You are on page 1of 11

ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN – ĐÙI

MỤC TIÊU
1. Mô tả được ống bẹn, ống đùi và quan niệm của Fruchaud trong điều trị thoát vị bẹn - đùi.
2. Mô tả được nguyên tắc điều trị thoát vị bẹn – đùi.
3. Trình bày được các đặc điểm kỹ thuật, ưu và nhược điểm của các phương pháp: Bassini,
McVay, Lichtenstein, TAPP và TEP.
4. Nêu được 8 yêu cầu của một mảnh ghép nhân tạo và trình bày được ưu và nhược điểm
của việc dùng mảnh ghép nhân tạo trong phẫu thuật điều trị thoát vị.
5. Nêu được hướng điều trị và lựa chọn được phương pháp phẫu thuật cho các trường hợp
thoát vị bẹn – đùi.

NỘI DUNG BÀI GIẢNG


1. SƠ LƯỢC VỀ GIẢI PHẪU HỌC VÙNG BẸN
Vùng bẹn là khu vực thuộc về thành bụng trước dưới, là ranh giới giữa bụng và đùi. Ống
bẹn và ống đùi đều là thành phần của lỗ cơ lược, được giới hạn bởi: phía trên là cơ chéo
trong và cơ ngang bụng, phía ngoài là cơ thắt lưng chậu, phía trong là cơ thẳng bụng, và phía
dưới là ngành trên xương mu. Vùng này được dây chằng bẹn chia ra làm hai phần: phần trên
là vùng bẹn có thừng tinh chạy qua, phần dưới là vùng đùi có bó mạch đùi chạy qua. Thoát
vị vùng bẹn – đùi thực chất là thoát vị lỗ cơ lược, trong đó tùy theo túi thoát vị có thể chui
ra bên trên hoặc dưới dây chằng bẹn mà ta gọi là thoát vị bẹn hay thoát vị đùi.

Thoát vị bẹn
gián tiếp

Thoát vị bẹn
trực tiếp

Thoát vị đùi

Hình 1: Thoát vị bẹn – đùi (Nguồn: www.vesalius.com)


1.1. Ống bẹn
Ống bẹn là một khe nằm xen giữa các lớp cân cơ thành bụng vùng bẹn, đi chếch theo hướng
từ sau ra trước, từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong. Có thể tưởng tượng ống bẹn như
là một ống hình trụ với hai đầu là hai lỗ bẹn sâu và lỗ bẹn nông, còn thân ống được bao
quanh bởi 4 thành:
Thành trước là phần dưới của cân cơ chéo bụng ngoài.
Thành sau có mạc ngang và một ít thớ của cân cơ ngang bụng (phía trong). Động mạch
thượng vị dưới chia thành sau ống bẹn thành hai phần là hố bẹn ngoài và hố bẹn trong.
Thành trên có bờ dưới cơ chéo trong và cơ ngang bụng, bờ dưới hai cơ này có thể dính nhau
ở gần đường giữa gọi là gân kết hợp.
Thành dưới có dây chằng bẹn và dải chậu mu.
Cơ chéo bụng ngoài
Các mạch máu tinh hoàn và nhánh sinh dục thần kinh sinh dục đùi Cơ chéo bụng trong
Ống dẫn tinh Cơ ngang bụng
Các mạch máu cơ bìu Mạc ngang
Các mạch máu chậu ngoài được phủ bởi phúc mạc Lớp mỡ tiền
Ống dẫn tinh được phủ bởi phúc mạc phúc mạc

Các mạch máu thượng vị dưới Phúc mạc

Bàng quang
Cơ thẳng bụng

Các lỗ
Gai chậu
bẹn nông
trước trên

Mạc tinh
trong trên
thừng tinh
Thần kinh chậu bẹn

Thừng tinh

Các mạch máu đùi

Củ mu Cơ bìu và mạc
trên thừng tinh
Mạc tinh ngoài
bọc thừng tinh
Dây chằng bẹn
Hình 2: Ống bẹn và thừng tinh
(Nguồn: Atlas giải phẫu người, NXB Y học, 1999, Frank H. Netter)
1.2. Ống đùi
Ống đùi là một khoang được giới hạn bởi phía trên là vòng đùi và ở dưới là mạc sàng có lỗ
tĩnh mạch hiển lớn.
Vòng đùi được giới hạn ở phía trước là dây chằng bẹn, ở trong là dây chằng khuyết, bên
ngoài là tĩnh mạch đùi và ở sau là dây chằng Cooper cùng mào lược xương mu.
1.3. Quan niệm của Fruchaud
Fruchaud quan niệm mọi thoát vị ở vùng bẹn – đùi là do sự khiếm khuyết của lỗ cơ lược,
vốn chỉ được che phủ bởi mạc ngang. Mạc ngang bị yếu không chịu được sự phồng ra của
phúc mạc là nguyên nhân của thoát vị.
Ở nam giới, trong quá trình di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu đã làm rộng lỗ cơ
lược, đồng thời tạo nên ống phúc tinh mạc khiến cho dễ bị thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp.
Trong khi đó ở nữ giới, tiến trình phát triển khung chậu khác hẳn ở nam giới khiến lỗ đùi
rộng ra và đây có lẽ là lý do khiến thoát vị đùi thường thấy ở nữ hơn. Vì vậy, nếu dùng một
cấu trúc nào đó để làm bít lỗ cơ lược thì sẽ điều trị được tất cả thoát vị ở vùng này.
2. CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu, được chỉ định khi:
2.1. Gây khó chịu, cản trở lao động, sinh hoạt
Chỉ chống chỉ định phẫu thuật khi toàn trạng bệnh nhân quá kém hoặc có bệnh nặng kèm
theo làm nguy cơ phẫu thuật tăng cao, có thể tử vong. Ngoài ra, thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh
thường chưa có chỉ định phẫu thuật (nếu không có biến chứng) vì ống phúc tinh mạc có thể
tự bít dần trong vòng 1 năm sau sinh.
2.2. Có biến chứng
Đối với thoát vị kẹt, có thể sắp xếp phẫu thuật chương trình sau khi đã giải quyết đến mức
cao nhất các yếu tố nguy cơ. Trong khi đó, cần phẫu thuật cấp cứu khi bệnh nhân bị chấn
thương tạng thoát vị, hoặc khi thoát vị nghẹt dẫn đến hoại tử tạng thoát vị.
3. NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ
3.1. Điều trị toàn diện
Thoát vị bẹn – đùi hình thành do sự khiếm khuyết của lỗ cơ lược. Ngoài ra, đôi khi còn có
sự tăng áp lực ổ bụng phối hợp, vốn là yếu tố thuận lợi dẫn đến tái phát. Vì vậy, để tránh tái
phát, bên cạnh việc phẫu thuật phục hồi thành bụng, cần chú ý phát hiện và loại trừ (nếu có)
những bệnh lý gây tăng áp lực ổ bụng.
3.2. Mục đích phẫu thuật
3.2.1. Loại bỏ hoặc bít túi thoát vị
Sau khi giải phóng tạng thoát vị (đưa tạng thoát vị vào lại trong ổ bụng, hoặc cắt bỏ nếu hoại
tử), cần xử lý túi thoát vị. Cụ thể là: trong thoát vị bẹn gián tiếp, phải cắt ngang và khâu bít
cổ túi; trong thoát vị bẹn trực tiếp, thoát vị đùi và thoát vị trượt thì không cần cắt bỏ mà chỉ
cần lộn túi thoát vị vào trong là đủ.
3.2.2. Tạo hình thành bụng
Có thể là không cần thiết đối với thoát vị bẹn ở trẻ em nhưng là bắt buộc đối với thoát vị ở
người trưởng thành. Mục đích là tăng cường sức chịu lực của thành bụng, vốn đã yếu nay
lại càng yếu thêm do bị khối thoát vị nong rộng ra. Tùy theo phương pháp phẫu thuật, có thể
chỉ tạo hình ở một phần (bẹn hoặc đùi) hay toàn bộ lỗ cơ lược, bằng mô tự thân hay bằng
mảnh ghép nhân tạo.
4. TẠO HÌNH VÙNG BẸN – ĐÙI BẰNG MÔ TỰ THÂN
Có rất nhiều phương pháp tạo hình vùng bẹn – đùi bằng mô tự thân, tùy thuộc vào các cấu
trúc mô sử dụng, cách kết hợp và sắp xếp các cấu trúc này, ngả tiếp cận, … Dưới đây là
những phẫu thuật thường được áp dụng.
4.1. Marcy
Đây là phương pháp tạo hình bằng mô tự thân đơn giản nhất. Phẫu thuật này chỉ nhằm khâu
mạc ngang với mạc ngang để đóng hẹp lỗ bẹn sâu. Như vậy, phẫu thuật Marcy không thích
hợp cho thoát vị bẹn gián tiếp lớn, và rõ ràng là không có tác dụng đối với thoát vị bẹn trực
tiếp và thoát vị đùi.
Cân cơ chéo bụng ngoài

Cơ chéo bụng trong


và cơ ngang bụng

Mạc ngang

Hình 3: Phẫu thuật Marcy


(Nguồn: ACS Surgery: Principles and Practice, WebMD Inc., 2003)
4.2. Bassini
Đây là phẫu thuật điển hình và phổ biến nhất trong nhóm phẫu thuật tạo hình có sử dụng dây
chằng bẹn. Lớp khâu tạo hình gồm 3 lớp (cơ chéo bụng trong, cơ ngang bụng và lá trên của
mạc ngang) khâu vào dây chằng bẹn bằng các mũi khâu rời. Thừng tinh được đặt ở giữa lớp
khâu tạo hình và cơ chéo ngoài nên vẫn giữ được hướng đi chéo như bình thường (từ lỗ bẹn
sâu ở lớp tạo hình đến lỗ bẹn nông ở cơ chéo ngoài), sẽ giúp chống lại lực đẩy tạng theo
hướng từ sau ra trước khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng.

Cân cơ chéo bụng ngoài

Cơ chéo bụng trong

Dây chằng bẹn Cơ ngang bụng

Mạc ngang

Hình 4: Phẫu thuật Bassini


(Nguồn: Schwartz’s Principles of Surgery, 10th Edition, McGraw-Hill Education, 2015)
4.2.1. Ưu điểm
- Kỹ thuật mổ đơn giản, dễ làm, ít gây tai biến phạm bó mạch đùi.
- Hiệu quả đối với thoát vị bẹn gián tiếp và trực tiếp.
4.2.2. Nhược điểm
- Dây chằng bẹn khá lỏng lẻo (do chỉ được cố định ở hai đầu là gai chậu trước trên và
củ mu) và là cấu trúc thuộc lớp nông, nên lớp khâu tạo hình kém vững và không hợp
sinh lý khi khâu vào cơ ngang (vốn là cấu trúc thuộc lớp sâu).
- Không có tác dụng điều trị thoát vị đùi.
4.3. Shouldice
Phẫu thuật Shouldice cũng sử dụng lớp khâu tạo hình gồm 3 lớp (cơ chéo bụng trong, cơ
ngang bụng và lá trên của mạc ngang) tương tự Bassini, nhưng thay vì khâu vào dây chằng
bẹn thì Shouldice khâu chồng lên lớp dải chậu mu – dây chằng bẹn, như vậy đã làm dày
thêm lớp mạc ngang so với phẫu thuật Bassini. Sau đó, Shouldice tiếp tục khâu gấp chung 2
lớp (cơ chéo bụng trong và cơ ngang bụng) vào dải cân cơ chéo ngoài (sát dây chằng bẹn),
cuối cùng tạo thành 4 lớp tạo hình. Các mũi khâu vắt được sử dụng giúp phân bố lực đều,
đồng thời tránh được chỗ khuyết có thể xuất hiện giữa các mũi khâu rời dễ gây tái phát. Với
tỷ lệ tái phát tại Shouldice Clinic sau 5 năm là < 1% (1998), phẫu thuật Shouldice từng là
tiêu chuẩn vàng trong lịch sử mổ thoát vị bẹn.

Cân cơ chéo bụng ngoài Cân cơ chéo


Cơ chéo bụng trong bụng ngoài
Cơ ngang bụng
Mạc ngang
Dây chằng bẹn
Dải chậu mu
Đường khâu thứ nhất Đường khâu thứ hai

Đường khâu thứ ba Đường khâu thứ tư

Hình 5: Phẫu thuật Bassini


(Nguồn: Mastery of Surgery, 5th Edition, Lippincott Williams & Wilkins, 2007)
Ngoài ra, trong trường hợp thoát vị trực tiếp lớn hay thoát vị đùi, Shouldice chủ trương khâu
phục hồi thành bẹn sau làm 4 lớp kinh điển như trên kết hợp với khâu bít lỗ đùi (khâu dây
chằng bẹn vào dây chằng Cooper).
4.4. McVay
Phẫu thuật McVay cũng tương tự như Bassini nhưng sử dụng dây chằng Cooper thay cho
dây chằng bẹn. Các mũi khâu rời được bắt đầu từ củ mu, theo dây chằng Cooper đi ra ngoài,
làm hẹp dần vòng đùi. Mũi khâu tại vị trí sát bờ trong của bao mạch đùi được gọi là mũi
khâu chuyển, vì mũi khâu này bao gồm cả lá trước bao mạch đùi và dây chằng bẹn. Sau đó,
việc tạo hình thành bụng được tiếp tục như trong phương pháp Bassini.
Cung cân cơ ngang bụng

Lá trước bao mạch đùi

Dây chằng Cooper

Dây chằng bẹn

Hình 6: Phẫu thuật McVay


(Nguồn: ACS Surgery: Principles and Practice, WebMD Inc., 2003)
4.4.1. Ưu điểm
- Dây chằng Cooper khá chắc và là cấu trúc thuộc lớp sâu, nên lớp khâu tạo hình sẽ
vững và hợp sinh lý hơn so với những phương pháp sử dụng dây chằng bẹn.
- Làm bít toàn bộ lỗ cơ lược nên có tác dụng điều trị cho cả thoát vị bẹn và thoát vị đùi.
4.4.2. Nhược điểm
- Do khoảng cách từ cung cân cơ ngang đến dây chằng Cooper khá xa nên đường khâu
dễ bị căng, gây đau sau mổ. Để giảm căng, thường cần phải thực hiện thêm đường
rạch dãn trên bao cơ thẳng bụng.
- Tai biến quan trọng nhất của phẫu thuật McVay là phạm bó mạch đùi.
- Kỹ thuật mổ khó khăn.
4.5. Nyhus
Khác với các phương pháp đã mô tả ở trên, phẫu thuật Nyhus được thực hiện theo ngả sau
hay còn gọi là ngả tiền phúc mạc. Bắt đầu bằng đường mổ ngang ở phía trước bờ ngoài cơ
thẳng bụng, qua các lớp cân cơ chéo bụng ngoài, cơ chéo bụng trong và cơ ngang bụng đến
khoang tiền phúc mạc. Phúc mạc sẽ được bóc tách ra khỏi mặt sau của lớp cân cơ thành bụng
từ trong ra ngoài cho tới lỗ bẹn sâu. Sau khi đã giải phóng xong túi thoát vị, việc phục hồi
thành bẹn được thực hiện bằng cách khâu cung cân cơ ngang bụng với dải chậu mu nếu là
thoát vị bẹn, với dây chằng Cooper nếu là thoát vị đùi.
Cân cơ chéo bụng ngoài

Cơ chéo bụng trong và cơ ngang bụng

Cơ thẳng bụng

Hình 7: Phẫu thuật Nyhus


(Nguồn: Schwartz’s Principles of Surgery, 8th Edition, McGraw-Hill Education, 2007)
Phẫu thuật Nyhus ít được áp dụng vì kỹ thuật mổ khó khăn, nhất là đối với những thoát vị
lớn hoặc có biến chứng kẹt hay nghẹt; trong khi tỷ lệ tái phát không tốt hơn phương pháp
Bassini vốn dễ làm hơn.
Tuy nhiên, ưu điểm của phẫu thuật này là:
- Mổ khá dễ dàng đối với thoát vị bẹn – đùi tái phát mà lần mổ trước đã đi theo ngả cổ
điển gây dính nhiều khiến ta khó mổ lại theo ngả này.
- Có thể kết hợp cùng lúc với mổ bàng quang hay tiền liệt tuyến.
Ngày nay, cùng với sự xuất hiện và phát triển của mảnh ghép nhân tạo, người ta nhận thấy
việc sử dụng mảnh ghép ở vùng tiền phúc mạc cho kết quả tốt hơn. Vì vậy, trong trường hợp
có chống chỉ định sử dụng mảnh ghép, hầu hết phẫu thuật viên chọn phương pháp phục hồi
thành bẹn theo ngả trước.
5. TẠO HÌNH VÙNG BẸN – ĐÙI BẰNG MẢNH GHÉP NHÂN TẠO
5.1. Ưu – nhược điểm của việc dùng mảnh ghép nhân tạo
5.1.1. Ưu điểm:
- Hầu như không gây căng nên bệnh nhân ít đau hơn, nhờ vậy hồi phục nhanh hơn sau
mổ so với các phẫu thuật kinh điển dùng mô tự thân.
- Cũng do không căng nên mô không bị thiếu máu nuôi dẫn đến hình thành sẹo tốt nên
ít bị tái phát hơn.
- Sau mổ 1- 3 tháng, mảnh ghép nhân tạo sẽ được tổ chức hóa, tạo nên một lớp cân mới
rất chắc. Điều này rất cần thiết cho những người mà cân tự thân mỏng và yếu, vốn
không đủ khả năng chịu lực nếu mổ theo các phương pháp phục hồi thành bụng bằng
mô tự thân.
5.1.2. Khuyết điểm
- Việc dùng mảnh ghép nhân tạo đòi hỏi điều kiện phòng mổ phải vô trùng thật tốt, vì
khi nhiễm trùng xảy ra sẽ rất khó điều trị, có khi phải tháo bỏ mảnh ghép.
- Phải mất thêm chi phí cho mảnh ghép, vẫn là một vấn đề cần cân nhắc ở bệnh nhân
nghèo.
5.2. Yêu cầu của một mảnh ghép nhân tạo
Từ những năm 1950, Cumberland và Scales đã phát triển 8 yêu cầu không thể thiếu của một
mảnh ghép nhân tạo lý tưởng là:
- Không bị biến đổi về mặt vật lý học bởi dịch mô.
- Trơ về mặt hóa học.
- Không gây phản ứng viêm hoặc phản ứng loại bỏ mảnh ghép.
- Không gây ung thư.
- Không gây dị ứng hoặc quá cảm.
- Chịu được lực căng cơ học.
- Có thể tạo ra theo hình dạng mong muốn.
- Có thể tiệt trùng được.
Việc đặt mảnh ghép để điều trị thoát vị có thể thực hiện qua kỹ thuật mổ mở hoặc qua kỹ
thuật mổ nội soi.
5.3. Phẫu thuật mở đặt mảnh ghép
Có nhiều kỹ thuật mổ khác nhau với các loại mảnh ghép khác nhau, dưới đây là 3 phương
pháp phổ biến nhất.
5.3.1. Rutkow
Trong phương pháp, một mảnh nút chận hình dù mở (được chế tạo sẵn hay dùng mảnh ghép
phẳng xếp lại) được dùng để nhét vào lỗ bẹn sâu (thoát vị bẹn gián tiếp), hay chỗ yếu ở sàn
bẹn sau (thoát vị bẹn trực tiếp) hoặc lỗ đùi (thoát vị đùi), rồi cố định nút chận này vào mô
chắc xung quanh bằng vài mũi khâu rời. Việc đặt thêm một mảnh ghép phẳng ôm thừng tinh
và che sàn bệnh (không cần khâu cố định) chỉ nhằm mục đích phòng ngừa cho những trường
hợp thoát vị hỗn hợp. Tỷ lệ tái phát < 1%.
Cân cơ chéo bụng ngoài Mảnh ghép phẳng
đặt thêm

Nút chận

A. Nút chận xếp từ mảnh


ghép phẳng
B. Nút chận được nhét vào lỗ bẹn sâu
C. Sau khi đặt thêm mảnh ghép phẳng

Hình 8: Kỹ thuật dùng nút chận của Rutkow


(Nguồn: Schwartz’s Principles of Surgery, 10th Edition, McGraw-Hill Education, 2015)
5.3.2. Lichtenstein
Phẫu thuật Lichtenstein chủ yếu dựa vào việc đặt và khâu cố định một mảnh ghép tăng cường
cho thành sau ống bẹn vào những mô cân chắc xung quanh, mảnh ghép này được xẻ đôi và
khâu lại để ôm sát thừng tinh tại lỗ bẹn sâu. Tỷ lệ tái phát thấp, chỉ có 0,6%.
Mảnh ghép Cân cơ chéo bụng ngoài

Thừng tinh

Hình 9: Phẫu thuật Lichtenstein


(Nguồn: ACS Surgery: Principles and Practice, BC Decker Inc., 2009)
5.3.3. Kỹ thuật dùng mảnh ghép đôi
Trong phương pháp này, mảnh ghép gồm có hai lớp được đặt ở vùng bẹn (một ở sau và
một ở trước mạc ngang) nối với nhau bằng một chốt ở giữa. Kỹ thuật này khá đơn giản và
cho kết quả tốt tương đương phương pháp Lichtenstein.

Hình 10: Mảnh ghép đôi Hình 11: Kỹ thuật dùng mảnh ghép đôi
(Nguồn: www.3chirurgen.de) (Nguồn: Mastery of Surgery, 5th Edition,
Lippincott Williams & Wilkins, 2007)

5.4. Phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép


5.4.1. Ưu – nhược điểm của phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép
5.4.1.1. Ưu điểm
- Đường mổ nhỏ nên bệnh nhân ít đau sau mổ hơn so với mổ mở.
- Sẹo mổ nhỏ nên thẩm mỹ hơn.
5.4.1.2. Khuyết điểm
- Kỹ thuật phức tạp hơn mổ mở nên thời gian phẫu thuật kéo dài hơn.
- Tốn kém hơn mổ mở do phải dùng nhiều trang thiết bị đắt tiền.
- Phải gây mê nên làm tăng nguy cơ phẫu thuật và kéo dài thời gian hồi phục sau mổ.
5.4.2. Phẫu thuật nội soi qua ổ bụng (TAPP: TransAbdominal PrePeritoneal)
Phương pháp này sẽ đi vào ổ bụng, sau đó ngang qua phúc mạc vùng bẹn để vào khoang tiền
phúc mạc, lộn túi thoát vị vào trong bụng rồi đặt mảnh ghép chồng lên thừng tinh hoặc ôm
lấy thừng tinh. Mảnh ghép trong trường hợp này được cố định bằng clip bấm và hoàn toàn
nằm ngoài phúc mạc (phúc mạc sẽ được khâu lại che mảnh ghép).

Hình 12: Vạt phúc mạc được kéo lại để cố định nhằm che phủ hoàn toàn mảnh ghép trong
khoang tiền phúc mạc (Nguồn: ACS Surgery: Principles and Practice, BC Decker Inc.,
2009)
5.4.3. Phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc (TEP: Total Extra-Peritoneal)
Trong phương pháp này, da và cân cơ được rạch đến trước phúc mạc ở đường giữa, sau đó
tiếp tục bóc tách khoang tiền phúc mạc về phía vùng bẹn và đặt mảnh ghép che chỗ yếu.

Hình 13: Phẫu thuật TEP: khoang tiền phúc mạc đã được bóc tách
(Nguồn: ACS Surgery: Principles and Practice, BC Decker Inc., 2009)
Ưu điểm của phẫu thuật TEP là tránh được thương tổn các nội tạng trong bụng, tránh dây
dính cũng như tránh được nguy cơ mảnh ghép gây rò ruột. Tuy nhiên, phương pháp này
khó thực hiện do phẫu trường hẹp, khó định hướng và dễ làm thủng phúc mạc, nhất là khi
có đường mổ cũ dưới rốn (ví dụ như mổ ruột thừa).
Nhìn chung, tuy rằng mổ khó hơn nhưng nếu được thực hiện bởi phẫu thuật viên có kinh
nghiệm, kết quả của TEP lại tốt hơn TAPP về mặt biến chứng cũng như tỷ lệ tái phát.
6. TIÊN LƯỢNG
Tiên lượng của thoát vị bẹn – đùi không biến chứng nhìn chung là tốt, vì bệnh chủ yếu gây
khó chịu trong sinh hoạt mà không ảnh hưởng đến tính mạng.
Tuy nhiên, thoát vị nghẹt lại thực sự nguy hiểm cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Nếu
được mổ sớm, tiên lượng tốt như thoát vị không biến chứng; ngược lại, nếu mổ trễ khi đã
có hoại tử tạng thoát vị (thường là ruột), thì tiên lượng xấu hẳn đi, có thể tử vong.
TÓM TẮT BÀI
Điều trị thoát vị bẹn – đùi chủ yếu là phẫu thuật, sắp xếp mổ chương trình đối với thoát vị
không biến chứng, sau khi đã cân nhắc toàn trạng bệnh nhân và giải quyết đến mức cao
nhất các yếu tố nguy cơ; ngược lại cần mổ cấp cứu khi có biến chứng nghẹt hoặc chấn
thương tạng thoát vị. Mục đích phẫu thuật là loại bỏ hoặc bít túi thoát vị, sau đó tạo hình
thành bụng.
Có rất nhiều phương pháp tạo hình thành bụng. Các phương pháp phẫu thuật tạo hình vùng
bẹn – đùi bằng mô tự thân được biết đến nhiều gồm có: Marcy, Bassini, Shouldice,
McVay, Nyhus, … Phẫu thuật tạo hình vùng bẹn – đùi bằng mảnh ghép nhân tạo có thể
thực hiện qua mổ mở (Rutkow, Lichtenstein, sử dụng mảnh ghép đôi, …) hoặc qua mổ nội
soi (thông dụng nhất hiện nay là TAPP và TEP). Nhóm phẫu thuật tạo hình bằng mảnh
ghép nhân tạo với những ưu điểm vượt trội đã trở thành chọn lựa hàng đầu hiện nay, trừ
những trường hợp thoát vị nghẹt có nguy cơ nhiễm trùng.
TỪ KHÓA
Thoát vị bẹn trực tiếp, thoát vị bẹn gián tiếp, thoát vị đùi, thoát vị nghẹt, tạo hình thành
bụng, Marcy, Bassini, Shouldice, McVay, Nyhus, Rutkow, Lichtenstein, TAPP, TEP,
mảnh ghép nhân tạo.
CÂU HỎI TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Thoát vị cần phải mổ vì:.
A. Gây khó chịu trong sinh hoạt
B. Đe dọa nghẹt hay nghẹt.
C. Bị kẹt.
D. Tất cả đều đúng.
2. So sánh giữa kỹ thuật kinh điển của Bassini và Shouldice, CHỌN CÂU SAI:
A. Bassini chỉ điều trị được thoát vị bẹn, còn Shouldice điều trị được cả thoát vị bẹn
lẫn thoát vị đùi.
B. Bassini khâu một lớp còn Shouldice khâu 4 lớp.
C. Cùng sử dụng dây chằng bẹn.
D. Cùng sử dụng: mạc ngang, cơ ngang bụng và cơ chéo bụng trong.
3. So sánh giữa Bassini và McVay, CHỌN CÂU SAI:
A. Cùng có tác dụng tạo hình thành bẹn sau.
B. Cùng điều trị thoát vị bẹn và thoát vị đùi.
C. Bassini dùng dây chằng bẹn, còn McVay dùng dây chằng Cooper.
D. Kỹ thuật McVay khó làm hơn Bassini.
4. Yêu cầu của một mảnh ghép nhân tạo theo Cumberland và Scales, CHỌN CÂU SAI:
A. Không gây ung thư.
B. Không gây phản ứng viêm hay thải ghép.
C. Đề kháng với nhiễm trùng.
D. Trơ về mặt hóa học.
5. Một bệnh nhân nam, 45 tuổi, nhập viện vì khối phồng vùng bẹn 2 bên, được chẩn đoán
là thoát vị bẹn trực tiếp 2 bên. Bệnh nhân có tổng trạng tốt, không bệnh lý khác đi kèm.
Phẫu thuật được lựa chọn là:
A. Bassini
B. Shouldice
C. Lichtenstein
D. TEP
ĐÁP ÁN
1. D – Thoát vị ảnh hưởng đến sinh hoạt và có biến chứng đều cần phải phẫu thuật.
2. A – Kỹ thuật Shouldice kinh điển không điều trị được thoát vị đùi. Trong trường hợp
thoát vị trực tiếp lớn hay thoát vị đùi, bên cạnh việc khâu phục hồi thành bẹn sau làm 4
lớp kinh điển, Shouldice chủ trương kết hợp thêm khâu bít lỗ đùi (khâu dây chằng bẹn
vào dây chằng Cooper).
3. B – Phẫu thuật Bassini không điều trị được thoát vị đùi.
4. C – Xem phần 5.2.
5. D – Bệnh nhân không có chống chỉ định sử dụng mảnh ghép nhân tạo (không có nguy
cơ nhiễm trùng), cũng không có chống chỉ định phẫu thuật nội soi (tổng trạng tốt, không
bệnh lý khác đi kèm), nên lựa chọn phẫu thuật TEP sẽ có lợi về đường mổ hơn khi điều
trị thoát vị bẹn 2 bên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Vương Thừa Đức (2007). “Điều trị thoát vị vùng bẹn – đùi”. Điều trị học ngoại khoa
tiêu hóa, Nhà xuất bản Y học, TP.HCM, tr. 221-233.
2. Bendavid R (2007). “The Shouldice Method of Inguinal Herniorrhaphy”. Mastery of
Surgery, 5th Edition, Lippincott Williams & Wilkins, Vol. II, pp. 1888-1898.
3. Bergman S, Feldman LS (2009). “Inguinal hernia repair”. ACS Surgery: Principles
and Practice, BC Decker Inc, pp. 1187-1207.
4. Malangoni MA, Rosen MJ (2012). “Hernias”. Sabiston Textbook of Surgery, 19th
Edition, Elsevier Saunders, pp. 1114-1138.
5. Wagner JP, Brunicardi FC, Amid PK, Chen DC (2015). “Inguinal hernias”. Schwartz’s
Principles of Surgery, 10th Edition, McGraw-Hill Education, pp. 1495-1517.

You might also like