chương 1: Giới thuyết chung về tâm lý học tội phạm và màu sắc tâm
lý học tội phạm trong Tội ác và hình phạt…………………………… 9
1.1. Những vấn đề chung về tâm lý học tội phạm…………………… 9
1.2. Bức tranh tâm lý học tội phạm trong Tội ác và hình phạt……... 19
Chương 2: Hành vi phạm tội trong Tội ác và hình phạt……………. 22
2.1. “Tội ác” và “hình phạt” – nguyên nhân và hệ quả của tâm lý học
tội phạm………………………………………………………………… 22

2.2. Tội ác – những hành động phạm tội từ tâm lý “không nguyên vẹn” 24
2.3. Hình phạt – sự khủng hoảng trong tâm lý người phạm tội……….. 39
2.4. Sự cứu rỗi và hoàn lương…………………………………………. 50
Chương 3: Phương thức thể hiện tâm lý học tội phạm trong Tội ác
và hình phạt………………………………………………………….. 53

3.1. Mô hình tiểu thuyết đa thanh…………………………………….. 53


3.2. Phá vỡ motif truyện trinh thám…………………………………... 60
C. KẾT LUẬN……………………………………………………….. 63
A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nếu coi văn học nhân loại là một bức tranh rực rỡ thì ta không thể không kể đến sự
đóng góp của gam màu nổi bật trong văn học Nga. Đặc biệt, văn học Nga thế kỷ
XIX là một trong những giai đoạn ngời sáng bởi sự xuất hiện của các nhà văn vĩ
đại, cùng với đó là những tác phẩm bất hủ cùng thời đại. Điều đó đã tạo bệ phóng
cho văn học Nga vươn mình phát triển và đạt được những thành tựu to lớn, mang
những tư tưởng tiến bộ của thời đại, những khát khao đấu tranh để giải quyết
những vấn đề xã hội… từ nửa đầu đến nửa cuối thế kỷ XIX. “Sự trưởng thành” kỳ
diệu ấy của văn học Nga đã khiến các nhà nghiên cứu phương Tây ví nó như “một
phép lạ”, được M.Gorki nhận xét “như một hiện tượng kỳ diệu”. Với tốc độ nhanh
chóng để vươn tới ánh hào quang chói lọi, văn học Nga đã khẳng định tầm quan
trọng của mình, ghi tên mình một cách ấn tượng trên bản đồ văn học nhân loại,
được thế giới công nhận vì vẻ đẹp và sức mạnh của mình.
Fyodor Dostoevsky (1821-1881), cùng với Lev Tolstoy, được coi là hai cây đại thụ
của văn học Nga nửa sau thế kỉ XIX. M. Gorky từng ca ngợi Dostoevsky rằng:
“Cần phải xuất hiện một con người thể hiện được trong tâm hồn mình kí ức về tất
cả những đau khổ của con người và phản ánh được cái ký ức khủng khiếp đó - con
người ấy là Dostoevsky”. Dostoevsky có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ và rực rỡ
đáng cảm phục với những kiệt tác xếp vào hạng kinh điển của văn học nhân loại.
Trong đó cuốn tiểu thuyết Tội ác và hình phạt là tác phẩm đầu tiên trong bộ “Ngũ
kinh”, cũng là tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất của ông. Nó được coi là “cuốn
tiểu thuyết hoàn chỉnh và hay nhất trong toàn bộ hệ thống tác phẩm của
Dostoevsky, là tác phẩm có nội dung bi thảm nhất của nền văn học nhân loại” [6,
1756]. Tội ác và hình phạt xoay quanh hành trình gây tội ác và cuộc vật lộn với
hình phạt tâm lí diễn ra trong nhân vật chính - chàng sinh viên trẻ Raskolnikov, từ
một người giàu tình thương trở nên bất bình với xã hội, tự dựng lên một hệ tư
1
tưởng và quyết định giết người để thử nghiệm cho hệ tư tưởng của mình.
Dostoevsky sẽ khắc họa một cách vô cùng sinh động sự phức tạp không thể nào
khám phá hết trong tâm lý của con người.
Tội ác và hình phạt là tiểu thuyết tâm lý điển hình, là sản phẩm tinh thần vĩ đại của
bậc thầy tiểu thuyết tâm lý Dostoevsky. Đây là một tiểu thuyết đa thanh phức tạp,
diễn biến tâm lí nhân vật trải dài xuyên suốt lộ trình tác phẩm. Từ góc độ tâm lý,
nhà văn đã khai thác một cách sâu sắc nhất những nét tính cách đầy phức tạp, mâu
thuẫn giữa những nguyên tắc về lý tưởng đạo đức và những suy nghĩ sai lầm, lệch
lạc trong nhận thức của nhân vật. Dostoevsky đã thành công trong việc vận dụng
điều đó mà gieo vào lòng người đọc những dư âm băn khoăn sau khi tác phẩm
khép lại: Bản chất thực sự trong hành động giết người của Raskolnikov là gì? Tại
sao Raskolnikov đã tự thú nhưng vẫn không phục? Nguyên nhân nào khiến Sonya
tránh khỏi tội lỗi nghiệt ngã như Raskolnikov trong khi cô cũng rơi vào hoàn cảnh
bi kịch?... Đó là những điều không đơn giản để nhận ra trong quá trình tâm lý mà
tác giả đã thể hiện trong toàn bộ tiểu thuyết. Khi đặt Dostoevsky đối sánh với
Gogol, có một nhà phê bình đã nhận ra điểm đặc biệt: “Gogol trước hết là nhà văn
mang tính xã hội, còn Dostoevsky là nhà văn tâm lý. Đối với Gogol, cá nhân có ý
nghĩa như một đại diện của một giai tầng xã hội nhất định, còn với Dostoevsky, xã
hội được quan tâm ở phạm vi tác động lên tính cách cá nhân”. Do đó, Tội ác và
hình phạt đòi hỏi ở người đọc sự nghiền ngẫm và tiếp nhận các hệ tư tưởng đang
tranh đấu trong nó một cách sáng suốt. Đặc biệt, khi chúng tôi chọn nghiên cứu tác
phẩm ở góc nhìn của tâm lý học tội phạm thì đây là một hình thức lý giải tác phẩm
chuẩn mực.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến những vấn đề khác nhau của tác
phẩm Tội ác và hình phạt nhưng chưa có nhiều tài liệu và nghiên cứu nào cụ thể,
chuyên sâu về vấn đề tâm lý học tội phạm trong tác phẩm này. Hiện nay, tâm lý
học tội phạm có thể coi là một trong những lĩnh vực tâm lý được nhiều người quan
2
tâm nhất. Tuy không phải tất cả các thể loại văn học đều sử dụng tâm lý học tội
phạm làm chất liệu sáng tác, nhưng với một tiểu thuyết tiêu biểu có màu sắc hình
sự và chất liệu từ tâm lý học tội phạm như Tội ác và hình phạt của Dostoevsky,
người viết nhận thấy có thể nghiên cứu tác phẩm qua góc nhìn của tâm lý học tội
phạm. Vì vậy, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài Tội ác và hình phạt của
Dostoevsky qua góc nhìn tâm lý học tội phạm để đóng góp một cái nhìn rõ hơn và
tương đối mới mẻ về tác phẩm cũng như tác giả Dostoevsky.

2. Lịch sử vấn đề
Dostoevsky được coi là “người khổng lồ” không chỉ văn học Nga mà còn là của
văn học thế giới, chính vì vậy những công trình nghiên cứu về Dostoevsky và sáng
tác của ông vô cùng phong phú.
Nghiên cứu tổng thể về Dostoevsky, một số công trình nghiên cứu có ảnh hưởng ở
Việt Nam từ trước đến nay có thể kể đến:
Năm 1993, nhà nghiên cứu M.Bakhtin trong cuốn Những vấn đề thi pháp
Dostoevsky đã khai thác những vấn đề về người trần thuật, ngôn ngữ, nhân vật và
lập trường tác giả trong tiểu thuyết Dostoevsky. Đóng góp lớn nhất của công trình
này là đã chỉ ra đặc trưng “tiểu thuyết đa thanh” trong sáng tác của Dostoevsky.
Năm 1997, Nguyễn Kim Đính viết phần Dostoevsky trong Lịch sử văn học Nga,
trình bày khá kỹ càng những vấn đề về tiểu sử, đặc điểm phong cách và những tác
phẩm tiêu biểu của tiểu thuyết Dostoevsky. Đồng thời cũng chỉ ra mạch triển khai
các tuyến nhân vật song song làm nổi bật nhân vật trung tâm.
Năm 2000, công trình của Lê Sơn tổng hợp các bài dịch, lược thuật nghiên cứu của
học giả thế giới về Dostoevsky, in thành sách Sáng tác của Dostoevsky những tiếp
cận từ nhiều phía.
Giáo trình văn học Nga do PGS.TS Đỗ Hải Phong viết đã phân tích khá sâu sắc và
chi tiết những nét chủ đạo trong sáng tác của Dostoevsky, đồng thời cũng đề cập
3
đến hệ thống nhân vật “chung đôi” và nhân vật mang tư tưởng trong đặc trưng sáng
tác. Ngoài ra, PGS.TS Đỗ Hải Phong còn nhận xét về nhân vật mang tư tưởng
trong sáng tác của Dostoevsky: “Tính tâm lý trong tác phẩm của Dostoevsky gắn
liền với tính triết lí, tính ý thức hệ của nhân vật. Những nhân vật trung tâm của
Dostoevsky thường là những nhân vật, nhà tư tưởng, những nhân cách luôn trăn
trở với ý thức về giới và về chính mình” [15, 63].
Năm 2015, trên tạp chí Nghiên cứu Văn học đăng bài viết của Trần Thị Nâu về đề
tài: Cái đẹp sẽ cứu thế giới - Cảm thức tôn giáo trong sáng tác của Dostoevsky.
Riêng nói về tiểu thuyết Tội ác và hình phạt, đây là tác phẩm phổ biến nhất của
Dostoevsky. Trong các công trình nghiên cứu trên cũng đã đưa ra nhiều phân tích,
đánh giá về nhân vật, tư tưởng về nghệ thuật của tác phẩm.
Bài viết Dostoevsky và di sản văn học của ông của Khrapchenko năm 1972 (được
dẫn trong công trình tổng hợp của Lê Sơn) nhắc đến mối liên quan giữa
Dostoevsky và sáng tác của ông với xã hội nước Nga đương thời. Ngoài ra, nhà
nghiên cứu còn phân tích học thuyết cá nhân với triết lý tự kỷ trung tâm trong các
nhân vật của Tội ác và hình phạt.
Đỗ Hải Phong phân tích sâu bi kịch cuộc sống khốn cùng đưa đến tội lỗi, hình phạt
cùng sự cứu rỗi, hệ thống nhân vật chung đôi trong Tội ác và hình phạt.
Năm 2017, trên tạp chí Nghiên cứu Văn học đăng bài viết của Thành Đức Hồng Hà
về Biểu tượng màu sắc trong Tội ác và hình phạt của Dostoevsky, tìm hiểu “giá trị
tiềm ẩn khuất lấp sau từng biểu tượng cũng như mối liên hệ giữa chúng, những
thông điệp mà nhà văn gửi gắm…, khẳng định tính nhân văn của tác phẩm” [6,
101].
Năm 2020, Đỗ Thị Hường có bài viết Giải mã không gian trong Tội ác và hình
phạt của Dostoevsky, nghiên cứu không gian trong mối quan hệ với cốt truyện.
Trong đó, người viết phân tích các không gian thực - trong nhà, trên ngưỡng,

4
không gian Peterburg; không gian hồi cố và dự cảm trong những giấc mơ; và
không gian thoáng rộng ở thảo nguyên nơi Raskolnikov được phục sinh tinh thần.
Năm 2020, Nguyễn Thị Hoàn có bài báo bằng tiếng Nga nghiên cứu sự chuyển
dịch tư tưởng của Raskolnikov qua các bản dịch sang tiếng Việt, đăng trên tạp chí
Khoa học Ngoại ngữ số 61 (tháng 3/2020). Vì điều kiện ngoại ngữ nên chúng tôi
không thể đọc được toàn văn bài báo này. Dựa theo tóm tắt, tác giả của bài báo
khẳng định tư tưởng là một trong những nguyên nhân chính đẩy Raskolnikov -
“một người có bản chất tốt - vào một tội ác khủng khiếp”, bằng việc so sánh ba bản
dịch tiểu thuyết để đánh giá sự chuyển dịch tư tưởng của Raskolnikov trong các
bản dịch.

Thông qua tóm lược một số công trình nghiên cứu về Dostoevsky nói chung và
tiểu thuyết Tội ác và hình phạt nói riêng, chúng tôi nhận thấy có những xu hướng
nghiên cứu chung như:
- Tiếp cận tác phẩm từ góc độ văn học, sử dụng bộ công cụ của thể loại tiểu thuyết,
khảo sát các chi tiết nghệ thuật để phân tích mối quan hệ với nhân vật chính
Raskolnikov
- Tiếp cận tác phẩm từ góc độ văn hóa, khảo sát các biểu tượng không gian, màu
sắc… để chỉ ra ý nghĩa với cốt truyện và nhân vật
Như vậy, ngoài một số bài viết riêng lẻ trên các trang mạng điện tử đặt ra vấn đề
động cơ phạm tội của Raskolnikov thì chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên
sâu tiểu thuyết Tội ác và hình phạt dưới góc nhìn tâm lý học tội phạm. Bởi vậy,
chúng tôi cần xem xét, bổ sung, hoàn thiện để làm nên thành công của mảng đề tài
này.

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu


3.1. Mục đích nghiên cứu
5
Mục đích của đề tài Tội ác và hình phạt của Dostoevsky qua góc nhìn tâm lý học
tội phạm là tìm hiểu, phân tích, đánh giá và lý giải các phạm trù được đề cập đến
trong tác phẩm, cụ thể là những tội ác và hình phạt từ điểm nhìn của tâm lý học tội
phạm. Từ đó, chúng tôi thấy được những giá trị cũng như ý nghĩa mà nhà văn
Dostoevsky đã đóng góp cho chủ nghĩa hiện thực nói chung và mảng tiểu thuyết
tâm lý nói riêng thông qua tác phẩm Tội ác và hình phạt.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này với những mục đích trên, chúng tôi hướng đến đạt được
những yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, xây dựng một vài điểm khái quát cơ bản về tâm lý học tội phạm. Đây là
tiền đề để chúng tôi sử dụng tâm lý học tội phạm làm điểm tựa vững chắc để lý giải
và chứng minh những yếu tố mang màu sắc tâm lý học tội phạm xuất hiện trong
tác phẩm ở bài báo cáo của mình.
Thứ hai, phân tích về tâm lý học tội phạm, làm rõ hành vi phạm tội của các nhân
vật đặc biệt là nhân vật chính Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt, từ đó chúng
tôi khẳng định vai trò của tâm lý học tội phạm trong tác phẩm.
Thứ ba, qua việc phân tích tâm lý các nhân vật, đặc biệt là tâm lý tội phạm, những
động cơ phạm tội khác nhau, chúng tôi trình bày các hình phạt tương xứng với tội
ác. Trong đó, báo cáo chú trọng làm rõ hình phạt về tâm lý, đồng thời, nhấn mạnh
niềm tin của Dostoevsky vào sự che chở của Chúa là sự cứu rỗi tâm hồn con
người.
Thứ tư, thông qua nghiên cứu cho thấy phương thức thể hiện tâm lý học tội phạm
qua mô hình tiểu thuyết đa thanh và motif truyện trinh thám độc đáo - một sáng tạo
riêng của Dostoevsky.
Từ những vấn đề đã nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu rút ra những bài học về
việc ứng dụng tâm lý học tội phạm cả trong công tác giảng dạy các tác phẩm văn
học và trong đời sống thực tại. Nhóm nghiên cứu cần thấy được sự khởi đầu,
6
những phát hiện vĩ đại của Dostoevsky ở phương pháp ứng dụng tâm lý vào sáng
tác bằng bút pháp tài tình của mình. Khi đã xác định rõ ràng những mục đích
nghiên cứu về đề tài đồng nghĩa với việc nhóm thực hiện báo cáo đã triển khai
những vấn đề chính một cách logic, khoa học và cố gắng thực hiện báo cáo nghiên
cứu một cách nghiêm túc và hoàn chỉnh nhất.

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu


4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài mà chúng tôi chọn lựa để nghiên cứu là Tội ác và hình phạt của Dostoevsky
qua góc nhìn tâm lý học tội phạm nên đối tượng chúng tôi hướng tới là tiểu thuyết
Tội ác và hình phạt của Dostoevsky (bản dịch của Cao Xuân Hạ và Cao Xuân Phố)
và những khía cạnh có liên quan trực tiếp tới biểu hiện của tâm lý học tội phạm
trong tác phẩm: các khái niệm phổ quát về tâm lý học tội phạm, các vấn đề của tâm
lý học tội phạm có thể khai thác trong tác phẩm, vai trò, vị trí của tâm lý học tội
phạm nói chung và đối với tác phẩm nói riêng.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Do vấn đề chỉ giới hạn trong một tác phẩm cụ thể nên phạm vi nghiên cứu chỉ
được giới hạn trong phạm vi hẹp. Vì vậy, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu là
vấn đề tâm lý học tội phạm trong tác phẩm Tội ác và hình phạt. Ngoài ra, để báo
cáo có sự hoàn thiện nhất cho đề tài nghiên cứu, chúng tôi có sử dụng các tư liệu,
tài liệu tham khảo, giáo trình thu thập được có liên quan trực tiếp tới đề tài nghiên
cứu này.

5. Phương pháp nghiên cứu


Khi nghiên cứu một đề tài khoa học, điều đầu tiên đòi hỏi sinh viên là vốn kiến
thức vững chắc về mảng đề tài mà mình nghiên cứu. Hơn thế nữa, sinh viên cần có

7
sự yêu thích, sự say mê tìm tòi, khám phá và đầu tư chỉn chu cho một công trình
khoa học quan trọng.
5.1. Phương pháp phân tích:
Để hoàn thành đề tài nghiên cứu Tội ác và hình phạt qua góc nhìn tâm lý học tội
phạm, chúng tôi tiến hành khảo sát, phân tích văn bản Tội ác và hình phạt từ góc
độ lịch sử, góc độ lý luận đến góc độ tâm lý, khía cạnh con người, những tác động
từ vấn đề xã hội; kết hợp phân tích các yếu tố của tâm lý học tội phạm áp dụng
trong nghiên cứu tác phẩm.
5.2. Phương pháp thu thập và đánh giá tài liệu nghiên cứu
Trên cơ sở thu thập các công trình nghiên cứu, các tài liệu có liên quan về tâm lý,
tội phạm học, tâm lý học tội phạm, cũng như về Dostoevsky và tiểu thuyết Tội ác
và hình phạt, tiến hành phân loại tài liệu dựa theo các tiêu chí, đánh giá và tiếp
nhận các ý kiến phù hợp.
* Sự hỗ trợ từ giảng viên hướng dẫn:
Ngoài những phương pháp trên, để hoàn thành đề tài nghiên cứu một cách tốt nhất,
chúng tôi may mắn có sự hỗ trợ, định hướng tỉ mỉ từ PGS.TS Thành Đức Hồng Hà.
Sự đồng hành hướng dẫn của cô là một trong những yếu tố không nhỏ tạo nên
thành công cho công trình nghiên cứu khoa học này.

6. Ý nghĩa đề tài
Chúng tôi đã giới thiệu ngắn gọn những vấn đề, nhận định xoay quanh tác phẩm
Tội ác và hình phạt của các tác giả trong và ngoài nước. Từ đó, chúng tôi tiếp thu,
học hỏi và phản biện trên tinh thần đối thoại những vấn đề đó để phân tích những
phương diện thể hiện rõ ràng việc sử dụng tâm lý học tội phạm trong tác phẩm Tội
ác và hình phạt.
Đề tài đi sâu vào nghiên cứu về tâm lý học tội phạm trong tác phẩm Tội ác và hình
phạt sẽ phần nào đưa đến cho người đọc hiểu thêm một góc nhìn, khía cạnh khác
8
về tác phẩm này. Đồng thời, chúng tôi chỉ ra vị trí vai trò của tâm lý học tội phạm
được Dostoevsky sử dụng trong tác phẩm để làm rõ hơn nghệ thuật đặc sắc đã sáng
tạo nên cuốn tiểu thuyết tâm lý nổi tiếng của nhà văn Dostoevsky.
Qua việc nghiên cứu đề tài, chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp một góc nhìn mới mẻ
về tác phẩm. Đề tài không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, làm mới cách
tiếp cận tác phẩm mà còn đóng góp cho công tác giảng dạy, ứng dụng những lý
thuyết của tâm lý học tội phạm vào đời sống, góp phần ngăn chặn những hành vi
phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

7. Bố cục
Bài báo cáo ngoài phần mở đầu, tổng kết, thư mục tham khảo gồm ba chương
chính. Cụ thể:
Chương 1: Giới thuyết chung về tâm lý học tội phạm (TLHTP) và màu sắc tâm
lý học tội phạm trong Tội ác và hình phạt
Chương 2: Hành vi phạm tội trong Tội ác và hình phạt
Chương 3: Phương thức thể hiện tâm lý học tội phạm trong Tội ác và hình phạt

B. NỘI DUNG
Chương 1: Giới thuyết chung về tâm lý học tội phạm và màu sắc tâm lý học tội
phạm trong Tội ác và hình phạt
1.1. Những vấn đề chung về tâm lý học tội phạm
1.1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.1.1. Tâm lý tội phạm
Có rất nhiều khái niệm nói về Tâm lý tội phạm, trong đó, bao gồm những thuật
ngữ có ý nghĩa tương đồng với nó.
Tâm lý tội phạm, tâm lý ý thức phạm tội, tâm lý phạm tội là những thuật ngữ có
nội dung giống nhau. Đó là tâm lý tiêu cực phản ánh sự tác động của những yếu tố
9
tiêu cực trong môi trường xung quanh đến cá nhân, định hướng, điều khiển, điều
chỉnh hành vi phạm tội.
Tâm lý tội phạm là trạng thái tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ… của tội phạm có liên
quan đến việc chuẩn bị và thực hiện tội phạm, sự hình thành tâm lý phạm tội, ý đồ
phạm tội và những biện pháp, phương thức thực hiện tội phạm. (Thư viện pháp
luật)
Tâm lý tội phạm là tâm lý tiêu cực bao gồm các trạng thái, tư tưởng, suy nghĩ…
của tội phạm có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện tội phạm với ý đồ, những
biện pháp, phương thức thực hiện tội phạm nhằm phản ánh những tác động của
những yếu tố tiêu cực trong môi trường xung quanh đến cá nhân, định hướng, điều
khiển, điều chỉnh hành vi phạm tội.
1.1.1.2. Tâm lý người phạm tội
Tâm lý người phạm tội giống tâm lý của người không phạm tội ở điểm: trong tâm
lý của học đều có cả tâm lý tích cực và tiêu cực nhưng không bao gồm tâm lý tội
phạm. Tâm lý người phạm tội khác tâm lý của người không phạm tội ở điểm: trong
tâm lý người phạm tội tồn tại tâm lý tội phạm.
Như vậy, tâm lý người phạm tội có những điểm giống với tâm lý người không
phạm tội, nhưng tồn tại tâm lý tội phạm.
1.1.1.3. Tâm lý học tội phạm
Cuối thế kỉ XIX, cùng với sự ra đời của khoa học nghiên cứu về tội phạm, tâm lý
học tội phạm – một chuyên ngành tâm lý học chuyên nghiên cứu về tâm lý của
những người phạm tội được hình thành.
Trải qua các giai đoạn phát triển, tâm lý học tội phạm trở thành một ngành khoa
học độc lập nghiên cứu các hiện tượng tâm lý nảy sinh ở người phạm tội, những
vấn đề, những quy luật tâm lý liên quan đến hoạt động của tội phạm.
Tâm lý học tội phạm là khoa học nghiên cứu những hiện tượng tâm lý nảy sinh
trong quá trình hoạt động phạm tội của tội phạm nhằm phòng ngừa, phát hiện và
10
đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn trật tự xã
hội.

1.1.2. Vị trí, vai trò của tâm lý học tội phạm


1.1.2.1. Vị trí của tâm lý học tội phạm
Tâm lý học tội phạm có vị trí quan trọng trong hệ thống các khoa học pháp lý. Nó
là 1 bộ phận cấu thành của tâm lý học pháp lý, nghiên cứu tâm lý người phạm tội
cũng như các vấn đề, các khía cạnh tâm lý nảy sinh trong hoạt động phạm tội của
tội phạm nhằm giúp cho hoạt động điều tra, xét xử và cải tạo giáo dục người phạm
tội có kết quả.
Tâm lý học tội phạm có mối quan hệ chặt chẽ với tội phạm học, khoa học điều tra
hình sự, tâm lý học nhân cách, tâm lý học hoạt động… Nó được nghiên cứu, xây
dựng dựa trên lý luận của các ngành tâm lý học nói trên.
1.1.2.2. Vai trò của tâm lý học tội phạm
Tâm lý học tội phạm có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội
phạm. Những kết quả nghiên cứu các vấn đề, các quy luật tâm lý nảy sinh trong
hoạt động phạm tội của tội phạm đã góp phần nâng cao hiệu quả của các mặt hoạt
động này.
Việc nghiên cứu tâm lý học tội phạm là cơ sở quan trọng cho việc giáo dục, cải tạo
người phạm tội. Nghiên cứu làm rõ đặc điểm tâm lý, nhân cách của đối tượng, bị
cáo, phạm nhân cho phép cơ quan có thẩm quyền xây dựng những biện pháp tác
động phù hợp, đảm bảo việc thực hiện hóa mục đích của hoạt động điều tra, xét xử
và thi hành án.

11
Việc nghiên cứu, hoàn thiện lý luận của tâm lý học tội phạm góp phần quan trọng
vào việc xây dựng, bổ sung lý luận cho khoa học điều tra hình sự và khoa học tâm
lý pháp lý.

1.1.3. Nguồn gốc của tâm lý học tội phạm


1.1.3.1. Những tác động tiêu cực của môi trường quốc tế
Với xu hướng toàn cầu hóa, bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân
tộc và những xu thế mới của thời đại, những vấn đề tiêu cực trong môi trường quốc
tế cũng có những tác động không nhỏ tới tâm lý tội phạm.
Những vấn đề tiêu cực không phải quan trọng nhất nhưng ít nhiều nó đã ảnh hưởng
trực tiếp đến những suy nghĩ của người phạm tội, làm cho tâm lý của người tiếp
thu trở nên lệch lạc, không còn đúng đắn và dẫn tới hành vi phạm tội. Trong đó, có
một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý bao gồm:
Thứ nhất, các thế lực thù địch tiến hành chống phá nhiều mặt nhằm làm đất nước
suy yếu, gây hoang mang trong nội bộ nhân dân. Đây là một trong những thủ đoạn
thâm hiểm nhất của kẻ thù, đòi hỏi Nhà nước cần phải có biện pháp ngăn chặn triệt
để và quyết liệt, đồng thời, người dân cần phải tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo
của Đảng cầm quyền, của Nhà nước, tránh bị lợi dụng dẫn tới những hành vi phạm
tội sai trái.
Thứ hai, đế quốc thông tin và chiến tranh tâm lý nhằm đánh vào suy nghĩ, khối óc
dựa trên cơ sở tâm lý tuyên truyền: Một điều không đúng sự thật, nhưng cứ nói 100
lần rồi người ta cũng tin đó là sự thật (Luận thuyết của Golben). Trong thời đại
công nghệ 4.0, việc thông tin được cập nhật một cách tràn lan là điều không thể
tránh khỏi. Chính vì vậy, kẻ thù có thể dễ dàng lợi dụng điểm này để truyền bá
những thông tin sai lệch, mang tính phản động. Đối diện với vấn đề này, người dân
cần phải tiếp thu thông tin có chọn lọc, không chia sẻ những điều sai trái, cho cho

12
tâm lý lệch lạc, gián tiếp tiếp tay cho mục đích chống phá của kẻ thù, biến bản thân
mình thành nạn nhân đồng thời cũng là kẻ phạm tội.
Thứ ba, sự khác biệt về mặt văn hóa là vấn đề mang tính chất có xu hướng dẫn đến
sự xâm lược về văn hóa. Nếu nền văn hóa dân tộc không chống lại. không giữ gìn
bản sắc của mình thì dân tộc đó thực sự bị xâm lược. Nền văn hóa hòa nhập không
có sự chắt lọc dẫn tới tâm lý người tiếp nhận hiểu sai và lệch lạc, trở thành tác
động dẫn tới hành vi phạm tội. Do đó, đi đôi với bảo vệ, giữ gìn nền văn hóa, mỗi
người cũng cần phải tự ý thức về việc “gạn đục khơi trong” trong tiếp thu văn hóa.
1.1.3.2. Hoàn cảnh gia đình và bản thân người phạm tội
Gia đình là nơi nuôi dưỡng con người không chỉ về thực trạng thể chất mà con là
nơi vun đắp tâm hồn. Khi gia đình không còn là nơi lấy lại cân bằng tâm sinh lý:
giải tỏa ấm ức, hẫng hụt, bực bội xảy ra trong cuộc sống, không còn là nhân tố thúc
đẩy cá nhân hướng tới cái tích cực thì tâm lý con người bị ảnh hưởng theo chiều
hướng xấu đi là điều tất yếu. Ngoài những vấn đề do những yếu tố bên ngoài tác
động tới cảm xúc tâm lý, những hoàn cảnh gia đình khác nhau: gia đình không
hạnh phúc, cha mẹ lơ là trong việc dạy dỗ con cái… cũng góp phần tác động không
nhỏ làm cho người phạm tội có những suy nghĩ tiêu cực không thể kiểm soát.
Bản thân người phạm tội là nguyên nhân quan trọng nhất, là nguồn gốc cốt lõi dẫn
tới hành vi phạm tội và tâm lý học tội phạm. Tâm lý của người phạm tội bao gồm
cả tâm lý tích cực, tiêu cực và cả tâm lý tội phạm. Những tâm lý tiêu cực dường
như lấn át tâm lý tích cực, làm nảy sinh tâm lý tội phạm trong nội tại nhận thức của
người phạm tội. Người phạm tội do tiếp xúc với những điều không lành mạnh,
không thanh lọc trong quá trình tiếp nhận dẫn tới tâm lý bị lệch lạc, suy nghĩ sai
lầm, không đúng đắn, lại không được sự chỉ bảo, dạy dỗ từ phía gia đình nên họ
không thể nhận thức được điều mình nghĩ và làm là sai trái. Chính điều này đã tạo
điều kiện cho việc nghiên cứu tâm lý học tội phạm dựa trên bản thân người phạm

13
tội bị tâm lý tiêu cực chi phối cả suy nghĩ và hành động của họ. Đây cũng là yếu tố
quyết định dẫn tới hành vi phạm tội của người phạm tội.
1.1.3.3. Ảnh hưởng của nhóm không chính thức tiêu cực
Ảnh hưởng của nhóm không chính thức tiêu cực đến cá nhân người phạm tội được
biểu hiện theo cơ chế: do áp lực của thủ lĩnh, áp lực số đông; sự khẳng định của cá
nhân trong nhóm; các cá nhân lĩnh hội lẫn nhau nhiều mặt, nhất là phương thức
hành động do một người lựa chọn tỏ ra có hiệu quả để đạt được mục tiêu cá nhân.
Vì cơ chế trên, khi cá nhân đã tham gia vào nhóm không chính thức tiêu cực thì sự
lây nhiễm, hình thành và gia tăng tâm lý tiêu cực ngày càng nhanh chóng. Cá nhân
đó sẽ không tự ý thức được việc bảo vệ bản thân trong ảnh hưởng của nhóm, gây ra
những hành vi phạm tội.

1.1.4. Nhân cách người phạm tội


1.1.4.1. Định nghĩa
Có rất nhiều định nghĩa về nhân cách. Đề tài khoa học thuộc chương trình khoa
học công nghệ cấp Nhà nước KX – 07 Con người Việt Nam mục tiêu của sự phát
triển kinh tế xã hội đã quan niệm: Nhân cách là sự phù hợp giữa hệ giá trị, thang
đo và thước đo giá trị của cá nhân với xã hội – sự phù hợp càng cao thì nhân cách
càng lớn. Điều này có thể suy ra: nhân cách gồm những giá trị xã hội – những điều
tốt đẹp được xã hội thừa nhận và người nào cũng có nhân cách, chỉ khác nhau ở
mức độ phù hợp với hệ giá trị, thang đo và thước đo giá trị của cá nhân đối với xã
hội.
Và như vậy, ta có thể cắt nghĩa quan niệm như trên và suy ra rằng: Nhân cách của
người phạm tội là nhân cách thiếu sự phù hợp với hệ giá trị, thước đo và thang đo
giá trị của cá nhân với xã hội, bị “lấn át” bởi tâm lý tội phạm. “Lấn át” được hiểu
là khi tâm lý tội phạm chi phối nhân cách trong tình huống, hoàn cảnh phạm tội.

14
Điều này có tính chất “thường xuyên”, kiểu lấn át này thường thấy ở kẻ phạm tội
tái phạm nhiều lần, có sự chuyên nghiệp trong hoạt động phạm tội.
Quá trình nghiên cứu tâm lý học tội phạm được chú ý xem xét sự tương tác giữa cá
nhân với tình huống, hoàn cảnh với môi trường xung quanh. Từ “lấn át” ở định
nghĩa trên về nhân cách người phạm tội cũng thể hiện quan niệm này. Vì vậy, nhân
cách người phạm tội được phân loại như sau:
Thứ nhất là loại hình nhân cách người phạm tội tình huống. Người có nhân cách
loại này thường có hành vi phạm tội xảy ra trong hoàn cảnh xung đột, hành vi
phạm tội xảy ra tựa như kích thích - phản ứng. Loại người có nhân cách này
thường chỉ có vài phẩm chất tâm lý tiêu cực mà trong tình huống nhất định đã thúc
đẩy cá nhân phạm tội.
Thứ hai là loại hình nhân cách phạm tội do pháp luật không nghiêm. Ở đây, người
phạm tội có lối sống lệch chuẩn trong sự tác động của tình trạng pháp luật lỏng lẻo,
khiến cho họ có tâm lý lợi dụng hoàn cảnh để thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ ba là loại hình nhân cách phạm tội có hệ thống. Người có nhân cách loại hình
phạm tội này họ không chỉ lợi dụng hoàn cảnh mà còn tạo ra hoàn cảnh, tìm cách
vượt qua trở ngại để thực hiện hành vi phạm tội và hành vi phạm tội như trở thành
thói quen của họ.
Có thể thấy, những loại hình nhân cách không chỉ giúp cơ quan điều tra phân loại
tội phạm mà còn giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu khác về tâm lý học tội
phạm.
1.1.4.2. Quá trình hình thành và suy thoái nhân cách của người phạm tội
Nhân cách người phạm tội là kết quả của quá trình hình thành nhân cách có những
khiếm khuyết, lệch chuẩn hoặc quá trình suy thoái nhân cách. Trong đó, có thể
chia quá trình này thành các giai đoạn như sau:
Quá trình hình thành nhân cách có những khiếm khuyết, lệch chuẩn bao gồm các
biểu hiện từ sự nhàn rỗi sau đó tìm kiếm nguồn mua vui, tụ tập thành nhóm không
15
chính thức mang tính chất trung tính bề ngoài hoặc nhóm không chính thức tiêu
cực, thực hiện hành vi phạm tội và dẫn đến phạm tội. Ở quá trình này, khi thấy cá
nhân ở giai đoạn nào thì phải có biện pháp khắc phục, nếu không, dễ có nguy cơ
chuyển nhanh tiến gần đến phạm tội nghiêm trọng.
Quá trình hình thành nhân cách có những khiếm khuyết, lệch chuẩn ở trên thường
bắt gặp ở lứa tuổi thanh, thiếu niên phạm tội. Tuy nhiên, không phải tất cả thánh,
thiếu niên phạm tội đều trải qua đầy đủ các giai đoạn trên, có những cá nhân chỉ
trải qua một vài giai đoạn. Nếu ở cá nhân nào xuất hiện càng nhiều dấu hiệu của
quá trình đó thì càng dễ có nguy cơ dẫn tới phạm tội.
Với quá trình suy thoái nhân cách, quá trình này bao gồm các quy luật cụ thể. Ở
quy luật thứ nhất, sự phát triển tâm lý tiêu cực theo hướng dao động dần, tức là sự
vi phạm chuẩn mực thông thường làm cho những vi phạm chuẩn mực khác dễ
dàng hơn theo chiều hướng ngày càng xấu đi. Ở quy luật thứ hai, sự phát triển tâm
lý hành vi tiêu cực theo tuyến ứng xử. Giả sử, hành vi trộm cắp vặt khi không được
phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ dễ có chiều hướng thực hiện hành vi trộm cắp với
quy mô lớn hơn và nghiêm trọng hơn.
Như vậy, nhân cách người phạm tội mang tính quyết định và chi phối tới quá trình
phạm tội của người phạm tội.

1.1.5. Các quan điểm chi phối hành vi phạm tội


1.1.5.1. Quan điểm của Phân tâm học
Theo quan điểm của phân tâm học, hành vi do nguồn năng lượng tình dục (libido)
bị chèn ép tạo ra và quyết định. Theo S.Freud: “Tất cả cái gì ta có được ở con
người, dù trong đó có kết quả của giáo dục, chỉ là nguồn năng lượng tình dục
(libido) quá mạnh bị chèn ép tạo ra mà thôi”. Người phạm tội phải chăng do năng
lực tình dục (libido) quá mạnh và thoát ra không hợp lý (do cái tôi và cái siêu tôi
chấp nhận).
16
Trong tâm lý học, việc đánh giá học thuyết của S. Freud còn tồn tại nhiều quan
điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chúng ta có thể kế thừa “hạt nhân hợp
lý” trong quan điểm của S.Freud về cội nguồn của hành vi, về mâu thuẫn, xung đột
trong cái bản năng và cái xã hội, về kinh nghiệm được nội tâm hóa với các cảm
giác có tội hay tự hào, giúp cá nhân hành động theo các giá trị xã hội. Những vấn
đề này có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu hành vi, đặc biệt là hành vi phạm tội.
Chúng ta tiếp cận quan điểm làm cơ sở cho nghiên cứu, nhưng chắt lọc những khía
cạnh nền tảng phù hợp thay vì áp dụng toàn bộ quan điểm bao gồm cả những chất
liệu không cần thiết.
1.1.5.2. Các quan điểm khác của tâm lý học
Quan điểm của Tâm lý học hành vi
Tâm lý học hành vi coi hành vi chỉ đơn thuần là phản ứng trả lời kích thích: S =>
R, không thừa nhận có sự tồn tại của tâm lý, ý thức và sự tác động của nó đối với
hành vi người. Như vậy, cái hạt nhân hợp ký của thuyết hành vi là ở chỗ: Môi
trường có vai trò khơi dậy, kích thích hành vi. Trong môi trường điều kiện hóa
chẳng hạn bị kiểm soát chặt chẽ thì hành vi người có thể diễn ra theo công thức S
=> R.
Tuy nhiên, quan niệm của thuyết hành vi với công thức S => R khó có thể lý giải
được. Cùng một kích thích (S) nhưng lại cho các phản ứng (R) khác nhau liên quan
tới yếu tố thuộc về chủ thể phản ứng, nó không thể đơn thuần lý giải hành vi người
trong điều kiện thiếu hoặc tồn tại sự lỏng lẻo trong kiểm soát xã hội.
Quan điểm của Tâm lý học nhân văn
Nhu cầu của con người được sắp xếp theo một thứ bậc nhất định từ thấp đến cao:
bậc thấp nhất là nhu cầu sinh lý, bậc thứ hai là nhu cầu an toàn, bậc thứ ba là nhu
cầu được yêu thương, bậc thứ tư là nhu cầu được quý trọng và bậc cao nhất là nhu
cầu thể hiện, khẳng định mình. Con người thường có xu hướng tìm cách thỏa mãn

17
nhu cầu bậc thấp nhất trước và khi nhu cầu này được thỏa mãn thì nhu cầu bậc cao
hơn sẽ xuất hiện và thúc đẩy con người hoạt động để thỏa mãn nó.
Quan điểm trên của Tâm lý học nhân văn cho thấy tầm quan trọng của các bậc nhu
cầu người đối với hành vi người nói chung và hành vi phạm tội nói riêng. Nó lý
giải phần nào và góp phần chứng minh câu nói của C.Mác: “Con người phải nghĩ
đến tồn tại đã, sau mới làm ra lịch sử”.
Hạn chế của quan điểm này ở chỗ họ dựa trên quan điểm nhìn nhận hành vi người
ở góc độ cá nhân mà bỏ qua sự chi phối của cộng đồng xã hội đến hành vi cá nhân.
Năm 1895, Gustave Le Bon đã nghiên cứu và viết về đám đông - một trong những
hình thức tồn tại của cộng đồng người đã chỉ ra rằng: đám đông bao giờ cũng vô
thức, dù ở bất cứ đám đông nào, dù cá nhân hợp thành nó như thế nào thì khi tham
gia đám đông, lập tức tính cách hay trí tuệ của từng cá nhân trong đó hoàn toàn
biến đổi, họ hành động hoàn toàn theo những quy luật khác.
Từ vấn đề trên cho thấy, hành vi cá nhân chịu áp lực rất lớn của cộng đồng người.
Bởi vậy, khi lý giải hành vi phạm tội của cá nhân không thể chỉ chú ý đến việc “trị
liệu” cá nhân mà cần xem xét kỹ lưỡng căn nguyên mang tính cộng đồng.
Quan điểm của Tâm lý học hoạt động
Các nhà Tâm lý học hoạt động đều thống nhất cho rằng: Tâm lý có vai trò định
hướng, điều khiển, điều chỉnh hành vi. Việc nhìn nhận tâm lý người đối với hành
vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi phạm tội nói riêng sẽ ở các góc độ khác
nhau bao gồm: Coi ý thức là chức năng tâm lý cấp cao chỉ có ở người và hành vi
đặc trưng của người hành vi do ý thức định hướng, điều khiển, điều chỉnh; vai trò
của định hướng giá trị đối với hành vi nói chung và hành vi phạm tội nói riêng;
nhìn nhận vai trò của tâm lý đối với hành vi phạm tội khi có sự xuất hiện đối tượng
khách quan có khả năng thỏa mãn nhu cầu chủ thể.
Như vậy, trường phái Tâm lý học hoạt động cho rằng hành vi người nói chung và
hành vi phạm tội nói riêng là do chính tâm lý, ý thức của con người định hướng,
18
điều khiển, điều chỉnh về việc xem xét này ở nhiều góc độ khác nhau nhưng đều
đúng và có ý nghĩa phòng chống tội phạm.

1.2. Bức tranh Tâm lý học tội phạm trong Tội ác và hình phạt
1.2.1. Từ “tội ác” đến “hình phạt”
Tội ác và hình phạt được đánh giá là một trong những tác phẩm thành công nhất
của Dostoevsky. Tác phẩm chỉ rõ những thay đổi, chuyển biến đang xảy ra tại đất
nước Nga trong thế kỉ XIX. Đó là sự lớn mạnh và lấn át của thế lực đồng tiền, tốc
độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ khiến cho những giá trị đạo đức,
tinh thần khủng hoảng trầm trọng. Dù vậy, Dostoevsky vẫn khẳng định niềm tin
mạnh mẽ vào sự tồn tại bất hủ của những giá trị tinh thần cao quý.
Qua những tội ác được tái hiện trong tác phẩm, ông bày ra trước mặt người đọc
những sự trừng phạt thích đáng và tương xứng. Hình phạt ấy không chỉ đơn thuần
là chấp nhận mức án theo luật pháp của xã hội mà còn là hình phạt tối thượng, ám
ảnh con người nhiều hơn, đó là tòa án lương tâm. Sự thành công của tác phẩm
không chỉ nằm ở mức độ công phu, đồ sộ về số lượng nhân vật, bút pháp điêu
luyện trong lối viết mà còn ở tính nhân văn, nhân đạo tỏa sáng từ một câu chuyện
tưởng chừng như chỉ chứa đầy “tội lỗi”
Bằng việc xây dựng một tội ác nhưng đối sánh với một, thậm chí hai hình phạt, nhà
văn đã lên tiếng kêu gọi sự thức tỉnh của lương tri con người, tìm về với giá trị tinh
thần có thể nâng đỡ, an ủi tâm hồn họ. Ở đó, thuyết vị kỷ cá nhân với thế lực đồng
tiền và quan niệm đạo đức là những tiền đề của tội ác. Cùng với đó, sự cứu rỗi linh
hồn con người cuối cùng là niềm tin bất diệt của Dostoevsky vào tình yêu của
Chúa. Mụ già cầm đồ là đại diện cho tầng lớp người sống bằng đồng tiền dơ bẩn,
sống trên miếng cơm manh áo của những người lao động Nga. Cái chết dã man của
mụ dưới tay Raskolnikov có lẽ là một hình phạt đại diện cho tội ác của thế lực
đồng tiền. Raskolnikov sau khi giết hai chị em mụ già cầm đồ cũng không thể
19
tránh khỏi hình phạt cho tội ác của mình. Anh không phải người đại diện cho sự
thống trị, càng không có thẩm quyền ban cái chết cho bất kỳ ai. Bởi vậy,
Raskolnikov đã phải trả giá bằng việc đi đày, hơn nữa, anh cũng phải đối diện với
tòa án lương tâm của chính bản thân mình.
Ngay cả Dunia và Sonya - họ là những nạn nhân của thế lực đồng tiền, họ bị xã hội
nhấn chìm nhân cách, buộc phải làm thứ nghề mạt hạng vì cái sống và chịu nỗi
oan uổng. Họ có tội ác, nhưng là tội ác với chính bản thân mình và chắc hẳn lương
tâm của họ cũng chẳng thể thanh thản. Dù vậy, Dostoevsky đã lý tưởng hóa hình
tượng Sonya và Dunia với những yếu tố chuẩn mực trong nhân cách và đạo đức
của họ. Điều này cũng phần nào minh chứng ở tác giả có một niềm tin vào lương
tri, vào những điều tốt đẹp trong tâm hồn con người, đồng thời, thể hiện tuyên
ngôn trong sáng tác của Dostoevsky: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Hai người con
gái trong tác phẩm của Dostoevsky dù có xuất thân bần cùng, bị xã hội khinh bỉ
hay bị đồng tiền xoay vần thì họ vẫn luôn hành động theo chuẩn mực đạo đức và
khiến mọi người cảm phục. Những phẩm chất tốt đẹp của họ chính là đạo đức lý
tưởng không chỉ là điển hình cho tầng lớp nghèo khó trong xã hội mà là cả con
người nói chung.
1.2.2. Mặc cảm tội lỗi - góc khuất tâm lý
Trong cuộc sống, tội ác hay tội lỗi nó luôn tồn tại muôn hình muôn vẻ và không bị
hạn chế ở một hình thức hay mức độ nào đó. Chúng ta không thể lấy một thước đo
hữu hình để đo mức độ của tội ác. Bởi đằng sau đó là sự phức tạp, đa dạng của vô
vàn những mặc cảm của kẻ gây tội. Ở tác phẩm này, mặc cảm tội lỗi chủ yếu được
biểu hiện ở nhân vật Raskolnikov.
Trong Tội ác và hình phạt, Raskolnikov đã phải đối diện với những “khổ hình tâm
lý, những cây thập tự nặng nề” mà con người phải mang vác trên vai trong suốt
những năm tháng cuộc đời mình. Anh là hiện thân cho chuỗi nhân quả: gây tội -
sám hối - bị trừng phạt. Là người sùng bái cuồng nhiệt Napoleon - biểu tượng của
20
tham vọng và quyền lực, Raskolnikov tin tưởng tuyệt đối đến mức mù quáng vào
triết lý của kẻ mạnh. Anh cho rằng, phải lấy ác để trị ác. Sau cùng, để giải phóng
những ức chế tâm lý, Raskolnikov quyết định giết chết Alyona Ivanovna, mụ già
cầm đồ giàu có nhưng keo kiệt. Vì bị Lizaveta, em gái mụ bắt gặp, Raskolnikov đã
giết luôn cả cô ta để bịt đầu mối. Khi thực hiện xong tội ác, Raskolnikov lại rơi vào
trạng thái hoang tưởng. Anh nghi ngờ tất cả những người xung quanh rằng họ đã
biết tất cả và sẽ đi tố cáo mình với cảnh sát. Đồng thời, Raskolnikov cũng quay
sang nghi ngờ chính những lý thuyết mà anh đã từng tin để tự hỏi “ta là con sâu
con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?” .
Sau những ngày tháng dằn vặt, Raskolnikov đến tòa tự thú. Trước tòa, anh được
giảm nhẹ hình phạt và bị đày khổ sai 8 năm tai Siberia. Ở chi tiết này, Dostoevsky
đã mở cho nhân vật chính một lối thoát trên cương vị là người theo chủ nghĩa nhân
đạo. Hình phạt pháp luật dành cho Raskolnikov là điều hiển nhiên, song, quan
trọng hơn cả là anh phải đối diện với chính bản thân cùng những chất vấn của
lương tâm. Đây chính là hình phạt tàn khốc nhất mà một kẻ tội phạm phải gánh
chịu vì những tội ác của mình.
Raskolnikov không phải đối diện với cái chết mà bị đày tới Siberia. Ở đó, anh tìm
thấy niềm an ủi trong Kinh Thánh. Đó chính là điểm tương đồng của Dostoevsky
với triết gia cùng thời Kierkegaard: đi tìm sự cứu cánh trong tôn giáo. Xây dựng
lên một tiểu thuyết về tội ác là thế, nhưng sâu thẳm trong tiềm thức của
Dostoevsky, ông vẫn luôn bày tỏ một niềm tin mãnh liệt vào sự che chở của Chúa
với với con người trần thế. Cho dù họ có phạm phải sai lầm lớn như thế nào, chỉ
cần hướng về Chúa với sự tin tưởng thì tâm hồn con người sẽ được cứu rỗi. Cùng
với những giá trị đạo đức còn tồn tại trong nhận thức của con người, tình yêu
thương của Chúa chính là bến đỗ gột rửa tội lỗi của những kẻ phạm sai lầm.
Tiểu kết: Từ những vấn đề cốt lõi trong giới thuyết về Tâm lý học tội phạm và
những khía cạnh nổi bật mang màu sắc Tâm lý học tội phạm trong Tội ác và hình
21
phạt, ta nhận thấy Tâm lý học tội phạm phần nào chi phối tội ác của những kẻ
phạm tội trong tác phẩm. Những vấn đề đó đã kết hợp hài hòa, thống nhất với
nhau, tạo nên một bức tranh mang màu sắc tâm lý học tội phạm. Đó là lộ trình vận
động từ tội ác đến hình phạt tác phẩm với gam màu nền là góc khuất trong tâm lý
bị tổn thương của nhân vật Raskolnikov. Những yếu tố ấy đã tạo nên bố cục hoàn
chỉnh cho bức tranh tâm lý học tội phạm trong Tội ác và hình phạt. Điều đó chứng
minh rằng, Dostoevsky đã thành công trong việc xây dựng nền tảng, tạo ra những
vấn đề nghiên cứu về tác phẩm. Và tâm lý học tội phạm không phải một ngoại
lệ.Những kết quả nghiên cứu ở chương này chính là tiền đề để chúng tôi phân tích,
làm sáng tỏ những “tội ác” và “hình phạt” mà Dostoevsky đã tái hiện lại trong tiểu
thuyết vĩ đại của mình ở góc nhìn của Tâm lý học tội phạm.

Chương 2: Hành vi phạm tội trong Tội ác và hình phạt


2.1. “Tội ác” và “hình phạt” - nguyên nhân và hệ quả của Tâm lý học tội
phạm
Khi đọc Tội ác và hình phạt, chắc hẳn nhan đề của tác phẩm chính là một điều đặc
biệt mà khó ai có thể bỏ qua. Chính nhan đề này dường như đã nói lên tính chất
xuyên suốt của tác phẩm mà nó biểu hiện.
“Tội ác” không đơn thuần chỉ là gây ra sự tổn thương cho người khác mà ngay cả
chính bản thân mình về mặt thể xác hay tình thần, thậm chí là cả cái chết. Nó là sự
vượt qua giới hạn. Trong tác phẩm, đó không chỉ là giới hạn của pháp luật mà còn
là giới hạn của ý thức con người, bao gồm cả đạo đức và thẩm mỹ. Tác phẩm nói
về tội ác của con người khi cố gắng vượt qua ý thức người của mình: đó chính là
sự phá vỡ, vượt ngưỡng giới hạn để trở thành kẻ mạnh nhất. Khi đó, tính người
cũng bị phá hủy bởi hệ tư tưởng của Raskolnikov là tội ác lớn nhất, trong đó, hạt
nhân là thuyết vị kỷ trung tâm: đặt mình cao hơn người khác và cho phép mình sử
dụng người khác như một công cụ, chất liệu. Đó là hệ tư tưởng bạo lực, lấy nhãn
22
mác là tình yêu thương, nó là tội ác trên mọi tội ác vì đã hủy diệt đi nhân tính, giải
phóng con người khỏi ý thức về lương tâm, cái đẹp. “Hình phạt” trong tác phẩm
xảy ra với mỗi con người cùng những tội ác tương xứng nhưng hình phạt được
khắc họa trung tâm là hình phạt của Raskolnikov. Hình phạt ấy xảy ra cả trước và
sau khi Raskolnikov thực hiện hành vi giết người. Sau khi giết người, Raskolnikov
phải chịu những hình phạt khác, trong đó, hình phạt tối thượng là tòa án lương tâm
bị tách biệt khỏi nhân loại và phải chịu đựng những cuộc đối thoại tra tấn với các
nhân vật chung đôi của mình.
“Tội ác” và “hình phạt”có thể xét theo cặp phạm trù nguyên nhân - hệ quả trong
phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ta đã biết, nguyên nhân là
phạm trù chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự
vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó. Với hệ quả là phạm trù chỉ
những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc
giữa các sự vật với nhau gây ra. Qua đó, phản ánh mối quan hệ hình thành của các
sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan. Nguyên nhân xuất hiện trước và
sinh ra kết quả. Tuy nhiên, nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp, một nguyên
nhân có thể sinh ra một hay nhiều hệ quả, và một hệ quả có thể bắt nguồn do một
hoặc nhiều nguyên nhân.
Đối sánh với mối quan hệ của “tội ác” và “hình phạt”, ta dễ dàng nhận thấy, có
“tội ác”thì ắt sẽ có “hình phạt”.“Tội ác” được thực hiện thì mới có “hình phạt”
thích đáng dành cho kẻ phạm tội. Một tội ác có thể có một hình phạt hay thậm chí
nhiều hình phạt. Mụ già cầm đồ Ivanovna giàu có nhưng keo kiệt và bủn xỉn. Cái
nghề cầm đồ của mụ là tội ác sống trên sức lao động, trên sự mưu sinh của những
người lao động Nga. Cái chết chính là một hình phạt cho tội ác của mụ. Nhưng
Raskolnikov thì khác. Anh giết hai chị em mụ già ấy, cái giá phải trả của anh
không chỉ là hình phạt của pháp luật, của sự đày ải mà còn là hình phạt từ lương
tâm. Đáng sợ hơn, Raskolnikov luôn phải sống trong sự ảo ảnh, luôn trải nghiệm
23
lại cảm giác khi phạm tội trong tiềm thức. Hay ngay cả Sonya, Dunia hay
Mamelazov, họ là những người bất đắc dĩ phạm phải tội ác do hiện thực đầy cay
đắng của xã hội khi đồng tiền lên ngôi dồn họ đến bước đường cùng, vô tình gây ra
tổn thương cho những người thân xung quanh và chính bản thân mình. Sự vượt
ngưỡng đạo đức bị đánh đổi cái giá lớn từ lương tâm con người. Bởi vậy, “tội ác”
và “hình phạt” tồn tại như một điển hình của mối quan hệ biện chứng của nguyên
nhân và hệ quả.

2.2. Tội ác - những hành động phạm tội từ tâm lý “không nguyên vẹn”
2.2.1. Hành vi phạm tội trong Tội ác và hình phạt

Trong Tội ác và hình phạt, Dostoevsky dùng một từ để khái quát đặc điểm của các
hành vi phạm tội của các nhân vật: Prestuplenie - tội ác. Nghĩa gốc của từ này
trong tiếng Nga nghĩa là “vượt qua giới hạn”. Phạm tội ác chính là vượt qua những
giới hạn không chỉ của pháp luật mà còn của ý thức con người (về đạo đức và thẩm
mĩ).
2.2.1.1. Tội ác vượt qua giới hạn pháp luật
Tội ác và hình phạt xoay quanh vụ án mạng một sinh viên nghèo tên là
Raskolnikov giết mụ già chủ hiệu cầm đồ Aliona và em gái mụ là Lizaveta. Tức là,
có hai mạng người đã mất dưới hành vi phạm tội của Raskolnikov. Ở bất cứ nơi
đâu, trong bất kì thời đại nào, dưới bất kì nền pháp luật nào, giết người vẫn luôn
nằm trong những tội ác dã man nhất.
Raskolnikov đã lên kế hoạch cho vụ sát hại của mình từ lâu, suy tính một cách kỹ
lưỡng qua hàng tháng trời. Dùng hung khí gì, làm cách nào để giấu hung khí, chọn
địa điểm gây án ở đâu, tất cả đều được Raskolnikov suy tính từ trước. Ngoại trừ
thời điểm gây án mà Raskolnikov tình cờ biết được, phần còn lại trong kế hoạch
giết mụ Aliona đều được chàng tính toán. Tuy nhiên, Raskolnikov cũng không tính

24
được việc, chàng ta sẽ phải giết đến hai mạng người, trong đó có một người hoàn
toàn vô tội. Cả hai cảnh tượng hạ sát đều được Dostoevsky miêu tả tỉ mỉ.
Hung thủ chuẩn bị một chiếc hộp được buộc chặt dây để nạn nhân tốn hơi sức mở
nó, và nhân lúc nạn nhân không chú ý, hung thủ quả quyết cầm rìu bằng cả hai tay,
“bổ sống rìu xuống đầu mụ”, bổ trúng ngay giữa đỉnh sọ. Nạn nhân chỉ kịp kêu khẽ
một tiếng, rồi “ngồi thụp hẳn xuống sàn nhà”. Nhát rìu thứ nhất, nạn nhân chưa
chết, hung thủ “liền lấy hết sức giáng sống rìu xuống một lần nữa, rồi một lần thứ
ba, cũng đều nhằm đúng vào đỉnh sọ”. Kết cục cuối cùng là nạn nhân “ngã sấp
xuống”, “máu tuôn ra như từ một cái cốc đổ”, “hai con ngươi mở trừng trừng như
muốn vọt ra khỏi hốc mắt, cái trán và khắp khuôn mặt đều nhăn nheo và co rúm
lại”. Dostoevsky tập trung trần thuật những hành động diễn ra liên tiếp, gấp gáp,
căng thẳng, đúng như hung thủ tự nhủ “không thể bỏ lỡ lấy một giây nào nữa”.
Cảnh tượng diễn ra ghê rợn khi tội ác dã man của loài người thực hiện.
Cảnh tượng giết người thứ hai diễn ra sau đó không lâu. Lần này, nạn nhân - mụ
Lizaveta, em gái của mụ Aliona, không nằm trong kế hoạch ban đầu của vụ hạ sát.
Không may, nạn nhân thứ hai trở về nhà khi hung thủ còn chưa rời đi. Hơi thở chỉ
kịp rối loạn một chút, hung thủ đã “vơ lấy rìu và chạy ra”. Nạn nhân sợ hãi, “giơ
tay lên bưng lấy miệng, nhưng vẫn không kêu, rồi từ từ đi thụt lùi về phía góc
phòng, lặng lẽ giương mắt nhìn chàng trừng trừng”. Khi hung thủ cầm rìu lao tới,
nạn nhân “kinh hãi” và phản kháng một cách yếu ớt. Lưỡi rìu một lần nữa “dáng
thẳng xuống sọ và bổ đứt cả phần phía trên trán, gần sát đến đỉnh đầu”, nạn nhân
“ngã nhào xuống”.
Hai cảnh tượng giết người man rợ được tái hiện trong tiểu thuyết, tạo ra một không
khí căng thẳng đến kinh hoàng. Cùng một hung thủ, cùng một địa điểm, cùng một
hung khí, nhưng hai vụ giết người không lặp lại y nguyên. Nạn nhân đầu tiên nằm
trong dự tính, hung thủ giết bằng “sống rìu”, và phải mất ba nhát rìu mới làm nạn
nhân tắt thở. Nạn nhân thứ hai, vô tình, hung thủ giết bằng “lưỡi rìu”, và chỉ cần
25
đúng một nhát hạ tay đã có thể tước đi sinh mạng của nạn nhân. Qua mắt quan sát
của hung thủ, nạn nhân đầu tiên chỉ có duy nhất một phản ứng trước khi chết, nạn
nhân thứ hai lại có một loạt biểu cảm trước khi bị tước đi sinh mạng.
Xen giữa hai vụ giết người là hành vi cướp của. Hung thủ từng bước từng bước lần
tìm chìa khóa của tráp đựng tiền, giũ được trang sức từ giữa đống quần áo, và
“không chần chừ lấy một giây, chàng bắt đầu đút hết thứ này đến thứ khác, vào túi
quần và túi áo khoác, không chọn lựa không mở ra xem”. Tuy nhiên, sau khi bắt
buộc phải giết thêm một sinh mạng vô tội, hung thủ đã lâm vào trạng thái hoảng
loạn, không tiếp tục hành vi phạm tội kia nữa (vớ lấy tay nải của Lizaveta rồi lại bỏ
xuống) và chạy ra phòng ngoài.
Hung thủ ở đây, là Raskolnikov, một sinh viên khoa luật, người chắc sẽ nắm rất rõ
về luật pháp, về các vụ án, cách thức gây tội và phi tang chứng cứ. Raskolnikov đã
dựng lên một vụ cướp của để tạo hiện trường cướp của giết người, giết người vì
tiền chứ không phải lí do nào khác. Thậm chí, Raskolnikov còn đủ tỉnh táo để nghĩ
đến việc tránh cho bản thân dính máu, hay rửa hung khí trước khi rời đi.
2.2.1.2 Tội lỗi vượt qua giới hạn đạo đức và thẩm mĩ
Ý thức người được tạo nên từ ý thức đạo đức và ý thức thẩm mĩ. Ý thức đạo đức
giữ cho con người ta biết đánh giá đúng hay sai, biết mình sai và dằn vặt khi sai. Ý
thức đạo đức hay lương tâm giữ cho phần tình người trong con người được nguyên
vẹn. Ý thức thẩm mỹ giúp cho con người ta biết phân định đẹp và xấu, hoàn chỉnh
và nứt vỡ. Khi phá vỡ và vượt qua những giới hạn ý thức này, con người cũng sẽ
phạm vào tội.
* Tội lỗi vượt qua giới hạn đạo đức
- Hành vi giết người chỉ là sự thể nghiệm của một hệ tư tưởng trong Ras. Chính hệ
tư tưởng về kẻ mạnh mà Ras dựng lên mới là tội ác vượt qua giới hạn của đạo đức
con người.

26
Theo Ras, thế giới này chia thành hai hạng người, loại thứ nhất là những người “hạ
đẳng”, chiếm số đông nhân loại; loại thứ hai là “loại người thực sự”. Loại thứ nhất
là phổ thông, tầm thường; loại thứ hai là “đặc tuyển”(chữ dùng của Đỗ Hải Phong),
phi thường. Loại thứ nhất bảo thủ, cam chịu, sống phục tùng và thích được sai bảo;
loại thứ hai sẵn sàng phá bỏ luật lệ, vượt qua giới hạn. Loại thứ nhất là “sinh vật
run rẩy”, sẽ trở thành công cụ, nguyên liệu cho lịch sử; loại thứ hai là kẻ mạnh , có
thể thách thức xã hội để thay đổi thế giới. Loại thứ nhất là những người khi làm sai
sẽ có ý thức tội lỗi; loại thứ hai là vì tư tưởng của bản thân thì “dù là phải bước
qua cả xác người, qua máu thì tự bên trong, theo lương tâm, có thể… cho phép
mình bước qua cả máu”.
Đỗ Hải Phong nhận xét: “kết hợp ‘lương tâm’ với ‘máu’, Raskolnikov khẳng định
khả năng vượt qua ranh giới cuối cùng của đạo đức ở bên trong con người” [15,
71]. Hệ tư tưởng của Raskolnikov cho phép chàng ta tự coi mình đứng trên kẻ
khác, cho phép chàng ta giết người. Phá bỏ những giới hạn đạo đức của nhân loại
bình đẳng, mỗi sinh mạng đều có giá trị ngang nhau, hệ tư tưởng ấy đã tách con
người khỏi phần lương tâm, lương tri, hủy diệt tính người trong Raskolnikov. Đây
mới là “tội ác trên mọi tội ác”, mà hành vi giết người chỉ là sự kiểm nghiệm hệ tư
tưởng mà thôi.
- Tội lỗi vượt qua giới hạn đạo đức của Svidrigailov và Luzhin chung nhau ở chỗ:
dùng đồng tiền như một công cụ để chà đạp lên danh dự và nhân phẩm của người
khác, đồng thời để che đậy bản chất bỉ ổi bên trong.
Svidrigailov vì muốn thỏa mãn lòng ham muốn và dùng sức mạnh của mình để chế
ngự người khác, đã dám hiếp dâm đứa con gái mười ba tuổi, đồng thời là nguyên
do gây ra cái chết cho một người hầu. Cũng chính lão đầu độc người vợ cũng là ân
nhân của mình. Lão đeo đuổi Dunia trong khi đã có gia đình, đã có tuổi, mà không
sợ một thế lực trừng phạt nào. Lão địa chủ Svidrigailov đã đối xử thô bạo với
những lời lẽ và hành động nhạo báng Dunia khi cô đến làm gia sư cho gia đình lão
27
nhằm che mắt thiên hạ. Lão ve vãn Dunia, âm mưu dùng tiền để chiếm đoạt cô
nhằm thỏa mãn dục vọng bẩn thỉu của mình. Cuối cùng, vợ lão - Marfa Petrovna -
đã phát hiện điều dơ bẩn ấy khi lão đang khẩn khoản van nài Dunia, bà ta nhục mạ
và đuổi cô ra đường. Sau đó, Dunia vấp phải sự bàn tán và khinh bỉ của mọi người.
Mặc dù về sau Dunia cũng được Marfa minh oan, nhưng cô cũng đã trở thành nạn
nhân tội nghiệp của xã hội đáng sợ nghiêng về phía đồng tiền và quyền lực, gạt bỏ
mọi giá trị đạo đức của con người.
Luzhin là một tư vấn hội thẩm đốn mạt, xấu xa đội lốt một người đàng hoàng, tử
tế. Giữa thời buổi tôn vinh đồng tiền, đồng tiền có thể quyết định danh dự, nhân
phẩm của người khác, Luzhin nắm rất rõ bản chất bỉ ổi ấy của xã hội. Phá bỏ ranh
giới đạo đức, hắn ta sẵn sàng vu khống cho Sonya tội ăn cắp 100 rúp nhằm bêu xấu
danh dự của cô và Raskolnikov. Hết lần này đến lần khác dùng tiền để thay đen đổi
trắng nhằm trục lợi cho mình và bôi nhọ danh dự người khác.
* Tội lỗi vượt qua giới hạn thẩm mĩ
- Raskolnikov từng tuyên bố: “nỗi sợ thẩm mỹ là dấu hiệu đầu tiên của sự bất
lực”, và tìm cách để vượt qua cả giới hạn về ý thức thẩm mỹ của con người.
Raskolnikov đồng cảm với con người nhỏ bé, bất lực, nhưng lại lựa chọn muốn trở
thành kẻ mạnh, thành người phi thường. Nhưng không dễ để sâu thẳm linh hồn con
người ấy dứt bỏ được cái đẹp.
- Sonya ở một mặt nào đấy cũng có thể coi là đã vượt qua giới hạn thẩm mỹ toàn
vẹn. Mặc dù là nạn nhân của hoàn cảnh, tuy nhiên người con gái ấy cũng đã đánh
mất đi sự toàn vẹn mà Chúa đã ban tặng cho con người. Sonya quyết định bán thân
lấy tiền nuôi cha, mẹ kế và các em khi gia đình lâm vào cảnh bệnh tật và đói
nghèo. Trong xã hội đồng tiền ấy, người con gái dễ dàng bị đẩy vào đường cùng,
tự chà đạp lên thân thể của mình. Raskolnikov vì thế nhìn Sonya như một đồng
mình, vì cả hai đều đã “giết người rồi”. Nhưng Raskolnikov không nhận ra sự khác
biệt giữa giết người khác vì lòng vị kỷ của bản thân với hy sinh bản thân vì người
28
khác. Vì thế, Sonya có thể đã vượt qua lằn ranh giới hạn của ý thức thẩm mĩ,
nhưng cô không hề vi phạm đạo đức của con người.
2.2.2. Tâm lí kẻ phạm tội trong Tội ác và hình phạt – tâm lí “không nguyên
vẹn”
2.2.2.1. Nguyên nhân phạm tội
Dung lượng lớn nhất trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt là truy tìm động cơ
phạm tội của Raskolnikov. Trong quá trình theo chân diễn biến tâm lý của nhân vật
trung tâm, những góc khuất trong tâm lý và động cơ phạm tội của những nhân vật
gây tội khác trong tác phẩm cũng được cụ thể hóa.
* Những nhân tố chung làm nên động cơ phạm tội của các nhân vật gây tội trong
Tội ác và hình phạt
Dường như tất cả các nhân vật trong Tội ác và hình phạt đều bị cuốn vào trong
vòng xoáy của xã hội đang vận hành. Đặc điểm của xã hội ấy đã tiềm ẩn những bất
mãn trong con người, thúc đẩy những động cơ tội lỗi.
Khrapchenko M.B trong bài viết Dostoevsky và di sản văn học của ông đã khẳng
định: “Dostoevsky gắn bó hữu cơ với cuộc sống thời đại của ông. […] các tác
phẩm của Dostoevsky thấm đượm nội dung xã hội. Những tư tưởng và hình tượng
nghệ thuật của ông đều nảy sinh từ thực tế lịch sử và là một thành phần không thể
tách khỏi đời sống tinh thần của xã hội nước Nga” [12, 13]. Berdiaer N.A cũng
cho rằng, Dostoevsky “là nhà văn của thời đại” ông sống, quan tâm của
Dostoevsky là sự quan tâm dành cho số phận con người trong nước Nga, số phận
con người Peterburg.
Tội ác và hình phạt hoàn thành năm 1866, nhưng những phác họa đầu tiên của nó
đã có từ hai mươi năm trước. Nước Nga trong hai mươi năm ấy vẫn thuộc về chế
độ phong kiến nông nô, nhưng đã chứng kiến “sự xung đột giữa những nguyện
vọng xã hội khác nhau ở nước Nga trong bối cảnh các mối quan hệ tư sản đang
lớn mạnh như vũ bão” [12, 14]. Sự xuất hiện của tư sản kéo theo đó là sự vận hành
29
của xã hội ngày càng hướng đến sùng bái đồng tiền. Ở chiều ngược lại, những kiếp
người tủi cực cũng ngày càng đông.
Khrapchenko nhận ra: “Trong số những nhân vật cùng một số phận hẩm hiu của
Tội ác và hình phạt không phải chỉ có những người nghèo đói, khổ sở vì hoàn cảnh
không lối thoát của mình mà còn có cả những con người bị chà đạp cảm thấu một
cách sâu sắc quyền lực dã man đến tàn nhẫn của đồng tiền” [12, 20]. Và như thế,
hoặc là trong khốn cùng, người ta trở nên tội lỗi, hoặc là vì theo đuổi tiền tài mà
người ta làm ra tội ác.

* Động cơ phạm tội của các nhân vật trong Tội ác và hình phạt
- Marmelazov, Katerina - những nhân cách người tội phạm tình huống
Những nhân vật như Marmelazov hay Katerina, họ là nạn nhân của “bi kịch cuộc
sống khốn cùng”, chính cuộc sống phải oằn mình dưới gánh nặng đồng tiền khiến
họ xúc phạm lên người khác. Katerina xúc phạm đến danh dự của Sonya, một câu
“Còn gì nữa, còn giữ làm gì? Quý báu lắm đấy?” của bà ta đã gián tiếp đẩy Sonya
vào con đường phải lĩnh thẻ vàng. Marmelazov thì cay đắng cầm lấy 30 đồng
copech cuối cùng của con gái mà đi uống rượu cho bằng hết. Tội lỗi của họ dường
như là sự phản ứng lại đối với xã hội, thể hiện sự bất lực đến tuyệt vọng của con
người trước cuộc đời. Những lời của Marmelazov nói với Raskolnikov trong lần
đầu hai người gặp nhau nơi quán rượu dưới hầm chính là ý thức cho bi kịch khốn
cùng có thể tước đoạt nhân tính của con người như thế nào: “Nhưng sự khốn cùng,
thưa ngài, khốn cùng chính là một sự xấu xa đấy ạ. Trong cảnh nghèo nàn ngài
còn có thể giữ được bản tính cao thượng của tâm hồn, nhưng trong cảnh khốn
cùng thì không bao giờ và không ai có thể giữ được. Khi ngài ở trong cảnh khốn
cùng, người ta sẽ đuổi ngài, không phải đuổi bằng gậy nữa, thưa ngài, người ta sẽ
quét ngài ra khỏi xã hội loài người bằng một cái chổi để cho càng thêm nhục

30
nhã”. Đó là “cảm thức không lối thoát xuất phát từ bản thân đời sống” mà người
ta “không còn dám nghĩ đến một sự đổi đời nào cả” [12, 20].
- Svidrigailov, Luzhin - những nhân cách tội phạm có hệ thống
Trong xã hội sùng bái “sự hám lợi và tính toán bần tiện” [12, 20], tội lỗi của
Luzhin và Svidrigailov là đã lợi dụng chính xã hội này để vươn lên, sẵn sàng đạp
lên tất cả những người khác để lên cao hơn. Hai nhân vật này là điển hình đến tận
cùng của chủ nghĩa cá nhân - đặc điểm bao trùm về đời sống tinh thần của giai cấp
tư sản, của thuyết vị kỷ trung tâm. Những kẻ ấy tham lam, trục lợi, thù ghét loài
người, vô liêm sỉ, đạo đức giả, và luôn luôn chỉ coi trọng ý muốn của bản thân, dẫu
để thực hiện ý muốn ấy thì phải gây ra tội ác.
Trong Luzhin chỉ có khái niệm “nghĩ tới mình mình”, “yêu hơn tất cả một mình
mình, bởi tất cả trên đời được thiết lập trên quyền lợi của cá nhân”. Bởi vì lối suy
nghĩ ấy, hắn ta không hề áy náy lương tâm khi chà đạp lên người khác.
Ở Svidrigailov, chủ nghĩa cá nhân còn biểu hiện ở chỗ, ông ta không chấp nhận bất
kỳ nguyên tắc đạo lý nào, vì thế, ông ta sẵn sàng buông thả cho những ham muốn
khoái lạc và dục vọng: xâm hại tình dục các bé gái, lợi dụng các cô hầu, tống tình
Dunia, đầu độc cả người vợ vốn là ân nhân của mình… Các tội ác ấy ông ta đã
thực hiện suốt bao nhiêu năm trời, không mảy may áy náy, chính là loại nhân cách
tội phạm có hệ thống. Bởi vì chủ nghĩa cá nhân trong lòng cho phép ông ta hành
động mà không hề dằn vặt lương tâm: “Hắn không chút nào muốn tự kiềm chế
chính mình, hắn cho rằng đối với hắn, mọi cái trên đời đều được phép làm” [12,
29], và Svidrigailov thì sẵn sàng “thực hiện mọi điều đê tiện, không dừng bước
trước bất kì tội ác nào” [12, 29] để tỏ rõ quyền lực của bản thân.
- Raskolnikov - nhân cách tội phạm phức tạp
Truy tìm động cơ phạm tội của nhân vật Raskolnikov sẽ thấy được sự phức tạp
khôn cùng của con người. Dường như tất cả tiếng vọng bên ngoài cuộc sống,

31
những người xấu xa, những cảnh tàn nhẫn, những lỗi nghĩ bạo lực đều kích thích
Raskolnikov đi đến tội ác.
Hành vi tội ác trên bề mặt của Raskolnikov là giết người, thật ra chàng ta chỉ chủ
đích giết mụ già hiệu cầm đồ Aliona, nhưng lại vô tình cướp thêm sinh mạng của
một người vô tội là Lizaveta. Nguyên do mà Raskolnikov muốn giết và quyết định
giết Aliona, hành vi mà ban đầu chàng ta không hề thừa nhận đó là một tội ác, bởi
vì chàng ta cho rằng mụ Aliona đáng chết. Một động cơ thường thấy ở loại nhân
cách người phạm tội tình huống muốn chống lại một thế lực nào đó.
Nhưng ở Raskolnikov, động cơ của chàng ta còn phức tạp hơn nhiều. Bởi vì thứ
đưa đẩy Raskolnikov có cái suy nghĩ một con người đáng chết là cả một hệ tư
tưởng: Lý thuyết thế giới chia thành hai hạng người, lý thuyết về kẻ mạnh. Lý
tưởng của Raskolnikov là Napoleon, là bá chủ thế giới nhờ dễ dàng vượt qua luật
lệ thông thường. Soi chiếu vào hệ tư tưởng ấy, có thể rút ra nguyên nhân
Raskolnikov giết người, giết một kẻ chàng ta cho là đáng chết, là một cách tự kiểm
nghiệm bản thân thuộc loại người nào, để thể hiện nguồn sức mạnh bên trong tự
cho là của kẻ mạnh. Ngày sau, Raskolnikov đã thú tội với Sonya như thế này:
“Không phải vì tiền mà anh đã giết… anh cần biết một điều khác, một điều khác đã
thúc đẩy anh: lúc ấy anh cần biết, cần hối hả biết anh là thứ rận rệp như mọi
người hay anh là một người? Anh có dám vượt lên hay không dám? Anh là thứ
sinh vật run rẩy khiếp sợ hay là anh có quyền?” Tư tưởng tội ác ấy đã dẫn đến
hành vi giết người tội lỗi của Raskolnikov.
Viên dự thẩm Porfiri trong tiểu thuyết cũng nói, “‘môi trường’ có ý nghĩa rất quan
trọng trong các vụ án mạng”. Xét đến cùng, hệ tư tưởng kẻ mạnh của Raskolnikov
cũng là một cách phản ứng với xã hội, “cái ác là một sự phản kháng chống lại cơ
cấu bất hợp lý của xã hội”, nhưng bạo lực và tàn nhẫn hơn Mamelazov hay
Katerina rất nhiều. Raskolnikov cũng là một nạn nhân của bi kịch cuộc sống khốn
cùng. Một sinh viên nghèo không nơi nương tựa giữa Peterburg, người thân anh
32
cũng phải trải qua những thử thách của cuộc đời - người mẹ với đồng lương quả
phụ ít ỏi 120 rúp một năm, cô em gái chịu đủ sỉ nhục của tên địa chủ sa đọa, lại vẫn
sẵn lòng lấy một tay ích kỷ khác chỉ để giúp đỡ cho tương lai của anh trai. Cảnh
ngộ của Raskolnikov hòa với biết bao số phận ở Peterburg, trước mặt chàng “ngày
tiếp ngày diễn ra bao cảnh đời lầm than, cùng quẫn” [13, 370] - gia đình
Mamelazov trông vào đồng tiền của Sonya đã phải bán mình làm gái, ngoài phố,
trước cửa nhà chứa đầy những cô gái điếm đừng mời khách, một cô bé mới mười
lăm, mười sáu tuổi bị quấy rối; ngày tiếp ngày xuất hiện những kẻ hút máu đồng
loại để giàu lên như mụ Aliona.
Chân dung của mụ Aliona đối lập với những kiếp người khốn quẫn ở Peterburg,
trong mắt Raskolnikov, là đại diện cho sự bất công của xã hội, mà hệ tư tưởng của
chàng sẽ thay đổi xã hội ấy. Lời của một sinh viên xa lạ nào đó trong quán rượu đã
nói thay ý thức xã hội bất công của Raskolnikov: “Một đằng là một mụ già đần
độn, vô nghĩa, độc ác, bệnh tật, chẳng có ích gì cho ai cả, trái lại còn có hại cho
mọi người, sống cũng chẳng biết để làm gì, mà dù cứ để mặc cho mụ sống thì chỉ
nay mai mụ cùng sẽ chết già chết bệnh. Mặt khác là những sức lực trẻ trung,
cường tráng phải điêu đứng vì vô kế sinh nhai.” Lọc trong lời của chàng sinh viên
kia, Raskolnikov rút ra được một kiểu nguyên lý công bằng để biện minh cho hành
vi tội ác của bản thân: “Hãy giết mụ ấy đi, và đoạt lấy số của ấy để suốt đời phụng
sự nhân loại và sự nghiệp chung… hàng nghìn việc thiện há lại chẳng chuộc được
một tội ác cỏn con duy nhất ấy sao?”
Tư tưởng của Raskolnikov, giết người để thử nghiệm tư tưởng, để muốn chứng tỏ
mình là kẻ mạnh, để có thể đổi thay thế giới đầy rẫy bất công này: “Tư tưởng của
Raskolnikov đúng là một cuộc nổi loạn chống lại thế giới hiện hành” [[15, 72].
Chỉ có điều, hệ tư tưởng, sự phản ứng lại xã hội một cách có hệ thống ấy ở
Raskolnikov lại đưa đến tội ác kinh khủng. Sau khi Raskolnikov giết Alyona
Ivanovna, cái ác, cái xấu trong xã hội không hề mất đi, chỉ có phần nhân tính trong
33
Raskolnikov bị hủy hoại. Hệ tư tưởng đã giải thoát con người khỏi ý thức lương
tâm, tự đặt mình lên cao hơn người khác, tự cho mình quyền tước đoạt sinh mạng
của người khác. Thực chất, hệ tư tưởng của Raskolnikov chỉ là một “giải pháp bạo
lực có gắn mác tình thương”. Raskolnikov cũng đã bị cuốn vào chủ nghĩa cá nhân
giống như Svidrigailov, như Luzhin - những nhân vật chung đôi bóng tối của mình.
Không chỉ giết người để thử nghiệm hệ tư tưởng của mình, Raskolnikov còn bị
cuốn theo thế lực đồng tiền, khao khát thoát khỏi hoàn cảnh túng thiếu. Trong lần
đến tiệm cầm đồ của Aliona để cầm chiếc đồng hồ, ý nghĩ đầu tiên khi nghe tiếng
mở tủ trong phòng bà Ivanovna của chàng thanh niên nghèo túng là: “Chắc là
ngăn trên cùng”, “Mụ ta bỏ chìa khóa ở túi bên phải”... Raskolnikov ý thức rất rõ
những gì anh vừa nghĩ thực sự là điều sai trái, là “kinh tởm” nhưng tiền, cái tủ,
chìa khóa, cái rương khiến anh nung nấu một ý định gì đó chưa được hình thành rõ
ràng.

2.2.2.2. Tâm lý trước, trong và sau khi phạm tội


Đối với mỗi tên tội phạm, khi bắt tay thực hiện một hành vi tội ác, luôn luôn sẽ tồn
tại trong linh hồn một quá trình tâm lý xuyên suốt từ trong, trong và sau khi phạm
tội. Chính trong Tội ác và hình phạt, nhân vật Raskolnikov, với tư cách là một sinh
viên khoa luật, cũng tự đề cập đến một quá trình tâm lý của kẻ giết người, hay
“hầu như bất cứ kẻ nào cũng vậy”:
“Khi nhúng tay vào tội ác thì nghị lực và lý trí suy sụp hẳn đi, nhường chỗ cho một
sự nhẹ dạ kỳ quặc như của trẻ con, mà lại đúng vào lúc cần minh mẫn và thận
trọng hơn cả. Tình trạng rối trí và mất nghị lực đó xâm nhập người ta như một cơn
bệnh, phát triển dần và lên đến cực điểm trước khi người ta nhúng tay vào tội ác ít
lâu; nó giữ nguyên mức độ ấy trong khi diễn ra tội ác và tiếp tục kéo dài một thời
gian sau, dài ngắn tùy từng người; rồi cũng qua đi như bất cứ một cơn bệnh nào”.

34
Tức là, tội phạm sẽ có xu hướng rối loạn lý trí, đánh mất tinh thần và nghị lực khi
bắt đầu nghĩ đến một tội ác. “Tình trạng rối trí và mất nghị lực” ấy sẽ gặm nhấm,
dày vò kẻ đó, nhưng vì không thể bỏ được ý định phạm tội mà hắn ta sẽ như phát
bệnh vì dằn vặt. Trước khi tội ác diễn ra ít lâu, đấy là lúc “cơn bệnh” lên đến “cực
điểm”, có lẽ là do nó sẽ ép hắn ta chọn lựa giữa thực hiện hay không thực hiện
hành vi phạm tội. Ngay cả trong khi tiến hành tội ác, hắn ta vẫn sẽ bị ám ảnh bởi
sự rối loạn, và cứ thế ám ảnh cả một khoảng thời gian sau đấy nữa, dài hay ngắn là
tùy theo trạng thái tinh thần của tội phạm ổn định hay không. Nhưng Raskolnikov
cho rằng, rồi cảm giác có thể coi là “tội lỗi” ấy sẽ qua đi, qua đi như bất cứ cơn
bệnh nào.
Quá trình tâm lý này phóng chiếu lên Raskolnikov, và một số nhân vật gây tội
khác, lại chứng minh rằng quá trình ấy, sự vận động của trạng thái rối loạn ấy phụ
thuộc rất nhiều vào từng hoàn cảnh phạm tội.
* Những linh hồn còn biết dằn vặt vì tội lỗi
Raskolnikov, Marmeladov, Katerina đều là những người đã gây tội, họ trải qua
một quá trình tâm lý dằn vặt, đầy mâu thuẫn, từ lúc có ý định phạm tội, kéo dài đến
cả khi tội ác đã thành hình và phải trả giá.
Khảo sát tâm lý của nhân vật Raskolnikov trước hành vi tội ác trên bề mặt là giết
người, có thể nhận ra rằng, trước khi, trong khi, và sau khi thực hiện hành vi ấy,
trong nhân vật Raskolnikov luôn tồn tại cảm giác mâu thuẫn, luôn bị bứt rứt không
yên.
Từ lúc kế hoạch giết mụ già hiệu cầm đồ bắt đầu nhen nhúm dù chưa thành hình
thành dạng, Raskolnikov đã luôn luôn trải qua cảm giác bị dày vò, do dự, vừa
muốn thực hiện ý định giết người vừa sợ hãi chính ý tưởng của mình. Rất nhiều lần
Raskolnikov tự hỏi mình: “chả nhẽ mình có thể làm việc ấy sao”, tự chất vấn
mình: “Hôm qua khi xuống thang gác, chính mình đã nói rằng như thế là khốn

35
nạn, ghê tởm, hèn hạ vô cùng… Dù có thế chăng nữa mình cũng không thể làm
được. Mình không thể chịu nổi, không sao chịu nổi!”
Khi lý trí suy sụp, tội phạm chọn lựa một điểm tựa khác, vin vào một lý do khác,
như số phận, như định mệnh, như sự bắt buộc của hoàn cảnh, và bấu víu vào nó
với một niềm tin “nhẹ dạ kỳ quặc như của trẻ con”. Raskolnikov chắc chắn rằng
“dường như có những ảnh hưởng và những sự tình cờ đặc biệt can dự vào việc
này”, để tự biện minh cho ý nghĩ tội ác của bản thân. Từ việc có người bạn cho
chàng địa chỉ của mụ Aliona từ tận mùa đông năm ngoái, đến việc chàng vừa từ
hiệu cầm đồ của mụ ra về (trong lần đầu cầm cố chiếc nhẫn vàng) đã lại nghe
những sinh viên khác nói chuyện về mụ, nói cái xấu xa của mụ, nói lời bào chữa
cho hành động nếu-giết-mụ, rồi chàng lại tình cờ biết được ngày đối tượng ở nhà
một mình - thời điểm thích hợp cho hành vi tội ác diễn ra, Raskolnikov gọi đó là
những “chỉ thị của số mệnh” dẫn đường cho chàng ta giết mụ già Aliona.
Raskolnikov tin vào những điều tựa như mê tín ấy (chính chàng ta nhận định thế),
để cứu vãn cho lý trí vẫn luôn bị do dự vì chưa dám làm.
Trạng thái tinh thần của Raskolnikov sau khi tội ác xảy ra đã không còn được
nguyên vẹn. Bởi vì tội ác của Raskolnikov không chỉ là giết một, mà là giết hai
mạng người, mạng người thứ hai còn là một người vô tội. Khi Raskolnikov giết mụ
Aliona, khoảnh khắc bổ rìu xuống, chàng thấy mình “dường như kiệt sức”, nhưng
khi rìu chạm đến đỉnh đầu của mụ già, chàng lại thấy “sức lực vụt trở lại”. Bởi vì
Raskolnikov đang giết một kẻ chàng cho rằng nên giết, đáng bị giết. Nhưng khi
lưỡi rìu cướp đi sinh mạng của Lizaveta, khi Lizaveta ngã nhào xuống,
“Raskolnikov hoàn toàn rối trí”.
Sau khi giết mụ Aliona, nhìn tổng thể thì Raskolnikov vẫn còn giữ được tinh thần
để “cướp của”, hoặc để bày biện sao cho vụ mưu sát trông giống như một vụ giết
người cướp của. Cách Raskolnikov “chăm chú, thận trọng, luôn có ý tứ giữ cho
tay đừng dính máu”, cách Raskolnikov cưa sợi dây lấy bóp đựng tiền của mụ già,
36
cách Raskolnikov tìm chìa khóa mở rương: “chợt nhớ lại và suy ra rằng cái chìa
khóa to, đầu có răng cưa chắc hắn không phải chìa mở tủ ngăn lần trước chàng
cũng đã nghĩ như thế mà phải dùng để mở một cái tráp nào đấy”, cách
Raskolnikov nghĩ ra được chùi máu vào vải đỏ thì sẽ “khó thấy hơn”… đây đều là
những phút tỉnh táo của lý trí còn sót lại. Nhưng sau khi Raskolnikov giết Lizaveta
- một người vô tội, tâm lý của chàng trở nên hoảng loạn: “Chàng mỗi lúc một thêm
hoảng hốt, nhất là sau vụ giết người thứ hai hoàn toàn bất ngờ này”. Thay vì tiếp
tục việc bày hiện trường, Raskolnikov chỉ muốn “trốn khỏi nơi này cho thật
nhanh”.
Trong con người tội phạm ấy vẫn luôn tồn tại “tình trạng rối trí và mất nghị lực”,
tồn tại những mâu thuẫn và các dòng suy nghĩ đối lập nhau. Raskolnikov cho rằng,
rồi cái tình trạng ấy sẽ qua thôi, như một cơn bệnh, đến rồi đi. Quả thật, khi
Raskolnikov giết xong hai mạng người, tỉnh táo lại một chút sau phút hoảng loạn
vì giết người vô tội, chàng ta còn “nghĩ đến việc rửa tay và rửa rìu”. Nhưng
Raskolnikov không ngờ được rằng, “cơn bệnh” này sẽ còn đeo đẳng. Luôn luôn
thấy nhân vật như đang trong cơn mê sảng, vừa tìm cách phi tang mọi chứng cứ
vừa muốn thú tội: “Thế nếu chính tôi giết mụ già và Livazeta thì sao?”Lúc nào
chàng ta cũng có ảo giác rằng tất cả mọi người đã phát hiện ra tội ác của mình, sẽ
tố cáo mình với cảnh sát. Khi Raskolnikov nhận được trát đòi lên sở cảnh sát,
chàng cũng vẫn sợ là gọi vì vụ giết người (thực ra người ta đòi chàng lên vì chàng
nợ tiền nhà). Và lúc Raskolnikov tự nhận ra có thể có nỗi “kinh hãi và ghê tởm
trước việc mình vừa làm”, thì cũng là lúc tâm lý của kẻ phạm tội đã đổ vỡ vì chính
tội ác của mình.
Tâm lý của kẻ đã phạm tội dưới những tác động của ngoại cảnh còn ám ảnh đến
mức bắt Raskolnikov phải luôn trải nghiệm lại cảm giác khi phạm tội. Đây cũng là
hình phạt cho tội ác mà Raskolnikov gây ra, sẽ được chúng tôi nói kĩ hơn ở phần
sau.
37
Mamelazov hay Katerina không gây ra một tội ác chính thức như Raskolnikov. Hai
nhân vật này vượt qua lằn ranh của lương tâm, Katerina buông lời nghiệt ngã, xúc
phạm đến trinh tiết và phẩm giá của Sonya: “Còn gì nữa, còn giữ làm gì? Quý báu
lắm đấy?”; Mamelazov vì không thể giữ được mình mà phạm lên những đồng tiền
cứu gia đình mà con gái phải lĩnh thẻ vàng mới có được. Trong khốn cùng người ta
có thể trở nên tội lỗi, nhưng ở hai nhân vật này vẫn nhìn thấy cảm giác áy náy, dằn
vặt vì ý thức tội lỗi của mình. Katerina “quỳ bên chân” Sonya cả buổi tối, hôn lên
chân của Sonya. Mamelazov trong cơn say bí tỉ, đến khi tỉnh táo nhất, ông rất rõ
ràng tội nghiệt của bản thân.
* Những kẻ phạm tội không áy náy
Trong những nhân vật như Luzhin, Svidrigailov hay Mikolka đánh xe tồn tại con
quỷ đã vượt quá lằn ranh đạo đức, khiến chúng không còn áy náy lương tâm khi
gây ra tội ác.
Trong Luzhin, cái tôi cá nhân đạt đến tận cùng, con người ấy tự cho mình ở vị trí
cao hơn người khác, nên muốn được làm ân nhân để người khác mang ơn mình.
Hắn ta không hề áy náy lương tâm khi chà đạp lên người khác. Sau khi bị
Raxcolnicov xúc phạm, hắn đổ mọi tội lên Dunia, bắt Dunia phải lựa chọn hoặc là
“tôi” hoặc là “anh trai”, Dunia quả quyết chọn anh trai. Cuộc đính hôn tan vỡ,
Luzhin khi bị Dunia đuổi đi. Gây ra một hành động ích kỷ như thế, nhưng hắn ta
chỉ nghĩ đến việc đáng lẽ ra phải tung tiền ra trước để trói hai mẹ con nhà ấy. Sau
khi làm ra hành động bẩn thỉu như vu khống cho Sonya, Luzhin vẫn điềm nhiên,
bởi trong quan niệm của hắn một cô gái điếm trở thành kẻ ăn cắp không có vấn đề
gì. Hắn điềm nhiên bước ra ngoài coi như không có chuyện gì xảy ra ngay cả khi
âm mưu không thực hiện được. Luzhin là kẻ phạm tội, chà đạp lên ranh giới đạo
đức mà không áy náy lương tâm một chút nào.
Svidrigailov là một kẻ hết sức trụy lạc, lão ta chết ngập trong các thói xấu xa. Suốt
bao nhiêu năm qua, lão ta gây ra hàng loạt tội ác, hủy hoại biết bao con người,
38
nhưng mặc nhiên không hề có chút tự vấn lương tâm. Lão ta chỉ muốn thỏa mãn
dục vọng của bản thân.
Mikolka đánh xe xuất hiện trong giấc mơ của Raskolnikov, là hiện thân cho tất cả
những tàn nhẫn, bạo lực ở con người. Hành động của hắn biểu thị một trạng thái
tâm lý duy nhất: thỏa mãn khi gây tội, thỏa mãn khi tổn thương người khác.

2.3. Hình phạt - sự khủng hoảng trong tâm lí người phạm tội
Hình phạt trong nhan đề tác phẩm Tội ác và hình phạt có nghĩa là hình phạt xảy ra
với mỗi con người tội lỗi những hình phạt khắc họa chính ở Raskolnikov về lương
tâm và cả pháp luật. Hình phạt trước pháp luật như một điều “tất lẽ dĩ ngẫu" trong
đời, nhưng hình phạt về lương tâm mới là bản án cao nhất mà Raskolnikov phải
chịu. Đó là hình phạt xảy ra trước và sau khi giết người. Trước khi thực hiện hành
vi giết người, đó là hình phạt về ý thức phân mảnh. Hình phạt Raskolnikov xuất
hiện cùng với hệ tư tưởng tội ác và có trước tội ác. Hình phạt ý thức phân mảnh
xảy ra bởi trái tim vị tha phản ánh mãnh liệt với hệ tư tưởng. Sau khi giết người
hắn còn chịu những hình phạt khác: luôn phải sống lại khoảnh khắc phạm tội, thấy
mình bị tách rời khỏi nhân loại và phải chịu các cuộc đối thoại tâm lý tra tấn với
các nhân vật chung đôi hay chính là tự đối thoại với lương tâm của bản thân.
2.3.1. Hình phạt tất yếu
Hình phạt là điều tất yếu với những kẻ phạm tội dù là phạm tội trong tâm hồn hay
phạm tội gây án thì đều phải chịu điều đó như hệ quả của cuộc sống nhân quả như
đã nêu ở phần 2.1. Trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại sự công bằng, bất cứ kẻ phạm
tội nào đều không thể trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Raskolnikov tuy
phạm tội vì cho rằng mình đại diện cho chính nghĩa nhưng không thể bào chữa
rằng anh ta vô tội. Nếu Raskolnikov cho rằng mụ già cầm đồ đáng phải chết vì mụ
đại diện cho những kẻ xấu thì Lizaveta thật sự đáng thương, hiền lành, là nạn nhân
vô tội. Sự thật là Raskolnikov đã giết hai mạng người là mụ già Ivanovna và em
39
gái mụ là Lizaveta. Ban đầu Raskolnikov vẫn không có ý định đi thú tội với suy
nghĩ “thượng đẳng" loại trừ những kẻ xấu và ngay cả Napoleon cũng giết những kẻ
phản kháng để phục vụ một mục tiêu cao cả hơn. Không có án mạng nào là không
để lại dấu vết, chỉ cần có một chứng cứ mới, một phán đoán từ cảnh sát là
Raskolnikov lại lo lắng. Porfiri - thanh tra với khả năng dùng đòn tâm lý cực tốt,
ông đã đưa Raskolnikov vào cuộc đấu tranh tâm lý dữ dội đánh trúng vào điểm yếu
để Raskolnikov dần nhận ra tội lỗi của mình. Bởi bản chất con người Raskolnikov
không phải là người xấu, anh là sinh viên khoa luật đầy tiềm năng nhưng bị xã hội
đương thời dồn ép vào đường cùng khiến con người nảy sinh ra những suy nghĩ ích
kỷ, xấu xa. Cùng với đòn tâm lý của Porfiri, tình yêu thương của Dunia, Sonya và
cả cái chết của Svidrigailov đã khiến Raskolnikov ra tự thú.
Kết cục cuối cùng, Raskolnikov sau chín tháng dằn vặt, dày vò về lương tâm, đã
đến toà tự thú, đối diện với hình phạt và chịu trách nhiệm về tội ác của mình. Tuy
nhiên toà án pháp luật cũng không lạnh lùng và tàn nhẫn mà vẫn để cho con người
một cơ hội để quay đầu, để thú tội và làm lại cuộc đời. Kẻ phạm tội biết hối lỗi,
biết nhận tội thì đều được khoan hồng dù hình phạt là lẽ tất yếu nhưng đều có mức
độ tương xứng cho từng con người. Xét thấy thần kinh của Raskolnikov không ổn
định, toà tuyên án miễn tội chết cho Raskolnikov và đày Raskolnikov biệt xứ ở
Siberia tám năm khổ sai.

2.3.2. Hình phạt tâm lý tối thượng


2.3.2.1.“Sự trải nghiệm lại cảm giác khi phạm tội"
Tội ác không hề buông tha cho Raskolnikov mà nó theo đuổi anh vào cả những
giấc mơ, những cơn mê sảng, đau khổ dằn vặt. Trong những lần độc thoại với
chính mình, anh rơi vào trạng thái tự vấn về hành động của bản thân: “Tôi muốn
giết người, vì sự thỏa mãn chính mình… Vào lúc đó, tôi không quan tâm đến việc
mình sẽ dành phần đời còn lại của mình như một con nhện bắt tất cả chúng trong
40
mạng của mình và hút hết nước từ chúng”. Raskolnikov luôn mộng tưởng rằng
mình có thể thay đổi thế giới, nhưng trong thực tại, anh ta chỉ là một sinh viên
nghèo, vì sự ám ảnh tâm lý và sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống mưu sinh
mà thực hiện hành vi tội ác, trở thành kẻ giết người. Hiện thực xã hội rối loạn, bí
bách đã chèn ép cả vào giấc mơ của Raskolnikov, gây ảo ảnh cho anh ta.
Raskolnikov thấy mình là Napoleon, anh ta muốn thực thi thanh lọc thế giới giúp
đỡ mọi người. Chính điều này đã dẫn tới mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn và tính
cách nhân vật: một mặt, Raskolnikov là người tốt, có sự cảm thông, thấu hiểu với
những người lao động nghèo khổ, mặt khác, anh là kẻ sát nhân bởi những ý tưởng
cuồng loạn xuất phát từ sự tổn thương tâm lý. Kết cục cuối cùng, Raskolnikov đã
ra đầu thú, đối diện với hình phạt và chịu trách nhiệm về tội ác của mình sau khi bị
sự ám ảnh của khoảnh khắc phạm tội giằng xé trong tâm can.
Có lẽ điều tồi tệ và tra tấn nhất với một kẻ phạm tội không phải là cái chết mà là sự
trải nghiệm lại cảm giác phạm tội một lần nữa. Raskolnikov đã trải qua cảm giác
phạm tội một lần nữa trong giấc mơ của mình. Giấc mơ sau khi giết mụ già cầm đồ
- đó là giấc mơ thứ 3 của Raskolnikov. Raskolnikov mơ mình lại đến căn hộ của
mụ già cầm đồ lần nữa, anh ta nhìn thấy mụ già đang ngồi trên ghế “người gập hẳn
lại, đầu cúi gằm nên chàng không trông thấy mặt nhưng đó chính là mụ ta". Trong
mơ, Raskolnikov nhìn thấy mụ già cầm đồ và vẫn giống như ngày gây án anh ta
“rút rìu ra khỏi quai và giáng lên đỉnh sọ mụ già một nhát, rồi một nhát nữa". Vẫn
là chiếc rìu - hung khí gây án nhưng lần này chuyện lạ đã xảy ra khiến
Raskolnikov sợ hãi “lạ thay, bị mấy nhát rìu mà mụ cũng không hề nhúc nhích,
tưởng chừng như người mụ làm bằng gỗ". So với ngoài đời không có gì thay đổi
“mọi vật vẫn y nguyên như cũ: mấy chiếc ghế dựa, tấm gương, chiếc đi văng vàng
và những bức tranh đóng khung". Nhưng thời gian thì thay đổi, đêm “trăng rằm
như một quả cầu bằng đồng đỏ đồ sộ nhìn vào vào cửa sổ" và chính vì ánh trăng
nên mọi thứ quá im lặng “vầng trăng càng yên tĩnh bao nhiêu thì tim chàng càng
41
đập mạnh bấy nhiêu, đến nỗi ngực chàng đau nhói lên". Mọi thứ giống như đã chết
hay trong tâm hồn Raskolnikov đã chết. Tiếng cười xuất hiện như chế giễu, cười
nhạo chính bản thân Raskolnikov, anh ta cảm thấy chính mình đã giết mình chứ
không phải mụ già “một trận cười im lặng mà mụ cố giữ hết sức đừng vang lên
thành tiếng". Càng nghe thấy tiếng cười cùng tiếng thì thầm ở phòng bên
Raskolnikov càng hoảng loạn “hết sức giáng rìu vào đầu mụ ta" nhưng mỗi nhát
rìu giáng xuống mụ ta không chết mà chỉ thấy “tiếng cười và tiếng thì thầm ngày
một rõ thêm". Tiếng cười ấy làm cho Raskolnikov cảm thấy như mục đích, tư
tưởng muốn trở thành Napoleon của mình sụp đổ, thấy điều giết người là vô nghĩa
và càng trở nên sợ hãi, hoang mang không biết thế nào là đúng là sai.
Giấc mơ là một trong những vấn đề phân tâm học của Freud, giấc mơ đại diện cho
những ham muốn, những suy nghĩ và động lực trong trạng thái vô thức của con
người. Khi tỉnh táo, con người bị điều khiển, kìm giữ những bản năng và dục vọng.
Những suy nghĩ này không bộc lộ khi con người ở trạng thái tỉnh táo và ông cho
rằng những bản năng và dục vọng bị kìm nén sẽ len lỏi, tìm cách xuất hiện trong
giấc mơ. Raskolnikov đã ám ảnh tội lỗi cùng với hệ tư tưởng tội ác, hai mặt đấu
tranh nhau cùng những cảm xúc đã đẩy đến cao trào khiến con người gần như mê
sảng. Sự trải nghiệm cảm giác phạm tội thông qua giấc mơ có lẽ là điều kinh
khủng nhất bởi nó không chỉ là phạm tội hình thức mà còn cảm nhận lương tâm
mình phạm tội thêm lần nữa “tim chàng thắt lại".
2.3.2.2. Tòa án lương tâm - hình phạt cao nhất cho kẻ phạm tội
Hình phạt lương tâm trước hết dành cho Raskolnikov. Hình phạt tâm lý xuất hiện
từ trước khi phạm tội khi anh ta thể hiện thái độ chán ghét, vô ơn đối với những
người thân xung quanh kể cả mẹ và em gái hay người bạn thân Razumikhin.
Raskolnikov tự thấy bản thân không xứng đáng với tình yêu thương, công sức của
những người thân đã dành cho mình nhưng đôi khi lại nghi ngờ họ như đang điều
tra, gài bẫy mình.
42
Tội ác khủng khiếp nào cũng thường để lại dấu vết, chứng cứ nhưng Raskolnikov
có thể là vì may mắn và ngẫu nhiên đã thực hiện tội ác một cách nhanh chóng và
trôi chảy. Một tháng trời sau khi xảy ra vụ án Raskolnikov cũng không bị nghi ngờ
nhưng những cảm xúc lại dày vò chính bản thân anh ta. Bởi những trạng thái tâm
lý, những cảm xúc đã xuất hiện trước khi Raskolnikov gây án nên sau khi phạm tội
anh lại càng chìm trong suy nghĩ, lo sợ. Gần một tháng không ai chú ý hay nghi
ngờ đến Raskolnikov và chính khoảng thời gian này đã diễn ra toàn bộ quá trình
tâm lý của tội ác. Những vấn đề day dứt không giải quyết được trỗi dậy trong lòng
kẻ tình nghi và những cảm xúc bất ngờ giày vò trái tim Raskolnikov hàng ngày.
Cái chết nhanh chóng để kết thúc tội ác của kẻ phạm tội có lẽ vẫn là cách hạnh
phúc hơn việc bị tra tấn bởi tâm lý trong bản thân mình.
Hình phạt của ý thức phân mảnh là hình phạt cao nhất dành cho Raskolnikov. Sự
đấu tranh nội tâm, dằn vặt lương tâm đến mức khủng hoảng gần như mắc bệnh về
tâm lý sinh ra cũng bởi ý thức phân mảnh. Cái thiện và cái ác cùng tồn tại, đấu
tranh trong con người Raskolnikov, sự giằng xé giữa trái tim vị tha và lòng vị kỷ.
Raskolnikov lên kế hoạch kĩ càng cho tội ác của mình nhưng cũng sợ hãi, do dự
trước ý định đó “Hôm qua khi xuống thang gác, chính mình đã nói rằng như thế là
khốn nạn, ghê tởm, hèn hạ vô cùng… Dù có thế chăng nữa mình cũng không thể
làm được. Mình không thể chịu nổi, không sao chịu nổi". Nhưng Raskolnikov vẫn
thực hiện hành động giết người. Hành động này chỉ để khẳng định chính mình,
chứng minh rằng mình là loại thượng đẳng hay hạ đẳng theo lối suy nghĩ loài
người chia làm hai loại “Loại hạ đẳng (những người bình thường), nghĩa là, có thể
nói, vật liệu… và loài người thực sự, nghĩa là có thiên bẩm hay tài năng để nói
tiếng nói mới trong môi trường của mình… Loại thứ nhất… là những người bảo
thủ, chân chỉ theo bản chất của mình, sống trong sự phục tùng và thích chịu sự
phục tùng… Loại thứ hai, tất cả đều phạm luật, đều là những người phá bỏ… phần
lớn họ đòi hỏi một sự phá bỏ thực tại nhân danh một tương lai tốt hơn. Nhưng nếu
43
cần, cho tư tưởng của mình, dù là phải bước qua xác người, qua máu, thì tự bên
trong, theo lương tâm, có thể… cho phép mình bước qua cả máu…”. Chọn mụ già
cầm đồ để giết chỉ vì nghe người sinh viên nói tài sản của mụ đủ nuôi hàng nghìn
người nghèo nhưng lại để di chúc lại cho nhà thờ. Để khẳng định mình là ai với tư
tưởng nổi loạn chống lại xã hội nhưng mụ già chỉ là người bình thường, có chăng
là có tài sản hơn những người thường khác. Còn tổ chức chính quyền mới là thứ
cần thay đổi để xã hội được tốt đẹp hơn. Sau khi giết được mụ già cầm đồ nhưng
Raskolnikov vẫn không chứng minh được bản thân và chẳng có gì thay đổi. Tự dằn
vặt đến mức ám ảnh tâm lý rồi nhận ra mình cũng chỉ là những “sinh vật run rẩy"
mà thôi. Xét về lương tâm trong con người Raskolnikov thì rõ ràng anh là một
người lương thiện, nhân hậu và giàu lòng thương người. Điều đó đầu tiên được thể
hiện qua tình yêu của Raskolnikov đối với mẹ và em gái mình:“Dunia… anh
không thể nhận hy sinh của em, mẹ ơi, con không muốn thế!...Tôi không đời nào
chịu thế!”. Raskolnikov là người đã sẵn sàng vét những đồng xu trong túi mình
cứu người say rượu Mamelazov dẫu chỉ mới gặp có một lần với thái độ tận tình và
sốt sắn:“Đưa vào nhà thương thì lâu quá mà ở trong nhà ấy thế nào chả có thầy
thuốc! Tôi sẽ trả tiền, tôi sẽ trả! Dù sao cũng được người nhà săn sóc chữa chạy
cho ngay, chứ đi nhà thương thì có thể chết dọc đường…”. Sau khi giết mụ già
cầm đồ và có được của cải của mụ thì Raskolnikov cũng không tiêu cho mình mà
đem phân phát cho những người cần hơn và sợ cảnh sát nên đem đi chôn.Chính
những đức tính ấy ở Raskolnikov khiến cho rất nhiều người không thể nào hiểu
được tại sao anh lại có hành động giết người dã man như vậy. Cuộc sống
Raskolnikov đầy sự vị tha và vị kỷ trong con người. Raskolnikov đưa những đồng
tiền cuối cùng để giúp đỡ cho gia đình Sonya nhưng lại nghĩ rằng họ có được
Sonya còn mình thì cô độc, không có gì. Anh sống trong sự dày vò ân hận vì đã
giết người “Lạy chúa! Chỉ xin nói rõ cho con một điều: họ đã biết việc ấy chưa,
hay là chưa biết? Chắc họ biết hết rồi nhưng cứ giả vờ không biết để trêu gan
44
mình, trong khi mình còn nằm liệt giường, thế rồi đến một lúc nào đó họ sẽ ập vào
và nói rằng họ đã biết hết từ lâu nhưng cứ để thế xem sao". Hình phạt khi gây ra
tội ác theo đuổi Raskolnikov qua những giấc mơ, cơn mê sảng và sự dằn vặt đau
khổ, tự độc thoại với chính mình và luôn tự vấn lương tâm sau khi gây án “Ta là
con sâu, con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?”. Câu hỏi bộc lộ sự hoang mang,
khủng hoảng đến tột độ về tư tưởng và nhân thức của Raskolnikov.

Hình phạt của tòa án lương tâm với tình thần con người xảy ra rõ ràng nhất khi
Raskolnikov đọc thư mẹ và đoạn đối thoại của Raskolnikov với mẹ vào đêm trước
khi đi tự thú.
Ngày thường Raskolnikov luôn cáu gắt với mẹ còn người mẹ thì lại sợ con nhưng
khi lương tâm cắn rứt và tình yêu dành cho gia đình trỗi dậy cùng nỗi hổ thẹn đã
khiến Raskolnikov bộc lộ những cảm xúc thật nhất của mình với người yêu thương
mình nhất.

Raskolnikov đã bày tỏ nỗi lòng mình với mẹ. Mẹ là điểm tựa cuối cùng mà anh
cảm thấy an toàn nhất sau những ám ảnh đeo bám anh. Raskolnikov sợ rằng từ
những lời nói phiến diện sau tất cả mọi chuyện thì mẹ sẽ không thương anh nữa:
“Mẹ ơi, dù có xảy ra chuyện gì, dù mẹ có nghe nói gì về con, dù họ có nói gì với
mẹ về con, mẹ có còn thương con như bây giờ nữa không?”. Giây phút dằn vặt ấy
đã thúc đẩy thành sự sợ hãi nếu bị mẹ bỏ rơi. Raskolnikov không còn bến đỗ nào
cho tâm hồn mình ngoài tình yêu thương của mẹ. Điều đó khiến cho Raskolnikov
dằn vặt bản thân một cách dữ dội, anh thốt lên những lời như van xin sự tin tưởng
cuối cùng từ mẹ: “Dù có xảy ra chuyện gì”, “dù mẹ có nghe nói gì về con”, “dù
họ có nói gì với mẹ về con”. Những câu từ khẩn khoản ấy trong khoảnh khắc dằn
vặt đã được nâng lên thành hy vọng cuối cùng của Raskolnikov. Anh ta hy vọng

45
mình sẽ được mẹ chở che, không bị mẹ ruồng bỏ cho dù bất cứ điều gì tồi tệ đã xảy
ra.

Đáp lại người van nài của của đứa con tội nghiệp, mẹ Raskolnikov ý thức được bà
không thể làm tổn thương đứa con tội nghiệp của mình. Bà thậm chí đuổi những kẻ
đàm tiếu về con mình đi ngay lập tức. Niềm tin của bà cũng chỉ đặt vào con trai:
“Mà ai nói gì với mẹ về con. Mẹ sẽ không tin ai đâu, dù ai cũng thế…”. Bà không
cho phép bất kỳ ai làm tổn thương con trai bà, “dù ai cũng thế”, là bất kì ai cũng
không được. Sự tin tưởng của người mẹ đã trở thành nền móng vững chắc cho tâm
hồn Raskolnikov bộc lộ những vẻ yếu đuối khó thấy được của một kẻ giết người.
Chính tình mẫu tử thiêng liêng càng xoáy sâu vào tâm can Raskolnikov, làm cho
nỗi đau mà lương tâm hành hạ anh ta càng đau nhiều hơn thế.
Giữa những con người chỉ mang lại cho Raskolnikov những sự lo sợ, chỉ cần một
chút manh mối, Raskolnikov có thể nghĩ rằng họ sẽ tố cáo anh với cảnh sát, duy
nhất chỉ có mẹ đứng về phía anh. Điều này làm cho Raskolnikov cảm thấy an tâm,
kẻ giết người lúc này dường như trở thành đứa trẻ, bộc bạch lòng mình với mẹ:
“Con đến để xin mẹ tin cho rằng xưa nay bao giờ con cũng vẫn yêu mẹ và bây giờ
chỉ có mình mẹ với con thế này, con mừng lắm”. Cảm xúc của Raskolnikov không
chỉ đơn thuần là “mừng”, nó còn là niềm hạnh phúc vì đơn giản, nơi mình trao gửi
niềm tin cuối cùng, bến đỗ an toàn cuối cùng của một tâm hồn tổn thương đã bị
hủy diệt đã không bỏ rơi mình. Ít nhất, trong cảm thức bị “tách ra khỏi nhân loại”
thì trong thế giới của Raskolnikov, cho dù trước đó anh có thái độ cáu gắt với mẹ
thì mẹ vẫn luôn ở bên cạnh anh và không cho phép bất kỳ sự tổn thương nào xâm
phạm đến con trai bà. Đó cũng chính là khi sự dằn vặt lên đến đỉnh điểm,
Raskolnikov không thể buộc nó trong lòng mình được nữa.

Những suy nghĩ của anh, tình yêu thương mà anh dành cho mẹ và em gái của mình
chưa bao giờ thay đổi. Tình cảm ấy vẫn nguyên vẹn và cái xấu, cái ác không thể

46
xâm phạm được: “Con đến đây để nói thẳng với mẹ rằng, dù sau này mẹ có khổ sở
chăng nữa, nhưng con cũng xin mẹ biết rằng bây giờ con thương yêu mẹ hơn bản
thân con, và tất cả những điều mẹ và em đã nghĩ cho con”. Raskolnikov trân trọng
những điều anh được hưởng từ sự hy sinh của những người thân yêu và anh cũng
yêu thương họ hơn chính bản thân mình. Sự dằn vặt giằng xé tâm hồn Raskolnikov
dữ dội. Anh không thể kiềm chế bản thân và cũng không phủ nhận tội lỗi của mình
với mẹ và em gái: “Là con tàn nhẫn và không biết thương mẹ, thương em”. Lúc
này đây, Raskolnikov nhận thấy tội ác của anh không chỉ tàn nhẫn với hai mạng
người bị anh giết mà còn với cả chính những người yêu thương anh, hy sinh vì anh.
Diễn biến tâm lý từ sự nhận thức muộn màng này của Raskolnikov dường như
được Dostoevsky miêu tả dựa trên niềm tin của ông vào Chúa, nơi con người có
thể thanh thản tâm hồn mình ngay cả khi họ đã phạm tội.

Bà Punkheria Aleksandrovna không thể làm gì khác, chỉ còn biết lặng lẽ ôm lấy
con, siết chặt vào ngực và khóc thầm… . Điều này làm cho cõi lòng Raskolnikov
bỗng trở nên dịu lại sau cả quãng thời gian khủng khiếp mà anh đã trải qua. Đó là
cuộc sống ngột ngạt của xã hội dồn anh vào cảnh túng quẫn, sự chứng kiến những
kiếp người dưới đáy xã hội không thể tàn khốc hơn làm cho những tư tưởng về
triết lý của kẻ mạnh ảnh hưởng đến suy nghĩ của anh, hình tượng Napoleon giải
thoát thế giới,... đã dẫn đến hành vi tội ác man rợ của Raskolnikov. Anh không thể
quay đầu mà chỉ có thể trả giá, và cái giá đắt nhất mà anh phải chịu đó là sự trừng
phạt của tòa án lương tâm với những giấc mơ chèn ép, ám ảnh, sự dằn vặt giằng xé
tâm can.
Trong vòng tay của mẹ, “chàng phục xuống trước mặt mẹ, hôn chân mẹ, và hai mẹ
con ôm nhau khóc”. Tình yêu của Sonya và tình thương không hề lay chuyển của
mẹ đã khiến cho những giọt nước mắt của Raskolnikov rơi xuống. Đó cũng chính
là lúc Raskolnikov tự giải phóng bản thân mình ra khỏi nỗi dằn vặt thường trực.

47
Cảm xúc được bộc bạch, bày tỏ khi ở bên mẹ, được mẹ chở che, thấu hiểu đã xoa
dịu, làm ấm trở lại tâm hồn cô đơn của Raskolnikov. Những giọt nước mắt, cái hôn
lên chân mẹ của Raskolnikov chính là những bông hoa kiên cường nở rực khi ánh
mặt trời của tình thương chiếu vào mảnh đất tâm hồn cực đoan cằn cỗi đã lâu của
anh.
Không chỉ với Raskolnikov mà những kẻ khác cũng không thể tránh khỏi hình phạt
tối thượng này. Và Svidrigailov là một trong số đó. Ở Svidrigailov có sự ám ảnh
trong tâm hồn, phạm nhiều tội ác vì những tham vọng điên cuồng, những ham
muốn khoái lạc. KHRAPCHENKO nhận xét nhân vật Svidrigailov mang “tâm hồn
trống rỗng, không còn tin vào bất cứ điều gì. Hắn đã bước đến cái hầm tối không
có lối thoát về tinh thần” [12, 29]. Đánh mất niềm tin vào đạo đức và thẩm mỹ,
Svidrigailov cười giễu chất “Schiller” ở trong Raskolnikov, cười giễu ý niệm về
cái đẹp của Raskolnikov, cười giễu cả việc Raskolnikov cố vớt vát phần nhân đạo
từ bên trong hệ tư tưởng bạo lực. Đối với Svidrigailov, có thể trở thành kẻ mạnh để
thay đổi thế giới theo ý mình là được rồi, chẳng cần gì phải níu kéo một chút nhân
đạo.
Svidrigailov là kẻ nằm ngoài vòng thiện ác, vì lão ta “không chấp nhận một nguyên
tắc đạo lý nào” [12, 28]. Thế nhưng chính Svidrigailov, dù có đôi lần chỉ là vô
thức, hoặc lão ta thích thế, trở thành kẻ ác làm những điều thiện, kẻ ác làm những
việc nhân đạo. Ở trong đám tang của Marmeladov, Svidrigailov đã để lại một
khoản tiền cho những đứa con Katerina được ăn học để không phải đi theo con
đường của Sonya. Khoản tiền mà lão ta để lại có thể cứu sống những đứa trẻ và để
Sonya có thể đi theo Raskolnikov đến nơi đày ải. Cả khoảnh khắc lão ta quyết định
không làm cưỡng ép Dunia trong khách sạn ở Peterburg, dường như trong con
người tưởng như chỉ là ác quỷ ấy vẫn còn tồn tại đâu đó bản tính người.
Khi lão ta gặp Dunia, gặp một lối sống đường hoàng, kiên cường, dường như, tâm
lý xấu xa vốn vững chãi qua bao năm, trải bao tội ác của Svidrigailov dần nứt vỡ.
48
Lão ta bắt đầu nghĩ đến một điểm tựa, điểm tựa của tình yêu thương từ Dunia.
Hình phạt tâm lý đối với Svidrigailov bắt đầu từ lúc lão ta có ý thức về tình người,
về lòng yêu, về cái đẹp. Svidrigailov. Lão cố sức tán tỉnh Dunia, không tiếc ép
buộc, tống tình cô khi còn ở dinh thự dưới trấn, nhưng cũng là lão đã đưa ra bức
thư Dunia từ chối mình để minh oan cho cô. Trong đêm ở khách sạn, lão ta mong
muốn, cầu cứu một tình yêu ở Dunia. Nhưng cái lắc đầu từ chối của Dunia đã trở
thành lời tuyên án với Svidrigailov. Trên con đường mới chỉ lóe sáng cánh cửa trở
lại làm người của Svidrigailov, lão ta không được Dunia, không được tình yêu cứu
rỗi. Hình phạt tâm lý dành cho lão ta chính là một kẻ cả đời lăng nhục cái đẹp, đến
cuối đời vẫn muốn một tình yêu làm điểm tựa, nhưng không thể có được.
Trong đêm không có được điểm tựa là tình yêu từ Dunia, Svidrigailov đi lang
thang và chìm trong cơn mê sảng. Lão ta thấy mình đang trong trời tuyết lạnh, có
rất nhiều hoa, hoa trắng, và rất nhiều trẻ em. Lão ta nhìn thấy một cô bé mới tầm 5
tuổi co ro trong mưa tuyết, đã bế cô bé lên, mang về phòng ủ chăn ấm. Khi lão ta
mở chăn ra xem cô bé thế nào, lão kinh hoàng khi trông thấy trong cặp mắt của cô
bé 5 tuổi ấy đầy sắc dâm dục. Đến cả kẻ ưa khoái lạc như Svidrigailov cũng phải
hoảng sợ trước ánh mắt ấy, lão ta cùng chạy ra ngoài. Rồi lão ta lại mơ thấy dường
như trong một quan tài phủ đầy hoa trắng, một cô bé khoảng 12 tuổi nằm trong đó,
cô bé đó chính là cô bé hắn đã hãm hiếp và trầm mình xuống dòng sông tự vẫn.
Nếu như Raskolnikov có thể được trở về với tuổi thơ giàu tình thương, thì trong
cơn mê sảng cuối cùng của cuộc đời, Svidrigailov chỉ trông thấy những tuổi thơ vị
lão ta hủy hoại.
Hình phạt tàn khốc nhất đối với một kẻ cả đời chỉ sống cho dục vọng của bản thân
như Svidrigailov chính là để cho lão ta biết ý thức về một tình yêu, tình người,
nhưng tước đoạt đi của lão cơ hội có được nó. Khi lão đã bắt đầu mong muốn một
điểm tựa, thì không có điểm tựa ấy, lão ta cũng không còn hệ giá trị nào để sức níu
kéo lão ta sống. Và Svidrigailov đi lang thang suốt đêm đến gần sáng, dừng lại ở
49
một trạm cứu hỏa, rút khẩu súng mà Dunia để lại mà lão đã vô tình nhặt lên, đưa
lên thái dương và tự vẫn.

2.4. Sự cứu rỗi và hoàn lương


Đối với nhân vật phạm tội trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt, chủ yếu là
Raskolnikov, Dostoevsky đều tiềm ẩn những cơ hội cứu rỗi và giúp họ hoàn lương.
Hy vọng ấy, niềm tin ấy được ký thác vào tình yêu, tình người và vào lòng mộ đạo,
vào Chúa.
Ở một nhân vật đã gây tội như Raskolnikov, đối với một “con người lầm lạc về tư
tưởng và phân liệt về nhân cách như Raskolnikov cần có một điểm tựa về tinh
thần” [13, 136] để cứu rỗi chàng.
Điểm tựa ấy là một Porfiri, viên dự thẩm đại diện cho công lí, cho tình người trong
xã hội, mang theo trải nghiệm để chỉ đường, đưa ra lời khuyên cho kẻ mang tội là
Raskolnikov. Liệu phá điều tra tâm lý của Porfiri buộc Raskolnikov tự đối diện với
hệ tư tưởng của mình, nhìn thấy những mặt trái của hệ tư tưởng ấy, đồng thời đư
Raskolnikov về với lí lẽ công bằng đơn giản nhất: “nếu anh có ý định tự tử, hãy để
lại mẩu giấy ‘Tôi đã giết người’ để đừng ai phải nhận tội thay anh”. Những lời
Porfiri khuyên Raskolnikov “hãy phó thác cho cuộc sống, nó sẽ đưa anh dạt vào
bờ và nâng anh đứng dậy”, “Bây giờ thì anh chỉ cần không khí, không khí, không
khí” đã mở ra một hướng đi cho Raskolnikov, hướng đi về phía sự hoàn lương.
Bầu không khí trước hết mà Raskolnikov cần là “sự giao cảm với con người”, vì
chàng đã tự cô lập mình rất lâu rồi, đã trốn như một con rùa trong căn phòng như
cái quan tài rất lâu rồi. Bầu không khí ấy, trước hết là tình cảm với Sonya. Sonya
với tâm hồn thánh thiện và lòng hy sinh, tình yêu thương không vụ lợi, đã từng cứu
cả gia đình khỏi cảnh chết đói, giờ đây, còn “thức tỉnh lí trí u mê và đánh thức bản
tính thiện trong con người Raskolnikov, đưa tâm hồn chàng khỏi bóng tối lầm lạc”
[13, 136].
50
Điều nổi bật nhất ở Sonya là tình yêu thương và lòng vị tha đến tột cùng. Chính vì
thế, nàng không thể hiểu nổi hệ tư tưởng của Raskonikov và lí do giết người của
chàng, cũng như Raskolnikov không thể lý giải được tâm lý hy sinh của Sonya.
Raskolnikov nung nấu một hệ tư tưởng bạo lực để thay đổi thế giới, còn Sonya là
đại diện cho giải pháp tình thương. Sonya cũng là người góp phần giúp
Raskolnikov nhìn thẳng vào hệ tư tưởng của mình: “Con người mà là con rận á?”
Bằng tình thương, Sonya luôn hướng Raskolnikov ra quảng trường hòn đất để sám
hối tội lỗi. Bằng tình thương, Sonya luôn tin vào khả năng hồi sinh của
Raskolnikov. Bằng tình yêu thương, người con gái ấy dù không thể hiểu nổi hệ tư
tưởng mà Raskolnikov đang ấp ủ nhưng vẫn dang rộng vòng tay chở che chàng:
“Không, bây giờ trên đời không còn ai bất hạnh hơn anh nữa!”.Bằng tình thương,
Sonya sưởi ấm cho tâm hồn của Raskolnikov ở nơi đày ải. Chính tình yêu thương
ấy đã “cứu rỗi” cho cuộc đời Raskolnikov. Raskolnikov ban đầu ra đầu thú không
phải bởi thừa nhận sự sai lầm và lệch lạc trong tư tưởng của mình, mà bởi “thứ tình
yêu không thể lý giải nổi” với Xonia. Chính nó thôi thúc, ép buộc chàng phải bước
chân ra đường phố, hôn lấy đất mà bước đến nơi thú tội. Sonya đã bỏ hết tất cả để
theo Raskolnikov đến nơi tù ải, âm thầm chăm sóc và đồng hành cùng chàng trong
suốt những tháng ngày gian nan nhất. Tình yêu vô điều kiện ấy đã cứu rỗi phần đời
của Raskolnikov, để rồi chàng nhận ra và đáp lại được phần tình yêu ấy:
Nhân vật Sonya là hiện thân cho tình yêu vô điều kiện của Chúa. Con người mộ
đạo, luôn luôn mộ đạo của Sonya đã hồi sinh không chỉ tính người mà còn cả niềm
tin vào Chúa đã dần phai nhạt trong Raskolnikov. Raskolnikov sẽ khôi phục lại
niềm tin vào ngày phán xử cuối cùng, tất cả mọi người đều được Chúa định tội và
tha tội.
Dưới ánh sáng của tình yêu và niềm tin vào Chúa, Raskolnikov đã hồi sinh lại phần
người trong mình. Trên thảo nguyên mênh mông, Raskolnikov đã quỳ xuống ôm

51
lấy chân Sonya, Sonya bằng xương bằng thịt mà anh yêu thương, chứ không phải
một “hiện thân cho nỗi đau khổ của toàn nhân loại nữa”.
Một sự cứu rỗi thực sự trong con người của Raskolnikov, khi chàng đã hòa nhập
lại với ý thức của cộng đồng chung, đã nghĩ về một cuộc sống mới: ”Trên gương
mặt ốm yếu và xanh xao của họ ánh lên buổi bình mình của một tương lai mới lại,
một sự phục sinh hoan toàn cho cuộc sống mới.”
Tiểu kết: Dựa vào quan điểm của Triết học Mác - Lênin, báo cáo đã chỉ ra mối
quan hệ biện chứng giữa “tội ác” và “hình phạt” trong việc đối sánh với mối quan
hệ biện chứng giữa hai mặt đối lập nguyên nhân - hệ quả. Từ những vấn đề cơ bản
đặt ra trong phần giới thuyết, chương 2 đã tiến hành phân tích những hành vi phạm
tội của các nhân vật. Trong đó, báo cáo đi sâu khai thác vấn đề tâm lý tội phạm,
hoạch định động cơ phạm tội của từng nhân vật từ sự phân loại nhân cách người
phạm tội. Từ đó, báo cáo đề cập tới những hình phạt thích đáng, tương xứng với
từng tội ác của các nhân vật. Cũng giống như sự lý giải về tâm lý phạm tội, hình
phạt về tâm lý, tư tưởng là điều mà báo cáo đã nhấn mạnh và phân tích cụ thể qua
việc khai thác tác phẩm. Cuối cùng, người viết đã đề cập tới sự cứu rỗi tâm hồn
con người thông qua triết lý, quan điểm đạo đức của Dostoevsky. Nhìn từ góc nhìn
Tâm lý học tội phạm, tội ác mỗi nhân vật gắn với những nhân cách tội phạm khác
nhau, động cơ gây ra tội ác cũng khác nhau. Nó có thể là sự bắt buộc, cố tình hay
vô tình, ngay cả sự sám hối cũng tồn tại đan xen trong những khoảnh khắc phạm
tội, điều đó được tác giả thể hiện xuyên suốt tác phẩm. Ta không khó để nhận thấy
quan điểm của Phân tâm học trong phần giới thuyết gắn liền với Dostoevsky, giúp
ông lý giải về cội nguồn của hành vi, về mâu thuẫn, xung đột trong cái bản năng và
cái xã hội của các nhân vật dẫn đến những hành động tội ác của họ. Những tác
động từ hoàn cảnh khách quan và từ bản thân nhân vật, quá trình suy thoái nhân
cách cùng những quan điểm được đề cập của Tâm lý học cũng đã góp phần làm
sáng tỏ hành vi phạm tội trong tác phẩm.
52
Chương 3: Phương thức thể hiện Tâm lý học tội phạm trong Tội ác và hình
phạt
Những khía cạnh của tâm lý nhân vật, ở đây là tâm lý của những người gây tội,
được khắc họa rất sâu thông qua hình thức nghệ thuật của một tiểu thuyết văn học.
Báo cáo tập trung vào hai yếu tố hình thức chính, là mô hình tiểu thuyết đa thanh
và sự phá vỡ motif tiểu thuyết trinh thám.
3.1. Mô hình tiểu thuyết đa thanh
Hầu hết các tác phẩm của Dostoevsky, từ truyện ngắn, truyện vừa đến tiểu thuyết
cỡ lớn đều tuân theo mô hình “tiểu thuyết đa thanh” mà chính từ Dostoevsky đã
hình thành ý niệm. Đặc điểm “đa thanh” biểu hiện rất đậm đặc trong “Tội ác và
hình phạt”, thông qua nghệ thuật xây dựng nhân vật chung đôi và nhân vật mang tư
tưởng, kết cấu không gian và thời gian, cùng cảm quan carnaval đậm nét.
3.1.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Dostoevsky đưa lên trang sách những minh chứng cho sự phức tạp khôn cùng của
tâm lý con người, nhất là tâm lý của một tên tội phạm, một người gây tội. Quá
trình tâm lí của con người từ khi nhen nhúm ý thức tội lỗi, gây tội và trả giá, cùng
với động cơ phạm tội của họ, Dostoevsky không nói ra, mà là để cho nhân vật tự
phát biểu, bằng ngôn ngữ hoặc hành động. Bakhtin coi đó là một đặc điểm của tiểu
thuyết đa thanh: “Nhiều tiếng nói và ý thức độc lập không hòa nhập làm một, một
sự đa thanh thực thụ của các tiếng nói có trọng lượng” [3, 13]. Từ Raskolnikov,
Sonya, Dunia, Marmeladov đến Luzhin, Svidrigailov, hay cả người mẹ của
Raskolnikov xuất hiện trong lá thư gửi con trai cũng đều là loại nhân vật mà lời
của họ “cũng đầy sức nặng giống như lời của tác giả” [3, 13]. Nguyễn Kim Đính
cũng nhận xét rằng, những nhân vật trong sáng tác của Dostoevsky nói chung đều
“là những con người trải qua quá trình tự phân tích, tự ‘mổ xe’ tâm địa mình, tự
nhận thức nhiều lúc chua chát, đau đớn, cay đắng. Và tiếng nói tự phân tích, tự
53
nhận thức đó phải tự phơi bày ra với những sắc thái khác nhau, những rối rắm,
phức tạp của chính nó, phải tự vang lên từ những trang sách, trực tiếp đến với
người đọc.” Và nhờ thế, mỗi “tội phạm” đều xuất hiện như một cá nhân độc lập,
sống động, có động cơ riêng, trạng thái tâm lý riêng để dẫn đến hành vi phạm tội.
Chẳng ai nói hộ Raskolnikov vì sao lại tạo dựng lên được một hệ tư tưởng như thế,
chẳng ai nói hộ Raskolnikov làm cách nào để mưu sát mụ Aliona, cũng không ai
chỉ hộ những biến chuyển trong tâm lý của chàng từ lúc bắt đầu hình thành ý định
đến lúc thực hiện, đến cả sau khi phải trả giá cho tội nghiệt của mình. Dostoevsky
không nói. Là người đọc lần ra từ trong những hành động của nhân vật, qua những
đoạn độc thoại nội tâm của Raskolnikov. Raskolnikov tự “mổ xẻ” chính tâm trạng
mâu thuẫn của bản thân: “Ta đang mưu đồ một việc như vậy, mà đồng thời lại sợ
những chuyện nhảm ấy ư?”
Hay ở nhân vật Marmeladov, cũng tự ông ý thức cảnh ngộ “khốn cùng” của bản
thân, tự ý thức về tội lỗi của mình, tự ý thức về nỗi khổ của gia đình, tự ý thức về
sự hy sinh cao cả của Sonya.
Việc tự ý thức ấy là biểu hiện cho loại nhân vật chủ đạo trong sáng tác của
Dostoevsky, mà Bakhtin gọi đó là nhân vật “đang ý thức” [3, 39], tự ý thức về
mình, và tự ý thức về mình và về thế giới của mình. Đó là kiểu nhân vật mang tư
tưởng, hay nhân vật tư tưởng. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa nhân vật tư
tưởng là “loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong
đời sống tinh thần của xã hội” [9, 233]. Như Raskolnikov điển hình cho nhân vật
mang tư tưởng, và “hành động theo tư tưởng rối loạn vô chính phủ chống lại tình
trạng con người bị chà đạp, bỏ rơi, không lối thoát” [9, 233].
Mỗi nhân vật trong Tội ác và hình phạt đại diện cho một tư tưởng sống khác nhau,
mang tam quan khác nhau. Có thể trong Raskolnikov, trong Svidrigailov, trong
Luzhin cũng có một phần lối tư duy theo hệ tư tưởng về kẻ mạnh, nhưng mỗi
người lại đi đến một điểm không giống nhau. Ngay cả viên dự thẩm Porfiri cũng
54
nhận ra mình từng nghĩ đến tư tưởng ấy, nhưng rồi ông không chấp nhận được sự
tồn tại của nó trong thế giới này. Chính tư tưởng đã là một động cơ thúc đẩy hành
vi phạm tội ở các nhân vật gây tội ấy, và vì tư tưởng không giống nhau nên hình
thái của hành vi phạm tội ở các nhân vật cũng khác nhau.
Môi trường sống, hoàn cảnh cụ thể, đặc trưng nghề nghiệp, vùng tiếp xúc xã hội…
tạo nên ở những nhân vật tội phạm động cơ và hành vi phạm tội không giống nhau.
Thêm vào đó, quá trình tâm lý của con người khi tiến hành tội ác rất phức tạp,
thường xuyên rơi vào trạng thái của những dằn vặt, mâu thuẫn. Đặc điểm này được
thể hiện trong tiểu thuyết thông qua hệ thống nhân vật chung đôi(hay nhân vật
song trùng) cùng soi chiếu vào nhân vật trung tâm. Đó có thể là sự song trùng ở
một cá nhân, khi trong nhân vật đó có nhiều tiếng nói, nhiều luồng tư duy cùng
vang lên, đấu tranh với nhau, bộc lộ ra hai mặt tốt và xấu của nhân vật. Đó cũng có
thể là các cặp đôi, nhóm những nhân vật chung đôi, mà nhìn vào những kẻ chung
đôi này, chủ thể như đang nhìn thấy một cái tôi khác đối thoại lại với cái tôi đang
ngự trị.
Tạo ra những nhân vật chung đôi với nhân vật chính Raskolnikov, Dostoevsky
giúp chính nhân vật tự nhận thức về bản thân. Soi chiếu vào các nhân vật chung
đôi, hoàn cảnh sống, động cơ phạm tội, tâm lý kẻ gây tội của Raskolnikov được ý
giải toàn diện hơn.
Trong hệ thống nhân vật chung đôi với Raskolnikov, có nhân vật chung đôi bóng
tối, như Svidrigailov hay Luzhin. Họ soi chiếu cho hệ tư tưởng là nền tảng cho
động cơ giết người của Raskolnikov. Luzhin chung với Raskolnikov ở cái tôi cá
nhân vị kỷ, “yêu thương lấy một mình mình”, muốn được làm ân nhân để người
khác phải mang ơn mình. Luzhin chỉ chung đôi với tư tưởng của Raskolnikov bởi
anh ta chỉ muốn thỏa mãn lòng vụ lợi chứ chưa gây ra tội ác nào, nhưng Luzhin lại
thực hành được trọn vẹn hệ tư tưởng kẻ mạnh, chà đạp lên người khác mà không
hề áy náy. Svidrigailov lại là nhân vật chung đôi khủng khiếp nhất của
55
Raskolnikov, một kẻ đi xa hơn cả Raskolnikov và Luzhin, khi nắm rõ hệ tư tưởng
của Raskolnikov, khi liên tiếp gây ra tội ác mà lại chẳng hề áy náy, còn có thể cười
nhạo lên lương tâm đang giãy dụa của chàng.
Cũng có những nhân vật chung đôi ánh sáng với Raskolnikov, như Sonya và
Porfiri. Họ đại diện cho lương tâm và tình thương trong sâu thẳm con người đã gây
tội ác là Raskolnikov, đại diện cho lòng hướng thiện và hướng về Chúa của con
người đang đi lầm đường. Tình yêu thương vô điều kiện của Sonya giúp hồi sinh
Raskolnikov từ trong vũng lầy của hệ tư tưởng kẻ mạnh bạo lực. Viên dự thẩm
Porfiri lại là người không những nắm rõ mà còn có thể phân tích cặn kẽ hệ tư
tưởng của Raskolnikov. Nhân vật này đại diện cho công lý, cho một loại năng lực
nghiệp vụ có thể đào sâu vào động cơ phạm tội, định hướng cho những kẻ phạm tội
quay đầu.
Dostoevsky chỉ ra những phức tạp trong chiều sâu ý thức của con người, nhất là ở
những kẻ phạm tội. Soi chiếu vào nhân vật chung đôi để nhìn ra quá trình tâm lý
của Raskolnikov từng bước đi đến tội ác và sau tội ác, để lý giải cho việc
Raskolnikov rõ ràng “có những mặt gần gũi, gắn bó, đồng cảnh, đồng tình với
những Marmeladoz, Sonya, Lizaveta…”, nhưng Raskolnikov lại “nhận ra ở
Luzhin, Svidrigailov những nét tư tưởng, tâm lí của mình, đang chi phối tâm trí
mình ghê gớm” [13, 373]

3.1.2. Kết cấu không gian, thời gian


3.1.2.1. Kết cấu không gian
Bakhtin nhận định, Dostoyevsky thường “nhìn thấy và suy ngẫm về thế giới của
mình chủ yếu là trong không gian, chứ không phải trong thời gian” [3, 27]. Không
gian được nhấn mạnh, trở đi trở lại trong việc tạo dựng sự kiện, đồng thời mang
đầy tính biểu tượng.

56
Không gian bao trùm lên các nhân vật là thành phố Peterburg - một Peterburg đầy
đủ giai cấp, tầng lớp; đầy đủ các hạng người, “thợ may, thợ nguội, thợ nấu bếp, đủ
loại người Đức, gái không chồng, viên chức nhỏ…”, chen chúc nhau ở khu vực
trung tâm thành phố, tạo nên những mảng tương phản kỳ lạ. Ở Peterburg có người
tốt, kẻ xấu; có những thân phận giãy dụa trong bi kịch cuộc sống khốn cùng, cũng
có những con người giàu có, quyền thế; có những kẻ hút cạn máu người khác để
giàu lên, cũng có những tấm lòng thương yêu vô điều kiện. Tội ác của nhân vật
chính Raskolnikov diễn ra ở Peterburg, được thúc đẩy rất nhiều từ môi trường sống
ngột ngạt xung quanh, của “bầu không khí nghẹt thở”, vì “những biểu hiện cao
đẹp của nhân tính yêu chuộng tự do đều bị tiêu diệt” với hiện thực xã hội tư bản
(theo Grossman); nhưng cũng chính ở Peterburg, Raskolnikov được nhận tình yêu
thương, sự cứu rỗi từ những con người khác.
Tất cả các nhân vật trọng yếu của Tội ác và hình phạt đều sẽ tề tựu lại ở Peterburg,
tạo nên một mạng lưới liên hệ vô hình. Luzhin đến Peterburg trước hai mẹ con
Dunia, ở cùng ông Lebeziatnilov - kẻ đã đánh Katerina Ivanovna. Svidrigailov sau
khi đầu độc vợ cũng đi đến Peterburg, thuê căn phòng cạnh phòng của Sonia. Dồn
tất cả vào trong một không gian, thậm chí là trong một thời gian, để cả dòng ý thức
va đập vào nhau, thúc đẩy sự phát triển của một ý thức trung tâm, đào sâu từng
khía cạnh trong tâm lý của nhân vật Raskolnikov khi đối diện với các nhân vật
chung đôi. Đây là đặc trưng của thủ pháp “đại hội nhân vật” trong nghệ thuật sân
khấu mà Dostoevsky mang vào trong tiểu thuyết.
Cảm quan carnaval tạo ra những điểm ngưỡng, ở trong hoặc ở ngoài nhân vật,
buộc nhân vật phải chọn lựa và vượt qua. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế
giới, “ngưỡng” là sự “chuyển qua lại giữa cái bên ngoài (cái phàm tục) và cái bên
trong (cái thiêng liêng), tượng trưng “vừa cho sự tách biệt, vừa cho khả năng của
một sự liên kết, một sự hòa hợp, một sự giải tỏa”. Ở những điểm ngưỡng ấy, con
người ta như phân thân, “phân tách đến mức phân đôi trực tiếp nhân cách”, ở
57
Raskolnikov, là nhân cách của kẻ phạm tội và nhân cách của một con người giàu
tình yêu thương, va đập vào nhau, gây ra một trạng thái khủng hoảng, dằn vặt, đau
khổ, như một “cơn bệnh” không thể nào che giấu được.
Đó là điểm ngưỡng, những không gian “điểm” nơi “xảy ra con khủng hoảng, sự
thay đổi triệt để bước ngoặt của số phận, nơi người ta phải quyết định, nơi người
ta phải bước qua những giới hạn cấm, nơi người ta đổi mới hay là chết” [3, 157].
Rất nhiều lần hình ảnh cầu thang xuất hiện trong Tội ác và hình phạt, mỗi lần
Raskolnikov đi lên, đi xuống cầu thang là một lần tâm lý của nhân vật thay đổi.
Không gian hẹp (căn phòng như cái quan tài, cái tủ) minh chứng cho tâm hồn
muốn xa lánh thế giới của Raskolnikov, nhưng trong vô thức khi bước ra không
gian rộng lớn như đại lộ, quảng trường, Raskolnikov vẫn muốn được hòa nhập
cùng đám đông.
Tâm lý của nhân cách tội phạm trong Raskolnikov từ khi hình thành ý định tội ác
đến lúc thực hiện nó, cả khi đã phải trả giá cho nó, đều được đặt trên những điểm
ngưỡng, mà con người sẽ phải vật lộn giữa “con người bản năng và con người ý
thức”, và “lựa chọn giữa bước qua hay dừng lại là giữa tội ác hay lương thiện.
Vượt ngưỡng chính là vượt qua chính mình - có thể là vượt qua để đến với Chúa,
hoặc do sự lôi kéo của quỷ” [16, 43].
Trong không gian rộng lớn của Peterburg với “những mẫu người lắm hình lắm vẻ
đến nỗi khó có thể ngạc nhiên khi gặp một bóng dáng quá kỳ quặc”, Bakhtin nhận
ra “cảm giác carnaval về các thành phố lớn” của Dostoevsky. Nơi thành phố đông
đúc diễn ra rất nhiều những cảnh tượng kỳ quái: Raskolnikov đến sở cảnh sát với
tâm trạng lo âu vì sợ có người đã tố giác tội giết người của chàng ta, nhưng hóa ra
người ta cho đòi chàng vì thiếu nợ tiền nhà, cuộc đối thoại của Raskolnikov trong
sở cảnh sát với viên phó quận trưởng như một tràng cười nhạt bóc dần cái nhìn của
nhân dân với chính quyền. Trong đám tang của Marmelazov được Katerina tổ chức
linh đình, chỉ thấy đầy “không khí nhốn nháo, náo loạn, ầm ỹ được tạo nên bởi
58
những người còn sống” (theo Đỗ Thị Hường trong bài viết Giải mã không gian
trong Tội ác và hình phạt của Dostoevsky)
Ở Peterburg như một “cõi chiêm bao lạ lùng huyền ảo, như cái gì đứng giữa thực
tại và sự hư cấu huyễn hoặc” [3, 145], cảm giác trên sông Neva là “một ảo ảnh”
ấy, con người ta được nâng lên, được tấn phong, dù chỉ là trong ảo tưởng của anh
ta, rồi sẽ bị hạ bệ ngay lập tức. Raskolnikov tự nâng mình lên cao hơn hết thảy với
hệ tư tưởng kẻ mạnh, nhưng trái tim vị tha nguyên bản đã lập tức hạ bệ nhân vật
xuống. Chính cái hệ tư tưởng trao cho anh ta quyền năng trong tưởng tượng, nhưng
lại tiêu diệt phần nhân tính của Raskolnikov, hạ bệ anh ta trong cuộc sống người.
Raskolnikov tưởng mình sẽ trở thành kẻ mạnh, nhưng thực ra chỉ là sa lầy trong tội
ác. Carnaval hóa cho phép Dostoevsky “nhìn thấy và miêu tả trong tính cách và
ứng xử của con người mà trong điều kiện của tiến trình cuộc sống bình thường
không thể bộc lộ ra” [3, 148]. Động cơ giết người từ một hệ tư tưởng sai lầm ở
Raskolnikov nhờ cảm quan carnaval mà hiện lên rõ nét, logic.

3.1.2.2. Kết cấu thời gian

Một nét đặc trưng của tự sự Dostoevsky là cái nhìn “cùng tồn tại và tác động qua
lại”. Bakhtin phân tích, Dostoyevsky cảm nhận hiện thực trong cùng một thời gian,
lý giải thế giới bằng việc “suy nghĩ tất cả các nội dung của nó như là những cái
đồng thời và phỏng đoán mối quan hệ của chúng trong mặt cắt của một thời
điểm”, để “tất cả bên cạnh nhau và đồng thời” như là “những cái cùng tồn tại”.
Dostoevsky co hẹp thời gian, “hành động của tiểu thuyết diễn ra trong một khoảng
thời gian ngắn ngủi vẹn vẹn mười bốn ngày”, dù những tính toán đã được chuẩn bị
từ rất lâu trước đó. Nhịp điệu của hành động tiểu thuyết cũng “mang tính kịch căng
thẳng” [13, 369]

59
Ông tạo ra những cốt truyện song song, những tuyến nhân vật song trùng. Những
tội ác giống như đồng thời diễn ra, khi Raskolnikov giết mụ Aliona ở Peterburg, thì
ở thị trấn tỉnh lẻ, Svidrigailov cùng đầu độc người vợ. Trong cùng thời điểm cơn
mê sảng giấu đồ của Raskolnikov là giấc mộng gặp lại vợ của Svidrigailov. Trong
đêm Svidrigailov lang thang giữa cơn mê man về quá khứ sau khi bị Dunia từ chối
ở Peterburg, Raskolnikov cũng lang thang trên đường với ý định tự vẫn… Những
tuyến cốt truyện song song, đồng thời diễn ra, bi kịch của gia đình Marmeladov và
Sonya, chuyện của Dunia và những kẻ cầu hôn, soi chiếu vào tuyến truyện trung
tâm là Raskolnikov và cuộc thử nghiệm hệ tư tưởng kẻ mạnh. Các nhân vật của ba
tuyến cốt truyện ấy, một lần duy nhất chung đụng là trong đám tang của
Marmeladov, va đập vào nhau, xoáy sâu vào quá trình tâm lý của nhân vật chính
lúc này đã là tên tội phạm.

3.2. Phá vỡ motif truyện trinh thám


3.2.1. Tưởng như Tội ác và hình phạt được xây dựng như một câu chuyện trinh
thám, xây dựng trên một “cốt truyện hình sự”, có vụ án, hiện trường, hung khí, tội
phạm, nạn nhân, điều tra viên đồng thời là thám tử, có động cơ phạm tội, có đủ sự
kịch tính trong miêu tả hành vi phạm tội và quá trình truy tìm hung thủ; tuy nhiên,
Dostoevsky lại phá vỡ đi đặc trưng của tiểu loại tiểu thuyết trinh thám này.
Từ điển thuật ngữ văn học chỉ ra hai đặc điểm chính của tiểu thuyết trinh thám: thứ
nhất, “nhân vật chính có thể là thám tử, là mật thám, hay điều tra viên… nhưng
đều có nghề nghiệp chung là dò la, điều tra, khám phá cái bí mật còn nằm trong
bóng tối”; thứ hai, nó là “truyện vụ án, truyện viết về tội phạm”; thứ ba, về cách
thức xây dựng cốt truyện, nó “phải giữ kín đến cùng những bí mật của tội phạm để
tạo nên sự hấp dẫn, khiến người đọc luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng” [9,
341]

60
Trong ba đặc điểm trên, ngoại trừ đặc điểm thứ hai, thì Tội ác và hình phạt vi
phạm cả hai điều còn lại.
Nhân vật chính của Tội ác và hình phạt không phải kẻ đi điều tra, mà là kẻ gây tội.
Nhân vật điều tra trong Tội ác và hình phạt (chủ yếu là viên dự thẩm Porfiri) chỉ
giúp mở ra những góc sâu hơn trong tâm lý kẻ phạm tội, lý giải cặn kẽ động cơ
phạm tội của Raskolnikov.
Quan trọng hơn cả, là Tội ác và hình phạt đã phá vỡ tính giấu kín đến cuối cùng ở
các tiểu thuyết trinh thám. Đúng là Tội ác và hình phạt xoay quanh một vụ án
mạng giết người, song hứng thú của người đọc không nằm ở câu hỏi “ai là thủ
phạm giết người” hay “giết như thế nào”, vì đơn giản là Dostoevsky đã chỉ rõ ở
trong phần I của tiểu thuyết gồm sáu phần này, thủ phạm là Raskolnikov, anh ta
giết hai mạng người ở nhà của nạn nhân bằng rìu. Vấn đề trọng tâm của tiểu thuyết
Tội ác và hình phạt là truy tìm động cơ phạm tội: “Kẻ phạm tội thuộc hạng người
nào? Cái gì đã đẩy con người ấy đến với tội ác”. Do đó, “không ai gọi Tội ác và
hình phạt là tiểu thuyết trinh thám” [9, 342]. Đặc điểm của truyện trinh thám chỉ
xuất hiện trong Tội ác và hình phạt“như những motif cốt truyện và những nhân vật
phụ” [9, 341].

3.2.2. Đỗ Hải Phong trong Giáo trình văn học Nga cho rằng, ở Tội ác và hình phạt,
“cốt truyện hình sự ở trên bề mặt phản ánh ‘cốt truyện thử nghiệm tư tưởng ở
chiều sâu của tác phẩm” [15, 71]. Tức là, cũng có thể coi Tội ác và hình phạt như
một tiểu thuyết tâm lý, lấy nhân vật tội phạm của tiểu thuyết trinh thám làm đối
tượng miêu tả tâm lý. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa tiểu thuyết tâm lý là
loại tiểu thuyết “miêu tả các trạng thái tâm lí, xây dựng thế giới nội tâm của con
người, đặc biệt nhấn mạnh tới động cơ, hoàn cảnh và cốt truyện nội tại” [9, 339].
Đúng là Tội ác và hình phạt xoay quanh tâm lý của kẻ gây tội Raskolnikov, diễn
biến tâm trạng của anh ta trước, trong và sau khi phạm tội. Giống như mọi tiểu
61
thuyết tâm lý khác vì “bất mãn với việc miêu tả sự việc bên ngoài”, Tội ác và hình
phạt cũng “đi sâu khám phá nguyên nhân bên trong” [9, 340]. Xuyên suốt tác
phẩm là quá trình đào sâu tâm lý để tìm ra động cơ phạm tội của Raskolnikov.
Điểm đặc biệt trong tiểu thuyết tâm lý của Dostoevsky là theo khái quát Từ điển
thuật ngữ văn học thì ở Tội ác và hình phạt lại không thấy rõ “tính cách cá nhân”
vốn được coi là quan trọng nhất trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của tiểu thuyết
tâm lý. Ở Tội ác và hình phạt, điều nổi lên trên hết thảy không phải nhân vật tính
cách mà là những nhân vật mang tư tưởng. Hệ tư tưởng về kẻ mạnh chi phối suy
nghĩ, hành động của nhân vật Raskolnikov. Đó không phải là tư tưởng của tác
phẩm Tội ác và hình phạt, không phải là tư tưởng của Dostoevsky, nó là tư tưởng
của một nhân vật trong tác phẩm văn học. Tội ác và hình phạt không phải tập trung
vào tư tưởng (mà tập trung vào con người mang tư tưởng), vậy nên có thể gọi Tội
ác và hình phạt là tiểu thuyết tư tưởng hay không là một vấn đề cần xem xét kỹ
hơn. Nhưng Tội ác và hình phạt cũng không đơn thuần chỉ là một cuốn tiểu thuyết
tâm lý đào sâu diễn biến tâm trạng của một cá nhân. Chỉ có thể khẳng định rằng,
dấu ấn của tư tưởng rất đậm nét trong nhân vật của Tội ác và hình phạt, có khi còn
vượt trội hơn đặc điểm tính cách, nhất là ở nhân vật trung tâm Raskolnikov.
Tiểu kết: Những khía cạnh về tâm lý học tội phạm trong tác phẩm có những
phương thức để làm nổi bật lên vị trí của nó. Chương 3 là thao tác “đổ nền” cuối
cùng cho bức tranh tâm lý học tội phạm trong Tội ác và hình phạt, đồng thời cũng
là tấm áo cuối cùng để chúng tôi hoàn thiện công trình nghiên cứu. Chúng tôi đề
cập và làm sáng tỏ nét vẽ tiêu biểu nhất của Dostoevsky đó là mô hình tiểu thuyết
đa thanh với nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật xuất sắc, đặc biệt là tâm
lý tội phạm và cách lựa chọn, tổ chức, sắp xếp không gian, thời gian nghệ thuật của
nhà văn. Đây chính là trụ cột quan trọng tạo nên bố cục hoàn chỉnh cho bức tranh
tâm lý học tội phạm. Cùng với đó là sự sáng tạo của Dostoevsky bằng việc phá vỡ
cốt truyện trinh thám. Là một bậc thầy về tiểu thuyết tâm lý, dưới góc nhìn tâm lý
62
học tội phạm, Dostoevsky đã mượn một cốt truyện hình sự trên tầng bề mặt để
phản ánh cốt truyện tư tưởng ở bề sâu ý nghĩa. Báo cáo đã tiến hành phân tích
những phương thức biểu hiện ấy của tâm lý học tội phạm, làm sáng rõ hơn tác
phẩm thông qua góc nhìn về tâm lý học tội phạm.

C. KẾT LUẬN
Báo cáo đã đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu ở đề tài. Đó là những biểu hiện của
tâm lý học tội phạm trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt. Báo cáo không đề cập
đến tất cả các vấn đề mà tâm lý học tội phạm bao quát mà chỉ nhấn mạnh trọng tâm
vào các yếu tố có biểu hiện trực tiếp trong tác phẩm (các khái niệm, vị trí, vai trò
của tâm lý học tội phạm, nhân cách người phạm tội, các quan điểm chi phối). Đề
cập những yếu tố đó làm cơ sở cho việc nghiên cứu, báo cáo đã gắn liền chúng với
tác phẩm để phân tích, chứng minh, không phân tách làm tăng thêm tính thiết thực
của báo cáo.

Tội ác là không thể dung thứ, nó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và không thể cân
đo đong đếm một cách cụ thể. Từ tội ác, người viết phổ quát những vấn đề nhức
nhối mà nhà văn đặt ra có tác động trực tiếp tới hành vi phạm tội và tâm lý “không
nguyên vẹn” của kẻ phạm tội. Đó là sự lên ngôi của xã hội đồng tiền và sự vi phạm
những chuẩn mực đạo đức.

Sự ràng buộc về mặc cảm trong tâm lý đã hình thành nên tư tưởng về kẻ mạnh
trong tiềm thức cá nhân. Việc hiểu sai tư tưởng và những triết lý tốt đẹp đó bằng
cách phóng đại nó, gán tư tưởng ấy với vai trò thực thi của hình tượng Napoleon
trong sự sùng bái của bản thân để giải thoát những con người nhỏ bé không thể đấu
tranh đã vô hình chung trở thành “con dao hai lưỡi”, đưa nhân vật vào thế thực
hiện hành vi phạm tội.Tất cả những gì mà con người sống trong xã hội Nga lúc này
muốn là kiếm tiền, họ phải dành được đồng tiền bằng mọi giá để thoát khỏi nghèo

63
đói, bệnh tật. Dường như đồng tiền có một sức mạnh vô hình chi phối mọi hành
động của họ. Nó chính là nguyên nhân sâu xa gây ra tội ác và sự thối nát đạo đức
của các tầng lớp trong xã hội Nga lúc bấy giờ.

Không chỉ hiện thực xã hội Nga bị Dostoevsky phản ánh gay gắt trước sự chi phối
mãnh liệt của thế lực đồng tiền mà sự vi phạm lý tưởng đạo đức cũng là một cách
lý giải những tội ác ấy. Đạo đức xã hội thể hiện ở phương diện: nghĩa vụ, lương
tâm, hai thái cực “thiện” và “ác” tồn tại trong một con người. Xét trên hiện thực
mà Dostoevsky xây dựng trong Tội ác và hình phạt thì những vấn đề về đạo đức
trong xã hội đương thời đã bị biến đổi. Sự vi phạm những chuẩn mực đạo đức là
một gam màu của “tội ác” bên cạnh thực trạng lên ngôi của xã hội đồng tiền. Dưới
ngòi bút của Dostoevsky, Sonya và Dunia là hai nhân vật nữ như những viên ngọc
quý. Dù có bị đánh rơi một lần, song, những viên ngọc ấy vẫn hoàn thiện thành
công vai trò tỏa sáng của mình. Họ đại diện cho những phẩm chất đạo đức tốt đẹp,
đức hy sinh, sự cương trực, cứu rỗi hay đức hạnh tuyệt đẹp… Chính họ là những
hiện thân không thể hoàn hảo hơn của lý tưởng đạo đức con người. Bên cạnh đó,
Dostoevsky vẫn phác họa chân dung của những kẻ trái ngược hoàn toàn. Từ đó,
ông đã nêu lên những tuyên ngôn về đạo đức của mình. Với hai nhân vật
Raskolnikov và Svidrigailov, Dostoevsky đã kêu gọi con người xây dựng một lý
tưởng đạo đức cao đẹp. Ông đã khẳng định điều đó bằng việc sống có đức tin, có
niềm tin mãnh liệt vào chúa, nó gắn liền với sự cứu rỗi tâm hồn con người. Đồng
thời, họ cần phải biết tránh xa những cái xấu, kìm hãm bản thân trước những dục
vọng, cám dỗ để bảo vệ, giữ gìn cái thiên lương của mình. Xứng danh là một trong
những tiểu thuyết lớn làm nên tên tuổi cho Dostoevsky, Tội ác và hình phạt không
chỉ thể hiện gói gọn ở những chủ đề mà vốn dĩ tên gọi của nó đã có ở tầng ý nghĩa
bề mặt.

64
Những hình phạt mà Dostoevsky đề cập đến là những hình phạt thật sự thích đáng
cho kẻ phạm tội. Đặc biệt, hình phạt về tâm lý qua sự trải nghiệm lại cảm giác khi
phạm tội từ những giấc mơ đeo bám con người và sự dằn vặt lương tâm sau tội ác
quả thật không thể phủ nhận sự khủng khiếp của nó. Tội ác và hình phạt xứng đáng
với cái tên và tầm ảnh hưởng của nó. Nhân vật Raskolnikov là sự hiện thân cho
việc trả giá sau những hành động phạm tội. Anh ta phải gánh chịu cả hình phạt về
thể xác và tinh thần. Đỉnh điểm của sự đau khổ khi phải trả giá không chỉ là gây ra
sự tàn nhẫn làm tổn thương những con người vô tội mà còn với chính những người
thân yêu của mình. Đó là sự đau khổ tột cùng nhất, vượt lên trên tất cả mọi sự dằn
vặt của lương tâm con người.
Báo cáo cũng đã tiến hành lựa chọn và phân tích những nét nghệ thuật đặc sắc của
bức tranh tâm lý học tội phạm trong Tội ác và hình phạt. Nó không chỉ đơn thuần
là sự cấu tạo lên một tác phẩm tự sự vĩ đại mà còn là chất liệu tạo ra những vấn đề
có thể nghiên cứu chuyên sâu. Ở đây, chúng tôi đã lựa chọn mô hình tiểu thuyết đa
thanh, trọng tâm và nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật - một lát cắt không
thể thiếu của một đề tài khoa học nghiên cứu từ góc độ tâm lý và sự tổ chức, bố trí
không gian, thời gian nghệ thuật của nhà văn. Điều đó chứng tỏ, Dostoevsky không
chỉ là một nhà văn tài năng trong văn học mà còn là một con người có cái nhìn đầy
tinh tế. Đồng thời, Dostoevsky đã rất xuất sắc khi sử dụng cốt truyện hình sự ở bề
mặt, tạo ra câu chuyện trinh thám ở chính cốt truyện ấy để phản ánh một cách sâu
sắc cốt truyện tư tưởng ở bề sâu tác phẩm. Những người nghiên cứu đã chứng
minh những phương thức ấy, làm rõ những biểu hiện của tâm lý học tội phạm
trong tiểu thuyết vĩ đại của Dostoevsky.
Dostoevsky là bậc thầy nghệ thuật miêu tả tâm lý con người khủng hoảng, con
người ở “ngưỡng giới hạn”, trong những trạng thái tâm lý gần với bệnh lý, khi tiềm
thức trỗi dậy bất ngờ, ranh giới giữa ý thức và vô thức trở nên mong manh, khó xác
định. Thủ pháp giấc mơ, cơn mê sảng thường được Dostoevsky khai thác một cách
65
hữu hiệu để phục vụ mục đích khắc họa những trạng thái tâm lý này. Tác giả đã
khám phá ra những góc tối trong tâm hồn con người mà ít ai chạm được đến qua
tác phẩm Tội ác và hình phạt . Tác phẩm là lời tố cáo xã hội Nga thế kỷ XIX coi
đồng tiền hơn tất cả nhân tính con người, chà đạp lên nhân phẩm và đạo đức. Đồng
thời Dostoevsky cũng ca ngợi tình yêu thương giữa những con người nghèo khó
với nhau, xoa dịu tâm hồn và tình yêu sẽ giúp con người trở nên lương thiện. Thế
giới vốn mâu thuẫn, sự hài hoà cân bằng là điều khó có thể xảy ra nhưng tác phẩm
của Dostoevsky vẫn hướng con người đấu tranh để vươn tới một xã hội tốt hơn
“Chừng nào còn có con người trăn trở với khát vọng hài hoà trong một xã hội mâu
thuẫn, người ta còn phải tìm đến Dostoevsky" (Đỗ Hải Phong)

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Aitmatov (1981), “Viết về F.M.Dostoevsky”, trích trên “Báo Văn nghệ”, số
14.
2. Andre Gide (1996), Người quy tụ trái tim Nga, bản dịch trong Sáng tác của
Dostoevsky những tiếp cận từ nhiều phía.

66
3. M.Bakhtin (1993), “Những vấn đề thi pháp Dostoevsky” (Trần Đình Sử, Lại
Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch), NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Belov S. (1998), “Mối tình cuối cùng của Dostoevsky”, Hoàng Cầm dịch,
NXB Văn hóa, Hà Nội.
5. Berdiaer N.A (2003), Tâm hồn Nga, đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài,
số 6.
6. Đỗ Hồng Chương & Nhiều tác giả (2009), Lịch sử văn học Nga, NXB Giáo
dục, Hà Nội.
7. L.Grossman (1998), Dostoevsky cuộc đời và sự nghiệp, NXB Văn hóa, Hà
Nội.
8. Thành Đức Hồng Hà (2017), Biểu tượng màu sắc trong Tội ác và hình phạt
của Dostoevsky, đăngtrên tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6.
9. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1997), “Từ điển thuật ngữ văn
học”, NXB Giáo dục.
10.Nguyễn Thị Hoàn (2020), Sự chuyển dịch tư tưởng của Raskolnikov qua các
bản dịch (viết bằng tiếng Nga), đăng trên tạp chí Khoa học Ngoại ngữ số 61.
11.Đỗ Thị Hường (2020), Giải mã không gian trong Tội ác và hình phạt của
Dostoevsky, đăng trên trang web của Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư
phạm Hà Nội,http://nguvan.hnue.edu.vn/
12.KHRAPCHENKO M.B (1972), Dostoevsky và di sản văn học của ông”
(“Dostoevski I ego literaturnoe nasledie"), bản dịch trong Sáng tác của
Dostoevsky những tiếp cận từ nhiều phía.
13.Nhiều tác giả (2012), “Lịch sử văn học Nga”, phần “F.M.Dostoevsky”
(Nguyễn Kim Đính viết), NXB Giáo dục Việt Nam
14.Trần Thị Nâu (2015), Cái đẹp sẽ cứu thế giới - Cảm thức tôn giáo trong
sáng tác của Dostoevsky, đăngtrên tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2.
15.Đỗ Hải Phong (2015), Giáo trình văn học Nga, NXB Giáo dục.
67
16.Lê Sơn (chủ biên) (2000), Sáng tác của Dostoevsky những tiếp cận từ nhiều
phía, trung tâm KHXH&NV quốc gia, Viện thông tin KHXH, Hà Nội.
17.Stanton E. Samenow, Tâm lý học tội phạm (2 tập), NXB Đại học Kinh tế
Quốc dân, Huy Nguyễn (dịch).
18.Đoàn Thị Tươi (2011), Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ Văn, “Peterburg
trong ‘Chàng thiếu niên’ của F.M.Dostoevsky” (người hướng dẫn: PGS.TS
Đỗ Hải Phong), Hà Nội.
19.Tài liệu Tâm lý học tội phạm lưu hành nội bộ tại Viện Kiểm sát Nhân dân.

68

You might also like