You are on page 1of 3

Nghiên cứu lý thuyết siêu nhận thức (metacognitive theory) và đề xuất khả năng ứng dụng trong

giáo dục trung học


 
1. Thông tin chung

Mã số: V2012-17 (Đề tài Cấp Viện)


Chủ nhiệm đề tài: ThS. Hồ Thị Hương
Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 8 năm 2012/ tháng 8 năm 2013

2. Tính cấp thiết

Đổi mới phương pháp dạy học luôn là vấn đề được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục
góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Ngay từ thế kỷ XVII, nhà giáo dục học A.
Komenski đã nhận định rằng: “Giáo dục có mục đích đánh thức năng lực nhạy cảm, phán đoán,
phát triển nhân cách... hãy tìm ra phương pháp cho phép người giáo viên dạy ít hơn, học sinh học
nhiều hơn”. Hơn nữa, “bạn không thể dạy học sinh mọi thứ mà chúng cần. Cách tốt nhất bạn có thể
làm là đặt chúng vào nơi chúng có thể tìm ra những thứ đó; giúp chúng xác định được cái mình cần
biết là gì và khi nào thì cần đến nó” (Saymour Papert).

Những công trình nghiên cứu gần đây đều cho rằng: trong bối cảnh của sự gia tăng nhanh lượng
kiến thức, cần có kiểu dạy học chú trọng đến việc dạy cách học hơn là dạy cái gì – khi đó người học
sẽ thu được kết quả tốt hơn là nhớ lại, nhắc lại các sự kiện. Muốn hình thành thói quen và kĩ năng
này cần sử dụng những phương pháp dạy học cho phép người học suy nghĩ một cách độc lập, tìm
tòi dựa trên những phán đoán có lý, cần biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Thuật ngữ “Siêu nhận thức” được sử dụng từ 1976 đề cập đến quá trình tư duy của một người và sự
kiểm soát, điều chỉnh quá trình đó; những nội dung của lý thuyết này rất gần với dạy cách học, do
đó đây là một trong những lý thuyết học tập giúp giáo viên và học sinh nâng cao hiệu quả dạy và
học, góp phần giúp học sinh tăng cường tính tự chủ, tìm tòi, phát hiện trong quá trình chiếm lĩnh tri
thức, hình thành kĩ năng, kĩ xảo, làm cho người học thích ứng với cuộc sống, áp dụng được kiến
thức và kĩ năng học trong nhà trường vào cuộc sống.
Chúng tôi nhận thấy rằng, việc nghiên cứu lý thuyết Siêu nhận thức và đưa vào ứng dụng trong dạy
học là cần thiết bởi đây là một trong những lý thuyết phát huy tối đa vai trò của người học, nói theo
cách của Trung tâm nghiên cứu Công nghệ giáo dục là cách dạy và cách học theo mô hình “thầy
thiết kế - trò thi công”. Trong đó, người thầy đóng vai trò tổ chức, định hướng, hướng dẫn; nhiệm
vụ của người học là học cách làm việc trí óc thông qua việc thực hiện hệ thống các thao tác, việc
làm từ đó học cách tư duy khoa học, cách tự học, tự nghiên cứu, tự đánh giá và tự điều chỉnh...
thông qua việc học thầy, học bạn, học hợp tác và tự học.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Mô tả một số nội dung của lý thuyết Siêu nhận thức từ đó đề xuất khả năng ứng dụng trong giáo
dục cấp Trung học phổ thông ở Việt Nam.

4. Nội dung nghiên cứu

- Nghiên cứu những nội dung chính của lý thuyết Siêu nhận thức
- Tìm hiểu một số ứng dụng của lý thuyết Siêu nhận thức trong một số bộ môn, trong các kĩ năng
khác nhau như đọc, viết, giải quyết vấn đề
- Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc đề xuất khả năng ứng dụng lý thuyết Siêu nhận thức vào dạy
học cấp THPT ở Việt Nam.
- Nghiên cứu đề xuất khả năng ứng dụng lý thuyết Siêu nhận thức vào dạy học cấp THPT ở Việt
Nam
- Thiết kế một số bài học ứng dụng lý thuyết Siêu nhận thức.

5. Phạm vi nghiên cứu

Đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận chung về lý thuyết Siêu nhận thức và đề xuất khả
năng ứng dụng trong dạy học cấp THPT.

6. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Phương pháp nghiên cứu lí luận, Phương
pháp chuyên gia.

7. Kết cấu của đề tài

Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương

Chương 1: Những vấn đề lý luận chung về lý thuyết Siêu nhận thức


1.1. Khái niệm
1.2. Một số mô hình Siêu nhận thức
1.3. Chức năng
1.4. Tầm quan trọng của lí thuyết Siêu nhân thức trong dạy học
1.5. Tiểu kết

Chương 2: Đề xuất khả năng ứng dụng lí thuyết Siêu nhận thức trong dạy học cấp THPT
2.1. Giáo dục trung học ở Việt Nam hiện nay
2.2. Đặc điểm tâm, sinh lí của học sinh THPT
2.3. Nhận xét
2.4. Đề xuất khả năng ứng dụng lí thuyết Siêu nhận thức trong dạy học cấp THPT
2.5. Một số mẫu thiết kế
2.6. Phương pháp thúc đẩy Siêu nhận thức cho học sinh
2.7. Tiểu kết

8. Những đóng góp chính của đề tài

Chương I, Đề tài trình bày những nội dung khái quát nhất, căn bản nhất về lý thuyết Siêu nhận thức.
Lý thuyết này lần đầu tiên được “gọi tên” từ năm 1976 dựa trên những nghiên cứu của J.H Flavell
và tiếp tục được các nhà nghiên cứu phát triển trong các năm tiếp theo. Mặc dù vậy, một số nội
dung của lý thuyết này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ trước năm 1976, đây cũng
chính là cơ sở để Flavell phát triển các công trình của mình.

Dù có nhiều khái niệm về lý thuyết Siêu nhận thức song nội hàm các khái niệm này tương đối nhất
quán, các công trình đều cho rằng Siêu nhận thức và cấp độ cao hơn của nhận thức, là quá trình tư
duy bậc hai, là quá trình người học theo dõi và điều chỉnh tư duy để mang lại hiệu quả học tập, công
việc cao hơn. Về cơ bản thành phần của Siêu nhận thức được nghiên cứu ở hai nội dung: kiến thức
siêu nhận thức và kĩ năng siêu nhận thức.

Qua nghiên cứu, đề tài nhận thấy, Siêu nhận thức là một lý thuyết học tập nhằm hướng tới tích cực
hóa, phát huy tính chủ thể sáng tạo của người học. Do vậy, nó rất hữu ích khi vận dụng linh hoạt
vào dạy học nói riêng, giáo dục nói chung. Tuy nhiên, để việc học có hiệu quả hơn, giáo viên và học
sinh cần phối hợp các phương pháp, cách thức, kĩ thuật khác nhau. Như vậy, giáo dục cần sự chủ
động của người dạy và người học mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất.
Chương 2, trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất ứng dụng lý thuyết Siêu nhận thức vào
dạy học và đưa ra mẫu thiết kế bài dạy và các bước hướng dẫn giáo viên cũng như học sinh trong
quá trình dạy và học. Theo nhóm nghiên cứu, các bước này sẽ phát huy hiệu quả trong việc rèn
luyện cho học sinh và ngay cả giáo viên các kĩ năng tư duy. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được ở mức độ
nào phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể thực hiện. Với hệ thống các phương pháp nói trên, đề tài mong
muốn góp phần thúc đẩy siêu nhận thức cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy học.

9. Kết luận và khuyến nghị

Đóng góp lớn nhất của lý thuyết Siêu nhận thức là đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng: chúng ta không
chỉ quan tâm đến kết quả nhận thức và cần quan tâm đến quá trình để có được kết quả đó. Trong
phạm vi nghiên cứu, chúng tôi đã xác định cơ sở lí luận của lý thuyết siêu nhận thức gồm có tìm
hiểu lịch sử nghiên cứu, xác định những khái niệm cơ bản như nhận thức, siêu nhận thức đồng thời
cũng phân tích chức năng, tầm quan trọng của siêu nhận thức trong quá trình dạy học. Đề tài đưa ra
và phân tích ba mô hình siêu nhận thức (mô hình J.H. Flavell, mô hình của Ann Brown, Mô hình
của Tobias và Everson) đồng thời giới thiệu các thành phần của mô hình, quan hệ giữa các thành
phần trong mô hình siêu nhận thức.
Căn cứ vào mục tiêu giáo dục THPT, đặc điểm của giáo viên và học sinh ở cấp học này, chúng tôi
đã đề xuất khả năng ứng dụng lý thuyết Siêu nhận thức vào dạy học cấp THPT gồm có: 1/ Nâng cao
hiểu biết cho giáo viên, học sinh và phụ huynh về lý thuyết Siêu nhận thức; 2/ Giáo viên đưa lý
thuyết Siêu nhận thức vào từng môn học; 3/ Đưa quan điểm lý thuyết Siêu nhận thức vào việc đánh
giá và tự đánh giá; 4/ Ứng dụng mô hình Siêu nhận thức của Tobias và Everson để đưa ra các bước
ứng dụng lý thuyết Siêu nhận thức trong dạy học
Đề tài đã đưa ra các phương pháp thúc đẩy siêu nhận thức: khuyến khích tham gia thảo luận, làm
mẫu quá trình tư duy, kết nối thông tin mới với những kiến thức đã biết, xác định mục tiêu học tập,
sử dụng nhiều phương pháp giải bài tập cho một bài tập, tăng tự đánh giá việc học Việc thực hiện
có kế hoạch và thực sự hiệu quả sẽ gặp những khó khăn nhất định. Song chúng tôi cho rằng, để bắt
kịp với xu thế phát triển chung của thế giới chúng ta cần một tư duy mới, hướng đi, cách làm mới
phù hợp.
http://vnies.edu.vn/detail-thread-view-1-25-397_nghien-cuu-ly-thuyet-sieu-nhan-thuc-
metacognitive-theory-va-de-xuat-kha-nang-ung-dung.html (Friday, 13/05/2016)

You might also like