You are on page 1of 3

BÀI GIẢNG DẠNG VĂN BẢN (SCRIPT)

Môn học: Luật lao động

Chương 1: Tổng quan về Luật lao động

Chủ đề 2: Chủ thể của quan hệ lao động

Slide Nội dung


1 Chào mừng các anh chị đến với chương TỔNG QUAN VỀ LUẬT LAO ĐỘNG.
Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu chủ đề Chủ thể của quan hệ lao động
2 Sau khi nghiên cứu, chúng ta có thể:
• Phân biệt được các chủ thể của Luật lao động
• Trình bày được điều kiện về năng lực của người lao động và người sử
dụng lao động.
Nội dung chủ đề gồm có 4 phần, tương ứng với 4 loại chủ thể của quan hệ pháp
luật lao động.
3 1-Người lao động
Người lao động là chủ thể chính trong quan hệ lao động. Tùy theo những tiêu
chí khác nhau mà chúng ta có nhiều cách phân loại NLĐ. Ví dụ : NLĐ chưa thành
niên , NLĐ thành niên và NLĐ cao tuổi, NLĐ nam & NLĐ nữ, ….. Muốn trở
thành người lao động, cá nhân phải thỏa mãn điều kiện về năng lực pháp luật lao
động và năng lực hành vi lao động.
4 Năng lực pháp luật lao động của cá nhân là khả năng mà pháp luật quy định
hay ghi nhận cho cá nhân quyền có việc làm, được làm việc, được hưởng quyền,
đồng thời thực hiện các nghĩa vụ của người lao động. Đối với người lao động là
công dân Việt Nam thì năng lực pháp luật lao động được bảo đảm bởi Điều 35
Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền làm việc..”. Đối với người lao động là
người nước ngoài thì năng lực pháp luật lao động được xác định tại Điều 151
BLLĐ 2019. Cụ thể, nếu làm việc tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì người lao
động nước ngoài phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền
của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp pháp luật quy định khác. Một số trường
hợp cá nhân cũng có thể bị hạn chế năng lực pháp luật lao động (như bị pháp luật
cấm làm một số ngành nghề hoặc giữ một số vị trí nhất định, phạm tội hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự..) .
5 Năng lực hành vi lao động của cá nhân là khả năng tham gia trực tiếp vào
quan hệ lao động, tự hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện mọi quyền lợi của người
lao động. Năng lực hành vi lao động được thể hiện trên hai yếu tố có tính chất
điều kiện là thể lực và trí lực.
Đối với người lao động là công dân Việt Nam thì năng lực hành vi lao động được
xác định tại Điều 3 BLLĐ BLLĐ 2019: “Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao
động là đủ 15 tuổi, …”. Một số công việc nhẹ được Bộ lao động- thương binh và
xã hội quy định, có thể nhận người từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi vào làm việc. Các
công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể nhận người chưa đủ 13 tuổi nhưng
phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh. Trường hợp này, người lao động được xem là người có năng lực hành
vi lao động không đầy đủ (hay còn gọi năng lực hành vi lao động một phần). Đối
với người lao động là người nước ngoài thì năng lực hành vi lao động được xác
định tại Điều 151 BLLĐ 2019: “Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự
đầy đủ
Như vậy, những người chưa đến độ tuổi quy định, những người mất năng lực
hành vi dân sự là người không có khả năng lao động nên có thể xem là không có
năng lực hành vi lao động.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động được qui định tại BLLĐ 2019.
6 2- Người sử dụng lao động
Điều 3 Bộ luật lao động 2019 quy định: “Người sử dụng lao động là doanh
nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng
người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao
động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.
Người sử dụng lao động cũng được xác định năng lực chủ thể trên hai phương
diện: năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
7 Năng lực pháp luật của người sử dụng lao động là khả năng pháp luật quy
định cho họ có quyền tuyển chọn và sử dụng lao động. Còn năng lực hành vi của
người sử dụng lao động là khả năng bằng chính hành vi của mình, người sử dụng
lao động có quyền tuyển chọn và sử dụng lao động một cách trực tiếp và cụ thể.
Hành vi này thường được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật
(người đứng đầu đơn vị) hoặc là người đại diện theo ủy quyền.
Nhìn chung, tùy vào từng loại chủ thể mà năng lực pháp luật và năng lực
hành vi lao động của người sử dụng lao động sẽ có những điều kiện luật định
khác nhau.
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng được qui định tại BLLĐ
2019. So với qui định trước đây, BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm một số quyền cũng
như nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Ví dụ như quyền gia nhập hoạt động
trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động; trách nhiệm bồi dưỡng nâng cao
trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người
lao động …
8 3- Tổ chức đại diện người lao động
BLLĐ 2019 qui định “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức
được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng
lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người
lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình
thức khác theo quy định của pháp luật về lao động”. Các tổ chức đại diện người
lao động tại cơ sở được pháp luật lao động cho phép tham gia vào một số vấn đề
trong quan hệ lao động để bảo vệ quyền và lợi ích cho các thành viên của mình và
những người lao động khác.
Hiện nay, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ
sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đều bình đẳng với nhau trong
việc đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Quyền và nghĩa
vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được qui định tại BLLĐ 2019.
9 4- Các chủ thể khác
- Đại diện của người sử dụng lao động. Đây là tổ chức được thành lập hợp pháp,
sẽ đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong
quan hệ lao động. Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động bao gồm: Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các
tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác.
BLLĐ 2019 đã nêu rõ, Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng
lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ
lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền”.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm:
➢ Chính phủ
➢ Bộ Lao động- thương binh và xã hội cùng các Bộ, cơ quan ngang bộ
khác có liên quan đến quan hệ lao động
➢ Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
hoặc cấp huyện
➢ Ủy ban nhân dân các cấp
➢ Tòa án nhân dân các cấp(trường hợp phát sinh tranh chấp lao động)
Mỗi tổ chức, cơ quan nêu trên sẽ có thẩm quyền và vai trò riêng để giải quyết các
vấn đề trong mối quan hệ lao động.
10 Thưa các anh chị, chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu bài học Chủ thể của quan
hệ lao động. Để nắm vững nội dung bài học, các anh chị cần thực hiện đầy đủ
các câu hỏi tự đánh giá, bài tập và bài kiểm tra sau mỗi chương. Cám ơn các anh
chị đã theo dõi. Xin hẹn các anh chị ở bài học tiếp theo.

You might also like