You are on page 1of 13

Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

BÀI 1 ĐẠI CƯƠNG VỀ TÀI CHÍNH TIỀN TỆ

Hướng dẫn học


Bài này giới thiệu các khái niệm, chức năng cơ bản về tài chính, tiền tệ. Sinh viên cần
hiểu được bản chất và chức năng của tài chính, tiền tệ; giải thích được sự khác biệt giữa
các khái niệm này. Ngoài ra, sinh viên cũng cần hiểu và giải thích được đặc điểm của các
chế độ tiền tệ, các phép đo lượng tiền cung ứng và ý nghĩa của phép đo lượng tiền cung
ứng đối với nền kinh tế. Sinh viên cần liên hệ được các chức năng của tiền tệ, tài chính,
chế độ tiền tệ với các vấn đề, hiện tượng về tài chính, tiền tệ trên thực tế.
Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau:
 Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia
thảo luận trên diễn đàn.
 Đọc tài liệu:
1. Giáo trình Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, PGS. TS. Nguyễn Hữu Tài chủ biên, NXB
Đại học KTQD.
2. Tiền tệ, Ngân hàng và Thị trường tài chính, Frederic S. Mishkin, NXB Khoa học
Kỹ thuật, 2001.
 Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc qua email.
 Trang Web môn học.
Nội dung
Bài này phân tích khái niệm, chức năng của tài chính, tiền tệ. Ngoài ra bài học cũng giới
thiệu các khái niệm về lượng tiền cung ứng, chế độ tiền tệ và đặc điểm của các chế độ
tiền tệ.
Mục tiêu
Sau khi học xong bài này, sinh viên cần thực hiện được các việc sau:
 Trình bày được các khái niệm và chức năng của tiền tệ, tài chính.
 Phân biệt được sự khác nhau giữa tài chính và tiền tệ.
 Phân tích và lấy ví dụ minh họa về vai trò của tiền tệ đối với các hoạt động kinh tế.
 Phân tích và lấy ví dụ minh họa về vai trò của ít nhất 3 chế độ tiền tệ khác nhau đối với
nền kinh tế.
 Trình bày được các khái niệm và đặc điểm về lượng tiền cung ứng, chế độ tiền tệ.

FIN101_Bai1_v1.0013106203 1
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

Tình huống dẫn nhập


Siêu lạm phát tại Zimbabwe 2000 – 2008

Zim-ba-buê (Zimbabwe) là một nước ở nam trung phi giành được độc lập từ năm 1980. Trong
thập kỷ 1980, nền kinh tế tăng trưởng tốt với sản xuất lúa mỳ, thuốc lá. Từ năm 1991 – 1996,
Zimbabwe đã thực hiện cuộc cải cách kinh tế với việc quốc hữu hóa và phân phối đất đai cho
người da đen vào cuối những năm 1990. Chương trình cải cách kinh tế này đã gây những hậu
quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng đối với nước này. GDP giảm 43% trong giai đoạn 2000 –
2007, sản lượng của khu vực sản xuất giảm 47%, sản lượng khai thác vàng thấp nhất kể từ năm
1907, và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 80%. Thêm vào đó, từ năm 2000, chính phủ nước này đã
liên tục in tiền để trả nợ nước ngoài và tài trợ cho việc can thiệp quân sự vào Công-gô, bao gồm
cả việc trả lương cao hơn cho quân đội và quan chức chính phủ. Ngân hàng trung ương
Zimbabwe đã liên tục in thêm các loại giấy bạc mới với mệnh giá lớn hơn vào lưu thông. Điều
này đã liên tục đẩy giá cả lên cao. Cuối năm 2007, tỷ lệ lạm phát là 66.212% so với cuối năm
trước. Cuối tháng 6/2008, lạm phát so với cùng kỳ năm trước lên tới 11.268.758%. Đỉnh cao của
lạm phát là vào giữa tháng 11/2008, với tỷ lệ ước tính lên tới 89.700.000 triệu tỷ % so với cùng
thời điểm năm trước đó. Giá cả thay đổi vài lần trong ngày, và người dân có tiền phải ngay lập
tức đổi ra ngoại tệ (USD hoặc rand – đồng tiền của Nam Phi) nếu không muốn tiền của họ bị mất
giá nhanh chóng. Trước khi lạm phát lên tới đỉnh điểm, Ngân hàng trung ương Zimbabwe đã
thực hiện 2 cuộc đổi tiền. Lần đầu vào tháng 8/2006 với tỷ lệ 1.000 Z$ cũ = 1 Z$ mới. Lần thứ
hai vào tháng 7/2008 với tỷ lệ 10 tỷ Z$ cũ = 1 Z$ mới. Kết quả của tình trạng siêu lạm phát là
người dân không sử dụng đồng đô la Zimbabwe trong thanh toán mà chuyển sang sử dụng ngoại
tệ, trong đó chủ yếu là đôla Mỹ và đồng tiền của Nam Phi.

1. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng siêu lạm phát ở Zimbabwe là gì?
2. Siêu lạm phát tác động tới hành vi sử dụng tiền của người dân như thế nào?
3. Hậu quả kinh tế tiêu cực của siêu lạm phát là gì?

2 FIN101_Bai1_v1.0013106203
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

1.1. Tiền tệ
1.1.1. Khái niệm và bản chất của tiền tệ
1.1.1.1. Khái niệm
Khái niệm “tiền” được dùng một cách tự nhiên trong
các cuộc nói chuyện hàng ngày, nó có thể có nhiều
nghĩa, nhưng đối với các nhà kinh tế, nó có một ý
nghĩa riêng.
Theo Các Mác, tiền tệ là hàng hoá đặc biệt được tách
ra làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hoá.
Các nhà kinh tế định nghĩa tiền (hay lượng tiền cung
ứng) là bất cứ những cái gì được chấp nhận chung
rộng rãi trong thanh toán hàng hoá dịch vụ hoặc trong việc hoàn trả các món nợ.
Tiền có thể bao gồm tiền kim loại, tiền giấy, tài khoản séc và rộng hơn nữa là các
khoản tiền gửi tiết kiệm.
1.1.1.2. Bản chất của tiền tệ
Như vậy, từ khái niệm của tiền tệ, ta có thể thấy về bản chất tiền là một hàng hóa
trung gian được sử dụng trong thanh toán và trao đổi các loại hàng hóa, dịch vụ khác.
1.1.2. Chức năng của tiền
Dù cho là tiền ở bất kỳ hình thức nào, dù là vỏ sò, hoặc đá, vàng trong nền kinh tế, nó
có 3 chức năng hàng đầu là phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán, và là nơi lưu giữ
gía trị. Trong 3 chức năng này, chức năng là phương tiện trao đổi chính là yếu tố phân
biệt tiền với những tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu, hoặc bất động sản.
1.1.2.1. Phương tiện trao đổi
Tiền ở dạng tiền mặt hoặc séc được dùng để thanh toán hàng hoá và dịch vụ. Việc
dùng tiền làm phương tiện trao đổi giúp làm giảm đáng kể thời gian và chi phí trong
trao đổi hàng hoá và dịch vụ (chi phí giao dịch).
Ví dụ một giáo viên chỉ biết giảng lý thuyết tiền tệ muốn có gạo ăn phải tìm đúng bác
nông dân có gạo bán và muốn học về tiền tệ – tài chính. Việc tìm kiếm như vậy sẽ rất
mất thời gian và tốn công sức. Ngay cả khi tôi có thể tự trồng lúa, nhưng hiệu quả sẽ
không cao. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi sử dụng tiền tệ.
Sử dụng tiền trong lưu thông thúc đẩy hiệu quả kinh tế thông qua việc cho phép người
ta chuyên làm công việc mà người ta làm được tốt nhất. Do vậy, tiền tệ khuyến khích
chuyên môn hoá và phân công lao động.
Một hàng hoá được chấp nhận là tiền thì phải đáp ứng những yêu cầu sau đây:
 Nó phải được tạo ra hàng loạt một cách dễ dàng làm dễ dàng cho việc xác định giá
trị của nó.
 Nó phải được chấp nhận rộng rãi.
 Nó có thể chia nhỏ được nhờ đó để trao đổi, dễ chuyên chở.
 Dễ mang theo, cầm, nắm…
 Không bị hư hỏng nhanh chóng.

FIN101_Bai1_v1.0013106203 3
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

1.1.2.2. Phương tiện là đơn vị đánh giá – thước đo giá trị


Tiền được dùng để đo giá trị trong nền kinh tế. Điều này cũng tương tự như ta đo
chiều cao hay trọng lượng của vật. Tuy nhiên đối tượng đo ở đây là giá trị.
Việc dùng tiền để đo giá trị hàng hoá giúp cho việc xác định, so sánh giá cả của các
loại hàng hoá dễ dàng hơn và tốn ít chi phí hơn.
Ví dụ: việc yết giá các loại hàng hoá trong siêu thị, hay là để đo mức thu nhập, của
cải, tài sản của một cá nhân – 1 tháng thu nhập bao nhiêu, tài sản có bao nhiêu?
Để hiểu tầm quan trọng của chức năng này, ta thử hình dung nền kinh tế khi không có
tiền. Có 3 loại hàng hoá là thịt gà, thịt bò, và cá. Như vậy để biểu diễn giá trị của hàng
hoá này ta phải sử dụng 2 hàng hoá kia để biểu thị quan hệ, và như vậy cần tới 3 giá
khác nhau để có thể trao đổi. Nếu có 10 mặt hàng thì cần 45 giá, còn với 100 mặt hàng
cần tới 4950 giá, và 1000 mặt hàng cần 499.500 giá. Như vậy, nếu như muốn mua một
mặt hàng, bạn cần phải nghiên cứu hết giá cả của nó so với các loại hàng hoá khác để
quyết định xem là cái nào rẻ hơn và làm cho tốn nhiều thời gian và chi phí giao dịch.
Giải pháp cho vấn đề này là đưa tiền vào nền kinh tế và đo giá trị các hàng hoá bằng
tiền, và như vậy với 1000 mặt hàng sẽ chỉ cần 1000 mức giá khác nhau, và cũng dễ
dàng so sánh giá trị hơn.
Ngoài ra, tiền tệ còn được sử dụng làm đơn vị hạch toán các hoạt động kinh tế thông
qua các báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán… người ta có thể xác định được giá
trị, hiệu quả kinh tế, hiệu quả hoạt động kinh doanh.

1.1.2.3. Phương tiện lưu giữ giá trị


Tiền là phương tiện lưu giữ giá trị theo thời gian. Bản thân tiền không có giá trị. Giá
trị của nó là lượng hàng hoá có thể dùng số tiền đó để trao đổi.
Một nơi chứa giá trị được dùng để tách thời gian từ lúc người ta có thu nhập cho đến
khi người ta dùng nó. Chức năng này của tiền rất hữu ích vì hầu hết chúng ta không
muốn chi tiêu thu nhập của mình ngay lập tức khi nhận được mà đến khi chúng ta có
nhu cầu thì mới sử dụng.
Tuy nhiên một số tài sản khác lại có khả năng lưu giữ
giá trị tốt hơn là tiền, chúng có thể mang lại cho người
chủ lãi suất cao hơn tiền, ví dụ tiền gửi tiết kiệm hay
trái phiếu. Tiền không mang lại lãi suất và còn bị mất
giá do lạm phát. Điều này giải thích tại sao trong điều
kiện nền kinh tế có lạm phát cao thì người ta lại tránh
giữ tiền mặt, hoặc tại sao người ta lại hay dùng ngoại
tệ (USD) trong mua bán trao đổi hàng hoá (hiện tượng
đô la hoá). Câu hỏi đặt ra là tại sao người ta vẫn sử dụng tiền.
Điều này dẫn đến một khái niệm là tính thanh khoản. Đó là khả năng chuyển đổi của
1 loại tài sản thành tiền. Một tài sản có tính thanh khoản càng cao khi nó có thể được
chuyển đổi ra tiền mặt với thời gian và chi phí thấp nhất. Tiền là tài sản có tính thanh
khoản cao nhất, và người ta có thể sử dụng ngay lập tức để mua sắm hàng hoá dịch vụ.
Điều đó giải thích tại sao người ta sẵn sàng nắm giữ tiền cho dù nó không phải là
phương tiện lưu giữ của cải tốt nhất.

4 FIN101_Bai1_v1.0013106203
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

1.1.3. Các phép đo lượng tiền cung ứng


Lượng tiền cung ứng là tổng số các loại phương tiện thanh toán được sử dụng trong
nền kinh tế. Khái niệm về tiền tệ của các nhà kinh tế học (tiền là bất cứ những gì được
chấp nhận rộng rãi trong thanh toán) không nói cho chúng ta biết được loại tài sản nào
được coi là tiền và do vậy rất khó cho các nhà quản lý đặc biệt là NHTW có những chỉ
báo cho chính sách của họ. Do vậy các định nghĩa về tiền cụ thể hơn là khái niệm về
lượng tiền cung ứng bao gồm:
Lượng tiền cung ứng theo nghĩa hẹp (M1): bao gồm các phương tiện được chấp
nhận ngay trong thanh toán mà không phải qua một bước chuyển đổi nào bao gồm:
 Tiền mặt đang lưu hành.
 Tiền gửi thanh toán (phát séc), tiền gửi không kỳ hạn.
M2: lượng tiền cung ứng theo nghĩa rộng bao gồm:
 M1.
 Tiền gửi kỳ hạn số dư nhỏ.
 Tiền gửi tiết kiệm.
M3 bao gồm:
 M2.
 Tiền gửi kỳ hạn mệnh giá lớn.
 Cổ phần các quỹ đầu tư trên thị trường tiền tệ.
 Các hợp đồng mua lại.
Khối tiền tệ mở rộng bao gồm:
 M3.
 Tín phiếu kho bạc ngắn hạn.
 Thương phiếu.
 Trái phiếu tiết kiệm.
 Hối phiếu ngân hàng chấp nhận thanh toán.

1.1.4. Chế độ tiền tệ


Chế độ tiền tệ là hình thức tổ chức quản lý lưu thông, sử dụng tiền tệ trong một quốc
gia. Chế độ tiền tệ liên quan đến việc ai là người có quyền phát hành tiền, tiêu chuẩn
giá cả, hình thức, đặc điểm của tiền.
Tầm quan trọng của chế độ tiền tệ: xuất phát từ chức năng của tiền: phương tiện trao
đổi, thước đo giá trị, và lưu giữ giá trị, các chức năng này phải được đảm bảo tương
đối ổn định, nếu không tiền sẽ không đảm bảo được chức năng của nó và việc sử
dụng, lưu thông tiền cũng như các hoạt động khác có liên quan đến tiền sẽ diễn ra rất
khó khăn.
Ví dụ: Đời nhà Hán, Hiếu Văn Đế theo sử ký Tư Mã Thiên, nhà vua cho phép dùng
đồng để đúc tiền – loại tiền 4 thù nhưng lại đề là nửa lạng (12 thù), và cho phép dân
chúng tha hồ đúc tiền. Do vậy một số nhà nhờ lấy đồng ở núi đúc tiền mà giàu hơn cả
vua, giá cả tăng lên nhanh chóng làm cho việc trao đổi mua bán rất khó khăn, do vậy
nhà vua phải ra lệnh cấm đúc tiền. Hay thời nay hiện tượng tiền giả cũng gây một số
tác hại trong lưu thông (tuy nhiên không nghiêm trọng do chính phủ vẫn quản lý được).

FIN101_Bai1_v1.0013106203 5
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

 Chế độ tiền tệ bao gồm 3 yếu tố:


o Bản vị tiền tệ – hàng hoá làm cơ sở định giá tiền tệ (dựa vào vàng, bạc, đồng…)
o Đơn vị tiền tệ – tên đồng tiền – tiêu chuẩn giá cả – xác định lượng giá trị mà
1 đơn vị tiền tệ đại diện (mua được) 1 ounce vàng = 31,1035 gr = 20$ hay
$1 = 1.504 gram vàng, 1 chỉ = 3,845 gram vàng (năm 1870).
o Hình thái tiền tệ: biểu hiện hiện vật của tiền như tiền giấy, kim loại, tiền sec,
thẻ thanh toán.
 Các chế độ tiền tệ
Trong lịch sử đã từng có các chế độ tiền tệ sau đây: bản vị đồng, bản vị bạc, lưỡng
kim bản vị (vàng, bạc) tuy nhiên chúng ta sẽ xem xét các chế độ sau:
o Chế độ bản vị vàng: đồng tiền của một nước được đảm bảo bằng một trọng
lượng vàng nhất định.
Các đặc điểm của chế độ này là:
 Nhà nước không hạn chế đúc tiền vàng.
 Tiền giấy được tự do chuyển đổi ra vàng theo một tỷ lệ quy định.
 Tiền vàng được lưu thông không hạn chế.
Một chế độ rất gần với bản vị vàng là Chế độ bản vị vàng thỏi. Trong chế độ
này, tiền giấy được chuyển đổi ra vàng theo luật định nhưng chỉ với một lượng
tiền nhất định tương đương với bội số của 1 thỏi vàng mới được chuyển đổi.
Vàng không được đúc thành tiền mà đúc thành thỏi làm chức năng dự trữ và
thanh toán quốc tế.
Quy luật lưu thông tiền tệ trong chế độ bản vị vàng:
Khi tất cả các quốc gia còn tuân thủ nguyên tắc
đổi tiền tự do ra vàng, số lượng tiền có trong
lưu thông phụ thuộc vào dự trữ vàng của mỗi
nước cũng như lượng vàng dịch chuyển giữa
các quốc gia. Và việc lưu hành tiền tệ phụ thuộc
rất lớn vào dự trữ vàng và mức sản xuất vàng.
Những năm 1870 và 1880, lượng tiền cung ứng
của các nước trên thế giới tăng chậm, và không
tương đương với tốc độ tăng của hàng hoá sản xuất ra gây hiện tượng tiền tăng
giá (giảm phát – mức giá cả giảm). Những năm 1890, vàng tìm thấy ở Alaska
và Nam Phi làm lượng vàng sản xuất ra tăng mạnh làm cho lượng tiền trong
lưu thông tăng nhanh và gây ra lạm phát cho đến trước thế chiến thứ nhất.
Sau đại chiến thứ nhất, một số nước cố gắng trở lại chế độ bản vị vàng (Anh,
Mỹ, Pháp). Nhưng các nước này đã gặp phải tình trạng thâm hụt cán cân thanh
toán làm dự trữ vàng cạn dần. (Người Anh mua từ nước ngoài nhiều hơn là
người nước ngoài mua hàng của Anh, và người nước ngoài đổi Pound ra vàng
làm dự trữ vàng của Anh giảm xuống). Do vậy Anh đã phải dừng việc chuyển
đổi của đồng Bảng năm 1931, sau đó là Mỹ và một số nước khác phá giá đồng
tiền của họ (mặc dù vẫn theo đuổi chế độ bản vị vàng) điều này tạo nên áp lực
đối với dự trữ vàng của nhiều nước và cuối cùng chế độ này sụp đổ khi chiến
tranh thế giới thứ 2 xảy ra.

6 FIN101_Bai1_v1.0013106203
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

o Chế độ bản vị ngoại tệ (hệ thống BrettonWood)


Dưới chế độ tiền tệ này, đồng tiền của một nước không được tự do chuyển đổi
ra vàng mà được đổi ra một đồng ngoại tệ (USD) theo một tỷ giá cố định và
(USD) được chuyển đổi ra vàng theo yêu cầu của NHTW các nước. Tuy nhiên
trong hệ thống này, khi một nước có cán cân thanh toàn bị thâm hụt hoặc thặng
dư, họ sẽ phải điều chỉnh tỷ giá (tiêu chuẩn giá cả) của đồng tiền nước họ theo
USD, tuy nhiên việc điều chỉnh này không thành công dẫn đến sự sụp đổ của
chế độ tiền tệ này trên thế giới.
Ví dụ: Anh là nước có thâm hụt các cân thanh toán với các nước. khi đó các
nước bán hàng cho Anh sẽ yêu cầu NHTW Anh đổi Bảng Anh ra USD cho họ
làm cho dự trữ USD của Anh bị cạn kiệt, cho đến khi NHTW Anh không có
khả năng chuyển đổi Pound ra USD nữa thì đồng Pound bị phá giá và tỷ giá sẽ
bị điều chỉnh lại.
Đối với Mỹ là nước có thâm hụt cán cân thương mại với Đức, NHTW Đức sẽ
phải mua USD vào để giữ tỷ giá làm cho mức cung tiền tăng và lạm phát tăng
cao cho đến khi không thể mua USD vào nữa thì phải tăng giá đồng Mark trên
thị trường. Khi thâm hụt ngân sách của Mỹ tiếp tục tăng (do chính sách tiền tệ
mở rộng từ cuộc chiến tranh với VN) kết quả tương tự đối với các nước khác là
các đồng tiền khác cũng có sức ép tăng giá so với USD. Năm 1971 Tổng thống
Nixon tuyên bố không chuyển đổi USD ra vàng nữa và sau đó Khi NHTW các
nước không còn đủ sức can thiệp để mua USD giữ vững tỷ giá thì họ phải thả
nổi tỷ giá và làm cho chế độ tỷ giá cố định sụp đổ vào năm 1973. Tuy nhiên
hiện nay, rất nhiều nước vẫn gắn giá trị đồng nội tệ của họ với $ mỹ.
o Chế độ bản vị tiền giấy
Đặc điểm của chế độ này:
 NHTW nắm độc quyền trong việc phát hành
giấy bạc.
 Vàng rút khỏi lưu thông làm phương tiện thanh
toán quốc tế.
 Tiền giấy không được chuyển đổi tự do ra vàng.
 Tiền giấy là tiền pháp định.
 Giá trị của tiền phụ thuộc vào sức mua thực tế
của nó và được đo bằng số nghịch đảo của mức
giá cả. Khi mức giá cả tăng cao làm cho giá trị
hay sức mua của đồng tiền giảm xuống và
ngược lại.
Quy luật lưu thông tiền tệ trong chế độ bản vị tiền giấy: Lượng tiền cần thiết
trong lưu thông bằng số lượng hàng hoá dịch vụ mà nền kinh tế sản xuất ra
trong một thời kỳ chia cho vòng quay tiền tương ứng.
M = PQ/V
Lượng tiền tăng lên trong lưu thông chỉ bằng đúng với lượng hàng hoá tăng lên
trong nền kinh tế, nếu không sẽ xảy ra lạm phát. Tuy nhiên lượng cầu tiền còn
phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa ngoài tổng sản phẩm quốc dân.

FIN101_Bai1_v1.0013106203 7
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

1.2. Tài chính


1.2.1. Bản chất của tài chính
Tài chính là các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối tổng sản phẩm xã
hội dưới hình thái giá trị thông qua việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ tập
trung và phi tập trung.
Các quan hệ tài chính giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế bao gồm:
 Dân cư, doanh nghiệp nộp thuế cho nhà nước.
 Dân cư, doanh nghiệp mua cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp, kho bạc Nhà
nước, Ngân hàng.
 Người làm công và các doanh nghiệp nộp tiền vào
các quỹ bảo hiểm xã hội, mua bảo hiểm rủi ro (nộp
phí bảo hiểm).
 Nhà nước cấp phát ngân sách để xây dựng đường
giao thông tài trợ cho trường học, bệnh viện,
nghiên cứu khoa học.
 Các doanh nghiệp sử dụng vốn điều lệ để nua vật tư trang thiết bị hay thiết bị máy
móc.
 Ngân hàng cho cá nhân hoặc doanh nghiệp vay tiền
 Quỹ bảo hiểm trả bồi thường thiệt hại cho người mua bảo hiểm bị tai nạn rủi ro
hoặc trả lương hưu.
Ý nghĩa của phạm trù tài chính có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Một cách hiểu
đơn giản nhất là: Tài chính là các hoạt động liên quan đến tiền. Hoặc là Tài chính là
việc quản lý của cải bằng tiền nhằm đạt được những mục tiêu nhất định.
Có thể hiểu tài chính theo một phương diện khác: đó là các hoạt động liên quan tới
việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính (tiền tệ, tiền vốn) của các
chủ thể kinh tế khác nhau: các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ hay nhà nước.
Trong tiếng Anh, tài chính – Finance được hiểu là:
– the management of money: việc quản lý tiền.
– control, supply of money to do something): huy động, kiểm soát tiền.
Phân biệt tài chính với các phạm trù kinh tế khác:
 Phân biệt tài chính với tiền tệ: tiền tệ về bản chất là vật ngang giá chung trong trao
đổi hàng hoá với các chức năng thước đo giá trị, tích luỹ. Tài chính là các hoạt
động liên quan tới tiền tệ với chức năng thanh toán và phương tiện tích luỹ nhằm
tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.
 Tài chính và giá cả: gía cả là biểu hiện của giá trị hàng hoá trong lưu thông.

1.2.2. Chức năng của tài chính


1.2.2.1. Chức năng phân phối
Chức năng phân phối thể hiện ở việc phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thái
giá trị thông qua việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ tập trung và phi tập trung.
Phân phối tài chính bao gồm quá trình phân phối lần đầu và phân phối lại.

8 FIN101_Bai1_v1.0013106203
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

1.2.2.2. Chức năng giám sát (giám đốc)


Chức năng giám sát được thể hiện thông qua việc sử dụng các chỉ tiêu tài chính để
theo dõi, đánh giá việc sử dụng các nguồn lực tài chính. Các chỉ tiêu tài chính ở đây
có thể là tỷ suất lợi nhuận, lãi suất hoàn vốn, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu… Các
nhà đầu tư, các nhà quản lý tài chính sử dụng các chỉ tiêu này để đánh giá hiệu quả sử
dụng nguồn lực, sử dụng vốn trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

1.3. Tổng quan về hệ thống tài chính


Giả sử bạn đang cần tiền để mở một nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em giá rẻ nhưng lại
không có đủ tiền để đưa nhà máy vào hoạt động. Xuân Minh có một khoản tiết kiệm
lớn từ người nhà ở nước ngoài gửi về. Nếu bạn và Xuân Minh có thể gặp được nhau
và Xuân Minh có thể cho bạn vay thì đồ chơi của bạn sẽ tới được tay các em nhỏ,
Xuân Minh có thể có thu nhập trên số tiết kiệm của anh ta, bạn có thể giàu lên, và các
em nhỏ thì có đồ chơi.
Hệ thống tài chính bao gồm các thị trường tài chính (trái phiếu và cổ phiếu) và các
trung gian tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm) có chức năng cơ bản là
đưa những người có vốn và cần vốn lại với nhau và từ đó đồng vốn được chuyển cho
người có khả năng sử dụng vốn tốt nhất.
Hệ thống tài chính cũng cho phép các chủ thể trong nền kinh tế, ví dụ như các cá nhân
hay hộ gia đình lựa chọn thời điểm sử dụng thu nhập của họ để đem lại lợi ích
lớn nhất.

Ví dụ, An là một sinh viên mới ra trường và có được một việc làm có thu nhập tốt
trong ngân hàng. An có thể quyết định là đi làm và tiết kiệm trong 30 năm để có đủ
tiền để mua nhà riêng và mua ô tô riêng. Tuy nhiên, An cũng có thể có một lựa chọn
thứ hai là vay ngân hàng để mua nhà và ô tô riêng ngay khi vừa ra trường, và sau 30
năm làm việc thì An cũng tích lũy đủ tiền để trả hết khoản nợ đó. Với hoạt động của
hệ thống tài chính có thể làm cho An thực hiện được lựa chọn thứ hai dễ dàng và đem
lại một cuộc sống tiện nghi hơn so với lựa chọn thứ nhất.
Trong hệ thống tài chính, chức năng chu chuyển vốn có thể được thực hiện thông qua
hai con đường: tài chính trực tiếp (qua thị trường tài chính) và tài chính gián tiếp (qua
các trung gian tài chính).

FIN101_Bai1_v1.0013106203 9
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

1.3.1. Thị trường tài chính


Thị trường tài chính thực hiện chức năng kinh tế cơ bản là dẫn các luồng vốn trực tiếp
từ những người tiết kiệm sang những người chi tiêu – đi vay.
Trên thị trường tài chính hay tài chính trực tiếp, người vay vay trực tiếp từ người cho
vay bằng cách bán cho người cho vay các loại chứng khoán (hay còn gọi là các công
cụ tài chính).
Chứng khoán (securities) là tên gọi chung nhất của các
loại công cụ tài chính: đó là các quyền (được chia
phần, được nhận) đối với thu nhập và tài sản trong
tương lai của người vay.
Chứng khoán là các tài sản đối với người mua nó
nhưng lại là món nợ đối với người phát hành (bán) nó.
Ví dụ, nếu bạn muốn cho công ty REE vay, bạn có thể
trực tiếp mua các cổ phiếu của REE, và đó là tài sản
của bạn, vì bạn có thể bán các cổ phiếu đó ra trên thị
trường để thu hồi tiền. Còn đối với REE, đó là loại nợ
đặc biệt – nguồn vốn chủ sở hữu vì REE sẽ phải có trách nhiệm trong thanh toán cổ
tức và làm cho giá trị cổ phiếu tăng lên (cổ đông là chủ sở hữu công ty).
Hai loại chứng khoán chủ yếu trên thị trường:
Trái phiếu: là các thoả thuận dài hạn mang tính hợp đồng, trong đó người đi vay sẽ
trả cho người cho vay một số tiền nhất định (bao gồm tiền lãi, có hoặc không có trả
gốc) trong các khoảng thời gian đều nhau (6 tháng hoặc 1 năm) cho đến khi hết hạn
(đáo hạn trái phiêú) thì khoản thanh toán cuối cùng được thực hiện.
Ví dụ: Một trái phiếu có mệnh giá 1000, lãi suất trả hàng năm (lãi suất coupon) là
10%, kỳ hạn 3 năm.
Như vậy, loại trái phiếu này sẽ mang lại cho người chủ sở hữu trái phiếu khoản thu
nhập là 100 vào cuối năm 1, 2. Vào thời điểm cuối năm thứ 3 là lúc trái phiếu đến hạn
thanh toán (đáo hạn), người chủ trái phiếu sẽ nhân được 1100 (gồm 100 tiền lãi năm
thứ 3 và toàn bộ mệnh giá trái phiếu – 1000).
Người chủ sở hữu trái phiếu là chủ nợ đối với người phát hành trái phiếu và có quyền
ưu tiên đòi nợ trước các chủ sở hữu.
Cổ phiếu: là loại chứng chỉ hay bút toán ghi sổ chứng minh quyền được chia đối với
thu nhập và tài sản trong tương lai của công ty phát hành. Số thu nhập đối với chủ cổ
phiếu đối với lợi nhuận và tài sản phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu mà chủ cổ phiếu
nắm giữ so với tổng số cổ phiếu lưu hành của công ty.

1.3.2. Các trung gian tài chính


Vốn có thể được chuyển từ người cho vay sang người đi vay theo một cách thứ hai, tài
chính gián tiếp, bởi vì nó liên quan tới hoạt động của một trung gian tài chính đứng
giữa người cho vay với người đi vay và giúp chuyển vốn từ người này sang người kia.
Trung gian tài chính thực hiện việc này bằng cách nhận hoặc vay vốn từ các nhà tiết
kiệm – cho vay và sau đó sử dụng số vốn huy động được để cung cấp các món cho
vay hoặc cho vay đối với những người đi vay. Ví dụ ngân hàng ĐT có thể nhận tiền

10 FIN101_Bai1_v1.0013106203
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

gửi tiết kiệm của khách hàng và sử dụng số tiền có được để cho REE vay. Kết quả là
vốn được chuyển từ người cho vay sang người đi vay với sự trợ giúp của các trung
gian tài chính.
Người cho vay có thể cung cấp vốn cho người đi vay một cách trực tiếp trên thị
trường tài chính thông qua việc mua các loại chứng khoán. Vậy tại sao chúng ta lại
cần tới các trung gian tài chính?
Trên thực tế các tổ chức tài chính trung gian quan trọng hơn nhiều vì nó luân chuyển
một lượng vốn lớn hơn nhiều lần so với thị trường tài chính. Để hiểu vấn đề này ta
phải tìm hiểu vai trò của chi phí giao dịch và chi phí thông tin cũng như vai trò của
thông tin trên thị trường tài chính.
Các loại hình tổ chức tài chính trung gian
Các tổ chức nhận tiền gửi: ví dụ như các NHTM, các
quỹ tín dụng. Các tổ chức này huy động vốn chủ yếu
thông qua việc mở các tài khoản thanh toán (sec) và
tiền gửi kỳ hạn, tiết kiệm cho các khách hàng và sử
dụng số tiền thu được để cho vay, mua các loại chứng
khoán, và cung cấp các phương tiện thanh toán. Đây là
các tổ chức tài chính trung gian lớn nhất và quan trọng
nhất và chúng sẽ được nghiên cứu trong một chương riêng.
Các tổ chức tiết kiệm hợp đồng: ví dụ như công ty bảo hiểm, quỹ lương hưu, huy động
vốn thông qua việc bán các hợp đồng bảo hiểm và sử dụng số tiền thu được để cho
vay và đầu tư.
Các trung gian đầu tư bao gồm các công ty tài chính, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán
huy động vốn thông qua việc phát hành các loại chứng khoán (thương phiếu, chứng
chỉ hay cổ phần quỹ đầu tư để huy động vốn, đồng thời cũng sử dụng số tiền thu được
để cho vay hay đầu tư vào các loại chứng khoán. Tuy nhiên, đặc điểm hoạt động của
các tổ chức trung gian này sẽ có những điểm khác nhau cơ bản.

FIN101_Bai1_v1.0013106203 11
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

Tóm lược cuối bài


 Tiền tệ là hàng hóa được chấp nhận chung và rộng rãi trong thanh toán. Tiền tệ có 3 chức năng.
 Lượng tiền cung ứng được đo bằng các chỉ tiêu như M1, M2 và được các nhà hoạch định
chính sách sử dụng trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
 Chế độ tiền tệ có tầm quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động ổn định của nền kinh tế.
 Tài chính là các quan hệ kinh tế trong phân phối tổng sản phẩm xã hội, hoặc là các hoạt động
liên quan tới việc huy động, quản lý và sử dụng tiền.
 Hệ thống tài chính thực hiện chức năng chu chuyển vốn trong nền kinh tế. Hệ thống tài chính
bao gồm hoạt động của thị trường tài chính và các trung gian tài chính.

12 FIN101_Bai1_v1.0013106203
Bài 1: Đại cương về tài chính tiền tệ

Câu hỏi ôn tập


1. Bản chất của tiền tệ là gì? Tiền tệ khác với tài chính như thế nào?
2. Phân tích các chức năng của tiền tệ. Tiền tệ giúp gia tăng hiệu quả kinh tế như thế nào?
3. Phép đo lượng tiền cung ứng là gì? Phân tích nội dung 2 phép đo lượng tiền cung ứng cơ bản.
4. Chế độ tiền tệ là gì? Phân tích các nội dung của chế độ tiền tệ. Tại sao chế độ tiền tệ lại
quan trọng.
5. Phân tích bản chất của tài chính. Lấy ví dụ về hoạt động tài chính trên thực tế.
6. Hệ thống tài chính gồm những bộ phận nào? Phân tích vai trò của hệ thống tài chính trong
nền kinh tế.
7. Tài chính trực tiếp là gì? Hoạt động tài chính trực tiếp thể hiện trên thực tế như thế nào?
8. Tài chính gián tiếp là gì? Hoạt động tài chính gián tiếp thể hiện trên thực tế như thế nào?

FIN101_Bai1_v1.0013106203 13

You might also like