You are on page 1of 16

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

BÀI TẬP LỚN MÔN TRIẾT HỌC MÁC – LÊNIN


Đề tài: “ Quan điểm biện chứng duy vật về mối quan hệ giữa lượng và
chất và ý nghĩa của nó đối với nghiên cứu, học tập của sinh viên ”

Họ và tên: Lê Thị Ánh Nguyệt


Mã số sinh viên: 11202926 - 18
Lớp TC: Triết học Mác - Lênin(220)_22
GV hướng dẫn: TS. Lê Thị Hồng

Thanh Hoá, ngày 15 tháng 5 năm 2021


A – Lời mở đầu
Phép duy vật biện chứng được xây dựng trên cơ sở một hệ thống những nguyên
lý, những phạm trù cơ bản, những quy luật phổ biến phản ánh đúng đắn hiện thực.
Các quy luật cơ bản của phép duy vật biện chứng phản ánh sự vận động phát triển
dưới những phương diện cơ bản nhất. Quy luật chuyển hoá “ từ những sự thay đổi
về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại” là một trong ba quy luật cơ bản
của phép duy vật biện chứng. Quy luật này chỉ rõ cách thức của sự phát triển của sự
vật hiện tượng.
Hiện nay, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng có rất nhiều tệ nạn, bị
tha hoá nghiêm trọng do họ không có mục đích học tập đúng đắn, chưa xác định
được hay còn mơ hồ “ học để làm gì ?”. Đối với thanh niên – những chủ nhân tương
lai của đất nước, việc học tập trau dồi kiến thức là rất quan trọng và cần thiết, chỉ
khi trang bị được đầy đủ kiến thức thì mới có thể thực hiện được trọng trách của
mình.
Do đó , thế hệ chúng em, những tài năng trẻ của đất nước, ngay từ bây giờ phải
có sự hiểu biết, đặc biệt là quan hệ biện chứng giữa lượng và chất, để rút ra những
bài học cho chính bản thân mình.
Vì vậy, trong phạm vi tiểu luận này, em xin được trình bày “ Quan điểm biện
chứng duy vật về mối quan hệ giữa lượng và chất và ý nghĩa của nó đối với nghiên
cứu, học tập của sinh viên”.

B – Nội dung
I. Quan điểm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa lượng và
chất
1. Khái niệm về chất:
a. Khái niệm về chất:
Bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng bao gồm mặt chất và mặt lượng. Hai
mặt đó thống nhất hữu cơ với nhau trong sự vật, hiện tượng.
Chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có
của sự vật; là sự thống nhất hữu cơ của các thuộc tính, yếu tố tạo nên sự vật,
hiện tượng, làm cho sự vật, hiện tượng là nó chứ không phải sự vật, hiện
tượng khác.

1
Ví dụ: chất của ớt là cay; chất của chanh là chua…
b. Một số điều cần lưu ý:
Chất biểu hiện tính ổn định tương đối của sự vật, hiện tượng là cái vốn có
và không tách rời sự vật, hiện tượng. Do đó không thể có chất tồn tại “ thuần
tuý” hoặc phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của con người như các nhà triết
học duy tâm chủ quan quan niệm.
Chất của sự vật, hiện tượng được biểu hiện qua những thuộc tính của nó.
Nhưng không phải bất kỳ thuộc tính nào cũng biểu hiện chất của sự vật, hiện
tượng mà chỉ có những thuộc tính cơ bản mới tổng hợp lại tạo thành chất của
sự vật, hiện tượng. Chính chúng quy định sự tồn tại, sự vận động và sự phát
triển của sự vật, hiện tượng. Chỉ khi nào chúng thay đổi hay mất đi thì sự vật,
hiện tượng mới thay đổi hay mất đi.
Mặt khác, thuộc tính của sự vật, hiện tượng chỉ bộc lộ thông qua sự tác
động qua lại với các sự vật. Do đó, sự phân chia thuộc tính thành thuộc tính
cơ bản và thuộc tính không cơ bản cũng chỉ mang tính tương đối. Trong mối
liên hệ cụ thể này, thuộc tính này là thuộc tính cơ bản thể hiện chất của sự vật,
hiện tượng trong mối liên hệ cụ thể khác sẽ có thêm thuộc tính khác hay
thuộc tính khác là thuộc tính cơ bản. Lấy ví dụ về một cái cốc. Trong mối
quan hệ với người uống nước, đáy cốc có lành hay không là thuộc tính cơ bản.
Nhưng trong mối quan hệ với người dùng cốc để úp con bướm, thuộc tính cơ
bản lại là sự trong suốt của thuỷ tinh.
Sự phân biệt giữa chất và thuộc tính cũng chỉ mang tính tương đối. Một
chất có thể có nhiều thuộc tính, nhưng mỗi thuộc tính với tư cách là một sự
vật, hiện tượng thì nó cũng được coi là một chất vì nó lại bao gồm nhiều thuộc
tính khác nhau cấu tạo nên nó. Chẳng hạn, mỗi nguyên tố hoá học là một
chất, nó bao gồm nhiều loại nguyên tử khác nhau. Nhưng mỗi nguyên tử lại
được coi là một chất khác nhau vì đi sâu vào kết cấu của các nguyên tử, những
hạt có điện tích khác nhau cũng được coi là những chất khác nhau.
Chất của sự vật, hiện tượng không những được quy định bởi các yếu tố tạo
thành mà còn bởi phương thức liên kết giữa các yếu tố đó. Trong hiện thực,
các sự vật được tạo thành bởi các yếu tố giống nhau song chất của chúng lại
không giống nhau. Chẳng hạn, đều do nguyên tử Cacbon cấu tạo thành nhưng
do phương thức liên kết giữa các nguyên tử khác nhau nên chất của chúng
khác nhau: kim cương rất cứng còn than chì thì mềm. Hay giữa tập thể mạnh
và tập thể yếu, đều được cấu thành từ các sinh viên nhưng phương thức tổ
chức bộ máy của lớp, phương thức liên kết giữa các sinh viên khác nhau dẫn
đến chất của hai tập thể khác nhau.

2
Mỗi sự vật, hiện tượng đều có quá trình tồn tại, phát triển và trải qua nhiều
giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn phát triển của sự vật, hiện tượng lại có
những chất khác nhau. Mỗi sự vật, hiện tượng không phải chỉ có một chất mà
có nhiều chất. Ví dụ như sự phát triển của một con người. Thời ấu thơ của mỗi
người là một chất. Giai đoạn phát triển cao hơn là mầm non cũng là một chất,
cao hơn nữa là nhi đồng, thiếu niên,.. đều là chất khác nhau.
2. Khái niệm về lượng:
a. Khái niệm về lượng:
Lượng là phạm trù triết học để chí tính quy định vốn có của sự vật, hiện
tượng về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát
triển cũng như các thuộc tính của sự vật, hiện tượng.
b. Một số điều cần lưu ý:
Lượng tồn tại khách quan, gắn liền với chất của sự vật, hiện tượng. Bất kì
sự vật, hiện tượng nào cũng có lượng, vì lượng là một dạng vật chất, chiếm
một vị trí nhất định trong không gian và tồn tại trong một thời gian nhất định.
Đặc trưng của lượng được biểu thị bằng con số hoặc các đại lượng chỉ kích
thước dài hay ngắn, quy mô lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, nhịp điệu
nhanh hay chậm…
Ví dụ: vận tốc của ánh sáng là 299.792.458 m/s; nguyên tử đồng có nguyên
tử khối là 64 đvC…
Nhưng đối với các sự vật phức tạp không thể chỉ diễn tả bằng những con số
chính xác, mà còn phải được nhận thức bằng cách trừu tượng và khái quát.
Ví dụ: trình độ tri thức khoa học của một người; ý thức trách nhiệm cao hay
thấp của một công dân…
Có những lượng biểu thị yếu tố quy định kết cấu bên trong của sự vật ( số
lượng nguyên tử hợp thành nguyên tố hoá học, số lượng lĩnh vực cơ bản của
đời sống xã hội..), có những lượng vạch ra yếu tố quy định bên ngoài của sự
vật ( chiều dài, chiều rộng, chiều cao của sự vật…).
Lượng là mặt thường xuyên biến đổi của sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn, từ
khi học môn Triết học Mác- Lênin, kiến thức, kĩ năng, thời gian học đã tăng
lên, lượng đã thay đổi nhưng chất chưa thay đổi căn bản.
Sự phân biệt giữa chất và lượng chỉ có ý nghĩa tương đối, tuỳ theo từng mối
quan hệ mà xác định đâu là lượng và đâu là chất; cái là lượng trong mối quan
hệ này có thể là chất trong mối quan hệ khác và ngược lại. Chẳng hạn, các con
số là sự quy định về mặt lượng. Nhưng những con số khác nhau lại biểu thị
chất khác nhau. Con số 6 chỉ sự phát triển của lượng từ một đến sáu, nhưng số
6 lại là chất khác so với 5, 4 ,3,…
3. Mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng:

3
Bất kỳ sự vật hay hiện tượng nào cũng là sự thống nhất giữa mặt chất và
mặt lượng, chúng tác động qua lại lẫn nhau. Trong sự vật, hiện tượng quy
định về lượng không bao giờ tồn tại nếu không có quy định về chất và ngược
lại.
Sự thay đổi về lượng và chất của sự vật, hiện tượng diễn ra cùng với sự vận
động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Nhưng sự thay đổi đó có quan hệ
chặt chẽ với nhau chứ không tách rời nhau. Sự thay đổi về lượng của sự vật,
hiện tượng có ảnh hưởng đến sự thay đổi về chất của nó và ngược lại, sự thay
đổi về chất của sự vật, hiện tượng tương ứng với sự thay đổi về lượng của nó.
a. Lượng thay đổi dẫn đến sự thay đổi về chất:
Sự thay đổi về lượng có thể làm cho chất biến đổi theo. Nhưng không phải
bất cứ sự thay đổi nào về lượng cũng ngay lập tức làm thay đổi căn bản chất
của sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn, khi ta nung một thỏi thép đặc biệt ở trong
lò, nhiệt độ của lò nung có thể lên tới hàng trăm độ, thậm chí hàng nghìn độ
nhưng thỏi thép vẫn ở trạng thái rắn chứ chưa chuyển sang trạng thái lỏng.
Chỉ khi nào lượng thay đổi đến giới hạn nhất định ( đến độ) mới dẫn đến sự
thay đổi căn bản về chất.
Độ là phạm trù dùng để chỉ sự thống nhất giữa lượng và chất, nó là
khoảng giới hạn mà trong đó, sự thay đổi về lượng ( hoặc tăng hoặc giảm)
chưa làm thay đổi căn bản về chất của sự vật, hiện tượng.
Sự vận động, biến đổi của sự vật, hiện tượng thường bắt đầu từ sự thay đổi
về lượng. Khi lượng thay đổi đến một giới hạn nhất định sẽ dẫn đến sự thay
đổi căn bản về chất. Giới hạn đó chính là điểm nút.
Điểm nút là phạm trù triết học dùng để chỉ điểm giới hạn mà tại đó sự thay
đổi về lượng đã đủ làm thay đổi về chất của sự vật, hiện tượng.
Sự vật tích luỹ đủ về lượng tại điểm nút sẽ làm cho chất của sự vật, hiện
tượng thay đổi, chuyển thành chất mới. Bất kỳ độ nào cũng được giới hạn bởi
hai điểm nút.
Bước nhảy là phạm trù triết học dùng để chỉ sự chuyển hoá về chất của sự
vật, hiện tượng do sự thay đổi về lượng của sự vật, hiện tượng trước đó gây
ra.
Bước nhảy là sự kết thúc một giai đoạn phát triển của sự vật, hiện tượng và
là điểm khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới. Nó là sự gián đoạn trong
quá trình vận động và phát triển liên tục của sự vật, hiện tượng. Có thể nói,
trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng, sự gián đoạn là tiền đề cho sự
liên tục và sự liên tục là sự kế tiếp của hàng loạt sự gián đoạn.
Ví dụ: Trong xã hội tư bản chủ nghĩa có sự đấu tranh giữa các giai cấp
(mầm mống là chủ nghĩa cộng sản). Trong quá trình đấu tranh này được hiểu

4
là độ. Cuộc đấu tranh diễn ra đến đỉnh điểm: điểm nút. Khi chủ nghĩa tư bản
bị lật đổ và chủ nghĩa cộng sản lên thay thế thì được gọi là bước nhảy.
Như vậy, sự phát triển của bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng bắt đầu từ sự
tích luỹ về lượng trong độ nhất định cho tới điểm nút để thực hiện bước nhảy
về chất. Song điểm nút của quá trình ấy không cố định mà có thể có những
thay đổi. Sự thay đổi ấy do tác động của những điều kiện khách quan và chủ
quan quy định.
b. Chất thay đổi dẫn đến sự thay đổi về lượng:
Sự thay đổi về chất tác động đối với sự thay đổi về lượng. Sự tác động của
chất đối với lượng rõ nét nhất khi xảy ra bước nhảy về chất, chất mới thay thế
chất cũ, nó quy định quy mô và tốc độ phát triển của lượng mới trong một độ
mới. Khi chất mới ra đời, nó không tồn tại một cách thụ động mà có sự tác
động trở lại đối với lượng, được biểu hiện ở chỗ: chất mới sẽ tạo ra một lượng
mới phù hợp với nó để có sự thống nhất giữa chất và lượng. Sự quy định này
có thể được biểu hiện ở quy mô, nhịp độ và mức độ phát triển mới của lượng.
Chẳng hạn, khi sinh viên vượt qua điểm nút là kì thi tốt nghiệp, tức là thực
hiện bước nhảy, sinh viên sẽ nhận được bằng cử nhân. Trình độ văn hoá của
sinh viên đã cao hơn trước và sẽ tạo điều kiện cho họ thay đổi trình độ nhận
thức, phát triển, giúp họ tiến lên trình độ cao hơn.
Như vậy, không chỉ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về
chất mà những thay đổi về chất cũng dẫn đến những thay đổi về lượng.
c. Các hình thức cơ bản của bước nhảy:
Tuỳ vào sự vật, hiện tượng tuỳ vào mâu thuẫn vốn có của chúng và vào
điều kiện, trong đó diễn ra sự thay đổi về chất của sự vật, hiện tượng mà có
nhiều hình thức bước nhảy.
Căn cứ vào quy mô và nhịp độ của bước nhảy, có bước nhảy toàn bộ và
bước nhảy cục bộ:
Bước nhảy toàn bộ làm cho tất cả các mặt, các bộ phận, các yếu tố... của sự
vật, hiện tượng thay đổi. Ví dụ: học sinh vượt qua kì thi tốt nghiệp là bước
nhảy toàn bộ.
Bước nhảy cục bộ chỉ làm thay đổi một số mặt, một số yếu tố, một số bộ
phận… của chúng. Ví dụ: sinh viên thi qua môn là bước nhảy cục bộ.
Căn cứ vào thời gian của sự thay đổi về chất và dựa trên cơ chế của sự thay
đổi đó, ta có thể chia thành bước nhảy tức thời và bước nhảy dần dần:
Bước nhảy tức thời làm chất của sự vật, hiện tượng biến đổi mau chóng ở
tất cả các bộ phận của nó. Chẳng hạn, phản ứng hạt nhân ( Ur 235 đạt đến
khối lượng tới hạn sẽ xảy ra vụ nổ hạt nhân) diễn ra rất nhanh và nhanh chóng
làm thay đổi chất của sự vật.

5
Bước nhảy dần dần là quá trình thay đổi về chất diễn ra bằng cách tích luỹ
dần những yếu tố của chất mới và loại bỏ dần các yếu tố của chất cũ, trong
trường hợp này sự vật biến đổi chậm hơn. Chẳng hạn, quá trình cách mạng
đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên CNXH là một thời kỳ lâu
dài, qua nhiều bước nhảy dần dần : cả tuần tự, lẫn nhảy vọt.
Song cần lưu ý rằng, bước nhảy dần dần khác với sự thay đổi dần dần về
lượng của sự vật, hiện tượng. Bước nhảy dần dần là sự chuyển hoá dần dần từ
chất này sang chất khác, còn sự thay đổi dần dần về lượng là sự tích luỹ liên
tục về lượng để đến một giới hạn nhất định sẽ chuyển hoá về chất.
Khi xem xét sự thay đổi về chất của xã hội, người ta còn chia sự thay đổi
đó thành thay đổi có tính chất cách mạng và thay đổi có tính chất tiến hoá:
Cách mạng là sự thay đổi mà trong quá trình đó diễn ra sự biến đổi căn bản
về chất của sự vật, hiện tượng không phụ thuộc vào hình thức biến đổi của nó.
Tiến hoá là sự thay đổi về lượng với những biến đổi nhất định về chất
không căn bản của sự vật, hiện tượng.
Song cần lưu ý rằng, chỉ có sự thay đổi căn bản về chất mang tính tiến bộ,
đi lên mới được gọi là cách mạng. Nếu sự thay đổi cơ bản về chất làm cho xã
hội thụt lùi thì lại là phản cách mạng.
d. Tổng kết mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng:
Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng là sự thống nhất giữa chất và lượng. Sự
thay đổi về lượng nào cũng tất yếu dẫn đến sự thay đổi về chất. Nhưng không
phải bất cứ sự thay đổi về lượng nào cũng dẫn đến sự thay đổi căn bản về
chất. Sự thay đổi dần dần về lượng vượt quá giới hạn độ tới điểm nút sẽ dẫn
đến sự thay đổi căn bản về chất của sự vật, hiện tượng thông qua bước nhảy;
đồng thời chất mới sẽ tác động trở lại lượng, tạo ra những biến đổi mới về
lượng của sự vật, hiện tượng. Quá trình tác động đó diễn ra liên tục làm cho
sự vật, hiện tượng không ngừng vận động và phát triển.
4. Ý nghĩa phương pháp luận:
Từ việc nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng có thể rút
ra các kết luận có ý nghĩa phương pháp luận sau đây:
Thứ nhất, trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn phải tôn trọng
quy luật, biết từng bước tích luỹ về lượng để có biến đổi về chất. Trong hoạt
động của mình, ông cha ta đã rút ra những tư tưởng sâu sắc như “ tích tiểu
thành đại”, “ góp gió thành bão”… Những việc làm vĩ đại của con người bao
giờ cũng là sự tổng hợp của những việc làm bình thường của con người đó.
Phương pháp này giúp cho chúng ta tránh được tư tưởng chủ quan, duy ý chí,
nôn nóng, “ đốt cháy giai đoạn” muốn thực hiện những bước nhảy liên tục.
Thứ hai, khi đã tích luỹ đủ về lượng, phải có quyết tâm thực hiện bước
nhảy, chống tư tưởng bảo thủ, chờ đợi không dám thực hiện bước nhảy hoặc
6
kéo dài sự tích luỹ, chỉ nhấn mạnh đến sự biến đổi dần dần về lượng sẽ kìm
hãm sự phát triển của sự vật.
Thứ ba, biết vận dụng linh hoạt các hình thức bước nhảy trong cuộc sống.
Sự vận dụng này tuỳ thuộc vào việc phân tích đúng đắn những điều kiện
khách quan và nhân tố chủ quan tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, từng điều
kiện cụ thể hay quan hệ cụ thể. Mặt khác, đời sống xã hội của con người rất đa
dạng, phong phú do rất nhiều yếu tố cấu thành, do đó để thực hiện bước nhảy
toàn bộ, trước hết, phải thực hiện những bước nhảy cục bộ làm thay đổi về
chất của từng yếu tố. Bên cạnh đó, sự thay đổi về chất của sự vật, hiện tượng
còn phụ thuộc vào sự thay đổi phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành
sự vật, hiện tượng. Do đó, trong hoạt động phải biết cách tác động vào
phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành sự vật trên cơ sở hiểu rõ bản
chất, quy luật, kết cấu của sự vật. Chẳng hạn, trên cơ sở hiểu biết đúng đắn về
gen, con người có thể tác động vào phương thức liên kết giữa các nhân tố tạo
thành gen, làm cho gen biến đổi.
II. Ý nghĩa của quan điểm biện chứng duy vật về mối quan hệ
giữa chất và lượng với việc nghiên cứu, học tập của sinh viên:
Thế giới luôn luôn vận động không ngừng và phát triển đến một trình độ
mới cao hơn. Đất nước Việt Nam hiện nay đang trên đường tiến lên chủ nghĩa
xã hội với bao nhiêu khó khăn và thử thách trước mắt. Vậy sinh viên- những
chủ nhân tương lai của đất nước đã, đang và sẽ làm gì?
Trước tiên phải nói đến những khó khăn khi mới bước chân vào môi trường
đại học. Đầu tiên, sinh viên được tự do hơn những đồng thời trách nhiệm và
tính tự giác cũng cao hơn. Một phút chơi bời, sa ngã là đi luôn đời sinh viên.
Tiếp đến, chương trình học ở Đại học cũng nặng hơn. So với học ở phổ thông
thì khối lượng kiến thức ở cấp độ Đại học tăng lên và chuyên sâu hơn một
cách đáng kể. Một ví dụ đơn giản, nếu học phổ thông thì một môn học sẽ kéo
dài trong một năm, vì thế khối lượng kiến thức được chia đều ra kiến học sinh
dễ dàng tiếp nhận hơn. Trong khi ở Đại học một môn chỉ kéo dài khoảng 13
buổi học (khoảng 3 tháng). Rõ ràng sự tăng lên đáng kể về số lượng kiến thức
sẽ khiến sinh viên gặp những khó khăn. Chính vì thế sinh viên cần phải chủ
động tìm hiểu và sẵn sàng để thích nghi với sự thay đổi này. Không chỉ khác
biệt về khối lượng kiến thức, học đại học và phổ thông còn có sự khác biệt về
sự đa dạng kiến thức. Tiếp đến là các nhiệm vụ trong học tập, nếu học phổ
thông hoạt động chủ yếu là ở trên lớp còn học đại học còn đi thực tập, thực
nghiệm, bảo vệ đồ án, làm đề tài khoa học... Đây là cơ hội cũng nhưng cũng là
thách thức cho sinh viên. Ở đây là sự khác nhau về bản chất chứ không chỉ là
sự thay đổi về hình thức, bởi vậy có thể nói sự chuyển đổi từ phổ thông lên
Đại học cũng giống như quá trình biến đổi từ lượng thành chất. Bước chân
7
vào một môi trường bỡ ngỡ như vậy, nhiều sinh viên không xác định được
động cơ học tập và phương pháp học đúng đắn cho bản thân. Học như thế nào,
học ra sao cho hiệu quả và đạt được mục tiêu không phải là dễ. Vì vậy mỗi
sinh viên cần phải hiểu rõ và vận dụng tốt mối quan hệ biện chứng giữa chất
và lượng. Chỉ khi nào làm được như vậy sinh viên mới hy vọng đạt được
những thành tích rực rỡ trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình.
Việc xác định động cơ học tập cho bản thân là vô cùng quan trọng. Trong
môi trường đòi hỏi phải tự giác học tập thì động cơ chính là mồi lửa châm
ngòi cho sức mạnh, niềm đam mê học tập của mỗi chúng ta. Động cơ là kim
chỉ nam xác định hành động và quy định thái độ của con người đối với hành
động ấy. Ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần phải xác định mình “ học
làm gì?”, “ học cho ai?”, “ học vì cái gì?”. Việc hình thành động cơ học tập
cần phải đi sâu vào tư tưởng của mỗi sinh viên. Có thể nói, hình thành động
cơ học tập đúng đắn là tính chất quyết định nội dung, hình thức, phương
hướng học tập tốt.
Sau khi hình thành động cơ học tập thành công thì bước tiếp theo là xác
định phương pháp học đúng đắn. Nếu phương pháp học tập chính xác thì với
động cơ có sẵn sẽ giúp ta như bay về đích, luôn luôn hứng thú, hăng say học
tập, cháy hết mình sự nghiệp, sứ mệnh làm sinh viên.
* Thứ nhất, phải biết từng bước tích luỹ kiến thức, không thể vội vàng, nôn
nóng.
Theo quy luật lượng- chất, sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng
bao giờ cũng diễn ra bằng cách tích lũy dần dần về lượng đến một giới hạn
nhất định, thực hiện bước nhảy để chuyển về chất và việc học tập của sinh
viên cũng không nằm ngoài điều đó. Để có một tấm bằng Đại học chúng ta
cần phải tích lũy đủ số lượng các tín chỉ của các học phần theo quy định. Tuy
nhiên, việc tích luỹ kiến thức ở bậc đại học có sự khác biệt về chất so với học
phổ thông. Sự khác biệt đó nằm ở chỗ, sinh viên không chỉ tiếp thu kiến thức
một cách đơn thuần mà còn phải tự mình tìm tòi, nghiên cứu, dựa trên những
kĩ năng mà giảng viên đã cung cấp. Việc tiếp thu kiến thức diễn ra dưới nhiều
hình thức đa dạng và phong phú hơn, từ cơ bản đến chuyên sâu, từ đơn giản
đến phức tạp. Có thể coi quá trình tích luỹ các tín chỉ của sinh viên chính là
độ, các kì thi chính là điểm nút và việc vượt qua các kì thi chính là bước nhảy,
trong đó bước nhảy quan trọng nhất là kì thi tốt nghiệp. Do đó, trong hoạt
động nhận thức, học tập, sinh viên phải biết từng bước tích lũy về  lượng ( tri
thức) làm biến đổi về chất ( kết quả học tập) theo quy luật. Cần học tập chăm
chỉ, đều đặn hàng ngày để có thể thấm nhuần kiến thức. Nhiều sinh viên hiện
nay đang gặp phải tình trạng “ nước đến chân mới nhảy”, gấp rút ôn tập khi
các kì thi đến gần trong khi trong quá trình học tập không chịu học hành chăm
8
chỉ, chơi bời lêu lổng. Điều đó dẫn đến tình trạng kết quả thi không cao, hoặc
học vẹt- không có lượng mà cũng chẳng có chất. Vì vậy, cần tránh tình trạng
gấp rút trong thi cử, và chăm chỉ học tập, rèn luyện mỗi ngày, tích luỹ kiến
thức từng chút một, “ tích tiểu thành đại”. Bên cạnh đó, cũng cần tránh tư
tưởng chủ quan, nóng vội trong học tập và trong hoạt động thực tiễn hàng
ngày.
Sau 4 năm học tập và rèn luyện chăm chỉ để tích lũy kiến thức, tích lũy
kinh nghiệm qua thầy cô, qua những lần đi thực tập...( lượng) và tốt nghiệp
Đại học đạt  kết quả cao, mỗi sinh viên đều ở trên nền tảng mới, trình độ cũng
như quy mô nhận thức của sinh viên cũng thay đổi, tiếp tục hướng đến tầm tri
thức cao hơn, đảm bảo về chuyên môn khi ra trường đi làm. Như vậy, chất đã
thay đổi và biến đổi sang chất mới.
* Thứ hai, sinh viên phải tự học tập và rèn luyện tính tích cực, tự chủ,
nghiêm túc và trung thực.
Trong thực tiễn đời sống của con người, muốn có sự thay đổi về chất, cần
có sự tích lũy về lượng. Sự tích lũy ấy là do tự bản thân mỗi chúng ta phấn
đấu, đánh đổi bằng mồ hôi, công sức mà có được, chứ không nhờ vào một sự
giúp đỡ nào khác. Cũng giống như kén bướm trong tự nhiên. Mỗi con bướm
đều phải trải qua vòng đời từ trứng bướm, sâu bướm, kết kén rồi tự mình phá
kén để chui ra. Nhưng nếu chúng ta tác động vào quá trình đó, chẳng hạn cắt
vết rách của cái kén để sâu bướm có thể chui ra dễ dàng hơn, sẽ để lại hậu quả
khôn lường. Bởi sự giúp đỡ không đúng lúc đã làm cho sâu bướm dù có thể
thoát ra ngoài nhưng lại với thân thể không lành lặn. Quy luật của tạo hóa bắt
buộc con sâu bướm phải tự phấn đấu để vượt qua khỏi lỗ nhỏ của cái kén. Sự
giúp đỡ của chúng ta đã vô tình phá vỡ quy luật đó.
Cũng giống như việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. Trong một kỳ
thi, nếu có sinh viên gian lận để  một kết quả tốt thì chẳng khác gì con sâu
bướm bé nhỏ tội nghiệp kia. Bằng gian lận, ta có thể qua được kỳ thi, có một
điểm số cao như mong đợi nhưng về bản chất thì chẳng có lượng nào cũng
như chất nào biến đổi. Hoặc chúng ta bị bắt khi đang quay cóp trong thi cử,
chúng ta sẽ phải học môn đó, từ đó gây chán nản, ngày càng chìm vào hố sâu.
Ta đâm đầu vào làm những việc vô bổ thay vì học tập, lượng tri thức ngày
càng cạn dần, và sẽ đẩy ta ra khỏi cánh cổng đại học. Và ta cũng không được
giúp đỡ bạn bè theo cách như vậy, bởi nó giống như cách mà ta cắt vết rách
của cái kén, tưởng chừng như ta đang giúp họ, nhưng thực chất là hại họ.
* Thứ ba, trong học tập và nghiên cứu cần phải tiến hành từ dễ đến khó,
tránh nóng vội đốt cháy giai đoạn.

9
Trong quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên cần tránh tư tưởng  tả
khuynh, tức là khi lượng chưa biến đổi đến điểm nút đã thực hiện bước nhảy.
Khi chúng ta học tập những điều cơ bản mới có cơ sở, nền tảng để tiếp thu
những kiến thức phức tạp và chuyên sâu hơn. Do vậy, việc học tập và nghiên
cứu từ dễ đến khó là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên nhiều sinh
viên lại nóng vội, muốn học nhanh hơn người khác, chưa học cơ bản đã đến
nâng cao. Như vậy là đốt cháy giai đoạn. Ngược lại, nhiều sinh viên trong quá
trình học tập không tập trung, mải mê vui chơi , dẫn đến “ nước tới chân mới
nhảy”, khi sắp tới kì thi, họ mới lao vào gấp rút ôn thi. Giai đoạn ôn thi là lúc
ta củng cố lại kiến thức chứ không phải học mới, do đó việc sinh viên ôn thi
như vậy là không hiệu quả, kiến thức sẽ không được khắc sâu vào đầu và vì
vậy, sẽ dễ dàng quên đi. Như vậy, muốn tiếp thu được tri thức hiệu quả thì
mỗi sinh viên cần phải hàng ngày học tập, học từ thấp đến cao, từ dễ đến khó,
tránh đốt cháy giai đoạn.
* Thứ tư, liên tục phấn đấu học tập và nghiên cứu, tránh tư tưởng chủ quan.
Nhiều sinh viên khi tiếp thu một lượng kiến thức nào đó tương đối nhiều
đã nghĩ mình giỏi và không tiếp tục tích cực học tập. Điều đó đã làm uổng phí
bao công sức, bao kiến thức ta đã tiếp thu bởi lượng nhiều đâu có nghĩa là
chất đã thay đổi, nhưng khi dừng lại, biết đâu lại sắp đủ lượng để thực hiện
bước nhảy. Vì vậy, cần tránh tư tưởng chủ quan, thói tự mãn, và không ngừng
trau dồi tri thức trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình.
* Thứ năm, việc quan trọng không kém bên cạnh việc tiếp thu tri thức ở trên
trường đó chính là nâng cao kĩ năng mềm.
Quy luật lượng đổi- chất đổi giúp chúng ta nhận thức được rằng, sự thay
đổi về chất còn phụ thuộc vào phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành
sự vật, hiện tượng. Do đó, trong hoạt động của mình, phải biết tác động vào
phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành sự vật, hiện tượng trên cơ sở
hiểu rõ bản chất, quy luật các yếu tố tạo thành sự vật, hiện tượng đó. Cụ thể,
sự thành công của một sinh viên còn phụ thuộc vào các kĩ năng mềm trong
cuộc sống mà nhà trường không dạy chẳng hạn như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng
thuyết trình…hay quan trọng hơn cả là kĩ năng làm việc nhóm, mang hành
trang tích cực vào đời, biến tri thức lĩnh hội thành sản phẩm trí tuệ đích thực.
Như thế mới giúp ta phát triển toàn diện được, giúp ta tích đủ lượng kiến thức
mới để biến thành người mới với một trình độ phát triển hơn.
* Thứ sáu, rèn luyện ý thức học tập của sinh viên.
Lão Tử đã có câu: “Gieo suy nghĩ gặt lời nói. Gieo lời nói gặt hành động.
Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt
số phận”. Đó là quy luật lượng- chất trong triết học. Những thói quen mà

10
chúng ta đang có được hình thành từ sự tích lũy của nhiều hành vi được lặp đi
lặp lại trong cuộc sống hàng ngày. Thói quen tốt thì không sao, nhưng thói
quen xấu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta.“ Thói quen xấu như một cái
giường thoải mái, dễ trèo vào nhưng khó trèo ra” – Khuyết danh. Do vậy,
không chỉ trong học tập mà còn cả trong cuộc sống sinh viên cần rèn luyện
cho mình những đức tính tốt như: chăm chỉ, tự chủ năng động…từ những thói
quen hàng ngày, chẳng hạn: làm việc nghiên túc và khoa học, tiết kiệm thời
gian, luôn đúng giờ…. bởi khi tích lũy hành vi ( lượng) dần dần sẽ tạo nên
thói quen ( chất).
* Thứ bảy, sinh viên cần có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập,
nghiên cứu, từ đó sẽ tạo nên sự phát triển bền vững của tập thể.
Trong cuộc sống hàng ngày, sinh viên cần phấn đấu không để cho tính cá
nhân, tính ích kỉ của bản thân phát triển. Trong học tập cần có sự đoàn kết,
nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bao che, giấu diếm cho những
khiếm khuyết, sai lầm của bạn bè mà ngược lại chúng ta phải đấu tranh thẳng
thắn với những sai lầm, thiếu sót đó. Ngoài ra, chúng ta cần làm tốt công tác
phê bình, tự phê bình và phải luôn có tinh thần tự vươn lên. Sinh viên phải
sẵn sàng tạo ra những điều kiện thuận lợi cho bạn bè trong học tập cũng như
nghiên cứu, dám nhận phần khó về mình. Những tình bạn như vậy chắc chắn
sẽ tạo ra sự cổ vũ, sức mạnh to lớn cho mỗi người, làm cho mỗi người trở nên
tốt hơn. Từ đó, tập thể sẽ trở nên vững mạnh ( chất) do mỗi cá nhân có phẩm
chất tốt (lượng).
* Cuối cùng, cần giải trí, sinh hoạt điều độ và tham gia các hoạt động
ngoại khoá.
Giải trí và sinh hoạt hằng ngày cũng góp phần quan trọng không kém so
với học chính. Vui chơi đúng lúc sẽ giúp tâm lí chúng ta thoải mái, nâng cao
tinh thần, đầu óc tính táo, từ đó giúp tiếp thu kiến thức tốt hơn. Đồng thời,
cũng nên tham gia các hoạt đồng do nhà trường, Đoàn thanh niên phát động
và các câu lạc bộ, hội thảo để thêm phần chủ động trong quá trình tiếp nhận
tri thức.

C- Kết luận
Lượng và chất là hai mặt thống nhất biện chứng của sự vật, hiện tượng.
Chỉ khi nào lượng được tích lũy tới một độ nhất định mới làm thay đổi về
chất, do đó trong hoạt động nhận thức, hoạt động học tập của sinh viên phải
tích lũy dần về lượng và đồng thời phải biết thực hiện và thực hiện kịp thời

11
những bước nhảy khi có điều kiện chín muồi để biến đổi về chất. Những việc
làm vĩ đại bao giờ cũng tổng hợp từ những việc làm bình thường, vì vậy mỗi
sinh viên phải luôn tích cực học tập, chủ động trong công việc học tập và rèn
luyện cả đức lẫn tài, để trở thành một con người phát triển toàn diện, tránh tư
tưởng chủ quan, nóng vội mà không chịu tích lũy về kiến thức.

12
Mục lục
Trang
I. Quan điểm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa lượng và chất.
1. Khái niệm về chất………………………………………………… 1
2. Khái niệm về lượng……………………………………………… 3
3. Mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng…………………….. 3
4. Ý nghĩa phương pháp luận………………………………………. 6
II. Ý nghĩa của quan điểm biện chứng duy vật về mối quan hệ giữa chất
và lượng với việc nghiên cứu, học tập của sinh viên………………….. 7

13
Tài liệu tham khảo
1. GS.TS. Phạm Văn Đức – Giáo trình triết học Mác – Lênin – Hà
Nội – 2019.
2. GS.TS. Nguyễn Ngọc Long – GS.TS. Nguyễn Hữu Vui – Giáo trình
Triết học Mác – Lênin – NXB Bộ Giáo dục và Đào tạo – Tái bản lần
thứ ba.

You might also like