You are on page 1of 3

RA-MA BUỘC TỘI

(Trích Ra-ma-ya-na – sử thi Ấn Độ)


I/ TÌM HIỂU CHUNG
- Ra-ma-ya-na là thiên sử thi Ấn Độ nổi tiếng thế giới, ra đời vào khoảng thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên. Tác
phẩm liên tục được nhiều thế hệ tu sĩ – thi nhân bổ sung về nội dung, trau chuốt về nghệ thuật và đạo sĩ Van-
mi-ki là người hoàn thiện cuối cùng.
- Đoạn “Ra-ma buộc tội” trích trong khúc ca thứ 6, chương 79 sử thi Ra-ma-ya-na.
- Đoạn trích được chia làm hai phần:
+ Phần 1: “Gia-na-ki khiêm nhường ... Ra-na-va đâu có chịu đựng được lâu”: Lập luận buộc tội của
Ra-ma.
+ Phần 2: “Nghe những lời tức giận ... trước cảnh tượng đó”: Lập luận tự bảo vệ, tự bênh vực của Xi-
ta và hành động dứt khoát của Xi-ta.
II/ PHÂN TÍCH
* Không gian và thời gian của cuộc gặp mặt cũng rất đặc biệt. Không gian là nơi công cộng, thời gian là ban
ngày. Cuộc gặp diễn ra tại một địa điểm đông người, giữa ban ngày. Đây là kiểu không – thời gian công khai
cho thấy tính chất khác thường của cuộc tái ngộ của vợ chồng này.
- Số lượng nhân vật tham dự buổi gặp mặt đó rất đông liên quan tới cuộc tái ngộ đặc biệt mang tính chất tòa
án buộc tội. Đó là:
+ Những người thuộc các đội quân của loài Rắc-sa-xa, loài Va-na-sa.
+ Quân đội của Ra-ma với sự hiện diện của các em Ra-ma: Vi-phi-sa-na, Lắc-ma-na, Bha-ra-ta, Xa-
tru-na và vua khỉ Xu-gri-va.
+ Nổi lên bình diện cận cảnh là Ra-ma và Xi-ta.
* Trong thời đại sử thi, danh dự cá nhân luôn gắn liền với danh dự cộng đồng, dòng dõi. Bảo vệ danh dự cá
nhân cũng là bảo vệ danh dự cộng đồng, dòng dõi, đặc biệt đối với một ông vua. Xuất phát từ hoàn cảnh Ra-
ma bị cướp vợ, Xi-ta bị bắt cóc, cho nên cả hai nhân vật đều bị đặt trước thử thách là phải kiểm định lại phẩm
chất đạo đức theo đòi hỏi của ý thức cộng đồng. Do đó, hai người bị đặt vào hai vị thế đối lập: người buộc tội
và người bị buộc tội. Với tư cách là người buộc tội, Ra-ma đã đưa ra những lập luận dựa trên nguyên tắc đạo
lí cộng đồng và đi tới hành động quyết liệt là từ bỏ vợ mình.
* Nhân vật Ra-ma xuất hiện với hai tư cách:
+ Ông vua đứng đầu cộng đồng. Tư cách một ông vua đòi hỏi phải tuân theo quy ước của cộng đồng,
đặc biệt là quy ước danh dự cá nhân – danh dự cộng đồng.
+ Người chồng có vợ bị quỷ vương bắt cóc. Người chồng đó không thể yên tâm về vợ đã sống chung
nhiều ngày trong xứ sở quỷ vương.
* Nhân vật Xi-ta với tư cách là phu nhân của đức vua và là người bị bắt cóc, đồng thời là người bị buộc tội.
Song, Xi-ta cũng có dòng dõi cao quý: “Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của
nhà vua Gia-na-ka chứ không phải thiếp sinh ra trong gia đình đó; chỉ có nữ thần Đất là mẹ của thiếp thôi”.
Như vậy, dòng dõi của Xi-ta không phải là phàm tục, mà là dòng dõi của thần linh. So với dòng dõi của Ra-
ma thì sự xuất thân của Xi-ta bội phần danh giá. Xi-ta cũng có ý thức bảo vệ danh dự của dòng dõi thần linh
của mình.
- Khi bị đặt trong hoàn cảnh bất ngờ như vậy, Xi-ta – trong tư cách người bị buộc tội – cũng đưa ra những lập
luận dựa trên nguyên tắc của cộng đồng để phản bác lại, và cao hơn là chọn cho mình cái chết một cách tự
nguyện để minh chứng cho sự trong trắng của bản thân. Xi-ta có niềm tin mãnh liệt vào chính bản thân mình
và đồng thời khi chọn cái chết tự nguyện, cũng thể hiện rất cao ý thức trách nhiệm trước cộng đồng.
=> Cả Ra-ma và Xi-ta, khi bị đặt vào tình huống đối đầu ngoài ý muốn, đều đã thể hiện phẩm chất cao quý
dựa trên nguyên tắc tôn trọng đạo lí cộng đồng, đều là mẫu mực của kiểu anh hùng sử thi.
1) NGƯỜI ANH HÙNG RA-MA:
- Ra-ma biểu thị hai thái độ:
+ Một ông vua có thần dân bị bắt cóc. Một quân vương bị xúc phạm thì phải rửa mối nhục ấy.
+ Một người chồng có vợ bị quỷ vương chiếm đoạt. Một người chồng bị lăng nhục cũng phải rửa nỗi
nhục đó. Song khi đã cứu được vợ, giải thoát vợ khỏi bàn tay quỷ vương thì sự ghen tuông cũng nổi lên. Thật
ra, sự ghen tuông cũng rất bình thường, nó thể hiện sắc đẹp của vợ mình bị người khác xúc phạm.
- Lời của Ra-ma trước hết là lời tuyên cáo kiêu hãnh về thắng lợi: “Ta đã làm tất cả bằng khả năng của mình.
Ta đã trả thù kẻ lăng nhục ta và cơn giận của ta đã hả. Ngày hôm nay, tất cả đã chứng kiến tài nghệ của ta.
Ta đã làm trọn lời hứa của ta”... => Những lời nói đó chứng tỏ cuộc chiến đấu chàng chống lại quỷ vương chỉ
vì trả thù, vì danh dự của chàng.
- Nhìn thấy Xi-ta tròn đôi mắt kinh ngạc, nhìn khuôn mặt bông sen xinh đẹp của nàng, Ra-ma cũng xúc động,
lòng cũng đau như cắt, nhưng vì sợ tai tiếng trước cộng đồng, chàng vẫn lặp lại mục đích chính của cuộc
chiến đấu là bảo vệ danh dự cá nhân và cộng đồng:
+ “Để trả thù sự lăng nhục, ta phải làm những gì mà một con người cần phải làm, đã tiêu diệt Ra-va-
na, ta giải thoát cõi thế gian này nỗi sợ hãi Ra-va-na”.
+ Ra-ma còn nói thẳng: “Chẳng phải vì nàng mà ta đã đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè.
Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lẫy lừng
tiếng tăm của ta, chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường”.
- Lời buộc tội gay gắt của Ra-ma dành cho Xi-ta: “Nay ta phải nghi ngờ nàng vì nàng đã lưu lại lâu trong nhà
một kẻ xa lạ. Trông thấy nàng, ta không chịu nổi như ánh sáng đối với người đau mắt”. Vì vậy, Ra-ma dẫn
đến hành động quyết liệt ruồng bỏ vợ mình:
+ “Vậy ta nói cho nàng hay, nàng muốn đi đâu thì tùy nàng, ta không ưng có nàng nữa... Nàng đã bị
quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng, vậy
làm sao ta có thể nhận nàng khi nghĩ tới gia đình cao quý đã sinh ra ta?”
+ “Ta không cần nàng nữa, nàng muốn đi đâu thì tùy ý nàng, nếu nàng thích thì có thể để tâm đến
Lắc-ma-na, Bha-ta-ra, Xa-tru-na hay đi theo Xu-gri-va cũng được...”
=> Hành động chối Xi-ta của Ra-ma rất nghiệt ngã nhưng không phải không có lí. Hành động đó cho
thấy vị quân vương luôn đứng trên quyền lợi của cộng đồng, luôn chứng tỏ là người chồng có tầm nhìn xa
trông rộng. Bởi lẽ, tình yêu thương bao giờ cũng gắn liền với danh dự, bỏ mất danh dự thì tình yêu thương chỉ
còn lại là sự thương hại, một sự rẻ rúng. Hiển nhiên đi đến quyết định đó không phải dễ dàng. Điều này thể
hiện mối xung đột dữ dội bên trong của Ra-ma: Một mặt muốn cưu mang, đùm bọc Xi-ta, mặt khác muốn bảo
vệ danh dự dòng dõi của mình; mặt khác tiếc thương cho sắc đẹp trời ban của Xi-ta, mặt khác, lại lo sợ tiếng
nói của mình không có trọng lượng trước cộng đồng khi tiếp tục chung sống với người vợ đã có thời gian ở
trong nhà quỷ vương Ra-va-na. Tuy có xung đột nội tâm như vậy, song quyết định cuối cùng vẫn phải đứng
trên lập trường của cộng đồng, của “cái ta” để gạt bỏ “cái tôi” cá nhân. Đây là vẻ đẹp của người anh hùng Ra-
ma và cũng là vẻ đẹp của các anh hùng sử thi nói chung.
- Mọi thái độ của Ra-ma đều thể hiện công khai, không giấu giếm. Không gian để Ra-ma đi đến quyết định có
vẻ tàn nhẫn ấy là không gian công cộng, song không phải là không gian lễ hội vui vẻ, chan hòa mà là không
gian tòa án. Xung đột bên trong của Ra-ma được nhân lên và chỉ có một giải pháp duy nhất là chối bỏ Xi-ta.
Ra-ma không kết thúc cuộc đời Xi-ta, không tạo ra hình thức chết cho Xi-ta. Song chối bỏ Xi-ta cũng đồng
nghĩa với việc giết chết Xi-ta về mặt tinh thần. Tất cả liên quan đến quy ước cộng đồng mà người anh hùng sử
thi không có cách xử sự nào khác.
=> Tóm lại, Ra-ma tuy xuất thân là thần thánh, là thần Vi-snu giáng thế, là bậc quân vương, vị anh
hùng nhưng chàng có đủ cung bậc tình cảm của con người trần tục. Chàng yêu hết mình, ghen cực độ, có lúc
oai phong lẫm liệt, nhưng cũng có lúc yếu mềm, nhu nhược; có lúc cao thượng, vị tha, nhưng bậc quân vương,
người anh hùng này cũng có lúc quá nhỏ nhen, ích kỷ. Từ đó, chúng ta thấy được ngòi bút của Van-mi-ki thật
sắc sảo, tinh tế, ông đã lột tả được một Ra-ma “rất người”, khiến cho nhân vật sử thi vượt qua được mọi ước lệ
cứng nhắc và khuôn sáo.
2) XI-TA – NGƯỜI PHỤ NỮ LÍ TƯỞNG CAO QUÝ:
* Trước khi gặp chồng:
- Xi-ta nóng lòng muốn gặp lại người chồng yêu quý của mình. Thậm chí nàng không muốn trang điểm, nàng
bỏ qua tục lệ tắm rửa vì muốn tới gặp chồng cho nhanh. Việc làm đó của Xi-ta chứng tỏ tình yêu nồng nhiệt,
thắm thiết mà nàng dành cho người chồng yêu quý của mình.
- Khi gặp chồng, Xi-ta phải đương đầu với sự trái ngược trước một không gian ở đó rất đông người, lại mang
vẻ nghiêm trang thần bí. Ra-ma không niềm nở đón tiếp, cũng không chào hỏi xã giao mà Ra-ma đi vào thẳng
vấn đề. Xi-ta bị đặt hết tình huống bất ngờ này đến tình huống bất ngờ khác. Từ niềm vui mong mỏi được gặp
lại chồng, nàng bỗng bị đặt trước những lời phán xét cay nghiệt, những lời buộc tội nghiệt ngã. Xi-ta đã đưa
những lời lập luận để tự bênh vực, bảo vệ mình.
- Nghe những lời giận dữ và tàn nhẫn của Ra-ma trước mặt mọi người, nàng Xi-ta đau đớn đến nghẹt thở,
nàng đáng thương “như cây dây leo bị vòi voi quật nát”. Nghe lời tàn nhẫn của Ra-ma như mũi tên “xuyên
vào trái tim nàng”. “Nước mắt nàng tuôn như suối”.
- Nhưng Xi-ta là một phụ nữ cao thượng, nên lập luận của Xi-ta rất chặt chẽ, có trước có sau, từ tốn nhưng rất
kiên quyết:
+ Xi-ta thay đổi cách xưng hô với Ra-ma: khi gọi Ra-ma là chàng và tự xưng mình là thiếp (“Cớ sao
chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp”... ), khi gọi Ra-ma là Đức vua (“Hỡi Đức
vua”). Xi-ta cũng đối thoại trước hai tư cách của Ra-ma: tư cách người chồng và tư cách đức vua. Lời thoại
của Xi-ta còn hướng tới những người nghe xung quanh nữa, như một cách thanh minh, bào chữa cho mình.
Cách lập luận của Xi-ta khiến nàng là một người bị kết án trở thành người kết án, từ bị can trở thành quan tòa.
- Xi-ta đi tới quyết định tự phán xét mình, tự chọn cho mình hình thức cái chết, tự đưa ra hình thức giàn thiêu
không chút sợ hãi. Xi-ta trong trắng, vô tội, mà sự trong trắng, vô tội chỉ có thần linh chứng giám. Xi-ta không
cầu xin đức vua – tức Ra-ma, cũng không cầu xin Ra-ma – tức người chồng, cũng không cầu xin dân chúng,
Xi-ta chỉ cầu xin các thần: Cúi lạy chư thần, đấng Bra-ma, nàng thưa với thần Lửa A-nhi. Từ đó, sự can thiệp
của yếu tố thần linh trở thành giải pháp dân gian mang tính nhân đạo cao cả. Thần Lửa A-nhi sẽ trả lại sự
trong trắng toàn vẹn cho Xi-ta theo đúng nghĩa đạo lí dân gian, phù hợp với chuẩn mực cộng đồng.
- Trong văn hóa Ấn Độ, thần Lửa An-nhi giữ vị trí quan trọng, có thể coi đây là vị thần công lí và là người
phán xử tối cao. Do đó, giàn lửa cũng là tòa án tối cao, nơi xét xử công minh. Lửa thiêu đốt mọi tội lỗi, lửa
trừng trị cái ác, bảo vệ cái thiện, cái mĩ. Hành động bước vào giàn lửa của Xi-ta, một mặt cho thấy phong tục
tập quán quan trọng trong đời sống văn hóa Ấn Độ cổ xưa, mặt khác là sự tự khẳng định mình của Xi-ta, tự
mình minh oan cho mình, không chấp nhận mọi sự ghen tuông, đố kị, không chấp nhận lời ong tiếng ve. Hơn
nữa, Xi-ta hiểu được điều mình làm khi nhận thức rõ hơn vị thế của Ra-ma trong xã hội: từ chỗ xưng hô thân
mật chàng – thiếp, Xi-ta thay đổi cách xưng hô: Đức vua, Người – thiếp (“Hỡi Đức vua! Như một người thấp
hèn bị cơn giày vò, Người đang nghĩ về thiếp như một phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi thiếp
có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka chứ không phải vì thiếp sinh ra trong gia đình đó; chỉ có
nữ thần Đất là mẹ của thiếp thôi”). Điều đó cho thấy, Xi-ta cũng bảo vệ danh dự của riêng mình, danh dự của
cộng đồng. Ý thức về danh dự là phẩm chất quan trọng của nhân vật Ra-ma và Xi-ta.
- Xi-ta có một sự phân biệt rõ ràng giữa một bên là thân xác, một bên là tinh thần:
+ Đối với thân xác, Xi-ta bất khả kháng khi bị quỷ vương bắt cóc (“đụng tới thiếp khi mà thiếp đáng
chết ngất”).
+ Đối với tinh thần, đó là tình yêu tuyệt đối, sự chung thủy mà Xi-ta dành cho Ra-ma. Quỷ vương
không thể nào làm lay chuyển tình yêu ấy, không thể nào chiếm được tình yêu ấy. Hiển nhiên khi bọc Xi-ta
vào vạt áo để bay về đảo Lan-ka, quỷ vương đã chạm vào người của Xi-ta, nhưng đó là chạm vào thân xác
chứ không thể chạm vào tinh thần, hơn thế trạng thái của Xi-ta lúc đó chỉ là cái xác không hồn. Khi thấy thái
độ không thể lay chuyển của Ra-ma, Xi-ta cũng hướng tới một hành động quyết liệt để minh oan cho mình.
- Trong xã hội thời kỳ sử thi, vai trò của thần linh rất quan trọng. Thần linh là người chứng giám, bảo trợ, là
trọng tài phân xử tranh chấp. Xi-ta không thể trông mong vào sự cảm thông của Ra-ma, cũng không thể trông
cậy vào sự đồng tình của dân chúng vì họ cũng chỉ là những người lệ thuộc vào Ra-ma. Do đó, Xi-ta chỉ cầu
xin thần linh.
- Lời cầu xin của Xi-ta với thần Lửa A-nhi, một mặt để nói với thần, mặt khác hướng tới những người xung
quanh, hướng tới Ra-ma: “Nếu con trước sau một lòng một dạ với Ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ
con. Ra-ma đã coi con một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối, nhưng nếu con trong trắng, xin thần A-nhi
phù hộ cho con.” Hành động khoan thai bước vào ngọn lửa của Xi-ta là đỉnh cao chói lọi trong tính cách của
nàng. Hành động đó đã tô đậm tính chất bi hùng của thiên sử thi Ra-ma-ya-na vĩ đại. Tấm lòng của Xi-ta là
tấm lòng vàng đã được thử lửa. Vì nàng trung trinh, sắt son, nên thần Lửa A-nhi – thần tượng cho sự minh
quang chính đại đã không thiêu đốt nàng. Thân hình nàng rực rỡ như đóa hoa sen xòe cánh, nhị vàng tỏa
hương thơm.
=> Khi miêu tả tâm lí Xi-ta, Van-mi-ki thật tinh tế. Ông đã theo sát diễn biến tâm trạng của nàng như một làn
sóng biển trong xanh, khi lăn tăn, khi bồng bềnh, khi lắng đọng, khi trào dâng cuồn cuộn... Tác giả khắc họa
một Xi-ta trong sáng, chân thực, toàn vẹn – hình tượng người phụ nữ Ấn Độ cổ đại toàn thiện, toàn mĩ đáng
được ngưỡng mộ.
III/ TỔNG KẾT SGK
BÀI TẬP ỨNG DỤNG:
1) Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Xi-ta.
2) Hãy phân tích nhân vật Ra-ma.

You might also like