You are on page 1of 62

TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI 2

KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC


-------------------------------

TRẦN THỊ LINH

TRUYỆN NGỤ NGÔN L. TÔNXTÔI


VỚI VIỆC GIÁO DỤC HỌC SINH TIỂU HỌC

TÓM TẮT KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học Thiếu nhi

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học

Th.S – GVC. NGUYỄN NGỌC THI

HÀ NỘI - 2014
LỜI CẢM ƠN

Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo khoa Giáo dục Tiểu học -
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tôi hoàn
thành khóa luận này. Đặc biệt, tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc
tới Th.S – GVC Nguyễn Ngọc Thi người đã giúp đỡ, chỉ bảo tận tình cho tôi
trong việc triển khai nghiên cứu đề tài để khóa luận đạt hiệu quả.
Do thời gian nghiên cứu và đây là những bước đầu làm quen với công
tác nghiên cứu khoa học nên đề tài của tôi không tránh khỏi thiếu xót. Vì vậy
tôi rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô giáo và các bạn sinh viên để
khóa luận tốt nghiệp của tôi thêm chất lượng và hữu ích.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 5 năm 2014
Sinh viên

Trần Thị Linh


LỜI CAM ĐOAN

Dưới sự chỉ bảo tận tình của Th.S - GVC Nguyễn Ngọc Thi và kế thừa
kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, tôi đã hoàn thành khóa
luận tốt nghiệp của mình. Tôi xin cam đoan khóa luận này là công trình
nghiên cứu của tôi, kết quả nghiên cứu không trùng lặp với kết quả của các
tác giả khác.

Hà Nội, tháng 5 năm 2014


Sinh viên thực hiện

Trần Thị Linh


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 4
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 4
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................. 4
5. Nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................................... 4
6. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 5
7. Cấu trúc khóa luận ........................................................................................ 5
NỘI DUNG
Chƣơng 1: Truyện ngụ ngôn L. Tônxtôi ....................................................... 7
1.1. Tổng quan về truyện ngụ ngôn .................................................................. 7
1.1.1. Định nghĩa truyện ngụ ngôn ............................................................. 7
1.1.2. Đặc điểm truyện ngụ ngôn ................................................................ 9
1.1.3. Truyện ngụ ngôn với học sinh tiểu học .......................................... 14
1.2. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu .................................................... 15
1.2.1. Nguồn gốc, xuất xứ truyện.............................................................. 15
1.2.2. Truyện Kiến và chim bồ câu với học sinh tiểu học ........................ 17
Chƣơng 2: Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục
học sinh tiểu học ............................................................................................ 18
2.1. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với tâm lí học sinh tiểu học ....... 18
2.2.Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục nhận thức
cho học sinh tiểu học ....................................................................................... 19
2.2.1. Nhận thức về thế giới khách quan .................................................. 19
2.2.2. Nhận thức về những nguyên tắc của đạo lí làm người ................... 21
2.3. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục tình cảm
đạo đức cho học sinh tiểu học ......................................................................... 23
2.4. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục thẩm mĩ
cho học sinh tiểu học ....................................................................................... 28
2.4.1. Giáo dục về cái đẹp, cái thiện ......................................................... 28
2.4.2.Giáo dục trẻ nhận biết và tránh điều ác, điều xấu ............................ 30
KẾT LUẬN ..................................................................................... 32
PHỤ LỤC........................................................................................ 34
PHỤ LỤC 1 .................................................................................................... 34
PHỤ LỤC 2 ..................................................................................................... 54
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 57
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong tiến trình phát triển của mình, thế kỉ XIX có lẽ là thời kỳ rực rỡ
nhất của văn học Nga. Đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng ra đời và có tầm ảnh
hưởng trên thế giới đến cả thế kỷ sau. Nhờ mảnh đất hiện thực màu mỡ của
cuộc đấu tranh cách mạng và sự xuất hiện đúng lúc của các tài năng sáng chói
mà văn học Nga đã bắt kịp những thành tựu của văn học phương Tây và phát
triển đến đỉnh cao. Có lẽ nhờ đó mà nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá: văn
học Nga là một trong những nền văn học phong phú và tiên tiến nhất của nhân
loại, là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của văn học thế giới.
Nhắc đến văn học Nga, không thể không nhắc tới L.Tônxtôi, tức bá
tước Lép Nikôlaiêvitsơ Tônxtôi – nhà văn lớn của nước Nga. L.Tônxtôi xuất
thân trong một gia đình quý tộc nông thôn. Thời thơ ấu và niên thiếu,
L.Tônxtôi sống giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp ở ấp Iaxnaia Pôliana của gia
đình. Tônxtôi say xưa tìm đọc những tác phẩm văn học trong thư viện của cha
mình có tới hàng vạn cuốn.
Năm 16 tuổi, Tônxtôi được gia đình gửi tới Cadan học đại học. Lúc
đầu, ông học ngành ngôn ngữ phương Đông, sau đổi sang ngành Luật. Được
hai năm, ông bỏ trường đại học và gia nhập quân đội. L.Tônxtôi đã cùng đồng
đội chiến đấu bảo vệ thành phố Xêvaxtôpôn trước cuộc tấn công của liên
quân Anh – Pháp trong chiến tranh Crưm (1853 – 1856). Tônxtôi đã viết một
số truyện kí về Xêvaxtôpôn ca ngợi những hành động anh hùng của những
người lính Nga chân chính.
Sau khi xuất ngũ, Tônxtôi đi du lịch qua nhiều nước ở châu Âu, sau trở
về sống ở ấp của mình và hết lòng giúp đỡ những người nông dân nghèo.
L.Tônxtôi đã sáng tác bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình gồm 4 tập, được
viết từ 1864 -1869, đã tái hiện một cách sinh động cuộc chiến đấu ngoan

1
cường và chiến thắng hiển hách của quân dân Nga đầu thế kỷ XIX chống lại
cuộc xâm lược quân Pháp dưới quyền thống lĩnh của Napôlêông.
Mấy năm sau, Tônxtôi đưa ra một kiệt tác thứ hai Anna Karênina
(1877). Trong tác phẩm này, nhà văn đã tỏ ra có khả năng phân tích tâm lý
tuyệt vời và đã lớn tiếng tố cáo luật pháp vô nhân đạo của xã hội quý tộc tư
sản Nga, ước vọng đem lại tự do và cuộc sống no đủ, yên vui cho nhân dân.
Tônxtôi còn phơi bày cái xấu của Nhà thờ Chính thống giáo Nga tham gia
tước đoạt hạnh phúc của con người, đày đọa nhân dân trong vòng tăm tối,
nghèo khổ và bất hạnh trong tác phẩm Phục sinh (1899). Ngoài ra, ông còn
viết một số tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch...biểu lộ tư tưởng phản kháng của
ông. Toàn bộ tác phẩm của L. Tônxtôi được Lênin coi là “Tấm gương phản
ánh cách mạng Nga” thế kỷ XIX.
Là một trong những nền văn học có nhiều thành tựu rực rỡ và có tầm
ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với nhân loại, văn học Nga cũng có một vị trí
vững chắc và ảnh hưởng sâu rộng tới văn học Việt Nam, cả trong giới sáng
tác, nghiên cứu, phê bình lẫn đông đảo công chúng bạn đọc. Vị trí vững chắc
ấy đã được củng cố trong thời kì Liên Xô giữ vai trò “người anh cả” của hệ
thống chủ nghĩa xã hội toàn thế giới.Trong các trường, khoa nghiên cứu văn
học ở Việt Nam không thể thiếu văn học Nga, đặc biệt là các trường sư phạm
và khoa học xã hội – nhân văn.
Trong chương trình dạy Tiếng Việt ở bậc Tiểu học, riêng các tác phẩm
thuộc bộ phận văn học nước ngoài được đưa vào chương trình với trên dưới
100 tác phẩm. Các tác phẩm này bao gồm nhiều thể loại như truyện dân gian
(truyện thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười...) và những
câu chuyện viết về các danh nhân, về người thật việc thật. Các tác phẩm thuộc
các thể loại này có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn đối với học sinh tiểu học.
Các tác phẩm văn học nước ngoài được đưa vào chương trình tiểu học
thường là tác phẩm ngắn, mang dáng dấp những câu chuyện cổ dân gian,

2
truyện cổ viết lại. Hai thể loại phổ biến là truyện( gồm các trích đoạn, truyện
ngụ ngôn, truyện ngắn hiện đại) và thơ( thơ ngụ ngôn, thơ hiện đại).
Nhắc đến các tác giả văn học nước ngoài trong chương trình tiểu học
không thể không nhắc tới L.Tônxtôi. Ông là một trong số ít các tác giả nước
ngoài mà ở lớp học nào của bậc tiểu học cũng có tác phẩm được chọn. Những
câu chuyện ngụ ngôn của L.Tônxtôi có sức hấp dẫn lạ kì, phù hợp với tâm lý
và nhận thức của học sinh tiểu học. Truyện ngụ ngôn của L.Tônxtôi ngắn gọn,
súc tích. Các nhân vật trong truyện là những nhân vật quen thuộc, gần gũi với
các em như: con mèo, con thỏ, con ngựa, con chuột... Nhà văn đã khéo léo
lồng vào đó những bài học giáo dục nhẹ nhàng, ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi
học sinh tiểu học.
Truyện ngụ ngôn có thể nói là một trong những thể loại truyện góp
phần làm nên sự đa dạng và phong phú của nền văn học. Cùng với việc đấu
tranh trực diện nhằm phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội, loại truyện
này dùng cách mượn lời ngụ ý, mượn lời các con vật, đồ vật, chim muông,
hoa lá để nói về con người, gửi vào đó một ý tưởng, một nhận xét về nhân
tâm, thế sự, một bài học về kinh nghiệm sống hay một điều răn dạy về đạo lý
làm người.
Ngụ ngôn có cốt truyện ngắn, cô đọng, hàm súc và giàu sức biểu hiện,
nó là một thể loại rất gần gũi với mọi người, mọi tầng lớp nhân dân và đặc
biệt là với trẻ em. Giáo dục trẻ bằng ngụ ngôn là việc làm hay và bổ ích phù
hợp với đặc điểm tâm lý và đặc điểm tư duy nhận thức của các em.
Việc nghiên cứu đề tài Truyện ngụ ngôn L.Tônxtôi với việc giáo dục
học sinh tiểu học có ý nghĩa quan trọng, nó giúp tôi có thêm những hiểu biết
về một khía cạnh của truyện ngụ ngôn L.Tônxtôi, giúp tôi cảm thụ được cái
hay, cái đẹp và giá trị tư tưởng trong mỗi câu chuyện. Đặc biệt thông qua các
tác phẩm đó, bồi dưỡng giáo dục đạo đức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mĩ cho

3
học sinh tiểu học. Với phạm vi một khóa luận tốt nghiệp chúng tôi chỉ tập
trung nghiên cứu tuyển tập truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu – L.Tônxtôi
với việc giáo dục học sinh tiểu học.
2. Lịch sử vấn đề
Đã có rất nhiều tác giả quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu về L. Tônxtôi và
sự nghiệp vĩ đại của cây đại thụ văn học Nga thế kỷ XIX này đặc biệt là
những bộ tiểu thuyết nổi tiếng của ông. Truyện ngụ ngôn L.Tônxtôi vô cùng
hấp dẫn đối với trẻ em và mang những giá trị sâu sắc. Song việc nghiên cứu
truyện ngụ ngôn của L. Tônxtôi ít được giới nghiên cứu phê bình văn học
quan tâm. Về đề tài Truyện ngụ ngôn L.Tônxtôi với việc giáo dục học sinh
tiểu học thì cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể được công
bố. Tôi lựa chọn đề tài này và hiểu rằng những thành quả nghiên cứu của các
tác giả trước đó có giá trị vô cùng to lớn, chúng gợi mở, giúp tôi tiếp cận và
nghiên cứu thành công đề tài này.
3. Mục đích nghiên cứu
Khóa luận đi vào nghiên cứu, tìm hiểu tác dụng giáo dục nhận thức,
đạo đức, thẩm mĩ của tuyển tập truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu đối với
học sinh tiểu học.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Truyện ngụ ngôn L. Tônxtôi
- Phạm vi nghiên cứu: Tập truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với
việc giáo dục học sinh tiểu học.
- Văn bản khảo sát: Kiến và chim bồ câu truyện ngụ ngôn, Thúy Toàn
dịch, Nhà xuất bản văn học, 1999.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
Xuất phát từ mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài.
Nghiên cứu của chúng tôi nhằm thực hiện những nhiệm vụ sau:

4
Tìm hiểu về truyện ngụ ngôn L. Tônxtôi.
Tìm hiểu tác dụng giáo dục của tuyển tập truyện ngụ ngôn Kiến và
chim bồ câu với học sinh tiểu học.
6. Phƣơng pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp thống kê – phân loại
6.2. Phương pháp phân tích
6.3. Phương pháp đối chiếu – so sánh
6.4. Phương pháp tổng hợp...
7. Cấu trúc khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, khóa luận gồm 2 chương:
Chương 1: Truyện ngụ ngôn L.Tônxtôi
1.1. Tổng quan về truyện ngụ ngôn
1.1.1. Định nghĩa truyện ngụ ngôn
1.1.2. Đặc điểm truyện ngụ ngôn
1.1.3. Truyện ngụ ngôn với học sinh tiểu học
1.2. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu
1.1.1. Nguồn gốc, xuất xứ truyện
1.1.2. Truyện Kiến và chim bồ câu với học sinh tiểu học
Chương 2: Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục học sinh
tiểu học
2.1. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với tâm lí học sinh tiểu học
2. 2. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục nhận thức
cho học sinh tiểu học
2.2.1. Nhận thức về thế giới khách quan
2.2.2. Nhận thức về những nguyên tắc của đạo lí làm người
2.3. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục tình cảm đạo đức
cho học sinh tiểu học

5
2.4. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục thẩm mỹ cho
học sinh tiểu học
2.4.1. Giáo dục cái thiện, cái đẹp
2.4.2. Giáo dục trẻ nhận biết và tránh điều xấu, điều ác

6
NỘI DUNG

Chƣơng 1
TRUYỆN NGỤ NGÔN L. TÔNXTÔI

1.1. Tổng quan về truyện ngụ ngôn


1.1.1. Định nghĩa truyện ngụ ngôn
Ngụ ngôn là một trong những thể loại tự sự cổ xưa nhất, ở folklore của
mọi dân tộc đều có thơ hoặc truyện ngụ ngôn. Ngụ ngôn xuất hiện trước công
nguyên trong kho tàng văn hóa các dân tộc như Hy Lạp, Ấn Độ, Ai Cập,
Trung Hoa...và xa xưa nhất có thể tính đến các tác phẩm ngụ ngôn nửa thực
nửa truyền thuyết tương truyền do Êdốp sáng tác, có tầm ảnh hưởng sâu rộng
sang cả vùng Trung Đông rồi ngược về phương Tây, Nga... Một dòng khác
tiếp tục tồn tại ở đế chế La Mã, vùng Tây Âu thời trung đại với Romul viết
bằng tiếng Latinh, Isopette viết bằng tiếng Pháp, và cận đại với ngụ ngôn của
J. La Fontaine, K. F. Hellert... Ở Trung Quốc, ngụ ngôn cổ đại thâm nhập vào
sách triết luận và chính luận của “ chư tử ” như Trang Tử, Mạnh Tử...vào
các truyện kể trung đại như Bình thoại, Thoại bản và cả tiểu thuyết Đông
Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long. Ở Việt Nam, ngụ ngôn dân gian tồn
tại và nhiều truyện đã trở thành điển cố văn học như Đẽo cày giữa đường.
Thầy bói xem voi...
Truyện ngụ ngôn dân gian là những sáng tác của nhân dân, được lưu
truyền từ đời này qua đời khác. Theo từ nguyên, ngụ ngôn là những lời nói có
ngụ ý, truyện ngụ ngôn là những truyện ngắn hoặc dài, văn xuôi hoặc văn
vần, có ngụ ý, có hàm chứa một bài học đạo lí, một nhận xét về thực tế xã hội,
một quan niệm triết lí, nhân sinh.

7
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã viết về truyện ngụ ngôn trong Tựa sách
Đông Tây Ngụ Ngôn: “cách trực tiếp dùng đã không xong, người làm cha,
làm anh, làm thầy mới dùng đến cách gián tiếp”. Nghĩa là đem cái ý nghĩa
này mà gửi vào nhời, mà đưa ra các tư tưởng của mình, mà mượn người khác,
mượn loài vật, mượn cây cối, mượn thần, mượn phật,... dẫn ra cho đắc lực bởi
vậy mà ngụ ngôn mới hữu dụng, bởi vậy mà ngụ ngôn mới thành có thế.
Mười câu ngụ ngôn mà họ thích đến chín câu “ngụ ngôn thập cửu” Trang Tử
đời xưa nói câu như thế là hiểu cái nhẽ đó. Trang Tử làm sách hơn mười vạn
nhời, mà dùng toàn nhời ngụ ngôn là thi hành cái nhẽ đó. La Phôngten sau
này cũng hiểu và thi hành nhẽ đó, nên cũng mới làm sách ngụ ngôn và cũng
có câu này “Một thứ luân lí trần trụi làm người ta chán nản, truyện kể làm cho
điều luân lí lọt tai cùng với nó”.[4, 349]
Ở Việt Nam, ngụ ngôn là một kho triết lí dân gian độc đáo, ngụ ngôn
không những được kể xuôi, kể vần mà còn có cả truyện thơ ngụ ngôn như
truyện Trê cóc, Lục súc tranh công, Hai ông phật cãi nhau,... ngoài ra còn có
cả ca dao ngụ ngôn (Con mèo mà trèo cây cau, Con gà cục tác lá chanh, Con
cò mà đi ăn đêm, Con kiến mà kiện củ khoai),...
Cũng trong Tựa sách Đông Tây ngụ ngôn, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
viết: Chữ “ngụ” có nghĩa là gá gửi, chữ “ngôn” có nghĩa là nhời nói. Ta dùng
hai chữ “ngụ ngôn” để chỉ các lối văn hoặc văn xuôi, hoặc văn vần, thường
đặt thành câu chuyện đem kể rồi nhân câu chuyện dẫn lời quy châm về luân
thường đạo lí, để cảm hóa lòng người và “ nói ngay hay trái tai”. Trò đời xưa
nay vẫn thế: cứ đem một sự thật chần chần ra mà dạy người có phần như hơi
ép cung không được dễ dàng.... Cách ngôn, huấn ngôn dạy nhời nào ai chẳng
quý hóa, chẳng khâm phục, tuy nó vẫn như còn trèo cao, còn để xa, không
được thiết tha gần nhân tâm cho lắm nên nghiêm trang đính chính mà dạy đạo
đức là một cách, thì vui cười hỉ hả mà dạy đạo đức là một cách khác, và cách

8
sau đem so sánh với cách trước, có phần dễ được việc, chóng lên công hơn.
Viên thuốc để chữa bệnh mà phải bọc ngoài cho đẹp như kẹo mới dễ khiến
người nuốt thì chân lý muốn dễ thấm vào tâm linh người ta, cũng phải lựa một
con đường nào đó cho dễ đi, cho chóng lọt vào đến nơi mới được.
Tác giả Đinh Gia Khánh cũng đã xác định: “Truyện ngụ ngôn là một
loại truyện chứa đựng một sự tích hoàn toàn tưởng tượng, một quan niệm triết
lí hay đạo đức, một kinh nghiệm sống đã được tổng kết và như vậy là truyện
ngụ ngôn có hai phần: phần cụ thể là truyện kể, phần trừu tượng là ý niệm rút
ra từ trong đó có thể gọi là lời quy châm”.[4, 349]
Đỗ Đức Hiểu, trong Từ điển văn học bộ mới khẳng định: Ngụ ngôn là
"Một thể loại văn học giáo huấn, thường sử dụng phúng dụ như một nguyên
tắc tổ chức tác phẩm”. [3, 1091].
Dù nói thế nào, quan niệm của mỗi tác giả có điểm giống và khác nhau
ra sao ta cũng có thể hiểu về truyện ngụ ngôn với những điểm đáng chú ý sau:
Truyện ngụ ngôn là lời nói có ngụ ý, truyện ngụ ngôn là một loại truyện
kể, ở đó người ta mượn một câu chuyện nhỏ mà nhân vật thường là loài vật
để gửi vào một ý tưởng, một nhận xét về nhân tâm, thế sự, một bài học về kinh
nghiệm sống, một điều răn dạy về đạo lý, về triết lý.
1.1.2. Đặc điểm truyện ngụ ngôn
1.1.2.1. Truyện ngụ ngôn với những nhân vật biết nói và nghĩ như con người
Truyện ngụ ngôn là loại truyện ngụ ý, nói bóng gió, mỗi truyện có thể
coi là một ẩn dụ. Truyện thường mượn nhân vật có thể là con vật, đồ vật, cây
cối (có khi là con người) để ám chỉ con người, nhằm nêu lên một bài học luân
lí, một kinh nghiệm sống. Ta có thể bắt gặp các nhân vật là loài vật như: Thỏ,
Rùa, Voi, Chuột,... Các loại cây cối, hoa quả như: Cây lúa, mướp đắng, quả
bứa,... Các nhân vật vô tri vô giác: Nồi đất, nồi gang, ngòi bút,... Có khi đưa
vào truyện cả bộ phận của con người như: Dạ dày, tứ chi, mắt, miệng, ...

9
Những con người gắn với nghề nghiệp cụ thể nhưng không có tên riêng như:
Bác nông dân, người thợ săn, tên trộm,... Rồi cả những tính cách của con
người như anh nói khoác, chị lọc lừa, kẻ bới móc,... Những điều vô hình, vô
dạng như: Sự khôn khéo, sự ngu dại, cái thiện, cái ác, điều họa, phúc,...
Nói chung, tất cả vạn vật tồn tại trong trời đất, những cái có thể xuất
hiện hoặc có thể tồn tại, ngụ ngôn đều mượn cả. Nhưng dù thế nào tác giả
Đông Tây ngụ ngôn cũng chuyển riêng về những loài vật, cầm thú, côn trùng,
lấy các loài ấy làm hạt nhân để đóng mọi vai, diễn mọi trò, có như vậy ngụ
ngôn mới có đặc tính, không lẫn lộn với truyện cổ tích, truyện tiếu lâm khôi
hài cùng những lời bóng gió xa xôi.
Nhân vật trong truyện ngụ ngôn rất cụ thể, có khi được khắc họa như
những con người hàng ngày với những khuôn mặt muôn hình vạn trạng, một
con người đa tính cách. Như những con người hiểu biết nông cạn mà vẫn
huênh hoang, kiêu ngạo trong Ếch ngồi đáy giếng, những kẻ tự cho mình là
thông minh nhưng cuối cùng lại tự mình hại mình trong Con chuột tinh ranh,
sự mù quáng trong Dê đi kiếm ăn với cọp,...
Nhân vật được xem xét trên nhiều bình diện có mặt tốt, xấu, có sự
gian trá, sự thật thà, có điều ngu dại, nhưng cũng có điều rất khôn khéo,
thông minh.
Như vậy, thế giới nhân vật trong truyện ngụ ngôn rất phong phú và đa
dạng, dù là con vật, cây cối, đồ vật, hay các hiện tượng tự nhiên đều được
dùng với mục đích chủ yếu là “nói chuyện về con người” biến nó thành con
người, mang tính cách như con người, có nét tâm tư, tình cảm như những
con người.
1.1.2.2. Truyện ngụ ngôn với các nhân vật đại diện cho các tầng lớp trong xã hội
Nhân vật của truyện ngụ ngôn chủ yếu mang tính biểu trưng, mỗi loài
vật biểu trưng cho một tầng lớp trong xã hội. Những con vật đại diện cho giai

10
cấp thống trị như: Sư Tử, Hổ, Cáo, Sói... Một số loài khác đại diện cho tầng
lớp nhân dân, thợ thủ công, tiểu thương, tri thức nghèo. Điển hình cho họ là
những loài vật nhỏ bé, hiền lành luôn luôn là mồi của các loài ăn thịt như: Bò,
Lừa, Ngựa, Dê, Thỏ,...
Truyện Cò và Cáo là sự phản kháng mãnh liệt của nhân dân ta chống
lại giai cấp thống trị. Con Cáo với sự gian ngoa, xảo quyệt tưởng rằng sẽ lừa
được Cò nhưng nó không thể ngờ chính nó mới là nạn nhân. Cò đã tìm được
cách trả đũa đích đáng và giúp Cáo hiểu thế nào là “gậy ông đập lưng ông”.
Bên cạnh việc xây dựng các con vật tiêu biểu, gián tiếp vạch trần bộ
mặt và bản chất xấu xa, xảo quyệt của giai cấp thống trị. Thông qua truyện
ngụ ngôn, nhân dân lao động còn sử dụng nhiều nhân vật là loài vật để chế
giễu, châm biếm và phê phán những thói hư, tật xấu của người đời hay những
hiện tượng ngang trái của xã hội.
Truyện Trâu và Ngựa lên án thủ đoạn tước đoạt xảo quyệt của giai
cấp thống trị. Truyện Hai con mọt đả kích trực tiếp hơn. Con mọt gỗ tuy làm
hại người, nhưng có thể ngâm nước cho chết, đốt lửa cho cháy, chứ con mọt
“tham” của bọn người giàu thì rất nguy hiểm và không thể nào trừ được.
Bọn chúng không những đục khoét nhân dân mà còn rình mò đục khoét lẫn
của nhau.
Truyện Con hổ ăn chay là bức chân dung biếm họa vạch trần bản chất
giả dối của giai cấp thống trị. Tác giả dân gian đã khéo léo khuyên người lao
động hãy cảnh giác với bọn cầm quyền giả nhân, giả nghĩa quen thói lừa bịp
nhân dân.
Truyện Thầy bói xem voi phê phán cách đánh giá, nhìn nhận sự vật một
cách chủ quan, bảo thủ, phiến diện, dẫn tới áp đặt, không hiểu được bản chất
của sự vật, làm cho sự vật méo mó, không chính xác.

11
Ngoài việc phê phán, châm biếm những thói hư tật xấu, truyện ngụ
ngôn còn ca ngợi những đức tính tốt đẹp. Những người yếu biết cố gắng vươn
lên để thắng những kẻ mạnh kiêu căng, ngạo mạn (Thỏ và Rùa), ngợi ca trí
thông minh (Cọp và trí khôn của người)....
1.1.2.3. Truyện ngụ ngôn thường ngắn
Truyện ngụ ngôn có kết cấu ngắn gọn, súc tích. Truyện ngụ ngôn phần
lớn là những câu chuyện có dung lượng ngắn. Các hình ảnh, chi tiết ngắn gọn,
hàm súc nhưng bộc lộ rõ được tính cách, phẩm chất của các nhân vật trong
truyện. Ví dụ như truyện Rùa và Thỏ:
Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai
nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi
chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ xuất phát nhanh
như tên bắn và chạy thục mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa
bạn rùa, thỏ nghĩ nó nên nghỉ dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước
khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi.
Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, giành chiến thắng. Thỏ
giật mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.
Cốt truyện ngắn gọn, các chi tiết, hình ảnh trong câu chuyện nối tiếp
nhau chặt chẽ, logic lí giải sâu sắc nội dung của câu chuyện.
Một yếu tố nữa cũng khiến truyện ngụ ngôn ngắn và đặc biệt ngắn đó là
không gian và thời gian rất ít khi được nêu. Thời gian trong mỗi câu chuyện
chỉ được nhắc thông qua cụm từ ngày xửa ngày xưa, rất lâu về trước...đó là
khoảng thời gian nhất định nhưng không thể xác định chi tiết, cụ thể hơn
được nữa.
Truyện ngụ ngôn thường ít nhân vật, thậm chí có truyện chỉ có một
nhân vật với một hoàn cảnh, một tình huống nhất định, một sự kiện cố định.
Chính vì vậy, truyện ngụ ngôn là những truyện hàm xúc và đặc biệt ngắn.

12
1.1.2.4. Truyện ngụ ngôn có tính kịch
Truyện ngụ ngôn không kể về số phận và cuộc đời của các nhân vật,
cũng như đặc điểm hình thức của các nhân vật. Truyện ngụ ngôn chỉ nêu ra
một tình huống, một hoàn cảnh trong đó diễn ra một hành động của nhân vật
hoặc một vài nhân vật từ đó rút ra các bài học triết lý.
Truyện ngụ ngôn rất gần với kịch và có kết cấu như một màn kịch
ngắn. Mỗi câu chuyện ngụ ngôn dù ngắn nhưng vẫn có đủ cốt truyện, các chi
tiết, tình tiết, sự việc và chúng có mối quan hệ chặt chẽ, lôgic với nhau. Cốt
truyện nhằm triển khai xung đột - những xung đột đòi hỏi nghệ thuật góp
phần giải quyết, có nghĩa là không dễ dàng giải quyết trong thực tế hay “cốt
truyện được dẫn dắt theo quy luật nhân quả, các mối liên hệ phải thật chặt
chẽ” hoặc “số lượng nhân vật không nhiều” nhân vật không được khắc họa
với nhiều khía cạnh.
Đặc điểm của truyện ngụ ngôn là ngắn, rất ngắn thậm chí có những
truyện chỉ có mấy câu. Có những truyện chỉ có một nhân vật hoặc có hơn thì
cũng đã được xếp gặp nhau tại một thời điểm nhất định với một lần tiếp xúc.
Cho nên, truyện ngụ ngôn xung đột chỉ diễn ra trong một hành động. Vì vậy,
truyện ngụ ngôn có kết cấu như một màn kịch ngắn.
1.1.2.5. Truyện kể về các con vật nhưng ẩn chứa bài học ứng xử cho con người
Truyện ngụ ngôn gồm có hai phần: Phần cụ thể “phần xác” là truyện kể
về phần trừu tượng – “phần hồn” là ý niệm rút ra từ câu chuyện gọi là lời quy
châm. Khi đọc truyện ngụ ngôn điều chúng ta quan tâm không hẳn là những
đặc điểm vốn có của loài vật, hiện tượng được chọn làm nhân vật mà phải là
sự cần thiết và có lợi cho những vận động của xã hội loài người. Đó là những
bài học luân lí, ứng xử sâu sắc của truyện ngụ ngôn.
Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng phê phán thái độ đánh giá hiện
thực khách quan rộng lớn thông qua con mắt chủ quan hạn hẹp. Truyện kể về
một con ếch sống lâu năm trong một cái giếng, xung quanh chỉ toàn những

13
con vật nhỏ bé, mỗi khi nó cất tiếng kêu làm những con vật kia hoảng sợ, vì
thế nó nghĩ mình là chúa tể muôn loài và bầu trời chỉ bé bằng cái vung. Một
ngày kia nó được ra ngoài, theo thói cũ, nó nghênh ngang đi lại khắp nơi và
cuối cùng bị một con trâu giẫm bẹp. Mượn chuyện con ếch để ám chỉ một
cách kín đáo, tế nhị một bộ phận người có hiểu biết nông cạn mà vẫn huênh
hoang, kiêu ngạo. Câu chuyện khuyên chúng ta không nên chủ quan, kiêu
ngạo. Đồng thời khi môi trường sống thay đổi thì góc nhìn, tầm nhìn cũng có sự
thay đổi vì thế chúng ta cần phải học hỏi để mở mang tầm hiểu biết của mình.
Truyện ngụ ngôn được sử dụng như một thứ vũ khí sắc bén để nhân
dân lao động tấn công lại kẻ thù. Thông qua những câu nói bóng gió, những
mâu thuẫn, xung đột giữa các nhân vật phản ánh sự phản kháng mạnh mẽ của
nhân dân lao động với giai cấp thống trị trong xã hội.
Truyện ngụ ngôn phản ánh bài học về trí tuệ, đạo đức, dạy con người
về các chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Phê phán những kẻ lười biếng, sống
dựa dẫm vào người khác; những kẻ hèn mọn, gian dối. Truyện phản ánh một
xã hội đa sắc màu với các giai cấp, tầng lớp khác nhau và trong xã hội đó có
người mạnh, kẻ yếu, mỗi người đều có một vị trí, vai trò riêng. Truyện ngụ
ngôn còn là bài học về sức mạnh của sự đoàn kết trong gia đình và xã hội.
Truyện ngụ ngôn vốn được coi là những câu chuyện mang màu sắc triết
lý. Con đường để đi tới bài học triết lý của truyện ngụ ngôn thường thông qua
sự phê phán, phủ định rồi mới rút ra kết luận về sự đúng đắn.
1.1.3. Truyện ngụ ngôn với học sinh tiểu học
Ngụ ngôn có hình thức ngắn gọn, bởi nội dung truyện đơn giản, kết cấu
mạch lạc, rõ ràng. Truyện ít tình tiết, ít cảnh vì thường chỉ xoay quanh một sự
kiện. Số lượng nhân vật trong mỗi câu chuyện cũng ít và mỗi nhân vật chỉ
được khai thác ở một nét tính cách hoặc một thói quen. Vì vậy, mỗi truyện ngụ
ngôn chỉ là một câu chuyện nhỏ vừa sức tiếp thu với học sinh tiểu học.

14
Đến với truyện ngụ ngôn, học sinh mới chỉ hiểu được phần bề nổi của
truyện còn phần ý nghĩa sâu xa của truyện học sinh chỉ hiểu được phần nào
đó. Ở lứa tuổi tiểu học, tư duy trực quan cụ thể vẫn còn đang phát triển, các
em chủ yếu đánh giá, nhìn nhận các sự vật, hiện tượng bằng trực giác. Các em
yêu thích truyện ngụ ngôn vì bề ngoài đơn giản, các câu chuyện ngắn gọn,
nhân vật gần gũi, thân thuộc còn phần triết lý trừu tượng ẩn dấu phía sau nội
dung đó thì cần có sự trợ giúp của người lớn thì các em mới hiểu được. Hoặc
đến khi lớn lên, các em sẽ dần hiểu ra được bài học sâu xa được gửi gắm
trong đó.
Truyện ngụ ngôn còn là phương tiện hữu ích để giáo dục cho học sinh.
Ngay từ khi còn nhỏ, các em đã được tiếp xúc với những bài ca dao mang tính
ngụ ngôn thông qua những lời ru, câu hát. Đến 2, 3 tuổi, các em được làm
quen với những câu chuyện ngụ ngôn đơn giản. Khi 4, 5 tuổi các em có khả
năng tiếp thu những truyện phức tạp hơn. Và đến khi vào tiểu học, các em có
khả năng hiểu được phần nào ý nghĩa sâu xa được gửi gắm trong mỗi truyện.
1.2. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu
1.2.1. Nguồn gốc, xuất xứ truyện
Đại văn hào nước Nga L.Tônxtôi sinh ra và sống gần cả cuộc đời tại
điền trang của ông ở Iaxnaia Pôliana. Ông rất yêu mến trẻ em và đã viết nhiều
câu chuyện cho con cái nông nô ở điền trang. L. Tônxtôi đã in những truyện
ngắn và truyện đồng thoại của mình dành cho trẻ nhỏ trong những cuốn sách
nhan đề Sách học vần và Những cuốn sách Nga để đọc . Nhiều trẻ em đã học
đọc và viết từ những cuốn sách này. Tônxtôi đã đưa vào những cuốn sách
dành cho trẻ nhỏ nhiều câu chuyện và truyền thuyết lấy từ văn học cổ, từ cuộc
sống của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Ông đặc biệt thích thú các
truyện ngụ ngôn giản dị và ngắn mà nhà thông thái Cổ Hy Lạp Êdốp đã
sáng tác ra.

15
Êdốp sống cách đây đã lâu, vào khoảng thế kỷ IV trước công nguyên.
Những truyện ngụ ngôn cổ chính là những bài học nhân hậu. Mà bài học nhân
hậu thì không bao giờ bị lãng quên.
Ai không nhớ truyện ngụ ngôn về hai người bạn và con gấu? Câu
chuyện này có thể đọc trong các sách giáo khoa cấp một ở Liên – xô, cũng
như trong những cuốn sách đầu tiên của thiếu nhi. Thậm chí cả những đứa trẻ
còn chưa biết đọc cũng đã quen biết nó. Nhưng ít ai biết rằng truyện ngụ ngôn
này là do Êdốp sáng tác, và L. Tônxtôi đã biên dịch ra tiếng Nga.
Hay một câu chuyện nổi tiếng nữa về thằng bé chăn cừu nghịch ngợm
mấy lần kêu cứu: “Sói! Sói!” đã làm mọi người lo lắng vô ích. Nhưng khi tai
họa thực sự đến, nó lên tiếng kêu cứu thì không ai đáp lại, bởi vì mọi người
đều nghĩ nó đùa như trước đây...
Nhiều truyện ngụ ngôn cổ độc giả Liên – xô được biết qua các bản dịch
của I-van An-đrây-ê-vích Crư-lốp. Ví dụ, những truyện ngụ ngôn: Chuồn
chuồn và Kiến, Quạ và Cáo, Sói và Sếu...được dịch thành thơ. Còn Tônxtôi là
nhà văn nổi tiếng đã dịch những truyện ngụ ngôn ấy ra văn xuôi.
Tônxtôi đã đưa các bản dịch truyện ngụ ngôn của Êdốp xích gần lại
với tục ngữ Đắm thuyền hoặc với truyện cổ dân gian Cáo và gà rừng và đôi
khi rất giống với một câu chuyện xảy ra hàng ngày Hai người bạn. Ông
chuyển các sự kiện xảy ra trong truyện ngụ ngôn thành chuyện xảy ra trên quê
hương ông, và tại đây chúng chuyển thành truyện ngụ ngôn nước của Nga,
thành những sáng tác rất riêng của văn hào vĩ Nga đại này.
Có đủ loại nhân vật trong cuốn sách này, từ con người, thần thánh cho
đến con thú, nhưng bất kể đó là nhân vật gì, đầu tiên và trên hết, nhà văn đang
nói chuyện với trẻ em. Truyện Kiến và chim bồ câu là những câu chuyện ngụ
ngôn được L.Tônxtôi viết cho đối tượng chính là trẻ nhỏ, với cách kể chuyện
hài hước, dí dỏm, truyện mang nội dung giáo dục sâu sắc.

16
1.2.2. Truyện Kiến và chim bồ câu với học sinh tiểu học
Những câu chuyện ngụ ngôn trong truyện Kiến và chim bồ câu có hình
thức ngắn gọn, nội dung truyện đơn giản, kết cấu mạch lạc rõ ràng. Các câu
chuyện ít tình tiết, thường chỉ xoay quanh một vài nhân vật. Thông thường
mỗi câu chuyện trong Kiến và chim bồ câu có từ 2 đến 3 nhân vật. Theo số
liệu thống kê, trong 103 câu chuyện có: 70 truyện có hai nhân vật, 19 truyện
có ba nhân vật, 11 truyện có một nhân vật và chỉ 3 truyện có bốn nhân vật.
Các nhân vật trong truyện Kiến và chim bồ câu là các nhân vật rất gần gũi,
quen thuộc với các em đó là con ngựa, con cáo, khỉ, sói, sóc, chuột... hay các
bác nông dân, những lão nhà giàu keo kiệt...
Nội dung các câu chuyện trong Kiến và chim bồ câu đề cập đến những
vấn đề trong cuộc sống thường ngày mà các em có thể dễ dàng bắt gặp. Chính
vì vậy, khi đọc các câu chuyện, các em có thể tự rút ra những bài học đạo lý,
hiểu được ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm.

17
Chƣơng 2
TRUYỆN NGỤ NGÔN KIẾN VÀ CHIM BỒ CÂU VỚI VIỆC
GIÁO DỤC HỌC SINH TIỂU HỌC

2.1. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với tâm lí học sinh tiểu học
Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu gồm những câu chuyện nhỏ vừa
sức tiếp thu của học sinh. Nó phù hợp với đặc điểm tâm lý và đặc điểm tư duy
nhận thức của học sinh tiểu học. Ở lứa tuổi này, các em nhìn đời bằng đôi mắt
hồn nhiên và tin cậy, suy nghĩ bằng hình ảnh, sống với thế giới của cái đẹp,
cái hoàn mĩ của sự sáng tạo. Trẻ cũng rất thích sự phiêu lưu, mạo hiểm và
ngạc nhiên trước những bí mật của cuộc sống. Tất cả những cái đó đã đưa các
em đến với truyện ngụ ngôn.
Có thể nói truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu là một thế giới bao la,
rộng lớn, muôn hình, muôn vẻ để học sinh có thể tự do tìm hiểu, khám phá và
phát hiện. Có đủ loại nhân vật trong truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu, từ
con người, thần thánh cho đến các con vật. Những nhân vật đó không hề mới
mẻ, xa lạ mà ngược lại rất gần gũi, quen thuộc với học sinh tiểu học. Các em
có thể bắt gặp họ ngay trong cuộc sống hàng ngày, đó là bác đánh cá già, chị
làm công, người lái buôn, con mèo, con chuột, con ong... Thông thường,
những truyện ngụ ngôn kết thúc bằng một kết luận hoặc một lời giáo huấn. L.
Tônxtôi đã vứt bỏ những đoạn kết ấy, chỉ giữ lại hành động và tính cách của
nhân vật, dựa vào đó, trẻ em sẽ tự rút ra được ý nghĩa của truyện, hiểu được
câu chuyện nói về điều gì và dạy điều gì. Qua những lần tự tìm hiểu, khám
phá như vậy, tư duy của trẻ dần phát triển, trẻ sẽ ghi nhớ và hiểu sâu sắc hơn
ý nghĩa, bài học đạo đức mà mỗi câu chuyện mang lại. Từ đó hình thành
những ý niệm về cuộc sống, học sinh nhận ra được cái đẹp, cái thiện, cái xấu,
cái ác, biết bảo vệ lẽ phải, phê phán lên án cái xấu, cái ác.

18
2.2. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục nhận thức
cho học sinh tiểu học
Xã hội ngày càng phát triển và cuộc sống của con người cũng đang
thay đổi, phát triển không ngừng. Trẻ em ngày nay sớm được tiếp xúc với nền
sản xuất công nghiệp hiện đại, sớm được sống trong nhịp điệu của cuộc sống
hiện đại khiến cho lối sống và suy nghĩ của các em đang phát triển theo một
hướng mới. Trẻ đang dần hướng sự quan tâm của mình đến những câu chuyện
trinh thám, khoa học viễn tưởng, những trò chơi điện tử hơn là những câu
chuyện ngụ ngôn. Liệu chúng ta có thể tiếp tục sử dụng truyện ngụ ngôn làm
phương tiện để giáo dục trẻ trong thời đại ngày nay?
Như chúng ta đã biết, để xây dựng đất nước, phát triển con người một
cách toàn diện thì cần phải dựa vào cả các yếu tố truyền thống lẫn hiện đại.
Truyền thống chính là cái cơ sở, nền tảng còn hiện đại góp phần hoàn thiện và
nâng cao. Hai mặt truyền thống và hiện đại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau
và là hai mặt không thể tách rời trong nền giáo dục. Văn học chính là truyền
thống, là dân tộc, và nhân loại.
2.2.1. Nhận thức về thế giới khách quan
Những câu chuyện trong truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu mang
lại cho học sinh tiểu học cái nhìn toàn diện về thế giới xung quanh. Thông qua
các nhân vật là cỏ cây, muông thú, con người tác giả đã đưa ra các bài học về
đạo lý hoặc triết lý nhân sinh đối với con người. Chính vì vậy truyện ngụ
ngôn thường có hai lớp nghĩa: Lớp nghĩa đen theo nội dung truyện kể và lớp
nghĩa bóng theo triết lý trừu tượng, bên cạnh lớp nghĩa bóng ẩn chứa bên
trong thì lớp nghĩa đen bên ngoài có tác dụng to lớn giúp các em biết, lí giải
được nguồn gốc, sự hình thành cũng như đặc điểm của các sự vật hiện tượng
xung quanh.

19
Trong truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu có bốn câu chuyện lí giải
nguồn gốc, đặc điểm của các sự vật hiện tượng, giúp trẻ lí giải được những
câu hỏi “tại sao” như tại sao Sóc lúc nào cũng vui vẻ, nhảy nhót còn Sói lúc
nào cũng buồn rũ (Sói và Sóc), tại sao Lừa cứ rống hoài (Sư tử và Lừa), hay
tại sao Dơi luôn lẩn sống ở các hầm nhà, hốc cây, chỉ đến lúc trời chập
choạng mới bay ra (Con Dơi). Chính những hiểu biết này, sự lí giải những câu
hỏi tại sao này giúp trẻ có biểu tượng về thế giới xung quanh.
Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu còn giúp học sinh phát triển tư
duy khi tập trung suy nghĩ, tìm ra một sự giải thích, một lẽ sống ở đời.Tại sao
loài chim không chọn công làm vua mà lại chọn đại bàng, tại sao chó Sói
không chọn cuộc sống như chó nhà để không phải lo về cái ăn, tại sao người
cha lại đưa cho các con một cái chổi sể và yêu cầu các con hãy bẻ cả cái chổi
sể đó, tại sao một chú Rùa chậm chạp lại có thể chiến thắng một chú Thỏ
nhanh nhẹn trong cuộc chạy đua hay tại sao Muỗi có thể đánh bại một con Sư
tử to lớn nhưng rồi lại bị chết bởi một con nhện bé nhỏ ... Rất nhiều câu hỏi
được các em đặt ra sau mỗi câu chuyện. Những câu hỏi ấy luôn thường trực
trong suy nghĩ của các em, có khi các em tự mình khám phá để tìm ra câu trả
lời, cũng có khi phải cần đến sự giúp đỡ của người lớn, và cũng có những lúc,
học sinh tự trả lời cho mình dù đó chỉ là biểu hiện bên ngoài của sự việc.
Cứ như vậy, quá trình tư duy của học sinh tiểu học sẽ được nâng cao
dần, và đến một lúc nào đó các em sẽ có đủ kiến thức để hiểu rằng: Truyện
ngụ ngôn tuy nói về loài vật nhưng lại ẩn chứa bên trong nó ẩn ý sâu xa, một
bài học đạo đức, một triết lý nhân sinh về thế giới loài người. Sự đoàn kết bao
giờ cũng chiến thắng cái riêng lẻ, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác.
Kết luận này của học sinh chứng tỏ đã có sự thay đổi trong tư duy và nhận
thức của các em. Các em có sự thay đổi về quá trình tìm hiểu, lí giải và kết
luận về thế giới xung quanh. Sự nhận thức ban đầu về thế giới ấy có thể có

20
những sai lệch nhưng đó chính là tiền đề cho sự phát triển của những hiểu biết
sau này khi đã trưởng thành của mỗi cá thể.
2.2.2. Nhận thức về những nguyên tắc của đạo lí làm người
Người ta vẫn thường nói “Trẻ em là tương lai của đất nước”, “Trẻ em
hôm nay thế giới ngày mai”. Không chỉ vậy, trong thư gửi học sinh nhân ngày
khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ cũng một lần nữa
khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của thề hệ trẻ với tương lai của đất nước:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước
tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không,
chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Và đối với những người
cầm bút từ xưa đến nay, có lẽ không có gì vui sướng, hạnh phúc hơn khi được
hướng ngòi bút của mình để phục vụ cho đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi.
Trẻ thơ luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đùm bọc của toàn xã hội.
Vì trẻ thơ mà Nguyễn Bá Ngọc đã băng qua bom đạn để cứu em nhỏ. Cũng vì
trẻ thơ mà vua Henri IV của nước Pháp đã bò trên sàn nhà cho con cưỡi. Hay
nhà văn Nga chuyên viết cho thiếu nhi Gaiđa trong thời kì nội chiến đã phải
hạ súng để cho một tên chúa đất gian ác chạy thoát chỉ vì hắn gùi sau lưng
đứa con nhỏ. Hành động nhân đạo ấy thể hiện ở nhà văn tấm lòng nhân ái, tất
cả vì trẻ thơ.
Những tấm lòng nhân ái và hành động nhân đạo ấy đều có cội nguồn sâu
xa. Lòng nhân ái, tình yêu thương con người đã có từ rất lâu và nó có ở mỗi
dân tộc, mỗi quốc gia. Chúng ta biết được điều đó thông qua các câu chuyện
ngụ ngôn. Truyện ngụ ngôn góp phần gắn kết các dân tộc, các quốc gia với
nhau và cùng thực hiện một chức năng, một mục đích chung: Vì trẻ em.
Truyện ngụ ngôn không chỉ giúp trẻ có cái nhìn khá chính xác về thế
giới xung quanh mà còn giúp trẻ nhận thức về những nguyên tắc của đạo lý
làm người. Thông qua đó, trẻ có được những cái nhìn về thực tế xã hội, rút ra

21
cho mình những bài học về cuộc sống, những phẩm chất đạo đức cần có,
những kinh nghiệm trong giao tiếp ứng xử, những thói quen tốt cần phát huy
và những hành vi xấu cần gạt bỏ để sống và hòa nhập với cộng đồng.
Truyện khuyên sống ở trên đời phải tự biết mình là ai, đừng nên khoe
khoang, huênh hoang tự cho mình là nhất (Hai chú gà trống và đại bàng; Mèo
và Cáo; Ếch và Sư tử; Muỗi và Sư tử; Thỏ và Rùa; Đại bàng, Quạ và Người
chăn cừu; Cây sậy và cây ô-liu; Cái bình đất và cái âu gang; Bò đực và Ếch).
Truyện phê phán những kẻ tham lam, ngu dốt chỉ biết nghĩ đến cái lợi
trước mắt (Con chuột phát phì; Con chim con; Mụ đàn bà và con gà mái;Con
chó và cái bóng của nó; Cáo và Dê; Đại bàng và Cáo; Gà mái và những quả
trứng vàng; Những chị làm công và con gà trống; Gấu và Ong...).
Truyện phê phán những kẻ thiếu hiểu biết, suy nghĩ nông cạn để rồi tự
chuốc họa vào thân (Chuột và ếch, Cáo và chó sói, Quạ và đàn bồ câu, Chồn
hôi, Gà mái và chim én, Cáo và Dê; Họ nhà ếch xin cho chúng một ông vua).
Truyện khuyên kẻ yếu không nên gây sự với nhau để kẻ mạnh lợi dụng
(Sư tử, Gấu và Cáo; Ếch, Chuột và Diều hâu).
Truyện khuyên con người cần suy xét mọi việc một cách kĩ lưỡng, ứng
xử linh hoạt trong mỗi trường hợp (Sư tử, lừa và cáo; Người lái buôn và hai
tên ăn cắp).
Truyện cũng khuyên con người sống trong một tập thể phải biết vì
người khác không nên chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích của bản thân để cuối
cùng tự chuốc họa vào thân (Cáo và Sếu; Lừa và Ngựa).
Ngụ ngôn còn là cách nói khéo léo để phê phán những kẻ ưa hình thức,
sống giả dối, sống dưới cái bóng của người khác (Lừa đội lốt sư tử), những kẻ
giả dối, ham muốn quyền uy (Người đánh cá và con cá nhỏ; Ngựa và người
chủ; Bác Mu-gích và thủy thần; Diều hâu và chim bồ câu), những kẻ giả
nhân, giả nghĩa (Sói và Ngựa cái)

22
Đặc biệt nhiều truyện ngụ ngôn phê phán những kẻ lười biếng, chỉ
muốn hưởng thụ qua đó khẳng định cuộc sống của con người chỉ thực sự có ý
nghĩa khi được sống tự do, hưởng thụ những thành quả lao động do chính
mình làm ra (Chuột đồng và Chuột nhà; Chó Sói và bà cụ già; Chuồn chuồn
và Kiến; Người làm vườn và các con trai; Lừa rừng và Lừa nhà; Ngựa và
người chủ; Sư tử và Cáo; Ong mật và Ong đực; Con Cáo và chùm nho).
Truyện cũng phê phán những kẻ chỉ biết nói mà không làm (Mèo đeo
nhạc), những kẻ vô ơn bội nghĩa (Rắn nước và Nhím; Sói và Sếu; Sói cái và
lợn), những kẻ nói dối, lừa gạt lòng tin của người khác (Gà rừng và Cáo;
Thằng nói dối).
Những câu chuyện ngụ ngôn với những mâu thuẫn, những cách xử trí,
ứng đáp của mỗi nhân vật trong mỗi hoàn cảnh khác nhau đã gieo vào khối óc
non nớt của trẻ một sự nhận thức, đó chính là bước đầu hiểu biết những
nguyên tắc của đạo lí làm người. Những hiểu biết ấy sẽ giúp học sinh nhận
thức và đối chiếu với bản thân mình mà tỏ thái độ yêu ghét và thực hiện các
hành vi tương ứng.
2.3. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục tình cảm đạo
đức cho học sinh tiểu học
Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu có ảnh hưởng to lớn đến mặt
tình cảm đạo đức của học sinh tiểu học trong quá trình hình thành và phát
triển nhân cách của trẻ. Những chuẩn mực hành vi văn hóa, đạo đức, tâm lý
trong truyện ngụ ngôn rất gần gũi, quen thuộc với cuộc sống sinh hoạt hằng
ngày của các em như tình cảm gia đình, tình anh em, tình bạn bè... Chính
những câu chuyện ngụ ngôn ấy giúp trẻ thấy được, nhận thức rõ hơn về quy
luật đời sống xã hội: chính nghĩa cuối cùng bao giờ cũng chiến thắng cái phi
nghĩa, gian tà, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, cái xấu. Những câu

23
chuyện ngụ ngôn sẽ dần khắc sâu trong tâm hồn trẻ thơ, rồi kết tinh và trở
thành những hành vi đạo đức trong cuộc sống hàng ngày.
Học sinh tiểu học tiếp nhận văn học theo cách riêng của mình, những gì
nặng nề về lý trí, suy tư không phù hợp với lứa tuổi của các em. Những bài
học đạo đức, luân lý trong truyện ngụ ngôn đi vào tâm hồn các em một cách
rất tự nhiên, đơn giản, gần gũi nhất là các trường hợp thường gặp trong cuộc
sống hàng ngày.
Truyện Đôi bạn đường là một ví dụ, nội dung câu chuyện nói về một
người già và một người trẻ khi đang đi trên đường thì nhặt được một túi tiền.
Người trẻ vì tham lam nên đã tranh cướp túi tiền đó và bảo là của riêng mình
nhưng khi có người đuổi theo đòi lại túi tiền, định đánh kẻ đã ăn cắp túi tiền
đó thì người bạn trẻ này lại bảo người già cùng nhận tội chung. Kết quả người
trẻ bị bắt còn người già thì trở về nhà. Bài học rút ra là bạn bè cần phải biết
chia sẻ với nhau không chỉ trong những lúc khó khăn mà còn phải cả khi vui
sướng, hạnh phúc.
Con đường đi tới triết lí của truyện ngụ ngôn thường thông qua sự phê
phán, phủ định rồi rút ra kết luận về sự đúng đắn. Răn dạy mặt trái của cuộc
sống bằng sự phê phán sai lầm của người đời để chỉ cho học sinh thấy những
sai lầm trong nhận thức và hành động sẽ dẫn đến những thất bại cay đắng. Ví
dụ như truyện Quạ và đàn bồ câu: Quạ thấy đàn bồ câu được nuôi ăn đầy đủ,
nó bôi trắng lông mình rồi bay vào chuồng bồ câu. Đàn bồ câu thoạt đầu
tưởng nó cũng là bồ câu như mọi con khác, thế là cho nó vào chuồng. Nhưng
quạ quên khuấy và cất tiếng kêu theo lối quạ. Bấy giờ họ nhà bồ câu xúm vào
mổ và đuổi nó đi. Quạ bay trở về với họ nhà quạ, nhưng họ nhà quạ sợ hãi nó
bởi vì nó trắng toát, và cũng đuổi cổ nó đi. Đây là bài học lớn cho những kẻ
sai lầm trong nhận thức và hành động.

24
Câu chuyện Sư tử và chuột nói về một con chuột bị sư tử bắt, nó cầu
xin sư tử tha cho nó một lần và hứa sẽ trả ơn. Sư tử bật cười vì điều chuột nói
nhưng vẫn thả cho chuột đi. Một lần sư tử bị bác thợ săn bắt và lấy dây trói sư
tử vào thân cây. Chuột nghe thấy tiếng sư tử gầm, chạy đến cắn đứt dây thừng
và cứu sư tử. Qua câu chuyện học sinh hiểu được làm điều tốt sẽ được trả ơn,
báo đáp.
Truyện Khỉ con là một câu chuyện nói về tình cảm gia đình. Khỉ mẹ đã
sống không công bằng, con yêu, con ghét. Khi gặp nạn, khỉ mẹ chỉ cứu mỗi
đứa con mà mình yêu bỏ mặc đứa con kia. Nhưng cuối cùng vì sự vô tình,
chính khỉ mẹ lại giết chết đứa con mà mình yêu nhất. Lúc đó, khỉ mẹ mới nhớ
ra đứa con kia và đi tìm nhưng không tìm thấy. Kết quả là khỉ mẹ phải sống
một mình. Qua câu chuyện, học sinh rút ra được bài học mọi người trong gia
đình cần phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau vượt qua những
khó khăn, hoạn nạn. Nhưng ý nghĩa sâu xa hơn mà câu chuyện muốn nhắn
nhủ tới học sinh đó là chúng ta cần phải sống một cách khách quan và công
tâm, đừng quá coi trọng một cái để đến khi mất một là sẽ mất tất cả.
Truyện Lừa và Ngựa đề cập đến cách sống, cách ứng xử của mỗi cá
nhân trong một tập thể. Chỉ vì sự ích kỉ của bản thân mà Ngựa đã không chịu
chở bớt đồ giúp Lừa. Phải chở quá nhiều đồ Lừa dần kiệt sức và chết. Khi đó,
người chủ đã chất toàn bộ đống đồ cùng bộ da Lừa lên lưng ngựa. Lúc bấy
giờ, Ngựa mới thấu hiểu nỗi vất vả cực khổ và tự than trách bản thân mình đã
không chịu giúp đỡ Lừa để giờ mình phải chịu khổ. Qua nội dung câu chuyện,
học sinh rút ra bài học sống trong một tập thể phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn
nhau, biết phê phán lối sống ích kỉ của Ngựa, chỉ biết nghĩ đến bản thân,
không biết nghĩ đến những người khác.
Truyện ngụ ngôn phản ánh bài học trí tuệ của nhân loại, phản ánh bài
học đạo đức, dạy con người hãy sống bằng chính sức lao động của bản thân

25
mình, đừng nên dựa dẫm trông chờ vào người khác (Đắm thuyền; Chó sói và
bà cụ già). Giáo dục con người phải biết sống đoàn kết, chia sẻ và giúp đỡ lẫn
nhau (Lừa và Ngựa; Ếch, chuột và diều hâu). Truyện cũng giáo dục con
người không nên tham lam, chỉ nghĩ đến những cái lợi trước mắt để rồi chuốc
họa vào thân (Con chim con; Con chuột phát phì).
Qua câu chuyện Mèo và Cừu học sinh tự rút ra cho mình bài học làm
việc gì cũng phải suy nghĩ trước sau, cùng làm một việc người khác làm có
thể là tốt nhưng mình làm chưa chắc đã tốt, không nên cứ thấy người khác
làm gì là mình làm như vậy, bắt chước một cách máy móc mà không hiểu bản
chất của sự việc.
Truyện ngụ ngôn là một bức tranh hiện thực đa sắc màu. Qua các câu
chuyện học sinh không chỉ hứng thú với thế giới các nhân vật là loài vật
nhưng có hành động và suy nghĩ giống con người mà các em còn nhận thức
được các triết lý, bài học ẩn chứa sau mỗi câu chuyện đó. Điều này giúp các
em có một thái độ đúng đắn và giúp cho việc giáo dục đạo đức cách mạng của
một con người mới.
Thông qua các tình tiết trong mỗi câu chuyện, học sinh có điều kiện
được tự mình trải nghiệm, tự đặt mình trong những hoàn cảnh đó và bộc lộ
thái độ yêu ghét của bản thân đối với các nhân vật trong truyện: học sinh biết
ủng hộ cái thiện, cái đẹp, lên án cái ác, cái xấu.
Truyện ngụ ngôn giúp các em rút ra kết luận, có thái độ đúng đắn, nhận
ra điều xấu điều ác, biết đồng tình ủng hộ, yêu mến những người lương thiện,
những việc làm tốt, biết lên án những bất công, đấu tranh với những cái xấu,
cái ác, hình thành bản tính thiện trong mỗi con người.
Việc giáo dục tình cảm cũng rất được coi trọng, tập truyện ngụ ngôn
Kiến và chim bồ câu có rất nhiều câu chuyện đề cập đến tình cảm gia đình,
tình cảm anh em, tình cảm giữa người với người trong xã hội.

26
Ở truyện Người cha và các con trai, thông qua việc yêu cầu các con
hãy bẻ chiếc chổi sể và việc tháo rời chiếc chổi ra để bẻ, người cha muốn
nhấn mạnh sức mạnh của sự đoàn kết, gắn bó.Thông qua câu chuyện, học sinh
rút ra được bài học anh em trong gia đình phải biết đoàn kết, đùm bọc, giúp
đỡ lẫn nhau. Chỉ khi anh em trong gia đình biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau
thì gia đình mới hạnh phúc và nó chính là sức mạnh để giúp gia đình vượt qua
mọi khó khăn, vất vả, cám dỗ của cuộc sống.
Truyện Chim cun cút và người săn cũng đề cập đến tình cảm gia đình.
Một con chim cun cút sa lưới của người săn, nó van nài người săn hãy thả nó
và hứa sẽ nhử những con cun cút khác vào lưới của người săn. Kết quả con
chim cun cút đó đã bị người săn trừng phạt vì tội phản lại đồng loại. Qua câu
chuyện, học sinh biết lên án hành động của con chim cun cút và tự rút ra cho
mình bài học không nên sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mà sẵn sàng
làm hại chính những người thân nhất của mình.
Một câu chuyện khác cũng đề cập đến tình cảm gia đình đó là truyện
Quạ và đàn bồ câu. Chỉ vì muốn sống sung sướng mà quạ đã tự bôi trắng
lông mình cho giống bồ câu rồi bay vào chuồng của bồ câu. Ban đầu, đàn bồ
câu không phát hiện ra nên vẫn cho quạ vào chuồng nhưng do bất cẩn quạ cất
tiếng kêu theo lối quạ và đã bị đàn bồ câu đuổi ra ngoài. Khi đó, quạ mới nhớ
đến nhà và quay trở về nhưng khi nhìn thấy bộ lông trắng toát của quạ, họ nhà
quạ cũng sợ quá và đuổi nó đi. Đây là bài học thích đáng cho những kẻ tham
lam, ngu dốt chỉ vì ham muốn vật chất mà bán rẻ giống nòi, bán rẻ tình cảm
gia đình.
Câu chuyện Hai người bạn đề cập đến tình cảm bạn bè. Truyện kể về
hai người bạn cùng đi qua rừng, chợt một con gấu ở đâu xồ ra. Một người bỏ
chạy, trốn kĩ trên cây, còn người kia ở lại trên đường. Người ở lại không biết
làm gì đành ngã lăn ra đường giả vờ chết. Gấu lại gần thấy anh ta tắt thở thật

27
liền bỏ đi. Sau khi gấu đi, anh bạn kia mới tụt xuống và hỏi gấu đã nói gì.
Anh bạn nãy trả lời gấu bảo những người xấu là những kẻ chạy bỏ bạn trong
hiểm nghèo. Qua câu chuyện học sinh thấy được hành động bỏ bạn lại trong
lúc nguy hiểm là không đúng và tự rút ra được bài học người bạn tốt là người
luôn ở bên cạnh mình, cùng mình chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cũng như
những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
Có thể nói truyện ngụ ngôn có giá trị rất lớn trong việc giáo dục tình
cảm đạo đức cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, việc giáo dục này không chỉ
được thực hiện trong một vài ngày mà cần phải có thời gian, cần phải trải qua
cả một quá trình dài học tập và đúc kết kinh nghiệm sống. Thực hiện tốt quá
trình giáo dục này sẽ góp phần hình thành ở học sinh những năng lực, phẩm
chất cần thiết của con người mới đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
2.4. Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu với việc giáo dục thẩm mĩ cho
học sinh tiểu học
Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu không chỉ giúp học sinh có một
cái nhìn toàn diện về cuộc sống với những triết lí nhân sinh, giáo dục học sinh về
lối sống, tình yêu thương mà còn gợi lên ở học sinh những cảm xúc thẩm mĩ.
Nói đến thẩm mĩ là nói đến cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hùng. Nhưng đối
với học sinh tiểu học tính thẩm mĩ được nhìn nhận từ góc độ đạo đức, tức là
giúp học sinh nhận biết và phân biệt được cái đẹp, cái xấu.
2.4.1. Giáo dục về cái đẹp, cái thiện
Truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu không miêu tả vẻ đẹp hình thể
của một nhân vật cụ thể mà vẻ đẹp được nhắc tới đó là vẻ đẹp của tính cách
và tâm hồn. Với giá trị hiện thực sâu sắc, những lời nói bóng gió chứa đựng
những ẩn ý, học sinh bước đầu nhận ra được cái đẹp, cái xấu. Qua những câu
chuyện ngụ ngôn, học sinh được nghe, hiểu, cảm nhận về cái đẹp. Dần dần
những cái đẹp đó thấm sâu vào học sinh, tạo nên vẻ đẹp của tâm hồn.

28
Thông qua các câu chuyện ngụ ngôn, học sinh được học những điều
hay, lẽ phải, biết những việc gì mình nên làm và không nên làm. Từ việc nhận
thức được cái đẹp, nhận thức được những điều gì mình nên làm và nên tránh
sẽ giúp học sinh chọn cho mình một hướng đi, một lối sống phù hợp với điều
kiện, hoàn cảnh sống của mình.
Truyện ngụ ngôn Công và Sếu khẳng định một chân lý quen thuộc mà
người đời vẫn thường nhắc tới đó là cái đẹp không phải xuất phát từ hình thức
mà cái đẹp phải được thể hiện trong tâm hồn con người. Dù Công có bộ lông
nhiều màu sắc, sặc sỡ nhưng nơi mà Công sống là nơi ẩm thấp, bẩn thỉu
ngược lại bộ lông của Sếu màu xám ngắt, không đẹp như lông Công nhưng
nơi Sếu sống lại là trời cao thể hiện mong muốn được vươn lên cao, hướng tới
cái đẹp, cái hoàn thiện và đó mới chính là cái đẹp con người cần có trong
cuộc sống.
Một câu chuyện khác cũng khẳng định vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ mới
là cái tồn tại vĩnh viễn đó là truyện Con Công. Khi loài chim định tìm cho
mình một vị vua, chúng định chọn Công vì trong số tất cả các loài chim thì
Công là loài đẹp nhất, lộng lẫy nhất. Nhưng khi hỏi cách để bảo vệ loài chim
khỏi lũ diều hâu khi Công được lên làm vua thì Công lại không thể trả lời
được. Và cuối cùng loài chim đã không chọn Công làm vua nữa.
Truyện Kiến và chim bồ câu kể về một con kiến xuống suối uống nước
nhưng sóng nước trào lên cuốn kiến đi và suýt nữa dìm chết nó. Bồ câu đang
tha cành cây, thấy kiến chết đuối đến nơi bèn thả cành cây xuống cho kiến và
kiến đã thoát chết. Về sau người thợ săn chăng lưới bắt bồ câu mái và sắp
chụp lưới. Kiến bò đến chỗ người thợ săn, đốt vào chân bác ta. Người thợ săn
giật mình đánh rơi lưới và bồ câu thoát được. Qua câu chuyện học sinh thấy ý
nghĩa của việc làm tốt, ở hiền sẽ gặp lành ác giả ác báo từ đó khơi ngợi ở các em
lòng tin vào cái thiện, cái tốt, khuyến khích các em làm những điều tốt đẹp.

29
Truyện Người làm vườn và các con trai khẳng định vai trò và giá trị
của lao động trong đời sống. Cuộc sống của con người chỉ thực sự có ý nghĩa
khi chúng ta lao động. Lao động đem lại cho con người niềm vui, hạnh phúc
khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Thông qua câu chuyện học sinh hiểu sự
cần thiết của lao động, khuyến khích học sinh tự giác thực hiện những công
việc nhỏ bé góp phần giúp đỡ ông bà, cha mẹ.
Từ những bài học triết lý được rút ra sau mỗi câu chuyện, học sinh
phân biệt được cái đẹp, cái xấu, biết cách sống hòa hợp, sống đẹp, sống đúng
với các chuẩn mực xã hội.
2.4.2. Giáo dục trẻ nhận biết và tránh điều ác, điều xấu
Ngược với cái đẹp là cái xấu. Cái xấu gợi sự khinh bỉ, chán ghét. Cái
xấu bị cả xã hội phê phán, bị mọi người lên án và loại trừ.
Đối với học sinh tiểu học, cái xấu trong truyện ngụ ngôn tác động đến
các em ở góc độ đạo đức. Đó là lối sống, cách hành động, tính nết trái với đạo
lý, hoặc chỉ mang tính chất giáo dục nhẹ nhàng để các em biết nhìn nhận,
phân biệt việc nên làm và việc không nên làm.
Học sinh nhận thấy cái xấu xa của Nhím vô ơn bội nghĩa với Rắn
nước người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, Nhím không chỉ ở nhờ nhà
Rắn nước mà còn trắng trợn cướp nhà của mẹ con Rắn trong truyện Rắn
nước và Nhím
Trong truyện Thằng nói dối học sinh rút ra được bài học thích đáng cho
những kẻ hay nói dối, đùa cợt sự tin tưởng của người khác.
Ở truyện Con chó và cái bóng của nó học sinh thấy được hậu quả của
những kẻ tham lam, ngu dốt. Chỉ vì tham lam nhìn thấy cái bóng của mình
dưới nước mà chó nghĩ rằng dưới nước đang có một con chó khác đang
ngoạm thịt nên chó đã nhả miếng thịt của mình và lao xuống nước định cướp
thịt của con chó kia. Kết quả con chó kia và miếng thịt chẳng thấy đâu thậm

30
chí miếng thịt của nó cũng bị sóng nước cuốn mất. Chó ta trơ khấc chẳng
được gì.
Truyện Khỉ con giúp học sinh nhận ra được cần phải sống một cách
công bằng, khách quan. Khỉ mẹ có hai khỉ con nhưng lại chỉ yêu quý một con
và ghét bỏ một con. Khi bị người ta rượt đuổi, khỉ mẹ chộp lấy đứa con yêu
quý và bỏ chạy cùng nó, để lại đứa con bị ghét bỏ. Nhưng do vô ý, khỉ mẹ đã
làm cho đứa con yêu quý bị chết. Khỉ mẹ quay lại tìm đứa con ghét bỏ nhưng
không tìm thấy. Cuối cùng khỉ mẹ phải sống một mình.
Trong truyện Cáo và Sếu trẻ nhận thức được con người sống trong xã
hội phải biết sẻ chia, vì người khác chứ không nên ích kỉ chỉ biết nghĩ cho bản
thân mình.
Trong quá trình đọc, kể chuyện người lớn cần giúp cho các em nhận ra
đó là những hành động không tốt, không nên làm theo. Từ đó, học sinh sẽ có
một cái nhìn khách quan, đúng đắn và hướng tới cái đẹp, cái thiện, tránh xa
cái xấu, cái ác. Chính nhờ đó mà nhân cách của học sinh được hình thành và
phát triển.

31
KẾT LUẬN

Trẻ em là tương lai của đất nước. Trẻ em luôn cần sự quan tâm, chăm
sóc của gia đình và xã hội. Sự phát triển nhân cách của trẻ em nói chung và
của học sinh tiểu học nói riêng là sự phát triển của nhận thức, tình cảm và
thẩm mĩ. Học sinh tiểu học vốn hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng. Các em cũng
rất tò mò, ham hiểu biết, luôn không ngừng học hỏi, khám phá thế giới xung
quanh. Tuy nhiên, những nét tính cách ấy mang tính tự phát, không ổn định,
dễ thay đổi. Bởi vậy, cần có sự quan tâm, chỉ bảo tận tình, đúng mức của
người lớn để những nét tính cách ấy dần ổn định. Truyện ngụ ngôn góp phần
bồi dưỡng, hoàn thiện thêm nét tính cách ấy.
Truyện ngụ ngôn đưa học sinh vào một thế giới loài vật đa dạng, phong
phú mà mục đích sâu xa hơn là đến với thế giới loài người với những bài học
ứng xử tế nhị. Thông qua truyện ngụ ngôn, các em không chỉ được đồng cảm
thương yêu những con người bất hạnh, hiểu được lẽ sống, cách ứng nhân xử
thế mà còn bộc lộ thái độ yêu ghét, lên án, phê phán những cái xấu, cái ác,
đấu tranh chống lại áp bức, cường quyền. Khi được hòa mình vào thế giới của
những câu chuyện ngụ ngôn, học sinh không chỉ rút ra cho mình những bài
học về nhân tâm thế sự mà trí tưởng tượng, tính thẩm mĩ của học sinh cũng
được hình thành và phát triển.
Với đề tài “Truyện ngụ ngôn L.Tônxtôi với việc giáo dục học sinh tiểu
học” tôi muốn góp thêm một tiếng nói về vai trò của truyện ngụ ngôn
L.Tônxtôi nói chung , truyện ngụ ngôn Kiến và chim bồ câu nói riêng trong
việc hình thành nhân cách cho học sinh tiểu học. Truyện ngụ ngôn giúp học
sinh có những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người. Truyện hình thành và
phát triển ở các em tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm với con người,
góp phần giáo dục thẩm mĩ.

32
Việc tìm hiểu và tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại qua truyện
ngụ ngôn giúp học sinh ghi nhớ, nâng cao hiểu biết và thực hiện nó trong các
trường hợp cụ thể. Truyện ngụ ngôn góp phần quan trọng và việc hình thành,
hoàn thiện nhân cách của những con người đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã
hội hiện đại.

33
PHỤ LỤC 1
Nhân vật Tác dụng giáo dục
Nhân
Nhân vật
vật
xuất hiện
xuất
Số nhiều Giáo Giáo Giáo
Hiện hiện ít
TT Tên truyện Nội dung lƣợng Tên nhân nhất dục dục dục
Đặc điểm thân của nhất
nhân vật trong nhận đạo thẩm
nhân vật trong
vật tuyển thức đức mĩ
tuyển
tập
tập
truyện
truyện
Ngựa đực Phê phán những kẻ 2 -Ngựa đực - chăm chỉ - cái tốt
và ngựa cái lười biếng nhưng lại - Ngựa cái - lười biếng - cái xấu
huênh hoang, không x
1 suy nghĩ trước sau
để tự chuốc họa vào
thân.
Cáo và Sếu Phê phán những kẻ 2 - Cáo - ranh mãnh, -cái xấu
sống ích kỉ, chỉ nghĩ ích kỉ.
2 đến lợi ích của bản - Sếu - khôn ngoan. -cái tốt x x
thân.
Khỉ con Phê phán những 3 - Khỉ mẹ -sống không -cái xấu
người sống không công bằng với
công bằng, bên chính con của
3 x x x
trọng bên khinh. mình.
- Hai chú
khỉ con

34
4 Sói và Sóc Giải thích về đặc 2 - Sói - độc ác -cái xấu x
điểm, tính cách của - Sóc - vui vẻ, thông -cái tốt
loài Sói và Sóc. minh.
Đôi bạn Phê phán những kẻ 2 -Người già - biết sẻ chia, - cái tốt x
đường không biết quý thông cảm. - cái xấu
trọng tình cảm bạn -Người trẻ - tham lam, ích
bè, chỉ những lúc kỉ.
hoạn nạn mới nghĩ
5
đến bạn bè còn
những lúc vui
sướng hạnh phúc thì
lại muốn hưởng thụ
một mình.
Đai bàng, Phê phán những kẻ 3 -Đại bàng - biết mình, biết - cái tốt
quạ và ngu dốt nhưng lại tự người. - cái xấu
người chăn cho mình là thông - Quạ - tham lam, ngu x
6
cừu minh, nghĩ mình là dốt.
nhất. -Người
chăn cừu
Hai chú gà Phê phán những kẻ 3 - Gà trống - tự cao, huênh - cái xấu
trống và khoe khoang, huênh hoang.
7 đại bàng hoang tự cho mình -Đại bàng x
là nhất.

Chuột, gà Giải thích đặc điểm 4 -Chuột con - cái tốt


trống và của gà trống và và chuột - cái tốt
8 mèo mèo. mẹ - oai vệ x
- Gà trống - hiền lành
- Mèo
35
Gà rừng và Phê phán những kẻ 2 - Gà rừng - thông minh, - cái tốt x
Cáo dối trá, sống bằng nhanh nhẹn - cái xấu
9
việc đi lừa gạt - Cáo - ranh mãnh,
người khác. dối trá
Chó sói và Khẳng định cuộc 2 - Chó sói - thích cuộc - cái tốt x
chó nhà sống chỉ thực sự có sống tự do - cái xấu
ý nghĩa khi con - Chó nhà - nhẫn nhục,
người được tự do cam chịu, sống
10
làm những điều dựa dẫm
mình thích, sống
bằng chính sức lao
động của mình.
Đắm Phê phán những kẻ 2 -Bác đánh - can đảm, - cái tốt
thuyền chỉ biết dựa dẫm cá già quyết tâm, làm
vào người khác, việc bằng chính x x
trông chờ vào vận sức lao động
11 - cái xấu
may mà không chịu của mình
dựa vào chính sức -Những - sống dựa dẫm,
mình. người đánh trông chờ vào
cá khác người khác
Con chuột Phê phán những kẻ 1 - Chuột - tham lam, ngu - cái xấu x x
phát phì tham lam, ngu dốt dốt
12
để rồi tự chuốc họa
vào thân
Chuột và Phê phán những kẻ 2 - Chuột - thiếu hiểu biết - cái xấu x
ếch thiếu hiểu biết,
13 không phân biệt - Ếch
được việc nào nên,
việc nào không nên
36
làm.
Ếch, chuột Phê phán những kẻ 3 - Ếch - ngu dốt, sinh - cái xấu
và diều hâu ngu dốt, gây sự vô sự vô cớ - cái xấu x x
14 cớ với nhau để trở - Chuột - ngu dốt, sinh
thành miếng mồi sự vô cớ
ngon cho kẻ khác. -Diêu hâu - khôn ngoan
Chuột Khẳng định cuộc 2 -Chuột - thích cuộc - cái tốt
đồng và sống chỉ thực sự có đồng sống tự do - cái xấu
chuột nhà ý nghĩa khi con - cam chịu, x
người được tự do -Chuột nhà sống dựa dẫm
15
làm những điều vào người khác
mình thích, sống
dựa vào chính sức
lao động của mình.
Biển, sông - Khuyên con người 2 - Hai bác - một người - cái tốt x
và suối nên đánh giá mọi mu-gích khôn khéo - cái xấu
việc toàn diện, thấu - một người vội
16 đáo, chắc chắn vàng, hấp tấp
không nên vội vàng
đưa ra kết luận hoặc
nhận xét.
Đại bàng Phê phán những kẻ 2 -Đại bàng - suy nghĩ hạn - cái xấu
và Cáo suy nghĩ hạn hẹp, hẹp, chỉ nghĩ
chỉ biết nghĩ đến cái đến cái lợi - cái tốt x
17 lợi trước mắt mà trước mắt
không nghĩ đến hậu - Cáo - thông minh,
quả sau này. yêu thương con
cái

37
Mèo và Phê phán những kẻ 2 - Cáo - khoe khoang, - cái xấu
Cáo huênh hoang tự cho ngu dốt - cái tốt x
18 mình là nhất. - Mèo -khiêm tốn,
khôn ngoan

Khỉ và Cáo Phê phán những kẻ 2 - Khỉ - ngu dốt, cả tin - cái xấu
19 ngu dốt, cả tin. x
- Cáo - tinh ranh - cái tốt
Mèo đeo Phê phán những kẻ 3 -Chuột con - chỉ biết nói - cái xấu
nhạc chỉ biết nói mà mà không biết x
20 không biết làm. làm
- Chuột già
- Mèo
Sư tử và Giải thích về tiếng 2 - Lừa - ngốc nghếch - cái tốt
21 Lừa kêu của Lừa - Sư tử - khôn ngoan, - cái xấu x
xảo quyệt
Chó sói và Truyện khuyên con 2 - Chó sói - khôn ngoan, - cái tốt x
Cáo người trong mọi tỉnh táo - cái xấu
hoàn cảnh phải tỉnh - Cáo - tham lam, ích
22 táo, suy nghĩ kĩ kỉ
càng để lựa chọn
phương án giải
quyết hợp lí nhất.
Cáo và chó Phê phán những kẻ 2 - Cáo - khôn ngoan - cái tốt x
23 sói ngu dốt, thiếu hiểu - cái xấu
biết. - Chó sói - ngu dốt

38
Bác mu- Phê phán những kẻ 1 - Bác mu- - lười biếng - cái xấu
gich và lười biếng, chỉ gich x x
24 niềm hạnh muốn ngồi không
phúc hưởng thụ cuộc
sống sung sướng
Cô bé và Ca ngợi tình yêu 3 - Cô bé - hiền lành, tốt - cái tốt x x x
con ve thương động vật và bụng
25 hành động đẹp của - Bố cô bé x
cô bé - Con ve x
Rắn nước Phê phán những kẻ 2 -Rắn nước - hiền lành, tốt - cái tốt x
và nhím vong ơn bội nghĩa bụng - cái xấu x x x
26 - Nhím - vong ơn bội
nghĩa
Con quạ và Khuyên con người 1 - Con quạ - thông minh, - cái tốt x
cái bình phải biết nhanh nhanh nhẹn
27 nhen, ứng xử linh
hoạt trong mọi
trường hợp
Con chim Phê phán những kẻ 1 -Chim con - tham lam, chỉ - cái xấu x x
con tham lam chỉ nghĩ biết nghĩ đến
28 tới cái lợi trước mắt cái lợi trước
để rồi chuốc họa mắt
vào thân
Thằng nói Phê phán những kẻ 2 -Thằng bé - dối trá - cái xấu x x
dối gian dối,chuyên đi chăn cừu
29 lừa gạt lòng tin của
người khác - Các bác
mu-gích

39
Kiến và Khẳng định chân lý 2 - Bồ câu - tốt bụng - cái tốt x x
chim bồ ở hiền gặp lành, làm - cái tốt
30
câu điều tốt sẽ được trả - Kiến - sống có tình
ơn xứng đáng. có nghĩa
Quạ và đàn Phê phán những kẻ 2 - Quạ - ngu dốt, suy - cái xấu x x
bồ câu suy nghĩ nông cạn, nghĩ nông cạn. - cái tốt
31 không biết trân - Đàn bồ - đoàn kết, biết
trọng chính giống câu bảo vệ giống
nòi của mình nòi.
Rùa và đại Phê phán những kẻ 2 - Rùa - không biết tự - cái xấu x
bàng thiếu hiểu biết, lượng
32
không biết mình tự -Đại bàng
lượng sức mình
Lừa và Phê phán những kẻ 2 - Lừa - hiền lành - cái tốt x x x
Ngựa sống ích kỉ, chỉ biết - cái xấu
33
nghĩ đến bản thân - Ngựa - ích kỉ
mình
Sư tử và Khẳng định chân lý 2 - Chuột - khôn ngoan, - cái tốt x x
chuột ở hiền gặp lành, làm sống có tình có
34
điều tốt sẽ được trả nghĩa - cái tốt
ơn xứng đáng. - Sư tử - hiền lành
Mụ đàn bà Phê phán những kẻ 2 - Mụ đàn - tham lam, ngu - cái xấu x
và con gà tham lam, ngu dốt bà dốt
mái chỉ nghĩ tới cái lợi
35
trước mắt mà không - Gà mái
nghĩ đến hậu quả
sau này

40
Gà mái và Phê phán những kẻ 2 -Người chủ - tham lam, ngu - cái xấu x
những quả tham lam, ngu dốt dốt
trứng vàng chỉ nghĩ tới cái lợi - Gà mái
36
trước mắt mà không
nghĩ đến hậu quả
sau này
Chó, gà Phê phán những kẻ 3 - Cáo - giả dối - cái xấu x
trống và sống giả dối
Cáo - Gà trống - khôn ngoan - cái tốt
37
- Chó nhà
- cái tốt

Chồn hôi Phê phán những kẻ 1 - Chồn - ngu dốt - cái xấu x x
38 ngu dốt tự làm hại
chính mình
Sư tử, gấu Phê phán những kẻ 3 - Sư tử -tham lam, ngu - cái xấu
và cáo ngu dốt, gây sự vô dốt x
39 cớ với nhau để trở - Gấu -tham lam, ngu - cái xấu
thành miếng mồi dốt
- cái tốt
ngon cho kẻ khác - Cáo - khôn ngoan
Chó sói và Phê phán những kẻ 2 - Chó sói - cả tin, lười - cái xấu x x
bà cụ già lười biếng, chỉ biếng
40 trông chờ vào người - Bà cụ già
khác

Chuồn Phê phán những kẻ 2 - Họ nhà - chăm chỉ - cái tốt x


41 chuồn và lười biếng, chỉ kiến
kiến muốn hưởng thụ -Chuồn - lười biếng
41
chuồn - cái xấu

Ếch và sư Phê phán những kẻ 2 - Ếch - huênh hoang, - cái xấu x


tử huênh hoang, tự cho không biết tự
42 mình là nhất lượng sức mình

- Sư tử
Sói và Sếu Phê phán những kẻ 2 - Sói - vong ơn bội - cái xấu x
vong ơn bội nghĩa nghĩa
43 - Sếu - tốt bụng - cái tốt

Những chị Phê phán những kẻ 2 - Chị làm - ngu dốt, chỉ - cái xấu x
làm công ngu dốt chỉ nghĩ tới công nghĩ tới cái lợi
44 và con gà cái lợi trước mắt mà trước mắt
trống không nghĩ đến hậu - Gà trống
quả sau này
Con chó và Phê phán những kẻ 1 - Con chó -tham lam, ngu - cái xấu x x
45 cái bóng tham lam, ngu dốt, dốt
của nó thiếu hiểu biết
Hươu bố Truyện khuyên 2 - Hươu bố - bề ngoài to - cái xấu x
và hươu chúng ta không nên khỏe nhưng
con dựa vào hình thức nhát gan
46
bên ngoài để đánh - Hươu con
giá, nhận xét một sự
việc
Con cáo và Phê phán những kẻ 1 - Con cáo - hèn nhát, giả - cái xấu x
47 chùm nho sức lực có hạn tạo
không thể đạt được

42
điều mình muốn
nhưng lại làm bộ
coi như nó không
xứng đáng để cố
gắng.
Gà mái và Truyện phê phán 2 - Gà mái - ngu dốt, thiếu x
chim én những kẻ ngu dốt, hiểu biết
48 không phân biệt - Chim én - khôn ngoan
được việc nào nên
làm, việc nào không
Lừa đội lốt Phê phán những kẻ 1 - Lừa - giả dối - cái xấu x
sư tử sống giả dối, sống
49
dưới cái bóng của
người khác
Người làm Khẳng định cuộc 2 -Người - thông minh, - cái tốt x x
vườn và sống của con người làm vườn khéo léo, yêu
các con trai chỉ trở nên tốt đẹp lao động
50
hơn khi biết sống - Các con
dựa vào chính sức trai
lao động của mình
Cáo và Dê Phê phán những kẻ 2 - Dê - ngu dốt, suy - cái xấu x
51 ngu dốt, suy nghĩ nghĩ nông cạn
nông cạn - Cáo - tinh ranh
Sếu và Cò Phê phán những kẻ 3 - Cò - dám làm - cái xấu x
làm việc sai trái không dám
nhưng còn cố bao chịu
52
biện cho việc làm - Bác mu- - thông minh
của mình. gích
- Sếu
43
Người Khuyên con người 2 -Người -tỉnh táo, không - cái tốt x
đánh cá và không nên sống đánh cá tham lam
53 con cá con tham lam
- Con cá
con
Thỏ và Ếch Khuyên con người 2 - Họ nhà - bi quan, tự ti - cái xấu x
không nên bi quan, thỏ
54 tự ti về bản thân - Ếch
mình

Người cha Khuyên răn anh em 2 -Người cha - khéo léo, tế - cái tốt x x
và các con trong gia đình phải nhị
55
trai biết sống hòa thuận, - Các con
đoàn kết với nhau trai
Con cáo Phê phán những kẻ 1 - Cáo - ích kỉ - cái xấu x
56 sống ích kỉ, chỉ biết
nghĩ đến bản thân
Muỗi và sư Phê phán những kẻ 3 - Muỗi -khoe khoang, - cái xấu x
tử huênh hoang, không huênh hoang
57 biết tự lượng sức - Sư tử
mình tự cho mình là - Nhện
nhất
Chó nhà và Phê phán những kẻ 2 - Chó sói - ngu dốt, cả tin - cái xấu x
chó sói ngu dốt, dễ tin lời
58
người khác - Chó nhà - khôn ngoan, - cái tốt
nhanh trí
Lừa rừng Khẳng định cuộc 2 -Lừa rừng - thích sự tự do - cái tốt x
59 và lừa nhà sống của con người - cái xấu
chỉ thực sự có ý - Lừa nhà -sống cam chịu,
44
nghĩa khi con người phụ thuộc
được tự do
Ngựa và Phê phán những kẻ 4 - Ngựa - lười biếng, - cái xấu x
người chủ lười biếng, chỉ không biết quý
muốn hưởng thụ, trọng những cái
không biết quý mình đang có
trọng những gì - Bác làm
60 mình đang có vườn
-Người thợ
gốm
-Người thợ
da
Chó sói và Phê phán những kẻ 2 - Chó sói - giả dối, ích kỉ - cái xấu x
dê sống giả dối, ích kỉ,
61
chỉ biết nghĩ đến - Dê - khôn ngoan, - cái tốt
bản thân mình nhanh trí
Con hươu Khuyên con người 2 - Hươu - ngu dốt, nhìn - cái xấu x
không nên nhìn vấn nhận vấn đề
đề một cách phiến phiến diện
diện, cảm tính, đôi - Sư tử
62 khi những cái xấu
xí mà chúng ta
không thích lại trở
nên có ích

Hươu và Phê phán những kẻ 2 - Hươu - vô ơn - cái xấu x x


63 ruộng nho sống vong ơn bội - Người đi
nghĩa săn

45
Ông già và Phê phán những kẻ 2 - Ông già - nhát gan, dám - cái xấu x x
thần chết nhát gan, nói được nói nhưng x
64
không làm được không dám làm
- Thần chết
Sư tử và Phê phán những kẻ 2 - Sư tử - giả tạo - cái xấu x
cáo sống giả tạo, - cái tốt
65
chuyên lừa gạt - Cáo - khôn ngoan
người khác
Mèo và lũ Phê phán những kẻ 2 - Mèo - giả tạo - cái xấu x
66 chuột sống giả tạo, dối trá - cái tốt
-Lũ chuột - khôn ngoan
Quạ và Phê phán những kẻ 2 - Quạ - ngu dốt, ưa - cái xấu x
67 Cáo ngu dốt, ưa nịnh nọt nịnh nọt - cái tốt
- Cáo - tinh ranh
Hai người Phê phán hành động 2 -Hai người - một người - cái tốt x x
bạn bỏ bạn bè trong lúc bạn nhanh trí, khôn
68 khó khăn khéo - cái xấu
- một người ích
kỉ
Bác mu- Phê phán những kẻ 3 - Hai bác - một người - cái tốt x
gich và tham lam, giả dối mu-gich hiền lành, thật
thủy thần thà - cái xấu
- một người
69
tham lam, giả
dối
-Thủy thần x

70 Chó sói và Phê phán những kẻ 2 - Chó sói - độc ác, sinh - cái xấu x

46
chú cừu sinh sự vô cớ, cậy sự vô cớ - cái tốt
non mạnh bắt nạt yếu - Cừu non - ngoan ngoãn,
hiền lành
Sư tử, chó Phê phán những kẻ 3 - Sói - đặt điều, nịnh - cái xấu x
sói và cáo hay mách lẻo, đặt bợ - cái tốt
71
điều nói xấu người - Cáo - nhanh trí
khác - Sư tử
Cây sậy và Phê phán những kẻ 2 - Cây sậy - khéo léo, biết - cái tốt x x
cây ô-liu huênh hoang, tự cho thích nghi với
72 mình là nhất hoàn cảnh - cái xấu
- Cây ô-liu - tự cao, tự đại x
Mèo và Phê phán những kẻ 4 - Mèo - hiền lành, - cái tốt x x
cừu ngu dốt, bắt chước ngoan ngoãn
một cách máy móc - Cừu - ngu dốt, bắt - cái xấu
mà không hiểu bản chước một cách
chất máy móc mà
không hiểu bản
73
chất
- Bác mu-
gích
- Con trai
bác mu-
gích
Sư tử, lừa Phê phán những kẻ 3 - Lừa - ngu ngốc - cái xấu x
và cáo cậy mạnh bắt nạt - Cáo -tinh ranh, khôn - cái tốt
74 yếu đồng thời khéo - cái xấu
truyện cũng khuyên - Sư tử - cậy mạnh bắt
con người nên ứng nạt yếu
47
xử linh hoạt trong
từng hoàn cảnh
Con thỏ Phê phán những kẻ 2 - Thỏ - tính toán quá - cái xấu x
tính toán quá mức mức để rồi tự
75 để cuối cùng tự chuốc họa vào
chuốc họa vào thân thân
- Sói
Cun cút mẹ Truyện khẳng định 2 - Cun cút - khôn ngoan - cái tốt x
và đàn con chỉ khi con người mẹ
dựa vào chính sức - Cun cút
76 lao động của mình con
thì khi đó mọi công
việc mới được thực
hiện và hoàn thành
Thỏ và rùa Phê phán những kẻ 2 - Rùa - hiền lành, - cái tốt x x
kiêu ngạo, tự cao, khiêm tốn
77 tự đại - Thỏ - kiêu căng, - cái xấu
ngạo mạn

Con công Phê phán những 2 -Con công - đẹp, sặc sỡ - cái xấu x x
đứng đầu nhưng nhưng thiếu
78
ngu dốt, thiếu hiểu hiểu biết
biết - Ác là x
Gấu và ong Phê phán những kẻ 2 - Gấu - tham lam - cái xấu x
tham lam, chỉ nghĩ
79 đến cái lợi trước - Ong - đoàn kết - cái tốt
mắt để tự chuốc họa
vào thân

48
Ong mật Phê phán những kẻ 3 - Ong mật - chăm chỉ - cái tốt x
và ong đực lười biếng, chỉ
muốn sống dựa dẫm - Ong đực - lười biếng - cái xấu
80
vào người khác
- Ong vò - khôn khéo
vẽ - cái tốt
Công và Khẳng định cái đẹp 2 - Công - chuộng hình - cái xấu x x
sếu không phải ở hình thức - cái tốt
81 thức bên ngoài mà - Sếu - đề cao vẻ đẹp
nó thể hiện trong tâm hồn
tâm hồn
Chim cun Phê phán những 2 -Chim cun - ích kỉ, chỉ - cái xấu x x
cút và người sống ích kỉ, cút nghĩ đến bản
82 người săn chỉ nghĩ đến bản thân
thân mình -Người thợ
săn
Chim sẻ Truyện khuyên con 2 - Chim sẻ - quan tâm đến - cái tốt x
người hãy biết lắng mọi người
83 nghe ý kiến, góp ý
của những người - Họ nhà
xung quanh chim
Diều hâu Phê phán những kẻ 2 -Diều hâu - tinh ranh x
và chim bồ ưa nịnh nọt, ham hư - cái xấu
84
câu vinh - Bồ câu - ham hư vinh

49
Người chủ Phê phán những kẻ 3 - Bác làm - thông minh - cái tốt
và bác làm thiếu ý thức, sống công - cái tốt x
85 công ích kỉ - Bà lão - biết sống vì x
người khác
-Người chủ
Cái bình Phê phán những kẻ 2 - Bình đất - không biết tự - cái xấu x x
đất và cái kiêu căng không lượng sức mình - cái tốt
86
âu gang biết tự lượng sức - Âu gang - khôn khéo x
mình
Con dơi Giải thích về đặc 1 - Con dơi x x
87
điểm của con dơi
Lão keo Phê phán những kẻ 3 - Lão keo - tham lam - cái xấu x
kiệt tham lam, keo kiệt kiệt
-Anh làm
88
công
-Người
hàng xóm
Bác mu- Phê phán những kẻ 2 - Bác mu- - tốt bụng - cái tốt x
89 gich và con vong ơn bội nghĩa gich - cái xấu
chó - Con chó - vô ơn
Con chó
Phê phán những kẻ 1 - Con chó - ngu dốt, thiếu - cái xấu x
90 đeo khúc ngu dốt, thiếu hiểu hiểu biết
gậy biết
Bác chăn Phê phán những kẻ 2 -Bác chăn - ham vật chất - cái xấu x
91 cừu tham lam coi đồng cừu
tiền hơn tất cả - Bầy sói
Chó nằm Phê phán những kẻ 2 - Con chó - ích kỉ - cái xấu x
92 trên đống tham lam, ích kỉ, - Bò cái
cỏ khô chỉ biết nghĩ đến
50
bản thân
Sói và Truyện khuyên con 2 - Sói - khôn ngoan - cái tốt
khúc người nên ứng xử -Lũ chó x
xương linh hoạt, nhanh con
93 nhẹn và đánh giá
đúng bản thân mình
trong mọi trường
hợp
Con chó và Truyện khuyên con 2 - Con chó - khôn ngoan, - cái tốt
thằng ăn người nên xem xét biết phân biệt x
trộm sự việc một cách tốt xấu, đúng
94
toàn diện để có thể sai
phân biệt rõ đúng - Thắng ăn
sai, tốt xấu trộm - cái xấu
Sói và Phê phán những kẻ 2 - Sói - dối trá, gian - cái xấu x
ngựa cái giả nhân, giả nghĩa xảo
95
-Ngựa cái - khôn ngoan, - cái tốt
nhanh trí
Cáo và sói Truyện khuyên con 2 - Sói - khôn ngoan, - cái tốt
người không nên suy nghĩ thấu
chủ quan, làm việc đáo - cái xấu
96
gì cũng phải suy - Cáo - chủ quan, suy
nghĩ trước sau nghĩ nông cạn

Hươu và Phê phán những kẻ 3 - Ngựa -suy nghĩ nông - cái xấu x
ngựa suy nghĩ nông cạn, cạn
97
chỉ nghĩ tới cái lợi - Hươu
trước mắt - Người

51
Hai con Phê phán những kẻ 2 - Hai con - một con suy - cái xấu x
ếch suy nghĩ nông cạn ếch nghĩ nông cạn
- một con suy - cái tốt
98
nghĩ thấu đáo,
tính toán trước
sau
Sói cái và Phê phán những kẻ 2 - Sói cái - vô ơn - cái xấu x
99 lợn vong ơn bội nghĩa
- Lợn - tốt bụng - cái tốt
Bò đực và Phê phán những kẻ 3 - Ếch mẹ -huênh hoang, - cái xấu
ếch ngu dốt, huênh ngu dốt x
100 hoang, tự cho mình - Ếch con
là nhất để cuối cùng - Bò đực
tự hại mình
Họ nhà ếch Phê phán những kẻ 2 - Ếch - tham lam, - cái xấu
xin cho tham lam, không không biết quý x
101 chúng một biết quý trọng, bằng trọng những cái
ông vua lòng với những cái mình đang có
mình đang có - Con diệc x
Người lái Truyện khuyên con 3 -Người lái - thông minh, - cái tốt x
buôn và người cần suy xét buôn nhanh trí x
hai tên ăn mọi việc một cách - Hai tên - cái xấu
102
cắp kĩ lưỡng, ứng xử ăn cắp
linh hoạt trong mọi
trường hợp
Mặt trời và Truyện khuyên 2 - Mặt trời - mạnh mẽ - cái tốt x x
103 gió chúng ta không nên - Gió - kiêu căng - cái xấu x
kiêu căng, phải

52
đánh giá đúng năng
lực của bản thân.

53
PHỤ LỤC 2

Nội dung
Nhân vật xuất hiện nhiều nhất Nhân vật xuất hiện ít nhất
Tổng Tổng
Đặc số lần Đặc số lần
Tên truyện Tên truyện
điểm xuất điểm xuất
Nhân vật hiện hiện
- Cáo và sếu
- tinh - Gà rừng và cáo
ranh, - Khỉ và cáo
khôn - Cáo và chó sói
ngoan - Sư tử, gấu và cáo 12
- Cáo và dê
Cáo - Con cáo
- Sư tử và cáo
- Quạ và cáo
- Sử tử, chó sói và
cáo
- Sư tử, lừa và cáo
- Đại bàng và cáo

- tham - Chó sói và cáo 1


lam
- hèn - Con cáo và chùm 1
nhát, giả nho
tạo
- ngu - Chó, gà trống và 1
dốt, cả cáo
tin
- tự cao, - Mèo và cáo 1
huênh
hoang
-thiếu - Cáo và sói 1
hiểu biết,
chủ quan
Cô bé - hiền - Cô bé và con 1
lành, ve
ngoan
ngoãn,

54
yêu
thương
động vật.
Rắn nước - hiền - Rắn nước và 1
lành, tốt nhím
bụng.
Nhím - vong - Rắn nước và 1
ơn bội nhím
nghĩa
- ngu - Chồn hôi 1
Con chồn dốt, thiếu
hiểu biết,
tự làm
hại chính
bản thân
mình
Ông già - nhát - Ông già và 1
gan, dám thần chết
nói
nhưng
không
dám làm
Cây sậy -khôn - Cây sậy và cây 1
khéo, ô-liu
biết thích
nghi với
hoàn
cảnh
Cây ô-liu - tự cao, - Cây sậy và cây 1
tự đại ô-liu
Bà lão - tốt - Người chủ và 1
bụng, bác làm công
sống vì
mọi
người
Cái bình - không - Cái bình đất và 1
đất biết tự cái âu gang
lượng
sức mình
Cái âu - khôn - Cái bình đất và 1
gang khéo cái âu gang

55
Người lái -thông - Người lái buôn 1
buôn minh, và hai tên ăn cắp
nhanh trí
Gió - kiêu - Mặt trời và gió 1
căng,
không
biết tự
lượng
sức mình
Mặt trời - mạnh - Mặt trời và gió 1
mẽ

56
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Văn học.
2. Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Kim Đính...(2006), Lịch sử văn học Nga
(tái bản lần thứ năm), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Đỗ Đức Hiểu...(2004), Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế giới.
4. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1962), Văn học dân gian Việt Nam,
Nxb Giáo dục.
5. Nguyễn Văn Ngọc (1986), Đông Tây ngụ ngôn, Nxb Giáo dục.
6. Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân, Lý Hữu Tấn,
Hoàng Tiến Tựu, Đỗ Bình Trị, Lê Trí Viễn (1987), Lịch sử văn học Việt
Nam (tập 1), Nxb Giáo dục.
7. Trần Đình Sử (chủ biên) (2002), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo
dục.
8. Lep Tônxtôi (1999), Kiến và chim bồ câu truyện ngụ ngôn, Thúy Toàn
dịch, Nxb Văn học.

57

You might also like