You are on page 1of 4

BÀI GIẢNG DẠNG VĂN BẢN (SCRIPT)

Môn học: Luật lao động

Chương 1: Tổng quan về Luật lao động

Chủ đề 1: Các khái niệm cơ bản về Luật lao động

Slide Nội dung


1 Chào mừng các anh chị đến với chương TỔNG QUAN VỀ LUẬT LAO ĐỘNG.
Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề đầu tiên của chương - Các khái niệm cơ
bản về Luật lao động
2 Sau khi nghiên cứu, chúng ta có thể:
• Xác định được đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật lao động
• So sánh được nguyên tắc bảo vệ người lao động và nguyên tắc bảo vệ
người sử dụng lao động.
3 Khái niệm
Quan hệ lao động làm công ăn lương là loại quan hệ lao động tiêu biểu và cũng là
hình thức sử dụng lao động chủ yếu, phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Để bảo
đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, cũng như bảo vệ sự phát triển ổn định
của xã hội, Nhà nước phải đặt ra các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan
hệ phát sinh trong trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người
lao động và người sử dụng lao động. Tổng hợp quy phạm pháp luật điều chỉnh
quá trình này đã hình thành nên một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật
Việt Nam, được gọi là Luật lao động.
4 Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động là mối quan hệ xã hội phát sinh trong
việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng
lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và
các quan hệ khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Như vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật lao động bao gồm hai nhóm quan hệ xã
hội:
- Quan hệ lao động.
- Các quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
5 Quan hệ lao động
Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.
Quan hệ lao động cá nhân là quan hệ giữa cá nhân NLĐ và NSDLĐ. Quan hệ lao
động tập thể là quan hệ giữa NSDLĐ và tổ chức đại diện người lao động, hoặc
giữa tổ chức đại diện NSDLĐ và tổ chức đại diện người lao động.
Luật lao động chủ yếu điều chỉnh quan hệ lao động cá nhân giữa người lao động
làm công ăn lương với người sử dụng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế. Để
điều chỉnh quan hệ lao động, pháp luật đặt ra các tiêu chuẩn, chuẩn mực hay khung
pháp lí, trong đó quyền lợi của các bên được ấn định ở mức tối thiểu và nghĩa vụ
được ấn định ở mức tối đa. Các chủ thể khi tham gia quan hệ này hoàn toàn tự do,
bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận các vấn đề liên quan đến quá trình lao động
phù hợp với pháp luật và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Quan hệ lao
động cá nhân có các đặc điểm cơ bản:
• Hình thành giữa hai chủ thể độc lập, được xác lập trên cơ sở hợp đồng lao
động và phù hợp với thỏa ước lao động tập thể.
• Sức lao động của người lao động được sử dụng trong một thời gian dài và
ổn định.
• Trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động toàn quyền tổ chức, kiểm
tra, giám sát quá trình lao động của người lao động. Ngược lại, người lao
động phải tự mình hoàn thành công việc được giao, chấp hành nội quy lao
động và chịu sự quản lí điều hành của người sử dụng lao động.
• Trong quá trình tồn tại, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ lao động thường
có sự tham gia của đại diện tập thể của người lao động.
Các đặc điểm trên đã cho thấy rõ sự khác biệt giữa quan hệ lao động làm công ăn
lương với quan hệ lao động trong hợp tác xã, quan hệ lao động của cán bộ công
chức trong bộ máy nhà nước hoặc quan hệ dịch vụ dân sự.
6 Quan hệ liên quan đến quan hệ lao động
Ngoài quan hệ lao động làm công ăn ăn lương là quan hệ chủ yếu, Luật lao động
còn điều chỉnh một số quan hệ xã hội khác có liên quan chặt chẽ với quan hệ lao
động. Những quan hệ đó bao gồm:
• Quan hệ về việc làm
• Quan hệ học nghề
• Quan hệ về bồi thường thiệt hại
• Quan hệ về bảo hiểm
• Quan hệ về giải quyết các tranh chấp lao động và đình công
• Quan hệ về quản lý lao động
7 Phương pháp điều chỉnh
Xuất phát từ tính chất của các quan hệ xã hội do Luật lao động điều chỉnh, Luật
lao động sử dụng nhiều phương pháp tác động khác nhau tùy thuộc vào từng quan
hệ lao động cụ thể.
Các phương pháp điều chỉnh của Luật lao động bao gồm:
Phương pháp thỏa thuận. Phương pháp này chủ yếu áp dụng trong trường hợp xác
lập quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động, và trong
việc xác lập thỏa ước lao động tập thể.
Phương pháp mệnh lệnh. Phương pháp mệnh lệnh được sử dụng trong lĩnh vực tổ
chức và quản lý lao động, thường được dùng để xác định nghĩa vụ của người lao
động đối với người sử dụng lao động.
Phương pháp thông qua các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tác
động vào các quan hệ phát sinh trong quá trình lao động. Đây là phương pháp điều
chỉnh rất đặc thù của Luật lao động, được sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của
người lao động khi các quyền, lợi ích hợp pháp của họ có nguy cơ bị xâm phạm.
Phương pháp này khẳng định sự hiện diện của tổ chức đại diện người lao động là
chính đáng, không thể thiếu được trong quan hệ lao động.
8 Nguyên tắc của Luật lao động
Để bảo vệ mối quan hệ lao động được phát triển ổn định và bền vững, cũng như
tạo sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố quản lý nhà nước và quyền lợi các bên, pháp
luật lao động đặt ra các nguyên tắc cơ bản được xem như những tư tưởng chỉ đạo
và xuyên suốt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật lao động. Nội dung các
nguyên tắc cơ bản này có thể phân thành 3 nhóm:
Nguyên tắc bảo vệ người lao động. Nguyên tắc này rất rộng, không chỉ bảo vệ sức
lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, mà phải bảo vệ
họ trên các phương diện khác như việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng,
sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, cuộc sống của bản thân và gia đình họ, thậm chí
cả nhu cầu nghỉ ngơi, nâng cao trình độ, liên kết và phát triển trong môi trường
lao động và xã hội lành mạnh. Do vậy, nguyên tắc bảo vệ người lao động bao gồm
các nội dung sau:
• Đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, không phân biệt đối
xử đối với người lao động
• Trả lương (tiền công) theo thỏa thuận
• Thực hiện bảo hộ lao động đối với người lao động
• Đảm bảo quyền được nghỉ ngơi của người lao động
• Tôn trọng quyền đại diện của tập thể lao động
• Thực hiện bảo hiểm xã hội đối với người lao động
Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động. Cùng
với việc bảo vệ người lao động, không thể không tính đến việc bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của người sử dụng lao động. Bởi lẽ, người sử dụng lao động là một
bên của quan hệ lao động. Do vậy, pháp luật cũng phải đảm bảo quyền lợi của
người sử dụng lao động như quyền tuyển chọn lao động, quyền ban hành nội quy
và các quy chế lao động, quyền khen thưởng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động
v.v... để tạo điều kiện quản lý lao động hiệu quả, phù hợp với tình hình sản xuất,
kinh doanh và khả năng kinh tế, tài chính của từng đơn vị.
Nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Các chế
độ lao động không chỉ liên quan đến người lao động mà còn liên quan đến toàn
bộ đời sống xã hội. Do đó trong quá trình điều chỉnh các quan hệ lao động, Nhà
nước phải chú ý đến tất cả các phương diện như: lợi nhuận, tiền lương, sự tăng
trưởng trong sản xuất, kinh doanh, ... và đặt những vấn đề đó trong mối tương
quan phù hợp với việc làm, công bằng, dân chủ, tương trợ cộng đồng ngay trong
quá trình lao động, ngay tại các doanh nghiệp. Nếu pháp luật lao động tách rời
hoặc coi nhẹ chính sách xã hội thì sẽ không hạn chế được những tiêu cực của cơ
chế thị trường; ngược lại, nếu coi trọng các vấn đề xã hội quá mức so với điều
kiện kinh tế thì sẽ không có tính khả thi.
9 Thưa các anh chị, chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu bài học Các khái niệm cơ
bản về Luật lao động. Để nắm vững nội dung bài học, các anh chị cần thực hiện
đầy đủ các câu hỏi tự đánh giá, bài tập và bài kiểm tra sau mỗi chương. Cám ơn
các anh chị đã theo dõi. Xin hẹn các anh chị ở bài học tiếp theo.

You might also like