You are on page 1of 4

LÝ THUYẾT PHONG CÁCH HỌC TẬP VÀ

KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG VÀO DẠY HỌC


Ths.Nguyễn Thị Đỗ Quyên
1.Phong cách học tập là gì?
Đưa ra một khái niệm thống nhất về phong cách học tập (PCHT) quả là công việc
không mấy dễ dàng. Dù rằng lịch sử nghiên cứu PCHT vẫn còn mới mẻ, chỉ chính thức bắt
đầu từ thập niên 1960. Nhưng với một số lượng lớn công trình nghiên cứu tiếp cận các khía
cạnh đa dạng khiến các nhà nghiên cứu không thể đưa ra một khái niệm gượng ép cho tất
cả.
Xem xét nhiều khái niệm PCHT của các tác giả khác nhau, chúng tôi nhận thấy rằng:
Phong cách học tập được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh “Learning Styles” và có những nội
dung cốt lõi sau đây: -PCHT là những đặc điểm riêng của cá nhân; -PCHT bao gồm các đặc
điểm về nhận thức, xúc cảm, sinh lý; -PCHT chỉ ra cách thức ưu thế của cá nhân tiếp nhận,
xử lý và lưu giữ thông tin trong môi trường học tập; -PCHT tương đối bền vững.
Ở đây, chúng tôi đưa ra định nghĩa về PCHT như sau làm cơ sở để nghiên cứu những
nội dung tiếp theo: “Phong cách học tập là những đặc điểm tâm lý ưu thế, tương đối bền
vững của cá nhân, qui định cách tiếp nhận, xử lý và lưu giữ thông tin trong môi trường học
tập”.
Như vậy, PCHT từ đâu mà có? Các nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc của PCHT
xuất phát từ cấu tạo gen, kinh nghiệm học tập và ảnh hưởng của nền văn hóa – xã hội mà cá
nhân sinh sống. Do đó, khi tìm hiểu về PCHT chúng ta cần lưu ý hai đặc điểm sau đây:
-Đặc điểm 1: PCHT có nguồn gốc sinh học nên người học có thể có một hoặc nhiều
PCHT chiếm ưu thế do sự phát triển trội hơn của một hoặc nhiều vùng chức năng khác nhau
ở não. PCHT nào chiếm ưu thế cũng đều có điểm mạnh và điểm yếu. Ví dụ, người học
hướng ngoại học tập tốt khi được giao bài tập nhóm, được trao đổi, chia sẻ với bạn học
nhưng lại khó tập trung khi phải làm việc một mình. Vì thế, trong một số tình huống hay
môi trường học tập đặc trưng thì người học có PCHT phù hợp sẽ thích ứng nhanh hơn.
Dunn và Dunn (1979) nhận xét: “Phong cách học là một nhóm các đặc điểm cá nhân có tính
sinh học và phát triển mà những cách giảng dạy giống nhau hiệu quả đối với những học sinh
này và không có tác dụng với những học sinh khác”.
-Đặc điểm 2: PCHT của người học có một số khác biệt theo giới tính, độ tuổi, văn hóa
và thành tích học tập. Thực tế và các nghiên cứu đã chứng minh rằng những du học sinh tại

1
Mỹ đến từ các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản có nền văn hóa gần giống nhau,
PCHT nhìn chiếm ưu thế, họ giỏi quan sát, phát hiện vấn đề nhanh nhưng lại e ngại với các
buổi thảo luận trong nhóm. Ngược lại, PCHT của những sinh viên đã học tập lâu tại Mỹ, có
điểm TOEFL cao lại gần giống với sinh viên bản xứ.
2.Các mô hình lý thuyết phong cách học tập được sử dụng hiện nay
Như đã đề cập ở trên, lý thuyết nghiên cứu về PCHT khá phong phú. Năm 2003, trung
tâm nghiên cứu học tập và kĩ năng tại Anh đã dành 16 tháng để tìm hiểu các lý thuyết PCHT
đang dùng trên thế giới hiện nay, và họ thấy rằng có hơn 100 mô hình khác nhau. Trong đó,
có 71 mô hình đáng để chú ý, được phân loại thành 5 nhóm:
-Nhóm 1: PCHT dựa vào yếu tố gen – môi trường.
-Nhóm 2: PCHT phản ánh các đặc điểm bên trong của cấu trúc nhận thức.
-Nhóm 3: PCHT là tập hợp các kiểu nhân cách tương đối bền vững
-Nhóm 4: PCHT là các ưu thế linh hoạt trong học tập
-Nhóm 5: PCHT là các chiến lược, định hướng trong học tập
Trong mỗi nhóm lại có nhiều tác giả, mỗi tác giả đưa ra một cách phân loại PCHT
riêng. Vì vậy, với giới hạn cho phép của bài báo, chúng tôi chỉ bàn đến 3 cách phân loại
PCHT tiêu biểu thuộc nhóm 1, 2 và 4.
*MÔ HÌNH PCHT THEO GIÁC QUAN CỦA DUNN & DUNN
PCHT theo mô hình này được chia thành 4 loại theo giác quan gồm: nhìn (visual),
nghe (auditory), vận động (kinesthetic) và xúc giác (tactile), được gọi tắt là VAKT.
+Người học có ưu thế với PCHT nhìn thường: nhìn chăm chú vào mặt giáo viên; thích
nhìn tranh ảnh minh họa trên tường, trong sách,..; nhanh chóng nhận diện chữ viết; thích
viết ra các ý ngắn gọn để dễ dàng suy nghĩ; nhớ lại thông tin bằng cách hồi tưởng vị trí trình
bày của chúng trên trang giấy.
+Người học có ưu thế với PCHT nghe thường: thích giáo viên hướng dẫn bằng lời;
thích đối thoại, thảo luận và đóng kịch; thường giải quyết vấn đề bằng cách nói ra những nội
dung đó; thích dùng vần điệu, âm thanh làm đầu mối ghi nhớ tài liệu học tập.
+Người học có ưu thế với PCHT vận động thường: học tốt nhất khi được vận động;
cảm thấy khó khăn, khổ sở khi phải ngồi lâu một chỗ; thích vận động cơ thể làm đường dẫn
ghi nhớ tài liệu tài học tập.
+Người học có ưu thế với PCHT xúc giác: thích viết và vẽ để ghi nhớ; học tốt hơn khi
được tham gia các hoạt động cần đến thao tác tay như dựng mô hình, làm đồ án.

2
*MÔ HÌNH PHONG CÁCH HỌC TẬP CỦA WITKIN
Trong mô hình này, PCHT được xem là đặc điểm cấu trúc của hệ thống nhận thức, chủ
yếu dựa vào thói quen tư duy của con người khi tổ chức và thể hiện thông tin. Theo Witkin,
có hai loại phong cách nhận thức: phụ thuộc (field dependence) và độc lập (field
independence).
+Người học có phong cách nhận thức phụ thuộc: thường gặp khó khăn khi xem xét các
yếu tố thành phần trong một tổng thể. Họ dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác khi
giải quyết vấn đề; có khả năng giao tiếp tốt.
+Người học có phong cách nhận thức độc lập: Họ nhanh chóng lọc ra các chi tiết quan
trọng trong những nội dung phức tạp, rối rắm. Họ có khuynh hướng dựa vào bản thân và hệ
thống quan điểm của riêng mình để giải quyết vấn đề. Kỹ năng giao tiếp của họ không được
tốt lắm.
*MÔ HÌNH PHONG CÁCH HỌC TẬP CỦA MCCARTHY
Trong mô hình này McCarthy phân chia người học thành 4 loại: người sáng kiến
(innovative learner), người phân tích (analytic learner), người thực tế (common sense
learner) và người năng động (dynamic learner).
+Người sáng kiến: khi học tập thường tìm kiếm những lợi ích phục vụ bản thân, rút ra
những giá trị mà họ có thể ứng dụng được, thích giao lưu với mọi người, có khả năng hợp
tác tốt và mong muốn kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
+Người phân tích: khi học tập thích phát triển trí tuệ của bản thân, tìm hiểu các sự
kiện, là người khá kiên nhẫn và nhiều suy nghĩ nội tâm, mong muốn hiểu biết “những điều
quan trọng” để làm giàu thêm kho tàng tri thức của thế giới.
+Người thực tế: thích tìm tòi giải pháp, xem xét giá trị của mọi vật nếu chúng hữu
dụng, là người thích vận động, thực tế và thẳng thắn; mong muốn làm mọi việc trở thành
hiện thực.
+Người năng động: thích tìm kiếm những khả năng tiềm ẩn, đánh giá sự việc; thích thu
thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; là người sôi nổi, ưa thích mạo hiểm.
3.Ý nghĩa và khả năng ứng dụng lý thuyết PCHT vào dạy học
Vậy áp dụng lý thuyết PCHT vào dạy học, học sinh sẽ có được những lợi ích gì?
Sue Davidoff va Owen van den Berg (1990) cho rằng với những giáo án đáp ứng
PCHT ưu thế của học sinh sẽ: -Học sinh học tốt hơn và tiếp thu nhanh hơn nếu phương pháp
giảng dạy phù hợp với PCHT chiếm ưu thế của người học; -Một khi kết quả học tập tăng lên

3
thì lòng tự tin của người học cũng được củng cố. Điều này sẽ tạo ra những hiệu quả tích cực
tiếp theo trong học tập; -Có thể tạo hứng thú học tập trở lại đối với những học sinh đang
chán nản với việc học; -Mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh được cải thiện bởi học sinh
càng đạt được nhiều thành công, càng thích thú với việc học.
Từ những ích lợi đó, McCarthy đã đề xuất một khung giáo án gồm 4 bước giúp giáo
viên có thể thỏa mãn các loại PCHT khác nhau trong một bài giảng:
1.KHỞI ĐỘNG 2.PHÁT TRIỂN KHÁI NIỆM
-Tạo kinh nghiệm -Tương tác với khái niệm mới
-Gợi lại kinh nghiệm -Trình bày và phát triển các lý thuyết và khái
(Phù hợp với PCHT của người sáng kiến, niệm mới.
nhận thức phụ thuộc, PCHT nhìn, nghe, (Phù hợp với PCHT của người phân tích,
vậng động) nhận thức độc lập )
4.ỨNG DỤNG 3.LUYỆN TẬP
-Xây dựng kế hoạch ứng dụng các khái niệm -Luyện tập và củng cố khái niệm mới
mới. -Luyện tập khái niệm mới với tình huống
-Thực hiện và chia sẻ với người khác. của bản thân
(Phù hợp với PCHT của người năng động, ) (Phù hợp với PCHT nhìn, nghe, vận động và
xúc giác, PCHT của người thực tế)
Tóm lại, áp dụng lý thuyết PCHT vào dạy học là hướng đi thiết thực, mang lại nhiều
lợi ích cho người học. Bởi nó đáp ứng nguyên tắc dạy cơ bản là giảng dạy phải phù hợp với
đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Và đây cũng là cơ sở lý luận quan trọng để giáo
viên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa người học một cách hiệu quả
và khoa học. Cũng lưu ý thêm rằng, kết quả áp dụng sẽ tốt hơn nếu giáo viên lựa chọn mô
hình PCHT phù hợp với đặc điểm môn học; đồng thời giúp học sinh ý thức rõ PCHT ưu thế
của mình để có phương pháp tự học phát huy và hạn chế tối đa các ưu khuyết điểm trong
thói quen học tập.
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Thị Đỗ Quyên, Phong cách học tập và ảnh hưởng của nó đến khối lượng ghi nhớ
từ vựng tiếng Anh của học sinh lớp 6 tại thành phố Đà Nẵng, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học,
Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.
2. http://www.teachingenglish.org.uk/think/methodology/learning_style.shtml.
3. http://www.teachingenglish.org.uk/try/othertry/learning_styles.shtml.

You might also like