You are on page 1of 8

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ BẢO TỒN GÃY LỒI CẦU XƯƠNG HÀM

DƯỚI BẰNG SỬ DỤNG VÍT NEO LIÊN HÀM TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 175
Nguyễn Văn Dân1, Nguyễn Bá Hoàng Vũ1, Trần Thị Huyền Trang1,
Bùi Văn Tuấn1, Nguyễn Thị Thùy Dương1, Hồ Việt Anh 1
TÓM TẮT
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá kết quả điều trị bảo tồn gãy Lồi cầu (LC)
xương hàm dưới bằng sử dụng vít neo liên hàm tại Bệnh viện Quân y 175. Đối tượng
và phương pháp nghiên cứu: 44 Bệnh nhân (BN) được chẩn đoán gãy lồi cầu xương
hàm dưới và có chỉ định điều trị bảo tồn tại khoa Mặt Hàm - Bệnh viện Quân y 175 từ
tháng 01 năm 2022 đến tháng 12 năm 2023. Kết quả: Gãy LC xương hàm dưới gặp
chủ yếu ở nam giới (68,2%), nhóm tuổi hay gặp nhất là từ 19 đến 39 tuổi (72,7%),
tuổi trung bình là 31,9 ± 12,9. Tỷ lệ gãy xương kết hợp ở vùng cằm là cao nhất chiếm
38,6%. Các triệu chứng lâm sàng điển hình của gãy LC là đau vùng trước tai là
100%, hạn chế há miệng là 79,5%, sai khớp cắn là 84,1% và chảy máu tai với 61,4%.
Trên phim cắt lớp vi tính, tỷ lệ gãy chỏm LC là 70,4%, gãy cổ LC là 29,6%. Số lượng
vít neo được sử dụng chủ yếu là 6 vít (59,1%). Thời gian cố định liên hàm chủ yếu là 2
tuần (70,5%). Sau 1 tháng điều trị bảo tồn, 70,5% BN có kết quả khớp cắn tốt, 86,4%
BN há miệng từ 3-4 cm. Sau 6 tháng, tất cả các BN đều há miệng trên 3 cm, tỷ lệ khớp
cắn tốt là 92,6%. Kết luận: Điều trị bảo tồn gãy LC xương hàm dưới bằng vít neo liên
hàm mang lại kết quả tốt cho BN với nhiều ưu điểm như an toàn, dễ thực hiện, dễ vệ
sinh chăm sóc, ít đau, có thể thực hiện ở nhiều cơ sở y tế.
Từ khóa: gãy lồi cầu xương hàm dưới, điều trị bảo tồn, vít neo liên hàm.
1
Bệnh viện Quân y 175
EVALUATION OF CONSERVATIVE TREATMENT OUTCOMES FOR
FRACTURES OF THE MANDIBULAR CONDYLE USING MANDIBULO-
MAXILLARY FIXATION SCREWS AT 175 MILITARY HOSPITAL
ABSTRACT
Objective: To evaluate the outcomes of conservatively treating fractures of the
mandibular condyle using mandibulo-maxillary fixation screws at 175 Military
Hospital. Subjects and methods: 44 patients were diagnosed with fractures of the
mandibular condyle and indicated for conservative treatment at the Maxillofacial
Department of 175 Military Hospital from January 2022 to December 2023. Results:
Fractures of the mandibular condyle due to trauma mainly occurred in males with
68.2%; the most common age group was from 19 to 39 years old, accounting for
72.7%; and the average age was 31, 9 ± 12.9. The rate of combined fractures in the
symphysis was the highest, accounting for 38.6%. Typical clinical symptoms of the
condylar fractures were pain in the preauricular area at 100%, limited mouth opening
at 79.5%, malocclusion at 84.1%, and ear bleeding at 61.4%. On the 3D-CT scanner,
the rate of condylar head fractures was 70.4%, while neck fractures accounted for
29.6%. . The number of mandibulo-maxillary fixation screws used ranged from 4 to
10, of which the majority was 6 screws, accounting for 59.1%. The fixed time was
from 2 to 3 weeks, with 2 weeks being the majority at 70.5%. After 1 month of
conservative treatment, 70.5% of patients had good occlusion, and 86.4% had mouth
opening of 3-4 cm. After 6 months, all patients had mouth opening over 3 cm, and the
good occlusion rate was 92.6%. Conclusion: Conservative treatment of the
mandibular condyle fracture by using mandibulo-maxillary fixation screws had good
results with many advantages, such as safety, ease of performance, ease of cleaning
and caring for, and less pain. This technique can be performed in many medical
facilities.
Keywords: Mandibular condyle fractures, mandibulo-maxillary fixation
screws, conservative treatment
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Gãy lồi cầu xương (LC) hàm dưới là thể gãy xương hay gặp trong chấn thương
hàm mặt, theo thống kê thì gãy LC xương hàm dưới chiếm khoảng 14% trong tổng số
gãy xương hàm mặt tại viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội [1]. Gãy LC xương
hàm dưới nếu không được điều trị sẽ dẫn tới những biến chứng nặng nề về cả chức
năng và thẩm mỹ. Hiện nay có 2 phương pháp điều trị cho gãy LC xương hàm dưới là
điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật mở. Điều trị bảo tồn là phương pháp nắn chỉnh
kín và cố định liên hàm bằng các phương pháp như sử dụng cung Tiguersted, các nút
buộc chỉ thép, băng đỉnh cằm. Hiện nay với sự ra đời và phát triển của hệ thống nẹp
vít, vít neo liên hàm được sử dụng rộng rãi thay thế cho các phương pháp cố định cổ
điển với nhiều ưu điểm, như giảm thời gian phẫu thuật, dễ thực hiện, ít đau, dễ vệ sinh
răng miệng…Tại khoa Mặt Hàm - Bệnh viện Quân y 175, vít neo liên hàm đường kính
2.0 mm được sử dụng rộng rãi trong phẫu thuật hàm mặt từ nhiều năm nay, đặc biệt
trong điều trị bảo tồn gãy LC xương hàm dưới. Tuy nhiên chưa có nhiều báo cáo về
kết quả sử dụng vít neo liên hàm trong điều trị gãy LC xương hàm dưới, chính vì vậy
chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu “Đánh giá kết quả điều trị bảo tồn
gãy lồi cầu xương hàm dưới bằng sử dụng vít neo liên hàm tại Bệnh viện Quân y 175”.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
44 BN được chẩn đoán gãy LC xương hàm dưới và có chỉ định điều trị bảo tồn
tại khoa Mặt Hàm- Bệnh viện Quân y 175 từ tháng 1 năm 2022 đến tháng 12 năm
2023.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang, hồi cứu.

2.3. Quy trình kỹ thuật


Thực hiện vô cảm dưới gây tê tại chỗ nếu chỉ có điều trị bảo tồn LC đơn thuần
hoặc dưới gây mê nội khí quản nếu có gãy xương khác kết hợp.
BN được thực hiện nắn chỉnh khớp cắn đúng, sau đó bắt nít neo liên hàm từ 4-
10 vít vào vị trí xương ổ răng. Tùy số lượng vít và tình trạng của BN mà quyết định vị
trí bắt vít neo phù hợp, thông thường ở các vị trí giữa răng hàm nhỏ và răng hàm lớn,
giữa 2 răng số 1. Tiến hành nắn chỉnh kết xương các vị trí gãy xương kết hợp như
vùng cằm, cành ngang, góc hàm, xương hàm trên…Nếu BN có gây mê thì tiến hành
buộc chun sau 24 - 48h, nếu BN gây tê thì có thể tiến hành buộc chun ngay sau khi bắt
vít.
3. KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ.
3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm Số lượng Tỷ lệ (%)
Giới tính Nam 30 68,2
Nữ 14 31,8
Dưới 18 4 9,1
Từ 19 đến 39 32 72,7
Tuổi Từ 40 đến 59 5 11,4
Trên 60 tuổi 3 6,8
Tuổi trung bình 31,9 ± 12,9
Tai nạn giao thông 42 95,6
Nguyên nhân Tai nạn lao động 1 2,2
Tai nạn sinh hoạt 1 2,2
Gãy XHD vùng cằm 17 38,6
Gãy xương hàm Gãy XHD vùng cành ngang 2 4,5
dưới (XHD) kết Gãy XHD vùng góc hàm 6 13,6
hợp Gãy nhiều vị trí 4 9,2
Gãy LC đơn thuần 15 34,1
Nhận xét: Tỷ lệ nam giới chiếm chủ yếu với 68,2%, độ tuổi từ 19 đến 29 chiếm chủ
yếu với 72,7%, tuổi trung bình là 31,9 tuổi. Tai nạn giao thông là nguyên nhân chủ yếu
với 95,6%. Trong đó BN có gãy xương hàm dưới kết hợp vùng cằm chiếm đa số với
38,6%.
3.2. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng Số lượng (n=44) Tỷ lệ (%)
Đau vùng trước tai 44 100
Hạn chế há miệng 35 79,5
Chảy máu tai 27 61,4
Sai khớp cắn 37 84,1
Nhận xét: 100% BN có triệu chứng đau vùng trước tai, hạn chế há miệng là 79,5%, sai
khớp cắn là 84,1%. Triệu chứng chảy máu tai có tỷ lệ thấp nhất với 61,4%.
3.3. Hình ảnh lồi cầu xương hàm dưới trên Cắt lớp vi tính có dựng hình 3D
Vị trí gãy Mức độ di lệch Số lượng Tỷ lệ (%)
Không 4 9,1
Ít 24 54,5
Gãy chỏm
Nhiều 3 6,8
Tổng 31 70,4
Không 2 4,6
Gãy cổ Ít 8 18,2
Nhiều 3 6,8
Tổng 11 29,6
Tổng 44 100
Nhận xét: BN gãy chỏm LC chiếm đa số với 70,4%, tỷ lệ gãy cổ LC chiếm 29,6%.
Trong đó gãy chỏm LC di lệch ít chiếm tỷ lệ cao nhất với 54,5%. Tỷ lệ gãy chỏm LC
di lệch nhiều và cổ LC di lệch nhiều đều chiếm tỷ lệ thấp nhất với 6,9%.
3.4. Số lượng vít neo sử dụng và thời gian cố định liên hàm
Tiêu chí Số lượng Tỷ lệ
4 vít 10 22,7
Số lượng 6 vít 26 59,1
vít neo 8 vít 7 15,9
10 vít 1 2,3
Tổng 44 100
Thời gian 2 tuần 31 70,5
cố định 3 tuần 13 29,5
Tổng 44 100
Nhận xét: Chúng tôi sử dụng từ 4 đến 10 vít, trong đó đa số BN sử dụng 6 vít neo với
26 BN chiếm 59,1%, chỉ có 1 BN sử dụng 10 vít. Thời gian cố định hàm từ 2 đến 3
tuần, trong đó 2 tuần chiếm chủ yếu với 31 BN chiếm 70,5%.
3.5. Kết quả điều trị
Tiêu chí đánh giá 1 tháng 6 tháng
Tốt 31 (70,5%) 25 (92,6%)
Tình trạng
Hở từ 1-3 răng 11 (25%) 2 (7,4%)
khớp cắn
Hở trên 3 răng 2 (4,5%) 0
Tổng 44 (100%) 27 (100%)
Trên 4 cm 4 (9,1%) 21 (77,8%)
Há miệng Từ 3 - 4 cm 38 (86,4%) 6 (22,2%)
Dưới 3 cm 2 (4,5%) 0
Tổng 44 (100%) 27 (100%)
Mức độ lệch Không lệch 6 (13,6%) 8 (29,6%)
hàm khi há Ít 30 (68,2%) 14 (51,9%)
miệng Nhiều 8 (18,2%) 5 (18,5%)
Tổng 44 (100%) 27 (100%)
Nhận xét: Kết quả sau 1 tháng có 95,5% BN có kết quả khớp cắn tốt hoặc hở nhẹ từ 1
đến 3 răng. Chủ yếu BN há miệng từ 3-4 cm, với 38 BN. Đa số BN (68,2%) có lệch
nhẹ khi há miệng to. Sau 6 tháng chúng tôi đánh giá được trên 27 BN với tỷ lệ khớp
cắn tốt là 92,6%. Chỉ có 2 BN khớp cắn hở nhẹ từ 1-3 răng. 100% BN há miệng từ
3cm trở lên. Chủ yếu BN khi há miệng có lệch hàm nhẹ, chiếm 51,9%.
4. BÀN LUẬN
4.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ nam chiếm chủ yếu với 68,2%. Trong các
nghiên cứu của các tác giả khác về gãy xương hàm dưới vùng LC thì tỷ lệ nam giới
luôn lớn hơn tỷ lệ nữ giới. Tỷ lệ này theo nghiên cứu của Lê Thị Thu Hải [2] là
nam/nữ: 4,3/1. Trong nghiên cứu của Smet và cộng sự [3], tỷ lệ nam giới là 57/34.
Như vậy trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ giới tính khá tương đồng với các nghiên
cứu của các tác giả khác.
Về độ tuổi, nhóm tuổi hay gặp nhất của chúng tôi là từ 19 đến 39 tuổi, chiếm tỷ
lệ 72,7%, tuổi trung bình là 31,9 ± 12,9 tuổi. Theo nghiên cứu của Lê Thị Thu Hải [2],
nhóm này cũng chiếm đa số với 71,88%. Theo nghiên cứu của Smet [3], tuổi trung
bình của nhóm gãy LC 32.3 tuổi. Độ tuổi này thường gặp trong các chấn thương nói
chung, lý do vì đây là độ tuổi lao động chính, nên tỷ lệ gặp tai nạn cũng lớn nhất.
Về nguyên nhân tai nạn, trong nghiên cứu của chúng tôi tai nạn giao thông là
lớn nhất chiếm 95,6%. Ở Việt Nam, tỷ lệ tai nạn do tai nạn giao thông luôn chiếm tỷ lệ
cao, lý do vì mật độ giao thông ở Việt Nam dày đặc, cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp,
tỷ lệ sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông lớn. Tỷ lệ này phù hợp với các nghiên
cứu của Lê Thị Thu Hải [2] với 84,38%, nghiên cứu của Đào Văn Giang [4] là 96%.
Về tình trạng gãy xương kết hợp, trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ gãy
xương kết hợp ở vùng cằm là cao nhất chiếm 38,6%. Tỷ lệ này phù hợp với cơ chế
chấn thương.
4.2. Đặc điểm lâm sàng và cắt lớp vi tính có dựng hình 3D
Các triệu chứng lâm sàng điển hình của gãy LC là đau vùng trước tai chiếm tỷ
lệ 100%, hạn chế há miệng là 79,5%, sai khớp cắn là 84,1% và thấp nhất là tỷ lệ chảy
máu tai với 61,4%. Đây là các dấu hiệu gợi ý cho gãy xương vùng LC, tuy nhiên khảo
sát trên phim Xquang hoặc cắt lớp vi tính là cần thiết.
Các BN của chúng tôi khi vào viện đều được chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có
dựng hình 3D. Trong đó gãy chỏm LC chiếm chủ yếu với 31 BN chiếm 70,4%. Theo
nghiên cứu của Lê Thị Thu Hải [2] thì gãy chỏm LC chiếm 48,78%, gãy cổ LC chiếm
21,46%. Theo nghiên cứu của Smet [3], tỷ lệ này có sự khác biệt với gãy chỏm LC chỉ
chiếm 3/71 BN, gãy dưới LC chiếm đa số với 36/71 BN. Sự khác biệt này do chỉ định
điều trị phẫu thuật mở LC có thể khác nhau. Hầu hết các BN gãy dưới LC của chúng
tôi đều được phẫu thuật mở, nắn chỉnh kết xương bằng nẹp vít, do đó, những BN này
không nằm trong đối tượng nghiên cứu. Về mức độ di lệch của LC, theo nghiên cứu
của Lê Thị Thu Hải [2], chủ yếu các BN có đoạn trên di lệch ít, chiếm tỷ lệ 68,29%.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ gãy chỏm LC di lệch ít là 54,5%, tỷ lệ gãy cổ
LC di lệch ít là 18,2%, các trường hợp gãy chỏm LC di lệch nhiều và gãy cổ LC di
lệch nhiều đều là 3,4%. Như vậy về mặt chỉ định điều trị trong nghiên cứu của chúng
tôi không có sự khác biệt nhiều, chủ yếu các BN có gãy LC di lệch ít được chọn vào
nhóm đối tượng nghiên cứu. Trong đó đa số là BN có gãy chỏm LC di lệch ít. Vì với
những gãy chỏm LC ít di lệch, việc phẫu thuật mở kết xương là hết sức khó khăn do
diện tích đặt nẹp vít của đầu trên là hạn chế. Hầu hết các trường hợp gãy cổ LC được
phẫu thuật kết xương, do đó, tỷ lệ gãy cổ LC điều trị bảo tồn cũng ít hơn.
4.3. Đặc điểm cố định liên hàm
Về số lượng vít neo liên hàm 2.0 mm được chúng tôi sử dụng là từ 4 đến 10 vít,
trong đó chủ yếu là 6 vít chiếm tỷ lệ 59,1%. Tỷ lệ này có sự khác biệt với nghiên cứu
của Lê Thị Thu Hải [2] với chủ yếu là 4 vít chiếm 90,6%. Sự khác biệt trong quan
điểm sử dụng vít neo được lý giải là do kinh nghiệm điều trị của mình, chúng tôi nhận
thấy rằng, khi sử dụng 6 vít, sự gia cố lực của 2 hàm BN được chắc chắn hơn, hạn chế
sự di lệch thứ phát của khớp cắn. Thông thường chúng tôi sử dụng 6 vít tại vị trí giữa
răng cối lớn và răng cối nhỏ, và giữa 2 răng cửa số 1. Tuy nhiên tùy tình trạng cụ thể
của BN, vị trí này có thể thay đổi cho phù hợp. Cũng có thể bắt 2 vít trên dưới song
song nhau hoặc vít trên ra trước hơn vít dưới để kéo hàm ra trước, chống lại lực kéo ra
sau của các cơ nhai. Với những trường hợp gãy ít di lệch, khớp cắn sai ít hoặc không
sai khớp cắn, chúng tôi cố định 4 vít. Với những trường hợp di lệch nhiều, kèm theo
gãy nhiều vị trí xương hàm dưới, hàm trên, chúng tôi sử dụng 8 vít để nắn chỉnh khớp
cắn. Cá biệt có 1 BN, chúng tôi sử dụng 10 vít neo, đây là trường hợp gãy xương hàm
dưới, xương hàm trên làm nhiều mảnh. Việc cố định hàm bằng vít neo thay thế cho sử
dụng cũng Tiguersted mà hiệu quả tương đương. Do đó số lượng vít neo cũng nhiều
hơn.
Về thời gian cố định liên hàm, trong nghiên cứu của chúng tôi tất cả các BN
đều được cố định từ 2 đến 3 tuần, trong đó thời gian cố định 2 tuần chiếm đa số với
70,5%. Về thời gian cố định liên hàm trong điều trị bảo tồn hiện nay có nhiều sự khác
biệt. Theo Smet và cộng sự [3] thì thời gian cố định hàm dao động từ 1 đến hơn 6 tuần,
trong đó chủ yếu là 5 đến 49 ngày, cá biệt có trường hợp cố định trên 6 tuần. Những
BN khớp cắn đúng có thể không cần cố định liên hàm. Theo nghiên cứu của Elnur
Abdullayev [5] trên những BN gãy LC không phẫu thuật ở trẻ em, thời gian cố định là
2 tuần.
Sự khác biệt về thời gian cố định liên hàm phụ thuộc vào tình trạng của từng
BN. Với những BN gãy ít hoặc không di lệch, khớp cắn đúng hoặc gần đúng thì thời
gian cố định ngắn, với những BN gãy phức tạp, di lệch lớn, kèm theo gãy kết hợp các
vị trí khác thì thời gian cố định sẽ dài hơn. Tất cả các BN của chúng tôi đều được tái
khám hằng tuần, đề đánh giá tình trạng khớp cắn. Nếu khớp cắn chưa đảm bảo sẽ được
cố định tăng cường cả lực chun cũng như tăng thêm thời gian.
4.4. Kết quả điều trị
Sau thời gian cố định hàm từ 2 đến 3 tuần, chúng tôi tiến hành tháo vít neo liên
hàm, hướng dẫn BN tập há miệng, ăn nhai mềm. Kết quả được đánh giá 1 tuần sau đó.
Sau 1 tháng điều trị bảo tồn, chúng tôi nhận thấy có 70,5% BN có kết quả khớp cắn
tốt, 25% có khớp cắn hở nhẹ từ 1 đến 3 răng và chỉ có 4,5% BN có khớp cắn hở quá 3
răng, tuy nhiên vẫn đảm bảo chức năng ăn nhai của BN, không có BN nào hở khớp
cắn ở răng 3 và răng 6. Tình trạng hở khớp cắn có thể do việc gãy xương kết hợp, ở vị
trí gãy xương thường khớp cắn sẽ lệch 1 đến 2 răng. Với những BN không có gãy
xương hàm kết hợp, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ khớp cắn đúng là 100%. Chúng tôi đánh
giá lại tình trạng khớp cắn sau 6 tháng thấy có sự cải thiện, tỷ lệ khớp cắn tốt là 92,6%,
không có BN nào sai khớp cắn quá 3 răng. Kết quả này theo nghiên cứu của lê Thị
Thu Hải [2] là 93,7%. Theo nghiên cứu của Smet [3], tỷ lệ khớp cắn chấp nhận được là
92%. Như vậy về mặt khớp cắn, kết quả của chúng tôi khá tương đương với các tác giả
khác. Theo nghiên cứu của Trịnh Hồng Hà [6] thì: Sau 3 tháng, tỷ lệ BN có 100% số
răng chạm khớp chiếm 94,54%, nhỏ hơn 50% răng không chạm khớp chiếm 5,46% và
không có BN nào trên 50% răng không chạm khớp. Tình trạng khớp cắn được cải
thiện sau đánh giá lại 6 tháng theo chúng tôi nhận định là do khả năng bù trù của răng,
các răng có xu hương dịch chuyển nhẹ để đưa về khớp cắn đúng ban đầu.
Về tình trạng há miệng của BN, sau khi tập há miệng 1 tuần từ khi tháo vít neo,
có 86,4% BN há miệng từ 3-4 cm, chỉ có 4,5% BN hạn chế há miệng dưới 3 cm. Các
BN này sau đó được hướng dẫn tiếp tục tập há miệng ở nhà theo nguyên tắc, mỗi ngày
tập luyện ít nhất 3 lần, sáng, trưa, tối. Mỗi lần tập luyện ít nhất 15 phút. Tập há miệng
đến khi đút vừa 3 khoát ngón tay. Kết quả sau 6 tháng chúng tôi nhận thấy tất cả các
BN đều há miệng trên 3 cm, không có BN nào hạn chế há miệng. Theo đánh giá của
Lê Thị Thu Hải [2] thì có 12,5% BN há miệng hạn chế, theo nghiên cứu của Smet [3]
thì có 5% BN hạn chế há miệng. Như vậy về kết quả há miệng các BN của chúng tôi
khả quan hơn. Theo chúng tôi nhận định thì để cải thiện tình trạng hạn chế há miệng,
thì việc tập luyện với BN rất quan trọng. Ngoài ra với các BN hạn chế há miệng ảnh
hưởng đến sinh hoạt, đều được chúng tôi phẫu thuật mở, lấy bỏ mảnh LC gãy. Những
BN đó không nằm trong nhóm nghiên cứu, do đó, tỷ lệ há miệng của chúng tôi cũng
tốt hơn.
5. KẾT LUẬN
Điều trị bảo tồn gãy LC xương hàm dưới bằng vít neo liên hàm nếu được chỉ
định đúng thì mang lại kết quả điều trị tốt cho BN với nhiều ưu điểm như thời gian bắt
vít nhanh, đơn giản, dễ thực hiện, ít tai biến, biến chứng, dễ vệ sinh răng miệng….
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Hoàng Tuấn (2016), “Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật gãy lồi cầu xương
hàm dưới tại BV Răng hàm mặt TW từ 10/2015-10/2016”. Luận án Thạc sĩ: Răng
Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội.
2. Lê Thị Thu Hải, Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Thị Hồng Minh (2021), “Đặc điểm
lâm sàng, X-quang và kết quả điều trị bảo tồn gãy lồi cầu xương hàm dưới do chấn
thương có sử dụng vít neo chặn”, Tạp chí y dược học lâm sàng 108, số 16, tr 87-92.
3. Luc M.H Smets; Philip A Van Damme; Paul J.W Stoelinga (2003). “Non-surgical
treatment of condylar fractures in adults: a retrospective analysis”, Journal of
Cranio-Maxillofacial Surgery, 31(3), 162–167.
4. Đào Văn Giang, (2022), “Đánh giá kết quả điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới
gập góc tại khoa phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ - Bệnh viện Hữu Nghị
Việt Đức”, Tạp chí y học thực hành.
5. Elnur Abdullayev and et al (2020), “Non-surgical treatment of condylar fractures
in children”, Oral and Maxillofacial Surgery Cases 6(1):100134.
6. Trịnh Hồng Hà (2009), “Nhận xét lâm sàng, hình ảnh Xquang và đánh giá kết quả
điều trị bảo tồn gãy lồi cầu xương hàm dưới”. Luận văn bác sĩ chuyên khoa cấp II,
Trường Đại học Y Hà Nội.

You might also like