You are on page 1of 2

Cảm nhận Khi con tu hú của Tố Hữu

Trong những nốt nhạc vang lên từ bản giao hưởng cổ và hiện đại của phong
trào Thơ mới, khi mà những thi sĩ đầu mùa vẫn đang bận bịu trong chiếc áo của
cái tôi cá nhân đầy những trăn trở suy tư về lẽ sống trong cuộc đời, thì Tố Hữu
đẫ lột bỏ chiếc áo ấy mà hoà mình vào hiện thực cuộc sống, với thiên nhiên bình
dị, hoà mình với lí tưởng sống cao đẹp, lớn lao của cách mạng. Người chiến sĩ
ấy đã tìm thấy ánh sáng của ngọn lửa đảng, thắp sáng một niềm tin yêu chân
thành với cách mạng Việt Nam những ngày đầu kháng chiến. Tập thơ “Từ ấy”
đã đánh dấu bước ngoặt trọng đại, thiêng liêng trong cuộc đời và sự nghiệp của
Tố Hữu. Đặc biệt là đoạn trích “Khi con tu hú” đã cho độc giả thấy được trái tim
yêu thiên nhiên mãnh liệt và hơn hết là bài thơ đã mang nặng tiếng lòng của
người chiến sĩ yêu nước, khát khao tự do trong cảnh tù đày.
Mở đầu bài thơ là khung cảnh mùa hè đầy sôi động, vẻ đẹp của thiên nhiên
đẹp được dệt nên bởi những ngôn từ quá đỗi trong sáng, bình dị:
"Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chin, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt, đầy sân nắng vàng"
Nếu khi xuân về có cánh én chao nghiêng thì hè đến là tiếng chim tu hú gọi nhau
ngang trời. Câu thơ đầu tiên là một trạng ngữ chỉ thời gian báo hiệu hè về, là cơ
sở để gợi mở ra một khung cảnh mùa hè tươi đẹp ở những câu sau. Thiên nhiên
vào hè dường như đang "chín" dần theo vị thời gian: những bông lúa vàng ươm
gần đến ngày thu hoạch, những trái cây thơm đang đượm dần vị ngọt, những hạt
bắp vàng được tưới tắm ánh mặt trời ngày hạ lại đậm thêm vị nắng.
Hè về, lúa ngoài đồng đã chín, bắp trên đồi đã bẻ, quả trong vườn đã
ngọt,...những công sức của người nông dân cuối cùng cũng được đền đáp. Vì thế
niềm vui như gấp bội, lòng người thi sĩ cũng phấn khởi, rộn ràng. Khúc nhạc
"tiếng ve ngân" là thanh âm làm sống động cả khu vườn. Ve đến gọi hè về, tiếng
ve ngân nga tự do giữa khung trời, mang bao dư âm của tuổi thơ, mang bao kỉ
niệm thời niên thiếu. Cảnh hè tươi mới, rộn ràng với sắc vàng của lúa chín, của
nắng hạ, của bắp ngô, với sắc xanh của cây trái vườn nhà, với tiếng tu hú và
tiếng ve ngân. Cảnh hè còn được điểm tô bởi cánh diều bay trong gió giữa bầu
trời thanh bình, rộng lớn, tự do:
"Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không."
Lòng người thi sĩ như đang say mê, rạo rực trước mùa hè tuyệt diệu, ao ước
được đắm chìm trong không gian rộng mở ấy đề tận hưởng vị thiên nhiên mà tạo
hóa ban tặng. Nhưng có lẽ, với thực tại bây giờ, niềm ao ước ấy thật khó để
thành hiện thực, bởi nhân vật trữ tình đang bị giam mình trong cõi chật hẹp của
nhà tù thực dân. Đằng sau bức tranh thiên nhiên đẹp gợi lên ấy là cả một dòng
tâm trạng khôn nguôi, đau xót:
"Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi"
Tiếng hè dậy bên lòng, tiếng hè vẫy gọi thiết tha, hè khiến lòng chiến sĩ rạo rực
muốn được chìm đắm trong khoảng không gian tươi đẹp. Lòng thổn thức-chân
muốn đạp, muốn vượt thoát khỏi bốn bức tường chật hẹp nơi này để tận hưởng
vị thiên nhiên, để được tự do làm cách mạng. Lối nói quá "đạp tan phòng" kết
hợp với tiếng gọi tha thiết "hè ôi! " càng diễn tả khát khao tự mãnh liệt như
muốn bùng cháy trong trái tim người chiến sĩ trẻ. Còn gì buồn hơn khi sống
trong cảnh giam cầm, còn gì bí bách hơn khi một kẻ suốt đời khát khao tận hiến
cho cách mạng lại bị dùi xích chôn chân nơi ngục tù.
" Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú, ngoài trời cứ kêu"
Những tính từ mạnh "ngột", "chết uất" được kết hợp khéo léo với các từ mang
giá trị biểu cảm như "làm sao", "thôi" đã diễn tả rõ nỗi bực dọc, ngột ngạt đến
tột cùng của người chiến sĩ lúc này. Đồng thời, càng cho thấy niềm khát khao
được vượt thoát khỏi chốn ngục tù tăm tối để rời xa những khó chịu đang bủa
vây trong tâm trí, để được là bước ra đời sống với đôi chân tự do và tâm hồn
rộng mở.
Nếu như tiếng tu hú đầu bài gọi hạ đến, là một tín hiệu của thời gian, đánh thức
trong tâm hồn nỗi nhớ nhung về một mùa hè tươi đẹp, rộn ràng và tình yêu thiên
nhiên tha thiết thì tiếng tu hú cuối bài là là tiếng gọi của tự do, của Đảng, thôi
thúc nỗi khát khao được trở về với cách mạng trong lòng người chiến sĩ trẻ.
Tiếng tu hú tuy bình dị, giản đơn nhưng là tiếng lòng sâu thẳm của một người
suốt đời mình khao khát được cống hiến cho cách mạng lại không may bị giặc
giã giam cầm.
Bằng thể thơ lục bát quen thuộc, kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu
như liệt kê, tả cảnh ngụ tình cùng lối viết giản dị mà giàu sức biểu đạt tác giả đã
tạo nên một thi phẩm độc đáo, dạt dào cảm xúc và mang sức sống lâu bền qua
bao thế hệ. Có thể nói, bài thơ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu
mỗi khi nhắc đến hồn thơ Tố Hữu và thơ ca cách mạng.

You might also like