You are on page 1of 18

DỰ BÁO QUA THỰC VẬT, ĐỘNG VẬT TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ TRUNG ĐẠI

VIỆT NAM – TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI

Tóm tắt: Phê bình sinh thái là một trường phái phê bình văn học ra đời trong bối cảnh môi
trường toàn cầu xấu đi một cách nghiêm trọng trong thời hiện đại. Tuy vậy, lối phê bình này
không chỉ được áp dụng vào nghiên cứu văn học hiện đại mà còn có thể ứng dụng trong phê
bình văn học trung đại bằng cách tìm ra những nhân tố thể hiện ý thức sinh thái. Trong Văn
xuôi tự sự trung đại Việt Nam có sự xuất hiện trở thành hệ thống các dự báo xuất phát từ
động vật, thực vật. Vấn đề này không chỉ thể hiện kĩ thuật văn chương (phục bút, sử dụng cái
kì ảo) của nhà văn trung đại mà đằng sau đó chúng ta thấy rõ các yếu tố, vấn đề sinh thái,
môi trường như: dấu ấn sinh thái nông nghiệp qua thực vật, động vật, vấn về biến dị, lệch lạc
sinh học, tư tưởng thiên nhân hợp nhất – quan niệm và cách ứng xử của người dân trung đại
mà đặc biệt là đấng quân vương với thiên nhiên, vũ trụ.

Từ khoá: Phê bình sinh thái, dự báo, thực vật, động vật, đức

Thuật ngữ “sinh thái học” ra đời vào năm 1869 do nhà sinh vật học người Đức Ernst
Haecker đề xướng. Qua thời gian, sinh thái học không chỉ là thuật ngữ của ngành sinh học
mà xuất hiện ở nhiều ngành khác trong đó có văn học. Phê bình sinh thái (ecocritisim) còn
được gọi bởi những cái tên khác như” “phê bình (văn hóa) xanh” (green (cultural) studies)/
“phê bình xanh” (green studies), “thi pháp sinh thái” (ecopoetics) hay “phê bình văn học môi
trường” (environmental literary criticism)... Có thể dùng định nghĩa của Cheryll Glotfelty để
hiểu một cách giản dị và rõ ràng về phê bình sinh thái: “Nói một cách đơn giản, phê bình
sinh thái là việc nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên” [5, tr.18]. Lối
phê bình này đã thay đổi cách tiếp cận đối tượng: con người không còn ở vị trí trung tâm mà
là sinh thái. Phê bình sinh thái ra đời trong bối cảnh môi trường toàn cầu xấu đi một cách
nghiêm trọng trong thời hiện đại. Như thế, nhìn qua, phê bình sinh thái chỉ có thể tiếp cận
văn học hiện đại. Nhưng nếu phê bình sinh thái chỉ chọn tác phẩm văn học sinh thái như vậy
làm đối tượng nghiên cứu thì phạm vi vận dụng nghiên cứu của nó rất hạn hẹp vì: “trước thời
kì cách mạng công nghiệp, trước thời kì môi trường toàn cầu xấu đi một cách trầm trọng rất
khó tìm được tác phẩm văn học viết một cách tự giác về vấn đề bảo vệ môi trường. Hơn nữa,
ngay cả từ sau cách mạng công nghiệp, không phải đại bộ phận tác phẩm văn học trên thế
giới đều là văn học sinh thái. Ở Việt Nam đến thời điểm hiện nay chưa có một dòng văn học
được gọi là văn học sinh thái, văn học bảo vệ môi trường” [6]. Vấn đề đặt ra là liệu có thể áp
dụng nó để phân tích những văn bản tiền hiện đại được không? Giải pháp được các nhà phê
bình sinh thái đưa là: “tập trung vào phân tích văn bản văn học, tìm ra những nhân tố thể
hiện ý thức sinh thái” [6] vì chúng ta nhận thấy: “trên thực tế, tư tưởng sinh thái đã manh
nha từ lâu, Trung Quốc cổ đại có tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”, “đạo pháp tự nhiên”, châu
Âu thế kỉ 18-19 có trào lưu triết học trở lại với tự nhiên” [7]. Những tư tưởng triết học đó
hoặc ít hoặc nhiều đều in dấu trong sáng tác văn học cổ kim Đông Tây, có điều trong nghiên
cứu văn học trước kia chưa thực sự chú ý đến hàm ý sinh thái trong đó. Vì thế việc vận dụng
lí thuyết mới để nghiên cứu lại những vấn đề, hiện tượng trong văn học trung đại Việt Nam
mang đến nhiều triển vọng về những kết quả mới.
“Dự báo” là hành động biết và báo trước về tương lai (bị động và chủ động) của con
người thông qua một số cách thức từ quan sát các hiện tượng sẵn có (điềm) đến việc tạo ra
một số phương pháp để thăm dò tương lai (khi không có các dấu hiệu có sẵn) dựa trên sự
giúp đỡ của thần linh và cả trí tuệ phân tích của con người. Trong phần dưới đây, chúng tôi
tìm hiểu vấn đề dự báo về tương lai thông qua phân tích các thông tin xuất hiện từ môi
trường sinh thái mà cụ thể là từ cây cối, thực vật xuất hiện trong văn xuôi tự sự trung đại Việt
Nam (VXTSTĐVN) từ góc nhìn phê bình sinh thái. Hướng tiếp cận này giúp chúng ta có thể
phân tích phương thức con người trung đại tương tác và tư duy về môi trường, cách họ thể
hiện và trình bày sự tương tác và tư duy đó.
1. Thực vật và động vật là công cụ, phương tiện của dự báo: Thực vật trong ý
nghĩa biểu tượng văn hoá thế giới là: “biểu tượng về tính thống nhất cơ bản của sự sống. Vô
số văn bản và hình tượng trong mọi nền văn minh, nêu bước chuyển tiếp từ thực vật lên động
vật, rồi lên con người và thánh thần… Cây cỏ cũng biểu trưng cho tính tuần hoàn của mọi
dạng sinh tồn: sinh ra, trưởng thành, chết và biến hoá thành thứ khác…” [1, tr.912-913]. Còn
động vật trong ý nghĩa văn hoá thế giới với tư cách là mẫu gốc: “biểu trưng cho những lớp
vỉa sâu kín của tiềm thức và bản năng. Những động vật là biểu tượng của những bản nguyên
và những sức mạnh vũ trụ, vật chất và tinh thần” [1, tr.316]. Các con vật rất hay đi vào trong
các giấc mơ và được thể hiện rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật “tạo thành những dạng
đồng nhất hoá một phần với con người, chúng là những khía cạnh, những hình ảnh của bản
chất phức tạp cuả con người, là những tấm gương phản chiếu những xung năng thầm kín,
những bản năng đã thuần hoá hoặc vẫn còn hoang dã. Mỗi con vật tương ứng với một phần
trong con người chúng ta, đã được thống nhất hoặc sẽ thống hợp vào trong tính thống nhất
hài hoà của con người” [1, tr.319]. Thực vật và động vật vì mang những ý nghĩa khái quát
trên nên dần dần trở thành một phương tiện của việc dự báo tương lai con người. Việc này
được ghi lại trong các văn bản cổ: “Thời xưa, họ Bào Hy làm chúa tể thiên hạ, ngẩng lên
xem cảnh tượng trên trời, cúi xuống xem phép tắc dưới đất, trông dáng vẻ cầm thú cùng
trạng thái đất đai, gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy muôn vật, rồi bắt đầu làm tám quẻ Dịch
để truyền lại hiện tượng về sau” (Bài tựa sách Thiên văn giải tự) [20]. Trên thế giới có nhiều
dân tộc dùng nội tạng của con vật (gan, bộ lòng, dạ dày…)1, hoặc dùng thực vật (lá, cánh
hoa…)2 để xem bói. Ở phương Đông, một trong những hình thức xem bói cổ xưa dựa vào
thực vật và động vật là bói cỏ thi và mai rùa. Thiên Luận hoành, Bốc phệ viết: “Tử Lộ hỏi
Khổng Tử rằng: Xương vai con lợn, xương bắp vế con cừu, có thể nhìn thấy vết nứt triệu
chứng cây sậy cây hanh hao có thể đếm được số; hà tất phải dùng cỏ thi với mai rùa”, Khổng
Tử đáp: “Thi là nói kỳ, quy là nói cựu, muốn làm sáng tỏ điều còn hồ nghi, thì phải hỏi bậc
kỳ cựu vậy” (Dẫn theo Lê Văn Quán) [19, tr. 18-19]. Như vậy, thi là thực vật thân cỏ sống
lâu năm, quy (rùa) có tuổi thọ rất dài. Con người có điều gì chưa rõ, thì thường hỏi bậc già cả
giàu kinh nghiệm, cho nên về phương diện vật chiêm thì thi và qui có được ý nghĩa thần bí
hơn cả. Động vật và thực vật không chỉ là công cụ để thực hiện hành vi bói toán mang tính
chất nhân vi mà còn nó còn mang tính chất thiên khải. Dự báo qua động vật, thực vật
trong VXTSTĐVN có cả hai hình thức này. Như vậy, có thể thấy từ xưa con người đã
nhận thức giá trị và tầm quan trọng của thực vật và động vật trong cuộc sống của mình và
biết cách chúng làm phương tiện hữu hiệu để dự báo tương lại hoạ phúc.

2. Khảo sát các dạng của dự báo qua thực vật, động vật trong VXTSTĐVN

2.1. Dạng dự báo dựa trên chữ viết xuất hiện trực tiếp trên thực vật, động vật: Đây là
dạng dự báo mà thông tin tương lai xuất hiện trực tiếp qua chữ viết trên lá, thân cây hoặc
mình của động vật. Chữ viết, thông tin có khi xuất hiện trên lá sen. Một trong những chi
tiết dự báo Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua sau này chữ “thiên tử” xuất hiện trên lá sen
trước đền Sơn Thần gần nơi ở: “Ngoài cửa có đám sen núi, trên lá có dấu sò ốc thành chữ
“thiên tử” [27, tr.53]. Thông tin qua chữ viết có khi xuất hiện trên lá chuối: Trong Đào
hoa mộng kí kể về hậu thân của Kim Trọng và Thuý Kiều có chi tiết Lan Nương (hậu
thân của Thuý Kiều) thấy trong khóm lá chuối cạnh hàng đào có một tàu lá bị sâu ăn
thành chữ, nhìn kĩ thì một bài thơ Đường luật báo trước tương lai của nàng: Lá bối am
thiêng nghiêng thuỷ vũ (thuỷ vũ đồng nghĩa với Thuý Kiều)/ Ngó hoa đương ngát gặp
kim liên (Kim liên là tên chữ của Nguyên Tịnh, tức Nguyên Sinh)/Xưa kia duyên nợ nay
trang trải/ Bù lại chia li chục rưỡi năm [15]. Thông tin qua chữ viết cũng có khi xuất hiện
trên thân cây: Bài thơ xuất hiện trên cây gạo bị sét đánh ở làng Diên Uẩn được xem như
là điềm báo cho Lí Thái Tổ lên ngôi: “Thụ căn diểu diểu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hòa đao

1
Người Hy Lạp dự đoán ý của Trời bằng cách quan sát bộ ruột của một con vật tế thần qua kích thước, hình dáng,
màu sắc, dấu vết v.v. của những bộ phận trong bụng, thông thường là gan hoặc là mật, tim, và phổi, thậm chí là số
hạt trong dạ dày con vật.
2
“Ở Pulverbatch trong vùng Shropshire, người ta tin rằng cây sồi nở hoa vào buổi hôm trước ngày Thánh – Jean và
hoa của nó tàn úa trước lúc rạng đông. Một thiếu nữ muốn biết số phận cuộc hôn nhân của mình thì ban đêm trải
một tấm vải trắng xuống dưới gốc cây sồi và buổi sáng hôm sau cô ta sẽ thấy một ít bụi, đó là tất cả những gì còn lại
của bông hoa. Cô ta phải rắc nhúm bụi đó xuống dưới chiếc gối đầu của mình và người chồng tương lai của cô ta sẽ
hiện ra trong giấc mơ” (Cành vàng) [4. tr. 1111]
mộc lạc/ Thập bát tử thành/ Chấn cung kiến nhật/ Đoài cung ẩn tinh/ Lục thất niên gian.
Thiên hạ thái bình” (Thiền sư Vạn Hạnh – Thiền uyển tập anh). Chữ viết cũng xuất hiện
trên mình các con vật như chó: chi tiết con chó ở chùa Ứng Thiên, hương Cổ Pháp đẻ ra
một con chó trắng, trên lưng có lông đen thành chữ “thiên tử” được xem là điềm ứng hợp
với năm sinh của vua Lý Công Uẩn (năm Giáp Tuất (Tuất là tinh con chó)) (Việt sử lược)
[27]. Chữ viết đặc biệt xuất hiện nhiều lần ở con rùa. Có lẽ xuất phát từ hiện thực khách
quan là đặc điểm mai rùa có nhiều đường nét dọc ngang nên người ta dễ đọc/ suy ra chữ.
Trong Đại Việt sử kí toàn thư, các sử gia nhiều lần ghi chép việc xuất hiện chữ trên mai
rùa (tổng cộng 13 ghi chép). Nội dung chữ Hán xuất hiện mai rùa được diễn giải hầu hết
đều mang tính củng cố vương quyền, tôn vinh hoàng đế như: “thiên thư hạ thị thánh
nhân vạn tuế”, “vương công dĩ pháp”, “nhất thiên vĩnh thánh”, “thiên tử vạn niên”,
“thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế” [11]. Qua khảo sát trong VXTSTĐVN có thể thấy
rất hiếm trường hợp dự báo bằng chữ viết xuất hiện trên cây lá, con vật viết về người
thường, chuyện cá nhân mà tập trung vào đối tượng là quân vương và chuyện chính sự.

2.2. Dạng dự báo dựa trên phân tích tên gọi, kiểu loại thực vật, động vật

Thông tin tương lai có được từ việc phân tích tên gọi con vật xuất hiện trong hoàn
cảnh có tính chất đặc biệt. Tên con vật xuất hiện trong hoàn cảnh đặc biệt có thể là một
gợi ý về không gian hành động tạo nên sự thuận lợi. Ông Trần Bảo đi cầu mộng và nằm
mơ thấy chém đầu một con ngựa. Hình ảnh này đã gợi ý cho nhân vật về địa điểm thi
may mắn: “ngựa là ngọ mà ngọ là phương Nam. Ông đến trường Sơn Nam ứng thí, quả
nhiên đỗ giải nguyên” (Đông các văn phạm bá Trần Bảo- Công dư tiệp kí tục biên). Tên
con vật có thể ứng với tên con người: Trong Việt Lam xuân thu có chi tiết Lê Thiện nhìn
thấy ở rìa núi có đôi chồn đen ôm nhau kêu, mỗ bắn một phát trúng cả hai. Lê Thiện phân
tích điềm trên dựa vào tên con vật: Chồn tức Hồ, đen tức Thương. Từ đó Lê Thiện đoán
là: Hán Thương sắp chết [16, tr.69]. Có khi việc phân tích thông tin dựa trên hoàn cảnh
và bộ phận của con vật xuất hiện. Trong Đại Việt sử kí toàn thư, Việt sử lược chép về vua
Lý Thái Tôn là năm 1044, vua thân chinh đi đánh Chiêm thành có bàn đến chi tiết là ngày
ấy hữu ti cúng sơn thần bằng lễ thiếu lao3, lấy được cái mật to bằng quả bưởi dâng lên.
Vua nói đùa rằng chữ “đảm” (mật) với chữ “đam” (vui) âm gần giống nhau, con thiếu lao
mà có mật to là điềm báo cho ta biết là chỉ khó nhọc một chút mà được vui lớn đó”. Dạng
dự báo dựa vào chữ xuất hiện và phân tích tên gọi của loại động thực vật thường dựa trên
việc phân tích chiết tự chữ Hán để tìm ra ý nghĩa.

3
Lao: Con vật giết dùng trong tế lễ. ◎Như: "thái lao" 太牢 gồm bò, cừu và heo để tế lễ (lễ dành cho thiên tử), "thiếu lao"
少牢 gồm cừu và heo để tế lễ (lễ của chư hầu).
Trong công thức miêu tả vua chúa và các danh thần, các tác gia trung đại thường
sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng để miêu tả. Điều này được thể hiện rõ trong công
thức chân dung của các nhân vật trên thường xuất hiện yếu tố so sánh là non nước, vũ trụ
và các động vật tôn quý4. Những công thức này báo hiệu tương lai công danh hiển hách
của họ. Trong công thức miêu tả chân dung quân vương thường hiếm khi thiếu sự xuất
hiện của rồng – biểu tượng của vương quyền như: Bà Triệu: “mũi hổ, trán rồng, đầu báo,
hàm én” (Lệ Hải bà vương kí – Việt điện u linh tập); Mai Thúc Loan: “đầu hổ, mắt rồng,
tay vượn” (Hương Lãm Mai đế kí – Việt điện u linh tập); Nhân tôn hoàng đế: “vua trán
cao mặt rồng” (Đại Việt sử kí toàn thư); vua Lê Hiển Tông “râu rồng, mũi cao, tóc hạc,
mắt phượng”, (Hoàng Lê nhất thống chí)… Còn các bậc danh thần, chân dung của họ
cũng được xây dựng dựa trên sự so sánh với các động vật tôn quý khác như rùa, hạc,
hổ… (trừ rồng): Nguyễn Hữu Tiến trang mạo khôi ngô, vai như vai hổ (Nam triều công
nghiệp diễn chí), Cảnh Kiên có hình tướng: “Trán rộng, mắt sáng, đầu vích, lưng rùa, thật
là một vị hổ tướng dáng mạo phi thường” (Hoan Châu kí)… Nguyễn Đăng Na đã tinh ý
“phát hiện” ra là Nguyễn Khoa Chiêm đã “phạm luật” khi dùng công thức trên để miêu tả
quan lại như Chiêu Vũ: “Người ấy mình hạc râu rồng, mày lân mắt phượng, phong thái
hùng mạnh”, Trạc Quận công: “mặt rồng, xương hạc, mắt biếc mày xanh, có tư thế của bậc
tiên phong đạo cốt”. Tác giả đã lí giải nguyên nhân trên là do: “Những qui định ngôi thứ,
những tín hiệu đặc trưng cho từng đẳng cấp chưa kịp bám rễ vào tri thức Nam triều. Bởi vậy,
những “Nho luật” trong sáng tác chưa thắt buộc người cầm bút” [12, tr.84]. Trong Hoàng Lê
nhất thống chí, các tác giả cũng sử dụng công thức miêu tả đế vương từ động vật và vũ trụ
nhìn bề ngoài vẫn có ý ngợi ca nhưng đọc sâu vào văn bản ta sẽ nhận thấy ẩn đằng sau là sự
châm biếm về nhân vật có “khí tượng đế vương” “mũi hổ, râu rồng”, “đi nhẹ như nước, ngồi
vững như non” nhưng bất tài vô dụng, chỉ là bù nhìn trên ngai vàng. Như vậy, việc tác giả sử
dụng loại động vật nào dùng để xây dựng chân dung nhân vật không phải là sự ngẫu nhiên
mà nó được quy định bởi ý nghĩa văn hoá và công thức định sẵn của văn học trung đại.
2.3. Dạng dự báo dựa trên việc phân tích trạng thái, đặc điểm, hình dáng, vị trí của
thực vật, động vật

Ở dạng này thông tin dự báo không xuất hiện trực tiếp như trên mà gián tiếp thông
qua việc phân tích trạng thái, đặc điểm, vị trí, màu sắc… của thực vật, động vật. Không
phải thực vật, động vật nào cũng có thể khai thác thông tin dự báo mà thường đó phải là
những trường hợp đặc biệt, dị thường về trạng thái, đặc điểm, hình dáng… (Thời điểm,
4
Xem thêm bài Trần Thị Thanh Nhị (2017), “Nhân vật trong văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam dưới góc nhìn tướng
thuật”, Tạp chí khoa học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, số tháng 5
vị trí, số lượng…). Trong Dung thụ kể chuyện miếu thần làng có cây đa to, khi nào trong
làng có người đỗ đại khoa thì cành đa tự nhiên mọc ra một cái rễ nhỏ vòng quanh thân
cây như là đeo đai vậy (Năm Nhâm Thìn 1772 cây đa lại mọc đai, khoa ấy có Vũ Tông
Hương đỗ). Làng Cổ Bi cũng có một cây gạo to, trong làng có ai thi đỗ thì cây gạo mới
nảy hoa (Vũ trung tuỳ bút). Trong Đại Việt sử kí toàn thư các sử gia ghi lại các điềm lành
của vương triều có liệt kê ra các chi tiết: cây cau mới mọc vài đốt đã có quả, bông lúa
chín bông, cây ưu bát đàn nở hoa, cây cau một gốc sinh bảy, chín, mười hai cây. Vì thế,
khi xứ Thuận Quảng có điềm lành là cây sung nở hoa thì đại thần Hương Danh hầu
Nguyễn Đăng Thịnh đem các quan dâng sách khuyên mời Phúc Khoát lên ngôi chúa
[192] (Đại Việt sử kí tục biên). Cây sung là một loại cây đặc biệt, nó có hoa nhưng thuộc
loại "ẩn hoa khỏa tử" không cho thấy hoa của nó, khi kết trái mới thấy được5. Khi nhìn
thấy hoa cây sung người dân lại xem đó là một hiện tượng bất thường, là điềm lành.
Trạng thái, hành động của động vật cũng báo hiệu lành dữ. Trạng thái được miêu tả gắn
với sự gãy, cụt, chảy máu, sa, rơi rụng, lạc, hãm bị xem là cấm kị. Sự mất mát, thiếu hụt,
cụt của con vật là điềm hung, nhất là phần đuôi được xem là liên quan đến hậu vận:
Chiêu Vũ chiêm bao thấy có con cá khác bơi đến cắn đứt phần đuôi của con cá mắc câu
thì trong lòng lo lắng nghĩ về hậu vận không tốt của mình (Nam triều công nghiệp diễn
chí). Ông Nguyễn Văn Giai thấy nhiều người đem biếu cá, ông đùa bảo thử lấy cá chắp
lại xem, chỉ thiếu đuôi. Ông than rằng: “có lẽ con cháu ta sau này không được thịnh
vượng chăng?” Sau khi ông mất quả đúng như lời ấy [14, tr.151] (Tang thương ngẫu lục).
Trong hai ví dụ kể trên, cá đều bị thiếu mất phần đuôi được xem là dấu hiệu dự báo cho
kết cục không có hậu về sau của nhân vật. Hay trường hợp Dương Ngọc Hoan mơ thấy
thần nhân cho tấm đoạn vẽ đầu rồng ứng hợp với sự kiện sau này Trịnh Tông được lên
ngôi chúa. Nhưng tấm đoạn chỉ vẽ mỗi đầu rồng (không có thân mình, đuôi) nên sự
nghiệp làm chúa của Trịnh Tông cũng không ra gì (không có hậu) (Hoàng Lê nhất thống
chí). Con vật thiêng nhưng xuất hiện không đúng vị trí cũng dự báo sự kiện không lành:
Rồng vàng hiện ở gác Đoan Minh, nhà sư Pháp Ngữ nói: “Rồng vàng bay ở trên trời, nay
lại hiện ra dưới đất là điềm không lành [27, tr.290] (Việt sử lược). Con trâu vốn đi lại ở
đưới đất vì thế trâu trèo lên cây là điềm báo điều xấu: “là điềm kẻ dưới lên ở trên” [27,
tr.162] (Việt sử lược). Chảy máu mang ý nghĩa rất xấu: Lê Trãi thấy một con rắn trắng,
leo trên xà nhà, nhỏ xuống một giọt máu đúng vào chữ đại trên trang sách. Vết máu thấm
xuống ba tờ giấy biết là điềm chẳng lành cho gia đình sau này (ba đời bị rắn báo oán)
(Ông Lê Trãi – Tang thương ngẫu lục). Những hiện tượng được táng bởi tự nhiên hoặc
có sự tham dự vào của yếu tố tự nhiên như thiên táng, mối táng, hổ táng… báo hiệu
5
Trong sách viết về Bonsai người ta xếp sung vào nhóm Tam đa (Đa-Si-Sung). Thực ra, dưới nghiên cứu của khoa
học sinh học hiện đại chúng ta biết rằng quả sung có đài hoa bao bọc các cánh hoa và nhị hoa bên trong nên khi bổ
quả sung ra (quả vàng, chín) soi dưới kính lúp ta thấy rất rõ các cánh hoa, vòi nhụy và nhị hoa.
điềm lành rằng con cháu người đã khuất sau này sẽ làm nên nghiệp lớn. Việc thành đạt
của con cháu dòng học Nguyễn Cảnh được giải thích bằng chi tiết ông tổ là Nguyễn Luật
được hổ táng (Hoan Châu kí). Sự thành đạt của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi được lí giải
một phần là nhờ ngôi mộ của người cha (khỉ) được mối táng. Có những trường hợp
không được táng một cách ngẫu nhiên như thế thì người ta phải cố tìm những ngôi đất tốt
(mang hình thế động thực vật mang ý nghĩa tốt lành) để phần mộ tổ tiên nhằm để bản
thân và con cháu phát đạt về sau. Truyện Đinh Tiên Hoàng kí lí giải việc lên ngôi của
Đinh Tiên Hoàng là nhờ cốt của người cha (rái cá) được chôn vào mõm ngựa dưới đáy
vực sâu (Công dư tiệp kí). Đặc biệt những huyệt quý như “hàm rồng” (tương truyền năm
trăm năm mở miệng một lần, chỉ mở trong một khắc) thì nếu ai chôn được tiên phần vào
đó sẽ lên làm vua (Tả Ao tiên sinh – Tang thương ngẫu lục). Trong Việc tế tự, Phạm Đình
Hổ miểu tả về một thế đất phong thuỷ đẹp ở làng mình như sau: "Gò ấy rộng ước độ vài
mươi mẫu, hình giống con cá chép hóa rồng, mang cá lõm xuống như cánh hoa sen mới
nở, giữa nổi lên một gò Kim tinh như cái gương sen, quanh đấy mồ mả rất nhiều" là vùng
đất lành mang lại nhiều phúc cho một dòng họ. Những so sánh của tác giả như con cá
chép hóa rồng, cánh hoa sen mới nở làm cho người đọc cảm nhận được sự tốt lành, tôn
quý của mảnh đất và nó được xem là nguyên nhân dẫn đến việc "họ Dương, họ Vũ đất
kết phát giàu có" (Vũ trung tuỳ bút). Sự thành đạt của tể tướng xã Mộ trạch cũng được
phân tích dựa trên phong thuỷ: Xét chỗ đất ấy, phía trước có “ấn phù thủy điện” (cái ấn
nổi trên mặt nước) làm tiền án, phía sau có “đan phượng hàm thư” (chim phượng đỏ
ngậm thư) làm hậu chẩm. Các nhà phong thủy đều cho là ngôi đất “thiên táng” rất đẹp,
con cháu tất có người làm đến công hầu (Tể tướng xã Mộ Trạch – Công dư tiệp kí).
Những mảnh đất phong thuỷ đẹp bao gì cũng được miêu tả với công thức có sự xuất hiện
của động vật (rồng, phượng…), thực vật tôn quý (sen…) trong tư thế, trạng thái tốt đẹp,
viên mãn. Để lí giải sự thành công của một nhân vật nào đó, ngoài xây dựng chân dung
nhân vật gắn với quan điểm về tướng thuật thì các nhà văn còn xây dựng thêm những
môtip về phong thuỷ nhằm đề cao, nhấn mạnh nguồn gốc vũ trụ của họ. Những nhân vật
này được tiếp năng lượng vũ trụ từ phần mộ tiên phần được táng trong những cuộc đất
đẹp vì thế họ có phẩm chất, tài năng hơn người để thành công trên con đường chính trị.

Về màu sắc: sắc trắng, đỏ, vàng, ngũ sắc xuất hiện trên cây cối và động vật báo
điềm lành. Các bộ sử ghi lại các sự kiện bề tôi dâng các con vật sắc trắng báo điềm lành
cho vua và nhờ đó được ban bổng lộc, chức tước: Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng cho
là vật điềm lành, cho Lộc tước đại liêu ban, cho Tử Khắc tước Minh Tự. Tháng 12,
Nguyễn Mãi ở hương Thái Bình dâng hươu trắng. Binh tả vũ tiệp là Đỗ Khánh dâng cá
xương công sắc vàng. Vua cho là điềm lành, xuống chiếu cho các quan dâng biểu mừng [11,
tr.342]. Thậm chí khi được dâng vật lành sắc trắng, có trường hợp nó trở thành sự kiện để đổi
niên hiệu triều đại: Giáp Thân Thiên Huống Bảo Thượng năm thứ nhất 1068, mùa xuân
tháng 2, châu Chân Đăng dâng hai con voi trắng, vua cho là điềm tốt, ban chiếu đổi niên hiệu
[11, tr.284 -285]. Trong Đại Việt sử kí toàn thư cũng có nhiều lần đề cập đến rùa ngũ sắc,
chim phượng năm sắc được liệt kê vào điềm lành: “Tháng 3.110 Người đàn bà họ hoàng
dâng con chim phượng con, lông cánh đủ năm sắc, chín hào” [11]. Điều không thể phủ nhận
là hình tượng thiên nhiên trong thơ văn trung đại đều được dùng như một ẩn dụ, mang tính
ước lệ, tượng trưng nhưng chúng ta vẫn có thể phát hiện ra ý thức sinh thái hàm ẩn trong đó.
Việc không chỉ các các tác gia văn học viết về các điềm lành liên quan đến sự khác thường
của thực vật, động vật (như sắc trắng, mọc nhiều bông/ nhánh trên một cây/ cành, việc ra hoa
hay quả bất thường) mà còn được các sử gia ghi chép nhiều trong các bộ sử cho thấy các
hiện tượng trên không hoàn toàn là hư bút của văn chương, kĩ thuật vu sử mà nó bắt nguồn
từ hiện thực cuộc sống. Những hiện tượng trên dưới góc nhìn của khoa học hiện đại chính là
hiện tượng biến dị sinh học (hiện tượng) thay đổi ít nhiều về hình dạng, cấu tạo, đặc tính sinh
học ở cá thể sinh vật, do ảnh hưởng của các đột biến di truyền hoặc của môi trường khác
nhau). Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các tác gia trung đại thì những hiện tượng trên thuộc về
thiên khải, điềm báo, dấu hiệu từ trời. Vì thế, thời trung đại, nhất là thời Lý, Trần người ta rất
hay săn tìm vật thú lạ để dâng lên bề trên. Nguyên nhân là vì thời kỳ Lí, Trần Phật giáo có
tầm ảnh hưởng lớn, nên các điềm vật lạ có liên quan đến tôn giáo này được được đặc biệt
chú ý. Phần lớn các con vật được coi là lạ chỉ vì mang màu trắng được đặt ở vị trí cao quý
trong thời đó. Voi trắng vị bắt nhiều lần là gốc ở tin tưởng về chuyện Tiền thân (Jataka), từ
chuyện mẹ Thích Ca thấy voi trắng chui vào mình mà hoài thai thành Phật.

2.4. Dạng dự báo dựa trên thông tin từ thế giới siêu nhiên liên quan thực vật, động vật

Khác các dạng trên, nhóm dự báo này có đặc điểm: thông tin có được từ thế lực
siêu nhiên giá ngự trong (hoặc liên quan) đến cây cối, con vật. Những thông tin này cũng
chủ yếu nói đến các sự kiện quan trọng của triều đại như đánh giặc, lên ngôi, hung phế
triều đại. Người nhận được những thông tin từ thần linh thường là nhân vật vua chúa và
việc nhận được tin ở đây đồng nghĩa với việc họ được thần linh phù trợ (để lên ngôi, hoặc
giành thắng trận). Theo Báo Cực truyện, Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm thành trở về đến
cửa biển bỗng gặp mưa to, gió lớn, sóng trào cuồn cuộn, thuyền không qua được, phải
đậu ở bờ sông. Vua mơ thấy một người con gái tự xưng là tinh của đất đai nước Nam,
được thác vào khúc gỗ đã lâu rồi xin theo quân vua để lập chiến công. Vua sai các quân
đi tìm, tình cờ trên đỉnh núi, phát hiện khúc gỗ đầu tựa hình người, như đã gặp trong
mộng. Vua sai đặt lên đầu thuyền, thắp hương làm lễ. Trong giây lát, sóng im, gió lặng,
thuyền không bị sóng đánh nữa. Quân lính có tinh thần hăng hái. Khoảng mười ngày thì
tới đất Chiêm, vua cả phá quân Chiêm. Vua đem quân khải hoàn, phong thần làm "Thần
Hậu Thổ. Trong Thiền uyển tập anh truyện Sư Khuông Việt có kể về giấc mộng của sư
thấy một vị thần đến trước mặt sư tự xưng là Tì-sa-môn Thiên vương đến vì Thiên đế có
sắc chỉ sai giữ cương giới để cho Phật pháp được thịnh hành. Sư vào núi thấy một cây cổ
thụ cao chừng mười trượng, cành lá xúm xuê, phía trên có đám mây lành bao phủ bèn
thuê thợ đốn cây ấy, lấy gỗ tạc tượng thần theo đúng như đã thấy trong mộng, để thờ.
Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), quân Tống sang xâm lược nước ta. Vua biết chuyện này,
liền sai sư đến đền cầu đảo để thần phù hộ cho cuộc chiến. Quân giặc kinh hãi trước khí
thế của người Việt, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy
nhót, sợ hãi tan chạy. Trong Việt điện u linh tập có truyện Triệu Việt vương và Lý Nam
Đế có chi tiết Triệu Quang Phục mơ thấy rồng vàng tháo móng chân cho và bảo: “Đem
cái này gài lên mũ đầu mâu. Quân giặc trông thấy, tự nhiên phải sợ phục”. Quang Phục từ
sau khi được móng rồng, mưu lược lại càng khác thường, đánh đâu thắng đấy. Sự xuất
hiện của các thần linh liên quan đến cây cối, con vật trợ giúp thắng trận một phần phản
ánh tinh thần yêu nước, chống giặc trong lịch sử và văn học dân tộc. Cuộc đấu tranh đó
không chỉ huy động sức mạnh ý chí của toàn dân mà còn được thánh thần, trời đất, vũ trụ theo
phò, giúp sức, âm phù, thậm chí báo trước kết quả để động viên tinh thần.

3. Dự báo qua thực vật, động vật từ cảm quan sinh thái

3.1. Dự báo qua thực vật động vật mang đậm dấu ấn văn hoá gốc nông nghiệp

Lí thuyết phê bình sinh thái cho rằng văn hóa và sinh thái có mối quan hệ tương
tác hai chiều: “Văn hóa kiến tạo nên một lăng kính để thông qua nó, chúng ta nhìn nhận
thế giới tự nhiên”, nhưng đồng thời “văn hóa và ngôn ngữ nhân loại cũng như các cấu
trúc văn bản khác bị quy định bởi môi trường tự nhiên” [21]. Chúng ta nhận thấy xuất
hiện trong các dự báo qua động thực vật trong VXTSTĐVN là hệ thống động vật, thực
vật đậm văn hoá gốc nông nghiệp và mang đậm bản sắc dân tộc. Những hoa sen, cây gạo,
cây đa, cây đề… được xem là những linh vật thiêng trong văn hoá Việt Nam xuất hiện
trong những cảm ứng mộng của người mẹ sinh con. Lúc Nguyễn Sinh sắp ra đời, người
mẹ mộng thấy nuốt một đóa sen trắng (Đào hoa mộng kí), mẹ Kiều Nương đi qua dưới
cây đa Dương Húc bỗng sở cảm, đến kì sinh ra nàng (Việt Nam kì phùng sự lục). Những
người con sinh ra trong những trường hợp đặc biệt thường có tài năng, nhan sắc hơn
người. Cây gạo vốn được xếp vào giống cây thiêng, cây vũ trụ6. Trong quan niệm dân
6
Cây gạo thường thu hút quạ về làm tổ (người Pháp viết về Văn Miếu gọi đó là "ngôi đền quạ" (Le temple des
corbeaux vì ở Văn Miếu có cây gạo mấy trăm năm tuổi quạ đến đó làm tổ rất nhiều). Trong quan niệm dân gian quạ
được xem là một trong các sứ giả báo điềm trời. Gốc gạo có nhiều vấu mắt to nổi khối và do đó có nhiều hốc, người
xưa quan niệm đó là nơi hồn ma trú ngụ, thân gạo thẳng lại có gai được xem là những nấc thang để hồn ma trèo lên các
tầng cao mà hòa nhập vào vũ trụ. Cây gạo đôi khi trồng ở ven đê, ven lộ vừa để người sống mở quán hàng nước, vừa để cô
gian: “Thần cây đa ma cây gạo” để chỉ sự linh thiêng của cây gạo so với các cây khác. Họ
xem đó là nơi giá ngự của thần, ma. Những thông tin dự báo xuất hiện từ cây gạo được
xem là điềm trời, ý chỉ, thông báo của thần linh cho người trần biết. Trong Đại Việt sử kí
toàn thư và Thiền uyển tập anh có ghi lại chi tiết về cây gạo: trong truyện Trưởng Lão La
Quý là Thiền sư La Quý đã trồng một cây bông gạo để nối lại long mạch bị Cao Biền trấn
yểm. Cây gạo này chắc là cây gạo ở làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp được nói đến trong
truyện Thiền sư Vạn Hạnh bị sét đánh ra chữ báo hiệu sự diệt vong của nhà Lê và nhà Lý
lên thay [11], [23]. Là một nước nông nghiêp, từ lâu cây lúa đã sớm gắn bó với đời sống
vật chất và tinh thần của cư dân Việt. Vì thế, cây lúa cũng được xếp vào điềm lành khi phát
triển bất thường ra nhiều bông, nhánh trên một thân. Ta thấy, việc người dân thời trung đại
xem cây lúa chín bông, mưa ra lúa là điềm lành không chỉ xuất phát từ quan niệm về sự
khai nở, phát triển vượt trội được xem là may mắn mà còn thể hiện ước mong của họ về
mùa vụ bội thu. Không chỉ các cây được xem là linh vật kể trên mà ngay cả những cây rất
bình thường như cây chuối, cây mía… cũng trở thành phương tiện dự báo. Cây chuối quê
kiểng được Nguyễn Đăng Tuyển khai thác nội dung thông điệp dự báo về tương lai duyên
phận của Lan Nương và Nguyễn Sinh (Đào hoa mộng kí). Cây chuối cũng xuất hiện trong
Truyện Trạng nguyên Giáp Hải kể chuyện Giáp Hải thủa bé được thầy ra đề thi Vịnh cây
chuối liền làm ngay rằng: “Sảo trường sảo đoản đoản sảo trường” (hơi dài hơi ngắn ngắn
hơi dài). Thầy bảo sau này em bé lớn lên, tất sẽ được nổi tiếng về văn chương trong thiên
hạ. Quả nhiên sau ông đỗ Trạng nguyên và làm đến Thượng thư sáu bộ (Công dư tiệp kí
tục biên). Cây mía, cây sen xuất hiện trong vế đối của thầy và khẩu khí đối đáp của Vũ
Công Đạo báo hiệu ông sẽ thành đạt sau này: “Đình tiền hữu giá giai tước tử y” (Trước sân
có mía đều mặc áo tía), An Phú hầu ứng khẩu đối rằng: “Địa hạ sinh liên đồng thanh
trương cái” (Dưới đất mọc sen cùng giương lọng xanh) (Truyện thượng thư Vũ Công Đạo
– Công dư tiệp kí). Trong hệ thống thực vật dân tộc thì trầu, cau có ý nghĩa đặc biệt. Ngoài
mục đích dùng như một thứ lễ vật không thể thiếu trong những dịp lễ quan trọng, dùng để
ăn, để chơi thì từ xưa người Việt đã biết dùng lá trầu để bói (bói bằng cách xem các đường
gân lá). Trầu cau trong Cổ quái bốc sư truyện xuất hiện trong những nghi lễ dự báo để tạo
không khí thành kính, thiêng liêng: Thế Giai lúc có người nhờ xem chữ liền móc túi lấy ra
vài xu mua mấy miếng trầu của bà chủ quán đặt lễ. Lễ bạc nhưng lòng thành, cũng có thể
cảm ứng trời đất [13]. Những cây, những hoa kể trên đều rất thân thuộc với đời sống mỗi

hồn bơ vơ có chỗ nương tựa. Nhưng gạo thường được trồng ở sân bãi của đền chùa, tức những không gian thiêng, ngoài
những ý nghĩa đã nêu, còn để các hồn ma được nương bóng Thần, Phật mà mong siêu thoát. Trong lễ hội đâm trâu ở Tây
Nguyên, khi dựng đàn lễ, người ta chôn chắc bốn cột liên kết với nhau thành hình vuông, trong mỗi cột lồng một cây tua,
ở giữa chôn cây nêu và bao giờ cũng phải trồng một cành gạo thẳng to bằng cổ tay, sau đó buộc trâu vào cây nêu và tiến
hành các nghi lễ đâm trâu. Thầy cúng đọc lầm rầm những lời cầu Giàng phù hộ, và người ta tin rằng những lời thiêng đó
sẽ theo hồn trâu leo qua cây gạo là trục vũ trụ lên tầng trên
người dân Việt. Nó không chỉ xuất hiện trong đời sống vật chất mà đi vào cả đời sống văn
hoá tâm linh và trở thành chất liệu của văn học.

Động vật: Khác với các cư dân văn hoá gốc du mục tôn thờ những con thú gắn với
thảo nguyên, đồng cỏ như chó sói, đại bàng… thì cư dân Việt thờ chủ yếu là các loài
thuộc vùng sông nước, rừng núi, trung du như chim, rắn, cá sấu với tâm thức: “nhất điểu,
nhì xà, tam ngư, tứ tượng”. Người Việt cổ đã nâng các con vật này lên thành biểu tượng
Tiên Rồng thể hiện qua truyền thuyết về thời Hồng Bàng. Ý thức về nòi giống Tiên Rồng
thể hiện niềm tự hào của người Việt về nguồn gốc xuất thân của mình. Trong các con vật
thì rồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hình tượng rồng từ dân gian đi vào trong văn học
thường gắn với những sự kiện quan trọng của dân tộc, hoặc những chuyện liên quan đến
người đứng đầu đất nước. Rồng, rắn xuất hiện một số môtip về sự ra đời thần kỳ và hành
trạng của nhân vật danh nhân, đấng bậc. Cùng với rồng, chim là một trong hai vật tổ được
người Việt sùng bái. Trong ý nghĩa văn hóa, chim gắn với ý niệm linh hồn và những
chuyến đi về vùng đất của những người chết, hoặc thần thánh thường giáng hạ xuống cõi
trần qua hình hài nhỏ bé nhưng thanh thoát, nhẹ nhàng của một chú chim. Chim là người
mang thông điệp đến thánh thần cũng như là người đưa linh hồn đến thiên đường. Chim
quần tụ là kí hiệu của điềm lành: Tổ ba đời của vua Lê Lợi đi chơi núi Lam Sơn thấy đàn
chim bay quanh dưới núi, giống như hình trạng nhiều người tụ họp, bèn nói: chỗ này tất
là đất tốt”, mới dời nhà đến ở, từ đấy đời đời làm hùng trưởng một phương (Việt sử lược).
những loại chim lông đen chẳng hạn như quạ hoặc loài chim hoạt động về đêm như cú
thường báo điềm dữ: Trên các cây cối trong phủ chúa thường có hàng vạn con quạ ở đâu
kéo đến bay lượn lao xao, ngày đêm kêu gào quang quác báo trước tai hoạ, chết chóc
trong phủ chúa Trịnh (Hoàng Lê nhất thống chí). Trong VXTSTĐVN thì rùa xuất hiện
khá nhiều, có thể liệt kể một số tác phẩm như Chuyện người con gái Nam Xương, Ông Lê
Trãi, Truyện hai thần nữ, Hoan Châu kí…Trong những truyện trên rùa xuất hiện trong
các phương thức dự báo với vai trò như hình ảnh so sánh cho tướng người (lưng rùa),
hình thế (gò rùa), nhân vật dự báo (con rùa mai xanh), cách dự báo (xem mai rùa). Trong
biểu tượng văn hoá thế giới và Việt Nam, rùa mang ý nghĩa vũ trụ, tượng trưng cho sự ổn
định vững chãi, sự trường thọ, rùa là vị thần sáng thế, anh hùng khai hoá, tổ tiên huyền
thoại. Người Việt không chỉ thờ các con vật mang ý nghĩa biểu tượng như rồng, chim,
rùa… mà còn rất quan tâm đến các con vật gần gũi hay xuất hiện hàng ngày trong cuộc
sống bình dị của họ như trâu, gà, chó…. Có lẽ, với cư dân nông nghiệp gắn bó với ruộng
đồng, cấy trồng thì con trâu, con bò được xem là những người bạn thân thiết vì thế nó
cũng trở thành đối tượng được quan sát để phân tích, dự báo. Khi ở phủ Trường An có rất
nhiều trâu bò nhà dân tự đổi sừng. Có người thầy bói bảo rằng: “Năm sửu sinh một người
làm thiên tử”, nói đoạn không thấy đâu nữa. Đến nay thấy vua Lý Thái Tông sinh năm
Sửu được cho là ứng vào điềm trên (Đại Việt sử kí toàn thư) [11, tr.79]. Từ lâu, người
Trung Quốc cũng như người Việt và các dân tộc khác, cho rằng gà là một trong mười hai
con vật linh thiêng và gần gũi nhất với con người và được xếp vào thập nhị địa chi. Ở
một số vùng người ta còn tin rằng nếu con gà gáy gở (tức gà cái biết gáy) báo điềm gở
cho gia đình và quốc gia. Trong văn hoá dân gian gắn với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ phủ
công đồng, ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí quan trọng trước điện
thờ tiên thánh. Giá thờ cô Chín – vị thần bói toán – bao giờ cũng là biểu tượng con gà
trống hết sức sống động, được vẽ rất đẹp. Ở vùng dân tộc Hmông gà trở thành biểu tượng
thiêng liêng, có thể giúp con người đoán định tương lai của đời người, của hạnh phúc lứa
đôi không chỉ bằng tục lệ xem chân gà như những dân tộc khác để đoán định tương lai
mà xem xương gà để chọn ngày giờ tốt và đoán định tương lai (điều này cũng được bắt
gặp ở một số dân tộc trên thế giới như Trung Quốc, La Mã…). Trong VXTSTĐVN, gà
cũng xuất hiện với ý nghĩa điềm báo tượng trưng qua giấc mộng để phán truyền tương
lai. Trong Hương lãm Mai đế kí kể chuyện khi sinh ra Mai Thúc Loan, mẹ nằm mộng
thấy người thiếu phụ, mình mặc áo đoe, tự xưng là Xích Y sứ giả, tay cầm viên ngọc kê
sơn bích. Xem viên ngọc ấy thì giống quả trứng gà nhưng to hơn, năm sắc lóng lánh loé
cả mắt, giơ tay đón lấy bỗng nhiên cầm hụt,rơi xuống đất vỡ tan, nhân đó giật mình tỉnh
dậy. Người cha giải thích: ngọc bích nhận ở tay hốt nhiên rơi xuống đất vỡ tan, bắn tung
toé, có tiếng kêu vang vang, đó là cái ý tiếng tăm vang dậy, chấn động người đời. Còn gà
(kê) thì đứng đầu loại có cánh, lại thêm năm sắc loé mắt, dùng để làm vật báu có cái điềm
lành của con tinh điểu mang năm đức tốt. Bèn đặt tên là Phượng, tự là Thúc Loan, đó là
để ghi lại cái điềm được thấy trong giấc mộng (Việt điện u linh tập). Có nhiều tài liệu cổ
để lại đã chứng minh là người Việt từ rất sớm đẫ dùng con gà làm phương tiện dự báo.
Theo Tư Mã Thiên, tại khu vực Đông Âu Việt, về sau là cả khu vực nước Nam Việt, đã
xuất hiện hệ thống các vu sư thờ Thượng Đế, thánh thần, ma quỷ, xem bói bằng chân gà,
được gọi là Việt vu: “Bấy giờ (110 trước Công nguyên) đã diệt nước Nam Việt. Người
Việt là Dũng Chi bèn nói: Tục người Việt tin ma quỷ, đền thờ đều thấy ma quỷ, khấn vài
lần đều linh nghiệm. Xưa vua Đông Âu kính ma quỷ, thọ đến một trăm sáu mươi tuổi.
Đời sau khinh mạn nên suy tổn. Đoạn bèn sai Việt vu dựng đề thờ Việt, đặt bệ thờ, không
có đàn tế, cũng thờ thần, Thượng Đế, dùng gà để bói. Hoàng thượng tin. Đền thờ Việt,
phép bói gà bắt đầu sử dụng từ đây” [22, tr.162]. Tín ngưỡng sùng bái động vật xuất hiện
ở nhiều quốc gia nhưng nếu các quốc gia nhưng với nhiều nền văn hóa khác nhau là thờ
các con vật có sức mạnh như hổ, sư tử, chim ưng... thì tín ngưỡng Việt Nam thờ các con
vật hiền lành hơn như trâu, cóc, rắn, chuột, chó, mèo, voi, gà, rùa… là các con vật đó gần
gũi với cuộc sống của người dân của một xã hội nông nghiệp, thậm chí đẩy các con vật
lên thành mức biểu trưng như Tiên, Rồng. Theo truyền thuyết thì tổ tiên người Việt thuộc
họ Hồng Bàng (có nghĩa là một loài chim nước lớn), thuộc giống Rồng Tiên. Các con vật
này không chỉ có ý nghĩa trong đời sống văn hoá mà còn được các nhà văn trung đại khai
thác như một chất liệu văn học, sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật để truyền đạt nội
dung mà cụ thể ở đây chính là kĩ thuật phục bút trong xây dựng chân dung nhân vật,
trong miêu tả những sự kiện liên quan đến việc ra đời nhân vật (điềm, mộng) để báo
trước cho cuộc đời sau này của họ.
3.2. Dự báo qua thực vật, động vật - sự kính ngưỡng thiên nhiên

Michelle Branch nói “Tất cả các phương diện trong xã hội chúng ta cùng quyết định
lên phương thức sinh tồn độc nhất vô nhị của chúng ta trên thế giới này. Không nghiên cứu
những điều này, chúng ta không thể nào nhận thức được một cách sâu sắc quan hệ giữa con
người và môi trường tự nhiên, mà chỉ có thể biểu đạt được những ưu tư nông cạn. Vì thế,
ngoài việc nghiên cứu văn học biểu hiện tự nhiên như thế nào, chúng ta còn phải bỏ nhiều
công sức phân tích những nhân tố văn hóa xã hội quyết định thái độ đối với tự nhiên và
hành vi sinh tồn trong môi trường tự nhiên, và kết hợp sự phân tích này với nghiên cứu
văn học” (TTTN nhấn mạnh) (Dẫn theo Đỗ Văn Hiểu) [6]. Không phải ngẫu nhiên mà
trong VXTSTĐVN lại xuất hiện một hệ thống các dự báo qua thực vật, động vật như
chúng ta đã thấy ở phần khảo sát trên. Hiện tượng đó không thể chỉ được lí giải là thuộc kĩ
thuật văn chương là kĩ thuật phục bút, sử sụng hình thức kì ảo… mà đằng sau đó là là các
vỉa tầng văn hoá. Tư tưởng văn hoá ảnh hưởng quan trọng hình thành nên sự dự báo qua
thực vật, động vật là thiên nhân hợp nhất (vạn vật nhất thể, nhân thể tiểu vũ trụ…). Tư
tưởng Thiên nhân hợp nhất đã sớm xuất hiện trong các trường phái triết học Trung Quốc
cổ đại như Nho gia, Đạo gia, Âm dương gia… Các trường phái này cách thức trình bày có
thể khác nhau nhưng đều gặp nhau một điểm là xem con người và vũ trụ có sự cảm ứng,
coi trọng sự hoà hợp giữa trời7, vũ trụ, thiên nhiên và con người. Lí tưởng cao nhất mà tư
tưởng này hướng đến là sự hài hoà giữa trời và người, đạt đến sự thống nhất cao độ giữa
chủ thể và khách thể. Đổng Trọng Thư trong “Xuân Thu phồn lộ, Thâm sát danh hào” đã
nêu rõ rằng: “Thiên nhân chi tế, hợp nhi vi nhất.” (Tạm dịch: Trời và Đất gặp nhau, hợp
thành một thể). Lão Tử đã nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận
theo Đạo, và Đạo thuận theo tự nhiên”, lấy Đạo và tự nhiên làm khởi nguồn giá trị tinh
thần của loài người. Như thế, mục tiêu cao nhất của thiên nhân hợp nhất là hướng đến sự
7
Học giả Lí Thân trong cuốn “Trung Quốc cổ đại triết học hòa tự nhiên khoa học” giải thích quá trình mở rộng hàm
nghĩa này như sau: “Trời là cách gọi chung của vạn vật, trạng thái tồn tại của vạn vật có điểm chung là ‘tự nhiên nhi
nhiên’. Do đó nói đến Trời, tức là chỉ những thứ vốn ‘tự nhiên nhi nhiên’ mà hình thành; ngược lại, nói đên những
thứ ‘tự nhiên nhi nhiên’ mà hình thành tức cũng là nói đến Trời. Từ đó, tự nhiên và Trời trở thành từ đồng nghĩa,
Trời bắt đầu mang hàm nghĩa ‘tự nhiên nhi nhiên’, ‘thiên nhiên’ gọi tắt là Thiên”[24].
hài hoà của vũ trụ, tự nhiên, con người và sự vật. Tư tưởng này rất gần với tư tưởng phê
bình sinh thái hiện đại. Vì phê bình sinh thái ra đời như một phản ứng tích cực trước tình
trạng môi trường toàn cầu đang ngày một xấu đi nhằm điều chỉnh quan niệm về con người
và tự nhiên: “Phê bình sinh thái khai thác lợi thế của việc thông qua phê bình văn học nghệ
thuật tìm ra căn nguyên sâu xa của nguy cơ sinh thái ẩn tàng trong mô thức văn hóa nhân
loại, từ đó tiến tới điều chỉnh quan niệm về quan hệ giữa con người và tự nhiên, xây dựng
một phương thức sống đề cao chỉnh thể sinh thái” [28, tr. 23].

Trong văn học cổ phương Đông nói chung, văn học trung đại Việt Nam nói riêng,
hình mẫu của con người lí tưởng là sống hài hoà với thiên nhiên, vũ trụ. Tư tưởng này thể
hiện rõ nhất ở mẫu nhân vật đế vương. Trong quan niệm cổ trung đại, đế -vương là người
có đức độ, tài năng được trời lựa chọn cai trị thiên hạ. Phẩm chất quan trọng của đức là
hiếu sinh. Theo quan niệm cổ đại: “Vô luận người hay động vật, thực vật, hễ có sinh
mệnh, đều có quyền sinh tồn, nên người có khả năng sinh và dưỡng vạn vật gọi là người
có đức, trời đất đã sinh dưỡng vạn vật nên có thể gọi đó là “đại đức”, còn bậc đế vương
dùng quyền lực của mình để mở rộng chế độ bảo hộ chúng sinh trong khu vực thống trị
của mình có thể gọi là thay trời thực hiện quyền lực nên mới gọi đế vương chi đức phối
thiên địa” (Dẫn theo Trần Nho Thìn) [26]. Dật Chu thư ghi lời của Chu Công, nói ba
tháng mùa xuân cây cối đang đâm chồi nảy lộc, không đem búa rìu vào rừng chặt cây để
giúp cho thảo mộc trưởng thành; ba tháng mùa hạ không giăng lưới để cho cá sinh
trưởng. Tuân Tử viết trong thiên Vương chế: “Qui chế của thánh nhân, mùa thảo mộc
đang sinh trưởng tươi tốt, không đem búa rìu vào rừng, không làm tổn hại tuyệt diệt sự
sinh trưởng của chúng. Mùa các loài cá rùa đang đẻ trứng, không mang lưới, thuốc độc
xuống đầm để không làm tổn hại tuyệt diệt sự sinh trưởng của chúng. Mùa xuân cày cấy,
mùa hạ làm cỏ, mùa thu thu hoạch, mùa đông cất giữ, bốn mùa không bị thất thời thì ngũ
cốc không bao giờ hết mà người dư lương ăn” (Dẫn theo Trần Nho Thìn) [26]. Dẫu là
đức của cá nhân hay đức của đế vương đều trước hết hướng về hiếu sinh. Thiên tử là con
trời, mô phỏng, bắt chước trời trong điều hành quốc gia thì phải có đức hiếu sinh. Phẩm
chất, nhân cách của vua sẽ được trời đất đánh giá bằng các điềm lành dữ qua hệ thống
sinh thái là các hiện tượng thiên nhiên và các sinh vật. Trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi
chép khá đa dạng điềm lành xuất hiện như: rồng hiện, có người dâng cống voi trắng, hổ
trắng, hươu trắng, chim sẻ trắng, quạ trắng, rùa có chữ Hán trên mai. Trong đó môtíp
rồng vàng hiện được chép 24 lần. Nguyên do có thể như Ngô Sĩ Liên (dưới góc nhìn
Nho gia) nhận định, các vị vua triều Lý đều ưa thích điềm lành, đặc biệt là các vua Lý
Nhân Tông: “Mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt”; Lý Thần
Tông: “quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật, chẳng đáng quý gì” [11]. Điềm rồng và
rùa xuất hiện trong các câu chuyện hay thời của đế vương được lí giải mang khuynh hướng
với đạo đức của vua, những gì hợp Lễ, Nghĩa thì xuất hiện điềm lành. Nguyên nhân xuất
hiện điềm lành, theo Hán Nho, Đổng Trọng Thư quan niệm: “Vua ngay thì nguyên khí
hòa thuận, mưa gió đúng lúc, sao sáng hiện, rồng vàng bay xuống. Vua không ngay thì
trên trở trời, tặc khí xuất hiện”, “Việc tốt kéo theo điều tốt, việc xấu kéo theo điều xấu,
cùng phẩm loại thì tương ứng dấy lên”. Đế vương sắp nổi lên thì điềm tốt đẹp thấy
trước, đế vương sắp diệt vong thì sự yêu nghiệt cũng thấy trước”. Chính vì vậy, các
ghi chép về điềm lành cũng tương tự như ghi chép về điềm tai dị, đều được liên hệ trực
tiếp tới nền đức chính của quân vương. Quan niệm trên cũng có sự tương đồng với vua ở
phương Tây. Một thánh thư được gán cho là của thánh Patrice đã liệt kê trong số những
điều may mắn mà triều đại của một vua tốt mang đến: “Thời tiết tốt, mặt biển lặng, các vụ
mùa bội thu, và cây cối sai trĩu quả”. Ngược lại, nạn đói, đàn bò cái vô sinh, quả trên cây
hư thối, và tình trạng thiếu hạt giống được coi là những chứng cớ không thể chối cãi của
một triều đại xấu [4, tr. 154-155]. Vì thiên – nhân có sự cảm ứng nên khi người đứng đầu
lỗi đức: tàn bạo, hoang dâm, xa xỉ, không chăm lo chính sự thì trời sẽ cho xuất hiện
điềm tai dị để cảnh báo. Tai dị là những hiện tượng tự nhiên dị thường tai hại, được coi
là sự răn đe của trời đất. Đổng Trọng Thư quan niệm: “Vạn vật trong trời đất mà có sự
biến đổi bất thường thì gọi là Dị. Sự thay đổi nhỏ thì gọi là Tai. Tai thường đến trước
mà Dị thì theo sau. Tai là sự khiển trách của Trời. Dị là uy của Trời vậy. Khiển trách
mà vẫn không biết thì sẽ dọa nạt bằng uy”; “Gốc của điềm tai dị đều nảy sinh ở sự sai
trái của nhà nước. Sự sai trái của nhà nước mới nhen nhóm, Trời liền hiện ra điềm tai
hại để cảnh cáo. Cảnh cáo mà vẫn không biết thay đổi thì lại hiện ra điềm quái dị để
dọa nạt. Dọa nạt mà vẫn không biết kinh sợ thì tai ương sẽ ập tới” [22, tr. 105] (Dẫn
theo Trần Quang Đức). Ta cũng thấy rõ điều này được đề cập trong Sử kí, Hiếu văn bản
kỉ viết về Hiếu Văn Hoàng đế: “Trời sinh nhân dân, vì nhân dân mà đặt vua để nuôi dưỡng
và cai trị dân: nếu nhà vua không có đức, thi hành chính trị không công bình thì trời ra tai
hoạ cho nhà vua biết để răn đe về chỗ trị dân” 8. Các điềm tai dị được báo hiệu bởi các
hiện tượng tự nhiên liên quan sao chổi, mặt trời, mặt trăng. Ngoài ra, điềm tai dị còn
có các loại khác như qua thực vật, động vật, qua tiếp xúc với thế giới siêu nhiên: Trong
Điềm quái gở, Phạm Đình Hổ viết điềm hung là sự kiện bất thường bò đẻ ra người:
“Đời Tây Sơn về mùa xuân năm Nhâm Tuất (1802), ở huyện An Sơn làng Thạch Thán
có con bò vàng đẻ ra một đứa con trai, được vài ngày nó phổng lớn lên như thằng bé
lên mười hai, mười ba tuổi, dưới cằm lại mọc râu, ăn gấp hai người thường, chỉ một
nỗi không nói, không đi được mà thôi. Người ta sợ là yêu quái mới ngầm đem giết mà
8
Tư Mã Thiên (2007), Sử kí, Nxb Văn hoá Thông tin Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, tr. 170
chôn đi thì thấy tật dịch nổi lên đùng đùng, được hơn một tháng người làng chết đến
vài trăm người, có nhà chết cả nhà, người làng nhiều người phải trốn tránh đi nơi
khác” (Vũ trung tuỳ bút) [14, tr. 64-65]. Cũng trong truyện trên tác giả còn liệt kê điềm
hung qua chi tiết con mèo biết nói tiếng người. Trong Việt Lam xuân thu, yêu tinh của
cây ngô đồng báo trước việc Hồ Quý Ly mất nước là do tàn bạo: “Thiếp vốn là trích
tiên có dịp gặp ông. Vì ông bạo ngược rồi sẽ bị trời trừng phạt” [15, tr. 39].
Dù được điềm lành mà quân vương không lo chính sự, ăn chơi vô độ, chủ quan khinh
địch thì cũng có thể chuốc bại vong. An Dương Vương cậy có điềm tốt móng rồng dẫn đến
chủ quan khinh địch từ đó mất nước (Đại Việt sử kí toàn thư). Ngược lại, khi có điềm xấu mà
vua biết giữ đức, chăm lo cho bách tín thì có thể trừ bỏ được hoạ hoạn. Trong lời tấu của Hữu
thị lang lại bộ dâng khải lên Bình An vương cho thấy rõ điều này: “Trộm nghĩ trời xuống tai dị
hay điềm lành là do ở sự có đức hay không, làm thiện thì hiện ra điềm lành, làm ác thì răn bằng
tai dị. Song nhân tai dị mà sửa đức thì không hại, cho nên người xưa lấy trời để tự xử, mà kính
cẩn đối với mệnh trời”. Trong Việt sử lược nhiều đoạn trong bộ này cũng ghi lại lời bình của
các sử gia đề xuất về cách ứng xử của quân vương khi có điềm tai dị: “Phàm người làm vua
một nước, kính cẩn sự răn bảo của trời, lo lắng hết việc của người, là cái đạo vãn hồi sự tai
biến của trời đất vậy” (Ngô Sĩ Liên) [27, tr. 452]. Việt sử lược cũng có ghi lại chi tiết Nhân
Tôn Tuyên Hoàng đế khi thấy điềm tai dị: tháng 2 ngày mồng 2 xuống chiếu rằng: “Hạ lệnh
cho hữu ty cùng bọn quân nhân đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể hồi được lòng
trời, hết được tai biến” [27, tr. 187.188]. Qua hệ thống các điềm lành dữ xuất hiện trên động
thực vật xuất hiện gắn với các sự kiện liên quan đến nhân vật quân vương chúng ta thấy rõ hơn
quan niệm vạn vật nhất thể, thiên nhân hợp nhất, thiên nhân cảm ứng. Thời trung đại, đấng
quân vương muốn giữ được sự dài lâu của vương triều thì phải biết quan sát, lắng nghe những
phản ứng chê khen của trời đất vũ trụ để kịp thời sửa mình. Chỉ khi vua biết tu đức hiếu sinh,
nền cai trị mà nhân lí9 phù hợp với thiên lí thì triều đại đó mới có thể tồn tại dài lâu10.

9
Học giả Lí Thân tiến hành kết hợp hai khái niệm “Thiên” và “Lý”, từ đó nhận định: “Khi nhận thức của con người
về thế giới ngày một sâu sắc thì người ta phát hiện ra rằng, không chỉ trạng thái tồn tại của sự vật, mà ngay cả kết
cấu tự thân của sự vật, quan hệ tương hỗ giữa các sự vật, tính tất nhiên liên động của sự vật… đều là những quá
trình vận động khách quan không chịu sự ảnh hưởng của con người, tiếp đó lại lấy trật tự xã hội và các loại hành vi
quy phạm do trật tự xã hội quyết định, cũng đều xem như một thứ tồn tại tự nhiên, xưa nay không đổi, con người chỉ
có thể tuân thủ, mà không thể làm trái ngược. Cái này lúc đầu gọi tên là ‘lý’, sau đó gọi là ‘lý trời’. ‘Lý’ tức là tồn
tại tự nhiên, là xu thế tất nhiên, cũng chính là Trời, Trời vì vậy mang hàm nghĩa của ‘lý’, hơn nữa, hàm nghĩa của
Trời bản thân nó cũng đã bao hàm ‘lý’”. (Giống chú thích 7, trang 102-103).

10
Thực ra, tư tưởng này không chỉ nằm trong lối tư duy hành xử của đấng quân vương mà ở cả những người dân
thường khác: Hồ Nguyên Trừng trong Nam ông mộng lục kể về đức hiếu sinh của ngoại tổ ông, người đã có hai câu
thơ Sào điểu ký lâm hưu phạt mộc, Nghĩ phong tại địa vị canh điền (tạm dịch : Cây chưa chặt lúc chim làm tổ, đất
hoãn cày khi tổ kiến còn). Do có tình yêu đối với thiên nhiên, tạo vật, biết tích đức như vậy nên con gái cụ đã sinh
ra vua Trần Nghệ Tông.
Có thể thấy người xưa đã sử dụng thực vật động, vật như một phương tiện dự báo.
Qua khảo sát VXTSTĐVN có thể thấy sự đa dạng các kiểu loại dự báo dựa vào thực vật,
động vật như: Dạng dự báo dựa vào chữ viết xuất hiện trực tiếp trên mình thực vật, động vật;
dạng dự báo dựa trên phân tích tên gọi, kiểu loại thực vật, động vật; dạng dự báo dựa trên
việc phân tích trạng thái, đặc điểm, hình dáng, vị trí của thực vật, động vật; dạng dự báo
dựa trên thông tin từ thế giới siêu nhiên liên quan thực vật, động vật. Mặc dù các tác
phẩm VXTSTĐVN không thuộc dòng văn học sinh thái, nhưng qua khảo sát các dự báo
liên quan đến thực vật, động vật xuất hiện trong đó chúng ta có thể nhận thấy những yếu
tố, biểu hiện của vấn đề sinh thái. Hệ thống thực vật, động vật mang đậm dấu ấn văn hoá
nông nghiệp xuất hiện trong các dự báo cho thấy nó có vị trí quan trọng và sức ám ảnh
trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hệ thống điềm báo qua thực vật, động
vật báo điềm lành dữ gắn với việc tu đức hiếu sinh của đấng quân vương thể hiện rõ tư
tưởng triết học cổ đại là thiên nhân hợp nhất. Quan niệm, cách tư duy, hành xử của quân
vương với điềm báo của trời đất để duy trì sự bền vững của vương triều cho thấy từ thời
trung đại con người đã biết quan sát, lắng nghe và tìm cách sống hài hoà với thiên nhiên,
vũ trụ, môi trường. Bài học về cách quan sát, quan niệm, ứng xử với môi trường sinh thái
thời trung đại vẫn còn nguyên giá trị trong ngày hôm nay, đáng để chúng ta suy ngẫm và
học hỏi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.Jean Chevaliev, Alain Gheerborant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng.
2.Nguyễn Khoa Chiêm (Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga giới thiệu) (2003), Nam triều
công nghiệp diễn chí, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
3.Mỹ Quảng Huy chủ biên (2003), Trung Quốc kinh học tư tưởng sử, q.1, Trung Quốc xã
hội khoa học xuất bản xã.
4.Jame Fazer (2007), Cành Vàng, bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy, NXB Lao Động.
5.Cheryll Glotfelty (1996), “Introduction: Literary Studies in an Age of Enviromental Crisis”,
The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, University of Georgia Press.
6.Đỗ Văn Hiểu (2016), Tính khả dụng của phê bình sinh thái,
https://dovanhieu.wordpress.com/2016/09/15/tinh-kha-dung-cua-phe-binh-sinh-thai/
7.Đỗ Văn Hiểu (2012), “Phê bình sinh thái – cội nguồn và sự phát triển”, Tạp chí Nhà văn, số 11
8.Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ (2003), Nhìn lại lịch sử, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
9.Vương Khả (1999), “Lược sử Đạo giáo Việt Nam”, Tạp chí Văn hoá, (2), tr. 81.
10.Khuyết danh, Trần Quốc Vượng dịch và chú giải (2005), Việt sử lược, NXB Thuận Hoá,
Trung tâm văn hoá ngôn ngữ đông tây, Huế.
11.Ngô Sỹ Liên (1976), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
12.Nguyễn Đăng Na (2001), Văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam, tập 1, Truyện ngắn, Nxb Giáo dục.
13.Trần Nghĩa (chủ biên) (1997), Tổng tập tiểu thuyết Việt Nam, tập 1, NXB Thế giới, Hà Nội.
14.Trần Nghĩa (chủ biên) (1997), Tổng tập tiểu thuyết Việt Nam, tập 2, NXB Thế giới, Hà Nội.
15.Trần Nghĩa (chủ biên) (1997), Tổng tập tiểu thuyết Việt Nam, tập 3, NXB Thế giới, Hà Nội.
16.Trần Nghĩa (chủ biên) (1997), Tổng tập tiểu thuyết ViệtNam, tập 4, NXB Thế giới, Hà Nội.
17.Ngô Gia Văn Phái, (Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch dịch, Trần Nghĩa giới thiệu),
(2006), Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, Hà Nội
18.Nguyễn Thanh Phong (2013), “Tư tưởng trời trong triết học cổ điển Trung Quốc”,
https://nguvandhag.wordpress.com/2013/02/26/tu-tuong-troi-trong-triet-hoc-co-dien-trung-quoc/
19.Lê Văn Quán (2008), Chu dịch – Vũ trụ quan, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội,
20.Diêu Vĩ Quân ((2004), Bí ẩn của tướng thuật, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
21.Kate Rigby (2010), Phê bình sinh thái, http://2konmuwkj.wordpress.com/2013/06/02, 02/06/2013
22.Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức (2014), “Thần hoá và vương quyền qua bút pháp vu sử
trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư”, Tạp chí nghiên cứu Tôn giáo số 11 (137),
23.Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb Tp Hồ Chí Minh.
24.Lí Thân (2001), Trung Quốc cổ đại triết học hòa tự nhiên khoa học, Thượng Hải Nhân
Dân xuất bản xã, Thượng Hải, trang 102.
25.Nguyễn Cảnh Thị, (Trần Nghĩa giới thiệu) (2011), Hoan Châu kí, NXB Thế giới, Hà Nội
26.Trần Nho Thìn (2011), Tiếp cận tác phẩm trong chương trình phổ thông trung học có liên
quan đến văn hoá chính trị cổ trung đại, Tài liệu tập huấn phát triển chuyên môn giáo viên
trường trung học phổ thông chuyên Môn Ngữ văn, H.
27.Khuyết danh, Trần Quốc Vượng dịch và chú giải (2005), Việt sử lược, NXB Thuận Hoá,
Trung tâm văn hoá ngôn ngữ đông tây, Huế.
Thạc sĩ: Trần Thị Thanh Nhị
Giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế
Email: Thanhnhidh@gmail.com
ĐT: 0978821814

You might also like