You are on page 1of 2

Viết bài văn khoảng 500 chữ đánh giá nội dung, nghệ thuật

truyện Thần Trụ Trời - thần thoại Việt Nam

Nhận thức, lí giải về sự hình thành thế giới tự nhiên, thế giới loài người là
khát khao khám phá muôn đời của con người. Với khát khao ấy, người xưa
đã gửi gắm điều mình nhận thức về nguồn gốc các sự vật, hiện tượng..
qua những câu chuyện cổ. Truyện Thần Trụ Trời (Việt Nam) là một trong
những truyện thần thoại ra đời sớm nhất giải thích sự hình thành của bầu
trời, mặt đất, núi non, biển cả..

Cốt truyện Thần Trụ Trời khá đơn giản: Thuở trời đất hỗn mang chưa chia
ranh giới, bỗng xuất hiện một vị thần. Thần đào đất đá dựng cột chống
trời, đến khi bầu trời cứng lại thần liền phá cột đó đi, văng đất đá khắp
nơi.

Như vậy, kiểu nhân vật trong truyện là kiểu nhân vật thần. Viết về đề tài
các vị thần sáng tạo thế giới, truyện Thần Trụ Trời cũng giống như
truyện Thần Sét, Thần Gió, Thần Mưa.. nhưng mỗi câu chuyện lại là một
khám phá mới mẻ, thể hiện một cách lí giải độc đáo về thế giới của người
cổ đại.

Truyện Thần Trụ Trời giải thích nguồn gốc của vũ trụ với các hiện tượng
trong thế giới tự nhiên như trời, đất, núi đồi, cao nguyên, biển cả. Để giải
thích các hiện tượng đó, truyện lấy bối cảnh không gian, thời gian đậm
màu sắc thần thoại: "Thuở ấy chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài
người. Trời đất chỉ là một đám hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo." - một bối
cảnh rất đặc trưng của truyện thần thoại. Bối cảnh ấy là cơ sở để kể về chi
tiết nhân vật thần xuất hiện với nhiệm vụ chính: Phân chia ranh giới trời -
đất. Muôn phân chia được trời, đất, phải có cột chống trời. Muốn dựng
được cột chống trời, nhân vật thần phải có sức khỏe phi thường, sức vóc
khác thường. Đó là cơ sở để kể về vóc dáng và hành động phi thường của
thần trụ trời như đào đất đá, dựng cột, phá cột.. Trời - đất, núi non, biển
cả.. cứ như vậy mà được hình thành theo các việc thần làm. Sự việc nó
nối tiếp sự việc kia, lô - gic và hấp dẫn.

Không chỉ giải thích sự hình thành của thế giới tự nhiên, Thần Trụ Trời còn
thể hiện khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên của người cổ đại. Trong
tâm thức người xưa, thiên nhiên đầy rẫy những điều bí ẩn, có khi hiền
hòa, có khi hung dữ; khi tạo nên điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn, sinh
sống, khi trở thành những khó khăn, nguy hiểm đe dọa cuộc sống con
người. Với thiên nhiên, người cổ đại vừa kính phục, cũng vừa sợ hãi, buộc
họ phải tìm hiểu và giải thích. Thần Trụ Trời ra đời nhằm thỏa mãn nhu
cầu đó của con người.

Điều ta thấy thú vị khi đọc truyện Thần Trụ Trời cũng như các truyện cổ
khác chính là sự tham gia của các yếu tố kì ảo. Yếu tố kì ảo vừa tham gia
vào quá trình phát triển của cốt truyện, vừa tạo nên sức hấp dẫn cho câu
chuyện. Những chi tiết kì ảo ấy dù thể hiện niềm tin ngây thơ của người
xưa vào nguồn gốc của thế giới tự nhiên và thế giới loài người nhưng lại
nói cho chúng ta biết sự tuyệt vời của trí tưởng tượng dân gian. Người xưa
đã không chấp nhận sự vật như nó vốn có, không chấp nhận sự việc như
nó vốn dĩ xảy ra. Họ luôn tìm cách lí giải, và đã lí giải một cách thật kì
diệu. Với người xưa, đất trời không tồn tại hiển nhiên, mà có bàn tay gây
dựng của thần; biển cả không tự nó sinh ra, mà do thần trụ trời đào đất
đá mới thành; núi non cũng không sẵn có, mà do thần quăng đất đá khắp
nơi.. Làm sao mà các sự vật tồn tại từ triệu triệu năm từ thuở hồng hoang
nguyên thủy nào lại khiến người xưa liên tưởng đến những điều thú vị như
vậy? Trí tưởng tượng của con người quả thật không có giới hạn. Đọc
truyện cổ, ta như bước vào một thế giới khác, kì thú và say mê. Đọc
truyện cổ, ta cũng thêm cảm phục vẻ đẹp tuyệt vời của trí tưởng tượng và
trí tuệ dân gian.

Lí giải nguồn gốc sự vật bằng một câu chuyện đậm màu sắc kì ảo, truyện
Thần Trụ Trời mang đến những nhận thức mới mẻ về thế giới. Dù con
người thời nay không còn tin vào cách lí giải của người xưa, nhưng truyện
Thần Trụ Trời nói riêng và kho tàng truyện cổ nói chung vẫn hấp dẫn bạn
đọc muôn đời.

You might also like