You are on page 1of 6

BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC - Bộ quốc triều

hình luật (Lê Triều Hình Luật)

Bộ luật Hồng Đức, bộ luật hình chính thống được hoàn chỉnh ở triều
đại Lê Thánh Tông (Hồng Đức) thế kỉ 15, là bộ luật cổ bằng chữ Hán
còn lưu giữ được tương đối đầy đủ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà
Nội). BQTHL có 13 chương, 722 điều, gồm 6 quyển.

Việc xác định thời điểm ban hành BQTHL vẫn chưa được khẳng định
dứt khoát. Theo ý kiến nhiều nhà sử học thì Bộ luật đã được khởi
thảo từ những năm đầu của triều Lê, được bổ sung, hoàn chỉnh trong
suốt triều Lê, trong đó có những đóng góp to lớn của Lê Thánh Tông.
Đây là Bộ luật tiến bộ trong các bộ luật dưới các triều đại phong kiến
Việt Nam.

Lê Triều Hình Luật: Một bộ Luật cách tân trong lịch sử Việt Nam

Trong quá trình xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập
quyền, nhà Lê đã lấy những quan đIểm của nho giáo làm hệ tư
tưởng, chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp, nhằm thể chế
hoá một nhà nước phong kiến Đại Việt, với truyền thống nhân
nghĩa, yêu nước, thương nòi, lấy dân làm gốc, quan tâm đến đời
sống của muôn dân.

Đó là những yếu tố cơ bản chi phối việc soạn thảo văn bản luật pháp
và biểu hiện ra rất đậm nét trong khắp các chương của bộ hình luật
Lê triều, hay còn gọi là Luật Hồng Đức.

Bộ luật Hồng Đức được lưu lại đến ngày nay bao gồm 13 chương với
722 điều, nội dung cơ bản của bộ luật như sau:

- Giữ cho đất nước luôn ở thế phòng bị đối với quan xâm lược nước
ngoài;
- Giữ nghiêm kỷ cương, phép nước;
- Chấn hưng nông nghiệp, coi nông nghiệp là nền tảng của sự ổn định
kinh tế xã hội;
- Mở rộng giao lưu khuyến khích thương nghiệp lành mạnh;
- Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, bảo vệ quyền lợi tài sản
của dân chống lại sự đục khoét của quan lại sâu mọt;
- Khuyến khích nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục;
- Bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ;
- Chính sách hình sự nghiêm nhưng độ lượng.

* Cách tân về tổ chức bộ máy chính quyền


Vua Lê Thánh Tông đã từng bước một tiến hành những cách tân sâu
sắc về hành chính, về quân sự, và về pháp luật làm cho hoạt động của
bộ máy nhà nước được khôi phục và ngày càng có hiệu lực, đưa đất
nước đi dần vào thế ổn định và kế đó là tạo đà phát triển đi lên một
cách vững chắc.

Về mặt hành chính, nhà Vua đã kiên quyết và kiên trì cải tạo bộ máy
chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Đời Trần chỉ có 4 bộ: Hình, Lại, Binh, Hộ. Đời vua Lê Lợi chỉ có 3 bộ:
Lại, Lễ, Dân (tức Hộ Bộ). Nhà Lê tổ chức thành sáu bộ:

1. Lại Bộ: Trông coi việc tuyển bổ, thăng thưởng và thăng quan tước;
2. Lễ Bộ: Trông coi việc đặt và tiến hành các nghi lễ, tiệc yến, học
hành thi cử, đúc ấn tín, cắt giữ người coi giữ Đình, Chùa, Miếu mạo;
3. Hộ Bộ: Trông coi công việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế
kho tàng, thóc tiền và lương, bổng của quan, binh;
4. Binh Bộ: Trông coi việc binh chính, đặt quan trấn thủ nơi biên
cảnh, tổ chức việc giữ gìn các nơi hiểm yếu và ứng phó các việc khẩn
cấp;
5: Hình Bộ: Trông coi việc thi hành luật, lệnh, hành pháp, xét lại các
việc tù, đày, kiện cáo;
6. Công bộ: Trông coi việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện
thành trì và quản đốc thợ thuyền.

* Giữ cho đất nước luôn ở thế phòng bị đối với quan xâm lược
nước ngoài

Trong bộ luật Hồng Đức có nhiều điều quy định rõ trách nhiệm bảo
vệ đường biên, vùng biển, cửa quan. Các hành vi xâm phạm an ninh
và toàn vẹn lãnh thổ bị trừng trị nghiêm khắc. Trong Bộ luật Hồng
Đức có nhiều điều quy định rõ về việc xử phạt đối với các hành vi ấy.
Ví dụ: "Người trốn qua cửa quan ra khỏi biên giới đi sang nước khác
thì bị chém" (đ.71) hoặc "Những người bán ruộng đất ở bờ cõi cho
người nước ngoài thì bị chém" (đ.74).

Vua Lê Thánh Tông còn ban hành các đạo dụ, những sắc chỉ quy định
việc kê khai, kiểm tra dân số của toàn vương quốc, đặt ra luật lệ về
chế độ binh dịch mà ngày nay chúng ta gọi là Nghĩa vụ quân sự; Đặt
ra phép quân điền cùng với việc xây dựng quân đội chính quy, thiện
chiến làm cho đất nước luôn ở trong tình trạng đầy đủ sức mạnh để
đặt tan mọi mưu toan xâm lược

* Giữ nghiêm kỷ cương phép nước


Người xưa có nói: "Mọi sự rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn về kỷ
cương. Giữ nghiêm kỷ cương là phải giữ gìn từ những kỷ cương hàng
ngày, từ những điều tưởng chừng như là nhỏ nhặt nhất. Kỷ cương
nhỏ nhặt nhất không giữ được thì làm sao giữ nổi kỷ cương phép
nước".

Khi ban hành dụ: "Hiệu định quan chế", nhà vua đã nói rõ:"Từ nay
con cháu ta nên biết thể chế này ban hành là do việc bất đắc dĩ. Một
khi pháp độ đã định, nên kính giữ noi theo. Chớ có cậy thông minh,
bàn xằng triều trước mà sửa đổi làm cho pháp điển ngửa nghiêng để
tự hãm vào điều bất hiếu.

Kẻ làm bầy tôi giúp giập, cũng nên kính giữ phép thường, cố giúp
mãi vua ngươi, khiến noi công trước, để mãi tránh khỏi tội lỗi. Bằng
dám có dẫn xằng phép trước, luận càn đến một quan, đối một chức,
chính thị là bầy tôi phản nghịch, làm rối loạn phép nước thì bị giết bỏ
giữa chợ không thương, gia thuộc đều bị đầy ra nơi biên viễn để rõ
cái tội làm tôi không trung, ngỏ hầu muôn đời sau biết đến cái ý sáng
chế lập pháp còn ngự ở đấy vậy".

Vua Lê Thánh Tông đặc biệt đề cao trách nhiệm của quan lại. Ông
nói: "Các quan viên là những người gân guốc của xóm làng nhờ đó
mà chính được phong tục. Vậy phải lấy lễ, nghĩa, liêm, sĩ mà dạy dân
khiến cho dân xu hướng về chữ nhân, chữ nhượng, bỏ hết lòng gian
phi, để cho dân được an cư, lạc nghiệp, giàu có đông đúc, mình cũng
được tiếng là người trưởng giả trong làng".

* Chấn hưng nông nghiệp, coi nông nghiệp là nền tảng của sự ổn
định kinh tế xã hội

Dưới chế độ phong kiến, nông nghiệp là nền tảng của xã hội. Quả là
đúng, khi Nhà Vua anh minh ấy, ngay từ ngày đầu lên trị vì đã lấy
việc mở mang nông nghiệp làm trọng.

Trước hết, trong việc cải cách hành chính, Nhà Vua đã đặt ra các cơ
quan chuyên trách về việc chấn hưng nông nghiệp như đặt ra bốn cơ
quan mới: Sở tầm tang chuyên chăm lo khuyến khích việc trồng dâu
nuôi tằm, dệt lụa; Sở thực thái chuyên lo việc trồng rau; Sở điền mục
chuyên lo việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và Sở đồn điền chuyên lo
việc ruộng đất. ông còn đặt thêm chức quan mới: Quan Hà đê để
chăm lo việc đắp đê, hộ đê, phòng chống bão lụt.

You might also like