You are on page 1of 15

Phân tích khi con tu hú

Tự do, vốn là khao khát của con người, từ xưa đến nay vốn thế. Nó tha thiết và thiêng liêng.
Tuy nhiên, quan niệm về tự do thì mỗi thời một khác. Cái khác ấy ớ bài thơ Khi con tu hú là
khao khát của một thế hệ mới – thế hệ những chàng trai vừa bước chân vào con đường tranh
đấu để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, của một thời đại mới – thời đại mở ra từ
Cách mạng tháng Mười năm 1917 ("Liên Xô nở trước đời tôi ba tuổi" – Hi vọng).
Tiếng gọi ấy lại vang vọng vào thơ, thơ của một thời Thơ mới (1932 – 1945) lại là cái khác
thứ hai, lần này là về nghệ thuật. "Khi con tu hú" là điểm gặp gỡ giữa hai yếu tố nội dung và
hình thức nói trên. Nó là đại diện cho nền thơ ca cách mạng những năm ba mươi của thế kỉ
trước.
Vậy nên hiểu bài thơ như thế nào? Trả lời câu hỏi: nếu viết một câu văn xuôi mở đầu bằng
cụm từ "Khi con tu hú" để tóm tắt nội dung bài thơ, có thể có hai cách viết: – Khi chim tu hú
gọi bầy là khi mùa hè đến, người tù cách mạng (nhân vật trữ tình) càng cảm thấy ngột ngạt
trong phòng giam chật chội, càng thèm khát cháy bỏng một cuộc sống tự do tưng bừng ở bên
ngoài.
Tên bài thơ đã gợi mở mạch cảm xúc của bài thơ. – Khi chim tu hú gọi bầy, người tù cách
mạng – chủ thể trữ tình, với một tâm hồn trẻ trung vốn gắn bó với phong trào, với đồng chí,
bè bạn giữa cuộc đời đấu tranh cao rộng nay bị giam cầm cháy lên một nỗi nhớ không nguôi.
Nỗi nhớ ấy hướng về tự do. Nó trở thành một niềm khao khát. Giữa hai cách diễn đạt này,
nên chăng chọn cách thứ hai? Bởi nó trình bày đúng hơn, khách quan hơn mạch cảm xúc,
nền cảm xúc của bài thơ, nghĩa là cơ sở tinh thần của những khao khát tự do ấy. Trên định
hướng đúng này, ta đi vào phân tích bài thơ. Bài thơ có mười câu, đã dành sáu câu cho đoạn
thứ nhất:
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…
Đây là cảnh mùa hè tiêu biểu ở các làng quê. Nhưng bức tranh hiện thực ấy được mở ra
bằng hai lớp: lắng nghe và hồi tưởng, hiện tại và quá khứ, cái đang tới và cái đã qua. Cái
hôm nay – cái bây giờ mà nhà thơ đã nghe là tiếng chim tu hú, một sự lắng nghe bất chợt sau
một thời gian bị xiềng xích trong tù ("Khi con tu hú gọi bầy"). Cái cảm giác đột nhiên ấy – sở
dĩ là đột nhiên, vì nó xuất hiện trong một khối cánh không gian đặc biệt: hiếm khi có âm
thanh cuộc sống vọng vào.
Cảm giác này phải chăng giống với tâm trạng của tác giả Nhật kí trong tù khi nghe tiếng sáo
("Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu"). Nó lạ lẫm và khơi gợi vô cùng. Tu hú gọi bầy là mùa hè
đã đến. Nhưng nó đến như thế nào thì tác giả không nhìn thấy. Vốn sống, sự gắn bó với mọi
làng quê đã được huy động để thay vào.
Lấp đầy cái khoảng trống bị vây bọc bởi bốn bức tường xà lim lạnh lẽo là sự tưởng tượng
của nhà thơ mà người đọc không cảm thấy có một chút gì khiên cưỡng, gò ép. Mạch thơ vẫn
hết sức tự nhiên như không có một sự lắp ghép cố tình nào. Hãy đọc lại:
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần.
Hai câu thơ, và rồi bốn câu tiếp như một tác động dây chuyền: cứ tiếng chim xuất hiện là
mùa màng, cây trái đến theo. Sự hô – ứng ấy bao đời vẫn thế bởi đó là quy luật của tự nhiên.
Tiếng chim gọi bầy mà cũng là tiếng chim gọi mùa chính là vì thế. Nó lập tức xôn xao. Nó va
đụng vào lòng người nao nức lắm.
Cần chú ý hai trạng thái chín của lúa và ngọt của cây: đang chín, ngọt dần. Nếu thay vào đã
chín, ngọt rồi, câu thơ sẽ khác, sẽ ở vào thế tĩnh, đông cứng lại ngay. Còn ở đây tả chim mà
như nó đang bay, tả hoa mà như nó chớm nở, nó mỉm cười thì ấy là cái động của thơ, của
họa.
Cái động ấy ở đây là do tài của nhà thơ, nhưng cũng là do tình của nhà thơ thân mến nó.
Nghe một tiếng chim kêu mà thấy mạch sống của cây, của lúa sinh sôi, đang rạo rực thân
cành thì chỉ có thể ở những con người yêu thương cuộc đời, yêu thương sự sống đến mức thắt
lòng. Từ đó mà tưởng tượng nảy sinh. Ấy là chưa nói đến ưu thế uyển chuyển, nhịp nhàng,
giàu khả năng diễn đạt tâm tình của thơ lục bát.
Thơ lục bát vừa có hình thức cố định lại vô cùng biến hóa. Chẳng hạn trong bốn câu thơ
đầu, nếu lấy tiêu chí giác quan mà nhìn vào kết cấu thì ta thấy mỗi cặp câu 6/8 có đủ cả
thính giác và thị giác, từng đôi một, tạo cảm giác âm thanh giục giã mùa màng bước vào
ngày hội:
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào.
Nếu bốn câu thơ đầu là bốn câu thơ đẹp, nó nói được cái ríu rít của mùa hè, của cây trái
xum xuê thì hai câu sau tưởng như không ăn nhập gì với không khí ấy bởi nó nói đến những
con diều sáo, một sắc trời xanh. Nguyễn Trãi xưa vì mừng thấy dân khắp nơi "giàu đủ" mà
nghĩ đến cây đàn của vua Thuấn. Cây đàn với bát cơm, tấm áo trên một phương diện nào đó
là khá xa nhau, nhưng thực thì chúng lại rất gần nhau, ở cảnh thanh bình, hạnh phúc.
Vậy thì hai câu "Trời xanh càng rộng càng cao – Đôi con diều sáo lộn nhào từng không"
phải chăng là những âm thanh vút cao lên từ một giai điệu bè trầm là bốn câu trước đó. Để
cắt nghĩa vì sao bức tranh nông thôn hiện ra trong thơ rất thực và rất đẹp, ta nghĩ đến hai
điều: bản thân cảnh nông thôn, nhất là vào dịp mùa màng là rất đẹp, nó gợi cái ấm, cái no
của người cày cuốc một nắng hai sương.
Song điều thứ hai, trong trường hợp bài thơ này, mới là quan trọng: nhà thơ chiến sĩ bị giam
cầm vì yêu nó, đang mơ thấy nó, thấy nó như đang ở tầm tay. Yêu nó, không được gần mà
nhớ đã dành (đã bao lần ở trong tù, người thanh niên ấy đã nhớ người, nhớ đồng?), cái
chính là: bức tranh ấy là bức tranh tự do, thứ tự do vừa lớn lao vừa bình dị như một chân lí
đơn sơ.
Để vừa miêu tả (ngoại cảnh) vừa diễn tả (tâm cảnh, tâm trạng), với một độ hấp dẫn đến xúc
động lòng người, Tố Hữu đã huy động cả thành tựu của thơ dân gian (thể lục bát của ca
dao), cả thành tựu của thơ mới. Riêng về ảnh hưởng của thơ mới, thành công của Tố Hữu ở
đây trước hết là biết phát huy mạnh mẽ "cái tôi" nội cảm, "cái tôi" của cảm xúc dồi dào, của
sức tưởng tượng phong phú.
Sáu câu đầu giống như một bản nhạc say sưa, nó vừa thể hiện bằng ngôn từ, vừa thể hiện từ
một đời sống bên trong của nó. Ngay câu thơ đầu thôi, cái nguyên cớ, cái nguồn cơn để từ đó
cảm xúc trào dâng giống như một giây phút "chạnh lòng" (tên một bài thơ của Thế Lữ).
Một âm thanh nhỏ của cuộc đời mấy ai để ý mà với Tố Hữu, tiếng "gọi bầy" ấy có sức gợi rất
lớn, sức gợi tức thời. Sự nhạy cảm ở đây là của thơ nói chung, trước hết là của thơ mới. Đọc
Khi con tu hú, ta có cảm giác nó vừa là ca dao, vừa không phải là ca dao chính bởi sự kết
hợp của hai thành tựu vừa nêu. Bài thơ có thể chia làm hai đoạn. Đoạn một gần như tả cảnh
(nói gần như vì đó là một bức tranh gián tiếp) còn đoạn hai bộc lộ tâm tình, ít ra là trên
những dấu hiệu hình thức của lời thơ:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
Trong phần phân tích đoạn một, chúng ta có nêu một hiện tượng: quy luật dây chuyền, cảnh
này gọi cảnh khác. Trên cấp độ lớn hơn, xét cả kết cấu bài thơ thì đoạn hai chính là do tác
động dây chuyền của đoạn một. Dấu hiệu của tác động dây chuyển này là từ hè ("Ta nghe hè
dậy bên lòng"). Không có cái mùa hè tốt tươi, bay lượn ấy thì có lẽ cái phòng giam vẫn cứ
chỉ là phòng giam, một thứ phòng giam không tạo ra phản cảm.
Bởi biết đâu người chiến sĩ sẽ phải chung sống với nó suốt đời? Ta mới hiểu tác động dây
chuyền, sự đánh thức một tiềm năng cảm nghĩ ở nhà thơ mạnh mẽ đến chừng nào. Đạp tan
phòng là mạnh mẽ, còn hè ôi như một tiếng kêu thương cảm xót xa. Cấu trúc của câu tám
này về tiết tấu cũng khá đặc biệt.
Thông thường nó được phổ vào hai vế tương đương 4/4. Còn ở dãy là 6/2. Nhịp 6 ấy cứ như
một uất hận xung thiên, còn nhịp 2, sau khi sức mạnh tưởng chừng lớn lao không gì ngăn cản
được đụng phải bức tường hiện hữu khô khan và lạnh lẽo, nó trở nên một tiếng kêu thương,
một tiếng thở dài cay đắng. Ấy là cuộc đụng đầu giữa ý chí chủ quan và hoàn cảnh khách
quan của người thua cuộc.
Nhưng thua cuộc chỉ là nhất thời, tạm thời. Cuộc vật lộn trong tâm trí của nhà thơ vẫn còn
tiếp diễn. Không những dai dẳng, cường độ của nó không giảm đi mà còn tăng lên. Biết làm
thế nào chiến thắng được hoàn cảnh, chiến thắng được bản thân khi lực lượng giao tranh
không hề ngang sức. Nhịp thơ 3/3 ở câu "Ngột làm sao, chết uất thôi" diễn tả sự giằng co.
Nhưng nó lại nghiêng về phía chủ thể người tù.
Chính vì vậy ý thơ đã được nâng cấp nhưng vẫn bế tắc. Thế là, tiếng gọi của tự do thì vẫn tự
do lên tiếng một cách vô tư, còn con người khao khát nó vần bị mất tự do, vẫn đang bị cầm
tù. Cặp thơ lục bát song đôi cuối cùng mới như một niềm khắc khoải, bởi xung đột tinh thần
ở nhà thơ đã đạt đến mức cao trào. Một cái gì đó sẽ phải xảy ra nhằm giải thoát một hoàn
cảnh không thể dung hòa giữa nhà thơ với cảnh đời tù ngục.
Tiếng chim tu hú, tiếng gọi của tự do ấm áp làm sao, mà cũng nóng bỏng làm sao. Nó đang
cháy lên một nỗi niềm khao khát. Từ tiếng gọi mùa đến tiếng kêu thúc giục con người hành
động, bài thơ vận hành theo hướng đi từ bóng tối tù ngục đến ánh sáng của tự do.

Phân tích tức cảnh pác pó


Đây là một bài thơ hay, nhưng có nhiều cách hiểu, từ đó có những cách phân tích không
giống nhau. Bản thân mỗi cách hiểu và phân tích khó tránh được sự không nhất quán trong
quá trình lĩnh hội hình tượng thơ. Cách phân tích sau đây cũng là một trong những con
đường tiếp cận, với hi vọng không mắc lại những thiếu sót không nên có vừa nêu.
Chủ đề, tư tưởng của bài thơ rất dễ nắm bắt. Ấy là tinh thần lạc quan, phong thái ung dung
của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Bó. Nhưng chủ đề ấy, tư tưởng
lớn ấy được thể hiện trong bài thơ như thế nào lại là điều không dễ chỉ ra cho thấu đáo, cho
hợp lí hợp tình. Nên chăng là khi phân tích bài thơ này phải đi theo hai bước:
Ở bước thứ nhất, khai thác khía cạnh gian khổ mà Người đã trải qua trong bước đầu "nhóm
lửa" ngọn lửa cách mạng từ cái nơi tăm tối, hoang vu. Tập hợp các chi tiết một cách hệ
thống theo khía cạnh này ta thấy: ở thì ở suối, ở hang ("Sáng ra bờ suối, tối vào hang").
Không gian và cả thời gian chật chội, quẩn quanh, đơn điệu. Còn gì gò bó cho bằng những
ngày, những tối, những tháng, những năm mà con người vốn phóng khoáng, tự do phải chịu
cảnh nhàm chán không chịu đổi thay với hang, với suối quen thuộc đến trơ mòn. Sự tù túng
hiện lên ở bài thơ và nhịp thơ. Riêng vể nhịp thơ có sự cứng nhắc, uể oải như cần một cái
vươn vai mà không thể vươn vai. Tiếp đến là điều kiện ăn uống hằng ngày:
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Về câu thơ này có hai cách hiểu khác nhau. Theo cách hiểu thứ nhất: dù có phải ăn cháo bẹ,
rau măng rất khổ nhưng tinh thần vẫn sẵn sàng. Còn cách hiểu thứ hai: trong hệ thống cả ba
câu đầu, câu thứ hai toát lên cảm giác thích thú bằng lòng. Do hai cách hiểu này chúng ta
buộc phải có cách hiểu thứ ba, vì với hai cách hiểu trên tuy khác nhau về nội dung mà giống
nhau: nó không dựa trên sự nhất quán về phương pháp khi lĩnh hội một hình tượng thơ, rất
dễ gây ra hiểu lầm và nhất là hiểu không toàn vẹn. Bởi nếu lúc nào dù gian khổ đến đâu Bác
cũng sẵn sàng, hơn thế còn "thích thú, bằng lòng" thì thử thách mà Người phải vượt qua,
phải trải nghiệm là ở đâu ? Bởi nói đến ăn, đến ở, so với cái tiêu chí vừa nêu (cũng là mơ
ước của nhiều người) nó là những đối cực. Vậy hiểu câu thơ thứ hai như thế nào ? Với cách
hiểu thứ ba - mà khi phân tích câu đầu chúng ta đã nhập cuộc, câu thứ hai, trên ý nghĩa là
hình tượng nên hiểu là những thiếu thốn điển hình. Thôi thì, trong điều kiện nào đó không có
đủ thực phẩm cao sang cũng phải có cháo, có rau, nghĩa là chất tinh bột của gạo và rau
xanh hái ở vườn nhà như câu thơ của Nguyễn Khuyến:
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
(Bạn đến chơi nhà)
Nhưng cháo ở đây là cháo bẹ. Bẹ nghĩa là ngô, vốn không phải thức ăn quen thuộc đối với
người miền xuôi, còn riêng Bác lại vừa về đến nước, có lẽ càng khó ăn hơn. Cháo bẹ đã
không ngon, không đủ chất, còn không đủ no. Cháo ấy trộn với rau hay ăn nó với rau (chỉ
một thứ rau măng) thì dù đói đến đâu cũng còn gì hào hứng nữa. Vậy thì hai chữ sẵn sàng ở
đây, không nên hiểu là quá dư thừa, cần đến có ngay chưa một lần thiếu thốn, mà nên hiểu:
nói thì nói đùa vui thế thôi, hóm hỉnh thế thôi, nhưng thật thì không một cái dạ dày nào có
khả năng chấp nhận.
Thiếu thốn như thế tưởng đã đến mức điển hình, hoá ra không phải. Không những hai điều
kiện sống là ở và ăn vừa nói, phương tiện làm việc của Bác lại chẳng ra sao:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Bàn đá, đá ở đây là đá núi, đá tự nhiên đâu phải đá xẻ, đá đã được mài, nó còn thô ráp, gồ
ghề, lồi lõm. Lấy đá ấy - dù hòn đá nhặt được tốt nhất để làm bàn, không hiểu Bác viết ra
sao ?
Đặt ba điều ấy vào trong cùng một hệ thống, mới thấy sự nghiệp cách mạng mà Người chèo
lái gian nan biết chừng nào. Hiểu như vậy mới thấy những hi sinh, từ những chuyện nhỏ nhặt
nhất trong thời gian dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi Bác cũng là người, trên một phương
diện, cũng bình thường như tất cả chúng ta nghĩa là biết đói, biết rét, biết thiếu thốn, ấy là
chưa kể những chông gai mà Người đã vượt qua trên con đường cách mạng. Nhưng kì lạ
thay, câu kết bài thơ không đi về hướng ấy:
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Sang ở đây là sang trọng, cao sang, nghĩa là rất đủ đầy, rất cao quý. Con người ở vào hoàn
cảnh cao sang, nhất là "thật là sang" thì hạnh phúc có thể coi là đã đến mức tột độ. Vậy mối
liên hộ giữa mạch thơ gian khổ tột cùng kia với câu kết, với chữ "sang" như thế nào ? Có lẽ
nên hiểu chữ "sang" và ý câu kết nghiêng về phía trí tuệ, phía tinh thần được lọc chất ra từ
chính chặng đường gian khổ ấy. Sở dĩ Người cảm thấy nó "thật là sang" là bởi vì nó là "cuộc
đời cách mạng", được cống hiến cho cách mạng. Với những người cách mạng, nhất là những
người dẫn đường như Bác ("Người đi trước nghìn sương muôn tuyết - Dắt dìu dân, nước Việt
Nam ta" - Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng) thì gian khổ, khó khăn là sự trả giá, nói
như Nguyễn Trãi: "Khó khăn thì mặc có màng bao". Gian khổ thiếu thốn tột cùng mà bảo là
"sang" chính vì lẽ đó. Thử so sánh hai hoàn cảnh sống: ở Pác Bó, Việt Nam và hơn một năm
sau đó, gần 30 nhà ngục ở Quảng Tây, Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch, điều kiện
tinh thần tuy hoàn toàn khác nhau, nhưng về vật chất, hoàn cảnh sống của Người không hơn
là mấy. Nói như thế mà thương Bác vô cùng, hiểu Bác vô cùng. Trong gian truân, Người đâu
nghĩ đến bản thân mình. Nghĩ đến sự nghiệp của cách mạng, của đất nước mà Người vui,
nhất là tin, tin về thời cơ giành độc lập đang tới gần.
Vậy nhãn tự của bài thơ nên đặt ở chữ sang hay đặt ở cụm từ "cuộc đời cách mạng" ? Bởi
"cuộc đời cách mạng" mới là bản lề khép mở bài thơ. Nó vừa đúc kết, chiêm nghiêm vừa là
sự sang trang. Cách nói này không phải là cách nói cho vui theo hệ thống ý nghĩa được phân
tích ở trên mà là những cảm nhận có thực ở Người. Khẩu khí này khác hẳn với những câu
thơ Người viết hơn một nãm sau đó như "Ăn cơm nhà nước ở nhà công" hoặc "Rồng uốn
vòng quanh chân với tay", trong Nhật kí trong tù. Bởi lẽ cái thiếu thốn đọa đày nơi tù ngục
với Người là một thứ cực hình tra tấn, còn ở bài thơ đang phân tích, nó lại là một niềm vui,
nguồn cảm hứng thi nhân.
Từ câu thơ thứ tư với ý nghĩa như một chiếc bản lề như đã nói, cần phải nhìn lại bài thơ. Đây
là bước thứ hai. Cái sang ở đây bước sang một phạm trù khác: cái hùng, cái đẹp chuyển
sang dạng đùa vui, hài hước, một hình thái thư giãn của cơ thể, của tâm hồn. Có những bài
thơ sau này Bác làm với một giọng đùa vui như:
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.
(Cánh rừng Việt Bắc)
Cái ý vị đùa vui xuất hiện trong suốt cả bài thơ tạo ra một ý nghĩa kép cho từng câu thơ, có
lẽ chính vì vậy đã có không ít người nhầm lẫn. Quả thật thế, hãy trở lại từ đầu:
Sáng ra hờ suối, tối vào hang,
Câu thơ tự vịnh về mình thật ung dung, tự tại: muốn ờ đâu thì ở, muốn đi đâu thì đi, kiểu
"Non nước dạo chơi tuỳ sở thích" (Nhật kí trong tù) hoặc "Non xanh nước biếc tha hổ dạo"
(Cảnh rừng Việt Bắc). Câu thơ như động tác co duỗi tự nhiên, thay đổi không khí hằng ngày
chẳng có gì gò bó cả. Con người trong hoàn cảnh ấy là con người tự do. Sẵn sàng chấp
nhận, sẵn sàng sống, sẵn sàng vui, cũng như "cảm giác thích thú, bằng lòng" là trên ý nghĩa
tinh thần ở hệ thống thứ hai của cùng một hình tượng, của chủ thể trữ tình. "Cháo bẹ rau
măng vẫn sẵn sàng" thật thoải mái, thậm chí thật hồ hởi vì nó rất vô tư: cần ăn là có, như
"Khách đến thì mời ngô nếp nướng - Săn về thường chén thịt rừng quay" (Cảnh rừng Việt
Bắc). Cái khác thường thành cái ngày thường, cái bình thường là giọng thơ nói trạng, đùa
vui để quên đi cái thiếu thốn, cái gian nan mà hằng ngày đối mặt. Con người Hồ Chí Minh là
thế: trang trọng và vui đùa tùy nơi tùy lúc đã đành, có khi một câu nói của Người mang cả
hai ý nghĩa ấy. Hiểu như thế khi nói về ăn, ở, sinh hoạt được người nghe dễ dàng chấp nhận,
đồng tình. Nhưng còn khi làm việc, nhất là khi làm việc lớn như chuyển ngữ từ tiếng Nga
sang tiếng Việt cuốn sách cẩm nang Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô cho các đồng chí của
mình thì sao ?
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Một công việc với ý nghĩa cực kì lớn lao, quan trọng, cần phải bao nhiêu ý chí, nghị lực, tài
năng, hoàn toàn đối lập với cái "bàn đá chông chênh" tạm bợ. Không thể làm như thế, không
ai làm như thế, nhưng Bác vẫn làm như thế, mà có sao đâu ? Công việc vẫn hoàn thành, âu
cũng là một điều thú vị, thật vui đấy chứ, vui như cái cách ăn ở hằng ngày của "cuộc đời
cách mạng". Có người cho rằng ở bài thơ này và một số bài thơ khác, Hồ Chí Minh có cái
thú "lâm tuyền" (thích nơi rừng suối như những ẩn sĩ thời xưa). Cách hiểu đó ở đây không
hoàn toàn đúng ít nhất trong bài thơ này, Bác chỉ là một con người, nhất là một con người
cách mạng. Làm gì có chỗ cho sự nghỉ ngơi, lánh đời, thưởng ngoạn. Nếu có bằng lòng hay
thích thú đi chăng nữa là với con người cùng với hai tư cách vừa nêu, và cũng vì hai tư cách
vừa nêu mà hình tượng thơ mới trở nên lấp lánh, sinh động, tạo nên cảm hứng nghệ thuật dồi
dào cho người đón nhận nó.
Nếu cần nói thêm về nghệ thuật thơ Đường thì Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ rất đúng niêm
luật có lẽ bởi ý nghĩa thứ hai là nói chơi, còn ý nghĩa đầu tiên vẫn là nói thật. Tính nghiêm
túc của bài thơ phải chăng là sự phản ánh nghiêm túc những đòi hỏi có thật của cuộc đời đối
với con người cách mạng. Nhưng một khi đã đáp ứng được nó, trụ vững trước nó thì ai cấm
cái quyền nói chêu của người đã biết tự rèn luyện mình và vượt lên tất cả ?
Phân tích ngắm trăng
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao.
Đó là tinh thần của người tù Hồ Chí Minh. Dẫu bị giam cầm xiềng xích, thân thể bị đoạ đày
nhưng không ai có thể giam hãm được tinh thần của Người. Không những thế, trong nhà
ngục, Hồ Chí Minh vẫn để cho tâm hồn thi sĩ của mình bay bổng, vượt ra ngoài nhà lao đến
với thiên nhiên, với người bạn trăng tri kỷ. Mở Nhật kí trong tù mấy ai không cảm thấy thích
thú và xúc động bồi hồi khi đọc đến bài thơ Ngắm trăng.
Bài thơ được mở đầu bằng những lời miêu tả rất chân thành hiện thực cuộc sống và tâm
trạng con người.
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Mỗi câu thơ nêu lên một tình huống. Câu thứ nhất: nhà tù – không rượu – không hoa. Đó là
sự thiếu thốn vật chất. Điệp từ không cất lên hai lần làm tăng thêm ý thơ. Sự thật là, sống
trong tù, người tù thiếu nhiều thứ, kể cả những nhu cầu tối thiểu như cơm ăn, áo mặc, nước
uống, giường nằm, chăn đắp. Trong nhiều bài thơ khác, Bác đã nói về điều đó, ở câu thơ này
không rượu, không hoa là lời giãi bày tâm sự về hoàn cảnh trớ trêu của mình trước vẻ đẹp
mời gọi của đêm trăng. Tâm sự ấy thanh cao quá, vượt trên cái hiện thực nhà tù, trên cả
những thiếu thốn vật chất bình thường, đời thường. Câu thơ thứ hai: Cảnh đẹp đêm nay khó
hững hờ nói rõ thêm tâm sự của Bác. Ta nhận thấy dường như người tù ấy đã thực sự quên
ngục tù, quên cái hiện thực tăm tối để hướng tới ánh sáng, thưởng thức cảnh đẹp, đón chào
trăng sáng. Chỉ hai câu thơ mở đầu, ta được thấy hồn thơ của Bác chân thành biết bao, mở
rộng biết bao. Đêm nay, trong sự cô đơn trống vắng ở nhà lao, Bác lại được người bạn trăng
tìm đến.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
Bác đã chào đón người bạn trăng như vậy đấy – không rượu, không hoa chỉ có… đôi mắt
nhìn nhau và tấm lòng hướng tới. Song kì diệu hơn nữa là cái tư thế ngắm trăng, cái hoàn
cảnh gặp gỡ của đôi tri âm, tri kỉ. Đọc ở nguyên bản chữ Hán, ta càng thấy rõ đặc điểm của
cuộc gặp gỡ này, cũng đã hiểu sâu nghệ thuật cấu trúc câu thơ tả thực, rất thực của tác giả.
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
Nhân (người) 1 minh nguyệt (trăng sáng) rồi nguyệt (trăng) – thi gia (nhà thơ) đứng ở hai
đầu câu thơ, cách ngăn bởi song tiền, song khích (song sắt). Câu trên: người vượt qua song
sắt để ngắm trăng sáng, thưởng thức và chia sẻ với trăng vẻ đẹp của đất trời, sự phóng
khoáng của tự do. Câu dưới: Trăng xuyên song sắt nhà tù để ngắm nhìn, đáp lại, cũng để
chia sẻ, an ủi người. Phép tu từ nhân hóa khiến trăng trở nên gần gũi với con người, có tâm
hồn, thực sự thành bạn bè, tri kỉ, tri âm với Người. Vậy là, người chăm chú ngắm trăng vì
yêu trăng. Nhưng trăng cũng rất yêu và thương Người nên đã mê mải ngắm Người. Cả hai
đều thanh thản, ung dung vượt qua song sắt, chiến thắng ngục tù đến với nhau bằng sức
mạnh của tình yêu – yêu ánh sáng, cái đẹp và tự do. Và kì lạ thay, dưới đôi mắt trong của
minh nguyệt không phải người tù hoặc một người bình thường nào khác mà là một thi gia
(nhà thơ). Sự thay đổi cách dùng từ người ở câu trên thành nhà thơ ở câu dưới cũng là câu
kết, lời kết của bài thơ đâu phải ngẫu nhiên. Đó là sự hóa thân kì diệu, là giây phút tỏa sáng
của tâm hồn nhà thơ.
Trước ánh trăng sáng, Hồ Chí Minh đã cảm nhận được tất cả vẻ đẹp, vẻ thanh cao của trăng
như những nhà thơ xưa (Nguyễn Trãi, Lí Bạch…) đồng thời còn thấy thêm vẻ đẹp, sức sống
của con người. Mặc dầu con người đang sống giữa gông xiềng. Bài thơ mở ra là hình ảnh
nhà tù với biết bao thiếu thốn, giữa bài thơ là trăng sáng – đến cuối bài là hình ảnh con
người trong thân phận bị giam cầm giữa song sắt đã thành nhà thơ đang say sưa mơ mộng…
Hình ảnh, âm điệu, ngôn từ cứ sáng dần, đẹp lên, chan chứa một niềm vui, niềm lạc quan.
Thơ Bác Hồ giống Đường thi ở cái dáng vẻ bên ngoài, nhưng rất khác ở cốt cách, tâm hồn, ý
chí bên trong. Đó là tâm hồn thi sĩ trong con người chiến sĩ luôn hòa quyện vào nhau.
Bài thơ Ngắm trăng là bài thơ đặc sắc trong tập Nhật kí trong tù của Bác. Chỉ bốn câu tứ
tuyệt mà Bác đã thể hiện cả một ý chí, một tinh thần lạc quan, một tình yêu thiên nhiên sâu
đậm, một sức sống và một khát vọng tự do. Nói khác đi, đó chính là một khúc hát tự do của
người tù mang phong cách chiến sĩ. Bài thơ để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người
đọc.
Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, bài nào cũng thấm đượm tình cảm con người, tình yêu tự
do, tình yêu thiên nhiên tha thiết của một người chiến sĩ đồng thời là một người nghệ sĩ. Vì
thế mỗi bài thơ đều trở thành một bài học triết lý về nhân sinh, tinh thần làm chủ trong mọi
hoàn cảnh của người chiến sĩ cách mạng. Thơ Bác thường nói về trăng như Cảnh khuya,
Rằm tháng giêng. Nhưng đó là ngắm trăng ờ rừng chiến khu Việt Bắc. Ngắm trăng như bài
Vọng nguyệt mới là dịp ngắm trăng đặc biệt. Bác Hồ ngắm trăng trong cuộc sống khác mọi
người, cuộc sống lao tù.
Mở đầu bài thơ là một thực trạng:
Trong tù không rượu cũng không hoa.
Nhưng đối lập với cảnh trong lao tù, ở bên ngoài là một đêm trăng đẹp (lương tiêu). Thế là
một câu hỏi như một bài toán được đặt ra một cách rất tự nhiên: Đối thử lương tiêu nại
nhược hà?, nghĩa là trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào? Ngắm trăng thường phải có
rượu và hoa. Đó là những thứ vốn để tạo thi hứng cho tâm hồn thi sĩ. Xưa nay, uống rượu
ngắm trăng, thưởng thức hoa là chuyện thường tình. Nhưng ở đây trong lao tù này làm sao
có rượu có hoa để thưởng thức ánh trăng. Câu hỏi tự nhiên ấy cho thấy lòng yêu thiên nhiên
say đắm và khát khao được thưởng thức cái đẹp của Bác. Câu thơ thứ hai dịch là Cảnh đẹp
đêm nay, khó hững hờ đã bỏ mất câu hỏi nên làm mất đi cảm giác băn khoăn của nhân vật
trữ tình. Đọc lại câu thơ Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ, ta thấy là một câu hỏi băn khoăn
với người đọc, nhưng đối với Bác là một câu hỏi tu từ để nhấn mạnh cách giải quyết tối ưu
của mình. Ánh trăng thanh khiết, vời vợi kia như thúc giục, như mời gọi thi nhân hãy ra
ngoài chốn tự do mà giao hòa, chia sẻ. Thế là mặc thiếu thốn vật chất, mặc cho bốn bức
tường giam chật hẹp, mặc cho song sắt của cửa sổ nhà tù, tất cả không ngăn được cảm xúc
mênh mông của Bác. Bác thả hồn theo ánh trăng và gửi gắm vào đó khát vọng tự do khôn
nguôi của mình. Câu thơ như một lời thì thầm tâm sự.
Sự thể lộ giãi bày chân thành tự do trong tâm hồn sâu thẳm của Người được trăng cảm động
và sẻ chia: Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Thì ra, ánh trăng không phải là vô tình mà
thấu hiểu được hoàn cảnh ngắm trăng của Bác, tạo điều kiện để cùng Bác giao hòa. Từ
nhòm thể hiện sự chủ động của ánh trăng tìm đến Bác. Vậy là cả người và trăng đều chủ
động tìm đến giao hòa cùng nhau, ngắm nhau say đắm. Trong hoàn cảnh khác thường nên
cách ngắm trăng trong tù cũng khác thường. Người tù lúc này muốn ngắm trăng phải hướng
ra ngoài cửa sổ, còn trăng muôn ngắm nhà thơ phải theo vào qua khe cửa. Vậy là người và
trăng đều có hai sự vận động. Người hướng ra ngoài cửa sổ ngắm trăng, còn trăng vận động
theo khe cửa sổ và ngắm nhà thơ. Hai sự vận động có thể nói đều là cuộc vượt ngục về tinh
thần và khi vượt ngục thì trăng và người đều được tự do để đến với nhau. Điều băn khoăn
đến đây đã được Bác giải đáp một cách thỏa đáng. Bài thơ không những thể hiện tình yêu
thiên nhiên của một tâm hồn nghệ sĩ hết mức nhạy cảm mà còn thể hiện một triết lý nhân
sinh, một hành động đúng qui luật để được hưởng tự do trong mọi hoàn cảnh của Bác.
Trong hai câu thơ, Bác vừa sử dụng nghệ thuật đăng đối tài tình vừa sử dụng nghệ thuật
nhân hóa đúng lúc làm cho trăng và người trở nên gần gùi, thân thiết, trở thành tri âm, tri kỷ
và cùng hành động như nhau, cùng vượt qua song sắt của nhà tù đế đến với nhau. Ở đây
trăng và người đều là sự hóa thân của Bác, sự hóa thân của một tâm hồn vừa là nghệ sĩ vừa
là chiến sĩ yêu tự do, chủ động tìm đến cái đẹp mà không nhà ngục nào ngăn cản được.
Bài thơ thật tự nhiên, giản dị mà thật triết lý. Cả bài thơ không hề nói đến một chữ tự do nào
nhưng lại toát lên một tâm hồn rất tự do, luôn làm chủ được hoàn cảnh của Bác. Đó chính là
vẻ đẹp tâm hồn tự do, một nhân cách lớn của người nghệ sĩ và người chiến sĩ vĩ đại

Phân tích đi đường

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc Việt Nam ta. Người không chỉ là một
nhà cách mạng xuất sắc mà còn đồng thời là một thi nhân vô cùng tài ba. Sinh thời, sự
nghiệp sáng tác của Người cũng vô cùng đồ sộ, trong đó nổi bật nhất là tập thơ "Nhật kí
trong tù". Tập thơ gồm hai mươi bài thơ, là những tác phẩm được Người hoàn thành trong
khi bị giam giữ ở nhà ngục Tưởng Giới Thạch. Trong số đó, "Đi đường" (Tẩu lộ) là một
trong những tác phẩm nổi tiếng nhất, ca ngợi hình ảnh của người chiến sĩ Cách mạng trong
gian lao.

Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là khi Hồ Chí Minh bị bắt bớ, tù đày
ở nhà tù Tưởng Giới Thạch và Người buộc phải di chuyển hết từ nhà lao này sang nhà lao
khác. Trong tình thế ấy, khó khăn, vất vả, gian lao đều có thể làm chùn bước chân của người
tù nhưng với tấm lòng yêu đời, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, không những không chịu khuất
phục, Người còn dùng những lời thơ của mình ghi lại chân thực hoàn cảnh gian khổ đồng
thời thôi thúc ý chí của mình. Bác muốn qua đó thể hiện chân dung ý chí bất khuất của một
người tù Cách mạng dù trong hoàn cảnh khó khăn, và cũng để nêu lên triết lý muôn đời
rằng: Vượt qua hết gian lao thử thách, chắc chắn sẽ đi tới được thắng lợi vẻ vang.

Vẫn là thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt Người ưa thích, Hồ Chí Minh đã vẽ lên bức tranh
hiện thực cùng bức tranh tinh thần của mình trong những lần chuyển lao bằng bài thơ "Đi
đường":

"Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan


Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian"
Dịch thơ:

"Đi đường mới biết gian lao


Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non"
Câu đầu của bài thơ mở ra như một lời nhận xét, một lời chiêm nghiệm từ thực tế cuộc sống:

"Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan"


(Đi đường mới biết gian lao)
Để rút ra được sự chiêm nghiệm, chân lý này, hẳn Người đã phải trải qua biết bao gian khó,
biết bao cung đường trong những lần chuyển trại, chuyển lao. Bao lần bị giặc đày ải từ nhà
tù này sang nhà tù khác, điều đó đã khiến Bác có được sự thấu hiểu về nỗi gian lao trong mỗi
bước chân. Mỗi lần bước đi, xiềng xích, gông cùm kéo lê bước chân người tù Cách mạng
khiến cho Người càng thấy khó nhọc hơn bội phần. Thấm thía được điều đó, Người đã viết
lên câu thơ mở đầu bài thơ "Tẩu lộ" của mình. Đọc lên, chúng ta cảm thấy thật thấm thía
biết bao, thấm thía cái gian lao ngấm trong từ câu chữ. Hai từ "tẩu lộ" được lặp lại liên tiếp
trong cùng một câu thơ phải chăng đó là sự nhấn mạnh của Bác về những cung đường
chuyển lao dài bất tận, khó khăn chồng chất, làm Người suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần.

Chỉ với một câu thơ thất ngôn ngắn ngủi, Hồ Chí Minh đã vẽ lại cho chúng ta hình ảnh của
một người tù đang vất vả lê từng bước chân trên chặng đường gập ghềnh trong những lần
chuyển lao, những khó khăn, cũng như những kinh nghiệm được đúc rút ra từ những chặng
đường dài đó. Và cũng là để nhắn nhủ với chúng ta rằng: Trong cuộc sống, phải bắt tay vào
công việc, phải "tẩu lộ" mới thấu hiểu được những mệt mỏi trong công việc ấy.

Câu thơ đầu vang lên đã khiến cho người đọc chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động về
những vất vả mà Người đã phải chịu đựng chốn ngục tù ấy. Vậy mà câu thơ thứ hai khi đọc
lên, càng khiến chúng ta thêm thấu hiểu những khó khăn ấy khi mà:

"Trùng san chi ngoại hựu trùng san"


(Núi cao rồi lại núi cao trập trùng)
Trên bước đường chuyển lao ấy, Bác không chỉ phải "ăn gió tắm sương" mà Người còn phải
băng rừng, vượt suối, trải qua bao khó khăn trên bước đường gập ghềnh. Nhưng những vất
vả ấy chẳng thấm vào đâu so với những lần vượt đèo vượt núi. Với đôi chân mang gông cùm,
Người phải lê chân trèo lên những đỉnh núi cao, không chỉ một mà là hết ngọn núi này đến
ngọn núi khác cứ liên tiếp nối nhau trước mắt Người. "Trùng san" (núi cao), từng ngọn cứ
liên tiếp "chi ngoại hựu trùng san". Điệp từ "trùng san" được lặp lại trong câu, một đứng
đầu, một đứng cuối khiến cho chúng ta khi đọc lên có cảm tưởng từng ngọn núi cứ dập dềnh
liên tiếp trước mắt, tưởng như là bất tận, liên hồi.
Khách bộ hành thông thường khi đi đã thấy khó nhọc, vậy mà Bác Hồ của chúng ta chân
mang xiềng xích, gông cùm trên vai lại phải vượt hết chặng đường gập ghềnh này đến chặng
đường gập ghềnh khác, vượt hết núi này tới núi khác, quả thật, gian lao, khó nhọc vô cùng.
Phải chăng những đỉnh núi cao liên tiếp, những gập ghềnh khó nhọc mà Người đang đi cũng
là biểu tượng cho những khó khăn mà Cách mạng đang gặp phải? Những khó khăn, thử
thách ấy đang đòi hỏi một người Cách mạng có ý chí kiên cường để vượt qua mà mang lại
thắng lợi vẻ vang?

Khép lại hai câu thơ đầu, người đọc chúng ta chỉ thấy hiện lên trước mắt mình những con
đường dài gập ghềnh, những đỉnh núi nhấp nhô, nối nhau dài bất tận. Con đường của người
tù Cách mạng Hồ Chí Minh trong những lần chuyển lao ở nhà tù Tưởng Giới Thạch thật khó
khăn, vất vả đến khốn cùng. Phải chăng, những khó khăn ấy mà Bác nói đến, những đỉnh núi
cao, những gian lao khi đi đường là những thử thách của cuộc đời dành cho ý chí của người
tù nhân Cách mạng giàu lòng yêu nước trước thành công cuối cùng?

Bước sang hai câu thơ cuối, vẫn là hình ảnh của núi non nhưng câu thơ lại mang một sắc
thái thật khác lạ. Nếu như trong hai câu thơ đầu tiên, người ta thấy trong đó là những khó
khăn, gian lao, là những chiêm nghiệm về cuộc đời của người tù Cách mạng Hồ Chí Minh,
thì ở trong câu thơ này, chúng ta lại nhận ra được một hương vị thật khác:

"Trùng san đăng đáo cao phong hậu


Vạn lý dư đồ cố miện gian"
Dịch thơ:

(Núi cao lên đến tận cùng


Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non)
Hình ảnh núi non vẫn hiện lên sừng sững, nhưng lại chẳng thể ngăn bước chân của người
Cách mạng với ý chí quyết tâm kiên cường, quyết tâm chinh phục cả đỉnh núi cao nhất. Nhịp
thơ ở đây nghe thật nhanh, thật mạnh, thoảng trong đó là tiếng thở thật dồn dập của người tù
khi đang cố bước thật nhanh lên đỉnh núi. Sự khẩn trương ấy lan ra toàn câu thơ, mỗi từ lại
càng thêm mạnh, thêm khẩn trương, dồn dập hơn nữa:

"Trùng san đăng đáo cao phong hậu"


(Núi cao lên đến tận cùng)
Đọc câu thơ đến cuối, người ta thấy phảng phất trong nhịp thơ là niềm hạnh phúc, xốn xang
khi đã chinh phục được "tận cùng" của "núi cao". Để đến câu thơ cuối cùng, người tù ấy thở
một cái thật mạnh, sảng khoái vô cùng:
"Vạn lý dư đồ cố miện gian"
(Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non)
Ở câu thơ thứ ba, người đọc dường như thấy tiếng thở dồn dập của Người, khi ấy liệu ai
trong chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi liệu Người đã đến được đỉnh núi hay chưa,
Người đã bước được đến "tận cùng" hay chưa, ...? Để đến khi câu thơ thứ tư thốt ra nhẹ
nhõm như một tiếng thở, thì người đọc chúng ta cũng nhẹ nhàng, khoan khoái tới lạ thường.
Lên được tận cao "tận cùng" của đỉnh núi, mở ra trước tầm mắt của chúng ta là cả một
không gian to lớn, rộng mênh mông, bát ngát của "muôn trùng nước non".

Nếu trong hai câu thơ đầu, đọc thơ, người đọc như cảm thấy sự vất vả, gian khó, một tâm
trạng mang nặng suy tư của Hồ Chí Minh thì hai câu cuối, tình thế đã thay đổi thật nhanh
chóng, tâm trạng cũng mang một màu vui vẻ khác thường. Từ tư thế của một người tù đang
trong cảnh đày đọa, Hồ Chí Minh bỗng vụt đứng lên trong tư thế của một người tự do, Người
chẳng còn mang xiềng xích, cũng chẳng bị đọa đày, tất cả chỉ là cảm giác vui sướng, ung
dung trước không gian mênh mông, bát ngát của đất trời. Và từ trong sâu thẳm tâm hồn của
Người đang reo vui thật rộn rã. Câu thơ thứ tư ấy thốt ra là một tiếng reo vui, mừng rỡ vô
cùng. Sau chặng đường dài vất vả là thế, cuối cùng người tù Cách mạng ấy cũng đã chạm
đến được đỉnh của thiên nhiên, được ngắm nhìn thiên nhiên mà Người trân trọng, yêu quý vô
vàn. Đây chắc hẳn cũng là lời gửi gắm sâu thẳm của Người trên con đường Cách mạng
rằng: Con đường Cách mạng chắc chắn sẽ khó khăn, núi cao sẽ liên tiếp, trở ngại, thách
thức, thế nhưng khi bước chân được đến đỉnh của nó, chúng ta chắc chắn sẽ thu được thành
công thật vẻ vang, thật xứng đáng. Và để làm được điều đó, chúng ta phải giữ được ý chí,
được niềm tin thật kiên định, tin tưởng vào đường lối Cách mạng của Đảng.

Bài thơ "Tẩu lộ" (Đi đường) khép lại, thế nhưng đọng lại trong tâm trí chúng ta là hình ảnh
của một người tù Cách mạng kiên định dù trong gian khó vẫn giữ một ý chí quật cường. Bài
thơ vừa là lời bày tỏ những gian khổ của Bác trong những lần chuyển lao ở nhà tù Tưởng
Giới Thạch vừa là một chân lý Bác muốn nêu ra sau những lần chiêm nghiệm của mình.
Đường đi khó khăn, gập ghềnh, cũng như cuộc sống, như con đường Cách mạng vậy, nhưng
chỉ cần chúng ta có quyết tâm, có ý chí mạnh mẽ thì chắc chắn thắng lợi vẻ vang sẽ đến và
ngày đó chẳng còn xa nữa.

Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, Hồ Chí Minh đã giúp chúng ta cảm nhận được
những khó khăn trong thời gian Người bị giam cầm nơi đất khách, cũng là lời ca ngợi ý chí
chiến đấu kiên cường của Hồ Chí Minh. Chắc hẳn, mãi đến sau này, bài thơ vẫn sẽ mãi là
một trong những tuyệt tác của Người - Hồ Chí Minh: Người chiến sĩ Cách mạng - nhà thi
nhân xuất sắc của dân tộc ta

Phân tích nc đại viêth ta

Lòng yêu nước là một đề tài quan trọng xuyên suốt mấy thế kỉ của nền văn học Việt Nam.
Trong buổi đầu non trẻ của văn học dân tộc, đề tài này đã được khai thác thể hiện lòng tự
hào của mỗi người con dân đất Việt. Ta có thể kể đến các tác phẩm: "Nam quốc sơn hà" của
Lí Thường Kiệt (?), "Phò giá về kinh" của Trần Quang Khải, "Bạch Đằng giang phú" của
Trương Hán Siêu,... Và không thể không nhắc đến "Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi.
Trích đoạn sau đây của bài cáo nổi tiếng này chẳng những thể hiện sâu sắc lòng yêu nước
của tác giả mà còn gợi nhiều suy nghĩ giàu ý nghĩa về lòng yêu nước:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân


....
Chứng cớ còn ghi".
Trích đoạn “Nước Đại Việt ta” được trích từ “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Bài cáo
được viết cuối năm 1427 đầu năm 1428 sau khi Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi
giặc Minh xâm lược. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã rửa sạch vết nhơ mất nước do nhà
Hồ gây ra đồng thời chấm dứt họa đô hộ cùng những chính sách dã man, những hành động
tàn bạo mà giặc Minh gây ra cho nhân dân ta. Ra đời trong hoàn cảnh đó, “Bình Ngô đại
cáo” đã tái hiện quá trình hơn hai mươi năm khởi nghĩa đẩy nhọc nhằn, khó khăn của nghĩa
quân Lam Sơn; những nỗi đau mà dân tộc phải hứng chịu cũng như chiến thắng đầy hào khí
của cuộc khởi nghĩa oanh liệt trước kẻ thù. Kết lại bài cáo, Nguyễn Trãi đã bố cáo cho toàn
thiên hạ về nền độc lập lâu bền của đất nước và giương cao lòng nhân nghĩa trong nhân
gian.
Nếu “Nam quốc sơn hà” của Lí Thường Kiệt được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên
của dân tộc thì “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi chính là bản tuyên ngôn độc lập đầy
hào sảng thứ hai của đất nước ta. Đoạn trích “Nước Đại Việt ta” chính là đoạn trích thể
hiện rõ nhất nội dung tuyên ngôn ấy. Mở đầu đoạn trích là tuyên ngôn nhân nghĩa của bài
cáo:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Điều ấy có nghĩa là việc nhân nghĩa trên đời cốt ở việc giữ sự bình yên cho dân chúng, quân
đội binh lính việc trước tiên là lo trừ bạo, trừ giặc cho dân. Hai câu văn ấy đã khẳng định tư
tưởng lấy dân làm gốc “dĩ dân vi bản” đầy tiến bộ. Trong quan niệm của xã hội phong kiến
xưa, tư tưởng nhân nghĩa thường bó hẹp trong cách hiểu là làm điều thiện giúp đỡ người
khác. Như trong “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, việc nhân nghĩa là việc
cứu người bị nạn: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, ông ngư cứu Lục Vân Tiên... “Dốc
lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”.

Nhưng với Nguyễn Trãi, ở cương vị một bậc quân sư tham mưu cho chủ tướng - nhà vua Lê
Lợi, ông đã có cái nhìn khái quát và sâu sắc hơn. Xét đến tận cùng, bản chất của nhân nghĩa
là yêu dân, thương dân, làm cho dân có được cuộc sống yên vui, no đủ. Không chỉ vậy, cũng
theo quan niệm xưa, binh lính là lực lượng bảo vệ quyền lợi của nhà vua và giai cấp phong
kiến. Song trong trích đoạn này, Nguyễn Trãi đã khẳng định rằng, nhiệm vụ thiêng liêng, cao
cả nhất của quân đội là “lo trừ bạo” cho an dân, bình thiên hạ. Tư tưởng ấy chỉ có thể có ở
một bậc ái quốc, ái dân vĩ đại.

Và cũng xuất phát từ tấm lòng thương dân tha thiết, Nguyễn Trãi có một lòng yêu nước, lòng
tự tôn dân tộc sâu sắc. Xưa, trong “Nam quốc sơn hà”, tác giả bài thơ “thần” đã khẳng định
nền độc lập của đất nước trên phương diện lãnh thổ, đất,đai và bộ máy quyền lực. Nay,
Nguyễn Trãi đã bổ sung để hoàn chỉnh những yếu tố góp phần khẳng định quyền tự chủ độc
lập đáng tự hào của dân tộc:

“Như nước Đại Việt ta từ trước


Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
“Nước Đại Việt ta từ trước” đã vốn có nền văn hiến từ lâu. Văn hiến là những giá trị tinh
thần mà con người đã sáng tạo ra, đó là tín ngưỡng, là tư tưởng, là đạo đức... Phải là một
dân tộc có bề dày lịch sử, có trí tuệ, có chiều dài phát triển lâu bền mới xây dựng được cho
mình một nền văn hiến riêng biệt. Nói cách khác, văn hiến là dấu hiệu của sự văn minh.
Không chỉ có sự riêng biệt về nền văn hiến của dân cư, xét về cương vị lãnh thổ nước ta cũng
có biên giới riêng biệt: “Núi sông bờ cõi đã chia”. Câu văn này gợi đến cái hồn của câu thơ
“thần” năm 1076 “Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận ở sách trời”. Núi
sông bờ cõi và cương vực lãnh thổ của đất nước đã được phân chia rạch ròi trong lịch sử,
trong tiềm thức của mỗi người dân hai quốc gia.
Và chính điều tâm niệm thiêng liêng ấy đã tạo nên ý thức xây dựng, bảo tồn, phân biệt về
phong tục tập quán của nhân dân hai đất nước: “Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Phong tục
tập quán là những thói quen trong đời sống, sinh hoạt đã ăn sâu vào cách sống, cách nghĩ
của con người. Có thể nói, cùng với nền văn hiến lâu đời, phong tục tập quán đã cùng góp
phần tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam.

Nền độc lập tự chủ của đất nước không chỉ được tạo nên từ những nét riêng biệt trong quần
chúng nhân dân và lãnh thổ đất nước mà còn được đánh dấu bằng sự độc lập về bộ máy
chính quyền - triều đại trị vì và những cá nhân kiệt xuất:

"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”.
Hai câu văn điểm tên các triều đại hai đất nước đối nhau rất chỉnh, điều đó khẳng định vị thế
ngang hàng nhau của các bậc vương tử hai nhà nước. Chữ “đế” trong câu thứ hai “mỗi bên
xưng đế một phương” được dùng rất “đắc địa”. Xưa nay, vua chúa Trung Hoa tự coi mình
là “thiên tử” (con trời), họ tự xưng “đế” và gọi vua các nước khác là “vương”. Trong bài
cáo này, Nguyễn Trãi đầy tự hào khi khẳng định các nhà vua của ta cũng là “đế” sánh
ngang hàng với vua chúa Trung Hoa: “mỗi bên xưng đế một phương”, vậy nên không hề có
quan hệ nước lớn - nước nhỏ như các triều đại phong kiến phương Bắc từng quan niệm.
Không chỉ vậy, khi nêu tên các triều đại hai đất nước, Nguyễn Trãi đã đặt nước ta lên trước.
Chỉ một chi tiết nhỏ thôi song hàm ý ẩn chứa trong đó rất sâu sắc: nó khẳng định lòng tự tôn
dân tộc của tác giả nói riêng và mỗi người Việt Nam nói chung.

Bên cạnh những ông vua hiền và các triều đại phong kiến tiêu biểu, nước ta cũng có những
anh tài hào kiệt. Dù rất tự hào về dân tộc nhưng Nguyễn Trãi cũng không phóng đại những
ưu điểm và không giấu giếm những giai đoạn suy thoái, ông viết “Tuy mạnh yếu từng lúc
khác nhau”. Để từ đó, lời khẳng định của ông đầy sức thuyết phục: “Song hào kiệt đời nào
cũng có”.

Bằng một đoạn văn ngắn ngủi, Nguyễn Trãi đã thuyết phục người đọc, người nghe về những
yếu tố góp phần khẳng định nền độc lập dân tộc. Chính bởi nền độc lập thiêng liêng ấy mà
mỗi người dân Đại Việt đều sẵn sàng xả thân vì đất nước và dẫu kẻ thù có mạnh đến đâu
cũng bị khuất phục bởi sức mạnh được khơi nguồn từ nền văn hiến lâu đời, từ chủ quyền
lãnh thổ linh thiêng...
Bởi vậy:

Lưu Cung tham công nên thất bại


Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cớ còn ghi”
Những dẫn chứng cụ thể của đoạn trích về những thất bại của giặc đanh thép như một bản
cáo trạng. Hàng loạt tên của giặc được liệt kê: Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã liền
theo đó là những địa danh lẫy lừng gắn với thất bại thê thảm của giặc và cũng là chiến thắng
vang dội của ta: cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng. Điều đặc biệt là đoạn văn này có nhịp câu
thay đổi đột ngột, trở nên ngắn và đanh hơn; các câu lại đối nhau rất chặt “Lưu Cung” -
"Triệu Tiết", "tham công” - "thích lớn", "nên thất bại" - "phải tiêu vong", "Cửa Hàm Tử" -
"Sông Bạch Đằng", "bắt sống Toa Đô” - "giết tươi Ô Mã",... Những yếu tố đó khiến đoạn
văn giống như lời cảnh cáo đối với những âm mưu xâm lược của kẻ thù đồng thời nêu cao
niềm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông.

Có thể nói, đoạn văn bản "Nước Đại Việt ta" đã thể hiện một cách hùng hồn lòng yêu nước
thông qua việc nêu cao ngọn cờ nhân nghĩa yêu nước thương dân đồng thời bày tỏ niềm tự
hào về quyền độc lập tự chủ của đất nước và truyền thống đánh giặc giữ nước của tổ tiên.
Lòng yêu nước là những điều thật giản dị, tình cảm ấy nằm ngay trong những suy nghĩ, cảm
xúc của mỗi chúng ta về nơi mình sinh ra, lớn lên. Và chính những tình cảm ấy sẽ trở thành
động lực để chúng ta phấn đấu học tập rèn luyện vì tương lai quê hương, đất nước mình.

Viet doan van nghi luan ve hanh phuc

You might also like