You are on page 1of 9

II.

QUYỀN TRỰC TIẾP NUÔI CON


2.1 Thực trạng hiện nay và người trực tiếp nuôi con
Hiện nay, Các vụ án ly hôn chiếm 50 % các vụ án dân sự, tỷ lệ ly hôn đối với những
người trẻ cao (dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ 30 %) và không ngừng tăng theo thời gian.
Sau khi ly hôn thường xảy hai tranh chấp chính là tranh chấp về quyền nuôi con và trợ
cấp tiền nuôi con sau ly hôn; tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng của hai vợ chồng.
Trong hai tranh chấp phổ biến này thì tranh chấp về quyền nuôi con sau ly hôn là khó giải
quyết nhất, bởi lẽ: Thứ nhât, nhiều cặp vợ chồng chỉ có một con chung. Thứ hai, điều
kiện về kinh tế của người đàn ông trong gia đình sau ly hôn thường cao hơn nhiều so với
người vợ. Thứ ba, do tập quán sinh hoạt của người Việt là con dâu thường về ở gia đình
chồng sau khi kết hôn và người phụ nữ thường ở nhà làm việc khi nghỉ sinh con. Cuối
cùng, do các yếu tố bạo hành gia đình, ngoại tình, rượu chè, cờ bạc nợ nần… cho nên
giữa hai bên vợ hoặc chồng khi ly hôn thường có những mâu thuẫn gay gắt về nhau cho
nên họ không muốn để đối phương nuôi con bằng mọi cách, bằng mọi giá vì cho rằng sẽ
ảnh hưởng xấu đến con.
Chúng ta nhận thấy khá rõ tư tưởng á đông trong việc xây dựng luật hôn nhân gia đình:
“gia đình là tế bào của xã hội - là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình
thành và giáo dục nhân cách của trẻ em”. Do vậy, pháp luật có thiên hướng bảo vệ sự bền
vững của gia đình. Nhưng hiện nay, sự bền vững của gia đình (đặc biệt là gia đình trẻ)
đang bị đe dọa nghiêm trọng cùng với sự phát triển về tư tưởng, văn hóa, hội nhập kinh tế
thị trường.
Theo quy định tại Điều 81 Luật HNGĐ năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi
dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo
dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có
khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ
luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi
ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con
cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07
tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ
không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha
mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Thứ nhất, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của vợ và
chồng về quyền nuôi con sau khi ly hôn quy định ở Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và
gia đình 2014. Như vậy, Vợ và chồng có thể cùng bàn bạc, thống nhất xem ai sẽ là người
trực tiếp nuôi con. Pháp luật tôn trọng và xem đây là một yếu tố quan trọng để giải quyết
việc nuôi con. Nếu thỏa thuận thành thì Tòa án sẽ đương nhiên chấp thuận. Ví dụ: Gia
đình có hai con bố sẽ nuôi cháu đầu, mẹ sẽ nuôi cháu thứ hai. Sự thỏa thuận này được ghi
nhận vào trong đơn xin ly hôn và các biên bản lấy lời khai theo trình tự tố tụng tại tòa án.
Thứ hai, Nguyên tắc: Con dưới 36 tháng tuổi quyền nuôi được giao cho mẹ trực tiếp
nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng quy định ở
Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Điều này khá dễ hiểu, bởi với con
dưới 36 tháng tuổi các yếu tố “sinh học” như: Bú, mớm, ăn dặm … của con phụ thuộc
nhiều hơn vào người Mẹ nên việc giao con cho mẹ nuôi là thuận với lẽ tự nhiên.
Thứ ba, Sau khi ly hôn: Cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục
con quy định ở Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Như vậy, con có
thuộc quyền nuôi của cha hay mẹ thì các bên vẫn phải tôn trọng quyền trông nom, chăm
sóc, giáo giục con của người còn lại. Điều này, tạo sự cân bằng về tâm lý, quyền được
yêu thương của cả cha và mẹ sau khi ly hôn.
2.2 Xác định bên nuôi con
Vấn đề hết sức nan giải khi các bên có tranh chấp, giao con cho ai nuôi có ý nghĩa quyết
định đối với cuộc sống và tương lai của các con. Bởi vì, người trực tiếp nuôi con là người
cùng sống với con trong một mái nhà, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển về nhân
cách, trí tuệ, thể chất của trẻ. Một quyết định sai lầm khi giao con cho người kia nuôi có
thể dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng không thể khắc phục được.. Trước hết xuất phát
từ quyền lợi mọi mặt của con, cần phải xuất phát từ sự đồng thuận của các bên vợ chồng,
tòa án không can thiệp vội bởi vì vợ chồng sẽ là người suy nghĩ thấu đáo nhất con sống
với cha hay với mẹ sẽ đảm bảo quyền lợi. Trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận
được vấn đề này hoặc có thỏa thuận nhưng không phù hợp với nguyên tắc bảo vệ quyền
lợi của con thì trong trường hợp đó Tòa án sẽ giải quyết căn cứ vào Điều 81 của Luật
Hôn nhân và gia đình năm 2014. Vì vậy, dù việc giao con cho ai nuôi dưỡng, giáo dục
trực tiếp là sự thỏa thuận của cha mẹ hay quyết định của Tòa án thì đều phải được xem
xét một cách toàn diện và cẩn trọng, phải đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho con cái.
Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận
về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con;
trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp
nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem
xét nguyện vọng của con.”
Việc xác định quyền lợi về mọi mặt của con phải căn cứ vào hoàn cảnh của người trực
tiếp nuôi con. Quyền lợi về mọi mặt của con không chỉ là đáp ứng những nhu cầu tối
thiểu mà còn bao gồm những điều kiện cần thiết cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ
của con. Giải quyết quyền lợi giao con cho ai nuôi phải xuất phát vì lợi ích của con, mọi
mặt ta quan tâm đến người trực tiếp nuôi con có đảm bảo đủ sức khỏe hay không, về tâm
lý tinh thần của họ có ổn định hay không hay là họ đang trong giai đoạn trầm uất. Về khả
năng lao động tạo thu nhập, về tâm lý, về nơi ăn chốn ở của con trẻ… nhìn một cách tổng
quan để đánh giá và để ra phán quyết giao con cho mẹ hoặc là cha nuôi. Đối với con
thuộc hai nhóm lứa tuổi sau đây thì chúng ta hết sức lưu ý: pháp luật quy định đối với con
từ đủ 7 tuổi trở lên thì việc hỏi ý kiến của con xem con muốn sống với là cha hay là mẹ là
một thủ tục mang tính bắt buộc. Vấn đề là con từ đủ 7 tuổi trở lên phải xem xét nguyện
vọng, cần lưu ý không có nghĩa là ý chí của con mang phần quyết định mà giao con cho
ai nuôi thì là vì quyền lợi mọi mặt cho nên có thể con từ đủ 7 tuổi mong muốn sống với
cha, tòa án cũng có thể giao cho mẹ chẳng hạn vì giao cho mẹ có thể đảm bảo quyền lợi
mọi mặt của con trẻ. Đối với con thuộc nhóm lứa tuổi dưới 36 tháng tuổi tức là chưa tròn
3 tuổi thì vì lợi ích con trẻ pháp luật quy định về nguyên tắc giao cho mẹ nuôi. Nguyên
tắc giao mẹ không đồng nghĩa là mọi trường hợp phải giao cho mẹ nuôi vì giao con cho
ai nuôi trong trường hợp nhóm lứa tuổi này cũng vậy đều phải xuất phát từ quyền lợi mọi
mặt cho con trẻ. Vẫn có trường hợp cả cha và mẹ không ai có đủ tư cách hoặc điều kiện
để được thực hiện quyền trực tiếp nuôi con, chúng ta có thể lấy ví dụ như trong trường
hợp người mẹ chuẩn bị thi hành án phạt tù hoặc người mẹ lâm trọng bệnh thì con dưới 36
tháng tuổi không thể giao cho mẹ nuôi được mà có thể giao cho cha nuôi. Trong trường
hợp người cha không thực hiện được chức phận thì có thể giao cho một người khác nuôi
dưỡng. Người đó có thể là ông bà, cô, dì, chú, bác hoặc là anh chị, em đã thành niên…
của đứa trẻ, có điều kiện bảo đảm cuộc sống ổn định cho các em. Việc xác định bên nuôi
con là việc cực kì quan trọng mà chúng ta cần quan tâm trên cơ sở luật thực định để xử lý
miễn sao quyền lợi của những đứa con được bảo vệ toàn diện nhất. Tất nhiên là nghĩa vụ
của cha mẹ đối với con cái cũng không vì thế mà mất đi.
III: MÔT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN TỚI QUYỀN TRỰC
TIẾP NUÔI CON
3.1 Việc hạn chế quyền thăm con sau ly hôn của người trực tiếp nuôi con:
Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha,
mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống
chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà
không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh
hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp
nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."
Thăm nom con là một quyền cơ bản đối với người không trực tiếp nuôi con. Pháp luật
quy định điều này là rất hợp lý và có ý nghĩa với cả người con lẫn người không được trực
tiếp nuôi con. Đối với người con, khi không được sống chung với cha hoặc mẹ là một
thiệt thòi rất lớn mà không gì có thể bù đắp. Bởi vì chúng chỉ mới là những đứa trẻ rất
ngây thơ và có quyền được sống trong gia đình hạnh phúc có cả cha lẫn mẹ. Nhưng dù
không muốn, đứa trẻ chỉ được sống chung với một người. Ở lứa tuổi đang cần sự dỗ
dành, chăm chút của mẹ, sự dạy dỗ, dìu dắt của cha lại phải sống với một người mà
không phải là cả hai thì chắc chắn rằng trong tâm hồn của trẻ sẽ có sự thiếu hụt và lệch
lạc. Và không ít trẻ em đã lâm vào tình trạng rụt rè, thiếu tự tin, không hòa nhập được với
các bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy, pháp luật quy định cho người không được trực tiếp
nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con đã bù đắp được phần nào sự thiếu hụt,
trống trải đó. Quy định này của pháp luật đã tạo điều kiện cho con cái được hưởng tình
yêu thương, chăm sóc của cả cha và mẹ, tạo cơ hội cho con cái được thường xuyên gặp
gỡ, tiếp xúc với người cha hoặc người mẹ không sống bên cạnh mình. Đối với người
không trực tiếp nuôi con thì quyền thăm nom con đã phần nào làm vơi đi nỗi buồn và nhớ
con, làm giảm bớt đi cảm giác day dứt khi vì mình mà con cái phải sống trong cảnh thiếu
thốn tình cảm. Khi được thăm nom con, họ có thể biết được tình hình cuộc sống và học
tập của con mình, có thể tâm sự và làm chỗ dựa tinh thần giúp con mình vượt qua những
vấn đề nhạy cảm mà người trực tiếp nuôi con mình không làm được. Đây cũng là một cơ
sơ pháp lý để họ thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, dù thế nào thì quyền thăm nom
chỉ được duy trì và tôn trọng nếu như xuất phát từ lợi ích của con cái.
Quyền thăm nom con là một quyền nhân thân của người không trực tiếp nuôi con vì vậy
không ai được cản trở họ. Người trực tiếp nuôi con và những người khác có nghĩa vụ tôn
trọng quyền này. Để đảm bảo cho quyền thăm nom của người không trực tiếp nuôi con
được thực hiện một cách thuận lợi, và cũng là để bảo vệ quyền lợi của con thì pháp luật
Việt Nam có quy định về việc xử lý khi vi phạm về cản trở quyền thăm thăm nom con.
Điều này sẽ được trình bày rõ hơn ở mục 3.3
Tuy nhiên, trong một số trường hợp có căn cứ cho rằng người không trực tiếp nuôi con
lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm
sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn
chế quyền thăm nom con.
Thăm nom con không chỉ là quyền mà còn lã nghĩa vụ của những người không trực tiếp
nuôi con. Đây là điểm khác biệt giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Hôn
nhân và gia đình năm 2000 vì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ quy định thăm
nom con là quyền của người không trực tiếp nuôi con. Sở dĩ có quy định khác như vậy có
lẽ là các nhà làm luật đã dựa vào thực tế. Người cha, người mẹ cần phải có trách nhiệm
đối với con, họ vừa coi đó là quyền lợi của mình và cũng là tốt cho con cái, vừa phải coi
đó là một nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện để bảo đảm quyền lợi toàn diện của con cái.
Tuy nhiên, việc pháp luật quy định đây là một nghĩa vụ thì phải quy định chế tài xử phạt.
Nhưng hiện nay vẫn chưa có chế tài xử phạt liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ thăm
nom của cha mẹ khiến cho rất nhiều bậc làm cha làm mẹ coi thường việc chăm nom con
cái của mình khiến cho tâm lý của con trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình sống và
phát triển sau khi cha mẹ ly hôn.
3.2 Vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con
Về việc giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn được quy định trong Điều 81 Luật hôn
nhân và gia đình năm 2014. Sau khi ly hôn, Tòa án sẽ giao quyền trực tiếp nuôi con cho
một trong hai bên vợ hoặc chồng có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Do đó, khi yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con, trước hết người có quyền sẽ là cha,
mẹ của đứa trẻ đó. Ngay cả khi đã có bản án của Tòa án thì vẫn có thể thay đổi quyền
trực tiếp nuôi con khi chứng minh được người đang trực tiếp giữ quyền nuôi con không
còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con (về mặt sức
khỏe, tinh thần, học tập…) và người muốn giành quyền trực tiếp nuôi con phải có đủ điều
kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con mình. Tòa án sau khi nhận được hồ sơ sẽ
xem xét cụ thể thấu tình đạt lý và đưa ra phán quyết. Cụ thể, thứ nhất là về điều kiện về
vật chất: thu nhập thực tế; công việc ổn định; có chỗ ở ổn định (nhà ở hợp pháp), bằng
việc cung cấp cho Toà án những giấy tờ như: hợp đồng lao động, bảng lương, giấy tờ
chứng minh về quyền sở hữu đất, sở hữu nhà… Đây là một trong những yếu tố quan
trọng quyết định việc giành quyền nuôi con. Khi có đủ năng lực về kinh tế, sẽ có thể đảm
bảo cho con một cuộc sống ổn định, môi trường sống tốt, điều kiện sinh hoạt đảm bảo.
Thứ hai, điều kiện về tinh thần: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành
cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha
mẹ... Đây là yếu tố được thể hiện bởi việc có thời gian chăm sóc con, giành nhiều tình
yêu cho con, tôn trọng ý kiến của con, tạo cho con môi trường sống môi trường học tập
khoa học, nhiều tình thương, đảm bảo cho quá trình trưởng thành của con. Người có
quyền trực tiếp nuôi con không được có hành vi bạo lực đối với con cái, không để con
tiếp xúc với các tệ nạn xã hội.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường
hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này,
Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp có căn
cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ
quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: Người thân thích:
là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong
phạm vi ba đời, có thể là ông, bà, cô, dì, chú, cậu, mợ… (theo Khoản 19 Điều 3 Luật hôn
nhân và gia đình năm 2014); Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em: Ủy ban Nhân dân cấp
huyện, cấp tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội…; Hội Liên hiệp phụ nữ.
Việc thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn có thể là vụ án tranh chấp nếu cha, mẹ không
thỏa thuận được hoặc do người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện dẫn đến người
còn lại hoặc cá nhân, tổ chức khác phải khởi kiện để thay đổi người nuôi con. Theo đó,
tranh chấp (không thỏa thuận được mà phải khởi kiện) hay yêu cầu (thỏa thuận được) về
việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đều thuộc thẩm quyền giải quyết của
Tòa án.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi
ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ cần chuẩn bị
để giành quyền nuôi con sau ly hôn: Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con hoặc đơn khởi
kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con; Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật
của Tòa án; Chứng minh Nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hạn; Giấy khai sinh
của con; Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con
(áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền
nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con). “Xét
cho cùng, dù ai là người trực tiếp nuôi dưỡng thì cũng đều muốn mang đến những điều
tốt đẹp nhất đến cho con. Đồng thời, người không trực tiếp nuôi dưỡng vẫn có quyền
thăm nom, chăm sóc con của mình”
3.3 Xử lý khi vi phạm các quy định về quyền nuôi con
Theo quy định tại Điều 53, Điều 54 Nghị đinh 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt trong
lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa
cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì:
Người nào có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi
ly hôn, giữa cha mẹ và con sau khi ly hôn thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn
đồng đến 300 nghìn đồng.
Người nào có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con thì bị
phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, Điều 380 BLHS 2015 quy định: Khi đã có quyết định của Tòa án yêu cầu
cha hoặc mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng không thực hiện bản án mặc dù
có đủ điều kiện và đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thì có thể bị phạt tối đa 5 năm tù
giam. Ngoài ra, Điều 186 BLHS 2015 còn quy định nếu việc trốn tránh hoặc từ chối
nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ khiến người con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính
mạng, sức khỏe thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt
tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Tài Liệu Tham khảo
Người trực tiếp nuôi con có được hạn chế quyền thăm con sau ly hôn không? Cha mẹ
đương nhiên có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn đúng không?
(thuvienphapluat.vn)
Báo cáo thực tập: Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ với con sau ly hôn | PDF
(slideshare.net)
Quyền nuôi con sau khi ly hôn và thực tiến giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con tại
tòa án ? (luatminhkhue.vn)
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13 mới nhất (thuvienphapluat.vn)
Quyền nuôi con khi ly hôn và các quy định của pháp luật (tapchitoaan.vn)
Quyền nuôi con sau ly hôn (dangcongsan.vn)

You might also like