You are on page 1of 43

BẾP LỬA - BẰNG VIỆT

Phần 1 - Khổ 1:

K1.
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

Phần 2 – Khổ 2,3,4:

K2.
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu


Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay !

K3.
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế !

Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.


Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

Tu hú ơi ! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

K4.
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháy đinh ninh:

“Bố ở chiến khu”, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,


Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Phần 3: Khổ 5,6:

K5.
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

K6.
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm


Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

Phần 4: Khổ cuối:

K7.
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng khi nào quên nhắc nhở

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?....


ÁNH TRĂNG - NGUYỄN DUY

Phần 1: 2 khổ đầu:

K1.
Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

K2.
Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Phần hai: 2 khổ tiếp:

K3.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

K4.
Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Phần 3: 2 khổ cuối:

K5.
Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể
như là sông là rừng

K6.
Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình


ĐỒNG CHÍ – CHÍNH HỮU

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Chính Hữu

– Tên thật: Trần Đình Đắc. Sinh năm 1926 mất năm 2007

– Quê quán: huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

– Ông là một trong số các nhà thơ tiêu biểu trưởng thành trong cuộc
kháng chiến chống Pháp

– Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1947 với hai mảng đề tài sở
trường là người lính và chiến tranh

Phong cách sáng tác và cảm hứng nghệ thuật:

– Xuất thân từ một người lính, sắc xanh áo lính đã gắn bó với Chính
Hữu theo suốt các tác phẩm thơ của ông. Chính vì thế, khi viết về người
lính, ông luôn đặt mình là người trong cuộc, hòa mình vào tâm hồn
người lính để nói lên cảm nhận của họ

– Thơ Chính Hữu được nhận xét là vừa hàm súc, vừa trí tuệ. Để nói về
thơ mình, Chính Hữu từng tâm sự rằng: “Thơ phải ngắn ở câu chữ,
nhưng phải dài ở sự ngân vang”

– Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh; giọng điệu linh hoạt: khi thiết tha, trầm
hùng; lúc sâu lắng, cô động
– Phong cách thơ độc đáo: ít lời để gợi ra nhiều ý, ngòi bút biết chọn lọc,
cô đọng trong từng chi tiết, hình ảnh; câu thơ vừa giàu tính khái quát mà
vẫn chắc gọn, ẩn chứa bên trong một tâm hồn thiết tha, da diết

2. Tác phẩm Đồng chí:

a. Ý nghĩa nhan đề Đồng chí


Đồng chí là đại từ xưng hô có nguồn gốc Hán Việt, thường sử dụng
trong giao tiếp giữa những người trong cùng một đội ngũ, có cùng chung
lý tưởng, chí hướng… Đây cũng là cách xưng hô phổ biến của những
người lính và bộ đội ta từ sau Cách mạng cho đến tận ngày nay.

Chính Hữu lấy nhan đề là “Đồng chí” không chỉ có ý nghĩa viết về tình
cảm những con người cùng chung ý chí chiến đấu, mà sâu sắc hơn, ông
muốn nói về tình đồng đội, về những con người đồng cam cộng khổ,
cùng nhau vượt qua khó khăn để chiến đấu vì Tổ quốc. Đây cũng là lời
khẳng định sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính Cụ Hồ, luôn đặt
tình yêu Tổ quốc lên trên đầu, sẵn sàng hi sinh sự tự do cá nhân để đổi
lấy độc lập tự do cho dân tộc.

b. Bố cục nội dung gồm 3 phần


– Phần một (7 câu thơ đầu): Cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội
giữa những người lính

– Phần hai (10 câu thơ tiếp theo): Những biểu hiện cao đẹp của tình
đồng chí, đồng đội

– Phần ba (3 câu thơ cuối): Hình ảnh biểu tượng cho thấy sức mạnh và
vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội

II. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí


– Xuất xứ: Bài thơ “Đồng chí” được in trong tập thơ “Đầu súng trăng
treo”, xuất bản năm 1966

– Bài thơ được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, sau khi Chính Hữu
tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947. Bài thơ là những
trải nghiệm của tác giả về thực tế cuộc sống của bộ đội ta trong những
ngày đầu kháng chiến đầy khó khăn, thử thách.

– Thời điểm sáng tác bài thơ “Đồng chí”: khi đó, Chính Hữu mới vừa
tròn 20 tuổi; đảm nhiệm vị trí chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn
Thủ Đô. Tác phẩm “Đồng chí” được ra đời khi đại đội của ông được biệt
phái đi truy kích địch trên vùng Việt Bắc (hay còn biết đến là chiến dịch
Việt Bắc – Thu Đông năm 1947)

III. Phân tích bài thơ Đồng chí

1. Phân tích 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng Chí: Cơ sở hình thành tình
đồng chí, đồng đội giữa những người lính

a. Tình đồng chí bắt nguồn hoàn cảnh xuất thân tương đồng giữa những
người lính
Vẻ đẹp mộc mạc của tình đồng chí, đồng đội được thể hiện rõ nét qua
lời tâm sự, giới thiệu về quê hương trong hai câu thơ đầu:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày nên sỏi đá’’

– Hai câu thơ cho thấy, những người lính tuy cầm súng ra trận nhưng
thực chất họ chỉ là những người nông dân lao động nơi quê hương. Một
nơi thì “nước mặn đồng chua”, một nơi thì “đất cày lên sỏi đá”. Từ
những miền quê khác nhau, họ đã tìm thấy điểm chung để đến với nhau
trong một mối quan hệ thật mới mẻ.

– Sử dụng đại từ nhân xưng “anh” và “tôi” tác giả đã gợi lên không khí
trò chuyện gần gũi, như lời tâm tình, thủ thỉ của hai người bạn thân thiết.

Sử dụng thủ pháp đối được trong hai câu thơ đầu, tác giả đã gợi lên sự
tương đồng trong xuất thân hay quê hương của hai người lính.

– Tác giả mượn thành ngữ “nước mặn đồng chua” để nhắc đến những
vùng đồng chiêm, nước trũng, vùng ngập mặn ven biển, khó sống và làm
ăn. Ở nơi đó, cái đói, cái nghèo như manh nha từ trong nước, người
nông dân có cố gắng đến mấy cũng không thoát nổi sự cơ cực, thiên tai.

– Sử dụng hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” để miêu tả những vùng trung du,
miền núi, nơi đất đá bị ong hóa, bạc màu, khó làm ăn canh tác. Ở nơi
đây, cái đói, cái nghèo như rễ mọc từ trong lòng đất, người nông dân đối
diện với những khó khăn như một lẽ đương nhiên.

=> “Quê hương anh” và “làng tôi”, người miền xuôi và kẻ miền ngược,
tuy có khác nhau về địa giới nhưng đều có điểm chung là cái nghèo, cái
khổ. Chiến tranh đã đưa hai người nông dân này thành chiến sĩ cùng
chiến tuyến, sự đồng cảm giai cấp đã kết nối họ trở thành đôi bạn thân
thiết, trở thành những người đồng chí, đồng đội với nhau.

b. Tình đồng chí hình thành từ nhiệm vụ chung, lý tưởng chung và lòng
yêu nước nồng nàn
Trước khi nhập ngũ, những người lính đều là những người xa lạ,
thuộc nhiều vùng miền khác nhau:

“Anh với tôi đôi người xa lạ


Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu”

– Những con người chưa từng quen biết, đến từ mọi phương trời xa lạ,
nhờ chiến tranh đã đưa họ thành chiến sĩ, gặp nhau ở một điểm chung.
Điểm chung về xuất thân, chung một lòng yêu nước và cùng chung lý
tưởng Cách mạng.

Hình ảnh thơ “súng bên súng, đầu sát bên đầu” diễn tả sự gắn bó, kề
vai sát cánh của những người lính trên khắp những ngả đường hành
quân và chiến đấu:

– “Súng bên súng” là cách nói giàu hình tượng để diễn tả sự kề vai sát
cánh của những người lính cùng chung lý tưởng và nhiệm vụ chiến đấu.
Họ ra đi không chỉ với mục tiêu giải phóng cho quê hương, đất nước, mà
còn là cơ hội giải phóng cho chính cuộc sống khó khăn của họ nơi quê
nhà

– Cách nói hoán dụ “Đầu sát bên đầu” được sử dụng với ý nghĩa tượng
trưng cho ý chí, quyết tâm chiến đấu của những người lính trong cuộc
kháng chiến lâu dài của dân tộc.

– Sử dụng điệp từ “Súng, bên, đầu”, tác giả đã nhấn mạnh sự gắn kết, sự
tương đồng trong lý tưởng, nhiệm vụ của những người lính. Ngoài ra
còn tăng thêm sức mạnh cho câu thơ, khiến câu thơ trở nên mạnh mẽ,
chắc khỏe, tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm.

– Nếu như ở hai câu thơ đầu, đại từ xưng hô “anh” – “tôi” nằm ở thủ
pháp đối như một kiểu xưng danh khi mới gặp gỡ, thì ở 4 câu thơ tiếp
theo “anh” với “tôi” trong cùng một dòng thơ đã bộc lộ tình cảm gần
gũi. Có lẽ, từ những người xa lạ họ đã gặp được nhau và trở nên gắn kết,
hướng tới cùng một mục tiêu.
=> Chính lý tưởng và mục đích chiến đấu là cầu nối cũng như cơ sở để
họ kết nối với nhau, trở thành đồng chí, đồng đội của nhau trên chiến
trường khốc liệt.

c. Tình đồng chí hình thành từ việc trải qua khó khăn, thiếu thốn cùng
nhau
Tác giả đã miêu tả rõ nét tình cảm của những người lính bằng một
hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà giàu sức gợi qua câu thơ:

“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ’’

– Hình ảnh thơ “Đêm rét chung chăn” có thể hiểu là cùng nhau vượt qua
cái khắc nghiệt, gian khổ của cuộc đời người lính. Họ cùng chung hơi
ấm để vượt qua giá lạnh nơi núi rừng Việt Bắc. Một hình ảnh thơ vừa
mang nét hiện thực, miêu tả sự khắc nghiệt của điều kiện sống, vừa tôn
vinh vẻ đẹp người lính, luôn sẵn sàng sẻ chia mọi thứ với đồng đội của
mình trong hoàn cảnh khó khăn

– “Đắp chung chăn” là hoạt động chia sẻ, gắn kết, khiến những con
người từ “xa lạ” trở nên sát gần bên nhau hơn. Từ việc truyền cho nhau
hơi ấm họ đã biến mối quan hệ từ người lại trở thành “tri kỉ”, thành tình
đồng chí.

Cách tác giả sử dụng từ “đôi” thay vì từ “hai” ở câu thơ trên có ý
nghĩa:

– Nếu từ “hai” chỉ hai cá thể riêng biệt thì từ “đôi” thể hiện sự gắn kết
không thể tách rời, luôn song hành cùng nhau trên mọi mặt trận

– Từ “đôi người xa lạ” họ đã trở thành “đôi tri kỉ”. Cũng là từ “đôi”
nhưng biểu đạt hai trạng thái khác nhau của mối quan hệ. Hai người lính
từ không quen biết, sau khi cùng nhau vượt qua khó khăn nơi chiến
trường đã trở thành đôi bạn tâm tình thân thiết, hiểu bạn như hiểu mình.

– Chỉ với một chữ “chung” duy nhất trong bài thơ nhưng Chính Hữu đã
bao hàm toàn bộ những thứ đã tạo nên tình cảm keo sơn giữa những
người linh. Đó là chung cảnh ngộ, chung giai cấp, chung ý chí và chung
khát vọng giải phóng dân tộc.

Kết thúc đoạn thơ, tác giả đã sử dụng một câu thơ có vị trí rất đặc biệt,
được cấu tạo bởi 2 từ “Đồng chí!”:

– “Đồng chí” vang lên như một lời khẳng định, một lời định nghĩa về
một thứ tình cảm mới mà tác giả đã phát hiện ra sau những gì đã trải qua
cùng những người đồng đội của mình

– “Đồng chí” còn thể hiện cảm xúc dồn nén bấy lâu, được thốt ra như
khi cảm xúc đạt đến cao trào, trở thành tiếng gọi của tình cảm mới mang
tên “tình đồng chí”

– Cách sử dụng vỏn vẹn 2 từ “đồng chí” giúp gợi sự thiêng liêng, sâu
lắng của tình cảm khăng khít này

– Dòng thơ cuối đặc biệt ấy có vai trò như một bản lề gắn kết. Vừa có
tác dụng nâng cao ý thơ đoạn trước và vừa mở ra ý thơ đoạn sau.

– Dấu chấm than đi kèm hai tiếng “Đồng chí” ấy cũng mang ý nghĩa rất
riêng. Nó thể hiện một tiếng gọi chất chứa bao trìu mến, yêu thương mà
tác giả dành cho những người đồng đội của mình.

=> Sáu câu thơ đầu của bài thơ đã đi sâu khám phá, lí giải cơ sở và sự
hình thành của tình đồng chí. Đồng thời, tác giả đã cho thấy những điểm
chung, những trải nghiệm khó khăn từng trải qua khiến những người
nông dân xa lạ trở thành những người đồng chí, đồng đội sống chết có
nhau.

2. Phân tích 10 câu thơ giữa bài thơ Đồng Chí: Những biểu hiện cao
đẹp của tình đồng chí, đồng đội

a. Tình đồng chí biểu hiện qua sự thấu hiểu tâm tư của nhau
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Họ thấu hiểu cảnh ngộ, mối bận tâm của nhau nơi chốn quê nhà:

– Xuất thân trong vùng địa giới khắc nghiệt, cùng với đó là hoàn cảnh
gia đình khó khăn. Nay các anh ra trận, căn nhà vốn neo người, thiếu sức
lao động trở nên bộn bề bởi công việc đồng áng, phải nhờ đến “bạn
thân” giúp đỡ

Cuộc sống gia đình các thiếu thốn chồng chất khó khăn, được miêu tả rõ
nét qua hình ảnh “gian nhà không”:

– Thể hiện cái nghèo về mặt vật chất trong cuộc sống gia đình

– Diễn tả hình dáng căn nhà trống vắng khi thiếu các anh, những người
trụ cột trong gia đình, tạo nguồn thu nhập duy nhất của gia đình

Họ thấu hiểu lí tưởng cách mạng và cùng mang trong mình quyết tâm
lên đường giải phóng dân tộc:
– “Ruộng nương” và “căn nhà” đều là những tài sản quý giá, gần gũi,
gắn bó với người nông dân. Ấy vậy mà họ sẵn sàng bỏ lại nơi hậu
phương để lên đường ra trận. Điều này cho thấy, dù xuất thân nghèo khó
nhưng khi đất nước bị xâm lược, ngay cả người nông dân cũng sẵn sàng
hy sinh hạnh phúc của mình vì lợi ích chung của toàn dân tộc.

Sử dụng từ ngữ rất giản dị, mộc mạc, nhưng giàu sức gợi:

– Từ “mặc kệ” vốn để chỉ thái độ thờ ơ đối với 1 sự vật hay sự việc. Tuy
nhiên, từ “mặc kệ” trong câu thơ “gian nhà không mặc kệ gió lung lay”
đã thể hiện thái độ dứt khoát, quyết tâm của người nông dân nghèo trước
quyết định nhập ngũ. Họ mặc kệ những gì điều quý giá, mặc kệ khó
khăn phải đối diện khi nhập ngũ, quyết tâm ra đi vì nghĩa lớn.

– Từ “mặc kệ” cũng thể hiện thái độ của những người lính, luôn sẵn
sàng hy sinh thầm lặng vì độc lập tự do của đất nước, không vì danh lợi
hay mong cầu điều gì to lớn cho bản thân

Họ thấu hiểu nỗi nhớ quê nhà thường trực trong tâm hồn người lính:

– Họ lên đường nhập ngũ khi mang trong mình một trời thương nhớ:
nhớ nhà, nhớ quê và trên hết là nỗi nhớ người thân da diết. Nỗi nhớ
nhiều đến nỗi, họ có thể hình dung thấy gian nhà không đang lung lay
trong cơn gió nơi quê nhà xa xôi.

– Mặc dù vậy, trên chiến trường khốc liệt, những người lính không thể
để cảm xúc chi phối ý chí chiến đấu. Chính vì vậy, để tiếp tục mục tiêu
giành lại độc lập dân tộc, họ bắt buộc phải dùng lý trí để chế ngự tình
cảm. Tuy nhiên càng chế ngự thì nỗi nhớ nhung càng trở nên da diết.

Hình ảnh “giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” vừa là hình ảnh ẩn
dụ, vừa là phép nhân hóa diễn tả một cách tự nhiên và tinh tế tâm hồn
người lính:
– Nghĩa ẩn dụ: hình ảnh “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” diễn tả
tấm lòng của người lính, ra đi trong nỗi nhớ quê hương. Từ đó tạo cho
“giếng nước gốc đa” một tâm hồn để nhớ về.

=> 3 câu thơ đã gợi lên hình tượng người lính tham gia kháng chiến
chống Pháp, tràn đầy khí thế và ý chí kiên cường, quyết tâm ra đi để bảo
vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Mặt khác, sâu xa trong lòng, họ vẫn da
diết nhớ về quê hương.

b. Tình đồng chí biểu hiện qua cuộc đời quân ngũ, từng đồng cam cộng
khổ, kề vai sát cánh bên nhau.
Vì vậy, 7 dòng thơ tiếp, Chính Hữu đã dành để nói về những trải
nghiệm gian khổ mà các anh bộ đội đã phải trải qua trong thời kỳ đầu
cuộc kháng chiến chống Pháp:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giả

Chân không giày”

– Là một người lính từng trực tiếp tham gia chiến dịch Việt Bắc thu
đông năm 1947, Chính Hữu có thể thấu hiểu những thiếu thốn và gian
khổ của đời lính hơn bất kỳ ai khác.
Tác giả đã vẽ lên bức tranh hiện thực sống động về người lính với sự
đồng cảm sâu sắc thông qua bút pháp miêu tả chân thực kết hợp với
hình ảnh thơ chọn lọc. Đầu tiên là những cơn sốt rét rừng:

– Sử dụng bút pháp tả thực, tác giả đã tái hiện rõ sự khắc nghiệt của
những cơn sốt rét rừng đang tàn phá cơ thể những người lính: “từng cơn
ớn lạnh”, “sốt run người”, “trán ướt mồ hôi”

– Trong những cơn sốt rét “ớn lạnh” ấy, sự lo lắng, quan tâm giữa, tình
đồng chí đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp họ vượt qua
những gian khổ, khó khăn

Cuộc đời thiếu thốn và đầy gian khổ của người lính đầy thiếu thốn được
khắc họa thông qua:

– Thủ pháp liệt kê: “áo rách vai”, “quần vài mảnh vá, “chân không giày”
đã lột tả những chi tiết rất thật, chắt lọc từ thực tế cuộc sống người lính
để thể hiện những nỗi vất vả mà họ phải trải qua trên chiến trường

– Những khó khăn gian khổ như được nhân đôi khi tác giả đặt sự thiếu
thốn bên cạnh sự khắc nghiệt của thiên nhiên núi rừng, sự buốt giá của
những đêm “rừng hoang sương muối”.

– Trái ngược với hoàn cảnh khó khăn, những người lính vẫn giữ cho
mình một tinh thần lạc quan về cuộc cách mạng. Điều này được thấy rõ
nhất qua hình ảnh “miệng cười buốt giá”, coi nhẹ thử thách và luôn sẵn
sàng vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

– Sử dụng những hình ảnh sóng đôi, đối xứng nhau trong câu thơ, tác giả
đã diễn tả được sự gắn kết, đồng cảm giữa những người lính trong tình
đồng chí dạt dào và thiêng liêng
=> Qua 7 câu thơ, với cương vị là một người lính, tác giả đã nói lên một
cách cụ thể và chân thực cảnh ngộ thiếu thốn của người lính, đồng thời
thấy được tấm lòng yêu thương giữa họ. Tình thương đó không phô
trương mà được thể hiện lặng lẽ qua những hành động ân cần, sự giúp
đỡ lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn

c. Tình đồng chí biểu hiện qua việc yêu thương gắn bó, sẵn sàng sẻ chia
Những cảm xúc thiêng liêng được tác giả dồn nén trong hình ảnh thơ
đầy cảm động, ý nghĩa:

“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

– Những gian lao, mệt nhọc trong cuộc sống của người lính những năm
kháng chiến dường như được an ủi bởi hơi ấm và niềm vui của tình đồng
đội “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

– Những cái bắt tay tuy giản đơn nhưng chất chứa biết bao yêu thương
trìu mến. Qua câu thơ, tác giả đã dùng sự thiếu thốn nhằm tô đậm sự
giàu sang về tinh thần mà những người lính có được khi nhập ngũ

– Những cái bắt tay thay cho lời động viên chân thành, giúp những
người lính cùng nhau vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, tiếp tục mỉm
cười, tiếp tục cùng nhau bước trên con đường cứu nước, giải phóng dân
tộc

– Những cái bắt tay còn biểu trưng cho sự cảm thông, là phương tiện để
những người lính truyền cho nhau hơi ấm, truyền cho nhau sức mạnh
tinh thần để vượt lên số phận

– Những cái nắm tay còn là lời hứa, sự đoàn kết để cùng nhau chung sức
chiến thắng quân thù
=> Có lẽ không ngôn từ nào có thể diễn tả được tình đồng chí mà chỉ có
những hành động mới có thể làm được điều đó. Chính những hành động
tình cảm, sự đoàn kết gắn bó đã giúp sưởi ấm tâm hồn người lính qua 75
ngày đêm chiến đấu, gián tiếp tạo nên chiến thắng của chiến dịch Việt
Bắc năm 1947.

3. Phân tích 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng Chí: Hình ảnh biểu tượng
cho thấy sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội

3 câu thơ cuối được xây dựng trên nền thời gian và không gian đặc biệt:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

Nổi bật trên bức tranh khung cảnh rừng đêm hoang vắng là hình ảnh
người lính “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”:

– Hình ảnh “đứng cạnh bên nhau” thể hiện tình đoàn kết, kề vai sát cánh
bên nhau trong mọi hoàn cảnh

– Hình ảnh “chờ giặc tới” cho thấy người lính luôn trong tư thế chủ
động, hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu, mặc cho sự khắc nghiệt của thiên
nhiên, thời tiết

Khép lại bài thơ là tác giả sử dụng một hình ảnh độc đáo “đầu súng
trăng treo” vừa mang tính hiện thực, vừa đạm tính lãng mạn:
– Tính hiện thực: gợi cho tác giả nhớ về những đêm hành quân, phục
kích chờ giặc. Lúc ấy, nhìn từ xa, vầng trăng như hạ thấp ngang đầu
súng, dẫn đến phát hiện thú vị: trăng lơ lửng như treo trước mũi súng.

– Chất lãng mạn: giữa không gian khắc nghiệt và nguy hiểm ấy, tâm hồn
người lính lại có thể cảm nhận được ánh trăng, “treo” một vầng trăng
lung linh trước súng

– Động từ “treo” được sử dụng đã là tăng thêm tính thơ mộng, giúp nối
liền khoảng cách giữa mặt đất với bầu trời, hay chính là sự hòa hợp giữa
tâm hồn người lính và tâm hồn của một nhà thơ

Ý nghĩa đằng sau hình ảnh “đầu súng trăng treo”:

– Súng là một trong số những loại vũ khí biểu tượng cho cuộc chiến đấu,
hiện thực khốc liệt. Trong khi đó, trăng biểu tượng cho non nước, vẻ đẹp
thanh bình và lãng mạn

– Khi súng và trăng được đặt trên một bình diện đã gợi cho người đọc
nhiều liên tưởng phong phú về sự đối lập như: chiến tranh và hòa bình;
hiện thực và lãng mạn; chất lính và tâm hồn thi sĩ

– Hình ảnh thể hiện vẻ đẹp của tình đồng chí, giúp thanh lọc tâm hồn
người chiến sĩ trong những lúc cam go khốc liệt

– Hình ảnh thơ tô đậm vẻ đẹp tâm hồn người lính: dù trong chiến tranh
ác liệt, họ vẫn có cho mình sự lạc quan, niềm yêu đời và hướng về một
tương lai tươi sáng.

=> Đây là một bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính,
là hình ảnh biểu tượng cho thơ ca kháng chiến – một nền thơ ca hài hòa
giữa chất liệu hiện thực và cảm hứng lãng mạn
IV. Tổng kết chung phân tích bài thơ Đồng chí

1. Về nội dung bài thơ Đồng chí

Qua bài thơ “Đồng chí” Chính Hữu đã khám phá, ngợi ca một tình cảm
đẹp giữa những người lính cách mạng, đó là tình đồng chí. Trong đó,
những người lính chính là những anh vệ quốc đoàn, những chiến sĩ Ðiện
Biên… là những người nông dân vừa rời cuốc cày đã bước vào chiến
trận. Mặt khác, tác phẩm còn tô đậm hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ thời kì
đầu kháng chiến chống Pháp, với nét đời thường, đời sống tình cảm mộc
mạc, chân thành với đồng đội và quê hương.

2. Về nghệ thuật trong bài thơ Đồng chí

– Sử dụng lối miêu tả chân thực, tự nhiên nhưng rất sinh động và giàu
sức gợi

– Hệ thống từ ngữ, hình ảnh thơ giản dị mà giàu ý nghĩa biểu tượng sâu
sắc

– Giọng điệu thơ tự nhiên, tình cảm, thể hiện cảm xúc dồn nén từ đáy
lòng
BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH - PHẠM TIẾN DUẬT

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Phạm Tiến Duật

– Tên khai sinh: Phạm Tiến Duật. Sinh năm 1941, mất năm 2007

– Quê quán: huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ

– Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt nhà thơ tiêu biểu thuộc
thời kì chống Mĩ cứu nước

Phong cách nghệ thuật trong thơ Phạm TIến Duật:

– Thơ Phạm Tiến Duật được giới nhà văn đánh giá cao và có nét độc đáo
như: giọng điệu thơ sôi nổi, trẻ trung, vừa có cái “tinh nghịch”, vừa
mang nhiều hàm ý sâu sắc.

– Thơ ông tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến
chống Mĩ qua hình tượng người lính và nữ thanh niên xung phong trên
tuyến đường Trường Sơn.

– Vừa tham gia chiến đấu trong vai trò người lính, vừa quan sát chiến
tranh trong tư cách một phóng viên mặt trận khiến thơ Phạm Tiến Duật
vừa mang hơi thở thời đại, vừa có khí phách ngang tàng, bụi bặm của
người lính thời chống Mỹ.

2. Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính lớp 9


a. Hoàn cảnh sáng tác Bài thơ về tiểu đội xe không kính
– “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được viết năm 1969, sau đó được
in trong tập thơ “Vầng trăng quầng lửa”, xuất bản năm 1970. Đây là giai
đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra cực kỳ khắc nghiệt ở cả
hai miền Nam – Bắc.

– Hiện thực trong thời điểm ra đời bài thơ: từ 1959 đến 1975, nhờ tuyến
đường Trường Sơn chúng ta đã vận chuyển được vào chiến trường miền
Nam hơn một triệu tấn hàng và vũ khí nhưng đồng thời cũng bị máy bay
Mỹ phá hủy gần 90 nghìn tấn hàng và 14.500 xe, máy.

– Lấy cảm hứng từ người lính lái xe và chiến tranh, Phạm Tiến Duật đã
sáng tác “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” khi đang trực tiếp chiến đấu
trên tuyến đường Trường Sơn.

b. Ý nghĩa nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”


– Tác phẩm có nhan đề khá dài và đặc biệt: “Bài thơ về tiểu đội xe
không kính”. Nhan đề bài thơ tưởng chừng như có chỗ thừa nhưng lại
thu hút người đọc bởi vẻ khác lạ và độc đáo. Tên bài thơ hay ở sức gợi:
gợi chất thơ của cuộc sống nơi chiến trường. Đặc biệt, thông qua nhan
đề, người đọc có thể hình dung ra đối tượng chính tác giả muốn nhắc tới:
những chiến xe không kính.

Mục đích của việc đưa hình ảnh “tiểu đội xe không kính” được đưa vào
nhan đề bài thơ:

– Nhằm gợi tả hiện thực trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm
kháng chiến chống Mĩ cứu nước

– Đưa ra đối tượng tiêu biểu, tái hiện hiện thực vô cùng gay go, khốc
liệt của cuộc chiến.
– Ca ngợi vẻ đẹp của người lính lái xe với lòng dũng cảm, ý chí, nghị
lực và sự kiên cường trong hành trình lái xe vượt Trường Sơn.

– Hai chữ “Bài thơ” làm nên sự đặc biệt trong nhan đề tác phẩm đã nói
lên cách nhìn và cách khai thác hiện thực của tác giả: ngoài khơi gợi lại
hiện thực tàn khốc của chiến tranh, ông muốn khai phá chất thơ từ hiện
thực ấy, chất thơ có trong tâm hồn những người lính lái xe

– Nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” không những giúp làm
nổi bật chủ đề chính, mà còn thể hiện được cảm xúc ngợi ca, tự hào của
tác giả về những người lính lái xe.

II. Bố cục Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bài thơ được chia thành 2 phần nội dung chính:

– Phần I gồm 2 khổ thơ đầu: từ “Không có kính không phải vì xe không
có kính…” đến “…Như sa, như ùa vào buồng lái”

Nội dung chính: Tư thế ung dung, hiên ngang của người lính khi lái
những chiếc xe không kính

– Phần II gồm 6 khổ thơ còn lại: từ “Không có kính, ừ thì có bụi,…” đến
“….Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Nội dung chình: Hình tượng người lính lái xe trên đường Trường Sơn

Trong đó:

– Khổ 3,4: Tinh thần lạc quan, sôi nổi và bất chấp khó khăn hiểm nguy
của người lính: Hình ảnh những người lính lái xe là minh chứng rõ nét
cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thanh niên Việt Nam thời kỳ
kháng chiến chống Mỹ cứu nước

– Khổ 5,6: Tình đồng chí cao đẹp và tinh thần đoàn kết của người lính
lái xe dọc Trường Sơn: Vượt qua hàng nghìn cây số lái xe trong mưa
bom, bão đạn, những người lính tụ họp bên nhau để cùng tếu táo và ấm
áp trong tình đồng đội, đồng chí. Chính tình cảm thiêng liêng này đã kết
nối những trái tim lại với nhau, ủng hộ lẫn nhau trong hành trình dài
phía trước.

– Khổ 7: Lòng yêu nước, ý chí chiến đấu và lý tưởng cách mạng của
người lính: Thông qua hình ảnh thơ độc đáo, tác giả khắc họa hình ảnh
người lính với một trái tim tràn đầy yêu thương, kiên trường, trái tim yêu
nước, giúp người lính chiến thắng mọi đe dọa của kẻ thù.

III. Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính

1. Phân tích khổ 1,2: Tư thế ung dung, hiên ngang của người lính
khi lái những chiếc xe không kính

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim


Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái.”

– Từ xưa đến nay, những hình ảnh về xe cộ trong thơ ca thường được
“mĩ lệ hóa” hoặc “lãng mạn hoá”, giàu ý nghĩa tượng trưng hơn là tả
thực. Đọc giả có thể đã bắt gặp “chiếc xe tam mã” trong thơ Puskin, con
tàu trong bài thơ “tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, hay “đoàn
thuyền đánh cá” trong bài thơ cùng tên của Huy Cận.

Thế nhưng trong thơ Phạm Tiến Duật, “những chiếc xe không kính”
lại hiện lên một cách hết sức chân thực, thực tế đến mức trần trụi qua
hai câu thơ đầu:

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.”

– Điệp từ “không” cộng với chất văn xuôi của thể thơ tự do, kết hợp
cùng lối nói khẩu ngữ giúp mở ra một lời giải thích ngay từ đầu. Hai câu
thơ dường như được viết ra nhằm thay cho lời thanh minh, phân bua của
những người lính lái xe về hình ảnh bất thường của “những chiếc xe
không kính”

– Hai câu thơ là tâm trạng xót xa, tiếc nuối của những người lính với
chiếc xe của mình khi không còn nguyên vẹn, lành lặn như ban đầu

– Điệp ngữ “bom giật, bom rung” vừa giúp người đọc hình dung về một
vùng đất từng được mệnh danh là “túi bom” của địch, vừa cho thấy được
sự khốc liệt mà chiến tranh gây ra cho những chiếc xe tải

– Từ phủ định: “không có” và “không phải” đi kèm với các điệp ngữ
“bom giật, bom rung” mang ý nghĩa khẳng định hiện thực tàn khốc mà
chiến tranh đã gây ra. Đồng thời, chúng còn khiến câu thơ trở nên hùng
tráng hơn, góp phần tăng thêm vẻ đẹp ngang tàn của những chiếc xe
trong lần xuất hiện đầu tiên

=> Ngay từ hai câu thơ mở đầu bài thơ, tác giả đã làm hiện lên những
chiếc xe vận tải quân sự mang trên mình đầy những thương tích gây ra
bởi chiến tranh. Đó chính là bằng chứng rõ ràng cho sự tàn phá khủng
khiếp mà quân đội Mỹ đã làm trên chiến trường Việt Nam

Sử dụng chất liệu từ cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, Phạm Tiến Duật
đã xây dựng hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn với tư thế
hiên ngang, ngang tàng, sẵn sàng ra trận:

“Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

– Biện pháp đảo ngữ, đưa tính từ “ung dung” lên đứng đầu câu giúp tạo
nên sự bình thản, điềm tĩnh đến kỳ lạ của người lính lái xe

– “Nhìn thẳng” là cái nhìn chủ động, đầy tự chủ, bất khuất, bộc lộ những
phẩm chất cao đẹp, đặc biệt là sự dũng cảm, hiên ngang của người lính.
Họ nhìn thẳng vào gian khổ, không mảy may run sợ trước khó khăn,
không thẹn với trời đất vì chính họ cũng đang chiến đấu vì một mục tiêu
cao cả

– Điệp từ “nhìn” được lặp lại ba lần, kết hợp với nhịp thơ dồn dập, giọng
điệu mạnh mẽ đã thể hiện tầm nhìn rộng, khoáng đạt của người lính giữa
chiến trường

– Biện pháp liệt kê và điệp ngữ trong câu thơ “nhìn đất, nhìn trời, nhìn
thẳng” đã thể hiện tư thế vững vàng, hiên ngang của những người lính
lái xe, sẵn sàng nhìn thẳng vào bom đạn, nhìn thẳng vào con đường đang
bị bắn phá để lái xe vượt qua.

Tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan coi thường hiểm nguy của
người lính lái xe ra trận được tô đậm qua những hình ảnh thiên
nhiên:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái.”

– Thay vì gói gọn trong không gian của chiếc xe tải không kính, tác giả
đã mở rộng tầm nhìn ra một không gian rộng lớn hơn. Ở đó có những
con đường dài, có gió thổi, có cánh chim và những ánh sao đêm. Phải
chăng thiên nhiên nơi núi rừng Trường Sơn đang ùa vào buồng lái, gợi
lên chất thơ trong tâm hồn những anh lính trẻ

Không gian rộng lớn của thiên nhiên được tác giả miêu tả thông qua:

– Điệp từ “thấy” và điệp ngữ: “nhìn thấy… nhìn thấy…” cùng giọng thơ
hối hả đã gợi lên khung cảnh từng đoàn xe không kính nối đuôi nhau,
vận chuyển nhu yếu phẩm từ Bắc vào Nam

– Biện pháp nhân hóa chuyển đổi cảm giác “vào xoa mắt đắng” nhằm
thể hiện những hiểm nguy do thời tiết mà những người lính phải trải
qua. Do xe không có kính nên không thể chặn gió. Gió thổi vào buồng
lái làm “mắt đắng”. Thế nhưng, những anh lính vẫn dũng cảm, bất chấp
khó khăn tiến về phía trước
– Hình ảnh “con đường chạy thẳng vào tim” thể hiện tốc độ phóng
nhanh như bay của những chiếc xe. Chiếc xe không kính cùng với tốc độ
cực nhanh của xe tạo đã rút ngắn khoảng cách giữa các anh với con
đường, khiến người lính lái xe có cảm giác con đường đang chạy thẳng
vào tim, hòa cùng dòng máu yêu nước chảy trong lồng ngực.

– Hình ảnh “sao trời” và “cánh chim” vốn là biểu tượng phân biệt hai
trạng thái ban đêm và ban ngày. Câu thơ “thấy sao trời và đột ngột cánh
chim” mang ý nghĩa từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy không kể ngày
đêm, cứ khi nào máy bay Mỹ ngừng bay thì quân ta sẽ hành quân

– Hình ảnh so sánh “như sa, như ùa vào buồng lái” một lần nữa nhấn
mạnh tốc độ nhanh phi thường của tiểu đội xe không kính khi ra trận.
Không những đường đi mà cả một bầu trời đêm cũng như ùa vào buồng
lái.

=> Qua 2 khổ thơ đầu, tác giả đã gợi tả sinh động hiện thực chiến trường
chính xác đến từng chi tiết. Hơn nữa, đằng sau đó còn là một khí chất,
một bản lĩnh, thể hiện qua tư thế chiến đấu ung dung, hiên ngang của
người lính trước sự khốc liệt của chiến tranh.

2. Phân tích khổ 3,4 bài thơ về tiểu đội xe không kính: Tinh thần lạc
quan, sôi nổi và bất chấp khó khăn hiểm nguy của người lính

“Không có kính ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha


Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.”

Với tinh thần lạc quan, những người lính lái xe đã coi gian khổ, hiểm
nguy nơi chiến trường trở thành một phần trong cuộc sống tại
Trường Sơn. Điều này được thể hiện qua:

– Hình ảnh thơ “gió”, “bụi”, “mưa” là những hiện tượng thiên nhiên,
thời tiết, đặc trưng cho những gian khổ, thử thách mà người lính phải đối
diện

– Cấu trúc lặp: “Không có…, ừ thì…” lặp lại hai lần ở đầu hai khổ thơ,
cùng với đó là kết cấu phủ định “Chưa cần…” đã thể hiện sự ngang tàn,
thái độ coi thường hiểm nguy, bất chấp khó khăn, coi thường gian khổ
của những chiến sĩ lái xe Trường Sơn

– Hình ảnh so sánh trong hai câu thơ “Bụi phun tóc trắng như người già”
và “Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” là cách nói phóng đại của tác giả
nhằm nhấn mạnh sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi chiến trường, đồng
thời cho thấy tinh thần lạc quan, dũng cảm tiến về phía trước của người
lính Trường Sơn. Mặc cho bụi mưa phủ đầy trên tóc, trên áo, họ vẫn giữ
một hướng đi, vẫn lái xe lao thẳng về phía trước.

– Trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những người lính vẫn “phì phèo
châm điếu thuốc”, cố gắng “lái trăm cây số nữa”. Đây là hình ảnh cho
thấy sự thản nhiên, phong thái thờ ơ của người lính lái xe trước những
thử thách phải trải qua trên tuyến đường Trường Sơn.
=> Với ngôn ngữ giản dị đời thường, kết hợp cùng giọng điệu thản
nhiên, hóm hỉnh, tác giả đã làm nổi bật niềm vui, tiếng cười của người
lính giữa muôn vàn gian khổ, hiểm nguy của cuộc chiến đấu, cùng với
đó là bản lĩnh, nghị lực phi thường

=> Hình ảnh tiểu đội xe không kính qua 2 khổ thơ trên là minh chứng rõ
nét cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thanh niên Việt Nam thời kỳ
kháng chiến chống Mỹ cứu nước

3. Phân tích khổ 5,6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Tình đồng
chí cao đẹp và tinh thần đoàn kết của người lính lái xe dọc Trường
Sơn

“Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”

Vượt qua hàng nghìn, hàng vạn cây số lái xe trong mưa bom, bão
đạn, những người lính lại gặp nhau để cùng tếu táo và ấm áp trong
tình đồng đội, đồng chí. Chính tình cảm thiêng liêng này là sợi dây vô
hình kết nối mọi người trong tình cảnh cái chết luôn rình rập

– Hình ảnh “Những chiếc xe từ trong bom rơi”: vừa tả thực về những
chiếc xe không kính, mưa bom đạn chiến trường để trở về, vừa hàm ý
nhấn mạnh sự bất khuất, ý chí chiến đấu kiên cường của những người
lính lái xe

Ý nghĩa hình ảnh giàu sức gợi “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi” :

– Thể hiện sự đồng cảm sâu sắc giữa những người lính khi trải qua
những khó khăn như nhau mặc dù trên những cung đường khác nhau

– Hành động “bắt tay” có thể coi như những lời động viên ngắn ngủi mà
họ dành cho nhau. Cái bắt tay ấy vừa mang lại sự an ủi, vừa là động lực
kết nối những trái tim lại với nhau, ủng hộ lẫn nhau trong hành trình dài
phía trước

Cuộc hội ngộ của tiểu đội xe không kính tuy ngắn ngủi mà thắm tình
đồng đội:

Qua những bữa cơm vội vàng dã chiến “giữa trời”, dùng chung bát,
chung đũa đã vô hình giúp các chiến sĩ gần nhau hơn:

– Hình ảnh gia đình hiện lên mang đậm chất lính, vừa tếu táo mà vừa
chân tình, sâu nặng. Vô tình nhờ những khó khăn, thiếu thốn đó, những
người lính đã gắn bó với nhau như một gia đình thực thụ, giúp đỡ nhau
trong cả chiến đấu lẫn đời thường

– Thời gian nghỉ ngơi tuy chỉ diễn ra thoáng chốc và bữa cơm “chung
bát đũa” giữa đường xe chạy đã trở thành khoảnh khắc hạnh phúc hiếm
hoi trên hành trình vượt Trường Sơn của những người lính. Từ đó xóa đi
khoảng cách, giúp họ trở nên gần gũi, thân thiết, thậm chí là yêu thương
nhau như ruột thịt.

– Từ láy “chông chênh” của chiếc võng chính là ẩn dụ cảm giác bấp
bênh không bằng phẳng trên những tuyến đường mà xe đi qua. Ngay cả
lúc nghỉ ngơi thì những chiến sĩ vẫn phải chịu sự bấp bênh, thiếu an toàn
đó. Song, đối với họ, càng gian khổ thì ngày thắng lợi càng đến gần.

– Nghệ thuật ẩn dụ “trời xanh thêm” đã thể hiện tâm hồn sôi nổi và lạc
quan của người chiến sĩ. Màu sắc xanh là biểu tượng của niềm tin, sự tin
tưởng, là hi vọng vào ngày dân tộc chiến thắng, đất nước hoàn toàn giải
phóng

– Điệp từ “lại đi, lại đi” và nhịp thơ 2/2/3 đã khẳng định đoàn xe sẽ khẩn
trương tiếp tục đi về phía con đường gian khổ phía trước

=> Khổ thơ cho thấy nhịp sống sôi nổi và tinh thần chiến đấu kiên cường
của tiểu đội xe không kính. Dù cho sức mạnh của giặc Mỹ có tàn bạo cỡ
nào cũng không thể ngăn cản nổi ý chí chiến đấu của quân đội ta.

4. Phân tích khổ thơ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Lòng
yêu nước, ý chí chiến đấu và lý tưởng cách mạng của người lính

Bài thơ khép lại với bốn câu thơ thể hiện ý chí chiến đấu kiên cường của
người lính lái xe Trường Sơn – đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam thời
chống Mĩ với lý tưởng sống cao đẹp

“Không có kinh, rồi không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước


Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Trong khổ thơ cuối, tác giả đã một lần nữa nhắc lại hình ảnh những
chiếc xe không kính một cách chân thực và sinh động qua:

– Biện pháp liệt kê những điểm không hoàn thiện của chiếc xe như:
không kính, không đèn, không mui, thùng xe xước để nhấn mạnh sự
thiếu thốn, không toàn vẹn của đoàn xe mang trong mình nhiệm vụ “xẻ
dọc Trường Sơn cứu nước”.

– Điệp từ “không có” góp phần diễn tả sự khốc liệt và dữ dội mà chiến
trường đã mang lại cho những chiếc xe: mưa bom đạn lạc khiến chiếc xe
trở nên trơ trụi, thiếu những bộ phận cơ bản nhất của một chiếc xe bình
thường.

– Sự trơ trụi và tàn phá của bom đạn tưởng chừng như đã khiến xe
ngừng hoạt động. Nhưng điều kỳ diệu là những chiếc xe ấy vẫn bon bon
trên đường ra trận, hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, góp sức vào
công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

– Sử dụng phép đối lập “không có” với “vẫn chạy” đã làm nổi bật sức
mạnh, sự ngoan cường của người lính lái xe

– Câu thơ “Vì miền Nam phía trước” gợi nhắc đến niềm tin về ngày
chiến thắng, ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước

Hình ảnh “trái tim” là một hoán dụ nghệ thuật sáng tạo của tác giả, nói
lên chân lý sâu xa về sức mạnh của lòng yêu nước và lí tưởng cách
mạng cao đẹp:

– Hình ảnh trái tim đã khẳng định phẩm chất cao quý của các người lính
lái xe trên đường Trường Sơn. Các anh vừa giúp tiếp nối truyền thống
anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam, vừa trở thành hình tượng
thanh niên tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước của thế hệ chống Mỹ cứu
nước

– Các bộ phận trên xe tuy thiếu và không còn nguyên vẹn nhưng “chỉ
cần” một “trái tim” yêu nước nguyên vẹn thì xe vẫn hoàn toàn có thể
băng băng ra trận, hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình

– Hình ảnh “trái tim” còn tượng trưng cho lòng dũng cảm, lòng yêu
nước và sức mạnh của lòng yêu nước. Chính sức mạnh vô hình ấy đã lấp
đầy những phần thiếu sót của chiếc xe, tạo động lực cho người lính vượt
qua khó khăn, thử thách

– “Trái tim” của người lính tuy vô hình mà hữu hình, có thể thay thế cho
mọi thứ, biến chiếc xe không kính như trở thành một cơ thể sống, hợp
nhất với tâm hồn người chiến sĩ để tiếp tục hành trình dài phía trước.

=> Hình ảnh “trái tim” khép lại bài thơ đã làm bừng sáng lên ý nghĩa của
toàn bộ tác phẩm. Đó là một trái tim yêu thương, trái tim kiên trường,
trái tim cầm lái, giúp người lính chiến thắng mọi đe dọa của kẻ thù. Và
“trái tim” ấy cũng đã trở thành nhãn tự của bài thơ, để lại ấn tượng và
cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

III. Tổng kết chung phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính

1. Về nội dung Bài thơ về tiểu đội xe không kính

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của tác giả Phạm Tiến Duật đã
thành công trong việc xây dựng hình tượng những người lính lái xe
Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Qua hình ảnh thơ đặc
biệt là những chiếc xe không kính, tác giả đã khắc họa một cách chân
thực hình ảnh những người lính lái xe với nhiều phẩm chất đẹp đẽ. Bất
chấp khó khăn thử thách, những anh lính vẫn trong tư thế hiên ngang ra
trận với một trái tim ấm nóng tình đồng đội, tình yêu nước nồng nàn.

2. Về nghệ thuật Bài thơ về tiểu đội xe không kính

– Thể thơ tự do, chất văn xuôi giúp câu thơ trở nên đời thường và dễ
hiểu

– Sử dụng chất liệu hiện thực nơi chiến trường vừa nói lên trải nghiệm
của tác giả, vừa là ca ngợi, tự hào về những đoàn xe không kính, “xẻ dọc
Trường Sơn” cứu nước

– Ngôn ngữ đậm tính khẩu ngữ tự nhiên, đậm chất lính lái xe

– Giọng điệu ngang tàng pha chút hài hước, dí dỏm làm nổi bật thái độ
coi thường gian khổ trong hoàn cảnh thiếu thốn và cái chết luôn cận kề
của những chiến sĩ khi thực thi nhiệm vụ của mình.

You might also like