You are on page 1of 3

Rượu và văn hóa

Rượu có từ bao giờ? Chưa có ai trả lời được câu hỏi ấy, mà chúng ta chỉ biết rằng: Từ

thời xa xưa, các tộc người còn sống hoang dã, còn chưa hề biết đến sự giao lưu, thì mỗi

tộc người đều có cách làm rượu riêng của mình. Phải chẳng, rượu đồng nghĩa với sự sống

của các dân tộc? Vui thì có rượu chia vui, buồn thì có rượu giải buồn. Tang ma, cưới hỏi,

tết nhất, giỗ chạp, lúc sống, lúc chết… con người ta đều cặp kè với rượu.

Gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như từ thực tế cuộc sống, hẳn

không ai phủ nhận tác hại của rượu đối với con người và chuẩn mực đạo đức của xã hội

nếu không biết tự kìm chế. Rượu vào lời ra, dẫn đến cãi vã, xô xát. Có chuyện lúc tỉnh

người xem ra bình thường, nhưng khi có rượu vào thì không còn kiềm chế được mình

nữa, hậu quả xảy ra khó lường trước được.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng thường bắt gặp: Một nhóm bạn thân rủ nhau đi

nhậu và khi đã say bí tỉ thì không còn phân biệt được ai là bạn, ai là thù nữa. Cuối cùng là

lời qua, tiếng lại, nói năng lỗ mãng, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, làm cho huynh đệ

tương tàn; Rồi bố con "ăn thua đủ với nhau" cũng vì rượu; Vợ chồng cơm không lành,

canh không ngọt cũng vì rượu, đôi khi anh em chém giết lẫn nhau, xóm giềng mất đoàn

kết cũng vì rượu… Và rượu còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra các chứng bệnh nghiêm

trọng: Xơ gan, cổ chướng, đau dạ dày… ngoài những tác hại trực tiếp đến cơ thể con

người, rượu còn là một trong những nguyên nhân khách quan, kể cả chủ quan làm băng

hoại đạo đức xã hội. Đó là chưa nói đến những tai nạn nguy hiểm do rượu gây ra: Khi có

rượu thì người ta không còn tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông của mình,

chạy loạn xạ, kết quả là tai nạn giao thông xảy ra, đôi khi đe dọa đến cả tính mạng con

người… Vậy rượu có hại? Chúng ta nên xa lánh nó?

Nói gì thì nói, chúng ta cũng không thể phủ nhận là uống rượu, hay dân gian thường nói

là nhậu, thì rất phí thời gian và tiền bạc, đôi khi làm cái thần trí ta kém minh mẫn nữa.

Nhưng nếu có hại hoàn toàn thì tại sao tự cổ chí kim, từ đông sang tây người ta vẫn dùng

rượu? Để tiễn một tráng sĩ ra trận, người ta hâm nóng bầu rượu, chúc mừng, cùng dốc cạn

bầu tâm sự với lời thề là sẽ ca khúc khải hoàn; Khi nhà vua mở yến tiệc hoặc thết đãi các

triều thần thì cũng dùng rượu; Những người khoa bảng trước khi vinh quy bái tổ cũng
được nhà vua nâng cốc chúc mừng, những tao nhân mặc khách, những tài tử văn nhân thì

cùng nhau đối ẩm lúc nhàn hạ, bàn chuyện thế thái nhân tình, hay những anh hùng lỡ vận

thì "Thảnh thơi thơ túi rượu bầu" cùng nhau bàn chuyện văn chương thi phú…

Rượu đã trở thành một thứ hàng hóa không thể thiếu trên thị trường toàn cầu, người ta có

thể mua rượu ở mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt trong các ngày lễ lớn, tết nhất, đám tiệc đám

cưới, ma chay… cả tiếp các nguyên thủ quốc gia cũng không thể thiếu rượu, trong truyền

thống, phong tục tập quán "Vô tửu bất thành lễ" mà. Trong chừng mực nào đó, rượu làm

tăng tình giao hảo, thêm sức sống, tăng sự hưng phấn và yêu đời hơn…

Sau bao ngày lao động mệt nhọc, anh em, bạn bè, đồng nghiệp có thể lai rai chuyện đời

hoặc mượn rượu để nhỏ nhẹ nhắc nhau thì điều đó cũng nên và như thế nó cũng góp phần

hình thành nhân cách; Bạn bè lâu ngày gặp lại, cũng cần uống với nhau vài chung rượu

để dốc cạn nỗi niềm, bộc bạch hết những tâm tình cho phỉ nguyền bao tháng ngày xa

cách, cùng nhau trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc để đưa ra một hướng tốt cho tương

lai thì đó cũng là cái hay của rượu. Nếu nhà có giỗ tết, hoặc rảnh rỗi đôi chút thì cũng nên

cùng xóm giềng nhâm nhi cho thêm thắm tình giao hảo…

Có những lúc người ta mượn rượu để bàn chuyện làm ăn và có những điều, những

chuyện lúc bình thường người ta không dám nói, không dám thổ lộ mà chỉ khi ngồi

quanh mâm rượu người ta mới bày tỏ, vậy mà có khi lại thành công. Tất cả những điều

đó dù xét về phương diện nào đi nữa thì cũng là cái hay của rượu, vì lúc đó rượu đóng vai

trò là một phương tiện và là một nét văn hóa của con người, có khi của cả một dân tộc.

Và trớ trêu thay, mới đây các nhà khoa học trên thế giới đã làm cuộc thử nghiệm đối với

3 nhóm người: Nhóm người không uống rượu, nhóm người uống rượu trung bình và

nhóm người uống rượu nhiều. Kết quả là người không uống rượu có nguy cơ mắc bệnh

cao hơn người uống rượu. Lẽ dĩ nhiên là người uống rượu nhiều thì sức khỏe không bao

giờ tốt được. Từ những điều nói trên ta có thể thấy: uống rượu là một nét văn hóa có mặt

tích cực, có mặt tiêu cực, nhưng cái gì thái quá cũng đều không hay và có hại...

Thiết nghĩ, trong những dịp tết nhất, cưới hỏi, lễ hội… cũng có thể uống một vài ly,

nhưng uống sao cho vừa phải, đảm bảo được tình giao hảo tốt, đảm bảo được công ăn

việc làm, cũng như trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội thì đây cũng là cái tốt
của việc uống rượu, mà người xưa gọi là tiên tửu (cách uống rượu cao quý nhất trong

chín cách uống rượu mà người xưa chia ra).

You might also like