You are on page 1of 7

BÀI GIẢNG SỐ 2

XÃ HỘI CỔ ĐẠI TRUNG QUỐC VÀ SỰ THAY ĐỔI TRIỀU ĐẠI


I. TÓM TẮT
1. Sự thay đổi của ba triều đại Hạ, Thương, Chu, tình hình xã hội của triều
đại Thương, Chu & sự hình thành tộc Hoa Hạ
- Nhà Hạ
Nhà Hạ ra đời trong khoảng thế kỷ XXI TCN - thế kỷ VI TCN. Được xem là
triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, từ vua Vũ đến vua Kiệt truyền được 14
đời, 17 vị vua. Khu vực trung tâm của nhà Hạ nằm ở vùng phía tây đất Dự, phía Nam
đất Tấn. Phạm vi lãnh thổ của Triều Hạ đại khái phía đông bắt đầu từ vùng đồng bằng
phía đông đất Dự, phía tây đến Hoa Sơn, phía Bắc đến sông Tế, phía Nam đến sông
Hoài. Về lịch sử nhà Hạ có rất ít tư liệu văn hiến. Trong “Hạ bản kỷ”, sách Sử ký của
Tư Mã Thiên chủ yếu kể về sự tích trị thủy của Vũ trước khi nhà Hạ lập quốc, giai
đoạn lịch sử từ khi vua Vũ lên ngôi đến khi vua Kiệt mất nước chỉ bằng vài trăm chữ.
Vua Kiệt là vị vua cuối cùng của nhà Hạ đã bị vua Thang nhà Thương khởi binh chinh
phạt. Từ đó, vua Kiệt mất nhà Hạ diệt vong.
- Nhà Thương
Nhà Thương ra đời trong khoảng thế kỷ 16 TCN - năm 1046 TCN, từ vua
Thang đến vua Trụ truyền được 17 đời, 31 vị vua. Khu vực trung tâm của nhà Thương
là vùng đông bắc bộ của Hà Nam, tây nam bộ của Sơn Tây và nam bộ của Hà Bắc
ngày nay.
Xã hội nhà Thương do quý tộc, dân thường và nô lệ tạo thành. Quý tộc là những
người thống trị của nhà Thương, bao gồm Thương vương, tông tộc của vương thất,
quan lại và những người đứng đầu các nước chư hầu. Đặc điểm nổi bật của kết cấu xã
hội nhà Thương nằm ở sự phát triển của hệ thống tông tộc. Dân thường lại là giai cấp
chủ yếu khác trong xã hội nhà Thương, họ lao động sản xuất bằng nông nghiệp, săn
bắn, họ còn tham gia vào chiến tranh và bảo vệ biên giới, tham gia các hoạt động tế
tự, phục vụ cho Thương vương. Nằm ở dưới đáy xã hội nhà Thương là giai cấp nô
lệ. Nô lệ nhà Thương không có tự do cá nhân. Họ lao động không công cho giai cấp
quý tộc. Nô lệ bị giai cấp quý tộc chiếm hữu sức lao động mà không phải trả công,
ngoài ra nô lệ có thể bị giết hại dưới tay của giai cấp quý tộc, điển hình nhất là tế
người và tuẫn táng người.
- Nhà Chu
Tây Chu ra đời khoảng 1046 TCN - 771 TCN, từ Vũ Vương đến U Vương
truyền được 11 đời, 12 vị vua. Cương vực của Tây Chu, phía tây bắt đầu từ đông bộ
tỉnh Cam Túc ngày nay, phía đông đến bờ biển, phía bắc đến tỉnh Liêu Ninh, phía nam
đến sông Trường Giang, đây là vương triều có lãnh thổ rộng lớn nhất trong ba nhà. Xã
hội nhà Tây Chu cũng do quý tộc, dân thường và nô lệ cấu thành, nhưng sắc thái của
chế độ đẳng cấp thời này khá là rõ ràng. Dưới quý tộc còn có đông đảo người dân
thường có được tự do về thân thể. Trong xã hội này còn có thứ nhân hoặc thứ dân.
1
Thứ nhân được sử dụng một phần ruộng đất, làm công việc sản xuất nông nghiệp, thu
hoạch từ lao động trên ruộng thuộc về riêng họ. Ở tầng dưới cùng của xã hội Tây Chu
là nô lệ. Nô lệ ở thời nhà Chu chịu sai khiến phải lao động khắp các lĩnh vực sản xuất
như nông nghiệp, chăn nuôi,… Xã hội thực hành chế độ phân phong đất đai cho tông
thất, để giữ gìn mối quan hệ huyết thống tông tộc phải dựa vào chế độ hôn nhân. Văn
hóa của người Tây Chu vốn thấp hơn so với người nhà Ân, trước khi diệt người Ân,
người Chu bắt chước theo văn hóa nhà Ân ở rất nhiều phương diện, đồng thời cũng có
được đặc điểm riêng của mình. Chế độ tông tộc của xã hội Tây Chu có ảnh hưởng rất
lớn đến sự phát triển của lịch sử Trung Quốc.
- Tộc Hoa Hạ
Từ lịch sử về ba nhà Hạ, Thương, Chu nói trên cũng có thể nhận ra rằng giữa 3
tộc này có xung đột cũng có dung hợp. Kết quả của việc dung hợp là sự hình thành
nên tộc Hoa Hạ vào cuối thời Tây Chu. Tộc Hoa Hạ chính là tiền thân của Hán tộc.
2. Sự thay đổi về xã hội trong thời kỳ Xuân Thu, Chiến Quốc
Xuân Thu và Chiến Quốc đều là thời kỳ quan trọng của lịch sử Trung Quốc.
- Thời kỳ Xuân Thu
Thời kỳ Xuân Thu bắt đầu từ 770 TCN - 476 TCN, tổng cộng kéo dài 294 năm.
Vào thời kỳ này, chế độ phân phong và chính quyền quý tộc của nhà Tây Chu dần tan
rã, xã hội biến hóa mới. Những thay đổi về xã hội đáng chú ý trong thời kỳ Xuân Thu,
đó là theo sự phát triển của sự chiếm hữu tư nhân về đất đai, trong lịch sử Trung Quốc
đã xuất hiện những địa chủ quý tộc mới. Tương ứng với đó, biểu hiện về mặt chính trị
là cuộc đấu tranh giữa công thất và “tư gia”. Cuộc tranh đấu có thể chia làm 2 loại:
Một là cạnh tranh giữa công tộc và công thất. Hai là tranh đấu của khanh đại phu khác
họ với công thất. Sự xuất hiện của cuộc đấu đá giữa công thất và tư gia thời kỳ Xuân
Thu cho thấy thể chế chính trị và phương thức sản xuất xã hội của nhà Tây Chu đã
nảy sinh mâu thuẫn, ngày càng gay gắt. Thời Xuân Thu, lực lượng tư gia dần dần lớn
mạnh, điều này liên quan mật thiết với sự phát triển lực lượng sản xuất của xã hội
đương thời, và việc cải tiến công cụ sản xuất.
Thời Thương và thời Tây Chu được gọi là “thời đại đồng thau”. Đúc tạo đồng
thau đại diện cho công nghệ sản xuất tiên tiến nhất của ngành thủ công nghiệp thời
Thương Chu. Thời kỳ Tây Chu là một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình phát
triển đồ đồng thau của Trung Quốc cổ đại. Thông thường, sự phát triển của công cụ
sản xuất cổ đại được chia thành thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng thau và thời đại đồ
sắt. Trong lịch sử Trung Quốc thì đồ đồng thau từ đầu đến cuối không thể thay thế đồ
đá để trở thành công cụ sản xuất chủ yếu. Nhưng sau khi đồ sắt được sử dụng rộng rãi,
bền chắc, sắc nhọn hơn hẳn đồ đồng và đồ đá. Vì vậy, công cụ đồ đá hầu như biến
mất. Ngay lúc này, vào thời kỳ Xuân Thu, đồ sắt có bước phát triển lớn. Việc sử dụng
đồ sắt canh tác đã cải thiện khả năng khai hoang đất, tạo điều kiện thâm canh và thúc
đẩy phát triển nông nghiệp.
- Thời kỳ Chiến Quốc
2
Lịch sử 254 năm thời kỳ Chiến Quốc (475 TCN – 221 TCN), là quá trình các
quốc gia trung ương tập quyền có tính khu vực được hình thành thôn tính lẫn nhau để
rồi đi tới xây dựng quốc gia trung ương tập quyền thống nhất trên cả nước. Đầu thời
kỳ Chiến Quốc, trong các nước có 7 nước mạnh gồm Tần, Tề, Yên, Sở, Triệu, Ngụy
và Hàn. Cải cách xã hội vào cuối thời Chiến Quốc đã gây ra những thay đổi trong kết
cấu giai cấp xã hội. Lúc ấy, giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân là 2 giai cấp căn bản
của xã hội. Nguồn gốc của giai cấp địa chủ: (1) Quý tộc được phong đất chuyển hóa
thành địa chủ, (2) Các quan lại và địa chủ nhờ quân công, (3) Thương nhân và người
cho vay nặng lãi, (4) Dân thường vươn lên trở thành địa chủ. Giai cấp nông dân do
canh nông, tá điền, “thứ tử” và cố nông tạo thành. Ngoài hai giai cấp cơ bản là địa chủ
và nông dân. Thời kỳ Chiến Quốc là thời kỳ xảy ra nhiều thay đổi lớn trong lịch sử, là
thời kỳ thịnh vượng về học thuật và văn hóa.
3. Suy ngẫm về sự hưng vong của triều Tần
- Sự hưng thịnh của triều Tần
Tần vương Doanh Chính lên ngôi năm 247 TCN. Sau 26 năm lên ngôi, ông thực
hiện được việc thống nhất bằng cách sử dụng chiến lược ngăn cản sáu nước hợp tung
rồi đánh lẻ từng nước: Năm 230 TCN, phái Nội Sử Đằng diệt nước Hàn; Năm 299
TCN, phái đại tướng Vương Tiễn diệt nước Triệu; Năm 227 TCN phái Vương Tiễn
đánh nước Yên, năm 222 TCN nước Yên diệt vong; Năm 225 TCN phái đại tướng
Vương Bí diệt Ngụy; Năm 224 TCN phái Vương Tiễn đánh Sở, 222 TCN nước Sở
diệt vong; Năm 221 TCN phái Vương Bí diệt Tề. Tần vương Doanh Chính dựng đô ở
Hàm Dương xưng là Thủy Hoàng đế, từ đây khai mạc cho các vương triều phong kiến
từ đó về sau.
- Tại sao lại là nước Tần mà không phải nước nào khác thống nhất Trung
Quốc?
Sở hữu ưu thế toàn diện về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nước Tần có ưu thế về
vị trí địa lý thuận tiện tấn công lẫn phòng thủ. Nước Tần không có chế độ tông pháp
nghiêm khắc nên hạn chế được những cải cách trong nước. Nội bộ nhà Tần tương đối
ổn định.
- Những tác động sâu sắc của nhà Tần đến lịch sử Trung Quốc trong hơn hai
nghìn năm
Lý luận và thực tiễn của công cuộc “đại nhất thống” được thể hiện trong chế độ
chính trị của nhà Tần. Sau khi nước Tần thống nhất, lãnh thổ rộng lớn, trừ vùng kinh
kỳ do Nội sử quản lý, nước Tần có 41 quận. Dưới quận đặt huyện, đơn vị hành chính
cấp huyện ở vùng dân tộc thiểu số được gọi là “đạo”. Số lượng huyện của nước Tần
ước chừng vào khoảng một nghìn. Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và sử
dụng chế độ quận huyện, đặt nền móng chế độ chính trị cho chính quyền trung ương
“đại nhất thống”. Dưới sự chỉ đạo của lý luận “đại nhất thống”, nhà Tần đã xây dựng
tổ chức chính quyền trung ương tương đối hoàn chỉnh. Chế độ quan chức mà nước
Tần “đại nhất thống” thể hiện ra có ý nghĩa rất quan trọng, trong sách Hán thư, mục
3
“Bách quan công khanh biểu” có ghi: “Tần có thiên hạ, lập ra xưng hiệu hoàng đế, đặt
chức vụ cho trăm quan. Nhà Hán noi theo không thay đổi. Nhà Hán về cơ bản dựa
theo chế độ của nhà Tần rồi có chỗ thêm bớt, từ đó đã xác lập bố cục cơ bản của chế
độ quan chức các triều đại trong lịch sử Trung Quốc”. Các chính sách “xa đồng quỹ”,
“thư dồng văn” mà nhà Tần chế định và thi hành cũng là các biện pháp sáng tạo đáng
ghi nhận.
- Sự suy vong của nhà Tần
Năm 209 TCN, Trần Thắng tiến hành cuộc khởi nghĩa được đông đảo quần chúng
nhân dân hưởng ứng. Cuộc khởi nghĩa càng ngày càng phát triển, có được sáu, bảy
trăm cổ chiến xa, hơn ngàn kỵ binh, quân lính mấy vạn người. Không lâu sau, cuộc
khởi nghĩa thất bại. Tuy nhiên về cơ bản khởi nghĩa của Trần Thắng đã làm lung lay
nền thống trị của nhà Tần. Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, con trai ông lên ngôi lấy
hiệu là Nhị Thế, cũng từ đó nhà Tần lâm vào cảnh diệt vong.
- Nguyên nhân nhà Tần diệt vong
Chiếm đoạt thiên hạ và cai trị thiên hạ là hai việc khác nhau, nhưng nhà Tần lại
dùng sách lược đoạt thiên hạ làm sách lược cai trị thiên hạ, điều này thể hiện ở ba
phương diện sau: (1) Thứ nhất, tăng cường quyền lực của vua, đặt hình phạt nghiêm
khắc, mưu đồ thiết lập nến thống trị chuyên chế tuyệt đối hóa quyền lực của nhà vua,
“chi có vua chế ngự thiên hạ mà không chịu bất cứ ước chế nào”. (2) Thứ hai, thực
hiện chính sách tàn bạo không thể không kể đến việc bắt lao dịch phu phen hà khắc,
tàn bạo của nhà Tần. Những công trình nổi tiếng mà ngày nay hay nhắc đến như lăng
mộ Tần Thủy Hoàng, Vạn Lý Trường Thành,… đã huy động đến hàng chục vạn
người. Vào thời điểm đó, trai tráng phải xuất chinh, đàn bà con gái thì vận chuyển
quân lương, kẻ đồn thú thì chết ở nơi biên giới xa xôi, người vận lương bỏ xác bên
đường. (3) Thứ ba, về tư tưởng văn hóa không cho phép tồn tại ý kiến bất đồng và học
phái, thực hiện chủ nghĩa chuyên chế văn hóa. Điển hình là biện pháp cực đoan đốt
sách chôn Nho, không cho phép những sách ghi chép lịch sử khác Tần ký được tồn
tại.
- Kết luận: Mặc dù nhà Tần có lực lượng quân sự hùng mạnh, thiết lập được tổ
chức chính quyền trung ương và chế độ quản lý hành chính tương đối hoàn chỉnh, đã
có được quy hoạch và thiết kế để xây dựng một quốc gia thống nhất với chế độ quân
chủ, nhưng nó đã quên mất hai việc quan trọng nhất: Một là lòng tin của dân và sức
mạnh của dân, hai là phương thức và biện pháp để xây dựng một quốc gia thống nhất
dưới chế độ quân chủ.
4. Sự thay đổi của triều đại và chiến tranh nông dân
- Sự thành lập triều Tây Hán
Sau khi nhà Tần diệt vong, Lưu Bang và Hạng Vũ tranh đoạt thiên hạ, cuối cùng
Lưu Bang giành thắng lợi. Tây Hán (206 TCN - 8 sau Công nguyên) là triều đại được
thành lập dựa trên cơ sở cuộc khởi nghĩa nông dân của Trần Thắng và Ngô Quảng.
Lưu Bang, vị hoàng đế khai quốc của nhà Tây Hán tuy xuất thân từ tầng lớp bình dân
4
nhưng lại bình định thiên hạ rất giỏi. Có thể nói, nền tảng chính trị cho sự thành lập
nhà Tây Hán là sự phủ định chính sách tàn bạo của nhà Tần. Lưu Bang qua đời, triều
đình Tây Hán trải qua thời kỳ Lã Hậu chuyên chính, sau đó bước vào thời kỳ Văn -
Cảnh tức thời kỳ chấp chính của Hán Văn Đế Lưu Hằng và Hán Cảnh Đế Lưu Khải.
Hai thời Văn Đế và Cảnh Đế tổng cộng được 39 năm, thi hành chính sách “nghỉ
dưỡng sức dân”, nhẹ lao dịch giảm tô thuế, quốc gia ổn định, kinh tế phát triển. Sau
thời Văn - Cảnh là thời Hán Vũ Đế chấp chính, tình hình bắt đầu có sự thay đổi.
- Chiến tranh nông dân
+ Nguyên nhân:
Trong lịch sử Trung Quốc, không có một triều đại nào có thể ngăn chặn sự thôn
tính đất đai của giới cường hào, quan lại địa chủ vơ vét tiền tài, chiếm đoạt đất đai,
khiến cho người dân rơi vào cảnh nghèo khổ cực độ. Cho dù có các đại thần nhìn xa
trông rộng, đã đề xuất với hoàng đế các kiến nghị để ức chế việc đất đai bị thôn tính,
nhưng cũng vẫn không thể giải quyết căn bệnh kinh niên trong xã hội phong kiến
Trung Quốc - cường hào cướp đoạt ruộng đất. Mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, dân
chúng khó bề sinh sống, không thể không hình thành một làn sóng dân lưu lạc mới,
kéo theo đó là chiến tranh nông dân lại nổ ra.
+ Mục đích và ý nghĩa của chiến tranh nông dân:
Khởi nghĩa Xích My, Lục Lâm vào cuối thời Tây Hán; khởi nghĩa Hoàng Cân
cuối thời Đông Hán đều yêu cầu giảm tô thuế phu dịch, hoặc là đòi bình đẳng về thân
phận, hoặc đòi có ruộng đất để cấy trồng, nhưng không thay đổi được chế độ quân chủ
chuyên chế từ gốc rễ. Những mâu thuẫn xã hội xảy ra có “tính chu kỳ”. Sự “ổn định”
và “loạn lạc” của xã hội phong kiến chịu sự khống chế của chế độ này, trước khi chế
độ này có sự thay đổi về căn bản, “tính chu kỳ” này sẽ luôn có hiệu lực. Nhìn từ kinh
tế, chính trị, tư tưởng, loại chế độ này được gọi là chế độ quân chủ chuyên chế.
Mục đích của chiến tranh nông dân không phải là để lật đổ chế độ, mà là trong
khuôn khổ của chế độ đó muốn thay đổi một gia tộc mới, thay đổi một vị hoàng đế
mới. Chế độ quân chủ chuyên chế theo chủ nghĩa phong kiến đã tồn tại từ lâu trong
lịch sử Trung Quốc, mặc dù đã có nhiều sáng tạo về chính trị, kinh tế, tư tưởng văn
hóa, nhưng muốn dựa vào chế độ này để mang lại sự ổn định lâu dài thì chỉ là ảo
tưởng. Chế độ quân chủ chuyên chế là một loại chế độ, lật đổ nó từ phương diện chính
trị và kinh tế là nhiệm vụ của lịch sử Trung Quốc cận đại. Dưới sự thống trị lâu dài
của hoàng đế và hoàng quyền, lịch sử Trung Quốc dần hình thành dạng tâm lý văn hóa
về ảnh hưởng tư tưởng của chế độ này như sau: Người khiến cho kẻ khác kính sợ nhất
trên đời là hoàng đế, họa phúc trong dân gian đều bắt nguồn từ “ý chỉ” của hoàng đế.
Người ta luôn hy vọng có một vị “hoàng đế tốt”, trông đợi vị hoàng đế ấy cứu giúp
dân chúng. Bởi vậy, trong xã hội phong kiến của Trung Quốc, sự thống trị lâu dài của
hoàng đế và hoàng quyền ngưng tụ thành ý thức tôn giáo thế tục rằng phải kính sợ
hoàng đế.

5
Khởi nghĩa nông dân không đi ngược lại loại ý thức này, mà chỉ cố gắng đem một
vị “minh quân” để thay thế một kẻ “bạo quân”. Vì thế nếu chiến tranh nông dân làm
lung lay triều đại cũ để tạo ra một triều đại mới với sự ổn định lâu dài thì sự cố gắng
của giới tri thức là vô cùng quan trọng. Vậy nên cần đặc biệt quan tâm đến việc chiêu
mộ người tài. Điều này tạo ra sự đối lập rõ ràng với hành vi “đốt sách chôn Nho” của
Tần Thủy Hoàng. Vào thời Vũ Đế, những nhà tri thức nhiều không đếm xuể.
Tóm lại, Lịch sử vì thế trở thành sân khấu hoạt động tập thể của con người, mà
không phải là do một giai cấp, tầng lớp nào độc diễn trên đó, đó là nơi để số đông
quần chúng người nào người nấy thể hiện ra tài hoa và trí tuệ của bản thân; sự kết tinh
của những trí tuệ này chính là “văn minh”. Sau khi lịch sử Trung Quốc tiến vào xã hội
văn minh, vậy thì đó là một bộ sử về diễn tiến của văn minh.
II. ĐÁNH GIÁ
Trên các phương diện:
1. Nguồn tư liệu tác giả sử dụng
- Sử ký: Chu bản kỷ, Lỗ Chu Công Thế Gia, Tần Thủy Hoàng bản kỷ, Trần
Thiệp thế gia, Lục quốc niên biểu, Hạng Vũ bản kỷ, Cao tổ bản kỷ.
- Sách: Thượng nông của Lã Thị Xuân Thu, Chủ thuật huấn của Hoài Nam Tử.
- Sách Thượng Thư “Thang Thệ”, bài “Tứ thiết” trong “Tẩn phong” – sách Thi.
- Khảo cổ (1965) kỳ 6: Bàn về “Vương” của Lâm Vân.
- Hán Thư: Nghệ văn chí, Vũ đế kỷ.
2. Phương pháp nghiên cứu mà tác giả sử dụng
Trong bài giảng số 2, tác giả đã sử dụng 3 phương pháp nghiên cứu gồm phương
pháp lịch đại, phương pháp thống kê, và phương pháp logic. Các sự kiện, hiện tượng
lịch sử được xem xét, nghiên cứu có sự so sánh với các sự kiện, hiện tượng xảy ra
trước đó là biểu hiện của việc sử dụng phương pháp lịch đại. Bên cạnh đó tác giả còn
dùng các số liệu làm minh chứng cụ thể, Phương pháp logic được tác giả sử dụng để
đưa ra những lý luận về quy luật và bản chất của các sự kiện lịch sử.
3. Kết quả trình bày và thảo luận các nội dung theo chủ đề đặt ra
Nội dung bài giảng tuy ngắn gọn, súc tích nhưng lại rất khái quát và đầy đủ các
thông tin cụ thể. Các nội dung trong bài được đưa ra một cách trình tự và có logic nêu
bật lên bản chất, nguồn gốc và tính quy luật của các hiện tượng lịch sử.
4. Những đóng góp mới của tác giả so với giáo trình Lịch sử Trung Quốc, tác
giả Võ Mai Bạch Tuyết, nhà xuất bản Đại học Khoa học Xã hội & Nhân
văn, 2006
Tác giả đã hệ thống kiến thức một cách ngắn gọn, đầy đủ và chính xác. Ông đưa ra
những góc nhìn đa dạng về nhiều mặt như chính trị, xã hội, văn hóa của các Triều đại
Trung Quốc thời cổ đại. Qua đó, tác giả cho rằng: Sự hưng vong của các triều đại
không được quyết định bởi các nhà thống trị mà được quyết định bởi lòng dân.
5. Tính toàn diện, tính hợp lí, tính khoa học và cập nhật

6
Cách thức trình bày và thể hiện nội dung trong bài giảng số 2 cho thấy tác giả
nghiên cứu công trình lịch sử một cách toàn diện và bao quát. Từ những lập luận và
quan điểm tác giả đưa ra hoàn toàn hợp lý và theo một hệ thống logic. Kết hợp cùng
với đó là những đóng góp mới từ tác phẩm thể hiện rõ ràng tính cập nhật.

You might also like