You are on page 1of 8

ĐẠI HỌC UEH – TRƯỜNG KINH DOANH UEH

KHOA: KINH DOANH QUỐC TẾ – MARKETING

PHÂN TÍCH PHƯƠNG THỨC THÂM NHẬP


THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ CỦA VIETTEL

Sinh viên thực hiện: NGUYỄN LÊ THẢO THI


MSSV: 31191026672
Lớp học phần: 21C1BUS50300501 – Kinh doanh Quốc tế 2
Giảng viên hướng dẫn: THS. Trương Thị Minh Lý
Nhận xét của giảng viên:..............................................................................................
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 10 năm 2021


MỤC LỤC
PHẦN 1: GIỚI THIỆU VỀ DOANH NGHIỆP ........................................................................... 3
I. Giới thiệu chung. .................................................................................................................. 3
II. Tình hình tài chính 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 của Viettel. .................................. 3
III. Kết quả hoạt động kinh doanh quốc tế của Viettel (Viettel Gobal). ............................ 3
PHẦN 2: PHÂN TÍCH PHƯƠNG THỨC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ. .......... 4
I. Khái quát chung về thị trường các nước Viettel thâm nhập. .......................................... 4
II. Phương thức thâm nhập thị trường. .............................................................................. 4
1. Campuchia. ....................................................................................................................... 4
2. Lào. .................................................................................................................................... 4
3. Haiti. .................................................................................................................................. 4
4. Mozambique. .................................................................................................................... 5
5. Peru. ................................................................................................................................... 5
III. Đánh giá Phương thức thâm nhập thị trường Quốc tế của Viettel. ............................ 5
PHẦN 3: NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRONG HOẠT ĐỘNG KDQT. ................ 6
I. Công nghệ. ............................................................................................................................ 6
II. Thiếu tiêu chuẩn hóa. ....................................................................................................... 6
PHẦN 4: KIẾN NGHỊ ĐỂ VIETTEL ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG KDQT............................. 6
I. Tiêu chuẩn hóa. .................................................................................................................... 6
II. Đổi mới, đa dạng công nghệ. ........................................................................................... 7
III. Dịch vụ chăm sóc khách hàng. ........................................................................................ 7
PHẦN 5: KẾT LUẬN ..................................................................................................................... 7
PHẦN 6: TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................. 8

2
PHẦN 1: GIỚI THIỆU VỀ DOANH NGHIỆP
I. Giới thiệu chung.
Viettel có tên gọi đầy đủ là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội được thành lập ngày
14/12/2009 bởi Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Đúng với tên gọi của mình Viettel là công ty Viễn thông
chủ yếu cung cấp các sản phẩm về Điện thoại cố định, Điện thoại di động, Băng thông rộng, Truyền
hình kỹ thuật số, Truyền hình Internet.
Slogan nổi tiếng của Viettel là Viettel Hãy nói theo cách của bạn. Tuy nhiên, trong những năm gần
đây, Viettel đã tái định vị mình bằng câu slogan ngắn gọn hơn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn
Viettel Theo cách của bạn. Theo đó, bên cạnh viễn thông, Viettel còn có 3 mở rộng ở lĩnh vực: an
ninh mạng; sản xuất thiết bị điện tử viễn thông; công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Với sứ
mệnh Sáng tạo vì con người.
Các cột mốc nổi bật của Viettel trong lịch sử phát triển có thể kể đến như:
Từ 1989 - 1999 Viettel tiến hành xây dựng công trình cột cao.
Từ 2000 đến 2009 Viettel đánh dấu sự bùng nổ trên thị trường dịch vụ viễn thông. Đặc biệt, năm
2006, Viettel thành lập Công ty Viettel Cambodia đánh dấu mốc quan trọng trong việc xâm nhập
thị trường quốc tế của Viettel.
Kể từ 2010 – 2018, Viettel chính thức trở tập đoàn công nghệ toàn cầu. Cụ thể, năm 2011, Viettel
khai trương mạng Natcom nhằm cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Haiti. Năm 2012, Viettel đã
khai trương mạng di động Movitel tại Mozambique. Năm 2014, Viettel bán những thẻ sim đầu tiên
với thương hiệu Nexttel tại Cameroom và Bitel tại Peru. Trong tháng 3 và tháng 10 năm 2015,
Viettel bắt đầu kinh doanh tại Burundi với thương hiệu Lumitel và tại Tazania với thương hiệu
Halotel.
Kể từ 2018 đến nay Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số hàng đầu ở Việt Nam và các
nước khác.
II. Tình hình tài chính 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 của Viettel.
Tổng doanh thu năm 2020 đạt hơn 264.100 tỷ đồng, tăng hơn 4,4% so với năm 2019; lợi nhuận
trước thuế đạt 39.800 tỷ, tăng 4,1%, đạt 103,9% kế hoạch. Năm 2020, Viettel ghi dấu giá trị thương
hiệu đứng số 1 Đông Nam Á, thứ 9 châu Á với định giá 5,8 tỷ USD. Theo đánh giá của Brand
Finance, Viettel là nhà mạng có chỉ số sức mạnh thương hiệu tăng trưởng tốt nhất toàn cầu.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm
năm 2021 Viettel đạt doanh thu 128.600 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế
đạt 19.900 tỷ, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tất cả thị trường đầu tư nước ngoài đều tăng
thị phần, trong đó Haiti tăng 1,5%, Peru tăng 1,4%, bốn thị trường vẫn giữ vị trí dẫn đầu là
Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi, còn liên doanh Mytel tại Myanmar đã tiến gần đến vị trí
số 1 với 30,8% thị phần.
III. Kết quả hoạt động kinh doanh quốc tế của Viettel (Viettel Gobal).
Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất
năm 2020 đã được kiểm toán với doanh thu hợp nhất 22.246 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4%, lợi nhuận
trước thuế hợp nhất đạt 1.200 tỷ đồng. Cụ thể, Viettel Gobal chiếm 8,4% doanh thu và 3,02% tổng
lợi nhuận trước thuế của Viettel.

3
Theo báo cáo của Viettel Global, trong 6 tháng đầu năm 2021, công ty này đạt doanh thu hợp nhất
là 9.798 tỷ đồng, tăng 1.174 tỷ (13,6%) so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lợi nhuận thuần từ hoạt
động kinh doanh 6 tháng đầu năm của Viettel Global giảm tới 24,7% so với cùng ỳ năm ngoái.

PHẦN 2: PHÂN TÍCH PHƯƠNG THỨC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ.
I. Khái quát chung về thị trường các nước Viettel thâm nhập.
Viettel hiện đã đầu tư hạ tầng mạng lưới viễn thông tại 11 quốc gia, cung cấp dịch vụ tới 100 triệu
khách hàng trải dài từ Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Các thị trường mà Viettel đầu tư chủ yếu là
các nước nghèo, có cơ sở hạ tầng kém cũng như mạng lưới viễn thông kém phát triển. Đặc biệt,
Viettel đã khôn ngoan khi chọn mở rộng quy mô kinh doanh sang các nước có kết cấu kinh tế tương
đồng với Việt Nam, điển hình là Campuchia, Lào, Peru, Mozambique và Haiti để thực hiện tham
vọng kiến tạo xã hội số không chỉ ở nước nhà mà còn ở thị trường quốc tế.
II. Phương thức thâm nhập thị trường.
1. Campuchia.
Viettel nhận thấy Campuchia là một thị trường tiềm năng khi có nền kinh tế và hệ thống tài chính
khá ổn định, người dân có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Đặc biệt, được sự ủng hộ của chính
phủ hai bên, Viettel đánh dấu mốc tham gia thị trường nước ngoài bằng cách tư 100% vốn chủ sở
hữu để xâm nhập vào thị trường tiềm năng xứ Chùa Tháp. Khi ấy, tập đoàn chỉ mang vỏn vẹn 1
triệu USD tiền vốn để đầu tư vào hệ thống Voice IP, trong đó riêng 446.000 USD đã là thiết bị,
663.000 USD còn lại là tiền mặt dùng cho việc kéo cáp từ An Giang về thủ đô Phnom Penh. Tại
Campuchia, Viettel thành lập nên mạng Metfone và thực hiện chiến lược “hạ tầng đi trước, kinh
doanh theo sau”, “lấy nông thôn vây thành thị” để từng bước lấy được niềm tin của người dân.
Bằng việc lấy doanh thu từ dịch vụ VoIP nuôi mảng internet và di động sau này, Viettel đã lập nên
kỳ tích cùng Metfone chỉ sau hai năm với vị trí tập đoàn viễn thông đứng số 1 về thị phần. Tại thị
trường này, chỉ sau một năm ra mắt, Metfone đã gặt hái được nhiều thành tựu với hơn 4.000 trạm
phát sóng, 15.000 km cáp quang và cung cấp dịch vụ viễn thông cho hơn 3,7 triệu thuê bao trên
toàn quốc. Sự thành công tại một thị trường mới khi chỉ vừa đặt chân ra thế giới đã khiến Viettel
trở thành một tập đoàn mà các doanh nghiệp viễn thông phải dè chừng khi họ thâm nhập vào.
2. Lào.
Khác với Campuchia, Viettel chọn phương thức thành lập liên doanh khi đầu tư vào đất nước Triệu
Voi. Ngày 21/02/2008, tập đoàn chính thức thành lập Unitel với đối tác doanh nghiệp Lao Asia
Telecom tại Viêng Chăn với tên gọi chính thức là Unitel.
Lào là đất nước có dân cư phân bố thưa thớt, địa hình chủ yếu là đồi núi, kinh tế lại chưa đặc biệt
phát triển nên người dân Lào không có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin thị trường qua các kênh
ti vi, báo chí điện tử... nên khá “khát” thông tin. Vì vậy, khi thâm nhập, Viettel đã tiếp cận người
dân Lào qua chiến lược “Door to door”, cho đội ngũ nhân viên di chuyển đến các điểm kinh doanh
trên toàn quốc. Ngoài ra, triết lý kinh doanh của Viettel ở thị trường này là “kinh doanh gắn liền
với trách nhiệm xã hội”. Điều này đã tạo dấu ấn lớn trong lòng người dân Lào khiến Unitel chiếm
lĩnh hơn một nửa thị phần ngành viễn thông sau 7 năm hoạt động.
3. Haiti.

4
Tiếp bước sự thành công tại 2 nước Đông Dương, Viettel đã không tiến đến các thị trường gần biên
giới quê nhà mà lựa chọn thâm nhập vào thị trường cách Việt Nam hơn 16.000 km - Haiti. Haiti
bên cạnh là đất nước có mức sống dưới mức nghèo khổ, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí
thấp thì nền kinh tế chính trị ở đây cũng vô cùng bất ổn. Vì vậy, Viettel đầu tư vào thật sự khiến
nhiều người đặt dấu chấm hỏi. Tuy nhiên, nhờ cách “nghĩ khác” này mà Natcom - thương hiệu của
Viettel không những đã rất thành công trở thành nhà cấp dịch vụ di động lớn nhất tại Haiti. Cụ thể,
khi bước vào thị trường, Viettel đã lựa chọn phương thức ký hợp đồng liên doanh với công ty sở
tại - Telecommunications d’Haiti và lập nên Natcom cung cấp đủ loại dịch vụ viễn thông trải dài
khắp toàn quốc. Trong Natcom, Viettel chiếm 60% cổ phần và 40% cổ phần còn lại thuộc về Teleco
và các đối tác cũ của hãng viễn thông này.
4. Mozambique.
Cũng với mục tiêu nhắm đến các thị trường khó khăn, sau khi nghiên cứu thị trường, Viettel đã
thâm nhập Mozambique qua hình thức liên doanh với doanh nghiệp viễn thông SPI của
Mozambique để xây dựng nhà mạng mang thương hiệu Movitel. Sau khi kinh doanh hiệu quả tại
thị trường này, Movitel đã chiếm lấy vị trí nhà mạng số 1 tại Mozambique về hạ tầng mạng lưới,
thị phần cũng như dịch vụ và sự sáng tạo. Được mệnh danh là “Điều kỳ diệu của châu Phi”, Movitel
đã góp phần to lớn trong việc giúp Mozambique thay đổi diện mạo ngành viễn thông và thúc đẩy
sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
5. Peru.
Xâm nhập Peru bằng cách đầu tư 100% vốn chủ sở hữu (khoảng 27 triệu USD) để xây dựng mạng
di động với thương hiệu Bitel, Viettel đã để lại những dấu ấn quan trọng. Chỉ một thời gian ngắn
sau khi ra mắt, Bitel đã xây dựng được hạ tầng di động vượt xa các đối thủ có mặt trên thị trường
hàng chục năm và trở thành mạng cáp quang lớn nhất (26.000 km), gấp 1,5 lần so với nhà mạng
đứng thứ 2. Mặc dù kinh doanh ở một quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam
nhưng Bitel đã sớm có lãi trong khi các nhà mạng khác vào Peru đã hoạt động 10 năm chưa có chỉ
sau 2 năm kinh doanh.
III. Đánh giá Phương thức thâm nhập thị trường Quốc tế của Viettel.
Nhìn chung các phương thức thâm nhập của Viettel (đầu tư vốn chủ sở hữu 100% và liên doanh)
đều hướng đến sự thích nghi hóa hay còn gọi là địa phương hóa. Minh chứng rõ ràng nhất là việc
Viettel thay đổi linh hoạt tên thương hiệu của mình giữa các quốc gia để tạo sự gần gũi cho người
dân địa phương. Quả thật, thành tựu của Viettel tính đến thời điểm hiện tại trên sàn đầu quốc tế
cũng đã có thể lý giải được những chiến lược thâm nhập cũng như là cách vận hành của Viettel ở
các quốc gia là khá chuẩn xác. Với phương châm “nghĩ khác, làm khác”, Viettel đã dấn thân vào
các thị trường mà không nhiều người nghĩ tới và gặt hái được nhiều thành tựu.
Việc Viettel chọn hình thức đầu tư vốn sở hữu 100% ở hai thị trường Camuchia và Peru cũng có
thể lý giải như sau. Thứ nhất, Campuchia là nước đầu tiên Viettel tiến hành xâm nhập Campuchia
với hệ thống Voice IP để cạnh tranh với 7 doanh nghiệp hiện hữu ở. Nên việc đầu tư 100% vốn chủ
sở hữu có thể giúp Viettel tận dụng lợi thế công nghệ để đối đầu trực tiếp với các đối thủ đồng thời
có thể vệ bí quyết công nghệ của mình. Còn về phía Peru, như đã đề cập ở trên thời điểm mà Viettel
thâm nhập thì Peru đã tồn tại hai ông lớn trong ngành viễn thông, thuộc nửa trên của Top 10 thế

5
giới - Movistar và Claro. Bên cạnh đó, Peru có mật độ sử dụng điện thoại di động trên ngưỡng bão
hòa 100%. Do đó, có thể các doanh nghiệp ở Peru khá e ngại nếu liên doanh với Viettel đối đầu
trực tiếp với hai ông lớn trong ngành ở Peru. Điều này có thể là nguyên nhân khiến Viettel chọn
cùng phương pháp thâm nhập thị trường với Campuchia. Ngoài ra, Viettel chọn liên doanh ở các
thị trường còn lại là một nước đi đúng đắn khi có cơ hội hiểu hơn về thị trường cũng như san bớt
rủi ro cho cách doanh nghiệp trong nước.
Sự thành công của Viettel tính đến thời điểm hiện tại là không hề nhỏ. Tuy nhiên, để có thể đứng
vững trên thị trường Quốc tế, Viettel cần phải có những cải cách trong chính sách của mình.

PHẦN 3: NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRONG HOẠT ĐỘNG KDQT.
I. Công nghệ.
Do sự phát triển vượt bật của công nghệ và xu thế mở cửa nền kinh tế, Viettel đang bị đe dọa nghiêm
trọng bởi các nhà cung cấp dịch vụ mới ở cả trong và ngoài nước như Zalo, Messenger, Instagram
… bởi chỉ cần có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể gọi điện, trò chuyện thông qua các ứng
dụng mà không tốn khoản phí nào. Điều này đặt ra một thách thức rất lớn cho Viettel trong việc đổi
mới công nghệ, nếu Viettel không kịp chạy theo xu thế chung, đặc biệt là thua kém đối thủ về công
nghệ thì thị phần của Viettel có thể bị sụt giảm nghiêm trọng. "Viettel phải trở thành một tập đoàn
công nghệ cao, sản xuất thiết bị viễn thông, sản xuất được vũ khí công nghệ cao, đủ sức răn đe và
bảo vệ hoà bình lâu dài cho đất nước".
Ngoài ra một vấn đề khác mà Viettel cần lưu ý là việc liên doanh với các doanh nghiệp nước sở tại
khiến cho công nghệ của Viettel có thể dễ bị đánh mất gây bất lợi về lâu dài cho Viettel. Do đó,
Viettel cần có chính sách để bảo vệ công nghệ của mình.
II. Thiếu tiêu chuẩn hóa.
Một trong những điểm mà Viettel cần quan tâm đó chính là cách quản lý cũng như cách thức hoạt
động giữa các quốc gia mà Viettel thâm nhập. Như đã đề cập, bất cứ quốc gia nào Viettel tiến hành
kinh doanh đều thực hiện địa phương hóa từ tên thương hiệu đến cách cung cấp dịch vụ, điển hình
là lập ra một tên thương hiệu mới như Metfone (Campuchia), Unitel (Lào)… Điều này có thể giúp
Viettel dễ dàng đáp ứng với nhu cầu, xu hướng của người dân ở từng quốc gia tuy nhiên nó lại đặt
ra một bài toán về quản trị và chi phí cho Viettel. Việc địa phương hóa ở từng quốc gia khiến cho
Viettel gặp khó khăn khi muốn mở rộng quy mô sang các nước khác, bên cạnh đó phải tốn nhiều
chi phí phát sinh như chi phí đầu tư cho hoạt động Marketing hoặc chi phí điều chỉnh dịch vụ cung
cấp, chi phí vận hành. Mục tiêu của Viettel là tạo ra các dịch vụ viễn thông giá rẻ, công nghệ cao
nên việc thực hiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ, thông qua đó đạt được hiệu ứng học tập sẽ
giúp Viettel có thể dễ dàng đạt được mục tiêu của mình. Ngoài ra, hiện tại với chính sách địa phương
hóa của mình, Viettel chưa có áp lực lớn về cắt giảm chi phí nhưng với xu thế chung của thế giới
là mở cửa kinh tế, do đó việc các đối thủ xâm nhập tạo ra các sản phẩm giá rẻ hơn sẽ khiến Viettel
bị mất vị thế của mình.

PHẦN 4: KIẾN NGHỊ ĐỂ VIETTEL ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG KDQT.


I. Tiêu chuẩn hóa.

6
Viettel đang định vị mình là một tập đoàn công nghệ viễn thông toàn cầu, do đó việc tiêu chuẩn
hóa là vô cùng quan trọng. Phải thừa nhận chiến lược địa phương hóa đã đem lại cho Viettel những
thành tựu rất ấn tượng như chiếm lĩnh một nữa thị phần viễn thông của Lào sau 7 năm hoạt động
hay chỉ với 1 triệu USD đầu tư ban đầu ở Campuchia, Viettel đã tạo nên kỳ tích trong lịch sử viễn
thông Campuchia khi đạt 46% thị phần di động, 60% thị phần cố định băng rộng. Thế nhưng, để có
thể duy trì vị trí hiện tại và đặc biệt là mở rộng ra các thị trường khác nữa thì Viettel cần có một sự tiêu
chuẩn hóa để có thể đạt được lợi thế theo quy mô cũng như là tăng được độ nhận diện thương hiệu trên
toàn cầu. Bước đầu tiên, Viettel nên tiến hành tiêu chuẩn hóa về cách quản lý giữa các trụ sở. Sau đó,
khi đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, Viettel nên tiến hành cải cách và tiêu chuẩn hóa về một
thương hiệu chung trên toàn cầu (nhưng không phải là Viettel) cũng như là dịch vụ cung cấp trên toàn
quốc. Điều này có thể là một cuộc cải cách lớn, khá tốn chi phí vì đi ngược với chính sách hiện tại của
Viettel. Do đó, Viettel cần phải lên một chính sách tiêu chuẩn hóa toàn cầu thật chi tiết và cụ thể.

II. Đổi mới, đa dạng công nghệ.


Như đã đề cập ở trên, Viettel hiện đang bị đe dọa bởi cách tập đoàn công nghệ mới. Do đó, Viettel
cần phải nghiên cứu và cải tiến công nghệ. Hiện nay, Viettel đã cung cấp dịch vụ Internet với hệ
thống cáp quang giúp người tiêu dùng có thể truy cập internet nhanh chóng. Tuy nhiên, Viettel cũng
cần phát triển thêm các ứng dụng, dịch vụ theo kịp xu thế và cạnh tranh trực tiếp với Messenger,
Zalo và các ứng dụng trao đổi thông tin khác. Do đó, Viettel cần phải chú trọng vào nghiên cứu và
phát triển sản phẩm, cắt giảm một số chi phí khi đạt khi mua được được lợi thế theo quy mô khi
thực hiện tiêu chuẩn hóa để từ đó tạo được những phẩm công nghệ tiên tiến, dẫn đầu thị trường.
Đồng thời, Viettel cũng tính đến những phương án về tách ra hoặc chiếm phần lớn cổ phần của các
công ty liên doanh nhằm tạo thế chủ động cho Viettel cũng như tránh được tình trạng đánh cắp công
nghệ.

III. Dịch vụ chăm sóc khách hàng.


Bên cạnh đó, Viettel cũng phải luôn nâng cấp hệ thống chăm sóc khác hàng. Viettel phải luôn coi
trọng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, luôn lắng nghe đóng góp ý kiến của khách hàng để cải
thiện dịch vụ. Viettel có thể tạo các chương trình về quà tặng, chiết khấu cho những khách hàng có
những đánh giá chân thật về chất lượng và dịch vụ của Viettel sau khi sử dụng. Nếu Viettel làm tốt
được trong mảng này thì sẽ có thể tận dụng được một kênh truyền thông cực kỳ hiệu quả là Truyền
miệng. Viettel cũng cải tiếng từ đóng góp của khách hàng nên các dịch vụ của khách hàng cũng dễ
đi vào lòng người dân.

PHẦN 5: KẾT LUẬN


Bài tiểu luận cơ bản đã trình bày được cách thức Viettel xâm nhập cách thị trường trọng tâm của
Viettel là Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique, cũng như đã chỉ ra một số vấn đề mà Viettel
phải đối mặt khi kinh doanh ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng đã đề xuất được một số
giải pháp để Viettel có thể tháo gỡ khó khăn khi kinh doanh Quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình
làm bài còn nhiều thiếu sót. Mong cô đóng góp thêm ý kiến để bài tiểu luận có thể hoàn thiện hơn.

7
PHẦN 6: TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Minh Thi. (Ngày 11 tháng 1 năm 2021). Lợi nhuận trước thuế của Viettel đạt gần 40.000 tỷ
đồng. Báo Chính phủ.
2. An An. (Ngày 29 tháng 7 năm 2021). Đẩy mạnh chuyển đổi số, doanh thu Viettel 6 tháng
đầu năm 2021 tăng mạnh. Công an nhân dân online.
3. Hoàng An. (Ngày 17 tháng 12 năm 2016). Viettel có dám thay đổi trong thời Facebook,
Zalo? Báo Thanh Niên.
4. P.Q. (Ngày 25 tháng 4 năm 2019). Điều ít biết về khoản đầu tư 1 triệu USD của Viettel ở
Campuchia. Tuổi trẻ Online.
5. Phạm Vân. (Ngày 21 tháng 2 năm 2019). Viettel đạt 2,2 tỷ đô doanh thu sau 10 năm có mặt
tại Campuchia. Báo VN EXPRESS.
6. An An. (Ngày 04 tháng 06 năm 2019). Vượt hai nhà mạng Top 10 thế giới, Bitel tại Peru
được khách hàng yêu thích. Báo Công an Nhân dân online.
7. Quân Đội Nhân Dân. (Ngày 4 tháng 10 năm 2011). Viettel và “chiến lược người nghèo” tại
thị trường Haiti. Vietstock.
8. Quân Đội Nhân Dân. (Ngày 4 tháng 10 năm 2011). Viettel và “chiến lược người nghèo” tại
thị trường Haiti. Vietstock.
9. Giang Quốc Hoàng. (Ngày 29 tháng 10 năm 2019). Viettel và chiến lược trẻ hóa thương
hiệu Metfone tại Campuchia. Zingnews.
10. VnEconomy. (Ngày 2 tháng 2 năm 2021). Viettel Gobal đạt lợi nhuận gần 1100 tỷ đồng
năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2021 tại: https://vneconomy.vn/viettel-global-
dat-loi-nhuan-gan-1100-ty-dong-nam-2020.htm
11. Viettel. (2021). Báo cáo thường niên 2020. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2021 tại:
https://static2.vietstock.vn/data/HNX/2020/BCTN/VN/VGI_Baocaothuongnien_2020.pdf

You might also like