You are on page 1of 20

CÔNG TY TNHH MUA BÁN NỢ VIỆT NAM

BAN KẾ HOẠCH, HỢP TÁC VÀ THỊ TRƯỜNG


---o0o---

BÁO CÁO TỔNG HỢP, NGHIÊN CỨU VÀ ĐÁNH GIÁ


SƠ BỘ NGÀNH ĐIỆN GIÓ VIỆT NAM

HÀ NỘI – 8/2023
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU ...................................................................................................... 1
I. Tổng quan về ngành điện gió .......................................................................... 2
1. Lịch sử và sự phát triển ban đầu của ngành điện gió tại Việt Nam ....... 2
1.1. Định nghĩa điện gió .............................................................................. 2
1.2. Sự phát triển ban đầu của ngành điện gió ........................................ 2
2. Xu hướng và tình hình hiện tại của thị trường điện gió Việt Nam ........ 2
2.1. Sự gia tăng nhanh chóng các dự án điện gió tại Việt Nam .............. 2
2.2. Các thành tựu về NLTT và dự án điện gió quan trọng tại Việt Nam
....................................................................................................................... 3
2.3. Các dự án điện gió mới và xu hướng phát triển của điện gió ngoài
khơi tại Việt Nam ........................................................................................ 4
3. Quy định và chính sách hỗ trợ ngành điện gió ......................................... 5
4. Những thách thức đối với thị trường điện gió .......................................... 7
II. Đánh giá tiềm năng đầu tư vào ngành điện gió ở Việt Nam ...................... 8
1. Đánh giá tiềm năng tài nguyên gió của Việt Nam .................................... 8
2. Sản lượng điện sản xuất theo nguồn và xu hướng cơ cấu nguồn điện ... 9
3. Chi phí vốn và xu hướng đầu tư ngành năng lượng điện gió ............... 11
4. Đánh giá rủi ro liên quan đến đầu tư ...................................................... 12
III. Tình hình kinh doanh một số doanh nghiệp điện gió tại Việt Nam....... 13
IV. Một số khuyến nghị đối với hoạt động mua bán nợ của DATC ............. 16
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................ 18
LỜI MỞ ĐẦU
Trong thời đại hiện nay, nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng cao và việc
chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Ngành
năng lượng tái tạo (NLTT) nổi lên như một lĩnh vực quan trọng trong việc đáp
ứng nhu cầu này. Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy
điện và nhiều nguồn khác đang được khai thác và phát triển trên toàn cầu.
Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió đã nhanh chóng trở thành
một lĩnh vực quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững của ngành
công nghiệp năng lượng Việt Nam. Điện gió không chỉ mang lại lợi ích về môi
trường, giảm lượng khí thải carbon, mà còn có tiềm năng kinh tế lớn. Việt Nam
cũng không nằm ngoài xu hướng này, với tiềm năng và điều kiện tự nhiên thuận
lợi cho phát triển điện gió.
Tuy nhiên, trong việc đưa ra quyết định mua bán nợ, Công ty Mua bán nợ
Việt Nam (DATC) cần có cái nhìn toàn diện về ngành điện gió, hiểu rõ đặc điểm
và tiềm năng của ngành. Việc nghiên cứu và phân tích về ngành điện gió sẽ cung
cấp cho DATC những thông tin quan trọng để có đánh giá toàn diện về ngành
cũng như nhu cầu tham gia mua bán nợ trong lĩnh vực này. Theo đó, Báo cáo này
tập trung vào việc phân tích về tiềm năng phát triển cùng với việc đánh giá lợi
nhuận và rủi ro đầu tư ngành điện gió tại Việt Nam. Các yếu tố này sẽ được xem
xét để đưa ra những nhận định và khuyến nghị đối với quyết định mua bán nợ của
DATC.
Kết cấu Báo cáo gồm các phần chính như sau:
I. Tổng quan về ngành điện gió
II. Đánh giá tiềm năng đầu tư vào ngành điện gió ở Việt Nam
III. Tình hình kinh doanh một số doanh nghiệp điện gió tại Việt Nam
IV. Một số khuyến nghị đối với hoạt động mua bán nợ của DATC

1
I. Tổng quan về ngành điện gió
1. Lịch sử và sự phát triển ban đầu của ngành điện gió tại Việt Nam
1.1. Định nghĩa điện gió
Gió là một dạng năng lượng được sinh ra nhờ vào sự chuyển động của luồng
không khí từ vùng áp suất cao đến vùng áp suất thấp trong bầu khí quyển. Điện gió
được hiểu một cách đơn giản là điện năng được sinh ra từ gió. Về cơ bản, việc gió
thổi vào các cánh quạt của tuabin và làm chúng xoay quanh một rotor1 sẽ khiến cho
quá trình biến đổi năng lượng diễn ra bởi trục quay của tuabin được kết nối với máy
phát điện. Khi đó năng lượng điện được tạo ra và truyền tải qua điện từ học.
1.2. Sự phát triển ban đầu của ngành điện gió
Điện gió không phải một phát minh đơn lẻ mà là kết quả của sự kết hợp giữa
nhiều phát minh và phát triển công nghệ từ nhiều nhà sáng chế trong suốt hàng
thế kỷ từ những năm 1800. Định nghĩa “cánh quạt điện gió” lần đầu tiên xuất hiện
vào những năm 1880 khi Charles F. Brush (1849 - 1929) sử dụng cánh quạt để
chuyển đổi năng lượng gió thành năng lượng điện. Cánh quạt điện gió của ông
được lắp đặt trên trạm phát điện gió đầu tiên tại Ohio, Mỹ vào năm 1888. Tiếp
sau đó là các phát minh như: Cánh quạt xoay ngang vào năm 1890 bởi Poul la
Cour (1846 - 1908) ứng dụng cho việc sử dụng điện gió để cung cấp năng lượng
cho hệ thông máy bơm nước và máy phát điện ở nông thôn; Động cơ điện gió vào
khoảng những năm 1940 đến 1950 giúp tăng hiệu suất và khả năng cung cấp năng
lượng cho các hệ thống điện gió; Cánh quạt biến thiên trong những năm 1980 cho
phép tùy chỉnh góc tấn công của cánh quạt để tận dụng tối đa sức gió và tăng hiệu
suất hệ thống điện gió.
Hiện nay, công nghệ điều khiển và lưu trữ năng lượng đã và đang được
nghiên cứu phát triển để tối ưu hóa hoạt động của các trạm điện gió. Trong thời
gian từ ngày 01/01/2006 đến ngày 13/4/2020, đã có 56.879 tài liệu sáng chế được
tìm thấy trong lĩnh vực năng lượng gió trên toàn cầu, trong đó có 39,2% sáng chế
đã được cấp bằng2. Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu là các quốc gia, khu
vực đứng đầu trong công nghệ năng lượng gió với số lượng đơn bảo hộ sáng chế
nhiều nhất trong lĩnh vực này. Cũng theo đó, Việt Nam có 77 đơn sáng chế liên
quan đến lĩnh vực năng lượng gió.
2. Xu hướng và tình hình hiện tại của thị trường điện gió Việt Nam
2.1. Sự gia tăng nhanh chóng các dự án điện gió tại Việt Nam
Giai đoạn những năm 1900 cũng là thời điểm tiềm năng của ngành điện gió
bắt đầu được nghiên cứu và khảo sát tại Việt Nam. Nhà máy điện gió Tuy Phong
1, tỉnh Bình Thuận, nay gọi là Điện gió Bình Thạnh là dự án điện gió đầu tiên
chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam từ ngày 18/04/2012. Tính đến nay, đã
có nhiều dự án được thi công xây dựng và đi vào hoạt động. Trong đó dự án lớn
nhất đã đi vào hoạt động là Trung Nam Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận với công

1
Là phần quay của hệ thống điện từ trong máy phát điện.
2
Tra cứu theo phân loại sáng chế quốc tế (IPC).
2
suất 152 MW3 đi vào hoạt động từ năm 2019, dự án nhỏ nhất là Nhà máy Điện
gió Phú Quý với công suất 6 MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia)
trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động từ năm 2012. Cũng trong
giai đoạn này, thị trường năng lượng Việt Nam chứng kiến sự gia tăng nhanh
chóng về công suất và lượng điện gió sản xuất của các nhà máy. Tính đến cuối
năm 2021, hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng
công suất 3.980,27 MW được công nhận vận hành thương mại.
2.2. Các thành tựu về NLTT và dự án điện gió quan trọng tại Việt Nam
Trên những tài liệu thống kê về năng lượng tái tạo trên thế giới trong những
năm gần đây, Việt Nam được đánh giá khả quan về những thành tựu liên quan
đến NLTT. Trong báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA)4 năm
2018, Việt Nam được xác định là một trong các quốc gia có tăng trưởng nhanh
nhất về công suất điện năng lượng tái tạo. Năm 2019, Việt Nam tiếp tục được
IRENA công nhận là một trong những quốc gia có tăng trưởng năng lượng tái tạo
nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đáng chú ý. Cũng theo
IRENA, trong Báo cáo Thống kê Năng lượng Tái tạo Toàn cầu 2020, Việt Nam
được liệt kê là một trong số các quốc gia có sự gia tăng đáng kể về công suất điện
năng lượng tái tạo. Theo thống kê của Global Economy năm 2020, Việt Nam nằm
trong danh sách 20 nước có công suất điện NLTT lớn nhất thế giới mà đứng đầu
danh sách này là Trung Quốc và Mỹ. Những thống kê trong giai đoạn này cho
thấy Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ đáng kể trong việc phát triển và tăng cường
năng lượng tái tạo. Hình sau thể hiện danh sách các doanh nghiệp phát triển NLTT
theo công suất lớn nhất Việt Nam tính đến tháng 6 năm 20225.
Hình 1. Danh sách 10 doanh nghiệp phát triển NLTT theo công suất
lớn nhất Việt Nam tính đến tháng 06/2022
Đơn vị: MW/%

Nguồn: IEEFA, VNDirect Research (2022)

3
Megawatt: Đơn vị công suất điện
4
IRENA (International Renewable Energy Agency) là tổ chức tư vấn và thực hiện các hoạt động liên quan đến
phát triển và sử dụng các nguồn NLTT trên toàn cầu.
5
Bao gồm tổng công suất của các nhà máy đang được xây dựng.
3
Nhìn vào sản lượng điện gió, có thể thấy ba công ty đang dẫn đầu trong sản
xuất điện gió với tổng công suất lớn nhất hiện nay (bao gồm cả công suất nhà máy
đang được xây dựng) lần lượt là Trung Nam Group (TNG), Công ty CP Cơ điện
lạnh (REE) và Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công (TTC). Trong đó, TTC đẩy
mạnh đầu tư thông qua việc góp vốn vào công ty năng lượng, với tổng công suất
của các dự án điện gió khoảng 90MW. REE sở hữu ba dự án vận hành thương mại
(COD) từ tháng 10/2021 bao gồm các nhà máy điện gió Trà Vinh số 3, Phú Lạc
2, Lợi Hải 2 với tổng sản lượng điện theo thiết kế là 328 triệu kWh6/năm. Trung
Nam Group hiện đang sở hữu 4 nhà máy điện gió với tổng công suất 698.15 MW.
Trong đó, dự án điện gió Ea Nam tại Daklak là dự án điện gió lớn nhất Đông Nam
Á trên một lần thi công triển khai với công suất 400 MW và quy mô 84 tuabin,
sau khi hoàn thành sẽ là dự án nhà máy điện gió trên bờ có công suất lớn nhất Việt
Nam. Đây cũng là dự án năng lượng điện tái tạo có công suất đứng thứ 5 tại Việt
Nam, khởi công xây dựng vào năm 20217.
2.3. Các dự án điện gió mới và xu hướng phát triển của điện gió ngoài
khơi tại Việt Nam
Theo Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC)8, khu vực châu Á chiếm
59% các cơ sở lắp đặt điện gió mới vào năm 2021. Đây cũng là năm tổ chức hội
nghị thượng đỉnh COP269, với hàng loạt cam kết của các quốc gia, trong đó có Việt
Nam, trong việc đạt mục tiêu đưa mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm
2050. Theo Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN, Việt Nam được xếp
trong hàng ngũ các quốc gia có nhiều trang trại điện gió mới nhất trong năm 2021.
Hình 2. Các nước đứng đầu trên thế giới
về công suất điện gió mới được lắp đặt năm 2021
Đơn vị: GW10

Nguồn: Báo cáo hàng năm của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (2021)

6
Kilowatt giờ: Đơn vị năng lượng
7
Số liệu theo IEEFA tính đến tháng 06/2022.
8
GWEC (Global Wind Energy Council) là tổ chức quốc tế đại diện cho ngành công nghiệp điện gió toàn cầu.
9
COP26 (Conference of the Parties 26) là Hội nghị các bên thuộc Nền tảng Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu.
10
Gigawatt: Đơn vị công suất điện (1GW = 1.000MW)
4
Cũng theo báo cáo trên, Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia có các công ty điện
lực gấp rút xây dựng các tuabin gió, vẫn là thị trường lớn nhất cả về số lượng và
công suất điện. Tuy nhiên, Việt Nam đã leo lên top 5 các nước có công suất điện
gió mới được lắp đặt vào năm 2021, xếp ở vị trí thứ 3 về lắp đặt điện gió ngoài
khơi và thứ 4 về lắp đặt trên bờ. Trong khi một năm trước đó, Việt Nam từng
không thể lọt vào top 10 quốc gia đầu tư lắp đặt điện gió lớn nhất thế giới. Xét
riêng điện gió ngoài khơi11, đến năm 2022 thế giới có 57,6 GW điện gió ngoài
khơi được lắp đặt, trong đó đứng đầu là Trung Quốc (25,6 GW) chiếm 44%, UK
(13,6 GW), Đức (8 GW), Hà Lan (3 GW). Số lượng các dự án điện gió ngoài khơi
phát triển nhanh từ năm 2021. Năm 2022, Trung Quốc chiếm 2/3 điện gió ngoài
khơi, lắp đặt 6,8 GW trong 9,4 GW điện gió ngoài khơi trên toàn cầu. Theo dự
báo của IRENA, tốc độ lắp đặt điện tái tạo hàng năm hiện nay đối với điện gió/năm
là 109 GW/năm, năm 2030 là 300 GW/năm, năm 2050 là 360 GW/năm. Tỷ trọng
đóng góp hiện nay của cả điện gió và điện mặt trời trong tổng nguồn điện là 25%
điện tái tạo, năm 2030 sẽ là 57%, năm 2050 sẽ là 86%.
Đi cùng với xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới, điện gió
ngoài khơi đang được đánh giá là một trong những giải pháp đột phá với những
lợi ích không hề nhỏ. Thứ nhất, điện gió ngoài khơi, cũng như năng lượng tái tạo
được coi là giải pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ
thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà
kính. Thứ hai, các giai đoạn như chuẩn bị, xây dựng và tháo dỡ, … sẽ tạo thêm
hàng trăm nghìn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và
cải thiện đời sống của người dân. Khi các nhà máy điện gió ngoài khơi đi vào hoạt
động tạo thêm việc làm chất lượng cao từ nguồn nhân lực trong nước. Đặc biệt,
cấu trúc móng dưới nước của các tua bin gió ngoài khơi có thể hoạt động như các
rạn san hô nhân tạo, thu hút một số loài nhuyễn thể và cá nhỏ, tác động trực tiếp
đến chuỗi thức ăn của các loài sinh vật lớn. Hệ sinh thái biển sẽ dần được phục
hồi và trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, kéo theo tiềm năng du lịch không hề
nhỏ. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về tài nguyên gió ngoài khơi, cùng với các
chính sách hỗ trợ phát triển ngành điện gió nói chung và ngành điện gió ngoài
khơi nói riêng từ phía Chính phủ. Hứa hẹn rằng điện gió ngoài khơi sẽ trở thành
một nguồn điện quy mô lớn, sạch và đáng tin cậy, đồng thời mang lại nhiều lợi
ích kinh tế. Chi tiết về tiềm năng tài nguyên gió ngoài khơi và các chính sách hỗ
trợ của Chính phủ sẽ được trình bày trong những phần sau của Báo cáo này.
3. Quy định và chính sách hỗ trợ ngành điện gió
Với định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững, phù hợp với những
cam kết quốc tế, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính
sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng
lượng gió, cụ thể:
- Ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-
TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm
11
Điện gió ngoài khơi là một hình thức phát điện khai thác sức gió ngoài biển, biến thành điện năng và cung cấp
cho mạng lưới truyền tải điện trên bờ
5
2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về định hướng phát triển nguồn điện gió, đưa tỷ
lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện gió trong tổng sản lượng điện sản xuất lên
khoảng 5% vào năm 2050. Nội dung Quyết định cũng đưa ra chính sách giá điện
và bảo đảm đầu tư cùng các ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế thu
nhập doanh nghiệp, hạ tầng đất đai, ... nhằm thúc đẩy phát triển thị trường NLTT.
- Ngày 29/6/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
37/2011/QĐ-TTg được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện
gió tại Việt Nam. Tại đây quy định toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà
máy điện gió nối lưới sẽ được mua lại bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
hoặc đơn vị trực thuộc được ủy quyền. Các dự án điện gió được hưởng biểu giá
điện hỗ trợ (giá FIT). Giá điện nối lưới được tăng từ 1.614 đồng/kWh lên 1.928
đồng/kWh đối với điện gió trong đất liền và 2.223 đồng/kWh đối với điện gió trên
biển12. Ngoài ra các dự án điện gió cũng được hưởng những ưu đãi về vốn đầu tư,
thuế, phí, hạ tầng đất đai, ... như các dự án NLTT khác theo Quyết định 2068/QĐ-
TTg.
- Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược Phát triển bền
vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành bởi
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã đưa ra các đột
phá về phát triển kinh tế biển, trong nội dung phát triển các ngành kinh tế biển có
nhấn mạnh về “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”.
- Ngày 11/2/2020, Bộ chính trị ra Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2045, với nội dung: “… Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột
phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược
biển Việt Nam”.
- Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ-
TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 (hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII). Trong đó nêu rõ ưu tiên
phát triển nguồn điện NLTT và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Ngoài
ra Quy hoạch điện VIII còn đề cập việc phát triển 2 trung tâm công nghiệp và dịch
vụ năng lượng tái tạo liên vùng, chủ yếu là điện gió ngoài khơi đến năm 2030 tại
các khu vực như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
Trong giai đoạn hơn hai thập kỷ vừa qua, một hệ thống các cơ chế, chính
sách cho phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió đã được xây
dựng và từng bước hoàn thiện với những ưu đãi về giá cho các nhà đầu tư, nhà
sản xuất, tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của thị trường năng lượng tái tạo
tại Việt Nam nói chung và điện gió nói riêng. Tiềm năng phát triển điện gió của
Việt Nam vẫn còn rất lớn, đa dạng và phong phú, vì vậy việc tiếp tục nghiên cứu
sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển
mạnh mẽ điện gió tại Việt Nam là tất yếu trong thời gian tới.

12
Tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ
6
4. Những thách thức đối với thị trường điện gió
Theo Nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội năm 2021, điện gió Việt
Nam đang đối mặt với năm nhóm thách thức lớn. Thứ nhất, thách thức về cơ chế
chính sách: Mặc dù Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng
gió, nhưng cho đến nay, số các dự án thực hiện còn rất ít do thiếu các chính sách
đủ mạnh, đồng bộ, bao gồm từ điều tra, đánh giá tiềm năng đến khai thác và sử
dụng. Hiện nay chưa có một cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện quy hoạch tổng
thể cấp quốc gia về phát triển điện gió cũng như chuyên quản lý cấp phép dự án
như Cục Năng lượng Đại dương (BOEM) của Mỹ hay Cục Năng lượng và Biến
đổi Khí hậu của Úc.
Thứ hai, thách thức về công nghệ, kỹ thuật: Thiếu số liệu cần thiết và tin cậy
về tốc độ gió cho nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ở các khu vực khác nhau;
Thiết bị nhà máy điện gió đều là thiết bị siêu trường, siêu trọng trong khi cơ sở hạ
tầng đường, cảng còn thô sơ dẫn đến rủi ro cao và không đảm bảo an toàn; Thiếu
thông tin đánh giá về tiềm năng điện gió ngoài khơi, cũng như khả năng nối lưới
các dự án sau khi hoàn thành; Các dự án điện gió ở vùng đất bãi bồi ven biển có
địa hình, địa chất tương đối phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt
như mưa, bão, sóng to, gió lớn, kết hợp với chế độ thủy triều không ổn định sẽ
dẫn đến nhiều thách thức trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị; Công nghệ mới
và kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm trong
việc thi công xây dựng, lắp đặt tuabin gió trên biển.
Thứ ba, thách thức về kinh tế, tài chính: Thách thức lớn nhất đối với phát
triển điện gió nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư. Một
trong những yếu tố rủi ro chính là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cơ
sở duy nhất thu mua toàn bộ điện từ các nhà sản xuất, là đơn vị độc quyền trong
các hoạt động thanh toán và đàm phán hợp đồng mua bán điện. Theo quan điểm
của nhiều nhà đầu tư, điều này dẫn dễ đến khả năng thiếu minh bạch trong các
giao dịch với EVN và không mang lại lợi nhuận về lâu dài. Bên cạnh đó, giá điện
không cao lại càng kéo dài thời gian hoàn vốn của các dự án điện gió. Ngày
7/1/2023, Bộ trưởng Công thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về khung
giá phát điện nhà máy điện gió chuyển tiếp với giá trần áp dụng cho điện gió trong
đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh, thấp hơn
mức giá quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018. Theo bài
phỏng vấn đại diện chủ đầu tư dự án điện gió Phú Lạc năm 2017, với mức đầu tư
1.100 tỷ đồng và giá điện 7,8 cent Mỹ/ kWh, khoảng 1.751 đồng13 thì dự kiến phải
mất 14 năm mới hoàn vốn bởi dù doanh thu đạt 100 tỉ đồng/năm nhưng trả vốn
vay và lãi mất 80 tỉ đồng, chưa kể phần phục vụ cho vận hành, bảo dưỡng và
lương.
Thứ tư, điện gió là điện năng chỉ được tạo ra khi có gió và công suất phát ra
thay đổi theo mức gió. Vùng thuận lợi cho việc đặt nhà máy cũng thường cách xa
vùng tiêu thụ, gây khó khăn rất lớn trong công tác vận hành, ổn định hệ thống;

13
Theo tỷ giá quy đổi Đô la Mỹ sang Việt Nam đồng năm 2017
7
khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp hỗ trợ
kỹ thuật.
Thứ năm, điện gió ngoài khơi cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành
Năng lượng Việt Nam, khi các nước trên thế giới đang chạy đua lắp đặt với nhiều
công nghệ ưu việt. Ở Việt Nam, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là công nghệ
mới, khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề về công nghệ, cũng như chi phí
phát triển. Bên cạnh đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công
móng trụ tuabin, trụ đường dây dẫn, hành lang tuyến đường dây khi nhu cầu đất
đai cho các dự án điện gió trên bờ cần khoảng 28.000 ha, vấn đề mất đất trồng trọt
và kế sinh nhai của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Các nhà phát triển còn
phải đối mặt với khả năng thiếu lao động chất lượng cao, cũng như tình trạng
chậm phát triển của những ngành công nghiệp phụ trợ.
II. Đánh giá tiềm năng đầu tư vào ngành điện gió ở Việt Nam
1. Đánh giá tiềm năng tài nguyên gió của Việt Nam
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng
lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực (Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt
Nam) với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung
bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW.
Đặc biệt, gần 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt, với
tốc độ gió trung bình ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây.
Việt Nam có ít nhất 24 GW tiềm năng gió chất lượng cao trên bờ với tốc độ
gió trung bình trên 6 m/giây và thêm 404 GW tiềm năng khác ở tốc độ gió thấp
hơn 5 - 6 m/giây. Từ năm 2007, nghiên cứu của EVN về “Đánh giá tài nguyên gió
cho sản xuất điện” đã xác định các điểm thích hợp cho sản xuất điện gió. Theo
đó, Miền Trung có tiềm năng gió lớn nhất, với 880MW tập trung chủ yếu tại tỉnh
Quảng Bình và Bình Định, tiếp đến là miền Nam, với hai tỉnh Ninh Thuận và Bình
Thuận.
Bảng 1. Tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió tại Việt Nam14
Tiềm năng kỹ thuật
STT Khu vực
(MW)
1 Miền Bắc 50
2 Miền Trung 880
3 Miền Nam 855
Tổng cộng 1.785
Nguồn: EVN (2007)
Ngân hàng Thế giới cũng ước tính tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam
là hơn 500 GW và có thể cung cấp nguồn điện năng tương đương lượng điện từ

Tính tại các địa điểm có vận tốc trung bình hàng năm tương đương hoặc lớn hơn 6m/giây ở độ cao 60m so với
14

mặt đất
8
điện than hiện đang cung cấp nhờ có đường bờ biển dài và khả năng chịu sức gió
mạnh của gió mùa Đông Bắc.
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các vùng
biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là: từ Bình Định đến
Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau, và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc
Bộ15. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận
đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình từ 8 - 10 m/giây, mật độ năng
lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700W/m2.
Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt đặt
ra mục tiêu sẽ phát triển khoảng 16.121MW điện gió trên bờ và gần bờ cùng
khoảng 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tỷ trọng điện gió chiếm
khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong đó điện gió ngoài khơi là 4,8%.
2. Sản lượng điện sản xuất theo nguồn và xu hướng cơ cấu nguồn điện
Theo thông tin từ Bộ Công thương năm 2022, nhu cầu năng lượng của Việt
Nam không ngừng tăng trưởng với tốc độ 6%/ năm đến 7,6%/năm giai đoạn 2010
đến nay; dự báo nhu cầu sử dụng điện tăng 8,5%/năm trong 5 năm tới. Lũy kế cả
năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274.235
triệu kWh, tăng 7,6% so với năm 2021. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu
năm 2020 và 2021 được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 2. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2021
Đơn vị: Triệu kWh

So sánh (%)
Thực hiện Thực hiện
STT Loại nguồn So với sản
năm 2020 năm 2021 So với
lượng toàn hệ
năm 2020
thống

1 Thuỷ điện 72.867 78.605 107,87% 30,62%

2 Nhiệt điện than 122.533 118.074 96,36% 45,99%

3 Tua bin khí 34.660 26.312 75,92% 10,25%

4 Nhiệt điện dầu 1.043 3 0,25% 0,001%

5 Nhập khẩu 3.070 1.403 45,72% 0,55%

6 Năng lượng tái tạo 12.083 31.508 260,76% 12,27%

6.1 Điện gió 982 3.343 340,48% 1,30%

6.2 Điện mặt trời 10.761 27.843 258,74% 10,85%

15
Theo Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam
9
So sánh (%)
Thực hiện Thực hiện
STT Loại nguồn So với sản
năm 2020 năm 2021 So với
lượng toàn hệ
năm 2020
thống

6.3 Sinh khối16 340 321 94,46% 0,12%

7 Nguồn khác 820 821 100,17% 0,32%

TỔNG 247.075 256.727 103,91% 100%

Nguồn: Tập đoàn điện lực Việt Nam (2022)


Xét riêng về NLTT, năm 2020, sản lượng điện sản xuất từ NLTT chỉ đạt
12.083 triệu kWh, chiếm xấp xỉ 4,9% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Con số này đã tăng lên thành 12,27% năm 2021 và 14,4% lũy kế 6 tháng đầu năm
2022, cho thấy sự chuyển dịch rõ nét nguồn năng lượng truyền thống sang các
nguồn năng lượng xanh những năm gần đây. Cũng theo EVN, sản lượng điện gió
tăng từ 982 triệu kWh lên 3.343 triệu kWh từ năm 2020 đến năm 2021; riêng 6
tháng đầu năm 2022 con số này đã lên tới 4.670 triệu kWh. Sản lượng điện sản
xuất toàn hệ thống quý I/2023 đạt 61.830 triệu kWh, giảm nhẹ 1,6% so với cùng
kỳ năm 2022, trong đó tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản
lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau:
Hình 3. Cơ cấu sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu quý I/2023
006% 002% 001%

010% 025%

012%

045%

Thủy điện Nhiệt điện than Tua bin khí Điện mặt trời Điện gió Điện nhập khẩu Khác

Nguồn: Tổng hợp số liệu theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (2023)
Về xu hướng cơ cấu hệ thống nguồn điện sản xuất trong tương lai, điện gió
nói riêng và NLTT sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Theo số liệu tổng hợp từ
EVN, trong quý I/2023, sản lượng điện gió đạt tới 5,61% gấp hơn 4 lần tỷ trọng

16
Năng lượng sinh khối là NLTT từ nguồn hữu cơ (cây cỏ, thực vật, và chất thải). Qua quá trình chuyển hóa, nó
tạo ra nhiên liệu sinh học và năng lượng sạch giúp giảm phát thải khí nhà kính.
10
sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống năm 2021 là 1,30%, Quy hoạch phát triển
điện VIII nêu rằng các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự tính sẽ
chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn phát điện vào năm 2045, trong đó đặt
mục tiêu 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và 87 GW vào năm 2050. Mục
tiêu sản xuất năng lượng mặt trời và gió được nâng lên 50% nguồn cung cấp điện
của Việt Nam vào năm 2045. Do điện gió và mặt trời không liên tục nên cần 18
GW điện gió vào năm 2030 và ước tính 42,7 GW điện gió lắp đặt trên bờ và 54
GW ở ngoài khơi vào năm 2045.
3. Chi phí vốn và xu hướng đầu tư ngành năng lượng điện gió
Chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi dự án điện gió trên thế giới là khá cao. Tại
Mỹ, chi phí tua bin gió ban đầu 2,6 - 4 triệu USD/tua bin thương mại cỡ trung
bình. Hầu hết các tua bin gió có công suất 2 - 3 MW, nhưng tua bin ngoài khơi có
thể lớn tới 12 MW. Chi phí tăng khi kích thước tua bin tăng lên, mặc dù có lợi ích
khi sử dụng ít tua bin lớn hơn - độ phức tạp và việc xây dựng trang trại tổng thể
giảm đáng kể với số lượng tua bin ít hơn và lớn hơn. Chi phí tiêu biểu là 1,3 triệu
USD cho mỗi MW công suất sản xuất điện. Nếu chia nhỏ các chi phí này thì chi
phí bảo dưỡng tua bin gió là 1 - 2 cent Mỹ cho mỗi kWh được sản xuất. Chi phí
này tại Đức là 1 - 2 cent Euro cho mỗi kWh được sản xuất.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA17(2021), chi phí vốn của các dự án
năng lượng gió ở Liên minh châu Âu (EU) bị chi phối bởi chi phí của chính tua
bin gió. Trung bình một tua bin được lắp đặt ở châu Âu có tổng chi phí đầu tư
khoảng 1,23 triệu Euro/MW. Tỷ trọng của tua bin trong tổng chi phí trung bình là
khoảng 76%, trong khi kết nối lưới điện chiếm khoảng 9% và nền móng chiếm
khoảng 7%. Các thành phần chi phí khác, chẳng hạn như hệ thống kiểm soát và
đất đai, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí. Tổng chi phí trên mỗi kW
công suất điện gió được lắp đặt có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, thường
thay đổi từ khoảng 1.000 Euro/kW đến 1.350 Euro/kW. Chi phí đầu tư cho mỗi
kW là thấp nhất ở Đan Mạch, và cao hơn một chút ở Hy Lạp, Hà Lan. Đối với
Anh, Tây Ban Nha và Đức, nó cao hơn khoảng 20 - 30% so với Đan Mạch…
Theo số liệu thống kê tính đến tháng 10/2021, Việt Nam có 106 dự án điện
gió đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ
USD, tổng công suất 5.655 MW. Theo Ngân hàng thế giới (2021), suất đầu tư cho
1 MW điện gió ngoài khơi đã giảm mạnh từ năm 2012 với 255 USD/MWh đến
hiện nay vào khoảng 80 USD/1 MWh và sau 2030 sẽ vào khoảng 58 USD/1 MWh.
Báo cáo năng lượng toàn cầu năm 2021 của IEA đã dự báo năm 2040 sẽ có
1.000 tỷ USD đầu tư vào điện gió ngoài khơi và châu Á chiếm đến hơn 60%.
Trung Quốc năm 2019 có 4 GW điện gió ngoài khơi, hiện nay là hơn 25,5 GW
(vượt số lượng điện gió ngoài khơi của châu Âu) và dự báo 2040 là 110 GW, 2050
là 350 GW.

17
IEA (International Energy Agency) là tổ chức tự trị liên chính phủ, hoạt động như một diễn đàn quốc tế về hợp
tác năng lượng như an ninh nguồn cung cấp, chính sách dài hạn, minh bạch thông tin, hiệu quả năng lượng, tính
bền vững, nghiên cứu và phát triển, hợp tác công nghệ và quan hệ năng lượng quốc tế.
11
4. Đánh giá rủi ro liên quan đến đầu tư
Dự án điện gió tuy là một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn trong ngành năng lượng
tái tạo nhưng cũng mang theo những rủi ro tiềm tàng. Việc nhận dạng và quản lý
những rủi ro này là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả và bền vững của dự án.
Dưới đây là một số rủi ro đầu tư trong dự án điện gió cần được xem xét.
Thứ nhất, yếu tố chính trị và kinh tế: Những biến đổi trong tình hình chính
trị và kinh tế của quốc gia và khu vực có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua
bán nợ dự án điện gió. Các yếu tố này bao gồm thay đổi trong chính sách quốc
gia về năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ, thuế và quy định liên quan đến điện gió.
Ngoài ra, các tình huống căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng kinh tế cũng có
thể tác động đáng kể đến môi trường đầu tư và hoạt động của dự án điện gió. Thực
tế, tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và mức lạm phát hiện nay đã làm
tăng chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển cho các doanh nghiệp điện gió trên thế
giới. Điều này đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng các trang trại điện
gió mới và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu.
Thứ hai, vốn đầu tư và hệ số chiết khấu tài chính: Dự án điện gió đòi hỏi vốn
đầu tư ban đầu lớn, và việc huy động nguồn vốn phù hợp là một thách thức quan
trọng. Hệ số chiết khấu tài chính được sử dụng để tính toán giá trị hiện tại của các
dòng tiền trong tương lai, và mức độ này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả
đầu tư. Khi lãi suất vay tăng, hệ số chiết khấu tài chính cũng tăng lên, dẫn đến
giảm hiệu quả đầu tư và tăng rủi ro tài chính cho các nhà đầu tư.
Thứ ba, biến đổi khí hậu và tình hình thời tiết: Điện gió là một nguồn năng
lượng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và tốc độ gió. Sự biến đổi khó lường của
thời tiết hàng năm có thể tạo ra nguy cơ rủi ro về sản lượng điện phát ra của dự
án. Nếu như mức tốc độ gió giảm xuống hoặc tăng nhanh chóng không đều, sản
lượng điện sản xuất có thể không đạt được dự kiến, làm ảnh hưởng tiêu cực đến
hiệu suất hoạt động và lợi nhuận của dự án.
Thứ tư, cơ cấu giá bán điện: Điện gió thường được bán theo hình thức hợp
đồng mua điện độc quyền với EVN. Sự biến động của giá bán điện và điều kiện
hợp đồng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của dự án và độ hấp dẫn của nó với
nhà đầu tư. Nếu giá bán điện giảm hoặc hợp đồng không thuận lợi, dự án điện gió
có thể gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính và đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Thực tế, thời hạn mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải thực hiện việc đàm phán
giá điện với các chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp18(bao gồm cả điện gió và điện
mặt trời) là 31/03/2023 nhưng chỉ có 6/85 nhà đầu tư nộp hồ sơ mua bán điện do
gặp vướng mắc trong việc đáp ứng các yêu cầu, thủ tục. Việc này dẫn tới tình
trạng hàng nghìn tỉ đồng đầu tư lại phải tiếp tục lãng phí và đợi cơ chế mới tính
từ hạn cuối hưởng ưu đãi giá FIT vào ngày 01/11/2021.
Thứ năm, công nghệ và quản lý dự án: Điện gió là một công nghệ đòi hỏi
kiến thức chuyên sâu và kỹ năng quản lý dự án cao. Sự cố trong việc vận hành và

18
Dự án chuyển tiếp là các dự án điện gió và điện mặt trời triển khai dang dở và các dự án đã ký hợp đồng mua
bán điện với EVN nhưng không kịp hoàn thành COD trước 30/10/2021 nên chưa được bán điện.
12
bảo dưỡng, cũng như các vấn đề kỹ thuật không mong muốn, có thể dẫn đến gián
đoạn hoạt động và tăng chi phí. Quản lý rủi ro và đảm bảo hoạt động ổn định và
hiệu quả của dự án là vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh NLTT ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn để giảm
thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đầu tư vào dự án điện gió đóng góp không
nhỏ vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc
đối mặt với những rủi ro tiềm tàng này đòi hỏi sự cẩn trọng, sẵn sàng thích ứng
và xem xét cẩn thận trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
III. Tình hình kinh doanh một số doanh nghiệp điện gió tại Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Công thương, có 84 dự án điện gió, tổng công suất
gần 4 GW đã kịp vận hành thương mại trước hạn cuối hưởng giá FIT. Mặc dù
vậy, không phải dự án năng lượng tái tạo nào được hưởng giá điện ưu đãi cũng
đang có lợi nhuận.
Đơn cử, là đơn vị vận hành công trình điện gió Ea Nam lớn nhất cả nước,
Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 lỗ gần 860 tỷ đồng năm 2022,
trong khi năm 2021 lãi hơn 1 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, dự án Ea Nam
hiện ghi nhận nợ phải trả hơn 12.100 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, dư nợ trái phiếu đang lưu hành là gần 9.900 tỷ đồng, chiếm trên 80%.
Năm 2022, doanh nghiệp này chi gần 1.140 tỷ đồng, tương đương gần 40% vốn
chủ sở hữu, để thanh toán lãi và gốc trái phiếu. Hai dự án Ia Pết Đăk Đoa 1-2,
công suất 99 MW mỗi dự án, đều báo lỗ trên 200 tỉ đồng trong năm 2022 hoặc
Dự án Yang Trung và Phước Hữu - Duyên Hải 1, lỗ lần lượt 91 tỉ đồng và 60 tỉ
đồng…
Bên cạnh đó, xét riêng số liệu năm 2022, Trung Nam Group - ông lớn ngành
năng lượng tái tạo cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 255 tỷ đồng, giảm
84% so với kết quả năm 2021. Vốn chủ sở hữu của công ty không biến động nhiều
so với đầu năm, đạt mức 27.914 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,44
lần, với giá trị nợ phải trả tăng 5,5% so với hồi đầu năm lên mức 68.110 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm là 24.285 tỷ đồng, chiếm gần
36% tổng nợ.
Ngoài ra, theo Cục Điều tiết điện lực (2023), ngành điện gió còn ghi nhận
hàng loạt doanh nghiệp báo lợi nhuận âm hàng chục tỷ đồng, như Phong điện Chơ
Long và Năng lượng Bắc Phương lần lượt lỗ 35,6 tỷ đồng và 7,2 tỷ đồng trong
năm 2022. Trước đó, năm 2021, Phong điện Chơ Long lãi sau thuế 14,6 tỷ đồng.

13
Hình 4. Lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp điện gió năm
2021 và 2022
Đơn vị: Tỷ đồng
200 124
46
1,4 7 4,5 0,6 4,6 14,6
0
-35,6 -25,4-7,2
-60,4
-91
-200
-209,5 -201,2

-400

-600

-800

-859
-1000
TN Đắk Lắk Pết Đak Đoa Pết Đak Đoa Yang Trung PH-DH 1 PĐ Chơ ĐG Bắc ĐG Phong
1 1 2 Long Phương Liệu

2021 2022

Nguồn: Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương Việt Nam (2023)
Trong khi loạt dự án điện gió báo lỗ, Công ty Điện gió Phong Liệu là một
trong số các doanh nghiệp có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tương đối thấp. Theo đó,
năm 2022, Phong Liệu ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỉ đồng, tăng 2,7 lần
so với mức 46 tỉ đồng năm 2021. Lợi nhuận giúp vốn chủ sở hữu của Phong Liệu
tăng tương ứng, lên 675 tỉ đồng, qua đó giúp các chỉ số nợ trên vốn của doanh
nghiệp giảm xuống. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Phong Liệu thời
điểm cuối năm 2022 là 1,68 lần, giảm so với mức 2,26 lần cuối năm 2021. Dự án
này có công suất 48 MW, tổng mức đầu tư 1.600 tỉ đồng. Dự án đã hoàn thành và
đi vào hoạt động từ năm 2021. Tương tự, Công ty TNHH Điện gió REE Trà Vinh
(REE Trà Vinh WindPower) trong năm 2022 ghi nhận doanh thu 328 tỉ đồng và
lợi nhuận 107 tỉ đồng ngay sau năm đầu tiên đi vào vận hành thương mại. Dự án
điện gió của REE bắt đầu triển khai thi công từ quý II/2020, quy mô đầu tư hơn
2.100 tỉ đồng. Theo REE, dự án đưa vào vận hành thương mại từ ngày 27/10/2021
và đã đủ tiêu chí để được áp dụng giá điện ưu đãi trong thời hạn 20 năm đối với
điện gió gần bờ theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/09/2018.

14
Hình 5. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp điện gió năm 2022
Đơn vị: Tỷ đồng

Vốn chủ sở hữu Nợ phải trả Nợ/ Vốn chủ sở hữu

7 14000

12122
6 6,1 12000
5,8

5 10000

4,4 4,3
4 4 4,1 8000
3,9

3 5182,6 6000
4997,9

2 3322,4 3424 4000


1,7 2942,4
2047,2
1 1135 1159,6 1299 2000
989,2
675 467,4 541,1 586,3
254,3
0 0
PH-DH 1 ĐG Phong ĐG Bắc Pết Đak Đoa Pết Đak Đoa Yang Trung PĐ Chơ TN Đắk Lắk
Liệu Phương 2 1 Long 1

Nguồn: Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công thương Việt Nam (2023)
Cấu trúc tài chính của các dự án thua lỗ có đòn bẩy tài chính quá cao. Như
đã đề cập ở trên , tính đến cuối năm 2022, dự án Ea Nam có nợ phải trả hơn 12.100
tỉ đồng, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Các dự án khác như Ia Pết Đăk Đoa 1-2,
Yang Trung, Chơ Long, Hoà Đông 2… nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp 4-6
lần. Đòn bẩy cao kéo theo chi phí tài chính của các dự án điện tái tạo phải chịu
hàng năm rất lớn. Các doanh nghiệp năng lượng cũng là những đơn vị phát hành
trái phiếu doanh nghiệp quy mô lớn, chỉ xếp sau nhóm bất động sản. Các lô trái
phiếu của điện gió chỉ áp dụng lãi suất cố định trong vài kỳ trả lãi đầu tiên, sau đó
thả nổi. Bởi vậy, việc lãi suất tăng mạnh từ năm 2022 đến nay đã khiến chi phí tài
chính của dự án này tăng mạnh, lợi nhuận từ giá điện ưu đãi không đủ để trả lãi19.
Bên cạnh đó, nhiều dự án hụt ưu đãi giá điện đứng trước nguy cơ không thu
hồi được vốn, kéo theo ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng
với chính sách giá điện mới. Theo nội dung kiến nghị của 36 nhà đầu tư có các dự
án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp tới
Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2023 về việc khắc phục những bất cập trong việc
xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển
tiếp, rất nhiều dự án NLTT nói chung và dự án điện gió nói riêng đang phải đối
mặt với nguy cơ không được huy động, gây lãng phí vốn. Với những chính sách
mới áp dụng theo Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định về phương pháp xây
dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định
số 21/QĐ-BCT về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió
19
Theo Phương Liên (2023) - Lộ lý do nhiều doanh nghiệp điện gió lỗ cả trăm tỷ đồng
15
chuyển tiếp và Thông tư số 01/2023/TT-BCT bãi bỏ một số quy định tại các
Thông tư 02 và Thông tư 18 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện
phát triển dự án điện gió, điện mặt trời và hợp đồng mua bán điện mẫu (Thông tư
số 01), giá phát điện được cho là bất hợp lý. Chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành
đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng
trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng sẽ có nguy cơ vỡ phương
án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.
Tóm lại, điểm chung của hầu hết các dự án điện gió thua lỗ là đều có đòn
bẩy tài chính quá cao, tỷ lệ vay nợ bằng trái phiếu lớn. Đòn bẩy cao kéo theo chi
phí tài chính của các dự án cũng rất lớn. Không chỉ vậy, hầu hết các doanh nghiệp
đều huy động trái phiếu bằng cách trả lãi suất cao, lên đến 10,75%/năm trong giai
đoạn đầu, sau đó thả nổi theo lãi suất tham chiếu. Chính vì vậy, trong bối cảnh lãi
suất điều hành tăng liên tục trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã phải dùng
hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để thanh toán lãi và gốc các lô trái phiếu đã huy
động. Như vậy có thể khẳng định rằng, các dự án điện gió thua lỗ là do vấn đề
quản trị tài chính của doanh nghiệp, cụ thể là sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, dẫn
đến chi phí lãi vay tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tăng cao như thời
gian qua. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách của Nhà nước gây ảnh
hưởng nhiều nhất đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các dự án điện gió là
giá phát điện. Bởi cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi
trường đầu tư, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính
sách phát triển năng lượng sạch, cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính – ngân
hàng.
IV. Một số khuyến nghị đối với hoạt động mua bán nợ của DATC
Trước tiên, cần xác định mục tiêu đầu tư, phạm vi và chiến lược đầu tư. Đề
án “Chiến lược phát triển Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam giai đoạn 2021
– 2030 và tầm nhìn đến 2035” và Đề án “Tái cơ cấu công ty TNHH Mua bán nợ
Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025” đưa ra định hướng ngoài việc đầu tư, quản lý và
khai thác tài sản phát sinh từ mua bán nợ còn mở rộng sang việc tiếp cận mua và
đầu tư phát triển các dự án dở dang, quản lý, khai thác các dự án sau đầu tư để cơ
cấu lại. Tính đến tháng 7/2022, có 62 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện
với EVN nhưng chưa xác định được mức giá do vấn đề về thủ tục pháp lý nên
không kịp hưởng giá điện ưu đãi theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg và Quyết
định số 37/2011/QĐ-TTg dẫn tới việc các dự án không có doanh thu, gặp nhiều
khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ vay cho các
tổ chức tín dụng. Với mục tiêu như trên, DATC cần phải đánh giá và xác định
chiến lược đầu tư dài hạn. Các dự án điện gió thường có thời gian hoàn vốn lâu
và khoản nợ tín dụng giá trị cao nên DATC cần hoạch định chiến lược tham gia
tái cơ cấu qua nghiệp vụ sắp xếp lại tài sản, nguồn vốn, xử lý nợ tồn đọng,… Đối
với việc tiếp cận các phương án, DATC cũng cần chủ động tìm kiếm nguồn thông
tin về các dự án gặp khó khăn và liên hệ, trao đổi với các ngân hàng chủ nợ thông
qua Ban Kế hoạch, Hợp tác và Thị trường (Ban KHHTTT). Vì dự án điện gió

16
cũng là một trong những lĩnh vực mới đối với DATC, công ty cần nghiên cứu, đề
xuất cơ chế và thực hiện thí điểm phương án xử lý nợ (nếu cần).
Thứ hai, cũng vì các dự án điện gió thường có quy mô tín dụng lớn, đòi hỏi
DATC phải tận dụng cơ hội hợp tác và thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. DATC có
thể tìm kiếm và thiết lập mối quan hệ hợp tác với các công ty và tổ chức đáng tin
cậy từ trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực tài chính. Điều này có thể bao
gồm việc tìm kiếm đối tác đầu tư trong lĩnh vực NLTT hay điện gió, hoặc các tổ
chức tài chính có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. trong đó, mối quan hệ hợp tác
quốc tế sẽ giúp DATC truy cập vào nguồn vốn và công nghệ tiên tiến, cùng với
chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển dự án. Hiện nay, Ban KHHTTT đang
làm việc, trao đổi thường xuyên với một số Tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có
Công ty Thu xếp vốn Filicium Capital Advisory (FCA) đến từ Singapore. FCA
cho biết ngành NLTT là một trong những ngành được các nhà đầu tư quan tâm
hàng đầu hiện nay, dễ dàng thu hút nguồn vốn lớn từ nước ngoài. Song song đó,
DATC cũng cần đánh giá rủi ro và phân tích kỹ lưỡng trong việc nhận đầu tư từ
nước ngoài. Điều này bao gồm việc nghiên cứu về thị trường và chính sách của
quốc gia đối tác, xác định các yếu tố rủi ro tiềm tàng và xây dựng các biện pháp
đối phó. Đánh giá kỹ lưỡng sẽ giúp DATC tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro
từ hoạt động nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, cần học hỏi kinh nghiệm mua bán nợ tương tự từ các đơn vị có
kinh nghiệm, đặc biệt là các Tổ chức Mua bán nợ công trong khu vực Châu Á.
DATC cần đẩy mạnh mối quan hệ và giao lưu với các chuyên gia và nhà quản lý
quốc tế trong lĩnh vực mua bán nợ. Điều này có thể thông qua việc tham gia hội
thảo, diễn đàn, hoặc các chương trình học tập và trao đổi kiến thức. Mối quan hệ
và giao lưu này sẽ giúp DATC tiếp cận các thông tin mới nhất, xu hướng công
nghệ và quản lý quốc tế, từ đó nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động mua
bán nợ nói chung và liên quan đến NLTT, điện gió nói riêng. Các cơ hội đầu tư
và hợp tác quốc tế trên toàn thế giới về Dự án điện gió cũng được các tổ chức
quốc tế như Tổ chức Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Hiệp hội Năng lượng
gió quốc tế (WWEA) đăng tài công khai trực tuyến. Ngoài ra, tạp chí trực tuyến
về điện gió Windpower Monthly hay các diễn đàn Năng lượng quốc tế như
Renewable Energy World, Energy Central cũng cung cấp các bài viết, tin tức và
cơ hội kết nối với các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành. Đây là nơi lý
tưởng để tiếp cận những kiến thức mới nhất và cập nhật về xu hướng phát triển
trong ngành, từ đó giúp tối ưu hóa hoạt động mua bán nợ học hỏi những giải pháp
quản lý cho các dự án điện gió tiềm năng.

17
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA (2021), Báo cáo năng lượng toàn cầu
năm 2021
2. Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế IRENA (2018), Báo cáo thường niên
về thống kê năng lượng tái tạo năm 2018
3. Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế IRENA (2020), Báo cáo Thống kê
Năng lượng Tái tạo Toàn cầu năm 2020
4. Cục Điều tiết điện lực (2023), Chuyện lỗ - lãi của các nhà máy điện gió
Việt Nam [online], Trang nội bộ Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương ERAV,
25/05/2023, truy cập ngày 12/07/2023, từ <https://www.erav.vn/tin-
tuc/t803/chuyen-lo--lai-cua-cac-nha-may-dien-gio-viet-nam.html>
5. Hoàng Thị Xuân (2021), Điện gió tại Việt Nam: Nhận diện thách thức và
đề xuất giải pháp phát triển [online], Công thương, 27/12/2021, truy cập ngày
14/07/2023, từ < https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dien-gio-tai-viet-nam-
nhan-dien-thach-thuc-va-de-xuat-giai-phap-phat-trien-86192.htm>
6. Hội đồng năng lượng gió toàn cầu GWEC (2021), Báo cáo hàng năm năm
2021
7. Ngân hàng thế giới (2021), Báo cáo Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt
Nam
8. Phương Liên (2023), Lý do nhiều doanh nghiệp điện gió lỗ cả trăm tỷ
đồng [online], Dân trí, 30/05/2023, truy cập ngày 14/07/2023, từ
<https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lo-ly-do-nhieu-doanh-nghiep-dien-gio-lo-ca-
tram-ty-dong-20230529162323037.htm >
9. Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN (2007), Nghiên cứu về đánh giá tài
nguyên gió cho sản xuất điện.
10. Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN (2022), Báo cáo tổng kết thực hiện Kế
hoạch năm 2021, mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 của EVN

18

You might also like