You are on page 1of 16

CHUYÊN ĐỀ 6

TIỀN TỆ VÀ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG


Mục đích của chương này là giúp cho học viên nâng cao hiểu biết về tiền, những hình
thái của tiền, hệ thống ngân hàng tạo tiền như thế nào, và cách thức ngân hàng trung
ương kiểm soát lượng tiền trong nền kinh tế. Sự hiểu biết thấu đáo về tiền là rất quan
trọng vì lượng tiền trong nền kinh tế ảnh hưởng tới lạm phát trong dài hạn, sản lượng và
thất nghiệp trong ngắn hạn.
I. Tiền là gì?
Hiểu rõ khái niệm tiền là việc làm quan trọng để nắm bắt các nguyên lý kinh tế vĩ mô,
nhưng nó không phải là nhiệm vụ đơn giản. Tiền chứa đựng trong nó không ít điều bí
mật: vì sao chúng ta cầm trong tay những tờ giấy không có giá trị thực, nhưng dễ dàng
vào cửa hàng đổi chúng lấy hàng hóa có giá trị thực?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu tiền là gì. Thực ra tiền, hay hệ thống tiền tệ,
là một cái gì đó cho phép người ta thực hiện trao đổi hàng hóa này lấy hàng hóa khác một
cách gián tiếp. Đó là một thỏa thuận mang tính xã hội, giống như ngôn ngữ. Một cách
chung nhất, tiền được định nghĩa là “bất cứ cái gì được chấp nhận chung trong việc thanh
toán để lấy hàng hóa hay dịch vụ hoặc trong việc hoàn trả các món nợ” (Mishkin 1992,
1995:47). Một xã hội không có đồng tiền chung giống như một cộng đồng không có tiếng
nói chung. Nếu không sử dụng tiền, con người sẽ phải mất rất nhiều công sức để giải
quyết những vấn đề đơn giản hàng ngày. Tiền có vai trò quan trọng như vậy vì nó có một
số chức năng rất quan trọng.
1. Chức năng của tiền
Điểm xuất phát truyền thống của phân tích về tiền tệ xem xét các chức năng của tiền.
Nói chung, các lý thuyết tiền tệ hiện đại đều nhấn mạnh ba chức năng căn bản của tiền:
phương tiện trao đổi, cất trữ giá trị và đơn vị hạch toán.
Chức năng phương tiện trao đổi của tiền nhấn mạnh rằng tiền làm cho việc trao đổi trở
nên thuận tiện hơn. Trong một nền kinh tế không có tiền (nền kinh tế trao đổi hàng lấy
hàng), dân cư sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện các giao dịch. Trong một nền kinh
tế như vậy, một giảng viên kinh tế học muốn uống bia có thể phải mất nhiều thời gian đi
khắp nơi để tìm một quán bia mà họ sẵn sàng cho anh ta một cốc bia để đổi lấy một bài
giảng kinh tế học hoặc một trong các bài báo của anh ta. Tuy nhiên, trong nền kinh tế tiền
tệ anh ta có thể yên tâm giảng dạy kinh tế học và viết báo bởi vì anh ta sẽ nhận được thù
lao bằng tiền và có thể sử dụng tiền để mua đồ uống và các thứ khác mà anh ta có nhu
cầu. Quán bia chấp nhận những tờ giấy được quy định là tiền bởi vì họ tin rằng những
người khác cũng chấp nhận chúng. Như vậy tiền có giá trị bởi vì dân cư nghĩ rằng nó có
giá trị.
Đây là một đặc điểm quan trọng của tiền. Việc tiền đóng vai trò là phương tiện trao đổi
đi liền với tư cách là một phương tiện cất trữ giá trị. Dân chúng sẽ chỉ giữ tiền một khi
họ tin rằng nó sẽ tiếp tục có giá trị trong tương lai, do vậy tiền có thể hoạt động với tư
cách là phương tiện trao đổi chỉ khi nó cũng đóng vai trò là phương tiện bảo tồn và cất trữ
giá trị. Với chức năng này dân chúng có thể lựa chọn giữ một số của cải trực tiếp bằng
tiền. Tất nhiên, tiền không phải phương tiện cất trữ giá trị duy nhất trong nền kinh tế, bởi
vì một người có thể chuyển sức mua từ hiện đại tới tương lai bằng cách nắm giữ các tài
sản khác thuật ngữ “của cải” được được dùng để chỉ tổng phương tiện cất trữ giá trị,
trong đó có tiền và các tài sản không phải tiền. Tuy nhiên, trong điều kiện có lạm phát,
giá trị của tiền giảm theo thời gian. Điều này làm cho tiền trở thành một phương tiện cất
trữ giá trị yếu thế hơn so với các tài sản khác.
Với hai chức năng trên, tiền trở thành một đơn vị hạch toán rất tiện lợi và hiệu quả vì
nó được chấp nhận rộng rãi trong mọi giao dịch. Mọi người sử dụng một đơn vị tiền tệ
chung (như tiền đồng của Việt Nam hay đô la Mỹ) để niêm yết giá và ghi các khoản nợ.
Khi đi mua hàng, bạn có thể nhìn thấy giá một chiếc sơmi là 120000đồng và bát phở giá
10000nghìn đồng. Mặc dù có thể nói chính xác rằng giá của chiếc áo bằng 12 bát phở và
giá của bát phở bằng1/12 chiếc áo, nhưng giá không bao giờ được ghi theo cách này.
Tương tự, nếu bạn vay tiền của ngân hàng, vì số tiền bạn phải hoàn trả trong tương lai sẽ
được tính bằng đồng hay đô la, chứ không phải bằng lượng hàng hóa và dịch vụ. Khi
muốn tính toán và ghi chép giá trị kinh tế, chúng ta sử dụng tiền với tư cách là đơn vị
hạch toán.
Với ba chức năng căn bản trên, tiền trở thành một thành phần không thể thiếu trong các
nền kinh tế hiện đại.
2. Các loại tiền
Trong lịch sử, nhiều thứ đã đóng vai trò của tiền, trong đó có vỏ sò thuốc lá, các kim
loại quí, cũng như tiền giấy và tiền chuyển khoản qua ngân hàng. Hiện nay, chúng ta
không nhất thiết phải sử dụng tiền mặt trao tay nữa; nhiều giao dịch được thực hiện thông
qua chuyển khoản điện tử.
Galbraith và salinger trong cuốn “Everybody guide to economics”chia lịch sử tiền tệ
thành ba giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, loài người sử dụng tiền cơ bản hay tiền nguyên
thủy (original or basicmoney). Đó là muối, vỏ sò, kim loại quý hay các hàng hóa cơ bản
khác. Khi tồn tại dưới hình thức một hàng hóa có giá trị cổ hữu, tiền được gọi là tiền
hàng hóa. Thuật ngữ giá trị cố hữu hàm ý hàng hóa đó có giá trị ngay cả khi nó không
được sử dụng làm tiền. Một ví dụ tiền hàng hóa là vàng. Vàng có giá trị cố hữu bởi vì nó
được sử dụng trong công nghiệp và chế tác đồ trang sức.
Ở giai đoạn thứ hai, các chính phủ và ngân hàng trở thành những nhân tố chính trong
việc cung ứng tiền tệ. Nhưng ở giai đoạn này một số hàng hóa cơ bản vẫn được dùng để
định lượng sự trao đổi lấy các kỳ phiếu của chính phủ, hoặc ngân phiếu của ngân hàng
hoặc tiền gởi. Do đó, đây là giai đoạn tiền bản vị mà chủ yếu là “bản vị vàng’’hay “bản vị
bạc”.
Ở giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối cùng, bản vị kim loại biến mất, tiền trở thành
một sáng tạo của ngân hàng và chính phủ. Tiền không có giá trị thực – như đồng Việt
Nam – được gọi là tiền pháp định. Khái niệm pháp định đề cập đến quyết định mang tính
pháp lý của Nhà nước và tiền pháp định là loại tiền được tạo ra nhờ một pháp lệnh của
chính phủ. Tại sao bạn có thể sử dụng những tờ giấy bạc do ngân hàng nhà nước Việt
Nam phát hành để thanh toán cho các hàng hóa và dịch vụ mà bạn mua ? Câu trả lời là
chính phủ Việt Nam đã quy định bằng một pháp lệnh rằng những tờ giấy bạc đó là tiền
hợp pháp. Mặc dù chính phủ là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập và điều
hành hệ thống tiền pháp định (ví dụ, truy tố những kẻ làm tiền giả), Nhưng để hệ thống
tiền tệ hoạt động thành công, cũng cần có những nhân tố khác nữa. Nói rộng hơn sự chấp
nhận tiền pháp định phụ thuộc vào kỳ vọng và tập quán xã hội cũng như một pháp lệnh
của chính phủ.
Mục đích của việc nhìn vào lịch sử phát triển của tiền cũng như cách sử dụng và cách
quản lý tiền tệ là cần thiết vì nó giúp chúng ta hiểu về tiền một cách đầy đủ hơn.

3. Đo lường khối lượng tiền


Việc nêu lên ba chức năng của tiền như trong mục 1 (chức năng phương tiện trao đổi,
cất trữ giá trị và đơn vị hạch toán) gây ra đôi chút khó khăn trong việc xác định loại tài
sản nào sẽ là tiền. Phải chăng tiền chỉ bao gồm tiền giấy, tiền xu và tài khoản tiền gởi có
thể viết séc? Vậy thì thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thì sao? Có nên nhìn nhận các công cụ tài
chính mới là tiền hay không? Rõ ràng là một định nghĩa chung về tiền chưa cho phép
chúng ta xác định rõ giới hạn của các tài sản được coi là tiền. Chính điều này làm nảy
sinh một vấn đề quan trọng trong kinh tế học – đo lượng tiền như thế nào?
Nhiều loại tài sản có một số đặc tính giống tiền, như tiền mặt, tiền gởi ngân hàng
không kỳ hạn, và các tài sản khác. Một số về cơ bản đóng vai trò là phương tiện trao đổi;
một số khác về cơ bản đóng vai trò là phương tiện bảo tồn giá trị nhưng phần lớn chúng
đều thực hiện cả hai chức năng ở những mức độ khác nhau. Như vậy, không thể đưa ra
một thước đo duy nhất chính xác về tổng lượng tiền trong nền kinh tế. Trên thực tế có
nhiều thước đo khác nhau.
Trước đây, tiền được xem là phương tiện trao đổi trực tiếp nên tiền là bất kỳ thứ gì
được chấp nhận rộng rãi trong thanh toán và không được trả tiền lãi. Vì vậy tổng số tiền
gởi không kỳ hạn (loại tiền gởi trước đây không có lãi suất và hiện nay chỉ có lãi suất rất
nhỏ) và tiền mặt được chấp nhận là tiền trong thời gian dài. Tập hợp này thường được gọi
là M1.
Tuy nhiên, trong những năm 1980, ở Mỹ và các nước phát triển, nhiều tài sản được
hưởng lãi suất cũng có thể viết séc. Vì vậy cần xem xét lại ranh giới giữa tài sản được coi
là tiền và tài sản tài chính không phải là tiền. Vấn đề này quan trọng không chỉ trên
phương diện một khái niệm mà nó ảnh hưởng tới việc xác định khối lượng tiền mà Ngân
hàng trung ương cần kiểm soát.
Hiện nay trên thế giới có ba cách đo lượng tiền chủ yếu, đó là: Tiền mặt (M 0), tiền giao
dịch (M1), và tiền rộng (M2). Trong đó :
a)M0 hay tiền mặt: Bao gồm tiền giấy và tiền xu trong lưu hành.
b)M1: Bao gồm tiền mặt, các tài khoản tiền gởi có thể viết séc. Nói cách khác, M 1 bao
gồm các tài sản có thể được sử dụng trực tiếp, ngay lập tức và không hạn chế cho việc
thanh toán.
c)M2: bao gồm M1 và các khoản tiền gởi có kỳ hạn số lượng nhỏ. Các khoản tiền gởi này
không thể sử dụng cho thanh toán ngay lập tức vì khi tài khoản là tiền gởi có thời hạn
thì về nguyên tắc chúng ta chỉ có thể rút tiền mặt hay chuyển sang tài khoảng séc một
khi ngân hàng phải được thông báo trước, đồng thời còn bị phạt lãi suất.
Bảng 7-1 Tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam,2000-2004

Đơn vi: Nghìn tỷ đồng

2000 2001 2002 12/2003 7/2004

M2 222,9 279,8 329,1 411,2 469,1

Tiền mặt ngoài NH 52,2 66,3 74,4 90,6 95,5

Tổng tiền gởi 170,7 213,5 254,9 320,6 373,6

Tiền gởi bằng VNĐ 100,3 124,8 163,1 223,6 259,6


Tính hoán chuyển hay thường được gọi là khả năng thanh khoản (liquility) của một tài
sản đề cập đến tốc độ và sự an toàn để chuyển đổi tài sản đó sang phương tiện thanh toán
trực tiếp. Theo thứ tự của ba cách đo lường trên, khả năng thanh toán của các tài sản giảm
dần và tỷ lệ lợi tức tăng dần. Cụ thể, tiền mặt thì không nhận được lãi suất nhưng nó lại
có khả năng thanh khoản cao nhất. Đây là sự đánh đổi kinh tế điển hình: để có sự hoán
chuyển nhanh, người sở hữu tài sản phải hy sinh lợi tức.

Một điểm cần lưu ý là sự thay đổi trong định nghĩa về cách đo lường khối lượng tiền
sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của hệ thống tài chính và tính đa dạng của các công cụ trên
thị trường tài chính. Bởi vậy tập hợp các tài sản được xem như là các thành tố cấu thành
khối lượng tiền không phải là cứng nhắc. Theo thời gian, các loại tài sản cụ thể có chức
năng thanh toán hoặc trung gian trao đổi sẽ thay đổi và do đó cách đo lường tổng lượng
tiền trong nền kinh tế cũng thay đổi. Và giữa các quốc gia thì danh mục các tài sản được
coi là tiền thường cũng khác nhau.
Có vẻ là lẽ tự nhiên khi chúng ta coi thẻ tín dụng là bộ phận của tổng lượng tiền tệ trong
nền kinh tế. Xét cho cùng, mọi người sử dụng thẻ tín dụng để mua nhiều thứ. Có phải vì
thế mà thẻ tín dụng được coi là phương tiện trao đổi không?
Mặc dù thoáng qua thì lập luận này có vẻ thuyết phục, nhưng thẻ tín dụng không được
coi là tiền cho dù khối lượng tiền tệ được định nghĩa theo cách nào. Nguyên nhân ở đây
là thẻ tín dụng thực ra không phải là phương tiện thanh toán, mà là phương pháp thanh
toán chậm. Khi trả tiền cho bữa ăn bằng thẻ tín dụng, thì thực ra ngân hàng phát hành thẻ
đã trả tiền cho nhà hàng thụ hưởng nó. Vào một ngày nào đó trong tương lai, bạn phải
hoàn trả cho ngân hàng (bao gồm cả tiền lãi). Khi đến hạn thanh toán số tiền đã chi tiêu
bằng cách sử dụng thẻ, có thể bạn phải thực hiện điều đó bằng cách viết một tấm séc vào
tài khoản séc. Số dư trong tài khoản séc này là bộ phận cấu thành khối lượng tiền tệ của
nền kinh tế.

Hãy chú ý rằng thẻ tín dụng rất khác thẻ ghi nợ, một phương tiện được dùng để rút vốn
tự động từ tài khoản ở ngân hàng để trả cho hàng hóa đã mua. Thẻ ghi nợ không cho phép
người sử dụng trả tiền sau cho hàng hóa đã mua, mà cho phép anh ta sử dụng trực tiếp
các khoản tiền gửi trong một tài khoản ở ngân hàng. Hiểu theo nghĩa này, thẻ ghi nợ
giống một tài khoản séc hơn thẻ tín dụng. Số dư trong tài khoản làm cơ sở cho thẻ ghi nợ
nằm trong các định nghĩa về khối lượng tiền tệ.
Trên đây chúng ta vừa xem xét các bộ phận cấu thành của khối lượng tiền trong nền
kinh tế thị trường phát triển. Nhìn chung, cách tính cung tiền M1, M2 như trên tương đối
phổ biến ở các nước. Tuy nhiên giữa các nước có thể có sự khác biệt phản ánh sự khác
nhau về các tổ chức tài chính ở mỗi quốc gia.
Việc xác định rõ các thước đo khối lượng tiền tệ là cần thiết vì nó cho phép chúng ta
xác định đúng đắn giới hạn của thị trường tiền tệ. Sau khi đã làm được điều này, chúng ta
có thể đi vào nghiên cứu cung tiền và cầu tiền. Đây là nội dung chính của chương này.
II. Cung tiền
Nhìn chung các bộ phận chính cấu thành cung tiền của hầu hết các quốc gia là giống
nhau. Tuy nhiên giữa các quốc gia có những sự khác biệt về mặt thể chế nên các bộ phận
cấu thành cung tiền của các nước có thể không giống nhau. Điều này chủ yếu phản ánh
sự phức tạp của thị trường tiền tệ của một nước và sự khác biệt của các công cụ tài chính.
Trước hết chúng ta sẽ tìm cách hiểu thành phần căn bản của cung tiền.
1. Lượng tiền cung ứng
Nếu bỏ qua sự khác biệt giữa các loại tiền gửi (tức là các định nghĩa khác nhau về khối
lượng tiền) và coi chỉ có một loại tiền gửi thống nhất được ký hiệu là D, thì lượng tiền
cung ứng hay viết gọn là cung tiền (MS) bao gồm tiền mặt ngoài hệ thống ngân hàng (Cu)
cộng với tiền gửi (D)
MS  Cu + D

Phương trình này cho thấy hành vi của cả công chúng và ngân hàng đều ảnh hưởng tới
cung tiền. Mong muốn giữ tiền mặt của công chúng tác động tới Cu, và cầu về tiền gửi
tác động tới nhân tố tiền gửi D. Do đó hệ thống ngân hàng thương mại có một vai trò
quan trọng đối với cung tiền vì đó là hệ thống nhận tiền gửi trong nền kinh tế.
Trong các nền kinh tế hiện đại, cung tiền bao giờ cũng lớn hơn cơ sở tiền tệ, tức là
lượng tiền do ngân hàng trung ương phát hành, hay đôi khi còn được gọi là tiền mạnh.
Nguyên nhân là do quá trình tạo tiền của các ngân hàng thương mại. Dưới đây, chúng ta
hãy xét cơ chế tạo tiền của các ngân hàng thương mại.

2. Hoạt động ngân hàng thương mại và quá trình tạo tiền
Tổng quan về hệ thống tài chính
Nhìn chung hệ thống tài chính của một nước bao gồm tất cả các thiết chế liên quan đến
việc chuyển tiết kiệm từ các hộ gia đình và hãng có thu nhập lớn hơn chi tiêu của họ tới
các hộ gia đình và doanh nghiệp khác muốn chi tiêu nhiều hơn thu nhập của họ. Hệ thống
tài chính không thể cho phép người tiêu dùng mua ôtô, tivi và máy giặt khi họ không có
tiền. Nó còn cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy mới và mua thiết bị mới.
Các thiết chế tài chính có thể được chia thành hai nhóm: thị trường tài chính và trung
gian tài chính. Thị trường tài chính cho phép các công ty lớn có danh tiếng vay vốn trực
tiếp từ những người muốn cho vay. Hai thị trường tài chính quan trọng nhất là thị trường
trái phiếu và thị trường cổ phiếu. Thị trường trái phiếu cho phép những công ty có thể
vay tiền trực tiếp từ công chúng. Chẳng hạn tổng công ty dầu khí Việt Nam, anh ta đã
trực tiếp cho công ty này vay tiền. Như vậy trái phiếu thực ra là chứng chỉ ghi nợ. Trái
phiếu xác định chính xác ngày đáo hạn (ngày khoản vay được hoàn trả), số tiền lãi sẽ
được trả định kỳ, và khoản nợ gốc (khoản vay ban đầu và sẽ được hoàn trả vào ngày đáo
hạn).
Trái phiếu khác nhau giữa hai điểm căn bản: (1) khác nhau về thời hạn (thời gian đến
khi đáo hạn). Các trái phiếu thời hạn dài hơn thì rủi ro nhiều hơn và vì vậy thường được
trả lãi suất cao hơn vì người sở hữu lãi suất có thể cần phải bán trái phiếu trước ngày đáo
hạn với giá thấp hơn. (2) khác nhau về rủi ro tín dụng (khả năng vỡ nợ). Trái phiếu có rủi
ro cao hơn được trả lãi suất cao hơn.

Thị trường cổ phiếu cho phép các công ty lớn có thể tăng vốn bằng cách nhận thêm
“người đồng sở hữu” của công ty. Việc bán cổ phiếu được gọi là tài trợ cổ phần trong khi
việc bán trái phiếu được gọi là tài trợ nợ. Những người sở hữu cổ phiếu (cổ đông của
công ty) cùng chia sẽ phần lãi hay lỗ của công ty, trong khi những người sở hữu trái
phiếu nhận những khoản lãi cố định như một chủ nợ. Cổ đông chấp nhận nhiều rủi ro hơn
người nắm giữ trái phiếu nhưng lại mong đợi khoản lợi nhuận tiềm tàng cao hơn. Các cổ
phiếu không có ngày đáo hạn hay hết hạn. Chúng được giao dịch trên các sàng giao dịch
như sở giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá cổ phiếu được xác định bởi
cung và cầu cổ phiếu, từ đó nó phản ánh kỳ vọng về khả năng sinh lợi của công ty trong
tương lai.
Trung gian tài chính là các định chế tài chính mà qua đó, những người tiết kiệm (người
cho vay) có thể gián tiếp cung cấp vốn cho người vay tiền. Nói cách khác, các trung gian
tài chính là định chế đứng giữa người đi vay và người cho vay. Nhóm trung gian tài chính
quan trọng ở Việt Nam là các ngân hàng thương mại, thường được viết tắt là ngân hàng,
tuy nhiên có nhiều nhóm trung gian tài chính khác như các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu
tư... tất cả các tổ chức này đều tìm kiếm những người vay tiềm năng, đánh giá ai là người
có ít rủi ro, và giám sát các khoản đầu tư và khoản vay của họ. Các trung gian tài chính
nhận tiền gởi từ khách hàng và đầu tư chúng. Bằng cách phân bố vốn vào nhiều loại đầu
tư khác nhau, họ đa dạng hóa doanh mục tài sản và giảm được rủi ro. Đầu tư vào một loại
tài sản thì bạn có thể gặp rủi ro không thu hồi được vốn, nhưng nếu bạn đầu tư vào nhiều
tài sản khác nhau thì rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều. Điều này cho phép các trung gian tài
chính có được sự an toàn và điều này sẽ không có được nếu như chúng “đổ toàn bộ trứng
vào trong một giỏ”. Các trung gian tài chính khác nhau ở chỗ ai là người giữ tiền, vốn
được đầu tư ở đâu và ai là chủ sở hữu. Ngân hàng thương mại là loại trung gian tài chính
quen thuộc nhất đối với mọi người. Nghiệp vụ căn bản nhất của ngân hàng là nhận tiền
gởi của người tiết kiệm và cho vay lại số tiền đó. Ngân hàng trả lãi cho người gởi tiền và
tính lãi cao hơn một chút đối với khách hàng vay tiền. Số tiền chênh lệch giữa hai mức lãi
suất cho phép bù đắp chi phí của hoạt động ngân hàng và đem lại cho chủ ngân hàng một
khoản lợi nhuận.

Bên cạnh vai trò của một trung gian tài chính, ngân hàng còn có một vai trò quan trọng
thứ hai nữa: ngân hàng làm cho việc mua bán trở nên thuận tiện hơn bằng cách cho phép
mọi người viết séc đối với khoản tiền gửi trong ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng
giúp ta tạo ra một tài sản đặc biệt cho phép mọi người sử dụng như một phương tiện trao
đổi. Phương tiện trao đổi là một thứ cho phép người ta thực hiện các giao dịch. Vai trò
cung cấp phương tiện trao đổi là điểm quan trọng phân biệt ngân hàng với các trung gian
tài chính khác. Cổ phiếu và trái phiếu, giống như tiền gửi, là phương tiện cất trữ giá trị
cho của cải mà con người đã tích lũy được từ quá khứ, nhưng tiếp cận với các tài sản ấy
không dễ, rẻ và nhanh như viết séc.
Quá trình tạo tiền của hệ thống ngân hàng thương mại

Cùng với ngân hàng trung ương, hệ thống ngân hàng thương mại thông qua cơ chế tạo
tiền, có vai trò quan trọng trong việc xác định cung tiền của nền kinh tế. Để thấy rõ vai
trò tạo tiền của hệ thống ngân hàng thương mại, chúng ta sẽ lần lượt xem xét hai tình
huống sau.
Hoạt động ngân hàng dự trữ 100%

Để xem xét ảnh hưởng của hoạt động ngân hàng thương mại đến cung tiền, đầu tiên
chúng ta hãy tưởng tượng trên thế giới không tồn tại bất kỳ một ngân hàng nào. Nếu
không có ngân hàng trong nền kinh tế, sẽ không có tiền gửi, và do đó cung tiền đơn giản
chỉ bằng khối lượng tiền mặt. Điều này vẫn đúng nếu như có các ngân hàng, nhưng các
ngân hàng này không cho vay. Các ngân hàng như vậy hoạt động trong một hệ thống
ngân hàng dự trữ 100%. Nói cách khác, chúng sẽ nhận tiền gửi và đơn giản giữ chúng
trong két với tư cách là dự trữ. Hoặc giữ chúng tại ngân hàng trung ương. Nếu công
chúng mang toàn bộ tiền mặt đến gửi tại hệ thống ngân hàng thì sẽ không có tiền mặt
trong tay công chúng – toàn bộ tiền giấy và tiền xu sẽ được giữ dưới dạng dự trữ - nhưng
trái lại lượng tiền gửi đúng bằng khối lượng tiền mặt. Trong điều kiện hoạt động ngân
hàng dự trữ 100%, các ngân hàng không có vai trò gì trong việc thay đổi lượng cung tiền.
Hoạt động ngân hàng dự trữ một phần và quá trình tạo tiền.

Trong thực tế, các ngân hàng luôn cho vay. Bởi vì các ngân hàng dự tính rằng không phải
tất cả những người gửi tiền sẽ rút toàn bộ tiền gửi ngay lập tức và cùng một lúc, họ không
cần giữ dự trữ bằng số tiền gửi. Trái lại, họ chỉ giữ một phần số tiền huy động được và
cho vay phần còn lại. Hệ thống ngân hàng như vậy được gọi là hệ thống ngân hàng dự trữ
một phần.
Giống như trước giả sử rằng công chúng sử dụng toàn bộ tiền mặt vào hệ thống ngân
hàng. Như vậy không có tiền mặt trong tay của công chúng. Nhưng bây giờ chúng ta giả
thiết rằng các ngân hàng dự trữ 10% số tiền huy động được (r r = dự trữ /tiền gửi = 0,1
được gọi là tỷ lệ dự trữ), do đó với mỗi đồng tiền gửi, ngân hàng sẽ giữ 0,1 đồng làm dự
trữ và cho vay số còn lại là 0,9 đồng.
Để xem xét hoạt động của ngân hàng dự trữ một phần để cung tiền chúng ta sử dụng
tài khoản chữ T để mô tả tình trạng tài chính của các ngân hàng. Đây thực ra là một báo
cáo kế toán cô đọng cho biết sự biến động tài sản có và tài sản nợ. Sau đây chúng ta sử
dụng tài sản chữ T để xem xét sự thay đổi tài sản có và nợ của một ngân hàng (ngân hàng
thứ nhất) sau khi nhận được một khoản tiền gửi mới là 1000 triệu đồng do ngân hàng
trung ương mới phát hành.
Bên phải của tài khoản là tài sản nợ tăng thêm 1000 triệu đồng (số tiền mà ngân hàng
nợ người gửi tăng thêm). Bên trái của tài khoản là tài sản có cũng tăng thêm 1000 triệu
đồng, trong đó ngân hàng bổ sung thêm 100 triệu dự trữ và cho vay thêm 900 triệu. Tài
sản có và tài sản nợ luôn bằng nhau. Như vậy cung tiền bây giờ tăng 1900 triệu đồng vì
những người gởi tiền vào ngân hàng nắm giữ 1000 triệu tiền gửi không kỳ hạn và người
đi vay tiền của ngân hàng nắm giữ 900 triệu đồng tiền mặt. Như vậy khi ngân hàng chỉ
nắm giữ một phần tiền gửi huy động được chúng dưới dạng dự trữ, nó đã làm tăng tổng
phương tiện thanh toán.

Sự tạo tiền không chỉ dừng lại ở ngân hàng thứ nhất. Giả sử những người đi vay từ
ngân hàng thứ nhất sử dụng 900 triệu đồng để mua sắm một thứ vật dụng từ một vài
người khác, những người này sau khi nhận được tiền lại quyết định gửi toàn bộ số tiền
mặt của mình vào ngân hàng thứ hai. Ngân hàng này lại giữ 10% (90 triệu đồng ) làm dự
trữ và cho vay 90% còn lại (810 triệu đồng), cung tiền lại tăng thêm 810 triệu đồng.
Quá trình tiếp tục diễn ra: mỗi lần sau khi tiền mặt được gửi vào ngân hàng, nó lại
được ngân hàng cho vay một phần. Cứ như vậy lượng tiền trong nền kinh tế ngày càng
tăng. Vậy thì cuối cùng có bao nhiêu tiền được tạo ra trong nền kinh tế? Bây giờ chúng ta
có thể cộng các khoản tiền gửi nêu trên lại với nhau:

Số tiền gửi ban đầu = 1000

Số tiền cho vay ra của ngân hàng thứ nhất = 900 [=0,9 x 1000]

Số tiền cho vay ra của ngân hàng thứ hai = 810 [=0,9 x 900]

....

Tổng lượng tiền tăng lên = 10.000

Như vậy quá trình tạo tiền này không thể tiếp diễn vô hạn: Lượng tiền bổ sung ngày
càng giảm dần. Nếu chúng ta cộng tất cả các con số trong ví dụ trên, chúng ta thấy với
1000 triệu đồng mà ngân hàng trung ương mới bơm thêm vào lưu thông lượng tiền trong
nền kinh tế tăng 10.000 triệu đồng. Lượng tiền trong nền kinh tế tăng thêm do hoạt động
của hệ thống ngân hàng tạo ra từ 1 đồng mà ngân hàng trung ương bơm vào lưu thông
được gọi là số nhân tiền. Trong nền kinh tế giản đơn mà chúng ta đang mô tả thì việc cơ
sở tiền tệ tăng thêm 1000 triệu đồng đã làm cung tiền tăng 10.000 triệu đồng, và như vậy
số nhân tiền là 10.
3. Mô hình về cung tiền
Bây giờ chúng ta xem xét hiện tượng mở rộng lượng tiền so với cơ sở tiền tệ do hoạt
động của các ngân hàng dự trữ một cách thận trọng hơn. Như chúng ta đã biết cơ sở tiền
tệ (Monetary Base-B) là lượng tiền do ngân hàng trung ương phát hành. Một phần của cơ
sở tiền tệ được giữ bởi công chúng dưới dạng tiền mặt (Currency in circulation – Cu) và
số còn lại nằm trong hệ thống ngân hàng dưới dạng dự trữ (Reserve- R). Do đó, chúng ta
có thể viết:
B = Cu + R (1)

Nhớ lại rằng

MS = Cu + D (2)

Bây giờ chúng ta định nghĩa tỷ lệ tiền mặt ngoài ngân hàng so với tiền gửi (cr)như sau :
cr = Cu / D

Và tỷ lệ dự trữ thực tế của các ngân hàng thương mại là


Rr = R /D

cr và rr mô tả hành vi của công chúng và các ngân hàng. Bây giờ chúng ta có thể sử dụng
các phương trình này để thấy được cung tiền phụ thuộc ra sao vào hai biến này và cơ sở
tiền tệ. Đầu tiên chúng ta chia phương trình thứ hai cho phương trình thứ nhất:

MS/B = (Cu +D) / (Cu+R)

 MS = [(Cu+D) / (Cu+R)]B

Bây giờ chia cả tử số và mẫu số cho D chúng ta nhận được :

mức độ khuyếch đại của mỗi đồng cơ sở tiền tệ để tạo thành cung tiền lớn hơn. Như vậy,
mỗi đơn vị cơ sở tiền tệ tạo ra mM đơn vị tiền tệ. Chính vì ảnh hưởng này, cho nên đôi khi
cơ sở tiền tệ còn được gọi là tiền mạnh (High-powered money). Hình 7-1 minh họa mối
quan hệ này.

Hình 7-1 Cơ sở tiền tệ và cung tiền

Theo mô hình trên; giá trị của số nhân tiền phụ thuộc vào hai nhân tố:

Tỷ lệ dự trữ thực tế của các ngân hàng thương mại , rr


Tỷ lệ tiền mặt so với tiền gửi, cr
Cả hai nhân tố này đều ảnh hưởng ngược chiều đến số nhân tiền. Lưu ý nếu tỷ lệ tiền
mặt so với tiền gửi là 0, một tình huống giả định trong đó không hề có tiền mặt rò rỉ
ngoài hệ thống ngân hàng và mọi giao dịch đều thực hiện thông qua hình thức chuyển
khoản qua hệ thống ngân hàng; thì số nhân tiền có giá trị là 1/rr, đúng như kết quả nhận
được trong ví dụ ở trên.
Bây giờ chúng ta có thể thấy những thay đổi trong ba biến ngoại sinh (B,rr và cr) làm
cho cung tiền thay đổi như thế nào.

Cơ sở tiền tệ

Cơ sở tiền tệ hay tiền mạnh bao gồm toàn bộ tiền mặt (tiền giấy và tiền xu ) và tiền gửi
của các ngân hàng thương mại ở ngân hàng trung ương. Một phần tiền mặt do công
chúng nắm giữ, phần còn lại đang nằm trong két của các ngân hàng thương mại. Ngân
hàng trung ương kiểm soát cung tiền chủ yếu thông qua việc kiểm soát cơ sở tiền tệ.
Cung tiền tỷ lệ thuận với cơ sở tiền tệ. Vì vậy sự gia tăng cơ sở tiền tệ làm tăng cung tiền
theo một tỷ lệ.
Tỷ lệ dự trữ

Dự trữ của ngân hàng (thương mại ) bao gồm tiền giấy và tiền xu do ngân hàng giữ và
tiền gởi của ngân hàng tại ngân hàng trung ương. Các ngân hàng phải có dự trữ để đáp
ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.
Tỷ lệ dự trữ thực tế được quy định bởi 2 nhân tố. Nhân tố thứ nhất là tỷ lệ dự trữ bắt buộc
(rrr), tức là tỷ lệ dự trữ tối thiểu mà các ngân hàng thương mại phải chấp hành theo quy
định của ngân hàng trung ương. Việc áp đặt dự trữ bắt buộc một mặt để đảm bảo cho các
ngân hàng luôn có tiền mặt khi khách hàng yêu cầu, mặt khác đây chính là một công cụ
mà ngân hàng trung ương có thể sử dụng để kiểm soát cung tiền. Nhân tố thứ hai là các
ngân hàng có thể muốn dự trữ cao hơn mức dự trữ tối thiểu, thường được gọi là dự trữ
dôi ra. Đối với một ngân hàng, việc quyết định nắm giữ bao nhiêu dự trữ dôi ra là một
vấn đề kinh tế giống như một việc cá nhân quyết định nắm giữ bao nhiêu tiền cho động
cơ dự phòng. Lợi ích của dự trữ thêm là ngân hàng luôn có thể đáp ứng ngay lập tức nhu
cầu rút tiền của khách hàng, làm giảm chi phí giao dịch đối với khách hàng và cũng cố
niềm tin vào hoạt động ngân hàng. Mức dự trữ dôi ra thường cao khi hoạt động gửi tiền
và rút tiền diễn ra thường không thể dự tính được.
Khi lãi suất thị trường tăng lên, các ngân hàng có xu hướng giữ ít dự trữ hơn và giảm
lượng dự trữ dôi ra xuống mức thấp hơn. Điều này có nghĩa rằng cung tiền có thể là hàm
của lãi. Tuy nhiên để đơn giản cho việc mô hình hóa, chúng ta thường bỏ qua ảnh hưởng
này. Các nhân tố như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tính bất định của các giao dịch ngân hàng tăng
lên sẽ làm tăng tỷ lệ dự trữ.
Khi tỷ lệ dự trữ càng thấp, ngân hàng càng cho vay nhiều và do đó tạo thêm càng
nhiều tiền từ mỗi đơn vị tiền gửi. Do đó, sự cắt giảm tỷ lệ dự trữ thực tế của các ngân
hàng thương mại sẽ làm tăng số nhân cung tiền.
Tỷ lệ tiền mặt ngoài ngân hàng so với tiền gửi

Khi tỷ lệ tiền mặt ngoài ngân hàng so với tiền gửi càng thấp, công chúng càng giữ ít tiền
mặt và gửi nhiều tiền vào các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ cho vay được nhiều hơn và
kết quả là cả số nhân tiền và cung tiền đều tăng.
Thói quen thanh toán của công chúng quyết định tỷ lệ tiền mạt nắm giữ so với tiền gửi.
Chi phí và sự thỏa thuận để nhận được tiền mặt có ảnh hưởng đến tỷ lệ tiền mặt so với
tiền gửi. Tỷ lệ tiền mặt so với tiền gửi cũng có tính thời vụ. Tỷ lệ này rất cao vào các diệp
lễ tết hội hè.
Nhờ mô hình này, chúng ta có thể thảo luận cách thức mà ngân hàng trung ương tác động
tới cung tiền trong nền kinh tế.

4. Ngân hàng trung ương và các công cụ điều tiết cung tiền
Ngân hàng trung ương là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và có chức năng điều
hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, ngân hàng nhà nước Việt Nam
đóng vai trò là một ngân hàng trung ương.
Ngân hàng trung ương có hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là điều tiết các hoạt động
ngân hàng và đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng trung ương
thường xuyên giám sát tình hình tài chính của các ngân hàng và tạo môi trường thuận lợi
cho các giao dịch ngân hàng bằng thanh toán liên ngân hàng. Ngoài ra ngân hàng trung
ương có thể cho các ngân hàng thương mại vay khi các ngân hàng này có nhu cầu. Khi
các ngân hàng gặp khó khăn về mặt tài chính như thiếu hụt tiền mặt, thì ngân hàng trung
ương đóng vai trò là người cho vay cuối cùng để duy trì sự ổn định trong toàn bộ hệ
thống ngân hàng. Nhiệm vụ thứ hai và quan trọng hơn của ngân hàng trung ương là kiểm
soát lượng tiền cung ứng. Các quyết định được đưa ra bởi các nhà hoạch định chính sách
có liên quan đến cung tiền được gọi là chính sách tiền tệ. Thông qua nghiệp vụ thị trường
mở, các quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiếc khấu (lãi suất cho các ngân hàng
thương mại vay), ngân hàng trung ương có khả năng kiểm soát cung tiền và các điều kiện
tín dụng của một quốc gia. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét tác động của các công cụ này tới
cung tiền.
Nghiệp vụ thị trường mở Ngân hàng trung ương thực hiện nghiệp vụ thị trường mở khi
nó mua hoặc bán trái phiếu chính phủ cho công chúng. Khi mua trái phiếu chính phủ,
ngân hàng trung ương phải trả cho những người bán trái phiếu một lượng tiền đúng bằng
giá trị các trái phiếu chính phủ mua vào. Kết quả là cơ sở tiền tệ tăng lên một lượng
tương ứng. Do cơ sở tiền tệ tăng, cung tiền cho nền kinh tế sẽ tăng. Ngược lại khi ngân
hàng trung ương bán trái phiếu chính phủ, những người mua trái phiếu sẽ trả một khoản
tiền tương ứng cho ngân hàng trung ương. Kết quả là một lượng tiền tương ứng “bị rút
khỏi” lưu thông, tức là cơ sở tiền tệ giảm. Do cơ sở tiền tệ giảm, lượng cung tiền trong
nền kinh tế giảm.
Chúng ta cần lưu ý rằng, chỉ khi ngân hàng trung ương mua hoặc bán trái phiếu cảu
chính phủ mới làm thay đổi cơ sở tiền tệ. Hoạt động mua bán trái phiếu của các ngân
hàng thương mại không làm thay đổi cơ sở tiền tệ do vậy không làm thay đổi cung tiền
nếu tỷ lệ dự trữ và tỷ lệ tiền mặt so với tiền gửi không đổi.

Bên cạnh nghiệp vụ thị trường mở, ngân hàng trung ương đôi khi còn mua hay bán
ngoại tệ nhằm tác động tới tỷ giá hối đoái. Các hoạt động trên thị trường ngoại hối này
cũng có tác động tới cơ sở tiền tệ tương tự như mua bán trái phiếu chính phủ. Chi tiết về
các giao dịch này sẽ được giới thiệu trong chương 10 khi bàn về kinh tế vĩ mô của nền
kinh tế mở.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngân hàng trung ương cũng có thể tác động tới cung ứng tiền
tệ thông qua tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc ảnh hưởng đến lượng tiền mà hệ
thống ngân hàng có thể tạo ra từ mỗi đồng dự trữ. Sự gia tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hàm
ý các ngân hàng phải dự trữ nhiều hơn, do đó vay ít hơn từ mỗi đồng mà nó nhận được
dưới dạng tiền gửi. Kết quả là nó làm tăng tỷ lệ dự trữ, làm giảm số nhân tiền. Ngược lại,
biện pháp cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc làm tăng số nhân tiền và cung tiền.
Nhìn chung các ngân hàng trung ương rất ít khi thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc bởi vì sự
thay đổi thường xuyên có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng.
Ví dụ, khi ngân hàng trung ương tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, một số ngân hàng nhận thấy
họ bị thiếu hụt dự trữ, mặt dù họ không thấy có sự biến động nào trong tiền gửi. Trong
trường hợp như vậy, họ phải từ chối cho vay cho đến khi tạo ra đủ mức dự trữ theo quy
định mới.

Lãi suất chiết khấu. Công cụ thứ ba mà ngân hàng trung ương có thể sử dụng để kiểm
soát cung tiền là lãi suất chiết khấu, tức lãi suất mà ngân hàng trung ương áp dụng khi
cho các ngân hàng thương mại vay tiền. Khi không đủ dự trữ bắt buộc, ngân hàng thương
mại phải vay tiền của ngân hàng trung ương. Tình huống này có thể xảy ra bởi vì ngân
hàng đã cho vay quá nhiều hoặc bởi vì có quá nhiều các khoản tiền được rút ra. Khi ngân
hàng trung ương cho một ngân hàng vay tiền, hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều dự trữ hơn
và họ có thể tạo ra nhiều tiền hơn.
Ngân hàng trung ương có thể thay đổi cung ứng tiền tệ bằng cách thay đổi lãi suất
chiết khấu. Lãi suất chiết khấu càng cao, các ngân hàng càng ít vay tiền của ngân hàng
trung ương để bù đắp dự trữ. Đồng thời để có thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền của
khách hàng trong khi ít vay tiền hơn từ ngân hàng trung ương, các ngân hàng thương mại
có xu hướng tăng tỷ lệ dự trữ và làm giảm số nhân tiền. Bởi vậy, biện pháp tăng suất
chiết khấu có xu hướng làm giảm cơ sở tiền tệ và số nhân tiền, dẫn đến cung ứng tiền tệ
giảm. Ngược lại biện pháp giảm lãi suất chiết khấu sẽ khuyến khích các ngân hàng vay
tiền nhiều hơn từ ngân hàng trung ương và dự trữ với tỷ lệ thấp hơn, dẫn tới cơ sở tiền tệ
và số nhân tiền tăng và cung ứng tiền tệ tăng.

Ngân hàng trung ương sử dụng hình thức cho vay chiết khấu không chỉ để kiểm soát
cung ứng tiền tệ, mà còn nhằm giúp đỡ các tổ chức tài chính khi họ rơi vào tình thế khó
khăn. Ví dụ vào năm 2005, mọi người đồn rằng ngân hàng cổ phần Phương Nam có rất
nhiều khoản nợ khó đòi và rất nhiều người gởi tiền đã rút tiền ra. Để cứu ngân hàng này,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoạt động với tư cách người cho vay cuối cùng.
Như vậy ngân hàng trung ương có thể tác động tới cung tiền thông qua 3 công cụ chủ
yếu là nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất chiết khấu và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trong 3 công
cụ này, nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng rộng rãi nhất. Ở các nước phát triển, hoạt
động thị trường mở diễn ra thường xuyên. Đó là công cụ có tác động nhanh nhất và hiệu
quả nhất. Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc được biết đến như công cụ mà ngân hàng trung ương
thường sử dụng vào thời điểm có khủng hoảng, khi mà các ngân hàng đã cho vay quá
nhiều.

Tuy nhiên cần lưu ý, ngân hàng trung ương không bao giờ có thể kiểm soát được
lượng tiền cung ứng một cách hoàn hảo, bởi ngân hàng trung ương không thể chi phối
trực tiếp mọi nhân tố của số nhân tiền.
Thứ nhất, ngân hàng trung ương không kiểm soát được số lượng tiền mà các hộ gia
đình nắm giữ dưới dạng tiền gửi tại các ngân hàng. Khi các hộ gia đình và doanh nghiệp
giữ ít tiền mặt hơn và gửi nhiều tiền vào ngân hàng hơn, thì các ngân hàng sẽ cho vay
được nhiều hơn và do đó càng tạo thêm nhiều tiền hơn. Để thấy rõ tại sao đây lại là một
vấn đề của ngân hàng trung ương, chúng ta hay giả sử rằng vào một ngày nào đó người
dân mất niềm tin vào hoạt động của hệ thống ngân hàng và vì vậy họ quyết định rút tiền
ra khỏi các ngân hàng và giữ nhiều tiền mặt hơn. Khi điều này xảy ra, dự trữ của hệ thống
ngân hàng giảm đi và lượng tiền tạo ra từ chúng cũng giảm. Cho dù không có bất kỳ sự
can thiệp nào của ngân hàng trung ương, cung tiền vẫn giảm.

Thứ hai, trong việc kiểm soát cung tiền ngân hàng trung ương cũng không thể kiểm
soát được lượng tiền mà các ngân hàng cho vay. Khi tiền được gửi vào một ngân hàng,
thì cung tiền chỉ tăng thêm một khi ngân hàng này cho vay một phần số tiền đó. Bởi vì
các ngân hàng có thể quyết định nắm giữ những khoản dự trữ dôi ra, nên ngân hàng trung
ương không thể nắm chắc được sẽ có bao nhiêu tiền mà hệ thống ngân hàng này tạo ra.
Ví dụ, giả sử các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong kinh doanh bởi các điều kiện
kinh tế không thuận lợi, vì vậy họ quyết định cho vay ít hơn và giữ nhiều dự trữ hơn. Với
quyết định này của ngân hàng cung tiền này sẽ giảm.
Vì vậy trong hệ thống ngân hàng dự trữ một phần, số lượng tiền trong nền kinh tế phụ
thuộc một phần vào hành vi của những người gởi tiền vào các ngân hàng. Vì ngân hàng
trung ương không thể kiểm soát được hoặc không dự đoán được các hành vi này, nên nó
không thể kiểm soát cung tiền một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu ngân hàng trung ương
chú ý đến những vấn đề này, thì chúng thực ra không phải là những vấn đề lớn. Hàng
tuần ngân hàng trung ương đều thu nhập dữ liệu về các khoản tiền gởi và dữ liệu từ các
ngân hàng, chính vì vậy ngân hàng trung ương có thể nhanh chóng nhận ra bất kỳ sự thay
đổi nào về hành vi của người gởi tiền vào các ngân hàng. Do đó, nó có thể phản ứng lại
những thay đổi này và duy trì cung tiền sát với mức mà nó lựa chọn.

You might also like