You are on page 1of 117

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC


-------o0o-------

TRẦN TỐ CHINH

XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG PHẦN MỀM THÍ NGHIỆM VẬT LÝ ẢO


HỖ TRỢ THỰC HÀNH VẬT LÝ CHƯƠNG DÒNG ĐIỆN KHÔNG ĐỔI
VẬT LÝ 11 CƠ BẢN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Chuyên ngành: LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC


(BỘ MÔN VẬT LÝ)
Mã số: 601410

LUẬN VĂN THẠC SĨ SƯ PHẠM VẬT LÝ

Người hướng dẫn khoa học : TS. Phạm Kim Chung

HÀ NỘI – 2013
LỜI CẢM ƠN

Luận văn này là kết quả của quá trình học tập và nghiên cứu của tôi tại
Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội. Với tình cảm chân thành, tôi xin bày tỏ
lòng biết ơn sâu sắc tới các Thầy, các Cô trong trường Đại học Giáo dục –
ĐHQG Hà Nội đã quan tâm, giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và thực hiện
đề tài này.
Đặc biệt em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến TS. Phạm Kim Chung,
đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ em trong quá trình hoàn thành luận văn này.
Nhân dịp này tôi xin gửi lời cảm ơn đến Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng
Yên, cảm ơn Ban Giám hiệu, tổ Vật lí – KTCN trường THPT Nguyễn Trung
Ngạn, Ân Thi, Hưng Yên đã tạo điều kiện thuận lợi, động viên tôi thực
nghiệm đề tài này.

Hà Nội, năm 2013

Học viên

Trần Tố Chinh

i
NHỮNG CHỮ VÀ CỤM TỪ VIẾT TẮT

VIẾT TẮT VIẾT ĐẦY ĐỦ

CNTT Công nghệ thông tin

THPT Trung học phổ thông

TNVL Thí nghiệm Vật lí

DHVL Dạy học Vậy lý

PMDH Phần mềm dạy học

TNTHVL Thí nghiệm thực hành Vật lí

TN Thực nghiệm

ĐC Đối chứng

DH Dạy học

ii
MỤC LỤC
Trang
Lời cảm ơn................................................................................................ i
Danh mục viết tắt ....................................................................................... ii
Mục lục ........................................................................................................ iii
Danh mục các bảng ..................................................................................... vi
Danh mục các sơ đồ, hình ...........................................................................vii

MỞ ĐẦU ................................................................................................ 1
Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI............. 7
1.1. Thí nghiệm Vật lí trong tổ chức hoạt động nhận thức cho học 7
sinh Trung học phổ thông............................................................................
1.1.1. Thí nghiệm Vật lí, các đặc điểm của thí nghiệm Vật lí..................... 7
1.1.2. Vai trò của thí nghiệm trong dạy học Vật lí ở THPT........................ 8
1.1.3. Các loại thí nghiệm Vật lí phổ thông ................................................ 16
1.2. Hệ thống các kĩ năng thí nghiệm cần rèn luyện ở học sinh phổ
thông trong dạy học Vật lí........................................................................... 19
1.2.1.Khái niệm kĩ năng .............................................................................. 19
1.2.2. Kĩ năng thí nghiệm cần rèn luyện ở học sinh THPT trong dạy học Vật lí........19
1.3. Vai trò của thí nghiệm thực hành trong rèn luyện kĩ năng thí 23
nghiệm cho học sinh trong dạy học vật lí ở trường THPT. .........................
1.3.1. Thí nghiệm thực hành Vật lí ............................................................ 23
1.3.2. Nội dung, hình thức tổ chức thí nghiệm thực hành trong dạy
học Vật lí THPT .......................................................................................... 25
1.4. Sử dụng thí nghiệm ảo trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông ........ 29
1.4.1. Thí nghiệm ảo.................................................................................... 29
1.4.2. Vai trò của thí nghiệm ảo trong dạy học Vật lí................................ 33
1.4.3. Những yêu cầu chung đối với thí nghiệm Vật lí ảo .......................... 36
1.5. Thực trạng của việc rèn luyện kĩ năng thực hành Vật lí cho học sinh trong

iii
dạy học vật lí ở trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi, Hưng Yên................ 37
1.5.1. Mục đích tìm hiểu ............................................................................. 37
1.5.2. Nội dung tìm hiểu.............................................................................. 38
1.5.3. Phương pháp tìm hiểu ....................................................................... 38
1.5.4. Kết quả tìm hiểu ................................................................................ 38
Kết luận chương 1 ....................................................................................... 41
Chương 2: XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG THÍ NGHIỆM VẬT LÍ
ẢO HỖ TRỢ THỰC HÀNH VẬT LÍ CHƯƠNG DÒNG ĐIỆN
KHÔNG ĐỔI VẬT LÍ 11 CƠ BẢN THPT .......................................................
43
2.1. Phân tích vị trí, mục tiêu, nội dung dạy học bài thí nghiệm thực
hành trong chương Dòng điện không đổi.................................................... 43
2.1.1. Vị trí của bài thí nghiệm thực hành trong chương Dòng điện
không đổi.................................................................................................. 43
2.1.2. Mục tiêu bài thí nghiệm thực hành .................................................. 44
2.1.3. Nội dung bài thí nghiệm thực hành................................................... 45
2.1.4. Những khó khăn khi dạy và học thí nghiệm thực hành trong
chương Dòng điện không đổi...................................................................... 52
2.2. Đề xuất các giải pháp xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm
Vật lí ảo hỗ trợ thực hành Vật lí Chương dòng điện không đổi......................... 53
2.2.1. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ quá
trình tự học, tự nghiên cứu ở nhà của học sinh (Hỗ trợ tìm kiếm và trao
đổi thông tin) ........................................................................................... 53
2.2.2. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ làm
quen với các thiết bị thí nghiệm thực và xây dựng quy trình thao tác tiến
hành thực hành thí nghiệm thực (Hỗ trợ thực hiện Quy trình)....................... 54
2.2.3. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ
quá trình kiếm tra, đánh giá ......................................................................... 56
2.3. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ thực

iv
hành Vật lí Chương dòng điện không đổi ................................................... 58
2.3.1. Ý tưởng xây dựng phần mềm............................................................ 58
2.3.2. Xây dựng bài thí nghiệm thực hành vật lí ảo bằng Flash MX.......... 60
2.4. Sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ thực hành Vật lí chương
Dòng điện không đổi. ..................................................................................... 72
2.4.1. Các bước tổ chức thực hành thí nghiệm với sự hỗ trợ của thí
nghiệm Vật lí ảo. ......................................................................................... 72
2.4.2. Thiết kế tiến trình dạy học thực hành thí nghiệm “Xác định
suất điện động và điện trở trong của một pin điện hoá” ............................. 75
Kết luận chương 2 ....................................................................................... 79
Chương 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM................................................ 80
3.1. Mục đích, đối tượng, nội dung thực nghiệm sư phạm ........................ 80
3.1.1. Mục đích thực nghiệm sư phạm........................................................ 80
3.1.2. Đối tượng và nội dung thực nghiệm sư phạm................................ 80
3.2. Phương pháp thực nghiệm sư phạm .................................................... 81
3.3. Kết quả thực nghiệm sư phạm.............................................................. 85
3.3.1. Phân tích định tính............................................................................. 85
3.3.2. Phân tích định lượng ......................................................................... 88
3.4. Hiệu quả của việc sử dụng thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ DH với TN thật. ....... 92
3.4.1. Ưu nhược điểm của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Vật lí..... 92
3.4.2. Hiệu quả của việc sử dụng thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ dạy học
với thí nghiệm thật ..................................................................................... 93
Kết luận chương 3 ....................................................................................... 95
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ ........................................................... 97
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................ 99
PHỤ LỤC 1 ................................................................................................101
PHỤ LỤC 2 ................................................................................................104
MỘT SỐ HÌNH HẢNH THỰC NGHIỆM........................................ 106

v
vi
DANH MỤC CÁC BẢNG

Trang

Bảng 1.1: Bảng các kĩ năng thí nghiệm cơ bản cần rèn luyện cho 20
học sinh THPT trong dạy học vật lí. ...........................................................
Bảng 1.2. Thống kê phiếu khảo sát học sinh THPT Nguyễn Trung Ngạn .......... 39
Bảng 2.1. Bảng số liệu của phương án 1..................................................... 50
Bảng 2.2. Bảng số liệu của phương án 2..................................................... 50
Bảng 2.3. Bảng số liệu của phương án 3 lần 1............................................ 51
Bảng 2.4. Bảng số liệu của phương án 3 lần 2............................................ 52
Bảng 3.1. Bảng thống kê điểm số .............................................................. 89
Bảng 3.2. Phân phối tần suất (wi%) số học sinh đạt điểm Xi trở xuống 89
Bảng 3.3. Các tham số thống kê................................................................ 90

vii
DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ, HÌNH
Trang
Sơ đồ 1.1. Chu trình sáng tạo theo Razumôpxki......................................... 10
Sơ đồ 1.2. Cấu trúc tâm lí của hoạt động học ............................................. 11
Sơ đồ 2.1. Sơ đồ kết hợp thí nghiệm ảo và thí nghiệm thật trong thực
hành thí nghiệm vật lí phổ thông................................................................ 73
Hình 2.1. Câu trắc nghiệm chọn dụng cụ thí nghiệm ................................ 54
Hình 2.2. Thí nghiệm đang hoạt động......................................................... 56
Hình 2.3. Lắp ráp dụng cụ vào mạch điện .................................................. 57
Hình 2.4. Một loại câu trắc nghiệm lý thuyết ............................................. 57
Hình 2.5. Các dụng cụ dùng trong thí nghiệm ............................................ 61
Hình 2.6. Menu làm thí nghiệm ................................................................ 65
Hình 2.7. Cách vào menu tạo Button .......................................................... 65
Hình 2.8. Thư viện các Button .................................................................... 66
Hình 2.9. Bảng số liệu và đồ thị ................................................................ 68
Hình 2.10. Dao diện của phần mềm............................................................ 69
Hình 2.11. Bài báo cáo trên phần mềm....................................................... 69
Hình 3.1. Đồ thị các đường phân bố tần suất luỹ tích hội tụ lùi ................ 89

viii
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Vật lí là môn khoa học thực nghiệm, muốn quá trình dạy học Vật lí diễn
ra vừa khoa học, vừa phát huy tính tích cực, tự chủ, sáng tạo của học sinh thì
bài học không thể thiếu các bài thí nghiệm. Việc nắm được mục đích từng thí
nghiệm Vật lí, nền tảng lí thuyết liên quan đến các thí nghiệm, kĩ năng lắp
ráp, đặc biệt là sử dụng thí nghiệm trong việc tổ chức hoạt động nhận thức
tích cực và tự lực của học sinh là hết sức quan trọng trong dạy học vật lí ở
trường phổ thông. Ngoài ra thí nghiệm còn tạo được hứng thú học tập của học
sinh, tạo cho học sinh niềm tin khoa học bằng những kiến thức đã được thu
nhận.
Hiện nay, mặc dù các phòng thí nghiệm ở các trường phổ thông đã được
trang bị một cách đầy đủ về số lượng trong các năm gần đây, nhưng vẫn còn
những khó khăn mà mỗi tiết dạy đang phải khắc phục, nhiều dụng cụ thí
nghiệm chưa đạt yêu cầu, nhân viên quản lý thí nghiệm thì không chuyên nên
việc chuẩn bị thí nghiệm cho một tiết học trên lớp là rất khó khăn vì ra chơi
chỉ có 5 đến 10 phút. Đồng thời, khi sử dụng các thí nghiệm dạy học trên lớp
còn gặp trở ngại cho cả thầy và học trò vì mỗi tiết học ở trường phổ thông chỉ
diễn ra trong thời gian 45 phút, một thời gian rất ngắn đối với bài thực hành
Vật lí. Trong mỗi bài thực hành Vật lí, việc giới thiệu và lắp ráp thiết bị mất
nhiều thời gian, thời gian thực tế để tiến hành thí nghiệm rất ít. Như vậy giáo
viên phải mất rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị trước một giờ lên lớp. Hơn
nữa số tiết dạy liền nhau ở các lớp khác nhau và điều này chỉ có thể thực hiện
được bằng cách: một là, học sinh phải đi đến phòng chức năng thí nghiệm
riêng biệt; hai là, các thầy cô phải di chuyển hệ thống dụng cụ thí nghiệm tới
các lớp học của học sinh. Cả hai phương án này đều gây ra rất nhiều khó khăn
vì không phải trường phổ thông nào cũng có đủ các phòng chức năng riêng
cho các bộ môn hay phòng chức năng đủ điều kiện làm thí nghiệm. Thiết bị

1
thí nghiệm có thể bị hỏng hóc do vận chuyển, chất lượng dạy và học bị hạn
chế. Nhiều khi có đủ điều kiện tiến hành thí nghiệm, có phòng chức năng
nhưng việc đăng ký giờ dạy vẫn không thực hiện được vì đồng loạt nhiều lớp
đăng ký, nhiều bộ môn đăng ký nên khi đến lượt làm thí nghiệm thì chương
trình học đã đi qua rất lâu không có hiệu quả giảng dạy nữa. Hơn nữa, bài
thực hành thường được chia làm 2 tiết, tiết 1 dạy cơ sở lý thuyết, giới thiệu
dụng cụ, các phương án, các bước thực hành; tiết 2 sẽ cho học sinh thực hành,
thu thập số liệu, xử lý số liệu. Nếu tiết 1 chỉ có giới thiệu dụng cụ thí nghiệm,
và học sinh chỉ quan sát thí nghiệm thì không thể tự bản thân học sinh có thể
hiểu phương án thí nghiệm và cũng như đưa ra phương án và các bước tiến
hành thí nghiệm. Cũng như vậy, khi làm thí nghiệm cũng có những nhóm thu
được số liệu xa rời thực tế, hay vẽ đồ thị từ kết quả thu được cũng là khó với
học sinh.
Ngày nay, việc nghiên cứu các ứng dụng CNTT là một giải pháp tốt giúp
khắc phục những khó khăn cho giáo viên khi lên lớp, tạo hứng thú cho học
sinh khi học bài thực hành, giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh khi có
tiết thực hành, góp phần làm phong phú thêm các bài thí nghiệm thực hành,
thí nghiệm biểu diễn, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với công nghệ hiện
đại, với các loại hình thí nghiệm, loại hình kiểm tra trực tiếp trên máy tính
nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng như việc
học tập của học sinh.
Phần mềm Flash MX có khả năng lập trình đa phương tiện, có khả năng
chạy tốt trên cả các máy tính và mạng Interet đang rất được quan tâm trong
việc phát triển các phần mềm dạy học. Có thể dùng phần mềm Flash MX lập
trình thí nghiệm ảo dựa trên các bộ thí nghiệm thực sẽ góp phần giải quyết
các khó khăn và nâng cao được chất lượng dạy học vật lí hiện nay. Chính vì
vậy mà một số đề tài nghiên cứu gần đây đã sử dụng tính năng này của phần
mềm Flash MX để tạo ra các phần mềm hỗ trợ rất nhiều trong giảng dạy như
đề tài “Sử dụng phần mềm flash MX trong dạy học thí nghiệm các bài động

2
học và định luật Newton (Chương trình sách giáo khoa Vật lí 10 Trung học
phổ thông)” của Trần Trọng Nghía – Đại học Giáo dục ĐHQGHN, năm 2009;
“Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ rèn luyện kĩ năng thí nghiệm cho học
sinh phần Cơ học -Vật lý lớp 10 trung học phổ thông” của Nguyễn Văn Hải -
Đại học Giáo dục ĐHQGHN, năm 2012; … Nhưng các đề tài mới chỉ đưa ra
được cách xây dựng phần mềm, còn việc sử dụng nó như thế nào sao cho
đúng mục đích, đúng vai trò của một phần mềm ảo thì chưa được đề cập cụ
thể, phần mềm ảo không thể thay thế hoàn toàn thí nghiệm thật, nó chỉ mang
tính chất hỗ trợ, hơn nữa cách xây dựng phần mềm cũng rất khó đối với các
giáo viên vật lí có ít kiến thức tin học. Vậy nên, dựa trên những vấn đề còn
chưa làm được của các đề tài đi trước cùng với những khó khăn của học sinh
và giáo viên trong dạy và học ở tiết thực hành, tôi đã chọn đề tài nghiên cứu:
“Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ thực hành
Vật lí chương “Dòng điện không đổi” – Vật lí 11 cơ bản Trung học phổ
thông” nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ giáo viên một cách dễ nhất trong việc
xây dựng phần mềm và sử dụng phần mềm hợp lí trong giảng dạy để rèn
luyện kĩ năng thực hành vật lí cho học sinh phổ thông.
2. Mục đích nghiên cứu
Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ dạy học
Vật lí nhằm rèn luyện kĩ năng thí nghiệm cho học sinh trong dạy học các bài
thí nghiệm thực hành chương Dòng điện không đổi (Vật lí 11 cơ bản THPT).
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lý luận về vai trò của thí nghiệm Vật lí trong việc tổ
chức hoạt động nhận thức của học sinh ở các trường THPT.
- Nghiên cứu cơ sở lý luận về thí nghiệm ảo, yêu cầu đối với thí nghiệm
ảo.
- Ứng dụng CNTT để xây dựng bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo trong
chương Dòng điện không đổi (Vật lí 11 Cơ bản THPT) đáp ứng các yêu cầu
cơ bản của TNTHVL hiện nay (đòi hỏi nâng cao tính tích cực, tự lực của học
sinh trong khi chuẩn bị, tiến hành và sử dụng các thí nghiệm vật lí phổ thông).

3
- Nghiên cứu việc sử dụng hiệu quả các thí nghiệm vật lí ảo đã xây dựng
được trong quá trình dạy bài thực hành chương Dòng điện không đổi.
- Thực nghiệm sư phạm nhằm đánh giá tính khả thi và hiệu quả của các
bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo và các tiến trình dạy học đã xây dựng.
4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
· Khách thể:
- Quá trình dạy và học thực hành có sử dụng thí nghiệm Vật lí ảo trong
các bài của chương Dòng điện không đổi (Vật lí 11 Cơ bản THPT) của
giáo viên và học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Trung Ngạn – Ân Thi
– Hưng Yên.
· Đối tượng:
- Bài thí nghiệm thực hành chương Dòng điện không đổi (Vật lí 11 Cơ
bản THPT)
- Quá trình nhận thức, kĩ năng thí nghiệm của học sinh khi được tổ chức
học thực hành thí nghiệm có sử dụng phối hợp các thiết bị thí nghiệm
thật và thí nghiệm ảo.
5. Vấn đề nghiên cứu
Đề tài tập trung vào nghiên cứu hai vấn đề cơ bản sau:
- Ứng dụng CNTT để xây dựng bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo trong
chương Dòng điện không đổi (Vật lí 11 Cơ bản THPT) như thế nào để đáp
ứng các yêu cầu cơ bản của TNTHVL hiện nay?
- Việc sử dụng thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ trong quá trình dạy bài thực
thành thí nghiệm Vật lí trong chương Dòng điện không đổi như thế nào để có
hiệu quả và đúng mục đích?
6. Giả thuyết khoa học
Xây dựng các phần mềm thí nghiệm vật lí ảo tương tự như thí nghiệm
thật cả vể hình ảnh, quy trình, thao tác thí nghiệm và thiết kế tiến trình dạy
học kết hợp thí nghiệm Vật lí ảo và thí nghiệm thật hướng tới các mục tiêu về

4
kiến thức, kĩ năng thí nghiệm cần hình thành ở học sinh từ đó nâng cao trình
độ kiến thức, kĩ năng thí nghiệm cho học sinh trong dạy học Vật lí.
7. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
Về nội dung nghiên cứu:
- Sử dụng phần mềm Flash MX để xây dựng thí nghiệm ảo trong bài thí
nghiệm thực hành của chương Dòng điện không đổi (Vật lí 11 Cơ bản THPT).
- Sử dụng thí nghiệm ảo trong tiết dạy thực hành thí nghiệm Vật lí
chương Dòng điện không đổi (Vật lí 11 Cơ bản THPT).
8. Đóng góp mới của đề tài

- Về lý luận. Đề tài phát triển lí luận về rèn luyện kĩ năng thí nghiệm Vật lí
cho học sinh THPT.

- Về ý nghĩa thực tiễn. Kết quả nghiên cứu có thể được vận dụng vào việc
rèn luyện kĩ năng thí nghiệm cho học sinh THPT môn Vật lí.
9. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu lý luận: Nghiên cứu lý luận về thí nghiệm
trong dạy và học Vật lí ở trường THPT; lý luận về thí nghiệm ảo, các yêu cầu
đối với thí nghiệm ảo.
- Phương pháp nghiên cứu thực tiễn (điều tra, quan sát, chuyên gia...):
+ Nghiên cứu thực tiễn việc dạy và học thí nghiệm thực hành trong
chương Dòng điện không đổi.
+ Tham khảo các ý kiến của các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tin học
về xây dựng và sử dụng thí nghiệm thực hành Vật lí ảo.
- Phương pháp thực nghiệm sư phạm:
Tiến hành dạy song song lớp thực nghiệm và lớp đối chứng. Một lớp sử
dụng các thiết bị thí nghiệm thật của phòng thí nghiệm và một lớp sử dụng bài
TNTHVL ảo kết hợp với thiết bị thí nghiệm thật.
- Phương pháp thống kê toán học: nhằm phân tích, đánh giá kết quả
thực nghiệm sư phạm.

5
10. Cấu trúc của luận văn
Luận văn gồm ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài kiệu tham
khảo, bản Luận văn được chia thành ba chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài.
Chương 2. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ thực
hành Vật lí chương Dòng điện không đổi – Vật lí 11 Cơ bản THPT.
Chương 3. Thực nghiệm sư phạm.

6
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Thí nghiệm Vật lí trong tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh
Trung học phổ thông
1.1.1. Thí nghiệm Vật lí, các đặc điểm của thí nghiệm Vật lí
Thí nghiệm Vật lí (TNVL) là sự tác động có chủ định, có hệ thống của
con người vào các đối tượng của hiện thực khách quan. Thông qua sự phân
tích các điều kiện mà trong đó đã diễn ra sự tác động và các kết quả của sự tác
động, ta có thể thu nhận được tri thức mới [7].
Thí nghiệm Vật lí có các đặc điểm sau:
- Các điều kiện của thí nghiệm phải được lựa chọn và được thiết lập có
chủ định sao cho thông qua thí nghiệm, có thể trả lời được câu hỏi đặt ra, có
thể kiểm tra được giả thuyết hoặc hệ quả suy ra từ giả thuyết..
Mỗi thí nghiệm có ba yếu tố cấu thành cần được xác định rõ: đối tượng
cần nghiên cứu; phương tiện gây tác động lên đối tượng cần nghiên cứu và
phương tiện quan sát, đo đạc để thu nhận các kết quả của sự tác động.
- Các điều kiện của thí nghiệm có thể làm biến đổi được để ta có thể
nghiên cứu sự phụ thuộc giữa hai đại lượng, trong khi các đại lượng khác giữ
không đổi.
- Các điều kiện của thí nghiệm phải được khống chế, kiểm soát đúng như
dự định nhờ sử dụng các thiết bị thí nghiệm có độ chính xác ở mức độ cần
thiết, nhờ sự phân tích thường xuyên các yếu tố của đối tượng cần nghiên
cứu, làm giảm tối đa ảnh hưởng của các nhiễu.
- Đặc điểm đặc biệt quan trọng của thí nghiệm là tính có thể quan sát
được các biến đổi của đại lượng nào đó do sự biến đổi của đại lượng khác.
Điều này đạt được nhờ các giác quan của con người và sự hỗ trợ của các
phương tiện quan sát, đo đạc.

7
- Có thể lặp lại thí nghiệm. Tức là: với các thiết bị thí nghiệm, các điều
kiện thí nghiệm như nhau thì khi bố trí lại hệ thí nghiệm, tiến hành lại thí
nghiệm, hiện tượng, quá trình Vật lí phải diễn ra trong thí nghiệm giống như ở
các lần thí nghiệm trước đó.
1.1.2. Vai trò của thí nghiệm trong dạy học Vật lí ở THPT
· Dạy học Vật lí, nhiệm vụ cơ bản của dạy học Vật lí
Dạy học Vật lí là tổ chức, hướng dẫn cho học sinh thực hiện các hành
động nhận thức Vật lí, để họ có thể tái tạo được kiến thức, kinh nghiệm xã hội
(nhờ đó biến chúng thành tri thức của mình), đồng thời làm biến đổi bản thân
học sinh, hình thành và phát triển những phẩm chất năng lực của họ. Để thực
hiện có hiệu quả mục đích này của hoạt động dạy và hoạt động học, người
giáo viên nhất thiết phải nghiên cứu các hoạt động theo một trình tự logic của
kiến thức phù hợp với tư duy nhận thức, hành động của học sinh. Hơn nữa
giáo viên phải chú ý tới từng đối tượng học sinh nói riêng để định ra những
hành động phù hợp, đặc biệt là hành động để tạo ra những điều kiện thuật lợi
giúp cho học sinh có thể thực hiện tốt các hành động học tập.
Dạy học Vật lí (DHVL) ở phổ thông phải đảm bảo thực hiện tốt những
nhiệm vụ cơ bản sau:
- Hình thành cho học sinh hệ thống kiến thức cơ bản (về khoa học và về
phương pháp nghiên cứu khoa học Vật lí), vững chắc ở mức độ hiện đại.
- Phát triển tư duy và năng lực sáng tạo của học sinh.
- Hình thành thế giới quan duy vật biện chứng cho học sinh.
- Góp phần giáo dục kỹ thuật tổng hợp và kỹ thuật môi trường cho học
sinh.
Các nhiệm vụ trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được tiến hành
trong quá trình DHVL. Trên cơ sở hệ thống kiến thức Vật lí, đặc điểm của học
sinh và nhiệm vụ của nhà trường THPT, giáo viên cần lựa chọn những hình
thức tổ chức và phương pháp dạy học phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ đó
một cách tối ưu.

8
· Tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh trong DHVL.
- Con đường nhận thức Vật lí:
Kế thừa những thành tựu của rất nhiều nhà khoa học trên con đường đi
tìm chân lý, V.I. Lênin đã khái quát hoá và đưa ra con đường nhận thức khoa
học như sau: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, rồi từ tư duy
trừu tượng trở về thực tiễn, đó là con đường biện chứng của sự nhận thức
chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan”. Như vậy thực nghiệm luôn
là cơ sở để bắt đầu quá trình nhận thức và đồng thời cũng nhờ thực nghiệm
mà quá trình nhận thức mới đi đến cái đích là thực tiễn khách quan.
Đối với khoa học Vật lí, con đường nhận thức đó đã được nhiều nhà Vật
lí nổi tiếng như A.Einstein , M.Planck, M.Born ... phát biểu, tuy bằng nhiều
cách khác nhau nhưng đều toát lên rằng quá trình nhận thức sáng tạo ấy diễn
ra theo một chu trình: Từ việc khái quát những sự kiện xuất phát đi đến xây
dựng mô hình trừu tượng giả định, có tính chất như một giả thuyết; Từ mô
hình dẫn đến việc rút ra hệ quả lý thuyết hoặc bằng suy luận lôgíc hoặc bằng
suy luận toán học; Để rồi, những hệ quả lý thuyết ấy sẽ được kiểm tra bằng
thực nghiệm.
+ Nếu thực nghiệm phù hợp với những hệ quả trên thì mô hình giả
thuyết là đúng và đó là cơ sở để giải thích thực tế.
+ Nếu thực nghiệm không xác định những hệ quả lý thuyết ấy thì hoặc
làm mô hình lý thuyết không phù hợp hoặc tìm ra giới hạn áp dụng cho mô
hình giả thuyết.
+ Và đương nhiên xuất phát từ thực nghiệm người học phải tìm mọi cách
để chứng minh giả thuyết của mình và từ đó lại phát hiện những mâu thuẫn
mới cần giả thuyết mới và người học lại kiểm chứng bằng thực tế,....
Do mỗi mô hình, mỗi lí thuyết chỉ phản ánh một mặt của thực tế nên khi
ta mở rộng phạm vi ứng dụng của mô hình sẽ đến một lúc ta gặp những sự
kiện thực nghiệm mới không thể giải thích được bằng mô hình cũ, lúc này ta

9
phải bổ sung, chỉnh lý mô hình cũ cho phù hợp hoặc thậm chí phải bỏ đi để
xây dựng một mô hình mới cho một chu trình mới của quá trình nhận thức.
Như vậy, chu trình nhận thức khoa học không khép kín mà được mở
rộng dần dần, làm giàu thêm kiến thức khoa học và cũng nhờ đó mà con
người ngày càng tiếp cận gần hơn với chân lý khách quan.
Chu trình nhận thức sáng tạo này có thể được biểu diễn bằng sơ đồ 1.1
Chu trình sáng tạo theo Razumôpxki [10].

Mô hình giả định Các hệ quả lôgíc


trừu tượng

Những sự kiện Thí nghiệm


khởi đầu kiểm tra

Sơ đồ 1.1

- Hoạt động nhận thức Vật lí của học sinh.


Hoạt động học là một hoạt động đặc thù của con người nhằm tiếp thu
những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà loài người đã tích luỹ được, đồng
thời phát triển những phẩm chất, năng lực của người học. Đối tượng của hoạt
động học chính là nhằm biến đổi chính chủ thể người học. Trong quá trình
nhận thức Vật lí, học sinh có thể tiến hành lại những thí nghiệm, rồi trải qua
các giai đoạn của chu trình nhận thức để từ đó khám phá ra các kiến thức Vật
lí (thực chất là tái tạo lại chúng) mới biến chúng trở thành tri thức của bản
thân mình. Đây sẽ là cơ sở để sau này, khi đó người học hoàn toàn có thể
khám phá ra được những tri thức mới.
Theo lý thuyết hoạt động, hoạt động học có cấu trúc gồm nhiều thành
phần bao gồm: một bên là động cơ, mục đích, phương tiện điều kiện; bên kia
là hoạt động, hành động, thao tác. Các thành phần này có quan hệ và tác động
lẫn nhau, được thể hiện trên sơ đồ 1.2.

10
Cấu trúc tâm lý của hoạt động học.

Hoạt động Động cơ

Hành động Mục đích

Thao tác Điều kiện


phương tiện

Sơ đồ 1.2
Động cơ học tập kích thích sự tự giác, tích cực, thúc đẩy sự hình thành
và duy trì, phát triển động cơ học, đưa đến kết quả cuối cùng là thoả mãn
được lòng khát khao mong ước của người học. Muốn thoả mãn động cơ ấy,
phải thực hiện lần lượt những hành động để đạt được những mục đích cụ thể.
Trong hoạt động nhận thức Vật lí thường diễn ra những hành động phổ biến
sau:
- Quan sát, phân tích một hiện tượng phức tạp ra thành những hiện tượng
đơn giản, xác định các giai đoạn diễn biến của hiện tượng và tìm ra những dấu
hiệu đặc trưng, bản chất của sự vật, hiện tượng.
- Tìm ra các tính chất chung; mối quan hệ khách quan, phổ biến giữa các
sự vật, hiện tượng.
- Mô hình hoá những sự kiện thực tế quan sát được dưới dạng những
khái niệm, những mô hình lý tưởng để sử dụng chúng làm công cụ tư duy.
- Đo các đại lượng Vật lí, tìm mối quan hệ hàm số giữa các đại lượng
Vật lí, biểu diễn bằng công cụ toán học.
- Dự đoán diễn biến của một hiện tượng trong những điều kiện thực tế
xác định; giải thích một hiện tượng thực tế.
- Xây dựng một giả thuyết, từ giả thuyết suy ra hệ quả.
- Lập phương án thí nghiệm để kiểm tra một giả thuyết (hệ quả).

11
- Tìm những biểu hiện cụ thể trong thực tế của những khái niệm, định
luật Vật lí.
- Diễn đạt bằng lời những kết quả thu được qua hành động. Đánh giá kết
quả hành động.
- Tìm phương pháp chung để giải quyết một loạt các vấn đề.
Cuối cùng, mỗi hành động được thực hiện bằng nhiều thao tác, xắp xếp
theo một trình tự xác định. Ứng với mỗi thao tác trong những điều kiện cụ thể
là những phương tiện, công cụ thích hợp. Những thao tác phổ biến cần dùng
trong hoạt động nhận thức Vật lí là:
- Thao tác vật chất:
+ Nhận biết bằng giác quan.
+ Tác động lên các vật thể bằng công cụ: chiếu sáng, hơ nóng, làm biến
dạng, cọ xát ...
+ Sử dụng các dụng cụ đo.
+ Làm thí nghiệm (bố trí, lắp ráp, vận hành thiết bị ...).
+ Thu thập tài liệu, ghi nhận số liệu thực nghiệm.
+ Thay đổi các điều kiện thí nghiệm, điều chỉnh....
(Chú ý rằng, các thao tác vật chất này không đơn thuần là thao tác thuần
tuý vật chất).
- Thao tác tư duy: Phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hoá, khái quát
hoá, quy nạp, diễn dịch....
· Vai trò của thí nghiệm trong DHVL ở THPT
- Theo quan điểm lý luận nhận thức:
Vai trò của thí nghiệm trong mỗi giai đoạn nhận thức phụ thuộc vào vốn
hiểu biết của con người, khối kiến thức đã có về đối tượng cần nghiên cứu.
Trong dạy học Vật lí ở phổ thông thí nghiệm có các vai trò sau:
+ Thí nghiệm là phương tiện để học sinh thu nhận tri thức:
Khi học sinh hoàn toàn chưa có hoặc có ít hiểu biết về đối tượng cần
nghiên cứu thì thí nghiệm được sử dụng như là một phương tiện phân tích

12
hiện thực khách quan và thông qua quá trình thiết lập đối tượng nghiên cứu
một cách chủ quan: thiết kế phương án thí nghiệm, tiến hành thí nghiệm, xử
lý kết quả quan sát, đo đạc được từ thí nghiệm để từ đó thu nhận những kiến
thức đầu tiên về đối tượng cần nghiên cứu.
+ Thí nghiệm là phương tiện để kiểm tra tính đúng đắn của tri thức mà
học sinh đã thu được.
Trong nhiều trường hợp, kết quả thí nghiệm phủ nhận tính đúng đắn của
tri thức học sinh đã biết, đòi hỏi phải đưa ra giả thuyết khoa học mới và lại
phải kiểm tra nó ở các thí nghiệm khác. Nhờ vậy, học sinh sẽ thu được những
tri thức có tính khái quát hơn, bao hàm các tri thức đã biết trước đó như là
những trường hợp riêng, trường hợp giới hạn.
+ Thí nghiệm là phương tiện của việc vận dụng tri thức học sinh đã thu
được vào thực tiễn.
Trong việc vận dụng các tri thức lý thuyết vào việc thiết kế, vận dụng,
học sinh thường gặp nhiều khó khăn do tính trừu tượng của tri thức cần sử
dụng, tính phức tạp chịu sự chi phối bởi nhiều định luật hoặc các lý do khách
quan khác. Khi đó thí nghiệm được sử dụng như một phương tiện tạo cơ sở
cho việc vận dụng các tri thức đã thu được vào thực tiễn.
+ Thí nghiệm là một bộ phận của các phương pháp nhận thức Vật lí.
Thí nghiệm đặc biệt đóng vai trò quan trọng ở các phương pháp nhận
thức phổ biến trong nghiên cứu Vật lí (phương pháp thực nghiệm và phương
pháp mô hình).
Phương pháp thực nghiệm (gồm 4 giai đoạn):
1-Làm nảy sinh vấn đề cần giải đáp, câu hỏi cần trả lời.
2-Đề xuất giả thuyết.
3-Từ giả thuyết, dùng suy luận lôgíc để rút ra hệ quả có thể kiểm tra
bằng thí nghiệm.
4-Xây dựng và thực hiện phương án thí nghiệm để kiểm tra hệ quả đã rút
ra. Nếu kết quả thí nghiệm phù hợp với hệ quả đã rút ra thì giả thuyết là chân

13
thực, nếu không phù hợp thì phải đề xuất giả thuyết mới. Như vậy thí nghiệm
đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của phương pháp
thực nghiệm.
Phương pháp mô hình (gồm 4 giai đoạn):
1-Thu thập các thông tin về đối tượng gốc. Ở giai đoạn này các thông tin
về đối tượng gốc thường được thu thập nhờ thí nghiệm, qua thí nghiệm có thể
loại bỏ những yếu tố không quan tâm, tìm ra các thuộc tính, các mối quan hệ
bản chất của đối tượng gốc, đưa ra được mô hình phản ánh các mối quan hệ
chính mà ta quan tâm.
2-Xây dựng mô hình. Nếu mô hình là vật chất người ta sẽ phải tiến hành
các thí nghiệm thực với nó.
3-Thu thập trên mô hình để suy ra các hệ quả lý thuyết.
4-Kiểm tra hệ quả trên đối tượng gốc. Trong giai đoạn này, thông qua thí
nghiệm trên vật gốc, đối chiếu kết quả thu được từ mô hình với những kết quả
thu được trên vật gốc, kiểm tra được tính đúng đắn của mô hình và rút ra giới
hạn áp dụng của mô hình.
- Theo quan điểm của lý luận dạy học.
+ Thí nghiệm có thể được sử dụng ở tất cả các giai đoạn khác nhau của
quá trình dạy học: đề xuất vấn đề cần nghiên cứu; hình thành kiến thức, kĩ
năng mới; củng cố kiến thức, kỹ năng đã thu được và kiểm tra, đánh giá kiến
thức, kỹ năng của học sinh.
Việc sử dụng thí nghiệm để tạo tình huống có vấn đề đặc biệt có hiệu
quả trong giai đoạn đề xuất vấn đề cần nghiên cứu. Các thí nghiệm được sử
dụng để tạo tình huống có vấn đề thường là các thí nghiệm đơn giản, tốn ít
thời gian chuẩn bị và tiến hành.
Trong giai đoạn hình thành kiến thức mới, thí nghiệm cung cấp một
cách có hệ thống các cứ liệu thực nghiệm, để từ đó khái quát hoá quy nạp,
kiểm tra được tính đúng đắn của giả thuyết hoặc hệ quả lôgic rút ra từ giả
thuyết đã đề xuất, hình thành kiến thức mới.

14
Thí nghiệm có thể được sử dụng một cách đa dạng trong quá trình củng
cố (ôn tập, đào sâu, mở rộng, hệ thống hoá và vận dụng) kiến thức, kỹ năng
của học sinh. Những thí nghiệm loại này được tiến hành ngay ở mỗi bài học
nghiên cứu tài liệu mới, trong các bài học dành cho việc luyện tập, các tiết ôn
tập và các giờ thí nghiệm thực hành sau mỗi chương, trong các giờ ngoại khoá
ở lớp, ở nhà.
Thí nghiệm là phương tiện để kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng
của học sinh.Thông qua các hoạt động trí tuệ - thực tiễn của học sinh trong
quá trình thí nghiệm (thiết kế phương án thí nghiệm, dự đoán hoặc giải thích
hiện tượng thí nghiệm, quá trình Vật lí diễn ra trong thí nghiệm, lựa chọn các
dụng cụ thí nghiệm cần thiết, lắp ráp các dụng cụ và bố trí thí nghiệm, tiến
hành thí nghiệm, thu nhận và xử lý kết quả thí nghiệm...), học sinh sẽ chứng
tỏ những kiến thức về hiện tượng Vật lí đang đề cập, kiến thức về phương
pháp, và cả kỹ năng của mình nữa.
Để kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức và kỹ năng của học
sinh, giáo viên có nhiều cách thức sử dụng thí nghiệm với nhiều mức độ yêu
cầu khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Mức độ tự lực của học sinh trong
quá trình thí nghiệm cũng có thể khác nhau, từ việc tiến hành thí nghiệm theo
bảng hướng dẫn chi tiết cho sẵn đến việc học sinh hoàn toàn tự lực trong tất
cả các giai đoạn của thí nghiệm.
+ Thí nghiệm là phương tiện góp phần phát triển nhân cách toàn diện của
học sinh.
Thí nghiệm là phương tiện để nâng cao chất lượng kiến thức và rèn
luyện kỹ năng, kỹ xảo về Vật lí của học sinh. Bởi vì thí nghiệm luôn có mặt
trong qúa trình nghiên cứu các hiện tượng, quá trình Vật lí, soạn thảo khái
niệm, định luật Vật lí, xây dựng các thuyết Vật lí, đề cập các ứng dụng trong
sản xuất và đời sống của các kiến thức đã học.
Do thí nghiệm Vật lí là một bộ phận của các phương pháp nhận thức
Vật lí nên mối quan hệ với các quá trình thí nghiệm, học sinh sẽ được làm

15
quen và vận dụng có ý thức các phương pháp nhận thức này. Các kiến thức về
phương pháp mà học sinh lĩnh hội có ý nghĩa quan trọng, mở rộng vượt qua
khỏi giới hạn môn Vật lí sang các môn học khác, lĩnh vực khác.
Thí nghiệm là phương tiện kích thích hứng thú học tập Vật lí, tổ chức
quá trình học tập tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh.
Thí nghiệm là phương tiện tổ chức các hình thức làm việc tập thể khác
nhau, bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức của học sinh.
+ Thí nghiệm là phương tiện đơn giản hoá và trực quan trong dạy học
Vật lí.
Nhờ thí nghiệm ta có thể nghiên cứu các hiện tượng, các quá trình xảy ra
trong những điều kiện có thể khống chế được, thay đổi được, có thể quan sát,
đo đạc đơn giản hơn, dễ dàng hơn để đi tới nhận thức được nguyên nhân của
mỗi hiện tượng và mối quan hệ có tính quy luật giữa chúng với nhau.
Thí nghiệm là phương tiện trực quan giúp học sinh nhanh chóng thu
được những thông tin chân thực về các hiện tượng quá trình Vật lí. Kiểu thí
nghiệm này đặc biệt phát huy tác dụng trong dạy học Vật lí có sử dụng
phương pháp mô hình.
1.1.3. Các loại thí nghiệm Vật lí ở phổ thông
1.1.3.1. Các loại thí nghiệm trong dạy học Vật lí THPT
- Thí nghiệm biểu diễn của giáo viên
Loại thí nghiệm này giữ vị trí hàng đầu trong hệ thống thí nghiệm Vật lí
phổ thông, là loại thí nghiệm do giáo viên tiến hành, học sinh quan sát. Dưới
sự chỉ đạo của giáo viên, từ các thí nghiệm giáo viên nhằm tái tạo lại các hiện
tượng Vật lí qua đó giúp việc khảo sát mối liên hệ giữa chúng khi tiến hành
nghiên cứu một lý thuyết nào đó.
Đây là loại thí nghiệm được giáo viên rất hay dùng trong bài giảng. Với
việc làm sống lại trước mắt học sinh những hiện tượng cần nghiên cứu, loại
thí nghiệm này nếu được tiến hành hợp lý sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức
dễ dàng hơn và tiếp thu một cách có căn cứ khoa học.

16
Tuỳ theo mục đích dạy học, thí nghiệm biểu diễn có thể phân loại như
sau:
+ Thí nghiệm mở đầu: Loại thí nghiệm này tiến hành ngay từ đầu giờ
nghiên cứu lý thuyết mới nhằm tạo ra tình huống có vấn đề thúc đẩy mâu
thuẫn giữa trình độ kiến thức đã có và nhu cầu hiểu biết hiện tượng mới, kích
thích tính tò mò, gây hứng thú học tập cho học sinh.
+ Thí nghiệm nghiên cứu hiện tượng, quá trình Vật lí: Là loại thí nghiệm
được dùng để hình thành kiến thức mới, nhằm đưa ra mối quan hệ bản chất
giữa các hiện tượng. Tuỳ theo mục đích nghiên cứu mà người ta có thể phân
thành hai loại: thí nghiệm nghiên cứu khảo sát và thí nghịêm minh hoạ. Thí
nghiệm nghiên cứu khảo sát được tiến hành nhằm đi đến một luận đề khái
quát, một định luật hay một quy tắc trên cơ sở khái quát những kết quả rút ra
từ thực nghiệm tức là theo con đường quy nạp. Thí nghiệm minh hoạ là thí
nghiệm được tiến hành theo con đường diễn dịch, tức là sau khi giáo viên đã
hướng dẫn học sinh đưa ra kết luận, định luật, quy tắc bằng cách suy luận lý
thuyết, sau đó dùng thí nghiệm kiểm chứng lại những nhận định ấy. Thí
nghiệm loại này khi thí nghiệm nghiên cứu khảo sát khó thực hiện do phức
tạp, mất nhiều thời gian, số liệu không đầy đủ, chính xác.
+ Thí nghiệm củng cố: Được thực hiện ở cuối tiết học có thể đào sâu
kiến thức cho học sinh, giúp học sinh nhớ chính xác, chắc chắn bài giảng, rèn
luyện kỹ năng cho học sinh. Đồng thời thông qua đó giáo viên kiểm tra được
mức độ tiếp thu bài giảng của học sinh.
- Thí nghiệm thực tập về Vật lí
Thí nghiệm thực tập về Vật lí là loại thí nghiệm do chính học sinh thực
hiện ở mức độ độc lập tích cực khác nhau dưới sự hướng dẫn chỉ đạo của giáo
viên. Thí nghiệm thực tập về Vật lí gồm các loại sau:
+ Thí nghiệm trực diện:

17
Là loại thí nghiệm mà dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong quá trình
nghiên cứu tài liệu mới, mỗi học sinh tiến hành những quan điểm ngắn, những
thí nghiệm mà trên cơ sở đó rút ra kết luận hoặc minh hoạ lý thuyết.
+ Thí nghiệm thực hành Vật lí:
Là loại thí nghiệm được tiến hành sau khi học xong một chương, một
phần của chương trình. Thí nghiệm thực hành thường có nội dung phong phú
có thể định tính hay định lượng song chủ yếu là kiểm nghiệm các định luật,
các quy tắc Vật lí hoặc đo các đại lượng Vật lí.
+ Thí nghiệm và quan sát Vật lí ở nhà:
Đây là hình thức thí nghiệm tổng hợp được tiến hành ngoài lớp học do
học sinh độc lập tiến hành không có sự kiểm soát của giáo viên, là một dạng
hoạt động tự lực của học sinh, có tính độc lập và sáng tạo cao.
Tóm lại, trong hệ thống thí nghiệm trên đây ta thấy dù thực hiện dưới
hình thức nào, phương pháp nào thì thí nghiệm Vật lí cũng đóng một vai trò
to lớn trong quá trình dạy và học Vật lí.
1.1.3.2. Một số yêu cầu quan trọng đối với thí nghiệm Vật lí trong việc hỗ trợ
tổ chức hoạt động nhận thức tích cực, tự lực của học sinh THPT
- Thí nghiệm phải trình bày quá trình, hiện tượng Vật lí cần nghiên cứu
xảy ra một cách ổn định (thí nghiệm phải thành công ngay và xảy ra như nhau
trong các điều kiện giống nhau ) và chính xác. Nếu không học sinh sẽ mất
niềm tin về khoa học Vật lí.
- Trong thí nghiệm phải cho phép (tạo điều kiện) cho người nghiên cứu
(học sinh ..) quan sát, thu thập đầy đủ các thông tin cần thiết về quá trình, hiện
tượng Vật lí cần nghiên cứu để có thể hỗ trợ việc tổ chức hoạt động nhận thức
tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh. Giáo viên có thể phải hướng dẫn học
sinh cách thu thập thông tin vì các em còn ít kinh nghiệm và kiến thức đang
có của các em chưa tự tin vào bản thân mình.

18
1.2. Hệ thống các kĩ năng thí nghiệm cần rèn luyện ở học sinh phổ thông
trong dạy học Vật lí
1.2.1. Khái niệm kĩ năng
Theo Từ điển tiếng Việt, kĩ năng là khả năng vận dụng những kiến thức
trong một lĩnh vực nào đó vào thực tế; kĩ xảo là khả năng đạt đến mức thuần
thục; năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên, sẵn có để thực
hiện một hoạt động nào đó.
Như vậy kĩ năng và kĩ xảo thuộc cùng một phạm trù, chỉ khác nhau ở
trình độ cao thấp, đó là phạm trù hoạt động học và làm, hay nói rõ hơn là hoạt
động học tập các kiến thức và vận dụng chúng vào trong việc giải quyết các
vấn đề thực tế, coi đó là hành động cần thiết cho việc đạt được mục đích.
Kĩ năng là khả năng của con người thực hiện các hoạt động nhất định
dựa trên việc sử dụng các kiến thức và kĩ xảo đã có [8, tr. 42]. Cơ sở tâm lý
của kĩ năng là sự hiểu biết mối liên hệ tương hỗ giữa mục đích hoạt động, các
điều kiện hoạt động và các cách thức thực hiện hoạt động. Nhờ quá trình
luyện tập, một số kĩ năng nhất định có thể trở thành kĩ xảo.
Như vậy, có thể hiểu: Kĩ năng là khái niệm chỉ mức độ thành thạo (của
chân, tay) khi thao tác lên một đối tượng vật chất nào đó (kĩ năng hành động).
Hay kĩ năng là khái niệm chỉ mức độ linh hoạt của việc vận dụng một kiến
thức vào việc giải một bài tập, một bài toán nào đó (kĩ năng trí tuệ).
1.2.2. Kĩ năng thí nghiệm cần rèn luyện ở học sinh THPT trong dạy học Vật lí
Yêu cầu của chương trình giáo dục môn vật lí ở THPT, trong đó cần rèn
luyện cho học sinh những kĩ năng như quan sát hiện tượng vật lí trong tự
nhiên, trong đời sống hoặc trong các thí nghiệm, sử dụng được các dụng cụ đo
phổ biến của vật lí, biết lắp ráp và tiến hành các thí nghiệm vật lí đơn giản,
thu thập và xử lí thông tin thu được để rút ra kết luận, đề ra các dự đoán đơn
giản về các mối quan hệ hay bản chất của các hiện tượng hoặc quá trình vật lí,
cũng như đề xuất phương án thí nghiệm để kiểm tra dự đoán đề ra. Tức là học
sinh cần có kĩ năng sử dụng thí nghiệm để nghiên cứu kiến thức vật lí theo

19
các phương pháp nhận thức phổ biến của vật lí phổ thông.[2, tr 5-7]
Trên cơ sở định nghĩa về kĩ năng và dựa trên các hoạt động quan trọng,
cơ bản nhất của người nghiên cứu trong tiến trình thực hiện của một thí
nghiệm, tôi xác định các kĩ năng thí nghiệm cần rèn luyện cho học sinh trong
dạy học vật lí ở trường THPT gồm hai nhóm kĩ năng: Nhóm kĩ năng liên quan
nhiều đến hoạt động trí tuệ, có thể gọi là kĩ năng thiết kế thí nghiệm và nhóm
các kĩ năng liên quan nhiều đến các hoạt động tay chân, gọi là kĩ năng tiến
hành thí nghiệm.
Bảng 1.1. Bảng các kĩ năng thí nghiệm cơ bản cần rèn luyện cho
học sinh THPT trong dạy học vật lí.

STT Các kĩ năng thiết kế thí nghiệm Các kĩ năng tiến hành thí nghiệm

1 Xác định mục đích thí nghiệm

Sử dụng dụng cụ, thiết bị thí


2 Đề xuất phương án thí nghiệm nghiệm, lắp đặt (lắp ráp) thí
nghiệm theo sơ đồ
Tiến hành thí nghiệm để đảm
Xây dựng sơ đồ, bố trí thiết bị thí
3 bảo xảy ra và quan sát rõ quá
nghiệm
trình, hiện tượng
Xác định cách trình bày số liệu
Quan sát và thu thập dấu hiệu
dưới dạng bảng, đồ thị các dạng
bản chất của quá trình vật lí
4 khác nhau để làm nổi bật dấu hiệu
nghiên cứu hay các số liệu (Đọc
bản chất, mối quan hệ có tính qui
số liệu chính xác).
luật.
Phân tích, xử lí số liệu để tìm ra
5 dấu hiệu bản chất, mối liên hệ có
tính qui luật.

20
STT Các kĩ năng thiết kế thí nghiệm Các kĩ năng tiến hành thí nghiệm

Vận dụng kiến thức để giải thích


các hiện tượng, quá trình vật lí
6
quan sát được hay các số liệu thu
thập được.

Các kĩ năng cụ thể trong bảng 1.1 được mô tả chi tiết như sau:
1.2.2.1. Nhóm kĩ năng thiết kế thí nghiệm:
a. Kĩ năng xác định mục đích tiến hành một bài thí nghiệm
Mục đích thí nghiệm là những vấn đề khoa học cần nghiên cứu, được đặt
ra và phải được giải quyết sau khi thực hành xong thí nghiệm. Kết quả cụ thể
của hoạt động này thường là hình thành được kiến thức mới (hay ở mức sâu,
rộng hơn), kĩ năng mới (hoặc trình độ kĩ năng ở bậc cao hơn), thái độ, tình
cảm mới, hay sâu sắc hơn. Ngoài ra, từng bài thí nghiệm, từng giai đoạn dạy
học có thể có những mục đích riêng.
+ Trả lời được câu hỏi yêu cầu của bài thí nghiệm là làm gì (đo, xác
định, chứng minh, giải thích,…) với đối tượng nào?.
+ Tìm được mối quan hệ giữa các hiện tượng cần nghiên cứu với các vấn
đề có liên quan.
b. Kĩ năng đề xuất phương án thí nghiệm
+ Mô tả được các bước tiến hành thí nghiệm (nhớ được tiến trình thí
nghiệm).
+ Khả năng tự đề xuất phương án tiến hành thí nghiệm (khác với các
phương án đã được trình bày trong sách giáo khoa)
c. Kĩ năng xây dựng sơ đồ, bố trí thiết bị thí nghiệm
+ Khả năng đọc và hiểu sơ đồ lí thuyết.
+ Biết lựa chọn dụng cụ thí nghiệm cho phù hợp.

21
+ Giải thích được công dụng, nguyên tắc hoạt động của từng dụng cụ,
thiết bị có trong bài thí nghiệm. Đọc và hiểu các kí hiệu, thông số kĩ thuật ghi
trên dụng cụ, thiết bị.
+ Lắp đúng thí nghiệm theo sơ đồ lí thuyết với các dụng cụ đã chọn
d. Kĩ năng trình bày hiện tượng quan sát được, trình bày số liệu
dưới dạng bảng, đồ thị các dạng khác nhau để làm nổi bật dấu hiệu bản
chất, mối quan hệ có tính qui luật.
+ Kĩ năng trình bày một vấn đề (viết, nói).
+ Kĩ năng trình bày vấn đề bằng đồ thị, hoặc bằng biểu bảng...
e. Kĩ năng phân tích, xử lí số liệu để tìm ra dấu hiệu bản chất, mối
liên hệ có tính qui luật trong hiện tượng, quá trình nghiên cứu
+ Khả năng phán đoán.
+ Kĩ năng tính toán: tính các đại lượng trung bình, tính sai số và làm tròn
kết quả thí nghiệm.
+ Khả năng đối chiếu, so sánh giữa kết quả thực nghiệm và lí thuyết.
+ Biết các phương pháp xác định sai số; phân biệt được sai số do phương
án và sai số đo dụng cụ, tìm biện pháp làm giảm sai số.
+ Kĩ năng xử lí biểu bảng, vẽ đồ thị (nếu có), từ đồ thị biết rút ra quy luật
liên hệ giữa các đại lượng và điều kiện xảy ra hiện tượng.
f. Kĩ năng vận dụng kiến thức để giải thích các hiện tượng, quá trình
vật lí quan sát được hay các số liệu thu thập được
+ Kĩ năng viết bài báo cáo thí nghiệm hoàn chỉnh.
+ Kĩ năng giải thích hiện tượng nghiên cứu được.
1.2.2.2. Nhóm kĩ năng tiến hành thí nghiệm:
a. Kĩ năng lắp đặt thí nghiệm theo sơ đồ
Thông thường các dụng cụ, thiết bị thí nghiệm trong các bài thực hành
được xây dựng đặt sẵn. Học sinh chỉ sử dụng các dụng cụ và các thiết bị đó để
tiến hành thí nghiệm. Chỉ khi thay đổi điều kiện thí nghiệm, học sinh cần biết
tháo lắp những bộ phận nhỏ có liên quan đến sự thay đổi điều kiện đó.

22
Các thao tác tháo lắp dụng cụ thí nghiệm mà học sinh cần đạt như sau:
+ Tháo lắp được các bộ phận của dụng cụ khi cần thay đổi điều kiện
thí nghiệm.
+ Biết lắp ráp các dụng cụ thí nghiệm theo sơ đồ.
+ Biết bố trí, sắp đặt các dụng cụ, thiết bị thí nghiệm cho phù hợp cả về
nguyên tắc lý thuyết và cả về vị trí không gian.
b. Kĩ năng tiến hành thí nghiệm để đảm bảo xảy ra và quan sát rõ
quá trình, hiện tượng vật lí cần nghiên cứu
+ Tiến hành thí nghiệm đúng các thao tác, các bước.
+ Khả năng xác định đại lượng cần đo, đại lượng cần giữ nguyên, không
thay đổi trong khi làm thí nghiệm.
+ Khả năng dự đoán trước kết quả thí nghiệm.
+ Kĩ năng điều chỉnh các dụng cụ và thiết bị đo trong quá trình tiến hành
thí nghiệm để hiện tượng, quá trình xảy ra rõ và sai số thấp.
+ Xác định góc độ quan sát rõ và toàn bộ quá trình hiện tượng vật lí xảy ra.
+ Kĩ năng phát hiện và xử lí những sự cố bất thường trong lúc tiến hành
thí nghiệm (đối với những thí nghiệm nguy hiểm, phức tạp).
c. Kĩ năng quan sát và thu thập dấu hiệu bản chất của quá trình Vật
lí nghiên cứu hay các số liệu thí nghiệm
+ Kĩ năng chọn mốc, chọn vật chỉ thị.
+ Kĩ năng lựa chọn phương pháp đo, phương pháp khảo sát.
+ Kĩ năng đọc và ghi số liệu. Chọn góc độ quan sát, đọc số liệu trên
dụng cụ đo đúng.
+ Kĩ năng quan sát và nhận xét được các biểu hiện trên dụng cụ khi đo.
1.3. Vai trò của thí nghiệm thực hành trong rèn luyện kĩ năng thí nghiệm
cho học sinh trong dạy học vật lí ở trường THPT.
1.3.1. Thí nghiệm thực hành Vật lí

23
Thí nghiệm thực hành Vật lí là loại thí nghiệm được tiến hành sau khi
học xong một chương, một phần của chương trình. Các bài thực hành được
chỉ định rõ ràng trong sách giáo khoa của phổ thông.
Thí nghiệm thực hành là loại thí nghiệm học sinh thực hiện trên lớp hoặc
trong phòng thực hành chức năng, trong đó học sinh phải phát huy tối đa tính
tự lực của bản thân. Với loại hình thí nghiệm này, học sinh sẽ dựa vào hướng
dẫn của giáo viên và sách giáo khoa mà tiến hành thí nghiệm, rồi viết báo cáo
thí nghiệm.
Thí nghiệm thực hành Vật lí có thể có nội dung định tính hay định
lượng, song chủ yếu là kiểm nghiệm lại các định luật, các quy tắc, đo các đại
lượng Vật lí, nghiên cứu cấu tạo, vận chuyển của các cơ chế máy móc kỹ
thuật.
Do được tiến hành sau khi học sinh đã có những kiến thức lý thuyết về
bài thí nghiệm nên thí nghiệm thực hành Vật lí thường có nội dung phong
phú, thời gian dành cho mỗi bài thí nghiệm thực hành là 2 tiết học 45 phút đối
với học sinh THPT và đòi hỏi thiết bị hoàn chỉnh về mọi phương diện (Trong
phân phối chương trình, bài thí nghiệm chia làm 2 tiết, tiết đầu là tiết cung
cấp cho học sinh kiến thức lý thuyết và hướng dẫn thực hành, tiết sau học sinh
thực hành và viết báo cáo). Với loại thí nghiệm này, học sinh phải tự lực thực
hiện các giai đoạn của quá trình thí nghiệm khi đã được hướng dẫn, thực hiện
nhiều thao tác, tiến hành nhiều phép đo, xử lý nhiều số liệu định lượng mới có
thể rút ra các kết luận cần thiết.
Tuỳ thuộc vào mục đích nghiên cứu mà thí nghiệm thực hành có thể
được tổ chức dưới một trong hai hình thức sau : Thí nghiệm thực hành đồng
loạt (tất cả các nhóm học sinh tiến hành những thí nghiệm như nhau với dụng
cụ giống nhau theo cùng một mục đích) hoặc Thí nghiệm thực hành cá thể với
nhiều phương án khác nhau : các nhóm tiến hành thí nghiệm về những
phương án khác nhau của một bài thí nghiệm với các dụng cụ khác nhau
nhằm đạt được những mục đích khác nhau, về cùng một bài học theo cùng

24
một mục đích nhưng với các dụng cụ (phương pháp đo) khác nhau hoặc cùng
về một bài với cùng một dụng cụ nhưng nhằm giải quyết các nhiệm vụ khác
nhau.
Thí nghiệm thực hành Vật lí được thực hiện nhằm những mục tiêu sau :

+ Giúp học sinh nắm vững nội dung kiến thức một cách tự giác, tích cực.
Do trực tiếp sử dụng các dụng cụ thí nghiệm, lắp ráp và vận hành, quan
sát hiện tuợng.
+ Rèn luyện cho học sinh kĩ năng, kĩ xảo trong việc sử dụng các dụng cụ,
thiết bị thí nghiệm và thói quen làm việc khoa học, trung thực, khách
quan.
+ Thí nghiệm giúp cho học sinh áp dụng tri thức đã thu nhận vào thực
tiễn, làm quen với các phương pháp nhận thức của khoa học Vật lí như
quan sát, đo lường, vạch kế hoạch nghiên cứu, đánh giá các kết quả đo
luờng...
+ Phát triển năng lực sáng tạo của học sinh, rèn luyện kỹ năng sử dụng thí
nghiệm trong việc tổ chức hoạt động nhận thức tích cực, tự lực và sáng
tạo của học sinh .
1.3.2. Nội dung, hình thức tổ chức thí nghiệm thực hành trong dạy học
Vật lí THPT
Những vấn đề sẽ trình bày sau đây về thí nghiệm thực hành Vật lí ở
THPT là ngầm hiểu theo hình thức tổ chức thí nghiệm thực hành theo phương
pháp hiện đang dùng ở các trường THPT được diễn ra trên lớp học hoặc trong
phòng thí nghiệm chức năng, trong đó diễn ra sự tương tác thường xuyên giữa
thầy - trò và các bạn. Nội dung, hình thức tổ chức thí nghiệm thực hành theo
phương pháp này tiến hành thực hiện theo các giai đoạn sau:
· Giai đoạn chuẩn bị thí nghiệm thực hành.
+ Đối với giáo viên:

25
- Cần tìm hiểu kỹ nội dung bài thí nghiệm thực hành để xác định rõ các
nhiệm vụ đã giao cho người học và cách thức kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện các nhiệm vụ đó.
- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị thí nghiệm, tự mình kiểm tra từng
dụng cụ và thử tiến hành thí nghiệm để phát hiện những hỏng hóc trong bài
thí nghiệm từ đó kịp thời bổ sung trước khi tổ chức cho người học thực hiện
thực hành thí nghiệm, đồng thời qua đó dự kiến những khó khăn mà học sinh
có thể gặp phải trong khi làm thí nghiệm, và cách thức hướng dẫn, giúp đỡ
học sinh vượt qua những khó khăn đó.
+ Đối với học sinh: Chuẩn bị cơ sở lý thuyết cho bài thí nghiệm thực
hành. Thông qua bản hướng dẫn thực hành thí nghiệm học sinh sẽ nghiên cứu
trước nội dung bài thí nghiệm thực hành để nắm được mục đích thí nghiệm,
ôn tập các kiến thức lý thuyết, trả lời các câu hỏi có liên quan đến bài thí
nghiệm thực hành, nắm được nội dung và tiến trình thực hiện các thí nghiệm,
điều gì chưa hiểu có thể ghi lại rồi trao đổi với giáo viên trước giờ thực hành
thí nghiệm.
Bản hướng dẫn thí nghiệm gồm những nội dung sau:
- Mục đích thí nghiệm (nêu lên các mục tiêu cụ thể cần phải đạt được khi
người học làm thí nghiệm).
- Cơ sở lý thuyết (nêu lên những điểm chính về nội dung các kiến thức
đã biết sẽ được vận dụng trong bài thí nghiệm). Trả lời hệ thống các câu hỏi
lý thuyết liên quan.
- Tiến hành thí nghiệm.
+ Giới thiệu dụng cụ thí nghiệm (liệt kê những dụng cụ cần sử dụng, giới
thiệu nguyên tắc hoạt động và cách sử dụng chúng).
+ Tiến trình thí nghiệm (hướng dẫn cách lắp giáp, trình tự các thao tác
thí nghiệm, các phép đo, các bảng số liệu cần thu thập).
+ Xử lý kết quả thí nghiệm
+ Rút ra các kết luận (đáp ứng các mục tiêu đặt ra).

26
- Viết báo cáo thí nghiệm.
Thông thường bài báo cáo thí nghiệm không yêu cầu nêu lại tiến trình thí
nghiệm, các thao tác thí nghiệm đã thực hiện mà chỉ trình bày các kết quả
quan sát, đo đạc, tính toán, kết luận rút ra và trả lời các câu hỏi nhằm đào sâu,
mở rộng nội dung bài thí nghiệm thực hành. Tính toán sai số, ghi kết quả và
kết luận.
· Giai đoạn học sinh làm thí nghiệm.
+ Tổ chức cho học sinh thành theo nhóm (từ 5 đến 7 người) đến bàn thí
nghiệm (nếu dụng cụ thí nghiệm đáp ứng được yêu cầu thì có thể tổ chức 1 bộ
thí nghiệm/1 học sinh; thường là không thể đủ cho tất cả các học sinh).
+ Trong quá trình làm thí nghiệm giáo viên luôn quan sát, giúp đỡ,
hướng dẫn học sinh các nhóm sử dụng các loại dụng cụ thí nghiệm và phương
pháp thí nghiệm. Đồng thời giáo viên kiểm tra tình hình và mức độ chuẩn bị
kiến thức lý thuyết, kỹ năng sử dụng thí nghiệm, phương pháp tiến hành thí
nghiệm của nhóm học sinh.
+ Kết thúc thực hành:
· Sau khi học sinh làm xong thí nghiệm, giáo viên yêu cầu học sinh của
các nhóm tháo rời các chi tiết lắp ráp, sắp xếp các dụng cụ gọn gàng như lúc
đầu.
· Viết báo cáo thí nghiệm.
Việc viết báo có thể được người học thực hiện ở trên lớp hoặc ở nhà sau
khi đã hoàn tất bài thí nghiệm thực hành.
· Kiểm tra đánh giá.
Được thực hiện thông qua các bài báo cáo thí nghiệm và thực tế tiến
hành thí nghiệm thực hành trên lớp của học sinh.
· Ưu điểm và nhược điểm:
Cách tổ chức thí nghiệm thực hành theo phương pháp đang dùng ở các
trường THPT có những ưu, khuyết điểm sau:

27
o Ưu điểm :
- Các giờ thực hành thí nghiệm truyền thống trong đó diễn ra sự
tương tác thầy - trò và các bạn được tổ chức như trên có sử dụng các
phương pháp dạy học tích cực cũng đã thể hiện rõ những ưu điểm của
nó.
- Giáo viên kịp thời hướng dẫn, uốn nắn các thao tác, kỹ thuật thí
nghiệm, giải đáp những thắc mắc của học sinh.
- Giáo viên có thể trực tiếp quan sát, đánh giá học sinh ngay trong
quá trình làm thí nghiệm về kiến thức, kỹ năng sử dụng các dụng cụ thí
nghiệm, phương pháp tiến hành.
- Học sinh được trực tiếp tham gia thực hiện các thí nghiệm thực
hành thật, rèn các kỹ năng nhận biết, sử dụng thành thạo các dụng cụ thí
nghiệm gắn với thực tế kỹ thuật và cuộc sống.
- Học sinh có thể trao đổi và tranh luận với nhau về kiến thức lý
thuyết, về cách thức tiến hành thí nghiệm, cách đo phân tích số liệu, tính
sai số, kết quả thí nghiệm, ...
- Qua đó giúp cho học sinh có những phẩm chất cần thiết trong quá
trình làm thí nghiệm thực hành: tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, trung thực...
o Nhược điểm
Tuy nhiên, hình thức tổ chức thí nghiệm thực hành truyền thống
còn tồn tại những nhược điểm như:
- Mất nhiều thời gian chỉnh sửa thí nghiệm, đo đạc, phân tích số
liệu...
- Việc lựa chọn dụng cụ, cách lắp giáp, bố trí thí nghiệm đã có
những hướng dẫn cụ thể do vậy học sinh thụ động trong quá trình làm thí
nghiệm. Điều này đã làm hạn chế những hoạt động độc lập, tự lực và
phát triển năng lực sáng tạo của học sinh .
- Giáo viên tốn nhiều công sức trong quá trình chuẩn bị thí nghiệm
và hướng dẫn học sinh tiến hành thí nghiệm.

28
- Dụng cụ thí nghiệm hạn chế sẽ làm ảnh hưởng đến việc tổ chức
hoạt động tiến hành thí nghiệm của học sinh. Đặc biệt là sự hạn chế về
nội dung do thiếu hệ thống thiết bị thí nghiệm chuẩn theo yêu cầu việc tổ
chức hoạt động nhận thức tích cực và tự lực của học sinh. Vì vậy, để đáp
ứng hình thức dạy học này phải đảm bảo các điều kiện về phòng học,
dụng cụ thí nghiệm đầy đủ, đảm bảo tất cả phải hoạt động tốt, thường
xuyên được kiểm tra.
- Hạn chế trong việc nghiên cứu khảo sát trong phòng thí nghiệm
những thí nghiệm cơ học diễn biến nhanh, yêu cầu có không gian rộng,
làm lại nhiều lần.
1.4. Sử dụng thí nghiệm ảo trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông
1.4.1. Thí nghiệm ảo.
Thí nghiệm ảo dựa vào một số phần mềm dạy học vì thế người giáo viên
có thể căn cứ vào các loại thí nghiệm và kiến thức về phần mềm của mình để
lựa chọn môi trường làm việc phục vụ mục đích của mình, môi trường ở đây
chính là các phần mềm dạy học (PMDH).
1.4.1.1. Khái niệm phần mềm dạy học
Phần mềm dạy học (PMDH) là phương tiện chứa chương trình để ra lệnh
cho máy tính thực hiện các yêu cầu về nội dung và phương pháp dạy học theo
các mục tiêu đã định.
Khác với các phương tiện dạy học khác, PMDH là một dạng vật chất đặc
biệt [4], là các câu lệnh chứa thông tin, dữ liệu để hướng dẫn máy vi tính thực
hiện các thao tác xử lý theo một thuật toán xác định từ trước. Các PMDH
được lưu trữ trong các thiết bị nhớ ngoài của máy vi tính như trong các đĩa
cứng, đĩa mềm, đĩa CD. PMDH rất gọn nhẹ, rất dễ nhân bản với số lượng lớn,
không cồng kềnh, dễ bảo quản, dễ vận chuyển, dễ sử dụng, sinh động và hấp
dẫn. Tuỳ thuộc vào từng môn học cụ thể mà xây dựng các PMDH tương ứng
để phục vụ cho dạy và học môn đó, do vậy có các PMDH bộ môn. Tuỳ thuộc
vào hình thức sử dụng và chức năng sư phạm mà phần mềm đảm nhận có thể

29
phân chia các PMDH thành các loại khác nhau. Trong dạy học Vật lí có thể
phân chia các PMDH thành các nhóm sau:
- Phần mềm mô phỏng, minh họa: thường gọi là phần mềm mô phỏng.
- Phần mềm xử lý các số liệu thực nghiệm dùng hỗ trợ cho các thí
nghiệm Vật lí: thường gọi là phần mềm hỗ trợ thí nghiệm Vật lí.
- Phần mềm ôn tập, tổng kết, hệ thống hoá kiến thức của từng phần, từng
chương trong sách giáo khoa.
- Phần mềm kiểm tra, đánh giá kiến thức của học sinh.
Các PMDH có thể được sử dụng ở mọi chức năng lý luận dạy học của
quá trình dạy học. Có thể sử dụng phần mềm trong các giai đoạn sau:
+ Nêu vấn đề nghiên cứu, gợi động cơ học tập tích cực cho học sinh,
củng cố trình độ kiến thức và kỹ năng xuất phát.
+ Trình bày nội dung mới.
+ Ôn tập các nội dung đã học.
+ Luyện tập, củng cố kỹ năng, rèn luyện kỹ xảo cho học sinh.
+ Kiểm tra kiến thức học sinh.
1.4.1.2. Những yêu cầu chung đối với phần mềm dạy học
Đối tượng sử dụng các PMDH chính là giáo viên và học sinh, do vậy để
PMDH phát huy được hiệu quả nó phải đảm bảo những yêu cầu nhất định sau
[9]:
· Yêu cầu về mặt sư phạm
- Các thông tin mà PMDH đề cập đến phải phù hợp với nội dung dạy học
mà phần mềm dạy học đó đảm nhận. Phần mềm phải có phần giới thiệu để chỉ
ra cho người dùng biết phạm vi sử dụng của nó. Cụ thể là: phần mềm dùng để
dạy chương nào, bài nào trong chương trình Vật lí; phần mềm được sử dụng
vào giai đoạn nào của quá trình dạy học, được sử dụng để nêu vấn đề nghiên
cứu, để cung cấp tri thức mới, để ôn tập tổng kết hay dùng để kiểm tra kiến
thức học sinh. Các thông tin chứa đựng trong chương trình phải phù hợp với
nội dung trong sách giáo khoa Vật lí.

30
- Nội dung dạy học chứa đựng trong chương trình phải bảo đảm tính
chính xác khoa học. Các văn bản, biểu đồ, đồ thị phải chính xác. Văn phong
trình bày phải rõ ràng, trong sáng, cô đọng, dễ hiểu.
- Các PMDH phải giúp tăng cường tính trực quan. Nội dung trình bày
trên màn hình máy vi tính phải rõ ràng, lượng thông tin trình bày phải vừa đủ,
không đưa ra quá nhiều văn bản dài dòng hay các hình vẽ, sơ đồ quá phức tạp
dễ gây nhiễu đối với người học. Cần sử dụng khéo léo các màu sắc, kích
thước hình vẽ, kích cỡ của văn bản để định hướng và điều khiển được sự quan
sát chú ý của học sinh.
- Các PMDH phải phù hợp với chức năng dạy học mà nó đảm nhận. Tốt
nhất là với mỗi phần mềm dạy học nên có phần hướng dẫn, gợi ý cách thức sử
dụng vào dạy học để giáo viên và học sinh dễ sử dụng. Có thể xây dựng các
PMDH phục vụ cho từng chức năng dạy học riêng rẽ.
- Các PMDH phải phù hợp với trình độ tin học của giáo viên và học sinh.
Thông thường các giáo viên Vật lí sử dụng máy vi tính để làm công cụ,
phương tiện trong khi giảng dạy, còn học sinh thì được học một số kiến thức
nhất định về tin học cho nên họ không phải là những người thật giỏi về tin
học. Để cho PMDH dễ sử dụng thì cần khai thác tối đa các khả năng giao tiếp
người - máy thông qua bàn phím (keyboard), chuột (mouse), phím nóng
(hotkey), biểu tượng (icon), bảng chọn (menu).
- Tăng cường được khả năng tự học của học sinh. Trong một chừng mực
nhất định thì các PMDH có thể đóng vai trò là người thầy giáo để hướng dẫn
học sinh học tập. Các PMDH có thể dùng để cho học sinh tự học tập ở nhà
hoặc học tập không có sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Một PMDH tốt
nếu như nó chứa đựng các nội dung, các yếu tố kích thích được khả năng tự
học của học sinh.
- Các PMDH phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, bảo đảm vệ
sinh học đường. Muốn vậy cần phải chú ý đến cường độ của ánh sáng trên

31
màn hình, đến màu sắc thể hiện cũng như âm thanh mà phần mềm mang lại
cho người sử dụng.
- Đặc biệt, PMDH phải được xây dựng sao cho hỗ trợ quá trình tổ chức
hoạt động nhận thức tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh theo lí luận dạy
học hiện đại.
· Các yêu cầu về kỹ thuật
- Trước hết là các yêu cầu về mặt lựa chọn công cụ. Một PMDH là sản
phẩm của sự phối hợp khả năng lập trình tốt của nhà tin học với những kiến
thức về mặt sư phạm của người giáo viên Vật lí. Nếu người giáo viên Vật lí
có khả năng lập trình trên máy vi tính để viết nên các PMDH thì tốt nhất. Bởi
vì khi đó người giáo viên sẽ chủ động thiết kế chương trình theo đúng ý đồ tổ
chức thi công bài giảng và do vậy khi vận dụng vào giảng dạy sẽ phát huy
được hiệu quả của phần mềm này ở mức độ cao.
- Có những hệ mềm dạy học không cần dùng ngôn ngữ lập trình chuyên
biệt, ví dụ như hệ tác giả (AuthorSystem), giáo viên có thể sử dụng các phần
mềm này để viết các bài giảng trên máy vi tính mặc dù khả năng lập trình
máy tính của các giáo viên này là không cao. Nhờ hệ tác giả mà giáo viên
phát huy được năng lực sư phạm của mình để thể hiện trong bài giảng của
mình thông qua PMDH do chính họ xây dựng lên.
- Các PMDH phải có độ linh hoạt cao. Yêu cầu này thể hiện ở chỗ
PMDH cho phép người sử dụng có thể thay đổi những thông số của chương
trình một cách dễ dàng để giải quyết một nội dung học tập hay một bài tập
mới. Một PMDH sẽ trở thành mềm dẻo nếu như nó cho phép lựa chọn những
chế độ làm việc khác nhau trên các thế hệ máy khác nhau hay trên các hệ điều
hành khác nhau.
- Yêu cầu về tổ chức quản lý, tìm kiếm và truy cập thông tin. Khi sử
dụng PMDH trong giảng dạy và học tập thì thông thường người dùng phải tìm
kiếm thông tin, truy cập đến kho dữ liệu để lấy các thông tin cần thiết phục vụ

32
mục đích sử dụng của mình. Để giải quyết tốt nhu cầu này thì đòi hỏi việc tổ
chức quản lý thông tin trong các phần mềm phải thật khoa học.
- Yêu cầu về sự ổn định của các phần mềm. Khi sử dụng thì người dùng
có thể bấm các phím ngoại lai ngoài ý muốn của người lập trình. Do vậy,
người lập trình phải dự kiến được những khả năng này để đưa vào chương
trình sao cho tránh được hiện tượng "treo máy" khi chạy chương trình, hoặc
không tương thích, bảo đảm chương trình chạy ổn định.
- Yêu cầu cuối cùng đối với các phần mềm dạy học là tính dễ sử dụng.
Trong phần mềm cần đưa vào các phím nóng (hotkey), các phím tổ hợp, cho
phép sử dụng thiết bị chuột để người dùng có thể dễ dàng thực hiện các lệnh
và truy cập thông tin.
1.4.2. Vai trò thí nghiệm ảo trong dạy học vật lí.
Trong Vật lí, có những quá trình xảy ra quá nhanh hoặc xảy ra trong
không gian rộng khó quan sát, khó đo đạc bằng các phương tiện, các thiết bị
đo thông thường trong phòng thí nghiệm (ví dụ như chuyển động rơi tự do,
chuyển động ném xiên hay chuyển động của tên lửa phóng khỏi bệ...) thì việc
nghiên cứu chúng ở trường phổ thông (cả ở trường Đại học) là hết sức khó
khăn. [4].
Để giải quyết các khó khăn đó người ta có thể sử dụng một số cách sau:
+ Sử dụng máy vi tính để mô phỏng chúng bằng các phần mềm và tính
toán theo công thức, thu được kết quả nhanh.
+ Phương pháp đánh tia lửa điện trên các băng giấy chuyên dụng.
+ Dùng các cửa chắn quang điện.
+ Hay phương pháp chụp ảnh hoạt nghiệm.......
Và lẽ dĩ nhiên ở các trường THPT vì nhiều lý do mà giáo viên ngại làm
thí nghiệm tại phòng, sợ rủi ro khi làm, việc chuẩn bị bài giảng mất nhiều thời
gian, di chuyển thiết bị thí nghiệm phức tạp nên người ta thường chọn cách
nhờ các lập trình viên sử dụng phần mềm mô phỏng thí nghiệm và kết quả
của thí nghiệm do máy tính tính toán hoàn toàn. Các phương pháp khác như

33
đánh tia lử điện vào băng giấy để ghi và đo trên băng giấy, chụp ảnh hoạt
nghiệm cũng ít đựơc dùng vì khó thực hiện và kết quả không chính xác lắm
trong những khoảng thời gian cố định bằng nhau (phương pháp đánh tia lửa
điện và phương pháp chụp ảnh hoạt nghiệm).
Tuy nhiên ta nhận thấy nếu để máy tính làm hoàn toàn thí nghiệm thì
học sinh sẽ cảm thấy mất đi một phần ý nghĩa của giờ học Vật lí và niềm tin
với môn Vật lí không còn, vì học sinh nghĩ đơn giản đó là các hiện tượng máy
tính mô phỏng và tính toán thì đương nhiên là cho kết quả đúng rồi. Hiện
tượng Vật lí không mang ý nghĩa thực tế nữa. Còn nếu như phương pháp đánh
tia lửa điện thì một bộ phận học sinh thấy lo sợ khi làm thí nghiệm vì cảm
thấy nguy hiểm, hơn nữa tia lửa điện trong không khí cũng có đường đi bất
thường nên kết quả sợ không chính xác. Còn chụp ảnh hoạt nghiệm thì thiết bị
quá đắt nên ít được trang bị. Như vậy các thiết bị sử dụng theo phương pháp
trên có nhiều nhược điểm trong quá trình dạy học tại các trường phổ thông
hiện nay, phương pháp tiến hành dưới dạng thí nghiệm minh hoạ là phổ biến.
Để khắc phục các hạn chế kể trên, phương pháp phân tích các băng hình
nhờ máy vi tính và các phần mềm tương ứng được sử dụng. Lợi thế của
phương pháp này là hiện tượng được biểu diễn bằng thí nghiệm thật và hình
ảnh được ghi lại nhờ vào camera cùng với các thì kế hiện số, các cửa chắn
quang điện.
Trong chục năm gần đây, nhiều phần mềm phân tích băng hình của nước
ngoài và trong nước đã được xây dựng, ví dụ như: Videipoint, CUPLE (Mỹ),
DIVA (Đức), Galileo (Đức), phân tích Video (Việt Nam)... và những sản phẩm
đó đã được sử dụng rất nhiều trong các trường học đặc biệt ở các nước phát
triển như Mỹ, Đức ...
Khi dùng phương pháp phân tích các băng hình nhờ máy vi tính, đã giúp
ích rất nhiều cho việc phân tích các hiện tượng Vật lí xảy ra rất nhanh nếu
dùng mắt thường ta không thể quan sát được, giúp cho việc xử lý số liệu, vẽ
đồ thị, tính toán đưa ra quy luật một cách nhanh chóng hơn.

34
Và hơn cả là việc chúng ta dùng việc xử lý các băng hình quay thí
nghiệm để củng cố kiến thức, để rèn luyện kĩ năng thí nghiệm cho học sinh
trong thực hành, để học sinh được thực hành nhiều lần mà không cần phải
ngồi tại phòng thực hành. Đó chính là phương pháp phân tích băng hình rồi
dùng phần mềm Flash MX lập trình thành phần mềm thí nghiệm ảo hỗ trợ cho
thực hành Vật lí.
Khi sử dụng phương pháp này, giáo viên sẽ đạt được kết quả sau:
- Cho phép nghiên cứu bằng thực nghiệm (thí nghiệm tiến hành dưới
dạng khảo sát) các quá trình Vật lí thực tạo ra trong phòng thí nghiệm hay xảy
ra trong cuộc sống hàng ngày.
- Các quá trình Vật lí thực có thể dễ dàng quan sát tại bất kì thời điểm
nào, góc độ nào và quán sát nhiều lần trên màn hình với các mục đích khác
nhau.
- Việc thu thập số liệu nhờ phần mềm hoàn toàn dễ dàng, nhanh chóng
và tương đối chính xác.
- Việc phân tích, xử lý các số liệu thu thập được (tính toán, lập bảng,
biểu diễn các mối quan hệ trên đồ thị, ...) cũng như việc trình bày kết quả xử
lý là hoàn toàn dễ dàng, chính xác, nhanh chóng và đẹp.
- Phạm vi các quá trình Vật lí được nghiên cứu rộng hơn, không những
các thí nghiệm ta có thể làm được ở thực tế cuộc sống bên ngoài mà các thí
nghiệm chỉ làm trong một điều kiện là phòng thí nghiệm (chuyển động của
tên lửa bay tử bệ phóng, chuyển động của các vận động viên nhảy xa, nhảy
cao, nhảy cầu bơi, tia X, dòng điện trong môi trường: tia lửa điện, ...). Ưu
điểm này tạo điều kiện xoá bỏ sự ngăn cách giữa nhà trường và thế giới bên
ngoài, cho phép đưa các hiện tượng có trong thực tiễn, trong đời sống sinh
hoạt hàng ngày vào bài giảng, gây hứng thú học tập cho học sinh.
- Cùng một khối lượng nội dung nghiên cứu thì thời gian cần thiết trong
phương pháp này mất rất ít so với các phương pháp khác, do tất cả các thao
tác tính toán, lập bảng, vẽ đồ thị một cách máy móc, thuần tuý đã được máy

35
tính tự động thực hiện. Học sinh được giải phóng khỏi các công việc máy móc
(cộng, trừ, nhân, chia, điền các con số vào bảng hay đánh dấu các trục toạ độ
để vẽ đồ thị, ...). Do đó họ dành được nhiều thời gian cho các hoạt động quan
trọng hơn như thiết kế phương án thí nghiệm, tìm hiểu mối quan hệ giữa các
đại lượng, ...
1.4.3. Những yêu cầu chung đối với thí nghiệm Vật lí ảo.
Thí nghiệm ảo là một loại phần mềm dạy học về một hiện tượng, quá
trình Vật lí, Hoá học, Sinh học, … nào đó xảy ra trong tự nhiên hoặc trong
phòng thí nghiệm, được tạo ra bởi sự tích hợp các dữ liệu dưới dạng số trên
máy tính; người dùng có khả năng tương tác với thí nghiệm ảo (nhằm hỗ trợ
dạy học theo các quan điểm khác nhau) và có giao diện thân thiện với người
dùng [5].
- Thí nghiệm ảo là một sản phẩm đa phương tiện (multimedia).
- Thí nghiệm ảo là một loại phương tiện dạy học.
· Ưu điểm của thí nghiệm ảo so với các loại phương tiện dạy học khác.
- Có khả năng “nén”, “giãn” thời gian.
- Ít phụ thuộc vào không gian.
- Với kỹ thuật cao thí nghiệm giống như thật, do đó đạt hiệu quả sư phạm cao.
- Chuẩn bị nhanh.
- Bảo trì đơn giản.
- Có khả năng tương tác với người dùng.
- Có thể khắc phục được những nhược điểm của thí nghiệm truyền thống.
· Các yêu cầu sư phạm đối với thí nghiệm ảo
Thí nghiệm ảo cũng là một loại phần mềm dạy học nên chúng có những
yêu cầu sư phạm sau:
- Phù hợp với nội dung, chương trình môn học (cả dung lượng và chiều sâu kiến thức).
- Bảo đảm tính trực quan.
+ Hình ảnh các đối tượng phải đủ lớn để người học dễ quan sát.
+ Màu sắc đảm bảo tương phản hợp lý.

36
- Đảm bảo giao diện thân thiện với người dùng.
- Đảm bảo tính thẩm mỹ, hấp dẫn.
- Có tính mở.
- Thể hiện rõ ý đồ sư phạm về phương pháp dạy học.
+ Chú ý phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh.
+ Sự hiển thị, diễn biến hoàn toàn chủ động.
+ Có tính đến sự phối hợp với các phương tiện dạy học khác.
· Xây dựng thí nghiệm ảo trong trường hợp nào?
- Không có khả năng thực hiện thí nghiệm thật trong điều kiện của nhà
trường THPT.
- Thí nghiệm thật tốn quá nhiều thời gian, thầy và trò không có đủ thời
gian chuẩn bị, thiết bị hoạt động không chuẩn hay bị hỏng, sai lệch.
- Thực hiện thí nghiệm thật sẽ gây nguy hiểm (thí nghiệm về sự ăn mòn
của điện hoá kim loại, thí nghiệm phải sử dụng hoá chất độc, ...).
- Mô tả các hiện tượng, quá trình rất hiếm, ở rất xa hoặc trong điều kiện
thường không thể quan sát được ( bản chất sự điều tiết của mắt, thí nghiệm
trong chân không, ...).
- Mô tả các hiện tượng, quá trình xảy ra quá nhanh hoặc quá chậm, khả
năng thành công không cao.
- Khi mà thí nghiệm thật không hỗ trợ tốt cho việc tổ chức quá trình
nhận thức Vật lí của học sinh một cách tích cực, tự lực và sáng tạo.
- Khi mà thí nghiệm thật không thể làm được do nhiều nguyên nhân.
1.5. Thực trạng của việc rèn luyện kĩ năng thực hành Vật lí cho học sinh trong
dạy học vật lí ở trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi, Hưng Yên
1.5.1. Mục đích tìm hiểu
Để chuẩn bị cho việc đề xuất các biện pháp ứng dụng công nghệ thông
tin hỗ trợ rèn luyện kĩ năng thí nghiệm Vật lí cho học sinh trong dạy học Vật
lí ở trường THPT, tôi đã tiến hành tìm hiểu tình hình dạy và học Vật lí của
một số giáo viên và học sinh trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi,

37
Hưng Yên. Từ đó rút ra các ưu nhược điểm của việc dạy học thực hành Vật lí,
đồng thời rút ra kinh nghiệm và xây dựng tiến trình dạy học cho phù hợp với
phương án đã đề xuất.
1.5.2. Nội dung tìm hiểu.
- Thực trạng trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt quan tâm tới trang thiết
bị phòng thí nghiệm phục vụ bộ môn Vật lí của nhà trường.

- Về tiến trình dạy học: Tìm hiểu các phương pháp dạy học chủ yếu mà
giáo viên sử dụng, việc sử dụng các phương tiện vào dạy học Vật lí.

- Về tình hình học tập của học sinh: Tìm hiểu tình hình học tập của học
sinh ở trên lớp và ở nhà, những khó khăn của học sinh trong quá trình
học tập môn Vật lí và chương Dòng điện không đổi nói riêng.

1.5.3. Phương pháp tìm hiểu:


- Gặp gỡ và xin ý kiến của lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ Vật lí về cơ
sở vật chất, phòng thí nghiệm Vật lí, phòng học chất lượng cao (phòng
đa năng) của nhà trường.

- Dự giờ, gặp và trao đổi với giáo viên dạy Vật lí cùng tổ để tìm hiểu về
những khó khăn họ gặp phải khi dạy tiết thực hành Vật lí.

- Quan sát học sinh trên lớp và gặp gỡ trao đổi với một số học sinh để biết
ý kiến của các em về tiết thực hành: Các em có đủ thời gian hoàn thành
bài thực hành không? Có đủ thời gian để thực hiện lại nhiều lần thí
nghiệm trong tiết đó không? Các em gặp khó khăn gì trong khi thực
hành? Về nhà các em có điều kiện thực hiện thí nghiệm đó không?

1.5.4. Kết quả tìm hiểu:


Qua tìm hiểu tôi thấy:
Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi, Hưng Yên là một trường
nằm ở nông thôn xa trung tâm thành phố, nhưng cũng có truyền thống dạy và
học tốt nhiều năm liên tục, có bề dày thành tích trong các kì thi tốt nghiệp, kì

38
thi học sinh giỏi Vật lí vừa qua đạt thứ 4 toàn tỉnh Hưng Yên, thi đại học cũng
có nhiều em đỗ các trường đại học danh giá trong toàn quốc như: ĐH Quốc
gia Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Thương Mại, Kinh tế Quốc dân, … Trường
được trang bị một cơ sở vật chất khá hoàn thiện cho việc giảng dạy cũng như
học tập: Có phòng đa chức năng, phòng thí nghiệm cho các môn, phòng máy
tính với nhiều máy tính mới, mạng wifi toàn trường, …
Thông qua các phiếu hỏi khảo sát ý kiến của 343 học sinh của khối 11.
Tổng hợp kết quả điều tra theo bảng 1.2
Bảng 1.2. Thống kê phiếu khảo sát học sinh THPT Nguyễn Trung Ngạn.

Mật độ
Thường Thỉnh Hiếm Không
xuyên thoảng khi bao giờ
Kĩ năng

Quan sát và phát hiện vấn đề 91,8% 8,2% 0% 0%

Đề xuất giả thiết. 80,7% 17,8% 1,5% 0%

Lập luận logic để suy ra hệ quả 70% 13,1% 15,2% 1,7%

Xây dựng và thực hiện phương án thí


65% 26,6% 6,4% 2%
nghiệm.

Phân tích, xử lý và rút ra các quy


73,2% 18,3% 7% 1,5%
luật, định luật.

Quan sát các thí nghiệm trên phần


53,9% 16,1% 18% 12%
mềm mô phỏng hoặc thí nghiệm ảo

Tiến hành thí nghiệm trên các phần


mềm mô phỏng hoặc các thí nghiệm 0% 53,8% 24,2% 22%
ảo
Qua quan sát các giờ dạy và kết quả điều tra cho thấy, việc quan sát và
tiến hành thí nghiệm trên những phần mềm thí nghiệm ảo chưa được học sinh
chú trọng, ngoài ra những kĩ năng tư duy như phát hiện vấn đề, đề xuất giả

39
thuyết thường được quan tâm nhiều hơn. Trong khi những kĩ năng cũng rất
cần thiết như là xây dựng và thực hiện phương án thí nghiệm; phân tích, xử lý
và rút ra các quy luật, định luật chiếm tỉ lệ thấp hơn so với các kĩ năng khác.
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chúng tôi tìm hiểu cơ
sở vật chất phục vụ môn học Vật lí, cụ thể là phòng thí nghiệm và trao đổi với
giáo viên bộ môn. Kết quả như sau:
Tài liệu học tập của học sinh chủ yếu là SGK phổ thông, tài liệu hướng
dẫn thực hành do giáo viên biên soạn, một số phần mềm có sẵn được lập trình
chia sẻ trên mạng, và bài giảng điện tử đã được giáo viên sử dụng.
Các phòng học được xây dựng một cách khoa học, thoáng, mát và rộng,
tạo điều kiện tối đa cho người học.
Có các phòng học chuyên dụng như phòng học đa năng, phòng thí
nghiệm Vật lí, hóa học, sinh học.v.v. với các trang thiết bị khá đầy đủ, phong
phú. Nhưng cán bộ chuyên trách phòng thí nghiệm lại không có chuyên môn,
thiết bị bảo trì không đúng cách dẫn tới dụng cụ thí nghiệm nhiều nhưng khi
thực hành thì nhiều bộ đã cũ và hỏng, gây ra một số hạn chế khi tiến hành thí
nghiệm.
Đội ngũ giáo viên giảng dạy có nhiều kinh nghiệm, đều xuất phát từ các
trường sư phạm chính quy, được đào tạo bài bản. Nhưng do kiến thức tin học
còn hạn chế chỉ dừng lại ở mức soạn thảo văn bản, nên chưa thể tự mình tạo
ra các phần mềm ảo hỗ trợ cho tiết thực hành, và cũng không thể tìm được
phần mềm ảo trên mạng phù hợp với bài giảng. Vì những lý do đó mà các tiết
dạy thực hành chưa có sự hỗ trợ của phần mềm ảo, nếu có thì cũng chỉ mang
tính chất áp đặt từ người lập trình, máy tính đã tính sẵn, không giúp cho quá
trình tư duy độc lập của học sinh, không giúp rèn luyện kĩ năng thực hành cho
học sinh.
Giáo viên và học sinh đã chuẩn bị thí nghiệm rất cẩn thận nhưng khi tiến
hành thí nghiệm học sinh làm không kịp dẫn đến lúng túng, không đủ thời
gian để rèn luyện kĩ năng thực hành và học sinh sẽ bắt chước theo thao tác

40
của giáo viên.
Phương pháp dạy và học đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực
khiến tiết học trở nên hứng thú, nhưng vẫn còn một số học sinh học theo lối
thụ động và chưa tích cực. Một trong những nguyên nhân chính là do đề thi
tốt nghiệp và đề thi đại học hiện nay, chủ yếu kiểm tra lý thuyết và bài tập nên
học sinh chỉ quan tâm đến lý thuyết và bài tập, ít chú trọng đến thực hành.
Nhìn chung đối với chương trình dạy và học Vật lí ở trường THPT
Nguyễn Trung Ngạn, giờ thực hành vật lý đã được chú trọng trong những
năm gần đây, nhưng việc dạy và học còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng hết
được vai trò của tiết thực hành Vật lí theo sách giáo khoa Vật lí của Bộ giáo
dục ban hành, học sinh học còn thụ động, chưa tích cực, chưa sáng tạo và
chưa tự lực, chưa có kĩ năng thực hành. Nguyên nhân chính không phải là do
tiết thực hành Vật lí quá khó đối với học sinh và giáo viên, mà chỉ do chúng ta
chưa biết cách tiếp cận, chưa có phương pháp đúng.

41
Kết luận chương 1

- Thí nghiệm đóng vai trò quan trọng trong dạy học Vật lí, các nhà giáo
dục đã khẳng định lợi ích to lớn của các hoạt động trong phòng thí nghiệm đối
với học tập Vật lí.
- Việc tổ chức hoạt động thực hành thí nghiệm Vật lí theo kiểu “tái tạo”
hạn chế tính sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Ngày nay, kiểu thực
hành thí nghiệm “tìm tòi” đã và đang được nghiên cứu triển khai phổ biến, mô
hình phòng thí nghiệm này có thể làm tăng hiệu quả quá trình dạy học Vật lí
theo hướng tăng cường tính tích cực, tự lực, sáng tạo.
- Việc rèn luyện kĩ năng thực hành trong thực hành Vật lí cho học sinh là
cần thiết.
- Dựa trên lí luận dạy học nói chung, lí luận dạy học Vật lí ở trường phổ
thông và các chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên THPT, tôi đã hệ thống hóa kĩ
năng thí nghiệm cần hình thành ở học sinh trong dạy học vật lí ở trường
Trung học phổ thông.
- Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, máy vi tính và các
phần mềm đã và đang được sử dụng trong dạy học Vật lí nói chung và rèn
luyện kĩ năng sử dụng thí nghiệm đem lại nhiều lợi ích.
- Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ thực hành
thí nghiệm và rèn luyện kĩ năng sử dụng TN trong DH vật lí cho học sinh có
vai trò: Cung cấp thông tin; Hướng dẫn quy trình thực hiện thí nghiệm; Hỗ
trợ kiểm tra - đánh giá; Xây dựng môi trường học tập mở, linh hoạt.

42
CHƯƠNG 2
XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG THÍ NGHIỆM VẬT LÍ ẢO HỖ TRỢ THỰC
HÀNH VẬT LÍ CHƯƠNG DÒNG ĐIỆN KHÔNG ĐỔI
VẬT LÍ 11 CƠ BẢN THPT
2.1. Phân tích vị trí, mục tiêu, nội dung dạy học bài thí nghiệm thực hành
trong chương Dòng điện không đổi.
2.1.1. Vị trí của bài thí nghiệm thực hành trong chương Dòng điện không đổi
Chương Dòng điện không đổi là chương thứ hai được trình bày sau
chương Điện trường của sách giáo khoa Vật lí 11 cơ bản THPT. Chương này
là một trong những chương quan trọng của Vật lí phổ thông nói chung và Vật
lí 11cơ bản THPT nói riêng.
Chương Dòng điện không đổi được thiết kế đầy đủ với các nội dung cơ
bản theo tinh thần giảm tải của Bộ giáo dục và Đào tạo bao gồm các bài như
sau:
Bài 1. Dòng điện không đổi. Nguồn điện. (2 tiết)
Bài 2. Điện năng. Công suất điện. (1 tiết)
Bài 3. Định luật Ôm cho toàn mạch. (2 tiết)
Bài 4. Ghép nguồn điện thành bộ. (1 tiết)
Bài 5. Phương pháp giải một số bài toán về mạch điện (1 tiết)
Bài 6. Thực hành: Xác định suất điện động và điện trở trong của một pin
điện hoá. (2 tiết). Và cộng với 4 tiết bài tập.
Tổng cộng trong chương trình Vật lí 11, chương Dòng điện không đổi có
13 tiết. Hai tiết thực hành thực hiện cuối chương có ý nghĩa hết sức quan
trọng: vừa kiểm tra kiến thức các em học được trong chương (điểm được tính
hệ số 2) vừa rèn luyện kĩ năng cho các em vận dụng kiến thức vừa học vào
thực tế. Dòng điện không hề xa lạ với học sinh, dòng điện ứng dụng rất nhiều
trong đời sống hàng ngày, vì vậy mà những kiến thức các em thu được sau bài
thực hành sẽ có ích rất nhiều cho các em trong cuộc sống. Chính vì vậy bài

43
thực hành cuối chương Dòng điện không đổi có vai trò quan trọng không thể
thiếu.
2.1.2. Mục tiêu bài thí nghiệm thực hành
Xác định suất điện động và điện trở trong của một pin điện hoá
ục ti
MỤC TIÊU CHI TIẾT
ội dung Bậc 1 Bậc 2 Bậc 3
Xác định - Hiểu được cách sử - Sử dụng thuần - Hiểu rõ hơn về
suất điện dụng đồng hồ đa năng thục đồng hồ đa vai trò, tính chất
động và điện để đo dòng điện và đo năng để đo các đại của điện trở trong
trở trong của điện áp. lượng có thể. và tương quan
một pin điện - Nhận biết được các - Củng cố kỹ năng giữa điện trở
hoá dụng cụ và vai trò của xử lý số liệu, vẽ đồ trong với mạch
nó trong mạch điện thị, xử lý các tình ngoài trong thực
- Đọc được sơ đồ huống xảy ra trong tế.
nguyên lý của mạch khi làm thí ngiệm: - Luyện kỹ năng
điện. sai số quá lớn giữa phân tích lựa
- Làm được thí các giá trị, ampe chọn phương án
nghiệm để đo suất kế và vôn kế hoạt thí nghiệm.
điện động và điện trở động bị sai lệch,
trong của một pin điện ampe kế chỉ số 1
hoá. hay 0.00, … và
giải thích được
nguyên nhân tại
sao.
- Củng cố kỹ năng
hoạt động nhóm
trong thực hành thí
nghiệm.

44
2.1.3. Nội dung bài thí nghiệm thực hành
Xác định suất điện động và điện trở trong của một pin điện hoá
2.1.3.1. Mục đích thí nghiệm
- Áp dụng định luật Ôm với toàn mạch để xác định suất điện động và
điện trở trong của một pin điện hóa.
- Sử dụng đồng hồ đo hiện số đa năng để xác định các thông số của mạch
điện.
- Hiểu hơn về tính chất hoạt động của một pin điện hóa.
- Rèn luyện kĩ năng thực hành và báo cáo khi làm thí nghiệm.
2.1.3.2. Cơ sở lí thuyết
Một loại pin rất thông dụng là pin Lơclăngsê (Leclanché), có cực âm là
kẽm, cực dương là một thanh than bao bọc xung quanh bằng một hỗn hợp đã
nén chặt gồm mangan điôxit MnO2 và graphit để tăng độ dẫn điện, dung dịch
điện phân là dung dịch amôn clorua (NH4Cl). Suất điện động của pin khoảng
1,5V. Mangan điôxit là một chất ôxi hoá mạnh có tác dụng khử (hấp thụ) khí
hiđrô hiện ra ở cực khi pin hoạt động (khí này làm giảm nhanh hiệu điện thế
giữa hai cực). Để tiện dùng người ta chế tạo pin Lơclăngsê dưới dạng pin khô.
Khi đó dung dịch NH4Cl được trộn trong một thứ hồ đặc rồi đóng vào trong
một vỏ pin bằng kẽm, vỏ pin này là cực âm.
- Pin điện hóa có điện trở trong, kí hiệu là r. Giá trị của r khi pin mới
khá nhỏ, khoảng 1 đến 2 ôm, nhưng tăng dần khi pin cũ (lên hàng chục ôm)
do vậy nó làm giảm dòng điện cung cấp cho tải.
- Khi sử dụng, nếu dòng điện thay đổi thì quá trình điện hóa xảy ra ở
trong pin sẽ làm cho giá trị điện trở trong thay đổi, vì vậy để có thể coi r là
hằng số, thì cần thay đổi dòng điện trong phạm vi không chênh lệch quá.
Hiệu điện thế trung bình: Đây là thông số quan trọng thường được ghi
trên pin. Một viên pin ghi hiệu điện thế là 3.7V, có nghĩa là từ lúc đầy pin đến
lúc hết pin, hiệu điện thế trung bình của pin là 3.7V. Khi pin đầy thì hiệu điện
thế có thể lên đến 4.2V, khi pin yếu thì chỉ còn dưới 3V. Tương tự với pin

45
niken như pin AA, pin C, D v.v... Trên pin ghi là 1.5V, có nghĩa là trung bình
của pin từ lúc đầy pin đến lúc hết pin là 1.5V, thực tế khi pin đầy hiệu điện thế
là khoảng 1.6 - 1.7V, và khi pin cạn còn khoảng 1.2 - 1.3V.
Để xác định suất điện động và điện trở trong của pin, cần áp dụng định
luật Ôm cho toàn mạch.
Sơ đồ thực hành: R0
E, r
Khi mạch điện hở thì hiệu điện thế
V
giữa hai cực của nguồn điện bằng suất
K R A
điện động của nguồn. Tuy nhiên khi dùng
vôn kế đo 2 cực của nguồn điện thì thực
tế đã có dòng điện trong mạch đo của đồng hồ, tức là đã tạo nên mạch kín.
Nhưng dòng điện trong trường hợp này là rất nhỏ, nếu điện trở nội của vôn kế
E -U
rất lớn. Theo mức độ chính xác có thể xem U » E. Lúc đó r = , khó xác
I

định vì E – U » 0 và I » 0.
Để phép đo chính xác hơn và xác định được giá trị của sai số, ta có thể
vận dụng định luật ôm cho toàn mạch để xác định E và r. Có thể có các
phương án thực hiện sau:
a) Phương án 1:
Thực hiện đo các giá trị U và I tương ứng khi thay đổi R, ta vẽ đồ thị mô
tả mối quan hệ đó, tức U = f(I).
Áp dụng phương pháp xử lí kết quả đo được bằng đồ thị, ta vẽ được
đường biểu diễn. (Ở đây dự đoán là một đường thẳng có dạng y=ax+b).
Đường thẳng này sẽ cắt trục tung tại U0 và U
cắt trục hoành tại Im. Xác định giá trị của U0 U0
và Im trên các trục. Đồ thị vẽ được có dạng
như hình vẽ:
Im I
Theo phương trình đồ thị, dựa vào công
thức của định luật Ôm cho toàn mạch ta có:

46
U = E – I(R0 + r)
Khi I = 0 à U0 = E
E
Khi U0 = 0 à I m =
R0 + r

E - I m R0
Từ đó ta tính ra được E và r =
Im

b) Phương án 2:
E
Có thể sử dụng công thức định luật Ôm: I =
R + R0 + R A + r

1 1
Và viết dưới dạng: = ( R + R0 + R A + r )
I E

1
Hay y = (x + b ) với y = 1/I;
E
b = R0 + RA + r; x=R
Như vậy, căn cứ vào các giá trị của
Rx và I đo được ta suy ra giá trị của x và y y
để vẽ đồ thị. Áp dụng phương pháp xử lí
kết quả đo được bằng đồ thị, ta vẽ được
y0
đường biểu diễn. Ở đây dự đoán là một
xm x
đường thẳng có dạng y=ax+b (hình vẽ )
Sau đó kéo dài đường thẳng của đồ thị cắt trục tung tại y0 và trục hoành
tại xm. Xác định toạ độ y0 và xm, đưa vào điều kiện của phương trình y = f(x),
ta có:
y = 0 à x = xm = b
x = 0 à y = y0 = b/E
Như vậy ta có thể xác định E và r.
Bổ sung phương án 3:
Trong công thức định luật Ôm cho toàn mạch: U = E – Ir, U = IRN là
hiệu điện thế mạch ngoài, theo sơ đồ thì RN = R0 + Rx đã cho thấy mạch điện
đo là mạch kín và có hai đại lượng cần xác định với một phương trình. Để có

47
thể xác định được E và r, ta cần thực hiện các cặp giá trị U1, I1 và U2, I2 lúc
này ta có 2 phương trình:
ìU1 = E - rI1
í ® E = U1 + rI1
îU 2 = E - rI 2
® U2 = U1 + rI1 - rI2 = U1 + r (I1 - I2)
U 2 - U1
Þ r= và E = U1 + rI1
I1 - I 2

Mạch điện:
E, r

V
R0
Rx K A

2.1.3.3. Dụng cụ
1. Hộp dụng cụ có bảng lắp ráp và khay linh kiện, cần lựa chọn các linh kiện
sau:
- 2 pin 1.5V và đế (1 pin mới và 1 pin cũ).
- Điện trở 10 W và đế tương ứng với R0 trên sơ đồ.
- Biến trở có các mức biến đổi từ 10W đến 100W, tương ứng với Rx trên
sơ đồ.
- Bộ dây cắm phích đàn hồi F4mm.
2. Hai đồng hồ vạn năng, một dùng ở thang Vôn, một dùng ở thang Ampe.

2.1.3.4. Giới thiệu đồng hồ đo điện đa năng

1. Đồng hồ đo điện đa năng hiện số


Đồng hồ đo điện đa năng hiện số DT-
830B có nhiều thang đo ứng với các chức năng
khác nhau như : đo điện áp, đo cường độ dòng
điện 1 chiều, xoay chiều, đo điện trở, … .

48
2. Những điểm cần chú ý khi thực hiện
+ Vặn núm xoay của nó đến vị trí tương ứng với chức năng và thang đo cần
chọn. Sau đó nối các cực của đồng hồ vào mạch rồi gạt nút bật – tắt sang vị trí “ON”.
+ Nếu chưa biết rỏ giá trị giới hạn của đại lượng cần đo, ta phải chọn thang đo
có giá trị lớn nhất phù hợp với chức năng đã chọn.
+ Không do cường độ dòng điện và hiệu điện thế vượt quá thang đo đã chọn.
+ Không chuyển đổi chức năng thang đo khi đang có dòng điện chạy qua nó.
+ Không dùng nhầm thang đo cường độ dòng điện để đo hiệu điện thế.
+ Khi sử dụng xong các phép đo phải gạt nút bật – tắt về vị trí “OFF”
+ Phải thay pin 9V bên trong nó khi pin yếu (góc phải hiễn thị kí hiệu )
+ Phải tháo pin ra khỏi đồng hồ khi không sử dụng trong thời gian dài.
2.1.3.5. Các bước tiến hành thí nghiệm
Mạch điện và bảng số liệu cho Phương án 1và 2:

R0 E,

Rx K A

- Dùng bộ dây nối có chốt cắm và các linh kiện mắc mạch theo như trên
sơ đồ (theo bảng lắp ráp mạch điện của lớp 11).
- Sau khi kiểm tra kĩ mạch lắp ráp, chọn vị trí biến trở ở vị trí 100W,
đồng hồ Vôn chọn thang DCV 20, còn đồng hồ Ampe chọn thang 200mA DC
(Hai đồng hồ đều là loại vạn năng hiện số).
- Đóng công tắc, và đọc các giá trị trên hai đồng hồ tương ứng với vị trí
của biến trở (Rx).

49
- Tiếp tục với các vị trí của biến trở 100W, 90W, 80W, 70W, 60W, 50W,
40W, 30W, 20W, 10W, xác định các giá trị tương ứng trên các đồng hồ. Mỗi
lần thực hiện đều sử dụng công tắc để ngắt mạch điện và chờ vài giây sau mới
đóng mạch để quá trình điện hóa ở trong pin ổn định và biến trở không bị
dòng điện làm tăng nhiệt độ liên tục.
- Ghi các giá trị vào bảng số liệu để xử lí theo các phương án 1 và 2.

Bảng 2.1

Rx 100W 90W 80W 70W 60W 50W 40W 30W 20W 10W
U
I
1. Xử lí kết quả phương án 1:
Dùng kết quả trong bảng 2.1 để vẽ đồ thị theo hệ trục tọa độ U và I. Hệ
trục tọa độ cần lấy tỷ lệ xích chính xác để xác định các đại lượng U0 và Im.
Từ phương trình của đường thẳng U = E – I(R0 + r) sẽ cắt hệ trục tọa độ
tại hai điểm:
Khi I = 0 à U0 = E là giá trị đọc được trên trục tung.
E
Khi U0 = 0 à I m = là giá trị đọc được trên trục hoành
R0 + r

E - I m R0
Từ đó ta tính ra được E và r =
Im

Đó là kết quả cần thực hành trong bài thí nghiệm này.
2. Xử lí kết quả phương án 2:
Cũng với bảng 2.1 số liệu của bài này, hãy thực hiện vẽ đồ thị và tính
toán theo phương trình y = f(x).
Các điểm của đồ thị là:
Bảng 2.2

x = Rx 100W 90W 80W 70W 60W 50W 40W 30W 20W 10W
I
U
y =1/I

50
y = 0 à x = xm = b (xác định trên đồ thị)
x = 0 à y = y0 = b/E (xác định trên đồ thị)
Dùng đồng hồ Vôn đo điện áp hai đầu của đồng hồ Ampe để xác định
RA = U/I (trong lý thuyết thì RA thường cho là 0)
Với các kết quả thu được ta tính r theo biểu thức sau:
b = R0 + RA + r à r = b – (R0 + RA)
Còn E = b/y0
3. Mạch điện và bảng số liệu phương án 3:
- Mắc mạch điện theo sơ đồ trên: chú E, r

ý các cực và thang đo của đồng hồ. Đối V


với vị trí của vôn kế, đồng hồ đặt ở thang R0
Rx K A
DCV mức 20, còn với vị trí ampe kế đồng
hồ đặt ở thang DCA mức 10A (cực âm ở COM, cực dương ở 10A DC của
đồng hồ DT 830B).
- Điều chỉnh biến trở Rx ở vị trí giữa để có giá trị khoảng 50W. Đóng
công tắc, gạt núm bật (power) của A và V sang vị trí ON. Chờ thời gian ngắn
khi giá trị số đo trên Ampe kế và Vôn kế ổn định đọc và ghi kết quả vào bảng.
Sau đó gạt công tắc các đồng hồ về OFF.
- Ghi kết quả vào bảng sau:
Bảng 2.3

RN=10W +50W Lần 1 Lần 2 Lần 3


I1
U1
- Điều chỉnh biến trở Rx ở vị trí tận cùng tức lấy toàn bộ giá trị của biến
trở là 100W. Đóng công tắc, gạt công tắc của các đồng hồ về ON. Chờ ổn định
và đọc ghi kết quả vào bảng sau. Sau đó gạt công tắc đồng hồ về OFF và ngắt
công tắc chạy của mạch.

51
Bảng 2.4
RN=10W +100W Lần 1 Lần 2 Lần 3
I2
U2
Với bảng 2 và bảng 3 số liệu của bài thí nghiệm, dựa theo hệ phương
trình sau để tính toán kết quả:
ìU1 = E - rI1
í ® E = U1 + rI1
îU 2 = E - rI 2
® U2 = U1 + rI1 - rI2 = U1 + r (I1 - I2)
U 2 - U1
Þ r= và E = U1 + rI1
I1 - I 2

2.1.4. Những khó khăn khi dạy và học thí nghiệm thực hành trong chương
Dòng điện không đổi.
Trong khi giảng dạy bài thực hành của Chương dòng điện không đổi, tôi
cũng xin ý kiến thêm của giáo viên trong tổ cùng học sinh khối 11 và thu nhận
được một số khó khăn như sau:
Về giáo viên:
- Nhiều khi thí nghiệm rất nhiều nhưng thường xuyên hỏng, đo không
chính xác. Ví dụ như đồng hồ đa năng chỉ đo được khoảng vài phút là tự tắt,
số liệu đo được thay đổi không theo đúng quy luật của cơ sở lý thuyết, ...
- Hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm vô cùng khó khăn. Gần như học
sinh chỉ là bắt chước giáo viên và làm theo, chưa có thời gian tự tìm tòi, tự
tìm hiểu để đưa ra phương án thí nghiệm.
- Học sinh xử lý số liệu khó khăn, mất thời gian với đồ thị, với thời
lượng 45 phút không đủ vừa lắp mạch điện, vừa đo các đại lượng, vừa vẽ đồ
thị rồi tính toán, chưa kể bộ dụng cụ trục trặc.
- Không thể dự đoán được số liệu đo được đúng hay sai, chỉ khi đưa vào
đồ thị mới thấy sai lệch không theo quy luật.
Về học sinh:

52
- Không được sử dụng thí nghiệm nhiều vì dụng cụ ít, không xử lý được
các tình huống xảy ra.
- Bộ dụng cụ hỏng nên số liệu sai dẫn đến không vẽ được đồ thị, không
đưa ra được kết quả cần tính.
- Không được chuẩn bị làm thử thí nghiệm trước ở nhà, trên lớp giáo
viên không có thời gian hướng dẫn nhiều, lớp lại đông.
- Có những học sinh còn chưa được sử dụng hay chạm vào thí nghiệm, vì
một nhóm có đến 7 – 8 người mà chỉ có một bộ thí nghiệm.
Vậy là với cách học và cách dạy như hiện nay đã làm cho giáo viên thực
sự rất vất vả trong 2 tiết thực hành và học sinh thì không thu lượm được nhiều
kiến thức cũng như không có đủ thời gian để rèn kĩ năng thực hành.
2.2. Đề xuất các giải pháp xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm
Vật lí ảo hỗ trợ thực hành Vật lí Chương dòng điện không đổi
Xuất phát từ những khó khăn của bản thân cũng như các đồng nghiệp và
học sinh, tôi mạnh dạn đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin xây
dựng phần mềm nhằm hỗ trợ cho bài thực hành vật lý giúp đồng nghiệp và
học sinh giải quyết những khó khăn trên như sau
2.2.1. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ quá trình tự
học, tự nghiên cứu ở nhà của học sinh (Hỗ trợ tìm kiếm và trao đổi thông tin)
Ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tăng tính tích cực tự lực, sáng
tạo, tự học, tự nghiên cứu của học sinh nhằm rèn luyện kĩ năng thí nghiệm với
các ứng dụng cụ thể như xây dựng các bài giảng điện tử, học sinh sử dụng
bài giảng điện tử khai thác nguồn tài nguyên như tài liệu học tập dạng pdf, file
Word, html, ppt...; phần mềm thí nghiệm ảo dưới dạng Java Applet, Swf...,
các Video, âm thanh minh họa hiện tượng vật lí hoặc các bài giảng, giúp học
sinh nghiên cứu bài thực hành trước khi đến phòng thí nghiệm.
Ví dụ, khi dùng phần mềm ở nhà học sinh có thể tìm hiểu dụng cụ cần
thiết của thí nghiệm, có thể tự lắp thí nghiệm bằng phần mềm, biết trước
những việc sẽ làm trong giờ thực hành. Hơn nữa còn giúp học sinh có thời

53
gian suy nghĩ phát hiện ra phương án mới.
(Nhấn chuột vào các dụng cụ sẽ cho phép học sinh chọn dụng cụ khi làm thí nghiệm)
Câu trắc nghiệm chọn dụng cụ thí nghiệm

Hình 2.1.
Ngày nay, với sự phát triển của CNTT, nhiều phần mềm hỗ trợ đóng gói
tư liệu như Reload editor, VNUCE, Adbole Presenter … Các phần mềm này
cho phép đóng gói các tư liệu học tập thành các trang Web, có thể đưa ra các
đĩa CD hoặc đóng gói theo chuẩn SCORM, cho phép chạy trên các Flatform
như Moodle, Ilias, WebCT, Blackboard thuận lợi, dễ dàng mà không đòi hỏi
kiến thức, kĩ năng CNTT cao. Học sinh ở nhà chỉ cần có máy tính là có thể tự
tìm hiểu và học tập một cách dễ dàng.
2.2.2. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ làm quen
với các thiết bị thí nghiệm thực và xây dựng quy trình thao tác tiến hành
thực hành thí nghiệm thực (Hỗ trợ thực hiện Quy trình)
Phim và băng video quay các thí nghiệm vật lí đã được sử dụng như các
phương tiện trực quan nhằm giới thiệu về các thí nghiệm vật lí thực cùng kinh
nghiệm trong tiến hành thí nghiệm. Những phương tiện này cũng đem lại hiệu
quả cho giáo viên, học sinh khi dạy và học, nhưng việc điều khiển là rất hạn

54
chế bởi quá trình chạy và dừng chúng. Khi đã chạy đoạn phim hoặc video thì
mọi thông tin đều thực hiện theo kịch bản của đoạn phim. Khả năng quan
trọng nhất của người giáo viên có kinh nghiệm là chọn các đoạn phim cần
thiết, thực tế việc lựa chọn này chiếm rất nhiều thời gian trong khi nhu cầu
của giáo viên và học sinh là những nội dung cần thiết phải được đưa ra ngay
lập tức khi nhấn nút điều khiển, điều này thì những phim, video thông thường
không thực hiện được.
Trong các phương tiện truyền thống, thí nghiệm vật lí thực được giới
thiệu như các video kĩ thuật số, các đoạn video được số hóa và chạy trên máy
vi tính giúp điều khiển các đoạn video dễ dàng hơn, tuy nhiên khi các đoạn
video chạy thì các thông tin đưa ra được điều khiển bởi thiết bị chứ không
phải từ người học hay người dạy.
Thí nghiệm tương tác trên màn hình là kiểu phương tiện mới nhằm giới
thiệu các thí nghiệm thực mà trong đó mỗi người sử dụng đều có thể điều
khiển theo cách riêng của học sinh, nó khuyến khích học sinh không chỉ học
kiến thức nội dung và còn cả kiến thức về quy trình. Phương tiện mới này tạo
ra tiềm năng to lớn trong việc hỗ trợ học sinh học tập Vật lí với các thí
nghiệm.
Thí nghiệm tương tác trên màn hình hay còn được gọi là video tương tác
được xây dựng bằng cách quay các thí nghiệm thực, số hóa và đưa vào máy
tính. Bằng các ngôn ngữ lập trình, cho phép hiển thị một khung hình mong
muốn nào đó dựa vào tương tác của người sử dụng với các đối tượng, hình
ảnh (thiết bị thí nghiệm) trên màn hình. Người sử dụng cũng có thể duyệt qua
từng khung hình hoặc chạy lại với số liệu thực.

55
(Khi nhấn công tắc của biến trở, đồng hồ ampe kế và vôn kế bắt đầu
chạy, khi đó ta ghi số liệu của ampe kế và vôn kế)
Thí nghiệm đang hoạt động

Hình 2.2
2.2.3. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ quá trình
kiếm tra, đánh giá
Để đánh giá hiệu quả kĩ năng thí nghiệm của học sinh cần kết hợp đánh
giá xác thực với đánh giá truyền thống, đánh giá thường xuyên và đánh giá
định kì, giáo viên đánh giá và học sinh tự đánh giá. Với những yêu cầu này, số
lượng công việc trở nên rất nhiều, tạo sức ép rất lớn đối với cả giáo viên và
học sinh.
Để đảm bảo học sinh đã có chuẩn bị kĩ lưỡng, với lượng thời gian ít ỏi
đầu giờ, giáo viên khó lòng kiểm tra tất cả học sinh có đủ kiến thức và kĩ năng
cần thiết để tiến hành thí nghiệm hay không, đồng thời giáo viên khó lòng
kiểm tra được quá trình chuẩn bị của học sinh thực hiện như thế nào.
Bằng các phần mềm trắc nghiệm khách quan hoặc phiếu trắc nghiệm dựa
trên các tình huống có tác dụng kiểm tra kiến thức, kĩ năng của học sinh vừa

56
có tác dụng định hướng quá trình nghiên cứu của học sinh. Kết quả kiểm tra
trên phần mềm cần thiết được ghi lại để học sinh đưa vào báo cáo chuẩn bị.
Lắp ráp dụng cụ vào mạch

Hình 2.3
Ví dụ: sử dụng các chức năng xây dựng câu hỏi trắc nghiệm của phần mềm Flash MX để xây
dựng các câu hỏi trắc nghiệm trên máy tính.
Một loạt câu trắc nghiệm lý thuyết

Hình 2.4.

57
2.3. Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ thực
hành Vật lí Chương dòng điện không đổi
2.3.1. Ý tưởng xây dựng phần mềm
· Các yêu cầu của một bài TNTHVL ảo
Trước hết, thí nghiệm ảo thuộc loại phần mềm dạy học nên phải đáp ứng
các yêu cầu của một phần mềm dạy học nói chung (như đã trình bày ở trên).
Thứ hai, bài TNTHVL ảo phải đáp ứng đầy đủ những mục tiêu và nội
dung của một bài thí nghiệm thực hành Vật lí.
Thứ ba, với đặc trưng là một bài thí nghiệm thực hành ảo nên trong bài
thí nghiệm, những yêu cầu đối với một thí nghiệm ảo phải thể hiện rõ và đặc
biệt phải đảm bảo tính thật và tính tương tác cao.
Thứ tư, phương pháp và hình thức tổ chức một bài thí nghiệm thực hành
ảo rất khác so với các thí nghiệm thực hành truyền thống. Hình thức tổ chức
loại thí nghiệm này thực hiện trên lớp đòi hỏi yêu cầu cao về thiết bị và tính
tương tác.
· Cấu trúc của một bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo.
Để đáp ứng yêu cầu tự học và tự đánh giá kết quả tự học, bài thí nghiệm
thực hành Vật lí ảo có thể được cấu trúc thành 3 phần chính:
+ Mô đun 1: Kiểm tra kiến thức lý thuyết .
Phần này được thực hiện thông qua các câu hỏi trắc nghiệm khách quan.
Nội dung các câu hỏi liên quan đến các vấn đề sau:
- Kiến thức Vật lí liên quan đến bài thí nghiệm.
- Học sinh tìm hiểu về dụng cụ thí nghiệm
- Chọn phương án làm thí nghiệm
- Lắp mạch điện theo hướng dẫn
+ Mô đun 2: Thực hiện thí nghiệm.
- Tiến hành thí nghiệm.
- Thu thập số liệu.
- Xử lý và đánh giá số liệu.

58
- Kết luận
Mô đun 3: Bổ sung phương án thí nghiệm
Đây là phần huy động tính sáng tạo, tự lực suy nghĩ của học sinh khi làm
thí nghiệm thực hành Vật lí. Trong phần này học sinh sẽ được nghiên cứu một
phương án mới. Bằng cách trả lời các câu hỏi mở rộng của giáo viên. Các câu
hỏi cũng bị giới hạn thời gian trả lời, tùy từng câu hỏi mà có thời gian trả lời
khác nhau. Ở mỗi câu hỏi, học sinh sẽ được biết đáp án đúng ngay sau khi
thực hiện xong phần lựa chọn của mình hoặc khi thời gian cho phép đã hết.
Máy tính chỉ cho phép học sinh có duy nhất một lần làm và giới hạn thời gian
trả lời cho từng câu. Phần đánh giá được giáo viên thực hiện dựa vào kết quả
của 3 Môđun trên, vì vậy sau khi hoàn thành từng Môđun thí nghiệm, học
sinh phải làm động tác ghi lại tất cả các kết quả mà mình đã đạt được.
Để thiết kế bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo Chương dòng điện không
đổi bằng cách phân tích các băng hình rồi dùng Flash MX lập trình tạo thành
phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ cho tiết thực hành Vật lí , ta sẽ tiến
hành thực hiện các công việc sau:
- Tiến hành quay video quá trình làm thí nghiệm theo 3 phương án, theo
từng bước cụ thể. Rồi sử dụng phần mềm công cụ Flash và một số phần mềm
hỗ trợ khác như Photoshop (sửa ảnh), Boilsoft Video Splitter (cắt video),
Format Factory (định dạng file video), ... để xây dựng bài thí nghiệm thực
hành ảo. Với đặc trưng là một bài thí nghiệm thực hành Vật lí cho nên những
yêu cầu cơ bản nhất về các giai đoạn thực hành thí nghiệm như lựa chọn
phương án thí nghiệm, thu thập số liệu, xử lý số liệu, đưa ra các dự đoán, kết
luận cần thiết, ...,phải được thể hiện rõ trong bài thí nghiệm ảo. Ở đây phần vẽ
đồ thị ta dùng Excel là đơn giản nhất cho tất cả các giáo viên, vì đối với Flash
MX để vẽ đồ thị thì rất phức tạp, mỗi thí nghiệm lại phải xây dựng một
modun khác nhau, vì vậy sẽ rất phức tạp cho giáo viên khi chuẩn bị bài. (Ở
đây xin đưa ra những phương án đơn giản nhất đối với giáo viên có chút ít

59
kiến thức về tin học đều có thể tự làm ra phần mềm hỗ trợ cho bài dạy của
mình).
- Xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan liên quan đến bài
thí nghiệm thực hành nhằm mục đích kiểm tra kiến thức lý thuyết người học
trước khi họ tiến hành thí nghiệm. Hệ thống câu hỏi trắc nghiệm này cũng sẽ
được xử lý bằng phần mềm công cụ Flash, người học lựa chọn phương án trả
lời và tự mình kiểm tra, đánh giá được kết quả nhờ phần mềm chấm điểm
ngay trên máy vi tính.
2.3.2. Xây dựng bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo bằng Flash MX.
Căn cứ vào ý tưởng đã thiết kế ở trên tôi xây dựng phần mềm thí nghiệm
thực hành Vật lí ảo hỗ trợ bài thực hành “Xác định suất điện động và điện trở
trong của một pin điện hoá” trong chương Dòng điện không đổi của Vật lí 11
cơ bản THPT như sau:
Mô đun 1: Kiểm tra kiến thức lý thuyết.
Phần này gồm hệ thống các câu hỏi lý thuyết (dưới dạng câu hỏi trắc
nghiệm khách quan) liên quan đến bài thí nghiệm thực hành. Người học có
nhiệm vụ phải trả lời từng câu hỏi, máy tính chỉ cho phép người học có duy
nhất một lần làm và giới hạn thời gian trả lời cho từng câu. Ở mỗi câu hỏi đó,
người học sẽ được biết đáp án đúng ngay sau khi họ thực hiện xong phần lựa
chọn của mình hoặc khi thời gian cho phép đã hết.
Nếu trả lời đúng từ 4 đến 7 câu trắc nghiệm trong tổng số 7 câu thì học
sinh được phép đi tiếp sang phần thực hành. Nếu trả lời sai hoặc quá thời gian
quy định mà người học vẫn chưa tìm ra câu trả lời thì máy tính sẽ đưa ra đáp
án và người học sẽ không có điểm ở câu hỏi này, và vẫn được tiếp tục sang
phần thực hành nhưng bị mất một 1/3 số điểm quy định cho bài thực hành
trên máy tính.
* Xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan bằng phần mềm Flash MX
Để xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan chúng tôi đã sử dụng
chức năng Multiple Choice trong Library-Learning Interaction. Đây là loại

60
câu trắc nghiệm nhiều đáp án. Và soạn 5 câu như vậy. Kết quả được như hình
2.4

Hình 2.4
(Các dụng cụ trong phòng thí nghiệm)
Với câu hỏi kiểm tra kĩ
năng bố trí thí nghiệm, thực
hiện như sau:
Chụp ảnh các dụng cụ
thí nghiệm, dùng phần mềm
Photoshop để sửa ảnh được
các dụng cụ như hình 2.5

Hình 2.5

61
Tiếp theo trong Learning Interactions chọn Hot Objects để tạo câu trắc
nghiệm dùng để chọn dụng cụ cho thí nghiệm như hình 2.1.

Hình 2.1
Dùng ứng dụng Drag and Drop để thiết lập câu trắc nghiệm với mục đích
hướng học sinh lắp ráp dụng cụ vào mach điện cho đúng với vị trí theo sơ đồ
mạch điện. Và đã được như hình 2.3:

Hình 2.3
Ngoài việc sử dụng những chức năng trên, còn cần sử dụng một số câu lệnh:

62
+ Khống chế thời gian trả lời cho từng câu.
timing=false;
function unpause() {
unpauseTime = Math.floor(getTimer()/1000);
timing = true;
}
function pause() {
timing = false;
}
_root.onEnterFrame = function() {
if (timing) {
milli=delay-
Math.floor(getTimer()/1000)+unpauseTime;
if (milli==0) {
+ Hiện đáp án khi thời gian trả lời đã hết.
_root.cau.Template_ControlButton.enabled=true;
+ Chức năng lựa chọn phương án trả lời mất hiệu lực khi thời gian trả
lời đã hết.
_root.cau.Checkbox1.enabled=false;
_root.cau.Checkbox2.enabled=false;
_root.cau.Checkbox3.enabled=false;
và:
_root.cau.Drag1.enabled=false;
_root.cau.Drag 2.enabled=false;
_root.cau.Drag 3.enabled=false;
.....
Mô đun 2: Thực hiện thí nghiệm
Trong phần này, máy tính sẽ quay lại một đoạn video (băng hình) về
hình ảnh mạch điện đã được lắp sẵn mạch điện, và các ampe kế, vôn kế.
Nhiệm vụ của người học sẽ là:

63
- Sử dụng phần mềm để thu thập số liệu về dòng điện đo được trên
ampe kế và điện áp trên vôn kế bằng cách đưa chuột nháy vào nút điều khiển
biến trở theo các giá trị có sẵn của bảng số liệu.
- Từ bảng số liệu U và I, tiến hành phân tích xử lý các số liệu để đưa ra
dự đoán mối quan hệ giữa các đại lượng vật lí trong hiện tượng, quá trình
đang nghiên cứu. Cụ thể học sinh vẽ đồ thị U = E – I(R0+r) biểu diễn mối
quan hệ giữa điện áp giữa hai cực của nguồn và dòng điện trong mạch. Trong
đó: E là suất điện động của nguồn cần xác định, R0 = 10W, r là điện trở của
nguồn cần xác định. Cách vẽ này chúng ta dùng Excel đã được thiết kế sẵn
bảng dữ liệu, và đồ thị ứng với bảng số liệu đó, học sinh chỉ cần nhập số liệu
vào phần mềm sẽ cho ra ngay đồ thị và phương trình đường thẳng gần đúng.
- Cuối cùng: Sau khi hoàn thành thực hiện thí nghiệm, học sinh nộp kết
quả bao gồm phần kiểm tra lý thuyết 7 câu trắc nghiệm và phần bảng số liệu
thu được cùng với đồ thị, kết quả xác định E, r
* Xây dựng phần thực hiện thí nghiệm bằng phần mềm Flash MX
Để xây dựng phần thực hiện thí nghiệm chúng tôi đã tiến hành theo các
bước sau:
- Đầu tiên tạo menu chọn phương án thí nghiệm và cách mắc mạch điện
của từng phương án như sau:

64
Menu làm thí nghiệm

Hình 2.6
Với menu này chủ yếu là chèn hình ảnh và tạo nút “Cách mắc” và “Thực
hành”, rất đơn giản chỉ là câu lệnh điều khiển timeline chạy thôi, vào Window
chọn Buttons như hình ảnh:
Cách vào menu tạo Button

Hình 2.7
Ta được cửa sổ Library – Buttuns. Chọn nút phù hợp. Nháy đúp chuột
vào nút ta được

65
Thư viện các Button

Hình 2.8
Sau đó chỉnh sửa tên nút, sau khi xong ta trở về Scene hiện tại, chọn nút
vừa tạo rồi nhập đoạn code sau vào Action của nút ta được:
Với nút “Cách mắc”
on (release) {
gotoAndPlay(12); (chạy timeline 12 bắt đầu có các ảnh mắc mạch điện)
}
Với nút “Thí nghiệm”
on (press) {
gotoAndPlay(24); (chạy timeline 24 bắt đầu có video thực hành)
}
Tôi tin chắc với một giáo viên biết ít tin học thì đều có thể làm được thao tác
này.
- Tạo phần cách mắc mạch điện, phần này chủ yếu là cho các timeline
chạy lần lượt và được điều khiển bởi nút “Tiếp tục” cũng như các nút trên và
câu lệnh stop(); để tạm dừng chờ điều khiển.

66
- Quay video tiến trình thí nghiệm với mạch điện đã lắp sẵn, quay từng
bước làm thí nghiệm, từ khi biến trở R = 10W đến khi R = 100W.
- Dùng phần mềm Boilsoft Video Splitter cắt từng hoạt động trong video
trên, sao cho không để hiện tay người làm thí nghiệm.
- Dùng phần mềm Format Factory đổi đuôi về .flv tương ứng với kích
thước 640x480 để tương thích và hiển thị được trên flash.
- Tạo một file Flash mới.
- Import các video *.flv vừa cắt vào thư viện Library.
- Cắt đoạn phim (movi) đó ra làm các khung hình (frame) kế tiếp nhau
trên bảng tiến trình (Time line), mỗi khung hình cách nhau cùng một khoảng
thời gian xác định nào đó (phần này phụ thuộc vào tốc độ hình/s mà máy quay
đã thực hiện được).
- Mở hộp điều khiển Action > chọn Frame đầu > chọn lệch Stop(); làm
tương tự với Frame cuối. Thao tác này có tác dụng dừng đoạn phim để tương
tác với các đối tượng.
- Tạo nút bấm cho biến trở: chụp và cắt để có một hình ảnh nút bấm đưa
vào thư viện Library, sau đó chèn vào khung làm việc của layer “nut bam”,
sau đó ấn phím F8, chon Buttun khi này nút bấm đã chuyển thành nút điều
khiển. Sau đó chọn sự kiện và thực hiện câu lệnh cho nút bấm điểu khiển
timeline như sau:
on (press) {
gotoAndPlay(“số thứ tự của các fame có chứa video muốn chuyển
đến”);
}
Mô đun 3: Bổ sung phương án thí nghiệm
Đây là phần huy động tính sáng tạo, tự lực suy nghĩ của học sinh khi làm
thí nghiệm thực hành Vật lí. Trong phần này học sinh sẽ được nghiên cứu một
phương án mới, xác định E và r theo phương án đó, rồi trả lời các câu hỏi mở
rộng của giáo viên. Các câu hỏi cũng bị giới hạn thời gian trả lời, tùy từng câu

67
hỏi mà có thời gian trả lời khác nhau. Ở mỗi câu hỏi, học sinh sẽ được biết
đáp án đúng ngay sau khi thực hiện xong phần lựa chọn của mình hoặc khi
thời gian cho phép đã hết. Máy tính chỉ cho phép học sinh có duy nhất một
lần làm và giới hạn thời gian trả lời cho từng câu.
Phần đánh giá được giáo viên thực hiện dựa vào kết quả của 3 Môđun
trên, vì vậy sau khi hoàn thành từng Môđun thí nghiệm, học sinh phải làm
động tác ghi lại tất cả các kết quả mà mình đã đạt được.
* Xây dựng phần thu thập số liệu và vẽ đồ thị: Có hai cách:
Cách 1: đơn giản cho những ai biết ít tin học, nhưng cách này cũng tốt cho thí
nghiệm “Xác định suất điện động và điện trở trong của một pin điện hoá” vì
nó có thể cho mình phương trình đồ thị tương ứng với các điểm trên đồ thị,
giúp ta tính toán nhanh hơn.
Với cách này rất đơn giản, ta tạo một
bảng số liệu để trống hoặc có số liệu cũng
được, sau đó chọn Insert/ Charts trong Excel.
Kết quả ta được như hình 2.15.
Sau đó ta chỉ việc nhúng Flash thí
nghiệm vào Excel đặt bên cạnh, kết quả đạt
được như hình 2.16

Hình 2.9

68
Hình 2.10
Với cách làm này thì khi giáo viên thu bài cũng rất rễ, các em sau khi
làm thí nghiệm trên phần mềm thì cuối cùng phần mềm cho kết quả ra máy
tính, đồng thời với việc các em cũng nhập xong số liệu vào bảng, và đồ thị
hiện ra. Lúc đó giáo viên chỉ dùng thao tác chụp màn hình thu kết quả dưới
dạng .bmp cho vào word.

Hình 2.11

69
Cách 2: xử lý số liệu và vẽ đồ thị trên flash (Đối với thí nghiệm đang làm thì
cách này sẽ khó xác định được điểm cắt 2 trục một cách chính xác như cách
trên)
Để tạo bảng số liệu, chúng tôi xử dụng chức năng DataGrid trong
Component của Flash và đặt mã lệnh nhận các thông số trong một khung
hình :
myDP=newArray({tt:"10",u:"",i:""},{tt:"20",u:"",i:""},
{tt:"30", u:"",i:""}, {tt:"40", u:"",i:""},{tt:"50", u:"",i:""},
{tt:"60", u:"",i:""}); {tt:"70", u:"",i:""},{tt:"80", u:"",i:""},
{tt:"90", u:"",i:""},{tt:"100", u:"",i:""},
datagrid.dataProvider = myDP;
Với các số liệu nhập vào mảng myDP, có thể vẽ đồ thị thực nghiệm như
sau :
this.createEmptyMovieClip("box", 1);
with (box) {
for (k=0;k<10;k++) {
lineStyle(1, 0xCCCCCC);
beginFill(0x4827CF);
moveTo(u,i);
lineTo(u+10, i);
lineTo(u+10, i+10);
lineTo(u+0, i+10);
lineTo(u+0, i+0);
endFill();
}
Đường đồ thị lí thuyết dựa trên tương tác với các nút chọn dữ liệu cho
các hệ số (NumericStepper) bằng các hàm :
form = new Object();
line1 = new Object();

70
Drawline=false;
hs_a.addEventListener("change", form);
hs_b.addEventListener("change", form);
hs_c.addEventListener("change", form);
form.change = function(eventObj) {
clear();
if (Drawline == true) { clear();
with (_root.line1) {
lineStyle(2, 0xff00ff, 100);
a=hs_a.value/10;
b=hs_b.value/10;
moveTo(85, 475- b*270*3.6);
lineTo(475,475-(a*3.6*475+b*270*3.6));}
tb2a="Hàm số có dạng:"
tb2= "y= "+String(a)+"x"+"+"+string(b);
}
if (Drawcicle == true) { clear();
with (_root.line1) {
lineStyle(2, 0xff00ff, 100);
a=hs_a.value/10;
b=hs_b.value/10;
c=hs_c.value/10;
moveTo(84, 470-c*270*10);
for (i=0;i<400;i++) { x = i;
if ((470-int(a*((x/260)*(x/260))*270+b*(x/260)*270+c*270))>94)
{lineTo(84+x,470-int(a*((x/260)*(x/260))*270+b*(x/260)*270+c*270));
}
tb2a="Hàm số có dạng:" ;

71
tb2= "y= "+String(a)+"x*x"+"+"+string(b)+"*x"+"+"+string(c);}}} ;
2.4. Sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ thực hành Vật lí chương
Dòng điện không đổi.
2.4.1. Các bước tổ chức thực hành thí nghiệm với sự hỗ trợ của thí nghiệm
Vật lí ảo.
Trong quá trình tổ chức các hoạt động của tiết học thực hành thí nghiệm
để tổ chức các hoạt động nhằm mục đích rèn luyện kĩ năng thí nghiệm, phát
huy tính tự lực cũng như lôi cuốn và thu hút học sinh tham gia vào các hoạt
động một cách thoải mái và sôi nổi. Việc tổ chức thực hành thí nghiệm với sự
hỗ trợ của thí nghiệm Vật lí ảo cho học sinh khi dạy học bài thực hànhtheo
các bước như sau: Sơ đồ kết hợp thí nghiệm ảo và thí nghiệm thật

SỬ DỤNG PHỐI HỢP


PHẦN MỀM VÀ THÍ NGHIỆM THẬT

THÍ NGHIỆM TRÊN MÁY TÍNH VIDEO VÀ SÁCH HƯỚNG DẪN

PHẦN MỀM MÁY TÍNH VÀ BÀI LẬP KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH


TẬP HƯỚNG DẪN THÍ NGHIỆM

PHÒNG THÍ NGHIỆM


THỰC HIỆN THÍ NGHIỆM
THEO QUY TRÌNH CỦA PHẦN
MỀM
THỰC HIỆN THÍ NGHIỆM
THEO KẾ HOẠCH

PHÂN TÍCH DỮ LIỆU TỪ THÍ


NGHIỆM

TỔNG HỢP KẾT QUẢ


TRAO ĐỔI – THẢO LUẬN
VIẾT BÁO CÁO

Sơ đồ 2.1

72
+ Bước 1: Chuẩn bị trước khi thực hành thí nghiệm thật.
Để có thể tiến hành thí nghiệm hiệu quả, học sinh cần hiểu biết rõ về
kiến thức Vật lí ở trường phổ thông và kiến thức sử dụng các thiết bị thí
nghiệm, từ đó vận dụng vào việc thiết kế phương án thí nghiệm và tiến hành
thí nghiệm.
Học sinh sử dụng các phần mềm thí nghiệm để củng cố kiến thức Vật lí
phổ thông, tìm hiểu cách sử dụng các dụng cụ đo và thiết bị thí nghiệm, tìm
hiểu một số phương án thí nghiệm, cụ thể là tìm hiểu sơ đồ lắp ráp thí
nghiệm, quy trình tiến hành thí nghiệm và xử lý số liệu.
Như vậy ở bước 1 này học sinh thông qua việc sử dụng phần mềm và các
tài liệu hướng dẫn có thể hoàn toàn làm được thí nghiệm tương tự như với thí
nghiệm thật.
Các nhiệm vụ thực hiện của học sinh đó là:
- Đọc tài liệu hướng dẫn thực hành thí nghiệm.
- Đọc sách giáo khoa vật lí phổ thông và tài liệu tham khảo.
- Sử dụng phần mềm hỗ trợ: Kiểm tra lý thuyết, tìm hiểu cách sử dụng
các dụng cụ đo, bố trí thí nghiệm, tiến hành thí nghiệm trên phần mềm và xử
lý số liệu.
- Thiết kế phương án thí nghiệm: Xác định mục đích thí nghiệm, tìm
hiểu dụng cụ thí nghiệm, cơ sở lý thuyết, xác định các đại lượng cần đo, xác
định phương pháp xử lý số liệu, nguyên tắc đảm bảo an toàn thí nghiệm.(theo
mẫu báo cáo)
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên thể hiện ở báo cáo của học sinh, đó
là:
- Báo cáo thực hiện trên phần mềm.
- Phương án sử dụng thí nghiệm nghiên cứu.
+ Bước 2. Thảo luận và thực hành thí nghiệm thực

73
Những phương án thí nghiệm nghiên cứu và phương án sử dụng thí
nghiệm mà học sinh đã thiết kế ở nhà chỉ là dự kiến và được tiến hành trong
điều kiện tiêu chuẩn và bất biến, nên cần được thực hiện thực tế trên lớp và
trong phòng thí nghiệm, với sự hướng dẫn của giáo viên để phát hiện ra
những điểm chưa hợp lí, từ đó có những chỉnh sửa và hoàn thiện. Ở bước này
học sinh cần thực hiện hai hoạt động: Thực hiện thí nghiệm trong phòng thí
nghiệm và so sánh, đối chiếu giữa thí nghiệm trên phần mềm và thí nghiệm
thực.
Như vậy, hoạt động này giúp học sinh rèn luyện kĩ năng sử dụng các
dụng cụ và tiến hành thí nghiệm nhằm thu được kết quả chính xác, phân tích
và xử lí số liệu để rút ra kết luận. Học sinh có thể sử dụng các chức năng xử lí
số liệu trên phần mềm để xử lí số liệu, so sánh kết quả trên phần mềm và kết
quả thu được từ thí nghiệm thực, từ đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực
hành thí nghiệm, phát hiện những hạn chế của phương án thí nghiệm đã xây
dựng và cải tiến, hoàn thiện các phương án đó.
Nhiệm vụ của học sinh thảo luận và thí nghiệm thực:
- Các nhóm làm việc với giáo viên, nhận dụng cụ thí nghiệm.
- Các nhóm tiến hành thí nghiệm: Tìm hiểu dụng cụ, lắp ráp thí nghiệm,
tiến hành và ghi nhận kết quả.
- Trao đổi trong nhóm: Trao đổi về thiết kế thí nghiệm, quy trình và thao
tác tiến hành thí nghiệm, so sánh kết quả thu được từ thí nghiệm thực và thí
nghiệm trên phần mềm, phát hiện những khó khăn có thể gặp phải khi sử
dụng thí nghiệm thực và đưa ra cách khắc phục.
+Bước 3. Viết báo cáo về kết quả thí nghiệm
Căn cứ trên các số liệu thu được từ thí nghiệm đã thực hiện, học sinh
hoàn thiện báo cáo thí nghiệm. Học sinh có thể dùng phần mềm kiểm tra lại
thí nghiệm đã được tiến hành, từ đó học sinh có thể củng cố được kiến thức,
gợi nhớ lại các thao tác thí nghiệm, cách sử dụng các thiết bị, định hình các kĩ
năng thí nghiệm trong trí nhớ.

74
Học sinh hoàn thành báo cáo thí nghiệm theo mẫu và nộp lại cho giáo
viên.
Các hình thức kiểm tra đánh giá.
Việc kiểm tra – đánh giá dựa trên kết quả làm việc nhóm và cá nhân, đó là:
+ Đánh giá kết quả làm việc nhóm:
Thiết kế phương án và thực hiện thí nghiệm.
+ Kết quả làm việc cá nhân:
Kết quả kiểm tra in từ phần mềm.
Báo cáo thí nghiệm.
2.4.2. Thiết kế tiến trình dạy học thực hành thí nghiệm “Xác định suất điện
động và điện trở trong của một pin điện hoá”
2.4.2.1. Mục tiêu
Kiến thức
+ Biết cách khảo sát sự phụ thuộc của hiệu điện thế U giữa hai đầu đoạn
mạch chứa nguồn vào cường độ dòng điện I chạy trong mạch đó.
+ Biết cách khảo sát sự phụ thuộc của cường độ dòng điện I chạy trong
mạch kín vào điện trở R của mạch ngoài.
+ Biết cách chọn phương án thí nghiệm để tiến hành khảo sát các quan hệ
phụ thuộc giữa các đại lượng U, I hoặc I, R. Từ đó có thể xác định chính xác
suất điện động và điện trở trong của một pin điện hoá.
Kĩ năng
+ Biết cách sử dụng thí nghiệm ảo hỗ trợ cho việc tìm hiểu thí nghiệm
thật, và lựa chọn phương án phù hợp.
+ Biết cách lựa chọn và sử dụng một số dụng cụ điện thích hợp và mắc
chúng thành mạch điện để khảo sát sự phụ thuộc của hiệu điện thế U giữa hai
đầu đoạn mạch chứa nguồn vào cường độ dòng điện I chạy trong mạch đó.

75
+ Biết cách biểu diễn các số liệu đo được của cường độ dòng điện I chạy
trong mạch và hiệu điện thế U giữa hai đầu đoạn mạch dưới dạng một bảng số
liệu.
2.4.2.2. Chuẩn bị
Giáo viên
+ Phổ biến cho học sinh nội dung cần chuẩn bị trước trong buổi thực hành.
+ Phát nội dung hướng dẫn thực hành để học sinh nghiên cứu trước ở nhà.
+ Kiểm tra hoạt động của các dụng cụ thí nghiệm cần thiết.
+ Chuẩn bị phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo để hỗ trợ.
Học sinh:
+ Đọc kĩ nội dung bài thực hành, nội dung hướng dẫn của giáo viên trước
khi thực hành
+ Chuẩn bị mẫu báo cáo thí nghiệm, trả lời sẵn các câu hỏi.
2.4.2.3. Tiến trình dạy học
Tiết 1 ( Sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo để tìm hiểu mục đích, nghiên
cứu lý thuyết, lựa chọn dụng cụ và phương án thí nghiệm, thực hành các bước
tiến hành thí nghiệm)
Hoạt động 1 (10 phút) : GV giới thiệu và hướng dẫn thí nghiệm trên máy
tính.
- Giao cho 2 học sinh làm việc trên một máy tính (đã bật sẵn phần mềm)
- Giới thiệu về phần mềm, ứng dụng của phần mềm đối với học sinh (sử dụng
màn chiếu để học sinh quan sát rõ hơn)
- Hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm để tìm hiểu: dụng cụ, cách sử dụng
đồng hồ đo điện đa năng, các phương án, các bước thực hành, số liệu và cách
xử lý, cách vẽ đồ thị.
- Hướng dẫn học sinh trả lời và thu số liệu trên phần mềm
- Hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm kết hợp với nội dung bài thực hành
đã được phát từ buổi trước.

76
- Nhắc nhở học sinh khi xong cần phải làm gì để nộp bài, nếu học sinh không
biết làm giáo viên cần trực tiếp thu.
Hoạt động 2 (30 phút) : Học sinh tìm hiểu và thực hành thí nghiệm Vật lí ảo
- Yêu cầu học sinh thực hành sau khi đã nghe phần giới thiệu và hướng dẫn
của giáo viên.
- Giáo viên hỗ trợ học sinh thực hành trên phần mềm
Hoạt động 3 (5 phút): Thu bài
- Giáo viên hướng dẫn học sinh làm hoặc giáo viên tự làm theo hướng dẫn
của phần mềm.
- Nhắc nhở học sinh về chuẩn bị kiến thức để tiết sau làm trên thí nghiệm thật.
Tiết 2
Hoạt động 1 (30 phút) : Tiến hành thí nghiệm trên bộ dụng cụ thật

Hoạt động của giáo viên Hoạt động của học sinh
- GV yc HS thực hiện đúng nội quy - Nhận dụng cụ thí nghiệm theo
trong phòng thực hành. nhóm, ký vào cam kết giữ gìn dụng
cụ.
- Chú ý học sinh về an toàn trong thí - Phân công nhiệm vụ cho các thành
nghiệm. viên trong nhóm
- Lắp mạch theo sơ đồ.
- Theo dõi học sinh làm thực hành. - Kiểm tra mạch điện và thang đo
đồng hồ.
- Hỗ trợ nhóm nào chưa làm được. - Báo cáo giáo viên hướng dẫn để
kiểm tra.
- Tiến hành đóng mạch và đo các giá
trị cần thiết.
- Ghi chép số liệu.
- Hoàn thành thí ngiệm, thu dọn thiết
bị.

77
Hoạt động của giáo viên Hoạt động của học sinh
- GV thu và kiểm tra dụng cụ
Hoạt động 2 (10 phút) : Xữ lí kết quả, báo cáo thí nghiệm.
Hoạt động của giáo viên Hoạt động của học sinh
- Hướng dẫn học sinh hoàn thành báo - Tính toán, nhận xét … để hoàn
cáo. thành báo cáo.
Hoạt động 3 (5 phút) : Củng cố, giao nhiệm vụ về nhà.
Hoạt động của giáo viên Hoạt động của học sinh
- Thu báo cáo - Nộp báo cáo
- Dặn HS về nhà ôn tập kiểm tra 1 tiết - Ghi nhận

Các điểm cần lưu ý


- Đồng hồ hiện số có đặc điểm khá nhạy với sự thay đổi điện áp hay
dòng điện, vì vậy khi đọc giá trị cần chờ thông số ổn định mới lấy.
- Khi thực hiện lấy số liệu theo từng mức của biến trở, nên chú ý sử dụng
công tắc hợp lí để tránh dòng điện chạy qua các điện trở lâu làm cho trị số của
nó thay đổi.
- Cần chọn thang đo dòng điện hợp lý, nếu dòng đo lớn hơn mức của
thang đo sẽ làm cho ampe kế ngắt mạch.
- Pin mới và pin cũ có điện trở trong khác nhau, điều đó sẽ làm cho kết
quả của các pin khác nhau.
- Các điểm vẽ được trên đồ thị thực tế có thể không cùng trên đường
thẳng, vì vậy khi nối dài để cắt các trục đồ thị (phương án 1 và 2) cần chọn
hướng trung bình của vài điểm cuối.
- Ta có thể tính dự kiến các giá trị trước bằng máy tính, nếu thấy sai quá
nhiều chúng ta cần kiểm tra lại các nối vì để lâu ngày bị oxi hoá nên tiếp xúc
kém.

78
Kết luận chương 2

Xuất phát từ thực tiễn của việc phát triển và sử dụng phần mềm thí
nghiệm ảo trong dạy học Vật lí ở các nước phát triển trên thế giới và ở Việt
Nam; đồng thời dựa vào những phân tích về những khó khăn gặp phải khi
nghiên cứu các hiện tượng, các quá trình Vật lí trong phòng thí nghiệm hay
trong tự nhiên, cùng với khó khăn lớn nhất là giờ thực hành của học sinh cuối
mỗi chương, để từ đó đưa ra ý tưởng thiết kế phần mềm thí nghiệm thực hành
Vật lí ảo phù hợp với năng lực của giáo viên, phù hợp với điều kiện của
trường THPT, phù hợp với trình độ học sinh để hỗ trợ cho bài thực hành thí
nghiệm thật đạt mục tiêu nội dung đề ra, cũng như tăng sự tích cực hoạt động,
chủ động trong thực hành của học sinh, giúp học sinh quen với việc nghiên
cứu khoa học.
Để thiết kế được bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo theo mục đích đã đề
ra, tôi đã nghiên cứu phần mềm ứng dụng Flash và một số phần mềm công cụ
khác như Snagit, Paint, TotalvideoConverter, Photoshop, ... và đã thiết kế
được bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo “Xác định suất điện động và điện trở
trong của một pin điện hoá” nhằm hỗ trợ cho tiết dạy thực hành chương Dòng
điện không đổi của Vật lí 11 cơ bản THPT.

79
CHƯƠNG 3
THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM

3.1. Mục đích, đối tượng, nội dung thực nghiệm sư phạm.
3.1.1. Mục đích thực nghiệm sư phạm.
Mục đích của thực nghiệm sư phạm là kiểm tra, đánh giá tính đúng đắn
và tính khả thi của giả thuyết khoa học đã đưa ra về việc sử dụng thí nghiệm
Vật lí ảo hỗ trợ dạy bài thí nghiệm thực hành Vật lí chương Dòng điện không
đổi cho học sinh khối 11 trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi, Hưng
Yên.
Thông qua thực nghiệm sư phạm, căn cứ vào quá trình thực nghiệm sư
phạm và kết quả thực nghiệm sư phạm thu được, phân tích, xử lý, thống kê
các số liệu thu được để làm rõ những vấn đề sau:
- Sử dụng thí nghiệm thực hành Vật lí ảo có góp phần làm nâng cao
hứng thú học tập, tạo cơ hội học tập tích cực, tự lực cho học sinh hay không?
- Chất lượng đạt được, mục tiêu học tập trong bài thực hành Vật lí “Xác
định suất điện động và điện trở trong của một pin điện hoá” của Chương dòng
điện không đổi đối với học sinh khi sử dụng thí nghiệm thực hành Vật lí ảo hỗ
trợ có cao hơn so với quá trình học tập thí nghiệm với phương pháp thông
thường ở phòng thí nghiệm hay không? Từ đó rút ra kết luận về tính hiệu quả
của quá trình tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh có sự hỗ trợ của thí
nghiệm thực hành Vật lí ảo đã xây dựng.
- Hoàn thiện phần mềm, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực trạng
trong tiến trình thí nghiệm thực hành Vật lí tại trường THPT.
3.1.2. Đối tượng và nội dung thực nghiệm sư phạm.
· Đối tượng thực nghiệm
Thực nghiệm sư phạm được tiến hành với hai nhóm đối tượng là học
sinh trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi, Hưng Yên : một là lớp thực

80
nghiệm 11A3, một lớp đối chứng 11A5. Lớp thực nghiệm và lớp đối chứng có
trình độ như nhau và cùng một giáo viên giảng dạy là tôi.
· Nội dung thực nghiệm sư phạm:
- Ở lớp thực nghiệm 11A3: Tôi tổ chức cho học sinh thực hiện giờ học
thực hành Vật lí với thí nghiệm thực hành Vật lí ảo hỗ trợ.
- Ở lớp đối chứng 11A5: Tôi cũng tổ chức cho học sinh thực hiện bài thí
nghiệm thực hành như ở lớp thực nghiệm nhưng hình thức tổ chức được giữ
nguyên như hình thức đang được tiến hành ở các trường THPT nói chung và
trường Nguyễn Trung Ngạn nói riêng; tức là học sinh được phân thành từng
nhóm nhỏ cùng với bộ thí nghiệm thật và tiến hành thí nghiệm thực hành theo
các bước mà giáo viên đã giới thiệu và học sinh học theo SGK lớp 11 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành; trong quá trình tiến hành thí nghiệm, các học
sinh có thể trao đổi với nhau, giáo viên theo sát hướng dẫn và giúp đỡ học
sinh nếu học sinh gặp khó khăn khi làm hoặc có những thắc mắc cần giải đáp
ngay.
3.2. Phương pháp thực nghiệm sư phạm.
· Chuẩn bị thực nghiệm:
- Chọn lớp thực nghiệm (TN) và lớp đối chứng (ĐC) : Chọn 2 lớp có số
học sinh tương đương nhau và kết quả học tập cũng phải ở mức độ tương
đương ( 2 lớp 11A3 và 11A5 đều có số học sinh 45, đều có điểm đầu vào ở
mức tương đương).
- Chuẩn bị điều kiện cần thiết để phục vụ cho công tác thực nghiệm
sư phạm:
+ Trao đổi ý kiến với tổ chuyên môn, với các giáo viên trong tổ về mục
đích, nội dung, phương pháp thực nghiệm.
+ Chọn cặp lớp thực nghiệm và đối chứng.
- Chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc thực nghiệm:

81
+ Chuẩn bị phòng học có máy tính làm thí nghiệm đủ với số học sinh
của lớp (phòng thực hành tin học của trường có 25 máy tính nối mạng với
máy chủ). Có thể chia 2 em một máy tính.
+ Cài đặt sẵn phần mềm FLASH MX và phần mềm thí nghiệm đã thiết
kế vào máy chủ.
· Hình thức tổ chức quá trình thực nghiệm sư phạm:
Tạo không khí học tập thoải mái cho học sinh để các em có thể bộc lộ hết
năng lực của mình, làm chủ hoạt động học tập của bản thân.
+ Ở lớp ĐC 11A5: dạy học theo phương pháp hiện đang dùng tại các
trường THPT, lớp học là một phòng thí nghiệm gồm các bộ thí nghiệm thật.
Lớp đối chứng sẽ được chia thành những nhóm nhỏ từ 5 – 7 học sinh và làm
các bàn thí nghiệm được phân bố tại các vị trí đã định trong lớp. Học sinh
được giáo viên hướng dẫn một tiết trên lớp trước đó về các thiết bị thí
nghiệm, cách tiến hành và cách viết báo cáo thí nghiệm. Nếu học sinh có thắc
mắc gì có thể đọc và tìm hiểu thêm trong SGK hoặc hỏi trực tiếp giáo viên.
Các bản báo cáo thí nghiệm học sinh sẽ chuẩn bị trước ở nhà theo mẫu và kết
quả được ghi và xử lý, tính toán tại giờ thực hành mà học sinh tự làm trên
phòng thực hành.
Bài thực hành thí nghiệm gồm có ba phần Đầu tiên, học sinh sẽ phải trả
lời các câu hỏi tự luận trong SGK để kiểm tra kiến thức lý thuyết có liên quan
đến bài thí nghiệm và ghi vào báo cáo thí nghiệm của mình. Sau đó đến phần
thực hiện thí nghiệm. Các kết quả thí nghiệm thu được trong phần này sẽ
được ghi vào báo cáo, xử lý, ghi lại và hoàn chỉnh tại lớp vào báo cáo, nộp lại
cho giáo viên. Nếu học sinh thu được kết quả sai, chưa như mong muốn có
thể lặp lại thí nghiệm nhiều lần, điều chỉnh lại các thiết bị hoặc tìm kiếm lời
giải thích cho kết quả đó. Học sinh có thể nhờ giáo viên hướng dẫn thêm
trong quá trình làm thí nghiệm. Đa số các nhóm học sinh sau khi chuẩn bị và
lắp đặt xong các thiết bị thí nghiệm sẽ nhờ giáo viên kiểm tra trước khi đo đạc

82
và làm nhưng vẫn không thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình làm. Kết
quả đạt được trong tất cả các phần sẽ được dùng để đánh giá bài thực hành thí
nghiệm của nhóm học sinh qua bản báo cáo và quá trình thao tác thí nghiệm
của nhóm học sinh.
+ Ở lớp TN 11A3: Bài thực hành theo phân phối chương trình là 2 tiết,
đối với môn Vật lí thì không có 2 tiết liền nhau nên được tổ chức 2 tiết vào
hai ngày khác nhau.
- Tiết 1 tôi tổ chức cho nhóm thực nghiệm vào phòng máy, hai học sinh
làm trên một máy tính. Tôi dùng màn chiếu, phóng to hình ảnh của phần mềm
thí nghiệm ảo rồi giới thiệu cách sử dụng thí nghiệm thực hành Vật lí ảo,
nhóm học sinh với 2 người một sẽ tiến hành làm thí nghiệm thực hành ảo trên
máy tính kết hợp với nghiên cứu tài liệu hướng dẫn thực hành tôi đã phát từ
buổi trước. Với mỗi bài thí nghiệm, học sinh sẽ lần lượt thực hiện 3 phần
(Kiểm tra kiến thức lý thuyết, Thực hiện thí nghiệm, Xử lý và ghi lại kết quả
thí nghiệm) ngay trên máy tính. Ngay sau khi hoàn thành mỗi phần, học sinh
phải báo cáo kết quả cho giáo viên để giáo viên kiểm tra, đánh giá.
- Tiết 2 tôi tổ chức cho các em chia nhóm tương tự như nhóm đối chứng,
mỗi nhóm có một bộ dụng cụ thí nghiệm và làm thí nghiệm. Kết quả thu được
là một bài báo cáo thực hành theo mẫu trong sách giáo khoa đã chuẩn bị sẵn ở
nhà. Kèm theo các phương án mới nếu có.
Thời gian để học sinh lớp thực nghiệm và lớp đối chứng thực hiện mỗi
bài thí nghiệm thực hành cũng như thời gian trả lời các câu hỏi trắc nghiệm
hoặc tự luận trong các phần kiểm tra kiến thức lý thuyết và xử lý kết quả,
nhận xét là như nhau.
Nội dung các câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận đối với phần kiểm tra
kiến thức lý thuyết và các phần khác là hoàn toàn giống nhau. Có thể chỉ khác
nhau về hình thức hỏi ở một số câu cho phù hợp với từng hình thức thí
nghiệm (thí nghiệm thật với lớp đối chứng, thí nghiệm ảo đối với lớp thực
nghiệm).

83
- Ngoài ra sau khi học sinh thực hiện xong các phần thực nghiệm sư
phạm, chúng tôi có đưa ra phiếu điều tra để học sinh đưa ra ý kiến về thí
nghiệm thực hành ảo đã xây dựng (và tham khảo thêm các ý kiến của các
đồng nghiệp giáo viên khác ).
· Quan sát quá trình thực nghiệm sư phạm:
Tất cả các giờ học ở lớp thực nghiệm và lớp đối chứng đều được quan
sát và ghi chép về hoạt động của thầy giáo hướng dẫn thí nghiệm và học sinh
theo các nội dung dưới đây:
- Vai trò của thầy giáo hướng dẫn thí nghiệm trong các buổi thực hành
thí nghiệm.
- Thời gian làm bài thí nghiệm (cụ thể là thời gian tìm hiểu dụng cụ, lắp
đặt thí nghiệm, tiến hành các phương án thí nghiệm, đo đạc, thu thập, xử lý số
liệu ...).
- Tính tích cực của học sinh (thông qua thái độ học tập, trạng thái tâm lý,
sự biểu hiện trên các nét mặt của học sinh...) trong quá trình thực hiện thí
nghiệm thực hành.
- Mức độ kiến thức đạt được (nhiều hay ít, chất lượng hay không chất
lượng) của học sinh thông qua các kết quả đạt được ở các phần kiểm tra.
- Sau các giờ thực hành có sự trao đổi giữa giáo viên và học sinh, lắng
nghe các ý kiến đóng góp để rút kinh nghiệm cho các tiết thực hành sau.
Đồng thời lắng nghe ý kiến và phân tích phiếu phỏng vấn về thí nghiệm ảo từ
đó sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thí nghiệm thực hành ảo cho phù hợp.
· Tiêu chí đánh giá kết quả thực nghiệm sư phạm
Để đánh giá những kết quả đạt được (mức độ kiến thức đạt được, tính
tích cực, tự lực trong quá trình thực hiện thí nghiệm và năng lực sử dụng thí
nghiệm trong dạy học Vật lý) của học sinh trong quá trình thực nghiệm sư
phạm, chúng tôi dựa vào những căn cứ sau:

84
Những quan sát, ghi chép về những hoạt động, tình cảm, trạng thái tâm
lý của học sinh, những ý kiến trao đổi đối với học sinh trong và sau quá trình
thực hành thí nghiệm.
Do đối tượng thực nghiệm sư phạm gồm 01 lớp chia thành 8 nhóm nhỏ
(từ 5 đến 6 học sinh/nhóm) nên khi xử lý kết quả thực nghiệm sư phạm,
chúng tôi không đưa ra số liệu thống kê mà lập bảng xếp loại học tập theo các
mức và từ đó đưa ra các đánh giá, nhận xét kết quả thu được.
Bảng xếp loại học tập theo các mức: Giỏi; Khá; Trung bình; Yếu, kém:
Giỏi: 9, 10 Khá: 7, 8
Trung bình: 5, 6 Yếu, kém: 0, 1, 2, 3, 4
3.3. Kết quả thực nghiệm sư phạm.
3.3.1. Phân tích định tính.
Thông qua việc trực tiếp hướng dẫn thực hành thí nghiệm ở các lớp thực
nghiệm và lớp đối chứng, qua việc trao đổi với học sinh sau các giờ thực hành
và trong các giờ thực hành tôi nhận thấy:
- Ở lớp đối chứng: Tôi tiến hành hướng dẫn thực hành theo phương pháp
hiện đang dùng ở các trường THPT, tức là học sinh được phân thành từng
nhóm nhỏ cùng với thí nghiệm thật và tiến hành thí nghiệm thực hành theo
các bước đã được giáo viên hướng dẫn và học trong SGK từ trước. Giờ thí
nghiệm thực hành diễn ra khá sôi nổi, trong quá trình làm thí nghiệm, học
sinh có điều kiện trao đổi với nhau hoặc xin sự giúp đỡ của giáo viên hướng
dẫn thực hành khi họ gặp khó khăn. Tuy nhiên giờ thực hành thí nghiệm được
tổ chức theo hình thức này thể hiện những tồn tại như sau:
+ Giáo viên hướng dẫn thực hành rất vất vả khi theo dõi và hướng dẫn
học sinh sử dụng các thiết bị thí nghiệm, cách lắp đặt, bố trí dụng cụ cũng như
cách thu thập, xử lý số liệu mặc dù những điều đó đã được hướng dẫn rất cụ
thể trong giờ học trước đó và đọc trong SGK.
+ Học sinh mất rất nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, bố trí, chỉnh sửa thí
nghiệm cũng như thu thập, phân tích, xử lý số liệu thực nghiệm vì để thực

85
hiện được tất cả các phương án thí nghiệm theo yêu cầu, các học sinh phải
thực hiện rất nhiều lần đo đạc, thu thập, xử lý nhiều loại số liệu khác nhau.
Thêm vào đó, trong quá trình làm thí nghiệm học sinh chỉ chăm chăm xem
giáo viên đã hướng dẫn bảo làm những việc gì thì các em làm những việc đó,
và thường lại quên rất nhiều và trao đổi hỏi nhau mất rất nhiều thời gian. Tất
cả những điều này khiến học sinh thụ động, sao nhãng không chú ý trong quá
trình làm thí nghiệm, hạn chế những hoạt động độc lập, tự lực và phát triển
năng lực sáng tạo của học sinh.
+ Phần thực hiện thí nghiệm được tiến hành trong thời gian 1 tiết học (45
phút) và một vài nhóm học sinh không hoàn thành hết những phần việc phải
thực hiện trong nội dung yêu cầu của SGK và của giáo viên đưa ra.
+ Vì phải tập trung quá nhiều thời gian và sức lực cho việc thực hiện lắp
ráp thí nghiệm, chỉnh sửa khi bị lỗi, cho nên khi thực hiện việc đo đạc, tính
toán, xử lý số liệu, ghi kết quả dễ có sai lầm, hay bị lúng túng, không còn tự
tin khi làm thí nghiệm nữa, không phát triển năng lực tốt, trả lời cũng qua loa
các câu hỏi.
- Ở lớp thực nghiệm Chúng tôi tiến hành thực nghiệm sư phạm trong
một phòng máy tính, hai học sinh làm trên một máy tính đã cài sẵn phần mềm
thí nghiệm.
+ Ở tiết hướng dẫn thứ nhất trên phòng máy tính cho tất cả các học sinh
một số em chưa quen với việc sử dụng thí nghiệm thực hành Vật lí ảo hoặc kỹ
năng sử dụng máy tính hạn chế có gặp chút khó khăn nên trong quá trình
hướng dẫn thực hiện thí nghiệm cũng mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên hiện
nay học sinh THPT có kỹ năng sử dụng máy tính rất tốt và cũng khá quen với
các phần mềm thí nghiệm ảo nên cũng thuận lợi. Phần còn lại của giáo viên là
hướng dẫn các em làm quen dần với các thao tác thu thập số liệu trên máy
tính ứng với các phần của thí nghiệm thực hành Vật lí ảo. Các em được tìm
hiểu các bước thí nghiệm, tìm hiểu phương án thí nghiệm thông qua thí

86
nghiệm ảo. Các em được rèn luyện thuần thục các bước, các em được làm đi
làm lại nhiều lần.
+ Tiết thứ 2 học sinh đã có thể độc lập hoàn toàn và sử dụng thí nghiệm
thật một cách linh hoạt. Giáo viên đỡ mệt và đỡ bận rộn hơn, chỉ cần xử lý
những lỗi nhỏ, không cần phải chỉ dẫn từng chút một như khi các em ở lớp
đối chứng. Giờ thực hành diễn ra trong không khí vui vẻ, không căng thẳng,
không bỡ ngỡ, học sinh không phải trao đổi nhiều vì ai cũng được biết và đã
làm quen, mỗi học sinh đều tập trung cao độ vào bài thực hành của nhóm, tự
các em trong nhóm có thể giúp đỡ nhau để bài thực hành hoàn thành với kết
quả tốt nhất.
+ Giáo viên hướng dẫn thực hành không mất thời gian cho việc giới
thiệu dụng cụ, hướng dẫn cách lắp đặt, bố trí thí nghiệm như phương pháp
thực hành áp dụng cho lớp đối chứng. Giáo viên có nhiều thời gian để quan
tâm hơn đến hoạt động sáng tạo của học sinh, chủ động điều khiển hoạt động
học của học sinh theo hướng tích cực. Giáo viên dễ dàng hơn trong việc quản
lý toàn bộ học sinh, có điều kiện quan tâm đến nhiều học sinh khác nhau
trong lớp học để phát hiện những ưu điểm của họ.
+ Trong một khoảng thời gian ngắn của 1 tiết học 45 phút làm thí
nghiệm, có những học sinh đã thu được tất cả những số liệu cần quan tâm, vì
thời gian được dùng chủ yếu trong phần thực hiện thí nghiệm chỉ là thu thập
các bảng số liệu cơ bản, từ các bảng số liệu cơ bản này, dựa vào mục đích thí
nghiệm mà các em có thể dễ dàng lập được những bảng số liệu về các mối
quan hệ giữa các đại lượng khác hay đồ thị thực nghiệm tương ứng vì những
thao tác xử lý số liệu đều đã học và làm quen từ tiết trước trên phòng máy tính
tính, tiết này làm lại với số liệu thực, còn cách làm tương tự. Chính vì vậy mà
so với lớp đối chứng, học sinh lớp thực nghiệm chủ động hơn, hoạt động tích
cực, và có nhiều thời gian dành cho sáng tạo trong quá trình thí nghiệm thực
hành. Học sinh sẽ phải suy nghĩ về những bảng số liệu, những đồ thị thực
nghiệm, những thao tác xử lý số liệu mà mình đã làm trong khi thực hiện thí

87
nghiệm. Từ đó các em hình thành những phương án thí nghiệm, những cách
sử dụng thí nghiệm sao cho phù hợp với từng mục đích thí nghiệm đề ra.
Chính vì vậy mà các em tự tạo được cho mình niềm tin khoa học với môn Vật
lí, thí nghiệm mà các em làm vừa dựa trên các thiết bị thực tế, vừa dựa trên
phần mềm tin học hiện đại.
+ Cũng với hỗ trợ của thí nghiệm Vật lí ảo, giáo viên có thể xử lý nhanh
được tình huống thí nghiệm thật của học sinh trong khi làm bị hỏng, các
nhóm làm xong có thể đổi cho nhau để làm, hoặc cũng có thể cho học sinh lấy
số liệu từ phần mềm (với bộ số liệu mới do giáo viên làm cho vào phần mềm,
bộ số liệu này sẽ khác với bộ làm ở tiết 1, giáo viên có thể thay quả pin khác
sẽ có số liệu khác), từ đó học sinh xử lý đồ thị rồi tính toán kết quả cần tìm.
3.3.2. Phân tích định lượng
Sau khi tổ chức cho học sinh thực hành, viết báo cáo, giáo viên chấm bài
và xử lý kết quả thu được theo các phương pháp thống kê toán học.
+ Bảng thống kê số điểm.
+ Bảng thống kê số % học sinh đạt từ điểm xi trở xuống ( bảng tần suất luỹ
tích hội tụ lùi ).
+ Vẽ đường cong tần suất luỹ tích.
+ Tính các tham số thống kê theo các công thức sau:
- 2
1 å n (x - X)
Điểm trung bình X =
n
ån X
i i . Phương sai: S 2 = i i

n -1
S
Độ lệch chuẩn : S = S 2 . Hệ số biến thiên: V = . 100%
X
Các tham số thống kê t và t0 được xác định theo phép kiểm định thống kê.

88
* Thống kê kết quả:
Bảng 3.1 - Bảng thống kê điểm số
Điểm số
Lớp Sĩ số HS
0 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

ĐC 45 0 0 0 2 6 20 7 6 4 0 0

TN 45 0 0 0 0 1 5 14 12 11 2 0

Bảng 3.2 - Bảng thống kê số hoc sinh đạt từ điểm xi trở xuống
(Bảng tần suất luỹ tích hội tụ lùi)

Sĩ số Số % học sinh đạt từ điểm xi trở xuống


Lớp
HS
0 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10

ĐC 45 0 0 0 4,44 17,8 62,2 77,8 91,1 100 - -

TN 45 0 0 0 0 2,2 13,3 44,4 71,1 95,6 100 -

* Từ bảng 3.2 chúng tôi vẽ đường cong tần suất luỹ tích của hai lớp đối
chứng và thực nghiệm (Trục tung chỉ số % học sinh đạt từ điểm xi trở xuống,
trục hoành chỉ điểm số) ở Hình 3.1

Đồ thị các đường phân bố tần suất luỹ tích hội tụ lùi

Hình 3.1

89
Các tham số thống kê ở bảng dưới đây cho phép ta kiểm định các
phương sai
Bảng 3.3 - Các tham số thống kê

Lớp Sĩ số HS X S2 S V%

ĐC 45 5,47 1,62 1,272 23,3%

TN 45 6,73 1,34 1,156 17,2%

Đánh giá kết quả:


§ Điểm trung bình lớp thực nghiệm (6,73) cao hơn lớp đối chứng
(5,47)
§ Hệ số biến thiên giá trị điểm số của lớp thực nghiệm (17,2%) nhỏ
hơn lớp đối chứng (23,3%) nghĩa là độ phân tán về điểm số quanh
điểm trung bình của lớp thực nghiệm là nhỏ hơn lớp đối chứng.
§ Đường phân bố tần suất lũy tích hội tụ lùi của lớp thực nghiệm
nằm bên phải và ở phía dưới của đường phân bố tần suất lũy tích
hội tụ lùi của lớp đối chứng, chứng tỏ kết quả bài báo cáo thực
hành ở lớp thực nghiệm tốt hơn lớp đối chứng.
Nhưng vấn đề đặt ra là các kết quả khác nhau thực sự là do sự hỗ trợ của
phần mềm thí nghiệm vật lí ảo hay không? Các số liệu có đáng tin cậy không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi áp dụng bài toán kiểm định trong thống kê
toán học.
* Kiểm định sự khác nhau của các phương sai:
Mẫu 1: Lớp đối chứng : n1 = 45, S12 = 1,62, X1 = 5,47
Mẫu 2: Lớp thực nghiệm: n2 = 45, S22 = 1,34 , X 2 = 6,73
Giả thuyết không H0: “Sự khác nhau giữa các phương sai S 12 và S 22 ở hai
mẫu là không có ý nghĩa” nói cách khác “phương sai ở các tổng thể chung là
bằng nhau: S12 = S22 ”.

Giả thuyết đối H1 : S12 ¹ S22

90
S12 1,62
Giá trị đại lượng kiểm định là F= 2
= » 1,21
S2 1,34
Tra giá trị Fa từ bảng phân phối F, ứng với mức a = 0,05 và các bậc tự do là:
fTN = f1= 45 ; fDC = f2= 45, ta có: Fα = 1,64
Vì F < Fa nên giả thuyết H0 được chấp nhận, tức là sự khác nhau về
phương sai của hai mẫu là không có ý nghĩa. Tức là phương sai của tổng thể
chung là bằng nhau, chứng tỏ hai lớp thực nghiệm và đối chứng có chung một
tiền đề xuất phát.
* Kiểm định sự khác nhau của hai giá trị trung bình cộng (từ tổng thể
chung có phương sai bằng nhau).

Giả thuyết không H0 : X1 = X 2 (Sự khác nhau của các trung bình cộng của
hai mẫu là không có ý nghĩa, tức là chưa đủ để kết luận có sử dụng phần
mềm hỗ trợ tốt hơn khi không sử dụng).
Giả thuyết đối H1: X1 ¹ X 2 (Sự khác nhau của hai giá trị trung bình là có ý
nghĩa. Tức là có sử dụng phần mềm hỗ trợ tốt hơn khi không sử dụng).
Ta chọn xác suất sai lầm là a = 0,05.
Đại lượng kiểm định là :
X1 - X 2
t=
S12 S 22
+
n1 n2

(Công thức này ứng dụng với việc ta chọn mẫu 1 là mẫu có trung bình
cộng lớn hơn)
Thay số liệu và tính toán ta được : t = 4,91
n2 S12t1 + n1S22t2
Giá trị ta được tính theo công thức : ta =
n2 S12 + n1S 22

Vì ta chọn a = 0,05 , n1 = n2 =45 nên khi tra bảng phân phối t ta có t1 = t2 =


2,01. Từ đó ta có tα = 2,01.

91
Vậy t > ta , chấp nhận giả thuyết H1 tức là sự khác nhau giữa các trung
bình cộng của hai mẫu là có ý nghĩa.
Như vậy việc tổ chức tiến hành dạy học bài thí nghiệm thực hành có sự
hỗ trợ của phần mềm thí nghiệm ảo được lập trình trên Flash kết hợp với
excel cho học sinh đã đem lại hiệu quả bước đầu trong việc nâng cao chất
lượng nắm vững kiến thức, rèn luyện kĩ năng thực hành của học sinh thể hiện
ở kết quả học tập của lớp thực nghiệm cao hơn so với lớp đối chứng.
3.4. Hiệu quả của việc sử dụng thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ DH với TN thật.
3.4.1. Ưu nhược điểm của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Vật lí
a. Ưu điểm
- Là công cụ đắc lực, hỗ trợ cho việc xây dựng kiến thức. Thông qua
quan sát, so sánh, xử lý thông tin thu được từ phần mềm học sinh căn cứ định
hướng của giáo viên có thể tự xây dựng lên kiến thức mới.
- Giúp học sinh dễ hiểu bài, hiểu một cách sâu sắc hơn và nhớ bài lâu
hơn cho việc thu nhận thông tin về sự vật, hiện tượng một cách sinh động,
chính xác đầy đủ từ đó nâng cao hứng thú học tập bộ môn, nâng cao lòng tin
của học sinh vào khoa học.
- Giúp học sinh tiếp cận, làm quen với các thiết bị và công nghệ hiện đại.
- Giúp cho bài học sinh động, phong phú, hấp dẫn đối với học sinh. Có
những hiện tượng học sinh chưa bao giờ có thể quan sát thấy trong cuộc sống,
nhưng bằng công nghệ thông tin có thể cho học sinh thấy được những hiện
tượng đó ví dụ như hệ mặt trời, hình ảnh về cuộc sống các phi hành gia hoạt
động ngoài vũ trụ, …
- Giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian trên lớp trong mỗi tiết học,
giúp giáo viên điều khiển được hoạt động của học sinh, kiểm tra, đánh giá kết
quả học tập của các em được thuận lợi và cho hiệu suất cao. Ví dụ nhập số
liệu vào phần mềm có thể biết ngay kết quả đo được có chính xác hay không.
- Giải phóng người thầy khỏi một khối lượng lớn các công việc tay chân,
do đó làm tăng khả năng nâng cao chất lượng dạy học.

92
- Đặc biệt nếu áp dụng phần mềm hữu ích sẽ tích cực hóa được hoạt
động nhận thức của học sinh. Học sinh sẽ chủ động hơn, hứng thú hơn với bài
học mới, không còn cảm thấy môn Vật lí quá nhiều công thức nữa, mà sẽ thấy
môn Vật lí có kiến thức không khác gì ngoài cuộc sống các em đang gặp.
Với các lý do trên, việc ứng dụng CNTT trong dạy học Vật lí sẽ tạo một
bước chuyển cơ bản trong quá trình đổi mới nội dung chương trình, phương
pháp giảng dạy và phương pháp đào tạo.
b. Hạn chế
- Chi phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất lớn.
- Đòi hỏi đội ngũ giáo viên và học sinh phải có trình độ tin học, ngoại
ngữ nhất định.
- Khi sử dụng máy tính điện tử người ta dễ mất cảm giác chân thực, thiếu
đi những cảm xúc, xúc giác và ấn tượng thực. Do đó CNTT chỉ hỗ trợ chứ
không thay thế được các thí nghiệm thực hành.
- Việc sử dụng CNTT tự phát đã tạo ra nhiều bài giảng chỉ đơn thuần là
đưa nội dung kiến thức thông thường trong sách giáo khoa sang văn bản điện
tử với mầu sắc sặc sỡ, đồ họa vui nhộn. Và người giáo viên dùng máy tính để
dạy học cần phải biết chắc rằng, mình thiết kế cái gì, mình trình bày cái gì
trước, cái gì sau. Nếu không chú ý có thể làm lộ thông tin mà đáng lẽ học sinh
phải là người khám phá và phát hiện.
Như vậy, khẳng định rằng CNTT hay phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo chỉ
là công cụ hỗ trợ, giúp học sinh rèn luyện kĩ năng thực hành. Tuy nhiên việc
ứng dụng làm sao để khai thác hợp lí và hiệu quả của CNTT vào dạy học nói
chung và dạy học Vật lí nói riêng lại cần phải có các nghiên cứu cụ thể và
nghiêm túc.
3.4.2. Hiệu quả của việc sử dụng thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ dạy học với thí
nghiệm thật
Nghiên cứu về ứng dụng của CNTT trong giảng dạy, ta đều thấy các mặt
mạnh và mặt yếu nếu ta không biết cách sử dụng một cách hợp lý sẽ dẫn tới

93
kết quả còn xấu hơn khi ta không dùng. Chính vì vậy khi sử dụng phần mềm
thí nghiệm Vật lí ảo để hỗ trợ cho dạy học bài thực hành kết hợp với thí
nghiệm thật tuân thủ theo đúng 3 bước như đã nói ở trên thì hiệu quả thu được
không phải là nhỏ.
Khi sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo, học sinh hoàn toàn có thể
đọc tài liệu kết hợp với thực hành trước khi làm thí nghiệm thật, học sinh
hoàn toàn có thể chủ động lập kế hoạch cho bài thực hành của mình.
Trong quá trình thực hành bằng thí nghiệm Vật lí ảo học sinh sẽ được
kiểm tra và củng cố kiến thức cần thiết cho bài thực hành. Điều đó giúp các
em hiểu sâu sắc hơn về bài thực hành sắp làm, từ đó các em biết cách giải
thích và khắc phục những bất thường xảy ra trong thực hành. Ví dụ như :
trong thí nghiệm đo suất điện động và điện trở trong của nguồn, thay vì xử lý
các số liệu rất lẻ, các em có thể nhờ máy tính vẽ đồ thị, căn cứ vào đồ thị các
em tìm được mối quan hệ giữa dòng điện và hiệu điện thế 2 cực của nguồn,
các em được thực hành nhiều hơn với đồng hồ đa năng, được tìm hiểu tại sao
phải mắc thêm điện trở R0 vào mạch điện, tại sao trong mạch điện ở một số
thiết bị luôn phải có điện trở, hay các em có thể biết số liệu mình đo được có
chính xác không, nếu không thì tại sao, ...
Phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo khi được sử dụng trước và sau khi thực
hành bằng thí nghiệm thật còn giúp cho học sinh nhuần nhuyễn hơn với các
thao tác thực hiện, hiểu kĩ vấn đề hơn, từ đó có thể nảy sinh được những
phương án mới.
Đối với giáo viên, nếu sử dụng một cách phù hợp từng bước, xây dựng
phần mềm theo đúng yêu cầu của một phần mềm dạy học, phần mềm thí
nghiệm Vật lí ảo thì hiệu quả đạt được không những là rèn luyện kĩ năng thực
hành, phát huy tính tích cực, khả năng tìm tòi, tăng sự hứng thú của học sinh
với môn Vật lí mà còn có hiệu quả tích cực trong việc kiểm tra đánh giá học
sinh một cách dễ dàng hơn. Không những chỉ trên báo cáo của buổi thực

94
hành, mà còn có thể đánh giá được khả năng tự học, khả năng lập kế hoạch và
khả năng rèn luyện bản thân thông qua kết quả in ra của phần mềm.
Trang thiết bị sử dụng theo cách này không tốn kém. Với các thiết bị
máy vi tính đang được trang bị ở trường phổ thông Việt Nam hiện nay đều có
thể triển khai nghiên cứu các quá trình Vật lí theo cách này.
Hiện nay, nhà trường phổ thông của rất nhiều nước trên thế giới đã và
đang sử dụng máy vi tính trong việc phân tích các băng hình ghi các quá trình
Vật lí thực để nghiên cứu, tìm ra quy luật của nó.
Như vậy, việc xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm vật lí ảo hỗ trợ
thực hành vật lí ở trường phổ thông là hoàn toàn có căn cứ và sẽ đạt hiệu quả
cao trong việc đổi mới phương pháp và nội dung giảng dạy hiện nay.

95
Kết luận chương 3

Việc thực nghiệm trong một số tiết học ít ỏi với số lượng học sinh hạn
chế, chưa đủ để khẳng định giá trị phổ biến của phương pháp do đã nêu ra
trên đây. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu thu được có thể chứng tỏ: nếu tổ
chức giảng dạy thực hành thí nghiệm Vật lí có hỗ trợ của thực hành thí
nghiệm ảo sẽ tạo hứng thú, lôi cuốn học sinh tự lực tham gia giải quyết các
vấn đề học tập không những trên lớp mà cả ở nhà vì nếu điều kiện cho phép
phần mềm được sao chép hoặc up lên mạng, chỉ cần máy tính chạy được flash
là các em có thể tìm hiểu trước và làm thí nghiệm trước ở nhà, tạo điều kiện
tốt cho HS phát triển khả năng chủ động, sáng tạo về Vật lí - kỹ thuật. Đây là
công việc có thể thực hiện được, phù hợp với trình độ học sinh và điều kiện ở
nhà trường phổ thông hiện nay.
Về mặt định tính: Học sinh ở các nhóm thực nghiệm đã tích cực, chủ
động và tự lực hơn khi thực hành thí nghiệm so với học sinh ở lớp đối chứng,
các em không bị bỡ ngỡ khi tiếp xúc với thí nghiệm thật. Học sinh tỏ ra rất
hứng thú và tập trung cao trong giờ thực hành.
Về mặt định lượng: Chất lượng thực hành thí nghiệm Vật lí của học sinh
các nhóm thực nghiệm là cao hơn so với nhóm đối chứng. Điều này được thể
hiện rõ qua kết quả các bài thực hành thí nghiệm của các nhóm: tỷ lệ % điểm
Khá, Giỏi ở các nhóm thực nghiệm là cao hơn so với nhóm đối chứng.
Từ kết quả thu được qua đợt thực nghiệm sư phạm, chúng tôi khẳng định
giả thuyết khoa học đưa ra là phù hợp cả với lý thuyết và cả thực tiễn, đề tài
này có tính khả thi.

96
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Vấn đề nghiên cứu xây dựng các bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo cho
học sinh các trường THPT để phục vụ cho công tác thực hành giảng dạy là một
vấn đề không còn là mới mẻ, nhưng làm thế nào để hỗ trợ một cách phù hợp
cho bài dạy, cho phương pháp thì là điều đáng để chú ý. Qua thời gian nghiên
cứu đề tài “Xây dựng và sử dụng phần mềm thí nghiệm Vật lí ảo hỗ trợ thực
hành Vật lí chương “Dòng điện không đổi” Vật lí 11 cơ bản Trung học phổ
thông”, tuy khả năng còn hạn chế nhưng với sự lỗ lực, cố gắng của bản thân và
sự hướng dẫn nhiệt tình của TS Phạm Kim Chung nên nhiệm vụ nghiên cứu
mà luận văn đặt ra đã hoàn thành, mục đích nghiên cứu đã đạt như mong
muốn. Kết quả chính của luận văn có thể tóm tắt như sau:
Những kết quả thu được bao gồm:
- Đã phân tích và làm rõ cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu và xây dựng
thí nghiệm thực hành Vật lí ảo hỗ trợ việc dạy và học thực hành thí nghiệm
chương Dòng điện không đổi (Vật lí 11 cơ bản) ở trường THPT.
- Thông qua nghiên cứu và sử dụng phần mềm Flash và một số phần
mềm khác (Snagit, photoshop, TotalvideoConverter,....) tôi đã xây dựng được
bài thí nghiệm thực hành Vật lí ảo hỗ trợ trong tiết thực hành của chương
Dòng điện không đổi.
- Tiến hành thực nghiệm sư phạm với học sinh lớp 11A3 và 11A5 của
trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi, Hưng Yên. Kết quả thực nghiệm
sư phạm đã kiểm nghiệm tính khả thi của việc sử dụng phần mềm thí nghiệm
Vật lí ảo đã thiết kế để hỗ trợ việc dạy và học các tiết thực hành Vật lí ở
trường THPT.
- Đưa ra các nội dung cơ bản cần phải đạt được khi sử dụng thí nghiệm
vật lí ảo trong dạy và học thực hành Vật lí nhằm phát huy tính tích cực, tự lực,
chủ động của học sinh trong việc thực hành.

97
- Đưa ra mối liên hệ giữa phần thực hiện thí nghiệm (thu thập, hệ thống
đầy đủ dữ liệu thực nghiệm, phân tích, xử lí số liệu thực nghiệm, trình bày
mối quan hệ các đại lượng nghiên cứu dưới các dạng khác nhau như biểu
bảng, đồ thị...v..v..) với phần sử dụng thí nghiệm trong việc tổ chức hoạt động
nhận thức tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh trong quá trình tiến hành
các bài thực hành thí nghiệm Vật lí.
Do thời gian tiến hành nghiên cứu của một đề tài Luận văn thạc sĩ có hạn
nên số lần cũng như số lượng học sinh chọn làm thực nghiệm, đối chứng còn
ít. Mặc dù qua việc phân tích định tính và sơ bộ phân tích định lượng cho thấy
tính khả thi và hiệu quả của bài thí nghiệm thực hành ảo đã được xây dựng,
song nếu thực nghiệm trên số lượng lớn học sinh thì việc đánh giá định lượng
có kết quả cao hơn, phổ biến hơn.
Cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn rất nhiều đến TS. Phạm Kim Chung đã
hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình hoàn thành đề tài của mình.

98
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Allan C. Ornstein, Thomas J.Lasley (1990). Các chiến lược để dạy học có
hiệu quả (Bản gốc Strategies for Effective teaching, New York; Bản Tiếng Việt
do ĐHQG HN dịch và lưu hành nội bộ)
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006). Chương trình giáo dục phổ thông, môn Vật
lí. NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007). Tài liệu Bồi dưỡng Giáo viên thực hiện
chương trình, sách giáo khoa lớp 10 THPT.
4. Phạm Xuân Quế (2004), “Xây dựng và sử dụng phần mềm dạy học”, Tạp
chí Giáo dục, (83).
5. Vũ Trọng Rỹ (2005), “Các yêu cầu sư phạm đối với thí nghiệm ảo – sản
phẩm multimedia”, Tạp chí Giáo dục, số 107.
6. Nguyễn Đức Thâm, Nguyễn Ngọc Hưng, Phạm Xuân Quế (2003).
Phương pháp dạy học Vật lí ở trường phổ thông. NXB ĐHSP Hà Nội.
7. Nguyễn Đức Thâm, Nguyễn Ngọc Hưng(2001). Tổ chức hoạt động nhận
thức cho học sinh trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông, Nxb ĐHQGHN, Hà
Nội.
8. Phạm Hữu Tòng (2001). Lý luận dạy học vật lý ở trường trung học. NXB
GD, Hà Nội.
9. Mai Văn Trinh (2001). “Nâng cao hiệu quả dạy học Vật lý ở trường Trung
học Phổ thông nhờ việc sử dụng máy vi tính và các phương tiện dạy học hiện
đại”. Luận án tiến sỹ Giáo dục.
10. Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện Hàn lâm khoa học Sư phạm
CHDC Đức (1983), Phương pháp giảng dạy vật lý trong các trường phổ thông
Liên Xô và Cộng hoà dân chủ Đức, NXB Giáo dục, Hà Nội.
11. Viện Vật lí kỹ thuật (2006). Tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị Vật lí 10.

99
Tiếng Anh
12. A.V. Brioukhanov (1967). India physics secondary shool science teaching
project new delhi. Unesco, Pari, January 1967.
13. Carl J. Wenning (2004). Contrasting Cookbook with Inquiry - Oriented
Labs. Physics Teacher Education Program, Illinois State University.
http://www.phy.ilstu.edu/
14. Dimitris Psillos, Hans Niedderer (2002).Teaching and learning in the
science laboratory. Springer.
15. Avi Hofstein, Vincent N. Lunetta (2003). The laboratory in Science
Eduaction: Foundation for the twenty-Fisrt Century. Wiley Periodicals, Inc.
USA.

100
PHỤ LỤC 1
CÁC CÂU HỎI KIỂM TRA SỬ DỤNG TRONG PHẦN MỀM
I. Phần kiểm tra lý thuyết
Câu 1. Suất điện động của nguồn điện đặc trưng cho
A. khả năng tích điện cho hai cực của nó
B. khả năng dự trữ điện tích của nguồn điện
C. khả năng thực hiện công của nguồn điện
D. khả năng tác dụng lực của nguồn điện
Câu 2. Phát biểu nào sau đây là đúng
A. Trong nguồn điện hoá học (pin, acquy), có sự chuyển hoá từ nội năng
thành điện năng.
B. Trong nguồn điện hoá học (pin, acquy), có sự chuyển hoá từ cơ năng thành
điện năng.
C. Trong nguồn điện hoá học (pin, acquy), có sự chuyển hoá từ hoá năng
thành điện năng.
D. Trong nguồn điện hoá học (pin, acquy), có sự chuyển hoá từ quang năng
thành điện năng.
Câu 3. Đối với mạch điện kín gồm nguồn điện nối với mạch ngoài là điện trở,
khi điện trở thay đổi thì hiệu điện thế mạch ngoài
A. tỉ lệ thuận với cường độ dòng điện chạy trong mạch
B. tăng khi cường độ dòng điện trong mạch tăng
C. giảm khi cường độ dòng điện trong mạch tăng
D. tỉ lệ nghịch với cường độ dòng điện chạy trong mạch
Câu 4. Người ta mắc hai cực của nguồn điện với một biến trở có thể thay đổi
từ 0 đến vô cực. Khi giá trị của biến trở rất lớn thì hiệu điện thế giữa hai cực
của nguồn điện 4,5V. Giảm giá trị của biến trở đến khi cường độ dòng điện
trong mạch là 2A thì hiệu điện thế giữa hai cực của nguồn điện là 2V. Khi đó
biến trở có giá trị 1W. Suất điện động và điện trở trong của nguồn điện và điện
trở trong của nguồn điện là

101
A. E = 4,5V; r = 4,5W B. E = 4,5V; r = 2,5W
C. E = 4,5V; r = 0,25W D. E = 9V; r = 4,5W
Câu 5. Đo suất điện động và điện trở trong của nguồn điện, người ta có thể
dùng cách nào sau đây?
A. Mắc nguồn điện với một điện trở đã biết trị số và một ampe kế tạo thành
một mạch kín. Sau đó mắc thêm một vôn kế giữa hai cực của nguồn điện.
Dựa vào số chỉ ampe kế và vôn kế, ta có thể biết suất điện động và điện trở
trong của nguồn điện.
B. Mắc nguồn điện với một điện trở đã biết trị số tạo thành một mạch kín,
mắc thêm vôn kế vào hai cực của nguồn điện. Dựa vào số chỉ của vôn kế, ta
có thể biết suất điện động và điện trở trong của nguồn điện.
C. Mắc nguồn điện với một điện trở đã biết trị số và một ampe kế tạo thành
một mạch kín. Sau đó mắc vôn kế vào hai cực của nguồn điện. Thay điện trở
nói trên bằng một điện trở khác trị số. Dựa vào số chỉ của ampe kế và vôn kế
trong hai trường hợp, ta có thể biết suất điện động và điện trở trong của nguồn
điện.
D. Mắc nguồn điện với một vôn kế có điện trở rất lớn tạo thành một mạch
kín. Dựa vào số chỉ của vôn kế, ta có thể biết suất điện động và điện trở trong
của nguồn điện.
II. Câu hỏi mở rộng
1. Tác dụng của điện trở R0 trong mạch điện? Nếu giá trị của R0 thay đổi
tăng hoặc giảm thì có ảnh hưởng gì đến kết quả thí nghiệm?
2. Hãy cho biết sự khác nhau của vị trí mắc R0 trong hai sơ đồ sau?

E, r E, r
R0
V V
R0
Rx K A K A
Rx

102
3. Nhược điểm của phương án 3 và cách khắc phục?
4. Dùng đồng hồ vạn năng kiểu điện động (loại kim chỉ thị) và đồng hồ
vạn năng hiện số ở thang Vôn để đo trực tiếp điện thế hai đầu cực pin, thì giá
trị nào gần với suất điện động trong bài thực hành?
5. Nếu thực hiện đo suất điện động của một pin mới và một pin cũ, thì
kết quả nào gần với giá trị thực suất điện động của viên pin đó? Giải thích vì
sao?
6. Khi dùng pin, người ta khuyên không nên dùng liên tục trong khoảng
thời gian quá dài, vì sao như vậy? Em hiểu gì về khái niệm pin “hồi” trong
thực tế?
7. Hãy so sánh đường đặc trưng Vôn-Ampe của điện trở với đường đồ
thị vẽ được theo phương án 1? Với đường vẽ được theo phương án 1, 2 có thể
gọi tên đường đó là đường gì?

103
PHỤ LỤC 2.
KẾ HOẠCH THÍ NGHIỆM
XÁC ĐỊNH SUẤT ĐIỆN ĐỘNG VÀ ĐIỆN TRỞ TRONG
CỦA MỘT PIN ĐIỆN HOÁ

Họ và tên: ..................................................... Ngày sinh: ................................


Lớp: .....................
1. Tìm hiểu, thu thập thông tin
- Theo sách giáo khoa Vật lí 11 cơ bản, có mấy phương án dùng để xác định
suất điện động và điện trở trong của nguồn?

- Em biết những dụng cụ nào dùng cho thí nghiệm? Và sơ đồ dùng cho thí
nghiệm như thế nào?

- Em có phương án khác không? Nếu không thì theo em phương án thí


nghiệm bổ sung trong tài liệu hướng dẫn thí nghiệm của giáo viên có ưu,
nhược điểm gì?

2. Xác định vấn đề


- Phương án 1 và 2 có ưu/ nhược điểm gì?

3. Tìm ý tưởng, lựa chọn và đánh giá


(Thảo luận trong nhóm và xây dựng ý tưởng tiến hành thí nghiệm)
- Mục đích tiến hành thí nghiệm là gì?
Khảo sát thí nghiệm ……………………………………………..
Dạy học các bài ………………………………………………
- Giả thuyết nghiên cứu là gì?
Nếu ………………………………. (thay đổi các biến độc lập)
Thì học sinh sẽ ……………………………….(xác định các biến độc
lập phụ thuộc/ quy luật)
- Những biến số cần xác định là gì?

104
Biến độc lập/ cách đo Biến phụ thuộc/ cách xác định

- Thiết kế thí nghiệm như thế nào? (vẽ sơ đồ thí nghiệm).

- Tiến hành thí nghiệm như thế nào? (liệt kê các bước)

- Những dụng cụ thí nghiệm cần có là gì? Dụng cụ nào đã có? Dụng cụ nào
cần bổ sung?

- Phương án thu thập số liệu như thế nào? (kẻ bảng số liệu)

- Phương án xử lí số liệu như thế nào?

- Những yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của phép đo là gì? Khắc phục
như thế nào?

- Cần làm gì để đảm bảo an toàn trong khi thí nghiệm?

4. Đề xuất

5. Báo cáo thí nghiệm trên phần mềm (làm ở tiết 1 trên máy tính)

105
6. Báo cáo thí nghiệm thật (làm ở tiết 2)

THỰC HÀNH XÁC ĐỊNH SUẤT ĐIỆN ĐỘNG

VÀ ĐIỆN TRỞ TRONG CỦA MỘT PIN ĐIỆN HÓA

Họ và tên:................................................Lớp:..............Nhóm:....................
Ngày làm thực hành:....................................................................................

Báo cáo thí nghiệm có các nội dung sau:

1. Sơ đồ mạch điện tương ứng với phương án 1 và 2 trong thí nghiệm.

2. Tóm tắt các công thức tính toán

a. Phương án 1

b. Phương án 2

3. Dụng cụ gồm có:

4. Kết quả thực hành

Bảng số liệu thực hành (áp dụng phương án 1 và 2)

Rx 100W 90W 80W 70W 60W 50W 40W 30W 20W 10W

5. Xử lý số liệu:

5.1. Xử lí kết quả theo phương án 1.

106
a. Đồ thị

b. Nhận xét

- Dạng đồ thị có giống với hình 12.5 trong SGK không?

- Hệ thức 12.1 trong SGK đối với đoạn mạch chứa nguồn có được
nghiệm đúng không?

c. Xác định: E và r

Từ đồ thị Im và U0 . Suy ra E và r?

5.2. Xử lí kết quả theo phương án 2.

a. Tính các đại lượng tương ứng: với x = R, y = 1/I

b. Đồ thị y=f(x)

c. Nhận xét

- Dạng đồ thị y = f(x) có giống với hình 12.6 trong SGK không?

- Định luật ôm đối với toàn mạch hệ thức 12.2 trong SGK có được
nghiệm đúng không?

c. Xác định: E và r

Từ đồ thị xm và y0 . Suy ra E và r?
3.2. Nhận xét chung về bài thí nghiệm: Em hãy trả lời các câu hỏi sau
o Tại sao cần phải mắc thêm điện trở R0 nối tiếp với pin điện
hoá trong mạch điện?
o Với các dụng cụ thí nghiệm đã cho trong bài này, em có thể
tiến hành theo phương án nào khác nữa? em hãy trình bày
phương án đó?

107
MỘT SỐ HÌNH ẢNH THỰC NGHIỆM

108

You might also like