You are on page 1of 260

Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

MỤC LỤC
MỤC LỤC............................................................................................................................. 1
CHƯƠNG 1: ĐẠI CƯƠNG VỀ TÀI CHÍNH VÀ HỆ THỐNG TÀI CHÍNH ........................ 2
CHƯƠNG 2: TÀI CHÍNH CÔNG ...................................................................................... 28
CHƯƠNG 3: TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP .................................................................... 67
CHƯƠNG 4: CÁC ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH TRUNG GIAN ............................................. 88
CHƯƠNG 5: TIỀN TỆ ...................................................................................................... 118
CHƯƠNG 6: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÍN DỤNG VÀ LÃI SUẤT ..................... 158
CHƯƠNG 7: HỆ THỐNG NGÂN HÀNG ........................................................................ 186
CHƯƠNG 8: CÁC QUAN HỆ TÀI CHÍNH QUỐC TẾ ................................................... 207
CHƯƠNG 9: THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH ........................................................................ 229

1
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 1: ĐẠI CƯƠNG VỀ TÀI CHÍNH VÀ HỆ THỐNG TÀI CHÍNH

Chương I trình bày khái quát các kiến thức về phạm trù tài chính và hệ
thống tài chính. Mục đích của chương là nhằm giúp sinh viên có một hiểu biết tổng
quan về những vấn đề cơ bản sẽ được đề cập trong một số chương tiếp theo cũng
như nắm vững các khái niệm căn bản. Các khái niệm này là những thuật ngữ nền
tảng cần được hiểu một cách nhất quán.
Nhiều vấn đề được nêu ra trong chương là những vấn đề được đề cập lần
đầu tiên đối với sinh viên với tính chất khái quát, trừu tượng cao nên yêu cầu
chung đối với sinh viên là:
- Phải bảo đảm thực sự hiểu được bản chất cúa phạm trù tài chính và các
khái niệm được đề cập trên cơ sở nắm vững được phương pháp tiếp cận vấn đề.
- Có khả năng so sánh các khái niệm có liên quan với nhau ở nhiều khía
cạnh.- Sinh viên cũng phải hiểu được ý nghĩa học thuật và thực tiễn của những
nghiên cứu được đề cập.
- Hình dung được những chủ đề về tài chính sẽ được học trong những
chương tiếp theo và sự liên kết những chủ đề này.

1.1. BẢN CHẤT CỦA TÀI CHÍNH


1.1.1. Bản chất của phạm trù tài chính
Xét một cách hình thức, thuật ngữ tài chính có những cách hiểu rộng, hẹp khác
nhau tuỳ thuộc vào văn cảnh và quan điểm của người sử dụng. Nó có thể có một nghĩa
rất rộng bao gồm tất cả những vấn đề liên quan đến tiền, đến sự vận động của tiền tệ.
Đây là một cách quan niệm khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Nó cũng có thể có một
nghĩa rất hẹp, chẳng hạn chỉ bao gồm những hoạt động liên quan đến hoạt động thu, chi
tiền tệ của một chủ thể nhất định, hoặc việc quản lý một lĩnh vực tài chính cụ thể.
Ngoài ra, thuật ngữ tài chính ít khi được định nghĩa độc lập mà thường được định
nghĩa như là một định ngữ cho một cụm từ, ví dụ: chính sách tài chính, hoạt động tài
chính, quan hệ tài chính, hệ thống tài chính, quản trị tài chính... Rõ ràng, cách hiểu về tài
chính trong những khái niệm trên vừa có những điểm phổ quát nhưng vừa có những điểm
đặc thù.
Tuy nhiên, xét về bản chất, chúng ta nhận thấy tồn tại một phạm trù khách quan
liên quan đến tiền tệ (nói chính xác hơn là liên quan đến sự vận động của tiền tệ) nhưng
phân biệt với các phạm trù lân cận (tức là những phạm trù có liên quan đến tiền tệ) như

2
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

chính bản thân phạm trù tiền tệ và các phạm trù giá cả, lưu thông... ở những đặc trưng
chủ yếu sau:
(i) Nó bao gồm tất cả sự vận động của tiền tệ độc lập tương đối với sự vận động
của hàng hoá1. Sự vận động của tiền tệ nói ở đây là sự dịch chuyển tiền tệ từ chủ thể này
sang chủ thể khác trong xã hội mà không kèm theo sự vận động tương ứng của hàng hoá.
Tuy nhiên, xét đến cùng, sự vận động của tiền tệ trong phạm trù này cũng không tách rời
tuyệt đối thế giới hàng hoá. Bản chất của sự vận động này là sự vận động của giá trị
hàng hoá. Tiền tệ luôn đại diện cho một lượng giá trị hàng hoá và luôn có khả năng
chuyển thành hàng hoá.
(ii) Sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ nói ở đặc trưng (i) gắn với việc tạo
lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của một chủ thể kinh tế- xã hội nhất định. Các dòng dịch
chuyển tiền tệ luôn diễn ra hai quá trình ngược nhau ở hai chủ thể, về phía dịch chuyển đi
đó là quá trình sử dụng, nhưng về phía tiếp nhận đó là quá trình tạo lập quỹ tiền tệ.
Đến đây có thể rút ra một nhận định sơ bộ: Tài chính là một phạm trù khái quát
hoá các hiện tượng trong đó tiền tệ vận động độc lập tương đối với hàng hoá, thông qua
quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của các chủ thể kinh tế - xã hội nhất định.
Tuy nhiên, để có một quan niệm chuẩn xác và rõ ràng hơn về phạm trù tài chính
với tính chất là một thực thể tồn tại khách quan, cần thiết phải làm rõ thêm một số điểm
sau:
(i) Tài chính đương nhiên có liên quan đến tiền tệ và như phần sau sẽ thấy, phạm
trù tài chính chỉ xuất hiện khi tiền tệ đã xuất hiện trong nền kinh tế nhưng tiền tệ trong
phạm trù tài chính chỉ thực hiện hai chức năng là: Chức năng phương tiện thanh toán
(hay thanh toán hoãn hiệu: defered payment) và chức năng phương tiện dự trữ giá trị.
(ii) Các quỹ tiền tệ nói trên luôn có khả năng chuyển hoá thành một lượng hàng
hoá tương ứng với lượng giá trị mà số tiền tệ của quỹ đó biểu hiện. Nói cách khác, mỗi
quỹ tiền tệ đại diện cho một lượng hàng hoá nhất định. Vì vậy, thực chất sự vận động của
tiền tệ trong phạm trù tài chính chính là sự vận động của giá trị hàng hoá. Và như vậy,
quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể kinh tế - xã hội cũng chính là
quá trình phân phối (phân bổ) của cải xã hội dưới dạng giá trị.
Thực vậy, nếu không có sự can thiệp của các nhân tố khác (như lạm phát...) thì
tổng số lượng tiền tệ trong xã hội bằng tổng quỹ tiền tệ của các chủ thể kinh tế - xã hội
tương đương với tổng giá trị của cải xã hội. Trong trường hợp này, quá trình tạo lập và
sử dụng các quỹ tiền tệ nói trên chỉ là quá trình dịch chuyển một lượng giá trị của cải xã

1
Khái niệm hàng hoá trong chương này được sử dụng theo nghĩa rộng bao gồm cả các sản phẩm vô hình (tức dịch
vụ) nhằm tránh sự lặp lại không cần thiết.
3
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

hội từ chủ thể này sang chủ thể khác. Nói cách khác, đây là một quá trình thay đổi cấu
trúc sở hữu giá trị của cải xã hội giữa các chủ thể trong xã hội thông qua tạo lập và sử
dụng quỹ tiền tệ.
Từ tất cả những bàn luận ở trên có thể kết luận bản chất của phạm trù tài chính là
sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ với chức năng phương tiện thanh toán và
phương tiện dự trữ giá trị trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ tương ứng với
những sức mua nhất định của các chủ thể kinh tế - xã hội. Quá trình này đồng thời cũng là
quá trình phân phối của cải xã hội dưới dạng giá trị.
Một cách khái quát hơn, nếu tiếp cận dưới góc độ chức năng của tài chính, bản
chất của phạm trù tài chính là phạm trù phản ánh quá trình phân phối tổng giá trị
của cải xã hội thông qua phân phối tổng nguồn lực tiền tệ cho các chủ thể trong xã
hội bằng các phương thức thoát ly sự vận động của hàng hoá.
Kết luận này được rút ra như là hệ quả của những sự phân tích ở trên. Tuy nhiên,
định nghĩa này nhấn mạnh đến chức năng phân phối của tài chính. Quan sát các hiện
tượng mà mọi người đều thừa nhận là thuộc phạm trù tài chính từ những hiện tượng nảy
sinh ngay trong các hình thái kinh tế chưa phát triển như: thuế, tín dụng... đến các hiện
tượng nảy sinh trong các hình thái kinh tế phát triển hơn như: bảo hiểm, thị trường chứng
khoán,... ta nhận thấy chúng đều có một điểm chung. Điểm chung đó là chúng đều dẫn
đến một sự thay đổi về quyền sở hữu hay sử dụng một lượng tiền tệ từ chủ thể này sang
chủ thể khác. Lượng tiền tệ này đại diện cho giá trị của một lượng của cải nhất định. Cho
nên, điều này đồng nghĩa với việc phân phối của cãi xã hội. Nói cách khác, kết quả của
các hiện tượng trên - dù rất khác nhau về hình thức thể hiện - đều là một hoạt động phân
phối hoặc tái phân phối của cải xã hội. Do đó, có thể nói chức năng khởi thủy và cơ bản
của phạm trù tài chính là phân phối của cải xã hội dưới hình thái giá trị bằng phương
tiện tiền tệ.
1.1.2. Phân biệt phạm trù tài chính với phạm trù khác

1.1.2.1. Tài chính và tiền tệ


Những hiện tượng tài chính và tiền tệ có rất nhiều giao điểm nhưng căn cứ vào
những điểm đã trình bày ở 1.1.1, có thể thấy những điểm khác nhau căn bản:
- Tiền tệ trong phạm trù tiền tệ có đầy đủ các chức năng, trong khi trong phạm trù
tài chính nó chỉ xuất hiện dưới hai chức năng phương tiện thanh toán và phương tiện dự
trữ giá trị.
- Những hiện tượng thuần tuý tài chính chỉ làm thay đổi cấu trúc tổng nguồn lực
tiền tệ thông qua việc tái phân bổ các nguồn lực này cho các quỹ tiền tệ khác nhau mà
không làm thay đổi tổng nguồn lực tiền tệ cũng như không thay đổi tương quan giữa tiền
4
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

tệ và của cải. Nói cách khác, không làm thay đổi sức mua của tiền tệ. Những hiện tượng
tiền tệ, ngược lại, có khả năng làm biến động tổng nguồn tiền tệ danh nghĩa cũng như
làm thay đổi sức mua của đồng tiền, tức là thay đổi tương quan giữa mệnh giá tiền tệ với
giá trị hàng hoá tương ứng. Một ví dụ rõ ràng nhất là việc phát hành tiền. Đây là một
hiện tượng tiền tệ chứ không phải là một hiện tượng tài chính vì nó làm tổng lượng tiền
trong lưu thông tăng lên
Tuy nhiên, cần lưu ý thêm: sự phân biệt giữa phạm trù tài chính và phạm trù tiền
tệ là kết quả của trừu tượng hóa về phương diện lý luận. Trong thực tiễn kinh tế, sự tách
biệt giữa hai phạm trù này trong một số trường hợp thực ra rất khó khăn và đôi khi không
cần thiết.
1.1.2.2. Tài chính và lưu thông hàng hoá
Đây là hai phạm trù rất dễ nhầm lẫn vì chúng có một điểm rất giống nhau là đều
có sự vận động của tiền tệ từ chủ thể này sang chủ thể khác và cũng là quá trình tạo lập
quỹ tiền tệ (tăng quỹ tiền tệ) ở người bán, sử dụng tiền tệ (giảm quỹ tiền tệ) ở người mua.
Vì lý do này mà người ta rất dễ bỏ qua một điểm khác nhau rất căn bản giữa chúng. Đó
là, trong lưu thông hàng hoá sự vận động của tiền tệ kèm theo sự vận động ngược chiều
của hàng hoá, trong khi đó, sự vận động của tiền tệ trong phạm trù tài chính độc lập với
hàng hoá (nghĩa là không kèm theo dòng dịch chuyển ngược lại của hàng hoá).
Tiền
Lưu thông A B
Hàng

Tiền
Tài chính A B

Bản chất của lưu thông hàng hoá là trao đổi giá trị hàng hóa qua trung gian tiền
tệ mà đặc trưng cơ bản là tính chất ngang giá. Điều này giúp phân biệt giữa phạm trù tài
chính với phạm trù lưu thông trong một số trường hợp dễ gây ngộ nhận.
1.1.2.3. Tài chính và giá cả
Giá cả là một phạm trù vừa gắn với lưu thông, vừa gắn với phân phối. Trong
những trường hợp nhất định, khi có sự không đồng nhất giữa giá cả và giá trị hoặc khi
xuất hiện hiện tượng “tỷ giá cánh kéo” tăng lên (tỷ giá cánh kéo là khái niệm để chỉ mức
chênh lệch trong tốc độ tăng giá giữa 2 mặt hàng hoặc 2 nhóm mặt hàng. Ví dụ nhóm
hàng nông sản tăng 5% trong khi nhóm hàng công nghệ phẩm tăng 10%, khi biểu diễn
dưới dạng đồ thị đường thẳng trên cùng một trục tọa độ với cùng một giá gốc (100%), ta
5
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

thấy 2 đường thẳng sẽ hợp thành một góc, góc này gọi là "cánh kéo". "Cánh kéo" càng
rộng tức chênh lệch tốc độ tăng gía càng lớn. Đây là một khái niệm được dùng thông
dụng trước đây nhằm minh họa tác động phân phối lại thu nhập do tương quan về giá cả
thay đổi) sẽ diễn ra hiện tượng phân phối lại về giá trị trong xã hội. Tài chính cũng là
một phạm trù phân phối giá trị của cải xã hội nhưng giữa chúng có những điểm khác
nhau sau đây:

Phân phối tài chính Phân phối giá cả


Không kèm theo dòng dịch
chuyển hàng hoá, nói cách khác Phải thông qua quá trình lưu
không thông qua quá trình lưu thông thông hàng hoá.
hàng hoá.
Rất đa dạng. Bao gồm cả phân
Chỉ bao gồm sự dịch chuyển
phối lần đầu và phân phối lại. Cả
quyền sở hữu một lượng giá trị chứa
phân phối theo phương thức điều
trong giá cả hàng hoá từ người mua
tiết, cả phân phối theo phương thức
sang người bán hoặc ngược lại.
thị trường.

1.1.2.4. Tài chính và tiền lương


Việc hình thành quỹ tiền lương của các chủ thể kinh tế - xã hội (kể cả của nhà
nước) và trả lương cho những người lao động cũng chính là quá trình sử dụng quỹ tiền tệ
ở các chủ thể sử dụng lao động và tạo lập nên quỹ tiền tệ của các đối tượng hưởng lương.
Đó cũng chính là một phần quan trọng của quá trình phân phối của cải xã hội dưới hình
thái tiền tệ. Về lý thuyết, việc hình thành quỹ tiền lương chính là một quyết định tài chính
của chủ thể quản lý trong một hệ thống nhất định. Do đó, giữa phạm trù tài chính và tiền
lương có những điểm giao nhau. Điều này rất dễ gây ra ngộ nhận tiền lương chỉ là một
bộ phận của tài chính.Tuy nhiên, việc trả lương cho người lao động không thể coi là một
quan hệ tài chính vì tính chất đối giá của quan hệ này. Bản chất của tiền lương chính là
giá cả của sức lao động. Phạm trù này có những đặc trưng cơ bản:
- Tiền lương là một công cụ phân phối nhưng đồng thời cũng là giá cả hàng hoá
sức lao động. Nó chịu tác động bởi nhiều nhân tố trên thị trường lao động.
- Về phía người lao động, quỹ tiền lương có mục đích tái sản xuất sức lao động.
Về phía người sử dụng lao động, tiền lương là một công cụ để quản lý.
1.1.3. Tiền đề ra đời, tồn tại và phát triển của tài chính

6
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Căn cứ những gì đã trình bày ở trên, rất dễ thấy tài chính chỉ nảy sinh trên cơ sở
có sự xuất hiện tiền tệ trong cộng đồng xã hội. Để thấy rõ hơn vấn đề này, chúng ta sẽ
xem xét một số vấn đề sau:
a. Trong các nền kinh tế phi tiền tệ có hoặc chưa có sự trao đổi hàng hoá, quá
trình phân phối của cải xã hội hoặc là chưa xã hội hoá hoặc đã xã hội hoá nhưng chỉ
được tiến hành dưới hình thức hiện vật. Rõ ràng, phạm trù tài chính chưa nảy sinh.
b. Tiền tệ trong hình thức sơ khai của nó là các hàng hoá được thừa nhận là vật
ngang giá chung. Mặc dù nó có khả năng thực hiện đầy đủ các chức năng của tiền nhưng
do những hạn chế của nó (phạm vi chấp nhận chung, tính chất của hàng hoá như khó bảo
quản, khó vận chuyển, cồng kềnh ...) dễ dàng thấy chức năng được thực hiện thường
xuyên là các chức năng thước đo giá trị và phương tiện trao đổi. Các chức năng phương
tiện thanh toán (cho vay, mượn và trả nợ) và phương tiện dự trữ giá trị sẽ ít được thực
hiện hơn, lấy ví dụ: xương sọ, răng, ngà voi... đã từng là những hoá tệ nhưng những loại
tiền tệ kiểu này sẽ rất khó để làm phương tiện cho vay cũng như dự trữ giá trị. Mặc dù
không có được những cứ liệu lịch sử chắc chắn nhưng có thể khẳng định rằng trong giai
đoạn này nếu có những quan hệ tài chính thì những quan hệ này cũng rất sơ khai và
trong một phạm vi rất hẹp - nếu không muốn nói là chưa thể ra đời. Như vậy, tiền tệ phải
phát triển đến một trình độ nhất định mới đủ điều kiện cho những quan hệ tài chính nảy
sinh.
c. Tiền tệ xuất hiện và đạt đến một trình độ phát triển nhất định là tiền đề
quyết định sự ra đời và tồn tại của tài chính. Nhưng để các quan hệ tài chính phát triển
cần có những nhân tố thúc đẩy, bao gồm các nhân tố chủ yếu:
(i) Kinh tế hàng hoá phát triển: Sự phát triển kinh tế hàng hoá thể hiện ở hai mặt:
- Lực lượng sản xuất phát triển cho phép tạo nên lượng giá trị của cải xã hội nhiều
hơn, giá trị thặng dư nhiều hơn dẫn đến phần giá trị tích luỹ nhiều hơn. Đây chính là tiền
đề vật chất của các quan hệ tài chính. Trong một hệ thống kinh tế mà năng suất lao động
thấp kém, tái sản xuất giản đơn, trên thực tế, chỉ tồn tại các quan hệ trao đổi hàng hoá,
tiền tệ chủ yếu thực hiện chức năng thước đo giá trị và phương tiện trao đổi. Các quan hệ
tài chính sẽ rất khó có cơ hội phát triển.
- Các quan hệ kinh tế hàng hoá phát triển. Ở trình độ cao, kinh tế hàng hoá chuyển
biến thành kinh tế thị trường. Thực tiễn ở các nước đã và đang phát triển các quan hệ thị
trường chứng tỏ chỉ trên cơ sở các quan hệ thị trường được thiết lập đa dạng và vững
chắc các quan hệ tài chính mới có điều kiện phát triển.
(ii) Bản thân hệ thống tiền tệ ổn định và phát triển:

7
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Một hệ thống tiền tệ ổn định thể hiện ở điểm chủ yếu nhất là sức mua của tiền ổn
định. Chỉ trên cơ sở ổn định sức mua, chức năng phương tiện thanh toán và phương tiện
dự trữ giá trị của tiền tệ mới có điều kiện phát huy.
- Sự phát triển của hệ thống tiền tệ được hiểu ở sự tín nhiệm của cộng đồng ngày
càng cao, phạm vi chấp nhận ngày càng rộng và trong điều kiện quốc tế hoá là khả năng
chuyển đổi của đồng tiền ngày càng dễ dàng, hệ thống thanh toán ngày càng đa dạng,
tiện lợi, nhanh chóng và an toàn.
Tổng hợp những điều nói ở trên có thể rút ra kết luận: Tiền đề quyết định sự ra
đời, tồn tại và phát triển của tài chính là kinh tế hàng hoá - tiền tệ.
Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển nhà nước, về khách quan, đã tạo nên những
thay đổi rất lớn về lượng cũng như về chất của phạm trù tài chính, thể hiện ở những điểm
chủ yếu sau:
(i) Điều quan trọng nhất là nhà nước đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tiền tệ
bằng biện pháp phát hành tiền pháp định, làm cho tiền tệ được chấp nhận rộng rãi hơn,
được tín nhiệm gần như tuyệt đối trong phạm vi toàn xã hội và do đó thúc đẩy tiến trình
thực hiện các chức năng phương tiện thanh toán và phương tiện dự trữ giá trị của tiền tệ.
Đây chính là cơ sở quan trọng nhất thúc đẩy các quan hệ tài chính phát triển.
(ii) Nhà nước đã tạo điều kiện để các quan hệ tài chính ngày càng có tính pháp lý
cao thông qua việc tạo dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp. Chính điều này đã củng cố
lòng tin của các chủ thể tham gia vào các quan hệ tài chính cũng như duy trì sự ổn định
của các thiết chế tài chính.
(iii) Sự xuất hiện của nhà nước - dù dưới những hình thức khác nhau- trong điều
kiện đã có sự xuất hiện của tiền tệ dẫn đến việc nhà nước tham gia vào quá trình phân
phối lại về giá trị tổng thu nhập quốc gia qua quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của
nhà nước. Sự hình thành của nhà nước đã tạo ra những biến đổi rất lớn của hệ thống tài
chính về cơ cấu cũng như cơ chế vận hành.
- Về cơ cấu: xuất hiện quỹ tiền tệ do nhà nước sở hữu. Quỹ tiền tệ này rất lớn về
quy mô và rất đa dạng về các quan hệ trong quá trình tạo lập và sử dụng.
- Về cơ chế vận hành: bằng quyền lực của mình, nhà nước đã vận dụng phương
thức phi thị trường trong việc tạo lập quỹ tiền tệ, đó là phương thức điều tiết thu nhập
bằng công cụ thuế. Cũng bằng phương thức đó nhà nước đã tiến hành phân phối quỹ tiền
tệ cho các mục đích khác nhau. Như vậy, với sự xuất hiện của nhà nước, ngoài cơ chế
phân phối nguồn lực tài chính thông qua trao đổi còn xuất hiện cơ chế phân phối điều
tiết.
Lịch sử cận đại của thế giới cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ minh hoạ
những ảnh hưởng vô cùng lớn lao của nhà nước đối với hệ thống tài chính của một quốc

8
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

gia. Lấy ví dụ, trong các quốc gia lựa chọn cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, về cơ
bản, các quan hệ tài chính diễn ra chủ yếu không phải theo phương thức thị trường mà
theo phương thức kế hoạch, hoặc ở một vài quốc gia nào đó các quan hệ tài chính - tiền
tệ gần như bị thủ tiêu...

1.2. CHỨC NĂNG CỦA TÀI CHÍNH


Tài chính là phạm trù tồn tại một cách khách quan và cũng có khả năng tác động
một cách khách quan đến nền kinh tế. Người ta gọi khả năng tác động một cách khách
quan đó là chức năng của tài chính.
1.2.1. Chức năng phân phối
Thực tiễn cũng như lý thuyết kinh tế đã cho thấy tài chính không chỉ là phạm trù duy
nhất có chức năng phân phối. Vậy nên chức năng phân phối tài chính có nội dung như thế
nào?
Một cách khái quát, có thể định nghĩa chức năng phân phối của tài chính là: Khả năng
phân phối của cải (hữu hình và vô hình) xã hội dưới dạng giá trị thông qua quá trình tạo lập và
sử dụng quỹ tiền tệ của từng chủ thể kinh tế - xã hội.
Những đặc trưng nổi bật của phân phối tài chính bao gồm:
- Về hình thức, đó là quá trình thường xuyên tái phân phối nguồn lực tiền tệ giữa các
chủ thể kinh tế - xã hội khác nhau. Về nội dung, đó là quá trình phân phối tổng giá trị của cải
xã hội.
- Nó khác với phân phối của giá cả ở chỗ không gắn với lưu thông hàng hoá, nó khác
với phân phối do các hiện tượng tiền tệ gây ra ở chỗ tự nó không làm thay đổi sức mua của tiền
tệ, không làm biến động tổng nguồn tiền tệ danh nghĩa.
- Bao gồm cả phân phối lần đầu và phân phối lại mà chủ yếu là phân phối lại. (Thuật
ngữ phân phối dùng trong đoạn văn này chính là thuật ngữ phân phối mà K.Marx đã sử dụng
để chỉ một trong các khâu của quá trình tái sản xuất: sẩn xuất - trao đổi- phân phối- tiêu dùng).
- Phân phối tài chính đa dạng về phương thức vân hành mặc dù thống nhất ở mục
đích (tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ). Xét về tính chất của các dòng chu chuyển tiền tệ có thể
phân thành hai dạng phân phối tài chính:
(i) Phân phối tài chính theo phương thức điều tiết thu nhập:
Trong phương thức này, dòng vận động của tiền tệ là dòng dịch chuyển quyền sở hữu
tiền tệ. Thông thường, phương thức phân phối này được thực hiện bằng phương pháp quyền
lực. Ví dụ rõ ràng nhất là các quan hệ tài chính trong quá trình tạo lập và sử dụng quỹ ngân
sách nhà nước. Về cơ bản đây là phương thức chuyển vốn không hoàn lại và không thông qua

9
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

mua, bán. Các phạm trù chủ yếu mà thông qua đó phương thức phân phối này được triển khai,
bao gồm: thuế và chi tiêu ngân sách (cấp phát kinh phí, trợ cấp, trợ giá...).
(ii) Phân phối tài chính theo phương thức thị trường (phương thức trao đổi/phương
thức thông qua thị trường):
Theo phương thức này, sự vận động của tiền tệ từ chủ thể này sang chủ thể khác được
tiến hành thông qua việc mua bán quyền sử dụng có thời hạn một số lượng tiền tệ nhất định
theo những nguyên tắc của thị trường nói chung, chẳng hạn nguyên tắc tự nguyện tham gia
giao dịch, giá cả thoả thuận... Giá cả thể hiện ở đây như là lợi tức phải trả cho một đơn vị tiền
tệ sử dụng trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, trong thực tế vẫn tồn tại một kiểu phân phối tài chính mang đặc điểm của
cả hai phương thức nói trên, chẳng hạn trong một số hình thức tín dụng ưu đãi của nhà nước.
Trong những hình thức này, nhà nước đã sử dụng phương pháp chuyển vốn có hoàn lại, có lãi
suất ưu đãi hoặc không có lãi suất. Thực chất nó chính là sự kết hợp giữa tín dụng và cấp phát.
Như vậy có thể nói, phân phối tài chính bao gồm cả hai quá trình:
1) phân chia quyền sở hữu từng bộ phận giá trị của cải xã hội cho từng chủ thể theo
một cơ chế nào đó trong xã hội và
2) phân bổ và tái phân bổ thường xuyên các nguồn lực tài chính giữa các chủ thể bằng
cả hai phương pháp điều tiết (phân phối) và phương pháp thị trường. Kết quả của cả hai quá
trình này là hình thành các quỹ tiền tệ có mục đích khác nhau: quỹ dự trữ, quỹ đầu tư, quỹ tiêu
dùng...cho từng chủ thể khác nhau. Như vậy, cần nói rõ thêm phân phối tài chính không hoàn
toàn đồng nhất với phạm trù phân phối lần đầu và phân phối lại tổng giá trị xã hội trong kinh
tế chính trị học Mác-Lê nin. So sánh giữa hai phạm trù này ở những điểm cơ bản nhất; ta thấy:

Phạm trù phân phối (trong quá


trình tái sản xuất theo Kinh tế Phạm trù phân phối tài chính
chính trị học Mác-Lê nin)
Tổng giá trị của cải xã hội (bao
Tổng giá trị sản phẩm vật chất xã
Đối tượng phân gồm giá trị tích luỹ trong quá khứ +
hội trong một chu kỳ sản xuất xã
phối giá trị hàng hoá dịch vụ sản xuất
hội
hiện tại)
Bao gồm sự phân phối dưới mọi Chỉ bao gồm sự phân phối dưới
Hình thái giá trị
hình thái giá trị hình thái tiền tệ
Tính chất phân Gắn hoặc không gắn với lưu
Không gắn với lưu thông hàng hoá
phối thông hàng hoá
Đặc điểm Phân chia quyền sở hữu tổng giá Bao gồm cả việc phân chia quyền sở
phương thức trị sản phẩm xã hội hữu lẫn việc phân bổ quyền sử dụng
10
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

phân phối khối lượng tiền tệ đại diện giá trị


của cải xã hội
Chức năng phân phối của tài chính là chức năng quan trọng nhất, làm nên đặc trưng
và tính tất yếu khách quan của sự tồn tại phạm trù tài chính. Đây là tiền đề để hệ thống tài
chính phát huy các vai trò tích cực: tập trung, tích tụ, điều hoà nguồn lực tài chính và qua đó
tối đa hoá hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội.
1.2.2. Chức năng giám đốc
Chức năng giám đốc được định nghĩa như là khả năng khách quan thông qua vận động
tài chính mà thực hiện giám sát và đôn đốc đối với chính bản thân các quan hệ tài chính và
rộng hơn đối với nền kinh tế.
- Quá trình phân phối tài chính hay tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ trong phạm trù tài
chính tất yếu nảy sinh yêu cầu và khả năng giám sát và đôn đốc chính quá trình này. Chính hai
yếu tố cần và có thể một cách khách quan nói trên là những yếu tố quyết định hình thành nên
chức năng giám đốc của tài chính. Về phương diện chủ quan, nếu suy rộng ra, mặc dù thái độ
của người quản lý như thế nào (khái niệm người quản lý dùng ở đây là cách nói có tính tượng
trưng để chỉ những chủ thể có thẩm quyền trong phân phối tài chính) họ cũng đều thực hiện
một sự giám đốc nào đó đối với các vận động tài chính. Chỉ có điều khác nhau là sự giám đốc
đó được đặt ra theo những tiêu chuẩn nào? Ở đây, vấn đề cốt lõi cũng là vấn đề lợi ích, mà lợi
ích thực chất cũng là một động lực khách quan. Điều này gần như là hiển nhiên và rất dễ
thống nhất.
- Mặc dù chức năng giám đốc gắn liền với chức năng phân phối tài chính nhưng rõ
ràng nó không phải là hệ quả trực tiếp của chức năng phân phối. Trong khi đó, một số những
tác động khách quan khác của tài chính như: tích tụ, tập trung, điều hoà và cung ứng vốn... lại
chỉ là hệ quả trực tiếp của chức năng phân phối.
Chức năng giám đốc của tài chính có một số đặc trưng sau:
+ Thứ nhất, về phạm vi giám đốc, giám đốc tài chính là giám đốc bằng đồng tiền
nhưng không đồng nhất với mọi khả năng giám đốc bằng đồng tiền khác ở chỗ phạm vi của nó
chỉ giới hạn trong quá trình phân phối tài chính.
+ Thứ hai, chủ thể thực hiện giám đốc cũng đồng thời là chủ thể phân phối tài chính.
Quá trình giám đốc có thể thực hiện đồng thời với quá trình phân phối hoặc độc lập với quá
trình phân phối và được thực hiện cả từ hai phía chủ thể trong quá trình phân phối tài chính:
phía chủ thể sử dụng các quỹ tiền tệ và phía chủ thể tạo lập quỹ.
+ Thứ ba, nội dung của giám đốc tài chính bao gồm hai chủ đề sau:
 Giám đốc sự cần thiết, tính mục đích của các vận động tài chính cụ thể.
 Giám đốc về khía cạnh định lượng của các vận động tài chính nói trên.

11
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Cuối cùng, sau khi đã phân tích các khía cạnh khác nhau của hai chức năng tài chính,
vấn đề cần rút ra là ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu vấn đề chức năng tài chính là gì ?
Việc thừa nhận và hiểu biết hai chức năng nói trên có tác dụng rất lớn đối với thực tiễn quản lý
ở những điểm sau:
- Nhận thức sâu sắc hơn bản chất của phạm trù tài chính. Thật vậy, sẽ rất khó có một
nhận thức đầy đủ về nội dung khách quan của một phạm trù kinh tế nếu không phân định được
các chức năng của phạm trù đó. Xét về mặt hiện tượng, các chức năng của một phạm trù được
nhìn nhận qua lăng kính chủ quan của con người, bởi vì như đã nói, chỉ thông qua những hoạt
động có ý thức của con người các chức năng này mới được phát huy.
- Khi đã có một nhận thức tương đối về chức năng của tài chính, con người sẽ có khả
năng sử dụng tốt hơn các hoạt động tài chính theo hướng tối ưu và cũng có khả năng hiểu biết
ngày càng đầy đủ và rõ ràng hơn về cơ chế vận hành cũng như cơ chế tác động của phạm trù
tài chính.
Tuy nhiên, cần nói thêm là nhận thức về bản chất của một phạm trù nói chung, về chức
năng của phạm trù đó nói riêng là một quá trình ngày càng hoàn thiện, không nên và không
thể đặt dấu chấm hết cho quá trình này.

1.3. VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH


Ở mục 1.2, chúng ta đã đề cập đến những tác động có tính khách quan, vốn có của
phạm trù tài chính. Trong phần này, chúng ta sẽ đề cập đến những khả năng có thể có khi tài
chính được con người vận dụng như một hoạt động có ý thức, như một công cụ, một phương
tiện có tính chủ động và tự giác. Trong trường hợp này, tài chính sẽ gây nên những tác động
tích cực hoặc tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Những tác động này hay là vai trò của tài
chính phụ thuộc vào quá trình nhận thức và hành xử trong thực tiễn các chức năng tài chính
của các chủ thể quản lý tài chính.
Mặt khác, việc xem xét vai trò của một đối tượng chỉ có thể đặt ra trong một tương
quan nhất định nào đó, chẳng hạn, vai trò đối với nền kinh tế...
Theo cách nhìn nhận như vậy, đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, tài chính có những
vai trò chủ yếu sau đây:
1.3.1. Vai trò phân chia giá trị tổng sản phẩm xã hội
Như đã trình bày ở phần trước, đối tượng phân phối của tài chính không chỉ bao gồm
giá trị hàng hoá và dịch vụ được tạo ra trong một thời kỳ mà còn cả những giá trị tích luỹ được
trong quá khứ. Vì vậy, ở góc độ vĩ mô, vai trò của tài chính là phân chia tổng giá trị của cải xã
hội cho các chủ thể sở hữu (hoặc sử dụng/chiếm giữ) khác nhau. Ở góc độ vi mô là phân chia

12
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

quỹ tiền tệ của một chủ thể nhất định thành các quỹ tiền tệ nhỏ hơn có những mục đích khác
nhau dựa trên những nguyên tắc và cơ chế nhất định.
Các hoạt động tài chính trong xã hội như: tín dụng, bảo hiểm, thị trường chứng
khoán,...thuế, chi tiêu ngân sách,...đều thực hiện vai trò phân chia giá trị tổng của cải xã hội
xét ở góc độ vĩ mô. Ở một phía khác, hoạt động tài chính của các doanh nghiệp và dân cư cũng
đưa đến một hệ quả là phân chia quỹ tiền tệ.
Vai trò này của tài chính được thực hiện thông qua phân phối lần đầu và phân phối lại
một cách thường xuyên giá trị của cải xã hội. Nó xuất phát từ chức năng phân phối của tài
chính nhưng diễn biến, kết quả và hệ quả của quá trình này lại phụ thuộc rất lớn vào cơ chế
quản lý nền kinh tế nói chung, thái độ và cách hành xử cụ thể của từng chủ thể nói riêng. Hãy
lấy một ví dụ rõ ràng: thuế là phạm trù khách quan thuộc phạm trù tài chính nhưng đồng thời
cũng là một công cụ tài chính của Nhà nước. Công cụ này, quá dễ thấy, phụ thuộc rất nhiều
vào khuôn khổ pháp lý, vào thái độ và cách hành xử thực tế của những cá nhân và tổ chức có
liên quan.
1.3.2. Vai trò thúc đẩy hiệu quả của quá trình phân bổ nguồn lực tài chính của xã
hội
Ở phương diện tích cực, vai trò này thể hiện ở những mặt cụ thể sau:
- Vai trò tập trung các nguồn tài chính phân tán có quy mô nhỏ, không có khả năng
đầu tư có hiệu quả tạo thành những nguồn tài chính đủ lớn để tài trợ cho các nhu cầu đầu tư
đa dạng và từ đó mà làm cho đồng tiền sinh lợi.
- Vai trò thiết lập các kênh dẫn vốn đến nơi có hiệu quả nhất. Để thực hiện điều này,
hệ thống tài chính phải có khả năng lưu chuyển nguồn lực tài chính với tốc độ cao từ nơi mà
hiệu quả sử dụng thấp đến nơi có hiệu quả sử dụng cao hơn. Dĩ nhiên cần nói thêm rằng trong
một hệ thống tài chính có sự tham gia điều phối của Nhà nước, hiệu quả sử dụng nguồn tài
chính không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế mà phải là hiệu quả kinh tế - xã hội tổng hợp.
Cần lưu ý thêm hai điểm:
- Thứ nhất, sự hình thành các thiết chế tài chính dù tự phát hay là một quá trình có sự
can thiệp chủ động của nhân tố quản lý thì cũng đều bộc lộ một xu hướng là thúc đẩy hiệu quả
của quá trình phân bổ nguồn lực tài chính theo hai khía cạnh trên.
- Thứ hai, sự can thiệp chủ động của Nhà nước và các nhân tố quản lý khác có khía
cạnh tích cực là thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính, tạo các điều kiện tiền đề để hệ
thống tài chính có thể phát huy tốt nhất các vai trò nói trên. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng khả
năng làm lệch lạc các dòng vận động vốn, làm cho hiệu quả phân bổ nguồn lực tài chính đạt
thấp. Chẳng hạn, sự quản lý yếu kém của các Ngân hàng chứa đựng khả năng làm lệch lạc các
dòng vận động vốn đến những nơi kém khả năng sinh lợi...

13
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

1.3.3. Vai trò điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội
Vai trò điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội của tài chính có thể hiểu: tài chính có thể
và cần phải được vận dụng như một công cụ để tác động đến các hoạt động kinh tế - xã hội
theo những định hướng mà người quản lý mong muốn.
Dĩ nhiên, hiệu quả tác động của tài chính phụ thuộc vào 3 yếu tố:
- Định hướng của người quản lý có đúng hay không ? Nhằm vào mục tiêu gì ? Nó đem
lại lợi ích cho ai ?
- Khả năng nhận thức được đầy đủ các tác động của từng công cụ và lựa chọn đúng
các công cụ để tác động.
- Kỹ năng sử dụng tối ưu các công cụ tài chính.
Trong cả ba yếu tố, vai trò của người quản lý là cực kỳ quan trọng.
Tùy theo tính chất đặc thù của từng vận động tài chính mà khả năng điều tiết của tài
chính rất khác nhau. Có thể xem xét vai trò điều tiết của tài chính ở hai bình diện:
(i) Ở bình diện vĩ mô, tài chính nhà nước với mục tiêu quản lý vĩ mô nền kinh tế, với
nguồn lực to lớn, với khả năng sử dụng các công cụ thuế, chi tiêu ngân sách sẽ có tác động rất
mạnh lên các hoạt động kinh tế - xã hội. Bằng cách vận dụng một chính sách tài khóa (fiscal
policy) thích hợp, nhà nước có thể đạt được các mục tiêu vĩ mô của nền kinh tế trong từng thời
kỳ. Mặt khác, các công cụ như chính sách thuế, cơ cấu chi tiêu ngân sách, trợ cấp, trợ giá...có
thể gây ra những tác động toàn diện lên cơ cấu kinh tế; cơ cấu xuất nhập khẩu; tình trạng cán
cân thanh toán quốc tế; cơ cấu tiêu dùng; phát triển đồng đều theo khu vực địa lý; giảm bớt
phân hóa giàu nghèo trong xã hội; tái phân phối công bằng lợi ích của phát triển đối với các
nhóm xã hội...Trong khi đó, các quan hệ tài chính dựa trên các nguyên tắc thị trường lại gây ra
những tác động điều tiết theo một cách thức khác. Thị trường tài chính vận hành theo những
quy luật (quy luật cung cầu; quy luật cạnh tranh...) sẽ tạo nên một cơ chế điều tiết tự phát. Một
thị trường hoàn hảo sẽ làm cho các dòng tài chính dẫn vốn đến nơi có hiệu quả nhất và do đó,
gián tiếp tác động đến cơ cấu kinh tế. Tương tự, quy luật cung cầu vốn sẽ tác động lên lãi suất
và đến lượt nó lãi suất sẽ tác động lên nền kinh tế....
Việc sử dụng các công cụ tài chính nhà nước để điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội
rõ ràng phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản lý của Nhà nước, bao gồm cả năng lực hoạch
định và thực thi chính sách, năng lực thích ứng chính sách với những diễn biến của thực tiễn.
Mặt khác, dù cơ chế điều tiết của thị trường tài chính là tự phát nhưng vai trò quản lý của Nhà
nước ở đây cũng rất quan trọng. Nhà nước trước hết tác động lên thị trường tài chính (chủ yếu
bằng các biện pháp kinh tế) để qua thị trường tác động lên nền kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý
một hậu quả tiêu cực: sự can thiệp của Nhà nước có thể làm lệch hướng, méo mó thị trường.
Suy cho cùng, chỉ có hai giải pháp: không ngừng hoàn thiện kỹ năng quản lý của Nhà nước
và giảm dần sự can thiệp của Nhà nước ở những nơi không cần thiết.
14
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

(ii) Ở bình diện vi mô (chẳng hạn trong các doanh nghiệp), thông qua hai chức năng
phân phối và giám đốc của tài chính, các chủ thể quản lý cũng có thể sử dụng tài chính như
một công cụ để đạt mục tiêu đã định. Điều này có thể thực hiện trong khi xác định cấu trúc
nguồn vốn; cấu trúc tài sản; phân bổ vốn cho các bộ phận, lĩnh vực; xác định chính sách phân
phối và cổ tức... Dù tự phát hay tự giác, các quyết định tài chính đều gây ra những tác động
điều tiết các hoạt động của hệ thống. Đòi hỏi tất yếu là các chủ thể ra quyết định phải cân nhắc
tất cả các tác động của từng quyết định tài chính.

1.4. HỆ THỐNG TÀI CHÍNH


Khái niệm hệ thống tài chính là một khái niệm đa dạng về ngữ nghĩa. Nó phụ thuộc chủ
yếu vào cách định nghĩa của người sử dụng trong từng trường hợp cụ thể do đó, không thể có
một cách định nghĩa duy nhất.
Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề thuộc về bản chất: tồn tại một cách khách quan mối liên
hệ hữu cơ, nói cách khác, tính hệ thống của các dòng vận động tài chính trong xã hội dù hình
thức vận động của chúng đa dạng đến mức nào. Do đó, có thể hiểu hệ thống tài chính là tổng
thể các thành tố cấu thành các hoạt động tài chính trong nền kinh tế.
Cách tiếp cận tốt nhất đối với việc nghiên cứu hệ thống tài chính là phân tích các thành
tố cấu thành hệ thống theo các tiêu chí (cũng tức là góc độ) khác nhau. Sau đây sẽ là những
phân tích theo phương hướng đó.
1.4.1. Căn cứ vào các đặc trưng của chủ thể nắm giữ các quỹ tiền tệ trong xã hội
Xét về phương diện chủ thể nắm giữ các quỹ tiền tệ, có thể phân thành các nhóm, căn
cứ vào những đặc trưng có tính đồng nhất giữa các chủ thể về chức năng kinh tế - xã hội, về
tính chất hoạt động, về hình thức các quan hệ tài chính và mục đích của quỹ tiền tệ. Mỗi nhóm
hợp thành một bộ phận (hay là một phân hệ) của hệ thống tài chính thống nhất
Theo cách tiếp cận này, hệ thống tài chính bao gồm:
1.4.1.1. Tài chính công (Tài chính Nhà nước)
Tài chính công là tổng thể các quan hệ tài chính giữa Nhà nước với các chủ thể khác
trong xã hội.
Nhà nước là người nắm giữ các quỹ tiền tệ lớn trong xã hội bao gồm quỹ ngân sách
nhà nước và các quỹ ngoài ngân sách. Ngoài quỹ ngân sách nhà nước có những tính chất khá
phổ biến ở các nước, các quỹ ngoài ngân sách của từng nước có khá nhiều đặc thù. Tuy nhiên
về cơ bản, các nhà nước đều thiết lập ba nhóm các loại quỹ ngoài ngân sách sau:
- Nhóm các quỹ dự trữ, dự phòng.

15
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Nhóm các quỹ có tính chất hỗ trợ do nhà nước thực hiện đối với các hoạt động kinh
tế - xã hội nhất định.
- Nhóm các quỹ phục vụ các chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội.
1.4.1.2. Tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp là tổng thể các quan hệ tài chính phát sinh giữa doanh nghiệp
với các chủ thể khác trong xã hội.
Khái niệm doanh nghiệp nói ở đây có hai đặc điểm cần nhấn mạnh:
- Không chỉ bao gồm các doanh nghiệp như các quy định của luật mà là toàn bộ các
cơ sở sản xuất - kinh doanh không kể là pháp nhân hay thể nhân kinh doanh.
- Không bao gồm các doanh nghiệp là các tổ chức tài chính trung gian (xem phần
sau).
Nói cách khác, chúng ta đang đề cập đến một tập hợp các chủ thể nắm giữ những quỹ
tiền tệ có cùng đặc trưng trong phương thức tạo lập, sử dụng và trong mục đích của chúng.
Những đặc trưng chung đó là:
- Mục đích của quỹ tiền tệ: tìm kiếm lợi nhuận.
- Đặc điểm vận động: vận động theo công thức chung T- H- T’ hoặc T-H . ..SX...H’-T’
đặc điểm này giúp phân biệt quỹ tiền tệ của doanh nghiệp với các quỹ tiền tệ của các trung
gian tài chính.
- Đặc điểm tạo lập và sử dụng quỹ: Các quỹ tiền tệ được tạo lập bằng phương pháp
đầu tư, tích tụ vốn, huy động trực tiếp từ công chúng thông qua các hợp đồng cổ phần hoặc
hợp đồng nợ, vay vốn của các trung gian tài chính trong đó chủ yếu là vốn đầu tư của các chủ
sở hữu. Về sử dụng quỹ, đặc điểm chung là các quỹ được sử dụng vào quá trình sản xuất- kinh
doanh của doanh nghiệp ở những giai đoạn nhất định của chu kỳ sản xuất- kinh doanh.
1.4.1.3. Các trung gian tài chính (Các tổ chức tài chính trung gian)
Các trung gian tài chính là các chủ thể nắm giữ những quỹ tiền tệ có những đặc trưng
chung sau:
- Tạo lập qua phương thức huy động tiền tệ nhàn rỗi của công chúng là chủ yếu.
- Sử dụng các quỹ tiền tệ chủ yếu dưới hình thức cấp tín dụng và các hình thức đầu tư
tài chính khác.
Chức năng cơ bản của các trung gian tài chính là nối kết giữa những người thừa vốn
tới những người thiếu vốn thông qua việc thiết lập các quỹ tiền tệ trung gian. Nó bao gồm ba
nhóm (theo cách phân loại phổ biến) như sau:
a. Các tổ chức nhận tiền gửi
Đặc điểm cơ bản của các tổ chức này là:

16
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Huy động vốn chủ yếu từ tiền gửi của các tổ chức và cá nhân dưới nhiều hình
thức đa dạng bao gồm không kỳ hạn; kỳ hạn ngắn và trung, dài hạn...
- Sử dụng vốn chủ yếu dưới hình thức cho vay.
Định chế điển hình của nhóm này là các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, tuỳ đặc
điểm cụ thể của từng quốc gia mà nó có thể có các kiểu tổ chức với nhiều tên gọi khác
nhau.
b. Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng
Các tổ chức này có các đặc điểm cơ bản sau:
- Huy động vốn dưới hình thức các khoản thu (phí) theo định kỳ.
- Chi trả cho những người đóng phí khi có sự kiện thuộc phạm vi quy định trong
hợp đồng. Do có sự không trùng khớp về thời gian và số lượng giữa thu và chi nên các tổ
chức này có thể sử dụng số vốn tập trung được để đầu tư dưới các dạng khác nhau.
Hai tổ chức điển hình thuộc nhóm này là các công ty bảo hiểm (gồm bảo hiểm
nhân thọ và bảo hiểm tai nạn và tài sản) và các quỹ trợ cấp hưu trí (mà về bản chất vẫn
là một loại bảo hiểm).
c. Các trung gian đầu tư
Các trung gian đầu tư huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành các chứng
từ có giá. Về sử dụng vốn, chúng đầu tư vào những lĩnh vực chuyên môn hoá trên cơ sở
lợi thế cạnh tranh nhằm né tránh áp lực cạnh tranh với ngân hàng.
Các trung gian đầu tư bao gồm 2 loại hình chính:
(i) Công ty tài chính
Công ty tài chính là một loại trung gian tài chính có các đặc điểm sau:
- Huy động vốn dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, phát hành chứng khoán vốn và
nợ, vay ngân hàng.
- Nguồn vốn huy động được dùng để thực hiện các nghiệp vụ cấp tín dụng có tính
chuyên biệt tuỳ theo từng loại công ty. Trước đây, các quy định điều hành của chính phủ
đã dẫn đến hệ quả: các món vay mà các Công ty tài chính thực hiện thường là các món
vay nhỏ. Tuy nhiên, điều này hiện nay không còn là một bắt buộc.
- Ít chịu những hạn chế từ sự điều tiết của chính phủ hơn so với ngân hàng.
Công ty tài chính bao gồm nhiều loại khác nhau về cách thức tổ chức và nội dung
hoạt động.
(ii) Quỹ đầu tư (Quỹ tương trợ/Quỹ tương hỗ - Mutual Funds)
Đặc điểm chủ yếu của trung gian tài chính này là chúng huy động vốn dưới hình
thức các cổ phần (chứng chỉ quỹ đầu tư) và dùng chúng để đầu tư chứng khoán vì lợi ích
của các cổ đông.

17
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Lợi ích kinh tế mà các Quỹ đầu tư mang lại là chúng đã biến đổi các khoản đầu tư
nhỏ thành các khoản đầu tư lớn do đó, giúp các nhà đầu tư nhỏ tiết kiệm chi phí nhờ quy
mô và đa dạng hoá danh mục đầu tư để phân tán rủi ro cũng như có thể tận dụng được
việc điều hành chuyên nghiệp.
Quỹ đầu tư có thể bao gồm nhiều loại theo các cách phân loại khác nhau.
1.4.1.4. Tài chính dân cư
Đặc trưng chung của các quỹ tiền tệ do khu vực dân cư nắm giữ là:
- Tạo lập chủ yếu từ thu nhập với tư cách người lao động (tiền lương, tiền công) hoặc
với tư cách người đầu tư (lợi tức cổ phần được chia, tiền lãi của các hợp đồng nợ...).
- Sử dụng chủ yếu: đóng thuế, hình thành quỹ tiêu dùng, đầu tư tài chính dưới hai
dạng: góp vốn và cho vay.
Từ những phân tích ở trên kết hợp với mô hình hoá các dòng vận động tiền tệ có
thể hình dung hệ thống tài chính qua sơ đồ sau (xem sơ đồ ở trang sau):
Trong sơ đồ đó, các đường mũi tên chỉ các dòng vận động tiền tệ - hay còn gọi là các
luồng tài chính - trong quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của các tụ điểm tài chính. Tụ
điểm tài chính là một khái niệm đã được trừu tượng hoá để chỉ nơi tập trung (hút) và phân
phối (bơm) các nguồn tài chính, là nơi nắm giữ các quỹ tiền tệ nhất định. Tập hợp các tụ điểm
tài chính cùng loại được một số tác giả gọi là một khâu tài chính.
Theo cách hiểu như vậy, có 4 ”khâu tài chính” cơ bản: tài chính công, tài chính doanh
nghiệp, tài chính dân cư, các trung gian tài chính. Các ”luồng tài chính” có thể giải thích sơ
bộ như sau:
(1a&2a): Doanh nghiệp & dân cư nộp thuế và các khoản đóng góp tài chính khác cho
nhà nước.
(1b&2b): Nhà nước thực hiện các khoản cấp phát kinh phí và các tài trợ khác nhau từ
các quỹ tài chính nhà nước cho doanh nghiệp và các thành phần dân cư.
(3a&4a): Các trung gian tài chính huy động vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp và dân cư.
(3b&4b): Các trung gian tài chính cấp tín dụng cho doanh nghiệp và dân cư.

Tài
(1a) chính (2a)
(1b) Nhà (2b)
nước
Tài chính Thị trường tài Tài chính
doanh nghiệp chính Dân cư

(3b) (4b)
(3a) Các trung gian (4a)
tài chính 18
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Thị trường tài chính không phải là một “khâu tài chính” mà chỉ là một cơ chế để các
giao dịch tài chính được thực hiện. Theo nghĩa rộng, thị trường tài chính là tập hợp các giao
dịch tài chính theo phương thức thị trường và như thế bao gồm các hoạt động tín dụng ngân
hàng. Các giao dịch tài chính là các giao dịch về quyền sử dụng vốn giữa người mua và người
bán. Theo nghĩa hẹp (mà nghĩa này được sử dụng phổ biến hơn), thị trường tài chính được
hiểu như là tập hợp các giao dịch tài chính theo phương thức thị trường và trực tiếp (nghĩa là
không qua vai trò trung gian của trung gian tài chính) giữa người cần vốn và người thừa vốn
thông qua các công cụ tài chính nhất định...
Trong sơ đồ trên các luồng tài chính được biểu hiện bằng các mũi tên kép là kết quả
của các giao dịch tài chính giữa các khâu khâu tài chính.
1.4.2. Căn cứ vào tính chất của các quan hệ tài chính
Có thể thấy hệ thống tài chính bao gồm hai phân hệ với đặc trưng của các dòng chu
chuyển tiền tệ khác nhau. Trong phần trước, chúng ta đã phân tích hai phương thức phân phối
tài chính là phương thức phi thị trường và phương thức thị trường. Có thể sử dụng cách phân
tích đó để nói về hai phân hệ tài chính:
1.4.2.1. Phân hệ tài chính phi thị trường
Trong phân hệ này, các dòng dịch chuyển tiền tệ có những đặc trưng chủ yếu sau:
- Đó là các dòng dịch chuyển quyền sở hữu tiền tệ từ chủ thể này sang chủ thể khác.
- Có thể dựa trên quan hệ bắt buộc hoặc tự nguyện.
- Tính chất không đối giá, tức không phải là hành vi mua bán quyền sử dụng vốn mà
chỉ là dòng chuyển dịch đơn phương.
Về đại thể, các dòng dịch chuyển này bao gồm các quan hệ sau:
- Quan hệ điều tiết thông qua công cụ thuế và công cụ phân bổ ngân sách giữa nhà
nước với các tổ chức và cá nhân trong xã hội.
- Quan hệ tài chính vô vị lợi giữa các tổ chức và cá nhân trong xã hội với nhau, ví
dụ: đóng góp cho các hoạt động từ thiện, tài trợ của các tổ chức từ thiện cho các tổ chức và cá
nhân trong xã hội.
- Các quan hệ sử dụng những công cụ của thị trường nhưng lại có tính chất phi thị
trường, chẳng hạn một công cụ khá phổ biến là tín dụng ưu đãi.
1.4.2.2. Phân hệ tài chính theo phương thức thị trường:

19
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Trong phân hệ này các dòng dịch chuyển tiền tệ như đã đề cập ở phần trước là các
dòng dịch chuyển quyền sử dụng tiền tệ theo phương thức mua bán dựa trên những nguyên tắc
thị trường.
Tất cả các khâu tài chính đều có thể là những thành phần của phân hệ này, nói cách
khác, đều có thể tham gia vào các quan hệ tài chính theo phương thức thị trường. Để có một
cái nhìn khái quát có thể phân loại các quan hệ này như sau:
- Nhóm các quan hệ tín dụng giữa các trung gian tài chính với các khâu tài chính
khác. Nói cách khác, đây là các quan hệ tài chính gián tiếp. Về thực chất đây chính là dòng
dịch chuyển tài chính từ những người thừa vốn đến những người thiếu vốn qua trung gian của
các trung gian tài chính.
- Nhóm các quan hệ tài chính trực tiếp giữa những người thừa vốn và thiếu vốn
thông qua thị trường tài chính.
Có thể hình dung phân hệ này qua sơ đồ sau:

Trung gian
tài chính

Những người Những người


thừa vốn thiếu vốn
1. Dân cư 1. Doanh
Thị trường
2. Doanh nghiệp nghiệp
tài chính
3. Nhà nước 2. Nhà nước.
4. Các nhân tố 3.Dân cư.
nước ngoài 4. Các nhân tố
...... nước ngoài
.. …
: Tài chính gián tiếp

: Tài chính trực tiếp

Vì phần lớn các cách tiếp cận trong lý thuyết kinh tế thị trường đều đồng nhất phân hệ
thứ hai này với khái niệm hệ thống tài chính nên cần thiết phải phân tích rõ hơn một số luận
điểm liên quan đến cách tiếp cận này.
Chức năng của thị trường tài chính là dẫn vốn từ những người mà thu nhập nhiều hơn
chi tiêu (thường được gọi bằng thuật ngữ người tiết kiệm- savers) đến những người mà chi tiêu
nhiều hơn thu nhập (thường được gọi là người chi tiêu – spenders, thuật ngữ chi tiêu ở đây

20
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

được hiểu bao gồm cả chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu đầu tư). Bằng cách này, thị trường tài
chính đã thực hiện:
1) Chuyển vốn từ những người không có cơ hội đầu tư sinh lợi tới những người có
những cơ hội đó và qua đó nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế.
2) Chuyển vốn từ những người tiết kiệm tới những người muốn tiêu dùng trong hiện tại,
qua đó giúp cải thiện mức sống của người tiêu dùng bằng cách giúp họ chọn thời điểm cho
việc mua sắm phù hợp hơn đối với họ.
Nói cách khác, “Thị trường tài chính lúc đang hoạt động hữu hiệu sẽ cải thiện đời
sống kinh tế của mỗi người trong xã hội”.
Giải thích sự tồn tại tất yếu khách quan của các trung gian tài chính, người ta đưa ra
luận điểm chủ yếu: “Không có trung gian tài chính, thị trường tài chính không thể có được
lợi ích trọn vẹn” Sở dĩ có điều này vì để đạt được một giao dịch tài chính trực tiếp, cần phải
có những chi phí thông tin và chi phí giao dịch lớn. Khái niệm chi phí thông tin dùng để chỉ
những chi phí về thời gian tiền bạc, vật chất để cho người cho vay nhận ra người muốn vay và
ngược lại, cũng như để người cho vay tìm hiểu đủ các thông tin về người vay nhằm bảo đảm
rằng khoản cho vay của họ là có độ an toàn cao. Khái niệm chi phí giao dịch để chỉ những chi
phí thực hiện một giao dịch đúng tiêu chuẩn chẳng hạn chi phí liên quan đến khía cạnh pháp lý
của giao dịch, chi phí cho người môi giới... Chính vì hàng rào về chi phí thông tin và chi phí
giao dịch nên khá nhiều những chủ thể bị gạt ra khỏi tài chính trực tiếp vì hai trở ngại: quy mô
giao dịch nhỏ và thông tin ít ỏi của thị trường tài chính về họ. Sự hiện diện của các trung gian
tài chính giúp cho những chủ thể như vậy có thể tham gia dễ dàng vào các giao dịch tài chính -
bây giờ không phải là giữa họ với nhau mà giữa họ với các trung gian tài chính. Sở dĩ các
trung gian tài chính có thể vượt qua được hai hàng rào chi phí trên vì các nhân tố chủ yếu:
- Tiết kiệm chi phí do quy mô và chuyên môn hoá.
- Tối thiểu hoá rủi ro nhờ đa dạng hoá đầu tư.
- Kết hợp với các dịch vụ khác làm thuận lợi hơn cho quá trình giao dịch.
Những điều này sẽ được phân tích kỹ trong các chương sau ./.

21
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TÓM TẮT CHƯƠNG 1


--------

1. Thuật ngữ tài chính có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng
với tư cách là một phạm trù tồn tại khách quan trong nền kinh tế nó được hiểu như là một
phạm trù phản ảnh quá trình phân phối tổng giá trị của cải xã hội thông qua phân phối
tổng nguồn lực tiền tệ cho các chủ thể trong xã hội bằng các phương thức thoát ly sự vận
động của hàng hoá.
2. Dù có những điểm tương đồng, nhưng phạm trù tài chính vẫn khác biệt so với
các phạm trù tiền tệ; lưu thông; giá cả; tiền lương. Đặc trưng cơ bản của phạm trù tài
chính làm nên sự khác biệt này là: dòng vận động tiền tệ thoát ly sự vận động của hàng
hóa và không làm tổng cung tiền trong lưu thông thay đổi.
3. Tài chính là phạm trù tồn tại một cách khách quan và cũng có khả năng tác
động một cách khách quan đến nền kinh tế. Người ta gọi khả năng tác động một cách
khách quan đó là chức năng của tài chính.
Tài chính có 2 chức năng: chức năng phân phối và chức năng giám đốc.
Chức năng phân phối là khả năng phân phối của cải (hữu hình và vô hình) xã hội dưới
dạng giá trị thông qua quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của từng chủ thể kinh tế - xã
hội. Chức năng giám đốc được định nghĩa như là khả năng khách quan thông qua vận động tài
chính mà thực hiện giám sát và đôn đốc đối với chính bản thân các quan hệ tài chính và rộng
hơn đối với nền kinh tế.
Chức năng khởi thủy và cơ bản của phạm trù tài chính là chức năng phân phối.
4. Vai trò của tài chính là những khả năng có thể có khi tài chính được con người vận
dụng như một công cụ, một phương tiện có tính chủ động và tự giác để tác động đến các hoạt
động kinh tế - xã hội. Theo cách hiểu này, tài chính có 3 vai trò:
- Vai trò phân chia giá trị tổng sản phẩm xã hội.
- Vai trò thúc đẩy hiệu quả của quá trình phân bổ nguồn lực tài chính của xã hội.
- Vai trò điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội.
5. Hệ thống tài chính là tổng thể các thành tố cấu thành nên hoạt động tài chính
của nền kinh tế.
6. Căn cứ vào các đặc trưng của chủ thể nắm giữ các quỹ tiền tệ trong xã hội, hệ thống
tài chính bao gồm các thành tố sau:
- Tài chính công/Tài chính Nhà nước.
- Tài chính Doanh nghiệp.

22
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Tài chính dân cư.


- Trung gian tài chính.
Mỗi thành tố nói trên tạo nên một lĩnh vực tài chính với các quan hệ tài chính đặc thù.
Thị trường tài chính là cơ chế để các giao dịch về quyền sử dụng vốn dựa trên những
nguyên tắc thị trường được thực hiện thông qua các công cụ tài chính nhất định...
7. Căn cứ vào tính chất của các quan hệ tài chính, hệ thống tài chính bao gồm 2 phân
hệ:
- Phân hệ tài chính phi thị trường.
- Phân hệ tài chính theo phương thức thị trường. Trong phân hệ này, các dòng vận
động tài chính có thể chia làm 2 nhóm: nhóm các quan hệ tài chính trực tiếp và nhóm các quan
hệ tài chính gián tiếp. Sự tồn tại của các quan hệ tài chính là sự bổ sung cần thiết cho thị
trường và mang lại những lợi ích trọn vẹn cho thị trường.

TỪ KHÓA (KEY WORDS)

1. Tài chính 12. Trung gian đầu tư


2. Chức năng phân phối 13. Công ty tài chính
3. Chức năng giám đốc 14. Quỹ đầu tư
4. Vai trò của tài chính 15. Phân hệ tài chính phi thị trường
5. Hệ thống tài chính 16. Phân hệ tài chính theo phương
6. Tài chính Nhà nước thức thị trường
7. Tài chính Doanh nghiệp 17. Tài chính trực tiếp
8. Tài chính dân cư 18. Tài chính gián tiếp
9. Trung gian tài chính 19. Chi phí thông tin
10. Tổ chức nhận tiền gửi 20. Chi phí giao dịch
11. Tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng

23
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 1


-------------

1. Môn học này gọi là môn học Lý thuyết tài chính -tiền tệ vì: (chọn câu trả lời
đúng)
a. Tài chính và tiền tệ là đồng nhất.
b. Tài chính và tiền tệ là 2 lĩnh vực độc lập nhưng có liên quan mật thiết với
nhau
c. Tài chính và tiền tệ đều thuộc cùng một lĩnh vực.
d. Môn học này nghiên cứu những vấn đề của tài chính mà tài chính thì liên
quan đến tiền tệ.
e. Môn học này nghiên cứu cả những vấn đề thuộc về tài chính lẫn những vấn
đề thuộc về tiền tệ.
g. e + b.
2. Mục đích của môn học ? (chọn câu trả lời đúng)
a. Cung cấp những kỹ năng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính.
b. Cung cấp những kỹ năng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực tiền tệ.
c. Cung cấp những kỹ năng nghề nghiệp và những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực
tài chính.
d. Cung cấp những hiểu biết nền tảng về lĩnh vực tài chính và lĩnh vực tiền tệ.
3. Tại sao lại gọi tài chính là một phạm trù ?
4. Chỉ rõ điểm khác nhau giữa phạm trù tài chính với:
- Phạm trù tiền tệ
- Phạm trù lưu thông
- Phạm trù giá cả
- Phạm trù tiền lương
5. Hoạt động tài chính xuất hiện vào lúc: (chọn câu trả lời đúng)
a. Có hoạt động kinh tế.
b. Xuất hiện tiền tệ.
c. Kinh tế thị trường ra đời.
d. Kinh tế hàng hoá ra đời.
e. Kinh tế hàng hoá - tiền tệ phát triển cao.
f. Tiền tệ phát triển đến một trình độ nhất định
6. Những hoạt động và hiện tượng nào được xem là thuần tuý thuộc phạm trù
tài chính ? (chọn tất cả những câu trả lời đúng)

24
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

a. Mua hàng hoá.


b. Bán hàng hoá.
c. Mua bán hàng hoá.
d. Ngân hàng TƯ phát hành tiền.
e. Doanh nghiệp nộp thuế cho Nhà nước.
g.Giá hàng hoá tăng lên.
h. Tỷ giá ngoại tệ tăng.
i. A cho B vay tiền.
j. Công ty cổ phần SACOM bán cổ phiếu tại sở giao dịch chứng khoán.
k. Một công ty nước ngoài góp vốn liên doanh với một công ty VN.
l. Nhà nước bán công trái.
m. A gửi tiền vào ngân hàng.
n. A mua bảo hiểm.
o. A được công ty bảo hiểm đền bù.
p. Ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền.
q. Lạm phát.
r. Lãi suất ngân hàng tăng.
s. Giá cổ phiếu tăng.
t. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc có lãi.
u. Kinh tế suy thoái.
v. Việt Nam đươc Ngân hàng thế giới(WB ) cho vay để nâng cấp đường quốc lộ.
x. GDP tăng.
y. Các nước Asean thoả thuận cắt giảm thuế quan.
z. Một doanh nghiệp trong nước thanh toán tiền nhập khẩu cho một công ty xuất
khẩu ngoài nước.
w. Chơi hụi.
7. Tìm thêm những ví dụ tương tự thuộc phạm trù tài chính.
8. Trong những nhận định sau nhận định nào đúng? (chọn tất cả câu trả lời
đúng)
a. Muốn phát triển hệ thống tài chính thì chỉ cần Nhà nước quản lý tốt.
b. Nhà nước hoàn toàn không có tác động đến hoạt động tài chính trong kinh tế
thị trường.
c. Hoạt động tài chính là kết quả khách quan của nền kinh tế. Vì vậy nền kinh tế
phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của hoạt động tài chính.
d. Một hệ thống tài chính chỉ thực sự phát triển tốt dựa trên 3 nền tảng:

25
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Một nền kinh tế hàng hoá phát triển cao.


- Một hệ thống tiền tệ hoàn chỉnh và ổn định.
- Một nhà nước quản lý tốt.
e. Không thể sáng tạo các thiết chế tài chính vượt quá trình độ của nền kinh tế.
f. Không thể sáng tạo các thiết chế tài chính vượt quá xa trình độ của nền kinh
tế.
9. Sắp xếp lại những nhận định sau theo thứ tự mức độ chuẩn xác tăng dần:
a. Tiền ở trong dân dưới dạng tích luỹ còn nhiều là một vấn đề của hệ thống tài
chính.
b. Hoạt động tài chính có 2 vai trò quan trọng: tập trung và phân phối các
nguồn tài chính đến nơi có hiệu quả nhất.
c. Vai trò của hệ thống tài chính là nối kết giữa những người thừa vốn và những
người thiếu vốn.
d. Thông qua hoạt động tài chính mà các nguồn tài chính được phân phối đến
những nơi có hiệu quả nhất.
e. Thông qua hoạt động tài chính mà các nguồn tài chính được phân phối đến
những nơi cần đến.
f. Hoạt động tài chính có 2 vai trò quan trọng: tập trung và phân phối các
nguồn tài chính.
10. Trong những nhận định sau, nhận định nào sai ?
a. Giá tăng không phải là kết quả của hoạt động tài chính tồi.
b. Tài chính là mục đích, sản xuất là phương tiện.
c. Hoạt động tài chính nhằm tạo ra nhiều lợi nhuận.
d. GDP giảm do hoạt động tài chính kém hiệu quả.
e.Vì chính phủ điều hành hệ thống tài chính kém nên dẫn đến lạm phát.
11. Những tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của hệ thống tài chính? Liên hệ với
thực tiễn hệ thống tài chính Việt Nam hiện nay ?
12. Trong những cách giải thích sau đây về khái niệm tài chính trực tiếp, cách
giải thích nào là đúng nhất?
a. Trực tiếp nghĩa là người mua vốn và người bán vốn trực tiếp giao tiền cho
nhau không qua trung gian.
b. Trực tiếp nghĩa là người mua vốn và người bán vốn trực tiếp thực hiện giao
dịch vốn mà không cần người trung gian.
c. Trực tiếp nghĩa là người mua vốn và người bán vốn thực hiện giao dịch tại Sở
giao dịch chứng khoán.

26
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

d. Trực tiếp nghĩa là người mua vốn và người bán vốn trực tiếp chuyển vốn cho
nhau không phải theo phương thức bán vốn cho người trung gian, sau đó người trung
gian bán lại cho người cần vốn.
Ghi chú: Thuật ngữ mua bán vốn được hiểu là mua bán quyền sử dung có thời
hạn các khoản vốn.
13. Xác định những giao dịch sau đây, giao dịch nào là thuộc tài chính trực tiếp
và ngược lại thuộc tài chính gián tiếp:
a. A cho B vay tiền.
b. A bán trái phiếu cho ngân hàng.
c. B mua trái phiếu của ngân hàng.
d. A mua cổ phiếu do Công ty B phát hành trực tiếp.
e. A mua cổ phiếu do B bán lại trực tiếp.
f. A mua cổ phiếu qua Công ty môi giới chứng khoán.
g. Doanh nghiệp vay tiền ngân hàng.
14. Chứng minh nhận định: thị trường tài chính lúc đang hoạt động hữu hiệu sẽ
cải thiện đời sống kinh tế của mỗi người trong xã hội.
15. Chỉ rõ điểm khác nhau căn bản giữa quan hệ tài chính phi thị trường và
quan hệ tài chính theo phương thức thị trường ? Cho ví dụ minh họa.
16. Hãy giải thích tình huống thực tế sau: Ô. A gửi tiền vào Ngân hàng với lãi
suất 8%/năm. Trong khi đó, NH cho Ô. B vay với lãi suất 10%/năm. Tại sao Ô. A
không trực tiếp cho Ô. B vay để nhận được lãi suất lớn hơn ?

27
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 2: TÀI CHÍNH CÔNG

Tài chính công là một lãnh vực hoạt động của tài chính ở khu vực công và gắn
liền với chủ thể là Nhà nước. Trong hệ thống tài chính, tài chính công có vai trò rất
quan trọng vì tài chính công là nguồn lực để cung cấp một khối lượng hàng hoá công
cơ bản: pháp luật, quốc phòng, an ninh…bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của xã
hội; đồng thời hoạt động của tài chính công tác động và chi phối mạnh mẽ đến tất cả
các khâu khác trong hệ thống tài chính.
Nội dung chương này trước hết là cung cấp cho sinh viên một cái nhìn tổng
quát về tài chính công như khái niệm, đặc điểm, vai trò của tài chính công;và sau đó
chủ yếu tập trung vào hoạt động của ngân sách nhà nước, một bộ phận chủ yếu trong
hệ thống tài chính công.

2.1. TỔNG QUAN VỀ TÀI CHÍNH CÔNG


2.1.1. Sự ra đời và phát triển của Tài chính Nhà nước
Tài chính là một phạm trù kinh tế. Sự ra đời và phát triển của tài chính gắn liền
với sự ra đời và phát triển của nền kinh tế hàng hoá - tiền tệ. Lịch sử chứng minh rằng
sau khi chế độ công xã nguyên thuỷ tan rã, chế độ chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất
ra đời đã làm cho sự phân công lao động xã hội bắt đầu phát triển, năng suất lao động
được nâng cao, sản phẩm thặng dư xuất hiện, phát sinh sự trao đổi sản phẩm giữa
những người sản xuất. Trong quá trình sản xuất và trao đổi hàng hoá làm phát sinh ra
tiền tệ. Sự xuất hiện tiền tệ là bước ngoặt vĩ đại trong lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy nhanh
chóng các hoạt động giao lưu kinh tế, kích thích xã hội phát triển mạnh mẽ. Từ đây
mọi hoạt động của sản xuất, tiêu dùng đều lấy tiền tệ làm cơ sở. Tiền tệ trở thành
thước đo chung cho tất cả các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội.
Sự xuất hiện của tiền tệ đã tạo nên cuộc cách mạng trong quan hệ phân phối,
trao đổi sản phẩm, hàng hoá. Từ phân phối, trao đổi bằng hiện vật (phi tài chính) sang
phân phối trao đổi bằng giá trị quy ước (tài chính). Chính từ đây tài chính ra đời và
phát triển.
Trong điều kiện xã hội phân chia giai cấp, có sự đấu tranh giai cấp và Nhà
nước ra đời là một tất yếu khách quan. Nhà nước xuất hiện với tư cách là một cơ quan
quyền lực, công cộng, đứng ra quản lý, duy trì và phát triển xã hội, đất nước. Muốn
vậy, Nhà nước phải có tiềm lực tài chính. Bằng quyền lực của mình, Nhà nước bắt
buộc các tổ chức, các tầng lớp dân cư phải đóng thuế để tạo nên nguồn thu cho Nhà
nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước chi tiêu cho bộ máy quản lý, quân đội, nhà tù...nhằm
duy trì quyền lực Nhà nước. Từ đây, phạm trù tài chính Nhà nước (state finance) bắt

28
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

đầu xuất hiện. Từ thế kỉ XIX về trước, trong các nền kinh tế giản đơn cho đến chủ
nghĩa tư bản, tài chính Nhà nước được hình thành trên nền tảng của nền kinh tế tự
cung tự cấp và nền kinh tế tự do cạnh tranh. Nhà nước lúc bấy giờ chủ yếu thực hiện
chức năng chính trị là chính, chưa có sự can thiệp vào kinh tế. Do đó, tài chính Nhà
nước mang tính chất trung lập, chỉ phục vụ cho các hoạt động thuần tuý về mặt chính
trị của Nhà nước, chưa có ảnh hưởng gì đến sự phát triển kinh tế. Hoạt động kinh tế là
của cá nhân, tư nhân và được điều tiết bằng “ bàn tay vô hình”.
Bước sang thế kỉ XX, với những biến cố lớn như cuộc chiến tranh thế giới lần
thứ nhất và đặc biệt là cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933, với sự xuất hiện học
thuyết kinh tế của Keynes, chức năng kinh tế của Nhà nước được bổ sung và ngày càng
được chú trọng song song với chức năng chính trị vốn có của Nhà nước. Tài chính Nhà
nước lúc này không còn mang tính chất trung lập mà là một công cụ để Nhà nước can
thiệp vào nền kinh tế, điều tiết nền kinh tế phát triển theo mục tiêu hoạch định của Nhà
nước.
Như vậy, thông qua quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của tài chính Nhà
nước có thể chia quá trình đó thành hai giai đoạn: tài chính Nhà nước cổ điển và tài
chính Nhà nước hiện đại. Vai trò tài chính Nhà nước hiện đại có sự thay đổi sâu sắc
.Đó là tài chính Nhà nước đã tham gia vào quá trình quản lý nền kinh tế. Tức là Nhà
nước đã sử dụng phạm trù tài chính để điều hành nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế đất
nước phát triển. Tuy nhiên, nội dung và phương thức tác động tùy thuộc vào phương
thức sản xuất, chế độ xã hội mà Nhà nước đó đang theo đuổi và có sự khác nhau trong
từng giai đoạn phát triển, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia.
2.1.2. Khái niệm và đặc điểm của tài chính công
Tài chính công là một khái niệm được sử dụng phổ biến trong đời sống kinh tế
của một quốc gia và trong lãnh vực chuyên môn tài chính. Kể từ đầu thế kỉ XX đến nay,
ở các nước tư bản phát triển, khoa học tài chính công đã có những bước phát triển
đáng kể cả về lý luận và thực tiễn quản lý. Tài chính công trở thành công cụ tài chính
quan trọng để Nhà nước quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Còn ở Việt Nam, khoa
học tài chính công còn rất mới mẽ cả về lý thuyết cũng như kinh nghiệm quản lý. Khái
niệm tài chính công chủ yếu được đề cập trong thời kì đổi mới cơ chế từ những năm
1990 đến nay và gắn liền với quá trình đổi mới quản lý tài chính vĩ mô, đổi mới hoạt
động của khu vực công. Bàn về phạm trù tài chính công, hiện nay đang có nhiều quan
điểm khác nhau. Có quan điểm đồng nhất tài chính công với tài chính Nhà nước; có
quan điểm không đồng nhất, cho rằng tài chính công là bộ phận cơ bản của tài chính

29
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Nhà nước. Thật ra phạm trù tài chính công được xem xét dưới nhiều khía cạnh khác
nhau. Như xem tài chính công gắn với khu vực công và nó đối lập với khái niệm tài
chính tư của khu vực tư. Hay là xem xét tài chính công dưới các khía cạnh lịch sử, khía
cạnh luật pháp, khía cạnh kinh tế, v.v...khác nhau.
Tuy nhiên, để có một nhận diện đầy đủ về tài chính công thì cần phải xem xét ý
nghĩa của thuật ngữ này cùng với lịch sử ra đời và phát triển của nó.
Xét về mặt ý nghĩa của hai khái niệm tài chính công và tài chính Nhà nước cho
thấy khái niệm tài chính công bao gồm các hoạt động tài chính của khu vực công với
mục tiêu phi lợi nhuận. Còn khái niệm tài chính Nhà nước nặng về tính chất sở hữu,
bao gồm các bộ phận tài chính thuộc sở hữu Nhà nước. Từ đó cho phép xác định cấu
trúc của tài chính Nhà nước và tài chính công như sau:
Tài chính Nhà nước bao gồm các bộ phận:
- Ngân sách nhà nước (từ đây viết tắt là NSNN)
- Các quỹ dự trữ Nhà nước (Các quỹ ngoài NSNN)
- Tài chính các cơ quan hành chính Nhà nước
- Tài chính các đơn vị sự nghiệp Nhà nước
- Tài chính các doanh nghiệp Nhà nước
Tài chính công bao gồm hầu hết các bộ phận của tài chính Nhà nước, chỉ ngoại
trừ tài chính các doanh nghiệp Nhà nước. Tài chính công khác với tài chính Nhà nước
ở hai điểm:
- Hoạt động tài chính công không gắn với các hoạt động kinh doanh thu lợi
nhuận, còn tài chính Nhà nước bao gồm cả các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận
của các doanh nghiệp Nhà nước.
- Hoạt động tài chính công gắn với nhiệm vụ chi tiêu để thực hiện các chức
năng của Nhà nước, tức là cung cấp các hàng hóa công thuần túy cho xã hội. Còn Tài
chính Nhà nước không chỉ phục vụ việc thực hiện các chức năng của Nhà nước, mà
còn bao gồm các hoạt động chi tiêu để sản xuất, cung cấp các loại hàng hóa thông
thường tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Xét về mặt lịch sử, khi xã hội bước vào giai đoạn kinh tế thị trường hiện đại, do
yêu cầu phát triển kinh tế, Nhà nước phải đảm nhận chức năng kinh tế song hành với
chức năng quản lý xã hội với các hoạt động chính trị, quản lý hành chính, tư pháp,
quốc phòng. Chính những thay đổi này đã làm cho tài chính Nhà nước phải mở rộng
phạm vi và nội dung hoạt động. Về phạm vi, tài chính Nhà nước đã phát triển thêm bộ
phận tài chính các doanh nghiệp Nhà nước thông qua chính sách quốc hữu hóa các
doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, chính sách đầu tư mới các doanh nghiệp Nhà

30
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

nước. Điều đó bắt nguồn từ “sự thất bại của thị trường và cần thiết phải có sự can
thiệp của Chính phủ”.
Về mặt nội dung hoạt động và kỹ thuật quản lý của tài chính công, bộ phận chủ
yếu của tài chính nhà nước, đã có sự biến đổi căn bản. Quản lý tài chính công không
chỉ đơn thuần là huy động nguồn lực để tài trợ nhu cầu chi tiêu công, mà nó còn phải
kết hợp nghiên cứu chính sách sử dụng các công cụ thuế, công trái, chi tiêu công để
Nhà nước điều tiết nền kinh tế theo các mục tiêu, yêu cầu nhất định. Như can thiệp vào
khu vực kinh tế tư nhân, chống độc quyền, hạn chế sự tăng trưởng nóng hay suy thoái
của nền kinh tế... Đó cũng là tính chất phi trung lập của tài chính công trong nền kinh
tế hỗn hợp.
Thông qua quá trình phát triển của tài chính công cho thấy phạm trù này có các
đặc điểm cơ bản sau đây :
- Về mặt sở hữu: tài chính công thuộc về sở hữu Nhà nước và Quốc hội là cơ
quan quyền lực cao nhất giữ quyền quyết định mọi khoản thu chi cua tài chính công.
- Về mặt mục đích: tài chính công hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Việc tạo lập và sử dụng các quỹ tài chính công luôn vì lợi ích chung của cộng đồng,
của toàn xã hội, chứ không bao giờ vì lợi ích riêng tư của cá nhân hay nhóm cá nhân
nào.
- Về mặt chủ thể quan hệ tài chính công: các quan hệ tài chính công phát sinh
gắn liền với việc tạo lập và sử dụng các quỹ công, gồm quỹ NSNN và các quỹ ngoài
NSNN. Các quan hệ tài chính công luôn được điều hành bởi chủ thể là Nhà nước hay
là các tổ chức, cơ quan dược Nhà nước uỷ quyền, được giao nhiệm vụ thực hiện các
khoản thu chi đó.
- Về cơ chế pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài chính công: các quan hệ tài
chính công chịu sự điều chỉnh bởi các “luật công”, chủ yếu dựa trên các quy phạm
pháp luật mang tính chất mệnh lệnh, quyền uy bắt buộc phải chấp hành. Khác với tài
chính công, các quan hệ tài chính tư dược điều chỉnh bởi các “luật tư”, dựa trên các
quy phạm pháp luật mang tính hướng dẫn, thoả thuận là chính.
Từ các nội dung phân tích trên đây có thể nêu lên khái niệm về tài chính công :
Tài chính công là tổng thể các hoạt động thu chi bằng tiền do Nhà nước và các tổ chức,
cơ quan được Nhà nước uỷ quyền tiến hành trong quá trình phân phối tổng nguồn lực
tài chính quốc gia nhằm thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước và đáp
ứng các nhu cầu, lợi ích chung của toàn xã hội.
2.1.3. Cơ cấu của tài chính công

31
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Tài chính công là một thể thống nhất gồm nhiều bộ phận hợp thành. Tùy thuộc
vào phương pháp tiếp cận và tiêu thức khác nhau sẽ dẫn đến các cách phân loại tài
chính công khác nhau.
2.1.3.1. Căn cứ theo chủ thể quản lý
Theo tiêu thức này tài chính công được chia thành: tài chính công tổng hợp, tài
chính công cuả các cơ quan hành chính Nhà nước, tài chính công của các đơn vị sự
nghiệp Nhà nước.
- Tài chính công tổng hợp (còn gọi là tài chính chung của Nhà nước): là chỉ
tất cả các nguồn lực tài chính quốc gia, biểu hiện tập trung ở NSNN và các quỹ tài
chính Nhà nước ngoài NSNN (gọi tắt là các quỹ tài chính công ngoài NSNN), được
quản lý trực tiếp bởi chủ thể là Nhà nước. Biểu hiện cụ thể của sự quản lý này là chính
phủ trung ương và chính quyền địa phương các cấp thông qua các cơ quan chức năng
của Nhà nước như: cơ quan tài chính, thuế, kho bạc…thực hiện các nghiệp vụ về huy
động, điều phối, phân bổ, sử dụng quỹ NSNN và các quỹ tài chính công ngoài NSNN
trên phạm vi cả nước và trong từng địa phương.
- Tài chính của các cơ quan hành chính Nhà nước
Ở Việt Nam, các cơ quan hành chính Nhà nước là những đơn vị thuộc bộ máy
Nhà nước và được tổ chức thành 3 hệ thống: hệ thống các cơ quan lập pháp, hệ thống
các cơ quan hành pháp, hệ thống các cơ quan tư pháp. Các cơ quan hành chính Nhà
nước hoạt động nhằm cung cấp các hàng hóa công: an ninh, quốc phòng, tư pháp…
cho xã hội. Phần lớn các hàng hóa công này được cung ứng không thu tiền. Do vậy,
nguồn tài chính đảm bảo cho các cơ quan hành chính hoạt động chủ yếu do NSNN tài
trợ trên cơ sở dự toán kinh phí được phê duyệt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Và chính các cơ quan hành chínhlà chủ thể trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn tài chính
tại đơn vị mình để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
- Tài chính của các đơn vị sự nghiệp Nhà nước
Các đơn vị sự nghiệp Nhà nước được Nhà nước thành lập và hoạt động trên
nhiều lãnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế… nhằm đảm bảo sự hoạt
động bình thường của cả nền kinh tế. Mục tiêu hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
Nhà nước không vì lợi nhuận mà chủ yếu mang tính phục vụ. Có nhiều dịch vụ không
thu tiền (giáo dục tiểu học, phòng chữa một số bệnh…). Một số dịch vụ có thu tiền dưới
hình thức thu phí nhưng không theo cơ chế thị trường, chủ yếu nhằm thu hồi một phần
chi phí đầu tư của Nhà nước. Do đó, NSNN phải cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí
để các đơn vị sự nghiệp hoạt động hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao. Các đơn vị sự

32
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

nghiệp là chủ thể trực tiếp quản lý và sử dụng nguồn kinh phí NSNN cấp và nguồn thu
về phí khi cung ứng dịch vụ theo đúng chế độ tài chính của Nhà nước và trên cơ sở dự
toán kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2.1.3.2. Căn cứ theo nội dung quản lý và cơ chế hoạt động
Theo tiêu thức này, tài chính công được chia thành ba bộ phận là: NSNN, tín
dụng Nhà nước, các quỹ tài chính công ngoài NSNN.
- Ngân sách nhà nước
NSNN là bộ phận chủ đạo và có vai trò quan trọng nhất trong tài chính công.
Các khoản thu, chi NSNN mang tính chất pháp lý cao và mang tính chất không hoàn
trả trực tiếp là chủ yếu. Quá trình quản lý NSNN phải tuân thủ đúng các quy định về
nội dung thu, chi NSNN, phân cấp quản lý NSNN giữa các cấp chính quyền Nhà nước,
và đảm bảo theo trình tự của chu trình NSNN, đã được quy định ở Luật Ngân sách Nhà
nước.
- Tín dụng Nhà nước
Tín dụng Nhà nước bao gồm các hoạt động đi vay và cho vay của Nhà nước. Tín
dụng Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ NSNN trong những trường hợp cần thiết, đặc
biệt là huy động vốn cho đầu tư phát triển. Các quan hệ tín dụng Nhà nước thực hiện
theo nguyên tắc hoàn trả, mang tính chất tự nguyện và bắt buộc, trong đó tính chất tự
nguyện là chủ yếu. Nội dung quản lý tín dụng Nhà nước chủ yếu gồm các vấn đề: huy
động vốn tín dụng Nhà nước, sử dụng vốn tín dụng Nhà nước,thanh toán nợ và lãi vay
của tín dụng Nhà nước.
- Các quỹ tài chính công ngoài Ngân sách Nhà nước
Các quỹ tài chính công ngoài NSNN bao gồm các quỹ tiền tệ tập trung do Nhà
nước thành lập, quản lý và sử dụng nhằm cung cấp nguồn lực tài chính để thúc đẩy sự
phát triển kinh tế xã hội ở những lĩnh vực đặc thù, hay là đảm bảo sự ổn định của nền
kinh tế khi gặp những biến động bất thường.
Tùy thuộc các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của mỗi quốc gia mà các quỹ tài
chính công ngoài NSNN được thành lập cho phù hợp. Tuy nhiên, các quỹ này được sắp
xếp thành các loại, nhóm:
+ Nhóm quỹ mang tính chất dự trữ như quỹ dự trữ tài chính, quỹ dự trữ ngoại
hối…
+ Nhóm quỹ mang tính chất an sinh xã hội như quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm y tế…
+ Nhóm quỹ mang tính chất hỗ trợ như quỹ cho vay giải quyết việc làm, quỹ bảo
lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ…

33
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

+ Nhóm quỹ nhằm thực hiện những chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội mang
tính chất đặc biệt của Nhà nước như quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phòng chống ma túy,
quỹ vì người nghèo…
Các quỹ tài chính công ngoài NSNN có những đặc điểm cơ bản sau :
+ Mặc dù các quỹ có mục tiêu hoạt động riêng nhưng tất cả đều nhằm góp phần
thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước.
+ Về nguồn hình thành của các quỹ, phần lớn là có nguồn gốc từ NSNN, được
NSNN tài trợ để cân đối thu chi trong, những trường hợp nhất định.
+ Các quỹ hoạt động theo chính sách chế độ của Nhà nước, không vì mục tiêu
lợi nhuận nhưng phải đảm bảo sự bảo toàn và phát triển của quỹ.
+ So với quỹ NSNN, các quỹ này hoạt động không thường xuyên và không cố
định, chúng hoạt động tùy theo hoàn cảnh, tình hình cụ thể của mỗi quốc gia. Có
những quỹ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, đến khi đạt được mục tiêu
đề ra thì quỹ chấm dứt hoạt động.
2.1.4. Vai trò của tài chính công
Tài chính công luôn gắn liền với sở hữu Nhà nước. Xem xét vai trò của tài chính
công không thể tách rời với vai trò của Nhà nước, bởi lẽ vai trò của tài chính công bao
giờ cũng gắn liền với vai trò của Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định. Trong nền
kinh tế thị trường hiện đại, vai trò tài chính công hết sức quan trọng và có nhiều thay
đổi so với trước đây. Có thể xem xét vai trò tài chính công trên một số mặt chủ yếu sau
đây:
2.1.4.1. Vai trò huy động các nguồn tài chính đảm bảo nhu cầu chi tiêu của
Nhà nước
Đây là vai trò lịch sử và tất yếu của tài chính công trong bất kỳ chế độ xã hội nào
và cơ chế kinh tế nào. Bởi vì sự hoạt động của Nhà nước trên các mặt chính trị, kinh
tế, xã hội luôn đòi hỏi phải có nguồn tài chính để giải quyết các nhu cầu chi tiêu.
Nguồn tài chính được huy động chủ yếu là từ thuế, phí, lệ phí, công trái.
Để phát huy vai trò này, trong quá trình quản lý tài chính công cần phải xác định
qui mô (mức) động viên các nguồn thu vào NSNN sao cho vừa đáp ứng nhu cầu chi
của Nhà nước, vừa phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Đồng thời cần phải nghiên
cứu sử dụng các công cụ kinh tế về thu, chi của tài chính công để có tác động tích cực,
hiệu quả đến quá trình huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính công.

34
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

2.1.4.2. Vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, kích thích kinh tế tăng
trưởng ổn định và bền vững.
Vai trò này chủ yếu thể hiện qua hoạt động của NSNN là bộ phận chủ đạo trong
khâu tài chính công. Phần lớn các nguồn tài chính quốc gia được huy động và tập
trung vào NSNN nhằm đáp ứng các nhu cầu của Nhà nước và xã hội. Thông qua hoạt
động thu chi của NSNN, Nhà nước phân bổ trực tiếp hoặc gián tiếp các nguồn tài
chính quốc gia, định hướng phát triển sản xuất, hình thành cơ cấu kinh tế mới, thúc
đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.
Thông qua các khoản chi đầu tư xây dựng các công trình thuộc hệ thống kết cấu
hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện…) Chính phủ có
thể tạo diều kiện và hướng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào các lĩnh vực,
các vùng cần thiết để hình thành cơ cấu kinh tế mới cũng như tạo ra môi trường thuận
lợi cho sản xuất kinh doanh. Các khoản chi này của nhà nước không được thu hồi trực
tiếp, nhưng hiệu quả của nó được tính bằng sự tăng trưởng của GDP, sự phân bố
chung hợp lý của nền kinh tế hoặc bằng các chỉ tiêu khác như tạo thêm nhiều công ăn
việc làm, tăng tốc độ lưu chuyển hàng hoá dịch vụ, nâng cao dân trí và trình độ của
nguồn lao động. Với điều kiện nước ta những năm đầu chuyển sang nền kinh tế thị
trường, nguồn vốn của kinh tế tư nhân còn là hạn chế thì vốn NSNN đầu tư cho các
công trình kinh tế lớn và then chốt như: giao thông vận tải, điện lực, xi măng, hóa dầu,
công nghệ thông tin… lại càng lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc đẩy
nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giữ vững định hướng XHCN…
Thông qua chính sách thu NSNN mà chủ yếu là chính sách thuế sẽ góp phần
định hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo mục tiêu đã hoạch định cũng như góp
phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với chính sách thuế cụ thể, việc đặt ra thuế suất ưu
đãi cùng với các quy định về miễn, giảm thuế… có tác dụng kích thích mạnh mẽ đối với
doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào những vùng, những ngành
nghề cần thiết. Ngược lại với chính sách thuế khắt khe sẽ làm giảm bớt luồng vốn đầu
tư vào những nơi cần hạn chế hay là “hạ nhiệt”, giảm bớt sự tăng trưởng kinh tế quá
nóng không cần thiết.
2.1.4.3. Vai trò là công cụ điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và kiềm chế lạm
phát.
Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hoá chủ yếu phụ thuộc vào quy luật
cung cầu. Khi quan hệ cung cầu mất cân đối tất yếu sẽ dẫn đến sự biến động của giá
cả. Các chủ thể kinh doanh nói chung rất nhạy cảm với tình hình giá cả để di chuyển

35
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

vốn đầu tư từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Nhưng đối với người sản xuất, việc di
chuyển này không đơn giản và đối với nền kinh tế việc di chuyển vốn này sẽ gây nên
những phản ứng dây chuyền làm xáo trộn nhiều mặt và dẫn đến làm mất sự ổn định
của cơ cấu kinh tế vĩ mô đã hoạch định. Do vậy, chính phủ phải có biện pháp tác động
tích cực đến thị trường nhằm vừa bảo đảm lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu
dùng, vừa đảm bảo giữ vững cơ cấu kinh tế vĩ mô đã hoạch định.
Đối với thị trường hàng hoá, Chính phủ điều tiết bằng việc sử dụng các quỹ dự
trữ Nhà nước (dự trữ ngoại tệ, vàng, vật tư chiến lược, lương thực…) được hình thành
từ nguồn NSNN. Cơ chế điều tiết tổng quát như sau: khi giá cả của các mặt hàng quan
trọng, thiết yếu nào đó tăng cao, để kìm hãm và chống đầu cơ, Chính phủ đưa dự trữ
hàng hoá đó ra thị trường để tăng cung, trên cơ sở đó sẽ bình ổn được giá cả và hạn
chế sự tăng giá đồng loạt gây nguy cơ lạm phát chung cho nền kinh tế. Còn khi giá cả
các mặt hàng hóa đó bị giảm mạnh, có khả năng gây thiệt hại cho người sản xuất và sẽ
tạo ra xu hướng di chuyển vốn sang lĩnh vực khác thì Chính phủ phải dùng NSNN để
bao mua các loại hàng hoá đó với giá cả nhất định đảm bảo quyền lợi cho người sản
xuất, hay là trợ giá sản xuất cho họ trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó ổn
định được cơ cấu sản xuất của các vùng kinh tế đã quy hoạch (ở nước ta đó là các
vùng quy hoạch về cà phê, chè, cao su, điều, hồ tiêu…).
Đối với thị trường tiền tệ, thị trường vốn, hoạt động điều tiết của Chính phủ
được thông qua việc thực hiện đồng bộ các công cụ tài chính, tiền tệ, giá cả…trong đó
công cụ tài chính công với các biện pháp cụ thể như phát hành công trái, chi trả nợ,
chi tiêu dùng…sẽ góp phần làm ổn định các thị trường này, thể hiện ở việc kiểm soát
được các chỉ tiêu: lãi suất, tỷ giá, lạm phát.
Kiềm chế lạm phát luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong quản lý và
điều hành nền kinh tế của mọi Chính Phủ. Lạm phát với các biểu hiện như bùng nổ các
cơn sốt về giá, sự mất giá của đồng tiền … gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh
tế, cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Lạm phát có nhiều nguyên nhân gây ra,
trong đó có nguyên nhân từ cơ chế quản lý tài chính công. Do đó, việc đề ra các giải
pháp kiềm chế lạm phát tất yếu phải xem xét đến việc sử dụng công cụ tài chính công,
quản lý và điều hành các công cụ này sao cho phù hợp. Khi lạm phát gia tăng, giá cả
hàng hoá tăng lên do sự mất cân đối cung cầu (cung < cầu), chính phủ có thể sử dụng
các biện pháp như tăng thuế tiêu dùng, giảm thuế đối với đầu tư, thắt chặt chi tiêu
dùng để giảm lạm phát.
Ngược lại với lạm phát là giảm phát, giá cả hàng hoá đồng loạt giảm xuống sẽ
tác động tiêu cực đối với nền kinh tế mà trước hết là sự đình đốn sản xuất do tiêu thụ

36
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

trì trệ, bế tắc. Trong trường hợp này vói chính sách tăng chi tiêu dùng, kích cầu của
Nhà nước là có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách.
2.1.4.4. Vai trò là công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết thu nhập giữa
các tầng lớp dân cư, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường với các quy luật cung cầu, quy luật
tự do cạnh tranh là chủ yếu đã tạo ra những động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế
tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với cơ chế kinh tế kế hoạch hoá trước đây. Tuy nhiên,
cơ chế kinh tế thị trường, bản thân nó cũng mang nhiều khuyết tật nhất định. Một trong
những khuyết tật đó là tạo ra sự phân hoá các tầng lớp dân cư, hình thành các tầng
lớp giàu, nghèo do có sự chênh lệch về thu nhập trong quá trình phát triển kinh tế. Nếu
để cho thị trường (bàn tay vô hình) tự điều chỉnh thu nhập thì xã hội sẽ bất ổn mà
trước hết là những người có thu nhập thấp: người neo đơn, tàn tật, người già yếu,
người thất nghiệp…sẽ hết sức khó khăn, là cơ sở sản sinh các tệ nạn xã hội. Vấn đề đặt
ra là Nhà nước phải có chính sách phân phối hợp lý thu nhập của toàn xã hội với mục
tiêu là chính sách đó vừa khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo cuộc sống
chung của xã hội, nhất là những người nghèo khổ.
Việc sự dụng tài chính công như là một công cụ điều tiết vĩ mô trong lĩnh vực
thu nhập đối với các thành viên của xã hội là nhằm thực hiện công bằng xã hội về thu
nhập, đảm bảo và ổn định cuộc sống của các tầng lớp dân cư; nhưng mặt khác còn
phải đảm bảo vai trò kích thích của thu nhập đối với sự phát triển sản xuất, kích thích
sự phát triển đời sống vật chất và tinh thần của toàn xã hội, khống chế mức tiêu dùng
hợp lý, sao cho phù hợp với trình độ và năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Chính sách thu chi của tài chính công, cụ thể là chính sách thuế và chính sách
chi tiêu công góp phần làm giảm bớt sự chênh lệch quá lớn về thu nhập, về tiền lương
giữa các ngành nghề, các khu vực đô thị, nông thôn, miền núi…nhằm ổn định đời sống
của các tầng lớp dân cư trong cả nước.
Với chính sách thuế cần phải hoạch định sao cho đạt được sự cân bằng giữa
các mục tiêu cơ bản của cả hệ thống thuế là: kích thích tăng trưởng kinh tế, điều hoà
thu nhập và tăng thu cho NSNN. Thuế quá cao sẽ làm nhụt khát vọng làm giàu của nhà
kinh doanh và làm giảm khả năng tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhưng nếu thuế
thu quá thấp sẽ làm giảm nguồn thu NSNN, nguồn cơ bản để giải quyết các vấn đề xã
hội; và không có tác dụng hạn chế cạnh tranh, phát triển sản xuất trong những lĩnh
vực cần thiết. Vì thế, phải có sự nghiên cứu thận trọng và mức thuế, thuế suất trên cả
hai mặt: kích thích và hạn chế. Mặt khác, còn phải nghiên cứu cơ chế đánh thuế, cơ

37
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

chế điều tiết thu nhập dân cư qua thuế với các sắc thuế: thuế gián thu, thuế trực thu
sao cho phù hợp. Đặc biệt là thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc
biệt…) đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thiết yếu với thuế suất thấp sẽ có lợi cho người
nghèo hơn, còn đối với nhóm hàng hoá xa xỉ, các loại dịch vụ cao cấp cần phải nâng
thuế suất lên cao để điều tiết bớt một bộ phận thu nhập của tầng lớp giàu có trong xã
hội.
Với chính sách chi tiêu công cho lĩnh vực tiêu dùng, Nhà nước cần phải điều
chuyển một bộ phận thu nhập từ tầng lớp giàu có sang tầng lớp những người nghèo
dưới các hình thức chi cho các mục tiêu phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục, trợ cấp, cứu
tế… Các khoản chi về phúc lợi, trợ cấp cần được bố trí với chiều hướng tăng lên theo
một tỷ lệ nhất định so với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, đây là yêu cầu công bằng và hợp lý
phải giải quyết trong quá trình quản lý chi tiêu công.

2.2. NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC


2.2.1. Khái niệm về ngân sách và ngân sách nhà nước
Ngân sách là gì? Thuật ngữ ngân sách bắt nguồn từ tiếng Anh “budget”. Theo
nghĩa ban đầu là cái ví tiền, là quỹ tiền tệ. Tuy nhiên, dần về sau thuật ngữ này đã
thoát ly ý nghĩa ban đầu, mang nội dung rộng hơn và được sử dụng rộng rãi cho nhiều
chủ thể khác nhau. Như: ngân sách công ty, ngân sách cơ quan, ngân sách gia đình,
ngân sách cá nhân, NSNN…
Có thể nhận thấy phạm trù ngân sách luôn mang hai đặc trưng cơ bản:
Một là, ngân sách là một bảng liệt kê trong đó dự kiến và cho phép thực hiện
các khoản thu; chi bằng tiền của một chủ thể nào đó (Nhà nước, công ty, gia đình, cá
nhân…)
Hai là, ngân sách tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định (tháng, quý,
năm…)
Trong thực tiễn, khái niệm ngân sách được hiểu “Ngân sách : tổng số thu và chi
của một đơn vi trong một thời gian nhất định” (Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nhà
xuất bản giáo dục 1996).
Gắn khái niệm ngân sách với chủ thể nhà nước chúng ta có khái niệm ngân sách
nhà nước. Khái niệm NSNN được xem xét trên các mặt chủ yếu sau:
- Xét về mặt lịch sử, khái niệm NSNN xuất hiện sau khái niệm Nhà nước. NSNN
là sản phẩm của Nhà nước pháp quyền, Nhà nước của xã hội công dân do giai cấp tư
sản thiết lập thay thế xã hội thần dân của chế độ phong kiến trước đó. Thật vậy, các

38
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

nhân tố hình thành nên NSNN bao gồm Nhà nước và sự phát triển của các mối quan hệ
hàng hoá - tiền tệ đến một mức độ nhất định; chứ không phải có Nhà nước là có ngay
thể chế NSNN. Nhà nước khi ra đời đã ban hành các luật thuế để có thu nhập đáp ứng
chi tiêu. Song, cho tới kỷ nguyên phong kiến, việc thu chi của Nhà nước rất tuỳ tiện,
chủ yếu là theo quyết định của nhà vua; do đó mọi khoản thu chi không được kế hoạch
trước, không có niên độ, không có sự tính toán, phân loại và không có luật lệ điều
chỉnh. Chỉ đến khi chủ nghĩa tư bản ra đời, giai cấp tư sản đấu tranh đòi quyền kiểm
soát tài chính Nhà nước trên nhiều mặt như: đòi Nhà nước phải hỗ trợ tài chính cho
lĩnh vực kinh tế, đòi thiết lập trình tự kế hoạch chi tiêu và cơ chế kiểm tra giám sát đối
với việc chi tiêu của Nhà nước thì các nhân tố của NSNN mới được quy tụ đầy đủ và
NSNN mới được hình thành với các đặc điểm cơ bản của nó (được đề cập ở phần sau).
- Xét về phương diện pháp lý, NSNN là một đạo luật do cơ quan lập pháp của
quốc gia đó ban hành. Đạo luật này qui định các khoản thu chi bằng tiền của nhà
nước, tính trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Điều 1 Luật
NSNN năm 2002, do Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 2 thông qua, qui định: “ Ngân sách
nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của Nhà nước đã được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các
chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”
- Xét về bản chất kinh tế, NSNN thể hiện các mối quan hệ kinh tế trong phân
phối các nguồn lực tài chính quốc gia giữa một bên là nhà nước với bên kia là các tổ
chức kinh tế, xã hội, các tầng lớp dân cư. Thật vậy, hoạt động của NSNN biểu hiện ra
ở các khoản thu và chi, trong đó các khoản thu phản ánh nhà nước huy động của cải
xã hội vào tay nhà nước, còn các khoản chi phản ánh nhà nước tiến hành phân phối
chúng cho các chủ thể trong xã hội nhằm phục vụ cho việc thực hiện các chức năng,
nhiệm vụ của nhà nước.
Từ các khía cạnh nêu trên, có thể định nghĩa về NSNN như sau: Ngân sách nhà
nước là một đạo luật tài chính do cơ quan lập pháp ban hành, quy định các khoản thu
chi của nhà nước trong một khoản thời gian nhất định, thường là một năm; nó phản ánh
hệ thống quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trinh phân phối các nguồn tài chính của xã
hội thông qua việc tạo lập và sử dụng quỹ NSNN nhằm thực hiện các chức năng,
nhiệm vụ của nhà nước.
2.2.2. Đặc điểm ngân sách nhà nước

39
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

NSNN đã có quá trình ra đời, hình thành suốt từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18 và phát
triển đến nay. Ngày nay, mọi Nhà nước đều tạo lập và sử dụng NSNN. Có thể nêu lên
những đặc điểm cơ bản của NSNN như sau:
- NSNN là một đạo luật tài chính đặc biệt, bởi lẽ các thể chế của NSNN được
thiết lập là dựa vào hệ thống pháp luật có liên quan như hiến pháp, các luật
thuế…nhưng mặt khác, bản thân NSNN cũng là một đạo luật do Quốc hội quyết định
và thông qua hàng năm, mang tính chất áp đặt và bắt buộc các chủ thể kinh tế-xã hội
liên quan phải tuân thủ.
- NSNN là một kế hoạch tài chính cơ bản của Nhà nước hay còn được gọi là
một bản dự toán thu chi tài chính của Nhà nước. Các đơn vị có trách nhiệm lập dự
toán NSNN và đề ra các thông số quan trọng liên quan đến chính sách mà Nhà nước
phải thực hiện trong năm tài khoá tiếp theo. Thu, chi NSNN là cơ sở thực hiện các
chính sách, các chương trình kinh tế - xã hội của Nhà nước. Chính sách nào mà không
được dự kiến, không được ghi vào NSNN thì sẽ không được thực hiện. Do đó, việc
thẩm tra dự toán NSNN do Chính phủ lập và phê duyệt nó là thuộc về thẩm quyền của
Quốc hội. Thông qua dự toán NSNN còn là một sự kiện chính trị quan trọng, nó biểu
hiện sự nhất trí của Quốc hội về các chính sách của Chính phủ đề ra trong năm kế
hoạch. Nếu Quốc hội nhận thấy việc bố trí thu - chi trong dự toán NSNN (do chính phủ
lập) không được hợp lý thì sẽ yêu cầu điều chỉnh lại tổng mức thu, chi cũng như cơ cấu
thu chi trước khi thông qua. Như vậy, NSNN biểu hiện ở hoạt động của nó là các
khoản thu và chi của Nhà nước. Nhưng ở đây không phải là những khoản thu chi thuần
tuý. Những khoản thu chi NSNN phản ánh những thể chế xã hội được thiết lập bằng hệ
thống pháp luật với mục tiêu là ấn định con số chi tiêu trong một niên độ mà Nhà nước
phải tim kiến nguồn để tài trợ, đồng thời đưa ra những quy tắc về kế toán để theo dõi
chi tiết và chặt chẽ các khoản chi tiêu này với mục đích nhằm kiểm soát các khoản chi,
tránh được sự lãng phí, lạm dụng các khoản chi tiêu không được ghi vào trong NSNN.
Từ đó, đảm bảo cho chi tiêu của Nhà nước được hợp pháp và có thể được tài trợ bằng
những nguồn thu ổn định. Như vậy, trong quá trình điều hành hoạt động NSNN, chính
phủ chỉ được phép thu những nguồn thu cũng như chi tiêu các khoản mục trong khuôn
khổ NSNN đã được Quốc hội phê duyệt. Đặc điểm này cho thấy NSNN là công cụ giúp
cho Quốc hội quản lý và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu, thu nhập của Chính
phủ trong mỗi niên độ tài chính.
- NSNN luôn gắn chặt với sở hữu Nhà nước và do đó các quan hệ thu chi
NSNN luôn chứa đựng lợi ích chung, lợi ích công cộng. Phần lớn, các khoản thu NSNN
mang tính chất không hoàn trả trực tiếp (thu thuế), còn các khoản chi NSNN chủ yếu

40
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

mang tính chất cấp phát. Về mặt bản chất kinh tế, các quan hệ thu chi NSNN luôn phản
ánh quan hệ phân phối sản phẩm xã hội - quan hệ lợi ích giữa một bên là Nhà nước và
một bên là các tổ chức kinh tế, xã hội, các tầng lớp dân cư. Trong các quan hệ lợi ích
đó, lợi ích quốc gia, lợi ích tổng thể bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu và chi phối
các mặt lợi ích khác trong thu chi NSNN.
2.2.3. Thu và chi của ngân sách nhà nước
2.2.3.1. Thu ngân sách nhà nước
a. Khái niệm và phân loại thu ngân sách nhà nước
Theo nghĩa rộng, thu NSNN là bao gồm toàn bộ các khoản tiền được tập trung
vào tay Nhà nước để hình thành quỹ NSNN đáp ứng cho các nhu cầu chi tiêu đã xác
định của Nhà nước. Thu NSNN trước hết và chủ yếu gắn liền với các hoạt động kinh tế
trong xã hội. Do đó, mức độ phát triển kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm là
những tiền đề khách quan quyết định mức độ động viên các khoản thu NSNN.
Do nhu cầu của việc phân tích đánh giá, phục vụ cho công tác quản lý NSNN và
việc điều chỉnh các chính sách động viên của Nhà nước nên cần phải phân loại thu
NSNN theo nhiều tiêu thức khác nhau.
i. Xét theo nguồn hình thành các khoản thu, thu NSNN được chia thành 2
nguồn:
- Nguồn thu trong nước: gồm các nguồn thu được hình thành và thực hiện từ
hoạt động kinh tế của mọi thành phần kinh tế, các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp,
thu về bán và cho thuê tài sản của Nhà nước…
- Nguồn thu ngoài nước: bao gồm các khoản thu từ vay nợ và nhận viện trợ
của nước ngoài.
Đặc điểm của các nguồn thu này là gắn chặt với tình hình kinh tế, chính trị, xã
hội và ngoại giao của đất nước. Nguồn thu này thường không ổn định và có tính chất
bù đắp một phần trong quá trình cân đối ngân sách.
ii. Xét theo tác dụng của các khoản thu đối với quá trình cân đối ngân sách,
thu NSNN bao gồm các loại sau:
- Thu trong cân đối NSNN: gồm các khoản thu mang tính chất “thu thực”, Nhà
nước không phải hoàn trả lại, như:
+ Thu từ thuế, phí, lệ phí.
+ Thu về bán và cho thuê các loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.
+ Thu lợi tức cổ phần của Nhà nước tại các công ty, doanh nghiệp mà Nhà
nước có vốn góp cổ phần,…

41
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Trong các khoản thu trên, thuế là khoản thu quan trọng nhất. Vì thuế không chỉ
là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn mà còn là công cụ để Nhà nước quản lý vĩ mô nền kinh
tế.
Thu bù đắp sự thiếu hụt của NSNN: gồm các khoản thu Nhà nước phải hoàn trả
lại, như:
+ Vay trong nước: gồm các khoản vay của chính phủ đối với các tầng lớp dân
cư, các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước. Việc vay này thể hiện dưới hình thức phát
hành các loại tín phiếu, trái phiếu kho bạc Nhà nước, công trái quốc gia.
+ Vay ngoài nước: được thực hiện qua các hình thức vay nợ, các khoản viện trợ
có hoàn lại của chính phủ các nước, các tổ chức tài chính quốc tế.
b. Thu ngân sách nhà nước từ thuế
i. Khái niệm và đặc điểm của thuế
Thuế gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Nhà nước. Nó là một công cụ quan
trọng mà bất kỳ Nhà nước nào cũng sử dụng để hoàn thành chức năng của mình. Tùy
thuộc vào cách tiếp cận mà có nhiều quan điểm khác nhau về thuế.
Xét về góc độ quyền lực Nhà nước, thuế là một khoản thu của Nhà nước đối với
các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Khoản thu này mang tính chất bắt buộc, không hoàn
trả trực tiếp và được pháp luật qui định.
Thuế có những đặc điểm cơ bản sau:
- Thuế phản ánh quan hệ phân phối của cải xã hội giữa Nhà nước với các chủ
thể khác trong xã hội (xem lại ở phần khái niệm NSNN, vì thuế là khoản thu chủ yếu
của NSNN).
- Thuế mang tính chất bắt buộc (cưỡng chế) trên nguyên tắc luật định, với mức
thu và thời hạn nhất định. Đóng thuế là nghĩa vụ bắt buộc chứ không phải là dựa vào
sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Việc phân phối các khoản thu nhập thông qua
thuế luôn gắn liền với quyền lực của Nhà nước. Nhà nước dựa vào quyền lực chính trị
của mình ấn định các sắc thuế, bắt buộc người nộp thuế phải thực hiện để đảm bảo
nguồn thu ổn định và thường xuyên, đáp ứng yêu cầu chi tiêu công cộng.
- Thuế không có đối giá trực tiếp.
Nộp thuế cho Nhà nước không giống như việc chi tiền để mua hàng hoá, dịch
vụ; mà nộp thuế là một nghĩa vụ xã hội, công dân không được trốn tránh và cũng
không được quyền đòi hỏi đối giá như việc mua bán hàng hoá, dịch vụ. Cần lưu ý
rằng, mặc dù không đối giá trực tiếp nhưng mọi khoản thuế sẽ quay lại với người nộp
thuế bằng nhiều con đường khác nhau thông qua các khoản chi tiêu từ NSNN. Do đó,

42
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

người ta còn gọi thuế là mang tính chất không hoàn trả trực tiếp, tức là hoàn trả gián
tiếp thông qua các dịch vụ, các loại hàng hoá công của Nhà nước cung ứng người dân
không phải trả tiền.
ii. Phân loại thuế
- Căn cứ theo tính chất điều tiết của thuế, thuế được chia thành 2 loại là
thuế gián thu và thuế trực thu:
1) Thuế gián thu là loại thuế gián tiếp thu vào người tiêu dùng thông qua hành
vi tiêu dùng hàng hoá của họ. Trong thuế gián thu, người nộp thuế và người chịu thuế
độc lập nhau, điều này thể hiện ở chổ thuế gián thu được tính vào trong giá cả hàng
hoá và thông qua cơ chế giá cả hàng hoá thuế gián thu được chuyển cho người tiêu
dùng gánh chịu (người chịu thuế); còn người sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ chỉ
là người thu hộ thuế cho Nhà nước (người nộp thuế). Hiện nay, ở nước ta các loại thuế
VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế XNK là thuộc về thuế gián thu.
2) Thuế trực thu là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của các
pháp nhân, thể nhân; thuế trực thu thể hiện việc đánh thuế theo địa chỉ cụ thể: cá
nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp…
Trong thuế trực thu quan hệ giữa người nộp thuế và Nhà nước thể hiện một
cách rõ ràng. Người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế, phải gánh chịu toàn bộ số
thuế theo luật định mà không thể chuyển số thuế ấy cho người khác gánh chịu qua cơ
chế giá cả như thuế gián thu. Thuế trực thu thường đụng chạm trực tiếp lợi ích kinh tế
của người nộp thuế, dễ gây nên tâm lý bất bình trong xã hội, dẫn đến tình trạng trốn
lậu thuế. Vì vậy, Nhà nước phải xác định mức thu hợp lý, phù hợp với khả năng đóng
góp của người nộp thuế. Hiện nay ở nước ta các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế
thu nhập cá nhân là thuộc về thuế trực thu.
Cách phân lại này cho thấy vai trò của từng loại thuế trong phân phối và điều
tiết thu nhập của các chủ thể trong xã hội, phản ánh mối tương quan giữa thuế gián
thu và thuế trực thu trong tổng thu về thuế của NSNN, trên cơ sở đó phục vụ cho việc
nghiên cứu và thiết kế hệ thống thuế một cách khoa học, hợp lý.
- Căn cứ theo đối tượng đánh thuế, thuế được chia thành các nhóm sau:
1) Thuế đánh vào hàng hoá, dịch vụ như: thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế
xuất nhập khẩu…
2) Thuế đánh vào thu nhập như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá
nhân.
3) Thuế đánh vào tài sản như: thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp…

43
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Cách phân loại này cho thấy hệ thống thuế với nhiều loại thuế khác nhau, chúng
hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện các chức năng toàn diện của hệ thống thuế.
iii. Các yếu tố cơ bản của một luật thuế (sắc thuế)
Thuế là khoản đóng góp theo nghĩa vụ nên thuế phải được ban hành thành luật
pháp. Luật thuế phải bao hàm những chuẩn mực pháp lý để đảm bảo tính hiệu lực của
thuế. Thông thường một luật thuế bao gồm các yếu tố cơ bản sau:
- Tên gọi của thuế: nói lên đối tượng đánh thuế hoặc nội dung chủ yếu của sắc
thuế đó.
- Người nộp thuế (còn gọi là đối tượng nộp thuế): là những tổ chức hoặc cá
nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định.
- Đối tượng đánh thuế: là mục tiêu tác động của thuế. Trong nhiều trường
hợp người ta lấy đối tượng đánh thuế để đặt tên cho thuế đó, như thuế thu nhập doanh
nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Như vậy, việc xác định đối tượng đánh thuế là xác định
nguồn vật chất mà người ta tính toán trên đó mức thuế phải nộp.
- Căn cứ tính thuế: là những yếu tố mà dựa vào đó để tính ra số thuế phải
nộp. Các loại thuế khác nhau thì căn cứ tính thuế cũng khác nhau. Chẳng hạn, căn cứ
tính thuế của thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất; căn cứ tính thuế các
thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế và thuế suất,…
- Thuế suất: là mức thuế được ấn định trên mỗi đơn vị của đối tượng đánh
thuế. Thuế suất có 3 loại:
1) Thuế suất cố định tuyệt đối: đây là lại thuế suất tính bằng số tuyệt đối cho
mỗi đơn vị của đối tượng đánh thuế.
Ở nước ta thuế sử dụng đất nông nghiệp có thuế suất cố định tính bằng kg
thóc/1ha/năm, thuế nhập khẩu ô tô cũ tính bằng số lượng USD/đầu xe.
Loại thuế suất cố định áp dụng đơn giản thuận lợi cho người nộp thuế cũng như
việc kiểm soát nguồn thu thuế của NSNN. Tuy nhiên, thuế suất cố định không thích ứng
kịp thời với sự biến động của giá cả và mức độ lạm phát trong nền kinh tế.
2) Thuế suất tỷ lệ: là mức thuế được ấn định bằng con số tương đối hay là tỷ lệ
% nhất định trên đối tượng đánh thuế.
Loại thuế suất này được sử dụng phổ biến ở các quốc gia cũng như ở nước ta
như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng loại thuế suất này.
3) Thuế suất luỹ tiến: đây cũng là loại thuế suất tỷ lệ nhưng có đặc điểm là thuế
suất tăng dần lên theo mức tăng lên của đối tượng đánh thuế. Thuế suất lũy tiến được
chia thành lũy tiến từng phần và lũy tiến toàn phần.

44
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

 Thuế suất luỹ tiến từng phần: bao gồm một hệ thống thuế suất tăng dần lên
theo từng bậc của đối tượng đánh thuế.
 Thuế suất luỹ tiến toàn phần: là thuế suất tăng lên theo toàn bộ mức tăng của
đối tượng đánh thuế.
Trong các yếu tố cấu thành của một luật thuế, thuế suất có vị trí quan trọng
nhất. Nó thể hiện chính sách động viên thu nhập của Nhà nước đối với các chủ thể
trong xã hội, thể hiện các lợi ích kinh tế cũng như quan điểm, đường lối phát triển kinh
tế của Nhà nước. Do đó, việc thiết kế thuế suất cần phải mang tính khoa học, sát với
tình hình thu nhập và khả năng đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên cơ sở đó vừa
bảo đảm cho Nhà nước có được nguồn thu hợp lý, vừa phát huy được vai trò của thuế
suất trong việc khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm công bằng trong phân
phối.
- Giá tính thuế:
Giá tính thuế là giá cả của hàng hoá, tài sản được tính theo quy định của Luật
thuế. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể mà giá tính thuế được tính theo giá thực tế (giá
trên hoá đơn), giá tối thiểu do Nhà nước quy đinh…
- Chế độ ưu đãi về thuế: chủ yếu bao gồm các quy định về giảm thuế, miễn
thuế đối với các pháp nhân, thể nhân trong những điều kiện cụ thể. Việc quy định về
miễn giảm thuế nhằm kích thích sự phân bổ các nguồn lực xã hội (đất đai, nhân lực,
vốn…) theo định hướng của Nhà nước mà chủ yếu là giảm bớt sự cách biệt về phát
triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, các địa phương. Ngoài ra, các quy định về giảm,
miễn thuế còn nhằm thực hiện chính sách “đối nhân” của thuế đối với các pháp nhân,
thể nhân khi họ gặp những hoàn cảnh khách quan bất lợi ảnh hưởng xấu đến hoạt
động kinh doanh hay thu nhập của họ (bão lụt, hoả hoạn, động đất…).
Tuy nhiên, việc vận dụng những ưu đãi về thuế phải hợp lý và chỉ trong những
trường hợp cần thiết để bảo đảm tính chất nghiêm túc, chặt chẽ của luật thuế, tránh sự
bất bình dẳng về thuế.
Ngoài các yếu tố cơ bản trên, trong các luật thuế còn qui định rõ các vấn đề về
khen thưởng, xử phạt, thủ tục thu nộp thuế, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính
quyền Nhà nước và của các cơ quan tài chính, cơ quan thuế các cấp.
iv. Hệ thống thuế Việt Nam
Hệ thống thuế bao gồm nhiều loại thuế (sắc thuế) cụ thể mà Nhà nước sử dụng
để tạo nguồn thu cho NSNN và thực hiện các mục tiêu và quản lý kinh tế - xã hội.

45
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Kể từ khi chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị
trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, hệ thống thuế nước ta đã
được cải cách căn bản theo hướng luật hoá và áp dụng cho mọi thành phần kinh tế.
Hệ thống thuế hiện hành ở nước ta bao gồm:
- Thuế giá trị gia tăng.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Thuế xuất, nhập khẩu.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Thuế thu nhập cá nhân.
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Thuế nhà đất.
- Thuế tài nguyên.
- Thuế môn bài.
Nội dung cụ thể của các loại thuế trên được đề cập ở giáo trình thuế.
Hệ thống thuế Việt Nam, kể từ khi cải cách từ năm 1990 đến nay, đã phát huy
tác dụng đáng kể trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Để đáp ứng
yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc và toàn diện theo lộ trình cải cách thuế
đến năm 2010, hệ thống thuế nói trên còn phải được tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù
hợp; đáng chú ý là sẽ ban hành thuế bảo vệ môi trường và mở rộng diện đánh thuế tài
sản để hạn chế ô nhiểm và bảo đảm công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có quyền sở
hữu, quyền sử dụng tài sản.
c. Thu ngân sách nhà nước từ phí và lệ phí
Hàng hoá, dịch vụ công của khu vực công cung cấp cho xã hội được chia thành
2 loại: hàng hoá, dịch vụ công cơ bản (quốc phòng, an ninh, luật pháp, giáo dục, y tế
thiết yếu...) và hàng hoá, dịch vụ công vượt trội.
Về tổng thể, các hàng hoá, dịch vụ công cơ bản được tài trợ bằng nguồn thu từ
thuế; còn hàng hoá, dịch vụ công vượt trội được tài trợ bằng nguồn thu từ lệ phí và
phí. Như vậy, lệ phí và phí là các khoản thu của NSNN phát sinh khi các cơ quan đơn
vị của nhà nước cung cấp các loại dịch vụ công vượt trội cho các tổ chức, cá nhân
trong xã hội. Đó là các dịch vụ có liên quan đến quản lý nhà nước như: đăng kí hộ
khẩu, quốc tịch, cấp giấy phép kinh doanh, công chứng các loại giấy tờ...; và các dịch
vụ công đơn thuần khác như: sử dụng hạ tầng giao thông vận tải, thông tin liên lạc,
giáo dục, y tế....

46
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Xét về bản chất, giữa lệ phí và phí thuộc NSNN có sự khác nhau nhất định. Lệ
phí là khoản thu của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân khi họ thụ hưởng các dịch
vụ có liên quan đến quản lý hành chính nhà nước. Còn phí là khoản thu của Nhà nước
đối với các tổ chức, cá nhân khi họ thụ hưởng các dịch vụ công đơn thuần (các dịch vụ
này cũng thuộc khu vực tự cung ứng được).
Lệ phí và phí cũng là khoản thu của NSNN nhưng có điểm khác nhau căn bản
với thuế là ở chỗ nó mang tính chất hoàn trả trực tiếp (vì các tổ chức cá nhân là người
trực tiếp thụ hưởng các dịch vụ công này).
Lệ phí và phí, một mặt góp phần đóng góp nguồn thu cho NSNN để đáp ứng nhu
cầu chi tiêu ngày càng tăng của Nhà nước, mặt khác thông qua thu lệ phí và phí còn
góp phần thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm các nguồn lực tài chính công và thực hiện sự
công bằng trong việc thụ hưởng các loại dịch vụ công vượt trội.
d. Thu từ hoạt động kinh tế của nhà nước
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước tham gia các hoạt động kinh tế bằng
việc đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh dưới hình thức góp vốn vào các xí nghiệp,
công ty liên doanh, mua cổ phiếu của các công ty cổ phần. Số vốn đầu tư của Nhà
nước vào các hoạt động kinh tế đòi hỏi phải sinh lợi và lợi tức thu được sẽ phụ thuộc
vào tỉ lệ góp vốn của Nhà nước, hiệu quả hoạt động kinh doanh và cơ chế phân phối
lợi nhuận ròng của doanh nghiệp. Thu NSNN từ lợi tức liên doanh kinh tế, lợi tức cổ
phần của Nhà nước ngày càng tăng trong tổng thu của NSNN và điều này gắn liền với
tiến trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, với sự phát triển các công ty
liên doanh, công ty cổ phần đại chúng.
Trong điều kiện của cơ chế thị trường các khoản thu từ hoạt động kinh tế của
Nhà nước còn biểu hiện dưới nhiều hình thức phong phú như:
- Thu từ bán tài sản của nhà nước trong quá trình thực hiện cổ phần hoá
doanh nghiệp nhà nước.
- Thu từ bán tài sản của nhà nước đã cho các chủ thể trong xã hội thuê trước
đây.
- Thu từ bán lại các cơ sở kinh tế của nhà nước cho các thành phần kinh tế.
- Thu từ cho thuê hoặc bán tài nguyên thiên nhiên.
e. Thu từ vay nợ và viện trợ
i. Vay nợ chính phủ

47
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Để bù đắp thiếu hụt NSNN và đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển kinh tế, nhà
nước còn thực hiện huy động vốn bằng vay nợ trong và ngoài nước.
1) Vay nợ trong nước
Vay nợ trong nước được thực hiện bằng cách phát hành công trái. Công trái là
chứng chỉ nhận nợ của nhà nước, là một loại chứng khoán hay trái khoán nhà nước do
nhà nước phát hành để vay dân cư, các tổ chức kinh tế xã hội và ngân hàng. Công trái
phiếu có nhiều tên gọi khác nhau như công phiếu quốc gia, trái phiếu chính phủ,
chứng chỉ đầu tư. Ở Việt Nam, Chính phủ uỷ nhiệm cho kho bạc nhà nước phát hành
trái phiếu chính phủ dưới ba hình thức:
- Tín phiếu kho bạc: là trái phiếu chính phủ ngắn hạn, thời hạn dưới một năm,
được phát hành để huy động vốn nhằm giải quyết mất cân đối tạm thời của NSNN
trong năm tài chính.
- Trái phiếu kho bạc: là trái phiếu chính phủ trung và dài hạn, thời hạn trên
một năm được phát hành để huy động vốn nhằm giải quyết bội chi NSNN đã được
Quốc hội phê chuẩn.
- Trái phiếu đầu tư: là trái phiếu chính phủ trung và dài hạn, thời hạn trên một
năm được phát hành để huy động vốn cho các công trình cụ thể theo kế hoạch đầu tư
đã được duyệt của nhà nước.
Việc phát hành trái phiếu chính phủ vào thị trường được thực hiện bằng bốn
phương thức sau:
- Phương thức đấu thầu.
- Phương thức bão lãnh phát hành.
- Phương thức tiêu thụ qua các đại lý.
- Phương thức phát hành trực tiếp.
Đối tượng tham gia mua trái phiếu cũng rất đa dạng: các chính phủ, các tổ
chức quốc tế, các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các công ty tài chính, các nhà
đầu tư chứng khoán, các tầng lớp dân cư....
2) Vay nợ nước ngoài
Vay nợ nước ngoài của chính phủ thường biểu hiện dưới ba hình thức:
- Hiệp ước hoặc hiệp định vay mượn (viện trợ có hoàn lại) giữa hai chính phủ.
Thông thường hiệp định vay nợ (viện trợ có hoàn lại) được gắn liền trong các
hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kĩ thuật, văn hoá xã hội....trên cơ sở
đôi bên cùng có lợi. Như vậy, việc vay mượn giữa hai chính phủ không đơn thuần về
kinh tế và những điều khoản của tín dụng nói chung mà còn có những ràng buộc về

48
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

chính trị, về các điều khoản hợp tác thương mại quốc tế, công nghệ kĩ thuật, cung cấp
hàng hoá vật tư...., ràng buộc về mục đích sử dụng vốn thông qua các chương trình,
các dự án đầu tư phát triển.
- Hiệp định vay mượn giữa chính phủ với các tổ chức tài chính-tiền tệ quốc tế.
- Phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài.
ii. Viện trợ quốc tế
Viện trợ quốc tế là nguồn vốn phát triển của các chính phủ, các tổ chức liên
chính phủ, các tổ chức quốc tế cấp cho chính phủ một nước nhằm thực hiện các
chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Phổ biến của viện trợ quốc tế là viện
trợ phát triển chính thức (ODA) của các chính phủ, các tổ chức quốc tế.
Nhìn chung, viện trợ quốc tế là một hình thức đầu tư quốc tế gián tiếp, là nguồn
vốn quan trọng bổ sung cho kênh huy động vốn ở trong nước. Chính vì vậy, đòi hỏi nhà
nước cần tranh thủ và khai thác nguồn vốn này từ các chính phủ và các tổ chức phi
chính phủ.
2.2.3.2. Chi ngân sách nhà nước
a. Khái niệm và đặc điểm của chi NSNN
Chi NSNN là quá trình phân phối, sử dụng quỹ NSNN theo những nguyên tắc
nhất định nhằm phục vụ cho việc thực hiện các chức năng của Nhà nước.
Trong mỗi chế độ xã hội, trong từng giai đoạn lịch sử, chi NSSNN có quy mô và
cơ cấu khác nhau. Song, nhìn chung chi NSNN có những đặc điểm chung sau đây:
- Chi NSNN luôn gắn chặt với những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà
Nhà nước phải đảm nhận trước mỗi quốc gia. Tuỳ thuộc vào tính chất, nhiệm vụ của
Nhà nước trong mỗi thời kỳ mà mức độ và phạm vi chi NSNN có khác nhau. Ở nước ta
trong giai đoạn cơ chế kế hoạch hoá tập trung, Nhà nước “ôm đồm” quá nhiều nhiệm
vụ nên chi NSNN phải dàn trải trên nhiều lĩnh vực; từ đầu tư kinh tế cho đến văn hoá,
giáo dục, đào tạo, y tế, xã hội…hầu như đều dựa vào chi tiêu từ NSNN. Còn trong cơ
chế thị trường ngày nay, các khoản chi đầu tư kinh tế của NSNN chỉ dành cho các
công trình trọng điểm, còn các khoản chi về văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế…đang
thực hiện xoá bỏ dần bao cấp, mở rộng phương châm “xã hội hoá”, và tiến đến thực
hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực này.
- Hiệu quả của các khoản chi NSNN được xem xét khác với hiệu quả sử dụng
vốn của các doanh nghiệp. Tính hiệu quả của chi NSNN phải được xem xét ở tầm vĩ
mô, nghĩa là phải xem xét hiệu quả trên nhiều mặt về kinh tế, xã hội, an ninh quốc

49
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

phòng…phải dựa vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng
để đánh giá tính hiệu quả của các khoản chi NSNN.
- Chi NSNN phần lớn là mang tính chất cấp phát không hoàn trả trực tiếp,
mang tính bao cấp. Các khoản cấp phát từ NSNN cho các ngành, các đơn vị, các hoạt
động văn hoá, xã hội…đều không phải hoàn lại cho Nhà nước. Đặc điểm này giúp
phân biệt cơ chế cấp phát chi NSNN khác với cơ chế tín dụng. Từ đó, đòi hỏi các nhà
quản lý cần phải tính toán, phân tích đầy đủ trước khi đưa ra các quyết định chi NSNN
nhằm tránh được sự lãng phí vốn NSNN, nâng cao hiệu quả của chi NSNN.
b. Phân loại chi ngân sách nhà nước
Tuỳ theo mục đích, yêu cầu của việc phân tích, đánh giá và quản lý NSNN mà
người ta có thể phân chia chi NSNN theo nhiều tiêu thức khác nhau.
i. Căn cứ theo lĩnh vực chi, nội dung chi NSNN được chia thành:
- Chi kiến thiết kinh tế
- Chi văn hoá - xã hội
- Chi quản lý hành chính
- Chi an ninh quốc phòng
- Các khoản chi khác.
Cách phân loại này được sử dụng phổ biến trong thời kỳ quản lý theo cơ chế kế
hoạch hoá tập trung ở nước ta, nó nhằm đánh giá chi NSNN theo từng lĩnh vực, trong
đó lĩnh vực được chú trọng nhất là chi về kiến thiết kinh tế.
ii. Căn cứ vào sự phát huy tác dụng của các khoản chi, nội dung chi ngân
sách nhà nước được chia thành:
- Chi thường xuyên
- Chi đầu tư phát triển
- Các khoản chi khác (chi trả nợ, chi cho vay, viện trợ…).
Cách phân loại này được sử dụng phổ biến ở các nước theo cơ chế thị trường,
phù hợp với thông lệ quốc tế. Ở nước ta nó được thể hiện rõ nét trong các văn bản
pháp quy của Luật Ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, điều
hành, và bố trí cân đối NSNN.
c. Nội dung chi ngân sách nhà nước
i. Chi thường xuyên
Các khoản chi thường xuyên phát sinh gắn liền với việc thực hiện chức năng
quản lý xã hội của Nhà nước. Có thể phân chia kinh phí cấp phát chi thường xuyên của

50
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

NSNN thành 2 bộ phận cơ bản: một bộ phận nhằm duy trì sự hoạt động thường xuyên
của bộ máy Nhà nước và an ninh quốc phòng; và một bộ phận nhằm đáp ứng nhu cầu
của dân cư trong lĩnh vực phát triển văn hoá xã hội.
Chi thường xuyên mang tính chất là các khoản cho cho tiêu dùng xã hội vì nó
không trực tiếp tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế. Đồng thời, chi thường
xuyên phát sinh có tính chất đều đặn, thường xuyên liên tục, không thể trì hoãn. Với
những tính chất này, cho nên về nguyên tắc chi thường xuyên chỉ được bố trí từ các
khoản thu trong cân đối của NSNN và phải được ưu tiên trước so với chi đầu tư.
Nếu xét theo từng lĩnh vực chi, thì nội dung chi thường xuyên của NSNN bao
gồm:
1) Chi cho các hoạt động sự nghiệp văn hoá – xã hội:
Lĩnh vực văn hoá - xã hội bao gồm nhiều loại hình đơn vị trên các mặt hoạt
động: sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao, thông
tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình,... Một khi các dơn vị đó do Nhà nước thành lập
và giao nhiệm vụ cho nó thì Nhà nước phải tạo cơ chế tài chính để nó hoạt động.
Trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung trước đây hầu hết các đơn vị sự nghiệp văn hoá -
xã hội là của Nhà nước và được cấp phát toàn bộ kinh phí hoạt động, khi chuyển sang
cơ chế thị trường thực hiện phương châm xã hội hoá các hoạt động văn hoá - xã hội,
đồng thời xoá bỏ phần lớn sự bao cấp của Nhà nước trong lĩnh vực này, các đơn vị sự
nghiệp văn hoá - xã hội của Nhà nước phải thực hiện từng bước cơ chế tự chủ tài
chính theo yêu cầu của công cuộc cải cách tài chính công hiện nay. Đó là phải sắp
xếp, phân loại các đơn vị sự nghiệp này thành ba loại hình sau đây:
- Loại hình I: NSNN cấp toàn bộ kinh phí hoạt động. Có thể nêu lên các đơn vị
thuộc loại hình này như: các viện nghiên cứu khoa học cơ bản, các trường đào tạo
nhân tài cho đất nước, các trường tiểu học, các trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện
dành cho đối tượng chính sách, người nghèo, hay là đặc trị các bệnh nan y (bệnh lao,
bệnh phong, HIV-AIDS)...
- Loại hình II: NSNN chỉ cấp một phần kinh phí hoạt động, các đơn vị phải tự
chủ một phần kinh phí từ các nguồn thu phí do cung ứng các dịch vụ cho xã hội. Thuộc
về loại hình này là các trường trung học, các bệnh viện, các trung tâm dạy nghề, các
trường đại học... Tuy nhiên, về lâu dài các trường đại học, cao đẳng, và dạy nghề phải
tiến đến tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động, NSNN không còn cấp phát kinh phí thường
xuyên, mà chỉ xem xét cấp phát theo chương trình mục tiêu quốc gia các công trình
thuộc dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước.

51
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Loại hình III: NSNN không cấp kinh phí hoạt động, các đơn vị phải tự chủ
toàn bộ kinh phí hoạt động từ nguồn thu do bán các sản phẩm, dịch vụ cho xã hội.
Thuộc về loại hình này trước hết phải kể đến các cơ quan, các viện nghiên cứu khoa
học thuộc lĩnh vực triển khai ứng dụng, các trung tâm tin học, ngoại ngữ... Với cơ chế
tài chính nêu trên các đơn vị sự nghiệp thuộc loại hình II & III được giao quyền tự chủ
về biên chế và tự chủ về nguồn vốn hoạt động từ nhiều nguồn khác nhau: kinh phí
NSNN cấp, mời gọi các đơn vị bên ngoài góp vốn liên doanh, liên kết, huy động vốn từ
kênh tín dụng ngân hàng... Từ đó giảm áp lực chi thường xuyên của NSNN, nâng cao
hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hoá - xã hội của Nhà nước.
2) Chi cho các hoạt động sự nghiệp kinh tế:
Các đơn vị sự nghiệp kinh tế của Nhà nước được thành lập nhằm phục vụ cho
hoạt động của từng ngành và phục vụ chung cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nghĩa
là nó nhằm phục vụ các yêu cầu về quản lý kinh tế - xã hội và tạo điều kiện cho các
ngành kinh tế hoạt động được thuận lợi, chứ không phải nhằm mục tiêu kinh doanh
sinh lời.
Hoạt động sự nghiệp kinh tế thể hiện ở các lĩnh vực chủ yếu sau:
- Điều tra cơ bản, đo đạc địa giới hành chính các cấp
- Điều tra dự báo về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, khoáng sản
- Đo vẽ bản đồ, lưu trữ hồ sơ địa chính
- Duy tu bão dưỡng đường sá, cầu cống
- Bảo vệ, quản lý và khai thác các hồ chứa nước, đê điều,…
Đặc điểm chung về hoạt động tài chính của các đơn vị sự nghiệp kinh tế là thu
nhập không bù đắp đủ chi phí hoạt động, phần thiếu hụt này được đảm bảo bằng số chi
thường xuyên của NSNN.
3) Chi cho các hoạt động quản lý hành chính Nhà nước:
Nội dung tổ chức và quản lý hành chính Nhà nước , theo nghĩa rộng, bao gồm 4
yếu tố cơ bản : tổ chức (thiết chế cơ cấu bộ máy Nhà nước); Pháp chế (thể chế hoạt
động của các cơ quan Nhà nước); nhân lực; vật lực, tài lực. Về mặt tổ chức, bộ máy
chính quyền Nhà nước nước ta gồm 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Mỗi cấp chính
quyền Nhà nước bao gồm nhiều cơ quan với các chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Và do đó,
NSNN phải cấp phát kinh phí để duy trì sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Có thể
sắp xếp các khoản chi thường xuyên cho hoạt động quản lý Nhà nước theo 3 mặt sau:
- Chi về hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước: Quốc hội, Hội đồng
nhân dân các cấp

52
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Chi về hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống Toà án nhân dân và Viện
kiểm sát nhân dân
- Chi về hoạt động của các cơ quan quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã
hội như: Chính phủ, các bộ , ngành và chính quyền địa phương các cấp.
Ngoài ra, do tính chất đặc thù của hệ thống chính trị ở nước ta nên NSNN còn
hỗ trợ đáng kể một phần kinh phí hoạt động cho các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác như: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đoàn
Thanh niên Cộng sản, Hội phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh,… Các khoản kinh
phí cấp phát này cũng phải được sắp xếp vào khoản chi cho hoạt động quản lý hành
chính Nhà nước.
4) Chi cho quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội:
Bất kỳ quốc gia nào cũng phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân đội, an
ninh nhất định, nhằm bảo đảm sự tồn tại của Nhà nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền
quốc gia, bảo đảm cuộc sống hoà bình cho toàn dân. Và do đó, NSNN phải cấp phát
kinh phí cho các nhu cầu về quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Xét theo mục đích sử dụng, khoản chi về quốc phòng, an ninh được chia thành
hai bộ phận cơ bản: Một bộ phận gồm các khoản chi cho quốc phòng để phòng thủ và
bảo vệ Nhà nước; chống sự xâm lược và đe doạ tấn công từ bên ngoài. Và một bộ phận
gồm các khoản chi nhằm bảo vệ, gìn giữ chế độ xã hội bảo vệ an ninh, trật tự an toàn
cho xã hội. Với mục đích nêu trên cho thấy tính chất quan trọng của khoản chi NSNN
cho quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, nếu khoản chi quốc phòng an ninh quá lớn trong
điều kiện nền kinh tế chậm phát triển, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp làm hạn chế phát triển
sản xuất, tăng trưởng kinh tế; đời sống nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, bố trí
ngân sách quốc phòng, an ninh một mặt phải bảo đảm chi phí cần thiết cho phòng thủ
và bảo vệ đất nước để trên cơ sở đó ổn định được về kinh tế - xã hội; nhưng mặt khác
phải thực hiện yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả trong chi tiêu, phù hợp với khả năng kinh tế
của nước nhà.
Ngoài cách phân loại theo lãn vực chi nói trên, chi thường xuyên còn được phân
loại theo đối tượng sử dụng kinh phí và được sắp xếp thành các nhóm, mục chi chủ yếu
sau đây:
- Các khoản chi thanh toán cá nhân (tức là chi cho con người) thuộc các cơ
quan hành chính, sự nghiệp, quốc phòng như: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương,
học bổng cho học sinh, sinh viên, các khoản chi về tiền thưởng, phúc lợi, trợ cấp…

53
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Các khoản chi trả về hàng hoá, dịch vụ thuộc các cơ quan trên như: thanh
toán về điện, nước, dịch vụ thông tin liên lạc; chi trả về tiền mua vật tư, nhiên liệu, văn
phòng phẩm, dụng cụ làm việc; các khoản chi thanh toán về tàu xe, vận chuyển, sửa
chữa tài sản cố định…
- Các khoản chi hỗ trợ và bổ sung nhằm thực hiện chính sách xã hội của Nhà
nước và góp phần điều chỉnh kinh tế vĩ mô như: chi hỗ trợ cho kinh tế tập thể, chi trợ
cấp dân cư, chi trợ cấp cho các đối tượng thuộc gia đình chính sách, chi trợ cấp các
trại cải tạo, chi trợ giá, chi hỗ trợ quỹ bảo hiểm xã hội …
- Các khoản chi khác như: chi xử lý tài sản được xác lập sở hữu Nhà nước, chi
về bầu cử, chi kỷ niệm các ngày lễ lớn, chi đón tiếp việt kiều…
Việc phân loại chi thường xuyên theo đối tượng sử dụng kinh phí được sử dụng
phổ biến trong các khâu của chu trình NSNN, thông qua đó giúp cho các nhà quản lý
có thể thu thập được các thông tin chính xác về tình hình quản lý biên chế và quỹ
lương, tình hình tuân thủ các chính sách, chế độ chi NSNN.
ii. Chi đầu tư phát triển
Chi đầu tư phát triển của NSNN là những khỏan chi để đầu tư xây dựng cơ sở
hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất và để dự trữ vật tư hàng hoá nhằm đảm
bảo thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và ổn định nền kinh tế.
Chi đầu tư phát triển mang tính chất chi tích luỹ vì nó trực tiếp tạo ra cơ sở vật
chất kỹ thuật cho nền kinh tế, các khoản chi đầu tư phát triển có tác dụng làm cho nền
kinh tế tăng trưởng và phát triển.
Nếu xét theo mục đích bỏ vốn thì chi đầu tư phát triển của NSNN bao gồm các
nội dung sau:
1) Chi đầu tư xây dựng cơ bản các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp
Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả
năng thu hồi vốn là khoản chi lớn của Nhà nước. Thông qua các khoản chi này sẽ tạo
ra các điều kiện cần thiết, có thể xem như là tạo ra hành lang, môi trường, cho việc
phát triển kinh tế - xã hội. Các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bao gồm
nhiều lĩnh vực như: hệ thống đường sá, cầu cống, bến cảng, sân bay, hệ thống thuỷ lợi,
năng lượng, viễn thông, các công trình văn hoá, giáo dục, y tế, phúc lợi công cộng...
Quá trình đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) phải tuân thủ theo một trình tự gồm ba giai
đoạn:
- giai đoạn chuẩn bị đầu tư;

54
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- giai đoạn thực hiện đầu tư;


- giai đoạn kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Do đó, vốn đầu tư XDCB của NSNN cũng được cấp phát theo trình tự trên. Nếu
xét theo cơ cấu kỹ thuật của vốn đầu tư thì chi đầu tư XDCB bao gồm chi xây - lắp, chi
mua sắm thiết bị và chi XDCB khác.
- Chi xây - lắp là các khoản chi để xây dựng, lắp đặt các kết cấu kiến trúc và
lắp đặt máy móc thiết bị vào đúng vị trí theo thiết kế kỹ thuật của công trình.
- Chi mua sắm thiết bị là các khoản chi hợp thành giá trị của máy móc thiết bị
của công trình, nó bao gồm: chi phí giao dịch hợp lý, giá mua máy móc thiết bị trên
hoá đơn, chi phí vận chuyển, bảo quản và các khoản lệ phí trước bạ, thuế nhập khẩu
(nếu có)… Nghĩa là bao gồm tất cả những chi phí phát sinh kể từ khi mua sản phẩm
máy móc thiết bị cho đến khi chúng được lắp đặt hoàn thành bàn giao đưa vào sử
dụng.
- Chi phí XDCB khác là những khoản chi nhằm đảm bảo điều kiện cho quá
trình xây dựng cơ bản được thông suốt từ đầu đến cuối, nó bao gồm: chi phí chuẩn bị
đầu tư (nghiên cứu lập dự án đầu tư, thẩm định dự án đầu tư) chi phí khảo sát lập thiết
kế, dự toán cụ thể, chi phí cho ban quản lý công trình, chi phí chuyên gia, chi phí về
đền bù hoa màu, đất đai, di chuyển mồ mã, chi phí khánh thành nghiệm thu…).
2) Chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước
Đây là khoản chi nhằm tạo điều kiện để Nhà nước can thiệp vào lĩnh vực kinh
tế. Ở nước ta trong giai đoạn đầu chuyển sang kinh tế thị trường, bằng khoản chi này,
một mặt Nhà nước bảo đảm đầu tư vào một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần thiết
tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác là nhằm bảo đảm sự phát
triển cơ cấu kinh tế hợp lý, giữ vững các mối quan hệ cân đối lớn nhằm kích thích tăng
trưởng kinh tế ở mức độ cao. Do đó, khoản chi đầu tư này của NSNN chủ yếu tập trung
cho các doanh nghiệp nhà nước lớn (các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế
nhà nước) thuộc các lĩnh vực thiết yếu như: khai thác tài nguyên thiên nhiên, năng
lượng, các ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp
quốc phòng.
3) Chi góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh vào các doanh nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, quy luật tự do cạnh tranh diễn ra như
là một xu thế tất yếu với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hoá về sở hữu, trong đó
loại hình công ty cổ phần là có nhiều ưu điểm nhất. Đồng thời với yêu cầu hội nhập
quốc tế, các công ty nước ngoài đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam được các

55
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

hình thức: liên doanh, mở chi nhánh, lập công ty con… Chính sách tự do hoá kinh tế,
mở cửa thị trường sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất kinh
doanh, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này cũng đem lại những mặt trái của
nó, có thể làm chệch hướng quỹ đạo kinh tế vĩ mô mà Nhà nước đã hoạch định.Trong
điều kiện đó đòi hỏi Nhà nước, với chức năng kinh tế của mình phải tham gia vào hoạt
động của các công ty cổ phần và các công ty liên doanh với nước ngoài. Điều này
được thể hiện bằng sự góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh của Nhà nước theo một tỷ
lệ nhất định vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của Nhà
nước nhằm thực hiện hướng dẫn, kiểm soát hoặc khống chế các hoạt động của các
doanh nghiệp này đi theo hướng phát triển có lợi cho nền kinh tế. Việc xác định đúng
đắn lĩnh vực cần thiết Nhà nước phải tham gia cùng với tỷ lệ góp vốn sao cho phù hợp
với khả năng của NSNN là điều có ý nghĩa quyết định hiệu quả của khoản chi này.
Chẳng hạn, hiện nay sau khi gia nhập WTO, các ngân hàng thương mại cổ phần phải
cải tổ tài chính tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh khi hội nhập. Nếu cổ
đông nhà nước nắm giữ một tỷ lệ cổ phần quá lớn trong các ngân hàng này thì chắc
rằng NSNN sẽ rất khó khăn để đáp ứng khoản chi này.
4) Chi dự trữ Nhà nước
Chi dự trữ Nhà nước được cấp phát từ NSNN là một khoản chi nhằm hình
thành dự trữ quốc gia. Dự trữ quốc gia cho phép duy trì sự cân đối và ổn định trong
quá trình phát triển kinh tế và trong những trường hợp nhất định cho phép ngăn chặn,
bù đắp các tổn thất bất ngờ xảy ra đối với nền kinh tế - xã hội. Dự trữ quốc gia với
mục đích chính là dự trữ về lương thực, các loại vật tư, hàng hoá chiến lược, thiêt yếu;
từ đó nhằm can thiệp thị trường khi có những biến động lớn và giải quyết những hậu
quả khi các biến cố bất ngờ về chiến tranh, thiên tai, tai nạn xảy ra ảnh hưởng đến sản
xuất và đời sống xã hội.
iii. Chi trả nợ Nhà nước
Ở nước ta khoản chi trả nợ này bắt nguồn từ việc sử dụng ngân sách bội chi,
tức là sử dụng vay nợ để chi đầu tư phát triển.
Chi trả nợ Nhà nước được chia thành 2 bộ phận:
- Trả nợ trong nước: đó là khoản nợ mà Nhà nước vay của các tầng lớp dân
cư, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đoàn thể…bằng cách phát hành các loại công
trái quốc gia, trái phiếu kho bạc Nhà nước.

56
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Trả nợ nước ngoài: đó là các khoản nợ mà Nhà nước vay của Chính phủ các
nước, vay của các tổ chức tài chính quốc tế, vay của các doanh nghiệp cá nhân nước
ngoài (khi phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế).
2.2.4. Cân đối ngân sách nhà nước và thâm hụt ngân sách nhà nước
2.2.4.1. Cân đối ngân sách nhà nước
Cân đối NSNN về hình thức là cân đối giữa thu và chi NSNN. Cân đối NSNN
trước hết biểu hiện ở mối quan hệ tương đương về lượng và sự bằng nhau giữa hai con
số, nhưng đó chưa phải là cân đối thực sự. Cân đối còn phải thể hiện ở việc bố trí cơ
cấu và quan hệ số lượng giữa các yếu tố cơ cấu thu, chi NSNN.
Cân đối NSNN nhằm bảo đảm nhu cầu tài chính cho các cấp chính quyền (trung
ương và địa phương) đủ khả năng để thực hiện các nhiệm vụ mà hiến pháp đã quy
định. Cân đối NSNN phải được thực hiện ngay từ khâu lập dự toán ngân sách, đồng
thời phải xác lập cân đối thu chi trong quá trình chấp hành ngân sách. Các khoản chi
chỉ được phép thực hiện khi đã có đủ các nguồn thu bù đắp. Khi nguồn thu bị thiếu hụt,
Quốc hội và Chính phủ phải bảo đảm cân đối NSNN bằng cách đưa ra những quyết
định liên quan tới các khoản chi, cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết.
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm về cần đối NSNN với việc sử dụng các lý
thuyết khác nhau như: lý thuyết cổ điển về thăng bằng ngân sách, lý thuyết về ngân
sách chu kỳ, lý thuyết về ngân sách cố ý thâm hụt. Riêng ở nước ta, nguyên tắc cân đối
NSNN được quy định ở Điều 8 - Luật Ngân sách Nhà nước với các nội dung chủ yếu
sau:
- NSNN được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn
hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích luỹ ngày càng cao vào chi đầu tư phát
triển; trường hợp còn bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến
tới cân bằng thu, chi ngân sách.
- Bội chi NSNN được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và nước ngoài. Vay
bù đắp bội chi NSNN phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được
sử dụng cho mục đích phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để chủ động trả nợ khi
đến hạn.
- Ngân sách địa phương được cân đối với tổng số chi không được vượt quá
tổng số thu. Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu đầu tư xây
dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm và thuộc
danh mục đầu tư trong kế hoạch 5 năm đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định,
nhưng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh năm dự toán thì được phép

57
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

huy động vốn trong nước và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh hàng năm để chủ động
trả nợ khi đến hạn. Mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư
XDCB trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.
2.2.4.2. Thâm hụt ngân sách nhà nước
Thâm hụt NSNN (còn gọi là bội chi NSNN) trong một thời kỳ là tình trạng khi
tổng chi tiêu của NSNN vượt quá các khoản thu không phải hoàn trả (thu trong cân
đối) của NSNN.
Để phản ánh mức độ thâm hụt NSNN người ta thường sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ %
thâm hụt so với GDP ( T% )

Mức thâm hụt


T% = X 100
GDP
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới thì phải khống chế tỷ lệ này
không được vượt quá 7%. Ở nước ta trong những năm gần đây khi thông qua dự toán
NSNN, Quốc hội chỉ cho phép tỷ lệ này không được vượt quá 5% .
Trong lịch sử tài chính, thâm hụt NSNN đã trở thành hiện tượng khá phổ biến ở
nhiều nước, kể cả các nước phát triển, chứ không riêng gì ở các nước kinh tế chậm
phát triển. Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt NSNN. Trước hết, đó là
những nguyên nhân mang tính khách quan do diễn biến của chu kỳ kinh tế, có những
giai đoạn đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư lớn để điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
cho giai đoạn phát triển kế tiếp. Điều đó cho phép Nhà nước tăng vượt trội các khoản
chi tiêu so với thu nhập ở những giai đoạn nhất định của sự phát triển xã hội. Mặt
khác, thâm hụt NSNN xuất hiện là do tình hình đặc biệt của đất nước (chiến tranh,
thiên tai, dịch bệnh lớn...). Khi nguồn dự trữ thường xuyên không còn đủ và buộc Nhà
nước phải dùng đến nguồn lực đặc biệt này. Thứ hai là nhóm nguyên nhân mang tính
chủ quan, thuộc về quá trình quản lý điều hành NSNN của Nhà nước. Đó là hệ quả của
cơ chế quản lý tài chính yếu kém; chính phủ không có khả năng kiểm soát được thực
trạng tài chính đất nước. Trong trường hợp này, thâm hụt NSNN là hiện tượng nghiêm
trọng, đòi hỏi phải áp dụng không chỉ những biện pháp kinh tế có tính chất tình huống
để ổn định kinh tế, làm lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia mà còn phải áp dụng
các biện pháp chính trị phù hợp. Thâm hụt NSNN, xét tổng quát là điều không tốt, tuy
nhiên, trong những bối cảnh nhất định của đất nước, người ta phải chấp nhận và sử
dụng nó. Chính phủ các nước đã nghiên cứu và sử dụng nhiều giải pháp cho vấn đề
thâm hụt ngân sách như : phát hành tiền để bù đắp thâm hụt, sử dụng dự trữ ngoại hối,

58
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

vay trong nước và nước ngoài. Mỗi giải pháp trên đây đều có những tác dụng và mặt
hạn chế nhất định tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nền kinh tế đất
nước để lựa chọn giải pháp thích hợp.
2.2.5. Tổ chức hệ thống ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý NSNN
2.2.5.1. Tổ chức hệ thống ngân sách nhà nước
Hệ thống NSNN được hiểu là tổng thể các cấp ngân sách có mối quan hệ hữu cơ
với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu, chi của mỗi cấp ngân sách.
Nhìn chung, các nước trên thế giới hệ thống NSNN được tổ chức phù hợp với hệ
thống tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước theo luật hiến pháp quy định. Về
cơ bản, có hai mô hình tổ chức hành chính là: mô hình Nhà nước Liên bang và mô
hình Nhà nước thống nhất (Nhà nước phi liên bang). Do đó, trên thực tế cũng tồn tại
hai mô hình tổ chức hệ thống NSNN.
Ở các nước có mô hình tổ chức hành chính theo kiểu liên bang (Hoa Kỳ,
Canada, Đức…), hệ thống NSNN được tổ chức thành ba cấp: ngân sách liên bang,
ngân sách bang và ngân sách địa phương.
Ở các nước có mô hình tổ chức hành chính thống nhất (Anh, Pháp, Nhật…) hệ
thống NSNN được tổ chức gồm: ngân sách trung ương và ngân sách của các cấp chính
quyền địa phương.
Ở Việt Nam, theo hiến pháp năm 1992, bộ máy quản lý hành chính Nhà nước
được tổ chức theo cấp chính quyền trung ương và cấp chính quyền địa phương. Cấp
chính quyền địa phương bao gồm: chính quyền cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung
ương), chính quyền cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và chính quyền cấp
xã (phường, thị trấn). Căn cứ theo hiến pháp 1992 nói trên cùng với các luật về tổ
chức quốc hội, luật tổ chức chính phủ, luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân
dân các cấp, hệ thống NSNN Việt nam hiện nay được tổ chức thành ngân sách Trung
ương (NSTW) và ngân sách của các cấp chính quyền địa phương gọi tắt là ngân sách
địa phương (NSĐP). Trong đó, NSĐP bao gồm :
- Ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Ngân sách cấp huyện và cấp tương đương
- Ngân sách cấp xã và cấp tương đương

59
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Có thể mô tả cơ cấu hệ thống NSNN Việt nam theo sơ đồ sau :

Hệ thống Ngân sách Nhà nước

Ngân sách Trung ương Ngân sách Địa phương

Ngân sách tỉnh (thành phố trực thuộc


Trung ương)

Ngân sách Ngân sách Ngân sách


thành phố trực thị xã quận, huyện
thuộc tỉnh
Ngân sách xã, phường, thị trấn

Trong hệ thống NSNN, ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo bảo đảm thực
hiện các nhiệm vụ chiến lược quan trọng, mang tính chất toàn quốc của quốc gia và hỗ
trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương còn khó khăn chưa cân đối được ngân
sách... Còn ngân sách địa phương các cấp nói trên giữ vai trò đảm bảo nguồn tài
chính cho chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ về quản lý kinh tế - xã hội
trên địa bàn địa phương.
2.2.5.2. Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước
Chế độ phân cấp quản lý NSNN ở nước ta được ban hành từ năm 1967, đến nay
đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Thực chất của chế độ phân cấp quản lý NSNN là nhằm giải quyết mối quan hệ giữa
chính quyền Nhà nước trung ương và các cấp chính quyền Nhà nước ở địa phương đối
với toàn bộ hoạt động của NSNN. Nội dung phân cấp quản lý NSNN bao gồm ba vấn
đề sau :
Thứ nhất: phân cấp quản lý về mặt quyền lực Nhà nước đối với NSNN. Đó là
xác định quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước ở mỗi cấp chính quyền cụ thể
đối với việc ban hành và thực thi các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn tài chính…của các
hoạt động thu, chi NSNN. Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 (hiệu lực thi hành từ
01.1.2004) qui định rõ nội dung phân cấp này. Chẳng hạn, thẩm quyền quyết định dự

60
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

toán NSNN là thuộc về Quốc hội. Quốc hội có quyền huỷ bỏ văn bản của các cơ quan
cấp dưới (chính phủ, viện kiểm sát nhân dân tối cao, toà án nhân dân tối cao…) ban
hành về lĩnh vực tài chính - ngân sách nếu trái với hiến pháp, luật và nghị quyết của
Quốc hội. Còn đối với hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước cao
nhất ở địa phương, có quyền quyết định dự toán thu NSNN trên địa bàn, quyết định dự
toán NSĐP, quyết định phê chuẩn quyết toán NSĐP, quyết định mức thu chi, lệ phí và
các khoản đóng góp ở địa phương theo đúng quy định của pháp luật…
Thứ hai: phân cấp thu chi NSNN giữa các cấp chính quyền Nhà nước. Đó là
phân chia nhiệm vụ chi và nguồn thu cũng như giải quyết vấn đề cân đối ngân sách
của các cấp chính quyền Nhà nước. Đây là nội dung quan trọng nhất và cũng là phức
tạp nhất trong phân cấp NSNN.
Theo chế độ phân cấp NSNN hiện nay, tại chương III từ điều 30 đến điều 36 của
Luật Ngân sách Nhà nước quy định cụ thể nội dung thu chi của từng cấp ngân sách.
Về thu, mỗi cấp ngân sách đều có các khoản thu được hưởng toàn bộ 100% và
các khoản thu được phân chia theo tỷ lệ % nhất định cho từng cấp ngân sách. Riêng
ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) còn được nhận khoản thu bổ sung trực tiếp từ
ngân sách cấp trên. Khoản thu bổ sung được chia ra các trường hợp cụ thể sau :
- Bổ sung cân đối thu chi nhằm đảm bảo cho chính quyền địa phương cân đối
nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh được
giao. Số bổ sung của NSTW dành cho NSĐP (tỉnh) được ổn định trong một khoảng
thời gian nhất định (từ 3 đến 5 năm).
- Bổ sung có mục tiêu nhằm hỗ trợ các địa phương thực hiện các nhiệm vụ
như : thực hiện các chính sách chế độ mới do cấp trên ban hành nhưng chưa được bố
trí trong dự toán, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giao cho địa phương
thực hiện, thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thuộc hạ tầng kinh tế - xã hội quan
trọng ở địa phương, hỗ trợ địa phương giải quyết những khó khăn về thiên tai, hoả
hoạn, dịch bệnh…
Số bổ sung theo mục tiêu được xác định hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối
ngân sách của cấp trên và yêu cầu mục tiêu của cấp dưới.
Về chi tiêu, mỗi cấp ngân sách đều bố trí các khoản chi: chi đầu tư phát triển, chi
thường xuyên, chi trả nợ gốc và lãi vay, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, chi bổ sung
cho ngân sách cấp dưới. Mức độ của các khoản chi này phụ thuộc vào phạm vi thực
hiện các chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền Nhà nước được phân công theo
luật định.
Thứ ba: phân cấp quản lý về chu trình NSNN

61
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Đó là phân cấp về mặt quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc các
cấp chính quyền Nhà nước trong quá trình quản lý, điều hành NSNN theo một quy
trình chặt chẽ trong suốt cả một chu trình NSNN. Trong lĩnh vực này cần phân biệt hai
khái niệm : năm ngân sách và chu trình NSNN:
Năm ngân sách (còn gọi là năm tài chính, năm tài khóa) là khoảng thời gian
thực hiện các khoản thu chi NSNN trên cơ sở dự toán đã được phê chuẩn. Điều khác
nhau giữa các nước là mốc tính năm ngân sách, tức thời điểm bắt đầu và thời điểm kết
thúc của một năm ngân sách không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, ở Hoa kỳ mốc
tính năm ngân sách là từ 01 tháng 10 năm trước đến 30 tháng 9 năm sau; ở Anh,
Canada, Nhật là 01 tháng 4 và 31 tháng 3; ở Na Uy, Thuỵ Điển phổ biến là từ 01
tháng 7 đến 30 tháng 6. Còn đối với Việt Nam, Trung Quốc, Pháp...năm ngân sách
hoàn toàn trùng với năm dương lịch, tức là từ 01 tháng 1 đến 31 tháng 12.
Chu trình NSNN là chỉ toàn bộ các hoạt động từ khâu lập dự toán ngân sách
đến khâu chấp hành (thực hiện) và cuối cùng là khâu quyết toán ngân sách. Do đó,
thời gian của một chu trình NSNN, tính từ lúc lập dự toán ngân sách cho đến khi quyết
toán ngân sách, không trùng với năm ngân sách và dài hơn năm ngân sách. Ở nước ta,
thời gian của một chu trình NSNN kéo dài khoảng ba năm. Như vậy, trong một năm cụ
thể, các hoạt động lập dự toán ngân sách, chấp hành ngân sách và quyết toán ngân
sách diễn ra đông thời và xen kẽ nhau. Có thể minh hoạ bằng sơ đồ sau:

Năm N - 2 Năm N - 1 Năm N


Lập dự toán Chấp hành Quyết toán
NS năm N-1 NS năm N-1 NS năm N-1
Năm N - 1 Năm N Năm N + 1
Lập dự toán Chấp hành Quyết toán
NS năm N NS năm N NS năm N
Năm N Năm N+1 Năm N +2
Lập dự toán Chấp hành Quyết toán NS
NS năm N+1 NS năm N+1 năm N+1

Như vậy, trung tâm của một chu trình NSNN là việc tổ chức thực hiện dự toán
ngân sách năm của chu trình đó. Khâu này được gọi là khâu chấp hành ngân sách.
Khoảng thời gian chấp hành ngân sách là trùng với năm ngân sách.
Tóm lại, phân cấp quản lý NSNN tức là giải quyết các mối quan hệ giữa chính
quyền Nhà nước trung ương với các cấp chính quyền địa phương theo ba mặt nói trên,

62
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

cần phải được giải quyết đúng đắn, hợp lý, công bằng; từ đó mới có thể nâng cao hiệu
quả của việc sử dụng công cụ NSNN trong quản lý kinh tế - xã hội.

63
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TÓM TẮT CHƯƠNG 2


--------

1. Tài chính công là một phạm trù kinh tế có quá trình ra đời và phát triển gắn
liền với 2 tiền đề: nền kinh tế hàng hoá - tiền tệ và nhà nước. Kể từ những năm 30 của
thế kỷ XX, tài chính công đã có sự phát triển vượt bậc: can thiệp, điều tiết nền kinh tế.
Người ta gọi đó là tài chính công hiện đại.
2. Trong hoạt động thực tiễn, các quan hệ tài chính công luôn thể hiện 2 tiêu chí
cơ bản: tiêu chí thứ nhất, là chủ thể quan hệ tài chính công. Đó là nhà nước và các cơ
quan, đơn vị được nhà nước uỷ quyền, gọi chung là chủ thể công quyền. Tiêu chí thứ
hai, là sự tồn tại mối quan hệ tài chính giữa các chủ thể công quyền với các chủ thể
khác (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức phi lợi nhuận) vận động theo
mục tiêu phi lợi nhuận. Từ 2 tiêu chí này cho thấy có sự khác biệt nhất định giữa 2
phạm trù tài chính nhà nước và tài chính công.
3. Về cơ cấu của tài chính công : nếu xét theo chủ thể quản lý, tài chính công
được chia thành: tài chính công tổng hợp, tài chính các cơ quan hành chính nhà nước
và tài chính các đơn vị sự nghiệp nhà nước. Nếu xét theo nội dung quản lý và cơ chế
hoạt động, tài chính công được chia thành: NSNN, tín dụng nhà nước và các quỹ tài
chính công ngoài NSNN (quỹ dự trữ tài chính, quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo vệ môi
trường...).
4. Trong hệ thống tài chính công, NSNN là bộ phận chủ đạo đảm nhận phần lớn
các chức năng, vai trò của tài chính công. Hoạt động của NSNN được thể hiện ở các
khoản thu và chi. Thu NSNN bao gồm: thu từ thuế, thu từ phí và lệ phí, thu từ hoạt
động kinh tế của nhà nước, thu từ vay nợ và viện trợ nước ngoài. Trong đó, thu từ thuế
có ý nghĩa quan trọng nhất. Chi NSNN bao gồm: chi đầu tư phát triển, chi thường
xuyên và các khoản chi khác như chi trả nợ, chi cho vay, viện trợ,... Bố trí hợp lý, cân
đối về tỷ lệ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên cũng như sử dụng hiệu quả các khoản
chi này là yêu cầu quan trọng của quản lý tài chính công.
5. Cân đối NSNN không chỉ xem xét so sánh đơn thuần về số lượng thu, chi mà
điều quan trọng hơn là phải thể hiện ở việc bố trí cơ cấu và quan hệ số lượng giữa các
yếu tố cơ cấu thu, chi NSNN. Hiện nay, có nhiều lý thuyết về cân đối NSNN, Việt Nam
đang sử dụng lý thuyết ngân sách bội chi và được cụ thể hoá ở điều 8 Luật NSNN năm
2002.

64
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

6. Tuỳ thuộc vào mô hình tổ chức hành chính nhà nước mà hệ thống NSNN ở
mỗi quốc gia đươc tổ chức khác nhau. Ở Việt Nam, hệ thống NSNN được tổ chức gồm
NSTW và NSĐP (NSĐP bao gồm: NS Tỉnh, NS Huyện, NS Xã), trong hệ thống đó
NSTW giữ vai trò chủ đạo.
7. Mục đích của phân cấp NSNN là nhằm giải quyết mối quan hệ giữa các cấp
chính quyền nhà nước đối với toàn bộ hoạt động của NSNN. Phân cấp NSNN bao gồm
3 nôi dung: phân cấp về quyền lực nhà nước đối với NSNN, phân cấp về thu chi giữa
các cấp ngân sách, phân cấp về quản lý chu trình NSNN. Trong đó, phân cấp về thu
chi ngân sách là phức tạp nhất.
Trong quá trình quản lý NSNN cần phân biệt 2 khái niệm: năm ngân sách và
chu trình ngân sách. Năm ngân sách (còn gọi là năm tài khoá) là khoảng thời gian
thực hiện các khoản thu chi ngân sách trên cơ sở dự toán đã được phê chuẩn. Còn chu
trình ngân sách là chỉ toàn bộ các hoạt động từ khâu lập dự toán ngân sách đến khâu
chấp hành ngân sách và cuối cùng là khâu quyết toán ngân sách.

TỪ KHÓA (KEY WORDS)

1. Tài chính nhà nước


2. Tài chính công
3. Chủ thể tài chính công
4. Ngân sách Nhà nước
5. Hệ thống NSNN
6. Các quỹ tài chính công ngoài NSNN
7. Năm ngân sách (năm tài khoá)
8. Chu trình ngân sách

65
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 2


-------------

1. Phân biệt sự khác nhau giữa phạm trù tài chính nhà nước và tài chính
công ?
2. Nội dung các nguồn thu của NSNN ? Tại sao thuế là nguồn thu có vị trí
quan trọng nhất?
3. Những đặc điểm cơ bản của thuế ? Phân biệt thuế trực thu và thuế gián
thu ? Phân biệt sự khác nhau giữa thuế và phí, lệ phí ?
4. Nội dung các khoản chi của NSNN ?
5. Mối liên hệ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên trong chính sách phân bổ
nguồn lực tài chính của nhà nước ?
6. Các quan điểm về cân đối NSNN ? Liên hệ thực tiễn cân đối NSNN ở Việt
Nam hiện nay ?
7. Mô hình tổ chức và cấu trúc hệ thống NSNN Việt Nam hiện nay ?
8. Nội dung phân cấp quản lý NSNN ?
9. Phân biệt giữa năm ngân sách và chu trình NSNN ?
10. Nội dung, đặc điểm của các quỹ tài chính công ngoài NSNN ?

66
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 3: TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

Mục tiêu chung của chương 3 là nhằm giới thiệu toàn bộ các nội dung của
hoạt động tài chính doanh nghiệp. Các nội dung trình bày trong chương cũng dừng
lại ở mức kiến thức cơ bản, không phân tích chuyên sâu như là cách các môn học
chuyên ngành tiếp theo sẽ thực hiện.
Về nội dung, phần đầu tiên trong chương này trình bày khái quát về tài
chính doanh nghiệp và các vai trò của nó hoạt động doanh nghiệp, giúp cho người
nghiên cứu về hoạt động tài chính doanh nghiệp có một nền tảng chung trước khi
đi vào từng vấn đề cụ thể. Ở đây có lưu ý là các nội dung giới thiệu trong toàn
chương chỉ giới hạn trong phạm vi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng
hóa, không đề cập đến các doanh nghiệp trung gian tài chính_các doanh nghiệp có
những hoạt động tài chính đặc thù được giới thiệu trong các chương khác của giáo
trình này. Các nội dung chính tiếp theo được trình bày gắn liền với cả quá trình sản
xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước tiên đó là vấn đề vốn trong doanh
nghiệp. Ở đây người đọc sẽ hiểu được bản chất của vốn, các loại vốn khác nhau
được sử dụng trong kinh doanh, các biện pháp cơ bản quản lý vốn. Phần tiếp theo
là các vấn đề hệ quả của việc sử dụng vốn như chi phí, doanh thu và lợi nhuận.
Trong phần này, người nghiên cứu sẽ nắm vững nội dung của các vấn đề trên
tương ứng từng hoạt động khác nhau trong doanh nghiệp cũng như dễ dàng nhận ra
mối liên hệ chặt chẽ giữa các vấn đề chi phí, doanh thu và lợi nhuận.

3.1. KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
3.1.1. Khái niệm tài chính doanh nghiệp
3.1.1.1. Khái niệm doanh nghiệp
Đề cập đến tài chính doanh nghiệp chính là việc xem xét toàn bộ các quan hệ tài
chính giữa doanh nghiệp và các chủ thể khác trong nền kinh tế.
Doanh nghiệp là một chủ thể quan trọng trong nền kinh tế. Điều đó được thể
hiện qua việc nhiều người còn ví chúng như là các tế bào của cơ thể nền kinh tế. Nếu
nhìn lại toàn bộ lịch sử phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của loài người thì
quá trình phát triển ấy cũng chính là quá trình chuyển hóa của các loại hình doanh
nghiệp, thúc đẩy các nền kinh tế không ngừng phát triển.

67
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Theo nghĩa chung nhất và cũng là cơ bản nhất thì doanh nghiệp được hiểu như
là một tổ chức kinh tế tiến hành hoạt động kinh doanh, cung ứng các loại sản phẩm,
dịch vụ cho thị trường với mục tiêu thông thường là tìm kiếm lợi nhuận.
Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam (Luật hiện hành có hiệu lực từ ngày
01/07/2006):
“Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn
định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện
các hoạt động kinh doanh”
Các doanh nghiệp được hình thành và phát triển trong nhiều điều kiện khác
nhau. Căn cứ trên sự khác biệt theo một số tiêu thức cơ bản mà doanh nghiệp được
phân chia thành nhiều loại hình khác nhau.
Căn cứ vào quan hệ sở hữu có các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư
nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, công ty có
vốn đầu tư nước ngoài...
Căn cứ vào lĩnh vực hoạt động, trước hết có thể phân biệt 2 nhóm loại hình
doanh nghiệp cơ bản: các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các
doanh nghiệp tài chính. Đặc điểm quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất kinh
doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ (doanh nghiệp tài chính) là toàn bộ hoạt động của
chúng gắn liền với các nguyên vật liệu, hàng hóa hay công việc hữu hình, cụ thể, ví dụ
như sắt, thép, xi măng, giống cây trồng, máy móc, vải vóc, quần áo, dịch vụ sửa xe, xây
lắp,... Các hàng hóa, công việc này là những thứ cần thiết cho đời sống thực của con
người và chúng thường có nhiều đặc điểm riêng, các quy luật phát sinh phát triển đòi
hỏi nhà sản xuất kinh doanh phải am hiểu nếu muốn làm ăn có hiệu quả. Còn hoạt
động của các doanh nghiệp tài chính thì phức tạp và trừu tượng hơn (unreal). Kế đến,
từng nhóm doanh nghiệp nói trên còn được phân biệt theo các ngành nghề cụ thể khác
nhau. Các doanh nghiệp tài chính có nhiều đặc điểm rất khác với các doanh nghiệp
sản xuất kinh doanh hàng hóa và sẽ là đối tượng nghiên cứu riêng trong các chương
khác, còn trong chương này chỉ trình bày các nội dung trong phạm vi các doanh
nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Căn cứ vào qui mô có thể thấy có các doanh nghiệp qui mô lớn, qui mô vừa và
nhỏ.
Ngoài ra, xét theo mục tiêu hoạt động, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động
thông thường vì lợi nhuận như đã nêu trên, trong nền kinh tế còn có các doanh nghiệp
công ích mà mục tiêu cơ bản là phục vụ các nhu cầu chung của cộng đồng xã hội như
điện, nước, dịch vụ môi trường ...
68
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

3.1.1.2. Khái niệm tài chính doanh nghiệp


Như ta đã biết trong chương I, tài chính doanh nghiệp là một khâu trong hệ
thống tài chính quốc gia, có rất nhiều quan hệ tài chính chặt chẽ với các khâu, các chủ
thể kinh tế khác còn lại trong hệ thống. Thực chất của các quan hệ tài chính này chính
là quan hệ kinh tế gắn liền việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm phục vụ cho
quá trình kinh doanh và đáp ứng nhu cầu chung cho toàn xã hội. Tập hợp các quan hệ
tài chính này chính là toàn bộ hoạt động của tài chính doanh nghiệp.
Vậy tài chính doanh nghiệp là tổng thể các quan hệ kinh tế biểu hiện bằng các
quan hệ tiền tệ gắn liền việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp để
phục vụ cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp và các nhu cầu chung của xã hội.
Nhìn một cách khái quát, doanh nghiệp có các quan hệ tài chính cơ bản sau:
- Quan hệ tài chính với nhà nước:
Các quan hệ này được biểu hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chủ yếu
là những quan hệ về vốn, thuế và phí, lệ phí. Chúng ngày càng được tiêu chuẩn hóa và
điều tiết theo khuôn khổ pháp luật.
- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với thị trường:
Trong quá trình kinh doanh, cùng với các hoạt động đầu vào và đầu ra của
mình, doanh nghiệp có quan hệ tài chính với từng loại đối tượng cụ thể như dân cư,
các doanh nghiệp khác, các tổ chức khác trên thị trường. Thị trường mà doanh nghiệp
có quan hệ cũng bao gồm nhiều loại hình khác nhau, từ những thị trường hàng hóa
thông thường đến các thị trường có tính đặc thù như thị trường lao động, thị trường tài
chính, thị trường công nghệ ...
- Quan hệ tài chính trong nội bộ doanh nghiệp:
Quan hệ nội bộ một doanh nghiệp bao hàm các quan hệ giữa các bộ phận, giữa
các cá nhân trong doanh nghiệp đó, chẳng hạn: quan hệ giữa các xí nghiệp trong một
công ty, quan hệ giữa các công ty con và công ty mẹ, quan hệ giữa công nhân và giới
chức quản lý ... Các quan hệ tài chính nội bộ thường liên quan đến các vấn đề cụ thể
như điều hòa vốn, thanh toán, phân phối kết quả kinh doanh, ...
3.1.1.3. Đặc điểm tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp cũng là một khâu trong hệ thống tài chính quốc gia. Tuy
nhiên, xuất phát từ vai trò riêng của mình mà hoạt động tài chính doanh nghiệp có các
đặc điểm cần lưu ý thêm như sau:
Thứ nhất, hoạt động tài chính doanh nghiệp gắn liền với hoạt động sản xuất
kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của

69
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

doanh nghiệp cũng như nói riêng của từng lĩnh vực, từng ngành nghề sản xuất kinh
doanh có những đặc điểm, yêu cầu khác hẳn hoạt động của các chủ thể khác trong nền
kinh tế. Rõ ràng nhất đó là quá trình có tính tuần hoàn của sự chuyển hóa các yếu tố
đầu vào của doanh nghiệp thành các hàng hóa, dịch vụ đầu ra cung ứng cho thị
trường. Từng khâu của quá trình đó đòi hỏi hoạt động tài chính doanh nghiệp phải gắn
kết và phục tùng một cách có hiệu quả nhất.
Thứ hai, hoạt động tài chính doanh nghiệp thường hướng đến một khả năng
sinh lợi cho các nguồn lực tài chính đã đầu tư. Khả năng này được cụ thể hóa qua mục
tiêu của quản lý tài chính doanh nghiệp là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Gắn liền
khả năng sinh lợi, hoạt động tài chính doanh nghiệp luôn phòng ngừa các rủi ro, luôn
đặt ra yêu cầu hoàn vốn trước các quyết định đầu tư.
3.1.2. Vai trò của tài chính doanh nghiệp
Xuất phát từ các chức năng chung của tài chính, hoạt động tài chính doanh
nghiệp có các vai trò quan trọng trong guồng máy quản trị hoạt động doanh nghiệp.
Dưới đây là các vai trò cơ bản nhất:
a. Hoạt động tài chính doanh nghiệp bảo đảm cho việc đầu tư, sử dụng các
nguồn lực tài chính có hiệu quả nhất:
Sử dụng các nguồn lực tài chính có hiệu quả là mục tiêu hàng đầu của các
doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện các hướng đầu tư của doanh nghiệp trên thị
trường có thể rất đa dạng, buộc phải lựa chọn. Hơn nữa, việc sử dụng các nguồn lực
tài chính của doanh nghiệp đều phải chấp nhận chi phí vốn cũng như phải tính đến các
chi phí cơ hội. Với các kỹ năng chuyên môn về hoạch định, tính toán hiệu quả, các nhà
quản lý tài chính của doanh nghiệp phải luôn là người đưa ra các quyết định đầu tư
hợp lý nhất, có hiệu quả cao nhất.
b. Hoạt động tài chính doanh nghiệp bảo đảm sự tài trợ cho các quyết định đầu
tư cũng như mọi hoạt động khác của doanh nghiệp:
Đây là vai trò tiếp nối tất yếu sau hoạt động quyết định đầu tư. Việc xác định
nhu cầu các nguồn tài chính cần phải bảo đảm tính chính xác và kịp thời cho từng thời
kỳ tuơng ứng với các nhiệm vụ cấp thời trong kinh doanh. Việc khai thác các nguồn
vốn đa dạng trên thị trường tài chính đòi hỏi phải có những căn cứ đánh giá, lựa chọn
thích hợp.
c. Hoạt động tài chính doanh nghiệp bảo đảm kiểm soát các hoạt động của
doanh nghiệp:

70
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Vai trò này xuất phát từ chức năng giám đốc của tài chính_một khâu tất yếu
trong chu trình quản lý doanh nghiệp. Vai trò này có tầm quan trọng xét trên nhiều
khía cạnh khác nhau. Trên cơ sở chức năng và các đặc trưng hoạt động nghiệp vụ của
mình, tài chính doanh nghiệp thực hiện việc kiểm tra mọi lúc, mọi nơi bằng việc phối
hợp các phương pháp khác nhau thích ứng với các đối tượng kiểm tra khác nhau.
Ngoài vai trò được phân tích trên đây, hoạt động tài chính các doanh nghiệp
còn có những tác động khác nhau đến nền kinh tế, đến thị trường tài chính cũng như
những đóng góp cho hoạt động điều tiết vĩ mô của nhà nước.

3.2. VỐN KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP


3.2.1. Khái niệm về vốn kinh doanh
Để tiến hành hoạt động kinh doanh, như mọi người đều biết doanh nghiệp cần
phải có đầy đủ các yếu tố như máy móc, thiết bị, lao động, nguyên liệu, các khoản tiền
v.v... và suy cho cùng, các nguồn tài chính, nguồn vốn là yếu tố tiên quyết, bao trùm
lên hết thảy mọi yếu tố khác trong doanh nghiệp. Do vậy, việc thấu hiểu bản chất của
vốn và quan trọng hơn là sử dụng, quản lý chúng một cách có hiệu quả là điều rất cần
thiết. Muốn vậy, trước tiên cần chú ý đến các đặc trưng liên quan sự biểu hiện và quá
trình vận động của vốn:
▫ Vốn được biểu hiện bằng giá trị của những tài sản, nghĩa là vốn đại diện cho
một lượng giá trị thực của tài sản hữu hình và tài sản vô hình;
▫ Vốn phải vận động và sinh lời, do vậy tiền trước hết là tiềm năng của vốn và
nó là vốn khi được đưa vào đầu tư để sinh lời;
▫ Vốn phải được tích tụ và tập trung đến một lượng nhất định, phù hợp yêu cầu
từng tình huống kinh doanh thì mới có thể phát huy tác dụng được;
▫ Mỗi đồng vốn phải gắn liền với một chủ sỡ hữu nhất định;
▫ Trong nền kinh tế thị trường, vốn được xem là một loại hàng hóa và là một
loại hàng hóa đặc biệt (chỉ mua bán quyền sử dụng và với giá đặc biệt_lãi suất, theo
qui luật cung cầu thị trường vốn).
Từ những đặc trưng trên, các quan niệm về vốn đều có sự thống nhất cơ bản:
Vốn kinh doanh của DN là giá trị của tất cả những tài sản hữu hình, vô hình
được đầu tư vào hoạt động kinh doanh nhằm thu được lợi nhuận trong tương lai.
3.2.2. Phân loại vốn của doanh nghiệp:

71
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Trong thực tế, từ các cách tiếp cận, xem xét khác nhau chúng ta sẽ thấy doanh
nghiệp có nhiều loại vốn khác nhau. Việc phân tích tìm hiểu thấu đáo các loại vốn của
doanh nghiệp cũng không nằm ngoài mục đích hướng đến các nghiệp vụ quản lý nhằm
nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
3.2.2.1. Căn cứ vào tính chất sở hữu thì vốn doanh nghiệp được hình thành từ
2 nguồn là vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.
Vốn chủ sở hữu có thể là:
- Nguồn vốn góp ban đầu: tùy theo loại hình doanh nghiệp có thể là nguồn
ngân sách nhà nước cấp, vốn tư nhân, vốn góp cổ phần, vốn nước ngoài ...;
- Nguồn vốn tăng thêm, chẳng hạn việc phát hành thêm cổ phiếu mới đối với
các công ty cổ phần;
- Vốn bổ sung từ lợi nhuận trong quá trình kinh doanh.
Nợ phải trả bao gồm những khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của
doanh nghiệp như:
- Nợ vay ngân hàng;
- Nợ nhà cung cấp;
- Nợ do phát hành trái phiếu;
- Nợ thuế nhà nước;
- Nợ lương công nhân.
Phân loại vốn theo tính chất sở hữu là một cách xem xét rất quan trọng.
Trước tiên cách phân loại trên liên quan hoạt động tài trợ, huy động vốn của
doanh nghiệp. Rõ ràng từng loại vốn nói trên được huy động từ các nguồn khác nhau
với những đặc điểm rất khác nhau, cần phải tính toán lựa chọn phù hợp hoạt động sản
xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, vốn cổ phần có ưu điểm không tạo ra
áp lực gánh nặng tài chính như vốn vay (lãi vay nhất thiết phải trả), nhưng ngược lại
nó không làm cho doanh nghiệp được hưởng phần giảm thuế như vốn vay.
Mặt khác, cách phân loại trên cũng liên quan đến các yêu cầu về nghiệp vụ huy
động vốn khác nhau. Chẳng hạn, vốn cổ phần liên quan các thủ tục phát hành cổ phiếu
trên thị trường chứng khoán, còn vay ngân hàng cũng có những trình tự, thủ tục khác
nhau tùy theo loại hình vay, kỳ hạn vay...
Cách phân loại trên cũng liên quan đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp, một vấn
đề có tác động quan trọng đến hiệu quả, rủi ro trong hoạt động doanh nghiệp mà
người ta thường gọi đó là hiệu ứng của đòn bẩy tài chính. Đó là một nghiệp vụ lý thú
dành cho những nghiên cứu sâu về tài chính công ty.

72
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

3.2.2.2. Căn cứ vào quy định quản lý thì các loại vốn của doanh nghiệp được
đề cập đến là vốn điều lệ và vốn pháp định.
Vốn điều lệ là vốn được ghi trong điều lệ hoạt động doanh nghiệp và do sự góp
vốn của các chủ sở hữu doanh nghiệp, được đăng ký với các cơ quan quản lý nhà
nước, đồng thời thường được công bố cho thị trường (do vậy còn được gọi là vốn đăng
ký).
Vốn pháp định là lượng vốn tối thiểu phải có để hoạt động theo quy định quản
lý nhà nước trong một số loại hình doanh nghiệp đặc thù nhất định.
3.2.2.3. Căn cứ vào tính chất hoạt động đầu tư, ta có vốn đầu tư tài chính và
vốn đầu tư vào các tài sản sản xuất kinh doanh.
Hoạt động đầu tư tài chính là một xu hướng quan trọng của các doanh nghiệp
trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh (đầu tư bên
trong), các doanh nghiệp còn quan tâm các hoạt động liên doanh, hùn vốn, đầu tư vào
các tài sản tài chính (đầu tư bên ngoài doanh nghiệp) với mục tiêu tăng cường tính
hiệu quả, giảm thiểu rủi ro của đồng vốn. Đó cũng là hoạt động thể hiện sự tương tác
của doanh nghiệp với thị trường tài chính.
Cách phân loại này cũng cho thấy các hoạt động quản lý khác nhau đối với các
loại vốn đầu tư tương ứng. Chẳng hạn, đối với vốn đầu tư sản xuất kinh doanh thì cần
phải có các nghiệp vụ quản lý vốn dự án đầu tư, quản lý vốn luân chuyển, trong khi đó
việc đầu tư tài chính đòi hỏi nhiều các nghiệp vụ quản lý liên quan chứng khoán, thị
trường tài chính...
3.2.2.4. Căn cứ vào đặc điểm luân chuyển của vốn đầu tư vào tài sản sản xuất
kinh doanh, vốn có hai loại là vốn cố định và vốn lưu động.
Vốn cố định được dùng để tài trợ cho tài sản cố định (TSCĐ) trong doanh
nghiệp. Đó là những tài sản có giá trị lớn và sử dụng lâu dài trong doanh nghiệp (có
các tiêu chuẩn tương ứng từng thời kỳ).
Nếu xét theo hình thái biểu hiện thì TSCĐ bao gồm:
- Các tài sản hữu hình: nhà xưởng, công trình, đường sá, và quan trọng nhất là
hệ thống máy móc, thiết bị ...;
- Các tài sản vô hình: bí quyết công nghệ, bằng phát minh, sáng chế, kiểu dáng
công nghiệp, bản quyền, thương hiệu, uy tín và lợi thế thương mại, chi phí khảo sát,
thiết kế, thành lập...
Với thành phần quan trọng như vậy nên vốn cố định có vai trò định đoạt năng
lực sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh

73
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

nghiệp. Do vậy, trong thực tế cũng còn tùy theo đặc điểm loại hình doanh nghiệp
nhưng vốn cố định bao giờ cũng là tỷ lệ quan trọng hơn cả trong tổng vốn đầu tư. Tuy
nhiên, việc ưu tiên đầu tư vốn cố định như vậy không phải bao giờ cũng là ưu điểm mà
trái lại có thể gặp phải rủi ro trong trường hợp khối lượng sản phẩm sản xuất và tiêu
thụ không như ý muốn. Tác động hai mặt như vậy của việc đầu tư vốn cố định được
phân tích cụ thể qua công cụ đòn bẩy hoạt động của doanh nghiệp.
Vốn lưu động là giá trị của những tài sản lưu động (TSLĐ) như tiền mặt, những
tài sản khác có thể chuyển thành tiền mặt, các khoản phải thu, nguyên nhiên vật liệu,
công cụ, dụng cụ ... nhằm bảo đảm cho quá trình sản xuất kinh doanh được liên tục.
Nếu căn cứ vào khả năng chuyển đổi và đặc điểm kinh tế thì vốn lưu động gồm
các bộ phận như sau:
- Tài sản bằng tiền:
+ Tiền mặt;
+ Tiền gởi ngân hàng;
+ Séc các loại;
+ Tiền trong thanh toán;
- Vàng bạc, đá quý và kim loại quý;
- Các tài sản tương đương với tiền (gồm các tài sản tài chính có khả năng
chuyển đổi cao: các loại chứng khoán ngắn hạn dễ bán, các giấy tờ thương mại ngắn
hạn được bảo đảm hoặc có độ an toàn cao);
- Chi phí trả trước;
- Các khoản phải thu;
- Tiền đặt cọc;
- Hàng hoá, vật tư (hàng tồn kho);
- Các chi phí chờ phân bổ.
Trong khi vốn cố định tham gia nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh, hình thái vật
chất (nếu có) hầu như không thay đổi và luân chuyển giá trị dần dần vào giá trị sản
phẩm mới thì vốn lưu động có sự chuyển hóa hình thái biểu hiện nhanh và chuyển toàn
bộ giá trị vào giá trị sản mới.
Do đặc điểm luân chuyển khác nhau như vậy nên biện pháp quản lý từng loại
vốn là cũng khác nhau.
Quản lý vốn cố định, ngoài các biện pháp, chế độ liên quan quản lý quá trình
đầu tư, xây dựng, mua sắm thì điều quan trọng là các biện pháp quản lý quá trình khai
thác, sử dụng TSCĐ, kể cả các biện pháp đậm tính nghiệp vụ kỹ thuật. Trong các biện

74
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

pháp quản lý tài chính liên quan TSCĐ, một biện pháp quan trọng là chế độ khấu hao
TSCĐ, trong đó đặc biệt là phương pháp khấu hao.
Nếu như quản lý vốn cố định có tính dài hạn thì hoạt động quản lý vốn lưu động
có tính ngắn hạn hơn. Nói chung, vốn lưu động là phần vốn thường xuyên cần thiết, có
tính linh hoạt cao. Do vậy, các biện pháp quản lý vốn lưu động nói chung thường
nhằm đến mục tiêu huy động, bảo đảm được vốn lưu động cần thiết, không gây gián
đoạn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng tiết kiệm trong sử dụng, không gây ứ
đọng, kém hiệu quả. Chính vì vậy, đi sâu vào kỹ thuật quản lý cụ thể từng bộ phận vốn
lưu động, người ta thường quan tâm tính tối ưu trong các hoạt động quản lý như dự trữ
tiền mặt và chứng khoán ngắn hạn, chính sách tín dụng thương mại và quản lý khoản
phải thu, quản lý hàng tồn kho... Đó là các nghiệp vụ quản lý chuyên sâu về vốn lưu
động.
3.2.3. Các phương pháp khấu hao TSCĐ
Trong thời gian hoạt động của doanh nghiệp, TSCĐ bị hao mòn dần. Sự hao
mòn đó làm giảm giá trị của chúng một cách tương ứng. Quá trình hao mòn bao gồm
hai hình thái: hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình. Hao mòn hữu hình là sự suy
giảm giá trị của TSCĐ về mặt hiện vật do quá trình sử dụng hoặc tác động của môi
trường. Hao mòn vô hình là sự mất giá tương đối của TSCĐ do tiến bộ của khoa học
công nghệ, do thị hiếu hoặc do một số nhân tố khác.
Khấu hao là một biện pháp quản lý vốn cố định nhằm thu hồi vốn đầu tư cơ bản
vào TSCĐ để tái sản xuất. Do TSCĐ của doanh nghiệp thường rất đa dạng nên các
doanh nghiệp phải lựa chọn phương pháp khấu hao thích hợp cho từng loại. Nội dung
chính của các phương pháp khấu hao là cách tính toán mức khấu hao trong từng thời
kỳ.
3.2.3.1. Phương pháp khấu hao đường thẳng
(còn gọi phương pháp khấu hao trung bình, cố định):
Mức khấu hao xác định theo phương pháp này là không đổi trong suốt thời kỳ
khấu hao. Công thức tính toán cụ thể như sau:

NG (1)
Mk 
T
Trong đó:
Mk : Mức khấu hao;
NG : Nguyên giá TSCĐ;

75
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

T : Thời gian sử dụng TSCĐ;


Ngoài Mk, người ta còn quan tâm đến chỉ tiêu tỷ lệ khấu hao (T k ) được xác định
theo công thức sau:

Mk 1 (2)
Tk  x 100 x 100
NG T

Từ đó Mk còn được tính theo công thức sau:

Mk = NG x Tk (3)

Có phương pháp tương tự là thay T bằng số lượng (khối lượng) sản phẩm (Q)
và được gọi là phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm.
Phương pháp khấu hao đường thẳng có các ưu nhược điểm như sau:
Ưu điểm: Đơn giản, dễ tính toán, thuận lợi cho công tác hạch toán, kiểm tra chi
phí; giá thành sản phẩm ổn định.
Nhược điểm: Không phản ánh chính xác mức độ hao mòn TSCĐ, đặc biệt là
máy móc thiết bị; chưa tính đến yếu tố hao mòn vô hình, không đáp ứng yêu cầu thu
hồi vốn nhanh.
Do vậy, phương pháp này áp dụng cho những TSCĐ có mức độ sử dụng đều
đặn, ít bị hao mòn vô hình, thích hợp đối với DN vừa và nhỏ, có số lượng TSCĐ ít.
Trong thực tế, đây là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất đối với các doanh
nghiệp.
3.2.3.2. Phương pháp khấu hao nhanh
có 2 phương pháp cụ thể:
1) Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần (có điều chỉnh):

Mk t  GTCL t x Tk (4)
Trong đó:
- Mkt : Mức KH năm t (t = 1 , T );
- GTCLt : Giá trị còn lại của TSCĐ vào đầu năm t;
- Tk : Tỷ lệ KH qua các năm được xác định như sau:
1
Tk  xH với: H = 1,5 nếu T ≤ 4 năm;
T

76
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

H = 2 nếu 4 < T ≤ 6 năm;


H = 2,5 nếu T > 6 năm;
Khi áp dụng phương pháp khấu hao này, vào một số năm cuối người ta thường
chuyển sang phương pháp khấu hao đường thẳng để thu hồi đầy đủ giá trị tài sản cố
định.
VD/ có TSCĐ nguyên giá = 1.000; T = 5 năm
=> Tk = 2/5 x 100 = 40 %
Năm GTCL đầu năm Mk Mk lũy kế
1 1.000 400 400
2 600 240 640
3 360 144 784
4 216 108 892
5 108 108 1.000

2) Phương pháp khấu hao tổng số:

Mk t  NG x Tk t (5)

Trong đó: Tkt là tỷ lệ khấu hao năm t, được tính theo công thức:

T - (t - 1) 2 (T - t  1)
Tk t  
T (T  1) / 2 T (T  1)

VD/ TSCĐ có NG = 1.500 ; T = 5

Năm Tk Mk Mk lũy kế
1 5/15 500 500
2 4/15 400 900
3 3/15 300 1.200
4 2/15 200 1.400
5 1/15 100 1.500

Ưu, nhược chung của phương pháp khấu hao nhanh:


 Ưu: Ít chịu ảnh hưởng của hao mòn vô hình.

77
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

 Nhược:
- Không phản ánh đúng, chính xác giá trị hao mòn thực tế của TSCĐ;
- Giá thành những năm đầu quá lớn, không thể cạnh tranh.
Phương pháp này thích hợp cho những doanh nghiệp có TSCĐ là những trang
thiết bị máy móc hiện đại và dễ bị lạc hậu do sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học
công nghệ.
Chế độ tài chính hiện hành của Việt Nam qui định TSCĐ của doanh nghiệp có
thể được tính khấu hao theo một trong ba phương pháp: khấu hao đường thẳng, khấu
hao theo số lượng sản phẩm và khấu hao theo số dư giảm dần.
3.2.4. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn
Hiệu quả bao giờ cũng là mục tiêu hướng đến khi các doanh nghiệp sử dụng
vốn kinh doanh. Dưới đây sẽ giới thiệu các chỉ tiêu cơ bản trình bày về hiệu suất và
hiệu quả sử dụng vốn.
3.2.4.1. Đối với vốn cố định:
Doanh thu thuần trong kỳ
Hiệu suất sử dụng = ----------------------------------
vốn cố định Vốn cố định bình quân trong kỳ
Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn cố định đầu tư trong kỳ sẽ mang lại bao
nhiêu đồng doanh thu.
Lợi nhuận trong kỳ
Hệ số sinh lời VCĐ = --------------------------------------
Vốn cố định bình quân trong kỳ
Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn cố định đầu tư trong kỳ sẽ mang lại bao
nhiêu đồng lợi nhuận.
3.2.4.2. Đối với vốn lưu động:
Doanh thu thuần trong kỳ
Số vòng quay VLĐ = ---------------------------------------
Vốn lưu động bình quân trong kỳ
Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn lưu động sử dụng trong kỳ sẽ mang lại bao
nhiêu đồng doanh thu, hay vốn lưu động nói chung quay được bao nhiêu vòng trong
kỳ.
Số ngày dương lịch trong kỳ
Kỳ luân chuyển bình quân = ----------------------------------

78
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

của vốn lưu động (ngày) Số vòng quay VLĐ

Chỉ tiêu này cho biết vốn lưu động quay vòng trong kỳ mất trung bình bao nhiêu
ngày cho một vòng quay.
Vốn lưu động bình quân
Hệ số đảm nhiệm = ---------------------------------
của vốn lưu động Doanh thu thuần

Chỉ tiêu này cho biết trong kỳ để tạo ra một đồng doanh thu thì phải sử dụng
bao nhiêu vốn lưu động.
Lợi nhuận trong kỳ
Hệ số sinh lợi VLĐ = --------------------------------
Vốn lưu động bình quân
Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn lưu động sử dụng trong kỳ sẽ mang lại bao
nhiêu đồng lợi nhuận.
3.2.4.3. Đối với toàn bộ vốn:
Doanh thu thuần trong kỳ
Hiệu suất luân chuyển của vốn = -----------------------------------------
Vốn bình quân trong kỳ
Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn nói chung sử dụng trong kỳ sẽ mang lại bao
nhiêu đồng doanh thu.
Lợi nhuận trong kỳ
Mức doanh lợi của vốn = ---------------------------------------
(Tỷ suất lợi nhuận) Vốn bình quân trong kỳ

Chỉ tiêu này cho biết một đồng vốn nói chung sử dụng trong kỳ sẽ mang lại bao
nhiêu đồng lợi nhuận. Với ý nghĩa này, đây là một chỉ tiêu rất quan trọng và thường
xuyên được sử dụng trong phân tích kinh tế cũng như trong hoạt động cân nhắc, đánh
giá thường ngày của người dân trong xã hội.
Cũng cần lưu ý rằng các chỉ tiêu trên đây chỉ mới được giới thiệu cơ bản. Việc
hiểu biết sâu sắc về chúng, nhất là để vận dụng trong phân tích, đánh giá chính xác là
điều nhất thiết còn phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu kỷ lưỡng.

3.3. DOANH THU, CHI PHÍ VÀ LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP

79
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Doanh thu, chi phí và lợi nhuận là các nội dung cơ bản trong hoạt động tài
chính doanh nghiệp, là các vấn đề nảy sinh tiếp theo ngay sau việc sử dụng vốn và
giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
3.3.1. Doanh thu của doanh nghiệp
Doanh thu của doanh nghiệp (đôi khi còn gọi là thu nhập) là toàn bộ số tiền
doanh nghiệp thu được trong một thời kỳ nhất định từ các hoạt động liên quan quá
trình kinh doanh.
Trong thực hành hạch toán doanh thu, để bảo đảm tính chính xác doanh thu
trong một thời kỳ hoạt động thì cần phải nghiên cứu kỹ các nguyên tắc ghi nhận doanh
thu trong các chuẩn mực kế toán.
Tương ứng các hoạt động các hoạt động được mô tả trên đây, doanh nghiệp có
các loại doanh thu sau:
- Doanh thu từ hoạt động kinh doanh;
- Doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính;
- Doanh thu từ hoạt động khác.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính là toàn bộ số tiền thu được do tiêu thụ
sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Sau khi trừ đi các khoản chiết khấu bán hàng, giảm giá hàng bán, giá trị hàng
bán bị trả lại thì ta còn lại doanh thu thuần hay doanh thu thực tế.
Các loại hình doanh nghiệp có các sản phẩm, dịch vụ cung ứng khác nhau thì
doanh thu cũng khác nhau. Chắng hạn đối với doanh nghiệp xây dựng thì doanh thu là
giá trị công trình hoàn thành bàn giao; doanh nghiệp vận tải_tiền cước phí; doanh
nghiệp kinh doanh tiền tệ_tiền lãi; doanh nghiệp bảo hiểm_phí bảo hiểm ...
Doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính là các khoản thu từ đầu tư chứng
khoán, kinh doanh ngoại tệ, góp vốn liên doanh, cổ phần, cho thuê tài chính ...
Doanh thu khác là các khoản thu không có tính chất thường xuyên như thu về
thanh lý, nhượng bán TSCĐ, thu các khoản nợ khó đòi đã xử lý, thu tiền phạt vi phạm
hợp đồng ...
Doanh thu là chỉ tiêu quan trọng trong hoạt động tài chính doanh nghiệp, là
nguồn tài chính thường xuyên và quan trọng nhất để doanh nghiệp trang trải mọi chi
phí kinh doanh, đồng thời qua đó phản ánh qui mô sản xuất kinh doanh và triển vọng
của doanh nghiệp trên thị trường.
3.3.2. Chi phí của doanh nghiệp

80
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Chi phí của doanh nghiệp là toàn bộ số tiền doanh nghiệp đã bỏ ra để tiến hành
mọi hoạt động liên quan quá trình kinh doanh trong một thời kỳ.
Tương tự như doanh thu, chi phí của doanh nghiệp cũng bao gồm:
- Chi phí hoạt động kinh doanh;
- Chi phí hoạt động đầu tư tài chính;
- Chi phí hoạt động khác.
Điều quan trọng ở đây là cần tìm hiểu kỹ hơn những vấn đề cụ thể của chi phí
kinh doanh.
Khái niệm chi phí kinh doanh:
Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ chi phí
sản xuất (hay chi phí mua hàng), chi phí bán hàng và chi phí quản lý và mà doanh
nghiệp phải chi ra để hoạt động kinh doanh trong một giai đoạn nhất định.
Phân loại chi phí kinh doanh:
* Phân loại theo yếu tố chi phí: dựa vào tính chất của chi phí mà phân chúng
thành nhiều yếu tố nhất định.
Toàn bộ chi phí kinh doanh của doanh nghiệp được chia thành các yếu tố sau:
+ Chi phí vật tư mua ngoài.
+ Chi phí về khấu hao TSCĐ.
+ Chi phí về tiền lương và những khoản phụ cấp có tính chất lương.
+ Chi phí về BHXH, BHYT, KPCĐ theo chế độ hiện hành.
+ Chi phí về dịch vụ mua ngoài ( điện, nước, điện thoại, trả tiền vận chuyển,
bốc vác, thuê tư vấn, kiểm toán ...)
+ Chi phí bằng tiền khác: tiếp dân, hội nghị ...
* Phân loại theo khoản mục chi phí: căn cứ vào công dụng và địa điểm phát
sinh chi phí mà sắp xếp chúng thành nhiều khoản mục nhất định, gồm:
+ Chi phí sản xuất: bao gồm tất cả những chi phí mà doanh nghiệp chi ra để
phục vụ quá trình sản xuất sản phẩm trong một thời kỳ nhất định không kể là sản phẩm
đó đã hoàn thành hay chưa. Gồm các khoản mục chính sau:
- Chi phí vật tư trực tiếp: chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trực tiếp cho
hoạt động sản xuất sản phẩm.
- Chi phí nhân công trực tiếp: tiền lương trả cho công nhân.
- Chi phí sản xuất chung: những chi phí sử dụng chung cho hoạt động sản xuất
ở các phân xưởng trực tiếp tạo ra sản phẩm: chi phí vật tư, nhiên liệu cho máy móc

81
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

thiết bị của phân xưởng, chi phí điện, nước, điện thoại ở phân xưởng, chi phí khấu hao
TSCĐ ở phân xưởng, chi phí lương và bảo hiểm của cán bộ nhân viên ở phân xưởng.
+ Chi phí bán hàng: các chi phí liên quan đến tiêu thụ sản phẩm, như :
- Tiền lương, bảo hiểm của cán bộ, nhân viên bán hàng,
- Chi phí về vật liệu, bao bì, dụng cụ phục vụ bán hàng,
- Khấu hao TSCĐ thiết bị bán hàng,
- Chi phí về dịch vụ mua ngoài (để phục vụ cho bán hàng) như điện, nước, điện
thoại, vận chuyển,
- Chi phí tiếp khách, giới thiệu, quảng cáo, bảo hành sản phẩm, hoa hồng môi
giới...
+ Chi phí quản lý: bao gồm những chi phí liên quan đến hoạt động quản lý, hoạt
động điều phối của toàn doanh nghiệp:
- Tiền lương, BH, phụ cấp của cán bộ, nhân viên quản lý.
- Chi phí vật tư, đồ dùng ở văn phòng.
- Khấu hao TSCĐ thuộc bộ phận quản lý.
- Các khoản dịch vụ mua ngoài.
- Chi phí khác: lệ phí ...
* Phân loại theo mối quan hệ giữa chi phí và khối lượng sản xuất kinh
doanh:
+ Chi phí cố định (định phí): bao gồm những chi phí về cơ bản không thay đổi
mặc dù khối lượng sản xuất kinh doanh có thay đổi, như: tiền lương của giám đốc, của
nhân viên quản lý, tiền thuê mặt bằng, thuế môn bài, chi phí khấu hao...
+ Chi phí biến đổi (biến phí): những chi phí tỷ lệ thuận với khối lượng sản xuất
kinh doanh như : vật tư trực tiếp, nhân công trực tiếp ...
Cách phân loại này có lợi ích trên nhiều mặt, một trong những ý nghĩa quan
trọng của nó là làm cơ sở cho việc áp dụng phương pháp phân tích hòa vốn trong hoạt
động kinh doanh.
3.3.3. Lợi nhuận của doanh nghiệp
Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa thu nhập và chi phí tương ứng mà doanh
nghiệp đã bỏ ra để có thu nhập đó trong một thời kỳ nhất định.
Xét theo trình tự phân phối lợi nhuận, về cơ bản ta có lợi nhuận trước thuế và
lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế là phần lợi nhuận còn lại cho chủ doanh
nghiệp (lãi ròng) sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp.

82
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Xét theo các hoạt động, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trên lý thuyết
bao gồm các loại lợi nhuận khác nhau tương ứng các hoạt động khác nhau như sau:
- Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;
- Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính;
- Lợi nhuận từ hoạt động khác.
Tuy nhiên, trong thực tế theo chế độ báo cáo tài chính người ta không hạch toán
riêng rẽ hai loại lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư
tài chính mà gọi chung là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận này
được xác định như sau:

Lợi Doanh
nhuận thu Giá Doanh Chi Chi
thuần thuần vốn thu phí Chi phí
từ = bán - hàng + hoạt - Tài - phí - quản
hoạt hàng bán động chính bán lý
động và tài hàng doanh
kinh cung chính nghiệp
doanh cấp
DV

Lợi nhuận là một chỉ tiêu quan trọng trong việc đánh giá doanh nghiệp:
- Là chỉ tiêu chất lượng phản ánh tổng hợp mọi hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp, là chỉ tiêu cuối cùng phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp;
- Là nguồn tích lũy quan trọng để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh
và đóng góp nguồn thu cho nhà nước.
Tuy quan trọng như vậy, nhưng trong một số trường hợp phân tích nhất định, nhất
là khi so sánh hiệu quả trong điều kiện qui mô kinh doanh khác nhau thì lợi nhuận
chưa phải là một công cụ giúp đưa ra được kết luận chính xác, sâu sắc. Trong trường
hợp đó người ta phải nhờ đến chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận. Chỉ tiêu này là kết quả so sánh
lợi nhuận và vốn sử dụng kinh doanh tương ứng trong kỳ như đã trình bày trong phần
đánh giá hiệu quả sử dụng vốn trên đây.

83
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TÓM TẮT CHƯƠNG 3


--------
1. Doanh nghiệp là một chủ thể quan trọng trong nền kinh tế, sử dụng các
phương tiện, tài sản của mình tiến hành hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm
hoặc dịch vụ cho thị trường nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Tài chính doanh nghiệp là toàn bộ các quan hệ tài chính của doanh nghiệp với
nhà nước, với thị trường cũng như bên trong doanh nghiệp. Thực chất của các quan hệ
tài chính này chính là quan hệ kinh tế gắn liền việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ
nhằm phục vụ cho quá trình kinh doanh và đáp ứng nhu cầu chung cho toàn xã hội.
2. Hoạt động tài chính doanh nghiệp có các vai trò quan trọng trong guồng máy
quản trị hoạt động doanh nghiệp. Nó bảo đảm cho việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực
tài chính có hiệu quả nhất; Bảo đảm sự tài trợ cho các quyết định đầu tư cũng như mọi
hoạt động khác của doanh nghiệp và bảo đảm kiểm tra các hoạt động của doanh
nghiệp.
3. Vốn kinh doanh của doanh nghiệp là giá trị của tất cả những tài sản hữu
hình, vô hình được đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Xét về nguồn gốc, một cách khái
quát vốn của doanh nghiệp hoặc là vốn chủ sở hữu, hoặc là nợ phải trả. Đứng trên góc
độ quản lý nhà nước thì người ta phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định. Nếu căn cứ
vào đặc điểm luân chuyển, vốn có hai loại khác nhau là vốn cố định và vốn lưu động.
Căn cứ vào tính chất hoạt động đầu tư, ta có vốn đầu tư tài chính và vốn đầu tư vào
các tài sản sản xuất kinh doanh.
4. Do đặc điểm luân chuyển khác nhau nên biện pháp quản lý vốn cố định và
vốn lưu động là cũng khác nhau. Các biện pháp quản lý vốn cố định cũng chính là biện
pháp quản lý sử dụng TSCĐ. Trong các biện pháp quản lý vốn nói chung, phương
pháp khấu hao TSCĐ có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là các phương pháp khấu hao
đường thẳng (mức khấu hao không đổi trong suốt thời kỳ khấu hao) và phương pháp
khấu hao nhanh (khấu hao theo số dư giảm dần và khấu hao tổng số).
5. Thu nhập hay doanh thu của doanh nghiệp là toàn bộ số tiền doanh nghiệp
thu được trong một thời kỳ nhất định từ các hoạt động liên quan quá trình kinh doanh,
bao gồm thu nhập từ hoạt động kinh doanh, thu nhập từ hoạt động đầu tư tài chính, thu
nhập từ hoạt động khác. Doanh thu là nguồn tài chính thường xuyên và quan trọng
nhất để doanh nghiệp trang trải mọi chi phí kinh doanh; phản ánh qui mô sản xuất
kinh doanh và triển vọng của doanh nghiệp trên thị trường.

84
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

6. Chi phí của doanh nghiệp là toàn bộ số tiền doanh nghiệp đã bỏ ra để tiến
hành mọi hoạt động liên quan quá trình kinh doanh trong một thời kỳ, bao gồm chi phí
hoạt động kinh doanh, chi phí hoạt động đầu tư tài chính và chi phí hoạt động khác.
Chi phí kinh doanh bao gồm nhiều yếu tố khác nhau như vật tư, tiền lương, khấu hao,
... cho các mục đích cụ thể khác nhau như chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và chi
phí quản lý. Ngoài ra xét theo mối quan hệ giữa chi phí và khối lượng sản xuất kinh
doanh có hai loại khác nhau là định phí và biến phí.
7. Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí mà doanh nghiệp
đạt được trong một thời kỳ nhất định, bao gồm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, lợi
nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính và lợi nhuận từ hoạt động khác. Tùy theo việc nộp
thuế hay chưa ta có lợi nhuận trước thuế hay lãi ròng. Lợi nhuận là một chỉ tiêu chất
lượng quan trọng phản ánh tổng hợp mọi hoạt động kinh doanh và kết quả kinh doanh
của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn là nguồn tích lũy quan trọng để doanh nghiệp mở
rộng sản xuất kinh doanh và đóng góp nguồn thu cho nhà nước. Trong một số trường
hợp phân tích nhất định, để bổ sung cho chi tiêu lợi nhuận, người ta sử dụng chỉ tiêu tỷ
suất lợi nhuận, là kết quả so sánh lợi nhuận và vốn sử dụng kinh doanh tương ứng
trong kỳ.

85
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TỪ KHÓA (KEY WORDS)

1 Biến phí 21 Quyết định tài trợ


2 Chi phí 22 Sản phẩm
3 Đầu tư 23 Tài chính
4 Đầu tư tài chính 24 Tài chính doanh nghiệp
5 Định phí 25 Tài sản
6 Dịch vụ 26 Tài sản cố định
7 Doanh nghiệp 27 Tài sản hữu hình
8 Doanh thu 28 Tài sản lưu động
9 Khấu hao 29 Tài sản vô hình
10 Khấu hao đường thẳng 30 Tài trợ
11 Khấu hao nhanh 31 Thị trường
12 Kinh doanh 32 Thu nhập
13 Lãi ròng 33 Thuế
14 Lợi nhuận 34 Tỷ suất lợi nhuận
15 Lợi nhuận sau thuế 35 Vốn chủ sở hữu
16 Lợi nhuận trước thuế 36 Vốn cố định
17 Mức doanh lợi 37 Vốn điều lệ
18 Nợ phải trả 38 Vốn kinh doanh
19 Quyết định đầu tư 39 Vốn lưu động
20 Quyết định phân phối 40 Vốn pháp định

86
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 3


-------------

1. Từ khái niệm doanh nghiệp, hãy quan sát các doanh nghiệp trong thực tế và
phân biệt các các doanh nghiệp khác nhau theo các góc độ sở hữu, qui mô và ngành
nghề kinh doanh. Môi trường pháp lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam? Từ sự
chuyển biến trong đổi mới của Nhà nước Việt Nam đối với quản lý doanh nghiệp, có
thể lý giải như thế nào về tầm quan trọng của doanh nghiệp hiện nay đối với nền kinh
tế?
2. Hãy phân tích các vai trò của tài chính doanh nghiệp, lấy các ví dụ thực tế nếu
có thể để minh họa cho các ý tưởng phân tích đó.
3. Vốn kinh doanh có các đặc điểm gi? Hãy phân biệt các loại vốn theo các cách
phân loại và cho biết ý nghĩa các cách phân loại này? So sánh ưu nhược điểm của các
phương pháp khấu hao.
4. Giải thích các nội dung thu nhập, chi phí, lợi nhuận theo các loại hoạt động
của doanh nghiệp. So sánh cách phân loại chi phí kinh doanh theo yếu tố chi phí và
theo khoản mục chi phí; phân biệt định phí và biến phí và cho biết ý nghĩa của sự phân
loại này?
5. Phân biệt lợi nhuận trước thuế và lãi ròng. Cách tính thuế thu nhập doanh
nghiệp của Việt Nam từ thu nhập của các hoạt động của doanh nghiệp ?

87
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 4: CÁC ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH TRUNG GIAN

Chương 4 bao gồm các chủ đề quan trọng nhất về một phân hệ quan
trọng của hệ thống tài chính là tài chính gián tiếp. Những chủ đề chính của
chương bao gồm:
(i) Thảo luận về chức năng hay tầm quan trọng của các trung gian tài
chính trong hệ thống tài chính;
(ii) Giới thiệu hệ thống các trung gian tài chính và đặc điểm điển hình
của từng loại;
(iii) Giới thiệu hệ thống các trung gian tài chính Việt Nam và các đặc thù
của từng loại theo những quy chế pháp lý của Việt Nam.
Yêu cầu chung đối với sinh viên khi nghiên cứu chương này là:
- Hiểu được bản chất của các khái niệm: chi phí giao dịch; chi phí thông
tin; thông tin bất đối xứng; lựa chọn đối nghịch; rủi ro đạo đức; vấn đề người đi
xe không tốn tiền; vấn đề người đại lý – người uỷ thác từ đó lý giải một cách có
cơ sở khoa học chức năng của các trung gian tài chính.
- Nắm được các đặc điểm cơ bản của các định chế tài chính trung gian.
Qua đó, so sánh các loại trung gian tài chính khác nhau.
- Nắm được các nét phổ quát cũng như đặc thù của hệ thống trung gian
tài chính Việt Nam.

4.1. CHỨC NĂNG KINH TẾ CỦA TRUNG GIAN TÀI CHÍNH TRONG HỆ
THỐNG TÀI CHÍNH
Bỏ qua những sự khác biệt trong phương thức, tính chất hoạt động cũng như kết
cấu nguồn vốn và sử dụng vốn giữa các loại hình trung gian tài chính khác nhau, một
cách chung nhất có thể định nghĩa:
Trung gian tài chính là các tổ chức nắm giữ các quỹ tiền tệ được tạo lập chủ yếu
thông qua huy động của những tác nhân thừa vốn và sử dụng chúng để cung ứng cho
các tác nhân thiếu vốn trong nền kinh tế.
Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy mặc dù thị trường chứng khoán đã
tạo nên một sự chú ý rất lớn và rất ấn tượng của công chúng, giới truyền thông, các
nhà đầu tư tài chính, các chuyên gia và cả chính phủ..nhưng trên thực tế trung gian tài
chính đã đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều lần so với thị trường chứng khoán
trong việc cung ứng vốn cho các doanh nghiệp.

88
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

(Ở Việt Nam, trong bối cảnh quy mô của thị trường chứng khoán còn khiêm tốn,
vai trò của các trung gian tài chính lại càng rất quan trọng).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên mà nguyên nhân chủ yếu chính
là các chức năng kinh tế rất quan trọng của các trung gian tài chính trong hệ thống tài
chính. Đó là những chức năng sau:
4.1.1. Trung gian tài chính tiết kiệm chi phí thông tin và chi phí giao dịch
Để đạt được một giao dịch trên thị trường tài chính, các chủ thể tham gia trên
thị trường phải bỏ ra các chi phí. Các chi phí này bao gồm 2 thành phần cơ bản:
- Chi phí tìm kiếm/sản xuất thông tin tức là những chi phí liên quan đến việc
thu thập, xử lý những thông tin liên quan đến đối tác nói riêng và đến giao dịch nói
chung. Các thông tin này là cơ sở cho việc lấy các quyết định, chẳng hạn: quyết định
giao dịch hay không giao dịch với một đối tác cụ thể (ví dụ: quyết định cho vay hay
không ? quyết định chấp nhận các hợp đồng bảo hiểm; quyết định mua cổ phiếu của
một công ty...) ; quyết định về mức giá và những quyết định khác.
- Các chi phí pháp lý, chi phí hoa hồng cho người môi giới, chi phí thương
lượng...nhằm hiện thực hóa một giao dịch (đáp ứng các điều kiện) gọi chung là chi phí
giao dịch.
Sự tồn tại của những chi phí trên ngăn cản sự tham gia vào thị trường của
những chủ thể có quy mô giao dịch nhỏ, bao gồm cả 2 phía: phía người thừa vốn
(người đầu tư) và phía người thiếu vốn (người vay) bởi vì chi phí bỏ ra cho một giao
dịch quá lớn so với lợi ích họ nhận được từ thị trường. Chính đặc điểm nói trên của thị
trường tài chính đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các trung gian tài chính. Các
trung gian tài chính đã góp phần giảm thiểu đáng kể chi phí giao dịch và chi phí thông
tin, cho phép những người tiết kiệm và những người có nhu cầu về vốn có thể tận dụng
được những cơ hội kiếm lời.
Các trung gian tài chính tiết kiệm được chi phí thông tin và chi phí giao dịch do
những yếu tố sau:
(i) Quy mô lớn: Bằng cách tập hợp nguồn vốn từ nhiều nhà đầu tư nhỏ và đưa
vốn đến cho những cơ hội đầu tư sinh lời, các trung gian tài chính đã làm giảm đi chi
phí cho mỗi nhà đầu tư riêng lẻ, qua đó tạo cơ hội kiếm thu nhập cho những người có
vốn nhàn rỗi cần đầu tư. Lý do, khi quy mô giao dịch tăng lên, các khoản mục chi phí
cố định (FC) hầu như không thay đổi hoặc thay đổi rất ít nên chi phí cố định trên mỗi
đơn vị vốn giao dịch sẽ giảm.

89
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

(Ví dụ điển hình về sự ra đời của một trung gian tài chính nhằm khai thác lợi thế
tiết kiệm do quy mô là các Quỹ hỗ tương/ Quỹ đầu tư (mutual funds). Quỹ hỗ tương là
các trung gian tài chính tạo lập nguồn vốn bằng cách bán cổ phần cho các nhà đầu tư cá
nhân và các tổ chức, sau đó tiến hành đầu tư vào các loại trái phiếu, cổ phiếu hoặc các
tài sản tài chính khác. Bởi vì quỹ thường tiến hành đầu tư trên số lượng lớn các chứng
khoán, nó có thể tạo ra tiết kiệm do quy mô với một chi phí giao dịch thấp đáng kể tính
trên mỗi đồng vốn được đầu tư. Khoản tiết kiệm chi phí này cuối cùng sẽ được hưởng
bởi các nhà đầu tư vào quỹ).
Mặt khác, nhờ quy mô lớn, các trung gian tài chính có thể thực hiện đa dạng
hoá danh mục đầu tư qua đó phân tán rủi ro. Các nghiên cứu lý thuyết đã chỉ ra rằng
đa dạng hóa danh mục đầu tư làm giảm bớt tổng rủi ro của toàn bộ tài sản. Lợi ích
này thường không thể có đối với từng nhà đầu tư riêng lẻ do quy mô vốn hạn chế chỉ
cho phép họ đầu tư vào một số ít tài sản nhất định.
(ii) Tính chuyên nghiệp trong hoạt động: Khả năng giảm thiểu chi phí còn bắt
nguồn từ việc chuyên môn hóa và những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình hoạt
động của các trung gian tài chính. Chuyên môn hóa giúp nâng cao năng suất lao động,
hiệu suất sử dụng tài sản..và do đó tiết kiệm chi phí. Chuyên môn hóa cũng giúp tích
lũy kinh nghiệm. Mặt khác, quá trình chuyên môn hóa cộng với những kinh nghiệm
tích lũy cho phép các trung gian tài chính có thể xây dựng những cơ sở hạ tầng phục
vụ cho các giao dịch cùng loại với chí phí rẻ, và đồng thời cũng cung cấp thêm những
tiện ích khác cho các khách hàng.
(iii) Cung cấp các dịch vụ liên quan một cách đa dạng: Các trung gian tài chính
thường có danh mục dịch vụ đa dạng và các dịch vụ cung ứng thường hổ trợ cho nhau.
Vì vây, khách hàng của của các trung gian tài chính (cả người tiết kiệm và người vay
vốn) sẽ được cung cấp kết hợp các dịch vụ liên quan nhờ vậy tiết kiệm chi phí cho
khách hàng. Ví dụ: người gửi tiền tại ngân hàng thương mại có thể được cung cấp các
dịch vụ thanh toán, thu chi hộ; người vay có thể yêu cầu thanh toán chuyển khoản cho
đối tác, yêu cầu Ngân hàng bảo lãnh...
4.1.2. Trung gian tài chính là một giải pháp quan trọng cho tình trạng thông tin
bất đối xứng
Thông tin bất đối xứng (asymmetric information) không phải là đặc điểm riêng
có của thị trường tài chính mà là tình trạng phổ biến của nhiều thị trường khác. Một
cách đơn giản, thông tin bất đối xứng là tình trạng mà trong một giao dịch, các bên

90
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

tham gia có thông tin không ngang bằng nhau về điều mà cả hai cùng muốn biết. Một
vài ví dụ đơn giản liên quan đến thị trường tài chính:
- Người cho vay sẽ có ít thông tin về người vay so với ngưòi vay (mặc dù người
cho vay đương nhiên rất cần biết).
- Người mua cổ phiếu sẽ có ít thông tin về Công ty cổ phần dự định đầu tư hơn
là chính Công ty đó.
- Công ty bảo hiểm sẽ có ít thông tin về đối tượng bảo hiểm so với người mua
bảo hiểm.
.....
Mặc dù thông tin bất đối xứng là tình trạng chung của nhiều thị trường nhưng
như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, đối với thị trường tài chính nó là một vấn đề đáng
quan tâm hàng đầu.
Tình trạng thông tin bất đối xứng sẽ gây ra 2 hậu quả chủ yếu sau:
- Lựa chọn đối nghịch (adverse selection): là hậu quả của thông tin bất đối
xứng diễn ra trước khi tiến hành giao dịch. Đó là tình trạng mà bên thiếu thông tin
thay vì lựa chọn một đối tác tốt hơn (cho lợi ích của mình) đã lựa chọn một đối tác xấu
hơn để giao dịch. Lựa chọn đối nghịch còn có một hậu quả khác là bên thiếu thông tin
có thể quyết định từ chối tất cả các đối tác nào chưa có đủ thông tin ở mức độ đủ để
quyết định. Hậu quả: quy mô giao dịch của thị trường sẽ giảm sút, gây thiệt hại cả cho
bên bán lẫn bên mua.
Ví dụ:
- A có một dự án tốt, B có một dự án rủi ro cao. Cả hai đều có ý định vay tiền
của C. Do B có dự án rủi ro cao nên sẽ là người tích cực vay nhất, thậm chí không loại
trừ các biện pháp tiêu cực để giành cho được khoản vay. Do đó, cơ hội nhận được
khoản vay của B nhiều hơn A nếu C có thông tin không đầy đủ về dự án của A &B.
Đương nhiên, B biết rõ hơn C về bản thân dự án của mình
- Người mắc căn bệnh nan y sẽ tích cực mua bảo hiểm nhân thọ hơn một người
khỏe mạnh. Vì vậy, nếu không có biện pháp để bù đắp thông tin như bắt buộc người
mua bảo hiểm phải khám bệnh, điều tra...Công ty bảo hiểm sẽ lựa chọn sai đối tượng.
- Rủi ro đạo đức (moral hazard): là hậu quả của thông tin bất đối xứng diễn ra
sau khi giao dịch tài chính đã diễn ra. Đó là tình trạng mà bên thiếu thông tin do
không kiểm soát được hành vi của đối tác nên đã bị đối tác thực hiện những hành vi
không tốt theo quan điểm của mình. Rủi ro đạo đức trên thị trường tài chính còn có thể
dẫn đến một hậu quả khác là hạn chế quy mô thị trường do bên thiếu thông tin lo ngại
rủi ro đạo đức.

91
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Ví dụ:
- Một người đi vay sau khi đã có được một khoản vay, ông ta có thể sẵn sàng
đầu tư vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng với những rủi
ro cao. Sự mạo hiểm này có thể làm cho các khoản vay không có khả năng hoàn trả.
- Người điều hành Công ty sau khi đã huy động vốn cổ phần có thể sử dụng vốn
không vì lợi ích cổ đông.
- Người mua bảo hiểm sẽ bất cẩn, hoặc trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại cho Công
ty bảo hiểm.
...
Như vậy,tình trạng thông tin bất đối xứng đã gây ra những tác hại rất lớn đối
với thị trường tài chính. Nó gây thiệt hại cho các chủ thể tham gia thị trường và làm
giảm quy mô giao dịch của thị trường. Trong bối cảnh đó, trung gian tài chính là một
giải pháp quan trọng, giúp tăng cường hiệu quả và sự ổn định của thị trường.
(i) Đối với vấn đề lựa chọn đối nghịch:
- Sự chuyên nghiệp trong thu thập và phân tích thông tin giúp các trung gian
tài chính lựa chọn được những cơ hội đầu tư tốt hơn so với những người tiết kiệm nhỏ,
riêng lẻ. Nói cách khác, giúp giảm thiểu lựa chọn đối nghịch, bảo đảm đồng vốn của
người tiết kiệm được an toàn. Lợi nhuận đạt được của các trung gian tài chính sẽ được
chia sẻ cho những người tiết kiệm do đó, đầu tư qua trung gian tài chính vẫn là một
phương cách giúp những ngưòi đầu tư nhỏ kiếm lợi nhuận nhiều hơn so với đầu tư trực
tiếp.
- Những người đầu tư trực tiếp (không thông qua các trung gian tài chính) sẽ
gặp phải vấn đề người đi xe không tốn tiền (free rider problem). Vấn đề người đi xe
không tốn tiền trên thị trường tài chính là vấn đề mà ở đó những người không trả chi
phí để sản xuất/mua thông tin vẫn có thể lợi dụng được thông tin mà người khác đã trả
chi phí để có. Một ví dụ điển hình: một người đầu tư cổ phiếu bỏ chi phí để mua thông
tin về các Công ty nhằm lựa chọn cổ phiếu có hiệu quả (tức có triển vọng là giá lên).
Tuy nhiên, sẽ có nhiều người đầu tư khác đầu tư vào cổ phiếu mà người này đã mua.
Hệ quả là cầu của cổ phiếu đó tăng dẫn tới giá tăng. Vì vậy ,lợi tức dự tính của người
này sẽ không đạt được. Điều này dẫn tới việc có rất ít thậm chí không có nhà đầu tư
trực tiếp nào tự bỏ tiền để mua thông tin, làm trầm trọng thêm vấn đề lựa chọn đối
nghịch.
Ngược lại, do các trung gian tài chính nắm giữ một tỷ lệ lớn các món cho vay
riêng lẻ không mua bán được trên thị trường nên các thông tin mà các trung gian tài

92
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

chính sản xuất được là các thông tin độc quyền sử dụng, giá của món cho vay này (tức
lãi suất) không bị dao động nên tránh được vấn đề “người đi xe không tốn tiền”.
(ii) Đối với vấn đề rủi ro đạo đức
- Nhờ kinh nghiệm tích lũy và sự chuyên môn hóa để thực hiện việc theo dõi,
giám sát những khoản vay đã được tạo ra hay các khoản đầu tư đã được thực hiện, các
trung gian tài chính đã có thể giảm thiểu rủi ro đạo đức. Nói cách khác, một lần nữa,
tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động của trung gian tài chính đã giúp chúng có lợi
thế hơn so với những người đầu tư trực tiếp trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro đạo đức.
- Các điều khoản hạn chế là một giải pháp nhằm hạn chế rủi ro đạo đức đối
với các hợp đồng nợ. Đó là tập hợp những quy định ràng buộc người vay nhằm loại
trừ những hành vi không mong muốn hoặc khuyến khích thực hiện những hành vi mong
muốn theo quan điểm của người cho vay. Tuy nhiên, có hai vấn đề nảy sinh làm hạn
chế hiệu quả của các quy định hạn chế này. Thứ nhất, việc soạn thảo các điều khoản
hạn chế đòi hỏi phải có khả năng tiên liệu đầy đủ các vấn đề nảy sinh, sự hiểu biết
toàn diện và sâu sắc về lĩnh vực hoạt động của người vay cũng như các khía cạnh pháp
lý... Thứ hai, phải có khả năng giám sát và cưỡng chế người vay thực hiện những quy
định này.
Những người cho vay trực tiếp rất khó có điều kiện để làm được việc này một
cách hoàn hảo vì hai lý do chủ yếu: sự thiếu chuyên nghiệp và vấn đề "người đi xe
không tốn tiền" khiến cho từng cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu không muốn
bỏ chi phí để thực hiện giám sát và cưỡng chế.
Trong khi đó, các trung gian tài chính có điều kiện để thực hiện tốt giải pháp
điều khoản hạn chế vì những lợi thế sau:
- Tính chuyên nghiệp giúp các trung gian tài chính soạn thảo các hợp đồng tín
dụng với các điều khoản hạn chế hoàn hảo hơn với chi phí thấp.
- Vì thực hiện các món cho vay riêng biệt không thể đem ra mua bán nên trung
gian tài chính sẽ tăng cường giám sát và cưỡng chế đối với người vay nhằm thực hiện
các điều khoản hạn chế trong hợp đồng nợ mà không gặp phải vấn đề “người đi xe
không tốn tiền”.
- Trung gian tài chính giúp giảm thiểu hậu quả của vấn đề “người đại lý -
người uỷ thác”. Đây là vấn đề nảy sinh trong nhiều trường hợp khi có sự tách biệt
giữa một bên là người uỷ thác với một bên là người nhận sự uỷ thác mà lợi ích của hai
bên có sự không đồng nhất. Xét riêng, trong trường hợp này là các hợp đồng vốn cổ
phần. Trong đó, các cổ đông gọi là "người ủy thác" - là chủ sở hữu của Công ty - đã ủy
thác việc quản lý cho những người điều hành Công ty gọi là "người đại lý". Sự tách

93
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

biệt giữa sở hữu và quản lý sẽ gây ra vấn đề rủi ro đạo đức. Rủi ro đạo đức ở đây được
hiểu là những người đại lý sẽ không hành động vì lợi ích của chủ sở hữu mà sẽ đặt lợi
ích của mình ở vị trí ưu tiên. Lợi ích của chủ sở hữu ở đây chính là việc tối đa hóa lợi
tức, điều này đồng nghĩa với việc tăng giá trị Công ty. Do người điều hành chỉ nắm
một tỷ lệ nhỏ cổ phần (hoặc không nắm) nên việc tăng giá trị Công ty sẽ không đem lại
lợi ích nhiều cho người điều hành. Trái lại, những hành vi như: tăng chi phí hoạt động
(tăng mua sắm tài sản cố định, nhất là các tài sản phục vụ trực tiếp cho bản thân
những ngưòi điều hành như: trụ sở văn phòng; phương tiện đi lại; phương tiện liên
lạc...); gian lận để trục lợi dưới các dạng khác nhau; hoặc lấy những quyết định nhằm
đề cao quyền lực và uy tín cá nhân gây thiệt hại cho lợi ích chung của Công ty...
Rõ ràng, những vấn đề nói trên sẽ không xảy ra nếu các cổ đông có đầy đủ
thông tin về những hành vi của người điều hành. Nói cách khác, bản chất của rủi ro
đạo đức trong trường hợp này chính là hậu quả của tình trạng thông tin bất đối xứng
giữa ngưởi ủy thác và người đại lý.
Có một số giải pháp cho vấn đề này. Công ty/Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture
capital firm) là một trung gian tài chính mà đặc điểm hoạt động của nó giúp giảm
thiểu rủi ro đạo đức nảy sinh từ vấn đề người đại lý – người uỷ thác. Công ty này tài
trợ vốn cho các Doanh nghiệp có triển vọng khởi sự kinh doanh. Đổi lại, họ nhận được
các cổ phần từ Doanh nghiệp mới này. Công ty đầu tư mạo hiểm thường giải quyết vấn
đề này bằng 2 cách: đòi hỏi có đại điện trong bộ máy quản lý của Công ty; cổ phần
của Doanh nghiệp được tài trợ bị ràng buộc là không được chào bán cho bất kỳ ai trừ
Công ty đầu tư mạo hiểm. Do đó, các nhà đầu tư khác không được hưởng lợi ích của
việc đi xe không tốn tiền từ các hoạt động kiểm tra, giám sát của Công ty đầu tư đối
với hoạt động điều hành.
4.1.3. Chức năng biến đổi tài sản (asset transformation function)
Trung gian tài chính trong vai trò trung gian giữa người tiết kiệm và người đi
vay cuối cùng đã thực hiện một chức năng quan trọng là chức năng biến đổi tài sản về
mức rủi ro, về khối lượng và thời hạn. Chức năng này đem lại lợi ích cho cả người tiết
kiệm lẫn người vay cuối cùng.
Về mức rủi ro, trung gian tài chính đã nắm giữ các công cụ tài chính sơ cấp của
các Công ty sản xuất - kinh doanh phát hành với mức rủi ro cao (cổ phiếu, trái phiếu
công ty, các khoản góp vốn...) để phát hành các công cụ tài chính thứ cấp (kỳ phiếu,
hợp đồng bảo hiểm, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, các khoản tiền gửi tiết kiệm...) với
mức rủi ro thấp hơn và độ thanh khoản cao hơn cho người tiết kiệm.

94
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Về khối lượng, trung gian tài chính đã biến đổi các khoản vốn phân tán, nhỏ lẻ
từ những người tiết kiệm thành những quỹ tiền tệ có quy mô lớn đủ để tài trợ cho các
nhu cầu đầu tư đa dạng. Nhờ chức năng này của các trung gian tài chính, các khoản
tiết kiệm nhỏ lẻ tìm được cơ hội sinh lời dễ dàng và do đó thúc đẩy động cơ tiết kiệm ở
những người tiết kiệm nhỏ.
Về thời hạn, trung gian tài chính có khả năng biến đổi để tạo sự phù hợp về kỳ
hạn của các khoản vốn tiết kiệm với những nhu cầu của người cho vay cuối cùng.
Thông thường, các trung gian tài chính đã biến đổi các khoản tiết kiệm ngắn hạn thành
các khoản cho vay trung, dài hạn. Sở dĩ, các trung gian tài chính có thể làm được điều
này là do các khoản tiết kiệm thường có kỳ hạn không đồng nhất nên ở mọi thời điểm
luôn tồn tại một số dư nhất định.
Dĩ nhiên, vì điều này, các trung gian tài chính sẽ phải đối diện với một số rủi ro
và phải phát triển những phương cách quản trị rủi ro thích hợp.

4.2. CÁC LOẠI HÌNH ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH TRUNG GIAN
Tuỳ theo truyền thống và các quy chế pháp lý mà các kiểu định chế trung gian
tài chính của từng nước có khác nhau. Mặt khác, tiêu thức phân loại cũng có thể khác
nhau. Tuy nhiên, theo cách phân loại phổ biến nhất dựa trên phương thức tạo lập
nguồn vốn, các trung gian tài chính được chia thành ba nhóm chính:
- Các tổ chức/định chế nhận tiền gửi (depository institutions);
- Các tổ chức/định chế tiết kiệm theo hợp đồng (contractual savings
institutions);
- Các định chế đầu tư hay còn gọi là các trung gian đầu tư (investment
institutions).
4.2.1. Các tổ chức nhận tiền gửi
Đặc điểm cơ bản của các tổ chức này là:
- Huy động vốn chủ yếu từ tiền gửi của các tổ chức và cá nhân dưới nhiều hình
thức đa dạng bao gồm không kỳ hạn; kỳ hạn ngắn và trung, dài hạn...
- Sử dụng vốn chủ yếu dưới hình thức cho vay.
Nhóm các tổ chức này đóng vai trò quan trọng không chỉ ở việc tạo lập vốn và
cung ứng vốn cho các hoạt động trong nền kinh tế, mà còn tham gia vào quá trình "tạo
tiền", qua đó ảnh hưởng đến lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế. Tổ chức điển hình
của nhóm này là các Ngân hàng thương mại (Commercial Banks).

95
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Ngân hàng thương mại là thành phần giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tài
chính của bất kỳ quốc gia nào. Các ngân hàng thương mại thực hiện việc huy động vốn
từ công chúng dưới các hình thức nhận tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi
tiết kiệm, và các hình thức khác sau đó tiến hành cho vay nhằm thỏa mãn các nhu cầu
khác nhau trong nền kinh tế. Mặc dù việc huy động vốn và thực hiện cho vay tạo nên
phần lớn các hoạt động của các ngân hàng thương mại, các ngân hàng thường không
thụ động trong việc tạo lập nguồn vốn cũng như không giới hạn các hoạt động của nó
chủ yếu vào việc cho vay. Thật vậy, các ngân hàng thương mại ngày nay cung cấp một
danh mục các dịch vụ tài chính rất đa dạng. Để làm được điều đó, các ngân hàng đã
phải chủ động tìm thêm những nguồn vốn khác nhằm hỗ trợ cho các hoạt động mở
rộng của nó. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi từ quản trị tài sản theo truyền thống
sang quản trị nguồn vốn trong các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, tuỳ đặc điểm cụ thể của từng quốc gia mà các tổ chức nhận tiền gửi
có thể có các kiểu tổ chức với nhiều tên gọi khác nhau. Chẳng hạn, ở Mỹ có các tổ
chức như:
- Các liên hiệp tín dụng (Credit Unions):
Các hiệp hội tín dụng là những hợp tác xã, những hiệp hội được thành lập với
mục đích tự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên của hiệp hội hơn là nhằm mục đích
lợi nhuận. Những hiệp hội tín dụng đầu tiên ở Mỹ ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20
nhằm phục vụ cho các cá nhân hay các gia đình có thu nhập thấp. Thông thường, các
hiệp hội tín dụng được tổ chức quanh một nhóm xã hội có những mối quan hệ chung
nào đó, chẳng hạn như quan hệ nghề nghiệp, quan hệ trong một cộng đồng. Tiền gửi
tiết kiệm của các thành viên hiệp hội tạo thành nguồn vốn của hiệp hội. Nguồn vốn này
sau đó sẽ được sử dụng để cho vay chính các thành viên của hiệp hội. Ngày nay, để giữ
những thành viên cũ và thu hút thêm những thành viên mới, các hiệp hội tín dụng đã
mở rộng thêm nhiều dịch vụ cạnh tranh với các ngân hàng thương mại cũng như các
định chế tài chính khác. Tuy nhiên, với mục đích hỗ trợ lẫn nhau nhằm thỏa mãn chủ
yếu cho cả nhu cầu gửi tiền và vay vốn của các thành viên, lợi nhuận không phải là
mục tiêu chính yếu của các hiệp hội tín dụng. Đây là điểm khác biệt so với mục tiêu
hoạt động của các ngân hàng thương mại hay các định chế tiết kiệm khác.
- Các hiệp hội cho vay và tiết kiệm (S&L/Savings & Loans Associations):

Các hiệp hội cho vay và tiết kiệm ra đời lần đầu tiên vào những năm đầu thế kỷ
19 ở Mỹ. Hiệp hội cho vay và tiết kiệm có một điểm tương tự như hiệp hội tín dụng,
theo đó nó chủ yếu cung cấp các khoản vay cho các hộ gia đình.

96
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Vào thời gian đầu khi mới ra đời, các hiệp hội này chỉ được phép huy động tiền
gửi tiết kiệm của các cá nhân và hộ gia đình và chủ yếu tiến hành khoản cho vay thế
chấp dài hạn nhằm tài trợ cho việc mua nhà ở của dân cư. Đây cũng chính là điểm
giúp phân biệt giữa các hiệp hội cho vay và tiết kiệm với các ngân hàng thương mại.
Về sau, dưới tác động của xu hướng giải điều tiết (deregulaton), các tổ chức
này đã được quyền mở rộng phạm vi hoạt động của mình về cả 2 phương diện: huy
động vốn và đầu tư. Chúng cũng được phép huy động các loại tiền gửi tiết kiệm, tiền
gửi có kỳ hạn và tiền gửi thanh toán, chịu sự kiểm soát về dự trữ bắt buộc của NHTƯ.
Hoạt động cho vay cũng được mở rộng thêm bao gồm cả cho vay thương mại, cho vay
tiêu dùng. Nhiều hoạt động khác trước đây chỉ dành cho các ngân hàng thương mại
nay các tổ chức này cũng đã được thực hiện. Dần dần, ranh giới giữa chúng với các
ngân hàng thương mại ngày càng không rõ ràng.
- Các ngân hàng tiết kiệm tương hổ (Mutual saving Banks/ Saving banks)):
Ngân hàng tiết kiệm đầu tiên ra đời ở Scotland vào đầu thế kỷ 19, sau đó phát
triển sang Mỹ khoảng giữa thế kỷ 19 nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của những người
tiết kiệm nhỏ. Theo truyền thống, các ngân hàng tiết kiệm được cấu trúc như các tổ
chức tương trợ, theo đó những người gửi tiền cũng chính là những người sở hữu ngân
hàng. Tương tự như hiệp hội cho vay và tiết kiệm, ngân hàng tiết kiệm cũng huy động
các loại tiền gửi và tập trung chủ yếu vào cho vay thế chấp để mua nhà ở. Tuy nhiên,
danh mục đầu tư của các ngân hàng tiết kiệm tương đối đa dạng hơn, bao gồm cả đầu
tư vào các loại chứng khoán công ty, cho vay tiêu dùng, cho vay thế chấp để đầu tư
vào các bất động sản thương mại. Ngày nay, phạm vi hoạt động của các ngân hàng tiết
kiệm được mở rộng nhiều hơn. Vì vậy, sự khác nhau giữa ngân hàng tiết kiệm, hiệp hội
cho vay và tiết kiệm, và ngân hàng thương mại (cũng) ngày càng không rõ nét.
4.2.2. Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng
Các tổ chức này có các đặc điểm cơ bản sau:
- Huy động vốn dưới hình thức các khoản thu (phí) theo định kỳ.
- Chi trả cho những người đóng phí khi có sự kiện thuộc phạm vi quy định
trong hợp đồng. Do có sự không trùng khớp về thời gian và số lượng giữa thu và chi
nên các tổ chức này có thể sử dụng số vốn tập trung được để đầu tư dưới các dạng
khác nhau.
Như đã đề cập trong chương 1, hai tổ chức điển hình của nhóm này là các công
ty bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tai nạn và tài sản) và các quỹ
trợ cấp hưu trí (mà về bản chất vẫn là một loại hình bảo hiểm).

97
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Về phương diện vĩ mô, bảo hiểm là phương pháp tạo lập các quỹ dự trữ tài
chính dựa trên nguyên tắc cơ bản là “phân tán rủi ro” nhằm mục đích chủ yếu là hạn
chế những tác động bất lợi của tổn thất do những rủi ro có thể xảy ra.
Nguyên tắc phân tán rủi ro ở đây được hiểu là: sự chia sẻ rủi ro giữa những chủ
thể có cùng khả năng xảy ra một loại rủi ro nào đó. Điều này thường được gọi là
nguyên tắc tương hỗ.
Có thể nêu 2 vai trò chủ yếu của hoạt động bảo hiểm với tính cách là một hoạt
động tài chính trong nền kinh tế:
- Vai trò phân tán rủi ro, hạn chế những tác động bất lợi của rủi ro, duy trì
hoạt động bình thường của các chủ thể gặp rủi ro, bảo đảm an toàn cho các hoạt động
kinh tế ở góc độ vĩ mô cũng như vi mô.
- Vai trò tập trung các nguồn lực tài chính phân tán, tham gia vào các hoạt
động đầu tư tài chính qua đó nâng cao hiệu quả của các nguồn tài chính quốc gia.
Hai tổ chức điển hình thuộc nhóm này là các công ty bảo hiểm và các quỹ trợ
cấp hưu trí (mà về bản chất vẫn là một loại bảo hiểm).
4.2.2.1. Công ty bảo hiểm nhân thọ
Hoạt động của các công ty này nhằm cung cấp sự bảo vệ tài chính cho bản thân
người đóng phí hoặc cho thân nhân trước những rủi ro về sinh mạng tỷ lệ với mức phí
góp.
Các công ty này có thể được tổ chức như là một công ty cổ phần hoặc một công
ty tương trợ trong đó những người có hợp đồng bảo hiểm đồng thời là sở hữu chủ của
công ty.
Có 2 loại hợp đồng:
- Hợp đồng bảo hiểm kỳ hạn
- Hợp đồng bảo hiểm trọn đời
Nguồn vốn của công ty bảo hiểm nhân thọ bao gồm:
- Phí bảo hiểm từ các hợp đồng
- Thu nhập đầu tư
- Các hợp đồng đầu tư bảo lãnh (phát hành các hợp đồng GiC trả lãi suất cố
định cao. Thực chất là một dạng CDs có lãi suất cao)
- Các tài khoản riêng biệt của các tổ chức, cá nhân, các quỹ trợ cấp hưu trí do
công ty quản lý dưới dạng uỷ thác.
Về đầu tư vốn, do đặc điểm bồi thường nên Công ty bảo hiểm nhân thọ thường
có tỷ trọng đầu tư dài hạn cao. Thông thường, các Công ty này đầu tư vào:

98
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Chứng khoán chính phủ


- Trái phiếu công ty (chủ yếu là trái phiếu của các ngành công nghiệp sản
xuất; các ngành công nghệ mới)
- Cổ phiếu công ty
- Cho vay thế chấp về thương mại, nông nghiệp, bất động sản
- Đầu tư bất động sản
- Cho vay ứng trước đối với người được bảo hiểm.
4.2.2.2. Các công ty bảo hiểm tài sản và tai nạn
Các công ty này cung cấp một hỗn hợp các hợp đồng bảo hiểm về thân thể, tài
sản và trách nhiệm dân sự.
Đặc điểm tài chính cơ bản của các công ty này là rất khó dự đoán chính xác
mức và thời điểm bồi thường. Nguồn vốn chủ yếu của công ty này là từ phí và thu nhập
đầu tư. Về sử dụng vốn, do đặc điểm nói trên, chúng phải tăng dự trữ thanh khoản
dưới dạng vốn bằng tiền và các khoản đầu tư an toàn, có tính thanh khoản cao. Vì vậy,
chiến lược đầu tư của chúng ưu tiên vào những đầu tư ngắn hạn và an toàn như: tín
phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu của
các Công ty có độ an toàn cao.
4.2.2.3. Các Quỹ trợ cấp, hưu trí
Các Quỹ này có mục đích bảo vệ những người lao động trước những rủi ro về
mất thu nhập thường xuyên từ lao động do về hưu hoặc do những rủi ro khác dựa trên
những nguyên tắc chung của bảo hiểm.
Có 2 đặc điểm quan trọng chỉ rõ sự khác nhau của từng loại Quỹ/chương trình
trợ cấp:
(i) Đặc điểm thứ nhất là các điều khoản hạn chế. Chẳng hạn, quy định thời hạn
tham gia tối thiểu để được nhận trợ cấp...
(ii) Đặc điểm thứ hai là về phương thức đóng góp và chi trả trợ cấp. Có 2
phương thức chính dẫn đến 2 loại quỹ/chương trình khác nhau:
- Các chương trình “đóng góp xác định”: Trong các chương trình thuộc loại
này, mức trợ cấp tương lai được xác định bằng các khoản đóng góp trước đó cộng thu
nhập đầu tư.
- Các chương trình “trợ cấp xác định”: Trong các chương trình thuộc loại này,
mức trợ cấp tương lai được xác định trước, không phụ thuộc hoặc phụ thuộc rất ít vào
kết quả đóng góp và thu nhập đầu tư trước đó.

99
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Đối với loại thứ 2 này, do xác định trước mức trợ cấp nên có thể nảy sinh 2
trường hợp:
- Các chương trình được cấp vốn đủ (fully funded): là các chương trình mà số
tiền đóng góp cộng với thu nhập đầu tư tính đến thời điểm trả trợ cấp là đủ để chi trả
trợ cấp.
- Các chương trình được cấp vốn thiếu (underfunded) : là các chương trình mà
số tiền trả trợ cấp lớn hơn mức đóng góp cộng thu nhập đầu tư.
Các quỹ/chương trình này có thể được hình thành theo 2 phương thức:
- Quỹ trợ cấp tư: Các Quỹ này được quản lý bởi Ngân hàng hoặc một Công ty
bảo hiểm nhân thọ hoặc một người quản lý chuyên nghiệp. Nguồn vốn được hình thành
từ các khoản đóng góp định kỳ theo một tỷ lệ nhất định trên tiền lương của những
người đang làm việc và đóng góp của người sử dụng lao động (khoản đóng góp này
được khấu trừ thuế). Quỹ sẽ chi trợ cấp cho những người tham gia đóng phí khi về hưu
theo một trong 2 hình thức: chi trả một lần hoặc thường xuyên theo kỳ.
Do có thể dễ dàng dự đoán chính xác số tiền trợ cấp, nên đầu tư của Quỹ
thường là các khoản đầu tư dài hạn như: cổ phiếu, trái phiếu công ty, trái phiếu kho
bạc hoặc cho vay cầm cố bất động sản; tiền gửi ngân hàng, giấy tờ có giá do ngân
hàng phát hành....
Các Quỹ/chương trình trợ cấp tư này thường gặp phải tình trang cấp vốn thiếu
và rủi ro đạo dức (quản lý kém; gian lận; lạm dụng..). Vì vậy, điều hành của chính phủ
đối với các Quỹ này tập trung vào 3 vấn đề:
+ Yêu cầu tối thiểu về cung cấp thông tin và giám sát;
+ Đề ra các điều kiện phải có để thiết lập một Quỹ;
+ Thành lập các Công ty bảo đảm trợ cấp. Công ty này đóng vai trò người bảo
hiểm cho các khoản trợ cấp hưu trí khi các chương trình trợ cấp mất khả năng thanh
toán thông qua thu phí bảo hiểm từ các Quỹ/chương trình trợ cấp tư.
- Quỹ/Chương trình trợ cấp công cộng:
Quỹ trợ cấp công cộng phổ biến là Bảo hiểm xã hội. Đây là Quỹ do Nhà nước
thiết lập và quản lý. Đối tượng tham gia là những người lao động ở mọi loại cơ sở tư
và cơ sở công.
Nguồn thu và đầu tư của Quỹ cũng tương tự như các Quỹ trợ cấp tư. Các khoản
chi trợ cấp của Quỹ bao gồm: thu nhập hưu trí; thanh toán chi phí y tế; trợ cấp tàn
tật.. cho người tham gia.
Đặc điểm cơ bản của Quỹ này là các khoản trợ cấp thường gắn với mức đóng góp
ở thời điểm trả trợ cấp mà không gắn với mức đóng góp ở các thời kỳ quá khứ. Vì vậy,

100
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

khả năng chúng rơi vào tình trạng cấp vốn thiếu là rất dễ xảy ra. Trong trường hợp
này có 3 giải pháp: tăng số việc làm trong nền kinh tế; tăng tỷ lệ đóng góp của người
lao động đang làm việc và người sử dụng lao động; ngân sách nhà nước phải cấp bù
số thiếu hụt. Đặc biệt, vấn đề cấp vốn thiếu sẽ trở nên nghiêm trọng khi cơ cấu dân số
một nước trở nên già hơn.
4.2.3. Các trung gian đầu tư
Các trung gian đầu tư huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành các
chứng từ có giá. Về sử dụng vốn, chúng đầu tư vào những lĩnh vực chuyên môn hoá
trên cơ sở lợi thế cạnh tranh nhằm né tránh áp lực cạnh tranh với ngân hàng.
Các trung gian tài chính bao gồm 2 loại hình chính:
4.2.3.1. Công ty tài chính
Công ty tài chính là một loại trung gian tài chính có các đặc điểm sau:
- Huy động vốn dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, phát hành chứng khoán vốn
và nợ, vay ngân hàng.
- Nguồn vốn huy động được dùng để thực hiện các nghiệp vụ cấp tín dụng có
tính chuyên biệt tuỳ theo từng loại công ty. Trước đây, các quy định điều hành của
chính phủ đã dẫn đến hệ quả: các món vay mà các Công ty tài chính thực hiện thường
là các món vay nhỏ. Tuy nhiên, điều này hiện nay không còn là một bất buộc.
- Ít chịu những hạn chế từ sự điều tiết của chính phủ hơn so với ngân hàng.
Về phương diện tổ chức, công ty tài chính chia làm 2 loại:
(i) Công ty tài chính phụ thuộc: là công ty do các tập đoàn, hoặc công ty lớn lập
ra với 2 chức năng chủ yếu: đáp ứng các nhu cầu tài trợ cho công ty mẹ và kinh doanh
tiền tệ.
(ii) Công ty tài chính độc lập: thường tổ chức dưới dạng Công ty cổ phần và là
một pháp nhân độc lập. Loại này chỉ thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ.
Về nội dung hoạt động, Công ty tài chính chia làm 3 loại hình cơ bản:
(i) Công ty tài chính tiêu dùng: Như tên gọi của nó các công ty này thực hiện
các món cho vay tiêu dùng để mua sắm hàng hoá tiêu dùng hoặc trả nợ. Do các ngân
hàng cũng tiến hành các hoạt động cho vay tiêu dùng nên các công ty này thường
hướng vào phân khúc thị trường là các khách hàng chưa vay được ở những tổ chức
khác. Vì điều này, rủi ro có thể gia tăng. Do đó, để giảm bớt rủi ro, nó thường cho vay
các món nhỏ và áp dụng mức lãi suất cao hơn.
Kiểu cấp tín dụng tiêu dùng mà công ty thường sử dụng là cho vay trả góp và
cho vay qua thẻ tín dụng.

101
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

(ii) Công ty tài chính bán hàng: Công ty này cũng cho vay tiêu dùng nhưng với
mục đích hổ trợ tiêu thụ cho những người bán lẻ hoặc những nhà sản xuất riêng biệt,
thường là Công ty mẹ của chúng. Các công ty này có lợi thế cạnh tranh so với ngân
hàng ở chổ: các món vay được thực hiện nhanh, tiện lợi hơn ngay tại nơi mua hàng.
Kiểu cấp tín dụng chủ yếu của các công ty này là cho vay gián tiếp thông qua
mua lại các hợp đồng trả góp giữa người tiêu dùng và người bán hàng. Khi người bán
hàng thu tiền ở người vay nó phải hoàn trả cho Công ty tài chính.
Nhằm tránh các rủi ro đạo dức từ phía người bán hàng, các điều khoản của hợp
đồng trả góp cũng phải thể hiện ý chí của các công ty tài chính và người bán hàng
phải chịu sự kiểm soát từ phía Công ty tài chính. Mặt khác, Công ty tài chính cũng
phải thực hiện các biện pháp bảo đảm và xử lý bằng tài sản đối với người bán hàng.
(iii) Công ty tài chính thương mại : Kiểu cấp tín dụng đặc thù của dạng công ty
này là cho vay trên cơ sở các khoản phải thu trong thương mại của các Doanh nghiệp
sản xuất - kinh doanh dưới 2 hình thức:
- Mua lại/chiết khấu các khoản phải thu (nó còn được gọi là nghiệp vụ
factoring hay ở Việt Nam gọi là bao thanh toán). Đây chính là hình thức mua nợ với
việc chuyển giao quyền sở hữu các khoản phải thu từ người bán sang Công ty tài
chính.
- Cho vay trên cơ sở thế chấp các khoản phải thu.
Ngoài ra, các công ty tài chính thương mại còn thực hiện cấp tín dụng dưới
hình thức cho thuê thiết bị. Do đặc điểm phức tạp và quy mô vốn của loại hình kinh
doanh này nên đã hình thành những Công ty chuyên cho thuê thiết bị thường gọi là
Công ty cho thuê tài chính. Chức năng kinh tế của các công ty cho thuê thiết bị là ở
chổ nhờ chuyên môn hoá trong lĩnh vực các thiết bị vốn rất phức tạp, nhiều rủi ro về
phương diện tài chính mà đem lại lợi ích cho chính chúng và các khách hàng so với
các hợp đồng vay vốn ngân hàng để đầu tư trọn gói vào thiết bị.
Hiện nay, ranh giới giữa 3 loại hình Công ty tài chính trở nên mờ nhạt. Do quá
trình cạnh tranh và giải điều tiết (deregulation) nên phạm vi hoạt động của các Công ty
tài chính trở nên đa dạng hơn.

4.2.3.2. Quỹ đầu tư (Quỹ tương trợ)


Đặc điểm chủ yếu của trung gian tài chính này là chúng huy động vốn dưới hình
thức các cổ phần (chứng chỉ quỹ đầu tư) và dùng chúng để đầu tư chứng khoán vì lợi

102
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

ích của các cổ đông. Danh mục đầu tư của quỹ thường khá đa dạng, bao gồm nhiều
loại chứng khoán khác nhau và với một số lượng đầu tư tương đối lớn.
Lợi ích kinh tế mà các Quỹ đầu tư mang lại là chúng đã biến đổi các khoản đầu
tư nhỏ thành các khoản đầu tư lớn do đó, giúp các nhà đầu tư nhỏ tiết kiệm chi phí nhờ
quy mô và đa dạng hoá danh mục đầu tư để phân tán rủi ro cũng như có thể tận dụng
được việc điều hành chuyên nghiệp.
Quỹ đầu tư có thể bao gồm nhiều loại theo các cách phân loại khác nhau:
a. Theo cách thức tổ chức thanh khoản cho các chứng chỉ quỹ
Quỹ đầu tư chia làm 2 loại:
(i) Quỹ kết thúc mở/ Quỹ mở (open-end funds)
Hầu hết các quỹ đầu tư là các quỹ mở. Trong các quỹ mở, số lượng cổ phiếu do
quỹ phát hành thay đổi tùy theo nhu cầu của công chúng. Quỹ sẽ phát hành thêm cổ
phiếu hoặc mua lại cổ phần của công chúng bất kỳ lúc nào với mức giá được gắn với
giá trị tài sản có của quỹ. Giá trị này gọi là giá trị tài sản ròng của quỹ2 (Net Asset
Value - NAV). Theo cách này, giá cổ phần mà quỹ mua lại được xác định hàng ngày
dựa trên giá của các chứng khoán mà quỹ đang nắm giữ và số lượng cổ phiếu mà quỹ
đã phát hành. Đây là giá mà quỹ sẵn sàng bán cổ phiếu thêm hay mua lại cổ phiếu của
quỹ từ công chúng. Có thể minh họa cách tính NAV của một đơn vị cổ phiếu bằng một
ví dụ đơn giản sau:
Giả sử một quỹ tương trợ đang nắm giữ 1.000 cổ phiếu A hiện đang có giá là 35
USD/1 cổ phiếu; 2.000 cổ phiếu B với giá là 85 USD/1 cổ phiếu; 1.500 cổ phiếu C với
giá là 65 USD/1 cổ phiếu. Hiện tại quỹ đã phát hành 15.000 cổ phiếu ra công chúng
(không có khoản nợ). Do vậy, NAV được xác định như sau:
NAV của 1 cổ phiếu=(1.00035 + 2.00085 + 1.50065)15.000 = 20,16 USD
Do những đặc điểm trên, cổ phần của quỹ mở có tính lỏng hơn.
(ii) Quỹ kết thúc đóng/Quỹ đóng (closed-end investment funds)
Đối với các quỹ đầu tư đóng, các nhà đầu tư chỉ có thể mua hay bán các cổ
phiếu của quỹ trên thị trường thứ cấp, tương tự như mua hay bán các loại cổ phiếu của
các công ty khác. Quỹ không phát hành thêm hay mua lại cổ phiếu của nó khi công
chúng có yêu cầu. Số lượng cổ phiếu do quỹ phát hành, do vậy, thường cố định ở mỗi
thời điểm. Giá cổ phiếu của quỹ trên thị trường thứ cấp được xác định không chỉ dựa
vào giá trị của các chứng khoán mà quỹ đang đầu tư, mà còn phụ thuộc vào nhu cầu

2
Giá trị tài sản ròng = Giá trị thị trường của tài sản có – Giá trị các khoản nợ

103
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

của công chúng đối với cổ phiếu của quỹ, tính lỏng của của chúng, chất lượng của việc
quản lý quỹ...
b. Căn cứ vào quy mô cổ đông
Quỹ đầu tư chia làm 2loại:
(i) Quỹ đầu tư cá nhân: Quỹ có số lượng người góp vốn ít thường thuê công ty
quản lý quỹ điều hành
(ii) Quỹ đầu tư tập thể: Quỹ có số lượng cổ đông nhiều, chứng chỉ quỹ được
mua bán trên thị trường chứng khoán. Những Quỹ này thường chịu sự điều hành giám
sát chặt chẽ hơn của Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của đông đảo nhà đầu tư.
c. Căn cứ vào cách thức tổ chức hoạt động điều hành
Các Quỹ đầu tư được tổ chức theo 2 mô hình:
(i) Mô hình công ty: Theo mô hình này, Quỹ đầu tư được tổ chức như một Công
ty cổ phần có tư cách pháp nhân đầy đủ. Công ty này thuê người điều hành là các
Công ty quản lý quỹ.
(ii) Mô hình tín thác: Trong trường hợp này, Quỹ đầu tư không có tư cách pháp
nhân. Chức năng của nó là tập trung một lượng vốn từ các cổ đông của Quỹ; sau đó uỷ
nhiệm việc đầu tư cho Công ty quản lý Quỹ và việc giám sát, bảo quản, thanh toán cho
một ngân hàng.
d. Căn cứ vào mức độ chuyên môn hóa trong lĩnh vực đầu tư
Khởi thuỷ, các Quỹ đầu tư chỉ đầu tư vào cổ phiếu. Về sau, đối tượng đầu tư
của chúng ngày càng đa dạng hơn, tính chất chuyên môn hoá ngày càng rõ và ngày
càng sâu hơn. Do đó, hình thành nên các loại Quỹ đầu tư khác nhau, căn cứ vào đối
tượng đầu tư:
Các Quỹ đầu tư dài hạn, bao gồm:
+ Quỹ cổ phiếu thường
+ Quỹ trái phiếu
+ Quỹ hổn hợp (đầu tư vào cả trái phiếu và cổ phiếu)
Quỹ ngắn hạn, hay còn gọi là Quỹ tương trợ thị trường tiền tệ với danh mục đầu
tư là các chứng khoán ngắn hạn trên thị trường tiền tệ
Ngoài ra, quá trình chuyên môn hoá còn diễn ra theo ngành.
Đặc biệt, các Quỹ tương trợ thị trường tiền tệ có những tính chất đặc thù rất
cần được lưu ý.

104
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Thứ nhất, chúng tập trung đầu tư vào các công cụ nợ ngắn hạn (thị trường
tiền tệ) có chất lượng cao như: tín phiếu kho bạc; thương phiếu; chứng chỉ tiền gửi
(CDs)..
- Thứ hai, do kỳ hạn ngắn, nên giá trị thị trường của các chứng khoán đầu tư
tương đối ổn định do đó, tổng giá trị thị trường của tài sản có ít dao động. Điều này
cho phép cổ đông của Quỹ có thể bán lại cổ phần với một giá cố định (những dao động
về thị giá của những tài sản có - nếu có - sẽ được thanh toán như lợi tức). Một hệ quả
mang lại lợi ích lớn cho cổ đông của Quỹ là họ sở hữu những cổ phần có thể phát séc.
Khi bán lại cổ phần cho Quỹ, cổ đông có thể ký phát séc trên tài khoản của Quỹ ở một
Ngân hàng.
- Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu, quỹ còn được phép nhận tiền gửi trong
một giới hạn nhất định
Cần thấy một vấn đề lớn ẩn sau sự hình thành các Quỹ đầu tư thị trường tiền tệ.
Đó là việc né tránh các quy định về tiền gửi. Chẳng hạn, quy định về tỷ lệ dự trữ bắt
buộc, về điều hành lãi suất, về tiền gửi thanh toán..Các cổ phần của Quỹ này do không
phải là tiền gửi nên không chịu các áp đặt trên nhưng đồng thời lại được hưởng lợi như
một khoản tiền gửi.
Trong mục 2, chúng ta đã điểm qua những nét cơ bản của các loại hình trung
gian tài chính phổ biến ở các nước mà chủ yếu là của nước Mỹ. Cần lưu ý, ở mỗi nước
do bối cảnh lịch sử hình thành hệ thống tài chính và do sự chi phối của nhiều yếu tố
khác mà các mô hình tổ chức của các trung gian tài chính rất đa dạng. Mặt khác, quá
trình đổi mới tài chính đã và đang diễn ra ở hầu hết các nước đã làm cho tính ổn định
trong mô hình tổ chức các trung gian tài chính ngày càng trở nên tương đối.

4.3. CÁC TRUNG GIAN TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM


Quá trình đổi mới hệ thống tài chính của Việt Nam đã dẫn đến sự hình thành
một hệ thống tài chính ngày càng đa dạng; vừa tiếp cận được với các thiết chế phổ
biến của thế giới vừa phù hợp với những đặc điểm có tính đặc thù của hệ thống tài
chính Việt Nam.
Căn cứ vào các quy chế pháp lý hiện hành và thực tiễn của hệ thống tài chính
hiện nay, có thể chia hệ thống trung gian tài chính Việt nam thành 2 nhóm lớn:
4.3.1. Các ngân hàng

105
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Ở Việt Nam, các tổ chức này được điều chình bởi Luật các tổ chức tín dụng.
Theo Luật này, Ngân hàng là một tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ các hoạt
động ngân hàng.
Về phương diện pháp lý hệ thống các ngân hàng trung gian của Việt Nam bao
gồm:
- Ngân hàng thương mại
- Ngân hàng đầu tư
- Ngân hàng phát triển
- Ngân hàng chính sách
- Ngân hàng hợp tác
(nghiên cứu chi tiết về hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ được đề cập ở chương 7)
4.3.2. Các trung gian tài chính phi ngân hàng
4.3.2.1. Công ty tài chính
Theo các quy chế pháp lý hiện hành của Việt Nam, Công ty tài chính là một loại
hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là những tổ chức tín dụng được thực hiện một
số các hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên nhưng không
được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không được làm dịch vụ thanh toán.
Hoạt động của Công ty tài chính Việt Nam có các đặc điểm sau:
(i) Về tính chất sở hữu: Các công ty tài chính ở Việt Nam chủ yếu là Công ty
quốc doanh hoặc cổ phần. Cho đến hiện nay, các công ty tài chính phần lớn do các
Tổng công ty nhà nước/Tập đoàn kinh tế thành lập như một công ty con.
(ii) Về huy động vốn: Ngoài nguồn vốn chủ sở hữu, Công ty tài chính có thể huy
động tiền gửi có kỳ hạn, phát hành giấy tờ có giá hoặc vay của các tổ chức tín dụng
khác.
(iii) Về sử dụng vốn: Ngoài việc cấp tín dụng sản xuất và tiêu dùng, Công ty tài
chính còn sử dụng vốn để:
- Góp vốn liên doanh, mua cổ phần của các Doanh nghiệp
- Kinh doanh vàng bạc, đá quý
- Cho vay thuê mua.
....
Trong thực tế, hoạt động của các công ty tài chính còn rất khiêm tốn. Do bị hạn
chế về danh mục dịch vụ, các công ty này đang gặp khó khăn. Nội dung hoạt động chủ
yếu của các công ty này hiện nay là tài trợ vốn cho công ty mẹ, nhưng chúng đang gặp

106
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

những khó khăn như đã nói trên. Vì vậy, các công ty này đang cần một sự đổi mới về
cơ chế hoạt động.
4.3.2.2. Công ty cho thuê tài chính
Công ty cho thuê tài chính cũng là một loại hình tổ chức tín dụng phi ngân
hàng. Cho đến hiện nay, các Công ty cho thuê tài chính đều do các Ngân hàng thương
mại thành lập.
Hoạt động chủ yếu của nó là cung cấp tín dụng trung, dài hạn trên cơ sở hợp
đồng cho thuê tài sản không huỷ ngang với khách hàng thuê. Khi hết thời hạn thuê,
khách hàng có thể mua lại, hoặc tiếp tục thuê hoặc lựa chọn một phương án thanh lý
hợp đồng khác theo các điều kiện thoả thuận trong hợp đồng thuê. Về huy động vốn,
ngoài nguồn vốn chủ sở hữu, Công ty cho thuê tài chính có thể huy động vốn có kỳ
hạn, chủ yếu là trung, dài hạn.
Hiện nay, hoạt động các công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam đang ngày càng
tăng trưởng mặc dù chúng phải đối diện với khá nhiều khó khăn.
4.3.2.3. Doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm là một trung gian tài chính nhưng không thuộc phạm vi
điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng mà chịu sự điều chỉnh của Luật kinh doanh
bảo hiểm (Luật số 24/2000/QH 10 ngày 09/12/2000).
Hiện ở Việt Nam, các hoạt động bảo hiểm của các Doanh nghiệp bảo hiểm
(thường được gọi là bảo hiểm kinh doanh) bao gồm:
- Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm;
- Đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất;
- Giám định tổn thất;
- Đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi
hoàn;
- Quản lý quỹ và đầu tư vốn;
- và một số hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm không
được phép đồng thời kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, trừ
trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ
và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ.
Nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội, một số loại bảo
hiểm được pháp luật quy định thuộc loại bảo hiểm bắt buộc. Trong trường hợp này,

107
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà
tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.
Theo quy định hiện hành, Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân
sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách;
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
- Bảo hiểm cháy, nổ.
Nhìn chung, về phương diện tài chính, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm ở
Việt Nam cũng tương tự các nước, không có đặc thù lớn. Ngoài các công ty bảo hiểm
trong nước, hiện thị trường bảo hiểm Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp bảo
hiểm quốc tế, trong đó có không ít những tập đoàn bảo hiểm có tầm cỡ quốc tế như:
AIA, Prudential,...Vì vậy, hoạt động bảo hiểm kinh doanh sẽ ngày càng gần với thông
lệ và chuẩn mực quốc tế.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng cho phép thành lập các Tổ chức bảo
hiểm tương hỗ. Đây là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập để kinh doanh
bảo hiểm nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Thành viên tổ chức
bảo hiểm tương hỗ vừa là chủ sở hữu vừa là bên mua bảo hiểm.
4.3.2.4. Bảo hiểm xã hội
Theo định nghĩa của Luật Bảo hiểm xã hội (Luật số 71/2006/QH 11 ngày
29/06/2006), Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập
của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào
quỹ bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội ở Việt nam thực chất là một dạng quỹ trợ cấp hưu trí do Nhà
nước thành lập. Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội và các
biện pháp cần thiết khác để bảo toàn, tăng trưởng quỹ. Quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà
nước bảo hộ, không bị phá sản.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có những đặc điểm sau:
a. Nguồn hình thành và sử dụng quỹ BHXH
Quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm các Quỹ thành phần. Nguồn hình thành từng Quỹ
và việc sử dụng từng Quỹ cụ thể như sau:
(i) Đối với Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc
Nguồn hình thành Quỹ bao gồm:

108
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Đóng góp của người sử dụng lao động.


- Đóng góp của người lao động.
- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
- Hỗ trợ của Nhà nước.
- Các nguồn thu hợp pháp khác.
Kết cấu sử dụng Quỹ:
- Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định
- Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng
trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
- Chi phí quản lý.
- Chi khen thưởng.
- Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.
(ii) Đối với Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nguồn hình thành Quỹ bao gồm:
- Người lao động đóng theo quy định.
- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
- Hỗ trợ của Nhà nước.
- Các nguồn thu hợp pháp khác.
Kết cấu sử dụng quỹ:
- Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định.
- Đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang
hưởng lương hưu.
- Chi phí quản lý.
- Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định.
(iii) Đối với Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Nguồn hình thành quỹ bao gồm:
- Đóng góp của người lao động.
- Đóng góp của người sử dụng lao động.
- Hỗ trợ của Nhà nước.
- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
- Các nguồn thu hợp pháp khác.
Kết cấu sử dụng quỹ:
- Trả trợ cấp thất nghiệp.
- Hỗ trợ học nghề.
- Hỗ trợ tìm việc làm.

109
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Chi phí quản lý.
- Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định.
Về phương diện đầu tư tài chính, đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội (bao gồm tất
cả các Quỹ thành phần) được thực hiện dưới các hình thức:
- Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của ngân hàng thương
mại của Nhà nước.
- Cho ngân hàng thương mại của Nhà nước vay.
- Đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia.
- Đầu tư vào một số dự án có nhu cầu lớn về vốn do Thủ tướng Chính phủ
quyết định.
Các hoạt động tài chính quỹ bảo hiểm xã hội chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ
quan quản lý nhà nước về tài chính và chịu sự kiểm toán của cơ quan kiểm toán nhà
nước.
b. Phạm vi, đối tượng tham gia BHXH
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thuê mướn, sử dụng,
trả công cho người lao động đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người
lao động. Nếu sử dụng từ mười lao động trở lên phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp
cho người lao động.
Theo lộ trình, người lao động không thuộc diện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm
thất nghiệp bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngày 1-1-2008 và
đến 1-1-2009 tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội bao gồm cả hệ thống bảo hiểm y tế. Theo Quyết
định số 20/2002/ QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 24/01/2002 bảo hiểm y tế
Việt nam được chuyển sang hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt nam. Quỹ bảo hiểm y tế trở
thành một Quỹ thành phần của Bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm
huy động sự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức và cá
nhân, để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định cho người có thẻ bảo hiểm
y tế khi ốm đau. Bảo hiểm y tế mang tính xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận, hướng
tới mục tiêu công bằng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh và toàn dân tham gia.
Quỹ bảo hiểm y tế được hình thành từ các nguồn sau:
- Tiền thu phí bảo hiểm y tế do người sử dụng lao động và người tham gia bảo
hiểm y tế đóng;

110
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Các khoản nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng theo quy định và các
khoản hỗ trợ khác của nhà nước (nếu có);
- Tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp hợp pháp nhằm bảo toàn và tăng
trưởng Quỹ Bảo hiểm y tế;
- Các khoản thu từ nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước;
- Các khoản thu hợp pháp khác.
Quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, phục
hồi chức năng cho người tham gia bảo hiểm y tế theo phạm vi quyền lợi mà người
tham gia bảo hiểm y tế được hưởng và các khoản chi phí khác theo quy định.
4.3.2.5. Quỹ đầu tư chứng khoán
Theo quy định pháp lý hiện hành, Quỹ đầu tư chứng khoán được định nghĩa là
quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư
vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà
đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ.
Quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm các loại sau:
- Quỹ đại chúng là quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ
ra công chúng. Quỹ đại chúng được phân thành 2 loại theo cách thức tổ chức thanh
khoản cho các chứng chỉ Quỹ:
+ Quỹ mở: là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải
được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư.
+ Quỹ đóng: là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng
không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư.
- Quỹ thành viên là quỹ đầu tư chứng khoán có số thành viên tham gia góp vốn
không vượt quá ba mươi thành viên và chỉ bao gồm thành viên là pháp nhân.
Các Quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định pháp lý của Việt Nam được tổ chức
theo mô hình tín thác tức phải uỷ thác quản lý cho Công ty quản lý Quỹ và chịu sự
giám sát của Ngân hàng giám sát và Quỹ không có tư cách pháp nhân.
Công ty quản lý quỹ chịu trách nhiệm thành lập, quản lý quỹ đầu tư chứng
khoán và thực hiện đầu tư. Ngân hàng giám sát chịu trách nhiệm giám sát công ty
quản lý quỹ và bảo quản, lưu ký tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán nhằm bảo vệ lợi
ích của người đầu tư.
Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (thường gọi tắt là Công ty quản lý
Quỹ) được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần

111
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

theo quy định của Luật doanh nghiệp và phải được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cấp
Giấy phép thành lập và hoạt động. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận kinh
doanh.
Công ty quản lý quỹ được thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh sau đây:
- Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán;
- Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.
- Huy động và quản lý các quỹ đầu tư nước ngoài có mục tiêu đầu tư vào Việt
Nam.
Đến tháng 01/2007 đã có 18 Công ty quản lý Quỹ được thành lập và hoạt động
ở Việt Nam. Công ty quản lý quỹ có vốn điều lệ lớn nhất là Công ty liên doanh quản lý
quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Công ty có vốn điều lệ
thấp nhất là 5 tỷ đồng.
Ngân hàng giám sát là ngân hàng thương mại có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt
động lưu ký chứng khoán có chức năng thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc
quản lý quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán.
4.3.2.6. Công ty đầu tư chứng khoán
Công ty đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần theo
quy định của Luật doanh nghiệp để đầu tư chứng khoán.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công
ty đầu tư chứng khoán. Giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh.
Như vậy, Công ty đầu tư chứng khoán về thực chất là một Quỹ đầu tư được tổ
chức theo mô hình công ty. Công ty đầu tư chứng khoán thực hiện việc quản lý công ty
như một công ty cổ phần nhưng có sự giám sát của Ngân hàng giám sát.
Hoạt động của các Quỹ đầu tư và Công ty chứng khoán ở Việt Nam về cơ bản
tương tự như Quỹ đầu tư của các nước. Tuy nhiên, mức độ chuyên môn hoá chưa thể
hiện rõ. Điều này cũng dễ hiểu khi thị trường tài chính Việt nam vẫn đang còn là một
thị trường tài chính mới nổi.
Sự xuất hiện của các Quỹ đầu tư và Công ty đầu tư đã đem lại cho thị trường tài
chính Việt nam nhiều lợi ích quan trọng. Nó tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt
động đầu tư, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, theo cảm tính. Nó cũng góp phần
duy trì hoạt động ổn định của thị trường nhờ quy mô vốn lớn và tính chuyên nghiệp
trong điều hành...

112
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Theo quy định pháp lý hiện hành, trừ Bảo hiểm xã hội, các trung gian tài chính
phi ngân hàng có thể thuộc sở hữu 100% vốn nước ngoài hoặc là một Công ty liên
doanh hoặc chi nhánh tại Việt Nam của các tổ chức nước ngoài. Điều này cho phép hy
vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức này khi Việt Nam gia nhập WTO nhờ
vào tiềm lực tài chính hùng hậu và khả năng điều hành chuyên nghiệp của các nhà đầu
tư nước ngoài. Tuy vậy, về phía mình, Việt Nam cũng cần có những đổi mới tiếp tục
đối với cơ chế điều hành các tổ chức này./.

113
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TÓM TẮT CHƯƠNG 4


------

1. Trung gian tài chính là các tổ chức nắm giữ các quỹ tiền tệ được tạo lập chủ yếu
thông qua huy động của những tác nhân thừa vốn và sử dụng chúng để cung ứng cho
các tác nhân thiếu vốn trong nền kinh tế.
2. Trung gian tài chính đã đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều lần so với thị
trường chứng khoán trong việc cung ứng vốn cho các doanh nghiệp. Những chức năng
kinh tế quan trọng của các trung gian tài chính bao gồm:
(i) Tiết kiệm chi phí thông tin và chi phí giao dịch nhờ lợi thế quy mô; tính chuyên
nghiệp; và khả năng cung cấp các dịch vụ đa dạng.
(ii) Là một giải pháp quan trọng cho tình trạng thông tin bất đối xứng. Trung gian
tài chính là một giải pháp cho vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức trên thị
trường tài chính.
(iii) Biến đổi tài sản về mức rủi ro, về khối lượng và thời hạn.
3. Có 3 nhóm định chế tài chính trung gian cơ bản:
- Các tổ chức nhận tiền gửi
- Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng
- Các trung gian đầu tư
4. Tổ chức điển hình của các tổ chức nhận tiền gửi là Ngân hàng thương mại. Các
tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng bao gồm 3 loại hình chính:
- Công ty bảo hiểm nhân thọ
- Công ty bảo hiểm tài sản và tai nạn
- Quỹ trợ cấp hưu trí
Các trung gian đầu tư hay còn gọi là các định chế đầu tư bao gồm 2 loại hình tổ
chức chính là: Công ty tài chính và Quỹ đầu tư.
Ngoài những đặc điểm chung của các trung gian tài chính nói chung cũng như
từng nhóm nói riêng, mỗi loại tổ chức tài chính nói trên đều có những nét đặc thù.
5. Đặc điểm cơ bản của các tổ chức nhận tiền gửi là:
- Huy động vốn chủ yếu từ tiền gửi của các tổ chức và cá nhân dưới nhiều hình
thức đa dạng bao gồm không kỳ hạn; kỳ hạn ngắn và trung, dài hạn...
- Sử dụng vốn chủ yếu dưới hình thức cho vay.
6. Đặc điểm cơ bản của các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng là:
- Huy động vốn dưới hình thức các khoản thu (phí) theo định kỳ

114
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Chi trả cho những người đóng phí khi có sự kiện thuộc phạm vi quy định
trong hợp đồng. Do có sự không trùng khớp về thời gian và số lượng giữa thu và chi
nên các tổ chức này có thể sử dụng số vốn tập trung được để đầu tư dưới các dạng
khác nhau.
7. Các trung gian đầu tư huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành các
chứng từ có giá. Về sử dụng vốn, chúng đầu tư vào những lĩnh vực chuyên môn hoá
trên cơ sở lợi thế cạnh tranh nhằm né tránh áp lực cạnh tranh với ngân hàng.
8. Quá trình đổi mới hệ thống tài chính của Việt Nam đã dẫn đến sự hình thành
một hệ thống tài chính ngày càng đa dạng; vừa tiếp cận được với các thiết chế phổ
biến của thế giới vừa phù hợp với những đặc điểm có tính đặc thù của hệ thống tài
chính Việt Nam.
9. Căn cứ vào các quy chế pháp lý và thực tiễn của hệ thống tài chính Việt Nam
hiện nay, có thể chia hệ thống trung gian tài chính Việt Nam thành 2 nhóm lớn:
- Các Ngân hàng (trung gian)
- Các trung gian tài chính ngân hàng
10. Về phương diện pháp lý, hệ thống các ngân hàng trung gian của Việt Nam bao
gồm:
- Ngân hàng thương mại
- Ngân hàng đầu tư
- Ngân hàng phát triển
- Ngân hàng chính sách
- Ngân hàng hợp tác
Các trung gian tài chính phi ngân hàng bao gồm:
- Công ty tài chính
- Công ty cho thuê tài chính
- Doanh nghiệp bảo hiểm
Và một trung gian tài chính đặc biệt là Bảo hiểm xã hội.
11. Công ty tài chính và Công ty cho thuê tài chính là các loại hình tổ chức tín
dụng phi ngân hàng chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là những tổ chức tín dụng được thực hiện một số
các hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên nhưng không được
nhận tiền gửi không kỳ hạn, không được làm dịch vụ thanh toán.

115
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

12. Doanh nghiệp bảo hiểm là một trung gian tài chính nhưng không thuộc phạm
vi điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng mà chịu sự điều chỉnh của Luật kinh doanh
bảo hiểm.
13. Bảo hiểm xã hội ở Việt nam thực chất là một dạng quỹ trợ cấp hưu trí do Nhà
nước thành lập. Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội và các
biện pháp cần thiết khác để bảo toàn, tăng trưởng quỹ. Quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà
nước bảo hộ, không bị phá sản.
14. Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục
đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác,
kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với
việc ra quyết định đầu tư của quỹ.
15. Công ty đầu tư chứng khoán về thực chất là một Quỹ đầu tư được tổ chức theo
mô hình công ty. Công ty đầu tư chứng khoán thực hiện việc quản lý công ty như một
công ty cổ phần nhưng có sự giám sát của Ngân hàng giám sát.

TỪ KHÓA (KEYWORDS)

1. Lợi thế quy mô lớn 15. Quỹ trợ cấp hưu trí tư
2. Lợi thế danh mục đa dạng 16. Quỹ trợ cấp hưu trí công cộng
3. Thông tin bất đối xứng 17. Công ty tài chính tiêu dùng
4. Lựa chọn đối nghịch 18. Công ty tài chính bán hàng
5. Rủi ro đạo đức 19. Công ty tài chính thương mại
6. Người đi xe không tốn tiền 20. Quỹ đầu tư mở
7. Vấn đề người đại lý – người uỷ thác 21. Quỹ đầu tư đóng
8. Chức năng biến đổi tài sản 22. Công ty cho thuê tài chính
9. Ngân hàng thương mại 23. Bảo hiểm xã hội
10. Liên hiệp tín dụng 24. Quỹ đầu tư chứng khoán thành viên
11. Hiệp hội cho vay và tiết kiệm 25. Quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng
12. Ngân hàng tiết kiệm tương hỗ 26. Công ty quản lý quỹ
13. Công ty bảo hiểm nhân thọ 27. Công ty đầu tư chứng khoán
14. Công ty bảo hiểm tài sản và tai nạn

116
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 4


------

1. Giải thích các khái niệm: chi phí giao dịch, chi phí thông tin, lợi thế quy mô lớn
(economies of scale) và lợi thế danh mục đa dạng (economies of scope). Từ đó chứng
minh nhận định : trung gian tài chính tiết kiệm chi phí thông tin và chi phí giao dịch.
2. Giải thích các khái niệm: thông tin bất đối xứng; lựa chọn đối nghịch; rủi ro
đạo đức; vấn đề người đi xe không tốn tiền; vấn đề người đại lý – người uỷ thác. Từ đó,
chứng minh nhận định: trung gian tài chính là một giải pháp quan trọng cho tình trạng
thông tin bất đối xứng.
3. Tại sao chức năng biến đổi tài sản của các trung gian tài chính đem lại lợi ích
cho cả người tiết kiệm lẫn người vay cuối cùng nhưng buộc chúng đối diện với một số rủi
ro ?
4. Sự khác nhau giữa 3 nhóm định chế tài chính trung gian: tổ chức nhận tiền gửi;
tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng và định chế đầu tư tập trung nhiều hơn ở cách thức huy
động vốn hay cách thức đầu tư ? Giải thích.
5. Hiểu như thế nào về chức năng “phân tán rủi ro” của các hoạt động bảo hiểm
?
6. So sánh đặc điểm đầu tư của Công ty bảo hiểm nhân thọ và Công ty bảo hiểm
tài sản và tai nạn.
7. So sánh các khái niệm sau:
a. Chương trình “đóng góp xác định” và “chương trình trợ cấp xác định”
b. Chương trình được cấp vốn đủ và chương trình được cấp vốn thiếu
c. Quỹ trợ cấp tư và Quỹ trợ cấp công cộng
8. Vì sao nói khả năng các Quỹ trợ cấp hưu trí rơi vào tình trạng cấp vốn thiếu là
dễ xảy ra ? Ngược lại, có nhân tố gì giúp các Quỹ này vượt qua tình trạng này ?
9. Chỉ ra những điểm giống và khác nhau giữa Công ty tài chính tiêu dùng và
Công ty tài chính bán hàng ?
10. Chức năng kinh tế của các Quỹ đầu tư là gì ?
11. Khái niệm tổ chức tín dụng trong quy chế pháp lý của Việt Nam có tương
đương với khái niệm định chế tài chính trung gian không ? Vì sao ?
Đặc điểm cơ bản của các định chế tài chính trung gian ở Việt Nam ?

117
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 5: TIỀN TỆ

Tiền tệ là một phát minh vừa tự phát, vừa có ý thức của con người. Song hành
với sự phát triển của xã hội loài người, bản thân tiền tệ cũng như nhận thức của con
người về tiền tệ cũng phát triển theo thời gian. Từ chỗ xem tiền tệ như một hiện tượng
có tính tự nhiên và đôi lúc khá bí ẩn đến chỗ con người ngày càng có ý niệm rõ ràng
hơn về những vấn đề liên quan đến tiền tệ là một bước tiến khá dài. Nó đòi hỏi rất
nhiều nỗ lực nghiên cứu cũng như những kinh nghiệm thực tiễn phong phú.
Chương 5 bắt đầu với những thảo luận căn bản nhất về khái niệm tiền tệ và chức
năng của nó; điểm qua lịch sử phát triển của tiền tệ trong tương quan với sự tiến triển
trong hệ thống thanh toán. Những nghiên cứu sâu hơn về tiền tệ cũng sẽ được đề cập
như: vấn đề cái gì được xem là tiền hiện nay; quá trình cung ứng tiền tệ diễn ra như thế
nào, có những tác nhân nào tham gia vào quá trình này; các động cơ của việc nắm giữ
tiền, các nhân tố ảnh hưởng đến cầu tiền và mô hình hàm cầu tiền trong điều kiện của
nền kinh tế và hệ thống tài chính hiện nay.
Sinh viên cần nắm vững các vấn đề lý thuyết, lĩnh hội được bản chất của các
khái niệm căn bản và những tiến triển trong cách nhận thức về các chủ đề liên quan
đến tiền tệ.

5.1. ĐỊNH NGHĨA VÀ CHỨC NĂNG CỦA TIỀN TỆ


5.1.1 Định nghĩa tiền tệ
Để đi đến một định nghĩa về tiền, cần biết là có 2 cách hiểu về khái niệm tiền. Cách
hiểu hẹp về tiền quan niệm tiền là một loại đồng tiền cụ thể thuộc chủ quyền tiền tệ của một
quốc gia nhất định (currency) và cách tiếp cận theo một quan niệm rộng hơn: tiền không chỉ là
một loại đồng tiền cụ thể nào đó mà là tất cả những gì đáp ứng đầy đủ các chức năng của tiền
(money). Định nghĩa sau đây nói về cách tiếp cận thứ hai: Tiền là bất cứ thứ gì được chấp
nhận chung trong việc thanh toán để nhận hàng hoá, dịch vụ hoặc trả nợ3.
Trong định nghĩa trên có một số điểm đáng lưu ý
- "Tiền là bất cứ thứ gì": cách quan niệm về tiền như vậy là rất rộng và cho phép giải
thích và bao quát hệ thống tiền tệ hiện tại của từng quốc gia, lịch sử phát triển các hình thái
tiền tệ cũng như sự phát triển của hệ thống tiền tệ trong tương lai.
- "Được chấp nhận chung": có nghĩa là cái gì đó có được xem là tiền hay không phụ
thuộc vào “thái độ” của cộng đồng. Khi một cộng đồng nhất định đều cùng chấp nhận một

3
F.S.Mishkin, Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính

118
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

hoặc một số thứ gì đó bất kỳ trong thanh toán thì chúng sẽ trở thành tiền tệ của cộng đồng đó.
Lưu ý thêm nếu một thứ gì đó chỉ được chấp nhận bởi những cá nhân riêng lẻ mà chưa được
một cộng đồng chấp nhận chung trong thanh toán cũng không thể coi là tiền. Điều này cho
phép giải thích các cộng đồng xã hội khác nhau có những loại tiền tệ khác nhau được hình
thành theo những cách thức khác nhau. Nó cũng giải thích được vấn đề tại sao vàng lại là một
loại tiền tệ quốc tế, cũng như vấn đề tiền mạnh, tiền yếu. Cốt lõi của các vấn đề nói trên là
phạm vi và mức độ chấp nhận chung.
- "Trong việc thanh toán để nhận hàng hoá, dịch vụ hoặc để trả nợ" : cụm từ này đề
cập đến chức năng cơ bản của tiền. Đó là người ta có thể dùng nó để trả cho việc nhận hàng
hoá, dịch vụ cũng như trả nợ. Dĩ nhiên, chức năng này chỉ được thực hiện trong phạm vi mà ở
đó những chủ thể khác chấp nhận và để được chấp nhận như thế đương nhiên tiền phải có đủ
các chức năng còn lại như sẽ đề cập trong phần nói về các chức năng của tiền.
5.1.1. Các chức năng của tiền tệ
Có một vài điểm khác biệt trong cách liệt kê các chức năng của tiền tệ. Tuy nhiên,
những sự khác biệt này không đáng kể và thực ra chỉ là sự khác biệt trong cách diễn đạt chứ
không phải về nội dung.
Quan điểm phổ biến nhất cho rằng tiền tệ có bốn chức năng cơ bản:
5.1.2.1 Chức năng phương tiện trao đổi (Medium of exchange):
Thực chất của chức năng này là ở chỗ: Tiền là vật trung gian cho những trao đổi hàng
hoá, dịch vụ giữa những chủ thể khác nhau trong xã hội theo công thức: HA - T – HB.
Khái niệm căn bản giúp lý giải sâu sắc các lợi ích của tiền tệ trong tất cả các chức
năng là khái niệm “Chi phí giao dịch”(transactions cost/exchange cost). Chi phí giao dịch
được hiểu như là những chi phí về thời gian, công sức, vật chất ...cần cho việc đạt đến và xảy
ra một giao dịch.
Xét riêng trong chức năng phương tiện trao đổi, giao dịch ở đây được hiểu là những
giao dịch trao đổi hàng hoá, dịch vụ. Rõ ràng, trong một xã hội không có sự xuất hiện tiền tệ,
các giao dịch như vậy sẽ rất khó xảy ra, đúng hơn là sẽ được thực hiện với một chi phí giao
dịch rất cao. Mặt khác, không có tiền, thương nghiệp sẽ khó phát triển, người sản xuất sẽ
không được chuyên môn hoá, quy mô giao dịch không đủ lớn để có thể đạt được lợi thế tiết
kiệm nhờ quy mô và chuyên môn hoá. Sự xuất hiện của tiền giải quyết được những vấn đề nêu
trên nên giúp tối thiểu hoá chi phí giao dịch nhờ đó thúc đẩy hiệu quả chung của nền kinh tế.
Để phát huy tốt chức năng phương tiện trao đổi, tiền tệ cần phải thoả mãn các yêu cầu
sau:
- Có sức mua ổn định, nghĩa là khả năng mua hàng của một đơn vị tiền tệ là không
hoặc ít dao động.

119
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Khối lượng tiền tệ cung ứng phải đáp ứng đủ các nhu cầu lưu thông hàng hoá, nói
cách khác phải thiết lập một tương quan hợp lý giữa lượng tiền cung ứng với hàng hoá lưu
thông.
- Cơ cấu lượng tiền trong lưu thông phải bảo đảm một tỷ lệ phù hợp giữa các loại
mệnh giá tiền để đáp ứng các nhu cầu trao đổi vốn rất đa dạng về quy mô (giá trị của món
giao dịch).
5.1.1.1. Chức năng đơn vị đánh giá (Unit of account/ Standard of Value):
Giá trị của một hàng hoá, dịch vụ bất kỳ là một đại lượng trừu tượng. Nó cần có một
đơn vị đo lường để có thể định lượng. Điều này xuất phát từ nhu cầu của trao đổi hàng hoá vì
như đã biết, tỷ lệ trao đổi giữa các hàng hoá chính là tỷ lệ giữa giá trị của chúng.
Điểm qua lịch sử phát triển kinh tế hàng hoá có thể thấy sự lựa chọn tiền tệ làm đơn vị
để định lượng giá trị hàng hoá là một giải pháp tối ưu.
Trong giai đoạn trao đổi hàng hoá giản đơn (barter) người ta chỉ có thể đo giá trị của
một hàng hoá này bằng một số đơn vị hàng hoá khác (hoặc ngược lại). Phép đo này chỉ được
tiến hành từng đôi một và rất dễ thấy để có thể so sánh giá trị của các hàng hoá khác nhau
người ta sẽ phải mất rất nhiều công sức, nói cách khác tốn rất nhiều chi phí khi chủng loại
hàng hoá nhiều. Chẳng hạn, nếu chỉ có 3 mặt hàng chúng ta phải cần đến 3 phép đo sau:
A= ? B (Phép đo giá trị của A qua B)
B=?C (Phép đo giá trị của B qua C)
C=?A (Phép đo giá trị của C qua A)
nhưng nếu trong một cộng đồng có m chủng loại hàng hoá cần trao đổi với nhau chúng ta
phải thực hiện đến
m( m  1)
2 phép đo4
Khi tiền tệ xuất hiện vấn đề trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Thay vì phải thực hiện đến m(m-1)
/2 phép đo, chúng ta chỉ cần thực hiện m phép đo vì lúc này cộng đồng đã có một đơn vị đo
chung. Giá trị của tất cả hàng hoá được quy đổi ra tiền nên việc so sánh giá trị của chúng với
nhau trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chính điều này đã làm cho các giao dịch trao đổi hàng
hoá được thuận lợi hơn nhiều. Nói cách khác, sự xuất hiện của tiền tệ đã làm tối thiểu hoá
chi phí giao dịch.
Để tiền phát huy tốt chức năng đơn vị đánh giá nó phải đạt được các yêu cầu sau:
- Phạm vi chấp nhận của tiền phải rộng, vì vậy các loại hoá tệ gặp phải khá nhiều trở
ngại, trong khi đó các loại tiền pháp định (khái niệm này sẽ được đề cập trong phần sau)
thuận lợi hơn.

4
Đây chính là công thức tổ hợp chập 2 từ m, một suy luận đơn giản

120
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Đối với các loại tiền tệ không phải hàng hóa (tiền quy ước), điều quan trọng là sức
mua của tiền phải ổn định. Bởi vì rất khó chấp nhận một loại thước đo thường xuyên co giãn
độ dài tức là sức mua.
- Đối với các loại hoá tệ phải có khả năng dễ phân chia (divisible). Chính điều này đã
giải thích vì sao kim loại lại được sử dụng như là một hoá tệ phổ biến. Đối với các loại tiền
dấu hiệu giá trị, phải được quy định các mệnh giá nhỏ và sử dụng một hệ quy đổi đơn giản
(thường sử dụng hệ thập phân)
....
Để một thứ gì đó được dùng làm đơn vị đánh giá điều quan trọng nhất chính là sự tín
nhiệm của cộng đồng. Chính vì điều này mà đôi khi cái mà cộng đồng sử dụng làm thước đo
giá trị lại không phải là đơn vị tiền tệ do nhà nước quy định. Có nhiều ví dụ để minh hoạ cho
nhận định trên. Ở Việt Nam trong thời kỳ lạm phát cao, dân chúng đã trở lại lấy vàng làm
thước đo giá trị (kể cả nhà nước trong một số quan hệ nhất định vẫn lấy vàng hoặc lương thực
hoặc một số hàng hóa khác làm gốc để quy đổi). Ở Mỹ trong thời kỳ nội chiến vào những năm
1862 - 1863, nhà nước đã phát hành tiền giấy đô - la lưng xanh (Greenback) để thay cho đồng
đô la vàng nhưng một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ các tài khoản của mình theo đơn
vị tính toán bằng đô - la vàng5.
Chức năng dự trữ giá trị (Store of Value/ Store of purchasing power):
Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, sản phẩm thặng dư càng ngày càng
nhiều, nhu cầu dự trữ càng cao. Lúc đầu trong nền kinh tế phi tiền tệ, người ta chỉ có thể dự
trữ dưới dạng hiện vật. Dự trữ kiểu này rất bất tiện vì hàng hoá dĩ nhiên không để được lâu lại
cồng kềnh và vì một lý do khác cũng không kém quan trọng: rất khó bảo vệ mà lại dễ phô bày
tình trạng tài sản của chủ sở hữu.
Tiền tệ có những ưu thế rất cơ bản đối với nhu cầu dự trữ:
- Thứ nhất, cho phép tách rời giữa việc dự trữ hàng hoá với dự trữ giá trị hàng hoá
.Từ đây, thay vì dự trữ hiện vật người ta chỉ cần dự trữ tiền, và bất kỳ lúc nào tiền cũng có thể
chuyển đổi thành những hàng hoá cần thiết cùng giá trị. Nói cách khác, tiền là nơi chứa đựng
một sức mua hàng hoá, dịch vụ.
- Thứ hai, tiền tệ nhất là tiền giấy đã giải quyết được những bất tiện của dự trữ hàng
hoá: vừa kín đáo, không cồng kềnh và có thể cất giữ lâu dài.
- Thứ ba, dù so với tiền, một số hàng hoá khác khi được dùng để dự trữ có thể có
một số ưu thế nhất định, chẳng hạn:
+ Hàng hoá có giá trị sử dụng, do đó trong khi dự trữ người ta vẫn có thể sử dụng
được, tiền (dĩ nhiên trừ các loại hoá tệ) thì không.

121
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

+ Hàng hoá có thể tăng giá theo thời gian, chẳng hạn: đất, kim loại quý, đồ cổ, các tác
phẩm nghệ thuật .... và như vậy giúp chủ nhân của nó kiếm lợi.
+ Một số hàng hoá cũng có thể cất giữ lâu dài, thậm chí ít bị hư hỏng hơn tiền,
chẳng hạn như vàng...
+ Phần lớn các hàng hoá đều có một ưu điểm nổi bật: ít bị ảnh hưởng bởi sự mất
giá của tiền...
Nhưng chúng vẫn không vượt được tiền ở mức độ phổ cập trong dự trữ vì 2 lý do chủ
yếu sau:
- Không có hàng hoá nào hội đủ đồng thời các ưu điểm kể trên.
- Lý do quan trọng nhất chính là khả năng chuyển đổi thành các hàng hoá khác mà
trước đó là chuyển đổi thành tiền mặt, khả năng này được gọi bằng thuật ngữ tính lỏng hay
tính thanh khoản (liquidity). Rõ ràng, tiền có độ lỏng cao nhất vì nó không cần chuyển ra cái
gì khác để mua hàng trong khi những hàng hoá khác phải chuyển ra tiền. Ngược lại, những
hàng hoá sẽ gặp phải khó khăn từ ít đến nhiều trong việc chuyển thành tiền để mua những
hàng hoá khác hoặc để đổi trực tiếp với những hàng hoá khác. Nói cách khác, nó cần đến chi
phí giao dịch để chuyển thành tiền nhưng tiền thì không. Điều này cũng giải thích lý do tại
sao người ta thích giữ tiền mặt hơn vàng hay (trong một số trường hợp) gửi tiền vào ngân
hàng ....
Để tiền thực sự trở thành là nơi chứa giá trị tốt nhất còn cần phải có một điều kiện căn
bản nữa ấy là sức mua của đồng tiền phải ổn định, nghĩa là tương quan giữa hàng và tiền phải
là một tương quan cố định hoặc chỉ dao động trong một phạm vi chấp nhận được. Ngược lại,
tiền không được tín nhiệm trong cộng đồng và những hàng hoá khác sẽ thay thế vị trí của tiền
trong dự trữ. Lúc này sẽ xuất hiện hiện tượng “hòn than nóng”. Tiền như một hòn than nóng
nên mọi người khi nhận nó đều muốn nhanh chóng chuyển nó cho người khác bằng cách mua
hàng.
Ngoài ra còn có một số nhân tố khác tuy không quan trọng bằng nhưng cũng rất đáng
quan tâm như:
- Tiền giấy phải được in bằng loại vật liệu tốt và có công nghệ hiện đại đủ để bảo
quản lâu dài.
- Để thúc đẩy việc chuyển từ dự trữ tiền mặt vốn không có lợi bằng dự trữ dưới dạng
tiền gửi ngân hàng hoặc dưới dạng các tài sản tài chính khác cần phải tối thiểu hoá chi phí
giao dịch, tối đa hoá khả năng thanh khoản của chúng. Điều này phụ thuộc khá lớn vào công
nghệ và chất lượng dịch vụ ngân hàng.
- Cần phải có một tỷ lệ thích đáng các loại tiền giấy có mệnh giá lớn.
Ghi chú:

122
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

1. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: tiền có bốn chức năng, ngoài ba chức năng trên,
còn có chức năng phương tiện thanh toán hoãn hiệu (Standard of deferred payment) hay nói
đúng hơn, cần phân biệt chức năng này với ba chức năng trên.
Theo những nhà nghiên cứu này, chức năng phương tiện thanh toán đề cập đến một
công dụng của tiền tệ là tiền được dùng như một phương tiện để cho vay và thanh toán các
khoản nợ trong tương lai.
Trong bất kỳ hình thái xã hội nào, thậm chí cả trong những hình thái cổ sơ, nhu
cầu tín dụng cũng đều tồn tại. Vì giữa nhu cầu tiêu dùng và kết quả sản xuất của từng chủ
thể là có sự chênh lệch về giá trị và giá trị sử dụng. Sự không trùng khớp về giá trị sử
dụng được giải quyết thông qua trao đổi. Còn sự chênh lệch về giá trị, xét đến cùng chỉ
có 2 phương thức giải quyết:
- Phương thức điều tiết (hay phân phối lại) phi thị trường: phương thức này được thực
hiện chủ yếu bởi nhà nước qua công cụ thuế và cũng là một trong những công cụ hợp pháp...
Ngoài ra, trong xã hội dĩ nhiên cũng tồn tại những kiểu điều tiết “bất hợp pháp”.
- Phương thức tín dụng.
Rõ ràng phương thức tín dụng vẫn là cách thức phổ biến để giải quyết vấn đề nói trên.
Tuy nhiên, trong các xã hội phi tiền tệ, các quan hệ tín dụng sẽ rất khó phát triển vì những lý
do sau:
+ Việc cho vay không tách biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị của hàng hoá nên sẽ rất
khó khăn cho việc tìm kiếm sự phù hợp giữa nhu cầu của người vay và khả năng đáp ứng của
người cho vay, do đó làm chi phí giao dịch tăng cao, quy mô tín dụng rất hẹp.
+ Vì không có phương tiện đo lường giá trị nên cả hai phía chủ nợ và con nợ đều
có thể có tâm lý không an tâm về việc họ có bị thiệt hại hay không khi trả nợ, nhất là khi
mà cả nợ và lãi đều được thanh toán bằng hiện vật.
+ Việc cho vay bằng hiện vật sẽ không thể có thời hạn dài, đơn giản vì hiện vật sẽ bị
hao mòn mà cách thức lượng giá những hao mòn này chưa thực hiện được vì thiếu vắng tiền
tệ.
Thực ra, trong ba lý do trên thì lý do đầu tiên là lý do chủ yếu, những lý do sau vẫn có
cách khắc phục. Suy cho cùng, chi phí giao dịch là một trở ngại của việc cho vay bằng hiện
vật.
Việc xuất hiện tiền tệ trong hình thái tiền dấu hiệu giá trị giúp khắc phục tất cả
những nhược điểm kể trên mà điều quan trọng nhất là giúp tiết kiệm chi phí giao dịch.
Tuy nhiên, để tiền phát huy tốt chức năng phương tiện thanh toán, cần phải có một số
điều kiện:
+ Quan trọng nhất là các loại tiền dấu hiệu giá trị phải có sức mua ổn định, điều này rất
dễ hiểu vì khi sức mua của tiền giảm sút, tiền mất giá, các khoản cho vay được thu hồi sẽ có

123
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

giá trị kém hơn trước, do đó người cho vay sẽ không muốn thực hiện giao dịch tín dụng.
Ngược lại, khi sức mua của tiền tăng, người vay sẽ bị thiệt nên họ lại không muốn tham gia
giao dịch tín dụng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, con người cũng đã phát minh ra
các công cụ nhằm khắc chế cả những vấn đề nói trên. Những điều này sẽ được đề cập rõ hơn
trong các chương sau.
+ Tiền phải được chấp nhận rộng rãi và trong điều kiện hiện tại, tiền được sử dụng
trong chức năng thanh toán hoãn hiệu ở phạm vi quốc tế phải là loại tiền có khả năng chuyển
đổi mạnh
....
Dù phân chia các chức năng của tiền thành ba hay bốn chức năng (như nói trên)
cũng đều phải thừa nhận hai điểm căn bản sau:
(i) một công dụng đặc thù của tiền là nhằm thanh toán các hợp đồng nợ trong tương
lai, và
(ii) có sự khác biệt giữa tiền được sử dụng như một phương tiện trao đổi (thanh toán
ngay) với tiền được sử dụng như là phương tiện thanh toán sau (deferred payment) hoặc giữa
tiền được sử dụng làm thước đo giá trị với tiền để thanh toán sau.
2. Nhiều nghiên cứu lại phân chia chức năng của tiền thành chức năng gốc hay chức
năng nguyên thuỷ (Primary Functions of Money) và chức năng thứ cấp (Secondary Functions
of Money). Phần lớn các nghiên cứu đều nhất trí hai chức năng gốc của tiền là chức năng
phương tiện trao đổi (Medium of Exchange) và chức năng đơn vị đánh giá (Unit of Account).
Sau khi phân tích các chức năng của tiền tệ, chúng ta rút ra các kết luận chủ yếu:
(i) Một là, tất cả chức năng của tiền tệ đều liên quan đến khái niệm chi phí giao
dịch. Chức năng của tiền thể hiện ở chỗ tối thiểu hoá chi phí giao dịch khi thay thế
các phương tiện khác trong trao đổi; đo lường giá trị; dự trữ.
(ii) Hai là, để tiền phát huy tốt các chức năng của mình, điều căn bản nhất là
tiền phải có sức mua ổn định theo thời gian.

5.2. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG TIỀN TỆ VÀ HỆ THỐNG


THANH TOÁN
5.2.1. Quá trình phát triển của hệ thống tiền tệ
Nghiên cứu về quá trình phát triển của hệ thống tiền tệ cũng chính là nghiên cứu về
nguồn gốc và quá trình phát triển các hình thái tiền tệ qua các giai đoạn lịch sử. Một cách tiếp
cận theo phương pháp lịch sử như thế này là rất cần thiết để hiểu rõ bản chất của một phạm
trù khá bí ẩn như tiền tệ.

124
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Sự phát triển các hình thái tiền diễn biến qua các giai đoạn như sau:
5.2.1.1. Giai đoạn tiền bằng hàng hoá ( hoá tệ/ commodity money)
Nghiên cứu của các học thuyết khác nhau đều cùng đi đến một kết luận: nguồn gốc của
tiền vốn là một loại hàng hoá đặc biệt trong thế giới hàng hoá được tách ra để làm vật ngang
giá chung phục vụ cho việc đo lường giá trị và phương tiện trung gian trong trao đổi. Những
hàng hoá này sở dĩ được chọn vì nó được đa số thành viên của cộng đồng tín nhiệm. Các
nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở những cộng đồng khác nhau vật được chọn làm tiền tệ cũng
khác nhau tuỳ thuộc vào các nhân tố: tâm lý cộng đồng, tập quán sinh hoạt và trình độ phát
triển kinh tế. Chẳng hạn, những loại hàng hoá sau đây đã từng là các loại hoá tệ của các cộng
đồng xã hội nào đó: trâu, bò, ngũ cốc, răng, vỏ sò, lông chim, muối, ngà voi, thuốc lá....
Có tác giả đã tìm đến 170 thứ 6 không phải kim loại đã từng được con người dùng làm
tiền (nói chung rất đa dạng và đôi lúc rất đáng ngạc nhiên).
Đặc trưng chung của các loại hoá tệ là chúng có giá trị thực và giá trị này đúng bằng
giá trị danh nghĩa của chúng trong trao đổi. Điều này rất quan trọng khi so sánh hoá tệ với
các hình thái tiền tệ khác sau này. Giai đoạn hoá tệ là một giai đoạn khá dài so với các hình
thái khác và được chia làm 2 thời kỳ:
(i) Thời kỳ hoá tệ phi kim loại (non - metallic commodities)
Đây là hình thái nguyên thuỷ của tiền như đã trình bày ở phần trên. Đến nay vẫn chưa
có những cứ liệu sử học hoặc khảo cổ về niên đại của thời kỳ này kéo dài trong thời gian bao
lâu nhưng rõ ràng là do những bất tiện của mình, nó đã dần dần bị thay thế bởi tiền kim loại.
Những bất tiện dễ thấy nhất của những hoá tệ phi kim loại:
- Phạm vi chấp nhận hẹp: mỗi loại hoá tệ chỉ được tín nhiệm ở một cộng đồng nhất
định. Một thứ có thể rất được cộng đồng này tín nhiệm lại bị một cộng đồng khác coi là không
có giá trị. Vấn đề ở đây thực ra không phải là giá trị mà chính là giá trị sử dụng của từng
hàng hoá mà giá trị sử dụng lại phụ thuộc khá lớn vào cách nhìn nhận và tập quán chung của
từng cộng đồng.
- Phần lớn, nếu không nói là tất cả hàng hoá phi kim loại đều có 3 hạn chế cơ bản so
với kim loại đó là: 1) không bền nên rất khó cho việc dự trữ, 2) khó phân chia thành đơn vị
ước số hay tập hợp thành đơn vị bội số nên không thuận lợi cho việc tính toán đo lường giá trị
và trao đổi hàng hoá, 3) khó khăn trong vận chuyển và cất trữ do cồng kềnh, dễ hư hao.
Hoá tệ phi kim loại ngoài đặc trưng chung của hoá tệ còn có đặc điểm là chúng chủ
yếu thực hiện 2 chức năng: thước đo giá trị và phương tiện trao đổi. Hai chức năng còn lại rất
ít và rất khó được thực hiện.
(ii) Thời kỳ hoá tệ kim loại (Metallic commodities)

125
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Bản thân kim loại cũng là một hàng hoá nên khi được dùng làm tiền, thì hình thái
tiền này vẫn thuộc phạm trù hoá tệ. Nghĩa là tiền có giá trị thực đúng bằng giá trị danh
nghĩa hay còn gọi là tiền kim loại đủ giá. Đặc điểm này giúp phân biệt hóa tệ kim loại
với tiền kim loại kém giá (coin) sau này.
Sở dĩ kim loại đã dần dần thay thế các hoá tệ khác vì những ưu thế cơ bản sau:
- Phạm vi chấp nhận rộng rãi hơn rất nhiều. Kim loại được hầu hết các cộng đồng
thừa nhận vì những giá trị sử dụng hiển nhiên, phổ biến và vì tương đối quý hiếm (tức có giá
trị cao). Đặc biệt, vàng là loại hoá tệ tồn tại lâu dài (mãi cho đến bây giờ và cả trong tương
lai) có phạm vi chấp nhận rộng nhất (khắp nơi trên thế giới).
- Nó khắc phục được 3 hạn chế cơ bản của hoá tệ phi kim loại vì kim loại vừa bền
(durable), vừa dễ phân chia thành những đơn vị nhỏ hơn hoặc tập hợp thành những đơn vị lớn
hơn (divisible), vừa dễ vận chuyển (portable).
Dần dần vàng bạc trở thành 2 kim loại được phổ biến với tư cách tiền tệ.
5.2.1.2. Giai đoạn tiền quy ước
Khái niệm tiền quy ước hay như quen gọi là tiền dấu hiệu giá trị chỉ tất cả các hình thái
tiền tệ phi hàng hóa.
Các hình thái tiền tệ này có các đặc trưng cơ bản sau:
- Giá trị danh nghĩa > giá trị thực, đặc biệt, các loại tiền giấy hầu như có giá trị
không đáng kể so với giá trị danh nghĩa của chúng (mệnh giá). Chính đặc điểm này mà nó
được gọi là tiền dấu hiệu giá trị.
- Giá trị danh nghĩa (mệnh giá) cũng tức là sức mua của chúng dựa trên cơ sở
quy ước của cộng đồng. Quy ước này hình thành bằng nhiều cách tuỳ theo từng hình thái
nhưng được một cộng đồng nhất định chấp nhận dựa trên lòng tin hoặc pháp luật nhà
nước. Vì vậy, nó còn được gọi là tiền quy ước.
- Hầu hết đều không có giá trị sử dụng đáng kể - trừ tiền xu (hay tiền kim loại
kém giá) - nếu không nói là không có bất kỳ giá trị sử dụng nào. Chính vì vậy mà giá trị
thực của nó nếu có sẽ không thể thực hiện được.
Sự thay thế hình thái tiền kim loại đủ giá bằng hình thái tiền quy ước diễn ra ở những
thời điểm khác nhau đối với từng cộng đồng và dưới tác động của nhiều nguyên nhân đa dạng.
Tuy nhiên, nếu xét một cách tổng quát có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Một là, sự bất tiện của hoá tệ trong viêc thực hiện các chức năng của tiền tệ kể cả
tiền kim loại đủ giá mà dễ thấy nhất là sự cồng kềnh.
- Hai là, kim loại nhất là vàng và bạc có số lượng hạn chế chắc chắn sẽ không đủ
cung cấp cho lưu thông hàng hoá khi lực lượng sản xuất phát triển. Mặt khác, kim loại lại rất

126
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

cần thiết cho các hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp nên nếu dùng làm tiền sẽ là
một sự lãng phí.
- Ba là và điều này rất quan trọng, các thử nghiệm khác nhau từ tự phát đến chủ động
và các nghiên cứu có tính chất học thuật đã chỉ ra rằng tiền không cần là hàng hoá (kể cả là
quý kim), mà vẫn có khả năng thực hiện đầy đủ các chức năng của tiền.
Để có một hiểu biết đầy đủ các dạng tiền quy ước, cần phải phân loại chúng theo
những tiêu thức khác nhau và vấn đề lựa chọn tiêu thức phân loại là rất quan trọng.
a. Căn cứ vào đặc điểm hình thái có thể phân loại:
(i) Tiền kim loại kém giá (coin): Đây là các loại tiền đúc bằng kim loại, thông thường
là hợp kim do nhà nước đúc và quy định giá trị trao đổi (mệnh giá). Mệnh giá của nó lớn hơn
giá trị thực vì 2 lý do chủ yếu: (1) để tiết kiệm kim loại, (2) đề phòng trường hợp người ta nấu
chảy tiền để sử dụng chúng như một kim loại thông thường hoặc để bán kiếm lời.
Tiền kim loại kém giá thường có giá trị rất nhỏ. Sở dĩ loại tiền này vẫn tồn tại cả
trong những nước có hệ thống tiền giấy phát triển là vì ưu thế của nó so với các loại tiền
giấy có mệnh giá tương đương ở các điểm: bền hơn, vệ sinh hơn, dễ đếm (chỉ cần cân
trọng lượng tổng), có thể sử dụng trong các máy bán hàng tự động. Tuy nhiên, dù có
những ưu điểm như thế nó vẫn rất ít được sử dụng.
(ii) Tiền giấy (paper money): Khái niệm tiền giấy trong cách phân loại này là tiền giấy
hiểu theo nghĩa rộng. Chúng có thể khác nhau về người phát hành, về căn bản của giá trị trao
đổi...nhưng có thể định nghĩa chung: tiền giấy là các loại giấy tờ có khả năng thực hiện đầy đủ
các chức năng của tiền hay tiền giấy là các loại giấy tờ chứa đựng một sức mua nhất định.
Theo cách định nghĩa như vậy, tiền giấy bao gồm:
- Các loại giấy nợ do các chủ thể vay nợ khác nhau phát hành. Giá trị của các giấy nợ
thể hiện quyền đòi nợ ở người phát hành. Cơ sở lưu hành của các loại giấy nợ này là lòng tin
của người tiếp nhận vào khả năng trả nợ của người phát hành nên nó còn được coi là tín tệ.
- Tiền giấy có giá trị pháp định do nhà nước cưỡng bức lưu hành.
Nó cũng có thể là tiền giấy khả hoán hoặc bất khả hoán.
Về phương diện thời gian, tiền giấy xuất hiện sau tiền kim loại kém giá.
b. Căn cứ vào đặc điểm phát hành:
Tiền quy ước được tạo ra bởi các tác nhân khác nhau. Tuy nhiên, xét theo tiến
trình phát triển có thể phân thành 2 thời kỳ tương ứng với 2 hình thái tiền giấy:
(i) Giấy bạc ngân hàng (Bank notes)
Thực chất của giấy bạc ngân hàng chính là các giấy nợ mang một quyền đòi ngân
hàng trả một số vàng/bạc nhất định. Giá trị của số vàng/bạc này chính là giá trị trao đổi
của giấy nợ. Loại tiền giấy này do các ngân hàng tư phát hành. Lúc đầu, nó chỉ là một

127
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

chứng thư chứng nhận một số lượng vàng/bạc đã được gửi ở ngân hàng và quyền được
rút số vàng/bạc đó. Dần dần, các chứng thư này được sử dụng như tiền trong các giao
dịch mua bán khi mà người tiếp nhận đủ tin tưởng khả năng đòi một số lượng vàng/bạc
tương ứng ở ngân hàng phát hành. Về sau, nhiều ngân hàng đã phát hành kiểu tiền giấy
này ngay cả khi khách hàng không gửi vàng/bạc vào ngân hàng như là một khoản cho
vay với đảm bảo bằng trữ kim của ngân hàng. Tiến trình này đạt đến tiến bộ cao nhất khi
ngân hàng phát hành các loại tiền giấy vô danh (tức không ghi tên người sở hữu).
Giấy bạc ngân hàng là kiểu tiền giấy khả hoán đầu tiên trong lịch sử phát triển
tiền tệ.
Rõ ràng, phạm vi chấp nhận của loại tiền giấy này rộng, hẹp khác nhau và đương
nhiên không có hiệu lực bắt buộc trên toàn lãnh thổ của một quốc gia. Phạm vi chấp
nhận của nó phụ thuộc chủ yếu vào ảnh hưởng của từng ngân hàng phát hành.
(ii) Tiền quy ước do Nhà nước phát hành
Các loại tiền giấy do các ngân hàng tư nhân phát hành ngày càng bộc lộ những hạn
chế trong lưu hành cộng thêm vào đó tình trạng phát hành khống đã dẫn đến chỗ các nhà
nước tìm cách hạn chế quyền phát hành, tiến đến chỉ định các ngân hàng độc quyền đại diện
nhà nước phát hành tiền giấy và các loại tiền kim loại kém giá (thực ra, ở nhiều nước, Nhà
nước đã đúc tiền kim loại từ rất sớm theo tiêu chuẩn do Nhà nước ấn định. Căn cứ vào tiêu
chuẩn này, mọi người đều có thể đem quý kim đến đổi lấy tiền đúc. Về sau, các loại tiền đúc do
nhiều lý do đã trở thành tiền kém giá).
Các loại tiền này được Nhà nước bảo hộ lưu thông bằng pháp chế. Các ngân hàng
phát hành loại tiền này đã dần dần chuyển biến thành các ngân hàng trung ương như hiện
nay.
c. Căn cứ vào cơ sở của giá trị trao đổi:
Tiền quy ước có thể phân thành 2 loại:
(i) Tiền khả hoán (Convertible money): là các loại tiền quy ước có thể đổi thành
vàng/bạc một cách vô điều kiện từ người phát hành theo một tỷ lệ cố định (tiêu chuẩn
vàng/bạc) giữa đơn vị tiền tệ với số lượng vàng/bạc.
Theo cách hiểu như vậy, tiền khả hoán bao gồm:
- Các loại giấy bạc ngân hàng (bank notes) đã đề cập ở phần trên (b).
- Các loại tiền do Nhà nước bảo hộ phát hành và lưu hành dựa trên bản vị vàng/bạc
(gold/silver standard) hoặc những biến thể của các chế độ đó. Tức là những loại tiền có thể
chuyển đổi lấy vàng/bạc theo định nghĩa chính thức của Nhà nước về tiêu chuẩn vàng/bạc.

128
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

(Khái niệm tiền khả hoán thường được đồng nhất với khái niệm tiền giấy khả hoán
vì: (1) số lượng tiền kim loại kém giá thực ra không đáng kể (2) bản thân tiền kim loại
kém giá thực ra cũng là một kim loại, chúng cũng có giá trị tự thân).
Thời điểm xuất hiện tiền giấy khả hoán vẫn còn là các giả thuyết. Một số nghiên
cứu cho rằng tiền giấy khả hoán xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17 ở Châu Âu. Tuy nhiên, ở
Trung Quốc, vào thời điểm sớm hơn đã xuất hiện một số kiểu tiền giấy khả hoán do các
hội gọi là “hội phi tiền” phát hành cho các thành viên để thay cho việc mang vàng (bạc)
di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác. Những chứng thư này có thể đổi lấy
vàng ở những thành viên trong hội khi họ cần.
(ii) Tiền bất khả hoán (inconvertible money)
Tiền bất khả hoán là các loại tiền quy ước không thể chuyển đổi lấy vàng/bạc theo một
tỷ lệ cố định bởi người phát hành, nói cách khác tiền không dựa trên tiêu chuẩn vàng/bạc.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các nhà nước lần lượt - hoặc sớm hoặc muộn -
đều từ bỏ chế độ lấy vàng/bạc làm cơ sở cho phát hành tiền, huỷ bỏ việc đổi tiền lấy vàng/bạc
theo tỷ lệ quy định, không định nghĩa đơn vị tiền tệ theo trọng lượng quý kim nói cách khác,
cắt đứt mọi mối liên hệ giữa tiền quy ước (bao gồm tiền giấy và tiền kim loại kém giá) với tiêu
chuẩn vàng/ bạc. Thực tiễn lưu hành các loại tiền giấy bất khả hoán chứng minh rằng những
hành động trên là hoàn toàn đúng đắn. Do đó, hiện nay ở khắp nơi trên thế giới chúng ta có
một hệ thống tiền quy ước hoàn toàn là tiền giấy cộng với một số ít tiền kim loại kém giá bất
khả hoán.
Loại tiền giấy bất khả hoán do Ngân hàng trung ương của các nước phát hành còn
được gọi là tiền pháp định (fiat money)7
Qua nghiên cứu quá trình phát triển của tiền tệ chúng ta rút ra một kết luận rất quan
trọng là sự phát triển của tiền tệ luôn diễn ra theo 2 xu hướng:
- Tạo điều kện tối thiểu hoá chi phí của nền kinh tế.
- Giảm dần giá trị thực của bản thân vật làm tiền tệ từ chỗ có giá trị thực bằng giá
trị danh nghĩa đến chỗ giá trị thực gần như bằng 0 (trong hình thái tiền giấy bất khả
hoán).
Sự phát triển của hệ thống tiền tệ tương tác một cách chặt chẽ với sự tiến triển trong hệ
thống thanh toán. Tuy nhiên, về phương diện học thuật, chúng vẫn là hai phạm trù độc lập.
Mặt khác, việc nghiên cứu tiến trình phát triển của hệ thống thanh toán sẽ giúp lý giải được
nhiều hiện tượng tiền tệ đang và sẽ diễn ra.
5.2.2. Sự tiến triển của hệ thống thanh toán

7
F.S. Mishkin,..

129
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Diễn biến lịch sử của quá trình phát triển hệ thống thanh toán có thể khái quát
như sau:
5.2.2.1. Giai đoạn thanh toán bằng tiền mặt
Thanh toán bằng tiền mặt được hiểu là tất cả các hình thức thanh toán có sự chuyển
giao trực tiếp từ người trả sang người hưởng một trong các hình thái tiền bất kỳ: tiền pháp
định, quý kim hoặc bất kỳ hình thái tiền nào khác nói ở mục 5.2.1.
Như vậy, trong giai đoạn hoá tệ, thanh toán đương nhiên bằng tiền mặt. Chỉ khi xuất
hiện hệ thống ngân hàng mới có cơ sở để xuất hiện một phương thức thanh toán mới: thanh
toán không dùng tiền mặt.
5.2.2.2. Giai đoạn từ khi xuất hiện thanh toán không dùng tiền mặt đến nay
Trong giai đoạn này, song hành tồn tại cả 2 phương thức thanh toán: bằng tiền mặt và
không dùng tiền mặt với xu hướng ngày càng gia tăng tỷ trọng thanh toán không dùng tiền
mặt.
Thanh toán không dùng tiền mặt tức là phương thức thanh toán không có sự chuyển
giao trực tiếp các hình thái tiền mặt như đã nói ở trên. Trong phương thức này, sự chuyển giao
tiền tệ được thực hiện qua trung gian thanh toán (chủ yếu là các ngân hàng) bằng phương
pháp ghi sổ (ghi giảm số tiền người trả, ghi tăng số tiền người hưởng) trong sổ sách kế toán
của ngân hàng (thuật ngữ kế toán gọi là ghi nợ tài khoản người trả, ghi có tài khoản người
hưởng).
Cho đến nay, các hệ thống thanh toán hiện đại ở các nước phát triển đã sáng tạo và
đưa vào áp dụng khá nhiều những hình thức, những công cụ thanh toán không dùng tiền mặt
mới lạ trên nền tảng ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Để có cơ sở nghiên cứu các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác nhau, cần
tìm hiểu khái niệm công nghệ thanh toán. Một cách tổng quát, công nghệ thanh toán là tổ hợp
của các yếu tố sau:
- Cách thức ra lệnh của các chủ thể thanh toán (chủ tài khoản bên trả/ bên
hưởng) đối với ngân hàng.
- Cách thức kiểm soát lệnh của trung gian thanh toán.
- Cách thức truyền thông tin (luân chuyển chứng từ).
- Cách thức thực hiện bút toán (ghi sổ).
Theo cách hiểu như vậy, có thể chia ra 3 trình độ công nghệ thanh toán:
- Công nghệ thủ công: với công nghệ này, các lệnh thanh toán của chủ thể thanh toán
đối với ngân hàng được thực hiện bằng văn bản (séc, giấy uỷ nhệm chi, giấy uỷ nhiệm thu .. )
và các khâu kiểm soát chứng từ, luân chuyển chứng từ, thực hiện bút toán bằng phương pháp

130
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

thủ công. Thông thường việc luân chuyển chứng từ giữa các trung gian thanh toán được thực
hiện qua đường bưu điện dưới hình thức gửi thư hoặc điện (telex).
- Công nghệ bán tự động: đây là công nghệ thanh toán kết hợp các công đoạn thủ
công với các công đoạn tự động. Chẳng hạn, lệnh thanh toán có thể bằng văn bản, kiểm soát
thủ công nhưng việc luân chuyển chứng từ giữa các ngân hàng lại thực hiện qua mạng vi
tính...hoặc khách hàng sử dụng thẻ thanh toán tại cơ sở chấp nhận thẻ, nhưng cơ sở chấp nhận
thẻ phải tập hợp chứng từ (hóa đơn thanh toán thẻ) nộp vào Ngân hàng để được thanh toán...
- Công nghệ tự động: đây là công nghệ thanh toán mà tất cả các công đoạn nói trên
đều được thực hiện tự động. Người trả tiền có thể ra lệnh bằng thẻ thanh toán hoặc bằng một
lệnh chi trực tiếp từ tài khoản của mình tại trung gian thanh toán trên mạng máy tính. Tất cả
các công đoạn kiểm soát, truyền tin, bút toán đều được hệ thống tự động thực hiện. Chứng từ
trong trường hợp này phải là chứng từ điện tử, hoàn toàn không có hoặc có rất ít chứng từ
giấy.
Một hệ thống thanh toán tự động như thế đã, đang và sẽ trở thành hiện thực ngày càng
rộng khắp. Chẳng hạn, ở Mỹ có 2 hệ thống: hệ thống chuyển khoản liên bang (Fedwire) là
mạng thanh toán của các tổ chức tài chính có mở tài khoản tại Cục dự trữ liên bang và hệ
thống CHIPS (clearing house interbank payment system) là hệ thống chuyển khoản điện tử
liên ngân hàng của tư nhân. Ngày nay, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử (E-
commerce), hệ thống thanh toán trực tuyến qua mạng Internet đã trở thành chuyện bình
thường trong các nước phát triển. Ở Việt nam, chính phủ cùng với hệ thống ngân hàng đã có
quyết tâm rất lớn trong việc hiện đại hoá hệ thống thanh toán và trên thực tế, đã đạt được
những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân- mà nguyên nhân chính là kinh tế
còn kém phát triển- kết quả đạt được vẫn còn chưa như mong muốn.
Một viễn cảnh về sự ngự trị của hệ thống thanh toán điện tử đang được các nhà nghiên
cứu có uy tín dự đoán. Tuy thế, nó cần phải vượt được hai trở ngại rất cơ bản đó là tính an
toàn và bảo mật. So với một hệ thống thanh toán thủ công, mức độ kiểm soát chặt chẽ của hệ
thống tự động kém hơn. Nó cũng còn phải đối phó với việc lây nhiễm virus và sự tấn công vào
cơ sở dữ liệu của các hacker. Mức độ bảo mật của hệ thống này cũng kém hơn một hệ thống
dựa trên chứng từ giấy và sổ sách thủ công. Ngoài ra, nhiều vấn đề pháp lý của hệ thống này
cũng không dễ giải quyết. Vì những lý do trên, ngay cả trong những nước đã phát triển cao,
phương thức thanh toán bằng chứng từ giấy vẫn còn được ưa chuộng với tỷ lệ đáng kể.

5.3. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐO LƯỢNG TIỀN TRONG LƯU THÔNG


(MONETARY AGGREGATES)

131
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Trong phần 1, chúng ta đã đưa ra định nghĩa về tiền, định nghĩa này chưa cho phép
xác định cụ thể những cái gì được xem là tiền với tư cách là một phương tiện trao đổi, nói
cách khác những phương tiện nào được sử dụng như tiền trong lưu thông?
Việc tìm câu trả lời cho vấn đề trên rút lại là đưa ra phương pháp để xác định tổng
lượng tiền tham gia lưu thông và cơ cấu của chúng (hiểu theo nghĩa là tỷ trọng từng loại
phương tiện) ở một thời điểm nhất định. Tại sao phải đo lượng tiền trong lưu thông, tức là chỉ
xét đến khối lượng tiền tệ thực hiện chức năng lưu thông ? Đó là vì tổng lượng tiền tham gia
lưu thông là một nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái và mục tiêu vĩ mô của nền kinh
tế, chẳng hạn: lạm phát, lãi suất ... Nó là một trong những đại lượng quan trọng hướng dẫn
việc hoạch định chính sách, trước hết là chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, công việc này gặp phải 3 trở ngại cơ bản:
1) Một số lượng lớn tiền pháp định gửi tại ngân hàng dưới hình thức những tài khoản
không tham gia thanh toán - tức là tiền thực hiện chức năng dự trữ - vẫn có thể nhanh chóng
chuyển thành tiền mặt với một chi phí ít hoặc thậm chí không có. Như vậy, khả năng tham gia
lưu thông của chúng không phải là bằng 0. Việc đưa bộ phận này vào hay loại bỏ khỏi các
phép đo khối tiền lưu thông đều có những điểm bất cập.
2) Những sự thay đổi về các quy chế tài chính đã, đang và sẽ diễn ra, với một tốc
độ khá nhanh, theo xu hướng nới lỏng cách thức quản lý các tài khoản thanh toán. Chẳng
hạn:
a) cho phép một số loại hình trung gian tài chính khác được mở các tài khoản
thanh toán, ngoài ngân hàng thương mại vốn là tổ chức được độc quyền làm việc này,
b) cho phép thanh toán những khoản lãi cho những tài khoản thanh toán,
c) xuất hiện các tài khoản tiền gửi hỗn hợp giữa 2 chức năng: tiết kiệm và
thanh toán, chẳng hạn, tài khoản NOW (negotiated order of withdrawal), ATS (automatic
transfer from saving account), Sweep account ...
Điều này dẫn đến chỗ ngày càng khó vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa 2 loại
tiền gửi tham gia thanh toán và tiền gửi không tham gia thanh toán.
3) Một số tài sản tài chính (chứng khoán) có “độ lỏng” cao hiểu theo nghĩa: (a) dễ dàng
chuyển thành tiền mặt hoặc tiền gửi thanh toán và (b) bản thân chúng có thể tham gia thanh
toán trực tiếp. Những tài sản này rõ ràng đang ở dạng dự trữ giá trị nhưng như nói ở trên vẫn
có thể là một thành phần của khối tiền.
Những trở ngại nói trên làm cho việc đo lượng tiền trong lưu thông trở nên phức tạp và
hơn thế làm cho các phép đo trở nên tương đối.
- Từ thập niên 1980 trở về trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã quan niệm khối tiền
(Ma) chỉ bao gồm 2 thành phần là:
+ Tiền mặt gồm tiền giấy pháp định và tiền kim loại pháp định.

132
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

+ Tiền gửi thanh toán tại ngân hàng hay còn gọi theo thông lệ là tài khoản séc.
Các loại tiền gửi tiết kiệm và định kỳ chỉ được xem là “chuẩn tiền” (near money). Tuy
nhiên, các Ngân hàng trung ương thường đặt lượng “chuẩn tiền” bên cạnh khối tiền tệ chính
thức xuất phát từ quan niệm cho rằng tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi định kỳ là cơ sở của việc
cấp tín dụng ngân hàng mà việc cấp tín dụng của ngân hàng lại là cơ sở của việc tăng khối
tiền tệ.
- Từ thập niên 1980 đến nay, các định chế tài chính quốc tế (IMF, WB) cũng như
Ngân hàng trung ương ở các nước đã thay đổi quan điểm về cách tính tổng lượng tiền trong
lưu thông bằng cách đưa ra các phép đo lượng tiền từ hẹp đến rộng, chứ không phải là một
phép đo duy nhất. Các phép đo lượng tiền M1, M2, M3 , L không tương đương tức diễn biến
của chúng không cùng chiều, không tỷ lệ. Vì vậy, chúng không thể thay thế cho nhau khi
cung cấp các hướng dẫn cho việc hoạch định chính sách nên phải luôn luôn được tính và
được trình bày cùng nhau.
Do những đặc điểm khác nhau về hệ thống tài chính và tiền tệ của từng nước mà các
thành phần của từng khối tiền cụ thể ở từng nước có thể khác nhau nhưng ở những nét chung
nhất, thành phần của các khối tiền bao gồm:
- M1 (thường được gọi là khối tiền hẹp) bao gồm những loại tiền có độ lỏng cao nhất :
tiền mặt pháp định và tiền gửi thanh toán tại ngân hàng.
- M2 = M1 + Tiền gửi định kỳ + tiền gửi tiết kiệm.
- M3 = M2 + Tiền gửi ở tất cả các định chế tài chính phi ngân hàng.
- L = M3 + Các chứng khoán khả nhượng (hay các chứng khoán có độ lỏng cao).
Phép đo L thực ra là một phép đo tài sản có độ lỏng cao. Nó đã vượt qua khái niệm
thông dụng về tiền.
Ví dụ: Bảng so sánh về các khối tiền tệ của Mỹ năm 1986 và 1990
Đơn vị tính: tỉ USD

1986 1990
Khối tiền Tỷ trọng Tỷ trọng
Tổng số Tổng số
(%) (%)
M1= 619,1 16 844,3 16.9
Tiền mặt 170,6 249,6
+ Séc du lịch 7,8
+ Tiền gửi không kỳ hạn 448,5 289,9
+ Tiền gửi khác có thể phát séc 297,0
M2= 2569,4 66 3344,3 67

133
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

M1
+ Tiền gửi định kỳ số dư nhỏ K.có số liệu 1164,1
+ Tiền gửi tiết kiệm thường nt 407,3
+ Tiền gửi thị trường tiền tệ nt 501,3
+ Cổ phần quỹ tương trợ thị nt 347,8
trường tiền tệ
+ Hợp đồng mua lại qua đêm nt 54,2
+ Eurodollars qua đêm nt 19,4
+ Điều chỉnh nt - 0,1
M3 = 3230,6 84 4126,3 82.6
M2
+ Tiền gưỉ định kỳ số dư lớn K. có số liệu 506,3
+ Cổ phần quỹ tương trợ thị nt 127,0
trường tiền tệ (có tổ chức)
+ Hợp đồng mua lại dài hạn nt 89,7
+ Eurodollars có kỳ hạn nt 72,7
+ Điều chỉnh nt - 13,7
L= 3840,0 100 4990,3 100
M3
+ trái phiếu kho bạc ngắn hạn K.có số liệu 355,3
+ Thương phiếu nt 349,2
+ Trái phiếu tiết kiệm nt 125,0
+ Hối phiếu thuận nhận của NH nt 34,5

(Nguồn: dẫn lại theo F.S.Mishkin – sdd và Nguyễn Văn Ngôn - sdd)
Ngoài ra, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra một cách tính tổng lượng tiền
có tỷ trọng (Weighted monetary aggregate). Theo cách tính này, tất cả các thành phần
của một khối tiền nói ở trên chỉ được tính trong một tổng số chung. Mỗi thành phần tuỳ
theo “độ lỏng” tức là khả năng tham gia vào lưu thông nhiều hay ít của chúng, mà được
nhân với một hệ số, hệ số này nằm trong khoảng từ 0 - 1. Chẳng hạn, khối M1 có “độ
lỏng” cao nhất, có hệ số 1,các thành phần còn lại sẽ có hệ số nhỏ hơn như tiền gửi tiết
kiệm có hệ số 0,4.
Công thức tính tổng số tiền trong lưu thông: (Ma)
Ma =∑Mi × fi
Trong đó:
134
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Mi: Tổng lượng tiền tệ của phương tiện tiền tệ lưu thông thứ i
fi: Hệ số phản ảnh “độ lỏng” của phương tiện thứ i (0 < fi ≤ 1)
Ghi chú: Có thể coi công thức tính Ma là công thức tính tổng có gia quyền của tất
cả các thành phần tiền. Quyền số được coi là hệ số “độ lỏng”.
Dù tính tổng lượng tiền theo cách nào cũng cần lưu ý: các cách tính tổng lượng
tiền chỉ cho kết quả tương đối.

5.4. QUÁ TRÌNH CUNG ỨNG TIỀN


Trong mục 3, khi nghiên cứu về các phương pháp đo lượng tiền, chúng ta đã chỉ
ra rằng lượng tiền trong lưu thông có thể có các định nghĩa từ hẹp đến rộng. Tuy nhiên,
trong mục này, khi nghiên cứu về quá trình cung ứng tiền tệ chúng ta chỉ tập trung vào
một định nghĩa hẹp về tiền tệ với khối M1. “Tuy các định nghĩa rộng hơn về tiền tệ
thường được dùng trong việc vạch chính sách, đặc biệt là M2, chúng ta tiến hành phân
tích với định nghĩa M1 bởi vì nó ít phức tạp hơn và do đó mang lại cho chúng ta một hiểu
biết cơ bản về quá trình cung ứng tiền tệ. Hơn thế, tất cả các phân tích và các kết quả khi
sử dụng định nghĩa M1 cũng thích hợp tốt như vậy với định nghĩa M2 "8 .
Quá trình cung ứng tiền tệ (M1) là một qúa trình có sự tham gia của 4 tác nhân cơ
bản: Ngân hàng trung ương, hệ thống ngân hàng trung gian, những người gửi tiền,
những người vay tiền (bao gồm những người vay tiền từ các ngân hàng trung gian và
mua chứng khoán nợ từ những người phát hành). Chúng ta sẽ đề cập trước hết đến vai
trò của Ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại trong quá trình cung ứng
tiền tệ tức là quá trình tăng khối tiền (M1). Sau đó sẽ xem xét một mô hình đầy đủ hơn về
ảnh hưởng của các nhân tố lên quá trình này.
5.4.1. Vai trò của Ngân hàng trung ương đối với quá trình cung ứng tiền tệ
Ngân hàng trung ương là tác nhân quan trọng nhất và quyết định nhất của quá trình
cung ứng tiền. Vai trò cung ứng tiền (hay như vẫn thường được gọi là vai trò phát hành
tiền) của Ngân hàng trung ương thực hiện qua các phương thức sau:
5.4.1.1. Phát hành tiền tệ qua ngõ chính phủ
Đây là việc Ngân hàng trung ương cho chính phủ vay nợ nhằm tài trợ cho việc
thiếu hụt ngân sách dưới hình thức cho vay ứng trước. Thông thường, những khoản cho
vay ứng trước nhằm tài trợ cho những thiếu hụt tạm thời của ngân sách và được hoàn trả
ngay trong năm ngân sách. Có 3 hình thức ứng trước:

135
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Ứng trước tạm thời: là hình thức ứng trước nhằm tài trợ những nhu cầu chi tiêu
của ngân sách khi số thu và số chi không cân đối về tiến độ. Việc ứng trước này thường
xảy ra trong quý đầu của năm ngân sách và sẽ được hoàn trả trong những quý sau khi
ngân sách bội thu.
- Ứng trước bất thường: là hình thức nhằm tài trợ cho những nhu cầu chi tiêu đột
xuất trong năm ngân sách mà chưa lường trước trong kế hoạch ngân sách.
- Ứng trước thường xuyên: số ứng trước có tính chất thường xuyên trong cả năm
ngân sách do sự sai biệt giữa tổng số thu luỹ kế và tổng số chi luỹ kế của từng thời điểm
trong năm.
Số tiền ứng trước này được Ngân hàng trung ương chuyển cho Kho bạc Nhà nước
và qua đó làm tăng lượng tiền cung ứng. Một số chính phủ có thoả thuận về số tiền tối đa
mà Ngân hàng trung ương có thể ứng trước cho Kho bạc Nhà nước. Chẳng hạn, trước
đây ở Pháp, số tiền ứng trước thường xuyên tối đa là 50 tỷ FF, số tiền ứng trước tạm thời
và bất thường tối đa là 200 tỷ FF. Số tiền ứng trước tạm thời và bất thường được hoàn
trả sau 3 tháng nếu không được gia hạn.
Ở Việt Nam, theo Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành, “Ngân hàng Nhà nước
tạm ứng cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước
theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khoản tạm ứng này phải được hoàn trả trong
năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quyết định” 9. (Điều 32, mục 3,
chương 3).
5.4.1.2. Phát hành tiền tệ qua kênh ngân hàng trung gian
Ngân hàng trung ương gia tăng lượng tiền tệ cung ứng qua ngõ ngân hàng trung
gian bằng phương pháp tái cấp vốn tức cho các Ngân hàng trung gian vay lại trên cơ sở
các hoạt động cấp tín dụng mà các Ngân hàng trung gian đã thực hiện trước đó.
Ở Việt nam, hoạt động tái cấp vốn của NHTƯ được thực hiện theo những hình
thức sau:
- “Cho vay lại theo hồ sơ tín dụng.
- Chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác.
- Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn
khác” 10

5.4.1.3. Phát hành tiền qua kênh thị trường mở

9
Luật Ngân hàng Nhà nước
10
Nt (Điều 17, mục 1, chương 3)

136
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Việc NHTƯ tham gia vào việc mua, bán các giấy tờ có giá trên thị trường tài
chính nhằm điều tiết lượng cung tiền theo định hướng của chính sách tiền tệ quốc gia gọi
là nghiệp vụ thị trường mở.
Ở nghiệp vụ mua các giấy tờ có giá trên thị trường mở, NHTƯ đã cung ứng một
lượng tiền ra lưu thông. Thực chất quá trình này chính là việc NHTW cấp tín dụng thông
qua việc mua các chứng khoán nợ. Thông thường các chứng khoán mà NHTƯ mua là các
loại chứng khoán nợ do Kho bạc Nhà nước phát hành.
Như vậy, việc phát hành tiền của NHTƯ qua 3 kênh nói ở các tiểu mục 4.1.1;
4.1.2; 4.1.3 đều dựa trên cùng một cơ sở được gọi là nguyên tắc phát hành tín dụng.
Nguyên tắc tín dụng trong phát hành tiền ở đây được hiểu ở 2 khía cạnh:
- Số tiền giấy mà NHTƯ phát hành thực ra chỉ là số cho vay ứng trước. Số tiền
này không lưu hành vĩnh viễn mà sẽ trở về NHTƯ khi người vay (chính phủ hoặc ngân
hàng trung gian hoặc các chủ thể khác bán chứng khoán nợ cho NHTƯ trong nghiệp vụ
thị trường mở) thanh toán lúc đến hạn.
- Số lượng tiền phát hành trực tiếp hoặc gián tiếp đều phản ảnh nhu cầu bù đắp
thiếu hụt về tiền cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ có thực trong nền kinh tế. Nhu cầu
vay tiền của các chủ thể từ NHTƯ hoặc là nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư hoặc nhằm đáp
ứng nhu cầu tiêu dùng cũng đều thể hiện một mối quan hệ nào đó đối với hàng hoá dịch
vụ. Nói tóm lại, việc phát hành như thế hoàn toàn không phải là một sự phát hành khống
mà thực chất là đảm bảo bởi hàng hóa, dịch vụ.
5.4.1.4. Phát hành tiền qua ngõ thị trường vàng và ngoại tệ
Đây là việc NHTƯ thông qua việc mua vàng và ngoại tệ mà tăng lượng tiền cung
ứng. Bằng cách này, NHTƯ đã tăng dự trữ vàng và ngoại tệ. Trong trường hợp này, việc
phát hành dựa trên cơ sở tiền nội tệ thay thế vàng và ngoại tệ trong lưu thông. Cũng có
thể nói cách khác, lượng tiền phát hành được bảo đảm bởi số vàng và ngoại tệ - vốn là
một nguyên tắc phát hành cổ điển trong thời kỳ tiền giấy khả hoán. Đối phần của đồng
tiền phát hành thêm là số vàng và ngoại tệ tăng thêm.
Có thể hình dung một cách sơ lược bảng tổng kết tài sản của NHTƯ sau các
nghiệp vụ phát hành trên như sau:

Tài sản có Tài sản nợ


1. Số tiền chính phủ nợ Tiền phát hành
2. Số tiền ngân hàng trung 1. Tiền ứng trước cho chính phủ
gian nợ 2. Tái cấp vốn cho ngân hàng
3. Giá trị giấy tờ có giá ngắn trung gian
hạn đang sở hữu 3. Mua giấy tờ có giá ngắn hạn
4. Giá trị vàng và ngoại tệ trên thị trường mở
đang sở hữu (dự trữ) 4. Mua vàng và ngoại tệ. 137
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Số lượng tiền phát hành được phân ra 2 bộ phận: bộ phận lưu hành bên ngoài các
ngân hàng trung gian và bộ phận tồn tại dưới dạng tiền dự trữ trong hệ thống ngân hàng
trung gian. Tiền dự trữ này bao gồm 2 thành phần chính: Tiền mặt dự trữ tại các ngân
hàng (còn được gọi là tiền két) và tiền dự trữ bắt buộc (thường được gửi tại NHTƯ) .
Do vậy, bảng tổng kết nói trên được trình bày lại như sau:

Tài sản có Tài sản nợ


1. Các khoản nợ của chính phủ 1. Tiền mặt đang lưu thông ngoài
hệ thống ngân hàng trung gian
2. Các khoản của NH trung gian 2. Tiền dự trữ của hệ thống NH
3. Chứng khoán nợ mua trên thị trung gian
trường mở
4. Dự trữ vàng và ngoại tệ

Sở dĩ số tiền mà NHTƯ phát hành được coi là tài sản nợ của NHTƯ vì tiền giấy
được coi như là một giấy nợ do NHTƯ phát hành, có điều là khoản nợ này trong điều
kiện tiền giấy khả hoán sẽ được hoán trả bằng vàng bởi NHTƯ nhưng với tiền giấy bất
khả hoán, chúng chỉ đơn thuần là một khoản nợ không có thời hạn thanh toán đối với
người phát hành.
Tổng số nợ tiền tệ của NHTƯ gồm tiền mặt đang lưu thông và tiền dự trữ của hệ
thống ngân hàng trung gian được gọi là cơ số tiền tệ (Moneytary base) hay còn gọi là
tiền có quyền lực cao (high - powered money). Chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao số lượng tiền
tệ này được gọi như thế và ý nghĩa của cơ số tiền tệ đối với lượng cung tiền trong phần
sau.
5.4.2. Quá trình tạo tiền của ngân hàng trung gian
Cùng với sự xuất hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân
hàng trung gian được trao một khả năng mới đó là khả năng sáng tạo “tiền ghi sổ”. Nói
cách khác, các ngân hàng này đã làm tăng khối tiền gửi thanh toán so với số tiền mặt
pháp định được gửi thực sự vào hệ thống ngân hàng trung gian. Và như vậy đã làm tăng
khối lượng tiền cung ứng M1.
Để có thể hiểu cặn kẽ quá trình tạo tiền “bút tệ” của các ngân hàng trung gian
cần có một ít kiến thức về kế toán. Mặt khác, một số vấn đề, chẳng hạn, số nhân tiền đã
được đề cập khá kỹ trong môn học kinh tế vĩ mô nên ở đây chỉ đề cập những điểm căn
bản và phân tích một số điểm chưa được triển khai trong kinh tế học vĩ mô.
5.4.2.1. Tạo tiền của riêng một ngân hàng trung gian

138
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Phương thức tạo tiền của một ngân hàng trung gian thường được thực hiện thông
qua các nghiệp vụ sau:
- Cho vay bằng chuyển khoản: khi một ngân hàng cho khách hàng vay bằng tiền
mặt, tiền không được tạo ra thêm. Vì nghiệp vụ này đã làm giảm tài sản có tiền mặt của
ngân hàng để gia tăng tài sản có cho vay. Bảng cân đối kế toán sau nghiệp vụ này sẽ có
sự thay đổi như sau:
Giả sử NH cho vay 100 đơn vị bằng tiền mặt
Tài sản có Tài sản nợ
Tiền mặt: - 100
Cho vay: + 100
Tăng : 0

Tuy nhiên, khi ngân hàng cho một khách hàng vay chuyển khoản nghĩa là số tiền
cho vay được ghi tăng vào tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng mà không được
chuyển bằng tiền mặt thì ngân hàng đã gia tăng lượng tiền mà trước hết đã gia tăng tài
sản có và tài sản nợ của chính ngân hàng đó. Giả sử một ngân hàng cho khách hàng vay
100 đơn vị tiền tệ để chuyển vào tài khoản tiền gửi hoặc thanh toán cho một khách hàng
khác bằng chuyển khoản, bút toán mà ngân hàng sẽ thực hiện là:
Nợ (tăng) tài khoản cho vay (tài sản có) : + 100 đơn vị tiền tệ
Có (tăng) tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng: + 100 đơn vị tiền tệ
Bảng cân đối kế toán của ngân hàng sau nghiệp vụ này sẽ biến động như sau:
Tài sản có Tài sản nợ
Cho vay: +100 Tiền gửi thanh toán của
khách hàng: +100

Tăng : 100 Tăng: 100

- Cho khách hàng thấu chi: thấu chi là nghiệp vụ trong đó ngân hàng với tư cách
là trung gian thanh toán cho phép khách hàng được chi trả vượt quá số dư trên tài khoản
tiền gửi tại Ngân hàng. Nói cách khác, Ngân hàng đã thu một số tiền của người trả ít hơn
số tiền mà nó trả cho người hưởng.
5.4.2.2. Tạo tiền do kết quả liên kết toàn hệ thống ngân hàng trung gian
Giả sử khách hàng A gửi một khoản tiền mặt 100 đơn vị (nằm trong cơ số tiền tệ)
vào NH1. Bảng cân đối kế toán của NH1 sau nghiệp vụ này biến động như sau:

139
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Tài sản có Tài sản nợ


Tiền mặt: +100 Tiền gửi của A: +100
Tăng: 100 Tăng: 100
Bây giờ NH1 cho khách hàng B vay, giả sử bằng tiền mặt. Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc
là 10% và giả sử NH1 cho vay hết số dự trữ quá mức thì bảng cân đối của NH1 biến động
như sau:
Tài sản có Tài sản nợ
Cho B vay: +90
Giảm TM: - 90

Rõ ràng, sau nghiệp vụ cho vay bảng cân đối của NH1 không thay đổi.
Cũng lại giả sử tiếp là số tiền trên B trả cho C toàn bộ. C lại gửi vào NH2. Bảng
cân đối của NH2 lúc này biến động:
Tài sản có Tài sản nợ
TM: + 90 TG của C: +90
Tăng: +90 Tăng: + 90

Như vậy, từ một lượng tiền mặt gửi vào là 100 đơn vị đã có một lượng tiền gửi
thanh toán (của A và C) tăng thêm là 100 + 90 = 190 đơn vị ở ngân hàng 1 và 2. Mấu
chốt của vấn đề là ở chỗ: trong khi NH1 sử dụng số tiền của A để cho B vay thì A vẫn
được toàn quyền sử dụng 100 đơn vị tiền gửi của mình trong thanh toán. Điều này chỉ có
được trên cơ sở có sự tồn tại của thanh toán không dùng tiền mặt.
(Lưu ý: Nếu C mở tài khoản tại NH1 hoặc thay vì cho vay bằng tiền mặt, NH1
thanh toán chuyển khoản cho C thì quá trình tạo tiền gửi vẫn không thay đổi).
Tiếp tục như vậy, NH2 lại cho D vay, số tiền lúc này là 81 đơn vị (trừ 10% dự trữ
bắt buộc) và D lại thanh toán cho E, E gửi vào NH3 thì số tiền gửi tạo thêm lúc này là:
100 + 90 +81.
Kết quả là với một sự gia tăng lượng tiền gửi ban đầu ở một NH thứ nhất là d và
với tỷ lệ dự trữ bắt buộc là rd (0< rd <1) thì công thức tính tổng lượng tiền tăng thêm
(  Mg) sẽ là:
 Mg = (d  1) + d (1 - rd) + d (1- rd)2 + d (1- rd)3 + .... +
= d [ 1 + (1- rd ) + (1- rd)2 + .... + (1- rd )n + .... + ]
Giả sử n tức là số ngân hàng tiến đến vô cùng, điều này có nghĩa là quá trình cho
vay, thanh toán và gửi tiền diễn ra lặp đi lặp lại vô hạn lần, áp dụng công thức tính chuỗi
cấp số nhân lùi vô hạn ta có công thức sau:

140
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

1 1
M g = d  = d
1- (1- r d) rd
1 1
Gọi kg = ta có: ∆Mg = kg 
rd rd
Do rd < 1 nên kg > 1, ta có thể nói: với một sự gia tăng tiền gửi vào một NH nhất
định, tiền gửi thanh toán sẽ được tăng lên kg lần. Hệ số (kg) gọi là bội số tiền gửi hay số
nhân tiền gửi. Trong ví dụ trên, kg = 10, nghĩa là với 100 đơn vị tiền gửi vào NH1, số tiền
gửi được tạo ra trong hệ thống NH trung gian sẽ là 10 x 100 = 1000 đơn vị
Có 2 điểm cần đặc biệt lưu ý khi nghiên cứu về số nhân tiền gửi:
(i) Công thức tính bội số tiền gửi nói trên dựa trên nhiều giả định và có 2 giả định
về căn bản là khó xảy ra:
- Ngân hàng cho vay hết toàn bộ số tiền dự trữ quá mức.
- Toàn bộ số tiền mặt mà các chủ thể nhận được sẽ được gửi hết vào ngân hàng.
(ii) Ngược với quá trình tạo tiền là quá trình huỷ tiền. Khi có một lượng tiền gửi
được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng thì lượng tiền gửi thanh toán giảm đi cũng sẽ là:
-  Mg= kg  (-d)
Khả năng tạo tiền của các NH trung gian là hệ quả tất yếu của việc thanh toán
không dùng tiền mặt. Khả năng này tạo ra một cơ chế thuận tiện cho các hoạt động của
hệ thống NH trung gian. Tuy nhiên, vì những lợi ích vĩ mô đối với việc điều hành chính
sách tiền tệ và hệ thống NH nên NHTƯ phải tiến hành những biện pháp hạn chế. Một
trong những biện pháp là quy định các tỷ lệ, chẳng hạn tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ giữa
vốn tự có với tài sản có. Mặt khác, về phía các NH trung gian, việc tạo tiền cũng tạo nguy
cơ mất an toàn thanh khoản nên các ngân hàng buộc phải tự chế.
Hiện tượng tạo tiền của các NH trung gian đã dẫn đến sự xuất hiện của hình thái
bút tệ hay còn gọi là tiền ghi sổ. Theo đó, tiền được tạo ra trên sổ và được thanh toán
cũng bằng phương pháp ghi sổ.
5.4.3. Mô hình đầy đủ về ảnh hưởng của các tác nhân lên quá trình cung ứng tiền
tệ

5.4.3.1. Lý do xây dựng mô hình


Việc xây dựng một mô hình đầy đủ về ảnh hưởng của các tác nhân lên quá trình
cung ứng tiền tệ (M1) xuất phát từ những lý do sau:
(i) Mô hình bội số tiền gửi vừa xét trong mục 2 có hai nhược điểm chủ yếu là:
- Dựa trên hai giả định không thực tế như đã đề cập trong tiểu mục 4.2.2.

141
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Ý nghĩa thực tiễn rất thấp vì trong mô hình nói trên chỉ có một nhân tố mà
NHTƯ có thể can thiệp là rd. Trong khi đó, biến số d là biến số rất khó kiểm soát bởi trên
thực tế, không thể biết được NH nào là NH1 trong mô hình nói trên.
(ii) Cần có một mô hình giải thích đầy đủ ảnh hưởng của bốn tác nhân cơ bản như
đã nói ở phần đầu mục 4.
(iii) Do cơ số tiền tệ là một nhân tố mà NHTƯ hoàn toàn kiểm soát được nên một
mô hình thể hiện được mối liên hệ giữa cơ số tiền tệ với lượng tiền cung ứng là một mô
hình có ý nghia thực tiễn cao.
5.4.3.2. Mô hình lượng tiền cung ứng
Việc phát triển các lập luận để đi đến một mô hình toán học của lượng tiền cung
ứng là khá phức tạp và dài dòng nên ở đây chỉ đề cập một cách vắn tắt.
Gọi - HM Là cơ số tiền tệ (Monetary base)
- M (M1) Lượng tiền cung ứng tương ứng khối M1
- km Là tỷ lệ tiền mặt (TM) đang lưu thông ngoài NH so với lượng tiền gửi
thanh toán (Tg) tức là:
TM
km =
Tg
- ko là tỷ lệ giữa tiền dự trữ quá mức (To) tức tiền dự trữ trong ngân hàng
trung gian vượt quá tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với tiền gửi thanh toán (Tg) tức là:
To
ko =
Tg

- rd : tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với tiền gửi thanh toán.


Ta có :
HM = Tiền dự trữ trong hệ thống ngân hàng trung gian + Tiền mặt đang lưu thông
HM = dự trữ bắt buộc + dự trữ vượt mức + tiền mặt dang lưu thông
To TM
HM = rd x Tg + x Tg + x Tg
Tg TG

HM=Tg [rd+ ko + km] (1)


Mặt khác, lượng tiền cung ứng (M) lại bằng tiền mặt đang lưu thông cộng tiền gửi
thanh toán tức là:
M = T M + Tg
Vì TM = km x Tg nên có thể viết lại:
M = km x Tg + Tg = Tg (1 + km) (2)
142
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

HM
Từ (1) ta lại có: Tg = (3)
rd + ko + km
Thay Tg từ (3) vào (2) ta có:
HM 1 kM
M= x (1+km) = x HM (4)
rd  k M  k o rd  k M  k O
1 kM
Ký hiệu m = (5) ta có thể viết lại:
rd  k M  k O

M = m x HM

Như vậy, chúng ta đã xây dựng được mô hình số nhân tiền trong đó cứ một đơn vị
cơ số tiền tệ tăng lên sẽ gây ra một sự gia tăng gấp m lần trong lượng cung tiền. Số nhân
m được xác định bởi công thức (5).
Để phát triển mô hình, chúng ta có thể phân tích cơ số tiền tệ thành 2 phần: (i)
Thành phần tiền cung ứng của NHTƯ cho hệ thống ngân hàng trung gian qua hoạt động
tái cấp vốn và cho chính phủ vay, ký hiệu là HMC và (ii) thành phần tiền cung ứng qua
các kênh còn lại tức là qua nghiệp vụ thị trường mở và qua thị trường vàng và ngoại tệ,
ký hiệu HMT
Như vậy: HM = HC + HMT (6)
Lý do của việc phân chia cơ số tiền tệ thành hai thành phần là vì rất dễ thấy HMT
phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của NHTƯ, trong khi đó HMC lại phụ thuộc chủ yếu
vào quyết định của các ngân hàng trung gian và chính phủ khi lấy quyết định về việc vay
tiền của NHTƯ.
Cuối cùng từ (4) kết hợp với (6) ta có một mô hình toán học hoàn chỉnh về các
nhân tố ảnh hưởng đến lượng tiền cung ứng (M) như sau:
M = m x HM = m (HMC + HMT)

1 km
M= ( HMC +HMT) (7)
rd  k m  k o

5.4.3.3. Ý nghĩa thực tiễn của mô hình


Mô hình (7) thực chất là một công thức chỉ rõ mối liên hệ toán học giữa các nhân
tố ảnh hưởng với lượng tiền cung ứng. Nó có nhiều ý nghĩa thực tiễn nhưng ý nghĩa chủ
yếu nhất là cho phép phân tích ảnh hưởng của các nhân tố cơ bản đối với lượng tiền
cung ứng M1.

143
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Bảng sau đây minh hoạ việc phân tích ảnh hưởng các tác nhân căn cứ vào mô
hình (7)
Ảnh hưởng đến
Ảnh hưởng đến M
Tác nhân Tác động biến số trong mô
(lý do)
hình
- Tăng tỷ lệ dự trữ bắt Tăng rd Giảm (giảm m)
buộc
- Phát hành thông qua Tăng HMT Tăng
thị trưởng mở mở và
1. NHTƯ
thị trường vàng, ngoại
tệ
- Tăng lãi suất tái cấp Giảm HMC Giảm
vốn
- Thu nhập tăng Giảm km Tăng (tăng m)
2. Những - Hoạt động kinh tế Tăng km Giảm (giảm m)
người gửi tiền ngầm tăng
- Lòng tin vào NH Tăng km Giảm (giảm m)
giảm
- Lãi suất đối với tiền Giảm km Tăng (Tăng m)
3. Các ngân
gửi thanh toán tăng
hàng trung
- Ước tính dòng tiền Tăng kovì NH tăng Giảm (Giảm m)
gian
mặt rút ra tăng dự trữ quá mức
4. Những
- Lãi suất thị trường Giảm ko và Tăng (tăng m)
người vay
tăng Tăng HMC Tăng
tiền

Chú ý:
(1) Bảng trên chỉ phân tích theo chiều các tác động gia tăng/giảm, chiều ngược lại
dễ dàng suy ra.
(2) Các nhân tố tác động rất đa dạng, Bảng chỉ minh hoạ những tác động chủ yếu.
(3) Chúng ta đã bỏ qua tác nhân chính phủ do hoạt động vay tiền của chính phủ
trong điều kiện đã có thị trường tiền tệ chủ yếu được thực hiện thông qua nghiệp vụ thị
trường mở. Tuy thế, ảnh hưởng của việc ứng trước tiền của chính phủ đối với NHTƯ
cũng rất dễ dàng suy ra, nó làm tăng HMC nên cũng làm tăng M trong ngắn hạn.

144
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

(4) Ảnh hưởng của các tác động đến các nhân tố (biến số) rất khó tách biệt, bản
thân các nhân tố lại tác động lẫn nhau. Để có một cái nhìn toàn diện, sinh viên phải tự
mình đưa ra những ví dụ và phân tích tác động nhiều mặt.
(5) Các ảnh hưởng đến M được suy ra trực tiếp từ mô hình toán học (7), riêng sự
biến động của km nghịch biến với m được chứng minh bằng nhiều cách. Ở đây, trình bày
cách chứng minh bằng đạo hàm:
1 kM
Ta có: m=
rd  k M  k O
Tính đạo hàm của hàm số m theo biến km
rd +km + ko - (1 +km) rd + ko - 1
m' = =
(rd + ko + km)2 (rd + ko + km)2

(0 < rd, km,ko <1)

Dự trữ bắt buộc To Tiền dự trữ trong hệ thống NH


Vì rd + ko = + =
Tg Tg Tg
mà Tg theo lập luận ở phần trên luôn lớn hơn tiền dự trữ trong hệ thống NH trung gian
nên rd + ko< 1 nên rd + ko - 1 < 0 và vì (rd +km+ ko )2 >0 (  km) nên m' < 0 (  km) suy ra
hàm số m nghịch biến với km. Đó là điều cần chứng minh.

5.5. CẦU VỀ TIỀN TỆ


Đã có nhiều lý thuyết khác nhau về cầu tiền trong nền kinh tế. Tựu trung, các lý
thuyết này trình bày kết quả nghiên cứu về 2 vấn đề chủ yếu: các động cơ cấu thành nhu
cầu tiền của các chủ thể trong nền kinh tế và các nhân tố ảnh hưởng đến mức cầu tiền,
nói cách khác, các biến có thể có của hàm cầu tiền.
Sự phát triển của các lý thuyết cũng như các bằng chứng thực nghiệm (cho đến
gần đây) cho phép rút ra các kết luận có tính chất thực tiễn sau:
5.5.1. Các động cơ giữ tiền của các chủ thể
Tiền được giữ bởi các chủ thể nói ở đây là lượng tiền M1 (tức bao gồm tiền mặt và
tiền gửi thanh toán tại các trung gian thanh toán). Mặc dù, một số tài sản khác vẫn có
thể là công cụ thanh toán nhưng chỉ có lượng tiền M1 là có khả năng tham gia vào lưu
thông lớn nhất.
Động cơ giữ tiền của các chủ thể trong nền kinh tế thường được phân thành 3
loại:

145
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

5.5.1.1. Động cơ giao dịch


Nhu cầu tiền tệ cho giao dịch là số tiền cần được giữ để phục vụ cho các nhu cầu
thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể. Nhu cầu này liên hệ chặt chẽ với
chức năng phương tiện trao đổi của tiền tệ.
Nhu cầu tiền cho động cơ giao dịch phụ thuộc vào những nhân tố sau:
(i) Mức chi phí cho các giao dịch nhằm chuyển đổi tiền thành các tài sản có mức
sinh lời dự tính cao hơn tiền và ngược lại chuyển đổi từ các tài sản đó thành tiền. Trong
một thời gian khá dài các khoản tiền gửi thanh toán không được trả lãi (theo những quy
định điều tiết của Nhà nước) nên lợi tức của việc giữ tiền (bao gồm tiền mặt và tiền gửi
thanh toán) xem như bằng 0. Hiện nay, dưới tác động của xu hướng giải điều tiết
(deregulation), các khoản tiền gửi dạng này đã được trả lãi (sẽ đề cập ở phần sau). Trên
thực tế, nhiều tài sản đặc biệt là tài sản tài chính vừa có tính lỏng cao vừa có khả năng
sinh lợi cao hơn tiền. Do đó, để đáp ứng nhu cầu giao dịch, các chủ thể sẽ quyết định
phối hợp một danh mục tài sản bao gồm tiền và các tài sản sinh lời để tối đa hóa lợi ích.
Danh mục tài sản phải bảo đảm khả năng cung ứng một lượng tiền đủ cho nhu cầu giao
dịch thường xuyên. Ví dụ: một người có thu nhập thường xuyên là 1000 đơn vị. Ông ta có
thể lựa chọn chẳng hạn giữa 2 phương án:
- Phương án 1: đầu tháng giữ 500 đv bằng tiền mặt, 500 đv bằng chứng khoán
nợ ngắn hạn. Đến giữa tháng khi tiền mặt bằng 0, sẽ bán chứng khoán nợ để có tiền mặt.
Như vậy, số tiền nắm giữ bình quân trong tháng sẽ là 250.
- Phương án 2: đầu tháng giữ 1/3 của thu nhập bằng tiền mặt tức 333 đv và 2/3
dưới dạng chứng khoán nợ ngắn hạn tức 666 đv. Đến thời điểm 1/3 tháng, bán ½ chứng
khoán nợ để lấy tiền. Đến hết tháng, bán tiếp 1/3 chứng khoán còn lại để lấy tiền. Số tiền
giữ bình quân trong tháng là (333 +0 )/2 = 166,7 đv.
Phương án thứ hai rõ ràng có lợi ích cao hơn phương án thứ nhất. Phát triển
những cách lập luận tương tự, nếu chia nhỏ thời gian hơn nữa, lợi tức đạt được cho danh
mục tài sản sẽ lớn hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế có một trở ngại rất căn bản đã khiến cho các chủ thể thay
vì tăng tỷ trọng đầu tư vào các tài sản sinh lời đã làm ngược lại, tức tăng tỷ trọng nắm
giữ tiền để phục vụ giao dịch. Lý do là tồn tại các chi phí giao dịch cho việc mua, bán
các tài sản sinh lời phi tiền tệ. Các chi phí giao dịch phụ thuộc vào sự phát triển của thị
trường tài chính, vào quy mô của giao dịch...Khi chi phí giao dịch lớn hơn lợi tức kỳ
vọng của tài sản phi tiền, người ta sẽ quyết định giữ tiền. Tóm lại, nhu cầu tiền cho giao
dịch tỷ lệ với chi phí giao dịch để chuyển tiền thành tài sản phi tiền tệ và ngược lại.
(ii) Lợi tức kỳ vọng của các tài sản phi tiền tệ. Trong bối cảnh thị trường tài chính
phát triển, các tài sản tài chính ngày càng đa dạng, cung cấp nhiều cơ hội lựa chọn, các

146
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

chủ thể sẽ cân nhắc giữa việc giữ tiền với mức sinh lời thấp hoặc âm (trong trường hợp
tỷ lệ lạm phát cao) với việc nắm giữ các tài sản tài chính. Ngoài các tài sản tài chính,
đầu tư vào một số tài sản khác vẫn có khả năng sinh lợi như bất động sản, tác phẩm nghệ
thuật, đồ cổ...Trong tương quan này, yếu tố quyết định sự chọn lựa giữa nắm giữ tiền với
đầu tư vào tài sản phi tiền chính là lợi tức dự tính về các tài sản phi tiền. Lợi tức này
chính là chi phí cơ hội (opportunity cost) của việc giữ tiền. Dễ thấy, cầu tiền giao dịch tỷ
lệ nghịch với lợi tức này.
Tổng hợp 2 nhân tố (i) và (ii) nói ở trên ta thấy: động cơ giữ tiền cho giao dịch
phụ thuộc vào hiệu số giữa chi phí cơ hội của việc giữ tiền với chi phí giao dịch nói ở
mực (i). Nói cách khác, nếu hiệu số trên là < 0, mọi người sẽ ít nắm giữ tiền và ngược
lại.
Mặt khác, lợi tức của các tài sản phi tiền được thể hiện một cách tương đối qua
lãi suất bình quân của nền kinh tế. Điều này dẫn đến một kết luận rất quan trọng về lý
thuyết là khi lãi suất thay đổi, cầu tiền giao dịch cũng thay đổi và do đó, tốc độ lưu thông
tiền tệ cũng thay đổi theo lãi suất.
(iii) Mức thu nhập: Ở góc độ vi mô, khi thu nhập của các chủ thể trong nền kinh tế
tăng lên, nhu cầu giao dịch của họ tăng lên đòi hỏi phải nắm giữ một lượng tiền lớn hơn.
Ở góc độ vĩ mô, khi GDP tăng, tổng nhu cầu giao dịch trong nền kinh tế cũng tăng tương
ứng, kéo theo tổng lượng tiền nắm giữ cho cầu giao dịch cũng tăng tương ứng. Nói cách
khác, cầu giao dịch của tiền tỷ lệ với mức thu nhập.
(iv) Lạm phát: Tác động của lạm phát, như đã biết, sẽ làm sức mua của tiền giảm
sút. Do đó, trong điều kiện có lạm phát việc nắm giữ tiền sẽ bất lợi so với nắm giữ các tài
sản khác có khả năng điều chỉnh giá theo lạm phát. Vì vậy, cầu giao dịch của tiền sẽ tỷ lệ
nghịch với tỷ lệ lạm phát.
Xu hướng giải điều tiết và các đổi mới tài chính hiện nay đã dẫn đến hai hệ quả:
- Các ngân hàng đã trả lãi ngày càng cao cho các tài khoản tiền gửi thanh toán.
- Để có thể thu hút ngày càng nhiều hơn các khoản tiền gửi không kỳ hạn, các
Ngân hàng đã sáng tạo ra các sản phẩm tiền gửi kết hợp 2 chức năng: thanh toán và đầu
tư (chẳng hạn, các tài khoản NOW, ATS, Sweep acount..). Đây là một giải pháp nhằm
tạo ra lợi tức ngày càng cạnh tranh hơn cho tài khoản tiền gửi thanh toán trong khuôn khổ
các quy định pháp lý hiện hành.
Hai hệ qủa nói ở trên, đến lượt nó lại lại là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc nắm
giữ tiền dưới dạng tiền gửi thanh toán cho nhu cầu giao dịch.
5.5.1.2. Động cơ dự phòng

147
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Nhu cầu nắm giữ tiền vì động cơ dự phòng được hiểu là việc giữ tiền cho các chi
tiêu không dự tính trước được.
Dễ thấy là với thực tiễn kinh tế hiện nay, ngoài việc giữ tiền để dự phòng cho các
chi tiêu đột xuất, các chủ thể có thể lựa chọn các phương án khác, chẳng hạn, bán các tài
sản phi tiền tệ đang sở hữu mà trước hết là các tài sản tài chính có độ lỏng cao; rút các
khoản tiền gửi có kỳ hạn, vay mượn... Do đó, quyết định về việc nắm giữ hay không, nắm
giữ với số lượng bao nhiêu tiền cho nhu cầu dự phòng suy cho cùng cũng phụ thuộc vào
chính những nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu tiền cho giao dịch.
Các nhân tố thuộc môi trường vĩ mô cũng có ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiền
dự phòng, chẳng hạn, sự bất ổn định của nền kinh tế, lòng tin của các chủ thể vào triển
vọng của nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp...
Tuy nhiên, có thể thấy một xu hướng là nhu cầu nắm giữ tiền để dự phòng sẽ có
sự sụt giảm tương đối theo thời gian. Lý do là ngày càng có nhiều công cụ tài chính vừa
an toàn vừa có độ thanh khoản cao cho phép các tổ chức và cá nhân kết hợp nhu cầu dự
phòng với nhu cầu đầu tư sinh lợi.
5.5.1.3. Động cơ đầu cơ/đầu tư
John Maynard Keynes đã phát triển lý thuyết của trường phái Cambridge về nhu
cầu cất giữ tiền như một loại của cải. Trong lý thuyết của mình, J. M. Keynes đã gọi nhu
cầu này là động cơ đầu cơ (specultive motive).
Theo cách phân tích của J.M. Keynes, nhu cầu nắm giữ tiền để đầu cơ xuất hiện
khi lợi tức dự tính về tiền cao hơn lợi tức dự tính về trái phiếu (lý thuyết của Keynes đặt
giả định có 2 loại của cải để cất giữ là tiền và trái phiếu). Mặc dù lợi tức dự tính về tiền
theo lập luận của Keynes là bằng 0, nhưng trong một số trường hợp vẫn cao hơn lợi tức
dự tính của trái phiếu. Bởi vì lợi tức của trái phiếu bằng tổng của tiền lãi và khoản chênh
lệch giá của trái phiếu. Trong trường hợp khoản chênh lệch giá là âm (do nhiều nhân tố
mà một trong những nhân tố quyết định là lãi suất tăng) và khoản chênh lệch âm này lớn
hơn tiền lãi thì tổng lợi tức của trái phiếu sẽ âm. Việc giữ tiền trong trường hợp này sẽ có
lợi hơn trái phiếu. Như vậy, khi lãi suất tăng thì cầu tiền đầu cơ sẽ giảm. Nói cách khác,
cầu tiền đầu cơ tỷ lệ nghịch với lãi suất.
Lý thuyết của Keynes vì xuất hiện trong bối cảnh hệ thống tài chính còn kém phát
triển nên khi đặt trong thực tiễn kinh tế và hệ thống tài chính hiện đại đã bộc lộ nhiều
điểm bất cập. Những điểm bất cập chủ yếu là:
- Trong điều kiện có lạm phát, lợi tức dự tính của tiền sẽ là âm, chẳng hạn nếu tỷ
lệ lạm phát là 4% thì lợi tức dự tính của tiền sẽ là - 4%.

148
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Thị trường tài chính cho phép người đầu tư có thể lựa chọn nhiều công cụ tài
chính vừa an toàn, có tính lỏng cao, vừa có khả năng sinh lợi chắc chắn chẳng hạn tín
phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, tiền gửi tiết kiệm,chứng chỉ tiền gửi (CDs)... Mặt khác,
thị trường cũng đã phát minh các công cụ phòng ngừa rủi ro có hiệu quả như các công cụ
phái sinh…cho phép người đầu tư tối thiểu hóa rủi ro.
Vì vậy, có thể rút ra nhận định: nhu cầu giữ tiền vì động cơ đầu cơ sẽ khó có thể
tồn tại trong điều kiện hiện nay.
5.5.2. Hàm số cầu tiền
Lý thuyết số lượng tiền tệ hiện đại của Milton Friedman đã đưa ra mô hình hàm số
cầu tiền như sau:
Md/P = f(Yp, rb – rm, re – rm , ∏e - rm)
(Cần lưu ý: cách tiếp cận của Milton Friedman là không xem xét cầu tiền theo các
động cơ mà nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng chung đến cầu tiền)
Trong đó,
- Md/P: cầu tiền theo giá trị thực (đã loại trừ yếu tố tăng giá trị danh nghĩa)
- Yp: Mức thu nhập thường xuyên (được xem như thu nhập dài hạn bình quân dự
tính).
- rm : lợi tức dự tính (kỳ vọng) về tiền (các lợi ích nhận được từ tiền gửi thanh toán
bao gồm các dịch vụ được cung ứng bởi các trung gian thanh toán và tiền lãi nhận được
từ các dạng tài khoản tiền gửi thanh toán).
- rb : lợi tức dự tính (kỳ vọng) về trái phiếu
- re : lợi tức dự tính (kỳ vọng) về cổ phiếu thường
- ∏e : Tỷ lệ lạm phát dự tính (kỳ vọng)
Theo phân tích của M. Friedman, cầu tiền tỷ lệ thuận với mức thu nhập (Y b) và tỷ
lệ nghịch với 3 nhân tố:
- Chênh lệch giữa lợi tức dự tính về trái phiếu so với lợi tức dự tính về tiền (rb -
rm).
- Chênh lệch giữa lợi tức dự tính về cổ phiếu so với lợi tức dự tính về tiền (r e –
rm).
- Chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát dự tính so với lợi tức dự tính về tiền. ( ∏e – rm )
Mỗi nhân tố nói trên thể hiện một sự so sánh giữa lợi ích của việc giữ tiền và lợi
ích của việc nắm giữ các tài sản thay thế (theo lý thuyết lượng cầu tài sản). Các tài sản
thay thế nói ở đây bao gồm: trái phiếu (nhân tố thứ nhất); cổ phiếu (nhân tố thứ 2); hàng
hóa (nhân tố thứ 3). Đối với hàng hóa, phân tích của M. Friedman dựa trên giả định: lợi

149
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

tức của hàng hóa trong điều kiện không có lạm phát là bằng 0, nhưng ảnh hưởng của
lạm phát sẽ làm cho hàng hóa tăng giá. Do đó, trong điều kiện tỷ lệ lạm phát lớn hơn lợi
ích của việc giữ tiền, người ta sẽ chọn tài sản thay thế là hàng hóa để đầu cơ thay vì giữ
tiền.
Hàm cầu tiền của M. Friedman là một gợi ý rất tốt cho việc xây dựng hàm cầu
phản ảnh đầy đủ những nhân tố ảnh hưởng đến các động cơ giữ tiền đã đề cập trong mục
5.1. Giữ nguyên các ký hiệu như trên đồng thời lưu ý thêm một số khía cạnh sau:
- Chi phí giao dịch (ký hiệu là ce) nhằm chuyển đổi tiền thành các tài sản có mức
sinh lời dự tính cao hơn tiền và ngược lại chuyển đổi từ các tài sản đó thành tiền (xem
5.1.1) chưa được tính đến trong mô hình hàm cầu của M. Friedman. Cầu tiền tỷ lệ với chi
phí giao dịch. Chi phí giao dịch là một nhân tố cản trở việc lựa chọn việc nắm các tài sản
thay thế của tiền. Căn cứ vào những phân tích ở mục 5.1.1. dễ dàng suy ra, cầu tiền tỷ lệ
nghịch với hiệu số giữa lợi tức kỳ vọng của các tài sản thay thế với chi phí giao dịch. Bổ
sung yếu tố chi phí giao dịch này vào hàm cầu tiền của M. Friedman, cầu tiền sẽ tỷ lệ
nghịch với hiệu số : [lợi tức của tài sản thay thế tiền - lợi tức của tiền (rm) – chi phí giao
dịch (ce ) ] (*)
- Các tài sản thay thế hiện nay rất đa dạng. Có thể xem trái phiếu là đại diện cho
các công cụ (tài chính) nợ (bao gồm cả tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ
tiền gửi, thương phiếu..); cổ phiếu đại diện cho các khoản góp vốn dưới các hình thức đa
dạng. Tuy nhiên, còn khá nhiều tài sản thay thế khác (tài sản thực) có khả năng sinh lời
> 0 ngay cả trong điều kiện không có lạm phát (xem 5.1.1). Do đó, lợi tức dự tính của
việc nắm giữ các tài sản này sẽ là tổng của tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ sinh lời dự tính của các
tài sản thay thế là tài sản thực (ký hiệu là ra) . Bổ sung yếu tố này vào hàm cầu tiền của
M. Friedman, lợi tức dự tình của việc nắm giữ tiền bây giờ sẽ là ra + ∏e . Mặt khác, vì
cũng là một tài sản thay thế nên áp dụng biểu thức (*) vào trường hợp các tài sản thực ta
có: cầu tiền tỷ lệ nghịch với (ra + ∏e - rm - ce)
Tổng quát, ta có thể xây dựng mô hình hàm cầu tiền với hai biến mới là c e và ra
như sau:
Md/P = f(Yp, rb – rm - ce, re – rm - ce , ra + ∏e - rm -ce)
Trong đó:
- ce : chi phí chuyển đổi từ tiền sang các tài sản thay thế và ngược lại
- ra : Tỷ lệ sinh lời dự tính của các tài sản thay thế là tài sản thực (real assets)
Hàm cầu tiền sẽ tỷ lệ thuận với Yb và tỷ lệ nghịch với:
- rb – rm - ce
- re – rm - ce

150
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- ra - ∏e - rm ./.

151
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TÓM TẮT CHƯƠNG 5


-------

1. "Tiền là bất cứ thứ gì được chấp nhận chung trong việc thanh toán để nhận hàng
hoá, dịch vụ hoặc trả nợ". Cách định nghĩa này căn cứ vào chức năng cơ bản của tiền. Đây là
định nghĩa rất giản dị về tiền nhưng lại bao quát và cho phép giải thích những hình thái tiền tệ
đa dạng
2. Tiền tệ có 3 chức năng cơ bản: chức năng phương tiện trao đổi; chức năng thước đo
giá trị; chức năng dự trữ giá trị. Chức năng của tiền thể hiện ở chỗ tối thiểu hoá chi phí khi
thay thế các phương tiện khác trong trao đổi; đo lường giá trị; dự trữ.
3. Để tiền phát huy tốt các chức năng của mình, điều căn bản nhất là tiền phải có
sức mua ổn định theo thời gian. Vì vậy, duy trì sự ổn định của tiền tệ (tức kiềm chế lạm
phát ở một tỷ lệ thích hợp) là một lựa chọn ưu tiên của điều hành kinh tế vĩ mô.
4. Quá trình phát triển của hệ thống tiền tệ hay là quá trình phát triển các hình
thái tiền tệ trải qua hai giai đoạn: giai đoạn hóa tệ và giai đoạn tiền quy ước.
Giai đoạn hóa tệ là một giai đoạn kéo dài khá lâu trong lịch sử và được chia làm
2 thời kỳ: thời kỳ hóa tệ phi kim và thời kỳ hóa tệ kim loại.
Tiền quy ước bao gồm nhiều loại rất đa dạng. Căn cứ vào đặc điểm hình thái, tiền
quy ước bao gồm: tiền kim loại kém giá và tiền giấy. Căn cứ vào đặc điểm phát hành,
tiền quy ước bao gồm: giấy bạc ngân hàng và tiền do nhà nước phát hành hoặc bảo hộ
phát hành. Căn cứ vào cơ sở giá trị trao đổi, tiền quy ước bao gồm tiền khả hoán và tiền
bất khả hoán.
Hiện nay, tiền ở tất cả các nước đều là tiền do NHTƯ phát hành bao gồm tiền giấy
và một số ít tiền kim loại kém giá và đều là tiền bất khả hoán.
5. Quá trình phát triển của tiền tệ luôn diễn ra theo 2 xu hướng:
- Tạo điều kện tối thiểu hoá chi phí giao dịch
- Giảm dần giá trị thực của bản thân vật làm tiền tệ từ chỗ có giá trị thực bằng giá
trị danh nghĩa đến chỗ giá trị thực gần như bằng 0 (trong hình thái tiền giấy pháp định)
6. Sự phát triển của hệ thống tiền tệ tương tác một cách chặt chẽ với sự tiến triển
trong hệ thống thanh toán. Chính việc thanh toán không dùng tiền mặt đã làm nảy sinh ra
hình thái bút tệ hay tiền ghi sổ. Hoặc khái niệm tiền điện tử (electronic money) thực ra là
hệ quả của việc thanh toán không dùng tiền mặt bằng công nghệ tự động hay hệ thống
thanh toán điện tử. Vì vậy, chỉ trên cơ sở hiểu biết đầy đủ, có hệ thống về phương thức

152
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

thanh toán không dùng tiền mặt mới hiểu đúng đắn về bản chất của các khái niệm bút tệ
và tiền điện tử.
Hệ thống thanh toán điện tử có rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, nó phải vượt qua
được hai thách thức cơ bản là yêu cầu an toàn và bảo mật.
7. Do những đặc điểm khác nhau về hệ thống tài chính và tiền tệ của từng nước mà các
thành phần của từng khối tiền cụ thể ở từng nước có thể khác nhau nhưng ở những nét chung
nhất, thành phần của các khối tiền bao gồm:
- M1 (thường được gọi là khối tiền hẹp) bao gồm những loại tiền có độ lỏng cao nhất :
tiền mặt pháp định và tiền gửi thanh toán tại ngân hàng
- M2 = M1 + Tiền gửi định kỳ + tiền gửi tiết kiệm.
- M3 = M2 + Tiền gửi ở tất cả các định chế tài chính phi ngân hàng
- L = M3 + Các chứng khoán khả nhượng (hay các chứng khoán có độ lỏng cao)
8. Có 4 tác nhân cơ bản ảnh hưởng lớn đến quá trình cung ứng tiền bao gồm: Ngân
hàng Trung ương; hệ thống Ngân hàng trung gian; những người gửi tiền; những người vay
tiền.
9. NHTƯ làm tăng lượng cung tiền bằng cách phát hành tiền qua 4 cữa ngõ: qua ngõ
chính phủ; qua ngõ ngân hàng trung gian; qua ngõ thị trường mở và qua ngõ thị trường vàng
và ngoại tệ dựa trên 2 nguyên tắc là nguyên tắc phát hành tín dụng và nguyên tắc cổ điển.
10. Ngân hàng trung gian có thể làm tăng lượng tiền cung ứng bằng cách gia tăng số
dư tiền gửi thanh toán trên sổ sách tại Ngân hàng. Quá trình này gọi là quá trình tạo tiền của
Ngân hàng trung gian.
Quá trình này có thể diễn ra trên 2 góc độ:
- Góc độ riêng từng ngân hàng thông qua cho vay bằng chuyển khoản và thấu chi.
- Góc độ toàn hệ thống: thông qua quá trình gửi và cho vay trong toàn hệ thống ngân
hàng trung gian từ một số tiền ban đầu gửi vào một NH bất kỳ, số dư tiền gửi thanh toán trong
toàn hệ thống sẽ tăng lên m +1/rd lần (rd là tỷlệ dự trữ bắt buộc). m gọi là số nhân tiền gửi.
11. Mô hình phản ảnh đầy đủ ảnh hưởng của 4 tác nhân lên cung tiền được xác định
như sau:
1 km
M= ( HMC +HMT)
rd  k m  k o
Trong đó: M: tổng cung tiền (khối M1)
km : Tỷ lệ tiền mặt so với tiền gửi thanh toán
r : Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
k : Tỷ lệ dự trữ vượt mức

153
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- HMC : Lượng tiền NHTƯ phát hành thông qua kênh chính phủ và kênh
ngân hàng trung gian
- HMT : Lượng tiền NHTƯ phát hành thông qua kênh thị trường mở và kênh
thị trường vàng và ngoại tệ.
12. Động cơ giữ tiền của các chủ thể trong nền kinh tế được phân thành 3 loại:
động cơ giao dịch; động cơ dự phòng; động cơ đầu cơ.
Xu hướng giải điều tiết (deregulation) và các đổi mới tài chính hiện nay đã làm
cho các động cơ dự phòng và đầu cơ ngày càng suy giảm.
13. Nhìn chung, cầu tiền chịu tác động của những nhân tố cơ bản sau:
- Chi phí cho việc bán các tài sản thay thế tiền và ngược lại
- Lợi tức kỳ vọng của các tài sản thay thế tiền
- Mức thu nhập
- Lạm phát.
14. Mô hình hàm cầu tiền tổng quát phản ảnh các nhân tố trên :
Md/P = f(Yp, rb – rm - ce, re – rm - ce , ra + ∏e - rm -ce)

Trong đó:
- Md/P: cầu tiền theo giá trị thực (đã loại trừ yếu tố tăng giá trị danh nghĩa)
- Yp: Mức thu nhập thường xuyên (được xem như thu nhập dài hạn bình quân dự
tính)
- rm : lợi tức dự tính (kỳ vọng) về tiền (các lợi ích nhận được từ tiền gửi thanh toán
bao gồm các dịch vụ được cung ứng bởi các trung gian thanh toán và tiền lãi nhận được
từ các dạng tài khoản tiền gửi thanh toán).
- rb : lợi tức dự tính (kỳ vọng) về trái phiếu
- re : lợi tức dự tính (kỳ vọng) về cổ phiếu thường
- ∏e : Tỷ lệ lạm phát dự tính (kỳ vọng)
- ce : chi phí chuyển đổi từ tiền sang các tài sản thay thế và ngược lại
- ra : Tỷ lệ sinh lời dự tính của các tài sản thay thế là tài sản thực (real assets)
Hàm cầu tiền sẽ tỷ lệ thuận với Yb và tỷ lệ nghịch với:
- rb – rm - ce
- re – rm - ce
- ra - ∏e - rm.

154
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TỪ KHÓA (KEY WORDS)

1. Chức năng của tiền 15. Công nghệ thanh toán


2. Chức năng phương tiện trao đổi 16. Bút tệ
3. Chức năng đơn vị đánh giá 17. . Đo lượng tiền
4. Chức năng dự trữ giá trị 18. Khối tiền M1, M2, M3, L
5. Hoá tệ 19. Tác nhân cung ứng tiền
6. Hoá tệ phi kim loại 20. Nguyên tắc phát hành cổ điển
7. Hoá tệ kim loại 21. Nguyên tắc phát hành tín dụng
8. Tiền quy ước 22. Tạo tiền của NH trung gian
9. Tiền kim loại kém giá 23. Bội số tiền gửi
10. Giấy bạc ngân hàng 24. Mô hình lượng tiền cung ứng
11. Tiền khả hoán 25. Động cơ giao dịch
12. Tiền bất khả hoán 26. Động cơ dự phòng
13. Tiền pháp định 27. Động cơ đầu cơ
14. Thanh toán không dùng tiền mặt 28. Hàm cầu tiền

155
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 5


-----

1. Định nghĩa tiền được nêu ra trong chương này có mô tả tiền là gì và bao gồm
những thứ gì không ? Vì sao ?
2. Cách diễn đạt nào sau đây sử dụng định nghĩa về tiền của các nhà kinh tế:
a. Bạn đã kiếm được bao nhiêu tiền tuần trước ?
b. Khi tôi đi đến cửa hàng, tôi luôn chắc chắn rằng tôi có đủ tiền ?
c. Lòng ham thích tiền là nguồn gốc của điều ác
3. Tại sao người thượng cổ không cần tiền ?11
4. Giữa USD và VND, tiền nào được coi là tiền mạnh hơn ? Vì sao ?
5. Có lý thuyết cho rằng tiền có 5 chức năng: chức năng phương tiện trao đổi;
chức năng thước đo giá trị; chức năng dự trữ giá trị; chức năng thanh toán và chức năng
tiền tệ quốc tế. Một cách tiếp cận khác cho tiền có 4 chức năng: phương tiện trao đổi,
đơn vị đánh giá; phương tiện dự trữ giá trị và phương tiện thanh toán hoãn hiệu. Liệu
những quan điểm đó có mâu thuẫn với quan điểm chính thức được thừa nhận trong
chương này không? Vì sao ?
6. Giải thích và chứng minh 2 nhận định sau:
a. Chức năng của tiền là tối thiểu hoá chi phí khi thay thế các phương tiện khác
trong trao đổi; đo lường giá trị; dự trữ giá trị.
b. Để tiền phát huy tốt chức năng của mình, điều căn bản nhất là tiền phải có sức
mua ổn định theo thời gian.
7. Sự khác biệt cơ bản giữa tiền bằng hàng hoá và tiền quy ước là gì ?
8. Quá trình chuyển từ hoá tệ phi kim sang hoá tệ kim loại diễn ra vì những lý do
cơ bản gì ?
9. Quá trình chuyển từ hoá tệ sang tiền quy ước diễn ra vì những lý do cơ bản gì?
10. So sánh các khái niệm sau:
a. Hoá tệ kim loại và tiền kim loại kém giá
b. Giấy bạc Ngân hàng và tiền do Nhà nước phát hành
c. Tiền khả hoán và tiền bất khả hoán
11. Chứng minh nhận định: Sự phát triển của tiền tệ luôn diễn ra theo 2 xu hướng:
a. Tạo điều kiện tối thiểu hoá chi phí của nền kinh tế
b. Giảm dần giá trị thực của bản thân vật làm tiền tệ

11
Câu 2 và 3 tham khảo từ The economics of money, banking and financial markets, 7 th ed. , F.S. Mishkin

156
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

12. Có người cho rằng tiền không có giá trị, người khác lại cho rằng tiền có giá
trị. Quan điểm của bạn ?
13. Giải thích nhận định: sự phát triển của hệ thống tiền tệ tương tác một cách
chặt chẽ với sự tiến triển trong hệ thống thanh toán.
14. Thanh toán không dùng tiền mặt có sử dụng tiền không ? Vì sao ?
15. Tại sao người Mỹ ở thế kỷ 19 đôi khi thích được trả bằng séc hơn bằng vàng
thậm chí họ biết rằng séc có thể bị trả lại vì người trả mất khả năng thanh toán ?
16. Bạn hiểu như thế nào về bút tệ và tiền điện tử ? Séc (check), thẻ thanh toán có
phải là tiền không ? Vì sao ?
17. Ưu, nhược điểm của hệ thống thanh toán điện tử ? Các giải pháp cơ bản để
khắc phục các nhược điểm đó ?
18. Sắp xếp những tài sản sau đây theo thứ tự từ lỏng nhất (most liquid) đến kém
lỏng nhất (least liquid):
a. Tiền gửi thanh toán (hay tiền gửi có thể phát séc/checking account deposits)
b. Nhà cửa (Houses)
c. Tiền mặt (Currency)
d. Máy giặt (Washing machines)
e. Tiền gửi tiết kiệm (Savings deposits)
g. Cổ phiếu thường (Common stock)
19. Những khó khăn của việc đưa ra một cách tính chuẩn xác tổng lượng tiền
trong lưu thông là gì ?
20. Ý nghĩa của việc đo lượng tiền trong lưu thông ?
21. So sánh nguyên tắc phát hành cổ điển và nguyên tắc phát hành tín dụng.
22. So sánh 2 khái niệm tạo tiền và phát hành tiền.
23. Tại sao NHTƯ phải kiểm soát quá trình tạo tiền của các NH trung gian ? Bằng
cách nào ?
24. Bản chất của bút tệ là gì ? Nếu việc thanh toán không dùng tiền mặt không tồn
tại trong xã hội thì bút tệ có tồn tại không ? Vì sao ?
25. Tại sao phải xây dựng một mô hình đầy đủ về ảnh hưởng của các tác nhân lên
quá trình cung ứng tiền ? Ý nghĩa thực tiễn của mô hình này ?
26. Cách phân tích về các động cơ giữ tiền có những hạn chế gì trong bối cảnh hệ
thống tài chính hiện đại ?
27. So sánh cách tiếp cận của M. Friedman về cầu tiền với cách tiếp cận theo các
động cơ giữ tiền ?
28. Tại sao phải bổ sung 2 biến ce và ra vào hàm cầu tiền của M. Friedman.

157
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 6: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÍN DỤNG VÀ LÃI SUẤT

Tín dụng là một phạm trù kinh tế đã xuất hiện và tồn tại rất lâu đời. Cùng
với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, quan hệ tín dụng ngày càng đa dạng và
phong phú và được con người vận dụng phục vụ cho mọi hoạt động của nền kinh
tế xã hội.
Song song với tín dụng không thể không đề cập đến khái niệm lãi suất. Khi
bạn cần tiền và muốn vay một khoản, điều bạn quan tâm nhất là gì? Tiền lãi phải
trả. Khi bạn có một khoản vốn nhàn rỗi muốn đầu tư sinh lời, điều bạn quan tâm
nhất là gì? Tiền lãi. Khi nền kinh tế có dấu hiệu lạm phát hay tăng trưởng nóng,
các nhà hoạch định chính sách nghĩ đến công cụ điều hành nào? Lãi suất. Tất nhiên
lãi suất không phải là chiếc đũa thần có thể thay đổi mọi vấn đề theo ý muốn
nhưng rõ ràng lãi suất ảnh hưởng rất lớn đến cả hoạt động kinh tế vi mô lẫn vĩ mô.
Sự điều chỉnh lãi suất cần được phải được nghiên cứu sao cho phù hợp với mong
muốn và dự đoán của công chúng và mục tiêu kinh tế vĩ mô. Vì vậy trước khi đi
vào nghiên cứu hoạt động cụ thể của hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, cần
phải làm quen với các vấn đề liên quan đến lãi suất, cách tính lãi suất, ảnh hưởng
của lãi suất đến sự lựa chọn các công cụ đầu tư, các yếu tố ảnh hưởng đến lãi
suất,... Chương này sẽ cung cấp cho người đọc một số kiến thức cơ bản như thế.

6.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÍN DỤNG


6.1.1. Khái niệm và bản chất tín dụng
Tín dụng là một phạm trù kinh tế, ra đời và tồn tại qua nhiều hình thái kinh tế xã
hội. Tín dụng có nguồn gốc từ tiếng Latin là creditium, có nghĩa là sự tin tưởng, sự tín
nhiệm. Dựa trên sự tin tưởng, tín nhiệm đó người ta thực hiện những quan hệ vay mượn
bằng vật chất hay giá trị trong một thời gian nhất định.
Xét về mối quan hệ kinh tế ở tầm vi mô, tín dụng là sự vay mượn giữa hai chủ thể
là người đi vay và người cho vay với những thoả thuận cụ thể về thời hạn, mức lãi và sự
bảo đảm cụ thể. Xét trên giác độ kinh tế vĩ mô, tín dụng là sự điều chuyển vốn từ nơi thừa
đến nơi thiếu.
Về mặt bản chất, tín dụng là sự vận động độc lập tương đối các luồng giá trị từ
chủ thể này sang chủ thể khác với điều kiện phải hoàn trả đúng hạn, có lãi và bảo đảm
giá trị. Quá trình vận động đó có thể biểu hiện qua 3 giai đoạn sau:
- Giai đoạn cho vay (hay giải ngân): tiền vốn từ người cho vay chuyển sang
người đi vay (dưới hình thái tiền hay hiện vật hàng hoá).

158
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Giai đoạn sử dụng vốn vay: người đi vay sau khi nhận được một lượng giá trị từ
người cho vay sẽ sử dụng nó theo mục đích của mình để tạo ra giá trị mới trong một
khoản thời gian nhất định. Vì đây là vốn vay, người đi vay chỉ được quyền sử dụng có
thời hạn chứ không được quyền sở hữu nên đó chính là cơ sở để thực hiện giai đoạn 3.
- Giai đoạn hoàn trả: hết thời hạn sử dụng người đi vay phải hoàn trả đầy đủ về
mặt giá trị món vay và thêm phần tiền lãi phải trả cho thời gian sử dụng giá trị không
thuộc quyền sở hữu của mình.
Như vậy, trong quan hệ tín dụng, người cho vay chỉ chuyển giao quyền sử dụng
vốn trong một thời gian nhất định, không chuyển giao quyền sở hữu, khác với quan hệ
mua bán hàng hoá hay cấp phát của NSNN. Người đi vay chỉ nhận quyền sử dụng có thời
hạn nên phải sử dụng có hiệu quả và hoàn lại đúng hạn và đầy đủ về mặt giá trị, đặc biệt
trong điều kiện có lạm phát. Ngoài ra, người đi vay phải trả chi phí cho việc sử dụng vốn
của người khác cho mục đích của mình. Đây chính là tiền lãi hay lợi tức tín dụng.
6.1.2. Chức năng và vai trò của tín dụng
6.1.2.1. Chức năng
Là một lĩnh vực trong phạm trù tài chính nói chung, tín dụng cũng thực hiện các
chức năng tuơng tự tài chính với những biểu hiện và đặc trưng riêng.
a. Chức năng phân phối:
Hoạt động của tín dụng thể hiện thông qua việc điều chuyển vốn từ người cho vay
đến người đi vay, hay từ nơi thừa vốn tạm thời đến nơi thiếu vốn tạm thời. Vì vậy, nó thực
hiện chức năng phân phối vốn trong nền kinh tế một cách hợp lý nhất với các đặc trưng
riêng:
- Phân phối của tín dụng luôn luôn bảo đảm sự hoàn trả, đúng hạn và đầy đủ về
mặt giá trị.
- Phân phối của tín dụng bảo đảm sự có lãi cho người cho vay thể hiện đúng bản
chất của tín dụng.
- Phân phối của tín dụng có thể theo hai phương thức trực tiếp hay gián tiếp.
Trong phương thức gián tiếp, phân phối tín dụng phải trải qua hai quá trình:
+ Tập trung hay huy động: nhằm tập hợp các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong
nền kinh tế. Việc huy động, tập trung nguồn vốn dưới hình thức tín dụng là hình thức huy
động có hiệu quả vì nó tuân thủ nguyên tắc của tín dụng: hoàn trả đúng hạn, đầy đủ giá
trị và có lãi.
+ Phân phối hay cho vay: sau khi tập trung được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi
trong nền kinh tế, tín dụng thực hiện phân phối lại (cho vay) để đáp ứng nhu cầu của
người thiếu vốn tạm thời từ dân cư, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội đến nhà nước.
159
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Hoạt động phân phối của tín dụng cũng luôn luôn tuân thủ nguyên tắc: hoàn trả, đúng
hạn, đầy đủ giá trị và có lãi nên hiệu quả rất cao.
b. Chức năng kiểm soát các hoạt động kinh tế:
Chức năng kiểm soát các hoạt động kinh tế của tín dụng được thực hiện thông qua
việc thực hiện chức năng phân phối, dưới hình thái giá trị.
Khi thực hiện hoạt động tập trung, huy động vốn hay cho vay đầu tư, các chủ thể
tham gia luôn thực hiện việc giám sát, thẩm định, kiểm tra các đối tượng liên quan sao
cho hiệu quả quá trình sử dụng vốn là cao nhất. Điều này vừa bảo đảm lợi ích cho các
chủ thể tham gia đồng thời mang lại ý nghĩa thiết thực cho nền kinh tế - xã hội. Hoạt
động tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế phản ánh tình trạng kinh tế, từ đó Nhà nước đề ra
các chính sách và giải pháp phù hợp để khắc phục, điều chỉnh những thiếu sót, mất cân
đối của nền kinh tế, đồng thời phát huy hơn nữa tác động của tín dụng.
6.1.2.2. Vai trò của tín dụng
Vai trò của tín dụng là biểu hiện cụ thể sự vận dụng các chức năng vốn có của tín
dụng để tác động vào nền kinh tế xã hội. Vì vậy, vai trò của tín dụng phụ thuộc nhiều vào
nhận thức và sự vận dụng của con người.
a. Tín dụng thực hiện vai trò cung ứng vốn đầy đủ kịp thời cho các chủ thể trong
nền kinh tế - xã hội, từ đó thúc đẩy quá trình tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng phát
triển:
Thông qua hoạt động của mình, tín dụng điều chuyển vốn từ nơi tạm thời thừa đến
nơi tạm thời thiếu, giải quyết kịp thời nhu cầu nguồn vốn cho các chủ thể trong nền kinh
tế - xã hội, làm cho các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn. Hoạt động của tín dụng
luôn tuân thủ nguyên tắc cơ bản là hoàn trả đúng hạn, đầy đủ giá trị và có lãi, vì vậy nó
càng thúc đẩy quá trình luân chuyển vốn nhanh chóng, có hiệu quả. Ngày nay, hoạt động
tín dụng chủ yếu thực hiện theo phương thức gián tiếp, làm cho việc tập trung và phân
phối vốn trong nền kinh tế càng nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn lớn cho quá
trình phát triển, giúp cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian tích tụ vốn, nắm bắt kịp thời
các cơ hội đầu tư.
Tín dụng còn là công cụ góp phần thay đổi cơ cấu đầu tư, tài trợ cho các ngành
kém phát triển, các ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của Nhà
nước. Sự phát triển đồng đều của các ngành kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của các
ngành kinh tế mũi nhọn sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội đồng thời
phát triển, hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ổn định
và bền vững.

160
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

b. Tín dụng là công cụ góp phần ổn định tiền tệ, ổn định giá cả và kiểm soát lạm
phát:
Hoạt động tín dụng với tư cách là hoạt động điều chuyển, phân phối vốn, đưa vốn
từ nơi thừa đến nơi thiếu, nên góp phần thúc đẩy tốc độ luân chuyển hàng hoá và tiền tệ.
các hoạt động sản xuất, lưu thông trong nền kinh tế đều tăng trưởng. Tiền vốn trong lưu
thông không nằm yên mà luôn vận động gắn liền với sự vận động của sản xuất, lưu thông
hàng hoá. Mối quan hệ hàng hoá - tiền tệ vì thế có khả năng cân đối cao, giá trị đồng tiền
ổn định, giá cả ít thay đổi. Đặc biệt trong trường hợp nền kinh tế có hiện tượng suy thoái,
tín dụng được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để một mặt thúc đẩy kinh tế tăng
trưởng, mặt khác kiểm soát các nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế, sử dụng
chúng theo những cách tốt nhất để ngăn chặn suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng.
Hoạt động tín dụng cũng tạo điều kiện để thực hiện công tác thanh toán không
dùng tiền mặt. Đây cũng là một trong những yếu tố tích cực góp phần giảm lượng tiền
mặt trong lưu thông, quản lý và điều hành tốt chính sách tiền tệ.
c. Tín dụng là công cụ đắc lực góp phần thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
khác:
Sự phát triển kinh tế, ổn định tiền tệ là điều kiện cơ sở để thực hiện các chính sách
kinh tế - xã hội khác. Nền kinh tế phát triển, giá cả ổn định là điều kiện để nâng cao đời
sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Hoạt động tín dụng còn đáp ứng nhu cầu
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua các hình thức tín dụng
tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của mọi tầng lớp dân cư. Nhà nước
cũng vận dụng quan hệ tín dụng để thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội khác như
cho vay xoá đói giảm nghèo, cho vay học sinh sinh viên, giải quyết việc làm,...từng bước
cải thiện đời sống dân cư, giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh.
d. Tín dụng góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại, nâng cao vai trò quốc
gia trên trường quốc tế.
Ngày nay, mối quan hệ giữa các nước ngày càng phát triển. Không chỉ các nước
nghèo có nhu cầu đi vay mà chính các nước giàu có luôn có nhu cầu cho vay, đầu tư ra
nước ngoài. Bởi vì điều đó nâng cao vị thế và ảnh hưởng của nước họ trên trường quốc
tế. Ngược lại, các nước đang phát triển thông qua mối quan hệ tín dụng này mới đáp ứng
được nhu cầu vốn cho đầu tư tăng trưởng kinh tế và trên cơ sở đó mới có điều kiện phát
huy các tiềm năng sẵn có, tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, tận dụng
các lợi thế so sánh của mình để phát triển và tăng trưởng kinh tế.
6.1.3. Các hình thức tín dụng trong nền kinh tế thị trường

161
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Trong nền kinh tế thị trường, quan hệ tín dụng rất đa dạng và phong phú. Có thể
nêu một vài hình thức tín dụng tiêu biểu sau đây:
6.1.3.1. Tín dụng thương mại
Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các nhà sản xuất kinh doanh với
nhau, được biểu hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hoá. Sự hình thành và phát triển
của tín dụng thương mại gắn liền với quá trình tái sản xuất xã hội. Xuất phát từ chu kỳ
vận động khác nhau của mỗi doanh nghiệp mà tại một thời điểm nhất định, doanh nghiệp
này có dư thừa hàng hoá sản xuất chưa bán được trong khi doanh nghiệp kia có nhu cầu
về nguyên liệu đó nhưng chưa có tiền thanh toán; dựa vào mối quan hệ giữa hai bên mà
hàng hoá từ doanh nghiệp này sẽ được bán cho doanh nghiệp kia với điều kiện sẽ trả tiền
sau một thời gian nhất định. Quan hệ tín dụng thương mại đã được thiết lập. Rõ ràng, tín
dụng thương mại giải quyết được hai vấn đề đồng thời: giải phóng hàng hoá cho người
bán, giúp họ giảm bớt những chi phí khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người mua,
tiếp tục quá trình tái sản xuất. Tuy nhiên, mối quan hệ này chỉ được duy trì tốt đẹp trong
điều kiện người mua phải luôn trả nợ đúng hạn.
Như vậy tín dụng thương mại có những đặc trưng cơ bản sau:
- Đối tượng của tín dụng thương mại là hàng hoá. Đây là lượng vốn ở khâu cuối
cùng của quá trình sản xuất kinh doanh, chuẩn bị chuyển hoá thành tiền.
- Chủ thể trong quan hệ tín dụng này là các nhà sản xuất kinh doanh hay cung
ứng dịch vụ trực tiếp.
- Tiền lãi cho vay không tính riêng mà gộp vào giá bán hàng hoá.
- Cơ sở pháp lý xác định quan hệ này là các giấy nợ hay còn gọi là kỳ phiếu
thương mại.
- Sự vận động của tín dụng thương mại phù hợp tương đối với quá trình sản xuất
và lưu thông hàng hoá.
- Tín dụng thương mại bị giới hạn về qui mô và phạm vi hoạt động. Tín dụng
thương mại chỉ có thể cung cấp 1 chiều từ người bán đến người mua dưới hình thức hàng
hoá hay dịch vụ nên phạm vi hoạt động bị giới hạn. Hơn nữa, do người cho vay (người
bán) chỉ có thể cung cấp tín dụng thương mại trong phạm vi nguồn vốn dự trữ của mình,
nên nếu người đi vay (người mua) chậm trả thì tình hình tài chính của người cho vay sẽ
gặp khó khăn.
6.1.3.2. Tín dụng ngân hàng
Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng, các tổ chức tín dụng với
các chủ thể khác trong nền kinh tế, trong đó ngân hàng đóng vai trò trung gian vừa là
người đi vay vừa là người cho vay.
162
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Trong nền kinh tế thị trường, ngân hàng đóng vai trò là một tổ chức tài chính
trung gian, tín dụng ngân hàng đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế - xã hội. Quan hệ
tín dụng ngân hàng thể hiện thông qua hai quá trình: huy động và cho vay.
Tín dụng ngân hàng có những đặc trưng chủ yếu sau đây:
- Đôí tượng tín dụng là tiền tệ, là kết quả của quá trình huy động trong vai trò
trung gian tài chính của ngân hàng.
- Ngân hàng đóng vai trò trung gian vừa đi vay vừa cho vay trong mối quan hệ
với các chủ thể khác.
- Quá trình vận động và phát triển của tín dụng ngân hàng không hoàn toàn phù
hợp với qui mô phát triển sản xuất và lưu thông hàng hoá, do tín dụng ngân hàng được
cấp phát dưới hình thức tiền tệ nên có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
- Tiền lãi được tính riêng theo tỷ lệ % trên số tiền vay.
- Qui mô tín dụng rất lớn, phạm vi tín dụng cũng không bị giới hạn bởi vì mọi
thành viên trong xã hội đều có thể tham gia vào tín dụng ngân hàng.
- Cơ sở pháp lý của quan hệ này là các hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với
người cho vay và người đi vay được biểu hiện dưới những hình thức cụ thể.
6.1.3.3. Tín dụng nhà nước
Tín dụng nhà nước là quan hệ tín dụng giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong
hay ngoài nước. Tín dụng nhà nước thể hiện sự vay nợ của chính phủ dưới các hình thức
Nhà nước phát hành các giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu,…) hay thực hiện vay nợ
theo hiệp ước, hiệp định với chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế.
Tín dụng nhà nước gắn liền với hoạt động của NSNN. Các nguồn vốn huy động từ
tín dụng nhà nước thường được sử dụng cho các khoản chi đầu tư phát triển cơ sở hạ
tầng, các dự án kinh tế, các chương trình mục tiêu mang tính chất chiến lược lâu dài như
chi cho giáo dục, y tế, khoa học công nghệ,…
Trong tín dụng nhà nước, Nhà nước vừa là người đi vay vừa là người cho vay
nhằm thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Tín dụng nhà nước có những đặc trưng cơ bản sau :
- Thể hiện lợi ích kinh tế mang tính tự nguyện, tính cưỡng chế và tính chính trị -
xã hội.
- Hình thức tín dụng đa dạng, phạm vi huy động rộng.
- Việc huy động và sử dụng vốn có sự kết hợp giữa nguyên tắc tín dụng và các
chính sách tài chính - tiền tệ của Nhà nước.
- Tín dụng nhà nước có tác động nhiều mặt đến nền kinh tế - xã hội: là đòn bẩy
kinh tế quan trọng để Nhà nước điều quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng; là công cụ để

163
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Nhà nước điều tiết lưu thông tiền tệ trên thị trường; là công cụ để Nhà nước kiểm soát qui
mô, cơ cấu đầu tư, cơ cấu ngành nghề; là công cụ để Nhà nước thay đổi sự phân bổ
nguồn lực tài chính trong quá trình điều tiết việc phân phối thu nhập xã hội.
6.1.3.4. Tín dụng thuê mua
Tín dụng thuê mua hay còn gọi là cho thuê tài chính là một phương thức tài trợ
vốn trung, dài hạn cho sản xuất kinh doanh, thông qua việc cho thuê tài sản với điều kiện
không được huỷ hợp đồng trước hạn và có thể cam kết bán lại về sau với giá thoả thuận
từ đầu.
Về nguyên tắc, tín dụng thuê mua có 3 bên liên quan:
- Người đi thuê là doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có nhu cầu về tài sản. Họ sẽ
đưa ra yêu cầu về tài sản đi thuê đối với bên cho thuê.
- Người cho thuê là các công ty cho thuê tài chính, các ngân hàng thực hiện
nghiệp vụ thuê mua, cung cấp nghiệp vụ này.
- Người cung cấp là các doanh nghiệp bán hàng có những sản phẩm hàng hoá
phù hợp với nhu cầu người đi thuê và ký hợp đồng mua bán với công ty cho thuê. Theo
nghiệp vụ này, người đi thuê sẽ lựa chọn tài sản phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình
và đề nghị người cho thuê mua tài sản đó. Người cho thuê mua tài sản và tiến hành cho
thuê đối với người đi thuê theo hợp đồng thoả thuận. Ttrong thời gian thực hiện hợp
đồng, người đi thuê phải trả tiền thuê theo định kỳ xác định và không được huỷ hợp đồng
trước hạn. Tiền thuê phải đảm bảo bù đắp khấu hao và các chi phí liên quan khác. Khi
hết hạn hợp đồng ngươì đi thuê có thể mua lại tài sản đó hoặc trả lại tài sản cho người
cho thuê.
Tín dụng thuê mua có một ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và
các cá nhân kinh doanh. Nhờ nghiệp vụ này, các đối tượng trên có thể sử dụng các tài
sản phù hợp khi chưa đủ điều kiện để mua và có thể sở hữu chúng với giá cả hợp lý khi
hết hạn hợp đồng. Đối với người cho thuê, nghiệp vụ này có tính an toàn cao bởi vì tài
sản cho thuê luôn thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của chính họ. Chi phí cho thuê bù đắp
được khấu hao và các chi phí khác nên khả năng lỗ gần như không có.
6.1.3.5. Tín dụng tiêu dùng
Là quan hệ tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của công chúng trong xã hội. Mục
đích của tín dụng tiêu dùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân
thông qua việc cho vay trực tiếp hay gián tiếp. Tín dụng tiêu dùng cũng kích thích phát
triển sản xuất thông qua kích cầu. Tín dụng tiêu dùng có xu hướng ngày càng tăng trưởng
để đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao của người dân.
Tín dụng tiêu dùng có thể được cấp dưới hai hình thức:
164
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Tín dụng cấp bằng tiền do các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng
cung cấp.
- Tín dụng cấp bằng hàng hoá: do các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh
doanh cấp thông qua việc bán hàng trả góp cho người tiêu dùng.

6.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ LÃI SUẤT


6.2.1. Khái niệm về lãi suất
Khi một hàng hóa được bán ra người ta xác định được giá cả của nó. Giá cả của
hàng hóa được biểu diễn và đo lường thông qua tiền tệ. Trong nền kinh tế hàng hóa, tiền
cũng được mua bán, giao dịch, trao đổi dưới những hình thức đặc thù. Vậy việc trao đổi,
mua bán, giao dịch tiền tệ được xác định với “giá” nào? Rõ ràng, điều đầu tiên cần phải
giải quyết khi tham gia vào thị trường tiền tệ, thị trường tài chính là phải tìm hiểu về
một khái niệm liên quan đến giá cả của những giao dịch trên các thị trường đó. Một
cách chung nhất, giá cả của tín dụng - giá cả của quan hệ vay mượn hoặc cho thuê những
dịch vụ về vốn dưới hình thức tiền tệ hoặc các dạng thức tài sản khác nhau gọi là lãi suất.
Khi kết thúc những giao dịch về tiền tệ dưới hình thức vay mượn, người đi vay phải trả
cho người cho vay một số tiền lớn hơn với số tiền ban đầu. Phần dôi ra đó là tiền lãi. Để
làm căn cứ đánh giá và so sánh các khoản tiền lãi khác nhau khi vay mượn những món
khác nhau, người ta tính tỷ lệ % của số tiền lãi trên số tiền vốn và gọi là lãi suất.
Lãi suất có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đối với các cá nhân và doanh nghiệp,
lãi suất là cơ sở để lựa chọn những quyết định kinh tế của mình: để dành hay chi tiêu,
đầu tư vốn tích lũy vào những công cụ tài chính nào? Đối với Nhà nước và ngân hàng
trung ương, lãi suất là một công cụ nhạy bén và hiệu quả để điều tiết mức cung tiền, thay
đổi qui mô và tỷ trọng vốn đầu tư từ đó mà có thể tác động đến quá trình điều chỉnh cơ
cấu, tốc độ tăng trưởng, sản lượng, tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng lạm phát trong nước.
Trong điều kiện nền kinh tế mở cửa, chính sách lãi suất còn được sử dụng như là một
công cụ hiệu lực trong điều tiết các luồng vốn đi ra đi vào đối với một nước, tác động đến
tỷ giá và điều tiết sự ổn định của tỷ giá.
6.2.2. Phân loại lãi suất
Lãi suất là phép tính lãi phải trả cho những khoản vay, là giá cả của tín dụng. Có
nhiều loại vay khác nhau nên cách thể hiện cũng như cách tính lãi cũng khác nhau. Để
thuận tiện cho việc lựa chọn một lãi suất hợp lý khi thực hiện các quan hệ giao dịch,
người ta phân loại lãi suất dựa vào những căn cứ cụ thể sau đây:
6.2.2.1. Căn cứ vào phương pháp tính lãi

165
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Theo cách phân loại này, lãi suất được chia thành:
a. Lãi suất đơn (simple interest rate): là tỷ lệ lãi tính toán cho một món vay đơn.
Vay đơn là loại vay mà người đi vay phải trả vốn và một khoản lãi cho người cho vay vào
ngày đến hạn.
Ví dụ, một ngân hàng cho khách hàng A vay một món tiền 100đ trong thời hạn 1
năm. Đến hạn, khách hàng A phải trả 100 tiền vốn và một khoản lãi giả sử là 10đ. Lãi
suất đơn được tính là:
(110-100)/100 = 0,1 hay 10%/năm
Như vậy: lãi suất đơn là tỷ lệ % tính theo năm, tháng, ngày của số tiền lãi so với số
tiền vay ban đầu, không gộp lãi vào số tiền vay ban đầu để tính lãi thời hạn kế tiếp.
Vì vậy, cách tính lãi suất đơn thường áp dụng trong các món vay thương mại có
thời hạn ngắn, hay thời hạn hạn vay trùng với chu kỳ tính lãi.
Gọi P: Số tiền vay ban đầu
C: Số tiền vốn và lãi thu về trong tương lai
n: Thời hạn tín dụng
i: Lãi suất đơn
Ta có:
C= P(1+
n.i)
b. Lãi suất tích hợp (lãi suất kép: compound interest):
Khi một khỏan vay có thời hạn dài hơn như 2 hay 3 năm, trong khi chu kỳ tính lãi
là 1năm hoặc ít hơn, nếu áp dụng cách tính lãi như trên thì điều đó có nghĩa là:
- Thừa nhận mức lãi giống nhau giữa các thời kỳ khác nhau,
- Không tính toán đầy đủ giá trị của việc sử dụng số tiền vốn lớn hơn số tiền gốc
ban đầu do khoản lãi của chu kỳ tính lãi hoặc năm trước đó mang lại. Vì vậy, trong
trường hợp này lãi suất tích hợp (lãi kép) được coi là công bằng và chính xác để đo lường
lãi suất đối với những món vay dài hạn.
Lãi suất tích hợp được tính toán trên cơ sở lãi đơn, nhưng do từ kỳ thứ 2 trở đi, do
số vốn tín dụng đã tích lũy thêm và lãi đơn tính cho kỳ thứ 2 sẽ lớn hơn kỳ thứ nhất, và cứ
tiếp tục như thế cho các kỳ tính lãi sau. Một cách đơn giản, người ta có thể hiểu lãi suất
tích hợp hay lãi kép là lãi suất có tính tới yếu tố “lãi mẹ đẻ lãi con”. Ta tìm hiểu ví dụ
sau:
Có một món vay trị giá 100đ. Lãi suất 10%/năm. Thời hạn vay 3 năm. Nếu tính
theo phương pháp lãi đơn, thì số tiền lãi thu được là:
100đ x 10% x 3 = 30đ

166
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Nếu tính theo phương pháp tích hợp:


Năm thứ 1: Tiền lãi thu được: 100đ x 10%= 10đ
Năm thứ 2: Tiền lãi thu được: 110đ x 10% = 11đ (do 10đ tiền lãi năm thứ nhất
được gộp vào và tiếp tục sinh lời). Tương tự như thế, ta có tiền lãi thu được năm thứ 3 là:
121đ x 10%= 12,1đ.
Tổng số tiền lãi thu được là: 33,1đ chứ không phải 30đ như cách tính lãi đơn. Vậy:
lãi kép (lãi tích hợp) là tỷ lệ tiền lãi tính theo năm, tháng, ngày của số tiền lãi so với số
tiền vay, trong đó số tiền vay đã được gộp lãi nhận được của kỳ trước.
Gọi P: Số tiền vay ban đầu
Cn: Số tiền vốn và lãi thu về trong tương lai
n: Thời hạn tín dụng
i: Lãi suất đơn
I: Lãi suất kép
Ta có:

Cn = P. (1+ i)
Và:

(1  i ) n  1
I= n

Lãi suất tích hợp không chỉ áp dụng đối với cho vay dài hạn với thời gian tín dụng
gồm nhiều chu kỳ tính lãi mà có thể áp dụng để tính lãi suất của những món vay ngắn hạn
nếu chu kỳ tính lãi nhỏ hơn thời gian tín dụng. Hơn thế nữa, phương pháp tính lãi tích
hợp còn cho phép tính toán chính xác hơn số tiền lãi trong các khỏan vay rất ngắn hạn
thậm chí theo số ngày. Đây chính là lý do làm cho thị trường tiền tệ trở nên sôi động hơn.
c. Lãi suất hòan vốn:
Đối với các khoản tín dụng mà việc trả vốn và lãi theo định kỳ hoặc trả một khoản
cố định theo định kỳ như vay trả cố định hoặc trái phiếu coupon thì áp dụng lãi suất hoàn
vốn.
Trước khi nói đến lãi suất hoàn vốn được tính toán như thế nào, ta hãy tìm hiểu về
giá trị hiện tại. Khái niệm giá trị hiện tại được hiểu trên quan điểm 100đ thanh toán cho
bạn sau 1 năm có ít giá trị hơn 100đ hiện tại. Vì nếu có 100đ hiện tại, bạn sẽ gửi vào
ngân hàng và có lãi. Trong trường hợp vay đơn như ví dụ trên, ta có số tiền nhận được
sau 1 năm của 100đ với lãi suất 10% là 100(1+0,1) = 110. Gọi PV là giá trị hiện tại, FV
là giá trị tương lai. Ta có thể xác định lãi suất hoàn vốn trên là 100(1+i) =110. Suy ra i
167
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

= 10%. Như vậy, với món vay đơn lãi suất hoàn vốn bằng lãi suất đơn. Trong trường hợp
thời hạn tín dụng là n năm thì điều kiện cân bằng là:

n
PVx (1+i) = FVn
n
Từ đó suy ra: PV= FVn/(1+i)
Trường hợp những khoản tín dụng trả từng phần cố định vào thời điểm cuối mỗi
năm trong suốt thời kỳ tín dụng thì giá trị hiện tại của nó sẽ bằng tổng giá trị hiện tại của
số tiền trả. Ta có phương trình cân bằng như sau:
PV =FV/ (1+i) + FP/(1+i) +...+ FP/(1+i)
n

Trong đó:
PV : giá trị hiện tại của vốn tín dụng;
FP : khoản thanh toán hàng năm đã biết.
Để tính i là lãi suất hoàn vốn, ta phải giải phương trình nói trên.
Đối với trái phiếu coupon (coupon bond) là loại trái phiếu mà người sở hữu nó sẽ
được thanh toán lãi hàng năm một khoản cố định cho đến khi mãn hạn sẽ được thanh
toán tiền gốc. Giá trị hiện tại của trái phiếu này là tổng giá trị hiện tại của các khoản
thanh toán coupon cộng với giá trị hiện tại của tiền vốn ban đầu. Việc tính lãi suất hoàn
vốn của trái phiếu coupon dựa trên phương trình sau:
PV = C/(1+i) + C/(1+i) +... +C/(1+i)
n n1
+ F/ /(1+i)
Trong đó:
PV : giá trị hiện tại của trái phiếu coupon;
C : số tiền coupon hàng năm;
F : mệnh giá trái phiếu.
Các đại lượng trên đối với trái phiếu coupon đều đã biết nên ta có thể tìm được lãi
suất hoàn vốn dựa vào việc giải phương trình trên. Tuy nhiên, việc giải thủ công các
phương trình đó cũng đòi hỏi không ít thời gian và không hoàn toàn đơn giản. Vì vậy, có
thể sử dụng các bảng tính có sẵn hoặc các chương trình giải trên các máy tính bỏ túi sau
khi đã nhập vào các dữ liệu cần thiết.
Như vậy, rõ ràng lãi suất hoàn vốn là số đo đúng đắn nhất của lãi suất và là điều
mà các nhà kinh tế muốn nói khi họ dùng thuật ngữ lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất hoàn vốn
đôi khi khó tính toán được ngay, vì thế các số đo khác kém chính xác hơn nhưng dễ tính
được sử dụng phổ biến trên thị trường chứng khoán. Đó là lãi suất hoàn vốn hiện hành và
lãi suất hoàn vốn trên cơ sở tính giảm.

168
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Lãi suất hòan vốn hiện hành là phép tính gần đúng của lãi suất hoàn vốn của trái
phiếu coupon. Cách tính toán rất đơn giản: nó là tỷ số giữa tiền thanh toán coupon hàng
năm với giá của trái phiếu đó. Công thức xác định là:
i c = C/ P cb
Trong đó:
i c
: lãi suất hoàn vốn hiện hành của trái phiếu coupon;
C : tiền coupon hàng năm;
P cb : giá của trái phiếu coupon.
Từ công thức trên người ta rút ra một số nhận xét sau:
- Lãi suất hoàn vốn hiện hành có giá trị gần đúng với lãi suất hoàn vốn. Trong
trường hợp thời hạn trái phiếu rất dài hoặc vĩnh viễn thì lãi suất hoàn vốn hiện hành
chính là lãi suất hoàn vốn.
- Lãi suất hoàn vốn hiện hành tỷ lệ nghịch với giá của trái phiếu, do vậy nó luôn
cập nhật và thay đổi theo thị giá trái phiếu.
- Khi thời hạn trái phiếu càng dài và mệnh giá trái phiếu càng gần đúng hoặc
bằng với thị giá của nó thì lãi suất hoàn vốn hiện hành bằng lãi suất hoàn vốn; ngược lại,
khi thời hạn trái phiếu càng ngắn và thị giá cách xa mệnh giá thì chênh lệch giữa lãi suất
hoàn vốn hiện hành và lãi suất hoàn vốn càng lớn hơn.
- Lãi suất hoàn vốn hiện hành biến thiên cùng chiều với lãi suất hoàn vốn.
Như vậy, hoàn toàn có thể sử dụng lãi suất hoàn vốn hiện hành thay cho lãi suất
hoàn vốn trên thị trường chứ không nhất thiết phải tính toán lãi suất hoàn vốn bằng các
bảng tính và máy tính.
Lãi suất hoàn vốn trên cơ sở tính giảm: xuất phát từ những người buôn bán trái
phiếu kho bạc Mỹ khi chưa xuất hiện máy tính. Thay vì việc tính lãi suất hòan vốn họ đã
tính lãi suất hoàn vốn tính giảm theo công thức sau:
i tg
= {(F- p tg
)/F}. (360/N)
Trong đó:
i tg : lãi suất hoàn vốn trên cơ sở tính giảm;
F: mệnh giá của trái phiếu tính giảm;
p tg
: giá bán trái phiếu;
N : số ngày tới hạn thanh toán của trái phiếu.
Điều khác biệt trong cách tính này là tỷ suất lợi nhuận lấy cơ sở là mệnh giá trái
phiếu chứ không phải thị giá trái phiếu như khi tính lãi suất hoàn vốn, và thời gian cho
một năm tính toán là 360 ngày thay vì 365 ngày. Vì vậy, lãi suất hoàn vốn tính giảm luôn
169
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

thấp hơn lãi suất hoàn vốn. Sự cách biệt này còn phụ thuộc vào độ dài thời hạn của trái
phiếu và sự khác nhau giữa mệnh giá và thị giá trái phiếu. Nếu chênh lệch giữa thị giá và
mệnh giá trái phiếu càng lớn và thời hạn trái phiếu càng dài thì lãi suất hoàn vốn tính
giảm càng thấp hơn so cới lãi suất hoàn vốn. Tuy nhiên cũng giống như lãi suất hoàn
vốn, lãi suất hoàn vốn tính giảm cũng có quan hệ tỷ lệ nghịch với thị giá trái phiếu và sự
thay đổi của nó vẫn luôn phản ảnh sự thay đổi của lãi suất hoàn vốn. Vì vậy, ngày nay
các loại lãi suất này vẫn được sử dụng trong thực tế.
6.2.2.2. Căn cứ vào giá trị thực tế của khoản tiền lãi thu được
Trong thực tế, tiền là một biến số danh nghĩa, vì vậy, những khoản thu nhập bằng
tiền còn gọi là thu nhập danh nghĩa không phản ánh đúng giá trị thực của nó. Căn cứ vào
yếu tố đó, người ta chia lãi suất thành hai loại:
a. Lãi suất danh nghĩa:
Lãi suất danh nghĩa là lãi suất được công bố bằng một con số cụ thể. Căn cứ vào
lãi suất danh nghĩa người ta tính được các khoản thu nhập danh nghĩa. Ví dụ: lãi suất
huy động tiền gửi tiết kiệm của NHTM A đối với kỳ hạn 12 tháng là 8,4%/năm. Nếu một
người gửi vào ngân hàng 100 triệu đồng thì sau 1 năm sẽ thu được số tiền lãi là 8,4, triệu
đồng. Tuy nhiên, trên thực tế nếu có lạm phát thì thu nhập thực tế của khoản tiền gửi đó
sẽ giảm đi.
b. Lãi suất thực:
Lãi suất thực là lãi suất danh nghĩa sau khi đã trừ đi tỷ lệ lạm phát.

Gọi : ir : Lãi suất thực

in : Lãi suất danh nghĩa

ii : Tỷ lệ lạm phát
Nếu tỷ lệ lạm phát không lớn hơn 10% thì ta có mối liên hệ giữa lãi suất thực, lãi
suất danh nghĩa và tỷ lệ lạm phát như sau:

ir = in - ii
Vì vậy, lãi suất thực luôn nhỏ hơn lãi suất danh nghĩa do tỷ lệ lạm phát nói trên.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ lạm phát cao hơn 10%, ví dụ: 30%, lãi suất danh nghĩa ví dụ:
44% thì lãi suất thực không tính như trên (44 - 30 =14%) mà tính theo công thức:
i r = ( i n - i i )/( i i +1)
170
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

tức là: i r
= (44-30)/(30+100) # 7,7%.
Điều đó chứng tỏ tỷ lệ lạm phát càng cao, lãi suất thực càng thấp.
6.2.2.3. Căn cứ vào tính chất nghiệp vụ
Theo tiêu thức này lãi suất được chia làm hai loại:
a. Lãi suất tiền gửi:
Khi ngân hàng nhận tiền gửi của khách hàng, ngân hàng phải trả cho họ một
khoản tiền lãi nhất định khi tới hạn. Như vậy, lãi suất tiền gửi là lãi suất mà ngân hàng
thương mại sử dụng để tính lãi phải trả cho người gửi tiền.
Tuỳ theo đối tượng huy động: nội tệ, ngoại tệ, vàng,...;thời gian huy động: ngắn
hạn, trung hạn hay dài hạn; hình thức huy động: tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán,...
mà lãi suất được xác định khác nhau.
Lãi suất tiền gửi phải bù đắp được những chi phí cơ hội và tỷ lệ lạm phát nếu có.
Nếu gọi: itg : lãi suất tiền gửi;
icb : tỷ lệ lãi cơ bản;
ii : tỷ lệ lạm phát.
Ta có: itg = icb + ii (1)
b. Lãi suất cho vay:
Tương tự như khi đi vay, khi cho vay ngân hàng phải thu tiền lãi để bảo đảm bù
đắp lãi huy động và các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động. Lãi suất cho vay là
loại lãi suất qui định tỷ lệ lãi mà người đi vay phải trả cho người cho vay.
Lãi suất cho vay cũng được qui định thành nhiều loại khác nhau tùy thuộc thời hạn
cho vay, đồng tiền cho vay, hình thức cho vay.
Về mặt nguyên tắc, lãi suất cho vay không nhỏ hơn lãi suất huy động và được xác
định dựa vào tỷ suất lợi nhuận bình quân trong nền kinh tế - xã hội hay tỷ suất lợi nhuận
bình quân của các ngành sản xuất kinh doanh chính, đồng thời phải bù đắp được các chi
phí nghiệp vụ tín dụng phát sinh.
Có thể biểu diễn cách tính lãi suất cho vay như sau:
icv  itg  x (2)
Trong đó:
icv : lãi suất cho vay;
x : chi phí nghiệp vụ tín dụng.
Thay (1) vào (2) ta có:
icv = icb + ii + x

171
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

6.2.3. Phân biệt lãi suất và tỷ suất lợi tức


Trong thực tế có nhiều trường hợp hai khái niệm lãi suất và tỷ suất lợi tức được
hiểu như nhau. Đó là khi lãi suất và tỷ suất lợi tức cùng được tính cho một đối tượng vay
và trong cùng một điều kiện như nhau. Ví dụ, một tín phiếu kho bạc nhà nước có mệnh
giá 100 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 8%/năm. Nếu người sở hữu nó giữ đến khi
tới hạn thì sẽ được nhận một số tiền lời là: 8% x 100 triệu đồng = 8 triệu đồng. Vậy, tỷ
suất lợi tức là: 8 triệu đồng/100 triệu đồng = 8%, đúng bằng lãi suất.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ hai khái niệm này:
- Lãi suất là tỷ lệ phần trăm của số tiền lãi trên số tiền vốn cho vay.
- Tỷ suất lợi tức là tỷ lệ phần trăm của số thu nhập của người có vốn trên tổng số
vốn anh ta đưa vào sử dụng (đầu tư hay cho vay).
Để làm rõ điều đó ta lấy lại ví dụ trên với trường hợp: người sở hữu sau một thời
gian nắm giữ, thấy lãi suất trên thị trường giảm xuống và ông ta đã bán lại tờ tín phiếu
đó với giá 110 triệu đồng. Vậy, lúc này tiền lời ông ta thu được là 10 triệu đồng. Tỷ suất
lợi tức lúc này là: 10 triệu/100 triệu = 10%. Khác với lãi suất tín dụng.
6.2.4. Cấu trúc rủi ro và cấu trúc kỳ hạn của lãi suất
Có nhiều yếu tố tác động tới việc xác định mức lãi của một khoản tín dụng nói
riêng hay một công cụ tài chính nói chung. Vì vậy, để có thể lựa chọn một mức lãi hợp lý
trước khi quyết định đầu tư vào một công cụ tài chính hay một khoản tiền gửi nào đó, cần
xem xét những yếu tố cấu trúc nên mức lãi hiện hành. Có hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến
cấu trúc lãi suất: mức độ rủi ro và kỳ hạn của lãi suất.
6.2.4.1. Cấu trúc rủi ro của lãi suất
Lãi suất là giá cả của tín dụng, giá cả của quan hệ vay mượn hoặc cho thuê những dịch
vụ về vốn dưới hình thức tiền tệ hoặc các dạng thức tài sản khác nhau. Có nhiều yếu tố ảnh
hưởng đến khả năng hoàn trả của các khoản cho vay nói trên, vì thế mức lãi suất phụ thuộc
vào những yếu tố gây ra rủi ro.
- Thứ nhất: rủi ro vỡ nợ.
Rủi ro vỡ nợ là rủi ro do người đi vay hoặc người phát hành không có khả năng thanh
toán lãi hoặc cả vốn lẫn lãi khi đến hạn, vì vậy khi tham gia lưu thông sẽ có một mức bù rủi ro
cao, tức là lãi suất sẽ cao. Vì thế, điều tất yếu là các khoản cho vay dài hạn bao giờ cũng xác
định một lãi suất lớn hơn lãi suất một khoản cho vay ngắn hạn.
- Thứ hai: tính lỏng (tính thanh khoản) của trái khoán.
Khi các loại công cụ trên có tính lỏng cao, tức là dễ dàng chuyển đổi sang tiền mặt một
cách nhanh chóng và ít tốn kém thì nó càng được ưa chuộng. Các loại trái khoán chính phủ là
những công cụ lỏng nhất, bởi vì chúng được mua bán rộng rãi, còn trái khoán những công ty
172
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

khác số lượng ít hơn nên ít phổ biến và khó tìm được người mua trong điều kiện cần kíp. Tính
lỏng của một trái khoán hay một khoản vay khó chuyển nhượng ảnh hưởng như thế nào đến lãi
suất của nó? Rõ ràng, một cách trực giác người ta cũng khẳng định được những công cụ kém
lỏng hơn bao giờ cũng có lãi suất cao hơn những công cụ có tính lỏng cao.
- Thứ ba: thuế thu nhập.
Khi tiền lãi cho vay hoặc lãi trái phiếu được miễn thuế thu nhập thì người sở hữu nó
được hưởng nguyên số tiền lời thu được. Ngược lại, trong trường hợp thuế thu nhập đánh vào
khoản lợi nhuận này thì tiền lãi thực tế được nhận sẽ giảm đi một phần. Vì vậy, thuế thu nhập
là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lãi suất. Khi thuế thu nhập tăng lên thì lãi suất phải
tăng tương ứng để bù đắp số tiền lời giảm đi do nộp thuế. Khi thuế thu nhập giảm thì lãi suất
sẽ thấp hơn.
6.2.4.2. Cấu trúc kỳ hạn của lãi suất
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất của một trái khoán là kỳ hạn thanh toán của
nó. Những trái khoán có cùng đặc tính về rủi ro, tính lỏng và thuế có thể có những lãi suất
khác nhau vì kỳ hạn thanh toán của chúng khác nhau. Để nghiên cứu về cấu trúc kỳ hạn của lãi
suất có nhiều giả thuyết được đặt ra. Theo F.S. Mishkin trình bày trong “ Tiền tệ, ngân hàng
và thị trường tài chính”, NXB Khoa học kỹ thuật, năm 1994, ta xem xét các giả thuyết sau:
- Giả thuyết về dự tính:
Giả thuyết về dự tính của cấu trúc kỳ hạn nêu ra vấn đề có ý nghĩa chung sau đây:
Lãi suất của một trái khoán dài hạn sẽ bằng trung bình của các lãi suất ngắn hạn
mà dân chúng dự tính trong thời gian tồn tại của trái khoán dài hạn đó.
Ví dụ, nếu dân chúng dự tính rằng các lãi suất ngắn hạn sẽ là 10% tính trung bình
trong khoảng thời gian 5 năm tới thì giả thuyết về dự tính báo trước rằng lãi suất các trái
khoán có kỳ hạn thanh toán 5 năm cũng sẽ là 10%. Nếu các lãi suất ngắn hạn được trông đợi
là tăng cao hơn nữa sau khoản thời gian 5 năm này, do đó lãi suất trung bình ngắn hạn trong
20 năm tới là 12% thì lãi suất của những trái khoán 20 năm sẽ bằng 12% và sẽ cao hơn lãi
suất của những trái khoán 5 năm.
Như vậy, giả thuyết về dự tính giải thích rằng: lãi suất của những trái khoán có kỳ
hạn thanh toán khác nhau thì khác nhau do những lãi suất ngắn hạn được trông đợi là có
những giá trị khác nhau trong những ngày tháng tương lai.
Vì vậy, người ta sẽ không ưu tiên về kỳ hạn mà chú ý hơn về mức lãi. Ví dụ có hai chiến
lược đầu tư sau đây:
+ Mua một trái khoán có kỳ hạn 1 năm, khi mãn hạn sẽ mua tiếp một trái khoán kỳ hạn
1 năm khác.
+ Mua một trái khoán 2 năm và giữ cho đến ngày đáo hạn.

173
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Do cả hai chiến lược phải cùng một lãi suất dự tính nếu dân chúng đang giữ cả trái
khoán một năm và trái khoán 2 năm, như thế thì lãi suất của trái khoán 2 năm phải bằng lãi
suất trung bình của 2 trái khoán 1 năm. Ví dụ, lãi suất hiện hành của trái khoán 1 năm là 9%,
dự tính lãi suất của trái khoán 1 năm trong năm tới là 11%. Nếu theo đuổi chiến lược thứ nhất
thì lợi tức dự tính qua hai năm nói trên sẽ là: (9+11)/2 = 10 %/1 năm. Như vậy, lãi suất của
trái khoán 2 năm phải bằng 10% (lãi suất trung bình của 2 trái khoán trên) thì mới được nắm
giữ.
Một cách tổng quát, ta có công thức sau:
Gọi i : lãi suất hôm nay (thời điểm t) của trái khoán loại một giai đoạn.
t

e
i t 1 : lãi suất của trái khoán loại một giai đoạn dự tính cho giai đoạn sau( thời
điểm t+1)
i 2t : lãi suất hôm nay (thời điểm t) của chứng khoán 2 giai đoạn.
Lợi tức dự tính qua hai giai đoạn do mua và lưu giữ trái khoán hai giai đoạn nói trên
là:
( 1+ i 2t
)(1+ i 2t
)-1 =1+2( i 2t ) +( i 2t ) 2 -1

Vì ( i 2t ) 2 rất nhỏ ta có thể đơn giản hóa để có 2( i 2t )


Khi mua các trái khoán loại một giai đoạn, lợi tức dự tính qua 2 giai đoạn là:
e e e
(1+ i t ) (1+ i i 1 )-1=1+ i t + i i 1 + i t ( i i 1 )-1.
e
Vìi (it i 1
) cũng rất nhỏ nên có thể đơn giản hóa và công thức trên trở thành:
e
i +i
t i 1

Cả hai trái khoán trên sẽ được lưu giữ nếu những tiền lời dự tính này bằng nhau, tức là
e
khi: 2( i 2t ) = i t + i i 1 .
e
Từ đó suy ra: i 2t
= ( i t + i i 1 )/2
Điều này cho ta biết rằng lãi suất hai giai đoạn nói trên phải bằng trung bình của hai
lãi suất một giai đoạn. Ta có thể tiến hành những bước như thế cho những trái khoán có kỳ hạn
thanh toán dài hơn, do đó ta có thể nghiên cứu toàn bộ cấu trúc kỳ hạn của lãi suất. Khi làm
như vậy, chúng ta sẽ tìm ra rằng lãi suất i nt của một trái khoán n giai đoạn phải bằng:

e e e
i +it i 1
+ i t  2 + ...+ i t  n 1

i nt
= -----------------------------
n

174
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Phương trình trên cho thấy lãi suất n giai đoạn bằng trung bình của các lãi suất một
giai đoạn dự tính diễn ra trong quá trình tồn tại n giai đoạn của trái khoán này. Đây là cách
nói chính xác hơn của giả thuyết về dự tính.
Giả thuyết về dự tính giải thích rõ vì sao cấu trúc kỳ hạn của các lãi suất thay đổi ở
những kỳ hạn khác nhau. Khi đường lãi suất dốc lên, giả thuyết về dự tính cho thấy rằng lãi
suất ngắn hạn được trông đợi tăng lên trong tương lai. Khi đường lãi suất xuống dốc, trung
bình của các lãi suất ngắn hạn tương lai được trông đợi là ở bên dưới lãi suất ngắn hạn hiện
hành, hàm ý rằng các lãi suất ngắn hạn được trông đợi sụt giảm tính trung bình trong tương
lai. Khi đường lãi suất nằm ngang thì giả thuyết về dự tính chỉ ra rằng các lãi suất ngắn hạn
không được trông đợi có sự thay đổi.
Giả thuyết về dự tính là một lý thuyết hấp dẫn vì nó đưa ra sự giải thích đơn giản và
thuyết phục về hình thái diễn biến của cấu trúc kỳ hạn nhưng nó cũng có nhược điểm rất lớn.
Theo giả thuyết này khi đường lãi suất dốc lên, các lãi suất ngắn hạn được trông đợi tăng lên
trong tương lai, nhưng trong thực tế, các lãi suất ngắn hạn có khả năng sụt giảm y như khả
năng tăng lên. Rõ ràng, lý thuyết này có điều chưa hoàn chỉnh.
- Lý thuyết thị trường phân cách:
Lý thuyết thị trường phân cách xem xét các thị trường của các trái khoán có kỳ hạn
khác nhau như là hoàn toàn riêng biệt và được cắt rời khỏi nhau. Lãi suất cho một trái khoán
kỳ hạn nào đó được xác định theo lượng cung và cầu đối với trái khoán kỳ hạn đó mà không
chịu tác dụng của lợi tức dự tính của các trái khoán có kỳ hạn khác.
Lý thuyết thị trường phân cách cho rằng những trái khoán với kỳ hạn khác nhau không
phải là những thứ thay thế cho nhau, do đó lợi tức dự tính khi giữ một trái khoán có một kỳ hạn
nào đó sẽ không ảnh hưởng đến lượng cầu trái khoán có hạn kỳ khác.
Vì sao các trái khoán có kỳ hạn khác nhau không phải là những thứ thay thế cho nhau ?
Bởi vì các nhà đầu tư có những ưu tiên mạnh mẽ cho những trái khoán ở một kỳ hạn nhất định
mà không ưu tiên đến các trái khoán ở kỳ hạn khác. Vì vậy, họ chỉ quan tâm đến lợi tức dự tinh
cho những trái khoán ở kỳ hạn mà họ ưu tiên. Ví dụ, những người có thời gian nhàn rỗi ngắn
họ sẽ ưu tiên lưu giữ những trái khoán ngắn hạn. Nếu họ đang định để dành tiền cho con đi
học trong tương lai thì họ sẽ lưu giữ những trái khoán dài hạn.
Trong lý thuyết thị trường phân cách, những dạng đường lãi suất khác nhau được lý
giải bằng lý do là lượng cung và cầu. Cung và cầu các trái khoán khác nhau thì khác nhau.
Khi các đường cong lãi suất dốc lên, lý thuyết thị trường phân cách giải thích rằng lượng cầu
về trái khoán ngắn hạn thường cao hơn so với lượng cầu trái khoán dài hạn, vì vậy trái khoán
ngắn hạn có giá cao hơn, lãi suất thấp hơn. Các đường cong lãi suất thường có hướng dốc lên
do đó thông thường mọi người ưu tiên lưu giữ trái khoán ngắn hạn hơn trái khoán dài hạn.

175
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Lý thuyết này giải thích được vì sao các đường cong lãi suất thường có hướng dốc lên
tuy nhiên nó vẫn bộc lộ một nhược điểm lớn. Bởi vì trong thực tế, khi lãi suất một kỳ hạn này
tăng lên thì lãi suất các kỳ hạn khác cũng tăng theo, tức là sự phân cách giữa chúng thực sự
không rõ ràng.
Kết hợp hai lý thuyết trên, người ta đi đến lý thuyết môi trường ưu tiên.
- Lý thuyết môi trường ưu tiên:
Lý thuyết môi trường ưu tiên của cấu trúc hạn kỳ phát biểu như sau: Lãi suất của một
trái khoán dài hạn sẽ bằng trung bình của những lãi suất ngắn hạn được trông đợi xuất
hiện trong thời gian tồn tại của trái khoán dài hạn đó cộng với một mức bù hạn kỳ, mức bù
này ứng với điều kiện cung cầu trái khoán đó.
Lý thuyết này thừa nhận rằng những trái khoán có kỳ hạn thanh toán khác nhau là
những thứ có thể thay thế cho nhau, do đó lợi tức dự tính của một trái khoán loại này ảnh
hưởng đến lợi ích dự tính của một trái khoán có kỳ hạn thanh toán khác, nhưng nó cũng cho
phép các nhà đầu tư ưu tiên một kỳ hạn trái khoán loại này hơn một kỳ hạn khác. Như vậy, có
thể nghĩ rằng các nhà đầu tư có một ưu tiên cho những trái khoán ở kỳ hạn này hơn kỳ hạn
trái khoán khác, tức là họ có một thị trường trái khoán ở đó theo họ là có thể yên tâm hoạt
động hơn. Hay nói cách khác, họ có môi trường ưu tiên. Các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng về
những lợi tức dự tính của các trái khoán có kỳ hạn khác với kỳ hạn ưu tiên của họ. Vì vậy, họ
sẽ chỉ mua những trái khoán không có kỳ hạn ưu tiên khi họ có một lợi tức dự tính cao hơn. Ví
dụ, nếu các nhà đầu tư ưu tiên môi trường trái khoán ngắn hạn hơn trái phiếu dài hạn, thì họ
sẵn sàng lưu giữ những trái khoán ngắn hạn ngay cả khi chúng có một lợi tức dự tính thấp
hơn. Điều này nghĩa là các nhà đầu tư sẽ phải trả một mức bù hạn kỳ dương để sẵn lòng lưu
giữ trái khoán dài hạn.
Gọi k nt : mức bù kỳ hạn cho trái khoán n giai đoạn tại thời điểm t;

i nt
: lãi suất của trái khoán n giai đoạn .
Lý thuyết môi trường ưu tiên được viết là:
e e e
i +i
t i 1
+ i t  2 + ...+ i t  n 1

i nt
= k nt
+ -------------------------------------
n
Lý thuyết môi trường ưu tiên là lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất trong cấu
trúc kỳ hạn của các lãi suất bởi vì nó giải thích các sự việc xảy ra trên thực tế về cấu trúc
hạn kỳ khá tốt. Nó kết hợp các đặc điểm của giả thuyết về dự tính và lý thuyết về thị
trường phân cách bằng cách xác nhận rằng một lãi suất dài hạn sẽ là tổng của một mức
bù hạn kỳ (được xác định bởi lượng cung và cầu các trái khoán với những hạn kỳ thanh

176
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

toán khác nhau) và số trung bình của các lãi suất ngắn hạn được trông đợi xảy ra trong
suốt thời gian tồn tại của trái khoán ấy.
Lý thuyết môi trường ưu tiên giải thích các sự việc sau:
- Lãi suất của các trái khoán có kỳ hạn khác nhau có xu hướng diễn biến theo
nhau trong suốt thời gian.
- Các đường lãi suất hoàn vốn thường dốc lên
- Khi các lãi suất ngắn hạn thấp, các đường lãi suất hoàn vốn có thể có hướng
dốc lên, ngược lại khi các lãi suất ngắn hạn ở mức cao, các đường lãi suất hoàn vốn có
thể có hướng dốc xuống.
6.2.5. Các nhân tố ảnh hưởng tới lãi suất
Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất luôn biến động và phụ thuộc vào nhiều nhân tố
kinh tế vĩ mô và nhiều nhân tố khác.
6.2.5.1. Quan hệ cung cầu quỹ cho vay
Lãi suất là giá cả của tín dụng, vì vậy bất kỳ sự thay đổi nào của cung hoặc cầu hoặc cả
cung và cầu quỹ cho vay không cùng tỷ lệ thì sẽ làm thay đổi lãi suất trên thị trường.
6.2.5.2. Lạm phát kỳ vọng
Khi mức lạm phát được dự đoán sẽ tăng lên trong một thời kỳ nào đó, lãi suất sẽ có xu
hướng tăng. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân:
- Khi lạm phát tăng để lãi suất thực không thay đổi, lãi suất danh nghĩa phải tăng lên
tương ứng.
- Khi dự đoán lạm phát tăng, người dân sẽ chuyển dự trữ bằng tiền sang các hình thức
khác như: vàng, ngoại tệ mạnh, đất đai, hay chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài làm cho cung
cho vay giảm, lãi suất tăng lên.
6.2.5.3. Bội chi ngân sách
Bội chi ngân sách là tình trạng nguồn thu cân đối của NSNN không đủ đáp ứng nhu cầu
chi tiêu thường xuyên của chính phủ. Vì vậy, khi bội chi ngân sách, Nhà nước buộc phải vay nợ
để bù dắp. Như vậy:
- Bội chi ngân sách sẽ làm tăng cầu của quỹ cho vay vì thế lãi suất sẽ tăng.
- Bội chi ngân sách ảnh hưởng đến tâm lý công chúng về mức gia tăng lạm phát do
vậy sẽ gây áp lực làm tăng lãi suất.
- Thông thường, khi bội chi ngân sách tăng, chính phủ thường phát hành trái phiếu.
Cung trái phiếu tăng làm cho giá trái phiếu trên thị trường giảm, lãi suất thị trường tăng lên.
- Tài sản có của các ngân hàng gia tăng khoản mục trái phiếu chính phủ, nguồn vốn
cho vay sẽ giảm bớt, lãi suất sẽ tăng.

177
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

6.2.5.4. Những thay đổi về thuế


Thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp luôn tác động đến lãi suất giống
như tác động đến giá cả hàng hóa. Bởi vì, khi các loại thuế này tăng lên thì thu nhập của
những tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ tín dụng hay kinh doanh chứng khoán sẽ giảm đi.
Vì vậy, để duy trì lợi nhuận không đổi, có thể họ sẽ cộng thêm vào lãi suất những thay đổi của
thuế.
6.2.5.5. Những thay đổi trong đời sống xã hội
Ngoài những nhân tố trên thì những thay đổi khác trong đời sống kinh tế - xã hội cũng
sẽ ảnh hưởng đến lãi suất. Ví dụ như sự phát triển của thị trường tài chính tạo ra những công
cụ đầu tư mới; sự thay đổi công nghệ tạo ra hiệu suất đầu tư cao; mức độ phát triển của các
định chế tài chính trung gian tạo ra sự cạnh tranh cao; những biến động kinh tế tài chính trên
phạm vi quốc tế,...đều có thể ảnh hưởng đến yếu tố lãi suất. Chính vì vậy, các nhà hoạch định
chính sách cần phải có một cái nhìn toàn cục trước khi đưa ra một quyết định liên quan đến lãi
suất.

6.3. LÃI SUẤT Ở VIỆT NAM


6.3.1. Giai đoạn trước 1989
Đây là giai đoạn nền kinh tế nước ta còn theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, hệ thống
lãi suất được sử dụng như một công cụ để điều phối mức cung tiền theo ý chí chủ quan của
Nhà nước. Mặc dù nền kinh tế có rất nhiều biến động bên ngoài thị trường nhưng trên “thị
trường có tổ chức” của Nhà nước các công cụ nhạy cảm như lãi suất, giá cả, tỷ giá,...không
được điều chỉnh. Hệ thống lãi suất giai đoạn này có những đặc trưng cơ bản sau:
- Lãi suất được qui định ở mức thấp và cố định, lãi suất thực thường “âm”.
- Hệ thống lãi suất do Nhà nước qui định để phục vụ cho các mục tiêu phát triển của
các doanh nghiệp quốc doanh, thể hiện sự bao cấp qua cơ chế tín dụng.
- Lãi suất cho vay dài hạn bé hơn lãi suất cho vay ngắn hạn,...
Những qui định về chế độ lãi suất như trên rõ ràng là chưa phù hợp với quy luật khách
quan và chỉ có ý nghĩa trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Vì vậy, khi cơ chế kinh tế thay
đổi, tất yếu hệ thống ngân hàng và cơ chế lãi suất phải thay đổi cho phù hợp.
6.3.2. Giai đoạn từ sau 1989
Bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 80, nền kinh tế Việt Nam có những bước biến
chuyển đáng kể. Hệ thống ngân hàng được cải tổ theo mô hình hệ thống ngân hàng 2 cấp.
Chính sách lãi suất được thay đổi theo hướng lãi suất thực dương. Có thể phân chia chính sách
lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành các giai đoạn sau:

178
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

6.3.2.1. Giai đoạn 1989 đến 1995:


Bước khởi động đầu tiên cho giai đoạn này bắt đầu từ tháng 3/1989 với Nghị định
43/CP do Chính phủ ban hành, quy định cách thức tính lãi suất theo công thức: Lãi suất = Lãi
suất cơ bản + chỉ số giá cả thị trường. Trong đó, lãi suất cơ bản được xác định sao cho bù đắp
được chi phí nghiệp vụ và có lãi cho tổ chức tín dụng. Chỉ số giá cả thị trường được ủy ban vật
giá nhà nước công bố định kỳ phù hợp với chỉ số lạm phát. Cụ thể từ ngày 16/03/1989, lãi suất
tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng lên tới 12%/tháng, tiền gửi không kỳ hạn
9%/tháng. Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh cùng hướng với lãi suất tiền gửi. Chính việc
thay đổi lãi suất đã góp phần quan trọng trong việc chặn đứng lạm phát phi mã trong thập
niên 80. Từ đó, lãi suất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với mức độ lạm phát và tình hình
kinh tế - xã hội.
Tổng khối lượng tiền huy động qua kênh tín dụng tăng cao. Lạm phát được chặn đứng.
Việt Nam được thế giới biết đến như một quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực chống lạm
phát. Tuy nhiên, sau đó lãi suất liên tục hạ gây ra những cơn sốc lớn đối với nền kinh tế. Trong
thời gian ngắn, từ tháng 3/89 đến tháng 3/2000, đã có 5 lần hạ lãi suất:

Thời gian Lãi suất TGTK có kỳ hạn Lãi suất TGTK không kỳ hạn
16/3 đến 31/5/89 12%/tháng 9%/tháng
1/6 đến 30/6/89 9%/tháng 7%/tháng
1/7/89 đến3/2/90 7%/tháng 5%/tháng
10/2 đến 19/3/90 6%/tháng 4%/tháng
Từ 20/3/90 4%/tháng 2,4%/tháng

Lạm phát đã được kìm chế và đẩy lùi. Nhà nước từng bước thực hiện chính sách lãi suất
dương nhưng vẫn qui định các mức lãi suất tiền gửi và cho vay cụ thể, có phân biệt giữa các
thành phần kinh tế. Cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước thấp hơn đối với doanh nghiệp
ngoài quốc doanh, lãi suất cho vay ngắn hạn còn cao hơn lãi suất cho vay trung, dài hạn. Từ
ngày 1/10/1993, Ngân hành Nhà nước vừa qui định các mức lãi suất tiền gửi và cho vay cụ thể,
vừa cho phép các tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thỏa thuận vượt mức lãi suất cho vay
cụ thể (Quyết định 184/QĐ-NH1 ngày 28-9-1993).
Về lãi suất cho vay, giai đoạn này có hai loại: lãi suất cho vay doanh nghiệp nhà nước:
1,8%/tháng, lãi suất cho vay kinh tế ngoài quốc doanh cao nhất: 2,1%/tháng.
Lãi suất cho vay thỏa thuận: các ngân hàng có thể phát hành kỳ phiếu huy động vốn
trong dân cư với lãi suất cao hơn 0,2% so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm loại cùng kỳ hạn và cho
vay với lãi suất cao hơn 2,1%/tháng trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng với phương châm
hai bên cùng có lợi. Từ cơ chế này, các ngân hàng đã có một khối lượng cho vay theo lãi suất

179
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

thỏa thuận rất cao: từ 30% - 60% dư nợ và đối tượng đi vay chủ yếu là doanh nghiệp ngoài
quốc doanh và nông dân, chủ yếu ở vùng phía nam và đồng bằng sông Cửu Long, lãi suất cho
vay phổ biến từ 3% - 3,5%/ tháng. Mức chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động rất cao,
từ 0,7 - 1%/ tháng, cho nên hầu hết các ngân hàng thương mại đều có lợi nhuận cao trong khi
các doanh nghiệp làm ăn khó khăn. Từ thực trạng này, trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa IX,
tháng 10/1995, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bỏ thuế doanh thu hoạt động tín dụng ngân
hàng, đồng thời yêu cầu các ngân hàng phải tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, khống chế
mức lãi suất chênh lệch giữa cho vay và huy động trong giới hạn 0,35%. Sự điều hành lãi suất
chuyển sang một giai đoạn mới.
6.3.2.2. Giai đoạn từ 1996 đến tháng 8/2000:
Đây là giai đoạn mà công cụ lãi suất được vận dụng linh hoạt và có nhiều thay đổi
nhất. Bắt đầu từ năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á bùng nổ ở Thái Lan và sau đó
lan sang các nước khác. Vì nhiều lý do khác nhau, sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nói
trên đối với Việt Nam không trầm trọng và ngay lập tức. Nền kinh tế nước ta chưa có dấu hiệu
chững lại. Lãi suất được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo cơ chế: lãi suất trần và chênh
lệch lãi suất huy động - cho vay 0,35%. Trần lãi suất được qui định ở nhiều mức khác nhau, do
có nhiều loại hình tổ chức tín dụng với những đặc điểm, qui mô và địa bàn hoạt động khác
nhau. Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước qui định 4 loại lãi suất trần:
- Trần lãi suất cho vay ngắn hạn (khu vực thành thị);
- Trần lãi suất cho vay trung dài hạn (cao hơn lãi suất cho vay ngắn hạn);
- Trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng cho vay trên địa bàn nông thôn (cao
hơn lãi suất cho vay trung dài hạn);
- Trần lãi suất cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đối với thành viên (cao hơn 3
loại trên);
Các mức trần lãi suất này lúc đầu có chênh lệch khá xa. Trong hai năm 1996-1997, các
mức trần có xu hướng giảm dần. Giữa năm 1997, mặt bằng lãi suất cho vay được đưa xuống ở
mức thấp nhất. Trần cho vay ngắn hạn là 1%/tháng, trung và dài hạn là 1,1%/tháng, lãi suất
cho vay người nghèo 0,8%/tháng, cho vay sinh viên 0,7%/tháng, lãi suất cho vay vùng núi cao,
hải đảo, vùng đồng bào Khơme sống tập trung giảm 30% so với lãi suất cho vay. Cùng với lãi
suất cho vay, lãi suất huy động cũng được giảm thấp phù hợp với mức lạm phát và bảo đảm có
lợi cho người gửi.
Từ đầu quý IV năm 1997, do tỷ giá hối đóai tăng mạnh (ảnh hưởng của tình hình khủng
hoảng kinh tế châu Á) cùng với việc chỉ số giá có xu hướng tăng, trong khi lãi suất tiền gửi
thấp làm cho mặt bằng lãi suất có lợi cho người đi vay nhưng không hấp dẫn người gửi tiền.
Hệ thống tín dụng khó khăn trong việc huy động vốn. Vì thế, ngày 17/01/1998, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 39/1998/QĐ-NH1 điều chỉnh tăng mức trần lãi
180
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

suất cho vay bằng đồng Việt nam ngắn hạn lên 1,2% /tháng và áp dụng một trần lãi suất cho
cả khu vực thành thị và nông thôn. Lãi suất tái cấp vốn cũng được điều chỉnh từ 0,9%/tháng
lên 1,1%/tháng để khuyến khích các tổ chức tín dụng huy động vốn trong dân cư để đáp ứng
nhu cầu vốn đầu tư.
Rõ ràng từ năm 1997, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại và giảm đi
trong khi lạm phát lại tăng cao. Việc qui định chênh lêch lãi suất 0,35% không còn phù hợp.
Từ ngày 21/01/1998, Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ chênh lệch lãi suất. Cơ chế điều hành lãi
suất theo hướng tự do hóa dần dần.
Thực trạng nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 1999-2000 có nhiều biến động phức tạp.
Cơn sốt lạm phát của năm 1998 lại giật lùi, nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp, một số mặt
hàng có hiện tượng giảm giá kéo dài. Trần lãi suất trong năm 1999 được điều chỉnh theo xu
hướng giảm dần. Ngày 17/01/1999, theo Chỉ thị số 01/1999/CT-NHNN1 của Thống đốc
NHNN, đã điều chỉnh trần lãi suất cho vay xuống còn 1,1-1,15%/tháng. Ngày 25/9/1999,
Thống đốc NHNN có Quyết định số 184/1999/QĐ-NHNN1 điều chỉnh giảm lãi suất trần cho
vay đối với các tổ chức tín dụng cho vay trên địa bàn nông thôn bằng với các tổ chức tín dụng
hoạt động trên địa bàn thành thị. Lãi suất tái cấp vốn cũng được điều chỉnh xuống còn
0,85%/tháng. Đến tháng 8/1999, lạm phát 9 tháng đầu năm tiếp tục thấp, vốn tín dụng luôn
trong tình trạng cung vượt cầu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm trần lãi suất cho vay xuống
1,05%/tháng, 0,95%/tháng, 0,85%/tháng. Lãi suất cho vay người nghèo 0,7%/tháng, lãi suất
tái cấp vốn giảm xuống 0,7%, 0,5%/tháng. Trong năm 1999, có 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất.
Điều đó cho thấy sự nhanh nhạy của chính sách lãi suất và quan điểm của các nhà quản lý
ngân hàng. Tuy nhiên, tác động của chính sách hạ trần lãi suất chưa mang lại những hiệu quả
mong đợi. Các ngân hàng đều cho vay dưới mức trần qui định.

Diễn biến lãi suất tín dụng năm 1999


Lãi cho vay ngắn Lãi cho vay trung Lãi suất tái cấp
Ngày tháng
hạn hạn vốn
Trước 17/01/99 1,2-1,25%/tháng 1.25%/tháng
Từ 17/01/99 1,1-1,15%/tháng 1%/tháng
Từ 29/5/99 1,15%/tháng 0,85%/tháng
Từ 01/8/99 1,05%/tháng
Từ 9/99 0,95%/tháng 0,7%/tháng
Từ 10/99 0,85%/tháng 0,5%/tháng

6.3.2.3. Giai đoạn từ tháng 8/2000 đến tháng 6/2002:

181
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Từ tháng 8/2000, theo Quyết định số 241/QĐ-NHNN1 của Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam, đã chính thức thay đổi cơ chế điều hành trần lãi suất cho vay bằng cơ chế lãi
suất cơ bản và cơ chế lãi suất thị trường có sự quản lý đối với cho vay ngoại tệ. Theo đó, đối
với lãi suất cho vay đồng Việt Nam, các tổ chức tín dụng sẽ ấn định lãi suất cho vay đối với
khách hàng trên cơ sở lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo nguyên tắc lãi
suất cho vay không quá mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố và biên độ do
Thống đốc Nhà nước Nhà nước qui định theo từng thời kỳ. Trong đó, lãi suất cơ bản được
Ngân hàng Nhà nước công bố trên cơ sở tham khảo lãi suất cho vay thương mại đối với các
khách hàng tốt nhất của nhóm các tổ chức tín dụng được lựa chọn trong từng thời kỳ, còn biên
độ được công bố hàng tháng hoặc điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.
Từ tháng 6/2002, Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách lãi suất thỏa thuận. Theo
đó, các tổ chức tín dụng được phép lựa chọn khách hàng, quyết định phương thức cho vay và
thoả thuận lãi suất. Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục công bố lãi suất cơ bản nhưng chỉ mang
tính chất định hướng. Các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu được Ngân hàng
Nhà nước công bố thường xuyên cũng mang tính chất định hướng đồng thời là cơ sở để các tổ
chức tín dụng lựa chọn phương thức huy động vốn phù hợp.
Từ cuối năm 2007 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều biến động theo
chiều hướng xấu. Chỉ số giá cả liên tục tăng ở mức độ cao. NHNN đã phải liên tục điều chỉnh
lãi suất cơ bản nhằm phù hợp với thực tế thị trường và định hướng cho hoạt động của hệ
thống ngân hàng thương mại. Từ năm 2007 trở về trước, lãi suất cơ bản được NHNN duy trì ở
mức không đổi 8,25%/năm, tương đương 0,6875%/tháng, đến tháng 10/2007, cụ thể là ngày
31/10/2007, NHNN ban hành Quyết định số 305/QĐ-NHNN, đưa lãi suất cơ bản lên
8,75%/năm. Và chỉ hơn 5 tháng sau, con số này lại tiếp tục thay đổi theo Quyết định số
1099/QĐ-NHNN ban hành ngày 16/5/2008, với mức lãi suất cơ bản là 12%/năm, đồng thời lãi
suất tái cấp vốn của NHNN cũng được nâng lên 13%/năm theo Quyết định số 1098/QĐ-NHNN
ban hành cùng ngày. Ngày 10/6/2008, lãi suất cơ bản lại một lần nữa tăng lên 14%/năm theo
Quyết định số1317/QĐ/NHNN và lãi suất tái cấp vốn tăng lên 15%/năm theo Quyết định số
1326/QĐ-NHNN ban hành cùng ngày.
Như vậy, rõ ràng lãi suất có những tác động rất mạnh mẽ đến sự điều hành kinh tế vĩ
mô, bởi vì nó tác động nhanh chóng đến quan hệ cung cầu tiền tệ, tác động đến khối lượng tín
dụng và đầu tư trong nền kinh tế. Cùng với sự thắt chặt tín dụng, chính sách lãi suất của
NHNN là một trong những công cụ hữu hiệu điều tiết kinh tế vĩ mô, tạo sự bình ổn và tăng
trưởng kinh tế.

TÓM TẮT CHƯƠNG 6

182
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

--------

1. Tín dụng là một phạm trù kinh tế xuất hiện lâu đời và có ý nghĩa ngày càng quan
trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội. Tín dụng là cách thức phân phối vốn tốt nhất trong nền
kinh tế thị trường bởi những tính chất đặc trưng của nó.
2. Có nhiều hình thức tín dụng khác nhau, mỗi hình thức đều có một ý nghĩa nhất định
đối với nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngày nay tín dụng ngân hàng có phạm vi hoạt động rất
rộng và có tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng và ổn định sản xuất trong nước.
3. Lãi suất là yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến cả hoạt động kinh tế vĩ mô lẫn vi
mô. Ở tầm vĩ mô, lãi suất là công cụ điều tiết cho vay rất hiệu quả và nhạy bén. Là công cụ cơ
bản để Ngân hàng Nhà nước điều tiết cung cầu tiền trong lưu thông. Ở tầm vi mô, lãi suất là
cơ sở để các cá nhân và tổ chức kinh tế đưa ra sự lựa chọn đúng đắn của mình: chi tiêu hay để
dành, đầu tư vào công cụ tài chính hay kinh doanh,...
4. Có nhiều loại lãi suất khác nhau tuỳ theo căn cứ phân loại. Cần phân biệt lãi suất
thực và lãi suất danh nghĩa, lãi suất huy động và lãi suất cho vay, lãi suất ngắn hạn và lãi suất
dài hạn, lãi suất đơn và lãi suất tích hợp, lãi suất hoàn vốn và lãi suất hoàn vốn hiện hành, lãi
suất trên cơ sở tính giảm.
5. Lãi suất ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư và cung cầu các công cụ tài chính trên
thị trường nên việc nghiên cứu cấu trúc rủi ro và cấu trúc kỳ hạn của lãi suất là rất quan trọng.
Thời hạn, tính lỏng và thuế thu nhập là những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến mức độ cấu trúc
rủi ro của lãi suất. Lý thuyết dự tính chỉ rõ sự phụ thuộc của lãi suất vào những dự tính của
nhà đầu tư. Khi những dự tính của họ về những thay đổi của lãi suất của kỳ hạn ngắn và kỳ
hạn dài có khác nhau thì họ sẽ có những quyết định khác nhau trong việc lựa chọn công cụ đầu
tư. Lý thuyết thị trường phân cách chỉ rõ nhà đầu tư không quan tâm đến sự thay đổi lãi suất
của các công cụ đầu tư có kỳ hạn ngắn hay kỳ hạn dài mà chỉ quan tâm đến thời hạn đầu tư
của chính bản thân họ. Vì vậy, lãi suất của các loại kỳ hạn chỉ phụ thuộc vào quan hệ cung
cầu. Lý thuyết môi trường ưu tiên là một sự phối hợp giữa hai lý thuyết trên. Khi một nhà đầu
tư quan tâm đến một trong hai loại kỳ hạn ngắn hay kỳ hạn dài nhưng nếu ở kỳ hạn còn lại do
quan hệ cung cầu dẫn đến giá cả có thể thay đổi thì họ sẽ có những quyết định thích hợp khi
tính được phần bù mà họ được hưởng do chênh lệch cung cầu đó.
6. Cần chú ý đến những nhân tố ảnh hưởng đến lãi suất: quan hệ cung cầu, lạm phát kỳ
vọng, bội chi ngân sách, thuế thu nhập và những thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội để có
những điều chỉnh đúng đắn khi xây dựng chính sách lãi suất.

183
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

7. Hệ thống lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều thay đổi kể từ khi
đổi mới cơ chế kinh tế. Cần xem xét một cách có hệ thống sự thay đổi đó để thấy được quá
trình hoàn thiện của hệ thống lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, Ngân
hàng Nhà nước duy trì chính sách lãi suất thỏa thuận với sự công bố thường xuyên lãi suất cơ
bản nhằm định hướng cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Điều đó là phù hợp với điều kiện hiện
tại của hệ thống ngân hàng nước ta hiện nay và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của
Ngânhàng Nhà nước Việt Nam.

TỪ KHÓA (KEY WORDS)

184
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 6


-------------

1. Phân tích bản chất của tín dụng ?


2. Chức năng và vai trò của tín dụng trong nền kinh tế thị trường ?
3. Các hình thức tín dụng và vai trò cuả chúng trong nền kinh tế - xã hội ?
4. Giải thích khái niệm lãi suất mà các nhà kinh tế thường sử dụng ?
5. Nếu có một người cho bạn lựa chọn hai phần thưởng như sau:
- Tặng bạn một phần thưởng nhận ngay trị giá 100 triệu đồng.
- Sau khi bạn tốt nghiệp (2 năm nữa) sẽ được tặng 100 triệu đồng.
Bạn sẽ chọn phần nào ? Giải thích ?
6. Trong thực tế, các nhà đầu tư vận dụng lý thuyết môi trường ưu tiên như thế nào
? Trên thị trường chứng khoán, lý thuyết này có được vận dụng không ? Cho ví dụ minh hoạ.
7. Khi thuế thu nhập cá nhân tác động đến các khoản lợi nhuận do tiền gửi hay
kinh doanh chứng khoán thì hoạt động của thị trường tài chính có ảnh hưởng như thế nào ?
Đánh giá khái quát ở cả hai khía cạnh: thuận lợi và khó khăn.
8. Theo bạn, chính sách lãi suất ở nước ta hiện đang được điều chỉnh theo định
hướng nào ? Hãy minh họa bằng số liệu cụ thể các lãi lãi suất do Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam công bố hiện hành.

185
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 7: HỆ THỐNG NGÂN HÀNG


Hệ thống ngân hàng được ví là hệ thống tuần hoàn máu của nền kinh tế. Chúng
thu hút, cung ứng và đảm bảo tính thông suốt của các dòng tài chính. Ngoài ra hệ thống
ngân hàng cung cấp phần lớn các dịch vụ tài chính, thoả mãn nhu cầu ngày càng đa dạng
của các chủ thể, góp phần đắc lực cho sự phát triển bền vững và cho quá trình hội nhập
kinh tế quốc tế của đất nước.
Chương này giới thiệu những nội dung cơ bản về lịch sử hệ thống ngân hàng, cấu
trúc hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế thị trường, về ngân hàng trung ương, về các
hoạt động cơ bản của ngân hàng thương mại, về vai trò của chúng trong quá trình hoạch
định và thực thi chính sách tiền tệ.

7.1.SƠ LƯỢC VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG


NGÂN HÀNG
Sự ra đời và phát triển của hệ thống ngân hàng gắn liền với lịch sử phát triển của
xã hội con người. Tiền thân của hệ thống ngân hàng ngày nay là các tổ chức kinh doanh
tiền tệ ngày xưa. Hàng ngàn năm trước đây, một bộ phận tầng lớp thương nhân đã
chuyển sang làm nghề giữ tiền và đổi tiền. Điều này nảy sinh do chính nhu cầu của quá
trình sản xuất và trao đổi hàng hóa. Sau này nhà thờ, Chính phủ - nhờ uy tín bảo mật và
an toàn - cũng tham gia kinh doanh các công việc này.
Do tính chất vô danh của đồng tiền và số lượng khách hàng gửi và đổi tiền ngày
càng nhiều với quy mô ngày càng lớn nên khối lượng vốn tập trung vào tay những người
này ngày càng nhiều hơn, vì vậy họ sử dụng số tiền này để cho vay kiếm lời.
Sản xuất và trao đổi hàng hóa ngày càng phát triển đã kéo theo các quan hệ giao
dịch về tiền tệ trở nên đa dạng hơn, quy mô hơn. Vì vậy, các cá nhân và tổ chức kinh
doanh tiền đã làm cả việc thanh toán hộ khách hàng, giúp họ tránh rủi ro khi vận chuyển
tiền từ nơi này đến nơi khác. Dần dần sau này các nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ khác cũng
được bộ phận này thực hiện.
Những ngân hàng đầu tiên trên thế giới ra đời vào những năm đầu thế kỷ 15,
chẳng hạn ngân hàng Bancodi Barcelone thành lập ở Tây Bân Nha năm 1401, ngân hàng
Bancodi Valencia thành lập 1409… Từ đó đến nay, hệ thống ngân hàng thế giới đã có
những bước tiến vượt bậc. Có thể hình dung quá trình phát triển này qua 3 giai đoạn:
- Từ đầu thế kỷ thứ 15 đến cuối thế kỷ thứ 17:
Trong nền kinh tế mỗi quốc gia có khá nhiều ngân hàng. Các ngân hàng đều thực
hiện các nghiệp vụ kinh doanh gần như nhau. Đặc biệt, ngân hàng nào cũng phát hành
đồng tiền của riêng mình.
- Từ đầu thế kỷ thứ 18 đến cuối thế kỷ thứ 19:

186
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Nhà nước bắt đầu có sự can thiệp bằng pháp lý. Các quy định pháp lý về điều kiện
phát hành tiền đã phân hoá hệ thống ngân hàng thành 2 bộ phận: một số ít ngân hàng
được phép phát hành tiền và đông đảo các ngân hàng còn lại không được phép phát
hành.
- Từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay:
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 đã bắt buộc nhà nước tăng cường hơn
nữa sự can thiệp của mình vào lĩnh vực kinh tế. Do đó, nhà nước chỉ định một ngân hàng
phát hành tiền duy nhất. Sau đó, bằng con đường quốc hữu hóa toàn bộ hoặc một phần,
nhà nước đã nắm lấy ngân hàng phát hành. Đến những năm giữa thế kỷ 20, bắt đầu xuất
hiện xu hướng cải tiến Ngân hàng phát hành thành Ngân hàng Trung ương (Đức 1934,
Canada 1938, Pháp 1945, Anh 1946, Nhật 1947... ). Kể từ đó phù hợp với nền kinh tế
theo cơ chế thị trường, hệ thống ngân hàng mỗi quốc gia bao gồm nhiều loại hình ngân
hàng khác nhau có quan hệ chặt chẽ với nhau và được cấu thành bởi 2 bộ phận chính :
- Ngân hàng Trung ương.
- Hệ thống các ngân hàng trung gian.
Sự phân chia này chủ yếu dựa vào “ chức năng” và “đối tượng giao dịch” của
ngân hàng (NH). Tuy nhiên, do tính liên đới chặt chẽ trên thị trường tài chính, có những
tổ chức không phải là ngân hàng song cũng tham gia chủ yếu và đắc lực vào thị trường
tài chính bởi các nghiệp vụ kinh doanh tiền như: công ty tài chính, các quỹ đầu tư, các tổ
chức tín dụng khác…được các quốc gia xem như bộ phận thứ 3 của hệ thống ngân hàng.
a) Ngân hàng Trung ương (NHTW)
Tiền thân của Ngân hàng Trung ương chính là ngân hàng phát hành. Quá trình cải
biến ngân hàng phát hành thành Ngân hàng Trung ương, không đơn giản chỉ là thay đổi
tên gọi, mà còn hàm chứa sự thay đổi cơ bản trong mục tiêu, chức năng và các nghiệp vụ
hoạt động của ngân hàng này.
NHTW ngoài chức năng vốn có là ngân hàng duy nhất độc quyền phát hành tiền
mặt còn có chức năng ngân hàng của các ngân hàng và là ngân hàng của quốc gia, với
mục tiêu ổn định tiền tệ, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế xã
hội.

b) Ngân hàng trung gian (NHTG)


Tất cả các ngân hàng ngoại trừ NHTW, phần lớn hoạt động vì mục tiêu sinh lợi,
gọi là ngân hàng trung gian. Tính chất “trung gian” ở đây bao hàm 2 ý nghĩa :
- Thứ nhất, ngân hàng là định chế trung gian tài chính. Điều này biểu hiện rõ
nhất ở các khía cạnh: trung gian tín dụng và trung gian thanh toán. Trong các định chế

187
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

tài chính làm cầu nối giữa lĩnh vực tiết kiệm và lĩnh vực đầu tư, ngân hàng bao giờ cũng
chiếm vị trí quan trọng nhất, qui mô nhất và đa dạng nhất về loại hình nghiệp vụ. Ngoài
ra, các ngân hàng còn đóng vai trò trung gian trong thanh toán giữa người chi trả và
người thụ hưởng qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Nền kinh tế càng
phát triển, vai trò cầu nối của ngân hàng trong lĩnh vực tín dụng và thanh toán ngày càng
quan trọng, đôi lúc mang tính quyết định đến hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.
- Thứ hai, ngân hàng là cầu nối trung gian giữa NHTW và công chúng (các cá
nhân, doanh nghiệp) trong nền kinh tế. Về nguyên tắc, NHTW không có quan hệ trực tiếp
với cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế. Các công cụ, biện pháp mà NHTW thực thi tác
động đến các tác nhân của nền kinh tế hầu hết đều thông qua “cầu nối”: các ngân hàng
trung gian. Và chính thông qua các biểu hiện hoạt động của các NHTG, NHTW mới hình
dung nắm bắt được thực trạng và diễn biến của nền kinh tế, tạo cơ sở cho NHTW hoạch
định và thực thi các chính sách của mình trong từng thời kì.
Tùy thuộc vào mỗi quốc gia, hệ thống ngân hàng trung gian có nhiều loại hình
khác nhau với những tên gọi khác nhau. Song khái quát, có thể phân chia thành 3 loại
chính:
- Ngân hàng thương mại (Commercial bank)
- Ngân hàng đầu tư (Investment bank)
- Ngân hàng tiết kiệm (Savings bank)
- Ngân hàng đặc biệt (Special bank)
+ Ngân hàng thương mại còn được gọi là ngân hàng kí thác là loại hình ngân
hàng ra đời sớm nhất. Hoạt động chủ yếu của ngân hàng này là nhận tiền gửi và cho vay.
Ban đầu, các ngân hàng này không phân biệt ngắn hạn với trung dài hạn trong các
nghiệp vụ huy động vốn và cho vay. Song đến cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, nhiều quốc
gia đã phân chia ngân hàng kí thác thành ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Ở
giai đoạn này, ngân hàng thương mại chủ yếu nhận tiền gửi và tài trợ tín dụng ngắn hạn,
còn ngân hàng đầu tư huy động vốn dài hạn và chủ yếu tài trợ tín dụng trung dài hạn,
tham dự tài chính vào các công ty dưới hình thức hùn vốn trực tiếp hoặc mua cổ phần. Kể
từ những năm thập niên 60 trở lại đây, mô hình “ngân hàng tổng hợp” (Universal
Banking) tái xuất hiện và xu hướng kinh doanh đa năng ngày càng mở rộng. Hiện nay,
các ngân hàng thương mại hầu hết thực hiện cả tài trợ tín dụng ngắn hạn lẫn trung dài
hạn.
+ Ngân hàng đầu tư:
Ngân hàng đầu tư là loại hình ngân hàng kinh doanh vốn dài hạn, được hình
thành - như đã nêu - trên cơ sở phân hóa từ các ngân hàng ký thác. Ngân hàng đầu tư
huy động các khoản vốn tiền gởi (mua buôn vốn) với quy mô lớn và cho vay bằng cách

188
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty. Ngoài ra, ngân hàng đầu tư còn kinh
doanh bằng cách góp vốn cổ phần, góp vốn theo hợp đồng, kinh doanh trên thị trường
chứng khoán, bảo lãnh phát hành...
+ Ngân hàng tiết kiệm:
Năm 1810 thuật ngữ “Ngân hàng tiết kiệm” mới được chính thức sử dụng đầu tiên
ở Scotland. Ở Hoa Kỳ, vào năm 1816, ngân hàng tiết kiệm đầu tiên ra đời ở
Philadenphia. Ngày nay, ở các nước kinh tế phát triển, bộ phận ngân hàng tiết kiệm
chiếm tỉ lệ không nhỏ trong hệ thống ngân hàng trung gian.
Ngân hàng tiết kiệm ra đời nhằm huy động những khoản tiền để dành của công chúng,
một mặt làm tăng thêm thu nhập của công chúng, mặt khác gia tăng nguồn tài chính phục
vụ cho nhu cầu của nền kinh tế. Ngân hàng tiết kiệm có một số đặc điểm sau:
- Chủ của các ngân hàng tiết kiệm chính là những người đã gửi tiền
- Ngân hàng huy động tiền gửi tiết kiệm là chủ yếu. Ngân hàng hầu như không
phát hành phiếu nợ hoặc đi vay các tổ chức tín dụng khác.
- Ngân hàng ưu tiên cho vay chủ yếu đối với khách hàng gửi tiền. Mục tiêu hoạt
động của ngân hàng mang nặng tính tương trợ, chứ không thuần túy kinh doanh. Vì vậy,
an toàn luôn là tiêu chuẩn hàng đầu trong cho vay và lãi suất cho vay thường là thấp.
+ Ngân hàng đặc biệt:
Ngân hàng đặc biệt là những ngân hàng được thành lập và hoạt động nhằm phục
vụ cho những mục đích riêng đặc biệt. Nền kinh tế thị trường vốn nhiều khuyết tật đã đặt
ra nhiều vấn đề kinh tế - xã hội bất cập. Để góp phần khắc phục điều này, chính phủ các
nước đã phải có những chính sánh hổ trợ ưu tiên đối với một số ngành, khu vực, tầng lớp
dân cư nhất định. Do đó, đã có sự ra đời của những ngân hàng đặc biệt góp phần thực
hiện những chính sách này. Chẳng hạn, Ngân hàng Ngư nghiệp, Ngân hàng Công nghiệp,
Ngân hàng Phát triển Nhà ở tại Hàn Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp ở Malaysia, Ngân
hàng Địa ốc ở Pháp, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển ở Việt Nam…
c) Các tổ chức tài chính trung gian khác
Các loại hình trung gian tài chính đã dược giới thiệu ở chương 4. Ngoài ngân
hàng trong nền kinh tế còn có nhiều loại hình trung gian tài chính khác. Như đã nêu, dù
không phải là ngân hàng song các tổ chức này đều kinh doanh tiền, liên đới chặt chẽ với
nhau trên thị trường tài chính và đặt biệt chịu sự chế định chung bởi luật ngân hàng nên
phần lớn chúng được xem là bộ phận thứ 3 của hệ thống ngân hàng.

189
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

7.2. NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG ( NHTW )


7.2.1. Khái niệm, chức năng, vai trò, mô hình tổ chức NHTW
Mỗi quốc gia, theo luật ngân hàng của mình, đều có những định nghĩa riêng về
NHTW. Song nhìn chung, có thể hiểu NHTW - theo World Bank - là ngân hàng của các
ngân hàng, được tổ chức theo định chế của cơ quan công quyền.
NHTW thường có 3 chức năng cơ bản: phát hành tiền, ngân hàng của các ngân
hàng và là ngân hàng của quốc gia.
- NHTW là ngân hàng độc quyền phát hành tiền mặt:
Ở nhiều quốc gia, NHTW chịu trách nhiệm thực hiện hầu như toàn bộ các nghiệp
vụ liên quan đến vấn đề phát hành tiền mặt. NHTW phát hành tiền dựa vào dự trữ quý
kim hoặc dựa vào nhu cầu của nền kinh tế. Ngày nay, các quốc gia không còn sử dụng
chế độ kim bản vị tiền tệ nên NHTW phát hành tiền dựa vào mức cầu tiền của nền kinh tế.
Trong thực tế, NHTW xác định lượng tiền mặt cần phát hành thêm dựa vào các yếu tố
sau:
(i) Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến.
(ii) Tỷ lệ lạm phát dự tính.
(iii) Các yếu tố khác như tốc độ lưu thông tiền tệ ước tính, số nhân tiền ước tính…
Thông thường, NHTW phát hành tiền qua các kênh:
+ Phát hành tiền qua ngõ Chính phủ. Khi ngân sách nhà nước thâm hụt, chính
phủ phải có biện pháp giải quyết. Nếu chính phủ vay NHTW và vay nước ngoài, lượng
tiền trong lưu thông sẽ tăng lên qua sự chi tiêu của Chính phủ. Trong trường hợp Chính
phủ vay nợ nước ngoài, thường là bằng vàng hoặc ngoại tệ..., những tài sản này khi đem
về nước được ký quỹ tại NHTW, chuyển đổi thành tiền để chi tiêu trong nước.
+ Phát hành tiền qua ngõ các ngân hàng trung gian. Bản chất hoạt động này là
NHTW cho các ngân hàng trung gian vay dưới nhiều hình thức khác nhau: cho vay chiết
khấu và tái chiết khấu, cho vay cầm cố, cho vay khẩn cấp...nhằm đưa nền vào nền kinh tế,
điều tiết mức cung tiền, trợ giúp cho các ngân hàng trung gian...
+ Phát hành tiền qua ngõ Thị trường mở. Thị trương mở là thị trường mua bán
các giấy tờ có giá; do NHTW tổ chức, điều hành và trực tiếp tham gia mua bán với các
thành viên khác của thị trường. Khi muốn phát hành tiền qua kênh này, NHTW sẽ mua
chứng khoán vào và phải trả tiền ra. Một lượng tiền nhất định chảy vào nền kinh tế.
+ Phát hành tiền qua ngõ Thị trường ngoại hối, chủ yếu là thị trường vàng &
ngoai tệ. Khi NHTW mua vàng và ngoại tệ trên thị trường này để điều tiết hoặc tăng quỹ
dự trữ ngoại hối quốc gia, sẽ đồng thời làm tăng khối lượng tiền trong nền kinh tê. Do
vậy, đây cũng là một kênh phát hành tiền của NHTW.

190
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

+ Phát hành tiền nhằm cân đối. Trong các trường hợp có sự gia tăng một cách
thụ động tài sản có của NHTW như: chính phủ nhận viện trợ và vay nợ nước ngoài, tăng
đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, các công ty và ngân hàng trong nước vay nợ nước
ngoài...thì NHTW phải phát hành thêm tiền để đảm bảo cân đối.
- NHTW là ngân hàng của các ngân hàng:
NHTW nhận tiền gửi, cho vay và tổ chức thanh toán trung gian giữa các ngân
hàng, thanh tra kiểm soát hoạt động của các ngân hàng. Qua các hoạt động này, NHTW
có thể điều tiết, kiểm soát khối lượng tiền tệ và mức cung tín dụng trong nền kinh tế.
- Hơn nữa NHTW còn có chức năng là ngân hàng của quốc gia. NHTW cung ứng
các phương tiện thanh toán cho hệ thống kho bạc nhà nước, cho ngân sách nhà nước vay
khi cần, bảo quản dự trữ ngoại hối quốc gia; thay mặt nhà nước quản lý các hoạt động
tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, thanh toán và ngoại hối trong nền kinh tế; thay mặt chính
phủ ký kết các hiệp định về tiền tệ, tín dụng, thanh toán với nước ngoài và với các tổ chức
tài chính quốc tế...
NHTW đóng vai trò là cơ quan quyền lực chủ yếu chịu trách nhiệm điều hành
chính sách tiền tệ, chỉ huy toàn bộ hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần thực hiện các
mục tiêu cuối cùng của nền kinh tế.
Về cách thức tổ chức NHTW, cơ bản có 2 mô hình:
- NHTW phụ thuộc chính phủ.
NHTW có thể trực thuộc Bộ Tài chính (như Pháp trước đây, Anh, Malaysia,
Indonesia, Thái Lan...) hoặc trực thuộc chính phủ (như Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan,
Singapore…). Mô hình này đảm bảo tập trung quyền lực cho chính phủ, đảm bảo sự đồng
bộ và nhất quán trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm cả chính sách tiền
tệ.
- NHTW độc lập với chính phủ.
Mô hình này được áp dụng chủ yếu ở một số quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, Nam
Phi, Nhật Bản… Đại diện điển hình là hệ thống dự trữ liên bang Mỹ. NHTW có quan hệ
phối hợp với chính phủ và chịu trách nhiệm trực tiếp trước cơ quan lập pháp tối cao. Mô
hình này nhằm tránh sự lạm dụng của chính phủ, đảm bảo sự nhất quán mục tiêu trong
dài hạn của chính sách tiền tệ.
7.2.2. NHTW thực thi chính sách tiền tệ (CSTT)
7.2.2.1. Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ là một bộ phận cấu thành quan trọng của chính sách kinh tế tài
chính của nhà nước, là chính sách điều hành toàn bộ lượng tiền trong nền kinh tế để phân

191
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

bổ có hiêu quả các nguồn lực nhằm thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội vĩ
mô.
Trong từng giai đoạn, mỗi quốc gia đều có chính sách tiền tệ riêng. Song nhìn
chung, chính sách tiền tệ của các quốc gia hướng đến các mục tiêu sau:
- Ổn định tiền tệ, bảo vệ giá trị đối nội của đồng tiền trên cơ sở kiểm soát căn bản
vấn đề lạm phát.
- Ổn định giá trị đối ngoại của đồng tiền trên cơ sở cân bằng cán cân thanh toán
và kiểm soát tỷ giá hối đoái.
- Tạo sự tăng trưởng kinh tế trong ổn định.
- Tạo công ăn việc làm, giảm thất nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội.
Điều 2, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định: CSTTQG là một bộ phận
của chính sách kinh tế - tài chính của Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế
lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và
nâng cao đời sống nhân dân.
Các mục tiêu nêu trên của CSTT là mục tiêu cuối cùng. Trong điều hành, NHTW
phải lựa chọn các mục tiêụ trung gian và các mục tiêu hoạt động. Mục tiêu hoạt động là
các biến số tiền tệ mà NHTW có thể tác động trực tiếp làm thay đổi mục tiêu trung gian,
chẳng hạn mức dự trữ của các ngân hàng trung gian, lãi suất thị trường liên ngân hàng,
tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng… Còn mục tiêu trung gian là các
biến số tiền tệ chịu sự tác động trực tiếp của mục tiêu hoạt động, đồng thời tác động trực
tiếp đến các mục tiêu cuối cùng của CSTT, chẳng hạn các khối tiền M1, M2, M3, lãi suất
thị trường,… Các mục tiêu trung gian phải đo lường được, có thể kiểm soát được và nằm
trong khả năng tác động được của NHTW. Có thể hình dung mối liên hệ giữa các mục
tiêu:
NHTW mục tiêu mục tiêu mục tiêu
hoạt động trung gian cuối cùng
CSTT của một quốc gia thông thường bao gồm các nội dung: chính sách cung ứng
và điều hoà lưu thông tiền tệ, chính sách tín dụng đối với các ngân hàng, chính sách đối
với ngân sách nhà nước, chính sách quản lý ngoại hối.

7.2.2.2. Các công cụ thực thi chính sách tiền tệ


Để thực hiện các mục tiêu của CSTT, NHTW sử dụng nhiều công cụ khác nhau.
Tất cả các công cụ này đều hướng đến việc điều tiết mức cung tiền tệ và mức cung tín
dụng của nền kinh tế. Có thể hình dung khái quát quá trình đó như sau :
Ký hiệu: M là tổng lượng tiền mặt NHTW đã phát hành vào nền kinh tế

192
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

M a là lượng tiền mặt ngoài lưu thông


Mb là lượng tiền gởi ban đầu
D là tổng lượng tiền gởi tại các ngân hàng
S là mức cung tiền của nền kinh tế
Rbb là tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Rkd là tỷ lệ dự trữ kinh doanh của các ngân hàng ngoài dự trữ bắt buộc
A là tỷ lệ giữa tiền mặt ngoài lưu thông với tổng tiền gởi
Dễ thấy: M = Ma + Mb
S = Ma + D
A = Ma / D
Giả sử M = 1000 ; Rbb = 5% ; Rkd = 7% ; A = 28%

Ma = 700
M =1000 S = 3200
Mb = 300 D = 2500

Mối quan hệ giữa các khối tiền như sau:


S = [ ( 1+ A ) / ( Rbb + Rkd + A )] M
D = [ 1 / ( Rbb + Rkd + A )] M
D = [ 1 / ( Rbb + Rkd )] Mb
D = Ma / A
Trong chương 5 đã đề cập đến các tác nhân tác động đến quá trình tạo tiền, bao
gồm: NHTW, các ngân hàng trung gian, người gửi tiền và người vay tiền. Song, tác động
của người gửi tiền và người vay tiền cũng là thông qua quá trình tạo tiền gửi của ngân
hàng trung gian. Vì thế, dễ thấy NHTW điều tiết mức cung tiền S bằng cách tác động vào
khối tiền mặt và vào quá trình tạo tiền gửi của các ngân hàng trung gian.
Sau đây là một số công cụ chủ yếu:
- Chính sách tỉ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu.
Khởi thủy nhằm đảm bảo khả năng chi trả của ngân hàng, và sau này với mục tiêu
điều tiết mức cung tiền, phần nhiều NHTW bắt buộc các ngân hàng phải có một lượng
tiền dự trữ bắt buộc tối thiểu theo tỉ lệ tính trên lượng tiền gửi huy động được và về
nguyên tắc phải được gửi tại NHTW. Như đã nêu:
1+A
Số nhân mức cung tiền (n) =
Rbb + Rkd + A

Mức cung tiền (S) = Số nhân mức cung tiền X Lượng tiền cơ sở (M)
193
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Dễ thấy rằng khi NHTW thực hiên chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ quy định tỉ lệ dự
trữ bắt buộc giảm thấp; còn khi NHTW thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ quy định
tỉ lệ dự trữ bắt buộc tăng cao. Công cụ này qua Rbb điều tiết tăng (giảm) n và làm mức
cung ứng tiền tệ tăng (giảm) tương ứng. Công cụ này tác động trực tiếp khối tiền dự trữ
của các ngân hàng, nghĩa là tác động đến khả năng cho vay và đầu tư tối đa. Ngoài ra,
công cụ này còn ảnh hưởng đến chi phí, làm thay đổi lãi suất của ngân hàng theo hướng
tác động kép đến cho vay.
Ở Việt Nam, NHNN bắt đầu sử dụng chính sách này từ năm 1992 và tiếp tục duy
trì cho đến nay.
- Nghiệp vụ thị trường mở.
Nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động mua (bán) các giấy tờ có giá của NHTW
trên thị trường mở - một thị trường đặc biệt do NHTW tổ chức, điều hành và trực tiếp
tham gia mua bán với các thành viên khác - qua đó điều tiết tăng (giảm) lượng tiền cơ sở
làm cho mức cung tiền tệ của nền kinh tế tăng (giảm) một cách tương ứng. Khi NHTW
thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thì sẽ mua vào để đưa tiền vào nền kinh tế, và khi
ngược lại NHTW thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ thì sẽ bán ra để thu tiền về. Đây là
1 công cụ tác động nhanh, linh hoạt mềm dẻo và có tính chủ động.
Ở Việt Nam thị trường mở được thành lập vào năm 2000 và chỉ mua bán các giấy
tờ có giá ngắn hạn, các giấy tờ có giá dài hạn còn thời gian đáo hạn là ngắn hạn (tín
phiếu kho bạc, tín phiếu NHNN...).
- Chính sách tái cấp vốn của NHTW
Tái cấp vốn là hình thức cho vay ngắn hạn của NHTW đối với các ngân hàng
trung gian. NHTW thường cấp tín dụng cho các ngân hàng dưới nhiều hình thức khác
nhau: chiết khấu, cho vay cầm cố, cho vay theo chỉ định, cho vay lại theo hồ sơ tín
dụng,…nhằm bù đắp thiếu hụt trong thanh toán, tăng vốn khả dụng, bổ sung nguồn vốn
cho vay ngắn hạn của các ngân hàng.
Song đây là công cụ mà NHTW khó chủ động. NHTW quyết định cho vay nhưng
chính các ngân hàng trung gian lại quyết định việc đi vay.
NHNN Việt Nam bắt đầu sử dụng công cụ này từ năm 1991. Hiện nay, NHNN tái
cấp vốn theo 3 hình thức: chiết khấu giấy tờ có giá ngắn hạn, cho vay cầm cố giấy tờ có
giá ngắn hạn, cho vay lại theo hồ sơ tín dụng. NHNN đồng thời sử dụng 2 công cụ: lãi
suất tái cấp vốn và hạn mức tái cấp vốn để điều tiết lượng tiền cung ứng qua kênh này.
- Công cụ hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng là mức cho vay (tổng dư nợ) tối đa mà NHTW khống chế đối với
từng ngân hàng. Trên cơ sở ước tính mức cầu tín dụng hợp lý của nền kinh tế và qui mô,

194
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

tình hình hoạt động, khả năng huy động vốn của từng ngân hàng, NHTW sẽ phân bổ hạn
mức cho vay của từng ngân hàng. Đồng thời, NHTW cho phép các ngân hàng mua bán
chuyển nhượng phần hạn mức thừa không sử dụng hết.
Công cụ này kiểm soát chặt mức cung tín dụng, khả năng tạo tiền của các ngân
hàng; góp phần đắc lực vào việc kiểm soát lạm phát, song thường gây khó khăn cho các
ngân hàng trong quá trình cân đối vốn, làm giảm sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, tạo
ra các tệ nạn gắn liền với cơ chế xin cho...
- Công cụ lãi suất
Lãi suất vừa là mục tiêu vừa là công cụ của CSTT. NHTW có thể sử dụng cách
thức điều hành lãi suất trực tiếp, kiểm soát lãi suất bằng cách quy định các mức lãi suất
tiền gửi, lãi suất cho vay, khung lãi suất, lãi suất sàn, lãi suất trần, lãi suất cơ bản và biên
độ khống chế. Các ngân hàng chỉ được xác định lãi suất kinh doanh trong giới hạn đó.
Ngày nay, các NHTW giảm dần cách thức điều hành lãi suất kiểu này để dần thực thi
chính sách tự do hoá lãi suất.
Ngoài ra, NHTW có thể sử dụng cách thức điều hành lãi suất gián tiếp như lãi suất
tái cấp vốn, lãi suất cơ bản,… Lãi suất tái cấp vốn một mặt tác động đến quy mô tái cấp
vốn, mặt khác ảnh hưởng đến chi phí vốn của các ngân hàng và làm thay đổi lãi suất của
ngân hàng.
Ngoài các công cụ đã nêu, NHTW còn có thể sử dụng một số công cụ khác: công
cụ tỷ giá, quy định mức tồn ngân quỹ cuối ngày đối với ngân hàng…

7.3. NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI (NHTM)


7.3.1. Khái niệm, chức năng, vai trò của NHTM
- Mỗi quốc gia, theo luật ngân hàng của mình, đều có những định nghĩa riêng về
ngân hàng thương mại. Song khái quát có thể hiểu, ngân hàng thương mại là tổ chức kinh
doanh tiền tệ đồng thời thực hiện 3 nghiệp vụ chủ yếu: nhận tiền gửi, cho vay, thanh toán
trung gian cho khách hàng. Đây thực sự là các doanh nghiệp đặc biệt kinh doanh trong
lĩnh vực tiền tệ.
Theo Luật các Tổ chức tín dụng của Việt Nam: Ngân hàng là loại hình tổ chức tín
dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có
liên quan... Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng
với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung
ứng các dịch vụ thanh toán...
Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng kinh doanh điển hình, hoạt động vì
mục tiêu sinh lợi và vì lợi ích của nền kinh tế.

195
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại hoạt động theo xu hướng kinh doanh
đa năng với các nghiệp vụ ngày càng đa dạng. Trong các loại hình trung gian tài chính,
NHTM cung cấp danh mục sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng nhất với quy mô lớn nhất
- NHTM có các chức năng cơ bản: trung gian tín dụng, trung gian thanh toán và
tạo tiền cho nền kinh tế.
+ NHTM là định chế tài chính trung gian chủ yếu trong nền kinh tế làm cầu nối
giữa lĩnh vực tiết kiệm và đầu tư, thông qua hoạt động mua vốn (tín dụng đầu vào) và bán
vốn (tín dụng đầu ra) trên thị trường tiền tệ. Qua chức năng này, NHTM khắc phục
những hạn chế của cơ chế phân phối vốn trực tiếp, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn,
góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nền kinh tế.
+ Nhờ chức năng trung gian tín dụng, đi vay để cho vay, NHTM đã cung cấp dịch
vu thanh toán thu chi hộ cho khách hàng đem lại các tiện ích, tính an toàn và tiết kiệm.
Hệ thống ngân hàng luôn là trung tâm thanh toán của nền kinh tế, không chỉ trong nước
mà còn với nước ngoài. Ngoài ra, dưới giác độ khác, đây là biện pháp cơ bản để Nhà
nước kiểm soát nguồn tài chính của các chủ thể trong nền kinh tế.
+ Thông qua các hoạt động nhận tiền gửi, cho vay và thanh toán trung gian, các
ngân hàng dã thực sự tạo ra tiền - một cách ngoài chủ đích - góp phần đáp ứng nhu cầu
vốn cho nền kinh tế.
Với các chức năng trên, NHTM đã có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh
tế - xã hội. Hoạt dộng của các NHTM tạo ra môi trường cho NHTW thực thi chính sách
tiền tệ, huy động các nguồn tài chính tiềm năng thoả mãn nhu cầu vốn đầu tư của các nhà
kinh doanh, góp phần phân bổ hợp lý các nguồn lực mà trước tiên là nguồn lực tài chính
và thúc đẩy sự phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế, hỗ trợ đắc lực cho quá trình hội
nhập quốc tế của nền kinh tế đất nước.
7.3.2. Các nghiệp vụ cơ bản của NHTM
Có thể chia các nghiệp vụ NHTM ra thành 3 nhóm:
- Nghiệp vụ tạo vốn.
- Nghiệp vụ sử dụng vốn.
- Nghiệp vụ khác.
Dưới đây lược qua một số nghiệp vụ chủ yếu trong từng nhóm.
7.3.2.1. Nghiệp vụ tạo vốn
- Vốn tự có: theo phần lớn các nước, đây là nguồn vốn ngân hàng có thể sử dụng
rất dài hạn, mang tính ổn định cao, có thể dùng để bù đắp tổn thất trong quá trình kinh
doanh. Nguồn vốn này quyết định quy mô hoạt động của ngân hàng trong quá trình kinh
doanh.

196
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Tiền gửi bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết
kiệm:
+ Tiền gửi không kỳ hạn là khoản tiền gửi với thời gian không xác định, mục đích
nhằm bảo đảm an toàn tài sản và thực hiện chi trả trong sản xuất kinh doanh và tiêu
dùng. Đây không phải là tiền để dành mà là tiền chờ thanh toán. Phần lớn các giao dịch
thanh toán bằng tài khoản tiền gửi này được thực hiện bằng séc. Do đó, người ta còn gọi
tiền gửi không kỳ hạn là tiền gửi thanh toán hay tiền gửi tài khoản séc. Trước đây, loại
tiền gửi này chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tài sản nợ của các ngân hàng thương mại, song
từ những năm 1980 về sau, tiền gửi này giảm hẳn do:
(i) Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn và lãi suất tiết kiệm tăng cao.
(ii) Sự ra đời và phát triển mạnh tài khoản NOW (Negatiated Order of
Withdrawal).
Trong vài thập niên gần đây, xuất hiện một số dạng tiền gửi có tính tích hợp.
Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ có các hình thức tiền gửi NOW, SNW (super NOW), MMDA, tài
khoản tiền hưu trí cá nhân (IRA-Individual Retirement Account ). NOW là sự kết hợp giữa
tiền gửi giao dịch và tiền gửi tiết kiệm, có hưởng lãi, chỉ được nắm giữ bởi cá nhân và
các tổ chức phi lợi nhuận. SNW và MMDA là 2 loại tiền gửi được trả lãi theo lãi suất của
thị trường tiền tệ và khách hàng có thể thanh toán cho các giao dịch qua việc phát hành
séc hay hối phiếu ủy quyền trước. MMDA là tài khoản tiền gửi thời hạn ngắn, được phát
hành séc tối đa 3 lần và 6 lần hối phiếu ủy quyền trước trong 1 tháng, được nắm giữ bởi
cá nhân và cả doanh nghiệp. SNOW chỉ được nắm giữ bởi cá nhân và các tổ chức phi lơi
nhuận, không giới hạn số lượng séc phát hành, lãi suất thấp hơn MMDA song cao hơn
NOW. PRA là một dạng tiền gửi hưu trí cá nhân, được miễn thuế trong giới hạn tích lũy
nhất định.
Với mỗi hình thức gửi, người gửi tiền có các mục đích khác nhau: an toàn tài sản,
lợi tức, thuận lợi trong thanh toán chi trả và sử dụng các tiện ích khác ngân hàng cung
cấp qua tiền gửi.
+ Tiền gửi có kỳ hạn là khoản tiền gửi với thời hạn xác định. Đối với người gửi
tiền, đây là một dạng đầu tư nhằm hưởng lãi. Lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất tiền
gửi không kỳ hạn. Thời gian gửi càng dài lãi suất càng cao.
+ Tiền gửi tiết kiệm là những khoản tiền gửi của dân cư dưới hình thức để dành
với mục đích sử dụng cho nhu cầu tiêu dùng trong tương lai, thường có 3 nhóm: tiền gửi
tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm đặc biệt.
- Phát hành chứng từ nợ ngắn hạn và dài hạn ngân hàng. Đây cũng là hình thức
huy động vốn của NH song không thường xuyên. NH chỉ huy động khi có nhu cầu. Lãi có
thể trả trước hoặc trả sau, tùy thuộc vào loại chứng chỉ hoặc trái phiếu NH phát hành.

197
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Lãi suất trả trước


Lãi suất trả sau =
1 - Lãi suất trả trước
- Vay nợ
Ngoài các hình thức huy động trên, NH còn đi vay các tổ chức tín dụng khác hoặc
đi vay NHTW nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay, bù đắp thiếu hụt trong thanh toán, chi
trả hoặc dự trữ pháp định.
7.3.2.2. Nghiệp vụ sử dụng vốn
Một phần nguồn vốn của NH sẽ để lại dưới dạng dự trữ ngân quỹ nhằm đảm bảo
khả năng chi trả tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng và đảm bảo chi tiêu
cho ngân hàng. Điều này góp phần mang lại sự an toàn cho ngân hàng trong quá trình
hoạt động, song nếu dự trữ nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của ngân hàng.
Phần lớn nguồn vốn của ngân hàng được sử dụng để cho vay. Ngày nay, các hình
thức tài trợ tín dụng của ngân hàng rất đa dạng và ngày càng phát triển. Cho vay luôn là
hoạt động tạo thu nhập chủ yếu cho ngân hàng song cũng chứa đựng khả năng rủi ro
nhiều nhất.
Ngoài nghiệp vụ cho vay lấy lời, để đa dạng hóa các loại tài sản nhằm phân tán
rủi ro và nâng cao mức doanh lợi vốn bình quân, NH còn đầu tư vào các dạng tài sản
khác như: hùn vốn liên doanh, góp cổ phần, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh ngoại
tệ, bỏ vốn điều lệ thành lập các công ty con và các tài sản khác.
7.3.2.3. Nghiệp vụ khác
Thực chất, đây là các dịch vụ tài chính mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng
song không phải sử dụng vốn một cách trực tiếp. Ngày nay, ở phần lớn các quốc gia mặt
băìng lãi suất cho vay đã tới ngưỡng, vì vậy các ngân hàng chủ yếu tạo ra lợi thế cạnh
tranh không phải bằng cho vay mà bằng các dịch vụ tài chính khác cung cấp cho khách
hàng. Có thể kể đến một số dịch vụ đặc trưng: thanh toán thu chi hộ khách hàng, bảo
lãnh, tư vấn, môi giới, cho thuê tủ sắt, định giá, tái sắp đặt…
Trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, giữa các nghiệp vụ tạo vốn, nghiệp vụ
sử dụng vốn và các nghiệp vụ trung gian có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua
lại với nhau đem lại sự an toàn và lợi nhuận cho ngân hàng.
Do sự đa dạng của các nghiệp vụ NHTM, do mục đích khác nhau, người ta còn
phân loại các nghiệp vụ này theo những góc độ khác: các nghiệp vụ nội bảng (được thể
hiện trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng) và các nghiệp vụ ngoại bảng, các sản
phẩm truyền thống (như cho vay thương mại, kinh doanh ngoại tệ, nhận tiền gửi, cung

198
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

cấp tài khoản giao dịch, bảo quản vật có giá, tài trợ các hoạt động của chính phủ…) và
các sản phẩm hiện đại ngân hàng mới phát triển gần đây (như cho vay tiêu dùng, tư vấn
tài chính, đầu tư tự động, cho thuê tài chính, cung cấp thông tin, bán các dịch vụ bảo
hiểm…).

7.4. HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM


7.4.1. Sự hình thành và quá trình chuyển đổi của hệ thống ngân hàng Việt Nam
Trước năm 1951, toàn bộ hoạt động ngân hàng ở nước ta hầu như đều nằm trong
tay nước ngoài. Những ngân hàng đầu tiên: Đông Dương Ngân hàng (1875), Hương
Cảng Ngân hàng (1865) và chi nhánh Chartered Bank (1904)…đều thuộc các nhà tư sản
nước ngoài. Mãi đến năm 1927 mới có An Nam Ngân hàng, sau đó đổi thành Việt Nam
Ngân hàng, của các nhà tư bản tài chính trong nước. Và đến năm 1949 mới có sự ra đời
của ngân hàng thứ hai của chính người Việt Nam: Việt Nam Công Thương Ngân hàng.
Ngày 6/5/1951, Hồ Chủ Tịch kí sắc lệnh số 157SL thành lập Ngân hàng Quốc Gia
Việt Nam (tiền thân của NHNN Việt Nam hiện nay). Từ 1951-1990, hệ thống ngân hàng
của miền Bắc (1951-1975) và của cả nước (1975-1990) được tổ chức theo kiểu hệ thống 1
cấp phù hợp với cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Hệ thống ngân hàng 1 cấp có
những đặc trưng chủ yếu sau :
- Thực chất, trong nền kinh tế chỉ có một ngân hàng duy nhất và các chi nhánh
của nó.
- Ngân hàng này vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện chức
năng kinh doanh. Hai chức năng này đan xen nhau trong từng hoạt động cụ thể của ngân
hàng.
- Ngân hàng này được tổ chức như một cơ quan hành chính nhà nước từ Trung
ương đến địa phương, việc quản lý điều hành được thực hiện chủ yếu qua các mệnh lệnh
hành chính.
Từ năm 1987, cùng với sự chuyển đổi cơ chế kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế
chung của cả nước, hệ thống ngân hàng nước ta bắt đầu thí điểm quá trình chuyển đổi hệ
thống ngân hàng nước ta từ một cấp sang hai cấp phù hợp với một nền kinh tế theo cơ
chế thị trường. Song mãi đến năm 1990 mới bắt đầu có hiệu lực và thực thi 2 Pháp lệnh
ngân hàng: “Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước” và “Pháp lệnh Ngân hàng Thương mại,
HTX tín dụng và Công ty tài chính”, đã tạo nền tảng cơ sở pháp lý của quá trình chuyển
đổi. Theo đó, hệ thống ngân hàng nước ta được chia thành hai bộ phận: NHNNVN thực
hiện chức năng NHTW; còn các NHTM, HTX tín dụng và công ty tài chính thực hiện chức
năng kinh doanh. Ngoài ra, cũng trong năm 1990 tách rời chức năng nhiệm vụ của Kho

199
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

bạc Nhà nước ra khỏi hoạt động của NHNN theo quyết định số 07/HĐBT ngày 04-01-
1990.
Từ đó hệ thống ngân hàng nước ta bao gồm :
- Ngân hàng Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước và là ngân hàng trung
ương.
- Các tổ chức tín dụng bao gồm :
 Ngân hàng thương mại: NHTM quốc doanh, NHTMbcổ phần, NHTM liên
doanh, chi nhánh NH nước ngoài.
 Ngân hàng đầu tư và phát triển.
 Hợp tác xã tín dụng.
 Công ty tài chính.
Sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của Chính phủ và NHNN đã tạo ra sự đổ vỡ hàng loạt
Hợp Tác Xã tín dụng để lại hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng vào năm 1989. Vì vậy,
năm 1993 Chính phủ đã quyết định thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ tín dụng nhân
dân - một mô hình tổ chức tín dụng hợp tác kiểu mới với qui chế ràng buộc kiểm soát chặt
chẽ hơn.
Ngày 31-08-1995 Thủ Tướng Chính Phủ ban hành QĐ số 525/TTg thành lập Ngân
hàng phục vụ người nghèo nhằm tài trợ tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo SXKD, góp
phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việt làm ổn định cho người
nghèo, bình ổn tâm lí xã hội trong dân cư.
Song để nâng cao hơn nữa tính pháp lý trong hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện
cho hệ thống ngân hàng trong nước hội nhập với hệ thống ngân hàng khu vực và trên thế
giới, hệ thống ngân hàng ngày càng thực sự trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quốc hội đã thông qua hai Bộ luật ngân
hàng: Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng trong năm 1997 và chính
thức áp dụng từ ngày 1-10-1998. Theo tinh thần của các bộ luật này, hệ thống ngân hàng
nước ta có 2 bộ phận :
- Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực
tiền tệ, ngân hàng,...và chức năng NHTW.
- Các tổ chức tín dụng gồm :
+ Các tổ chức tín dụng là ngân hàng, cụ thể :
(i) Ngân hàng thương mại:
Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng kinh doanh điển hình, bao gồm:
NHTM nhà nước, NHTM cổ phần, NH liên doanh, chi nhánh NH nước ngoài tại Việt
Nam, NHTM được thành lập mới bằng 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, hầu hết
các ngân hàng Việt Nam là ngân hàng thương mại.
200
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

(ii) Ngân hàng đầu tư:


Ngân hàng đầu tư là loai hình ngân hàng kinh doanh vốn dài hạn, huy động tiền
gửi dài hạn chủ yếu từ các tổ chức tài chính trung gian khác và cho vay bằng cách đầu tư
trái phiếu. Hiện nay, trong nền kinh tế Việt nam chưa có ngân hàng nào thuộc loại hình
này.
(iii) Ngân hàng phát triển:
Ngân hàng phát triển là loại hình ngân hàng phi kinh doanh. Chúng huy động vốn
dài hạn qua phát hành trái phiếu và cho vay trực tiếp đối với các dự án thuộc chương
trình mục tiêu kinh tế của Chính phủ. Hiện nay, có 1 ngân hàng thuộc loại hình này, đó là
Ngân hàng Phát triển Việt nam được thành lập vào đầu năm 2005.
(iv) Ngân hàng chính sách:
Đây là loại hình ngân hàng phi kinh doanh. Ngân hàng này tài trợ vốn tín dụng
cho các chương trình mục tiêu xã hội như cho vay xóa đói giảm nghèo, cho vay học sinh
sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay tạo việc làm... Hiện nay, chỉ mới có 1 ngân
hàng thuộc loại hình này, đó là Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam được thành lập
vào đầu năm 2003 từ tiền thân là Ngân hàng phục vụ người nghèo.
(v) Ngân hàng hợp tác,...
Ngân hàng hợp tác là loại hình ngân hàng kinh doanh tín dụng hợp tác. Trên cơ sở
vốn góp của các thành viên, ngân hàng này huy động thêm vốn từ bên ngoài và tài trợ,
cho vay chủ yếu đối với các thành viên. Hiện nay ở Việt nam các Quỹ Tín dụng nhân dân
cơ sở là tổ chức kinh doanh tín dụng hợp tác, song quy mô quá nhỏ. Vì vậy, chúng chưa
được thừa nhận là ngân hàng hợp tác.
+ Các tổ chức tín dụng phi là ngân hàng, cụ thể :
(i) Công ty tài chính
(ii) Công ty cho thuê tài chính
(iii) Quỹ đầu tư,...
Hiện nay, NHNN và các NHTM đang trong quá trình thực hiện chiến lược tái cơ
cấu nhằm đổi mới toàn diện hệ thống ngân hàng Việt nam, chủ động trong tiến trình hội
nhập phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
7.4.2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
Chính sách tiền tệ quốc gia của nước ta có sự điều chỉnh và thay đổi theo diễn tiến
của nền kinh tế và các mục tiêu kinh tế vĩ mô mà chính phủ hoạch định. Từ năm 1986 đến
nay có thể chia làm hai thời kỳ: giai đoạn 1986-1995 và giai đoạn từ 1995 đến nay.

201
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

7.4.2.1. Giai đoan 1986 - 1995


Mục tiêu chủ yếu trong chính sách tiền tệ giai đoạn này là giải quyết căn bản vấn
đề lạm pháp. Trong giai đoạn 1986 - 1989, ở nước ta đều diễn ra quá trình chuyển đổi cơ
chế kinh tế và nhà nước thực hiện thí điểm một số chính sách thử nghiệm nên nền kinh tế
lâm vào trạng thái bất ổn định, lạm pháp ở mức rất cao, 3 con số. Xuất phát từ thực trạng
đó, kiểm soát lạm pháp được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Trong giai đoạn này, NHNN đã
thực hiện 2 thay đổi lớn: đưa tỷ giá hối đoái lên ngang mức tỷ giá thị trường và thi hành
chế độ lãi suất thực dương.
Nhờ hai công cụ này cùng với các biện pháp khác đã đẩy lùi con số lạm pháp vào
những năm 1990-1991.
Năm 1992, Nhà nước qua kinh nghiệm điều hành đã nhận thức được tác động của
cung ứng tiền tệ đến lạm phát nên đã quyết định chấm dứt phát hành tiền bù đắp bội chi
ngân sách.
Trong giai đoạn 1992-1995, mặc dầu tỉ lệ lạm pháp giảm thấp, song thực tiễn cho
thấy Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có khả năng kiểm soát lạm pháp theo
mức dự kiến mong muốn. Cũng trong thời gian này, NHNN bắt đầu thử nghiệm các công
cụ điều tiết gián tiếp, hạn chế dần việc sử dụng các công cụ điều tiết trực tiếp, đồng thời
bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng trong nền kinh tế.
7.4.2.2. Giai đoạn 1995 đến nay
Trong giai đoạn này, do nền kinh tế đã có được những ổn định bước đầu, nên mục
tiêu trung tâm của chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo sự tăng trưởng
cao của nền kinh tế. Trong thời gian này, NHNN tiếp tục sử dụng ngày càng nhiều hơn
các công cụ gián tiếp.
- Tỷ giá hối đoái căn bản dựa vào tỷ giá thị trường chính thức, những năm gần
đây tỷ giá tham chiếu trong ngày căn cứ vào tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên
ngân hàng của ngày làm việc hôm trước.
- Chính sách lãi suất được thực thi theo xu hướng điều chỉnh giảm dần và nới
lỏng dần: từ quản lý theo khung lãi suất đến quản lý theo lãi suất trần và chênh lệch tối
đa giữa lãi suất đầu vào và đầu ra, quản lý theo lãi suất cơ bản với biên độ rất rộng, để
hiện nay đã thực hiện tự do hoá lãi suất cho vay ngoại tệ và chính sách lãi suất thoả
thuận đối với VND.
- Tiếp tục thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn công cụ tỉ lệ dự trữ bắt buộc.
- Tiếp tục và đẩy mạnh hoạt động tái cấp vốn cho các ngân hàng.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ thị trường mở.
- Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ

202
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Tiếp tục thực hiện chính sách quản lý ngoại hối theo hướng nới lỏng dần, tự do
hoá thị trường vàng, bãi bỏ quy định “ tỷ lệ kết hối ngoại tệ “, đa dạng hoá các nghiệp vụ
kinh doanh ngoại tệ...
- Thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình thực hiện chiến lược tái cơ cấu của các ngân hàng.
- Thanh tra và kiểm soát hoạt động của mạng lưới ngân hàng, có các biện pháp
tác động, điều chỉnh và xử lý kịp thời,…
Những biện pháp NHNN thực hiện đã thực sự góp phần to lớn trong việc kiểm soát
lạm phát ở mức một con số và đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong những
năm qua, nhất là hạn chế được những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính -
tiền tệ của một số nước châu Á vào những năm 1998-1999 và những diễn biến bất thường
của nền kinh tế thế giới trong các năm gần đây đến nền kinh tế nước ta.

TÓM TẮT CHƯƠNG 7


--------

203
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

1. Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan
trọng. Hệ thống ngân hàng của một quốc gia thường bao gồm hai bộ phận: NHTW và các
ngân hàng trung gian. Tiền thân của các ngân hàng là các tổ chức kinh doanh tiền tệ ra
đời rất sớm, song những ngân hàng đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 15, còn NHTW
chỉ mới hình thành vào những năm của thế kỷ 20.
2. NHTW là một định chế công quyền, phi kinh doanh, có 3 chức năng chủ yếu:
độc quyền phát hành tiền mặt, ngân hàng của các ngân hàng và là ngân hàng của quốc
gia, có trách nhiệm thực thi và điều hành chính sách tiền tệ bằng một số công cụ đặc
trưng: chính sách tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu, chính sách nghiệp vụ thị trường mở,
chính sách lãi suất, chính sách tái cấp vốn, chính sách hạn mức tín dụng…
3. Chính sách tiền tệ là một bộ phận cấu thành quan trọng của chính sách kinh tế
tài chính của nhà nước, là chính sách điều tiết toàn bộ lượng tiền trong nền kinh tế để
phân bổ có hiêu quả các nguồn lực nhằm thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã
hội vĩ mô.
Điều 2, Luật NHNN Việt Nam xác định : CSTTQG là một bộ phận của chính sách
kinh tế - tài chính của Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp
phần thúc đẩy phát triẻn kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời
sống nhân dân.
CSTT của một quốc gia thông thường bao gồm các nội dung: chính sách cung ứng
và điều hoà lưu thông tiền tệ, chính sách tín dụng đối với các ngân hàng, chính sách đối
với ngân sách nhà nước, chính sách quản lý ngoại hối,...
Để thực hiện các mục tiêu của CSTT, NHTW sử dụng nhiều công cụ khác nhau.
Tất cả các công cụ này đều hướng đến việc điều tiết mức cung tiền tệ và mức cung tín
dụng của nền kinh tế. Có thể hình dung khái quát quá trình đó như sau :
Ký hiệu: M là tổng lượng tiền mặt NHTW đã phát hành vào nền kinh tế
Ma là lượng tiền mặt ngoài lưu thông
Mb là lượng tiền gởi ban đầu
D là tổng lượng tiền gởi tại các ngân hàng
S là mức cung tiền của nền kinh tế
Rbb là tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Rkd là tỷ lệ dự trữ kinh doanh của các ngân hàng ngoài dự trữ bắt buộc
A là tỷ lệ giữa tiền mặt ngoài lưu thông với tổng tiền gởi
Dễ thấy M = Ma + Mb
S = Ma + D
A = Ma / D

204
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Ma
M S
Mb D

Mối quan hệ giữa các khối tiền như sau:


S = [(1+ A) / (Rbb + Rkd + A)]M
D = [ 1 / (Rbb + Rkd + A)]M
D = [ 1 / (Rbb + Rkd)]Mb
D = Ma / A
NHTW điều tiết mức cung tiền S bằng cách tác động vào khối tiền mặt và vào quá
trình tạo tiền gửi của các ngân hàng trung gian.
4. Các ngân hàng trung gian - như tên gọi - là cầu nối giữa lĩnh vực tiết kiệm và
đầu tư, là cầu nối giữa NHTW và các tác nhân kinh tế khác, hầu hết hoạt động với mục
đích kinh doanh, thường bao gồm 2 nhóm: các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi
ngân hàng.
5. Ngân hàng thương mại - loại hình ngân hàng kinh doanh đặc trưng - chiếm số
lượng đông đảo nhất, có nguồn tài chính lớn nhất, sản phẩm đa dạng nhất trong các loại
hình ngân hàng trung gian. Có thể phân chia các nghiệp vụ của ngân hàng thương mại
thành 3 nhóm: các nghiệp vụ tạo vốn, các nghiệp vụ sử dụng vốn và các nghiệp vụ khác.
Các nghiệp vụ này có quan hệ chặt chẽ với nhau, phát triển ngày càng đa dạng.
6. Hệ thống ngân hàng Việt Nam được chuyển đổi thành hệ thống ngân hàng 2 cấp
từ sau năm 1990. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là NHTW, còn các ngân hàng trung
gian chủ yếu là các ngân hàng thương mại, trong đó đông đảo nhất là các ngân hàng
thương mại cổ phần. Hiện nay các ngân hàng Việt Nam đang trong tiến trình thực hiện
chiến lược tái cơ cấu nhằm đổi mới toàn diện, giải quyết căn bản các vấn đề: vốn, công
nghệ, sản phẩm, nhân sự, năng lực quản trị và điều hành, lành mạnh tài chính, màng
lưới, năng lực cạnh tranh...để tồn tại và phát triển trong những điều kiện mới của nền
kinh tế Việt Nam.

TỪ KHÓA (KEY WORDS)

1. Ngân hàng trung ương 2. Ngân hàng trung gian


205
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

3. Ngân hàng thương mại 9. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc


4. Ngân hàng tiết kiệm 10. Nghiệp vụ thị trường mở
5. Ngân hàng đặc biệt 11. Công cụ tái cấp vốn
6. Ngân hàng phát hành 12. Hạn mức tín dụng
7. Kênh phát hành tiền 13. Hệ thống ngân hàng một cấp
8. Chính sách tiền tệ 14. Hệ thống ngân hàng hai cấp

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 7


-------------

1. Mô tả khái quát cấu trúc hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế thị trường ?
2. Mô tả cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay ?
3. Nêu rõ các điểm khác biệt giữa NHTW và ngân hàng trung gian ?
4. Giải thích các chức năng cơ bản của NHTW ?
5. Giải thích rõ quá trình cung ứng tiền của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế ?
6. Giải thích các công cụ NHTW sử dụng để thực thi chính sách tiền tệ quốc gia ?
Thời gian qua NHNN Việt Nam sử dụng các công cụ này như thế nào ?
Các nghiệp vụ kinh doanh cơ bản của NHTM ? Giải thích mối quan hệ giữa các nghiệp
vụ này ?

206
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 8: CÁC QUAN HỆ TÀI CHÍNH QUỐC TẾ

Có thể hiểu các quan hệ tài chính có sự tham gia của các chủ thể nước
ngoài là các quan hệ tài chính quốc tế. Chính các quan hệ chính trị, ngoại giao
giữa các quốc gia đã làm nảy sinh và phát triển các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Ngược lại, các mối quan hệ kinh tế quốc tế tác động đến các quan hệ chính trị, xã
hội giữa các quốc gia làm cho chúng phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Bối cảnh
đó đã làm nảy sinh sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ các quan hệ tài chính quốc
tế.
Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều theo xu hướng phát triển nền kinh tế
mở, hội nhập trở thành xu hướng tất yếu, các quan hệ tài chính quốc tế đã và đang
phát triển vượt bậc với phạm vi và qui mô ngày càng lớn. Điều này tạo ra nhiều cơ
hội song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho các quốc gia.
Các quan hệ tài chính quốc tế cụ thể phải phù hợp với luật pháp quốc tế,
với những thông lệ và tập quán quốc tế, với các điều khoản đã thỏa thuận trong
các văn bản, hiệp định kí kết giữa các quốc gia liên quan, đồng thời chúng phải
thống nhất với luật pháp và chính sách quản lý kinh tế, tài chính của mỗi quốc gia.
Vì vậy, biểu hiện cụ thể của các quan hệ tài chính quốc tế là hết sức phức tạp và đa
dạng.
Chương này giới thiệu những nội dung cơ bản về cán cân thanh toán quốc
tế, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại hối, quan hệ thanh toán quốc tế, quan hệ tín
dụng quốc tế và về một số tổ chức tài chính quốc tế.

8.1. CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (Blank of payment – BOP)


Những mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội giữa các quốc gia đã làm xuất hiện
thường xuyên các quan hệ thu chi của của các chủ thể trong nước với nước ngoài, tạo cơ
sở hình thành cán cân thanh toán quốc tế.

207
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

8.1.1. Khái niệm, nội dung cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế là một bảng cân đối giữa số tiền thu được từ nước
ngoài và tổng số tiền trả cho nước ngoài của một nước trong một thời kỳ nhất định hoặc
một thời điểm nhất định.
Cán cân thanh toán quốc tế thời kỳ phản ánh các khoản thu chi thực tế của một
nước với nước ngoài trong một thời kỳ nhất định (năm).
Cán cân thanh toán quốc tế thời điểm phản ánh các khoản thu chi thực tế của một
nước với nước ngoài tại một thời điểm nhất định.
Ngày nay, các quốc gia thường lập các cán cân thanh toán quốc tế theo mô hình
và nguyên tắc của cán cân thanh toán quốc tế tiêu chuẩn được đề xướng bởi IMF. Cán
cân thanh toán quốc tế bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a. Cán cân vãng lai:
- Cán cân thương mại, phản ảnh các khoản thu và chi từ xuất khẩu và nhập khẩu
hàng hóa. Tổng thu lớn hơn tổng chi, nghĩa là cán cân ngoại thương thặng dư, thể hiện
trạng thái xuất siêu của quốc gia. Ngược lại, tổng thu nhỏ hơn tổng chi, nghĩa là cán cân
ngoại thương thâm hụt, thể hiện trạng thái nhập siêu của quốc gia.
- Cán cân dịch vụ, phản ảnh các khoản thu và chi từ nhập khẩu và xuất khẩu dịch
vụ như: du lịch, vận tải, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng,...
- Chuyển lãi do đầu tư.
- Chuyển giao vãng lai một chiều: kiều hối, viện trợ, thu chi của các cơ quan
ngoại giao, học tập, công tác, chữa bệnh,...
b. Cán cân vốn:
- Đầu tư trực tiếp
- Đầu tư gián tiếp
- Đầu tư tín dụng
- Chuyển giao vốn một chiều
c. Chênh lệch thống kê
d. Kết toán chính thức
Mặc dù các quốc gia thành viên của IMF đều lập và phân tích cán cân thanh toán
quốc tế theo mô hình BOP tiêu chuẩn, song do khả năng thực hiện thống kê kinh tế quốc
dân khác nhau nên mức độ chi tiết của BOP các quốc gia khác nhau.
8.1.2. Các biện pháp thăng bằng cán cân thanh toán quốc tế khi bị thiếu hụt
Nếu cán cân thanh toán quốc tế thặng dư thì khoản dư thừa thường làm tăng
khoản dự trữ ngoại hối trong nước. Trong trường hợp thiếu hụt người ta thường sử dụng
các biện pháp sau để bù đắp :

208
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Vay nợ.
- Sử dụng công cụ lãi suất chiết khấu. Khi NHTW tăng lãi suất chiết khấu, lãi
suất thị trường sẽ tăng. Khi lãi suất thị trường trong nước tăng vượt quá lãi suất của thị
trường quốc tế, trong các điều kiện nhất định, dòng vốn ngoài nước sẽ chảy vào trong
nước.
- Kiểm soát ngoại thương trực tiếp theo hướng tăng xuất khẩu và hạn chế nhập
khẩu.
- Thực hiện chính sách quản lý ngoại hối chặt chẽ theo hướng tăng thu, giảm chi.
- Phá giá tiền tệ.
Phá giá tiền tệ là sự chính thức nâng giá ngoại tệ và giảm giá bản tệ với mức độ
lớn nhằm điều chỉnh tỷ giá ở mức hợp lý có lợi cho nền kinh tế. Khi giá ngoại tệ so với
bản tệ tăng cao, sẽ tạo ra hiệu ứng kép. Một mặt, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng
mạnh, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh. Đồng thời, xuất khẩu vốn giảm mạnh
và nhập khẩu vốn tăng mạnh. Mức cung ngoại tệ tăng cao và mức cầu ngoại tệ giảm
thấp.
- Xuất quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để trả nợ
Sau các biện pháp trên, nếu không giải quyết được tình trạng thâm hụt của cán
cân, người ta đành phải tuyên bố vỡ nợ.

8.2. TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI (Exchange Rate)


8.2.1. Khái niệm tỷ giá hối đoái
Hối đoái là quan hệ trao đổi giữa các đồng tiền khác nhau. Muốn đổi tiền phải
căn cứ vào quan hệ tỉ lệ xác định giữa chúng , đó là tỷ giá hối đoái.
Tỷ giá hối đoái là kết quả so sánh giữa hai đồng tiền với nhau theo một tiêu chuẩn
nào đó, hay nói cách khác là giá cả loại tiền tệ này được biểu hiện bằng một số đơn vị
tiền tệ khác.
Có hai cách biểu thị tỷ giá hối đoái hay còn gọi cách yết tỷ giá:
- Phương pháp yết trực tiếp: biểu thị giá cả của ngoại tệ bằng bản tệ.
Ví dụ: tại Việt Nam, niêm yết: 1 USD (đô la Mĩ) = 16.180 VND
- Phương pháp yết gián tiếp: biểu thị giá cả của bản tệ bằng ngoại tệ.
Ví dụ: tại Anh, niêm yết: 1 GBP (bảng Anh) = 1,5135 USD
Hiện nay, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt nam qui định sử dụng thống
nhất phương pháp yết tỷ giá trực tiếp.
8.2.2. Phân loại tỷ giá hối đoái

209
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Người ta có thể phân loại tỷ giá căn cứ vào các tiêu chuẩn khác nhau.
- Theo nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, có tỷ giá mua và tỷ giá bán. Đây là tỷ
giá mua và bán ngoại tệ của người niêm yết.
- Theo phương tiện ngoại tệ mua bán, có tỷ giá tiền mặt và tỷ giá chuyển khoản.
Tỷ giá tiền mặt áp dụng đối với mgoại tệ tiền mặt. Tỷ giá chuyển khoản áp dụng đối với
ngoại tệ thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng.
- Theo thời điểm mua bán, có các loại tỷ giá:
+ Tỷ giá mở cửa là tỷ giá công bố vào đầu ngày hay tỷ giá giao dịch đầu tiên
trong ngày làm việc.
+ Tỷ giá đóng cửa là tỷ giá vào cuối ngày hay tỷ giá giao dịch cuối cùng của ngày
làm việc.
+ Tỷ giá giao ngay là tỷ giá trong các giao dịch ngoại hối giao ngay.
+ Tỷ giá giao nhận có kỳ hạn là tỷ giá trong các giao dịch ngoại hối có kỳ hạn.
- Theo phương tiện chuyển ngoại hối, có các loại tỷ giá:
+ Tỷ giá điện hối là tỷ giá mua bán mà ngoại hối được chuyển bằng điện.
+ Tỷ giá thư hối là tỷ giá mua bán mà ngoại hối được chuyển bằng thư.
- Theo phương tiện thanh toán quốc tế, có các loại tỷ giá:
+ Tỷ giá séc và hối phiếu trả tiền ngay là tỷ giá được xác định trên cơ sở tỷ giá
điện hối khấu trừ tiền lãi tính theo số ngày cần thiết để chuyển tờ séc hay hối phiếu đến
NH trả tiền và nhận được tiền.
+ Tỷ giá hối phiếu có kỳ hạn là tỷ giá được xác định trên cơ sở tỷ giá điện hối
khấu trừ tiền lãi tính theo thời hạn đáo hạn còn lại của hối phiếu,…
8.2.3. Các chế độ tỷ giá hối đoái
Nhìn chung, có các chế độ tỷ giá cơ bản sau :
- Chế độ tỷ giá cố định: Trong chế độ này, tỷ giá gần như không thay đổi hoặc
thay đổi rất ít, được neo giữ theo một cơ sở xác định nào đó. Chế độ tỷ giá này được hình
thành trong thời kỳ các quốc gia thực hiện chế độ tiền tệ bản vị vàng. Tỷ giá ngang giá
vàng (tỷ giá GP) được xác định trên cơ sở tỷ lệ so sánh hàm lượng vàng trong mỗi đồng
tiền. Và tỷ giá thị trường biến động xung quanh tỷ giá GP trong phạm vi biên độ nhất
định. Hệ thống tiền tệ Bretton Woods hình thành theo thỏa thuận vào tháng 7 năm 1944
cũng áp dụng chế độ tỷ giá cố định với biên độ thỏa thuận ban đầu là +(-) 1%, và hệ
thống tỷ giá này đã hoạt động tương đối tốt từ đầu những năm 1950 đến những năm đầu
của thập niên 70. Ngày nay, một số quốc gia vẫn thực hiện chế độ tỷ giá cố định, bằng
cách thỏa thuận và tuyên bố cố định giá bản tệ với một ngoại tệ mạnh nào đó.

210
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn: Trong chế độ này, tỷ giá được hình thành hoàn
toàn do quan hệ cung cầu của thị trường ngoại hối quyết định, chính phủ không có bất kỳ
một sự can thiệp nào để điều chỉnh tỷ giá. Song ngày nay, chế độ tỷ giá này hầu như
không được các quốc gia áp dụng vì tỷ giá được xem là những công cụ để phòng ngừa
suy thoái kinh tế và kiểm soát lạm phát.
- Chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết: Trong chế độ này, tỷ giá được hình thành chủ
yếu do quan hệ cung cầu thị trường quyết định, song khi cần thiết chính phủ có thể thực
hiện các chính sách điều tiết nhằm điều chỉnh tỷ giá theo hướng có lợi cho nền kinh tế.
Tuy vậy, mỗi quốc gia trong từng thời kỳ có những mục tiêu khác nhau và sử dụng các
phương pháp, công cụ điều tiết khác nhau.
8.2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động của tỷ giá hối đoái
Trong thực tế, tỷ giá hối đoái thường xuyên biến động. Có thể kể đến một số nhân
tố ảnh hưởng chủ yếu đến sự biến động của tỷ giá hối đoái như sau:
a. Sự tương quan về mức độ lạm phát giữa hai đồng tiền liên quan.
Nhìn chung, khi đồng bản tệ có mức độ lạm phát nhiều hơn so với ngoại tệ, sẽ làm
cho ngoại tệ có xu hướng trở nên có giá hơn so với bản tệ, tỷ giá (tỷ giá trực tiếp) có xu
hướng tăng. Còn ngược lại, tỷ giá sẽ có xu hướng giảm. Song, tác động này thường có
tính xu hướng và trong dài hạn.
b. Quan hệ giữa mức cung và mức cầu ngoại hối trên thị trường.
Đây là nhân tố hết sức nhạy cảm. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ;
tình hình đầu tư của nước ngoài vào trong nước và ngược lại; tình hình lãi suất thay đổi;
các biến cố về chính trị, kinh tế, xã hội; diễn tiến tâm lý và dự đoán của công chúng,…có
thể làm thay đổi mức cung hoặc mức cầu ngoại hối trên thị trường, từ đó tác độmg làm tỷ
giá trên thị trường thay đổi. Sự tác động của các nhân tố ở trên phần nhiều biểu hiện
trong ngắn hạn.
c. Các chính sách và các biện pháp kiểm soát điều tiết có liên quan của chính phủ
và của ngân hàng trung ương.
Chính phủ và ngân hàng trung ương thường kiểm soát và can thiệp điều chỉnh tỷ
giá qua nhiều biện pháp như: quản lý theo khung, quản lý theo tỷ giá hướng dẫn và biên
độ, ban hành các qui chế về cấp giấy phép và hạn ngạch xuất nhập khẩu; ấn định các thể
thức chu chuyễn vốn, thời hạn thanh toán với nước ngoài, sử dụng công cụ lãi suất chiết
khấu, chính sách đầu tư quốc tế, chính sách kiều hối,… Những biện pháp này hoặc thiết
lập một chế độ kiểm soát trực tiếp đối với tỷ giá, hoặc tác động đến tỷ giá qua các biến
động cung - cầu ngoại hối trên thị trường.

211
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

8.2.5. Tác động của tỷ giá hối đoái


Trong điều kiện ngày nay, tỷ giá hối đoái là một trong những yếu tố hết sức quan
trọng ảnh hưởng nhiều mặt đến nền kinh tế trong nước và các mối quan hệ thương mại,
đầu tư quốc tế. Có thể nêu một số tác động chủ yếu :
- Tỷ giá hối đoái có tác động mạnh đến tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch
vụ. Khi đồng bản tệ giảm giá tương đối so với ngoại tệ, hàng hóa và dịch vụ trong nước
sẽ rẻ hơn tương đối với so với hàng hóa và dịch vụ nước ngoài. Vì vậy, có tác dụng kích
thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Khi đồng bản tệ tăng giá sẽ xảy ra cơ chế tác
động ngược lại.
- Tỷ giá hối đoái cũng có tác động đến tình hình xuất nhập khẩu vốn. Khi đồng
bản tệ giảm giá sẽ có tác dụng khuyến khích đầu tư nước ngoài vào trong nước và hạn
chế đầu tư trong nước ra nước ngoài. Ngược lại, khi bản tệ tăng giá sẽ hạn chế đầu tư
nước ngoài vào trong nước và kích thích đầu tư ra nước ngoài.
Vì vậy, khi bản tệ giảm giá sẽ có tác dụng tăng nguồn thu và giảm các khoản chi
của cán cân thanh toán quốc tế.
- Tỷ giá hối đoái biến động ảnh hưởng đến tình hình lạm phát và lãi suất trong
nước. Khi bản tệ giảm giá, hàng hóa dịch vụ nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn và từ đó làm
cho hàng hóa dịch vụ trong nước cũng đắt hơn, lạm pháp trong nước tăng lên, và ngược
lại. Còn theo lý thuyết hiệu ứng fisher quốc tế, khi ngoại tệ tăng giá thì lãi suất trong
nước có xu hướng tăng cao hơn lãi suất nước ngoài và ngược lại,…
8.2.6. Các phương pháp điều chỉnh tỷ giá hối đoái
a. Chính sách lãi suất chiết khấu của NHTW.
Đây là chính sách NHTW dựa vào công cụ lãi suất để điều chỉnh tỷ giá. Khi
NHTW tăng lãi suất chiết khấu của mình làm cho lãi suất thị trường trong nước sẽ tăng.
Khi lãi suất thị trường trong nước tăng cao vượt quá lãi suất của thị trường tiền tệ nước
ngoài, các dòng ngoại hối từ nước ngoài có xu hướng đổ vào trong nước làm tăng cung
ngoại hối và ngoại tệ sẽ giảm giá. Cơ chế tác động cũng xảy ra tương tự nhưng theo
chiều ngược lại khi NHTW giảm lãi suất chiết khấu.
b. Chính sánh hối đoái và quỹ dự trữ bình ổn ngoại hối.
Khi NHTW muốn điều chỉnh TGHĐ, NHTW sẽ tham gia mua hoặc bán ngoại hối
trên thị trường làm tăng cầu (hoặc tăng cung) ngoại hối, qua đó ngoại tệ sẽ tăng giá
(hoặc giảm giá). Để thuận lợi trong điều tiết qua chính sách này, chính phủ và NHTW có
thể hình thành một quỹ dự trữ ngoại hối riêng cho mục đích này gọi là quỹ dự trữ bình ổn
ngoại hối. Quỹ này được hình thành bằng cách trích một phần từ quỹ dự trữ ngoại hối
quốc gia hoặc phát hành trái phiếu kho bạc.

212
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

c. Chính sách phá giá tiền tệ (Devalution).


Chính sách này là sự chính thức nâng giá ngoại tệ và giảm giá bản tệ với mức độ
lớn nhằm điều chỉnh tỷ giá ở mức hợp lý có lợi cho nền kinh tế.
d. Chính sách nâng giá tiền tệ (Revalution).
Chính sách này, ngược lại với chính sách phá giá tiền tệ, là sự chính thức nâng
giá bản tệ và giảm giá ngoại tệ. Thông thường, chính phủ và NHTW các quốc gia ít khi
chủ động thực hiện chính sách này, thường là phải chấp nhận để đánh đổi những điều
kiện chính trị kinh tế khác.
e. Chính sách bán phá giá ngoại hối (Dumping).
Trong những điều kiện thuận lợi nhất định, tận dụng lợi thế đồng bản tệ giảm giá,
các nhà kinh doanh trong nước thực hiện chính sách bán phá giá hàng hóa trên thị
trường nước ngoài, nhằm thu được lợi nhận ngoại ngạch tối đa. Song trong điều kiện
ngày nay, do chính sách này tạo ra những xáo trộn bất lợi trên thị trường nước đối tác
nên họ sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn.

8.3. THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI (The foreign exchange market)


8.3.1. Các khái niệm
Ngoại hối - theo qui định của Quỹ tiền tệ quốc tế - bao gồm:
- Ngoại tệ
- Các phương tiện lưu thông và thanh toán quốc tế có mệnh giá bằng ngoại tệ
- Kim loại quý, đá quý, ngọc quý.
- Chứng khoán có mệnh giá bằng ngoại tệ
- Bản tệ ở nước ngoài được sử dụng làm phương tiện lưu thông và thanh toán
quốc tế.
Thị trường ngoại hối là thị trường giao dịch mua bán các khoản ngoại hối.
Hoạt động của thị trường ngoại hối thường mang tính quốc tế và giao dịch liên
tục.
Theo cách tổ chức hoạt động, thị trường ngoại hối được phân chia thành 2 loại:
thị trường tập trung - như Sở giao dịch ngoại hối và Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng -
và thị trường không tập trung được hình thành qua các giao dịch phân tán.
8.3.2. Các chủ thể tham gia và các nghiệp vụ kinh doanh trên thị trường ngoại hối
Hầu hết các chủ thể đều có thể tham gia vào thị trường ngoại hối: NHTW, các
NHTM, các tổ chức tài chính phi ngân hàng, các nhà môi giới, các công ty và cá nhân có

213
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

nhu cầu. Mỗi chủ thể tham gia vào thị trường đều có những mục đích riêng: điều tiết,
thoả mãn nhu cầu về ngoại tệ hoặc kinh doanh kiếm lời.
Trên thị trường ngoại hối các nghiệp vụ kinh doanh là khá đa dạng:
- Nghiệp vụ mua bán ngoại tệ giao ngay (spot): là nghiệp vụ mà việc giao hàng
và thanh toán phải được hoàn thành ngay sau khi thỏa thuận. Theo thông lệ quốc tế, do
thông qua môi giới, thời gian này được quy định trong vòng 2 ngày làm việc.
- Nghiệp vụ mua bán ngoại tệ có kỳ hạn (forward): là nghiệp vụ trong đó tỷ giá
và các điều kiện giao dịch được xác định vào thời điểm giao dịch, còn việc chuyển vốn sẽ
được thực hiện vào một thời điểm trong tương lai đã được thoả thuận trước. Nghiệp vụ
này được sử dụng để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá hoặc để kiếm lời.
Giả sử một công ty cần 10000 EUR sau 60 ngày nữa. Công ty lo ngại trong thời
gian tới giá EUR sẽ tăng, nên công ty quyết định mua 10000 EUR có kỳ hạn 60 ngày, với
tỷ giá kỳ hạn 60 ngày: 1 EUR = 22100 VND. Như vậy, sau 60 ngày nữa công ty phải bỏ
ra 221 triệu VND để mua 10000 EUR , bất kể tỷ giá thị trường thay đổi ra sao.
- Nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (currency swaps): là nghiệp vụ trong đó người ta
đổi một số lượng cố định loại tiền này lấy một số lượng biến đổi loại tiền khác theo tỷ giá
giao ngay, sau một khoảng thời gian nhất định theo thoả thuận vốn sẽ được hoàn trả theo
tỷ giá có kỳ hạn.
Giả sử một công ty đang có USD song lại cần VND. Công ty có thể quyết định bán
USD để lấy VND, khi nào cần sẽ mua lại. Nhưng công ty sợ rằng giá USD sẽ tăng mạnh
nên quyết định hoán đổi 100000 USD lấy VND, thời hạn 30 ngày. Tỷ giá giao ngay 1
USD = 16200 VND. Tỷ giá có kỳ hạn 30 ngày 1 USD = 16210 VND. Theo giao dịch này:
+ Công ty phải bỏ ra 100000 USD để đổi lấy 1620 triệu VND .
+ 30 ngày sau, công ty phải bỏ ra 1621 triệu VND để lấy lại 100000 USD.
Như vậy, hoán đổi ngoai tệ là sự kết hợp đồng thời giữa nghiệp vụ mua (bán)
ngoại tệ giao ngay và nghiệp vụ bán (mua) ngoại tệ có kỳ hạn, hoặc giữa 2 giao dịch
ngoại tệ có kỳ hạn.
- Nghiệp vụ mua bán quyền chọn mua (bán) ngoại tệ (currency options): là
nghiệp vụ trong đó người mua có quyền (song không bắt buộc) mua (bán) một luợng
ngoại tệ nhất định từ người bán quyền với tỷ giá và trong (hoặc tại) thời gian đã thoả
thuận trước. Người mua quyền phải trả cho người bán quyền một khoản tiền là giá của
quyền. Người mua quyền có thể thực hiện quyền (nếu thấy có lợi) hoặc không thực hiện
quyền (nếu thấy không có lợi), người bán quyền phải chấp nhận.
Ví dụ: Có một giao dịch quyền chọn ngoại tệ như sau:
- A là người mua
- B là người bán

214
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Quy mô giao dịch: Quyền chọn mua 50000 USD


- Thời hạn là 2 tháng
- Tỷ giá 1 USD = 16100 VND
- Giá của quyền chọn mua 1 USD là 150 VND
- Ngày giao dịch : 14/5/ N...
Theo giao dịch này:
- A trả ngay cho B: 150 x 50000 = 7500000 VND
- Ngày 14/7/N
Gọi X là tỷ giá giao ngay của USD với VND vào ngày 14/7/N
+ Nếu X nhỏ hơn hoặc bằng 16100. A thấy mua với mức giá 16100 không có lợi
nên thông báo không thực hiện quyền mua.
+ Nếu X lớn hơn 16100, chẳng hạn là 16400. A thấy mua với mức giá 16100 là có
lợi nên quyết định thực hiện quyền mua.
A giao cho B: 16100 x 50000 = 805000000 VND
B giao cho A: 50000 USD
Ví dụ trên là một minh hoạ giao dịch quyền chọn kiểu châu Âu, thời điểm thực
hiện hợp đồng là một ngày cụ thể đã được thỏa thuận trước. Còn trong giao dịch quyền
chọn kiểu Mỹ, thời điểm thực hiện hợp dồng là một ngày bất kỳ (nằm trong thời gian của
hợp đồng) do người mua quyền chọn.Vì vậy, giá của 1 đơn vị quyền chọn kiểu Mỹ cao
hơn kiểu châu Âu.
- Hợp đồng ngoại tệ tương lai: là sự thoả thuận mua bán một số lượng ngoại tệ
xác định theo tỷ giá được thoả thuận vào thời điểm giao dịch. Lãi, lỗ được tính toán hằng
ngày trên cơ sở chênh lệch giữa tỷ giá của thị trường và tỷ giá đã thoả thuận. Ngày kết
thúc hợp đồng do hai bên thoả thuận lựa chọn một trong số các ngày xác định do thị
trường quy định.

8.4. QUAN HỆ THANH TOÁN QUỐC TẾ


Chính các quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao giữa các quốc gia đã làm nảy
sinh các quan hệ thanh toán quốc tế. Ngày nay, với xu hướng hội nhập, các quan hệ
thanh toán quốc tế ngày càng phát triển qui mô hơn, đa dạng hơn.
8.4.1. Các phương tiện thanh toán quốc tế thông dụng
8.4.1.1. Séc (Cheque)
Séc là tờ mệnh lệnh trả tiền ngay lập tức và vô điều kiện theo mẫu in sẵn của
người chủ tài khoản tiền gửi ra lệnh cho ngân hàng của mình trả một số tiền nhất định

215
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

cho người có tên trong séc hoặc theo lệnh của người này trả cho một người khác hoặc
trả cho người cầm séc bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Người muốn sử dụng séc phải lựa chọn một ngân hàng để mở tài khoản tiền gửi
thanh toán séc và phải ký hợp đồng sử dụng séc với ngân hàng. Ngân hàng sẽ bàn giao
séc trắng cho người chủ tài khoản. Khi cần thanh toán, người chủ tài khoản phát hành
séc ra lệnh cho ngân hàng chi trả.
Thanh toán bằng séc có những nhược điểm nhất định nên được sử dụng ngày càng
ít dần trong thanh toán trong nước cũng như trong thanh toán quốc tế.
8.4.1.2. Hối phiếu (Bills of exchange)
Hối phiếu là dạng thương phiếu do người thụ hưởng kí phát để đòi tiền người chi
trả. Hối phiếu là một tờ mệnh lệnh trả tiền vô điều kiện, do một người ký phát cho một
người khác, yêu cầu người này khi nhìn thấy phiếu, hoặc đến một ngày cụ thể nhất định
hoặc đến một ngày có thể xác định được trong tương lai, phải trả một số tiền nhất định
cho một người nào đó, hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác hoặc trả cho
người cầm phiếu.
Hối phiếu có 3 đặc điểm cơ bản: tính trừu tượng, tính bắt buộc và tính lưu thông.
Hối phiếu ra đời xuất phát từ một quan hệ kinh tế cụ thể, song một khi đã được thành lập
và có giá trị pháp lý, hối phiếu độc lập với quan hệ kinh tế mà từ đó nó được tạo ra.
Ngoài ra, hối phiếu là một lệnh, không phải là một yêu cầu, vì vậy việc trả tiền là có tính
bắt buộc. Nhờ 2 tính chất trên nên hối phiếu có thể chuyển nhượng được quyền hưởng lợi
từ người này sang người khác, tạo ra tính lưu thông của hối phiếu.
Hối phiếu được sử dụng phổ biến trong quan hệ thanh toán thương mại quốc tế,
tạo điều kiện cho ngân hàng tài trợ đối với hoạt động ngoại thương qua các hình thức:
chiết khấu hối phiếu, chấp nhận hối phiếu, bảo lãnh hối phiếu,…
8.4.1.3. Lệnh phiếu (Promissory note)
Lệnh phiếu là dạng thương phiếu do con nợ ký phát, tự xác nhận nợ và cam kết trả
theo đúng kỳ hạn. Lệnh phiếu chỉ có một bản. Lệnh phiếu có thể do một hay nhiều con nợ
ký phát cam kết trả nợ cho một hoặc nhiều người thụ hưởng. Thường lệnh phiếu cần có
sự bảo lãnh của ngân hàng hoặc công ty tài chính. Theo tiến trình lịch sử, lệnh phiếu ra
đời trước hối phiếu. Nhưng ngày nay, lệnh phiếu được sử dụng rất ít.
8.4.1.4. Thẻ thanh toán quốc tế (Payment card)
Thẻ thanh toán quốc tế là một phương tiện chi trả hiện đại ra đời từ những năm
đầu thế kỷ 20.

216
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Thẻ thanh toán quốc tế là một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà
người chủ thẻ có thể sử dụng để rút tiền mặt hoặc thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ tại
các cơ sở chấp nhận thanh toán thẻ.
Thẻ thanh toán chủ yếu phục vụ cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, không thích
hợp cho việc mua bán hàng hóa có giá trị lớn.
Có 2 loại thẻ thanh toán quốc tế cơ bản:
a. Thẻ ghi nợ (Debit card):
Đây là loại thẻ thanh toán có một số đặc điểm sau :
- Khi chủ thẻ sử dụng thẻ thì lập tức ngân hàng ghi nợ vào tài khoản của chủ thẻ.
- Thường chủ thẻ phải có đủ tiền trên tài khoản.
- Mỗi thẻ chỉ có một hạn mức thanh toán nhất định.
b. Thẻ tín dụng (Credit card):
Đặc điểm của loại thẻ này:
- Ngân hàng chỉ ghi nợ vào tài khoản chủ theo vào cuối chu kỳ (chu kỳ được xác
định theo thoả thuận giữa chủ thẻ và ngân hàng phát hành).
- Mỗi loại thẻ có một hạn mức tín dụng riêng. Hạn mức tín dụng là số tiền mà
chủ thẻ được sử dụng tối đa trong một chu kỳ.
Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán, song nó còn là 1 hình thức cho vay
tiêu dùng hiện đại và tiện lợi.
Ngày nay, thẻ tín dụng quốc tế ngày càng được sử dụng rộng rãi, với các loại thẻ
như: Master card, Visa card, American Express (Amex) card, JCB card, Dinner Club
card,…
8.4.2. Các phương thức thanh toán quốc tế thông dụng
Phương thức thanh toán quốc tế là cách thức người chi trả thực hiện trả tiền cho
người thụ hưởng ở ngoài nước. Hầu hết các trường hợp thanh toán quốc tế được thực
hiện qua các ngân hàng. Sau đây là một số phương thức thanh toán quốc tế thông dụng. :
8.4.2.1. Phương thức chuyển tiền (Remittance):
Phương thức chuyển tiền là phương thức thanh toán, trong đó một khách hàng
(người chi trả) yêu cầu ngân hàng phục vụ mình chuyển trả một số tiền nhất định cho
người thụ hưởng tại một địa điểm nhất định bằng hình thức mà mình yêu cầu.
Ngân hàng phục vụ người chi trả sẽ ra lệnh cho ngân hàng đại lý hoặc ngân hàng
chi nhánh của mình ở nước ngoài thực hiện việc chi trả tiền cho người thụ hưởng.
Tùy thuộc vào hình thức chuyển tiền, có 2 loại:
- Chuyển tiền bằng thư M/T (Mail transfer);
- Chuyển tiền bằng điện T/T (Telegraphic transfer).

217
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Hình thức chuyển tiền bằng thư thường chậm, tính an toàn không cao song chi phí
thấp. Ngược lại, hình thức chuyển tiền bằng điện thường nhanh hơn, tính an toàn cao
hơn song chi phí cũng cao hơn. Hiện nay, hầu hết đều sử dụng dịch vụ chuyển tiền bằng
điện Swift (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications - Hiệp hội
viễn thông liên hàng tài chính toàn cầu) trong thanh toán thương mại quốc tế.
Quy trình thanh toán của phương thức này có thể được mô tả khái quát như sau:

Người chi trả Người thụ hưởng

(1) (3)

(2)
NH chi hộ NH đại lý
(chuyển tiền đi) ( chuyển tiền đến )
1) Người chi trả lập thủ tục gởi cho NH chi hộ, nhờ NH chuyển tiền trả cho người
thụ hưởng.
2) NH sau khi kiểm tra, chuyển tiền trả cho NH đại lý của mình tại nước người thụ
hưởng.
3) NH đại lý chuyển trả tiền cho người thụ hưởng.
Phương thức này được sử dụng không chỉ trong thanh toán thương mại quốc tế mà
còn cả trong thanh toán phi thương mại: chuyển tiền kiều hối, chuyển vốn đầu tư,...
8.4.2.2. Phương thức nhờ thu (Collection of payment):
Phương thức nhờ thu là phương thức thanh toán, trong đó người bán sau khi hoàn
thành nghĩa vụ giao hàng, lập hối phiếu đòi tiền người mua, làm thủ tục chuyển đến ngân
hàng phục vụ mình nhờ ngân hàng thu hộ số tiền trên hối phiếu đó.
Có 2 loại nhờ thu:
- Nhờ thu trơn: là phương thức thanh toán nhờ thu, trong đó hối phiếu luân
chuyển độc lập với chứng từ giao hàng, việc trả tiền không kèm theo điều kiện.
- Nhờ thu kèm chứng từ: là phương thức thanh toán nhờ thu, trong đó hối phiếu
được luân chuyển đi kèm với chứng từ giao hàng. Ngân hàng chỉ giao bộ chứng từ cho
người nhập khẩu một khi người này thực hiện trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền trên hối
phiếu. Có 2 loại:
+ Nhờ thu trả tiền đổi chứng từ (Documents against payment _ D/P): người nhập
khẩu phải trả tiền ngay để nhận bộ chứng từ.

218
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

+ Nhờ thu chấp nhận đổi chứng từ (Documents against acceptance _ D/A):
người nhập khẩu phải chấp nhận trả tiền trên hối phiếu để nhận bộ chứng từ.
Quy trình thanh toán của phương thức nhờ thu hối phiếu kèm chứng từ được mô
tả khái quát như sau :

(1)
Người mua Người bán

(4) (2) (6)


1) Hợp đồng mua bán.
2) Người bán sau khi giao hàng, (3)(3) bộ chứng từ gửi hàng và hối phiếu đòi tiền
lập
NH đại lý NH thu hộ
người mua, gửi đến NH nhờ thu hộ.
(5)
3) NH chuyển chứng từ và hối phiếu cho NH đại lý ở nước người mua
4) Người mua trả tiền cho NH đại lý để nhận bộ chứng từ
5) NH đại lý chuyền trả tiền cho NH thu hộ
6) NH thu hộ chuyển trả tiền cho người bán
8.4.2.3. Phương thức giao chứng từ nhận tiền ngay (Cash against documents _
CAD):
Đây là phương thức thanh toán trong đó theo thỏa thuận, người nhập khẩu yêu
cầu ngân hàng phục vụ người xuất khẩu mở cho mình một tài khoản tín thác, thực hiện ký
quỹ 100% số tiền thanh toán trên tài khoản này để thanh toán tiền cho người xuất khẩu
khi người này xuất trình đầy đủ các chứng từ đã qui định.
Phương thức này thường chỉ áp dụng khi người nhập khẩu có văn phòng hoặc
người đại diện tại nước người xuất khẩu.
8.4.2.4. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ (Documentary credit):
Theo UCP 600 (Uniformed Customs and practice for documentary credit .No.600)
thì “tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận bất kỳ, cho dù được gọi tên hay mô tả như
thế nào, thể hiện một cam kết chắc chắn và không hủy ngang của ngân hàng phát hành
khi xuất trình phù hợp”.
Trong phương thức thanh toán này, thư tín dụng (letter of credit - L/C) chính là
văn bản cam kết trả tiền của NH phát hành đối với người thụ hưởng.
Có thể mô tả khái quát quy trình thanh toán một thư tín dụng thương mại như sau:

Người vận chuyển


(9) (5)

Người nhập khẩu Người xuất khẩu


(1) 219

(6) (4) (9)


Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

1) Hợp đồng mua bán


2) Nhà nhập khẩu làm thủ tục gửi NH đề nghị NH phát hành L/C
3) NH được đề nghị xem xét, lập L/C và gửi cho NH thông báo tại nước nhà xuất
khẩu
4) NH thông báo kiểm tra nội dung L/C, gửi L/C cho nhà xuất khẩu
5) Nhà xuất khẩu kiểm tra nội dung của L/C, đồng ý thì tiến hành giao hàng cho
nhà vận chuyển và lập bộ chứng từ đòi tiền theo đúng quy định của L/C
6) Nhà xuất khẩu thông qua một NH thương lượng trong nước, xuất trình bộ
chứng từ đòi tiền NH mở L/C
7) NH mở L/C kiểm tra bộ chứng từ, thấy được, tiến hành trả tiền cho nhà xuất
khẩu qua NH thương lượng
8) Nhà nhập khẩu trả tiền cho NH mở L/C để nhận bộ chứng từ
9) Nhà nhập khẩu nhận hàng. NH thương lượng trả tiền cho nhà xuất khẩu
Đây là 1 phương thức thanh toán phức tạp, nhiêu khê về chứng từ, thời gian
thanh toán chậm, phí cao, song vì có sự tham gia trực tiếp của hệ thống ngân hàng trong
quá trình thanh toán nên độ tin cậy và an toàn cao hơn, tương đối dung hòa được lợi ích
giữa người chi trả và người thụ hưởng, giảm bớt các tranh chấp giữa người mua và
người bán trung thực.

8.5. TÍN DỤNG QUỐC TẾ


Tín dụng quốc tế là quan hệ tín dụng, trong đó có sự tham gia của ít nhất là một
chủ thể ngoài nước, chủ thể này có thể là người cho vay hoặc là người đi vay.
8.5.1. Phân loại tín dụng quốc tế
8.5.1.1. Căn cứ vào chủ thể cấp tín dụng:
- Tín dụng của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.
- Tín dụng nhà nước.

220
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Tín dụng ngân hàng.


- Tín dụng thương mại.
- Tín dụng của người môi giới đối với người nhập khẩu hoặc xuất khẩu.
8.5.1.2. Căn cứ vào đối tượng tín dụng:
- Tín dụng tiền tệ.
- Tín dụng tài sản phi tiền tệ: đối tượng cấp tín dụng là hàng hóa hoặc các loại
tài sản phi tiền tệ khác.
8.5.1.3. Căn cứ vào thời hạn của tín dụng:
- Tín dụng ngắn hạn.
- Tín dụng trung hạn.
- Tín dụng dài hạn.
8.5.1.4. Căn cứ vào mục đích:
- Tín dụng phục vụ cho các hoạt động kinh doanh.
- Tín dụng phục vụ cho các hoạt động phi kinh doanh.
Ngoài ra, còn có một số tiêu chuẩn phân loại khác.
8.5.2. Các hình thức tín dụng quốc tế thông dụng
8.5.2.1. Tín dụng nhà nước:
Chính phủ có thể vay vốn:
- Của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB,…
- Của các chính phủ khác.
- Của các tập đoàn tài chính ngân hàng nước ngoài.
- Của công chúng nước ngoài thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ
hoặc trái phiếu kho bạc có tính quốc tế.
Thông thường, các khoản vay nợ từ các tổ chức tài chính tín dụng quốc tế, từ các
chính phủ khác có thời hạn dài, lãi suất thấp, song chịu khá nhiều các điều kiện ràng
buộc. Còn các khoản vay nợ từ các tập đoàn ngân hàng nước ngoài thường có thời hạn
ngắn, điều kiện ràng buộc dễ chịu hơn song lãi suất cao.
8.5.2.2. Tín dụng thương mại:
Thường có các hình thức:
- Người xuất khẩu cấp tín dụng cho người nhập khẩu dưới hình thức bán tín dụng
(bán thu tiền chậm).
- Người nhập khẩu cấp tín dụng cho người xuất khẩu dưới hình thức ứng trước
tiền hàng.
- Người môi giới cấp tín dụng cho người xuất khẩu.

221
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Người môi giới cấp tín dụng cho người nhập khẩu.
Thông thường, người môi giới làm trung gian giữa người mua và người bán hàng
hóa, khi cần có thể cho vay đối với người bán để chuẩn bị hàng hoặc cho vay đối với
người mua để thanh toán.
8.5.2.3. Tín dụng ngân hàng:
Ngân hàng có thể cho vay:
- Đối với chính phủ nước ngoài.
- Đối với các ngân hàng nước ngoài.
- Đối với người xuất khẩu dưới các hình thức: cho vay trực tiếp để chuẩn bị
hàng, chiết khấu hối phiếu, chiết khấu bộ chứng từ,…
- Đối với người nhập khẩu dưới các hình thức: cho vay trực tiếp thanh toán tiền
hàng, chấp nhận hối phiếu, phát hành L/C (thư tín dụng),…
Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ thương mại và đầu tư
quốc tế, các quan hệ tín dụng quốc tế ngày càng đa dạng hơn, qui mô hơn, phức tạp hơn.

8.6. CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH QUỐC TẾ


Sang những năm của thế kỷ 20, các quan hệ chính trị, kinh tế, tài chính, tiền tệ,...
giữa các quốc gia; không còn là mối quan hệ song phương mà đã dần phát triển thành
các mối quan hệ đa phương. Điều kiện này tạo nên sự ra đời các hệ thống tài chính quốc
tế và các tổ chức tài chính quốc tế. Có các tổ chức tài chính quốc tế chủ yếu sau đây mà
Việt nam hiện đang là thành viên.
8.6.1. Ngân hàng thế giới (World Bank - WB)
WB là một định chế tài chính đa tổ chức, bao gồm: ngân hàng tái thiết và phát
triển quốc tế (International Bank Recontruction and Development - IBRD), Hiệp hội phát
triển quốc tế (International Development Association - IDA), Công ty tài chính quốc tế
(International Financial Company - IFC),…
IBRD được thành lập vào năm1945. Một quốc gia là thành viên thì phải là thành
viên của IMF. Vốn bao gồm vốn cổ phần của các quốc gia thành viên và đi vay trên thị
trường tài chính quốc tế thông qua phát hành trái phiếu. Tổ chức này cho vay vốn đối với
các quốc gia thành viên không xếp vào diện nghèo.
IDA được thành lập năm 1960 bằng nguồn vốn đóng góp của các quốc gia thành
viên nhằm cho vay các nước thành viên nghèo, tài trợ các dự án chương trình kinh tế xã
hội có hiệu quả với lái xuất ưu đãi.

222
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

IFC được thành lập năm 1956, nhằm tài trợ trực tiếp cho khu vực kinh tế tư nhân,
không thông qua chính phủ.
Bộ máy lãnh đạo của WB gồm Hội đồng Thống đốc và Ban Giám đốc. Hội đồng
Thống đốc chịu trách nhiệm quyết định các vấn đề mang tính chiến lược. Ban Giám đốc
điều hành hoạt động hằng ngày, bao gồm 24 thành viên, trong đó có 5 thành viên đương
nhiên của 5 quốc gia có vốn góp nhiều nhất (Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp) và 19 thành viên
cón lại chọn theo cơ chế bầu.
Chính phủ miền Nam trước đây gia nhập vào WB năm 1957. Nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức kế tiếp tư cách thành viên từ tháng 9 năm 1976. Năm
1978, WB cho Việt nam vay 60 triệu USD. Sau đó, quan hệ giữa WB vói Việt Nam trở
nên nhạt đi. Quan hệ này được bình thường hóa trở lại từ sau năm 1993. Trong giai đoạn
1993 - 2003, tổng vốn cam kết của IDA với Việt Nam là 4,38 tỷ USD, song chỉ giải ngân
được 2,18 tỷ USD, còn IFC tài trợ cho các dự án gần 2 tỷ USD. Sau năm 2003, WB tiếp
tục cam kết tài trợ cho Việt Nam.
WB tài trợ cho Việt Nam các dịch vụ chủ yếu sau:
- Thiết kế và tài trợ cho các dự án phát triển.
- Hổ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách.
- Điều phối viện trợ.
8.6.2. Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund - IMF)
IMF được thành lập trên cơ sở Hội nghị tài chính và tiền tệ năm 1944, chính thức
hoạt động từ tháng 3 năm 1947. Trụ sở đặt tại Washington . Vốn hoạt động của IMF bao
gồm vốn góp cổ phần của các nước thành viên, vốn tích lũy và vốn vay trên thị trường tài
chính quốc tế.
Về cơ cấu tổ chức, IMF có Hội đồng Thống đốc và Ban Giám đốc điều hành. Hội
đồng Thống đốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất, quyết định các vấn đề có tính chiến lược.
Ủy ban tài chính tiền tệ quốc tế là hội đồng tư vấn cho Hội đồng Thống đốc. Ban Giám
đốc điều hành IMF gồm 1 tổng giám đốc và 24 giám đốc (gồm 5 đại diện đương nhiên
của 5 nước thành viên có vốn góp nhiều nhất: Mỹ, Nhật, Đức, Anh và Pháp; 19 giám đốc
còn lại đại diện cho các nhóm nước, chọn theo cách luân phiên) điều hành hoạt động tác
nghiệp.
Mục đích hoạt động của IMF là thúc đẩy hợp tác thanh toán quốc tế, ổn định tỷ
giá, hỗ trợ thành lập hệ thống thanh toán đa phương, cho vay bù đắp thâm hụt cán cân
thanh toán quốc tế,...
Chính phủ miền Nam trước đây gia nhập vào IMF năm 1956. Nước Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam chính thức kế tiếp tư cách thành viên từ tháng 9 năm 1976. Từ năm

223
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

1977 – 1984, IMF cho Việt Nam vay 71,54 triệu SDR (Special Drawing Right: Quyền rút
vốn đặc biệt, đồng tiền được IMF bắt đầu sử dụng từ năm 1976). Từ sau năm 1885, IMF
đình chỉ cho Việt Nam vay với lý do không trả nợ quá hạn. Đến năm 1993, với sự giúp đỡ
của một số ngân hàng thuộc Câu lạc bộ quốc tế Paris, quan hệ giữa Việt nam và IMF
dần trở nên bình thường. Từ năm 1994 đến 2004, IMF cam kết cho Việt Nam vay 4
chương trình, tổng vốn cam kết hơn 1tỷ USD , giải ngân được gần 700 triệu USD.
Ngoài ra, IMF còn hỗ trợ kỹ thuật, cử chuyên gia tư vấn giúp cách thức hoạch
định và điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ nghiệp vụ thanh tra ngân hàng, hỗ trợ đào
tạo chuyên viên cao cấp cho chính phủ Việt Nam.
8.6.3. Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank - ADB)
ADB là tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế liên chính phủ được thành lập vào năm
1966. 2/3 số thành viên là các quốc gia châu Á, còn lại là các quốc gia ngoài châu Á.
Nguồn vốn hoạt động của ADB chủ yếu là vốn góp và đi vay trên thị trường tài chính
quốc tế. Trụ sở đặt tại thủ đô Manila của Philippin.
ADB hoạt động tài trợ các quốc gia thành viên với mục tiêu:
- Cho vay phát triển kinh tế - xã hội.
- Tư vấn, tài trợ kỹ thuật cho các dự án.
- Khuyến khích đầu tư vốn vào các chương trình mục tiêu kinh tế.
- Kết hợp chặt chẽ giữa cho vay với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ miền Nam trước đây gia nhập vào ADB năm 1966. Nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức kế tiếp tư cách thành viên từ tháng 9 năm 1976. Đến
năm 1978, Việt Nam vay ADB 44,6 triệu USD. Sau đó, quan hệ giữa Việt Nam và ADB
trở nên không bình thường. Đến năm 1993, quan hệ này dần được cải thiện. Từ đó đến
nay, ADB đã cam kết tài trợ và thực hiện giải ngân cho nhiều dự án ở Việt Nam.

224
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TÓM TẮT CHƯƠNG 8


--------

1. Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều theo xu hướng phát triển nền kinh tế mở,
hội nhập trở thành xu hướng tất yếu, các quan hệ tài chính quốc tế đã và đang phát triển
vượt bậc với phạm vi và qui mô ngày càng lớn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội song cũng
tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho các quốc gia.
2. Cán cân thanh toán quốc tế là một bảng cân đối giữa số tiền thu được từ nước
ngoài và tổng số tiền trả cho nước ngoài của một nước trong một thời kỳ nhất định hoặc
một thời điểm nhất định. Ngày nay, các quốc gia thường lập các cán cân thanh toán quốc
tế theo mô hình và các nguyên tắc của Cán cân thanh toán quốc tế tiêu chuẩn đề xướng
bởi IMF. Thường cán cân ngoại thương là một phần của Cán cân thanh toán quốc tế, cán
cân công nợ thời kỳ được phản ánh một phần trong Cán cân thanh toán quốc tế, phần
còn lại thể hiện trong cán cân công nợ thời điểm...
Nếu Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư thì khoản dư thừa thường làm tăng
khoản dự trữ ngoại hối trong nước. Trong trường hợp thiếu hụt, người ta thường sử dụng
các biện pháp sau để bù đắp :
- Vay nợ.
- Sử dụng công cụ lãi suất chiết khấu.
- Kiểm soát ngoại thương trực tiếp theo hướng tăng xuất khẩu và hạn chế nhập
khẩu.
- Thực hiện chính sách quản lý ngoại hối chặt chẽ theo hướng tăng thu, giảm chi.
- Phá giá tiền tệ.
- Xuất quỹ dự trữ ngoại hối để trả nợ.

225
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

3. Một vấn đề rất quan trọng khi xử lý các quan hệ tài chính quốc tế là tỷ giá hối
đoái. Tỷ giá hối đoái là kết quả so sánh giữa hai đồng tiền với nhau theo một tiêu chuẩn
nào đó, hay nói cách khác là giá cả tiền tệ này được biểu hiện bằng một số đơn vị tiền tệ
khác. Hiện nay, một số ít quốc gia thực hiện chế độ tỷ giá cố định, song nhiều quốc gia
khác thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết. Trong nền kinh tế tỷ giá luôn biến động
do nhiều nguyên nhân. Ngược lại, tỷ giá biến động ảnh hưởng nhiều mặt của nền kinh tế:
ngoại thương, xuất nhập khẩu dịch vụ, đầu tư quốc tế, lạm phát, lãi suất,... Vì vậy, tỷ giá
vừa là mục tiêu vừa là công cụ trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách
kinh tế vĩ mô của các quốc gia.
4. Thị trường ngoại hối là thị trường giao dịch mua bán các khoản ngoại hối.
Hoạt động của thị trường ngoại hối thường mang tính quốc tế và giao dịch liên tục. Hầu
hết các chủ thể đều có thể tham gia vào thị trường ngoại hối: NHTW, các NHTM, các tổ
chức tài chính phi ngân hàng, các nhà môi giới, các công ty và cá nhân có nhu cầu. Mỗi
chủ thể tham gia vào thị trường đều có những mục đích riêng: điều tiết, thoả mãn nhu
cầu về ngoại tệ, kinh doanh kiếm lời hoặc phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Trên thị trường
ngoại hối, các nghiệp vụ kinh doanh là khá đa dạng, bao gồm: nghiệp vụ mua bán ngoại
tệ giao ngay, nghiệp vụ mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ, nghiệp
vụ mua bán quyền chọn ngoại tệ, hợp đồng ngoại tệ tương lai.
5. Trong thanh toán quốc tế, người ta thường sử dụng phổ biến các phương thức
chuyển tiền, nhờ thu, CAD, tín dụng chứng từ; trong đó phương thức chuyển tiền đơn
giản nhất, còn phương thức tín dụng chứng từ phức tạp nhất song được sử dụng phổ biến
nhất. Séc quốc tế, hối phiếu quốc tế, thẻ thanh toán quốc tế là các phương tiện thanh toán
quốc tế thông dụng. Dù hiện đại song thẻ chỉ là phương tiện thanh toán cá nhân cho các
nhu cầu thanh toán quy mô nhỏ.
6. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ thương mại và đầu tư
quốc tế, các quan hệ tín dụng quốc tế ngày càng đa dạng, qui mô và phức tạp hơn. Dù
vậy, chủ yếu vẫn là các quan hệ tín dụng nhà nước, tín dụng thương mại và tín dụng
ngân hàng...
7. Sang những năm của thế kỷ 20, các quan hệ chính trị, kinh tế, tài chính, tiền
tệ,...giữa các quốc gia; không còn là mối quan hệ song phương mà đã dần phát triển
thành các mối quan hệ đa phương. Điều kiện này tạo nên sự ra đời các hê thống tài chính
quốc tế và các tổ chức tài chính quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của các Tổ
chức tài chính quốc tế quan trọng: WB, IMF, ADB.

226
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

TỪ KHÓA (KEY WORDS)

1. Cán cân thu chi quốc tế 12. Ngoại hối


2. Cán cân ngoại thương 13. Thị trường ngoại hối
3. Cán cân công nợ quốc tế 14. Nghiệp vụ mua bán ngoại tệ
4. Cán cân lưu động vốn 15. Phương tiện thanh toán quốc tế
5. Cán cân thanh toán quốc tế 16. Phương thức thanh toán quốc tế
6. Tỷ giá hối đoái 17. Tín dụng nhà nước
7. Chế độ tỷ giá hối đoái 18. Tín dụng ngân hàng
8. Chính sách lãi suất chiết khấu 19. Tín dụng thương mại
9. Chính sách hối đoái 20. Ngân hàng thế giới
10. Chính sách phá giá tiền tệ 21. Qũy tiền tệ quốc tế
11. Chính sách nâng giá tiền tệ 22. Ngân hàng Phát triển Châu Á

227
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 8


-------------

1. Chỉ ra các điểm khác biệt chủ yếu giữa cán cân ngoại thương, cán cân công
nợ quốc tế và cán cân thanh toán quốc tế ?
2. Các biện pháp để giải quyết tình trạng thâm hụt của BOP ?
3. Giải thích các khái niệm: tỷ giá hối đoái, chế độ tỷ giá hối đoái ?
4. Giải thích các nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động của tỷ giá ?
5. Tỷ giá biến động ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế ?
6. Tín dụng chứng từ là gì ? Vì sao phương thức này được sử dụng phổ biến
trong thanh toán thương mại quốc tế ?
7. Giải thích sự khác nhau giữa phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ
với tín dụng chứng từ ?
8. Chỉ ra các điểm khác biệt chủ yếu giữa các quan hệ tín dụng quốc tế: tín
dụng nhà nước, tín dụng thương mại và tín dụng ngân hàng ?
9. Nêu rõ sự khác biệt giữa 2 loại thẻ thanh toán: Debit card và Credit card ?

228
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

CHƯƠNG 9: THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

Trong các chương trước của môn học này chúng ta đã hiểu biết nhiều về
các hoạt động tài chính gắn liền các chủ thể kinh tế, các khâu tài chính trong hệ
thống tài chính quốc gia. Các hoạt động tài chính đó trong nền kinh tế thị
trường đều có những mối liên hệ nhất định với nhau trong một môi trường
chung là thị trường tài chính.
Thị trường tài chính với các đặc trưng chung của nó như chức năng, vai
trò và phân tích cấu trúc sẽ được trình bày trong chương này. Trên cơ sở các
đặc trưng chung, chương này còn trình bày cụ thể về các công cụ sử dụng trên
thị trường tài chính, và đặc biệt dành một sự trình bày khá kỷ về một loại thị
trường quan trọng trong đó là thị trường chứng khoán.
Việc tìm hiểu đầy đủ các nội dung về thị trường tài chính cuối cùng sẽ
giúp chúng ta nắm vững trở lại toàn bộ các hoạt động tài chính đã được giới
thiệu trong các chương trước, thấy rõ được vị trí, vai trò từng hoạt động trong
hệ thống tài chính quốc gia và quan trọng hơn nữa là biết cách ứng xử thích
hợp, có hiệu quả trong các tình huống khác nhau.

9.1. CHỨC NĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH


Thị trường tài chính là một thuật ngữ ngày càng quen thuộc, được sử dụng
ngày càng thường xuyên hơn ở các quốc gia phát triển nền kinh tế thị trường. Tuy

229
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

nhiên, để hiểu đầy đủ thuật ngữ này thì không đơn giản chút nào do bản thân nó là
một thực thể phức tạp với nhiều cách hiểu khác nhau, khó thống nhất.
Thị trường tài chính bắt nguồn từ việc phân tích cấu trúc các loại thị trường
trong nền kinh tế. Liên quan việc phân tích này, các trường phái kinh tế xưa nay (A.
Smith, Leon Walras, Keynes, Samuelson...) có những phân tích khác nhau xuất phát từ
những cách tiếp cận khác nhau. Điểm giống nhau từ các phân tích đó là ở chỗ thừa
nhận một thị trường tài chính tồn tại bên cạnh các thị trường sản phẩm hàng hóa,
dịch vụ.
Nếu hiểu theo cách thông thường như các loại thị trường hàng hoá khác (thị
trường lúa gạo, thị trường máy móc, xe hơi,...) thì thị trường tài chính là nơi mua -
bán các khoản tài chính, mua - bán quyền sử dụng các khoản vốn. Tuy nhiên, đây là
loại thị trường khá đặc thù, trong đó các khoản tài chính hay các khoản vốn (đều là
tài sản của người sở hữu nó) được thể hiện dưới dạng các chứng từ có giá (chứng
khoán, hay còn gọi là các công cụ tài chính) được tổ chức mua bán, chuyển nhượng
theo nhiều phương thức giao dịch khác nhau.
Nền kinh tế của xã hội loài người, từ những hoạt động lao động sản xuất đơn
giản trong từng phạm vi hẹp như săn bắn, canh nông, ngư nghiệp,...đến các hoạt động
kinh doanh, đầu tư phức tạp, sâu rộng như ngày nay, là cả một quá trình phát triển
không ngừng. Thoạt tiên trong nền kinh tế, con người có nhu cầu trao đổi các sản
phẩm là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, sinh hoạt, cũng như các sản phẩm là các yếu tố
cần thiết cho sản xuất kinh doanh như nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, đến cả các
tài sản vô hình khác.... Thị trường giao dịch, trao đổi các sản phẩm này được gọi thị
trường tài sản thực, hay thị trường tài sản phi tài chính.
Quá trình giao dịch đó cũng chính là quá trình thu hút, tập trung các nguồn
lực của toàn bộ xã hội qua các thời kỳ lịch sử. Nhu cầu về nguồn vốn, nguồn tài chính
cho đầu tư, kinh doanh do vậy ngày càng tăng trưởng và bức thiết. Bên cạnh nhu cầu
vốn cho đầu tư, nhu cầu về các khoản tài chính cho hoạt động tiêu dùng, sinh hoạt
như mua sắm vật dụng, nhà cửa, xe cộ, chi tiêu học hành,...cũng tăng mạnh theo đà
phát triển chung của đời sống xã hội.
Các nhà kinh doanh, đầu tư, hay nói một cách đầy đủ hơn là những người cần
vốn, luôn hướng sự tìm kiếm các nguồn tài trợ cho những hoạt động của mình vào các
tầng lớp dân cư, các tổ chức trong xã hội, vào các khoản tiết kiệm, các nguồn vốn
nhàn rỗi của họ. Trong khi đó đối với những người tạm thời thừa vốn, bao giờ trong
họ cũng xuất hiện tâm lý mong muốn sử dụng những nguồn vốn này, các khoản tiết

230
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

kiệm này sao cho có lợi nhất. Trong xu thế phát triển chung của xã hội và theo đà của
sự tăng trưởng, sự giàu có, các khoản tiết kiệm này, với tư cách những nguồn cung
ứng vốn, ngày càng tăng lên tương ứng.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và mạnh mẽ hơn, nhu
cầu về huy động vốn cho hoạt động đầu tư, tiêu dùng cũng như khả năng cung ứng
các khoản vốn tiết kiệm, nhàn rỗi (qua nhiều cơ chế huy động, tập trung khác nhau)
giờ đây không còn đóng khung trong từng biên giới các quốc gia nữa mà đã lan rộng
trên phạm vi toàn cầu.
Như vậy, cùng với bối cảnh phát triển kinh tế, cung và cầu vốn ngày một tăng
lên mạnh mẽ và điều quan trọng ở đây là cơ chế để các nguồn vốn cung ứng đáp ứng
được các nhu cầu vốn. Để hiểu rõ cơ chế đó, chúng ta sẽ phân tích quá trình vận động
các luồng tiền trong thị trường tài chính qua các quan hệ trực tiếp cũng như gián tiếp.
Trong quan hệ tài chính trực tiếp, những người có nhu cầu vốn - người đi vay
(người sử dụng) chủ động đi tìm kiếm vốn trực tiếp ở những người thừa vốn) - người
cho vay (người tiết kiệm) bằng cách phát hành các chứng từ có giá (còn gọi là các
chứng khoán, các công cụ tài chính). Tất nhiên khởi đầu của quá trình này cũng
không dễ dàng gì. Thoạt đầu các chứng từ có giá đó thường là các tờ công trái của
chính phủ, sau này khi hoạt động của các doanh nghiệp phát triển mạnh hơn thì các
loại cổ phiếu, trái phiếu mới trở thành phổ biến trong thế giới đa dạng của các chứng
từ có giá. Các chứng từ có giá nêu trên do các nhà đầu tư, hay nói rộng hơn là do
những người cần vốn phát hành với tư cách phương tiện huy động vốn. Chúng lại
được nhiều người thừa vốn khác tìm mua với tư cách một phương tiện đầu tư hấp dẫn
bởi lẻ chúng phong phú và đa dạng, mở ra nhiều cơ hội lựa chọn trong đầu tư vốn,
đồng thời quan trọng là có thể được mua đi, bán lại khá dễ dàng, tạo nên khả năng
chuyển dịch vốn đầu tư thuận lợi. Thực trạng mua bán các chứng từ có giá ngày càng
nhộn nhịp như trên đã dẫn đến sự ra đời và phát triển của thị trường tài chính.
Rõ ràng, các quan hệ tài chính trực tiếp nêu trên đã đem lại một lợi ích to lớn
cho nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải các quan hệ tài chính trực tiếp đó đều đem lại
thuận lợi trong mọi trường hợp đối với mọi chủ thể kinh tế. Cả người có khoản tiết
kiệm nhỏ lẫn người đi vay những món nhỏ đều phải hứng chịu các khoản chi phí
thông tin, chi phí giao dịch lớn đến mức khó có thể chấp nhận được. Hay nói cách
khác, họ dễ dàng bị gạt bỏ ra khỏi các quan hệ trực tiếp này.
Do những hạn chế trên, thị trường tài chính cần có sự bổ sung các quan hệ tài
chính gián tiếp. Chỉ khi đó, các lợi ích của thị trường mới đầy đủ, trọn vẹn.

231
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Các quan hệ tài chính gián tiếp được thực hiện thông qua các trung gian tài
chính như các ngân hàng, các công ty tài chính, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư,... Các
trung gian này sẽ thu hút vốn nhàn rỗi của bất kỳ chủ thể nào trong nền kinh tế trong
một kỳ hạn nhất định và phải trả cho họ một khoản lợi tức nhất định tương xứng với
lượng vốn và kỳ hạn vốn huy động. Sau đó, các trung gian này đem lượng vốn huy
động đó để cho vay đối với bất kỳ chủ thể nào miễn sao có lãi và không lo sợ bị mất
vốn. Như vậy, các trung gian tài chính đã góp phần luân chuyển vốn từ nơi thừa đến
nơi thiếu dễ dàng hơn rất nhiều so với xưa kia, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của mọi
hoạt động tiêu dùng và đầu tư trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và vai trò nổi bật, hệ thống các trung gian
tài chính này cũng có những hạn chế trong việc hấp dẫn quá trình giao lưu vốn, chủ
yếu đó là tính đơn điệu trong khả năng lựa chọn phương án đầu tư và tính cố định của
lợi tức mang lại.
Qua việc phân tích khái quát quá trình hình thành thị trường tài chính trên
đây, chúng ta thấy nhờ có thị trường tài chính mà những nguồn vốn được luân chuyển
một cách dễ dàng từ những người có vốn nhưng không có cơ hội đầu tư sinh lợi đến
những người có cơ hội, có nhu cầu nhưng lại thiếu vốn. Như vậy, rõ ràng chức năng
chính của thị trường tài chính là chức năng dẫn vốn. Với chức năng này, thị trường
tài chính đã mang lại lợi ích to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu
quả chung của nền kinh tế, đồng thời có thể giúp cải thiện đời sống cho mỗi người
dân trong xã hội.

9.2. VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH


Từ chức năng chung của thị trường tài chính, xem xét tác động của nó trong
nền kinh tế trên nhiều khía cạnh khác nhau có thể thấy nổi bật một số vai trò mang
tính tổng hợp sau đây của thị trường tài chính:
Thứ nhất, thị trường tài chính là một kênh huy động và phân bổ nguồn vốn một
cách có hiệu quả, hỗ trợ các chính sách phát triển kinh tế của chính phủ, kể cả chính
sách kinh tế đối ngoại.
Vai trò này bắt nguồn trực tiếp từ chức năng dẫn vốn của thị trường tài chính
như đã trình bày trên đây. Điều còn lại đáng nhấn mạnh ở đây là những tác động cụ
thể của nó. Trước tiên, thị trường tài chính là nơi thu hút, tập trung mọi nguồn vốn,
thậm chí từ các khoản tiết kiệm nhỏ lẻ nhất. Bên cạnh các nguồn vốn trong nước, thị
trường tài chính còn tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn hết sức to lớn từ nước ngoài

232
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

qua ngã các chứng khoán. Từ các nguồn vốn tập trung được, bên cạnh kênh tài chính
gián tiếp, thị trường tài chính là một kênh linh hoạt hơn để các nguồn vốn tìm đến với
các nhu cầu đầu tư to lớn của các doanh nghiệp, của chính phủ và các nhu cầu tiêu
dùng hết sức phong phú, đa dạng của dân cư một cách có lợi nhất. Tính linh hoạt của
thị trường tài chính thể hiện qua khả năng thanh khoản cao của các chứng khoán, tức
là khả năng chuyển đổi sang tiền của các chứng khoán qua việc chuyển nhượng, mua
bán chứng khoán trên thị trường tài chính. Toàn bộ quá trình phân bổ vốn đó sẽ tạo
nên những xung lực to lớn, mạnh mẽ cho quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế
theo đường lối, chính sách của nhà nước.
Thứ hai, thị trường tài chính góp phần nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng
đồng vốn trong toàn bộ nền kinh tế.
Thị trường tài chính với yếu tố lãi suất - một trong những yếu tố mấu chốt, nền
tảng của nó chính là chìa khóa cho việc nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng đồng
vốn trong toàn bộ nền kinh tế. Với cơ chế thị trường như vậy, các tổ chức, cá nhân
trong xã hội sẽ có nhiều cơ hội, nhiều phương án, nhiều công cụ lựa chọn, đầu tư
đồng vốn nhàn rỗi của mình sao cho có hiệu quả nhất. Đến lượt mình, người sử dụng
vốn với áp lực của chi phí vốn phải chịu trên thị trường sẽ tăng cường hiệu suất và
hiệu quả sử dụng đồng vốn. Với ý nghĩa đó, rõ ràng vai trò này đã phát huy được tác
dụng của mình cả trên bình diện vĩ mô nền kinh tế lẫn trong bình diện hoạt động quản
trị vi mô từng doanh nghiệp, từng cấp ngân sách.
Thứ ba, thị trường tài chính là một trong những công cụ hỗ trợ việc đánh giá
các doanh nghiệp và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc đánh giá các doanh nghiệp thường là rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ
từ phía thị trường tài chính. Thị trường tài chính với cơ chế hoạt động của mình cùng
với sự hỗ trợ của những phương tiện kỹ thuật và thông tin đầy đủ, hiện đại sẽ là nơi
giúp cho các nhà đầu tư đánh giá, kiểm định và lựa chọn doanh nghiệp mà mình sẽ
đầu tư vào. Đặc biệt qua khả năng lựa chọn rộng rãi đó, thị trường tài chính cũng
đồng thời giúp cho các nhà đầu tư phân tán được rủi ro. Hơn nữa, thị trường tài
chính với các chỉ số chứng khoán của mình sẽ phản ánh tình hình, các xu thế của nền
kinh tế, qua đó có những thông tin vừa giúp cho việc đánh giá các doanh nghiệp, vừa
giúp cho các hoạt động điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô của nhà nước thông qua các
chính sách tương tác với thị trường như chính sách thị trường mở, thị trường trái
phiếu, chính sách lãi suất,...

233
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

9.3. CÁC TÁC NHÂN TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH


Như đã trình bày trong phần chức năng, tham gia thị trường tài chính gồm hai
nhóm nói chung là những người cho vay (người tiết kiệm) và những người đi vay
(người sử dụng) - gọi chung là các tác nhân trên thị trường tài chính. Các tác nhân
ban đầu trong mỗi nhóm này thường chỉ là những người trực tiếp liên quan thừa,
thiếu vốn như đã phân tích. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của thị trường tất
yếu dẫn đến sự xuất hiện các tác nhân khác tham gia giao dịch các chứng khoán
trong tư thế xem các chứng khoán này như là một hàng hóa đích thực mà không quan
tâm hoặc ít khi quan tâm khía cạnh công cụ chuyển dịch vốn của nó (điều này thể hiện
rõ trên thị trường thứ cấp sẽ được giải thích bên dưới). Tính tất yếu này chủ yếu bắt
nguồn từ bản chất chứng khoán là một chứng từ có giá, nghĩa là một loại hàng hóa có
giá trị và khả năng sinh lợi do giao dịch chứng khoán mang lại. Một khi trong thị
trường xuất hiện đầy đủ thêm các tác nhân khác, các chi phí thông tin, chi phí giao
dịch được tiết kiệm hơn, đồng thời thị trường cũng được kích thích phát triển một
cách năng động và ổn định hơn. Đến đây, các tác nhân đầy đủ trên thị trường có thể
bao gồm các đại diện sau đây:
- Người cho vay (lender), hay nhà đầu tư (investor) nói chung bao gồm:
+ Các hộ gia đình: nguồn vốn từ các gia đình tiết kiệm, tích luỹ lại được đầu tư
vào thị trường tài chính thông qua việc mua các chứng từ có giá (chứng khoán: trái
phiếu, cổ phiếu,...) hoặc gửi vào ngân hàng,...
+ Các doanh nghiệp: nguồn vốn mà các doanh nghiệp cung ứng cho thị trường
chính là lượng vốn tạm thời nhàn rỗi qua các thời kỳ của họ. Họ cũng tham gia mua
các chứng khoán hoặc gửi ngân hàng tương tự như các hộ gia đình.
+ Chính phủ: chính phủ tham gia vào thị trường thường dưới dạng mua các
trái phiếu hoặc gửi ngân hàng bằng nguồn vốn nhàn rỗi của ngân sách nhà nước.
- Người đi vay (borrower):
+ Các doanh nghiệp: doanh nghiệp là một chủ thể thường xuyên cần vốn cho
hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và không phải lúc nào các ngân hàng cũng đáp
ứng yêu cầu của họ, nhất là trước các nhu cầu vốn đầu tư lớn vào tài sản, công nghệ
mang tính chất lâu dài. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp có thể huy động vốn bằng
cách phát hành các loại khác nhau trên thị trường tài chính.
+ Chính phủ: khi ngân sách nhà nước thiếu hụt cho các nhu cầu chi tiêu
thường xuyên hoặc nhu cầu chi đầu tư phát triển, chính phủ có thể vay vốn bằng cách
phát hành các loại trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau.

234
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

+ Các hộ gia đình: các gia đình có thể tìm kiếm các nguồn tài trợ từ thị trường
tài chính cho các nhu cầu chi tiêu sinh hoạt hoặc sản xuất kinh doanh của mình.
- Người kinh doanh (dealer): những người tham gia kinh doanh, mua bán các
công cụ tài chính trên thị trường nhằm mục tiêu lợi nhuận.
- Người môi giới (brocker): những người hành nghề trung gian mua bán, giao
dịch các chứng khoán cho khách hàng để lấy hoa hồng.
- Người tổ chức và điều hòa thị trường: gồm các cơ quan, tổ chức hoạt động
theo chính sách của nhà nước nhằm tổ chức, duy trì hoạt động ổn định và phát triển
thị trường tài chính như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Trung ương,...
Cũng cần lưu ý thêm rằng đối với các doanh nghiệp với tư cách là các tác nhân
trên thị trường tài chính, bên cạnh các doanh nghiệp phi tài chính bao gồm cả các
doanh nghiệp tài chính, hay còn gọi là các định chế tài chính như các ngân hàng
thương mại, ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng
khoán, quỹ đầu tư...

9.4. CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH


Việc nghiên cứu cấu trúc thị trường tài chính sẽ giúp chúng ta hiểu rõ, đầy đủ
hơn các đặc trưng đa dạng của thị trường này.
Cấu trúc của thị trường tài chính có thể được xem xét trên nhiều phương diện
khác nhau:
9.4.1. Xét theo bản chất của các công cụ tài chính được giao dịch, thị trường tài
chính bao gồm thị trường nợ (thị trường trái phiếu) và thị trường vốn cổ phần (thị
trường cổ phiếu).
Trái phiếu thực chất là một giấy vay nợ của người phát hành ra nó, do đó, bao
giờ cũng có mệnh giá, lãi suất và kỳ hạn xác định. Người mua trái phiếu chính là
người cho tổ chức phát hành vay nợ, có những quyền lợi của một chủ nợ thực thụ, đó
là được trả lãi cố định vào các định kỳ và hoàn trả nợ gốc vào cuối kỳ.
Cổ phiếu là giấy chứng nhận sự góp vốn vào công ty, xác nhận quyền làm chủ
hay hội viên của người mua cổ phiếu (gọi là cổ đông) đối với công ty cổ phần. Cổ
đông được quyền tham gia vào công tác quản lý công ty và có những lợi ích gắn bó
cùng công ty như được phân chia cổ tức, cùng chịu lỗ,...
Nếu như trái phiếu là một công cụ huy động vốn có kỳ hạn nhất định thì cổ
phiếu là một công cụ huy động vốn có thời gian đáo hạn trên nguyên tắc là vĩnh viễn.

235
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

9.4.2. Xét theo kỳ hạn thanh toán của công cụ tài chính được giao dịch, thị
trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ (Money market) và thị trường vốn (Capital
market).
Thị trường tiền tệ là nơi chỉ mua bán các công cụ nợ ngắn hạn (thường kỳ hạn
thanh toán không quá 1 năm).
Thị trường vốn (còn được gọi: thị trường chứng khoán) là một thị trường tài
chính trong đó mua bán các công cụ nợ dài hạn (các loại trái phiếu - Bonds, kỳ hạn
thanh toán lớn hơn 1 năm) và các cổ phiếu (Stocks).
So với các chứng khoán của thị trường vốn thì các chứng khoán của thị trường
tiền tệ ít rủi ro hơn, do đó giá cả của chúng ít biến động hơn và được mua bán rộng
rãi hơn, tính thanh khoản cũng cao hơn.
9.4.3. Xét theo quá trình phát hành và lưu thông các công cụ tài chính, thị
trường tài chính bao gồm thị trường sơ cấp (còn gọi thị trường cấp I) và thị trường
thứ cấp (thị trường cấp II).
Thị trường cấp I là nơi các chứng khoán lần đầu tiên được mua bán, tức lần
đầu tiên chứng khoán được tổ chức phát hành bán ra cho các tổ chức khác và công
chúng. Do vậy, hoạt động của thị trường cấp I có vai trò thu hút, làm tăng lượng vốn
đầu tư cho nền kinh tế.
Thị trường cấp II là nơi các chứng khoán được mua đi bán lại nhiều lần sau
lần mua bán đầu tiên. Như vậy, thị trường cấp II không có vai trò như thị trường cấp
I, tức không thu hút thêm vốn đầu tư cho nền kinh tế mà chỉ có vai trò tạo điều kiện
chuyển nhượng vốn dễ dàng từ người đầu tư này sang người đầu tư khác, tức làm
tăng tính thanh khoản của chứng khoán. Thị trường thứ cấp thành công là thị trường
bảo đảm được :
- Quá trình mua bán nhộn nhịp với nhiều người tham gia (qui mô của thị
trường);
- Giá cả thị trường phải tương đối ổn định hoặc biến động theo chiều hướng
tăng lên.
Thị trường thứ cấp thành công sẽ khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào
chứng khoán và khi cần tiền, họ sẽ bán ra dễ dàng ở thị trường này với giá cao hơn.
Ngoài ra, việc các chứng khoán được phát hành ở thị trường cấp I được thị trường
chấp nhận hay không là tùy thuộc vào khả năng chuyển nhượng của chúng ở thị
trường cấp II. Do vậy, người ta nói thị trường cấp II còn có vai trò định giá chứng
khoán ở thị trường cấp I.

236
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Với những vai trò nêu trên, thị trường cấp I và thị trường cấp II có mối liên hệ
mật thiết với nhau, thị trường cấp I là cơ sở, là tiền đề và thị trường cấp II là động lực
giúp cả hai thị trường cùng tồn tại và phát triển.
Nếu không có thị trường sơ cấp thì không có thị trường thứ cấp và ngược lại,
sự thành công hay thất bại của thị trường thứ cấp sẽ kéo theo sự thành công hay thất
bại của thị trường sơ cấp.
Ngoài các cách phân tích cấu trúc thị trường tài chính trên đây, người ta còn
có thể xem xét theo các góc độ khác nữa được thể hiện trong quá trình phân tích tiếp
tục các thị trường cụ thể bên dưới.

9.5. CÁC CÔNG CỤ CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH


Các công cụ của thị trường tài chính (hay còn gọi là các chứng khoán như đã
đề cập trong phần I trên đây) là các phương tiện quan trọng để thực hiện việc chuyển
tải, giao lưu các nguồn vốn. Do tầm quan trọng đó, chúng ta cần tìm hiểu cụ thể hơn,
đầy đủ hơn các công cụ này trên từng loại thị trường.
9.5.1. Các công cụ của thị trường tiền tệ
Nhìn chung, các công cụ của thị trường tiền tệ có đặc điểm là giá cả ít biến động,
do đó là loại phương tiện đầu tư ít rủi ro nhất.
Các công cụ của thị trường tiền tệ như chúng ta đã biết đều có kỳ hạn ngắn, điều
đó cũng có nghĩa chúng chỉ là các công cụ nợ, tức có thể gọi chung là các trái phiếu
ngắn hạn. Song đi vào cụ thể, chúng ta khảo sát một số công cụ khác nhau tiêu biểu
như sau:
9.5.1.1. Tín phiếu kho bạc
Đây là một loại công cụ vay nợ ngắn hạn, thường là 3, 6 hoặc 12 tháng của
chính phủ để bù đắp cho những thiếu hụt ngân sách tạm thời. Do người phát hành là
chính phủ nên đây cũng là loại chứng khoán có độ tin cậy cao nhất. Người mua tín
phiếu có thể là công chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức,...nhưng chủ yếu nhất là
các ngân hàng.
9.5.1.2. Chứng chỉ tiền gửi bán lại được
Chứng chỉ tiền gửi đơn giản như tên gọi của nó là một giấy xác nhận do ngân
hàng cấp cho người đã gửi một số tiền nhất định vào ngân hàng. Hiển nhiên người sở
hữu chứng chỉ này được hưởng lãi định kỳ và được hoàn vốn khi đáo hạn. Trước khi

237
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

đáo hạn, người chủ không thể rút tiền ở ngân hàng nhưng có thể đem đổi lấy tiền mặt
trên thị trường tiền tệ. Các ngân hàng thường chủ động phát hành các chứng chỉ tiền
gửi có mệnh giá lớn để đáp ứng nhu cầu vốn của mình (cho vay, đối phó việc rút tiền
mặt,...).
9.5.1.3. Thương phiếu
Thương phiếu, cách gọi ngắn gọn của kỳ phiếu thương mại, cũng là một loại
phiếu nợ bắt nguồn từ việc mua bán trả chậm và thường bao gồm hai loại cơ bản là
lệnh phiếu và hối phiếu.
Lệnh phiếu (Promissory Notes) là một phiếu nhận nợ do người mua hàng trả
chậm ký phát cho người bán hàng trả chậm, trong đó người mua hàng trả chậm cam
kết trả một số tiền nhất định vào một thời gian xác định cho người bán hàng trả chậm
hay cho người được người bán hàng trả chậm chỉ định.
Hối phiếu (Bill of Exchange hoặc Draft) là một phiếu ghi nợ do người bán
hàng trả chậm ký phát cho người mua hàng trả chậm, yêu cầu người này phải trả một
số tiền nhất định khi đến hạn cho người hưởng lợi quy định trong hối phiếu.
Các loại thương phiếu có thể được chiết khấu trước kỳ hạn thanh toán tại các
ngân hàng thương mại để có được nguồn vốn sử dụng cho người chủ sở hữu thương
phiếu.
9.5.1.4. Hối phiếu được ngân hàng chấp nhận (Banker's acceptance)
Hối phiếu như trên ta đã biết là một phiếu vay nợ do các doanh nghiệp phát
hành ra thị trường. Nhưng để thị trường dễ dàng chấp nhận, các hối phiếu này phải
nhờ sự chấp nhận (acceptance) sẵn sàng thanh toán của một ngân hàng cho chủ nợ
(do vậy, hối phiếu này còn được gọi là chứng chỉ bảo lãnh của ngân hàng). Thực chất
của việc chấp nhận này chính là một sự bảo đảm bằng uy tín của ngân hàng, làm cho
hối phiếu hầu như không có rủi ro. Ngân hàng đứng ra chấp nhận hối phiếu chỉ khi có
khoản tiền bảo đảm gửi vào ngân hàng. Do uy tín trong việc được bảo đảm thanh
toán nên hối phiếu này cũng được mua bán rất thuận lợi, dễ dàng trên thị trường tiền
tệ.
9.5.1.5. Hợp đồng mua lại (Repurchase agreements)
Trong trường hợp các doanh nghiệp lớn có số vốn nhàn rỗi đáng kể ở ngân
hàng. Các doanh nghiệp này muốn số vốn đó sinh lợi nên nhờ ngân hàng dùng số tiền
đó mua một số tích sản tài chính ít rủi ro như tín phiếu kho bạc chẳng hạn (điều đó
thực chất là một hành động cho vay của doanh nghiệp). Nhưng để tránh trường hợp

238
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

số tiền đó bị kẹt khi cần đến, họ đồng thời yêu cầu ngân hàng đó cam kết mua lại các
tín phiếu đó khi doanh nghiệp cần tiền mặt. Những cam kết mua lại này (gọi là
Repurchase agreements_RP) trở thành hàng hoá của thị trường tiền tệ. RP là một
phương cách giúp sử dụng số tiền nhàn rỗi trong thời gian ngắn để sinh lợi và mới
xuất hiện trên thị trường tài chính thế giới.
9.5.2. Các công cụ của thị trường vốn
Như trên ta đã biết các công cụ được mua bán trên thị trường vốn (còn được
gọi: thị trường chứng khoán) là các loại chứng khoán, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu
(công cụ nợ kỳ hạn thanh toán lớn hơn 1 năm).
Ngoài hai loại chứng khoán cơ bản đó, còn nhiều loại chứng khoán khác như
các quyền mua, chứng quyền, các quyền chọn, hợp đồng tương lai,...thường được gọi
chung là các chứng khoán phái sinh.
9.5.2.1. Cổ phiếu
Cổ phiếu là loại phiếu chứng nhận sự góp vốn vào một công ty để trở thành
một thành viên của công ty đó (cổ đông), là một phương tiện huy động vốn dài hạn để
tạo dựng hoặc mở rộng công ty. Cổ phiếu có giá trị trong suốt thời gian tồn tại ghi
trong điều lệ của công ty. Tuổi thọ của cổ phiếu được xem như vô hạn. Cổ phiếu nói
chung được phép mua bán, chuyển nhượng trên thị trường chứng khoán. Mỗi cổ phiếu
có một giá trị ấn định ban đầu gọi là mệnh giá. Mệnh giá lớn hay nhỏ là do luật
chứng khoán hoặc điều lệ của doanh nghiệp qui định. Ví dụ: Mệnh giá cổ phiếu ở Mỹ
là 1 USD-12 USD, ở Nhật - 50 JPY, ở Thái Lan - 10 Baht, ở Hồng Kông - 0,10 HKD,
ở Việt Nam - 10.000 VND; Khi phát hành, cổ phiếu có giá phát hành. Giá mua bán cổ
phiếu vào bất kỳ lúc nào đó trên thị trường gọi là thị giá cổ phiếu. Cổ phiếu mang lại
cho cổ đông quyền tham gia quản lý công ty, quyền được chia cổ tức, quyền ưu tiên
mua cổ phiếu mới cũng như nhiều lợi ích có thể có khác như giá trị gia tăng của cổ
phiếu,…
Cổ phiếu thường được phân thành hai loại cơ bản là cổ phiếu phổ thông và cổ
phiếu ưu đãi. Cổ phiếu ưu đãi là cổ phiếu được ưu tiên chia lãi và ưu tiên hoàn vốn
khi công ty cổ phần giải thể so với cổ phiếu thường.
9.5.2.2. Trái phiếu
Như trên đã đề cập, trái phiếu thực chất là một giấy vay nợ của người phát
hành ra nó, do đó bao giờ cũng có mệnh giá, lãi suất và kỳ hạn xác định. Trái phiếu
gồm hai loại cơ bản là trái phiếu công ty và trái phiếu chính phủ. Mỗi một loại trái

239
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

phiếu nói trên lại có thể chia chi tiết thành nhiều loại khác nhau xét theo nhiều tiêu
thức khác nhau.
Trái phiếu công ty do các công ty phát hành trong trường hợp cần huy động
vốn lâu dài nhưng có kỳ hạn, thường là để tài trợ cho các tài sản cố định. Có nhiều
loại trái phiếu công ty khác nhau như trái phiếu kèm phiếu lãi và trái phiếu không
phiếu lãi; trái phiếu trả lãi cố định và trái phiếu thả nổi trái suất; trái phiếu chuyển
đổi,…
Trái phiếu chính phủ có thể do chính phủ, các chính quyền địa phương, các tổ
chức của chính phủ phát hành để huy động các nguồn vốn tài trợ cho sự nghiệp phát
triển kinh tế - xã hội, cho việc xây dựng các công trình công cộng. Trái phiếu chính
phủ được thể hiện qua các hình thức cụ thể như: công trái, trái phiếu công trình, trái
phiếu kho bạc dài hạn, trái phiếu quốc tế,...
Đặc điểm của trái phiếu chính phủ là độ tin cậy về khả năng thanh toán trái
tức và vốn cho trái chủ rất cao. Các nhà đầu tư khi lựa chọn phương án đầu tư vào
trái phiếu thường dồn vốn vào trái phiếu chính phủ hơn là trái phiếu doanh nghiệp,
đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.
9.5.2.3. Các chứng khoán phái sinh
Các chứng khoán phái sinh (Derivatives) là các công cụ có nguồn gốc chứng
khoán, là những công cụ được phát hành trên cơ sở những tài sản tài chính khác như
cổ phiếu, trái phiếu...(gọi là tài sản cơ sở - Underlying Assets), nhằm mục đích phân
tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận. Dưới đây là một số loại chứng khoán
phái sinh cơ bản:
- Chứng quyền (Right Certificate):
Chứng quyền là một chứng thư do công ty phát hành cho các cổ đông trong đó
quy định quyền của cổ đông được mua một số lượng cổ phiếu mới do công ty phát
hành theo một giá quy định trong một thời hạn nhất định.
Cổ đông có thể thực hiện quyền mua nhưng cũng có thể chuyển nhượng, bán
quyền mua (lúc đó thể hiện là chứng khoán phái sinh) cho một người khác để kiếm lời.
- Bảo chứng phiếu (Warrants):
Bảo chứng phiếu là một chứng từ tài chính phát hành kèm theo trái phiếu hay
cổ phiếu ưu đãi, cho phép người nắm giữ nó được quyền mua một số lượng nhất định
các cổ phiếu thường (hoặc một công cụ khác) theo một giá đăng ký xác định trong
một thời gian nhất định.
- Hợp đồng quyền lựa chọn (Option contract):

240
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Hợp đồng quyền lựa chọn là một sự thoả thuận mua bán chứng khoán với một
giá quy định trong thời gian tương lai và hy vọng giá chứng khoán sẽ tăng lên thì thực
hiện quyền mua chứng khoán và/hoặc hy vọng giá sẽ giảm xuống thì thực hiện quyền
bán chứng khoán để kiếm lời.
Người sở hữu hợp đồng có thể thực hiện hợp đồng để mua và bán chứng khoán
thực sự, nhưng cũng có thể không thực hiện hợp đồng mà lựa chọn hoặc là quyền bán
hợp đồng cho người khác (lúc đó thể hiện là chứng khoán phái sinh) hoặc là huỷ hợp
đồng đó.
Hợp đồng quyền lựa chọn có hai loại: Hợp đồng quyền chọn mua (call option
contract) và hợp đồng quyền chọn bán (put option contract).
+ Hợp đồng quyền chọn mua: là hợp đồng trong đó cho phép người mua hợp
đồng được quyền mua một số cổ phiếu nhất định theo một giá quy định trong một thời
hạn quy định của tương lai. Người mua hợp đồng phải trả cho người bán hợp đồng
một khoản phí chọn mua (call premium).
+ Hợp đồng quyền chọn bán: là hợp đồng trong đó cho phép người mua hợp
đồng được quyền bán một số cổ phiếu nhất định theo giá quy định trong một thời hạn
quy định của tương lai và người mua hợp đồng phải trả cho người bán hợp đồng một
khoản phí chọn bán (Put premium).
- Hợp đồng tương lai (Future contracts):
Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận mua bán một khối lượng hàng hóa cụ thể
hay các công cụ tài chính tại một mức giá cụ thể và vào một ngày đã được xác định
trong tương lai.
Một hợp đồng tương lai ràng buộc người mua và người bán phải mua, bán
hàng hóa hoặc chứng khoán theo qui định của hợp đồng, trừ khi hợp đồng được bán
cho một bên khác vào trước ngày thanh toán. Lúc hợp đồng được bán trước ngày
thanh toán, nó có tư cách như là một loại chứng khoán (lúc đó thể hiện là chứng khoán
phái sinh).
Hợp đồng được bán trước ngày thanh toán là do hoặc nhà giao dịch muốn thu
nhanh lợi nhuận, hoặc muốn giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, còn có các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi,…

9.6. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN


9.6.1. Cấu trúc thị trường chứng khoán

241
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Ngoài các cách phân tích cấu trúc như phân tích cấu trúc thị trường tài chính
nói chung trên đây, cấu trúc thị trường chứng khoán còn có thể được xem xét bổ sung
trên một số phương diện sau đây:
9.6.1.1. Xét theo các loại hàng hoá được mua bán trên thị trường, thị trường
chứng khoán bao gồm nhiều loại thị trường khác nhau như thị trường cổ phiếu, thị
trường trái phiếu, thị trường các chứng khoán phái sinh ...
Thị trường cổ phiếu thường nhận được sự quan tâm của nhiều người đầu tư.
Giá cả của thị trường này thường xuyên biến động mạnh và tác động mạnh đến thị
trường các thị trường khác như thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái
sinh.
Thị trường trái phiếu: Thị trường trái phiếu là thị trường đầu tư khá an toàn.
Nhất là các loại trái phiếu Chính phủ và trái phiếu tài chính. Chính vì vậy, nhiều
người đầu tư tham gia vào thị trường này để đa dạng hoá rủi ro. Thị trường này cũng
là thị trường nhận được sự quan tâm khá nhiều của các tổ chức tài chính trung gian.
Thị trường chứng khoán phái sinh: thị trường quyền mua (Right Certificate và
Warrant), thị trường quyền chọn (Option), thị trường hợp đồng kỳ hạn (Forward và
Future) và thị trường hoán đổi (SWAP). Sự tham gia của người đầu tư trên thị trường
này chủ yếu nhằm phòng ngừa rủi ro cho hoạt động kinh doanh và đầu tư trên thị
trường cổ phiếu. Hay nói cách khác, đối tượng giao dịch của thị trường này chủ yếu
dựa trên hàng hoá cơ sở là cổ phiếu.
9.6.1.2. Xét theo mức độ tập trung (hay mức pháp định), thị trường chứng
khoán có 3 loại:
- Thị trường chứng khoán tập trung (hay thị trường chính thức có tổ chức):
việc giao dịch, mua bán chứng khoán được tổ chức tập trung tại một nơi, ở nhiều
nước trên thế giới thường đó là tại sàn giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán (Sở
GDCK_Stock Exchange). Sở GDCK là các thị trường chính thức, tiêu biểu ở các quốc
gia, chẳng hạn, ở Mỹ có Sở GDCK New york (NYSE), American SE, Boston SE,...ở
Nhật có Tokyo SE, ở Anh_London SE (LSE), ở Pháp_Paris SE, ở Đức_Frankfurt
SE,... Sở GDCK là nơi giao dịch các loại chứng khoán đã được đăng ký (listed or
registered securities).
- Thị trường chứng khoán bán tập trung (hay OTC_Over the Counter): việc
giao dịch chứng khoán được thực hiện thông qua hệ thống computer nối mạng giữa
các thành viên của thị trường. Các chứng khoán được mua bán trên thị trường OTC

242
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

cũng được niêm yết công khai cho công chúng biết. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để được
niêm yết trên thị trường này không quá nghiêm ngặt như trên Sở GDCK, do vậy,
chứng khoán được niêm yết trên thị trường này thường nhiều hơn và mức độ tín nhiệm
đối với chúng cũng thấp hơn các chứng khoán được niêm yết tại Sở GDCK.
Thông thường tại thị trường chứng khoán bán tập trung, các công ty chứng
khoán thường chuyên doanh một vài loại chứng khoán nhất định. Khi giao dịch họ tự
ra giá mua bán họ có thể chấp nhận được và chính họ cũng là người thực hiện các
lệnh đó.
- Thị trường chứng khoán phi tập trung (còn gọi là thị trướng thứ ba) là hoạt
động giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện tự do, phân tán, không qua Sở
giao dịch chứng khoán và cũng không qua thị trường OTC. Tất cả các loại chứng
khoán được phép phát hành, cả những chứng khoán của Sở GDCK hay của thị trường
OTC cũng đều có thể giao dịch trên thị trường phi tập trung.
9.6.1.3. Xét theo phương thức giao dịch:
- Thị trường giao ngay: việc thanh toán và giao hoán diễn ra trên nguyên tắc
ngay sau ngày giao dịch.
- Thị trường tương lai (thị trường có kỳ hạn): chứng khoán được mua bán
theo những hợp đồng mà trong đó giá cả được xác định ngay khi giao dịch nhưng việc
thanh toán và giao hoán sẽ diễn ra trong một kỳ hạn nhất định ở tương lai.
9.6.2. Sở GDCK_tổ chức và hoạt động
Khi một quốc gia bàn đến việc thiết lập thị trường chứng khoán, trước tiên ta
hiểu đó là việc thiết lập thị trường chứng khoán tập trung, có tổ chức, tức Sở GDCK.
Như trên đã nói, đây là loại thị trường chứng khoán tiêu biểu nhất ở các nước, do vậy
để có sự hiểu biết khá đầy đủ về thị trường chứng khoán chúng ta sẽ tiếp tục nghiên
cứu một số vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động của Sở GDCK.
9.6.2.1. Các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Sở GDCK
Có nhiều nguyên tắc chi phối việc tổ chức và hoạt động của Sở GDCK, dưới
đây là một số nguyên tắc căn bản nhất.
- Nguyên tắc trung gian: những người muốn mua, bán chứng khoán không
thể giao dịch trực tiếp với nhau mà đều phải qua các nhà môi giới trung gian_các
công ty chứng khoán hay các nhân viên môi giới tự do. Nguyên tắc này nhằm bảo vệ
lợi ích cho các nhà đầu tư chứng khoán (vì không phải ai cũng có thể có đủ các kiến

243
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

thức cần thiết về giá trị của các loại chứng khoán), đồng thời bảo đảm tính hiệu quả,
ổn định, lành mạnh và hợp pháp của hoạt động thị trường chứng khoán.
- Nguyên tắc công khai: mọi hoạt động trên thị trường đều tiến hành công
khai cho mọi thành viên của thị trường và công chúng biết, không một chi tiết nào
được giữ bí mật. Chẳng hạn, công khai mọi thông tin liên quan đến các đợt giao dịch
trên thị trường, số lượng, giá cả từng loại chứng khoán đã được mua bán, công khai
về các thông tin tài chính, kết quả kinh doanh của các công ty cổ phần niêm yết trên
thị trường,…
Mục đích của nguyên tắc này nhằm giúp cho mọi người tham gia vào thị
trường đều có một sự bình đẳng về thông tin, tạo cơ sở mua bán hiệu quả, đồng thời
bảo đảm cho thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh, chống được các hoạt động nội
gián, tiêu cực.
- Nguyên tắc đấu giá:
Nguyên tắc này xuất phát từ thị trường chứng khoán là thị trường cạnh tranh
hoàn hảo, giá cả của chứng khoán do qui luật cung cầu xác định và nó được hình
thành trên nguyên tắc đấu giá.
Nguyên tắc đấu giá cho phép những người mua bán với giá tốt nhất (mua giá
cao nhất, bán giá thấp nhất) được ưu tiên mua bán trước, làm cho hoạt động mua bán
của thị trường chứng khoán có tính công bằng, trật tự, hiệu quả và tự do nhất. Thực tế
sau khi ưu tiên về giá cả, người ta lần lượt xét đến các ưu tiên tiếp theo như thời gian
đặt lệnh, khối lượng chứng khoán mua bán.
9.6.2.2. Tổ chức Sở GDCK
a. Hình thức tổ chức và quản lý của Sở GDCK:
Với ý nghĩa là thị trường chính thức, tiêu biểu, Sở GDCK được tổ chức rất chặt
chẽ, cụ thể như: có địa điểm và thời gian làm việc cụ thể, có tiêu chuẩn qui định cho
các chứng khoán được niêm yết giao dịch, thành viên tham gia giao dịch phải được
xem xét và cấp phép, giao dịch, mua bán phải tuân thủ các qui tắc.
Sở GDCK có thể có nhiều hình thức tổ chức khác nhau.
- Hình thức thứ nhất, tổ chức dưới dạng như một câu lạc bộ. Tức là các công
ty môi giới chứng khoán tự tổ chức và quản lý theo luật pháp, không có sự can thiệp
của Nhà nước. Đây là hình thức tổ chức có tính tự phát và phổ biến ở thời kỳ đầu mới
xuất hiện thị trường chứng khoán tập trung.

244
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Hình thức thứ hai, tổ chức dưới dạng như một công ty cổ phần, cổ đông là
các công ty chứng khoán thành viên. Sở GDCK hoạt động theo luật công ty cổ phần
chịu nghĩa vụ nộp thuế nhà nước và chịu sự giám sát của một cơ quan quản lý Nhà
nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (thường được gọi là Ủy ban chứng
khoán quốc gia). Các thành viên bầu ra một HĐQT và HĐQT bầu ra một Ban điều
hành của SGDCK. HĐQT có quyền ban hành các qui chế tổ chức, hoạt động, kết nạp
hoặc khai trừ các thành viên theo cơ sở luật Chứng khoán.
Đây là hình thức tổ chức phổ biến nhất hiện nay. Theo hình thức tổ chức này,
Sở GDCK cũng là một tổ chức kinh doanh. Nguồn thu của Sở GDCK là các loại phí:
phí thành viên thu hàng năm; phí mua “chỗ ngồi” tại sàn giao dịch; phí giao dịch,
thu theo giá trị chứng khoán mua bán được ở cả người mua và người bán; phí thuê
mướn trang thiết bị. Chi của Sở GDCK có chi cho bộ máy quản lý và điều hành, chi
trang thiết bị kỹ thuật và nộp thuế.
- Hình thức thứ ba, tổ chức dưới dạng như một công ty cổ phần nhưng có sự
tham gia quản trị và điều hành của nhà nước. Tức là trong thành phần Hội đồng quản
trị có một số thành viên do Ủy ban chứng khoán quốc gia đưa vào. Giám đốc điều
hành do Ủy ban chứng khoán quốc gia bổ nhiệm. Phần lớn các nước Châu Á tổ chức
theo hình thức này, chẳng hạn như Sở GDCK của Hàn Quốc, SGDCK Tokyo…
b. Thành viên của Sở GDCK:
Thành viên của Sở GDCK là các công ty môi giới (công ty chứng khoán).
Muốn là thành viên của Sở GDCK, công ty chứng khoán phải đạt được những tiêu
chuẩn theo quy chế của Sở GDCK. Trước hết, phải là một công ty đã có giấy phép
hoạt động do một cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp, phải có một số vốn tối
thiểu, phải có một đội ngũ chuyên gia được đào tạo về phân tích và kinh doanh chứng
khoán, phải đóng góp một khoản lệ phí.
Một công ty chứng khoán có thể là thành viên của hai hay nhiều Sở GDCK.
Nhưng khi đã là thành viên của một Sở GDCK (thị trường chứng khoán tập trung) thì
không được là thành viên của thị trường bán tập trung (thị trường OTC ) và ngược
lại.
Một công ty chứng khoán có thể hoạt động theo một, một số, hoặc tất cả các
loại nghiệp vụ:
- Môi giới trung gian mua bán chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa
hồng;

245
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Mua bán chứng khoán bằng nguồn vốn của mình cho bản thân mình (tự
doanh) để hưởng lời từ chênh lệch giá mua bán và lợi tức được chia từ tổ chức phát
hành chứng khoán;
- Dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán. Tức là thực hiện việc phân tích đánh giá
và định giá chứng khoán, tư vấn cho người đầu tư thực hiện mua bán chứng khoán;
- Làm trung gian phát hành hoặc bảo lãnh (bảo đảm) phát hành chứng
khoán;
- Quản lý danh mục đầu tư: ngoài việc mua, bán chứng khoán giúp cho khách
hàng, công ty chứng khoán còn tự quyết định những yếu tố liên quan đến giao dịch
chứng khoán và thực hiện một số quyền và lợi ích của chủ sở hữu chứng khoán giúp
cho khách hàng như: nhận cổ tức, nhận lãi trái phiếu…
Với vai trò là người trung gian phát hành, công ty chứng khoán không chịu
trách nhiệm về kết quả phát hành, nghĩa là phát hành được nhiều chứng khoán thì
công ty được hưởng hoa hồng nhiều, phát hành được ít thì được hưởng hoa hồng ít.
Với vai trò là người bảo lãnh phát hành, công ty chứng khoán có trách nhiệm
nặng nề hơn, tùy theo tính chất bảo lãnh. Có ba hình thức bảo lãnh cơ bản:
- Bảo lãnh chắc chắn: là hình thức bảo lãnh mà công ty bảo lãnh phát hành
nhận mua toàn bộ số chứng khoán của đợt phát hành của công ty phát hành, sau đó
công ty sẽ bán dần ra cho công chúng. Giá mua của công ty bảo lãnh là một giá đã
được ấn định, thường là thấp hơn mệnh giá. Giá bán của công ty bảo lãnh là giá thị
trường. Đây là hình thức công ty bảo lãnh phát hành hoạt động kinh doanh, hoạt
động cho chính họ và sẵn sàng chịu mọi rủi ro.
- Bảo lãnh cố gắng tối đa: là hình thức bảo lãnh mà công ty bảo lãnh phát
hành hứa sẽ cố gắng đến mức tối đa để bán hết số chứng khoán cần phát hành cho
công ty phát hành. Trường hợp không bán hết, số chứng khoán còn lại được trả về
cho công ty phát hành. Người bảo lãnh được hưởng hoa hồng trên số chứng khoán đã
được bán ra.
- Bảo lãnh bảo đảm tất cả hoặc không: là hình thức bảo đảm phát hành hết
hoặc nếu không phát hành hết thì sẽ hủy bỏ tất cả. Đây là trường hợp công ty phát
hành chứng khoán cần một số vốn nhất định để giải quyết một mục tiêu nhất định.
Nếu huy động được đủ số vốn cần thiết đó thì sẽ thực hiện phát hành; nếu không huy
động đủ thì sẽ hủy bỏ. Đây cũng là loại bảo lãnh đòi hỏi sự cố gắng tối đa của công ty
bảo lãnh phát hành chứng khoán.

246
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Hoặc có thể, để cho việc chào bán có hiệu quả, nhẹ nhàng hơn trong trách
nhiệm của người bảo lãnh, công ty phát hành yêu cầu phát hành được một số lượng
chứng khoán tối thiểu nào đó trong tổng số chứng khoán cần phát hành, nếu đạt được
số tối thiểu này thì số còn lại sẽ phát hành tiếp, nếu không đạt được số tối thiểu đó thì
sẽ hủy bỏ toàn bộ.
Tùy theo nội dung hoạt động, luật pháp quy định số vốn tối thiểu phải có cho
từng loại công ty chứng khoán. Nếu chỉ làm môi giới trung gian để hưởng hoa hồng
và tư vấn đầu tư thì số vốn tối thiểu phải có thấp hơn những công ty thực hiện kinh
doanh cho chính mình.
c. Công ty niêm yết chứng khoán:
Công ty niêm yết là công ty cổ phần có chứng khoán được niêm yết, giao dịch
tại Sở GDCK.
Muốn được niêm yết công ty có chứng khoán thường phải đáp ứng các điều
kiện về tư cách pháp nhân, phải đảm bảo chứng khoán phát hành ra không bị giả
mạo, phải có một số lượng cổ đông nhất định và số cổ phần nằm trong tay công
chúng cũng phải đạt được một mức độ nhất định (tính đại chúng), phải đạt được lợi
nhuận ở mức độ nhất định trong một số năm liên tiếp.
Khi đã được chấp thuận, công ty niêm yết có nhiệm vụ định kỳ (quý, năm) phải
công bố các báo cáo tài chính có xác nhận của công ty kiểm toán độc lập, không được
phát hành thêm bất kỳ đợt chứng khoán nào mà không có sự chấp nhận của cơ quan
có thẩm quyền, phải có một đại lý làm công tác lưu giữ các hồ sơ về tất cả các cổ
đông (họ tên, địa chỉ, số cổ phần sở hữu).
d. Nhân sự hoạt động tại Sở GDCK:
- Các chuyên gia chứng khoán: là người của Sở GDCK, chuyên phụ trách
việc quản lý và phục vụ cho việc đấu giá và thương lượng của một số loại chứng
khoán nhất định.
- Người môi giới tại sàn: là những người đại diện cho các công ty chứng
khoán thành viên hoạt động tại sàn giao dịch. Nhiệm vụ của họ là thực hiện việc giao
dịch đấu giá và thương lượng để thực hiện các lệnh do văn phòng công ty chuyển đến.
- Các thư ký: là những người có nhiệm vụ tiếp nhận, truyền thông tin tại Sở
GDCK, giúp cho các nhà môi giới trong việc mua bán và hoàn tất các nhiệm vụ có
tính thủ tục, sự vụ.
9.6.2.3. Hoạt động mua bán tại Sở GDCK

247
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Hoạt động mua bán của Sở GDCK nói chung được tập trung ở sàn giao dịch.
Sàn giao dịch là nơi các nhà môi giới chứng khoán thương lượng và đấu giá mua bán
chứng khoán.
Việc thương lượng và đấu giá mua bán chứng khoán được các nhà môi giới
chứng khoán thực hiện trên cơ sở các lệnh đặt hàng của khách hàng.
Trên thị trường chứng khoán có nhiều loại lệnh khác nhau. Các loại lệnh cơ
bản bao gồm:
- Lệnh thị trường là lệnh yêu cầu người môi giới sẽ tiến hành giao dịch ngay
với giá là giá thị trường lúc đó.
- Lệnh giới hạn là loại lệnh mà trong đó có khống chế phạm vi giá cả cho
người môi giới và người môi giới không được mua bán vượt mức giá đó. Như vậy,
lệnh mua khống chế giá tối đa, lệnh bán khống chế giá tối thiểu. Lệnh này thường
được sử dụng bởi những khách hàng có sự hiểu biết nhất định về kinh tế, chứng khoán
và thị trường. Sự giới hạn là hình thức tự bảo vệ mình.
- Lệnh dừng được sử dụng nhằm hạn chế sự thua lỗ nếu giá cả đi ngược với
sự phán đoán. Có hai loại lệnh dừng: lệnh dừng - bán và dừng - mua. Cả hai đều
mang tính chất lệnh thị trường “treo”. Nó chỉ có hiệu lực khi giá chứng khoán đạt tới
hay vượt quá một mức giá nào đó. Khi đó lệnh này bắt buộc người môi giới phải thực
hiện như một lệnh thị trường với một giá tốt nhất. Lệnh dừng - bán luôn đặt giá thấp
hơn giá thị trường hiện tại để bảo vệ người kinh doanh nếu giá giảm. Lệnh này sẽ trở
thành một lệnh thị trường khi giá chứng khoán được bán theo giá dừng hay dưới mức
giá đó. Lệnh dừng - mua luôn đặt giá cao hơn giá thị trường hiện tại. Lệnh này sẽ trở
thành một lệnh thị trường khi giá chứng khoán được mua theo giá dừng hay trên mức
giá đó.
Trên cơ sở các lệnh đăng ký đó, các chuyên gia chứng khoán tại các quầy giao
dịch điều hành việc đấu giá mua bán. Việc tổ chức đấu giá có thể được tiến hành theo
cách đấu giá theo từng đăng ký lệnh hoặc cách đấu giá theo các tập hợp đăng ký lệnh.
Nếu đấu giá theo cách từng đăng ký lệnh thì giá mở cửa (giá giao dịch đầu tiên
được thực hiện kể từ khi mở cửa) được công bố khi có hai phiếu lệnh đã được so
khớp. Với cách tổ chức đấu giá này, trên nguyên tắc các lệnh mua bán được so khớp
liên tục.
Nếu đấu giá theo cách tập hợp các đăng ký lệnh thì giá mở cửa được công bố
sau một thời gian xác định (chẳng hạn sau 30 phút mở cửa sẽ công bố giá mở cửa),
nghĩa là phải có một thời gian để tập hợp các đăng ký lệnh. Với cách đấu giá theo các

248
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

tập hợp đăng ký lệnh (hay còn gọi là khớp lệnh định kỳ), giá chốt được xác định trên
cơ sở số lượng chứng khoán mua bán được nhiều nhất trong lần giao dịch đó.
Giá đóng cửa là giá của giao dịch cuối cùng.
9.6.3. Một số đặc trưng của các thị trường chứng khoán khác
Như trong phân tích cấu trúc, bên cạnh Sở GDCK_một thị trường chính, điển
hình nhất ở các quốc gia và được tổ chức hoàn chỉnh nhất như đã đề cập trên đây,
trong thị trường chứng khoán còn có thị trường OTC và thị trường chứng khoán phi
tập trung. So với Sở GDCK, ngoài những nội dung tương đồng, ở các loại thị trường
này còn có một số nét đặc thù trong tổ chức và hoạt động cần được đề cập đến.
9.6.3.1. Thị trường OTC
- Đây không phải là thị trường hiện hữu tại một “nơi”, một không gian vật lý
cụ thể mà là một hệ thống giao dịch qua mạng máy tính giữa các thành viên_các công
ty chứng khoán và các ngân hàng;
- Các thành viên của thị trường OTC không phải là thành viên của bất kỳ Sở
GDCK nào;
- Quản trị thị trường OTC là Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán quốc
gia. Hiệp hội sẽ ban hành qui chế thị trường, kết nạp và khai trừ các thành viên, giám
sát việc thi hành qui chế;
- Hàng hóa trên thị trường OTC là các chứng khoán chưa được niêm yết giao
dịch tại bất kỳ Sở GDCK nào;
- Các thành viên của thị trường OTC đều có “account” để có thể truy cập vào
hệ thống giao dịch và có thể chủ động yết giá chào hàng. Do vậy, tuy không tập trung
một nơi như Sở GDCK nhưng thị trường OTC có khả năng tập hợp một số lượng đông
đảo thành viên cả nước nhờ vào tính hiện đại hóa phương thức giao dịch của mình và
người ta còn gọi nó là “thị trường chứng khoán bậc cao”.
9.6.3.2. Thị trường phi tập trung
- Đây là thị trường mua bán chứng khoán của bất kỳ chủ thể kinh tế nào (trực
tiếp giữa các chủ thể hoặc thông qua môi giới), diễn ra bất kỳ lúc nào và ở khắp mọi
nơi và thường là theo phương thức trao ngay. Cũng chính vì các đặc điểm rất “mở”
đó nên người ta còn coi đây là một thị trường vô hình;
- Xét về quá trình, với bản chất đó có thể nói thị trường phi tập trung là thị
trường chứng khoán đầu tiên trong nền kinh tế, được hình thành một cách tự phát và
là cơ sở để hình thành và phát triển các thị trường chứng khoán chính thức, có tổ

249
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

chức. Hơn nữa, ngay cả khi nền kinh tế đã phát triển, các thị trường chính thức đã
hoạt động mạnh thì thị trường phi tập trung vẫn cứ tiếp tục tồn tại và hoạt động trong
mọi ngóc ngách xã hội. Nó không chỉ góp phần duy trì tính sôi động của thị trường
chứng khoán mà còn góp phần bổ sung các khiếm khuyết của thị trường chính thức về
sự cân bằng lượng chứng khoán và ổn định giá cả.

9.7. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM


9.7.1. Sự hình thành và phát triển
Trước nhu cầu đổi mới và phát triển nền kinh tế, thực hiện đường lối công
nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh
tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn cho
đầu tư phát triển, ngày 10/07/1998 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định
48/1998/NĐ-CP về Chứng khoán và Thị trường chứng khoán cùng với Quyết định
thành lập hai Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) tại Hà Nội và TP. Hồ
Chí Minh. Ngày 20/07/2000, TTGDCK Tp.HCM đã chính thức khai trương đi vào vận
hành, và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000 với 02 loại cổ phiếu
niêm yết. Qua 7 năm với sự tăng trưởng của thị trường và hội nhập với TTCK thế
giới, Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã chính thức được Chính phủ ký
Quyết định số:599/QĐ-TTg ngày 11/05/2007 chuyển đổi thành Sở Giao dịch Chứng
khoán Tp.HCM. Ngày 08/08/2007, SGDCK TP.HCM đã chính thức được khai trương.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh là pháp nhân thuộc sở hữu Nhà nước,
được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động
theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, điều lệ của Sở Giao dịch chứng khoán
và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cho đến nay, SGDCK TP.HCM đã đạt những thành quả rất đáng khích lệ.
Tính đến ngày 31/10/2007, toàn thị trường đã có 481 loại chứng khoán được niêm yết,
trong đó có 121 cổ phiếu với tổng giá trị vốn hóa đạt 313 ngàn tỷ đồng, đặc biệt có 6
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia niêm yết 02 chứng chỉ quỹ đầu tư
với khối lượng 150 triệu đơn vị và 358 trái phiếu các loại. Dự kiến thời gian tới, số
lượng cổ phiếu niêm yết tại SGDCK TP.HCM sẽ tăng lên rất nhiều do Chính phủ đã
có chủ trương đưa cổ phiếu của một số tổng công ty lớn, các ngân hàng thương mại
quốc doanh cổ phần hoá vào niêm yết trên thị trường. Trước sự tăng trưởng của
TTCK, số lượng công ty chứng khoán thành viên của SGDCK TP.HCM cũng không

250
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

ngừng tăng về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ. Tính đến hết ngày 31/10/2007,
toàn thị trường đã có 59 công ty chứng khoán đăng ký làm thành viên của Sở với tổng
số vốn đăng ký là 8.602 tỷ đồng. Các thành viên hầu hết được cấp giấy phép hoạt
động kinh doanh với các nghiệp vụ gồm môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư
vấn đầu tư.
Sự gia tăng nhanh chóng lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường đã thu hút
được thêm nhiều nhà đầu tư, trong cũng như ngoài nước, cá nhân cũng như có tổ
chức. Đến cuối năm 2006, số lượng tài khoản của nhà đầu tư mở tại các công ty
chứng khoán thành viên lên tới trên 106 ngàn tài khoản, thì cho đến hết quý 3/2007 số
lượng tài khoản của nhà đầu tư mở tại các CTCK đã lên tới trên 273 ngàn tài khoản
trong đó có trên 7 ngàn tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Đối với hoạt động giao
dịch, SGDCK TP.HCM đã thực hiện giao dịch khớp lệnh liên tục từ ngày 30/07/2007
và từng bước triển khai giao dịch nhập lệnh từ xa để đáp ứng với tình hình thị trường
đang phát triển. Tính đến ngày 15/10/2007, SGDCK TP.HCM đã thực hiện được 1657
phiên giao dịch với khối lượng 3.789 triệu chứng khoán và gía trị khoảng 340.722 tỷ
đồng.
Trong thời gian gần đây từ cuối tháng 9/2007, giá trị giao dịch của toàn thị
trường đạt trên 1.000 tỷ đồng mỗi phiên. Biến động giá cổ phiếu được phản ánh rõ
nét qua biến động chỉ số VN INDEX. Từ mức 307,5 điểm vào cuối năm 2005, VN
INDEX tăng và đạt mức kỷ lục 1.170,67 điểm trong phiên 12/03/2007. Hiện nay, chỉ
số Vnindex dao động ở mức 1.100 điểm. Trong hoạt động đối ngoại, SGDCK
TP.HCM đã thực hiện ký kết nhiều Biên bản hợp tác với các SGDCK các nước trên
thế giới như SGDCK Luân đôn, Thái Lan, New York(Mỹ), Malaysia, Singapore, CH
Czech, Warsaw(Ba Lan), Tokyo (Nhật bản) trong các lĩnh vực về hỗ trợ kỹ thuật, đào
tạo cán bộ cho SGDCK TP.HCM, trao đổi thông tin giữa các SGDCK, đồng thời tạo
điều kiện thực hiện niêm yết chéo giữa các Sở trong tương lai.
Được Chính phủ ký Quyết định thành lập đồng thời với Trung tâm Giao dịch
chứng khoán TP.HCM (Quyết định số 127/1998/QÐ-TTg, ngày 11 tháng 07 năm
1998) Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư
cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, kinh phí hoạt động do Ngân
sách Nhà nước cấp. Biên chế của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thuộc
biên chế của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Việc xây dựng mô hình hoạt động cụ thể cho Trung tâm giao dịch chứng khoán
Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, vừa phải đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của nền

251
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

kinh kế, vừa phải phù hợp với quy mô và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán
Việt Nam.
Ngày 05/8/2003 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển
TTCK Việt Nam đến 2010. Theo đó, xây dựng thị trường giao dịch cổ phiếu của các
doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội, chuẩn bị điều kiện để sau 2010 chuyển thành
Thị trường giao dịch chứng khoán phi tập trung (OTC).
Tháng 6/2004, Bộ tài chính ra Thông báo số 136/TB/BTC nêu kết luận của
lãnh đạo Bộ về mô hình tổ chức và xây dựng thị trường giao dịch chứng khoán Việt
Nam. Trong đó, định hướng xây dựng Trung tâm GDCK Hà Nội thành một thị trường
giao dịch phi tập trung (OTC) đơn giản, gọn nhẹ, theo đó, Trung tâm GDCK Hà Nội
sẽ phát triển theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn đầu, từ 2005 đến 2007: thực hiện đấu giá cổ phiếu doanh nghiệp
nhà nước cổ phần hoá và đấu thầu trái phiếu chính phủ đồng thời tổ chức giao dịch
chứng khoán chưa niêm yết theo cơ chế đăng ký giao dịch.
- Giai đoạn sau 2007: phát triển TTGDCK Hà Nội thành thị trường phi tập
trung phù hợp với quy mô phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mô hình hoạt động của TTGDCK Hà Nội đã từng bước được cụ thể hoá. Gần
đây, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 244/2004/QÐ-BTC ban hành Quy chế tạm thời
tổ chức giao dịch chứng khoán tại TTGDCK Hà Nội. Như vậy, có thể nói cơ sở pháp
lý ban đầu cho hoạt động của TTGDCK Hà Nội đã được thiết lập.
Theo đó, có thể khái quát các nội dung hoạt động chính trong giai đoạn đầu
của TTGDCK Hà Nội như sau:
1) Tổ chức đấu giá cổ phần cho các doanh nghiệp: TTGDCK Hà Nội cung cấp
các phương tiện để thực hiện đấu giá cổ phần, đặc biệt là cổ phần của các doanh
nghiệp nhà nước cổ phần hoá, theo tinh thần Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc
chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần vừa được Chính phủ ban hành và
thông tư số 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định
187/2004/NÐ-CP. Trong đó quy định các doanh nghiệp khi cổ phần hoá phải bán đấu
giá công khai ra bên ngoài tối thiểu 20% vốn điều lệ. Trường hợp doanh nghiệp cổ
phần hóa có khối lượng cổ phần bán ra trên 10 tỷ đồng phải tổ chức đấu giá cổ phần
tại TTGDCK để thu hút người đầu tư, các trường hợp khác cũng được khuyến khích
đấu giá qua TTGDCK.

252
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

2) Tổ chức đấu thầu trái phiếu : TTGDCKHN tổ chức đấu thầu trái phiếu, bao
gồm các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu
chính quyền địa phương, trái phiếu công trình…
3) Tổ chức giao dịch chứng khoán theo cơ chế đăng ký giao dịch:
Hàng hoá giao dịch trên TTGDCK Hà Nội:
- Các loại chứng khoán của các công ty cổ phần có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng
trở lên, chưa thực hiện niêm yết tại TTGDCK TP. HCM, hoạt động kinh doanh của
năm liền trước năm đăng ký giao dịch phải có lãi, số cổ đông tối thiểu là 50 người (kể
cả trong và ngoài doanh nghiệp).
- Các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương
Phương thức giao dịch áp dụng tại TTGDCKHN:
- Phương thức giao dịch thoả thuận.
- Phương thức giao dịch báo giá trung tâm.
Ngày 8.3.2005 TTGDCK Hà Nội chính thức khai trương hoạt động, đánh dấu
một bước phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những hoạt động đầu tiên của TTGDCK Hà Nội:
Ngay sau thời điểm khai trương, TTGDCK HÀ Nội triển khai hoạt động đấu
giá cổ phần cho các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.
- Ngày 08.03.2005 tổ chức đấu giá cổ phần Nhà máy Thiết bị Bưu điện.
- Ngày 10.03.2005 tổ chức đấu giá cổ phần Nhà máy Thuỷ điện Vĩnh Sơn -
Sông Hinh.
- Ngày 17.03.2005 tổ chức đấu giá cổ phần Ðiện lực Khánh Hoà.
- Ngày 14.7.2005 TTGDCK Hà Nội khai trương Sàn Giao dịch chứng khoán
thứ cấp.
Sau khi khai trương sàn giao dịch chứng khoán thứ cấp, đã có 6 doanh nghiệp
được đưa vào giao dịch đợt đầu, bao gồm:
▫ Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng.
▫ Công ty cổ phần Giấy Hải Âu .
▫ Công ty cổ phần Hacinco.
▫ Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa.
▫ Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh .
▫ Công ty cổ phần Thăng Long.
9.7.2. Các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của TTCK

253
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

Tại Việt Nam, TTCK hoạt động theo các nguyên tắc sau:
- Tôn trọng quyền tự do mua bán của các tổ chức và cá nhân.
- Công bằng, công khai, minh bạch.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đầu tư.Người đầu tư tự chịu
trách nhiệm về rủi ro.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật.
9.7.3. Thực trạng và triển vọng
9.7.3.1. Thực trạng
Đánh giá thực trạng, trước tiên chúng ta xem xét đến những thành quả do thị
trường chứng khoán Việt Nam mang lại được các nhà kinh tế thừa nhận:
- Trong những năm qua, cùng với quá trình cải cách kinh tế, và phát triển thị
trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được thiết lập và có
những đóng góp ban đầu trong việc huy động các nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Qui mô TTCK không ngừng tăng mạnh, tính đến hết năm 2007, tổng giá trị vốn hóa
TTCK VN đạt gần 500.000 tỉ đồng, bằng khoảng 43,7% GDP của năm 2007 (xác lập
được vị thế là một kênh dẫn vốn trong nền kinh tế khi số vốn mà các doanh nghiệp
niêm yết huy động được trong năm này đạt trên 90.000 tỉ đồng). Dựa trên những kết
quả mà TTCK đạt được trong năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết
định 128/QĐ-TTg điều chỉnh kế hoạch định lượng về phát triển TTCK đến năm 2010,
hướng đến năm 2020; trong đó có đề ra mục tiêu đến năm 2010, tổng giá trị vốn hóa
thị trường đạt 50% GDP, năm 2020 con số này đạt 70% GDP.
- Hệ thống tổ chức và vận hành của thị trường chứng khoán cũng không
ngừng được củng cố, nâng cấp và hoàn thiện. Từ năm 2007, Trung tâm Giao dịch
Chứng khoán (GDCK) TP.HCM chuyển thành Sở GDCK TP.HCM. Cùng với việc
chuyển thành Sở GDCK, cơ quan này chính thức áp dụng khớp lệnh liên tục từ
30/7/2007 để tạo tính thanh khoản cho thị trường và tăng cơ hội cho nhà đầu tư.
Đồng thời, kế hoạch giao dịch từ xa cũng đã và đang khởi động, chạy thử nghiệm liên
tục tại Sở GDCK TP.HCM và Trung tâm GDCK Hà Nội. Hệ thống giao dịch cổ phiếu
OTC dự kiến khởi động giao dịch cuối quí 1/2008 với 40 cổ phiếu của các công ty
chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm được dự báo sẽ trở thành “chợ giao dịch chứng
khoán” có qui mô lớn nhất.
- Khung pháp luật của thị trường chứng khoán, các nguyên tắc quản lý tài
chính tiên tiến đang ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về

254
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

tính minh bạch, kế toán, kiểm toán, giám sát... Luật chứng khoán có hiệu lực từ ngày
1/1/2007 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho TTCK VN phát triển. Các thể chế
về quản trị doanh nghiệp (kể cả ngân hàng) cũng được hoàn thiện một bước, các tiêu
chuẩn tham gia thị trường với nhiều thành viên như công ty chứng khoán, công ty
niêm yết, công ty quản lý quỹ đã được nâng cấp.
Bên cạnh những thành quả, Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thể
tránh khỏi những hạn chế mà các thị trường mới nổi thường mắc phải sau đây:
- Thị trường chứng khoán, tuy có những bước phát triển nhanh trong
năm 2006, song vẫn còn nhỏ bé. Thị trường chứng khoán cho đến nay vẫn chưa là
“hàn thử biểu“ của nền kinh tế và kênh huy động vốn quan trọng của các doanh
nghiệp Việt Nam (do số vốn mới thu hút được hàng năm qua phát hành cổ phiếu mới
IPOs vẫn còn hạn chế).
- Thị trường chứng khoán vẫn còn ít các định chế tài chính quan trọng như
các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư tương hỗ và chưa có các công ty định mức tín nhiệm. Các
nhà bảo lãnh phát hành chủ yếu là các NHTM Nhà nước. Các công ty chứng khoán
chưa đóng vai trò nhà tạo lập thị trường quan trọng trên thị trường.
- Các nhà đầu tư cá nhân nhìn chung chưa có tính chuyên nghiệp; hành
vi đầu tư thường mang tính ngắn hạn, “bầy đàn”. Giá cổ phiếu trong nhiều giai
đoạn của thời gian qua tăng mạnh không phải do sự phát triển của thị trường cổ
phiếu mà do đầu cơ và tâm lý đánh bạc làm cầu tăng so với lượng cung chứng khoán
còn rất hạn chế, làm giảm độ tin cậy đối với thị trường, nhất là đối với hoạt động thị
trường phi chính thức (mức rủi ro rất cao) và trong bối cảnh mức độ công khai, minh
bạch của thị trường chưa cao. Các khoản vay được thế chấp chứng khoán tuy có
tỷ trọng chưa lớn song cũng đáng lo ngại khi năng lực của các nhà đầu tư cá nhân
còn thấp và thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây biến động
lớn về giá cả.
- Khung pháp luật, các nguyên tắc quản lý tài chính cũng như nhân sự và
guồng máy vận hành, kiểm soát các hoạt động của thị trường chứng khoán mặc dù đã
được bổ sung, hoàn thiện nhiều song chưa thật hoàn chỉnh, đáp ứng đầy đủ sự phát
triển của thị trường.
9.7.3.2. Triển vọng
Việt Nam có kế hoạch rất tham vọng về phát triển kinh tế và có nhu cầu vốn
đầu tư rất lớn kể cả nguồn vốn trong và ngoài nước, nhất là sau khi gia nhập WTO.
Do đó, đây là một cơ hội đầu tư rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhạy bén,

255
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

các nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam
vốn đang sôi động, hàng chục nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt
Nam. Giá trị danh mục đầu tư của nguồn vốn ngoại trên thị trường chính thức năm
2007 vào khoảng 7,6 tỉ USD và nếu tính cả thị trường không chính thức lên tới 20 tỷ
USD…
Lần đầu tiên TTCKVN xuất hiện trên hàng loạt các phương tiện truyền thông
đại chúng quốc tế. Chỉ số VN-Index, HaSTC-Index được xuất hiện trên hệ thống số
liệu thị trường của những kênh thông tin tài chính toàn cầu như Bloomberg. Các định
chế tài chính hàng đầu thế giới như Merry Lynch, HSBC, JP Morgan, Citi Group
cũng đều đặn cung cấp các báo cáo nghiên cứu về thị trường Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường phát triển
nhanh nhất thế giới về vốn hóa thị trường. Sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp
cổ phần hóa đã nâng khả năng vốn hóa của thị trường. Hy vọng trong một vài năm
tới, Việt Nam cũng sẽ đạt mức ngang bằng với các đối thủ nặng ký trong khu vực. Các
doanh nghiệp nhà nước sẽ phát hành cổ phiếu và trái phiếu của họ ra thị trường nước
ngoài để tăng cường khả năng cạnh tranh.
Việc gia nhập WTO mới đây cũng tạo điều kiện tăng cả cung lẫn cầu, nhất là
cầu đầu tư chứng khoán. Những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư
và quyết tâm cải cách nền kinh tế của chính phủ Việt Nam có thể kích thích cầu đầu tư
trên TTCK, nhất là thị trường cổ phiếu. Việc mở rộng tiếp cận thị trường có thể thúc
đẩy phát triển các định chế chứng khoán trung gian, thúc đẩy tính công khai, minh
bạch và kỷ luật thị trường, qua đó thúc đẩy tăng cầu đầu tư trên thị trường (tăng tính
chuyên nghiệp của nhà đầu tư, độ tin cậy đối với các công ty đại chúng/niêm yết,...)
và cung chứng khoán.
Để các triển vọng biến thành hiện thực vững chắc và có tác động thuận lợi, an
toàn và hiệu quả đến nền kinh tế, các nhà quản lý Thị trường chứng khoán Việt Nam
cần phải chú ý một số giải pháp sau:
- Tăng cường tính minh bạch và công bằng trên thị trường. Mọi doanh nghiệp
có chứng khoán được bán trên sàn phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, và phải
công bố cho mọi người sử dụng cùng một lúc. Tăng cường việc đưa thông tin lên
website của UBCK (nếu ai muốn đánh giá chất lượng hiện nay của UBCK thì chỉ cần
lên coi website này).
- Tăng cường vai trò kiểm tra của UBCK trong việc theo dõi, và đưa ra xử
các vụ mua bán dựa vào thông tin nội bộ và vi phạm luật chứng khoán.

256
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

- Đưa thị trường OTC vào vòng kiểm soát, theo nghĩa các doanh nghiệp có cổ
phần mua bán (dù không qua trung gian), giá cả và số lượng mua bán phải đăng ký
trên thị trường OTC dưới sự kiểm soát của UBCK.
- Nhà nước cần ngăn chặn việc tư nhân và doanh nghiệp mượn tiền ngân
hàng để chơi cổ phiếu.
- Nhà nước cần tăng số cung cổ phiếu trên thị trường qua việc cổ phần hoá
doanh nghiệp nhà nước.

TÓM TẮT CHƯƠNG 9


--------

1. Thị trường tài chính (TTTC) là nơi mua - bán các khoản tài chính, mua -
bán quyền sử dụng các khoản vốn thể hiện dưới dạng các công cụ tài chính theo nhiều
phương thức giao dịch khác nhau. Nhờ có TTTC với chức năng dẫn vốn mà những
nguồn vốn được luân chuyển một cách dễ dàng từ những người có vốn nhưng không
có cơ hội đầu tư sinh lợi đến những người có cơ hội, có nhu cầu nhưng lại thiếu vốn.
TTTC có một số vai trò đối với nền kinh tế: Thứ nhất, TTTC là một kênh huy động và
phân bổ nguồn vốn một cách có hiệu quả, hỗ trợ các chính sách phát triển kinh tế của
chính phủ, kể cả chính sách kinh tế đối ngoại; Thứ hai, TTTC góp phần nâng cao hiệu
suất và hiệu quả sử dụng đồng vốn trong toàn bộ nền kinh tế; Thứ ba, TTTC là một
trong những công cụ hỗ trợ việc đánh giá các doanh nghiệp và góp phần ổn định kinh
tế vĩ mô.
2. Về cấu trúc, xét theo bản chất của các công cụ tài chính được giao dịch,
TTTC bao gồm thị trường nợ và thị trường vốn cổ phần; xét theo kỳ hạn thanh toán
của công cụ tài chính được giao dịch, TTTC bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường
vốn (TTCK); xét theo quá trình phát hành và lưu thông các công cụ tài chính, thị
trường tài chính bao gồm thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.

257
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

3. Các công cụ của TTTC là các phương tiện quan trọng để thực hiện việc
chuyển tải, giao lưu các nguồn vốn. Các công cụ của thị trường tiền tệ đều có kỳ hạn
ngắn, cụ thể bao gồm tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi bán lại được, lệnh phiếu,
hối phiếu, hối phiếu được ngân hàng chấp nhận, hợp đồng mua lại,… Nhìn chung, các
công cụ của thị trường tiền tệ có đặc điểm là giá cả ít biến động, do đó là loại phương
tiện đầu tư ít rủi ro nhất. Các công cụ của thị trường vốn bao gồm cổ phiếu, trái phiếu
(công cụ nợ kỳ hạn thanh toán lớn hơn 1 năm) và các chứng khoán phái sinh như các
quyền mua, chứng quyền, các quyền chọn, hợp đồng tương lai,...
4. Đối với thị TTCK, ngoài các cách phân tích cấu trúc như phân tích cấu trúc
TTTC, cấu trúc TTCK còn có thể được xem xét theo một góc độ quan trọng khác là
mức độ tập trung (hay mức pháp định). Theo đó có các loại: TTCK tập trung, TTCK
bán tập trung và TTCK phi tập trung. Đối với TTCK tập trung, việc giao dịch, mua
bán chứng khoán thường được tổ chức tập trung tại một nơi, đó là tại sàn giao dịch
của Sở giao dịch chứng khoán (Sở GDCK). Sở GDCK là nơi giao dịch các loại chứng
khoán đã được đăng ký. Trên TTCK bán tập trung (hay OTC), việc giao dịch chứng
khoán được thực hiện thông qua hệ thống computer nối mạng giữa các thành viên của
thị trường. Tiêu chuẩn để được niêm yết trên thị trường OTC không quá nghiêm ngặt
như trên Sở GDCK. TTCK phi tập trung là hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán
được thực hiện tự do, phân tán, không qua Sở GDCK và cũng không qua thị trường
OTC. Tất cả các loại chứng khoán được phép phát hành, cả những chứng khoán của
Sở GDCK hay của thị trường OTC cũng đều có thể giao dịch trên thị trường phi tập
trung.
5. Sở GDCK tổ chức và hoạt động dựa trên một số nguyên tắc, tiêu biểu như
sau: nguyên tắc trung gian; nguyên tắc công khai; nguyên tắc đấu giá. Hình thức tổ
chức phổ biến nhất của Sở GDCK là dưới dạng như một công ty cổ phần, cổ đông là
các công ty chứng khoán thành viên, nghĩa là Sở GDCK cũng là một tổ chức kinh
doanh, có các nguồn thu và các khoản chi, hạch toán lãi lỗ và phải nộp thuế cho nhà
nước. Thành viên của Sở GDCK là các công ty chứng khoán đạt được những tiêu
chuẩn về pháp lý, chuyên môn…theo quy chế của Sở GDCK. Một công ty chứng
khoán có thể hoạt động theo một, một số, hoặc tất cả các loại nghiệp vụ: môi giới mua
bán chứng khoán hưởng hoa hồng; tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư, trung gian
phát hành hoặc bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư,… Các
công ty cổ phần có chứng khoán được niêm yết trên Sở GDCK gọi là Công ty niêm

258
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

yết. Muốn được niêm yết công ty có chứng khoán thường phải đáp ứng các điều kiện
về tư cách pháp nhân, qui mô và hiệu quả.
6. Hoạt động mua bán của Sở GDCK nói chung được tập trung ở sàn giao
dịch_nơi thương lượng và đấu giá mua bán chứng khoán trên cơ sở các lệnh đặt hàng
của khách hàng. Các loại lệnh cơ bản bao gồm lệnh thị trường; lệnh giới hạn; lệnh
dừng - bán và lệnh dừng - mua. Việc tổ chức đấu giá có thể được tiến hành theo cách
đấu giá theo từng đăng ký lệnh (khớp lệnh liên tục) hoặc cách đấu giá theo các tập
hợp đăng ký lệnh (khớp lệnh định kỳ).
7. So với Sở GDCK, thị trường OTC và TTCK phi tập trung còn có một số nét
đặc thù trong tổ chức và hoạt động, chủ yếu là sự khác biệt về thành viên thị trường,
chứng khoán được phép mua bán, phương thức giao dịch trên thị trường và mức độ
kiểm soát của nhà nước.
8. TTCK Việt Nam thực tế bắt đầu vào ngày 20/07/2000_TTGDCK Tp.HCM
chính thức khai trương đi vào vận hành, ngày 11/05/2007 được chuyển đổi thành Sở
giao dịch Chứng khoán Tp.HCM. Ngày 8.3.2005 TTGDCK Hà Nội chính thức khai
trương hoạt động, đánh dấu một bước phát triển mới của TTCK Việt Nam. Trong
những năm qua, cùng với quá trình cải cách kinh tế, TTCK Việt Nam đã có những
đóng góp ban đầu trong việc huy động các nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Qui mô
TTCK không ngừng tăng mạnh, tính đến hết năm 2007, tổng giá trị vốn hóa TTCK VN
đạt gần 500.000 tỉ đồng, bằng khoảng 43,7% GDP của năm 2007. Tuy nhiên, do ở
giai đoạn đầu hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam còn bộc lộ
nhiều hạn chế về qui mô, tính ổn định, các nghiệp vụ thị trường và sự điều hành của
Nhà nước. Điều đó cộng với xu thế phát triển sắp đến đang đặt ra nhiều cơ hội cũng
như thách thức cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

TỪ KHÓA (KEY WORDS)

259
Giáo trình Lý thuyết Tài chính – Tiền tệ

1 Chứng chỉ tiền gửi 18 Thị trường chứng khoán


2 Chứng khoán 19 Thị trường chứng khoán bán tập trung
3 Cổ phần 20 Thị trường chứng khoán phi tập trung
4 Cổ phiếu 21 Thị trường chứng khoán tập trung
5 Công cụ tài chính 22 Thị trường nợ
6 Công ty chứng khoán 23 Thị trường OTC
7 Công ty niêm yết 24 Thị trường sơ cấp
8 Danh mục đầu tư 25 Thị trường tài chính
9 Đầu tư 26 Thị trường thứ cấp.
10 Hối phiếu 27 Thị trường tiền tệ
11 Khớp lệnh 28 Thị trường vốn
12 Lệnh 29 Tín phiếu
13 Môi giới chứng khoán 30 Trái phiếu
14 Phát hành chứng khoán 31 Tự doanh chứng khoán
15 Rủi ro 32 Tư vấn đầu tư
16 Sở giao dịch chứng khoán 33 Vốn
17 Tài chính
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 9
-------------

1. Chức năng và các vai trò của thị trường tài chính? Qua đó liên hệ đối chiếu
sự thể hiện đó trên thị trường tài chính Việt Nam?
2. So sánh đặc điểm giữa các loại thị trường khi phân tích cấu trúc thị trường
tài chính?
3. Ý nghĩa của từng loại công cụ tài chính trên thị trường tài chính? Các công
cụ đó hiện nay được triển khai và lưu hành trên thị trường tài chính Việt Nam như thế
nào?
4. Phân biệt các loại thị trường chứng khoán? Trình bày các nội dung cơ bản
về Sở Giao dịch chứng khoán?

260

You might also like